Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Gen 17.1-27: "Tin hay không!"



"Tin hay không!"

(Sáng thế ký 17.1-27)
“Nhảy đi, bố sẽ chụp con”. Bạn có bao giờ nghe một người cha nói như thế với một đứa con được đặt ở một địa thế cao hay chưa? Bạn có thể nhớ bố của bạn đã nói thế khi bạn còn nhỏ không? Bạn có làm theo không? Bạn có nhảy không? Theo một ý nghĩa, đây là một việc mà Đức Chúa Trời phán với chúng ta. Đức Chúa Trời với tới chúng ta bằng tình yêu thương. Ngài khai mào một mối tương giao với chúng ta bằng cách lập với chúng ta một số lời hứa. Khi chúng ta tin lời hứa của Ngài nói tới sự sống đời đời qua Đấng Christ, chúng ta bắt đầu một mối tương giao với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, đây chỉ là phần khởi đầu. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải tin cậy những lời hứa của Ngài rồi dám sống đời sống của chúng ta giống như thể chúng ta tin Ngài sẽ giữ tất cả các lời hứa của Ngài vậy. Có một sự liều lĩnh trong khi sống như thế. Nhưng trừ phi chúng ta dám, chúng ta sẽ không bao giờ thực sự sống đời sống đức tin mà Đức Chúa Trời đã dự trù cho chúng ta. Đức Chúa Trời phán: “Hãy nhảy đi, ta sẽ chụp lấy ngươi” [Jim Killen, “Jump and I’ll Catch You” (Lectionary Starters) Second Sunday in Lent, Year BMarch 16, 2003. Sáng thế ký 17.1-7, 15-16; Rôma 4.13-25. Preaching Online].
Đúng thế, có một sự căng thẳng ở đây. Trong khi chúng ta được truyền cho phải vâng lời, Chúa Jêsus đang hành động trong chúng ta, qua Đức Thánh Linh, để thực thi sự vâng phục. Khi người ta hỏi Mẹ Teresa về sự phục vụ rất nổi bật của bà, bà đáp: “Tôi chỉ là ngọn bút chì ở trong tay Đức Chúa Trời …vẽ ra điều chi đẹp đẽ cho Đức Chúa Trời” [Preaching Today Citation. Kitty Muggeridge in Gazing on Truth. Christianity Today, Vol. 30, no. 14]. Với một phương thức kín nhiệm, chúng ta không được kêu gọi để làm việc cho Đức Chúa Trời, mà để cho Đức Chúa Trời làm việc qua chúng ta.
Trong Sáng thế ký 17.1-27, chúng ta sẽ thấy một sự pha trộn về sự khôn ngoan thiêng liêng và trách nhiệm của con người. Và chúng ta sẽ học biết làm thể nào Đức Chúa Trời hành động để thực thi sự vâng phục trong đời sống của Ápram và của chúng ta. Trước tiên, chúng ta sẽ thấy …
1. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời gìn giữ giao ước (17.1-8). Môise viết: “Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi, thì ĐỨC GIÊ-HÔ-VA hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời toàn năng’” (17.1a). Câu nói nầy phá vỡ 13 năm im lặng giữa Đức Chúa Trời và Ápram. Đức Chúa Trời đã không phán dạy Ápram kể từ khi ông nắm lấy mọi vấn đề vào trong tay của mình bằng cách ngủ với Aga rồi có thai một con trai (16.16). Sau những năm tháng im hơi lặng tiếng nầy, Ápram đã được khích lệ rất nhiều qua sự gặp gỡ với Đức Chúa Trời [Sáng thế ký 17 là một trong số những câu chuyện trong đó tác giả nói dứt khoát rằng “ĐỨC GIÊHÔVA đã hiện ra” (wayyera') với con người (Sáng thế ký 12.7; 18.1; 26.2, 24; 35.9). John H. Sailhamer, Genesis. EBC (Grand Rapids. Zondervan, 1990), Electronic Ed]. Trong sự khải thị nầy, Đức Giêhôva đã tự tỏ Ngài ra một cách đầy trọn trong những giới hạn của bổn tánh và thuộc tánh của Ngài. Đức Chúa Trời đề cập tới chính mình Ngài là “Đức Chúa Trời Toàn Năng” (E1 Shaddai) [Đây là lần đầu tiên Đức Chúa Trời đã được gọi bằng danh xưng nầy. Tước hiệu nầy rõ ràng đã được sử dụng trong Kinh thánh về mối quan hệ với con cái của Ngài (Đức Chúa Trời đã yên ủi Gia-cốp với danh xưng nầy, Sáng thế ký 35.10-11; đã chúc phước cho Giô-sép với danh xưng nầy, 49.25; và Đức Chúa Trời tái khẳng định với Môise bằng danh xưng nầy, Xuất Êdíptô ký 6.3). Thi thiên 91.1 đánh dấu hay nhất về danh xưng nầy của Đức Chúa Trời: “Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn Năng”]. Lâu nay, danh xưng chính bởi đó Đức Giêhôva đã bày tỏ chính mình Ngài ra là Elohim, nghĩa là Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên và nâng đỡ thiên nhiên. El Shaddai, mặt khác, đề cập tới Đức Chúa Trời là Đấng nắm giữ thiên nhiên, là Đấng khiến cho thiên nhiên phải làm theo những gì chống lại bản thân nó. Nói cách khác, Đức Chúa Trời có khả năng làm ra những phép lạ. Ngài đã dựng nên các luật lệ trong thiên nhiên; Ngài có thể vi phạm các luật lệ trong thiên nhiên.
E1 Shaddai là một tước hiệu, nó nhấn mạnh quyền phép vô hạn của Đức Chúa Trời (Xuất Êdíptô ký 6.3) [Ross viết: “Danh xưng nầy xảy ra 48 lần trong Cựu Ước, 31 trong số đó ở trong sách Gióp. Ở các phân đoạn trong sách Sáng thế ký (17.1; 28.3; 35.11; 48.3), danh xưng nầy xảy ra với lời hứa về sự thịnh vượng” Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 2002 [1988]), 330]. Thú vị thay, chữ El có nghĩa là “Đấng mạnh sức”, trong khi chữ Shadd đề cập tới phần ngực của một người mẹ cho con bú. Điều nầy có ý nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng từ Ngài mà Ápram cần phải rút tỉa sức lực và sự trưởng dưỡng. Với một hình ảnh dịu dàng nhất, dường như Đức Chúa Trời có ý nói rằng chúng ta được mặc lấy quyền phép để thể hiện mọi trách nhiệm trong giao ước bằng cách trưởng dưỡng nơi Ngài, giống như một đứa trẻ lớn lên do bú sữa của mẹ nó vậy [Cũng xem James Montgomery Boice, Sáng thế ký 12-36 Vol. 2 (Grand Rapids. Baker, 1985 [1998]), 585].
Đây là một từ xảy ra rất đúng thời điểm. Ápram đã bỏ ra 13 năm qua, sống trong tranh cạnh và lộn xộn vì quyết định tội lỗi của ông đã thể hiện nơi Ích-ma-ên. Giờ đây, Ápram sắp sửa học biết rằng mọi lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ được ứng nghiệm không phải bởi quyền thế, bởi năng lực, bèn là bởi Thánh Linh của Chúa Toàn Năng (Xachari 4.6). Chính El Shaddai là Đấng hoàn thành ý chỉ Ngài trong đời sống của Ápram! Đức Chúa Trời có quyền, bất luận là hoàn cảnh nào và bất cứ khó khăn nào (Êphêsô 3.20). Bạn có tin điều nầy không? Có điều chi quá khó khăn cho Đức Chúa Trời không hoàn thành được trong đời sống của bạn không? Bạn có thể phục hồi lại mối hôn nhân của mình không? Bạn có thể làm biến đổi đứa con bụi đời của mình không? Ngài có thể chuộc lại công ăn việc làm của bạn không? Nếu Ngài thực sự là một Đức Chúa Trời siêu nhiên, thì Ngài có thể đấy! Liệu bạn có đặt lòng tin cậy của mình nơi Ngài để hành động trong đời sống của bạn không?
Đức Chúa Trời Toàn Năng nầy phán cùng Ápram: “ngươi hãy đi ở trước mặt ta làm một người trọn vẹn” (17.1b). Giống như Hê-nóc và Nôê đã đồng đi với Đức Chúa Trời (5.21-24; 6.9), cũng một thể ấy giờ đây Ápram được truyền cho phải “đi trước mặt Đức Chúa Trời”. Ông không được truyền cho xoay người, phải chạy, hay xông tới cách dại dột đâu [Preaching Today Citation. Steven J. Cole, Leadership, Vol. 8, no. 4], ông được truyền cho phải đồng đi.
Cách đây mấy tháng, tôi đã chia sẻ với bạn về cái mụn cóc trên mắt cá chân phải của tôi. Trong sáu năm qua, Lori và tôi đã tìm cách cất bỏ đi cái mụn cóc nầy. Mặc dù có nhiều sự chữa trị xét nghiệm rồi, chúng tôi đã không thành công. Vì vậy năm nay, tôi đến gặp bác sĩ. Sau hai nổ lực để chữa trị, ông cũng chịu thua. Mới đây, tôi đã hoàn tất hai tuần lễ đứng lớp tại Trường Thần Học Talbot tại Trường Đại Học Biola. Trong suốt thời gian tôi ở lại đó, tôi đã không thuê xe, vì vậy tôi đã đi bộ đến khắp mọi nơi. Tôi đã đi nhiều dặm đường (đôi khi tôi chẳng quen đi nữa). Và hãy đoán xem có gì xảy ra? Cái mụn cóc kia đã lặn mất! Hãy nói về cú sốc! Cuộc chiến với mụn cóc ấy đã do đi bộ mà thắng hơn. Nhiều người thất bại không công nhận đời sống Cơ đốc đơn sơ và cởi mở là dường nào. Nó đòi hỏi một bước đi từ từ và vững chắc với Đức Chúa Trời; chớ không phải 30 ngày tới đắc thắng thuộc linh nếu bạn đọc quyển sách nầy hay xem những đĩa DVD kia. Đức Chúa Trời đánh giá cao sự bền đỗ kiên nhẫn của việc bước đi ở trước mặt Ngài.
Đức Chúa Trời cũng phán rằng Ápram phải là người “trọn vẹn”. [Chữ được dịch là “trọn vẹn” (tamim) có ý nghĩa là đầy đủ, nguyên vẹn khi sử dụng nói tới các thái độ và được dịch là “không tì vít” khi được sử dụng với phạm trù của lễ (thí dụ Xuất Êdíptô ký 12.5; Lê vi ký 1.10). Tamim được sử dụng 49 lần trong Cựu Ước. Chữ nầy chỉ xuất hiện một lần khác trong sách Sáng thế ký, nơi sự công bình của Nôê được mô tả (đối chiếu 6.9)]. Từ ngữ “trọn vẹn” có nghĩa là “hoàn toàn, toàn bộ có sự ngay thẳng”. Ápram cần phải xử sự giống như thể luôn luôn ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời [John E. Hartley, Genesis. NIBC (Peabody, MA. Hendricksen, 2000), 170]. Quả là một sự thách thức cho Ápram và cho chúng ta. Thật là dễ bị đổ thừa vào sáng Chúa nhựt, nhưng càng khó khăn hơn nữa khi phải sống một đời sống trọn vẹn từ thứ Hai cho đến thứ Bảy. Tôi thích đề tựa quyển sách do Bill Hybels viết: “Who You are When No One’s Looking” (Bạn là ai khi chẳng có ai trông thấy) [Bill Hybels, Who You are When No One’s Looking (Downers Grove, IL. InterVarsity, 1987)]. Đức Chúa Trời muốn các môn đồ của Ngài phải trở thành hạng người ngay thẳng, chớ không phải hạng người hai mặt.
Đức Giêhôva tiếp tục trong 17.2: “Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều quá-bội” [Sát nghĩa: “Ta sẽ làm cho ngươi sinh sôi nẩy nở rất nhiều, rất nhiều”. Sự nhắc lại là phần nhấn mạnh]. Hai lần trong câu nầy, Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ…”. Những lời hứa của giao ước nầy ra từ Đức Chúa Trời (đối chiếu 15.18). Ngài nắm lấy quyền chủ động [Sailhamer lưu ý: “Há Đức Chúa Trời không “lập” (karath) rồi một giao ước với Ápraham ở 15.18 sao? Tại sao Ngài lập giao ước với Ápram lần thứ hai? Một vài giải pháp cho nan đề nầy đã được đưa ra. Câu trả lời đơn giản nhất nằm ở chỗ nhìn thấy hai giao ước đúng là hai khía cạnh phân biệt trong giao ước của Đức Chúa Trời với Ápraham — giao ước nhấn mạnh lời hứa về đất đai (15.18-21) và giao ước nhấn mạnh lời hứa về sự dòng dõi được thêm nhiều quá bội (17.2)”. Sailhamer, Genesis, Electronic Ed]. Chữ được dịch là “lập” có nghĩa là “đặt ra để vận hành” [Động từ nathan (“lập”) không thực sự là thì tương lai trong tiếng Hy bá lai. Giao ước đã được lập ra rồi; ở đây Đức Chúa Trời đang lặp lại giao ước ấy với Ápram]. Vào thời điểm nầy, Đức Giêhôva sẽ bắt đầu làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài với Ápram. Chữ “giao ước” (berith) là trọng tâm cho câu chuyện nầy. Cụm từ “Giao ước của ta” xảy ra chín lần [Xem Sáng thế ký 17.2, 4, 7, 9, 10, 13, 14, 19, và 21]. Cụm từ “giao ước” xuất hiện bốn lần khác nữa [Xem Sáng thế ký 17.7, 11, 13, và 19]. Cách sử dụng từ ngữ “đời đời” bắt lấy quyết định chắc chắn của Đức Chúa Trời khi lập một dân qua Ápram [Từ ngữ “đời đời” (olam) xảy ra ba lần với giao ước (Sáng thế ký 17.7, 13, 19) và một lần nữa với cơ nghiệp (17.8). Hartley, Genesis, 169]. Điều nầy đúng là một sự khích lệ cho Ápram. Mặc dù ông có sự hẹn hò với Aga (16.3-4), Đức Chúa Trời sẽ tôn vinh giao ước của Ngài lập với ông. Mặc dầu chúng ta có khi bất trung, Đức Chúa Trời cứ giữ lòng thành tín (II Timôthê 2.13). Bất chấp bạn đã làm gì, Đức Chúa Trời muốn kéo dài ân điển của Ngài ra cho bạn. Bạn có phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời không? Bạn có làm buồn lòng Ngài trong những lời hứa hôn ước của mình, trong mối quan hệ của bạn với con cái của mình, qua cách làm việc của bạn? Ngày nay, Ngài phán với bạn: Hãy trở lại cùng Ta, ta muốn phục hồi ngươi. Ta muốn chúc phước cho ngươi.
Sau khi nghe xong mấy lời nầy: “Áp-ram bèn sấp mình [Đây là một hành động trong sự thờ phượng (Lê vi ký 9.24; Giôsuê 5.14; Êxêchiên 1.28)] xuống đất; Đức Chúa Trời phán cùng người rằng” (17.3). Ápram đáp ứng rất cởi mở. Tại sao chứ? Ông đã gặp gỡ Đức Chúa Trời! Trong Kinh thánh, khi những người nam người nữ gặp gỡ Đức Chúa Trời, có một hình thái biểu lộ nào đó ở bên ngoài. Ấy không phải một kinh nghiệm há hốc miệng ra. Điển hình, dáng dấp bề ngoài phản ảnh thái độ của tấm lòng chúng ta. Thật là khó khi phải thờ phượng Đức Chúa Trời mà không có sự biểu lộ. Ý tưởng thờ lạy Đức Chúa Trời trong tấm lòng của một người là một hiện tượng theo Tây phương không được phần còn lại của thế giới thực hiện và sẽ không nằm trong thể trạng đời đời (Khải huyền 4-5). Khi bạn gặp gỡ Đức Chúa Trời, tôi khuyên bạn nên bày tỏ tấm lòng ra với Ngài. nếu bạn thấy không tiện thể hiện cách công khai, hảy tỏ ra theo cách riêng.
Ở 17.4-5, Đức Giêhôva phán: “Nầy, phần ta đây, ta đã lập giao ước cùng ngươi; vậy ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc. Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Áp-ram nữa, nhưng tên ngươi sẽ là Áp-ra-ham, vì ta đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc”. Ápram cần phải là tổ phụ của nhiều nước bên cạnh Israel [Xem các bảng gia phổ nói tới Kê-tu-ra (Sáng thế ký 25.1-4), Ích-ma-ên (25.12-18), và Ê-sau (36.1-43)]. “Nhiều dân tộc” là từ chìa khoá được lặp đi lặp lại ba lần trong 17.4-6. Câu nầy là một sự nhắc nhớ rằng chương trình của Đức Chúa Trời bao gồm tất cả các dân: “mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước” (Khải huyền 5.9; 7.9).
Trong các câu nầy, Đức Chúa Trời cũng đổi tên của Ápram. “Ápram” có nghĩa là “cha được tôn cao” [Danh nầy không đề cập tới bản thân Ápram, mà đề cập tới Đức Chúa Trời. Xem Ronald F. Youngblood, The Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1991), 169. Những người khác cho rằng danh nầy đề cập tới Tha-rê, là cha của Ápram]. Giờ đây Đức Chúa Trời đổi tên của Ápram thành “Ápraham”, có nghĩa là “cha của số đông”. Ápraham phải sống với cái tên nầy như thế nào? Mỗi lần tên của ông được nhắc tới, nó nhắc cho ông nhớ lời hứa chỉ là suông mà thôi.
Giờ đây, ông nhóm cả gia đình mình lại rồi tuyên bố tên mới của mình. Tôi có thể nghe một trong các tôi tớ của ông nói: “Ông chỉ bị chơi khăm đấy thôi. Thiệt là buồn cười! Ông chỉ có một đứa con và đứa con ấy ra bởi một nô lệ. Ápram đang mất trí rồi. Mặt trời trong sa mạc đang chiếu vào ông ấy” [Ed Dobson, Ápraham. The Lord Will Provide (Grand Rapids. Fleming H. Revell, 1993), 102].
Trong khi tôi đang ở tại Talbot, tôi làm bạn với những sinh viên đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Talbot phục vụ cho nhiều nhóm chủng tộc khác nhau đến từ mọi nơi trên địa cầu. Mười trong mười sáu sinh viên trong nhóm học vị tiến sĩ là các sinh viên Hàn quốc. Tôi biết được có nhiều Cơ đốc nhân Hàn quốc đã lấy theo tên Cơ đốc (thí dụ như, Đaniên, Giô-sép, Giô-na-than) khi họ trở thành Cơ đốc nhân. Sở dĩ họ lấy tên như thế là vì họ công nhận họ là những con người mới với một lai lịch mới. Họ sẽ không còn sống y như trước nữa. Họ đang biểu lộ ra chính tư tưởng mà Đức Chúa Trời đã có khi Ngài ban cho Ápram một cái tên mới (xem Nêhêmi 9.7). Là những tín đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta cũng được ban cho một cái tên mới và một lai lịch mới. Cho nên, chúng ta phải tìm cách sống theo cái tên mới của mình.
Vỡ tuồng của Đức Chúa Trời tiếp tục, và ấy là vì ích cho chúng ta nên Ngài mới viết ra Kinh thánh. Ngài soi sáng chúng ta với một lẽ đạo xa xưa nói tới việc một con người bình thường đang làm sự phi thường — một con người đơn sơ, khiêm nhường được chọn làm cha của một nước lớn. Chẳng có gì phải lạ lùng khi Đức Chúa Trời lấy hạng người vô nghĩa giống như bạn và tôi rồi sử dụng chúng ta trỗi hơn sự chúng ta suy tưởng cao vời nhất (Thi thiên 113.5-9; Êphêsô 3.20)? [Charles R. Swindoll, Abraham. The Friend of God (Fullerton, CA. Insight for Living, 1988), 59. Charles R. Swindoll, Abraham. The Friend of God (Fullerton, CA. Insight for Living, 1988), 59].
Hãy chú ý hai chữ đầu tiên ở 17.6: “Ta sẽ” Cụm từ nầy xảy ra năm lần ở 17.6-8.
1. “Ta sẽ làm cho ngươi sanh sản rất nhiều” [Sailhamer lưu ý: “Sự lựa chọn từ ngữ sanh sản trong câu 6 và quá bội trong câu 2 dường như có chủ ý để nhắc lại ơn phước của tất cả con người trong 1.28: ‘Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất’ và được lặp lại ở 9.1: ‘Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất’. Vì vậy, giao ước với Ápraham là phương tiện qua đó phước hạnh nguyên thủy của Đức Chúa Trời một lần nữa sẽ là ống dẫn cho toàn thể nhân loại”. John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative (Grand Rapids. Zondervan, 1992), 157]. Đức Chúa Trời hứa với Ápraham sẽ có nhiều dòng dõi. Đây là chương trình của Đức Chúa Trời từ buổi sáng thế (thí dụ Ađam, Nôê).
2. “Ta sẽ làm cho ngươi thành nhiều nước; và các vua sẽ do nơi ngươi mà ra” [Sailhamer viết: “Một yếu tố mới được thêm vào trong 17.6b: ‘và các vua sẽ do nơi ngươi mà ra’. Điều nầy dường như được dè trước không những lịch sử tới sau của dòng dõi Ápraham y như nó đã được ghi lại về sau trong các sách Sử ký (thí dụ, Samuên và Các Vua); nhưng, còn quan trọng hơn nữa, nó cung ứng một kết nối giữa lời hứa chung về ơn phước qua dòng dõi của Ápraham và tiêu điểm của tác giả về ơn phước ấy trong cung điện vương giả xứ Giu-đa (Sáng thế ký 49.8-12; Dân số ký 24.7-9). Ý tưởng ở đây, ấy là phước hạnh sẽ đến từ một vị vua không phải là mới mẻ đối với sự bàn luận của tác giả (đối chiếu 14.18-19). Tuy nhiên, vấn đề được phát triển ở đây lần đầu tiên, là ý tưởng cho rằng vị vua nầy sẽ đến từ dòng dõi của Ápraham. Đây là phần hoạch định theo thần học đang nằm ở đàng sau cấu trúc bảng gia phổ của Mathiơ 1: ‘Gia phổ Đức Chúa Jêsus Christ, con cháu Đa-vít và con cháu Áp-ra-ham’. Hãy in trong trí phần gắn bó của từ ngữ ‘Mê-si’ (christos) với chức vị Vua ở chỗ khác trong văn mạch Kinh thánh (thí dụ như, I Samuên 24.6, 10), cho nên không có gì xa rời đối với lẽ thật nói tới một bảng ‘gia phổ của Đấng Christ’ trong sách Sáng thế ký ở các phân đoạn nầy”. Sailhamer, Genesis, Electronic Ed]. Không những các dân sẽ ra từ Ápraham mà ngay cả các vị vua nữa, thậm chí lên tới cực điểm nơi Chúa Jêsus — “Vua các vua”.
3. “Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, và cùng hậu tự ngươi” [Constable đề nghị: “Những tham khảo về ‘giao ước’ trong chương nầy đã tạo ra một sự nhầm lẫn. Giao ước với Ápraham (chương 15) nằm trong nhận định (các câu 4, 7, 11, 19, 21), dấu hiệu bề ngoài của giao ước ấy chính là giao ước cắt bì (các câu 2, 9, 10, 13, 14). Vì thế Môise đã sử dụng chữ ‘giao ước’ với hai tham khảo khác biệt ở đây. Dầu Giao ước với Ápraham là giao ước vô điều kiện, giao ước cắt bì nương theo sự vâng lời của Ápram (các câu 1-2). Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho Ápram khi Ápram vâng theo Đức Chúa Trời bằng cách làm phép cắt bì cả nhà mình. Phước hạnh nầy sẽ ở trong hình thức làm tăng thêm dòng dõi của Ápram ‘quá bội’, thậm chí còn hơn cả Đức Chúa Trời đã hứa rồi nữa”. Dr. Thomas L. Constable, Notes on Genesis ( http.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/genesis.pdfhttp.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/genesis.pdf, 2005), 147]. Chúng ta thờ lạy Đức Chúa Trời một cách cá nhân, nhưng chúng ta cũng muốn có một di sản các thành viên trong gia đình vững vàng tin cậy nơi Đấng Christ.
4. “Ta sẽ cho ngươi cùng dòng dõi ngươi xứ làm cơ nghiệp đời đời” [Từ ngữ Hy bá lai về “dòng dõi” (zerach) là một danh từ chọn lọc và có thể ở số ít hay số nhiều tùy theo văn mạch. Văn mạch ở đây chỉ ra danh từ ở số nhiều đề cập tới Israel là dòng dõi của Ápraham. Phần bàn luận của sứ đồ Phaolô ở Galati 3.16 về dòng dõi (số ít) dựa theo Sáng thế ký 23.12, ở đây văn mạch đòi hỏi chính từ ngữ được hiểu là số ít. Phần đất đai trong chuyến hành trình của Ápraham là cơ nghiệp đời đời của dòng dõi ông, là quốc gia Israel. Elmer Towns, History Makers of the Old Testament (Wheaton, IL. Victor, 1989), 109]. Đức Chúa Trời không những sẽ ban cho dòng dõi, mà còn đất đai nữa.
5. “Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ” [Câu nói nầy trở thành mệnh đề nổi bật và đặc biệt trong văn mạch của giao ước (Giêrêmi 24.7; 31.33; Êxêchiên 34.30; Ôsê 2.23; Xachari 8.8). Youngblood, The Book of Genesis, 169]. Mệnh đề sau cùng nầy rất là quan trọng. Đức Chúa Trời muốn làm Đức Chúa Trời của chúng ta. Ngài muốn chúng ta tương giao với Ngài hầu thay đổi đời sống của chúng ta! Điều nầy có ý nghĩa khi bạn suy gẫm về cái muốn ấy xem. Rốt lại, bạn không mong lập gia đình nếu tình trạng ấy không làm thay đổi đời sống của bạn gì hết. Hãy tưởng tượng có người nói: “Ồ phải rồi, tôi sẽ lập gia đình, nhưng tôi không để cho việc ấy tác động vào đời sống tôi. Tôi làm điều chi tôi muốn với tiền bạc và thì giờ của tôi. Không, tôi không dành thì giờ với vợ tôi. Phải, thỉnh thoảng tôi trò chuyện với nàng, nhưng chỉ khi tôi thực sự cần điều chi đó từ nơi nàng”. Bạn sẽ nghĩ đấy là cách cư xử thật lạ lùng; tuy nhiên người ta nghĩ rằng họ có thể xử sự theo cách ấy với Đức Chúa Trời [Ian M. Duguid, Living in the Gap Between Promise and Reality (Phillipsburg. P & R, 1999), 78].
[Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời hay giữ giao ước, còn chúng ta cũng sẽ nhìn thấy rằng …]
2. Đức Chúa Trời trông mong sự vâng phục của chúng ta (17.9-27). “Đoạn, Đức Chúa Trời phán cùng Áp-ra-ham rằng: Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang đời kia, sẽ giữ sự giao ước của ta. Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi. Các ngươi phải chịu cắt bì; phép đó sẽ là dấu hiệu của sự giao ước giữa ta cùng các ngươi. Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sanh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, hễ lên được tám ngày [Tại sao phải là tám ngày? Ngày thứ tám là ngày mà hệ thống miễn dịch của đứa trẻ đang ở tại cấp độ điều kiện tốt nhứt cho cách cắt bì đó. Các yếu tố máu quan trọng, vitamin K và prothrombin, đang ở tại cấp độ cao nhứt của chúng trong đứa trẻ vào ngày tuổi thứ tám, khiến cho ngày thứ tám là ngày dễ dàng, an toàn nhứt để làm phép cắt bì cho đứa trẻ. Sailhamer viết: “Đúng là rất thú vị khi lưu ý con số tám là con số của sự sống lại, và đời mới, hay những việc mới trong Kinh thánh. Mặc dù người Do thái giữ ngày sa-bát hay ngày thứ bảy làm ngày thánh, luôn luôn là ngày thứ tám mà ngày lễ long trọng nhất trong các ngày lễ của người Do thái đã được cử hành. Lễ dâng hoa quả đầu mùa, Lễ Ngũ Tuần, đỉnh cao của Lễ Lều Tạm, và ngày bắt đầu Lễ Bánh Không Men, tất cả đều rơi vào ngày thứ tám, ngày Chúa nhựt. Đây là ngày long trọng nhất trong các ngày lễ trong Cựu Ước và có tầm quan trọng mẫu về mối quan hệ giữa Đấng Christ và các tín hữu ngày nay. Khi giữ ý nghĩa của ngày thứ tám trong lịch về các ngày lễ của Israel, phép cắt bì cũng được đòi hỏi vào ngày thứ tám” Sailhamer, Genesis, Electronic ed. Waltke xem ngày thứ tám là biểu tượng cho việc hoàn tất một vòng thời gian tương xứng với Sự Sáng Tạo. Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 257], rồi, đều phải chịu phép cắt bì. Chớ khá bỏ làm phép cắt bì cho ai sanh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của ta sẽ lập đời đời [Waltke viết: “Chữ Hy bá lai olam, được dịch là ‘đời đời’, có nghĩa là ‘khoảng thời gian xa xôi nhất’, một ý tưởng theo đường chân trời (đối chiếu Xuất Êdíptô ký 12.14; 27.21; Lê vi ký 3.17; Dân số ký 10.8; Phục truyền luật lệ ký 15.17). Bao lâu Đức Chúa Trời quản trị dân sự của Ngài bằng gia phổ tính từ Ápraham, Y-sác, và Gia-cốp, dấu hiệu phép cắt bì theo phần xác thịt vẫn phải thi hành” Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 261] trong xác thịt của các ngươi vậy’”. Có nhiều người đang vật lộn với bản chất của giao ước vô điều kiện nầy. Thắc mắc đã được đưa ra. Nếu giao ước nầy nương theo Đức Chúa Trời, tại sao các điều kiện lại đặt trên Ápram? Câu trả lời rất đơn giãn. Mặc dù mọi lời hứa của Đức Chúa Trời với Ápram là vô điều kiện, sự tận hưởng của Ápram về các ơn phước là phải có điều kiện. Nói cách khác, trong những lời hứa vô điều kiện của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời đưa ra những đòi hỏi.
Ngài đòi Ápram và Sarai phải rời bỏ quê hương cùng gia đình của họ rồi đi đến một xứ mới (12.1). Ngài đòi họ phải trở làm nguồn phước cho nhiều người khác (12.2), phải bước đi trước mặt Ngài và trọn vẹn (17.1), rồi phải làm phép cắt bì những người nam trong gia đình họ như một dấu của giao ước (17.10). Mặc dù các lời hứa của Đức Chúa Trời là vô điều kiện, sự tham gia nhất thời của Ápram vào phước hạnh của Đức Chúa Trời là có điều kiện nơi phần trung tín cùng vâng phục của ông đối với những đòi hỏi của Đức Chúa Trời.
Khi Đức Chúa Trời phán: “Ngươi phải…”. Ngài không phán: “Ý chỉ của ta đều nương vào hành động của ngươi. Đức Chúa Trời không phán: “Ngươi phải làm điều nầy, và nếu ngươi không làm, ta sẽ không làm điều ta đã hứa”. Đức Chúa Trời không hành động như thế đâu! Đức Chúa Trời rất khôn sáng. Ngài sẽ làm những gì Ngài sẽ làm. Còn chúng ta phải làm một việc gì đó, thì cũng chẳng phải là quan trọng đâu [Boice, Genesis 12-36, 582]. Trong trường hợp của Ápraham, ông phải làm phép cắt bì cho chính mình và từng người nam trong gia đình ông. Từ ngữ cắt bì có ý nói việc “cắt tròn”. Nó đề cập tới một cách tiểu phẩu cắt bỏ đi da bao quy đầu nơi người nam. Tất nhiên là chỉ có những người nam mới chịu phép cắt bì mà thôi. Trong xã hội tộc trưởng trong vùng cận Đông xa xưa người ta nghĩ rằng một cô gái hay phụ nữ dự phần vào điều kiện của cha mình nếu cô ta độc thân, hoặc chồng của cô ta nếu cô ta đã lập gia đình. Phép cắt bì là một biểu tượng thích ứng ít nhất là vì ba lý do [Phép cắt bì đã kết quả nơi sự thanh sạch có cần trong cuộc sống và sự tự do ở ngoài những tác dụng của tội lỗi (nghĩa là, bịnh tật và sự chết). Phép cắt bì là hành động tiểu phẩu duy nhứt thuộc loại có ích cho con người Constable, Notes on Genesis, 149].
1. Phép ấy sẽ một sự nhắc nhớ thường xuyên cho từng người nam chịu phép cắt bì về các lời hứa của Đức Chúa Trời bao gồm cả dòng dõi. Phép cắt bì cho người nam có thể chỉ ra phần trách nhiệm lớn lao, mà Đức Chúa Trời đã ấn định cho người làm cha. (Điều nầy có ý nghĩa đặc biệt đối với Ápraham sau sự kiện với Aga). Đức Chúa Trời sẽ chỉ ra dòng dõi của Ngài theo thời gian và theo đường lối của Ngài.
2. Đây là một sự nhắc nhớ lòng trung thành về tình dục và về thuộc linh. Bộ phận sinh dục của người nam cần phải biệt riêng ra cho các mục đích của Đức Chúa Trời thay vì cho sự vô luân về tình dục. Ápram đã phạm phải sự vô luân về tình dục bằng cách ngủ với Aga. Giờ đây, ông phải đem nó phục theo Đức Chúa Trời. Bộ phận sinh dục của người nam sẽ trở thành phương tiện qua đó dòng dõi của người nam sẽ được chuyển tiếp, để dọn đường cho Đấng Mêsi. Dấu hiệu nầy cảnh báo thành viên của giao ước không nên sử dụng bộ phận ấy mang dấu hiệu của mình với một tư thế bừa bãi được. Nếu phần chi thể nầy của cơ thể con người được hiến cho Chúa, toàn bộ con người sẽ được hiến cho Chúa. Tất cả mọi kiểu cách tội lỗi về tình dục đều ra từ chính bộ phận nầy. Bộ phận nầy cần phải được sử dụng cho sự khoái lạc về tình dục trong phạm trù hôn nhân và dòng dõi tin kính. Phép cắt bì bảo đảm cho một người vợ về sự thuận phục của chồng mình đối với Chúa. Nó nhắc nhớ một người chồng biết rằng ông thuộc về Chúa. Không một người Israel nào dám dính dáng tới các mối quan hệ về tình dục nếu không được nhắc nhớ đến sự thực người ấy thuộc về Đức Chúa Trời.
3. Đây là một hình ảnh nói tới sự tiếp cận của Đức Chúa Trời với loài xác thịt (Côlôse 2.10-12). Người nam chịu phép cắt bì là kẻ từ chối không chịu tuân theo “xác thịt” (nghĩa là, những khía cạnh tự nhiên theo phần xác trong cuộc sống) với đặc ân tin cậy nơi Chúa cùng các lời hứa thuộc linh của Ngài. Phép cắt bì không cứu Ápram hay khiến cho ông ra công bình ở trước mặt Đức Chúa Trời (Rôma 4.9-12). Chỗ đứng công bình của ông ở trước mặt Đức Chúa Trời nằm trên nền tảng cơ sở của đức tin (11.30-31). Phép cắt bì, phép báptêm bằng nước [Có người nhấn mạnh những điểm tương tự giữa phép báptêm và phép cắt bì và chắc chắn có một số điểm (đối chiếu Côlôse 2.10-12). Cả hai đều chỉ ra một sự kết hiệp với Đức Chúa Trời. Cả hai đều cần phải bỏ đi những thứ trước đây rồi sống một đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời (đối chiếu Rôma 6.1-4; Côlôse 3.1-11). Nhưng có những điểm khác biệt rõ ràng, phải giữ trong trí. Phép cắt bì được thực hiện trên những đứa trẻ khi được tám ngày tuổi và xác nhận đức tin của bố mẹ. Phép báptêm thì dành cho những người lớn tuổi có lòng tin, là một biểu hiện đức tin của họ nơi Đức Chúa Trời (Công vụ các sứ đồ 16.33; 19.1-7). Phép báptêm là một dấu hiệu công khai; phép cắt bì là một dấu riêng tư. Phép báptêm thì dành cho tất cả các tín hữu; người nam và người nữ, phép cắt bì chỉ dành cho người nam mà thôi. Phép cắt bì là một dấu của giao ước với Ápraham; phép báptêm không phải là một dấu của Tân Ước, mà là Tiệc Thánh của Chúa (đối chiếu Luca 22.20). Trong khi có người sử dụng Công vụ các sứ đồ 16 để xác minh phép báptêm cho trẻ con, điều nầy không thể thực hiện được. Tất cả những ai là người nhà của viên cai ngục đã nghe giảng Tin lành (16.32); mọi người đều tin (16.34); mọi người đều chịu phép báptêm (16.33), và hết thảy đều vui mừng (16.34). Tất cả những ai đã chịu phép báptêm đều là tín hữu, y như viên quan cai ngục], mối tương giao, được sanh lại trong gia đình Cơ đốc, là một phần của một hệ phái nhất định nào đó, hay thậm chí nói tội nhân cầu nguyện là dấu hiệu bề ngoài của đức tin ở bên trong. Nhưng trừ ra một tấm lòng và đời sống được thay đổi, những dấu hiệu tôn giáo nầy chẳng có việc gì phải làm với ơn cứu rỗi cả [Phép cắt bì là một dấu bề ngoài của sự ký thác ở bên trong. Phép nầy đối với người Do thái giống như chiếc nhẫn cưới có ý nghĩa như thế nào trong hôn nhân. Phép cắt bì có giá trị và ý nghĩa rất lớn nếu một người Do thái hiểu rõ và thể hiện được tầm quan trọng của nó. Nhưng, nếu ý nghĩa chân chất của nó bị bỏ qua, nó sẽ vô nghĩa giống như chiếc nhẫn cưới đeo trên ngón tay của kẻ tà dâm vậy].
Trong Tân Ước, hành động cắt bì không còn bị đòi hỏi đối với hàng tín đồ [Xem Rôma 2.28-29; I Côrinhtô 7.19; Galati 5.6; 6.15; Côlôse 2.11; 3.11; và Philíp 3.3]. Thay vì thế, chúng ta cần phải chịu cắt bì ở trong lòng [Xem Lê vi ký 26.41; Phục truyền luật lệ ký 10.16; 30.6; Giêrêmi 4.4; 9.25-26; Galati 5.6; 6.12], đó là ngai của việc đưa ra quyết định. Điều nầy chỉ ra ba việc:
1. Đây là sự tỏ ra lai lịch của chúng ta với Đấng Christ.
2. Đây là sự tỏ ra lòng trung thành thuộc linh đối với Chúa.
3. Đây là sự tỏ ra tình trạng dứt bỏ hay đặt bổn tánh tội lỗi cho tới chết (Philíp 3.3). Chúng ta không nên có một sự tin tưởng nào nơi bản thân, mà hoàn toàn tin cậy nơi Ngài. Đây là đời sống đã chịu phép cắt bì.
Tiểu đoạn Kinh thánh nầy kết thúc ở 17.14 với lời cảnh cáo nầy: “Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta”. Đây là cách thức Đức Chúa Trời phán như sau: “Nếu ngươi không dứt bỏ cái tôi của mình, ta sẽ dứt bỏ ngươi” [Cũng hãy xem lời bình nầy của Hamilton: “Cách bày tỏ nầy không nghi ngờ chi nữa nhắm vào chữ “dứt bỏ”. Người ấy không dứt bỏ bản ngã mình (nghĩa là, chịu phép cắt bì) sẽ bị dứt bỏ (nghĩa là, bị khai trừ). Đây là sự lựa chọn, dứt bỏ hay bị dứt bỏ”. Victor P. Hamilton, The Book of Genesis Chapters 1-17. NICOT (Grand Rapids. Eerdmans, 1990), 473]. Đây là tham khảo đến sự hành hình, đôi khi bởi người Israel, nhưng thường thì bởi Đức Chúa Trời, với cái chết trước khi trưởng thành [Waltke nhất trí: “Đức Chúa Trời sẽ dứt bỏ dòng dõi bất trung ra khỏi cộng đồng giao ước và ra khỏi những lợi ích về ơn phước và sự sống. Kẻ bất trung bị định phải tuyệt diệt và có khả năng chết trước khi trưởng thành”. Waltke, Genesis, 261]. Người nào từ chối không tham dự phép cắt bì chứng tỏ người ấy thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời do sự người từ chối. Vì thế người đã phá vỡ giao ước cắt bì. Chỉ bởi tuân giữ các điều kiện nầy con người mới có thể tận hưởng được các ơn phước của Đức Chúa Trời như đã được đảm bảo trong giao ước [Có một tóm tắt đã được xác định rõ ràng về những bổn phận của giao ước nầy. Trong Sáng thế ký 17.4, Đức Chúa Trời phán: “Nầy, phần ta đây”. Ở 17.9, Ngài phán: “Phần ngươi cùng dòng dõi ngươi”. Ở 17.15, chúng ta đọc: “Còn Sarai”. Sau cùng, ở 17.20, chúng ta thấy: “Còn về Íchmaên”. Giao ước của Đức Chúa Trời là giao ước đời đời và bảo đảm. Sự tận hưởng các ơn phước của giao ước là có điều kiện].
Ở 17.15-16, Đức Chúa Trời chuyển qua bàn bạc với Ápraham. Ngài phán: “‘còn Sa-rai, vợ ngươi, chớ gọi là Sa-rai nữa; nhưng Sa-ra là tên người đó. Ta sẽ ban phước cho nàng, lại do nơi nàng ta sẽ cho ngươi một con trai, Ta sẽ ban phước cho nàng, nàng sẽ làm mẹ các dân tộc; những vua của các dân tộc sẽ do nơi nàng mà ra’”. Về tầm quan trọng tên của Sara xuất hiện ba lần trong hai câu nầy. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của ân điển. Sara đã sống không có đạo đức. Bà đã buộc chồng mình phải phạm tội tà dâm và đa thê. Còn Đức Chúa Trời vẫn chúc phước cho bà. Hai cái tên là hai hình thái khác nhau về một chữ có ý nghĩa là “công chúa”. Giống như Đức Chúa Trời phán: “Giờ đây Sara sẽ thực sự là một công chúa!” [Michael Eaton, Preaching Through the Bible. Genesis 12-23 (Kent, England. Sovereign World, 1999), 83]. Đức Giêhôva, hiển nhiên là đang thử đức tin của Ápraham và sự ông nương cậy vào Ngài để có sự trợ giúp, đặc biệt đã không chỉ ra Sara sẽ trở thành một người mẹ. Ápram không nghi ngờ chi nữa đã cho rằng Íchmaên sẽ là kẻ kế tự đã được hứa cho, cho tới khi Đức Chúa Trời bảo ông rằng Sara sẽ mang thai kẻ kế tự của họ trong lòng của bà. Sự khải tỏ đó là đặc điểm quan trọng nhất trong chương nầy. Đức Chúa Trời đã ban cho cái tên những thay đổi và phép cắt bì để khẳng định lời hứa giao ước về kẻ kế tự và để củng cố đức tin của Ápram.
Ở 17.17, chúng ta đọc câu nầy: “Áp-ra-ham bèn sấp mình xuống đất, cười [Sailhamer viết: “Suốt phần còn lại của câu chuyện xoay quanh sự ra đời của Y-sác (yishaq), một chữ chìa khoá trong từng tiểu đoạn chính là ‘cười’ (sahaq). Sara đã ‘cười’ (wattishaq 18.12); các con rễ của Lót đã cười (kimsaheq 19.14; ‘[tưởng ông] nói chơi’); tất cả mọi người nghe nói Sara sanh Y-sác đã ‘cười’ (yishaq 21.6); con trai của Aga đã cười (mesaheq 21.9b, ‘đã cười nhạo’) Ysác. Sau cùng, thất bại của chính Ysác không tin cậy Đức Chúa Trời (26.7) công khai khi Vua Philitin thấy ông ‘đang cười’ (mesaheq 26.8b; ‘giỡn chơi’) với Rêbeca”] và nói thầm rằng: Hồ dễ người đã trăm tuổi rồi, mà sanh con được chăng? Còn Sa-ra [Thật là quan trọng khi thấy rằng mặc dầu Ápraham chao đảo nơi sự công bố con trai ông ra đời, ông thấy điều nầy quả là khó tin nổi; tuy nhiên ông gọi vợ mình là Sara, cái tên mới được ban cho để nhắc cho ông nhớ tới lời hứa của Đức Chúa Trời. Xem NET Bible Notes], tuổi đã chín mươi, sẽ sanh sản được sao?’” [Sailhamer viết: “Sự thiếu vắng một lời quở trách cái cười của Ápraham ở đây trong chương 17 cho thấy rằng việc ông cười không phản ảnh nhiều việc thiếu đức tin hoàn toàn giống như nó đang thực thi một giới hạn cho đức tin ông nơi những gì Đức Chúa Trời phải làm để làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài. Ápraham không được mô tả ở đây là một người có đức tin nơi Đức Chúa Trời đã lên tới điểm trưởng thành đầy đủ; ông là người mà đức tin của ông sẽ bị đẩy qua những giới hạn hiện tại. Đức tin của ông phải lớn lên nếu ông cần tiếp tục đặt sự tin cậy của mình vào lời hứa của Đức Chúa Trời”. Sailhamer, Genesis, Electronic ed]. Ở 17.3, Ápram “sấp mình xuống đất” tỏ ra lòng tôn kính dành cho Đức Giêhôva. Ở đây trong 17.17, một lần nữa ông sấp mình xuống đất, nhưng lần nầy là để giấu nụ cười của mình. Khi Ápram nghe thấy Đức Chúa Trời sẽ làm cho dòng dõi mình được thêm lên, ông đã đáp ứng với sự tôn kính và đầu phục. Nhưng khi ông nghe thấy cách thức Đức Chúa Trời sẽ tỏ ra chương trình của Ngài, sự tôn kính của ông chứa một nụ cười thoáng qua [Có người đã thử giải thích sự khác biệt giữa hai nụ cười phát sinh từ hai trạng thái lý trí khác nhau. Nụ cười của Ápraham phát xuất từ trạng thái ngạc nhiên và cực kỳ vui sướng; nụ cười của Sara phát xuất từ trạng thái vô tín. Nhưng Kinh thánh không để cho Ápraham thể hiện cách dễ dàng được. Không có một lý do nào để kết nối nụ cười của Ápraham với nụ cười của Thi thiên 126.2 (khi Chúa đem các phu tù trở về từ Babylôn: “Bấy giờ miệng chúng tôi đầy sự vui-cười”) hay nụ cười ở Gióp 8.21: (“Song Chúa sẽ còn làm cho miệng ông được đầy vui cười”). Cả hai: Targum ở thành Jerusalem và Calvin đều hấp tấp trong việc gỡ gạc cho Ápraham ở đây bằng cách xem nụ cười của ông xứng với nỗi kinh ngạc vui sướng. Walter C. Kaiser, Hard Sayings of the Bible (Downers Grove, IL. InterVarsity, 1997 [1996]), Electronic ed. Waltke bình luận: “Ápraham một lần nữa vấp ngã trong sự hồ nghi sau khi giao ước đã được ban ra (đối chiếu 12.10-20).” Waltke, Genesis, 262].
Soren Kierkegaard nói: “Khi bạn đọc Lời của Đức Chúa Trời, bạn phải thường xuyên nhũ lòng: ‘Lời ấy nói với tôi và về tôi’” [Preaching Today Citation. Soren Kierkegaard, Leadership, Vol. 2, no. 4]. Vì vậy, hãy đặt mình vào đôi giày của Ápraham trong một phút xem. Ông bắt đầu bước theo Đức Chúa Trời ở tuổi 75. Bây giờ ông đã 99 tuổi. Ông đã đi theo Đức Chúa Trời trong 24 năm. Suốt những tháng năm nầy, Đức Chúa Trời đã lặp đi lặp lại với ông rằng ông sẽ có một con trai và ông sẽ chiếm được xứ. Sau 24 năm, Ápraham đã như thế nào với lời hứa đó? Chẳng có gì hết! Ông chưa có con trai cũng chưa chiếm được xứ. Ông và Sara cứ mãi già đi. Nếu bạn 99 tuổi và vợ bạn 90 tuổi, và Đức Chúa Trời phán bạn sẽ có một con trai, bạn cũng sẽ bật cười đấy thôi! Bạn muốn làm mẹ của đứa con 2 tuổi lúc mình đã được 92 tuổi là dường nào? Chỉ suy nghĩ về sự ấy trong một phút xem! Một đứa bé 2 tuổi! Bạn sẽ được 108 tuổi khi nó đi học và 112 tuổi khi nó rời đại học? Không có gì phải ngạc nhiên khi Ápraham bật cười! Ông nói: “Ôi Chúa ơi, Ngài tính chơi khăm con đấy chăng!” Đây không phải là một nụ cười bất kỉnh hay nhạo báng (xem Rôma 4.18-21). Đây là nụ cười khi bị sốc! [Dobson, Abraham, 104].
Tại sao Đức Chúa Trời chậm trễ trong đời sống của chúng ta? Cơ hội của Ngài có thể không bắt đầu cho tới khi nào chúng ta cạn kiệt mọi tài nguyên của mình và mọi ý tưởng khác. Sự chậm trễ của Ngài đã được ấn định để đưa chúng ta đến điểm mà chúng ta phải công nhận rằng chẳng còn có hy vọng nào về phía con người nữa — hy vọng duy nhứt của chúng ta đặt nơi Đức Chúa Trời (Rôma 4.18-21)!
Ở 17.18, Ápraham thưa với Đức Chúa Trời: “Chớ chi Ích-ma-ên vẫn được sống trước mặt Ngài!” Chúng ta phải cảm thấy nỗi thống khổ trong lời cầu xin nầy. Mọi tình cảm của Ápraham, mọi hy vọng, và mọi mơ ước của ông đều trút đổ trên chàng trai nầy [John H. Walton, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 451]. Ápraham không trông mong một đứa con khác. Ông đã suy nghĩ: “Lạy Chúa, đúng thôi. Rốt lại, Sara là một định đề ‘không chắc’ còn Íchmaên là chắc chắn. Chúng ta hãy lo liệu với một việc chắc chắn đi”. Ápraham đang tìm cách để bảo hộ cho Đức Chúa Trời từ chỗ lúng túng không giữ lời hứa của Ngài [Hartley, Genesis, 173]. Ápraham đã rơi vào chỗ có thói quen thoả lòng với một việc kém cõi hơn những gì Đức Chúa Trời đã dự trù. Phải cẩn thận về việc giới hạn Đức Chúa Trời.
Ở 17.19, Đức Chúa Trời phán: “Thật vậy, Sa-ra vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, rồi ngươi đặt tên là Y-sác. Ta sẽ lập giao ước cùng nó, để làm giao ước đời đời cho dòng dõi của nó’’. Một lần nữa, Đức Chúa Trời khẳng định lời hứa của Ngài, nhưng lần nầy nói quyết rằng Sara sẽ trở thành một bà mẹ. Thậm chí Đức Chúa Trời phán rằng tên của đứa trẻ sẽ là “Y-sác”, có nghĩa là “cười”. Thế là Đức Chúa Trời đã thực hiện một vỡ kịch mỉa mai nơi phần đáp ứng của Ápraham và cái tên của con trai ông [Cách chơi chữ nơi tên của Ysác xuất hiện ở Sáng thế ký 18.12-15 và 21.6]. Mỗi lần ông nghe nói tới tên của con trai mình, Ápraham sẽ được nhắc cho nhớ tới sự ra đời cách lạ lùng [Hartley, Genesis, 174]. Đức Chúa Trời luôn luôn có nụ cười vào lúc sau cùng!
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời rất giàu ơn. Ngài đáp ứng với lời cầu xin của Ápraham. Ngài phán: “Ta cũng nhậm lời ngươi xin cho Ích-ma-ên. Nầy, ta ban phước cho người, sẽ làm cho người sanh sản và thêm nhiều quá-bội; người sẽ là tổ phụ của mười hai vị công-hầu [Danh sách của mười hai vị công hầu nầy đã được cung ứng trong Sáng thế ký 25.13-15], và ta làm cho người thành một dân lớn” (17.20). Đức Chúa Trời đã nghe thấy những lời cầu nguyện của Ápram và chúc phước cho Íchmaên. Khi dân Hêbơrơ có 12 chi phái, cũng vậy dân sự của Íchmaên cũng sẽ có 12 gia tộc. Đức Chúa Trời chúc phước cho cả người tin Chúa và kẻ không tin (Mathiơ 5.45). Ngài là Đức Chúa Trời rất giàu ơn — chậm nóng giận và đầy sự nhơn từ [Xem Xuất Êdíptô ký 34.6; Dân số ký 14.18; Giôna 4.2; và Nahum 1.3]. Tuy nhiên, trong khi tội lỗi sẽ được tha thứ, những hậu quả của tội lỗi có thể đeo bám đến trọn đời [Phải chăng sự từ chối Ê-li-ê-se ở Đa-mách (15.2-4) có nghĩa là Đức Chúa Trời không xem những đứa con nuôi bằng con ruột? Không đâu, vì chính mình Chúa Jêsus là “con nuôi” của Giôsép, chồng của Mary. Có phải sự từ chối Íchmaên, con trai của Ápraham và Aga, một người nữ Ai cập, có nghĩa là Đức Chúa Trời không ưa những người mang hai dòng máu cao bằng Ngài ưa những đứa con “thuần chủng”? Không đâu, vì chính mình Đấng Mêsi, Đức Chúa Jêsus Christ, đã có huyết thống không phải là người Hêbơrơ và nhơn đó là một cơ nghiệp “pha trộn chủng tộc” (một trong những tổ phụ của Ngài là Ra-háp, một kỵ nữ người Canaan sống tại thành phố Giêricô, và tổ phụ khác nữa của Ngài là Ru-tơ, một người nữ Mô-áp — một sắc dân thường bị dân Hêbơrơ xưa xem khinh). Cho nên, nếu bạn là một đứa con trai hay con gái nuôi hoặc một người có hai dòng máu, hãy vui mừng đi, bạn đang dự vào những đặc điểm chung nhất với Chúa Jêsus. Bạn được đánh giá cao và quí báu đối với Ngài. Barry C. Davis, Genesis (Portland, OR. Multnomah Biblical Seminary unpublished class Notes, 2003)].
Ở 17.21-22, Đức Giêhôva phán: ‘“Nhưng ta sẽ lập giao ước ta cùng Y-sác, độ khoảng nầy năm tới Sa-ra phải sanh cho ngươi’. Khi Đức Chúa Trời đã phán xong, thì Ngài từ Áp-ra-ham ngự lên”. Đây là lần đầu tiên, Đức Chúa Trời đã đưa ra ngày tháng ra đời của đứa con được hứa cho. Trong vòng một năm, Ápraham sẽ biết ngay Đức Chúa Trời có làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài hay không!?!
Câu chuyện của chúng ta được tiếp tục với 17.23-27. Môise viết: “Chính ngày đó, Áp-ra-ham bắt Ích-ma-ên, con trai mình, và hết thảy các người nam trong nhà, hoặc sanh tại đó, hoặc đem tiền ra mua về, mà làm phép cắt bì cho, y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn. Vả, khi Áp-ra-ham chịu phép cắt bì, thì đã được chín mươi chín tuổi. Còn Ích-ma-ên, con người, khi chịu phép cắt bì, thì được mười ba tuổi. Cũng trong một ngày đó, Áp-ra-ham và Ích-ma-ên chịu phép cắt bì. Và mọi người nam trong nhà, hoặc sanh tại đó, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, đồng chịu phép cắt bì với người”. Giờ đây tôi muốn bạn hãy hình dung ra bối cảnh nầy. Một người cha 99 tuổi bảo con trai của mình 13 tuổi [Cho tới thời buổi hôm nay, dòng dõi Ả-rập của Íchmaên vẫn còn làm phép cắt bì cho con trai của họ khi được 13 tuổi] đi lấy con dao bén để cho hết thảy những người nam trong nhà đều chịu phép cắt bì. Hãy suy nghĩ về việc nầy. Chúng ta thấy không cứ cách nào đó Íchmaên đã bằng lòng chịu phép cắt bì. Tại sao chứ? Tôi tin rằng Íchmaên đã để ý thấy khuynh hướng của cha mình hay vâng theo Đức Chúa Trời và nó bằng lòng làm theo gương của cha mình. Hỡi những kẻ làm cha, có phải quí vị là loại người như vậy không? Có phải đời sống của quí vị là khuôn mẫu của sự vâng lời? Có phải con cái của quí vị nhìn thấy Đấng Christ nơi quí vị?
Những câu 23-27 nhấn mạnh ba yếu tố vâng phục trong đời sống Cơ đốc [Deffinbaugh viết: “Trong khi có một khoảng trống thời gian 13 năm từ lúc ra đời của Íchmaên cho tới lần hiện ra nầy của Đức Chúa Trời, chỉ có khoảng ba tháng từ phép cắt bì của Ápraham đến khi Y-sác ra đời”. Robert Deffinbaugh, Genesis. From Paradise to Patriarchs. Lesson 18. Grasping the Great Truth of God Genesis 17.1-27 ( http://www.bible.org/http://www.bible.org/, 1997), 4].
1. Vâng phục theo Kinh thánh là trọn vẹn. Ápraham đã làm phép cắt bì cho “mỗi” người nam trong nhà mình. Từ ngữ “hết thảy” và “mỗi” đều được sử dụng bốn lần ở 17.23 và 27.
2. Vâng phục theo Kinh thánh là không được chậm trễ. Ápraham đã vâng theo Đức Chúa Trời trong “chính ngày đó” (17.23, 26). Ápraham không nói: “Được rồi, lạy Chúa, con nghe theo Ngài. Con biết Ngài mong muốn gì rồi. Con sẽ làm việc ấy ngày mai, hay tháng tới, khi con có ít thì giờ nhàn rỗi. Con sẽ làm việc ấy sau khi con làm việc kia mà con muốn làm”. Ápraham biết rõ thì giờ phải vâng theo Đức Chúa Trời là lúc bây giờ [Boice, Genesis 12-36, 587].
3. Vâng phục theo Kinh thánh có thể sẽ là liều lĩnh lắm. Phép cắt bì hoàn toàn rất đau đớn và làm cho mất khả năng hoạt động (Sáng thế ký 34). Sự vâng lời của Ápraham khiến cho gia đình mình không thể ở trong tình trạng bảo vệ được. Ông đã tin cậy Đức Chúa Trời bảo hộ và tiếp trợ cho gia đình mình. Để sống thực với những gì tôi đã đọc trong Kinh thánh, tôi phải thực hiện sự liều lĩnh [Preaching Today Citation. Don Bubna, Leadership, Vol. 6, no. 2].
Một lần nữa, thật là quan trọng khi để ý phép cắt bì không phải là một điều kiện của giao ước, mà là một dấu dự phần vào giao ước ấy. Tương tự, đáp ứng của chúng ta với Đức Chúa Trời không phải là những điều kiện trong ơn cứu rỗi của chúng ta, mà là những dấu hiệu thích ứng và đáng mong đợi nơi sự chúng ta dự phần vào trong giao ước mới [Walton, Genesis, 469].
Tại sao Đức Chúa Trời lại chậm trễ trong đời sống của chúng ta? Đôi khi cơ hội của Đức Chúa Trời không đến, cho tới chừng con người đi tới chỗ cùng đường. Cơ hội của Ngài làm thoả mãn nhu cần của chúng ta sẽ không bắt đầu cho tới khi chúng ta cùng kiệt những tài nguyên của chính mình và tất cả mọi sự khác. Sự chậm trễ của Ngài có thể được ấn định để đưa chúng ta đến một điểm mà ở đó chúng ta công nhận rằng chẳng có hy vọng từ phía loài người nữa — niềm hy vọng duy nhứt của chúng ta là Đức Chúa Trời [Dobson, Ápraham, 107].
Khi Đức Chúa Trời phán: “Nhảy đi”, liệu bạn có tin cậy rồi vâng theo và thực hiện cú nhảy đức tin kia chăng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét