Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Sự sống lại của Đấng Christ và Sự cứu rỗi của chúng ta



Sự sống lại của Đấng Christ và Sự cứu rỗi của chúng ta
I Côrinhtô 15.1-5, 12-20


Phần giới thiệu:
Nếu không phải vì sự thật Đức Chúa Giêxu Christ đã chiến thắng sự chết và mồ mả, chúng ta sẽ không có mặt ở đây hôm nay trong buổi thờ phượng nầy. Cơ đốc giáo là đức tin xưng nhận có một Cứu Chúa hằng sống. Các môn đồ của Ngài nhóm lại đều đặn với nhau để học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện, và thờ lạy hầu kinh nghiệm sự hiện diện hằng sống của Ngài ở giữa họ (Mathiơ 18.20).

Tin lành không những là lời khuyên dạy làm lành; Tin lành còn là những tin tức tốt lành nữa. Đó là những tin tức tốt lành nói về Đức Chúa Trời cho hạng tội nhân khắp mọi nơi đều biết. Bỏ qua điều nầy là bỏ qua trọng tâm của Tin lành. Sự sống lại của Đức Chúa Giêxu Christ không những làm cho sự cứu rỗi của chúng ta ra khả thi, mà sự sống lại ấy còn làm cho ân cứu ấy ra chắc chắn nữa. Hêbơrơ 7.25 cho chúng ta biết rằng Chúa Giêxu: “Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy”.

Câu nói cảm động nầy khẳng định cả khả năng và quyết định của Đấng Christ hằng sống, Ngài cứu toàn vẹn những ai bởi Ngài mà chạy đến với Đức Chúa Trời. Tính cách chắc thật nầy dựa trên sự thật Ngài đã đắc thắng đối với tội lỗi, sự chết và mồ mả. Ngài sẽ ngự đời đời làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm hằng sống của chúng ta trước sự hiện diện của Đức Chúa Cha. Tấn sĩ Robert G. Lee, trong nhiều năm trời làm Mục sư chủ toạ Hội thánh Báptít Bellevue ở Memphis, Tennessee, đã giảng một bài mà ông đặt đề tựa là “Sự dối trá đen tối nhất của thế gian”. Sự dối trá đen tối nầy ... ấy là Đức Chúa Giêxu Christ không sống lại từ kẻ chết ... đã được bàn bạc trong thơ tín của Phaolô gửi cho tín hữu thành Côrinhtô.

Nếu Đấng Christ không sống lại, Hội thánh chẳng có một sứ điệp nào cho thế giới bị hư mất.

Nếu Đấng Christ không sống lại, Cơ đốc nhân không có gì để tin theo.

Nếu Đấng Christ không sống lại, các sứ đồ và hết thảy những nhà truyền đạo đã rao giảng không đúng về Đức Chúa Trời đã làm cho Đức Chúa Giêxu Christ sống lại từ kẻ chết.

Nếu Đấng Christ không sống lại, đức tin của quí vị chỉ là một cái vỏ vô dụng, trống không. Có bao giờ quí vị nhặt được một quả hồ đào hay quả mai châu [a pecan or hickory] rồi tưởng rằng ruột của nó sẽ dầy cơm ngon ngọt, song chỉ thấy đó là một cái vỏ trống trơn không? Đấy là một bức tranh nói tới đức tin của quí vị nếu Đức Chúa Giêxu Christ đã không sống lại từ kẻ chết.

Nếu Đấng Christ không sống lại, quí vị vẫn còn phạm tội và gánh chịu sự xét đoán, là hậu quả của tội lỗi.

Nếu Đấng Christ không sống lại, thì những tín đồ nào đã chết với đức tin nơi Đức Chúa Giêxu Christ sẽ bị hư mất. Họ đã qua đi đời đời, và chúng ta chỉ phung phí hơi thở của mình mà thôi.
Nếu Đấng Christ không sống lại, chúng ta là loại tạo vật buồn bã vì chúng ta đã kiến thiết đời sống của mình trên ảo ảnh.

Cảm tạ Đức Chúa Trời vì “Sự dối trá đen tối nhất của thế gian” đúng là một sự giả dối, vì sự thật cho thấy rằng Đức Chúa Giêxu Christ đã vinh hiển sống lại từ kẻ chết. Amen!

Ngôi mộ trống đã công bố cho các môn đồ của Chúa Giêxu, các cấp lãnh đạo người Do thái, và giới cầm quyền người La mã biết điều chi đã xảy ra cho thi thể đã được người ta đem chôn cất ở đó. Chính sự hiện ra nhiều lần của Đức Chúa Giêxu Christ đã làm biến đổi toàn vẹn nhiều tấm lòng và đời sống của các sứ đồ. Họ trở thành hạng truyền đạo nóng cháy của những tin tức tốt lành nói rằng án phạt của tội lỗi đã được trả thay, sự chết đã được thắng hơn, và Đức Chúa Giêxu Christ, Ngài hiện hằng sống. Đấng Christ phục sinh đã hiện ra cho các môn đồ Ngài thấy ít nhứt là 10 lần khác nhau. Lẽ thật rung động nói tới sự sống lại của Ngài đã cung ứng cho họ một sứ điệp đầy hy vọng cho một thế giới đang đối mặt với tuyệt vọng.

Giống như những phím bấm trên hàng ngàn cây kèn bạc, các vị sứ đồ đã đi ra để rao giảng Đức Chúa Giêxu Christ hằng sống. Đây không phải là điều bịa đặt trong sự tưởng tượng của họ. Đây chẳng phải là ảo ảnh mà họ đang vất vả vì nó. Đây chẳng là ảo tưởng mà vì đó họ đã chịu chết đâu!

Sự Sống Lại Minh Chứng Chúa Giêxu Ở Nazarét Là Con Độc Sanh Của Đức Chúa Trời.
Trước khi có sự sống lại của Ngài, các môn đồ đã tin Chúa Giêxu chính là Con của Đức Chúa Trời. Sách Rôma, chương 1, và câu 4 tuyên bố Ngài là “Con Đức Chúa Trời có quyền phép”. Theo sau sự sống lại của Ngài và nhiều lần Ngài hiện ra cho họ thấy, họ vốn biết Ngài chính là Con Đức Chúa Trời tới một cấp độ họ đã xếp hàng một phó thác đời sống của họ để nói cho nhiều người khác biết về ơn chửng cứu của Ngài. Sự sống lại của Chúa Giêxu đã minh chứng rằng sự Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá là một sự mặc khải của tình yêu thiêng liêng dành cho hạng tội nhân.

Khi Chúa Giêxu bị đóng đinh trên thập tự giá, các sứ đồ đã xem điều nầy là một tai vạ cá nhân. Đối với Chúa Giêxu, đây là một sự sĩ nhục công khai. Đối với họ, đây là một sự thất bại về mặt chính trị.

Chỉ qua cánh cửa của ngôi mộ trống, từ đó Chúa Giêxu đã sống lại từ kẻ chết cho thấy rằng sự chết của Đức Chúa Con trên thập tự giá là một sự mặc khải của tình yêu cao sâu dành cho hạng tội nhân.

Sự Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá đã tỏ ra tình yêu vô hạn của Đức Chúa Trời dành cho hạng tội nhân bất xứng. Tình yêu nầy không phải là thứ mà chúng ta có thể mua sắm hay kiếm được. Đây là ân ban miễn phí của Đức Chúa Trời. Vì vậy nhiều người cần phải được nghe thấy về sự bao la cả thể của tình yêu nầy.

Trong quyển “Đã được viết ra bằng máu”, Robert Coleman kể lại một câu chuyện nói tới một cậu bé, em gái của nó cần một sự truyền máu. Bác sĩ giải thích rằng nó mắc phải cùng chứng bịnh mà cậu bé kia đã qua khỏi hai năm trước. Cơ hội duy nhứt của nó để được phục hồi là một sự truyền máu từ một người đã qua khỏi, đã thắng hơn cơn bịnh đó. Từ khi 2 đứa trẻ đều có chung nhóm máu, cậu bé kia là người hiến máu rất lý tưởng.

Vị bác sĩ hỏi: “Cháu có chịu truyền máu cho Mary không?” Johnny ngần ngừ. Đôi môi của nó bắt đầu run rẩy. Kế đó, nó mĩm cười nói: “Thưa, bằng lòng ạ, vì em của cháu”. Không bao lâu sau đó, hai đứa trẻ đều được đưa vào trong phòng của bịnh viện … Mary, ốm yếu và xanh xao; còn Johnny, cường tráng và mạnh khoẻ. Chúng chẳng nói gì với nhau, nhưng khi ánh mắt chúng giao nhau, Johnny đã cười toe toét. Khi y tá ấn mũi kim vào cánh tay của nó, nụ cười của Johnny héo đi ngay. Nó nhìn thấy máu chảy ngang qua ống dẫn. Với thử thách gần như đã qua đi, giọng nói của nó, sang sảng phá vỡ sự im lặng: “Thưa bác sĩ, con sẽ chết chăng?”

Chỉ khi ấy vị bác sĩ mới biết lý do tại sao Johnny đã ngần ngừ, tại sao môi nó đã run lên khi nó đồng ý cho truyền máu. Nó tưởng rằng khi truyền máu cho em gái nó, có nghĩa là nó sẽ mất mạng. Trong khoảnh khắc, nó đưa ra quyết định quan trọng của mình. Không may, là Johnny đã không phải chết để cứu lấy em gái của nó. Tuy nhiên, đối với mỗi một người chúng ta, đang có một tình trạng còn trầm trọng hơn cả tình trạng của Mary nữa, và tình trạng ấy đòi hỏi Chúa Giêxu phải phó không những huyết của Ngài mà còn phải phó cả mạng sống của Ngài nữa.

Sự Sống Lại Cho Phép Chúa Giêxu Cầu Thay Cho Chúng Ta Trong Sự Hiện Diện Của Đức Chúa Trời.
Giăng, vị sứ đồ yêu dấu đã nói tới sự thật nầy khi ông viết để khích lệ con cái thuộc linh của ông, để họ tránh đừng sống trong tội lỗi nữa. Ông nói: “Hỡi con cái bé mọn ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng công bình. Ấy chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Giăng 2.1-2).

Tác giả thơ Hêbơrơ, viết về Đấng Christ là một đấng trung bảo, Ngài hành động vì ích cho chúng ta. “Vả Đấng Christ chẳng phải vào nơi thánh bởi tay người làm ra, theo kiểu mẫu nơi thánh thật, bèn là vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời” (Hêbơrơ 9.24).
Tác giả xác quyết rằng Đấng Christ đã phó chính mình Ngài và tiếp tục phó sự chết có tính cách hy sinh của Ngài làm một sự chuộc tội cho những ai tiếp nhận Ngài làm Chúa và Cứu Chúa. “Ấy là theo ý muốn đó mà chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Giêxu Christ một lần đủ cả.…Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời” (Hêbơrơ 10.10,14).

Ấy là bởi sự sống lại từ kẻ chết rất vinh hiển của Đấng Christ mà chức vụ cầu thay của Ngài mới thực sự khả thi. Ngài đã trở nên Cứu Chúa của chúng ta, Ngài cứu chúng ta ra khỏi án phạt của tội lỗi, ra khỏi thói quen của tội lỗi, và chắc chắn ra khỏi sự hiện diện của tội lỗi dựa theo sự thật Ngài là một Cứu Chúa hằng sống.
Sự Sống Lại Cung Ứng Cho Người Tín Đồ Một Chúa Hằng Sống Và Một Bạn Đồng Hành Trên Con Đường Sự Sống.

Đức Chúa Giêxu Christ còn hơn cả ký ức về một Đấng từng sinh sống trong quá khứ. Trong 40 ngày giữa sự sống lại và sự thăng thiên của Ngài, Ngài đã cung ứng cho các môn đồ nhiều minh chứng không thể tranh cãi được cho thấy Ngài đã chiến thắng sự chết và mồ mả bởi “tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời” (Công Vụ các Sứ Đồ 1.3).

Ngài khích lệ họ nên chờ đợi một ân tứ quí báu đến từ Đức Chúa Cha “Ngài dặn rằng đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các ngươi đã nghe ta nói…nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh” (Công Vụ các Sứ Đồ 1.4-5).

Trong tin lành nói về Đức Thánh Linh, như Tin lành Giăng đã nói, Chúa Giêxu đã hứa ở một thời điểm khi các môn đồ không hiểu nổi lời phán dạy của Ngài: “Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi” (Giăng 14.18). Ngài phải làm ứng nghiệm lời hứa nầy vào ngày Lễ Ngũ Tuần khi Đức Thánh Linh sẽ ngự đến để ở với Hội thánh.

Với tác giả của sách Tin lành Giăng, chúng ta sẽ nghe Chúa Giêxu phán: “Còn ngươi, hãy theo ta” (Giăng 21.22).

Với các môn đồ đang có mặt trên đỉnh núi, chúng ta sẽ nghe Chúa Giêxu đưa ra một sự ủy nhiệm thiêng liêng. Ngài truyền cho họ phải “đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Mathiơ 28.19-20).

Chúng ta sẽ nghe Chúa Giêxu đưa ra một lời hứa với những người đã dâng mình trong sự vâng phục theo mạng lịnh của Ngài. Ngài hứa sự hiện diện của Ngài sẽ là ở bên trong, Ngài phán: “và nầy, ta thường ở với các ngươi cho đến tận thế” (Mathiơ 28.20).
Phần kết luận:
Phải, Đức Chúa Giêxu Christ thật vinh hiển hằng sống. Ngài đang đứng tại cửa lòng quí vị sốt sắng muốn đem nhiều phước hạnh của Đức Chúa Trời vào trong đời sống của quí vị. Hãy mời Ngài ngự vào đi. Hãy để Ngài cùng đi với quí vị dọc theo con đường sự sống. Hãy đồng đi với Ngài khi Ngài hướng dẫn quí vị vào sự phục vụ có ý nghĩa, sống động. Đức Chúa Giêxu Christ, Ngài hằng sống! Hallelujah!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét