Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Gen 43-45: "Mọi sự tốt đẹp kết thúc trong tốt đẹp"



"Mọi sự tốt đẹp kết thúc trong tốt đẹp"

(Sáng thế ký 43-45)
Bạn có thích kết các mẫu của trò chơi ráp hình lại với nhau không? [Cùng làm với quyển sách hướng dẫn trò chơi lắp hình] Tôi nhận là tôi không thích, nhưng mấy đứa con của tôi thì thích lắm. Dù bạn thích hay không thích trò chơi ráp hình, bạn phải nhìn nhận rằng cuộc sống giống như một trò chơi ráp hình thật khổng lồ. Và chúng ta giống như những đứa trẻ đang ra sức lắp ráp các mảng nhỏ lại với nhau y như bức hình mẫu có trên cái hộp. Vì vậy, chúng ta đang ra sức gắn những mẫu nhỏ lại với nhau và đồng thời tìm cách hình dung ra cả bức tranh lớn đó. Không có gì phải ngạc nhiên, chúng ta phấn đấu để hình dung ra cuộc sống rồi sẽ đi tới đâu! Khi năm tháng trôi qua, chúng ta lại nhặt lấy thêm nhiều mẫu nhỏ trong trò chơi lắp ráp và những việc từng làm cho chúng ta phải bối rối giờ đây dường như khít khao với chỗ của nó. Và chúng ta có một sự tán thưởng mới đối với sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời vì chẳng có điều chi là thừa thải hết. Mọi sự đều “khít khao” ở đúng vị trí của chúng. Thứ đồ chơi ráp hình mà tôi đang cầm đây là loại đồ chơi nhỏ có 100 mẫu để lắp ráp. Bức tranh nói đến một bé trai, một bé gái, một con chó, và một con mèo đang ngồi cạnh một dòng suối, đang ăn một ly kem, và đang uống nước. Đầu đề ghi ở phía trên đầu của chúng ghi như sau: “Chúa yêu dấu ơi, Ngài đã nghĩ đến mọi sự!”
Câu nói nầy rất thực trong đời sống và trong câu chuyện nói tới Giôsép. Sáng thế ký 43-45 là một phần mô tả những gì xảy ra khi các anh Giôsép trở lại Ai cập [Giống như Sáng thế ký 42, ở đây gồm có 7 cảnh được sắp xếp với cảnh chính là sự bắt bớ của các anh Giôsép (Sáng thế ký 44.1-13). Gordon J. Wenham, Genesis 16-50, Vol. 2. WBC (Waco, TX. Word, 1994), 418-19. Kaiser nhất trí và viết như sau: “Phần đáng chú ý nhất là cao điểm của câu chuyện. Đây là kết cuộc hay đỉnh cao của câu chuyện đó, là chỗ thường góp phần như trọng tâm của câu chuyện. Câu chuyện Giôsép lên tới đỉnh cao khi Giôsép tỏ ra chàng là ai với các anh mình ở Sáng thế ký 43-45”. Walter C. Kaiser Jr., Preaching and Teaching From the Old Testament (Grand Rapids. Baker, 2003), 74]. Ở chương 43, Giôsép tỏ ra tình cảm thật dịu dàng; ở chương 44 chàng thể hiện tình cảm cứng rắn, và ở chương 45, chàng tỏ ra một tình yêu về mặt thần học nói tới sự tể trị của Đức Chúa Trời [Ed Underwood, “God’s Hand Is On The Rebel” (Genesis 42-45.15). Nutshell Notes 2/10/1991].
Cảnh 1: Bị đưa đến Ai cập (43.1-14). Môise bắt đầu câu chuyện của chúng ta với mấy lời nầy: “Vả, sự đói kém trong xứ lớn lắm (đối chiếu 41.57). Khi nội nhà đã ăn hết lương thực ở xứ Ê-díp-tô đem về rồi, thì cha các người ấy [Giacốp] dạy rằng: Bay hãy trở xuống mua một ít lương thực cho chúng ta” (43.1-2). Bạn có nắm được câu mà Giacốp đã nói ra chưa? Tại sao lại có “một ít” lương thực chứ? Sự hy vọng của Giacốp, ấy là nếu họ chỉ mua một ít lương thực thôi, vị quan cai trị khó chịu ở Ai cập sẽ không đòi hỏi Bêngiamin phải đi đến đó với các anh của nó. Còn Giuđa đương diện với cha mình rất thực tế. Hai lần ông ta nói rằng: “người đó” một cách trang trọng đã cảnh cáo các anh em là họ sẽ chẳng thể thấy được mặt người ấy trừ phi họ dẫn chàng trai trẻ cùng xuống đó với họ. Khi phản ứng với sự nầy, Giacốp đã nói: “Sao bay khéo tệ cùng tao, mà tỏ cho người ấy rằng bay còn một em nữa?” (43.3-6). Dầu một thời gian đã trôi qua, Giacốp vẫn không bằng lòng đưa ra quyết định cho Bêngiamin đi. Vì vậy, ông khởi sự đổ thừa: “Tao là nạn nhân! Sao tụi bay lại cho người ta biết về gia đình mình? Nếu tụi bay cẩn thận hơn thì điều nầy không xảy ra cho tao!” Có phải điều nầy không thực với bản chất của con người sao? Khi chúng ta lâm vào các hoàn cảnh, đổ thừa cho người khác thì dễ dàng thay vì chấp nhận trách nhiệm vì những thất bại của chính mình. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải ý thức bàn tay tể trị của Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh của đời sống chúng ta.
Thình lình, mọi người đều cùng nói với nhau: “Người đó [Giôsép] hỏi kỹ càng về chúng tôi, và về bà con chúng tôi rằng: Thân-phụ các ngươi còn sống chăng? còn có một người anh em nào nữa chăng? Chúng tôi có đáp các lời hỏi đó. Há dễ biết người đó sẽ dặn chúng tôi rằng: Hãy đem em út xuống đây, sao? Giu-đa lại thưa cùng Y-sơ-ra-ên cha mình, rằng: Hãy cho đứa trẻ theo con, thì chúng tôi sẽ đứng dậy đi, hầu cho chúng ta, nào các con, nào cha, nào các cháu của cha đây đều được sống và khỏi chết. Con sẽ bảo lãnh [nghĩa là, ở một bên] [Ronald F. Youngblood, The Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1991), 262] em cho; cha sẽ cứ nơi con mà đòi em. Nếu không dẫn em về không để em trước mặt cha, thì con đây sẽ cam tội cùng cha mãi mãi. Vả, nếu không có điều dùng dằng, thì chúng tôi đã đi và về được hai lần rồi” (43.7-10). Phần thông tin mà các anh em cung ứng cho Giôsép nằm trong đáp ứng với thắc mắc trực tiếp của chàng. Qua cách than phiền với các con trai mình, Giacốp đã quở trách họ về việc nói ra sự thực. Một lần nữa, Giacốp đang chạy theo biệt hiệu “kẻ dối gạt” của mình. May thay, Giuđa bước tới rồi một cách đáng yêu đặt ông vào đúng vị trí của mình. Đây là việc tốt lành đầu tiên chúng ta thấy Giuđa thể hiện trong Sáng thế ký lâu nay. Mãi cho đến thời điểm nầy, ông đã sống giống như cha mình, hoàn toàn lấy cái tôi làm trọng, chỉ biết quan tâm đến mình mà thôi.
1. Chính Giuđa là người đã đề nghị bán Giôsép cho người Mađian (37.26-27).
2. Chính Giuđa là người đã tự biệt mình riêng ra khỏi gia đình để sống với người xứ Canaan (38.1a).
3. Chính Giuđa là người đến ăn ở với một người bất kỉnh có tên là Hi-ra (38.1b).
4. Chính Giuđa là người đã lấy kẻ vô tín làm vợ (38.2).
5. Chính Giuđa là người không phải là cấp lãnh đạo thuộc linh và đã mất hai con trai trong sự chết (38.7, 10).
6. Chính Giuđa là người đã gian dâm về mặt tình dục và đã ngủ với một người đội lốt gái điếm (38.15-18).
Còn bây giờ, trong Sáng thế ký 43, Giuđa tỏ ra là một con người khác! Ông đã thay đổi! Ông thúc giục cha mình thôi đừng nghĩ về bản thân mình nữa và phải hành động trong lợi ích cao nhất cho cả gia đình. Khi Giacốp chỉ thốt ra “Ta”, “tao”, và “của tao”, Giuđa thốt ra những từ như “chúng tôi”, “chúng ta”, và “của chúng ta” (đối chiếu 42.36, 38 với 43.8). Đúng là một sự nhắc nhớ, nếu Giuđa có thể thay đổi, bất cứ ai cũng có thể thay đổi. Đức Chúa Trời rất chuyên môn trong sự biến đổi tâm tính.
Lưng của Giacốp đang dựa vào bức tường kia, vì vậy ông đồng ý trong sự ngần ngại khi để cho Bêngiamin đi. Ông nói với các con trai mình: “Nếu việc đã thể kia, thì bay phải làm thể nầy: Hãy lấy trong đồ hành lý những thổ sản quí nhất của xứ ta: một ít nhũ hương và mật ong, các hương hoa và một dược, phi tử và hạnh nhân, đem dâng cho người đó làm của lễ. Hãy đem theo một số tiền bằng hai, đặng thối hồi tiền mà họ đã để lại nơi miệng bao của bay: có lẽ là một sự lộn chăng. Bay hãy đứng dậy đi, dẫn em út theo và trở xuống đến người đó. Cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng [“Đức Chúa Trời toàn năng” (El Shaddai) được sử dụng trong những tình huống tuyệt vọng (xem Sáng thế ký 17.1; 28.3; 35.11)] xui cho bay được ơn trước mặt người, và tha đứa em kia và Bên-gia-min cho bay. Còn phần cha, nếu phải mất con, thì cha chịu phận vậy!” [Giacốp chẳng có một bảo đảm nào hết, El Shaddai sẽ lo liệu mọi việc. Câu nói của ông “Còn phần cha, nếu phải mất con, thì cha chịu phận vậy!” là chính cấu trúc Hy bá lai như câu nói của Êxơtê “nếu tôi phải chết thì tôi chết” (Êxơtê 4.16). See Victor P. Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50. NICOT (Grand Rapids. Eerdmans, 1995), 545] (43.11-14). Lời lẽ và hành động của Giacốp trong tiểu đoạn nầy không có âm hưởng như lời lẽ của đức tin và sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ông đồng ý với chương trình “số tiền bằng hai” đầy mạo hiểm nầy. Ngôn ngữ tình cảm của Giacốp phải là sự trao tặng quà cáp, vì mỗi lần ông rơi vào tình thế khó khăn, ông chạy tới siêu thị với một danh sách cần phải mua sắm! Bạn có thể nhớ ông đã từng sử dụng chiến thuật ấy khi ông sửa soạn đón gặp anh của mình là Êsau (33.10-16). Nhưng việc trao tặng quà của Giacốp không phải bị tác động bởi tình cảm hay sự thân hữu. Đối với Giacốp, đây chỉ là một công cụ trong tài khéo ngoại giao được dự trù để làm nguôi lòng của cấp lãnh đạo người Ai cập. Có một sự trớ trêu ở đây. Tặng phẩm chính là sản phẩm đoàn con buôn mang theo, họ đã đưa Giôsép sang Ai cập, kể cả bạc! Cuộc sống xoay vần thật trọn vẹn [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 503].
Đây là một phân đoạn Kinh Thánh rất thú vị, vì nó tỏ ra một lượng nhất định về sự im lặng cam chịu trong sự nhơn từ của Đức Chúa Trời. Đấy là loại thắc mắc: “Chuyện phải đến nổi nầy sao?” Khi bạn đến với phần cuối của sự tận cùng mình và bạn chỉ có tin cậy vào Đức Chúa Trời, chuyện phải đến nổi nầy sao? Đây là một Giacốp khác hơn chúng ta đã gặp trước đây. Đây là một Giacốp giờ đây có sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời — không cần phải thuyết phục, không còn do dự, không có một kế hoạch B nào nữa hết — ông đã đến mức tận cùng của mọi sự ấy và ông phải tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Trong khi Giacốp đưa ra một lời cầu nguyện hay một lời chúc phước, thì điều nầy giống với kế sách sau cùng khi đấy sẽ là lằn ranh bảo hộ đầu tiên của ông. Sự cầu nguyện và nương cậy nơi Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn là đáp ứng đầu tiên của chúng ta trước rối rắm và sự bất ổn trong cuộc sống. Nhưng đáp ứng ấy không đến theo cách tự nhiên! Đây là cách ứng xử đã học được, rồi nó trở thành một cung cách sống do hiệu quả của cách làm theo thói quen. Giacốp đã tiếp thu rất nhiều và hầu hết các tín đồ cũng như vậy.
Cảnh 2: Sự giải thích của các anh em (43.15-25). “Vậy, các anh em đem theo của lễ và một số tiền bằng hai, cùng dẫn Bên-gia-min đồng đứng dậy đi xuống Ê-díp-tô, mà ra mắt Giô-sép. Vừa khi Giô-sép thấy Bên-gia-min đi theo xuống với, bèn truyền cho quản gia rằng: Hãy đưa các người nầy vào nhà trong, bắt con gì làm thịt và nấu dọn đi; vì trưa nầy họ sẽ dùng bữa cùng ta. Quản gia làm theo y như lời dặn, đưa họ vào nhà Giô-sép. Anh em thấy mình phải đưa vào nhà Giô-sép, thì sợ hãi, và nói với nhau rằng: Ấy cũng vì số tiền đã để lại vào bao chúng ta lần trước, nên họ mới đem chúng ta vào chốn nầy, đặng tìm cớ xông vào đánh chúng ta, bắt chúng ta làm tôi mọi, và chiếm đoạt mấy con lừa của chúng ta. Mấy anh em bèn đến gần quản gia của Giô-sép, thưa cùng người tại ngoài cửa mà rằng: Xin chúa tha lỗi cho! anh em chúng tôi đã đến đây một lần rồi, đặng mua lương thực; và khi trở về đến nhà quán, mở các bao ra, nầy số bạc của mỗi người đều ở tại miệng bao mình; cân nặng bao nhiêu đều y như bấy nhiêu. Nầy, chúng tôi có đem lại số bạc đó, và cũng có đem thêm số bạc nữa đặng mua lương thực. Chẳng biết ai để bạc lại trong bao chúng tôi. Quản gia đáp rằng: Mọi việc đều bình yên! đừng sợ chi cả! Ấy là Đức Chúa Trời của các ngươi, tức Đức Chúa Trời của cha các ngươi, đã ban vật quí vào bao. Còn bạc các ngươi thì đã có giao cho ta [Đây là tham khảo đầu tiên rất rõ nét trong câu chuyện nhắm tới lẽ đạo chỉ ra sự phù trợ của Chúa – nghĩa là Đức Chúa Trời đang vận hành qua mọi hành động của con người để làm theo ý chỉ của Ngài. Xem NET Bible Notes]. Đoạn, người dẫn Si-mê-ôn đến cùng anh em. rồi đưa anh em vào nhà Giô-sép, đem nước ra cho rửa chân, và cũng cho những lừa ăn cỏ nữa. Các anh em bèn sửa soạn của lễ, đợi trưa Giô-sép về; vì có hay rằng mình sẽ ăn bữa tại nhà nầy”. Các anh em đi từ khổ đến sướng từng giây phút thực tế. Đức Chúa Trời chắc chắn đã hiện diện ở giữa họ.
Cảnh 3: Dự tiệc với Giôsép (43.26-34). Giôsép tổ chức một bữa ăn cho các anh, là những người nhiều năm trước đã tàn nhẫn ngồi xuống ăn uống trong khi chàng tiều tụy bị bỏ trong một cái hố (đối chiếu 37.25). Môise viết: “Khi Giô-sép trở về, các anh em bèn lấy của lễ đã đem theo, dâng cho Giô-sép tại nhà; rồi cùng sấp mình xuống đất trước mặt người. Người liền hỏi thăm họ mạnh giỏi thể nào, và nói rằng: Người cha già mà các ngươi đã nói cùng ta đó được mạnh khỏe chăng? còn sống chăng? Đáp rằng: Kẻ tôi tớ chúa, là cha chúng tôi, vẫn mạnh khỏe và còn sống. Đoạn, họ cúi đầu và lạy. Giô-sép nhướng mắt thấy Bên-gia-min, em ruột, con trai của mẹ mình, thì hỏi rằng: Đó có phải em út mà các ngươi đã nói cùng ta chăng? Và tiếp rằng: Con út ơi! cầu xin Đức Chúa Trời làm ơn cho ngươi! [Thực chất của phân đoạn Kinh Thánh nầy ai nấy đều hiểu rõ và ưa thích trong những sự tạ ơn và cầu nguyện của nhiều năm sau đó (xem Dân số ký 6.25; Thi thiên 67.1). Youngblood, The Book of Genesis, 263]Vì thấy em mình, nên Giô-sép tất lòng cảm động, lật đật bước ra ngoài, tìm nơi nào đặng khóc. Người vào phòng nhà trong và khóc. Đoạn, rửa mặt, bước ra, làm bộ chắc gan mà nói rằng: Hãy dọn bữa ăn đi. Người ta dọn cho Giô-sép ăn riêng, và cho các anh em ăn riêng. Người Ê-díp-tô ăn chung cùng người cũng dọn cho ngồi riêng nữa; vì người Ê-díp-tô có tánh gớm người Hê-bơ-rơ, nên không ăn chung được. Vậy, các anh em bèn ngồi lại trước mặt Giô-sép, lớn nhỏ tùy theo thứ tự mình, ngơ ngẩn mà nhìn nhau. Giô-sép sai đem mấy món đồ ăn trước mặt mình cho các anh em; nhưng phần Bên-gia-min lại nhiều gấp năm của các người khác. Họ uống và ăn ngon vui cùng Giô-sép”. Giacốp vốn hy vọng rằng các chi tiết và tặng phẩm cần thiết đó sẽ làm nguôi “người ấy”. Nhưng sự thực cho thấy Giôsép không quan tâm đến một dược, phi tử và hạnh nhân, chàng quan tâm đến con người! Chàng quan tâm đến em ruột mình là Bêngiamin, cha mình là Giacốp, và các anh khác của mình. Rõ ràng là Giôsép thậm chí không công nhận những thứ lễ lộc nầy.
Nổ lực của các anh mong tìm được ơn của Giôsép với nhũ hương và mật ong giống y như mọi gắng sức hư không của chúng ta hòng làm nguôi lòng Đức Chúa Trời vậy. Chúng ta cố gắng trang điểm cho tội lỗi của mình, nhưng (1) chúng ta không biết tội lỗi của chúng ta tai hại là dường nào, (2) chúng ta không biết chúng ta đang đối phó với ai, (3) chúng ta suy nghĩ không đúng khi nghĩ rằng chúng ta có thể đánh đổi tình trạng tội lỗi của mình trước mặt Đức Chúa Trời với cái túi hương hoa (nghĩa là, các việc lành). Đức Chúa Trời muốn chúng ta đến gần Ngài qua Con của Ngài, là Chúa Jêsus. Ngài không muốn chúng ta bám víu vào một thứ chi hay ai khác, mà phải bám lấy Con của Ngài. Chúa Jêsus phán: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3.16). Phải thật đơn sơ khi tiếp nhận sự ban cho ấy.
Giôsép đã tỏ ra sự thương mến đối với Bêngiamin như vị khách đặc biệt của chàng bằng cách cung ứng cho Bêngiamin phần thức ăn nhiều hơn, ngon hơn các anh mình đã có (43.34). Sự tiếp đãi đặc biệt thường nhận được phần bằng hai, nhưng phần gấp năm lần là dấu hiệu của đặc ân cao nhất. Với sự ưu ái nầy Giôsép không những tìm cách tỏ lòng thương mến Bêngiamin, mà còn để thử tình cảm của các anh mình đối với Bêngiamin. Chàng muốn nhìn thấy họ có thù ghét em mình giống như họ đã thù ghét chính mình chàng hay không, vì chàng là đứa con được cha ưa thích trước đây. Rõ ràng họ đã qua được phần thử nghiệm nầy. Sau khi qua được phần thử thách rất gắt gao nầy, các anh trước kia rất tàn nhẫn đã nổi bật lên là một gia đình có trước có sau, chiếu sáng với sự ngay thẳng và tình yêu thương đối với nhau [Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 557].
Đây là cơ hội thứ nhì để cho các anh phải sấp mình xuống trước mặt Giôsép. Đây là một trường hợp đầy năng quyền của sự Đức Chúa Trời tể trị trên dự tính và ý muốn của con người. Tại sao các anh của Giôsép phải “ngơ ngẩn” khi họ được sắp ngồi theo thứ tự trước sau bởi một vị chủ tiệc (giả định thôi) không biết gì về thứ tự ra đời của họ? Lý do tại sao họ phải ngơ ngẩn là vì yếu tố cơ hội của một người lạ sắp chỗ cho họ ngồi tùy theo lớn nhỏ khoảng 1/40 triệu lần. Ngay lập tức họ nhìn biết sự nầy còn hơn cả tình cờ nữa!
Sự thương xót được ghi ra khắp cả chương nầy. Sự cầu nguyện của Giacốp đã được nhậm. Sự thương xót mưa phủ trên các con trai ông suốt cả ngày hôm đó. Giôsép đã dành ơn thương xót cho Bêngiamin. Bữa tiệc là bữa tiệc của ân điển và thương xót. Tiệc tùng ấy đã kéo dài suốt cả đêm. Thời gian trôi qua với sự vui vẻ và khoái lạc. Những nổi sợ hãi của các anh cho thấy là vô cớ. Nhưng sự khóc lóc đã đến. Và với sự khóc lóc đó, một thử nghiệm về Bêngiamin sẽ xem xét khí phách của họ. Ban ngày thương xót là một khởi đầu rất đẹp đẽ. Nhưng đã có nhiều việc cần phải được làm ra. Ban ngày thương xót đã hé rạng lên [Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 507]. Thắc mắc là làm sao các anh Giôsép đã qua được thử nghiệm nầy? Có phải họ tự hạ mình xuống trong sự ăn năn hay có phải họ đã làm cứng lòng mình?
Có bốn sinh viên năm thứ hai Đại học, họ chuyên về Hóa học. Hết thảy bốn người đều là những sinh viên giỏi, bạn bè tốt, và đang sống với nhau trong ngôi nhà ở cuối sân trường. Không may, buổi tối trước phần thi cuối cùng của họ, thay vì học bài, họ đã ra ngoài dự tiệc tùng trễ nãi và đã qua đêm cho tới sáng hôm sau không dự phần thi sau cùng. Cuối ngày đó, họ tìm gặp vị giáo sư của mình rồi nói cho ông biết họ đã bị xẹp lốp xe và không rãnh rỗi được. Kết quả là, họ đã không tham dự bài thi. Họ nài nĩ giáo sư để cho họ làm bài vào ngày hôm sau. Vị giáo sư nghĩ việc ấy đã qua và đồng ý. Mấy sinh viên kia rất hân hoan và thoải mái. Họ ôn bài suốt đêm đó rồi qua ngày sau đến đúng giờ mà vị giáo sư đã dặn họ. Ông đã đặt họ vào những gian phòng khác nhau rồi trao cho mỗi người trong số họ một tập tài liệu phải thi, rồi bảo họ hãy khởi sự làm bài. Nan đề đầu tiên là năm điểm có giá trị — một câu hỏi dễ dàng về các thành phần hóa học. Cùng một lúc từng người trong mỗi phòng đều nghĩ: “Ôi chao, bài thi nầy dễ lắm đây”. Mỗi người làm xong câu ấy rồi lật qua trang khác. Trên trang thứ nhì ghi như sau: (95 điểm): “Lốp xe nào?”
Sáng thế ký 44 tỏ ra nổ lực của Giôsép muốn khám phá ra sự thực — để tìm ra các anh mình có vẫn còn là hạng người ích kỷ, bất kỉnh, và gian ác hay không, họ đã bán chàng vào vòng nô lệ 20 năm trước hay họ đã thay đổi? Phải chăng họ đã ăn năn tội hay láo khoét như cũ? Thực ra, chàng đang hỏi: “Cái lốp nào?” Giôsép vốn biết rõ sự phục hòa thực không bao giờ diễn ra với các anh mình cho tới khi nào họ thành thực đối xử với quá khứ tội lỗi của họ. Trong 20 năm qua, các anh đã nói dối nhau, đã nói dối với cha, và đã nói dối với Đức Chúa Trời. Còn bây giờ, họ đang nói dối với Giôsép. Nhưng Đức Chúa Trời, qua tôi tớ Ngài là Giôsép, sắp sửa cung ứng cho họ phần thử nghiệm sau cùng mà họ không thể quên được! [Bob Hallman, “The Cup Of Testing” (Sáng thế ký 44.1-34) http.//www3.calvarychapel.com/kauai/teachings/genesis.html].
Cảnh 4: Giôsép điều chỉnh các anh mình (44.1-13). “Giô-sép bèn truyền lịnh cho quản gia rằng: Hễ các người đó chở nổi bao nhiêu, thì hãy đổ lương thực cho họ đầy bao bấy nhiêu, rồi để bạc của mỗi người lại nơi miệng bao họ. Lại hãy để cái chén bằng bạc ta tại miệng bao chung với bạc mua lúa của người út nữa. Quản gia bèn làm y như lời Giô-sép dặn mình” (44.1-2). Tất nhiên, một cái chén bằng bạc rất có giá trị. Nhưng cách sử dụng nó ở đây có quan hệ tới việc suy gẫm riêng tư của Giôsép, ấy là các anh đã bán chàng làm nô lệ để lấy 20 miếng bạc. Vì vậy, giờ đây chàng dùng bạc để quấy rối và thử họ! Động thái nầy chỉ ra Giôsép đã tính toán chi ly là dường nào [
Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 510]. Câu chuyện tiếp tục ở 44.3-9. Các anh em dậy sớm rồi bắt đường về xứ Canaan. Có lẽ họ đứng không vững vì thiếu ngủ và chậm chạp sau khi tiệc tùng với Giôsép (đối chiếu 43.34) [Waltke dịch cụm từ “uống thoải mái” sát nghĩa là “họ uống và đã say mèm” Waltke, Genesis, 557]. Sau khi các anh rời khỏi thành phố, Giôsép liền sai viên quản gia đuổi theo nói với họ: “Sao các ngươi lấy oán trả ơn như vậy? Có phải cái chén nầy là của chúa ta thường dùng uống rượu và bói chăng? Các ngươi đã làm một việc chẳng thiện đó. Quản gia theo kịp, lặp lại mấy lời ấy; các anh em bèn đáp rằng: Sao chúa nói như vậy? Chẳng bao giờ kẻ tôi tớ chúa có tưởng làm đến việc thế nầy! Đây, từ xứ Ca-na-an chúng tôi có đem bạc đã được nơi miệng bao xuống giao lại cho người thay; dễ nào lại có ý mong ăn cắp bạc hay vàng của dinh chủ người sao? Xin cho kẻ tôi tớ nào mà người tìm được cái chén đó phải chết đi, và chính chúng tôi sẽ làm tôi mọi cho chúa”. Không nghi ngờ chi nữa, các anh em đã nổi giận với lời tố cáo của viên quản gia vì họ tin cậy vào sự công bình của họ. Có thể họ đã nói: “Nào, Ông quản gia ơi! Lẽ nào những tên trộm lại tình nguyện trả lại những vật có giá trị để lấy cắp nữa sao?” Viên quản gia của Giôsép đã mĩm cười trong lòng khi ông ta nói: “Ừ thôi! hãy làm như lời các ngươi đã nói: ta tìm được chén nơi ai thì người đó sẽ làm tôi mọi cho ta đó; còn các người thì vô tội. Tức thì, mỗi người lật đật hạ bao mình xuống đất và mở ra. Quản gia lục soát, bắt từ bao anh cả lần đến bao em út. Cái chén bèn tìm đặng trong bao Bên-gia-min. Mỗi người xé áo mình ra, chất bao lúa lên lưng lừa, rồi cùng trở lại thành” (44.10-13). Khi Giôsép biến mất, chỉ có Giacốp là người đã xé áo xống mình (37.34); còn bây giờ hết thảy các anh em đều xé áo mình [Wenham, Genesis 16-50, 425]. Thực vậy, họ đã tan vỡ và họ là gia đình. Tuy nhiên, đây là những tin tức tệ hại nhất họ mới vừa nghe thấy. Tin tức ấy xấu đủ không đứng vững được trước mặt một vị quan đầy quyền lực người Ai cập, là người đã giận dữ đối với tên trộm đã lấy cái chén bạc của mình, nhưng khi nhìn biết người nầy là em của họ, là đứa em mà họ đã bán đi làm nô lệ 20 năm trước — tin tức ấy áp đảo họ! Tội lỗi của họ đã được bày tỏ ra. Những nổi sợ hãi lớn lao nhất của họ lại thoắt hiện đến. Lý trí của họ quay cuồng với thực tại bẩn thỉu đó. Họ đã bị kết án!
Cảnh 5: Các anh ăn năn và phục hòa lại với Giôsép (44.14-45.15). Ở 44.14-17, Môise viết: “Giu-đa cùng anh em đồng vào đến nhà Giô-sép, người hãy còn ở nơi đó; họ bèn sấp mình xuống đất trước mặt người. [Một lần nữa, các anh Giôsép đã sấp mình xuống trước mặt người] Giô-sép hỏi: “Các ngươi gây nên nông nỗi chi vậy? Há chẳng biết một kẻ như ta đây có tài bói sao? Giu-đa đáp: Chúng tôi sẽ nói cùng chúa làm sao? sẽ phân lại làm sao? sẽ chữa mình chúng tôi làm sao? Đức Chúa Trời [Trong cả sách Sáng thế ký, các anh của Giôsép công nhận Đức Chúa Trời chỉ có 3 dịp và mỗi dịp như vậy là những tình huống khủng hoảng. 42.28 — các anh sợ bị bắt với số tiền “lấy cắp”; 44.16 – Giuđa sợ những điều quan chức người Ai cập sẽ thực hiện với Bêngiamin (và với phần còn lại trong các anh em) vì cớ cái chén “lấy cắp” thuộc về quan chức người Ai cập và số tiền bị tìm thấy trong bao của Bêngiamin; và 50.17 — các anh sợ Giôsép sẽ trả thù họ, lúc bấy giờ cha họ đã qua đời. Barry C. Davis, Genesis (Portland, OR. Multnomah Biblical Seminary unpublished class Notes, 2003)] đã thấu rõ điều gian ác của tôi tớ chúa rồi. Nầy, chúng tôi cùng kẻ đã bị bắt được chén nơi tay đều làm kẻ tôi tớ cho chúa. Nhưng Giô-sép đáp rằng: Ta chẳng hề có ý làm như vậy đâu! Người mà đã bị bắt được chén nơi tay sẽ làm tôi mọi ta; còn các ngươi hãy trở về nhà cha mình bình yên”. Giôsép đã thực hành việc bói khoa không rõ ràng lắm từ 44.5, 15. Có thể chàng đã bói khoa, nhưng điều nầy dường như mâu thuẫn với bản chất của chàng là một người có đức tin nơi Đức Giêhôva. Rõ ràng đây là một phần của mưu mẹo [Waltke, Genesis, 559]. Bói khoa dường như không thích hợp một khi Giôsép có ơn giải thích điềm chiêm bao (những khải thị thiêng liêng) từ Đức Chúa Trời. Nếu có ai cần cần phải viện tới bói khoa thì chẳng phải là Giôsép đâu. Câu nói đầu tiên của viên quản gia của Giôsép có thể là một lời nói dối (44.5). Câu nói thứ hai do Giôsép đưa ra không xưng nhận mình thực hành việc bói khoa (44.15). Giôsép đã nói rằng một người như chàng có thể làm công việc đó. Những tham khảo nầy về sự bói khoa dường như có ý đồ gây ấn tượng cho các anh của Giôsép với giá trị của cái chén đã biến mất. Các anh đã luận ra Giôsép đã sử dụng cái chén đó vì những mục đích khác hơn là uống rượu [Dr. Thomas L. Constable, Notes on Genesis ( http.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/genesis.pdfhttp.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/genesis.pdf, 2005), 253].
Ở 44.18-34, Giuđa phát biểu và cung ứng lời lẽ dài nhất và cảm động nhất trong sách Sáng thế ký [Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 158].
“Giu-đa bèn lại gần Giô-sép mà thưa rằng: Vì chúa ngang vai Pha-ra-ôn, xin lỗi chúa, chớ nổi giận cùng kẻ tôi tớ, để tôi nói một lời cho chúa nghe. Chúa có hỏi kẻ tôi tớ rằng: Các ngươi còn cha hay là anh em nào chăng? Có thưa lại cùng chúa rằng: Chúng tôi còn một cha già, cùng một con trai đã sanh muộn cho người. Anh ruột đứa nầy đã chết rồi, nên trong vòng các con của mẹ nó, nó còn một mình, và cha thương nó lắm. Vả, chúa có dặn rằng: Hãy dẫn nó xuống đến ta, hầu cho ta thấy nó được tận mắt. Và chúng tôi có thưa lại cùng chúa rằng: Đứa trẻ chẳng lìa cha được; nếu lìa ra thì cha sẽ chết. Nhưng chúa lại dạy: Nếu em út không theo các ngươi xuống đây, thì các ngươi chẳng còn thấy mặt ta nữa. Nên khi chúng tôi trở về nhà kẻ tôi tớ chúa, là cha tôi, thì chúng tôi có thuật lại cho người nghe những lời của chúa. Kế ấy, cha lại biểu chúng tôi rằng: Hãy trở xuống đặng mua một ít lương thực. Chúng tôi thưa lại rằng: Không được; nhưng nếu em út đi theo cùng, thì mới trở xuống được; bằng không, thì chúng tôi không thế ra mắt người đó. Kẻ tôi tớ chúa, là cha tôi, đáp rằng: Bây biết rằng vợ ta sanh cho ta hai đứa con trai; một đứa đã từ ta đi mất-biệt; ta cũng đã nói: Chắc đã bị thú dữ xé rồi, vì đến bây giờ chưa thấy lại. Nếu bây còn dắt đứa nầy đi khỏi mặt ta nữa, rủi có điều tai hại chi xảy đến cho nó, tức nhiên bây sẽ làm cho kẻ tóc bạc nầy đau lòng xót dạ mà xuống âm phủ. Cha thương em út tôi lắm đến đỗi hai linh hồn khắng khít nhau; nếu bây giờ, khi tôi trở về nơi kẻ tôi tớ chúa, là cha tôi, mà không có em út đó, thì khi vừa thấy con út không còn nữa, chắc người sẽ chết. Nếu vậy, các tôi tớ chúa sẽ làm cho cha già tóc bạc của chúng tôi, cũng là kẻ tôi tớ chúa, đau lòng xót dạ xuống âm phủ. Vì kẻ tôi tớ nầy có chịu bảo lãnh đứa con út đó mà thưa rằng: Nếu con không đem em về cho cha, thì sẽ cam tội cùng cha mãi mãi. Vậy bây giờ, xin cho kẻ tôi tớ chúa ở tôi mọi thế cho đứa trẻ, đặng nó theo trở lên cùng các anh mình. Vì, nếu đứa trẻ không theo về, làm sao tôi dám về cùng cha tôi? Ôi, tôi nỡ nào thấy điều tai họa của cha tôi ư!” (44.19-34) [Constable viết: “Giacốp đã không thay đổi; ông vẫn thương nhất đứa con út của mình. Tuy nhiên, các anh đà thay đổi; giờ đây họ yêu thương cha của họ và Bêngiamin. Giuđa đã tỏ ra thái độ quan tâm đến Giacốp cũng như Bêngiamin (câu 31). Thay vì giận ghét cha của họ vì ưu đãi Giôsép và rồi Bêngiamin, các anh giờ đây đang tận tụy vì ích cho Giacốp. Minh chứng cao nhất về sự ăn năn của Giuđa là sự ông bằng lòng đổi chỗ với Bêngiamin rồi ở lại trong xứ Ai cập như một nô lệ (các câu 33-34; đối chiếu Giăng 15.13). Đây là trường hợp đầu tiên về sự thế người trong Kinh Thánh” Constable, Notes on Genesis, 254]. Ông đã thốt ra với tình cảm đầy nước mắt. Không còn có một trường hợp hối lỗi và ăn năn chơn thật nào khác được thấy có trong Kinh Thánh, trừ ra thí dụ nói tới người con trai hoang đàng (Luca 15.11-32) [Wenham, Genesis 16-50, 431]. Một tội nhân vô ơn đã trở thành một tội nhân được phục hồi với tấm lòng rất mềm mại [Michael Eaton, Preaching Through the Bible. Genesis 24-50 (Kent, England. Sovereign World, 1999), 103].
Chắc chắn Giacốp sẽ tôn Giuđa lên địa vị vua (49.10), vì ông chứng tỏ rằng ông rất thích ứng với sự cai trị của nhà vua lý tưởng của Đức Chúa Trời — rằng nhà vua phục vụ cho dân sự, chớ không phải ngược lại. Giuđa đã được biến đổi từ một người đứng bán em mình làm nô lệ trở thành một người bằng lòng làm nô lệ thay cho em mình. Với sự yêu cầu đó, ông đang tiêu biểu cho địa vị vua lý tưởng của Israel [Waltke, Genesis, 567].
Có phải chúng ta nhìn thấy một sự thay đổi chân chính nơi các anh của Giôsép không? Một cách tuyệt đối!
1. Họ không bực tức khi Bêngiamin được ban cho một phần lớn hơn (43.34).
2. Họ đã tin cậy lẫn nhau và không tố cáo nhau về sự sai trái khi bị cáo giác về việc lấp cắp cái chén bạc (44.9).
3. Họ cùng nhau bị sa lầy khi cái chén bạc được tìm thấy. Họ không rời bỏ Bêngiamin khi nó sắp sửa bị bắt làm nô lệ ở Ai cập (44.13).
4. Họ hoàn toàn hạ mình xuống vì cớ Bêngiamin (44.14).
5. Họ biết rõ tình huống khó khăn của họ là kết quả của tội lỗi họ nghịch lại Giôsép (44.16).
6. Họ đã hiến mình làm nô lệ cho Ai cập cùng với Bêngiamin (44.16).
7. Họ đã tỏ ra mối quan tâm chân chính về sự thể nầy tác động mạnh vào cha của họ (44.29-31).
8. Giuđa bằng lòng thực hiện một của lễ thay thế cho em của ông, phát xuất từ tình yêu thương cho Bêngiamin và cha của ông là Giacốp (44.33).
Hãy xét qua các anh của Giôsép:
Chính các anh đã từng tàn nhẫn bất chấp tiếng kêu gào của Giôsép, giờ đây đã tỏ ra tiếc nuối và hối hận về những gì họ đã làm với em của họ.
Chính các anh đã nói dối với cha của họ về cái chết của Giôsép và làm tan nát cõi lòng của ông giờ đây đang làm mọi sự họ có thể để tái khẳng định Giacốp và bảo hộ cho ông.
Chính các anh thường hành động với sự dối gạt và phản bội giờ đây đang tìm cách hành xử đáng trượng khi hồi lại tiền bạc mà họ biết không phải là của họ.
Chính các anh thù ghét con cái của Rachên (Giôsép và Bêngiamin) giờ đây đang hứa lấy sinh mạng mình bảo hộ cho Bêngiamin.
Chính các anh từng bỏ rơi Giôsép giờ đây lo giải cứu người anh em của họ là Simêôn.
Bất luận bạn phân tích mỏng đến cở nào đi nữa, các anh đã chứng tỏ sự ăn năn. Họ đã nhìn nhận tội lỗi của họ! Ngày nay điều nầy hoàn toàn hiếm có lắm. Chúng ta là một xã hội đặc biệt rất khéo léo trong việc hợp lý hóa và đổ thừa. Khi có ai bị rơi vào chỗ sai trái, bạn sẽ nghe thấy ngay:
Tôi xuất thân từ một gia đình rất khác thường. (Tôi không chịu trách nhiệm … hãy đổ thừa cho sự dạy dỗ tôi).
Đúng đây là lối sống hiện có của tôi. (Tôi không chịu trách nhiệm … hãy đổ thừa cho gene của tôi hay cho Đức Chúa Trời!)
Họ đã khởi sự việc ấy. (Tôi không chịu trách nhiệm … họ chịu trách nhiệm).
Tôi không biết điều đó là trái Luật pháp. (Tôi không chịu trách nhiệm … quí vị đã không nói cho tôi biết).
Tôi bị ăn hiếp. (Tôi không chịu trách nhiệm … xã hội chịu trách nhiệm).
Ở 45.1-15, câu chuyện của chúng ta đến hồi phân giải. Nhưng hãy nhớ rằng ở thời điểm nầy các anh còn trên chỗ thử nghiệm! Họ đang bị cật vấn. Bêngiamin bị tố cáo lấy cắp cái chén bạc của Giôsép. Và Giuđa đang nài xin ơn thương xót. Từ nhận thức của các anh, rõ ràng là họ chọc giận quan chức người Ai cập đến nỗi ông ta một là bỏ tù hoặc là kết án tử hình họ! [Gene A. Getz, Joseph. Finding God’s Strength in Times of Trial (Ventura, CA. Regal, 1983), 142]. “Bây giờ, Giô-sép không còn thể nào cầm lòng cho đậu được trước mặt các người hầu chung quanh, bèn la lên rằng: Hãy đuổi họ ra hết thảy! Khi Giô-sép tỏ thật cùng các anh em mình, thì không có một người nào khác ở tại đó hết. Người cất tiếng lên khóc; dân Ê-díp-tô nghe và nhà Pha-ra-ôn nghe nữa. Giô-sép nói cùng anh em rằng: Tôi là Giô-sép. Cha tôi còn sống chăng? Nhưng trước mặt người [Hãy xem 45.1, Giôsép không thể kềm được mình vì tình cảm trong lòng, và ở 45.3, các anh của chàng không thể nói được vì cớ sự kinh khiếp của họ. Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 1988 [2002 ed.]), 672] các anh em bối rối [Từ ngữ “bối rối” hay “kinh khiếp” (NIV) là một từ thường nói tới nổi sợ làm tê liệt giống như những người lâm chiến trong chiến tranh (Xuất Êdíptô ký 15.15; Các Quan Xét 20.41; I Samuên 28.21; Thi thiên 48.5). Waltke, Genesis, 563], chẳng đáp lời được. Người lại nói rằng: Các anh em hãy lại gần tôi. Họ bèn lại gần. Người nói: Tôi là Giô-sép, em mà các anh đã bán đặng bị dẫn qua xứ Ê-díp-tô. Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh. Kìa, hai năm rồi trong xứ đã bị đói kém, và còn năm năm nữa sẽ không còn cày cấy chi, gặt hái chi được hết. Đức Chúa Trời sai tôi đến đây trước, đặng làm cho các anh còn nối dòng trên mặt đất, và nương một sự giải cứu lớn đặng giữ gìn sự sống cho anh em. Không, chẳng phải các anh sai tôi đến đây đâu, ấy là Đức Chúa Trời; Ngài dường đặt tôi làm cha Pha-ra-ôn, cai quản cả nhà người, và trị khắp xứ Ê-díp-tô. Các anh hãy mau mau trở về cha tôi đi, và nói với người rằng: Giô-sép, con của cha, có nói như vầy: Đức Chúa Trời đã đặt tôi làm chúa cả xứ Ê-díp-tô, cha hãy xuống với tôi; xin đừng chậm trễ, cha, các con, các cháu, các chiên, bò cùng tài vật của cha sẽ ở tại xứ Gô-sen gần tôi đây. Ở đó tôi sẽ nuôi cha, (vì còn năm năm đói kém nữa), e khi cha, người nhà cha, và hết thảy loài vật của cha phải bị ách mà hao mòn. Này, các anh và Bên-gia-min, em tôi, đã thấy tận mắt rằng, chính miệng tôi đã nói chuyện cùng các anh em đó. Vậy, hãy thuật lại các điều vinh hiển của tôi tại xứ Ê-díp-tô, cùng mọi việc mà anh em đã thấy cho cha nghe, và hãy mau mau dời cha xuống đây. Đoạn, người ôm lấy cổ Bên-gia-min, em mình, mà khóc; Bên-gia-min cũng ôm cổ người mà khóc. Người cũng ôm các anh mình mà khóc. Đoạn, anh em nói chuyện cùng người”. Sau ba lần tỏ bày về ý tốt của Giôsép đối với các anh em (khóc lóc, giải thích, và vòng tay ôm lấy), các anh của chàng sau cùng có thể trao đổi với chàng. Suốt cả cuộc đời của Giôsép, chàng đã phân biệt được sự tể trị khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong các biến cố của cuộc đời chàng. Bốn lần chàng nói rằng Đức Chúa Trời, chớ không phải các anh mình, có mặt ở đàng sau những gì đã xảy ra (45.5, 7, 8, 9).
Làm sao Giôsép có thể tha thứ cho các anh mình được chứ?
Chàng dễ nhìn thấy tình trạng của mình từ một viễn cảnh đời đời. Chàng nhìn biết rằng dù các anh đã tính làm hại cho mình … Đức Chúa Trời đã vận hành qua những dự tính tội lỗi ấy.
Chàng đã sửa soạn lâu nay hầu tha thứ cho các anh mình. Và từ giây phút đầu tiên chàng nhìn thấy các anh, chàng đã làm việc để phục hồi lại mối quan hệ của họ, chớ không phải để báo thù việc sai trái họ đã làm cho chàng.
Chàng đã tiếp nhận sự xưng tội và sự ăn năn của các anh vì tội lỗi của họ.
Trong 15 câu nầy, có một số nguyên tắc quan trọng về cách thức tha thứ [R.T. Kendall, All’s Well that End’s Well. The Life of Giacốp (Carlisle, UK. Paternoster, 1998), 257-261].
1. Bạn có thể giữ kín lai lịch của họ và giấu giếm việc họ đã làm (45.1). Giôsép đã đuổi hết thảy tôi tớ của mình ra trước khi chàng bày tỏ lai lịch của mình cho các anh biết (44.34). Chàng đã làm điều nầy vì chàng muốn đưa cả gia đình sang Ai cập. Và khi gia đình chàng đến nơi, chàng muốn mọi người ở Ai cập nhìn biết những gì họ đã làm. Giôsép muốn các anh đến tại Ai cập và được yêu mến và nhìn nhận bởi người Ai cập. Chàng đã chọn bảo hộ họ và gìn giữ danh tiếng của họ. Khi Đức Chúa Trời tha tội cho chúng ta rồi dời chúng “đi thật xa giống như phương đông xa cách phương tây” (Thi thiên 103.12), tại sao không bảo hộ cho những kẻ mà bạn từng xung đột riêng với họ?
2. Bạn khiến cho họ không còn phải sợ hãi nữa (45.3-4). Sau khi xác định lai lịch với các anh và hỏi thăm về cha mình, Giôsép thúc giục các anh hãy đến gần chàng. Hỡi người làm chồng, có phải vợ quí ông đối xử tệ bạc theo một cách thức nào đó và quí ông thường nhắc nhở nàng về điều nầy? Hỡi người làm vợ, có phải chồng quí bà xem thường quí bà theo một cách thức nào đó và quí vị sẽ không để cho ông ấy quên việc đó chăng? Hãy nhớ, yêu thương chẳng giữ một dữ liệu nào về sự sai trái hết (I Côrinhtô 13.5).
3. Bạn muốn kẻ làm tổn thương bạn tự tha thứ cho họ (45.5). Một trong những minh chứng cho thấy Giôsép đã tha thứ cho các anh mình, ấy là chàng không muốn họ phải hành hạ bản thân họ. Đấy là cách Đức Chúa Trời tha thứ. Ngài tha thứ một cách hoàn toàn và vô điều kiện. Khi chúng ta chọn không tha thứ cho bản thân mình, chúng ta đang thực thi việc tự căm thù mình. Khi chúng ta làm vậy, không những chúng ta làm tổn thương cho bản thân, chúng ta làm tổn thương nhiều người khác nữa. Người nào không tự tha thứ cho bản thân mình (nam hay nữ) là người rất bất hạnh — và thường không thể tha thứ cho người khác được. Cái mỉa mai của sự tha thứ là như vậy đấy. Cấp độ trong đó chúng ta tha thứ cho người khác sẽ thường là cấp độ trong đó chúng ta tha thứ cho bản thân mình; cấp độ trong đó chúng ta tha thứ cho bản thân mình thường là cấp độ trong đó chúng ta tha thứ cho người khác. Sự thể giống như một câu hỏi xưa thiệt là xưa, cái nào đến trước hết — con gà hay quả trứng? Có khi rất khó phải trả lời cái nào đến trước —tha thứ cho người khác, nhờ thế bạn sẽ có khả năng tha thứ cho bản thân mình, hoặc tha thứ cho bản thân mình để bạn có thể tha thứ cho người khác [R.T. Kendall, Total Forgiveness (Lake Mary, FL. Charisma House, 2002), 140-141].
4. Bạn để cho họ giữ thể diện (45.7-8). Giôsép không thu nhỏ những gì các anh đã làm (“các anh bán tôi sang Ai cập”), nhưng chàng đặt vấn đề vào đúng viễn cảnh: “Đức Chúa Trời sai tôi đến đây trước đặng giữ gìn sự sống cho anh em”. Không một chỗ nào trong chương nầy là tội lỗi của các anh bị thu nhỏ lại hết. Tuy nhiên, Giôsép đã để cho các anh có một chút tự trọng qua việc nhìn thấy sự tể trị của Đức Chúa Trời.
5. Bạn bảo hộ họ tránh nổi sợ lớn lao nhất của họ (45.9, 13). Thay vì bảo các anh nên về nói lại cho cha của họ biết họ đã phạm tội nghịch cùng Giôsép như thế nào, Giôsép giàu ơn để cho các anh mình xử lý vấn đề giữa cha của họ theo cách riêng và theo thì thuận tiện của riêng họ. Không nghi ngờ chi nữa, khi họ trở về nhà, họ phải giải thích cho cha của họ biết thể nào Giôsép đang sống và có địa vị hàng đầu ở Ai cập. Quả là khó dường bao, lời xưng tội công khai ấy rất cần thiết cho sự chữa lành của cả gia đình [Ross, Creation & Blessing, 674].
6. Bạn duy trì sự tha thứ của bạn (50.18-21). Sau khi sinh sống ở Ai cập 17 năm Giacốp mới qua đời. Các anh của Giôsép giờ đây đã tin rằng chàng đã chờ đợi đến ngày cha qua đời mới trả thù họ. Vì vậy họ đến gặp chàng dựng lên một câu chuyện cho rằng cha của họ gửi lời đến Giôsép như sau: “Ôi! xin hãy tha điều ác, tội phạm của các anh con đi”. Khi ấy các anh mới sấp mình xuống trước mặt Giôsép rồi tỏ mình như hàng nô lệ của chàng. Giôsép nói: “Em tha thứ cho các anh!” Lúc đó chàng nói với họ đừng sợ chi vì chàng sẽ chu cấp cho họ và con cái của họ. Ngay cả 17 năm sau, Giôsép đã không rút lại sự tha thứ của mình. Trong xứ sở của chúng ta có một điều luật được gọi là luật nguy hiểm gấp bằng hai (double jeopardy). Chúng ta thấy luật nầy trong phần sửa đổi thứ Năm trong Bản hiến pháp. Nguy hiểm gấp bằng hai có ý nói bạn không thể bị xét xử một tội phạm hai lần. Nếu bạn được tuyên bố vô tội về một tội phạm nào đó không một ai có quyền xử bạn về tội đó một lần nữa. Nếu bạn bị kết án và thụ án rồi, vấn đề đã kết thúc. Cũng một thể ấy, bạn từng được Đức Chúa Trời tuyên bố tha thứ, bạn không thể bị xét xử một lần nữa. Bản án đã được công bố ra rồi. Cái giá đã được trả rồi. Vấn đề đã được định liệu rồi. Bạn và tôi cần phải tự nhắc cho bản thân nhớ tới điều luật nầy mỗi lần lương tâm của chính chúng ta bắt đầu tố cáo chúng ta một lần nữa. Như có người đã viết: “Đức Chúa Trời đã ném tội lỗi chúng ta vào đại dương rồi Ngài dựng lên một tấm bảng có ghi: “Cấm Câu Cá”. [Bruce Goettsche, “The Motivating Power of Guilt” (Genesis 43).
http.//www.unionchurch.com/archive/021300.html].
Sức ép của tiểu đoạn nầy là đây: Liệu bạn sẽ là một thành viên trong gia đình, một người bạn, hay bạn đồng sự giống như Giôsép, kiên quyết, kiên nhẫn, và tha thứ không? [Underwood, “God’s Hand Is On The Rebel”]. Bạn có nhìn thấy sự tể trị của Đức Chúa Trời giúp cho bạn tha thứ người khác về bất cứ lỗi lầm nào họ đã phạm nghịch cùng bạn không?
Cảnh 6: Các anh trở lại với Giacốp (45.16-24). “Lập tức, tiếng đồn đến nhà Pha-ra-ôn rằng: Anh em Giô-sép đã đến. Pha-ra-ôn và quần thần nghe lấy làm đẹp dạ. Pha-ra-ôn bèn phán cùng Giô-sép rằng: Hãy dặn các anh em ngươi rằng: Hãy chở đồ lên lừa, đi trở về xứ Ca-na-an, rước cha và người nhà của các ngươi xuống ở cùng ta. Ta sẽ nhượng cho vật tốt nhất trong xứ Ê-díp-tô, và các ngươi sẽ hưởng màu mỡ của đất. Còn ta dặn ngươi hãy nói lại cùng họ như vậy: Hãy đem xe cộ từ xứ Ê-díp-tô về cho con nhỏ và vợ mình, cùng dời cha các ngươi xuống đây. Đừng tiếc tài vật mình, vì vật tốt nhất của xứ Ê-díp-tô sẽ về phần các ngươi. Các con trai của Y-sơ-ra-ên làm y như lời; Giô-sép vâng mạng Pha-ra-ôn, đưa những xe cộ cho anh em mình và lương thực dùng trong lúc đi đường. Người cũng đưa áo xống mặc đổi thay cho mỗi người, còn Bên-gia-min, người cho trăm miếng bạc cùng năm bộ áo xống. Người cũng sai đem về cho cha mình mười con lừa chở các vật quí nhất trong xứ Ê-díp-tô, mười con lừa cái chở lúa, bánh, và lương thực để dành dùng trong khi cha đi đường. Vậy, Giô-sép đưa anh em mình lên đường. Lại dặn họ rằng: Xin anh em đừng cải lẫy nhau dọc đường”. Lời khuyên của Giôsép với các anh đừng cải lẫy dọc đường (45.24) rất khó hiểu. Có lẽ ý ông chỉ muốn nói rằng đừng dính dáng gì tới việc tranh luận và tố giác nhau về quá khứ (đối chiếu Châm ngôn 29.9). Khi Giôsép đã tha thứ cho họ, họ nên tha thứ nhau (đối chiếu Mathiơ 18.21-35) [Wenham, Sáng thế ký 16-50, 430. Động từ mang ý “cải lẫy”. Có người hiểu động từ Hy bá lai ragaz, “xúi giục” là một tham khảo đến sự cải lẫy (xem Châm ngôn 29.9, ở đây nó có ý nầy), nhưng trong Xuất Êdíptô ký 15.14 và các phân đoạn khác nó có ý “sợ hãi”. Ý nầy đề cập tới nổi sợ cướp bóc, nhưng hơn thế nữa đây là một lời bảo đảm họ đừng sợ về việc trở lại Ai cập. Họ đã nghĩ rằng Giacốp có lần đã sống ở Ai cập, Giôsép sẽ báo thù họ. Xem NET Bible Notes]. Các anh đã cải lẫy rồi về tội lỗi của họ nghịch lại Giôsép trong Sáng thế ký 42.21-22. Giôsép vốn biết rõ không bao lâu nữa mấy người nầy sẽ rơi vào chỗ đổ thừa nhau khi vắng mặt chàng. Những lời tố giác sẽ bay bổng và cuộc cải lẫy nóng hổi sẽ theo sau. Nhưng cải lẫy chỉ là vô mục đích khi mọi sự đã được tha thứ rồi. Chuyến đi của họ sẽ là chuyến đi vui vẻ hơn nếu họ biết hướng tầm nhìn về ân điển của Đức Chúa Trời thay vì hướng vào lỗi lầm của họ.
Cảnh 7: Sự ước ao trong lòng Giacốp được thỏa (45.25-28). Câu chuyện của chúng ta kết thúc bằng mấy câu nầy: “Các anh em ở Ê-díp-tô trở lên và đến xứ Ca-na-an, nơi Gia-cốp, cha mình, thuật lại lời nầy mà rằng: Giô-sép hãy còn sống; lại ấy là người đang cai trị cả xứ Ê-díp-tô. Nhưng lòng Gia-cốp vẫn vô tình vì người không tin lời họ nói. Anh em thuật lại cho người nghe hết mọi lời Giô-sép đã nói; Gia-cốp vừa thấy các xe cộ của Giô-sép sai đem về đặng rước mình, thì tâm thần người tỉnh lại, bèn nói rằng: Thôi, biết rồi; Giô-sép, con trai ta, hãy còn sống; ta sẽ đi thăm nó trước khi ta qua đời”. Họ thuật lại cho Giacốp biết Giôsép đã chết và ông tin điều đó. Bây giờ họ nói Giôsép còn sống, và ông đã không tin. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời ban cho Giacốp điều lòng ông ao ước (Thi thiên 37.4). Đức Chúa Trời rất nhơn từ đối với Giacốp thậm chí khi Giacốp cứ bám lấy sự vô tín của ông.
Kẻ sống sót duy nhứt của một cuộc đắm tàu bị giạt vào một hòn đảo nhỏ không có ai ở. Ông ta kêu gào với Đức Chúa Trời xin giải cứu, và mỗi ngày ông ta nhìn về phía đường chân trời mong được cứu, nhưng dường như chẳng thấy hiệu quả gì hết. Kiệt sức, ông ta dựng lên một túp lều tạm rồi đặt hết của cải mình vào đó. Nhưng rồi một ngày kia, sau khi đi săn kiếm đồ ăn, ông ta về tới thì thấy túp lều nhỏ của mình đang bốc cháy, khói bay lên bầu trời. Điều tệ hại nhất đã xảy ra; ông ta rơi vào buồn khổ. Sáng sớm ngày hôm sau, một chiếc tàu đến gần đảo và giải cứu ông ta: “Làm sao mấy ông biết tôi ở đây?” ông ta hỏi mấy gã thủy thủ. Họ đáp: “Chúng tôi nhìn thấy khói mà ông làm dấu hiệu kêu cứu kia kìa”. Mặc dù câu chuyện dường như chẳng thật bao lăm, nổi khó khăn trong hiện tại của bạn có thể trở thành công cụ cho hạnh phúc của bạn trong tương lai [Bob Hallman, “God’s Advance Man” (Genesis 45.1-28).
http.//www3.calvarychapel.com/kauai/teachings/genesis.html].
Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải nhớ rằng cuộc sống là một trò chơi ráp hình và chúng ta không có đủ hết những mảng nhỏ. Nhưng một ngày kia, nhiều việc sẽ được làm cho sáng tỏ hơn chúng trong lúc bây giờ. Nhưng trong lúc bây giờ đây, chúng ta cần phải tin rằng Cha chúng ta biết rõ nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét