Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Gen 33.1-20: "Đến lúc ăn thịt quạ"



"Đến lúc ăn thịt quạ"

(Sáng thế ký 33.1-20)
Tháng 8 vừa qua, tôi được yêu cầu giảng tại một kỳ trại của Hội Thánh người Hoa nói tiếng Anh. Khi tôi nhận cơ hội nầy, tôi chẳng biết có điều chi sẽ xảy đến cho tôi hết. Bạn tôi là Mike Paolicelli, là Mục sư nhiệm chức của Hội Thánh nầy, đã mời tôi đến làm diễn giả. Trong suốt chương trình nầy, Mike và tôi được mời cùng làm việc và thi đua với “Yếu tố sợ hãi của người Hoa”. Hãy nói về phần khởi đầu!
Trở ngại khó khăn nhất trong “Yếu tố sợ hãi” nầy là giàng lấy một “quả trứng thế kỷ” rồi kế đó là ăn nó. Quả trứng thế kỷ là “món cao lương” của người Hoa làm bằng những quả trứng vịt được bảo quản trong những chất liệu khác nhau khoảng 100 ngày. Quả trứng mà tôi đã ăn có màu đen, bẩn thỉu lắm! [See
http.//en.wikipedia.org/wiki/Thousand-ear_egg]. Thực vậy, các quả trứng nầy khiến cho nhiều người đã ăn chúng phải bị buồn nôn. (Điều nầy cũng gồm cả người Hoa nữa). Chúng thật là đáng sợ! Tuy nhiên, tôi đã phá vỡ thành tích trong sự cố nầy bằng cách nuốt hết một quả trứng như thế trong 20 giây. Thành tích ăn quả trứng nầy trước đây là 1 phút 29 giây. Do ăn nhanh như thế, tôi đã chứng tỏ sự can đảm bất thường và sự tinh thông trong con mắt của các tín hữu người Hoa nầy và đã kiếm được sự ngưỡng mộ rất lớn. Qua sự kiện quả trứng thế kỷ nầy, tôi được nhắc nhớ rằng biết khắc phục những thách thức có ở trước mặt là điều tốt nhứt. Nói theo cách khác: Khi đến “lúc phải ăn thịt quạ”, hay thịt vịt, tốt nhứt là nắm lấy thế chủ động một cách mau chóng, với sự nhìn biết sự việc sẽ không tệ đến mức như bạn nghĩ đâu.
Sáng thế ký 33 là một chương then chốt trong đời sống của Gia-cốp. Hai mươi năm trước đó, Gia-cốp đã rời khỏi gia đình vì cớ anh mình là Ê-sau, đã thề sẽ giết ông vì hành động cướp đi quyền con trưởng và phước hạnh của cha họ (27.41-45). Rê-be-ca, mẹ của hai con trai, đã bảo Gia-cốp: “Khi cơn giận anh con bỏ qua rồi, và nó quên việc con đã gây nên với nó, thì mẹ sẽ biểu con về” (27.45). Nhưng kể từ đó, bà không bao giờ còn sai biểu gì ông được nữa, Gia-cốp đã có từng lý do để tin rằng 20 năm đã không loại bỏ được cơn giận của Ê-sau. Không cần phải nói, điều nầy khiến cho Gia-cốp phải e sợ Ê-sau theo tính cách trầm trọng đây! Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã đưa Gia-cốp tới một chỗ mà ở đó ông công nhận rằng ông cần phải làm cho mọi việc ra ngay thẳng với anh mình. Hãy nhớ, Gia-cốp vừa ra khỏi trận đấu vật với Đức Giêhôva (32.24-32). Ông vừa có một kinh nghiệm đỉnh cao. Tôi dám chắc Gia-cốp ao ước ông không phải đối mặt với Ê-sau, tuy nhiên giờ đây ông cần phải sửa soạn cho điều không thể né tránh đâu được hết.
Trong đời sống Cơ đốc, những kinh nghiệm đỉnh cao quan trọng nhất với Chúa không dời khỏi chúng ta những hoàn cảnh trong cuộc sống. Nếu sự thật được thuật lại, đời sống Cơ đốc thì đầy dẫy với hết cuộc chiến nầy tới cuộc chiến khác. Chúng ta phải công nhận rằng những lúc phước hạnh lớn lao thường nối theo sau bởi các thử thách quan trọng về đức tin. Vì lẽ đó, chúng ta cần phải chuẩn bị để đối diện với căng thẳng và những thách thức trong các mối quan hệ cá nhân của chúng ta. Trông mong sự gì khác thì giống như chim đà điểu vùi đầu nó ở trong cát. Nhưng đây là những tin tức tốt lành: Đức Chúa Trời không hứa đưa chúng ta ra khỏi ngọn lửa đâu, mà Ngài hứa bước vào ngọn lửa với chúng ta [Dẫn chứng nầy được gán cho Charles Colson in R.T. Kendall, All’s Well that End’s Well. The Life of Jacob (Carlisle, UK. Paternoster, 1998), 144].
Câu chuyện của chúng ta bắt đầu ở 33.1a: “Gia-cốp nhướng mắt lên và nhìn, kìa, Ê-sau dẫn bốn trăm người đi đến”. Gia-cốp nhướng mắt lên trong nỗi sợ hãi vì ông nhìn thấy Ê-sau đang tiến đến gặp ông cùng với 400 người. Lương tâm phạm tội của ông chỉ có thể giả định sự tệ hại nhất mà thôi. Giống như Gia-cốp, chúng ta thường nhướng mắt mình lên chỉ cao đủ để nhìn thấy các nan đề của chúng ta, nhưng không cao đủ để nhìn thấy Đức Chúa Trời, là Đấng có quyền phép để giải quyết từng nan đề của chúng ta. Gia-cốp nói, giống như Giô-sa-phát đã nói: “Chúng tôi cũng không biết điều gì mình phải làm; nhưng con mắt chúng tôi ngửa trông Chúa!” (II Sử ký 20.12; đối chiếu Thi thiên 121.1-2). Tôi ước ao rằng ông đã nói: “Lạy Chúa, Ngài đã đánh cho tôi què quặt, vì thế tôi bất lực trừ phi Ngài can thiệp. Ngài đã hứa ban phước cho tôi mà. Tôi tin Ngài sẽ hành động”.
Nhưng thay vì thế, cụ Gia-cốp nắm lấy quyền tiếp quản: “Người bèn chia các con cho Lê-a, Ra-chên, và cho hai tên đòi; sắp hai tên đòi và con cái họ ở trước; kế đến Lê-a và con cái nàng; Ra-chên cùng Giô-sép ở sau chót” (33.1b-2). Gia-cốp có một biểu đồ đánh giá rất sâu sắc về gia đình. Ông chia các con và mấy người vợ của mình ra, đặt những người ít ưa thích nhất ở đàng trước hầu cho những ai được ưa thích hơn có khả năng tránh thoát cuộc tàn sát mà ông vẫn đang lo sợ. Gia-cốp tiếp tục tin cậy vào các mưu kế của mình hầu đưa ông thoát ra hoàn cảnh khó khăn khác. Sự thực cho thấy rằng Gia-cốp thực hiện sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Ê-sau không nhất thiết là gian ác đâu. Thực vậy, Chúa thường dẫn dắt chúng ta làm theo những việc rất thực tế khi chúng ta bước theo Ngài. Nhưng chúng ta phải nắm lấy hành động chỉ sau khi cầu nguyện và sự dẫn dắt từ Đức Thánh Linh. Điều nầy chứng tỏ lòng tin cậy của chúng ta đang đặt nơi Chúa.
Buồn thay, việc đánh giá một số thành viên nầy trong gia đình trội hơn các thành viên khác không phải là việc gì mới mẻ trong gia đình của các vị tộc trưởng [Woodrow Kroll, An Ongoing Problem With Selfishness
http.//www.backtothebible.org/radio/today/23710]. Khuynh hướng của Gia-cốp ưu đãi cho Ra-chên và Giô-sép hơn những người vợ và các đứa con khác là một kiểu bất kỉnh, đã được truyền qua bởi chính cha mẹ của ông. Đây là một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt khác thường trong chính gia đình của ông. Loại phân cấp nầy — theo hình thái thiên vị — không nghi ngờ chi nữa đã làm phát sinh sự ghen ghét đối với Giô-sép mà về sau trở thành yếu tố quan trọng trong truyện tích.
May thay, ở 33.3, Gia-cốp tỏ ra sự trưởng thành thuộc linh của mình. Môise viết: “Còn người, thì đi trước họ và sấp mình xuống đất bảy lần cho đến khi tới gần anh mình”. Do việc đi trước gia đình mình đến gặp Ê-sau, Gia-cốp tỏ ra tân Israel đang đắc thắng nỗi sợ trước đây đã thống trị trên cụ Gia-cốp. Một biến chuyển đáng nhớ và quan trọng đang diễn ra ở đây. Gia-cốp — tự lo liệu, tham lam, tự cao, tự bảo hộ đang được biến đổi bởi mối quan hệ của ông với Đức Chúa Trời. Ông đang bắt đầu nắm lấy trách nhiệm đối với quá khứ tội lỗi của chính mình. Sau hết, ấy chẳng phải mấy người vợ và bầy con của ông đã lừa đảo Ê-sau để lấy quyền con trưởng và cơ nghiệp. Mà chính là Gia-cốp. Nếu có ai sắp sửa chịu khổ vì cớ tội lỗi, Gia-cốp không muốn sự ấy xảy đến cho gia đình mình. Chính bản thân ông sẽ chịu khổ trước tiên và chịu chết nếu cần thiết để cho gia đình ông được buông tha [Chương trình của Gia-cốp dường như đối với tôi phản ảnh sự thiếu tin cậy nơi Đức Chúa Trời nhiều cũng y như tính cẩn trọng và trách nhiệm cá nhân. Tuy nhiên, rõ ràng là Gia-cốp đã e sợ và yếu đuối khi ông lường trước cuộc gặp gỡ với anh mình. Đức tin không có nghĩa là tin cậy Đức Chúa Trời hành động cho chúng ta mặc dù chúng ta thiếu trách nhiệm; như thế là kiêu căng. Đức tin có nghĩa là tin cậy Đức Chúa Trời hành động cho chúng ta khi chúng ta đã hành động có trách nhiệm, với lòng nhận biết rằng không có sự vùa giúp của Ngài chúng ta sẽ thất bại].
Khi ông đến gần Ê-sau, Gia-cốp một thời ngạo mạn đã “sấp mình xuống đất bảy lần”. Việc sấp mình xuống đất tỏ ra thái độ rất khiêm nhường. Đây là nghi thức ngoại giao trong triều đình xa xưa, bất cứ nơi nào thần dân đến gần vị lãnh chúa hay nhà vua. Gia-cốp đã tự đặt mình trong một vai trò phụ thuộc [Gene A. Getz, Jacob. Following God Without Looking Back (Nashville. Broadman & Holman, 1996), 153]. Ông đang nổ lực chứng tỏ một sự tôn trọng đối với Ê-sau.
Có người cho rằng Gia-cốp đang dùng mánh khoé lôi kéo Ê-sau và ông không trung thực. Tôi không đồng ý. Đối với tôi, dường như Gia-cốp là một con người đã được thay đổi rồi. Tuy nhiên, giống như hết thảy chúng ta, vẫn còn có di sản của con người cũ. Dưới áp lực của giờ phút ấy, Gia-cốp có thể viện đến những phương thức kế hoạch cũ rồi nắm lấy mọi vấn đề vào trong hai bàn tay của mình; tuy nhiên, yếu tố ấy của Gia-cốp bị trộn lẫn với những khía cạnh tích cực của sự tin cậy mới khám phá ra về Chúa. Vì vậy, kết quả là một hỗn hợp của sự sống bởi xác thịt và sống theo đức tin [Steven J. Cole, Forward Halt! (Sáng thế ký 33.1-20). http.//www.fcfonline.org/site/content/1/sermons/042097m.pdf, 3].
Cái điều đặc biệt tôi rất thích ở 33.3, ấy là Gia-cốp quyết định đối mặt với Ê-sau, người với người. Ông kiếm được mái tóc thuộc linh quan trọng dài tới ngực ở đây. Thắc mắc to lớn đang chất đầy khoảng không là: Ê-sau sẽ phản ứng thế nào đây? Với chỉ một lời nói, ông ta sẽ ra lịnh cho binh lính của mình giết Gia-cốp ngay tại chỗ! Ông ta sẽ làm gì chứ? Nếu ông ta muốn thực hiện điều đó, đây là cơ hội lớn của ông ta.
Bất cứ lúc nào nan đề phát sinh, bạn luôn luôn có hai ý kiến: bạn chạy tránh nó hoặc bạn có thể đối mặt thẳng thừng với nó. Hầu hết chúng ta đều bị cám dỗ bỏ chạy, nhưng chúng ta phải công nhận rằng nan đề không hề biến mất. Chúng ta sẽ luôn luôn phải đối mặt với nó. Giống như việc ăn Quả trứng thế kỷ, tốt hơn là xử lý các nan đề của bạn cách mau lẹ vì chúng không thể tồi tệ như bạn tưởng đâu. Trong khi bạn sợ hãi, Đức Chúa Trời muốn bạn phải bước ra bằng đức tin. Không may thay, nhiều lần chúng ta đối mặt với những thử thách của cuộc sống trong hoảng loạn của xác thịt. Khi một khó khăn về tài chính phát sinh, và gặp gỡ chủ nợ là điều cần kíp, chúng ta gặp gỡ như thế nào đây? Hoặc, khi phải đi gặp vị bác sĩ, có phải chúng ta gặp ông ấy trong sự bình an đang tuôn đổ từ sự cứu chuộc của chúng ta và sự bảo đảm của Đức Chúa Cha là Đấng chăm sóc cho mọi nhu cần của chúng ta? Hay khi ông chủ gọi chúng ta vào để trao đổi, có phải chúng ta gặp gỡ ông ấy với sức lực của Thánh Linh đang ngự ở trong lòng không? Mọi nan đề của Gia-cốp thực sự không khác biệt bao nhiêu với các nan đề mà những tín hữu đương thời đang gặp phải [S. Lewis Johnson, Jr., “After Peniel, ‘God’s Fighter’ Retreating,” Believers Bible Bulletin, Genesis Lesson 49 January 20, 1980. 4]. Và Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải lấy lòng dạn dĩ trở thành hạng người nam người nữ có đức tin.
Ở 33.4-5, Môise viết hai câu thật đáng kinh ngạc: “Nhưng Ê-sau chạy đến trước mặt người, ôm choàng cổ mà hôn, rồi hai anh em đều khóc. Đoạn, Ê-sau nhướng mắt lên thấy mấy người đàn bà và con cái, thì hỏi rằng: Các người mà em có đó là ai? Đáp rằng: Ấy là con cái mà Đức Chúa Trời đã cho kẻ tôi tớ anh”. Bạn có thể tưởng tượng Gia-cốp đã nghĩ gì khi ông nhìn thấy Ê-sau đang lao tới ông với tốc độ như thế không? Chắc ông đã nghĩ: “Đúng thế rồi! Số tôi đã hết rồi!” Thay vì thế, giống như Đức Chúa Trời đã vận hành trong đời sống của Gia-cốp trong 20 năm qua, Đức Chúa Trời cũng đã vận hành trong Ê-sau [Dường như trong phản ứng đối với lời cầu nguyện của Gia-cốp (đối chiếu 32.11), Ê-sau đã có một sự thay đổi trong tấm lòng. John H. Sailhamer, Genesis. EBC (Grand Rapids. Zondervan, 1990), Electronic ed]. Trước sự kinh ngạc của Gia-cốp, Ê-sau không chạy đến để giết ông, mà để làm hoà với ông và để chúc phước cho ông. Ông đã đến như một người bạn, người anh có lòng tha thứ hơn là một kẻ thù.
Hãy suy nghĩ về bối cảnh nầy cách từ tốn và cẩn thận. Trong xã hội của Ê-sau, người ta đi bộ chớ họ không chạy đâu. Ê-sau đang phá vỡ những tiêu chuẩn của xã hội và tự hạ mình xuống. Sau khi chạy đến gặp em mình, Ê-sau đã nâng Gia-cốp lên từ chỗ sấp mặt xuống đất mà ôm chầm lấy người. Ông đã dành cho Gia-cốp một trong những cái ôm thật gia đình, thật xa xưa, thật lớn lao. Nụ hôn dường như là một sự biểu lộ ra ơn tha thứ (đối chiếu II Samuên 14.33) [Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50, 344]. Sau cùng, hai anh em đã khóc trong vòng tay của nhau. Họ đã chia lìa nhau những hai mươi năm.
Phản ứng của Ê-sau đối với Gia-cốp thật đáng nhớ và giống với người cha của đứa con hoang đàng khi nó trở về (xem Luca 15.20) [Wenham cho rằng Chúa Jêsus đã có câu chuyện nầy trong trí khi Ngài thuật lại Thí dụ về Người con trai hoang đàng (Luca 15.11-32). Wenham, Genesis 16-50, 304. Tôi đồng ý]. Câu chuyện về Gia-cốp và Ê-sau và câu chuyện đứa con hoang đàng đã được ghi lại cho chúng ta, để chỉ cho chúng ta thấy tấm lòng của Đức Chúa Trời là như thế nào đối cùng chúng ta là những kẻ đã phạm tội nghịch lại Ngài. Có lúc, hết thảy chúng ta đều giống như Gia-cốp — hạng người vô lại, lấy cái tôi làm trọng, lợi dụng, ích kỷ chỉ xứng đáng với sự chết. Lương tâm của chính chúng ta xét đoán chúng ta và chúng ta đã có ý thức về sự sợ hãi Đức Chúa Trời sẽ giáng phạt chúng ta. Nhưng khi chúng ta trên đường hướng đến Ngài với nổ lực chân thành muốn làm hoà lại, Ngài đã chạy đến với chúng ta, không phải để làm hại chúng ta, mà để ôm choàng rồi hôn lấy hôn dể chúng ta. Đây là tấm lòng của Đức Chúa Trời. Đây là trái tim của thập tự giá. Đây là trọng tâm Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ.
Hôm nay, có thể bạn chưa có một mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Bạn cần phải biết rằng bạn không thể chạy nhanh hơn tình yêu và ân điển của Đức Chúa Trời. Bất luận bạn đã làm gì, Ngài bằng lòng bồng ẳm bạn trong đôi vòng tay của Ngài và yêu thương bạn với tình yêu của một Đức Chúa Cha trọn lành. Ngài chỉ yêu cầu bạn hạ mình xuống đến với Ngài, theo những giới hạn của Ngài, nhờ đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Cũng có thể bạn là một Cơ đốc nhân đã sống xa cách đối với Chúa. Sau một thời gian ở trong tội lỗi, bạn đã nhìn biết sự hư không của nó và bạn đã sẵn sàng quay trở lại. Làm ơn biết rõ điều nầy: Đức Chúa Trời muốn chúng ta được phục hồi lại với Ngài sâu xa hơn bạn từng muốn được phục hồi nữa. Tấm lòng của Ngài đã tan vỡ khi bạn đã lìa xa. Khi bạn quay trở lại với Ngài trong sự ăn năn khiêm hạ, Ngài sẽ tiếp nhận bạn thật giàu ơn. Nguyện bạn nhìn biết được tình yêu vô điều kiện của Ngài dành cho bạn.
Ở 33.5, Gia-cốp đã dâng cho Đức Chúa Trời sự vinh hiển vì đã ban cho ông gia đình; ông đã xưng nhận rằng gia đình của ông là một ơn đến từ Đức Chúa Trời. Điều nầy làm vang dội lời lẽ của Giacơ “mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao” (Giacơ 1.17). Thái độ nầy là bằng chứng cho sự thay đổi cơ bản trong sự Gia-cốp tiếp cận với cuộc sống [Dr. Thomas L. Constable, Notes on Genesis ( http.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/genesis.pdfhttp.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/genesis.pdf, 2005), 215]. Ông đang trở thành một con người khiêm nhường và thoả lòng hơn. Có phải điều nầy là thực trong bạn không? Có phải bạn đang tấn tới nhanh chóng trong bổn tánh của bạn?
Ở 33.6-7, chúng ta sẽ thấy rằng sự phục hoà đòi hỏi ân điển từ mọi người. Môise viết: “Hai tên đòi và con cái họ lại gần người, sấp mình xuống. Lê-a và các con cái nàng cũng lại gần, sấp mình xuống; đoạn, Ra-chên và Giô-sép lại gần, và sấp mình xuống”. Tất cả ba đội trong đoàn người của Gia-cốp đã sấp mình xuống trước mặt Ê-sau. Đây là sự thuận phục hoàn toàn trong sự khiêm nhường. Gia-cốp muốn đảm bảo sự phục hoà sẽ xảy ra. Khi chúng ta nổ lực làm cho mọi việc ra ngay thẳng với ai đó mà chúng ta đã làm mất lòng, chúng ta phải bằng lòng làm y như vậy. Chúng ta phải “lấy điệu thống thiết mà nói”.
Ở 33.8-9, Ê-sau nói với Gia-cốp: “‘Toán quân [mấy bầy] anh đã gặp đi trước đó, em tính làm chi? Đáp rằng: Ấy để nhờ được ơn trước mặt chúa tôi. Ê-sau nói: Hỡi em! anh đã được đủ rồi; vậy, hãy lấy lại vật chi của em đi”. Trong một nổ lực làm hoà lại với anh mình, Gia-cốp hiến cho anh của ông một món quà gồm 550 con thú trong bầy của mình (đối chiếu 32.14-15). Ông muốn tìm được “ơn” hay ân điển với Ê-sau. Tuy nhiên, Ê-sau lại làm cho chúng ta phải ngạc nhiên với đáp ứng của ông. Ông nói với Gia-cốp là ông đang có nhiều rồi và giục Ga-cốp giữ lại số thú vật của mình. Những lời nầy đã đâm thủng linh hồn của Gia-cốp! Gia-cốp đã dành cả đời mình hoạch định để làm đầu. Ông đã đi đó đi đây, đã từ bàn tay trắng, và đã chụp giựt theo cách của mình để lên tới đỉnh, chỉ để thấy rằng ông đã tự gạt mình ra khỏi mọi người mà ông yêu dấu. Đúng là một thực tại tàn phá rất đúng mức. Ê-sau góp phần như một tấm gương thuyết phục Gia-cốp về một con người sống thoả lòng. Phần nhiều nguời trong các bạn đang thắng một cuộc đua về tài chính, nhưng lại thua cuộc đua về sự sống. Bạn đang bị phá hủy bởi các áp lực và mọi đòi hỏi của sự thành công. Tuy nhiên, Kinh Thánh đặt một giải thưởng rất cao về sự thoả lòng. Hãy xem mấy lời nầy: “Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn” (I Timôthê 6.6-10).
Ở 33.10, Gia-cốp đáp ứng với Ê-sau bằng câu nói: ‘“Thưa rằng: Xin anh, không. Nếu em được ơn trước mặt anh, hãy nhận lấy lễ vật bởi tay em làm ra đi; vì em thấy được mặt anh khác nào người ta thấy được mặt Đức Chúa Trời, và anh đã đẹp lòng tiếp rước em”’. Đây là một trường hợp hiển nhiên về sự tâng bốc và cường điệu, hay một sự công nhận bản chất ân điển của Đức Chúa Trời trong đời sống của anh mình là Ê-sau. Dường như phần sau chính là trường hợp ở đây. Đúng là điểm xoay chiều của các biến cố. Gia-cốp đang đề cập lại lần gặp gỡ với Đức Chúa Trời trước kia (32.24-32) và nói rằng đáp ứng của Ê-sau đối với ông là bằng chứng của ân điển Đức Chúa Trời. Chẳng có một lời ca tụng nào lớn lao cho một tín đồ hơn là con người nhìn thấy mặt Đức Chúa Trời nơi chúng ta! Êphêsô 5.1 chép: “Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài”.
Ở 33.11, Gia-cốp nói tiếp: ‘“Xin anh hãy nhận lấy lễ vật em đã dâng cho anh, vì Đức Chúa Trời cho em đầy dẫy ân huệ, và em có đủ hết. Người nài xin Ê-sau quá đến đỗi phải chịu nhận lấy”. Từ được dịch là “lễ vật” (berakah) là chữ “phước hạnh”. Gia-cốp đã cướp đi ơn phước và quyền con trưởng của Ê-sau (27.35) và ông hiểu rằng để cho sự phục hoà diễn ra, ông cần phải thực hiện sự bồi thường cho tội cướp bóc của mình [Gordon J. Wenham, Genesis 16-50, Vol. 2. WBC (Waco, TX. Word, 1994), 298-299. See also Victor P. Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50. NICOT (Grand Rapids. Eerdmans, 1995), 343]. Ê-sau không muốn hay cần bầy thú đó; ông ấy cần em của mình. Còn Gia-cốp cần cảm thấy có thể tự mình làm sự phục hoà; ông cần cảm thấy phải bồi thường [Ở Xuất Êdíptô ký 22 luật bồi thường phải là gấp bằng hai. Có lẽ ông đang dâng bằng hai cho anh mình những gì ông cảm thấy đã lấy đi của anh mình]. Sau cùng, Gia-cốp đã thuyết phục Ê-sau phải nhận lấy lễ vật. Ê-sau đã nhận lấy lễ vật đó để cho em mình có cơ hội cảm thấy đã được tha thứ. Khi chúng ta nhận lại một người nào và họ ý thức được nhu cần phải phục hồi lại mối quan hệ của chúng ta, chúng ta có thể để cho người ấy thực hiện sự bồi thường, không phải như điều kiện tiên quyết cho việc quay trở lại, mà như một kết quả của việc quay trở lại. Đây là bước quan trọng trong quá trình của sự phục hoà.
Buồn thay, duờng như là Gia-cốp bỏ sót hai bước quan trọng trong quá trình phục hoà đó. Sâu xa như chúng ta biết, Gia-cốp không hề đến ngay mà nói: “Hãy tha cho em vì những gì em đã làm cho anh trong nhiều năm tháng qua” [Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50, 346]. Ông cũng không xưng ra những sai lầm mà ông đã phạm nghịch với Ê-sau. Điều nầy tương tự khi một người chồng sai lầm với vợ mình. Để tạo ra sự hoà bình, ông ta đem về nhà một bó hoa và một món quà. Đấy có thể là cách vẫy chiếc cờ màu trắng — mở toang cánh cửa cho thương lượng hoà bình — nhưng nếu lễ vật là mọi sự đã được làm ra, sẽ chẳng có một sự ổn định nào thích đáng đâu. Người chồng cần định rõ ông đã sai phạm thể nào đối với vợ mình rồi cầu xin sự tha thứ. Họ cần phải trao đổi về những gì đã diễn ra hầu cho họ hiểu rõ nhau. Mặt khác, nàng sẽ tự nhũ thầm rằng: “Anh ấy tưởng có thể lấn lướt mình và rồi đem đến cho mình một lễ vật để sửa ngay lại mọi việc. Nhưng anh ấy không bằng lòng xử lý với nan đề thật” [Cole, Forward Halt!, 4].
Sau khi làm hoà lại với Gia-cốp, Ê-sau nói: “‘Hè, ta hãy lên đường! Anh sẽ đi trước em. Gia-cốp đáp: Chúa biết rằng các đứa trả yếu lắm, và em lại mắc coi chừng chiên và bò cái đang có con bú; nếu ép đi mau chỉ trong một ngày, chắc cả bầy phải chết hết. Xin chúa hãy đi trước kẻ tôi tớ chúa, còn tôi sẽ đi tới chậm chậm theo bước một của súc vật đi trước và của các trẻ, cho đến chừng nào tới nhà chúa tại xứ Sê-i-rơ. Ê-sau nói: Vậy, anh xin để lại cùng em một vài người tùy tùng của anh. Gia-cốp đáp rằng: Chi vậy? miễn em được nhờ ơn trước mặt chúa thôi! Nội ngày đó, Ê-sau bắt đường trở về Sê-i-rơ. Gia-cốp đi đến Su-cốt; bèn cất một nhà cho mình ở, và mấy cái lều cho súc vật; cho nên họ đặt tên chốn nầy là Su-cốt” (33.12-17). Ở từng điểm trong câu chuyện nầy, Ê-sau nổi bật lên như một người có lòng thương, nhân đạo, và đức hạnh hơn trong cả hai anh em [Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50, 347]. Ông nhất quyết làm hết sức mình cho Gia-cốp. Tuy nhiên, Gia-cốp từ chối những sự ban hiến giàu ơn của Ê-sau [Đây là lần thứ hai — và là lần sau cùng — sự trao đổi giữa Ê-sau và Gia-cốp được nhắc tới trong sách Sáng thế ký. Ở cơ hội thứ nhứt, (25.29-34) Ê-sau đã thất bại không nhìn thấy khả năng khai thác của Gia-cốp. Ở dịp thứ nhì, ông thất bại không nhìn thấy sự ngần ngừ của Gia-cốp và sự Gia-cốp không thích đến tại Sê-i-rơ. Trong cả hai trường hợp, Gia-cốp thành công trong việc gạt gẫm Ê-sau. Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50, 349]. Để làm cho vấn đề ra tệ hại hơn, ông lại gạt gẫm anh mình, vì cớ tuổi tác cao. Hãy suy nghĩ xem. Ngay sau sự tha thứ … và sau khi làm hoà rồi … sau khi lễ vật được nhậm rồi … và những cái ôm thắm thiết và nước mắt … ngay sau mọi sự các câu chuyện đã được đánh đổi … sau mọi sự ấy, và với động lực tốt nhứt, Gia-cốp vẫn không thể hoàn toàn tin rằng mọi sự là bình yên giữa ông và anh mình. Vì vậy, ông thốt ra lời nói dối sau cùng, rồi theo đường riêng mình [Ray Pritchard, Healing the Hurts of the Past (Genesis 32-33). http.//www.calvarymemorial.com/sermons/SMdisplay.asp?id=335].
Gia-cốp nói với Ê-sau ông sẽ theo Ê-sau đến tại Sê-i-rơ (33.14), nhưng rồi ngay tức thì ông đến và dựng một ngôi nhà cho mình tại Su-cốt. Giờ đây, Su-cốt không nằm ở phía Nam và phía Đông, mà nằm ở phía Bắc và phía Tây! Nói cách khác, ngôi nhà ấy nằm đối ngược chính xác với Ê-sau. Vì thế, những lời lẽ hoa mỹ và sự níu kéo nhẹ nhàng của họ đều là một sự che đậy cho một sự dối trá. Giống như Gia-cốp, nhiều người trong chúng ta nói dối để bảo tồn những cảm xúc của con người; tuy nhiên, Đức Chúa Trời không ban phước cho loại lừa đảo nầy đâu.
Có vài lý do khả thi cho sự lừa dối của Gia-cốp:
1. Các bầy gia súc và con cái của ông có lẽ không theo kịp các chiến binh.
2. Đức Chúa Trời đã bảo ông phải trở lại quê hương của mình, chớ không phải xứ Sê-i-rơ [Wenham, Genesis 16-50, 299].
3. Ông không muốn đối mặt với cha mình, là người mà ông đã đánh lừa cách đấy 20 năm.
4. Có lẽ ông không đủ tin cậy nơi anh mình. Ông rất vui sướng khi làm hoà lại với Ê-sau, nhưng không muốn sống chung đụng với anh mình.
5. Ông vốn biết rõ các bầy gia súc của mình sẽ sống tốt hơn trong những cánh đồng cỏ sung túc trong đồng bằng sông Giô-đanh, ở đó là Su-cốt, trong khi Bê-tên thì ở trên các dãy núi.
Bất chấp những lý do nằm ở đàng sau sự dối gạt của Gia-cốp, Derek Kidner cho rằng: “Su-cốt là một bước thoái, về mặt thuộc linh cũng như về mặt địa lý” [Derek Kidner, Genesis. Tyndale OT Commentaries (Downers Grove, IL. Intervarsity, 1967), 171-172]. Đức Chúa Trời lần đầu tiên đã hiện ra với Gia-cốp tại Bê-tên, và chính ở đó Gia-cốp đã thề một ngày kia trở lại để xây một bàn thờ và dâng phần mười cho Đức Chúa Trời (28.20-22). Khi Đức Chúa Trời dạy Gia-cốp phải quay về lại xứ Canaan, Ngài đã tự xác định chính mình Ngài là “Đức Chúa Trời của Bê-tên” (31.13). Gia-cốp được truyền cho phải quay về lại “xứ của tổ phụ ngươi, chốn bà con ngươi” (31.3). Su-cốt nằm ở hướng đối ngược với Sê-i-rơ, Gia-cốp đã nói cho Ê-sau biết ông sẽ đến tại đó.
Giống như những hành động trước đây là thoả hiệp và lừa đảo, điều nầy đã đem lại đau khổ và mất mát trong đời sống của Gia-cốp. Kết quả là, ông không còn gặp lại được cha mình. Hơn nữa, lần tới chúng ta sẽ thấy Gia-cốp và Ê-sau giáp mặt cùng với nhau trong Kinh Thánh là 27 năm sau đó tại mộ địa của cha họ là Y-sác (35.29).
Câu chuyện của chúng ta kết thúc ở 33.18-20: “Gia-cốp ở xứ Pha-đan-A-ram đến thành Si-chem thuộc về xứ Ca-na-an, được bình an. Người đóng trại trước thành, bèn mua miếng đất chỗ người đóng trại, giá một trăm miếng bạc của con Hê-mô, cha Si-chem. Nơi đó người lập một bàn thờ, đặt tên là Ên-Ên-ô-hê-Y-sơ-ra-ên”. Gia-cốp đã dựng lên bàn thờ đầu tiên của mình, giống như Ápraham đã làm tại Si-chem, khi lần đầu tiên ông bước vào xứ Canaan (12.6-7). Đây là trường hợp đầu tiên, trong đó một bàn thờ được đặt tên (cũng xem 35.7; Xuất Êdíptô ký 17.15; Các Quan Xét 6.24). “Ên-Ên-ô-hê-Y-sơ-ra-ên” có nghĩa là “Đức Chúa Trời toàn năng là Đức Chúa Trời của Israel”. Gia-cốp đã sử dụng tên mới của chính mình, Israel (32.29). Ở đây ông công nhận Đức Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của riêng ông [See also John H. Walton, Genesis. The NIV Application Commentary (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 609].
Sau khi tách ra khỏi Ê-sau, Gia-cốp băng qua sông Giô-đanh và chuyển gia đình mình vào trong xứ Canaan. Ông đã chọn “Si-chem” (“bình an”) [Bản KJV sử dụng không chính xác trạng từ “an ninh” như danh từ “Shalem”] làm quê hương của ông. Mặc dù mua đất đai và dựng lên một bàn thờ là hành động của đức tin, Gia-cốp sai lầm khi định cư trong đất Si-chem. Ông đã lập lời thề thờ phượng Đức Giêhôva tại Bê-tên khi ông trở về lại Đất Hứa (28.20-22), nhưng để làm trọn lời thề nầy, Gia-cốp đã tốn mất hết 10 năm trời. Những năm nhàn rỗi gần thành phố Canaan phản ảnh tính thụ động nơi phần của Gia-cốp, nó có những hậu quả rất kinh khủng [Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 461].
Tại sao Gia-cốp lại chọn Si-chem khi Đức Chúa Trời truyền cho ông phải định cư tại Bê-tên (35.1)? Văn mạch không cung ứng cho chúng ta động lực cho sự vâng lời không trọn vẹn của Gia-cốp, nhưng nó có thể gợi ra chút ít. Câu 18 chép: “Gia-cốp ở xứ Pha-đan-A-ram đến thành Si-chem thuộc về xứ Ca-na-an, được bình an”. Có thể Gia-cốp đã cảm nhận sự an ninh ở đó, song lại sợ không muốn quay về phần phía Nam của xứ Canaan, cha ông sinh sống ở đó, vì những nỗi sợ hãi liên tục về Ê-sau, ông đã cư trú thường trực ở khu vực ấy. Mặc dù có sự tiếp đón nồng hậu của Ê-sau, có lẽ Gia-cốp đã không tin cậy Ê-sau. Những kẻ nào phản bội, giống như Gia-cốp, thường nghĩ người khác sẽ phản bội. Nhưng trong khi Gia-cốp e sợ Ê-sau, ông đã không sợ việc ở lại tại Su-cốt, phía ngoài xứ, hay về việc mua cơ nghiệp ở Si-chem, ở đó gia đình ông sẽ bị ô uế về mặt đạo đức. Ông đã e sợ những việc không đúng! Đức Chúa Trời đã hứa bảo hộ cho Gia-cốp nếu ông biết vâng lời; nhưng Gia-cốp đã cảm thấy ông được an ninh hơn ở một địa điểm của sự vâng phục từng phần hơn là liều lĩnh tin cậy Chúa qua việc vâng lời hoàn toàn. Sự chuyển biến tiệm tiến của Gia-cốp trong Si-chem gợi lại sự hội hiệp của Lót ngày càng gần hơn với thành phố Sô-đôm; trước tiên đóng trại đối mặt với thành Sôđôm, kế đó chuyển vào thành Sôđôm, rồi sau cùng ngồi như một trưởng lão tại cửa thành Sô-đôm. Và, như chúng ta sẽ thấy trong phần nghiên cứu của chúng ta về Sáng thế ký 34, những hậu quả đầy thảm hoạ đang chờ đợi Gia-cốp và gia đình của ông tại Su-cốt vì sự thất bại của ông không vâng lời Đức Giêhôva cách trọn vẹn.
Sự lưu ý của tôi đối với các Cơ đốc nhân (kể cả chính mình tôi) nói cho tôi biết rằng Gia-cốp đã làm những gì Hội Thánh thảy chúng ta đang làm [Với sự sáng suốt, Constable viết: “Đâu là động lực của Gia-cốp và mối quan hệ với Đức Chúa Trời khi ông gặp gỡ Ê-sau? Thắc mắc nầy dấy lên thường trong phần nghiên cứu của chương nầy. Một số nhà giải kinh đã cảm thấy rằng Gia-cốp đã tái phạm hoàn toàn rồi trở lại với lối sống trước đó của ông đầy tự tin và lừa đảo. Hầu hết các nhà giải kinh đóng góp các động lực tốt lành cho Gia-cốp. Tôi tin sự thực đang nằm ở đâu đó giữa hai thái cực nầy. Đối với tôi dường như là kinh nghiệm của Gia-cốp tại Phê-ni-ên đã có cái chạm làm thay đổi đời sống trên ông. Dường như Gia-cốp đã đề cập tới điều ấy ở 33.10. Tuy nhiên, lối sống trước đó của ông đã trở thành thâm sâu cố đế — Gia-cốp đã sống hơn 90 tuổi lúc bấy giờ — ông đã dễ dàng trượt chơn trở lại với các thói quen trước kia của ông. Tôi tin chúng ta có một manh mối cho điều nầy trong việc sử dụng tên ông ‘Gia-cốp’ trong phân đoạn kế tiếp thay vì là ‘Israel’. Nói ngắn gọn, dường như Gia-cốp có một kinh nghiệm chân chính về việc trở thành những cái nắm bắt với chính mình Ngài và đầu phục đời sống của ông với Đức Chúa Trời ở Phêniên và đem đời sống mình phục theo Đức Chúa Trời tại Phêniên. Tuy nhiên, từ thời điểm nầy trở đi, các động lực và mọi thái độ của ông đều đã chao đảo. Ở nhiều lúc, ông đã tin cậy Đức Chúa Trời như ông đáng phải có, nhưng ở các chỗ khác, như nhiều người khác, ông thất bại không tin cậy theo Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, mối quan tâm chính của Đấng Tác Giả thiêng liêng trong phân đoạn nầy không phải là động lực của Gia-cốp; Ngài có thể gạn lọc điều nầy làm cho chúng ta hiểu rõ vấn đề. Thay vì dường như là sự thành tín của Đức Chúa Trời trong việc buông tha sinh mạng của Gia-cốp khi chuyển hẳn xuống Đất hứa như Ngài đã hứa (28.13-15). Câu chuyện nói tới Gia-cốp cũng chứa những bằng cớ là Đức Chúa Trời là thành tín vẫn ban phước cho dòng dõi của Ápraham (12.3), kể cả Laban (đối chiếu 30.27) và Ê-sau (đối chiếu 33.11)”. Constable, Notes on Genesis, 216-217]. Ông đang lập nổ lực để bước theo Chúa, nhưng đồng thời ông không vâng theo một cách hoàn toàn. Bởi sự kêu gọi nơi bàn thờ, “Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời của Israel ôi”. Ông đã công nhận thái độ biết ơn của ông đối với Đức Chúa Trời trong việc đưa ông trở về lại xứ an toàn. Nhưng không diễn ra tại suốt con đường dẫn tới Bê-tên, ông đã góp phần vào sự hãi của xác thịt ông đối với Ê-sau. Ông là một người đã được dựng nên Mới, là Israel; Nhưng ông vẫn là con người cũ, là Gia-cốp. Chúng ta làm lại một việc. Chúng ta bắt đầu bởi đức tin nơi Đức Giêhôva, nhưng rồi sống bởi xác thịt [Cole, Forward Halt!, 8-9].
Tuy nhiên, một trong những bài học chính của chương nầy, ấy là người nào đã nhận lãnh ân điển của Đức Chúa Trời có thể tin cậy nơi lời hứa bảo hộ của Đức Chúa Trời khi họ tìm kiếm sự phục hoà với người khác [Constable, Notes on Genesis, 217]. Nếu bạn đang ở trong trận chiến với ai đó hôm nay, hãy lập một điểm làm hoà lại với người ấy (nam hay nữ). Bạn có thể trích dẫn Mathiơ 5.23-26 và 18.15-17 để có những sự dạy của Đức Chúa Trời về việc phải làm thể nào khi thực hiện sự phục hoà. Hơn nữa, sự thực cho thấy rằng qua việc phục hoà đó bạn sẽ bắt chước theo tấm lòng phục hoà của Đức Chúa Trời, sự làm hoà có một số lợi ích thực tế rất kỳ diệu:
Sự phục hoà ban cho bạn một lương tâm trong sáng.
Sự phục hoà sẽ tạo ra trong bạn sự lớn lên về mặt thuộc linh và cá nhân.
Sự phục hoà góp phần làm phát triển Nước của Đức Chúa Trời.
Thứ Ba vừa qua, tôi đang ở trong nhà, chơi bóng đá với ba đứa con của tôi. Sau khi vờn bóng với ba đứa trẻ, Joshua (con lớn nhất của tôi) đã chụp lấy quả bóng từ nơi tôi trong khi tôi xây lưng lại và chạy nước rút cho đến khu vực cuối sân (nghĩa là, cái giường). Tôi đã ngáng chân nó với sự kết hợp của hai tay hai chân và nó bị phóng vào khoảng không chỉ để đáp đậu trên vai phải của tôi. Nổi đau phát ra từ thân thể ụp xuống của nó quả là khủng khiếp. Nổi đau ấy tàn phá ghê lắm; và nó kéo dài hơn 60 phút. Sau cùng, chúng tôi quyết định đưa nó đi bác sĩ. Chính ở đó, chúng tôi mới hay rằng Joshua đã bị gãy xương cánh tay. Rõ ràng, điều nầy không phải là chuyện để cười cho chúng tôi. Hãy lưu ý: Vị bác sĩ đã khám phá ra Joshua có một cái xương đệm bên vai phải của nó, vì vậy cái chạm của cú chặn bóng của tôi không làm cho gãy xương. Ôi chao!
Dù như thế, tôi cảm thấy không yên. Tôi thấy ray rứt. Khi Joshua lần đầu tiên bị thương, nó la hét rằng nó sẽ không bao giờ vật lộn với tôi nữa trong phần đời còn lại của nó. (Nó hãy còn giữ ý đó cho đến ngày nay). Tôi lấy làm lạ, không biết nó có tha thứ cho tôi vì nổi đau mà tôi đã gây ra cho nó hay không!?! Giờ đây, tôi có phải hạ mình xuống, ăn thịt quạ, rồi xin lỗi dồn dập không? Bạn tin sự ấy! Và Joshua đã tình cảm tha thứ cho tôi. Thực vậy, nó rất muốn có nhiều “thì giờ với Bố” kể từ khi nó bị thương. Tôi đã chứng kiến nơi Joshua một sự khao khát sâu sắc muốn tha thứ. Ngạc nhiên thay, nó nói rằng đấy chính là lỗi của nó. Tất nhiên, khi ấy tôi đồng ý rồi nói: “Đúng đấy, Joshua ạ, con đừng bao giờ phóng qua Bố mà lấy bóng và tìm cách ghi tỉ số nơi Bố nhé”.
Tôi có một đứa con trai thật tuyệt vời và chúng tôi đã làm hoà trọn vẹn rồi, mặc dù nó phải chịu giải phẩu và sẽ đeo dây quàng trong 6 tuần lễ. Có những hậu quả trong xung đột, nhưng trong đại đa số các trường hợp, bạn sẽ thấy rằng người ta muốn có một lương tâm trong sáng. Họ khao khát sự bình an và cảm thông. Vì thế, bạn và tôi phải học biết ăn thịt quạ và đề xướng tiến trình của sự phục hoà. Bất chấp điều chi sẽ xảy ra, chúng ta sẽ không bao giờ nuối tiếc về điều ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét