Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Mathiơ 16.1-12: "Cái thấy thuộc linh"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Cái thấy thuộc linh
Mathiơ 16.1-12
1. Là người Mỹ, chúng ta đánh giá cao thị lực tốt. Chúng ta tốn khoảng 5 tỉ đôla mỗi năm cho những người chuyên đo thị lực, bác sĩ nhãn khoa, kính đeo mắt, làm quen với giải phẩu bằng laser và đặt kính thủy tinh thể. Một tỉ lệ nhỏ phần trăm dân cư của chúng ta bị mù hoàn toàn. Ngược lại với nhiều người trong thế giới thứ ba và các nước phát triển, ở đó nhiều, nhiều người đang chịu khổ vì tình trạng mù loà và thị lực nghèo nàn.
2. Mác 10.46-52 cung ứng cho chúng ta câu chuyện nói về một người ăn xin mù có tên là “Batimê”. Ông ta nghe nói Chúa Giêxu đang đi ngang qua thành Giêricô nên kêu lên: "Hỡi Đức Chúa Jêsus, con vua Đa-vít, xin thương tôi cùng!" Mặc dù nhiều người khác tìm cách làm cho ông ta phải im lặng, Chúa Giêxu đã nghe thấy và "dừng lại". Ngài cho đòi ông ta đến rồi hỏi: "Ngươi muốn ta làm chi cho ngươi?" Ông ta đáp: "Lạy Thầy, xin cho tôi được sáng mắt". Chúa Giêxu phán: "Đi đi, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi rồi". Câu cuối cùng chép: "tức thì người mù được sáng mắt", không những thấy về con mắt thật, mà còn thấy về mặt thuộc linh nữa vì ông ta đã "đi theo Đức Chúa Giêxu trên đường". Thật là quan trọng khi có hai con mắt tốt để nhìn thấy rõ rệt, còn quan trọng hơn nữa khi có thể nhìn thấy về mặt thuộc linh.
3. Chúa Giêxu đã đến để ban cho chúng ta cái thấy về mặt thuộc linh (đọc Giăng 1.4-13).
4. Hết thảy mọi người đều bị mù về mặt thuộc linh, không thể nhìn thấy nhu cần của họ về Đức Chúa Trời. Tân Ước đề nghị ba lý do tại sao con người ta đều bị mù về mặt thuộc linh.
A. Lý do thứ nhứt là TỘI LỖI. Người ta chọn chối bỏ Đức Chúa Trời và chìu theo tội lỗi. Chúa Giêxu đã phán trong Giăng 3.19: "Vả, sự đoán xét đó là như vầy: sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa".
B. Lý do thứ hai là SATAN. Kẻ thù của chúng ta đang hành động để che khuất sự sáng của Chúa Giêxu. II Côrinhtô 4.4 chép: "…cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời".
C. Lý do thứ ba là QUYỀN TỂ TRỊ. Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị. Khi loài người cứ khăng khăng kháng cự sự sáng của Đức Chúa Trời, Ngài phó họ cho sự tối tăm vì cái tôi của họ đã lựa chọn. Chúa Giêxu đã phán trong Luca 19.42: "Ước gì, ít nữa ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy".
5. Khi chúng ta xem xét phân đoạn nầy, chúng ta sẽ tiếp thu các đặc điểm của tình trạng mù loà thuộc linh và tình trạng của những người đã được ban cho cái thấy về mặt thuộc linh.
I. Một số người sẽ ở lại trong tình trạng mù thuộc linh (các câu 1-4).
A. Họ từ chối không chịu tin (câu 1).
1. Thứ nhứt, hãy để ý là người "Pharisi và Sađusê" đã đến với Chúa Giêxu. Hai nhóm người nầy là hai nhóm đối ngược như mặt trời mặt trăng, hai kình địch về tôn giáo và chính trị.
2. Người "Pharisi" là những người bảo thủ, những người chính thống trong đức tin của người Do thái. Nói chung họ xuất thân từ giai cấp lao động và dân thường. Nan đề của họ, ấy là họ đã đặt mọi lời truyền khẩu của các rabi ngang hàng với Kinh Thánh. Họ là những người tin kính phân rẽ và kháng cự lại bất kỳ một sự đổi thay nào trong Do thái giáo.
3. Người "Sađusê" thiên về tự do tôn giáo. Họ bất chấp mọi sự dạy của các rabi lẫn Kinh Thánh. Họ theo đuổi chiều hướng chính trị đích thực. Tiêu chuẩn trong tín điều của họ là chối bỏ sự sống lại, thiên sứ và sự bất tử. Họ tin rằng tôn giáo là một bộ luật đạo đức. Họ xuất thân từ tầng lớp quí tộc Do thái. Từ các đẳng cấp của họ, có nhiều thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy chủ tế.
4. Điều đáng ngạc nhiên, ấy là hai nhóm đối ngược nầy đã tìm được sự hiệp một trong sự họ từ chối không chịu tin theo Chúa Giêxu. Đây là đỉnh cao cho những người Cộng hoà và Dân chủ trong quốc hội tìm được tiếng nói chung nhằm vào một vấn đề. Người "Pharisi" vốn thù ghét Ngài vì Ngài loại bỏ mọi lời truyền khẩu của họ. Người "Sađusê" thù ghét Ngài vì Ngài cứ khăng khăng về sự thuộc linh. Giờ đây, họ là bạn đồng công trong sự vô tín.
5. Một phân đoạn tương ứng là Mác 8.11 cho thấy rằng người "Pharisi" đã ra sức "thử” Chúa Giêxu. Thay vì nhìn nhận tình trạng mù loà thuộc linh của họ rồi chạy đến với Chúa Giêxu để được sáng láng, họ đã đến trực tiếp với kẻ thù tệ hại nhất của họ, là người "Sađusê" để xin giúp đỡ và ủng hộ.
6. 2.000 năm đã trôi qua và vẫn có những vụ việc “vũ như cẩn”. Vẫn có hạng người rất tôn giáo, họ từ chối không chịu tin theo Chúa Giêxu vì lẽ thật của Ngài loại bỏ mọi truyền thống của họ. Vẫn có hạng người tự do tôn giáo, họ từ chối không chịu tin theo Chúa Giêxu vì khi tin theo Ngài họ phải tin những điều mà họ không nhìn thấy. Cả hai đều bị mù thuộc linh trong sự vô tín của họ.
B. Họ bất chấp những lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời (các câu 2-4a).
1. Cả hai nhóm đã đến đặng "thử Ngài".
2. "Thử" có nghĩa là tìm cách. Cách dùng khác của từ nầy trong Tân Ước, Hêbơrơ 11.29, ở đây tác giả nói tới người Ai cập "thử" đi qua Biển Đỏ. Chính người Ai cập tìm cách thắng hơn Môise và người Hêbơrơ, người "Pharisi và Sađusê" đã tìm cách thắng hơn Chúa Giêxu.
3. Sự họ thử Chúa là xin Ngài: "làm cho xem một dấu lạ từ trời". Họ đã chứng kiến nhiều dấu lạ hay nhiều việc làm lạ lùng rồi. Họ đã trông thấy Ngài chữa lành kẻ đau, khiến cho người mù được thấy, khiến cho kẻ què đi được, đuổi nhiều quỉ dữ và nhiều việc làm siêu nhiên khác.
4. Họ không chối bỏ quyền phép siêu nhiên của Ngài. Thực vậy trong 12.24 họ đã gán quyền phép của Ngài cho Satan. Một sự mê tín của người Do thái, ấy là ma quỉ có thể làm ra nhiều phép lạ trên đất, nhưng chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm ra các dấu lạ ở trên trời.
5. Họ muốn xem "một dấu lạ từ trời" hay từ trên bầu trời. Họ nghĩ điều cầu xin nầy vượt quá khả năng của Ngài. Họ muốn làm cho quyền phép Ngài phải bị hạ thấp giống như không đến từ Đức Chúa Trời vậy.
6. Cái điều họ không trông thấy vì cớ tình trạng mù loà thuộc linh của họ, ấy là chính mình Chúa Giêxu là một "dấu lạ đến từ trời". Khi Simêôn nhìn thấy Đấng Mêsi lúc 8 tuổi trong đền thờ, ông đã nói tiên tri: "Đây, con trẻ nầy đã định làm một cớ cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc dấy lên, và định làm một dấu gây nên sự cãi trả" (Luca 2.34).
7. Có nhớ Pharaôn và Môise không? Môise càng đưa ra những dấu lạ về quyền phép của Đức Chúa Trời, thì tấm lòng của Pharaôn càng trở nên chai cứng hơn.
8. Nhà vô thần người Pháp là Voltaire công bố: "Cho dù một phép lạ được làm ra công khai ngay khu chợ trước hàng ngàn người chứng kiến, tôi tin vào nhận thức của tôi hơn là công nhận một phép lạ".
9. Một tấm lòng con người đặt trên sự tăm tối sẽ càng tối tăm thêm. Con mắt thuộc linh nào chối bỏ sự sáng sẽ bị sự sáng che khuất đi.
10. Để trả lời cho họ, Chúa Giêxu chỉ cho họ thấy các dấu lạ đã có rồi ở trên trời. Ngài phán: "Khi chiều tối đến, thì các ngươi nói rằng: sẽ tốt trời, vì trời đỏ. Còn sớm mai, thì các ngươi nói rằng: Hôm nay sẽ có cơn dông, vì trời đỏ và mờ mờ" (các câu 2-3a). Điều nầy tương tự với những thủy thủ xưa nói: "Trời đỏ lúc ban đêm, thủy thủ vui mừng. Trời đỏ ban ngày, lời cảnh cáo của thủy thủ".
11. Ngài gọi họ là "giả hình". Ngài phán: "Các ngươi biết phân biệt rõ sắc trời, mà không phân biệt được dấu chỉ thì giờ ư!" Cho phép tôi đóng ngoặc đơn; "Các ngươi được định cho làm lãnh đạo dân sự của Đức Chúa Trời có thể hiểu được một số lời cảnh báo thông thường bằng cách nhìn xem bầu trời. Dù vậy, các ngươi lại mù loà, các ngươi không thể nhìn thấy Đức Chúa Trời đang làm gì ở chung quanh các ngươi!"
12. Hãy chú ý mọi sự ở chung quanh chúng ta xem, người ta đang thêm lên tri thức và sự hiểu biết. Chúng ta đang sống trong một kỹ nguyên thông tin. Kỹ thuật đang chạy nước rút ở một tốc độ ngày càng nhanh. Chúng ta biết nhiều hơn bất cứ một thế hệ nào đã đến trước chúng ta, nhưng chúng ta lại chẳng màng gì tới các vụ việc của Đức Chúa Trời.
13. Chúa Giêxu hiểu rõ mọi động lực của họ. Ngài phán: "dòng dõi hung ác gian dâm nầy xin một dấu lạ". Họ muốn thấy một dấu lạ vì họ đã không chịu tin. Họ không tin thậm chí có một dấu lạ nào khác. Mác nói Chúa Giêxu đã “than thở trong lòng".
14. Dấu lạ duy nhất họ sẽ nhận được là "dấu lạ của tiên tri Giôna". Muốn hiểu rõ điều nầy, hãy trở lại với 12.39-41. Chỗ nầy nói tới sự chết, sự chôn và sự sống lại của Chúa Giêxu. Tất nhiên là họ sẽ từ chối không tin dấu lạ ấy. 28.12-14 cho chúng ta biết rằng họ đã trả tiền cho mấy tên lính đi nói thân thể phục sinh của Ngài đã bị lấy cắp.
C. Họ đã bị Đức Chúa Trời bỏ (câu 4b).
1. Với câu nói sau cùng đó, Chúa Giêxu đã "bỏ họ mà đi". Từ Hy lạp ở đàng sau chữ "bỏ" có nghĩa là "bỏ hoàn toàn". Đây cũng là một chữ được sử dụng để mô tả Mathiơ đang rời bỏ công ăn việc làm của mình tại sở thuế vụ và những kẻ tố cáo người đờn bà phạm tội tà dâm quả tang đang bỏ đi. Từ nầy có nghĩa là "tốt nhất là quên đi".
2. Vì cớ tình trạng mù loà về mặt thuộc linh cố ý của họ, vì họ không chịu tin, Chúa Giêxu đã bỏ họ. Ngài sẽ không ban cho họ một chút ân điển nào hết.
3. Dù Đức Chúa Trời là Đấng "giàu lòng thương xót" Ngài sẽ hoàn toàn quên những kẻ cố tình ở trong tình trạng mù loà thuộc linh (Roma 1.24-28). Sự phán xét chắc chắn giáng xuống.
II. Một số người sẽ được ban cho sáng láng về mặt thuộc linh (các câu 5-12).
A. Họ theo sau Chúa Giêxu (câu 5).
1. Sau khi Chúa Giêxu bỏ người "Pharisi và Sađusê" trong chỗ tối tăm thuộc linh của chính họ, các môn đồ Ngài đã đi theo Ngài "đến bờ bên kia" của Biển Galilê.
2. Đừng nhắm vào tầm quan trọng sự cung kính của họ. Trọn đời sống của họ, họ đã được truyền cho phải tôn trọng và tin theo hệ thống tôn giáo mà người "Pharisi và Sađusê" đã tiêu biểu cho. Bằng cách đi theo Chúa Giêxu, họ đang chối bỏ lai lịch văn hoá của riêng họ. Họ đã làm thế vì họ đã nhìn thấy sự sáng và muốn được sáng láng càng hơn!
3. Không phải người nào đã nhìn thấy sự sáng của Chúa Giêxu đều trung tín đi theo Ngài đâu! Hãy mở ra Giăng 6.66-69. Quí vị gần như trông thấy sự sáng láng thuộc linh của họ càng sắc bén và rõ ràng hơn khi Phierơ hỏi: "Lạy Chúa, chúng tôi sẽ đi theo ai? Ngài có lời của sự sống đời đời".
B. Họ lắng nghe Chúa Giêxu cách cẩn thận (các câu 6-11).
1. Khi họ xếp hàng trên bãi biển, trời đã xế chiều, họ chẳng có một thứ đồ ăn hay “bánh” nào hết. Trời sắp tối và bao tử của họ bắt đầu cào lên vì đói.
2. Có vài thành phố bên bờ hồ đó và chắc chắn không có một cửa hàng ăn McDonald hay một cửa hàng tiện nghi nào cả để họ có thể mua thức ăn ở đó. Họ đã đối diện với một buổi tối không có đồ ăn. Gần như tôi có thể nghe thấy họ đang càu nhàu vì đói bụng.
3. Chúa Giêxu đã sử dụng tình hình nầy để dạy dỗ. Ngài phán: "Hãy giữ mình cẩn thận về men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê". Các môn đồ không hiểu chi hết. Họ lại càng đâm lo ngay lúc ấy với những cái bụng đói của họ hơn là những lẽ thật thuộc linh mà Chúa Giêxu sắp nói với các cấp lãnh đạo tôn giáo. Họ đáp: "Đây là vì chúng ta không đem bánh theo ".
4. Chúng ta thường rất giống với họ. Đang khi chúng ta không đói khát về bánh, chúng ta khao khát các nhu cần khác trong cuộc sống, một việc làm mới, một chiếc xe hơi tiện dụng hơn, một ngôi nhà rộng hơn, v.v…Thay vì nhìn thấy bức tranh lớn, các lẽ thật thuộc linh và đời đời mà Đức Chúa Trời muốn dạy dỗ chúng ta, chúng ta lại lo lắng về các nhu cần tạm thời thuộc về đời nầy.
5. Chúa Giêxu không quan tâm về việc thiếu một bữa ăn như họ. Ngài quan tâm về lẽ thật của Tin Lành không bị vấy bẩn bởi "men" của các cấp lãnh đạo tôn giáo.
6. Ngài gọi họ "hỡi kẻ ít đức tin". Họ không quên mục tiêu vì họ thiếu thông tin hay vì họ không nhanh trí. Họ bỏ quên mục tiêu vì họ không luyện tập “đức tin”.
7. Chúa Giêxu nhắc cho họ nhớ rằng Ngài đã cho "năm ngàn người ăn" với "năm cái bánh" và họ đã thâu lại dư 12 giỏ bánh đầy. Mới đây Ngài đã cho "bốn ngàn người ăn" với "bảy ổ bánh" và họ "thâu lại bảy giỏ đầy bánh thừa" (15.37). Nếu Chúa Giêxu muốn, Ngài sẽ dễ dàng tạo ra nhiều thực phẩm hơn là họ từng ăn nữa.
8. Họ đã nương cậy vào chính mình họ hơn là nhơn đức tin tin cậy Chúa Giêxu. Chúng ta thường rơi vào cái bẩy ấy dường bao!
9. Với sự toan liệu như thế, Chúa Giêxu đã lèo lái nhắm vào trọng tâm của vấn đề. Ngài phán thật dứt khoát: "nhưng hãy giữ mình về men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê".
10. "Men" làm cho bánh dậy lên trước khi nướng. Tuy nhiên, phương thức duy nhất mà người xưa đã có khi tạo ra men là giữ yên mẻ bột nhỏ từ ngày trước. Mẻ bột ấy sẽ mau chóng thấm vào đống bột mới và làm cho bột dậy lên. Phaolô đã nói trong I Côrinhtô 5.6: "Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao?"
11. Môise đã dạy cho dân Hêbơrơ biết sử dụng bánh không men trong dịp Lễ Vượt Qua vì men tiêu biểu cho tội lỗi. Chúa Giêxu cũng đã kèm lẽ đạo ấy vào với Tiệc Thánh của Ngài.
12. Men là ảnh hưởng của tội lỗi. Chúa Giêxu muốn các môn đồ Ngài sẽ trở thành hạng sứ đồ và là nền của Hội thánh không để cho Tin Lành bị ảnh hưởng bởi sự dạy tội lỗi của người "Pharisi và Sađusê".
13. "Men của người Pharisi" là men của sự giả hình và sự họ xem trọng truyền khẩu hơn là Lời của Đức Chúa Trời. Thư tín của Phaolô gửi cho người Galati đã cảnh cáo chống lại những người theo Do thái giáo, là những người tìm cách thêm Luật pháp Môise vào Tin lành.
14. "Men của người…Sađusê" là men của tôn giáo theo kiểu tự do, đề kháng sự thuộc linh. Thư tín viết cho người thành Côlôse cảnh cáo coi chừng bị dối gạt bởi "triết lý hư không".
15. Họ đã nghe theo Chúa Giêxu. Họ có thể thấy về mặt thuộc linh, nhưng họ đã tìm cách thấy nhiều hơn. Con người với cái thấy thuộc linh không những tìm kiếm Chúa Giêxu, họ bám luôn nơi Lời của Ngài.
C. Họ học hỏi từ Chúa Giêxu (câu 12).
1. Có thể lúc đầu các môn đồ tưởng rằng Chúa Giêxu đang dạy họ đừng mua bánh từ các cấp lãnh đạo tôn giáo. Tuy nhiên, họ đã nhất thời hiểu sai, Chúa đã soi sáng cho sự hiểu của họ.
2. Sau cùng, trong câu 12 các môn đồ: "hiểu rằng Ngài chẳng bảo giữ mình về men làm bánh, nhưng về đạo của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê".
3. Chúng ta cần phải trụ lại nơi Lời của Ngài và lắng nghe Thánh Linh Ngài cho tới chừng nào chúng ta cũng “hiểu rõ”. Ngài ban cho chúng ta nhiều sự sáng láng thuộc linh khi chúng ta bằng lòng nhận lãnh.
Có một cô gái mù người Pháp được người ta biếu cho một quyển Tin lành Mác. Cô gái đến với đức tin nơi Đấng Christ bằng cách đọc sách ấy thật nhiều lần. Cô ấy đọc sách ấy nhiều đến nỗi mấy đầu ngón tay của cô bị chai cứng và không còn cảm giác nơi các dấu chấm nổi cộm kia nữa. Vì vậy, cô gái quyết định lột bớt lớp da bị phồng kia để mấy ngón tay của cô sẽ được mẩn cảm hơn. Khi làm như thế, mấy sợi thần kinh da tay của cô bị hỏng hết. Thấy không xong, cô cầm lấy quyển sách lên hôn từ biệt nó. Chỉ khi ấy cô gái mới hay rằng đôi môi của cô còn mẩn cảm hơn cả mấy ngón tay nữa. Đức Chúa Trời luôn luôn tìm một phương thức để soi rọi sự sáng vào trong tấm lòng của bất cứ ai chịu tìm kiếm Ngài.
***

Mathiơ 15.21-39: "Đấng Christ hay thương xót"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Đấng Christ hay thương xót
Mathiơ 15.21-39
1. Tôi đã rao giảng suốt sách Mathiơ trong hai năm qua. Tới thời điểm nầy là chương 15, tôi đã giảng 58 sứ điệp. Tối nay, chúng ta sẽ kết thúc chương 15 và kế đó chúng ta sẽ còn 13 chương nữa. Nếu kế hoạch tối Chúa nhựt cho phép, tôi dự tính giảng xong loạt bài đi từng câu một qua sách Tin lành cho tới cuối năm hầu bắt đầu thiên niên kỷ mới.
2. Một trong các thuộc tính của Đức Chúa Trời là sự thương xót của Ngài. Ca thương 3.22 chép: "Ấy là nhờ sự nhơn từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt". Chúa Giêxu là hình ảnh bày tỏ ra Đức Chúa Trời hay thương xót của chúng ta. Ai có thể quên các cảm xúc của Ngài dành cho đám dân đông ở Mathiơ 9.36: "Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ khốn cùng, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn".
3. Trong phân đoạn khá dài tối nay, chúng ta có ba bức tranh nói tới Đấng Christ hay thương xót. Chúng ta sẽ xét qua từng bức tranh đó và rồi ứng dụng một số bài học về sự thương xót.
I. Sự thương xót dành cho người đờn bà khốn khổ (các câu 21-27).
A. Chúa Giêxu đã đi qua xứ của dân Ngoại (câu 21). Chúa Giêxu "đi từ đó", nghĩa là Ngài rời xứ Galilê rồi di chuyển qua phía tây bắc "vào bờ cõi thành Tyrơ và Siđôn". Ngài rời khỏi phạm vi quyền hạn của Hêrốt và các cấp lãnh đạo người Do thái. Ngài đến đó để nghỉ ngơi, mà cũng làm thoả mãn các nhu cần của dân Ngoại sinh sống tại nơi ấy nữa. Chúa Giêxu là Vua của người Do thái, nhưng há quí vị không vui sướng khi Ngài cũng là Vua của chúng ta sao!?!
B. Chúa Giêxu gặp một người đờn bà có đứa con gái bị quỉ ám (câu 22). Trong khi Ngài có mặt ở đó "xảy có một người đờn bà Canaan" đến gặp Ngài. Mác 7.26 chép bà ta là "người Gờ-réc [dân Ngoại], dân Sy-rô-phê-ni-xi". Bà ta không phải là người Do thái, nhưng điều đó không giữ cho bà ta đừng thốt ra câu nói: "Lạy Chúa, là con cháu vua Đa-vít, xin thương xót tôi cùng!" Bà ta vốn biết rõ Ngài là ai và Ngài có lòng "thương xót". Bà ta nói con gái của bà ta bị "quỉ ám, khốn cực lắm". Chúa Giêxu đã trở thành nguồn trông cậy duy nhứt của bà ta.
C. Chúa Giêxu làm thoả mãn nhu cần của bà ta chiếu theo đức tin của bà ta (các câu23-28).
1. Không hay, "Ngài chẳng đáp một lời". Đối với các rabi đương thời ấy, bà ta chẳng bằng được một con người.
2. Bà ta không tỏ ra nhu cần của mình, mà chỉ cứ kêu cầu với Chúa Giêxu. Bà ta chỉ quấy rối như thế, các môn đồ nói: "Xin thầy truyền cho đờn bà ấy về, vì người kêu van ở đằng sau chúng ta".
3. Sau cùng, Chúa Giêxu phán với người đờn bà. Một lần nữa, Ngài đáp ứng dường như khá gay gắt: "Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi".
4. Như thế vẫn chưa đủ. Bà ta phủ phục xuống ở trước mặt Ngài mà "lạy Ngài". Tôi gần như nghe được tiếng thổn thức của bà ta khi bà ta nài nĩ: "Lạy Chúa, xin giúp tôi cùng!"
5. Để thử bà ta, Chúa Giêxu nói: "Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn". Dĩ nhiên Ngài có ý nói rằng Ngài đến chủ yếu với người Do thái chớ không phải đến với loài chó dân Ngoại. Tuy nhiên lời nói của Ngài có ý đề cập tới loài chó kiểng nuôi trong nhà.
6. Hãy nghe lời đáp của bà ta. Đây không phải là lời có tính cách tranh luận, lời nầy đến từ một tấm lòng tìm kiếm của đức tin chân thật: "Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống".
7. Tôi nghĩ Chúa Giêxu đã nở một nụ cười rộng cả dặm chớ không ít! Ngài phán: "Hỡi đờn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn!" Câu 28 tiếp tục nói như sau "Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành".
II. Sự thương xót dành cho đoàn dân đông (các câu 29-31).
A. Chúa Giêxu đi qua một khu vực dân Ngoại khác (câu 29).
1. Chúa Giêxu "từ đó đi đến gần Biển Galilê" nghĩa là có lẽ Ngài đã đi vòng lên bờ biển phía Đông Bắc. Theo Mác 7.31, Ngài đã đến tại "địa phận Đêcabôlơ" nhằm phía Đông Nam của Biển Galilê. "Đêcabôlơ" có nghĩa là "10 thành phố" có ý nói tới 10 thành phố nằm trong khu vực đó.
2. Các chuyến đi nầy, trước tiên đến "bờ cõi thành Tyrơ và Siđôn" còn bây giờ tại "địa phận Đêcabôlơ" cả hai khu vực đều thuộc dân Ngoại song đây chỉ là một cái nhìn thoáng qua những gì về sau sẽ hiển nhiên hơn trong sách Công Vụ các Sứ Đồ, tin lành không những dành cho người Do thái mà còn dành cho dân Ngoại nữa.
3. Khi Ngài đến tại khu vực nầy, Chúa Giêxu "lên trên núi mà ngồi". Là Con Toàn Tri của Đức Chúa Trời, Ngài vốn biết rõ điều chi sắp sửa diễn ra. Ngài vốn biết rõ dân chúng sẽ kéo đến. Ngài đang sửa soạn để phục vụ họ.
B. Chúa Giêxu chữa lành mọi thứ tật bịnh (câu 30).
1. Câu 30 chép rằng khi ấy "có đoàn dân đông đến gần Ngài". Cả khu vực ấy đều biết Chúa Giêxu vừa mới đến. 4.25 chép: "Vả lại, từ xứ Ga-li-lê, xứ Đê-ca-bô-lơ, thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giu-đê, cho đến xứ bên kia sông Giô-đanh, thiên hạ kéo nhau rất đông mà theo Ngài".
2. Chúng ta cũng không xem nhẹ sự làm chứng của "người đờn bà xứ Canaan". Quí vị có thể đoán rằng câu chuyện của bà ta đã được tường thuật lại thật sâu rộng và có nhiều người đã theo Ngài xuống từ Tyrơ và Siđôn.
3. Dĩ nhiên là “đoàn dân đông” còn đem theo với họ những kẻ khốn cùng. Đặc biệt họ đem theo "những kẻ què, đui, câm và tàn tật".
4. Phần mô tả "tàn tật" rất là thú vị. Từ ngữ được sử dụng trong bản Kinh Thánh New KJV có ý nói tới “lặt lìa”. Tuy nhiên, Chúa Giêxu đã sử dụng từ Hy lạp nầy kullos (kool-los') để mô tả một người có tay hay chân bị cụt trong Mathiơ 18.8. Vì lẽ đó từ ngữ nầy được sử dụng để mô tả sự cắt bỏ hay mất đứt hoàn toàn một chi.
5. Những người bạn nầy là mấy người bà con "để họ dưới chơn Chúa Giêxu". Dường như Chúa Giêxu không di động qua đám đông, mà đám đông đã đến tại nơi Ngài đang “ngồi”. Có lẽ các môn đồ đã sắp xếp cho họ ngồi thành hàng thật dài. Có lẽ họ dồn đống lại. Cho dù thế nào đi nữa, chúng ta biết rõ sự thương xót của Chúa Giêxu làm bằng chứng cho "Ngài chữa cho họ được lành". Điều nầy dường như cho thấy rằng Ngài đã chữa lành cho họ cả thảy.
C. Dân chúng ngợi khen Đức Chúa Trời (câu 31).
1. "Dân chúng lấy làm lạ lắm”. "Lấy làm lạ" ra từ chữ Hy lạp có nghĩa là "chú ý với lo sợ". Những gì họ trông thấy đều là những việc siêu nhiên. Đây là một sự tuôn tràn không dứt của những sự chữa lành bằng phép lạ xảy ra tức thì. Mác 7.37 chép: "Chúng lại lấy làm lạ quá đỗi mà rằng: Ngài làm mọi việc được tốt lành".
2. Họ đã trông thấy những gì vậy? Họ đã nhìn thấy "kẻ câm được nói, kẻ tàn tật được khỏi, kẻ què được đi, kẻ đui được sáng".
John MacArthur viết: "Tưởng tượng những tiếng kêu van xin cứu giúp pha trộn với âm thanh vui mừng thì chẳng khó đâu, khi một số người chạy đến với Chúa Giêxu thì bịnh tật, trong khi nhiều người khác đang rời khỏi đó được chữa lành và mạnh khoẻ. Dân chúng kẻ đau bịnh vừa được chữa lành; còn có người thì đến với một tay hay một chân khi ra về thì đủ tay đủ chân; có người thì mù loà, điếc lác khi ra về thì họ hô to và nghe được. Có người chưa hề nói một câu nào giờ đây đang hô lên những lời ngợi khen Chúa Giêxu. Có người chưa hề đi một bước nào giờ đây nhảy nhót và chạy đi với niềm vui khôn xiết".
3. Họ đã đáp ứng ra sao? Họ "đều ngợi khen Đức Chúa Trời của Israel". Họ vốn biết rõ các thần dân Ngoại của họ không thể làm được những gì đang xảy ra ở trước mắt họ. Họ biết rõ rằng Chúa Giêxu là một người Do thái và Ngài đã làm ra mọi sự nầy nhơn danh Đức Giêhôva, vì vậy họ đã thờ lạy Ngài.
III. Sự thương xót dành cho một đoàn dân đang đói khát (các câu 32-39).
A. Việc cho 4.000 người ăn là một phép lạ đặc biệt đối với việc cho 5.000 người ăn.
1. Hai phép lạ nầy đã bị những người thuộc phái phê bình công kích thực sự là hai phần mô tả mâu thuẫn trong việc cho đoàn dân đông ăn trong chương 14. Có nhiều điểm khác biệt trong hai sự cố nầy.
2. Bằng chứng mà những người thuộc phái phê bình sử dụng là các môn đồ thắc mắc trong câu 33: "Ở nơi đồng vắng nầy, ta há dễ kiếm đâu đủ bánh, đặng cho dân đông dường ấy ăn no nê sao?" Ở phép lạ đầu tiên trong chương 14, các môn đồ đã hoài nghi khả năng cho người ta ăn của Chúa Giêxu. Lần nầy, họ chỉ thắc mắc với Chúa Giêxu làm sao Ngài cho đoàn dân đông ăn đây!?! Chúa Giêxu không hề làm cùng một phép lạ hai lần đâu.
3. Có vài điểm khác biệt lớn giữa hai phép lạ:
a. 5.000 người đã ở với Chúa Giêxu chỉ trong một ngày thôi. Còn 4.000 người đã ở với Chúa Giêxu những ba ngày.
b. Với phép lạ đầu tiên, các môn đồ được truyền cho phải đi tìm đồ ăn. Với phép lạ thứ hai, họ đã có sẵn đồ ăn rồi.
c. 5.000 người được cho ăn từ 5 cái bánh và 2 con cá, trong khi 4.000 người được cho ăn từ 7 cái bánh và "vài con cá".
d. Lần thứ nhứt, đám đông được truyền cho phải ngồi xuống trên thảm cỏ. Lần thứ hai họ đã ngồi trên mặt đất.
e. Với 5.000 người, Chúa Giêxu đã chúc phước theo truyền khẩu của người Do thái. Với 4.000 người, đã có hai lời cầu nguyện.
f. Sau phép lạ thứ nhứt 12 giỏ bánh thừa còn dư lại. Sau phép lạ thứ hai, còn dư 7.
g. Trong câu 19, Chúa Giêxu đưa ra một sự phân biệt giữa hai phép lạ cho các môn đồ thấy.
h. Sau cùng, các phép lạ đã được làm ra vì hai nhóm người đối ngược nhau. 5.000 người kia đều là khán thính giả người Do thái. Còn 4.000 người nầy phần lớn đều là dân Ngoại.
B. Chúa Giêxu luận lẽ với các môn đồ (các câu 32-34).
1. Chúng ta đã học biết trong câu 32 rằng đám dân đông giờ đây đã ở với Chúa Giêxu trong "ba ngày". Dịch vụ chữa lành nầy không kết thúc trong một bữa trưa mà kéo dài tới 72 giờ đồng hồ. Chắc chắn mọi người kể cả Chúa Giêxu đều rất mệt mỏi. Tôi tin họ đã ở lại và Ngài tiếp tục chữa lành cho tới chừng mọi nhu cần đều được thoả mãn.
2. Tại điểm nầy, Chúa Giêxu "gọi môn đồ đến". Không những Ngài muốn họ hiểu điều gì đang xảy ra, mà còn phải hiểu rõ Ngài cảm nhận thể nào về dân chúng nữa.
3. Ngài phán: "Ta thương xót đoàn dân nầy; vì đã ba ngày ở cùng ta, bây giờ không có chi ăn hết".
4. "Thương xót" ở đây đến từ một chữ Hy lạp có nghĩa là "cảm động ở trong lòng" là chỗ người xưa suy nghĩ giống như ngai của tình cảm vậy. Từ ngữ nầy dịch trong văn hoá của chúng ta là "một sự đau lòng". Có người xác định từ nầy như sau: "cảm giác thông cảm sâu sắc, buồn rầu, kèm theo một sự khao khát mạnh mẽ muốn cho nỗi đau khổ được vơi đi và cất bỏ nguyên nhân của nó".
5. Chúa Giêxu đã động lòng thương xót đối với mọi nhu cần thuộc linh của dân chúng. Ngài đã động lòng thương xót trước sự đau khổ về phần xác của họ. Tuy nhiên, Ngài không ngừng lại ở đó. Ngài đã động lòng thương xót đối với sự đói khát ở trong bụng của họ nữa.
6. Đôi khi chúng ta, những người tin Chúa trong thời buổi hiện đại có thể trở nên thiển cận trước nhu cần cấp bách của người ta. Trong khi tôi không có ý khích một “tin lành xã hội”, chúng ta phải nhớ rằng đôi khi chúng ta có được cơ hội làm thoả mãn nhu cầu quan trọng nhất (ơn cứu rỗi) của người ta nếu chúng ta làm thoả mãn nhu cầu cấp bách nhất của họ (đói bụng). Đây là khuôn mẫu của Chúa Giêxu.
7. Ngài phán: "Ta không muốn để họ nhịn đói mà về, e phải mệt lủi dọc đường chăng". Mặc dù dân chúng rất phởn phơ vì sự chữa lành của họ, mặc dù họ lấy làm vui vẻ lắm bởi sự thờ lạy đáng kính sợ của họ, Chúa Giêxu không muốn họ “mệt lủi” hay xỉu trên đường họ về nhà vì họ chưa ăn uống chi hết.
8. Kế đó, các môn đồ đã hỏi thật ngô nghê, với cái nhìn đầu tiên thì thật là như thế: "Ở nơi đồng vắng nầy, ta há dễ kiếm đâu đủ bánh, đặng cho dân đông dường ấy ăn no nê sao?" Há họ chưa trông thấy Ngài cho một đoàn dân ăn còn đông hơn ở gần Bếtsaiđa với khẫu phần ăn trưa của một cậu bé sao?
9. Rõ ràng họ đã nhớ lại. Tôi tin họ muốn nói: "Lạy Chúa, chúng con vô quyền ở chỗ nầy, trong đồng vắng hoang vu nầy, chúng con không thể cho đám dân nầy ăn giống như cho đám dân đông hơn ăn ở gần Bếtsaiđa được". Chẳng có bằng chứng nào cho thấy họ nghi ngờ Chúa Giêxu cả. Họ chỉ hỏi: "Ngài muốn chúng con phải làm gì đây?"
10. Chúa Giêxu hỏi: "Các ngươi có mấy cái bánh?" Nói cách khác: "Từ số bánh mang theo, chúng ta còn bao nhiêu?" Họ đáp: "Có bảy cái bánh, cùng vài con cá".
C. Chúa Giêxu cho dân chúng ăn (các câu 35-39).
1. Chúa Giêxu "biểu dân chúng ngồi xuống đất". Có lẽ một lần nữa Ngài đã bảo họ ngồi thành từng nhóm một trăm và năm chục như Ngài đã làm lần trước (đối chiếu Mác 6.40).
2. Kế đó Ngài "lấy bảy cái bánh và cá; tạ ơn rồi". Cũng vậy, quí vị có ngừng lại để tạ ơn Chúa khi quí vị ngồi xuống ăn không? Nếu Chúa Giêxu đã tạ ơn, chúng ta bày tỏ ra lòng biết ơn còn nhiều hơn, quan trọng hơn dường bao vì có “bánh ăn mỗi ngày”.
3. Chúa Giêxu "bẻ bánh ra đưa cho môn đồ". Câu nầy cũng được dịch là "Ngài cứ giữ việc bẻ bánh". Thức ăn càng tăng nhiều thêm thật lạ lùng ở trong hai bàn tay Ngài. Các môn đồ khi ấy mới "phân phát cho dân chúng".
4. Câu 37 chép "ai nấy ăn" và tất cả đều "no cả". Chúa Giêxu làm thoả mãn một cách hoàn toàn. Khi bữa ăn xong rồi, bánh thừa "lượm được bảy giỏ đầy".
5. Từ Hy lạp nói tới "giỏ" đề cập tới một cái giỏ lớn, lớn đủ chứa một người lớn. Đây là loại giỏ mà Saulơ được dòng xuống trong đó qua bức tường ở thành Đa mách (Công Vụ các Sứ Đồ 9.25).
6. Họ bắt đầu với "bảy" cái bánh rồi kết thúc với "bảy giỏ đầy". Chúa Giêxu đã phán trong Luca 6.38: "Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy".
7. Khi "số người ăn là bốn ngàn, không kể đờn bà con trẻ" đều đã no nê rồi, Chúa Giêxu mới sai họ về và dùng thuyền băng qua bờ cõi xứ "Magađan".
IV. Các bài học về lòng thương xót.
A. Đức tin rất hay lây.
1. "Người đờn bà Sirô Phênixi" không nghi ngờ chi nữa đã giúp góp phần cho "đoàn dân đông" chạy đến với Chúa Giêxu ở Đêcabôlơ.
2. Sự phấn hưng tác động y như thế. Khi chúng ta tin Đức Chúa Trời đối với những việc lớn và chúng ta thấy Ngài đang tác động trong đời sống của chúng ta, chúng ta không thể giữ đức tin ấy cho chính mình. Chúng ta muốn phân biệt Đức Chúa Trời đang tác động ở chỗ nào rồi hiệp tác với Ngài ở chỗ đó.
B. Chúa Giêxu là một Cứu Chúa toàn năng.
1. Ngài "chữa lành cho họ" cả thảy, thậm chí những kẻ "tàn tật" hay hoàn toàn lặt lìa. Không những Ngài đã chữa lành cho họ, Ngài còn cho họ ăn nữa. Ngài vốn quan tâm đến từng phương diện trong đời sống của họ.
2. Ngài vốn quan tâm đến từng phương diện trong đời sống chúng ta nữa. Chúng ta cần phải đến với Ngài cùng với từng nhu cần, cho dù nhu cần đó có nhỏ nhắn ra sao đi nữa.
3. II Phierơ 1.3 chép: "Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính…"
C. Chúng ta phải chia sẻ trong ơn thương xót của Cứu Chúa. Hãy chú ý cách thức Chúa Giêxu đưa các môn đồ vào trong sự phục vụ dân chúng. Về sau, trong Công Vụ các Sứ Đồ chúng ta đọc thấy thể nào họ biết quan tâm đến người nghèo thiếu.
Có một phụ nữ từng tìm cách ám sát Nữ Hoàng Elizabeth. Nữ Hoàng hỏi: "Nếu ta gia ơn cho ngươi, ngươi sẽ đưa ra lời hứa như thế nào trong tương lai?" Phụ nữ kia ngước mắt nhìn lên đáp: "Ơn có điều kiện, ơn có sự đề phòng, thì chẳng phải là ơn chi cả". Nữ Hoàng suy nghĩ một chút rồi nói: "Ngươi nói đúng. Ta tha cho ngươi theo ơn của ta". Lịch sử cho chúng ta biết kể từ giây phút ấy Nữ Hoàng Elizabeth không cần có thêm tôi tớ dâng mình trung tín hơn người đờn bà từng dự tính cất lấy mạng sống của bà.
***

Mathiơ 15.21-28: "Đức tin chân chính"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Đức tin chân chính
Mathiơ 15.21-28
1. Có nhiều định nghĩa về đức tin. Hêbơrơ 11.1 cung ứng cho chúng ta một định nghĩa theo Kinh Thánh: "Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy". Các học giả Kinh Thánh thuộc mọi thời đại đã phấn đấu để định nghĩa đức tin theo thần học. Tuy nhiên, để bắt đầu, chúng ta hãy suy nghĩ một vài định nghĩa về đức tin:
Tin tưởng cậu con trai của mình ở tuổi thiếu niên với chiếc xe hơi vào ngày hẹn hò đầu tiên của nó.
Tin tưởng đứa con gái tuổi thiếu niên của mình vào ngày hẹn đầu tiên của nó với con trai của người khác.
Tin vào người thợ máy đã móc cái thắng của xe sau khi sửa chữa chúng.
Tin tưởng đứa con nói: "Mẹ nói sẽ không sao nếu con…"
Tin vào đơn thuốc của bác sĩ mà bạn không thể đọc được và tin một dược sĩ mà bạn không quen biết khi ông ta pha trộn các thứ hoá chất mà bạn không thể đọc tên chúng.
2. Có người từng phát biểu: "Những định nghĩa thật khó đã thông, song các tấm gương thì thật phong phú". Tối nay tôi không muốn nhắm vào một định nghĩa về đức tin, mà nhắm vào một tấm gương cụ thể về đức tin chân chính. Theo cảm hứng đó, có nhiều tấm gương rất hay nói về đức tin chân chính khắp cả Kinh Thánh.
A. Ápraham đã lìa bỏ quê hương mình ở tuổi 75 để đi theo Đức Giêhôva đến Đất Hứa. Mặc dù tuổi ông đã lớn, ông đã tin Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông một đứa con trai.
B. Môise đã dẫn dắt con cái Israel mặc dù sự thật cho thấy rằng họ đã hành động giống như con trẻ, luôn luôn than phiền và lằm bằm.
C. Ghiđêôn đã tin Đức Chúa Trời khi đoàn quân đông của ông bị rút lại còn võn vẹn có 300 người.
D. Đaniên đã tin Đức Chúa Trời khi ông bị bỏ xuống hang sư tử.
E. Chúa Giêxu đã ban ra hai thí dụ quan trọng nói tới đức tin bền đỗ, chân chính: Người đờn bà goá bền đỗ (Luca 18.1-8) và Người bạn bền đỗ (Luca 11.5-8).
F. Giuđe khuyên chúng ta phải "vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi" (Giuđe 3).
3. Phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta là một thí dụ kỳ diệu nói về một người có đức tin rất bền đỗ. Từ đó chúng ta có thể học biết ba đặc điểm của đức tin chân chính: đức tin ấy tỏ ra nhu cầu, nhìn thấy ở bên kia nan đề và tin cậy nơi bổn tánh của Đức Chúa Trời.
I. Đức tin chân chính tỏ ra nhu cầu (các câu 21-22).
A. Chúa Giêxu đem các môn đồ riêng ra (câu 21).
1. Khi chúng ta nhìn ngược lại hai chương sau cùng, chúng ta thấy Chúa Giêxu đang chịu đựng một áp lực rất lớn, ít nhất là từ bốn phía.
a. Ngài đang chịu áp lực từ đoàn dân đông. Họ đã công nhận Ngài là Đấng Mêsi và mong muốn lập Ngài làm Vua (Giăng 6.15).
b. Ngài đang chịu áp lực từ Hêrốt Antiba. Vua chư hầu xứ Galilê vốn tin rằng Chúa Giêxu là sự báo ứng của ông ta, là Giăng Báptít "đã sống lại từ kẻ chết" (14.2). Tánh ganh tỵ cực mạnh của Hêrốt có tính cách huyền thoại.
c. Ngài đang chịu áp lực từ các cấp lãnh đạo người Do thái. Các thầy thông giáo và người dòng Pharisi đã "bàn với nhau, lập mưu giết Ngài" (12.14). Sau lần đối mặt mới đây, các môn đồ đã hỏi Chúa: "Thầy có hay rằng người Pha-ri-si nghe lời thầy nói mà phiền giận chăng?" (15.12).
d. Ngài đang chịu áp lực từ chính thân thể vật lý của Ngài. Chúa Giêxu rất mệt mỏi. Ngài cần một nơi để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho các môn đồ thân tín nhất của Ngài cho mọi điều sẽ xảy đến. Hết thảy chúng ta đều cần phải lui lại nghỉ ngơi giữa hai lần làm việc.
2. Câu 21 nói Ngài "đi từ đó", nghĩa là Ngài rời khỏi Galilê. Ngài đi từ phía tây bắc đến "bờ cõi thành Tyrơ và Siđôn". Ngài rời khỏi đám đông và di hành qua các khu vực của Hêrốt và các nhà lãnh đạo Do thái.
3. Thật là thú vị, nhiều thế kỷ trước, đại tiên tri Êli đã trốn vào chính khu vực nầy và đã tìm được sự thoải mái trong nhà của bà goá "Sarépta, thuộc Siđôn" (I Các Vua 17.9).
4. Chúa Giêxu không rời khỏi Israel để thi hành chức vụ, mà là để nghỉ ngơi. Mác 7.24 chép Ngài "vào một cái nhà" (có lẽ đã thuê ngôi nhà ấy) "và không muốn cho ai biết mình". Giống như nhiều người nổi tiếng, Ngài đã đi không muốn cho ai biết.
5. Dầu thơm không thể che giấu mùi vị của nó. Mặt trời không thể che giấu ánh sáng của nó và Con Đức Chúa Trời không thể đi mà người ta chẳng nhận biết. Mác nói: "Song Ngài không thể ẩn được". Đã có một sự rò rỉ. Có ai đó đã thấy Ngài.
B. Chúa Giêxu bị một người mẹ theo bén gót (câu 22).
1. “Xảy có một người đờn bà xứ Canaan, từ xứ ấy đến” cầu xin Chúa Giêxu giúp đỡ. Mác 7.26 chép bà ta là "người Gờréc, [sát nghĩa, là dân Ngoại], dân Sirôphênixi". Bà ta chẳng phải là người Do thái. Bà ta chẳng có một lời hứa nào của tuyển dân Đức Chúa Trời hết, nhưng dẫu thế nào thì bà ta vẫn cứ đến với Chúa Giêxu.
2. Cái điều đã khiến cho đức tin của người đờn bà nầy dường như lớn lao hơn đức tin của phần nhiều người Do thái, ấy là niềm tin ấy đã dựa vào một chút ánh sáng đó. Bà ta đã lớn lên trong một xã hội theo tà giáo. Bà ta xuất thân từ hạng người mà dân Israel được truyền cho phải "tiêu diệt hoàn toàn" (Phục truyền luật lệ ký 7.2). Bà ta không có Lời của Đức Chúa Trời để noi theo.
3. Dường như là bà ta đã nhận ra rằng các thứ hình tượng của dân tộc bà ta đều vô dụng chẳng giúp chi được cho đứa con gái "mắc quỉ ám" của mình. Không nghi ngờ chi nữa, bà ta đã nghe nói về khả năng làm phép lạ của Chúa Giêxu qua nhiều người khác.
4. Bà ta "kêu lên". Phân tích văn phạm cho thấy rằng bà ta không nói ra câu nầy mà cứ kêu lên câu nói ấy. Hãy chú ý phần đáp ứng của các môn đồ ở câu 23: "Xin thầy truyền cho đờn bà ấy về, vì người kêu van ở đằng sau chúng ta".
5. Bà ta đã kêu cầu nơi Chúa Giêxu xin "thương xót tôi cùng". Mặc dù bà ta biết rõ mình chẳng xứng đáng chi với sự vùa giúp của Chúa Giêxu, bà ta đã tin nơi "sự thương xót" của Ngài để cứu vớt đứa con gái của mình.
6. Bà ta đã gọi Ngài bằng tước hiệu Đấng Mêsi "Lạy Chúa, con cháu vua David". Không một người Canaan bình thường nào biết được tước hiệu đó. Có ai đó đã nói cho bà ta biết về Chúa Giêxu và bà ta đã tin theo. Bà ta có đức tin nơi Ngài và đã tỏ ra nhu cầu của mình.
C. Có phải chúng ta nhơn đức tin mà bày tỏ ra nhu cầu của mình cho Chúa biết không?
1. Giacơ 4.2-3 chép: "… anh em chẳng được chi, vì không cầu xin. Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình".
2. Nhiều lần khi chúng ta đối diện với nan đề và khó khăn, việc cuối cùng chúng ta làm là cầu nguyện. Chúng ta thử mọi sự và trao đổi với mọi người để định liệu mọi việc theo ý riêng của mình. Đấy là sự nương cậy vào bản ngã, chớ không nương cậy vào Đức Chúa Trời.
3. Bước đi bởi đức tin có nghĩa là chúng ta bày tỏ ra mọi nhu cầu của mình cho Chúa biết rồi bước đi với lòng tin chắc Ngài sẽ làm thoả mãn các nhu cầu đó (Philíp 2.19; Hêbơrơ 11.6).
4. Đức tin có nghĩa là tiếp tục kêu cầu nơi Chúa giống như người đờn bà nầy. Đôi khi, Đức Chúa Trời kéo dài việc đáp trả những lời cầu nguyện của chúng ta vì thời điểm duy nhứt chúng ta thực sự cầu nguyện là khi chúng ta gặp phải các nan đề.
II. Đức tin chân chính nhìn thấy bên kia các nan đề (các câu 23-24).
A. Người đờn bà tin mặc dù có ba nan đề lớn.
1. Thứ nhứt, bà ta không phải là người Do thái. Bà ta là "người đờn bà xứ Canaan". Bà ta là người dân Ngoại. Bà ta nói tiếng của người Ngoại, sống theo văn hoá của dân Ngoại, và thực hành theo tôn giáo đa thần của người Ngoại. Trong con mắt của hầu hết người Do thái, bà ta chẳng khác gì hơn một con chó. Dù vậy, bà ta đã tin Chúa Giêxu sẽ giúp đỡ cho bà ta.
2. Thứ hai, Chúa Giêxu đã bất chấp bà ta. Câu 23 chép: "Ngài chẳng đáp một lời". Ngài đang hành động phù hợp với Do thái giáo truyền khẩu. Đối với rabi Do thái, người đờn bà nầy không sao bằng một con người cho được. Khi Ngài phán, đáp ứng của Ngài dường như riêng biệt và xa xôi: "Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Isarel đó thôi". Bà ta vẫn quấy rầy Ngài.
3. Thứ ba, các môn đồ đã tìm cách làm cho bà ta nản lòng. Họ đã "cố nài xin" Chúa Giêxu "truyền cho đờn bà ấy về, vì người kêu van ở đàng sau chúng ta". Chúng ta thường muốn nhơn đức tin tin theo Đức Chúa Trời, nhiều người khác tìm cách tạo ra mưa trên cuộc diễu hành của chúng ta.
B. Có phải chúng ta mất đức tin trong ánh sáng của các nan đề hay có phải đức tin chúng ta tấn tới bất chấp các nan đề của chúng ta không?
1. Cốt lõi của đức tin là biết nhìn qua bên kia thật rõ ràng. Một lần nữa, Hêbơrơ 11.1 chép đức tin là "bằng cớ của những điều chẳng xem thấy". Có người mô tả đức tin như thế nầy: "Đức tin là dám đưa linh hồn đi xa hơn nó có thể trông thấy".
2. Quí bạn tôi ơi, trong đời nầy chúng ta sẽ luôn luôn có những nan đề. Sẽ luôn luôn có nhiều ngăn trở. Chúng ta sẽ luôn luôn gánh chịu nhiều giông bão. Điều nầy là thực cho đời sống cá nhân chúng ta và cũng cho đời sống tập thể của chúng ta trong vai trò một Hội thánh nữa.
3. Đức Chúa Trời sử dụng các nan đề của chúng ta để củng cố cho đức tin chúng ta được vững mạnh. Chúng ta biết chúng ta đang ở đúng lằn chạy khi chúng ta nói: "Nếu Đức Chúa Trời không lộ diện, chúng ta sẽ thất bại".
4. Chúng ta thôi không nhìn vào các nan đề nữa và hãy đặt chúng trên giải pháp: ấy là Chúa Giêxu. Mọi nan đề của chúng ta không phải là tiền bạc hay con người, mà là không hướng mắt nhìn xem Chúa Giêxu.
Geoffrey Gorsuch viết về việc lái một chiếc máy bay nhỏ ở giữa trận bão lớn vào năm 1989: "Tôi có thể nhìn thấy 20 feet ở đằng trước máy bay. Tôi buộc phải nương cậy duy nhứt vào các dụng cụ phi hành chỉ phương hướng của mình. Các dụng cụ nầy đã dẫn tôi qua cơn bão đến với đường băng. Có những lúc khi sự nhầm lẫn trong các đám mây sẽ gây ra tai vạ, có nhiều lúc khi mọi ý thức của tôi dường như chỉ ra rằng các dụng cụ đều không đúng, tạo ra hoảng loạn và viên phi công lầm lẫn không thể tránh được. Nhưng tôi đã được huấn luyện để tin theo các dụng cụ đó. Và tôi đã... khi chúng tôi rẽ khỏi các đám mây chừng 100 feet cách đường băng và trong một tư thế hạ cánh thật ngon lành, mọi sự còn lại phải làm là giảm tốc độ máy rồi đưa nó vào chỗ đậu trên đường băng. Khi mấy cái bánh xe đáp khẫn cấp tiếp cận với những hàng đèn chiếu sáng, tôi biết chúng không còn cần thiết nữa. Tôi đã tin vào các dụng cụ, tôi là một phi công và đó là ngày mà tôi biết chắc đã được an toàn rồi". Đức Chúa Trời ban hiến cho mỗi người tin Chúa với công cụ đức tin để nhìn xem Ngài qua mọi giông bão của cuộc sống.
III. Đức tin chân chính tin vào bổn tánh của Đức Chúa Trời (các câu 25-28).
A. Người đờn bà đã tin vào bổn tánh thật của Chúa Giêxu (các câu 26-27).
1. Mặc dù Chúa Giêxu dường như từ chối lời nài xin của bà ta, người đờn bà vẫn không thối lui. Bà ta không cho phép bản thân tin rằng Chúa Giêxu sẽ hất hủi mình. Thực vậy, bà ta "đã lạy Ngài" mà thưa rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng!"
2. Thái độ cay độc của Chúa Giêxu dường như thêm phần tệ hại nữa. Khi sử dụng phép loại suy nói dân Ngoại là “chó”, Ngài đã phán với âm điệu phân biệt chủng tộc: "Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn". Từ ngữ “chó con” không có ý đề cập tới loài chó lai hoang dã, mà là chó nhà.
3. Phần lớn trong chúng ta đều sẽ thấy khó chịu về câu nói đó. Chúng ta sẽ đứng dậy mà trở về nhà với sự thua thiệt. Tuy nhiên, đức tin chân chính vốn bền đỗ. Bà ta đã nhìn nhận tình trạng của mình và cứ tiếp tục nài xin cho được thương xót bằng cách nói: "Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống". Bà ta vui sướng chấp nhận vai trò của con chó nhỏ, trông đợi miếng bánh vụn rớt xuống từ bàn của chủ mình.
B. Chúa Giêxu ưa thích đức tin chân thật của người đờn bà (các câu 27-28).
1. Tôi dám cuộc nụ cười của Chúa Giêxu đã phá vỡ bối cảnh ấy ngay giây phút đó. Quyền phép của thiên đàng không hể ngăn cản được nụ cười đó! Giống như mặt trời xuyên thủng qua các đám mây sau một trận bão, lời lẽ của Chúa Giêxu đã ban thưởng cho đức tin của bà ta: "Hỡi đờn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn!"
2. Câu 20 chép rằng lời nài xin của bà ta đã được nhậm ngay tức thì vì "cũng một giờ đó, con gái người liền được lành". Hêbơrơ 11.6 chép: "Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài". Chúng ta cũng phải nói thêm rằng không có điều chi đẹp lòng Ngài cho bằng đức tin chân chính.
Một người bị lạc trong sa mạc và sắp chết vì thiếu nước. Không bao lâu sau đó ông ta đi ngang qua một máy bơm với cái bi đông đựng nước treo trên cán bơm và một lời ghi chú. Lời ghi chú ấy đọc như sau: "Bên dưới bạn là tất cả nước trong mát mà bạn sẽ cần đến, và cái bi đông chắc chứa đủ nước để mồi vào máy bơm". Điều nầy cần tới ĐỨC TIN LỚN để đổ số nước mồi chứa trong bi đông để lấy một lời hứa về nguồn nước vô hạn kia. Quí vị sẽ làm gì nào?
***

Mathiơ 14.34 – 15.20: "Còn tấm lòng của quí vị thì sao?"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Còn tấm lòng của quí vị thì sao?
Mathiơ 14.34 – 15.20
1. Trước khi chúng ta đào sâu vào phân đoạn Kinh Thánh nầy, tôi muốn quí vị cùng xem với tôi một vài phân đoạn Cựu Ước. Thứ nhứt, chúng ta hãy xem qua Êsai 1.13-20. Trong chương mở đầu của sách tiên tri nầy, Đức Chúa Trời làm cho dân sự của Ngài nhìn biết sự thay đổi đột ngột của Ngài nơi sự thờ lạy giả hình, không thành thật của họ. Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào chương cuối của cùng sách ấy, 66.1-3.
2. Từ hai tiểu đoạn trong Kinh Thánh Cựu Ước chúng ta kiếm được một lẽ thật thiêng liêng: Đức Chúa Trời gần như chẳng ưa những cách thức bề ngoài mà chúng ta tỏ ra cho bằng Ngài ưa thích nơi tình trạng của tấm lòng chúng ta. Ngài phán trong Amốt 5.21-24: "Ta ghét; ta khinh dể những kỳ lễ của các ngươi; ta không đẹp lòng về những hội trọng thể của các ngươi đâu. Dầu các ngươi dâng những của lễ thiêu và của lễ chay cho ta, ta sẽ không nhận lấy; ta chẳng đoái xem những con thú mập về của lễ thù ân các ngươi. Hãy làm cho tiếng của các bài hát các ngươi xa khỏi ta! Ta không khứng nghe tiếng đờn cầm của các ngươi. Thà hãy làm cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công bình như sông lớn cuồn cuộn". Sau khi phạm tội với Bátsêba, David đã nhận biết điều nầy. Ông đã nói trong Thi thiên 51.16-17: "Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa: Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau-thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh dể đâu". Đức Chúa Trời không hề thay đổi. Ngài không bao giờ thay đổi. Ngài đang cảm nhận y như thế hôm nay.
3. Khi Đức Chúa Trời xem xét Hội thánh nầy hay Hội thánh kia, Ngài chẳng có ấn tượng gì với chất lượng âm nhạc, tính hiệu quả của mọi chương trình, hay thậm chí số lượng người đến nhóm lại của chúng ta. Đức Chúa Trời nhìn xem tấm lòng của chúng ta. Ngài tìm kiếm những cách thể hiện hết lòng, chơn thật trong sự thờ phượng.
4. Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, Chúa Giêxu nhìn xem tấm lòng của ba nhóm người: những người với đức tin yếu đuối, đức tin tự xưng công bình và đức tin đang tấn tới. Khi chúng ta tra xét phần đáp ứng của Ngài đối với từng nhóm người nầy, hãy nhận biết rằng Ngài cũng đang tra xét tấm lòng của quí vị nữa đấy.
I. Chúa Giêxu động lòng thương xót đối với những kẻ có đức tin yếu đuối (các câu 24-26).
A. Một lần nữa, đoàn dân đông đã đến tìm kiếm sự chữa lành (các câu 34-35).
1. Quí vị hãy nhớ lại ở phần đứng trước tiểu đoạn nầy, Chúa Giêxu đã cho 5000 người ăn và rồi đã hiện ra với các môn đồ, Ngài đi bộ trên Biển Galilê ở giữa một trận bão lớn. Câu 32 chép: "khi họ lên thuyền rồi, thì gió yên lặng". Giăng 6.21 chỉ ra một việc siêu nhiên khác đã diễn ra: "Bấy giờ, môn đồ muốn rước Ngài vào thuyền; tức thì chiếc thuyền đậu vào bờ, là nơi định đi".
2. Họ đến tại "xứ Ghênêxarết", một khu vực nông nghiệp phì nhiêu giữa Cabênaum và Mađala. Tại địa điểm đẹp đẽ tốt tươi nầy, có lẽ Chúa Giêxu một lần nữa dự tính Ngài và các môn đồ đã kiệt sức cần thì giờ nghỉ ngơi.
3. Dường như ngay lập tức Ngài bị người ta "nhận biết" và họ "sai người báo tin cho khắp các miền xung quanh". Người ta kéo nhau tới, họ đem đến cho Ngài "các kẻ bịnh".
B. Một lần nữa, Chúa Giêxu đã chữa lành cho những kẻ có bịnh (câu 36).
1. Dân chúng vốn biết nhiều về Chúa Giêxu. Có lẽ họ đã nghe câu chuyện nói về người đờn bà bị bịnh mất huyết đã được chữa lành bởi cái chạm nơi "viền áo Ngài". Họ đã có chính niềm hy vọng ấy và đã "xin" Ngài cho phép họ cũng được rờ đến Ngài.
2. Với lòng thương xót lớn lao, Chúa Giêxu đã cho phép họ làm thế và "ai rờ đến cũng đều được lành bịnh cả". Quí vị không thể hình dung được bối cảnh ấy sao?
3. Mặc dù Chúa Giêxu muốn chữa lành cho thân thể họ, Ngài còn muốn chữa lành cho linh hồn họ nhiều hơn nữa. Ngài không những muốn làm thoả mãn mọi nhu cầu cấp bách của họ, Ngài còn muốn làm thoả mãn mọi nhu cần đời đời của họ nữa. Phần nhiều người trong số dân đông ấy giống với những kẻ mà chúng ta gặp gỡ hôm nay, họ tìm kiếm Đức Chúa Trời vì những thứ họ cần và chẳng quan tâm mấy đến những gì Ngài mong muốn. Phải, Chúa Giêxu đã làm thoả mãn mọi nhu cần của họ không cứ là nhu cần gì.
MacArthur mô tả sự ấy như thế nầy: "Vì họ không xin một bữa ăn đầy, Ngài đã không từ chối không cho họ một miếng bánh. Vì họ đã không xin Ngài cứu giúp về mặt thuộc linh, Ngài đã không từ chối không giúp họ về mặt thuộc thể. Mặc dù họ hời hợt, vô ơn và chỉ biết lấy cái tôi làm trọng, Ngài động lòng thương xót chữa lành cho họ hầu tỏ ra tấm lòng đầy sự thương xót của Đức Chúa Trời".
4. Có một bài học cho Hội thánh chúng ta ở đây. Chúng ta phải làm thoả mãn cho người ta ở nơi họ sinh sống trước khi chúng ta có thể giúp họ sống ở nơi mà Đức Chúa Trời muốn họ sống. Chúng ta phải bằng lòng với tình yêu thương làm thoả mãn mọi nhu cần của họ hầu cho có được cơ hội làm thoả mãn mọi nhu cần đời đời của họ.
II. Chúa Giêxu có sự xét đoán đối với những kẻ có đức tin tự xưng công bình (các câu 1-9).
A. Thắc mắc của người dòng Pharisi (các câu 1-2).
1. Mặc dù Chúa Giêxu động lòng thương xót đối với những kẻ muốn có điều chi đó ra từ Ngài, Ngài có sự xét đoán đối với những kẻ chẳng muốn chi ra từ Ngài. Đây đúng là trường hợp khi "mấy người Pharisi và mấy thầy thông giáo" xuất hiện trên bối cảnh.
2. Họ là những tên thám tử đã đến từ "thành Jerusalem". Họ đã tìm kiếm sẵn một phương thức để vu cáo và giết Ngài.
3. Họ hỏi: "Sao các môn đồ thầy phạm lời truyền khẩu của người xưa? Vì họ không rửa tay trước khi ăn". Đây không phải là vấn đề của sự thanh sạch mà là vấn đề của “truyền khẩu đời xưa”.
4. Trải qua nhiều thế kỷ kể từ khi Đức Chúa Trời ban bố luật pháp của Ngài qua Môise, các nhà lãnh đạo người Do thái đã thêm thắt những cách lý giải của họ về luật pháp. Điều nầy được gọi là "truyền khẩu của người xưa". “Những lời truyền khẩu” nầy đã được xem trọng, người Do thái hiển nhiên đã xem mọi lối lý giải nầy còn cao hơn cả chính mình Kinh Thánh nữa.
5. Còn về trường hợp rửa tay. Các rabi dạy rằng có một con quỉ có tên là Shibtah tự nhập vào hai bàn tay của con người trong khi họ còn ngủ mê và rồi nhập vào thân thể họ qua thức ăn từ bàn tay của họ. Vì thế họ đã cẩn thận rửa tay trước khi ăn hoặc họ sẽ không ăn uống chi hết.
6. Các môn đồ đã không phá vỡ luật pháp của Đức Chúa Trời. Lời của Đức Chúa Trời thậm chí không hề nhắc tới một việc càn dỡ như vậy. Chắc chắn có nghi thức rửa tay trong Cựu Ước, song đấy chỉ là những dấu hiệu bên ngoài của các lẽ thật thuộc linh.
B. Phản ứng của Chúa Giêxu (các câu 3-9).
1. Chúa Giêxu đáp trả thắc mắc nầy bằng cách hỏi lại một câu hay hơn: "Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền khẩu mình mà phạm điều răn của Đức Chúa Trời?" Ngài chẳng màng tới những lời truyền khẩu của loài người nhưng tuyệt đối quan tâm đến Lời của Đức Chúa Trời.
2. Ngài nhắc tới điều răn thứ 5 trong câu 4 cũng chỉ ra án phạt cho những ai "mắng nhiếc cha mẹ".
3. Hãy chú ý sự khác biệt trong câu 4 và câu 5: "Vì Đức Chúa Trời đã truyền… nhưng các ngươi lại nói…". Truyền khẩu của người xưa dạy rằng một người có thể dâng hiến hết thảy tiền bạc và của cải của mình như "của dâng cho Đức Chúa Trời" và người ấy "không cần phải hiếu kính cha mẹ". Việc nầy giống như có tiền bạc biệt riêng ra cho việc xây cất nhà thờ hay dâng cho một chức vụ nào đó và rồi từ chối không sử dụng số tiền ấy phụ giúp cho cha mẹ đã cao tuổi đang có cần vậy.
4. “Lời truyền khẩu” nầy chẳng có gì khác hơn một phương thức khéo léo trong việc lẫn tránh trách nhiệm gắn bó với điều răn thứ 5. Đây là một lời cáo lỗi cho việc bất tuân Đức Chúa Trời. Họ đang sử dụng việc dâng hiến cho Đức Chúa Trời như một lời cáo lỗi để không làm theo những điều Đức Chúa Trời đã truyền dạy. Không có gì phải ngạc nhiên khi Chúa Giêxu gọi họ là "kẻ giả hình".
5. Bởi “lời truyền khẩu” của họ, họ cho "điều răn của Đức Chúa Trời" là không có hiệu lực nữa. Những kẻ giả hình, khi ấy và bây giờ cũng y như thế. Họ thích cái vẻ bề ngoài của tôn giáo và vẻ đứng đắn bên ngoài song lại là ích kỷ và lấy cái tôi làm trọng ở bên trong.
6. Chúa Giêxu phán: "Êsai đã nói tiên tri về các ngươi là phải lắm…" "Êsai đã mô tả các ngươi… Êsai có một mục tiêu khi ông ấy nói tới các ngươi…" Mặc dù vị tiên tri đã nói với thế hệ của chính ông, lời nói của ông là đầy đủ cho hạng người giả hình khi ấy và bây giờ, các câu 8-9. II Timôthê 3.5 mô tả hạng người thể ấy là "bề ngoài giữ điều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó".
7. Đồng minh thân thiết nhất của Satan chính là những "kẻ giả hình". Quí vị có thể là một kẻ giả hình đáng tin sao? Tôi nghĩ…hết thảy đều có một ít giả hình đó. Đấy là lý do tại sao chúng ta cần phải biết chắc tấm lòng của chúng ta đang ở gần Đức Chúa Trời, chớ không phải đang ở cách xa Ngài.
8. Chúa Giêxu không thiếu lòng thương xót dành cho người nghèo thiếu, nhưng Ngài chẳng nói một lời nào với các đối tượng giả hình… chúng ta cũng không nên nói một lời nào với họ.
III. Chúa Giêxu có sự chỉnh sửa với hạng người có đức tin đang tấn tới (các câu 10-20).
A. Chúa Giêxu chia sẻ nguyên tắc ô uế với đoàn dân đông (các câu 10-11).
1. Giờ đây Chúa Giêxu "gọi đoàn dân đến" để "nghe và hiểu" một lẽ đạo quan trọng. Ngài làm thoả mãn mọi nhu cầu, tiếp đến Ngài dạy đạo.
2. Dân chúng đã nghe sự trao đổi của Ngài với các nhà lãnh đạo tôn giáo và Ngài sử dụng thì giờ vàng ngọc nầy để giúp cho họ hiểu rằng sự ô uế không đến từ bên ngoài, mà đến từ bên trong (câu 11). Chúng ta được sanh ra đã bị ô uế!
3. Có một vấn đề quan trọng với sự ô uế trong thế giới của chúng ta. Là Cơ đốc nhân, chúng ta có một trách nhiệm đạo đức phải canh giữ sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải quan tâm tới sự ô uế về mặt thuộc linh. Từ ngữ "dơ dáy" trong câu 11 có ý nói tới "ô uế hay làm cho dơ dáy".
B. Chúa Giêxu chia sẻ các điểm đặc trưng của sự ô uế với các môn đồ (các câu 12-20).
1. Mác 7.17 cho chúng ta biết ở điểm nầy Chúa Giêxu "vào trong nhà, cách xa đoàn dân". Các môn đồ, có lẽ đã hỏi với nỗi sợ hãi: "Thầy có hay rằng người Pha-ri-si nghe lời thầy nói mà phiền giận chăng?" Tất nhiên Ngài biết rõ họ đã "phiền giận", Ngài cố ý làm mất lòng họ! Hãy tiếp thu điều nầy: những kẻ giả hình LUÔN LUÔN bị mất lòng bởi lẽ thật!
2. Không những hạng người giả hình bị mất lòng bởi lẽ thật, họ còn bị định cho sự phán xét nữa. Họ là thứ cỏ lùng mà "Cha trên trời không trồng" cùng lượt với lúa mì, và họ sẽ bị "nhổ đi" rồi bị ném vào ngọn lửa.
3. Chúa Giêxu đã đưa ra một lời cảnh cáo mạnh mẽ về hạng người thể ấy: "Hãy để vậy". Thậm chí đừng đến gần họ nữa. Quí vị không phải "quăng ngọc trai cho heo". Đừng phí thì giờ với những kẻ không chịu nghe lẽ thật.
4. Tại sao vậy? Họ rất nguy hiểm và dẫn người ta đi lạc đường. Họ bị “mù” về mặt thuộc linh và sẽ nhóm nhiều người khác quanh họ, họ cũng bị “mù” và hết thảy họ sẽ cùng nhau “té xuống hố” (nghĩa là, chịu phán xét).
5. Phierơ thấy thật là khó tin rằng các cấp lãnh đạo tôn giáo đáng kính lại bị “mù” về mặt thuộc linh. Ông thấy khó chấp nhận sự thực ô uế lại xuất phát từ bên trong, vì vậy ông đã nói: "Xin thầy cắt nghĩa lời ví dụ ấy cho chúng tôi".
6. Chúa Giêxu phán: "Các ngươi cũng còn chưa hiểu biết sao?" Quí vị có nhận thấy sự buồn rầu trong giọng nói của Ngài chăng? Các môn đồ, sau hơn 2 năm truyền giáo vẫn chưa nhìn thấy sự khác biệt giữa cái gì là thuộc thể, cái gì là thuộc linh.
7. Vì vậy, Chúa Giêxu phán: "Vật gì vào miệng thì đi thẳng xuống bụng, rồi phải bỏ ra nơi kín đáo". Đồ ăn theo phần xác sẽ không làm hại về mặt thuộc linh. Nó đi ngang qua thân thể. Mác 7.19 nói sở dĩ như vậy là "vì sự đó không vào lòng người".
8. Ngược lại, điều chi "ra từ tấm lòng" ra từ tâm linh, linh hồn và tâm thần: "thì những điều đó làm dơ dáy người".
9. Trong tấm lòng của con người tự nhiên là "ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn". Danh sách nầy còn nữa và dài lắm. Khi quí vị nhìn vào danh sách ấy quí vị phải nhìn nhận rằng mọi sự đó đều có trong lý trí của mình không lúc nầy thì lúc khác. Chúng đến từ đâu? Chúng đã đến từ “tấm lòng” của quí vị. Giêrêmi 17.9 chép: "Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?"
10. Trong 23.27, Chúa Giêxu phán với người Pharisi: "Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy".
Chúa Giêxu đang nhìn vào tấm lòng của chúng ta. Ngài làm thoả mãn mọi nhu cần của chúng ta nơi chúng ta sinh sống, nhưng Ngài nhìn xem tấm lòng của chúng ta. Ngài là Đấng duy nhứt có thể biến tấm lòng dơ dáy thành một tấm lòng thanh sạch.
***

Mathiơ 14.22-33: "Bằng chứng trong một cơn bão nghi ngờ"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Bằng chứng trong một cơn bão nghi ngờ
Mathiơ 14.22-33
1. Max Lucado viết: “Có những trận bão tuyết. Có những trận mưa đá. Có những cơn mưa giông. Và có những trận bão nghi ngờ. Thường thì có từng trận bão nghi ngờ cuốn vào đời sống tôi, đem theo với nó là những cơn gió mạnh nhiều thắc mắc và các trận gió sợ hãi mạnh cấp 10. Và, không bao lâu sau khi nó đến, một tia sáng chiếu qua nó. Đôi khi giông bão đến sau phần tin tức buổi tối. Một vài đêm tôi lấy làm lạ khi biết tại sao tôi lại trông ngóng nó. Một vài đêm giông gió nhiều… Đôi khi tôi lấy làm lạ “Không biết sao thế giới của chúng ta lại hỗn độn đến thế?” Đôi lúc giông bão đến khi tôi đang làm việc. Hết chuyện nầy đến chuyện khác trong các gia đình sẽ không chữa lành và nhiều tấm lòng không hề tan vỡ. Luôn luôn có những thứ đáng khao khát hơn đồ ăn. Có nhiều nhu cầu còn cần hơn là tiền bạc. Có nhiều thắc mắc hơn là câu trả lời. Vào những ngày Chúa nhật, tôi đứng trước một Hội thánh với bố cục gồm ba điểm trong tay và một lời cầu nguyện trên môi miệng mình. Tôi làm hết sức mình để nói ra điều sẽ thuyết phục một người lạ rằng một Đức Chúa Trời không thấy được bằng mắt thường vẫn còn lắng nghe” (In the Eye of the Storm [Trong con mắt bão], p.125).
2. Trong phân đoạn Kinh Thánh quan trọng nầy, chúng ta thấy các môn đồ đang ở trong sự thương xót của một trận bão biển và một cơn bão nghi ngờ. Tuy nhiên, ở giữa nỗi sợ hãi và nghi ngờ của họ, Chúa Giêxu đang minh chứng một lần đủ cả cho họ thấy về lai lịch thiêng liêng của Ngài. Câu 33 là đỉnh cao của câu chuyện. Sau một đêm giông bão, họ kiếm được đức tin mới và công bố: "Thầy thật là Con của Đức Chúa Trời". Điều nầy dường như chẳng có gì là bất thường đối với chúng ta, song hãy nhớ, đây là lần đầu tiên 12 người đồng tuyên bố Chúa Giêxu chính là Con Đức Chúa Trời.
3. Nếu quí vị đang ở giữa một trận bão nghi ngờ, nếu quí vị đang ở giữa một cơn khủng hoảng đức tin, tôi nguyện rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ dạy dỗ quí vị từ Lời của Đức Chúa Trời để tin cậy vào quyền phép chấm dứt giông bão của Con Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xem xét 5 bằng chứng về lai lịch của Chúa Giêxu.
I. Bằng chứng về uy quyền của Chúa Giêxu (các câu 22-23).
A. Chúa Giêxu có quyền sai phái các môn đồ (câu 22a).
1. Tuần rồi chúng ta đã học biết thể nào Chúa Giêxu đã cho đoàn dân đông ước chừng "năm ngàn, không kể đờn bà, con nít" ăn. Chúng ta có thể lượng chắc với số "đờn bà và con nít" đám đông đó có ít nhất là 15.000 người.
2. Giăng nói cho chúng ta biết rằng họ đã xem Ngài là Đấng Mêsi và "họ có ý ép Ngài để tôn làm vua" (Giăng 6.15). Để ngăn cản điều đó không xảy ra, "Ngài bèn lui ở một mình trên núi". Khi ấy, chưa đến lúc để cho Ngài làm vua.
3. Các môn đồ, không nghi ngờ chi nữa, họ rất phấn khích bởi lòng mong mỏi của đám dân đông. Sau cùng Chúa Giêxu đã được công nhận cách công khai. Giờ đây Ngài sẽ thiết lập vương quốc của Ngài. Giờ đây Ngài sẽ lãnh đạo đám đông nầy gạt bỏ sự áp bức của người La mã. Bây giờ là cơ hội thuận tiện đến nắm lấy Nước! Tôi e rằng cũng có một số người nghĩ tới các địa vị cao trọng mà không bao lâu nữa họ sẽ được hưởng.
4. Sau khi nhận biết mọi tư tưởng của họ và ảnh hưởng của đám dân đông, "Ngài liền hối môn đồ xuống thuyền, qua trước bờ bên kia". Họ dễ bị tác động trước các kế hoạch thiên về chính trị của dân chúng và Chúa Giêxu muốn họ sớm rời khỏi nơi đó.
5. "Bờ bên kia" chỉ là một chuyến đi ngắn băng ngang đỉnh phía Bắc của Biển Galilê. Họ tưởng Ngài sẽ đi bộ quanh bờ biển và không bao lâu nữa sẽ gặp lại họ.
6. Rõ ràng là họ không muốn rời khỏi Chúa Giêxu. Sự thật cho thấy rằng Ngài đã "hối" [sát nghĩa là "thúc giục mạnh mẽ] họ "xuống thuyền" chứng thực cho điều nầy. Họ không muốn rời khỏi Chúa Giêxu. Họ cảm thấy lạc lỏng và dễ bị nguy hiểm nếu như không có Ngài, giống như một đứa trẻ ở xa cách bố mẹ của nó vậy.
7. Tuy nhiên, họ đã tin cậy vào UY QUYỀN của Chúa Giêxu. Khi Ngài bảo họ phải ra đi, thì họ bèn đi.
B. Chúa Giêxu có quyền sai phái đoàn dân đông (các câu 22b-23a).
1. Mặc dù đoàn dân đông đã tìm cách tôn Chúa Giêxu làm vua, họ không thể tôn Ngài làm vua ngược lại với ý chỉ của Ngài được. Đặc biệt hãy chú ý "Ngài đang truyền cho dân chúng tan đi". Khi Ngài hối các môn đồ xuống thuyền dong buồm băng ngang qua hồ, Ngài đã truyền cho "dân chúng" tan đi.
2. Mới đây tôi có học biết về cách chế ngự đám đông ở Trường Cảnh Sát. Tôi có thể nói cho quí vị biết, quí vị rất khó chế ngự 100 người, phương chi là 5.000 hay 15.000 người.
3. Chúa Giêxu hoàn toàn có uy quyền trên số người nầy. Làm cho đám đông tan đi không là vấn đề gì đối với Ngài, là Đấng có quyền đuổi cả một đạo binh ma quỉ. Làm cho đám đông tan đi chỉ là những quả cà chua nhỏ đối với Đấng sẽ trục xuất Satan vào hồ lửa cho đến đời đời.
C. Chúa Giêxu có quyền đánh đuổi Satan (câu 23b).
1. Sự cám dỗ của Chúa Giêxu không bắt đầu cũng không kết thúc trong đồng vắng trước khi Ngài bắt đầu thi hành chức vụ của Ngài. Luca 4.13 chép ma quỉ "bèn tạm lìa Ngài". Không nghi ngờ chi nữa Ngài đã bị cám dỗ ngay cả trong hoàn cảnh nầy. Ngài đã bị cám dỗ phá hỏng chương trình của Đức Chúa Cha.
2. Giống như sự cám dỗ trong đồng vắng, Chúa Giêxu bị cám dỗ được người ta muốn tôn lên làm vua, để lật đổ Rôma và không phải chịu nỗi đau và sự sĩ nhục của thập tự giá, để tránh né sự thương khó làm người mang lấy tội lỗi của chúng ta.
3. Tuy nhiên, hãy chú ý điểm đặc biệt của Chúa Giêxu khi ở dưới sự cám dỗ. Đây không phải là sự yên nghỉ cho cơ thể yếu sức của Ngài, mà là sự cầu nguyện. "Ngài lên núi để cầu nguyện riêng".
4. "Ngài một mình" ở đó khi "chiều tối". Trời khi ấy vào giữa 6 đến 9 giờ tối.
II. Bằng chứng về tri thức của Chúa Giêxu (các câu 24-25).
A. Chúa Giêxu vốn biết rõ về trận bão (câu 24).
1. Không bao lâu sau khi môn đồ rời khỏi Chúa Giêxu, họ thấy mình đang ở giữa trận bão.
2. Họ bị kéo ra "giữa biển" (sát nghĩa, cách xa đất liền nhiều hải lý). Giăng 6.19 chép họ đã chèo ra "độ chừng hai mươi lăm hay là ba mươi ếchtađơ". Trong một chuyến đi bình thường băng ngang qua Biển Galilê ở đỉnh phía Bắc, họ phải vượt biển khoảng chưa đầy một dặm tính từ bờ. Rõ ràng cơn bão đã khiến cho họ bị đẩy ra xa hơn về phía Nam ở "giữa biển".
3. Họ bị "sóng vỗ" vì "gió ngược". Họ bị đẩy ra xa hơn nơi họ định đến thay vì gần hơn. Mác 6.48 chép họ "chèo khó nhọc lắm".
4. Các môn đồ đã bị Chúa bảo phải đi xa khỏi chỗ vừa tìm được lòng người, giờ đây họ đang ở chỗ chắc phải chết mất. Điều tệ hại nhất là Chúa Giêxu không có mặt với họ. Trong 8.26 chúng ta đọc thấy thể nào Ngài đã "quở gió và biển" trong một trận bão ngoài biển trước đây. Tuy nhiên, Ngài không ở với họ lần nầy. Ngài ở cách đấy vài dặm đường.
5. Tôi hình dung thấy họ kêu gào lên: "Nếu chỉ có Chúa Giêxu ở đây!" Sự thật là, Chúa Giêxu đã có mặt ở đó, mặc dù về mặt thuộc thể Ngài ở cách đấy vài dặm đường. Chúa Giêxu vốn biết chính xác họ đang gặp phải điều gì rồi. Ngài vốn biết rõ cấu trúc phân tử của từng giọt nước bên dưới và bên trên họ.
B. Chúa Giêxu biết rõ Ngài sẽ làm gì (câu 25).
1. Chúa Giêxu đã chờ đợi cho tới chừng "canh tư đêm ấy" trước khi ra tay can thiệp. "Canh tư" là từ 3 - 6 giờ sáng. Nếu họ rời bến từ 6 giờ chiều, điều nầy có nghĩa là họ đã ở trên thuyền khoảng 9 tiếng đồng hồ.
2. Ngài cố ý đợi một thời gian dài trước khi Ngài "đến cùng môn đồ". Có một sự tương ứng ở đây, ấy là Ngài đã đợi cho tới khi Laxarơ chết trước khi Ngài đến cùng Mary và Mathê. Trong cả hai trường hợp, Ngài có thể đến sớm hơn, Ngài có thể làm ra phép lạ mà không cần phải có mặt. Ngài có thể ngăn trở cơn bão trong chỗ thứ nhứt. Thế nhưng, vì tri thức vô hạn của Ngài, Ngài biết tốt nhứt là để cho họ đối mặt với trận bão.
3. Có còn nhớ bài học về mấy cái bánh và hai con cá kia không? Họ đã tìm khắp mọi nơi để kiếm câu trả lời cho nan đề trước khi quay sang Chúa Giêxu. Ở đây cũng chính bài ca ấy và là câu thứ hai. Vấn đề trước là đồ ăn, chớ không phải là đức tin. Giờ đây họ đã chú vào sợ hãi thay vì chú vào đức tin.
4. Chúa Giêxu không hề quên họ. Ngài "đi bộ trên mặt biển" mà đến với họ.
III. Bằng chứng về sự bảo hộ của Chúa Giêxu (các câu 26-27).
A. Các môn đồ biết chắc số phận của họ (câu 26).
1. Khi Chúa Giêxu "đi bộ trên mặt biển" mà đến với họ, Ngài đã đi từ phía sau lưng rồi tới bên cạnh và "muốn đi trước họ" theo Mác 6.48.
2. Khi Ngài đến bên cạnh và họ đã trông thấy Ngài, họ lấy làm "bối rối" lắm. Một cách dịch hay hơn là "lấy làm kinh khủng". Họ đã tin Ngài là một "con ma", một hồn ma. Ngay khi trận bão chẳng làm gì tệ hại hơn, một hồn ma đã đến để ám ảnh họ! Tình trạng vô vọng của họ chuyển thành kinh khủng hoàn toàn và họ chẳng làm chi khác hơn là "sợ hãi mà la lên".
3. Họ tưởng Ngài là một "con ma" vì họ không mong nhìn thấy Ngài!
B. Chúa Giêxu tái khẳng định với họ về sự hiện diện có tính cách bảo hộ của Ngài (câu 27).
1. Để cho nỗi sợ hãi của họ vơi đi, Ngài "liền phán" với họ. Họ đã nhận ra Ngài qua cơn bão, nhưng họ biết rõ giọng nói của Ngài. Ngài phán trong Giăng 10.27: "Chiên ta nghe tiếng ta… và nó theo ta".
2. Chúa Giêxu phán: "Các ngươi hãy yên lòng" đúng nghĩa là "hãy can đảm lên". Khi ấy Ngài phán: "Ấy là ta đây, đừng sợ". Câu nầy dịch "TA LÀ".
3. Không một chỗ nào Chúa Giêxu không thể tìm gặp chúng ta. Ngài sẽ không bao giờ quên chúng ta. Cho nên không có một lý do gì phải sợ cả. MacArthur nói: "Chỗ an ninh không phải là chỗ hoàn cảnh tiện nghi, mà là chỗ vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời". Amen! Đừng lo về các hoàn cảnh mà phải vâng phục.
IV. Bằng chứng về tình yêu thương của Chúa Giêxu (các câu 28-31).
A. Đức tin của Phierơ đặt nơi tình yêu thương của Chúa Giêxu (các câu 28-29).
1. Tôi dám chắc Phierơ đã nhận ra Chúa, "Nếu phải Chúa" không phải là một sự thách thức cho lai lịch của Chúa Giêxu vì Phierơ không cố gắng nói ra một câu như vậy nếu ông ta không biết chắc mình đang nói chuyện với Chúa, chớ không phải nói với một “con ma”.
2. Với sự vui mừng tột độ, ông ta kêu la lên: "Xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa". Không những ông ta rất thích thú. Ông ta còn muốn đi trên mặt nước với Chúa Giêxu hơn là ở trong thuyền mà không có Ngài. Mặc dù Phierơ đã làm buồn lòng Chúa nhiều lần, tình cảm ông dành cho Chúa Giêxu là một tình cảm chân thật.
3. Chúa Giêxu phán: "Hãy lại đây" và Phierơ vui sướng đến cùng Ngài. Ông ta cũng "đi bộ trên mặt nước". Chúa Giêxu đã mĩm cười với vẻ yêu thương qua cơn bão!
B. Đức tin của Phierơ chuyển thành sợ hãi (câu 30).
1. Phierơ để ý thấy "gió thổi". Ông ta chú vào cơn bão thay vì chú vào Chúa Giêxu và đã "sợ hãi". Khi nỗi sợ của ông ta càng lớn lên, ông ta bắt đầu "sụp xuống nước".
2. Bất cứ lúc nào chúng ta bước đi bởi đức tin, cơn bão dường như sẽ mạnh hơn và những mối nghi ngờ sẽ dấy lên. Dù vậy, tôi muốn bước đi trong sự vâng phục và đức tin với Chúa Giêxu trong cơn bão hơn, đối diện với những nghi ngờ của mình hơn là cứ ở lì trong chiếc thuyền.
C. Phierơ được cứu (câu 31).
1. Không bao lâu sau khi ông bắt đầu "sụp xuống", Phierơ đã gào lên trong vô vọng "Chúa ơi, xin cứu lấy tôi!" Chúa Giêxu "tức thì giơ tay nắm lấy người". Phierơ không bao giờ rơi vào mối nguy hiểm nào vì Chúa đã "nắm lấy người".
2. Chúa đã kéo Phierơ lại gần, Ngài nhìn vào mắt ông rồi hỏi: "Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?" Ngài phán y như thế cùng chúng ta hôm nay khi những cơn bão nghi ngờ đang tan biến đi trong ánh sáng sự hiện diện của Ngài.
V. Bằng chứng về quyền phép của Chúa Giêxu (các câu 32-33). Giăng 6.21 chép: "tức thì chiếc thuyền đậu vào bờ, là nơi định đi”. Không nghi ngờ chi nữa về thần tính của Ngài. Chúng ta cùng đọc Thi thiên 77.
***

Mathiơ 14.14-21: "Cho 5000 người ăn"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Cho 5000 người ăn
Mathiơ 14.14-21
1. Việc cho 5000 người ăn là một trong các phép lạ quan trọng nhất của Chúa Giêxu. Chúng ta biết như vậy vì đây là phép lạ duy nhất được nhắc lại trong bốn sách Tin lành. Phép lạ nầy được đặt ở cao điểm khi sự được lòng người của Ngài bị thay thế bằng sự chối bỏ.
2. Sự chối bỏ Chúa Giêxu xảy đến từ nhiều góc độ khác nhau. CÁC CẤP LÃNH ĐẠO TÔN GIÁO tỏ vẻ thù nghịch ngày càng tăng theo mọi hướng. CÁC NHÀ CHÍNH TRỊ rất hoang mang. Hêrốt sợ Chúa Giêxu giống như ông ta đã từng sợ Giăng Báptít trước Ngài. Mặc dù THƯỜNG DÂN vẫn lấy làm lạ trước các phép lạ của Ngài, họ ngày càng dửng dưng hơn đối với sứ điệp của Ngài. Thực ra phép lạ nầy sẽ trở thành đỉnh cao trong sự Chúa Giêxu được lòng người. Giăng 6.15 nói sau bữa ăn đông người nầy, đoàn dân đông muốn "tôn Ngài làm vua".
3. Chúa Giêxu lui ra khỏi chức vụ công khai để ở riêng với các môn đồ Ngài. Chúng ta thấy điều đó trong câu 13. Ngài "tẻ ra" rồi đi đến "đồng vắng". Ngài hoàn toàn không ở riêng một mình vì các sách Tin lành khác nói cho chúng ta biết các môn đồ đã ở với Ngài. Ngài muốn làm cho các môn đồ đau lòng và hiểu rõ ý nghĩa sự chết của Giăng Báptít. Ở thời điểm nầy, trong năm cuối của cuộc đời mình, Chúa Giêxu đã để ra nhiều thì giờ hơn với các môn đồ Ngài, lo sửa soạn họ cho những gì sắp xảy đến.
4. Chúa Giêxu hoàn toàn kiệt sức từ chức vụ của Ngài. Chẳng có gì phải nghi ngờ nữa, Ngài hoàn toàn kiệt sức do kế hoạch quá sốt sắng chuyên rao giảng và làm ra các phép lạ. Ngài cũng đối mặt với sự căng thẳng do sự chống đối ngày càng tăng giữa vòng các kẻ thù Ngài. Ngài đang lo xử lý với nỗi buồn đau riêng về sự mất mát Giăng. Trên đỉnh cao mọi sự ấy, Ngài đang vật vã với tình trạng chưa trưởng thành liên tục giữa vòng các môn đồ. Ngài cần một sự nghỉ ngơi! Đây là bằng chứng của Kinh Thánh về việc cần phải nghỉ ngơi giữa hai lần làm việc!
5. Chúa Giêxu không thể tẻ tách ra khỏi dân chúng. Câu 13 chép: "Khi đoàn dân biết vậy, thì từ các thành đi bộ mà theo Ngài". Hãy nhớ, Chúa Giêxu và các môn đồ đang băng ngang qua Biển Galilê "bằng thuyền". Số dân nầy đang vội vã quanh bờ biển, họ “đi bộ". Mác 6.33 cho chúng ta biết rằng "nhiều người nhận biết Ngài" hay biết nơi Ngài sẽ đi đến và họ "đều chạy bộ" và nhiều người "đã tới đó trước". Mặc dù đã có một vài người chân thành tìm kiếm, hầu hết đều đến đó để giải trí mà thôi. Giăng 6.2 chép họ theo Ngài: "vì từng thấy các phép lạ Ngài làm cho những kẻ bịnh".
6. Quyền phép của Đức Chúa Trời còn sâu xa hơn các động lực bất kỉnh của người ta. Chúng ta hãy xét qua tình cảm của Chúa Giêxu, sự chưa trưởng thành của các môn đồ, quyền phép của Chúa Giêxu và sau cùng kiếm được một vài nguyên tắc cho phần ứng dụng thực tế.
I. Chúa Giêxu tỏ ra lòng thương xót của Ngài (câu 14).
A. Chúa Giêxu đặt mọi nhu cần của dân chúng lên trên các nhu cần riêng của Ngài.
1. Khi Chúa Giêxu đến bờ biển, Ngài "ở thuyền bước lên" và "thấy đoàn dân đông đúc". Câu 21 cho chúng ta biết rằng đã có "năm ngàn người, không kể đờn bà con nít". Nhiều học giả cho rằng đoàn dân đông có thể được đếm rất thực tế giữa 15.000 và 25.000 người, tính luôn “đờn bà và con nít”.
2. Hãy dừng lại trong một phút rồi tưởng tượng quí vị phải làm gì nếu quí vị là Chúa Giêxu. Hãy nhớ quí vị đã thấm mệt ngần nào rồi. Hãy nhớ tới sự căng thẳng. Hãy nhớ áp lực chống đối ngày càng tăng. Nếu là quí vị hay là tôi, có lẽ chúng ta sẽ bảo đám đông nên trở về nhà. Chúng ta sẽ dứt “đuôi” trên những ngọn núi, ở đó họ sẽ không đi theo chúng ta được.
3. Không phải thế đâu, Chúa Giêxu… khi Ngài "thấy đoàn dân đông đúc… Ngài động lòng thương xót". Từ ngữ nói tới sự “thương xót” có nghĩa là động lòng trắc ẩn nơi một người. Người xưa xem tấm lòng là ngai của tình cảm. Trong xã hội của chúng ta, chúng ta sẽ nói: "Tấm lòng của Ngài nhức nhối vì họ".
4. Chúa Giêxu làm cho tôi phải hổ thẹn ở đây. Tôi đọc tới đây và nhận biết tôi thường chẳng giống với Chúa Giêxu là dường nào. Có nhiều khi tôi không muốn trả lời điện thoại. Có nhiều khi tôi không muốn gặp một ai hết. Có nhiều khi tôi không muốn tư vấn cho người ta. Tôi chỉ muốn ở riêng một mình thôi. Tuy nhiên dưới áp lực ngày càng cao hơn, Chúa Giêxu đáp lại bằng "lòng thương xót".
5. Tôi tin Chúa Giêxu đã động lòng sâu sắc bởi sự đau khổ về phần xác và sự nhầm lẫn về mặt thuộc linh của họ. 9.36 nói tới đám đông khác: "Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương xót, vì họ khốn cùng, và tan lạc như chiên không có kẻ chăn".
6. Tấm lòng Chúa Giêxu thường chiếu vào con người. Ngài đã "khóc" với Mary và Mathê lúc Laxarơ chết. Khi Ngài nhìn xuống thành Jerusalem lần cuối cùng trước khi bước vào thành phố, Luca 19.41 chép: "Ngài thấy và khóc về thành".
B. Tấm lòng của Chúa Giêxu chiếu vào hạng người tìm kiếm chỉ biết lấy cái tôi làm trọng.
1. Trong bất kỳ chức vụ nào, bất kỳ Hội thánh nào luôn luôn có những người đứng quan sát, hạng người có mặt ở đó chỉ để xem mà thôi. Họ chẳng đưa ra một sự đầu phục nào hết, mà chỉ muốn giải trí thôi. Họ chẳng quan tâm đến Chúa hay đến người khác. Họ chỉ muốn mọi nhu cần của họ được thoả mãn. Phần nhiều các vị Mục sư đều có ít thì giờ cho số người dân như thế.
2. Không có việc thiếu vắng số người nầy trong “đám đông” ngày ấy. Họ muốn nhìn thấy một sự chữa lành bằng phép lạ hay một dấu lạ đến từ trời. Hãy đoán xem đó là gì? Chúa Giêxu cũng “động lòng thương xót” họ nữa. Ngài không quan tâm tới lý do tại sao họ đã đến, Ngài chỉ muốn họ tiếp thu lấy sứ điệp mà thôi.
3. Chúa Giêxu cảm thấy "thương xót" đối với cả đoàn dân đông vì sự hiểu biết thiêng liêng của Ngài đối với địa ngục. Ngay cả khi Ngài "chữa cho kẻ bịnh được lành" nỗi ao ước sâu sắc của Ngài là sự chữa lành cho linh hồn của họ.
4. Chúa Giêxu gạt qua một bên nhu cần về sự ở riêng, nghỉ ngơi riêng của Ngài với các môn đồ và thậm chí cả thì giờ biệt riêng của Ngài với Cha của Ngài để làm thoả mãn nhu cần của hạng người vô dụng, bị âm phủ trói buộc lấy nầy. Đó là lòng “thương xót” thực.
II. Các môn đồ chứng tỏ sự họ chưa trưởng thành (các câu 15-17).
A. Nan đề thiếu đồ ăn (câu 15).
1. Câu 15 cho chúng ta biết rằng trời đã chiều và “buổi tối” đã đến rồi. Có lẽ khi ấy vào khoảng 6 giờ chiều, trước khi mặt trời lặn.
2. Trước khi trời tối hẳn, các môn đồ đã lo về bữa ăn tối cho đoàn dân đông. Một lần nữa Kinh Thánh cho chúng ta biết họ đang ở trong một “nơi vắng vẻ”, một chỗ hoang vu, cách thị trấn gần nhất nhiều dặm đường. Và làng nào của xứ Galilê có thể cung cấp nhiều thức ăn cho số người đông dường ấy chứ? Hơn nữa, dân sự có lẽ còn đói bụng hơn khi họ phải đi một đoạn đường dài để gặp Chúa Giêxu.
3. Chúng ta hãy trở lại với Giăng 6.5-9 để có một nhận định khác nữa về bối cảnh nầy. Ở đây chúng ta học biết rằng lúc sáng sớm, khi Chúa Giêxu trước tiên nhìn thấy đoàn dân đông, Ngài đã hỏi Philíp: "Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân nầy có mà ăn?"
4. Chúa Giêxu đã hỏi Philíp câu nầy để "thử Philíp". Philíp xuất thân từ khu vực đó và vốn biết rõ phải mua lượng thức ăn nhiều ở chỗ nào. Chúa Giêxu mong Philíp sẽ nhìn xuyên qua những tài nguyên đời nầy mà nhìn thấy tài nguyên của thiên đàng đang ngồi trước mặt ông ta.
5. Tuy nhiên, Philíp lại run sợ trước số lượng người ta đông đảo hơn là độ lớn lao của quyền phép Chúa Giêxu. Ông đang làm một phép tính trong đầu mình rồi đáp: "Hai trăm đơ-ni-ê bánh không đủ phát cho mỗi người một ít". Một đơniê là tiền lương trung bình của một ngày lao động. Sáu tháng tiền lương sẽ không đủ cho họ ăn nữa là. Philíp vốn biết họ chẳng lấy đâu ra một số tiền lớn như thế.
6. Anhrê cũng khám phá ra một cậu bé có một bữa ăn trưa gồm "năm cái bánh mạch nha và hai con cá". Anhrê rất trung tín nói: "nhưng đông người dường ấy có thấm vào đâu".
B. Nan đề thiếu đức tin (các câu 16-17).
1. Nan đề không phải là thiếu đồ ăn, mà là thiếu đức tin. Trở lại phân đoạn Kinh Thánh gốc, chúng ta đọc thấy các môn đồ đã thưa với Chúa Giêxu: "xin thầy cho dân chúng về, để họ đi vào các làng đặng mua đồ ăn".
2. Chúa Giêxu tiếp tục chức vụ chữa lành, giảng dạy của Ngài và phán cùng các môn đồ: "Chính các ngươi hãy cho họ ăn". Đây là một thử nghiệm, một thử thách để kiểm tra cấp độ trưởng thành của các môn đồ.
3. Từ nhận định của chúng ta qua việc đọc và nghe kể câu chuyện nầy nhiều lần, câu trả lời dường như rất rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng quan niệm Chúa Giêxu cho đoàn dân đông ăn bằng phép lạ không hề có trong lý trí của họ.
4. Sau khi đồng đi với Chúa Giêxu trong 2 năm trời, chúng ta nghĩ tự nhiên họ sẽ ngồi lại rồi nói: "Ok, thưa Chúa . Chúng ta phải lo việc ấy ngay bây giờ. Không có một chỗ nào để mà mua đồ ăn cả. Chúng ta không có tiền mặt. Cách duy nhứt chúng ta có thể “cho họ ăn” là Ngài sẽ ban thứ đồ ăn đó cho chúng tôi".
5. Tôi tin rằng nếu có ai đó từ trong đám đông đến hỏi Phierơ: "Liệu Thầy của ông có cho đám đông nầy ăn bằng phép lạ không?" Phierơ sẽ đáp ngay: "Tất nhiên là Ngài có quyền mà". Thế mà họ không thể nhìn thấy phép lạ ấy.
6. Trước khi chúng ta xét đoán các môn đồ, chúng ta hãy chịu khó nhìn lại đức tin của chính mình đi. Có bao nhiêu lần chúng ta đối diện với những gì dường như là các nan đề khó vượt qua nổi rồi quên đi khả năng can thiệp của Đức Chúa Trời?
III. Chúa Giêxu bày tỏ ra quyền phép của Ngài (các câu 18-21).
A. Chúa Giêxu cho dân sự ngồi xuống.
1. Nói về mấy cái bánh và cá, Chúa Giêxu phán: "Hãy đem đây cho Ta". Tôi tưởng tượng một cái nhìn thất vọng nơi ánh mắt của Ngài khi thấy các môn đồ đã không qua nổi phần thử nghiệm mà Ngài đã đặt ở trước mặt họ.
2. Vì vậy Chúa Giêxu đã phán cùng họ: "Ta vốn biết các ngươi không có đủ đồ ăn để cho họ ăn. Ta biết rõ các ngươi không có đủ tiền bạc để mua đồ ăn. Ta biết các ngươi không có một chỗ nào để mua đủ đồ ăn đó. Ta đang yêu cầu các ngươi phải tin cậy Ta, đem đến cho Ta chút phần mà các ngươi đang có và hãy tin cậy Ta làm phần còn lại".
3. Khu vực nơi phép lạ đã diễn ra có những sườn núi toàn là cỏ. Dân chúng đang đứng để nhìn thấy Chúa Giêxu rõ hơn. Giờ đây, vì những lý do mà họ không biết: "Ngài bèn truyền cho chúng ngồi xuống trên cỏ". Mác 6.40 thêm: "Chúng ngồi xuống từng hàng, hàng thì một trăm, hàng thì năm chục".
B. Chúa Giêxu cho dân sự ăn.
1. Chúa Giêxu cầm lấy bữa ăn trưa của cậu bé: "ngửa mặt lên trời mà tạ ơn, rồi bẻ bánh ra đưa cho môn đồ, môn đồ phát cho dân chúng". Câu chuyện là thế đó. Không có một lời giải thích nào khác nữa. Chúng ta không biết chính xác giây phút nào phép lạ diễn ra. Rõ ràng là đã có rất nhiều đồ ăn, đồ ăn có liên tục. Có lẽ phép lạ đã diễn ra trong một thời gian ngắn trước khi dân sự hiểu chuyện gì đã xảy ra, vì họ không sao nhìn thấy được Chúa Giêxu đã làm gì.
2. Họ "ai nầy đều ăn no". "No" đến từ một từ được dùng để nói tới loài thú ở lì trong máng ăn cho tới chừng chúng không còn gì để ăn nữa. Nhiều học viên Kinh Thánh lấy câu nầy để nói rằng vì “bánh” và “cá” được tạo ra theo cách thiêng liêng nên dân sự đã kinh nghiệm được một sự no nê hay thoả mãn từ bữa ăn không giống như các thứ đồ ăn khác. Nhiều người tin thứ đồ ăn nầy là trọn vẹn, không bị hỏng kể từ sự Sa Ngã.
3. Không những có đủ đồ ăn đến nỗi ai nấy đều ăn “no” mà họ còn "thâu được 12 giỏ bánh thừa” nữa. Mỗi một môn đồ đều có một giỏ bánh và hết thảy họ đều dự phần với Chúa Giêxu. Trong kinh tế của Đức Chúa Trời không bao giờ có quá nhiều hay quá ít.
4. Hãy suy nghĩ xem điều chi đã xảy ra cho đoàn dân đông trong ngày đó. Các môn đồ đã học biết một bài học thuộc linh có giá trị về việc trông mong Đức Chúa Trời tiếp trợ cho mọi nhu cầu của họ. Các tín đồ trong đám đông đã có đức tin của họ được làm cho vững vàng và họ đã thờ lạy Chúa. Những người không tin đã tự xét đoán mình bằng cách ăn no thoả mãn bánh đến từ tay của Chúa Giêxu, nhưng lại từ chối không chịu ăn cho thoả mãn “Bánh Sự Sống”.
IV. Hai nguyên tắc Kinh Thánh phải ứng dụng.
A. Lòng thương xót thực luôn luôn đặt nhu cần của tha nhân lên trước hết.
B. Sự trưởng thành thuộc linh luôn luôn nhìn xem Chúa Giêxu trước hết.
***

Mathiơ 14.1-13: "Từ Giăng đến Chúa Giêxu"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Từ Giăng đến Chúa Giêxu
Mathiơ 14.1-13
1. Tôi rất vui sướng khi trở lại với loạt bài học về sách Mathiơ. Tôi khởi sự loạt bài học nầy từ tháng 7 năm 1995 và đây là sứ điệp thứ 54 trong loạt bài nầy. Vì cớ có nhiều việc đã xảy ra trong nhà thờ của chúng ta và nhiều nhà thờ khác nữa, tôi đã không giảng loạt bài nầy trong nhiều tháng trời. Tôi muốn tiếp tục việc đào sâu vào loạt bài ấy tối nay.
2. Hãy chú ý thể nào câu 1 bắt đầu với cụm từ "lúc ấy". “Lúc ấy” là lúc nào? Đó là thời điểm trong chức vụ của Chúa Giêxu chỗ mà người ta bắt đầu chối bỏ Ngài, khoảng 2 năm trong chức vụ công khai của Ngài. Trong 13.53-58, chúng ta đọc thấy thể nào thị trấn quê hương của Ngài đã chối bỏ Ngài. Bất cứ đâu Ngài đi đến, Ngài bắt đầu gặp sự đối kháng ngày càng tăng, họ chối bỏ và thậm chí tỏ vẻ thù nghịch với sứ điệp của Ngài nữa. Điều nầy chỉ ra cho chúng ta thấy phương thức hột giống Tin lành thường rơi xuống nơi đất đá, khô cứng và lạnh lẽo trong tấm lòng của người ta.
3. Tự bản thân nó đây là một con đường thật kỳ lạ chứa đựng một câu chuyện thật kỳ lạ. Đây là một câu chuyện nói tới sự bội tín, ly dị, tái hôn, loạn luân, tư dục, ghen tương và mưu đồ chính trị. Hơn thế nữa, đây là một câu chuyện nói tới những điều xảy ra khi không có sự kính sợ Đức Chúa Trời trước mắt của loài người.
4. Chúng ta hãy xét qua phương thức Vua Hêrốt đã phản ứng đối với Chúa Giêxu, phương thức ông ta đối xử với Giăng Báptít, phương thức Chúa Giêxu đáp ứng đối với Hêrốt và sau cùng chúng ta sẽ kiếm được một số lẽ thật vô đối dành cho hôm nay.
I. Phản ứng của Hêrốt trước chức vụ của Chúa Giêxu (các câu 1-2).
A. “Vua chư hầu Hêrốt” là ai? (câu 1a).
1. "Vua chư hầu Hêrốt" là con của Hêrốt Đại Đế qua người vợ thứ tư của ông ta, một người đờn bà Samari. Người Do thái vì cớ tính di truyền của ông ta, nên họ đặc biệt rất khinh ghét Hêrốt Đại Đế. Ông ta là một người Yđumê, dòng dõi của Êsau và ông ta đã lấy một người Samari làm vợ.
2. Người Do thái cũng thù ghét Hêrốt Đại Đế vì tính bạo lực và hung ác cực độ của ông ta. Ông ta từng kết án tử Toà Công Luận vì họ dám thắc mắc ông ta. Ông ta đã giết chết một người vợ cùng hai người con trai của bà ta vì sợ họ sẽ cố gắng lật đổ ông ta. Những học viên Kinh Thánh đều nhớ ông ta là Hêrốt, là người đã ra lịnh tử hình tất cả các con trẻ nam ở Bếtlêhem trong nổ lực tìm giết con trẻ Giêxu.
3. "Vua chư hầu Hêrốt" là con trai của Hêrốt Đại Đế. Người ta cũng biết ông ta là Hêrốt Antiba nữa. Ông ta là con rối nắm lấy quyền cai trị hờ cho Rôma, ông ta giám sát hai tỉnh Galilê và Bêrê.
4. "Chư hầu" có nghĩa là "quan cai bộ phận thứ tư". Đây là một tước hiệu chung cho bất kỳ một quan cai hàng tỉnh nào. Dù ông ta tự nhận mình là “Vua”, ông ta chẳng có quyền hạn bao nhiêu.
5. Ông ta đã sống một đời sống quá độ, đầu tư hầu hết thì giờ ở cung điện Tibêriát nằm trên bờ phía Nam của Biển Galilê.
B. Tại sao Hêrốt đã nhầm Chúa Giêxu với Giăng? (các câu 1b-2).
1. Hêrốt "nghe tiếng đồn về Chúa Giêxu". Rõ ràng, ông ta đã nghe đồn về Chúa Giêxu có thể chữa lành mọi thứ tật bịnh, thể nào hàng ngàn người đã đến nghe Ngài giảng dạy, thể nào các cấp lãnh đạo người Do thái đã thù ghét Ngài.
2. Các sách Tin lành không cung ứng cho chúng ta một bản tường trình nào về Chúa Giêxu đang băng ngang qua xứ Tibêriát mặc dù Ngài thường ở cách cung điện chừng vài dặm đường. Dường như Ngài ở đó rất lâu trước khi Hêrốt "nghe đồn về Chúa Giêxu".
3. Ngay lúc Hêrốt nghe nói về mọi điều mà Chúa Giêxu đã làm, ông ta nói: "Đây là Giăng Báp-tít. Người chết đi sống lại, nhơn đó mới làm được mấy phép lạ như vậy". Như chúng ta đã học biết, Hêrốt đã giết Giăng và trong tội lỗi của ông ta, ông ta cho rằng Giăng đã quay trở lại vì cớ ông ta. Luca 9.7-8 chép: "Bấy giờ, Hê rốt là vua chư hầu, nghe nói về các việc xảy ra, thì không biết nghĩ làm sao; vì kẻ nầy nói rằng: Giăng đã từ kẻ chết sống lại; kẻ khác nói rằng: Ê-li đã hiện ra; và kẻ khác nữa thì rằng: Một trong các đấng tiên tri đời xưa đã sống lại".
II. Ký ức của Hêrốt về sự hành quyết Giăng Báptít (các câu 3-11).
A. Giăng & Hêrốt trái ngược mhau (các câu 3-4).
1. Trước khi Giăng ra đời, thiên sứ đã công bố "Vì người sẽ nên tôn trọng trước mặt Chúa; không uống rượu hay là giống gì làm cho say, và sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ" (Luca 1.15). Chúa Giêxu đã phán về Giăng như sau: "trong những người bởi đờn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít, nhưng mà kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người" (Mathiơ 11.11). Giăng cũng là một con người hạ mình chân chính. Ông đã nói về Chúa Giêxu trong Giăng 3.30: "Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống".
2. Giăng đã được sai đến để dọn đường cho Đấng Mêsi. Sứ điệp của ông là: "Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần!" (Mathiơ 3.2). Khi đoàn dân đông đến với ông, ông đã làm phép báptêm cho họ như một dấu hiệu chỉ ra sự ăn năn của họ. Mathiơ 3.5 chép: "Bấy giờ, dân thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, và cả miền chung quanh sông Giô-đanh đều đến cùng người". Giăng là một giọng nói không biết đến thoả hiệp của Chúa, là tiên tri lỗi lạc nhất trong tất cả các tiên tri.
3. Mặt khác, Hêrốt là một nhà cai trị gian ác, yếu đuối và nhu nhược. Với tầm cở mà người ta đã tôn cao và nhìn nhận Giăng Báptít, người ta đã xem khinh và sợ hãi Hêrốt cũng chừng ấy.
4. Câu 3 chép Hêrốt đã "đã truyền bắt trói Giăng và bỏ tù”. Câu kế đó, chúng ta học biết lý do tại sao…"bởi cớ Hê-rô-đia, vợ Phi-líp, là em mình". Câu 4 chép rằng Giăng đã nói với Hêrốt: "Vua không có phép được lấy người đó làm vợ".
5. Hêrốt đã lấy Hêrôđia làm vợ mình sau khi ông cướp nàng từ tay Philíp, em mình. Để lấy cho được nàng, ông ta phải ly dị bất hợp pháp với người vợ trước của ông ta. Hãy chú ý trong việc viết ra Kinh Thánh, Đức Thánh Linh gọi nàng là "vợ Philíp, là em mình”. Trong con mắt của Đức Chúa Trời, mối hôn nhân của họ là bất hợp pháp.
6. Không những mối quan hệ ấy là bất hợp pháp, mà mối quan hệ đó còn là loạn luân nữa. Hêrôđia là con gái của Aristobulus, là người em kế khác của ông ta! Bà ta là cháu gái của ông ta!
B. Nỗi sợ hãi của Hêrốt và sự cuốn hút của Giăng (câu 5).
1. Dường như là Hêrốt bị Giăng cuốn hút trong một thời gian. Ông ta ao ước được nhìn thấy Giăng làm ra một số phép lạ đáng ngạc nhiên. Có thể ông ta đã mời Giăng vào cung điện chăng? Tuy nhiên, ông ta chẳng nhìn thấy một dấu lạ nào mà chỉ nhận được một lời truy tố khá gay gắt: "Vua đang sống trong một mối quan hệ bất chính, loạn luân với vợ của em vua. Cả hai người đều là hạng tội nhân bất kỉnh".
2. Giăng Báptít chẳng sợ Hêrốt hay Hêrôđia, ông chỉ sợ có Đức Chúa Trời mà thôi. Trong tâm trí ông không có một điều chi khác. Ông chưa từng chuyển qua một bài giảng khác. Ông là người đã công khai gọi người Pharisi là “dòng dõi rắn lục”, nên chẳng ngại việc xét đoán nhà vua (Mathiơ 3.7).
3. Một trong những cá tánh quan trọng của những vị tiên tri lỗi lạc, ấy là họ đối diện với tội lỗi bất cứ lúc nào người ta phạm phải, họ chỉ trích thẳng thừng bất chấp uy quyền của người đó. Ồ, chúng ta cần tới hạng người giống như Giăng Báptít dường bao trong quốc gia nầy hôm nay! Mỗi tín đồ đều cần có sự dạn dĩ thánh khiết. Chúng ta cần những Êtiên, Phaolô, và Phierơ hiện đại, những người sẵn sàng chịu mất mạng sống của họ hơn là nhìn thấy Lời của Đức Chúa Trời bị bôi xấu. A.T. Robertson đã nói về Giăng: "Ông phải trả giá bằng cái đầu của mình vì cớ tội lỗi; nhưng thà có cái đầu như Giăng Báptít rồi bị mất nó còn hơn là có một cái đầu tầm thường rồi cứ bo bo giữ lấy".
4. Giăng chẳng e sợ một điều gì, còn Hêrốt thì lo sợ đủ thứ hết. Câu 5 nói ông ta "muốn giết Giăng" song ông ta "sợ dân chúng, vì họ tôn Giăng là đấng tiên tri". Ông ta sợ vợ mình, "Giêsabên" Hêrôđia đó. Ông ta sợ những người đồng thời với mình. Ông ta sợ mình sẽ bị thay thế. Ông ta sợ Giăng.
5. Dường như Hêrốt có một sự cuốn hút kỳ lạ với vị tiên tri. Mác 6.20 chép: "vì Hê-rốt sợ Giăng, biết là một người công bình và thánh. Vua vẫn gìn giữ người, khi nghe lời người rồi, lòng hằng bối rối, mà vua bằng lòng nghe".
C. Bữa tiệc sinh nhật kỳ lạ của Hêrốt (các câu 6-11).
1. Hêrôđia thù ghét Giăng. Bà ta tìm kiếm một phương thức làm câm nín cái lưỡi của ông cho đến đời đời và tìm được phương thức ấy qua một bữa tiệc tổ chức ăn mừng “sanh nhựt của Hêrốt”.
2. Người đờn bà gian ác nầy có một cô con gái, Josephus chỉ ra cô con gái nầy là Salome (con gái của Philíp em Vua Hêrốt) được đặt trước mặt Hêrốt và nhiều người khác. Cô ta "nhảy múa" một vũ điệu khêu gợi khoái lạc, kích thích trước mặt cha kế của mình. Lịch sử cho chúng ta biết rằng các nhà quí tộc Rôma thường tổ chức ăn mừng sanh nhựt của họ bằng những bữa tiệc toàn đàn ông với nhau, ở đó họ say sưa, ăn uống và ham mê nhục dục là chuyện thường.
3. Câu 6 nói Hêrốt "lấy làm thích lắm", sát nghĩa là "phấn khích hay gợi cảm". Nhà vua nhục dục nầy đã phấn khích lên tới một tình trạng "đến nỗi lấy lời thề mà hứa cho con gái ấy điều cho nàng muốn xin". Câu chuyện của Mác thêm phần Hêrốt nói: "dầu xin phân nửa nước ta cũng vậy" (Mác 6.23).
4. Câu 8 làm cho sự thật ra rõ ràng thêm. Cuộc nhảy múa nầy là một phần trong kế hoạch gian ác của mẹ nàng. Vậy nàng bị "mẹ xui giục" bèn tâu rằng: "Xin lấy cái đầu Giăng Báptít để trên mâm mà cho tôi đây".
5. Tấm lòng đầy dẫy sự gợi dục và muốn tỏ ra mình là người làm ơn cách hào phóng, Hêrốt đã tự đưa mình vào giữa một vầng đá và một nơi khô cứng. Muốn cứu mạng của Giăng, ông ta phải tỏ ra lúng túng trước mặt các thực khách và cơn giận của vợ mình. Ông ta không mạnh mẽ đủ để đối mặt với cả hai bên.
6. Mặc dù ông ta lấy làm "buồn rầu", vì ông ta đã “lở thề rồi” và vì "những người dự yến ở đó" đang quan sát, nên ông ta "truyền cho nàng như lời".
7. Trong xà lim của cung điện, một kẻ hành quyết bước vào đấy và trong một thời gian ngắn nhất đã đưa Giăng bước vào sự vinh hiển của Chúa. "Đầu của ông để trên mâm mà đem cho con gái ấy".
8. Hãy thử hình dung lại bối cảnh ấy xem. Nàng "bèn đem cho mẹ mình". Đây là một thiếu nữ hãy còn trẻ trong chiếc áo bằng vải gợi dục. Cô ta nhận lấy cái mâm, trên đó là cái đầu vấy máu của vị tiên tri và cẩn thận đi ngang qua căn phòng rồi đặt cái mâm trước mặt mẹ mình với vẻ duyên dáng bước đi khởi từ bàn của vua. Đây là phần minh chứng rằng kẻ thù của Hêrôđia đã thực sự bị bức tử rồi.
III. Phản ứng của Chúa Giêxu trước cái chết của Giăng (các câu 12-13).
A. Các môn đồ của Giăng tôn cao ông (câu 12).
1. Giăng có nhiều môn đồ. Đúng thế, vài người trong số môn đồ của Chúa Giêxu trước đấy là môn đồ của Giăng. Khi họ nghe thấy tin tức thảm khốc về Giăng, họ đến "lấy xác mà chôn".
2. Hãy hình dung nỗi đau của họ khi họ đến lấy cái xác của người mà họ trung tín đi theo xem.
3. Có thể Giăng đã dạy họ phải làm y như vậy, có thể đây là điều mà họ muốn làm, song dù là lý do gì, sau khi chôn cất thi thể của Giăng, họ "đi báo tin cho Chúa Giêxu".
B. Chúa Giêxu đau buồn về việc Giăng (câu 13).
1. Ngài "vừa nghe tin ấy liền bỏ đó xuống thuyền, đi tẻ ra nơi đồng vắng". Chúa Giêxu không đi trốn Hêrốt, mà đau buồn khóc cho Giăng. Tôi nghĩ điều nầy chứng thực cho sự Chúa Giêxu tôn cao người anh em họ của mình.
2. Nếu Giăng không e sợ Hêrốt, thì Chúa Giêxu làm sao sợ hắn cho được? Nếu Ngài tránh né Hêrốt, sở dĩ như thế là vì chưa đến giờ cho Ngài chịu chết đấy thôi!
IV. Những lẽ thật vô đối cho hôm nay.
A. Có phải chúng ta sẵn lòng đứng cho lẽ thật và làm phu phỉ ý muốn của Đức Chúa Trời bất luận với cái giá nào không?
B. Thà chết cho Chúa Giêxu hơn là sống cho bản ngã mình. Mác 8.36 chép: "Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?"
C. Dù có người được kêu gọi chịu chết cho Chúa Giêxu, hầu hết đều được kêu gọi để sống cho Ngài.
***

Mathiơ 13.47-58: "Các thí dụ nói về sự phán xét và sự giảng đạo"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Các thí dụ nói về sự phán xét và sự giảng đạo.
Mathiơ 13.47-58
1. Tối nay chúng ta đến với hai trong tám thí dụ ở Mathiơ 13. Từng thí dụ đều là hình bóng nói tới: “Nước Thiên Đàng”. Chúng ta nhớ Nước Trời đã được xác định là sự tể trị của Chúa Giêxu trên dân sự Ngài. Kể từ bây giờ Nước ấy là không thấy được và nội tại. Chúa Giêxu đã trị vì trong tấm lòng của chúng ta. Trong thời đại hầu đến, Nước ấy sẽ thấy được bằng mắt thường.
2. Trong hai thí dụ sau cùng của phân đoạn nầy, Chúa Giêxu chia sẻ một vài lẽ thật về sự phán xét loài người và sự rao giảng Tin lành.
I. Thí dụ nói về mẻ lưới (các câu 47-50).
A. Thí dụ vẽ ra một bức tranh nói về sự phán xét (các câu 47-48).
1. Một lần nữa Chúa Giêxu sử dụng thí dụ, một câu chuyện bình thường với một lẽ thật thuộc linh. Thí dụ đặc biệt nầy quả thực rất bình thường đối với các môn đồ. Rốt lại, ít nhất bốn người trong số họ đều là những ngư phủ chuyên nghiệp và nhiều người khác đã trưởng thành quanh khu vực đánh cá trong xứ Galilê.
2. Ở xứ Galilê đã có ba loại đánh bắt cá.
a. Thứ nhứt là câu và chài cá. Phierơ đã sử dụng phương pháp nầy trong Mathiơ 17.24-27 để bắt một con cá với đồng tiền trong miệng nó, đồng tiền nầy dùng để nộp thuế.
b. Thứ hai là một người thả lưới. Một người đem lưới ra chỗ sâu rồi thả bắt những bầy cá nhỏ.
c. Thứ ba là “lưới kéo” được ràng giữa hai chiếc thuyền. Một số lưới nầy rộng khoảng vài trăm thước và sẽ kéo trong nhiều giờ đồng hồ để bắt đủ loại cá.
3. Chúng ta có thể hình dung loại công việc nào đã đánh được một mẻ “lưới” lớn. Rong cỏ, rác rưởi, cá nhỏ, cá lớn, cá ngon, cá dở… "đủ mọi thứ cá…" bất kỳ thứ gì trên đường đi của lưới sẽ bị kéo lên và được ngư phủ “bắt lấy”.
4. Khi mẻ lưới nầy "đầy rồi" nó sẽ được kéo lên “bờ” và ngư phủ “ngồi” mà chọn cá trong lưới của họ. Họ sẽ chọn giống “tốt” đem bỏ vào “rổ” hay các giỏ chứa đem đi bán, còn giống “xấu” sẽ bị “ném đi”.
B. Thí dụ giải thích nguyên tắc của sự phán xét (câu 49).
1. Chúa Giêxu ví "mẻ lưới" với sự phán xét bằng cách nói "đến ngày tận thế cũng như vầy". Sẽ có một thời điểm "tận thế" khi mọi người, giống như đủ loại cá trong biển sẽ bị chia ra.
2. Ở đâu chương nầy, thí dụ nói về lúa mì và cỏ lùng đã nói bóng gió những người tin và không tin đang sinh sống bên cạnh nhau trên thế gian. Tuy nhiên, thí dụ nầy phác hoạ sự họ bị phân chia ra trong lúc phán xét.
3. Như trong thí dụ nói về lúa mì và cỏ lùng, “các thiên sứ” đại biểu công bình của Đức Chúa Trời “sẽ đến”. Phần việc của họ sẽ là "chia kẻ ác với người công bình ra".
Hãy lắng nghe lời lẽ của John MacArthur khi ông mô tả sự phán xét khi sử dụng hình bóng mẻ lưới của Chúa Giêxu: "Loài người di động tới lui bên trong mẻ lưới đó giống như thể họ được tự do cho đến đời đời. Lưới ấy sẽ đụng đến họ luôn hết lúc nầy tới lúc khác, nó làm cho họ phải giật mình. Nhưng họ bơi mau đi, họ tưởng rằng họ sẽ thoát, mà không biết rằng họ đã bị bao lại hoàn toàn và không thể tránh đâu thoát được chương trình tối cao của Đức Chúa Trời. Mạng lưới phán xét của Đức Chúa Trời không thấy được trên từng con người rất giống với mẻ lưới dùng để kéo cá vậy. Hầu hết loài người không lường trước được Nước Trời, và họ không nhìn thấy Đức Chúa Trời đang vận hành trong thế gian. Có thể họ đang tới lui bởi ân điển của Tin lành hoặc họ sợ hãi bởi cách phán xử của sự xét đoán; nhưng rồi họ quay trở lại với những đường lối suy tưởng và sinh sống cũ trước đó, họ quên hết mọi việc thuộc về cõi đời đời. Nhưng khi thời thế của con người qua đi và Đấng Christ tái lâm để dựng lên Vương quốc vinh hiển của Ngài, khi ấy sự phán xét sẽ đến”.
4. Chúa Giêxu đang nói về sự phán xét theo một ý chung chung, với phần ứng dụng đặc biệt cho ngai phán xét trắng được mô tả trong Khải huyền 20.
5. Chúa không thích thú chi về sự hủy diệt hạng người gian ác. Trong Êxêchiên 18.23, Đức Giêhôva phán: "Ta há có vui chút nào về sự chết của kẻ dữ sao? há chẳng thà vui về sự nó xây bỏ đường lối mình và nó sống sao?" II Phierơ 3.9 chép: "Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn". Luca 19.41 ghi lại thể nào Chúa Giêxu đã khóc về thành Jerusalem vì dân sự không chịu ăn năn. Thực vậy, Mathiơ 25.41 cho chúng ta biết địa ngục không được dựng nên cho con người mà được "sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó".
C. Thí dụ nầy mô tả mối nguy hiểm của sự phán xét (câu 50).
1. Chúa Giêxu phán rằng "kẻ ác" sẽ bị "ném vào lò lửa" một từ đồng nghĩa với địa ngục. Ở đó, chỉ có âm thanh "khóc lóc và nghiến răng" mà thôi.
2. Lẽ đạo Kinh Thánh nói về địa ngục rất khó cho nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên, nếu chúng ta sống chơn thật với Ngôi Lời, chúng ta phải chấp nhận thực tại nầy.
3. Chúa Giêxu đã phán nhiều về địa ngục hơn bất kỳ một tiên tri hay một sứ đồ nào khác. Ngài thường xuyên nhấn mạnh sự thực về cơn phán xét đời đời. Đúng thế, Ngài đã phán nhiều về địa ngục hơn phán về tình yêu thương!
4. Khi người ta chết, họ không đi vào chốn hư vô hay thôi không sống nữa. Đức Chúa Trời sẽ "chia" mọi người ra và người nào chưa tiếp nhận Đấng Christ theo cách riêng sẽ bị "ném vào lò lửa".
5. Hết thảy chúng ta đều đã nghe hạng người vô tín nói rằng họ muốn vào địa ngục vì địa ngục sẽ đông người lắm. Tuy nhiên, họ chẳng có một hiểu biết gì về sự khổ ải thực sự của địa ngục. Hãy nghĩ tới nó theo cách nầy: đồng thời chúng ta có thể hình dung ra mọi sự vinh hiển của thiên đàng trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời Toàn Năng cùng các thiên sứ của Ngài, chúng ta cũng có thể hình dung ra những điều khủng khiếp của địa ngục trong sự hiện diện của Satan cùng bầy quỉ sứ nó.
D. Kinh Thánh cho chúng ta biết vài sự thật về địa ngục.
1. Địa ngục là một nơi khổ hình thường trực. Trong Mathiơ 22.13, Chúa Giêxu đã mô tả địa ngục là "nơi tối tăm". Chẳng hề có chút ánh sáng nào ở đó, chỉ có sự mù loà cho đến đời đời. Trong địa ngục, chẳng có âm nhạc, chẳng có một âm thanh yên ủi nào hết, mà chỉ có "khóc lóc và nghiến răng". Ở đó lửa sẽ không hề tắt và kẻ bị đày chẳng hề thấy khuây khoả bao giờ.
2. Địa ngục sẽ làm cho cả thân thể và linh hồn bị đày ải.
a. Khi một người bị hư mất qua đời, thi thể người sẽ được chôn hoặc bị thiêu, còn linh hồn thì tiếp tục bị đày ải trong địa ngục. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói tới sự sống lại của cả người được cứu và kẻ bị hư mất.
b. Những người tin Chúa sẽ hiệp với thân thể của họ mà vui hưởng vinh quang của thiên đàng cho đến đời đời. Những kẻ vô tín sẽ hiệp với thân thể của họ mà gánh chịu các sự kinh khủng trong địa ngục.
c. Chúng ta hãy xét qua Giăng 5.28-29 và Khải huyền 20.11-15.
d. Trong Mác 9.44 Chúa Giêxu mô tả địa ngục là một nơi "[sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết, và là nơi lửa chẳng hề tắt]". Nếu một thân thể bị chôn trong quan tài chưa đóng kín, sâu bọ sẽ hủy diệt nó. Tuy nhiên trong loại thân thể được sống lại của kẻ bị đày ải sâu bọ của địa ngục không dứt ăn nuốt nó. Nỗi khổ của lửa sẽ cháy không hề dứt.
3. Địa ngục sẽ có nhiều cấp độ hành hạ khác nhau. Có người sẽ kinh nghiệm một cấp độ lớn lao về sự hành hạ hơn những người khác. Chúng ta hãy xét qua Hêbơrơ 10.28-29 và Mathiơ 11.22-23. John Gerstner đã viết: "Địa ngục sẽ có nhiều cấp độ khắc khe mà một tội nhân, nếu người có thể, sẽ dâng cả thế gian nếu tội lỗi của người sẽ được miễn đi một tội".
4. Địc ngục sẽ không bao giờ có tận cùng.
a. Sự hành hạ sâu xa tệ hại nhất của địa ngục là tình trạng không có tận cùng của nó. Chúa Giêxu đã phán trong Mathiơ 25.46 rằng "những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời".
b. Nỗi đau khổ của đời nầy thường dễ mang nổi bởi tư tưởng rằng một ngày kia nó sẽ chấm dứt. Tôi đã ngồi bên cạnh giường của các nạn nhân bịnh ung thư rồi thấy họ mĩm cười khi tư tưởng về sự khuây khoả mà sự chết sẽ mang lại. Người ta trong địa ngục sẽ chẳng có hy vọng giống y như thế. Nỗi đau khổ ấy cứ tiếp diễn mãi, không hề dứt.
II. Thí dụ về người chủ nhà (các câu 51-52).
A. CHÚA GIÊXU ĐÃ HỎI CÁC MÔN ĐỒ CÓ HIỂU KHÔNG!?! (câu 51).
1. Chúa Giêxu phán: "Các ngươi có hiểu mọi điều đó chăng?" Từ ngữ "hiểu" có ý nói "hội ý [bàn bạc] với nhau". Ngài đang hỏi: "Các ngươi có hội ý [bàn bạc] với nhau về điều nầy chưa?"
2. Đây là một câu hỏi rất hay cho chúng ta. Có phải chúng ta có một sự hiểu biết, có phải chúng ta đã bàn bạc với nhau, hội ý với nhau về các lẽ thật quan trọng nầy về Nước Trời và sự phán xét? Có phải chúng ta thực sự tin rằng dù chúng ta sinh sống bên những kẻ vô tín giống như lúa mì và cỏ lùng trong đồng ruộng, giống như cá tốt và cá xấu trong một mẻ lưới, sẽ có một thời điểm chúng ta sẽ bị chia ra?
3. Có phải chúng ta "hiểu" chắc chắn có sự phán xét không? Có phải chúng ta tin địa ngục có nhiều sự khổ hình không?
4. Sự hiểu biết theo Kinh Thánh về cơn phán xét của chúng ta sẽ trở thành lực tác động chính cho chức vụ.
5. Chúng ta không chìa tay ra với người ta để gây dựng một Hội thánh lớn. Chúng ta không làm chứng hầu gắn mọi quan điểm của chúng ta trên nhiều người khác. Chúng ta phải cầu nguyện, làm chứng đạo, rao giảng, mời gọi, và ép mời vì chúng ta "hiểu" rõ sự phán xét!
6. Các môn đồ đã đáp: "Có hiểu". Mặc dù sự hiểu biết của họ chưa đủ trọn vẹn, họ đã hiểu những gì họ có thể hiểu vào thời điểm đó.
B. NHỮNG NGƯỜI TIN CHÚA CẦN PHẢI SỐNG GIỐNG NHƯ NGƯỜI CHỦ NHÀ (câu 52).
1. Từ ngữ "thầy thông giáo" ra từ chữ grammateus và có nghĩa là "người viết sách". Trong thời buổi ấy từ ngữ đề cập đến một sinh viên và một giáo sư môn luật.
2. Dưới sự giám hộ của Chúa Giêxu, các môn đồ đều trở thành thầy thông giáo, sinh viên, giáo sư các lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời.
3. Một “thầy thông giáo” như thế phải sống giống như “người chủ nhà”. Điều nầy có ý nói người chủ nhà, là người chịu trách nhiệm về mọi tiện ích của cả gia đình. Người sẽ lo chu cấp đồ ăn, quần áo và sử dụng chúng cách khôn ngoan.
4. “Người chủ nhà” sẽ "đem những vật mới và cũ trong kho mình ra". Người sẽ không phung phí mọi sự chu cấp của mình, thức ăn nào chưa ăn và quần áo nào có thể tái sử dụng sẽ được sử dụng lại. Chỉ khi nào đồ “cũ” đã bị hư thì người sẽ đem đồ “mới” ra.
5. Về sau, các môn đồ đã trở thành sứ đồ, họ sẽ phân phối cả hai phần khải thị "cũ và mới". Họ cần phải "tỏ ra" lẽ thật, có nghĩa là "rải ra".
6. Theo một ý nghĩa tương tự, chúng ta là người tin Chúa cần phải "đem ra" hay rải ra lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta phải cẩn thận tung ra hết thảy lẽ thật, không những là thích hợp mà còn là dễ tiếp thu nữa.
7. Người ta không muốn nghe nói về địa ngục hay về sự phán xét. Họ muốn nghe về tình yêu thương và ân điển. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ cung ứng thực đơn về tình yêu thương và ân điển thôi mà bỏ qua lẽ thật về sự phán xét, có nhiều người sẽ không được cứu.
***