Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 1.6-10: Phản bội về mặt thuộc linh



Tự do thực – Galati
Phản bội về mặt thuộc linh
Galati 1.6-10
Benedict Arnold là một người can đảm, sáng tạo nhưng rốt cuộc lại ông ta chỉ là một kẻ phản bội, ông ta đã bán đứng xứ sở của mình. Trong một hành động phản bội độc ác, ông ta đã bán đứng xứ sở. Khi cuộc Cách Mạng nổ ra, Arnold là một nhà bào chế thuốc và là thương buôn ở Connecticut. Ông mau mắn tình nguyện vào phục vụ và đã tổ chức được một lực lượng lớn dân quân. Trải qua 5 năm, ông đã tham dự nhiều trận đánh, đã bị thương nặng hai lần và được vinh thăng đến Thiếu Tướng. Kèm theo đó, ông đã có vô số kẻ thù về mặt chính trị, ông bị rơi vào cảnh nợ nần và lấy vợ trong một gia đình trung thành nhất từ Philadelphia. Quốc Hội đã định đưa ông ra xử ở một toà án quân sự, nhưng George Washington đã ra lịnh cho ông phải đến trú đóng tại West Point, Nữu Ước. Ở đây Benedict Arnold đã trở thành một kẻ phản bội. Ông đã vạch kế hoạch trao mọi thông tin cho người Anh để đổi lấy một số tiền và một chuyến lưu vong ra khỏi xứ. Cuộc tiếp xúc của ông với người Anh, Thiếu Tá John Andre đã bị bắt cùng với các tài liệu quả tang và bị treo cổ như một điệp viên. Arnold đơn thân độc mã chạy trốn vì mạng sống của mình. Ông đã sống phần đời còn lại của mình lưu vong ở nước Anh rồi qua đời ở đó như một kẻ phản bội, một kẻ xoay chiều, một người đã sống mà không có tổ quốc.
Phản bội là một tội ác nghiêm trọng có thể bị kết án tử hình. Trầm trọng hơn nữa là sự phản bội về mặt thuộc linh. Sứ đồ Phaolô đã viết trong câu 6 rằng người thành Galati đã "vội bỏ" Tin lành, xây khỏi Đức Chúa Trời và ân sũng của Ngài. Phaolô lấy làm ngạc nhiên không biết sao họ dễ sai lạc quá như thế.
Trong các thư tín khác của Phaolô viết cho các Hội thánh, ông bắt đầu bằng lời ca ngợi và biết ơn. Ông nói như sau: "Tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Jêsus Christ" (I Côrinhtô 1.4), "sau khi tôi có nghe đức tin anh em…thì tôi vì anh em cảm tạ không thôi, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện" (Êphêsô 1.15-16) và "Chúng tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện; vì trước mặt Đức Chúa Trời, là Cha, chúng tôi nhớ mãi về công việc của đức tin anh em, công lao của lòng yêu thương anh em, sự bền đổ về sự trông cậy của anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta" (I Têsalônica 1.2-3). Đối với người Galati Phaolô không đưa ra một lời khen ngợi hay cảm tạ nào hết. Thay vì thế, sau khi biện hộ cho thẩm quyền của ông là một sứ đồ rồi trình bày một sứ điệp ngắn về ân điển của Đức Chúa Trời trong các câu 1-4, ông bước ra ngoài với hai khẩu súng thuộc linh sáng rực. Ông cầm lấy hai khẩu súng đó. Gần như trong tình trạng không tin, ông nói: "Tôi lấy làm lạ cho anh em đã vội bỏ…" .
Giả sử một trong mấy đứa con gái của tôi sắp sửa bước tới đàng trước của một chiếc xe đang chạy với tốc độ cao. Điều nầy sẽ chẳng có thì giờ để dạy dỗ và giao tiếp lịch sự nữa rồi. Tôi sẽ kêu thét lên. Tôi sẽ nắm tóc chúng mà kéo lùi lại sau nếu thấy cần thiết. Phaolô sử dụng thứ ngôn ngữ mạnh mẽ vì Tin lành đang bị đe doạ, số phận đời đời của nhiều người đang bị treo trên cán cân. Người thành Galati đã ở trong sự nguy hiểm của việc trở thành kẻ phản bội giống như Benedict Arnold. Lời lẽ nặng nề của Phaolô sẽ khiến cho chúng ta phải tra cứu cẩn thận mối nguy hiểm của sự phản bội về mặt thuộc linh.
Chúng ta hãy xem xét bốn từ ngữ giúp chúng ta hiểu rõ sự phản bội về mặt thuộc linh. SỰ RUỒNG BỎ, SỰ XUYÊN TẠC, SỰ HỦY DIỆT và SỰ QUYẾT ĐỊNH.
I. SỰ RUỒNG BỎ. Ruồng bỏ Tin lành (câu 6).
A. Sự kinh ngạc của Phaolô.
Một lần nữa, Phaolô khởi sự bằng cách nói: "Tôi lấy làm lạ cho anh em đã vội bỏ". "Bỏ" ra từ một chữ Hy lạp có nghĩa là "đổi lòng trung thành của một người" hay đổi chiều. Chữ nầy thường mô tả binh lính nào nổi loạn hay đào ngủ. Thì của động từ cho thấy đây là một hành động có tính cách tình nguyện. Họ không tách ra khỏi Tin lành theo cách tiêu cực, mà là bằng lòng tự lìa khỏi ân điển của Đức Chúa Trời.
Hãy tưởng tượng xem, nếu quí vị nhặt tờ báo buổi sáng lên rồi đọc thấy Bill Clinton đã lìa bỏ Đảng Dân Chủ rồi trở thành một người thuộc Đảng Cộng Hoà. Ít nhất, phải nói rằng quí vị sẽ bị sốc! Đấy là cảm xúc mà Phaolô đang cung ứng cho chúng ta ở đây. Ông nói: "Tôi lấy làm lạ" hay "Tôi rất đỗi ngạc nhiên, kinh ngạc, lúng túng và mất hồn. Tôi đang ở trong tình trạng bị sốc. Tôi không thể tin được quí vị lại làm như thế".
Không những Phaolô lấy làm lạ khi họ “bỏ”, mà họ còn "vội bỏ" nữa. "Vội bỏ" có ý nói tới một là mau chóng, hai là dễ dàng và có khi cả hai dường như là trường hợp ở đây. Khi các giáo sư giả xen vào và làm sai lệch sứ điệp tin lành, họ mau chóng, dễ dàng và tiến hành sử dụng ngay sự dạy giả dối kia.
Luôn luôn là một sự kinh ngạc khi người ta lìa bỏ Chúa. Điều nầy làm tan nát cả cõi lòng. Nhiều lần suốt chức vụ của tôi, tôi đã nhìn biết những kẻ nào dường như tiếp nhận ơn cứu của Đức Chúa Trời cách sẵn lòng. Tuy nhiên, giống như hột giống đã được gieo ra trên vùng đất đá sỏi, "song khi mặt trời mọc lên, thì bị đốt, và vì không có rễ, nên phải héo. Một phần khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc rậm lên, phải nghẹt ngòi" (Mathiơ 13.6-7).
Ruồng bỏ, phản bội thuộc linh có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Sứ đồ Phaolô, vị giáo sư Cơ đốc nổi tiếng nhất khác hơn Chúa Jêsus đã dạy sách Galati, thế mà "vội bỏ", họ đang ra sức chối bỏ các lẽ thật mà họ đã học biết từ nơi ông theo một phương thức rất mau chóng. Nếu sự ruồng bỏ về mặt thuộc linh đã xảy ra tại thành Galati, sự ruồng bỏ có thể xảy ra bất cứ đâu. Nó có thể xảy ra tại đây. Đấy là lý do tại sao chúng ta liên tục giảng đi giảng lại các lẽ thật trọng tâm của Tin lành. Nếu chúng ta từng đánh mất trọng tâm của Tin lành, chúng ta đang trôi giạt trên một đại dương sai lầm.
B. Sự khẳng định của Phaolô.
Ruồng bỏ Tin lành là lìa bỏ Đức Chúa Trời! Họ đang "vội bỏ" ai thế? Phaolô nói họ đang ruồng bỏ "Đấng gọi anh em". Quí vị không thể có một mối thông công phải lẽ với Đức Chúa Trời mà không có một niềm tin đúng đắn nơi Tin lành.
Trải qua nhiều năm tháng, tôi đã làm cho địa vị mình thay đổi căn cứ trên một vài vấn đề thuộc về giáo lý. Qua phần nghiên cứu Kinh Thánh, tôi đã thay đổi một số nhận định của mình về thuyết mạt thế, Hội thánh, sự chọn lựa, các ân tứ thuộc linh cùng nhiều vấn đề khác. Trong thân thể có một chỗ trống dành cho một sự khác biệt về nhận định đối với một số vấn đề. Chúng ta có thể dung chịu các quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không thể chịu được một quan điểm tin lành khác vì ruồng bỏ Tin lành là lìa bỏ Đức Chúa Trời! Phaolô cảm thấy lo ngại vì người Galati không những thay đổi tâm ý mình về vị trí của lẽ đạo khi tranh cãi, họ đã xây lưng mình về phía Đức Chúa Trời!
Ruồng bỏ Tin lành là lìa bỏ ân điển! Hãy khoanh tròn hai từ trong câu 6. Hãy khoanh tròn chữ "Đấng" vì khi chúng ta xây khỏi Tin lành chúng ta đang lìa bỏ Đức Chúa Trời. Cũng khoanh tròn chữ "ơn" vì ruồng bỏ tin lành là lìa bỏ "ơn Đức Chúa Jêsus Christ".
Chúng ta đã được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời, là ơn của Ngài ban cho kẻ không xứng đáng. Êphêsô 2.8-9 chép: "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình". Giờ đây chúng ta đang đứng vững hay sống động ở trong ân điển. Roma 5.2 chép: "…chúng ta cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đương đứng vững". Nếu ơn của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta phải dừng lại, chúng ta sẽ mất đi ơn cứu rỗi và bị hư mất trong tội lỗi.
Khi bước theo các giáo sư giả của họ, tín đồ Galati đang ra sức thêm vào ân điển của Đức Chúa Trời. Họ đang thêm phép cắt bì và tuân giữ luật pháp vào đức tin của họ hầu duy trì ơn cứu rỗi. Nếu quí vị phải thêm bất cứ điều chi vào ân điển thì khi ấy chẳng còn là ân điển nữa rồi!
Họ đang chà đạp và sĩ nhục ân điển của Đức Chúa Trời! Trong Galati 5.4, Phaolô nói: "Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi". Ông nói trong 3.1: "Hỡi người Ga-la-ti ngu muội kia, ai bùa ếm anh em là người mà trước mắt đã được rõ bày ra Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá?" Khi Phaolô nghe được các báo cáo về sự phản bội thuộc linh ở xứ Galati, tôi hình dung ra ông hai tay ôm lấy đầu của mình. Ông lấy làm lạ không biết công việc của mình giữa vòng họ có ở trong chỗ luống nhưng hay không nữa. Ông không thể tin được họ sẽ vội ruồng bỏ từ các tin tức tốt lành mà đến "với một tin lành khác".
Khi ấy và bây giờ, đúng là phải lấy làm lạ khi có ai xây từ ơn tha thứ trọn vẹn và rời rộng của Đức Chúa Trời để hướng tới "một tin lành khác".
II. SỰ XUYÊN TẠC. Thêm vào tin lành (câu 7).
A. Không có một tin lành nào khác hết.
Phaolô nói ở phần cuối câu 6 rằng họ đang chạy theo "một tin lành khác". Giờ đây trong câu 7, ông làm sáng tỏ cách nói của mình bằng cách thêm: "chẳng phải có tin lành khác". Thực sự, chẳng có "tin lành khác" vì đâu có tin lành nào "khác" đâu! Công Vụ các Sứ Đồ 4.12 chép: "Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu". Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 14.6: “ Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha".
Giá trị chính của nền văn hoá hậu Cơ đốc nầy là sự xuyên tạc, bóp méo. Không một giá trị, không một sự công bình, không một sự bình đẳng hoặc thậm chí không có một sự tự do nào khác đã được đánh giá cao như thế. Đây là lý do tại sao Cơ đốc giáo thực theo Kinh Thánh công bố Chúa Jêsus là "đường đi, lẽ thật, và sự sống" bị chỉ trích quá mấu như thế.
Mới đây ở Hội Nghị vì Hoà Bình Thế Giới tại Liên Hiệp Quốc, hơn 1000 vị lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới đã nhóm lại, Ted Turner nhân vật có địa vị đáng nể về truyền thông đã phát biểu: "Tôi ra đời trong một gia đình Cơ đốc” [ông từng nói Cơ đốc giáo là ‘dành cho kẻ bị hư mất"]. Ông cho biết đã từng mơ đến việc trở thành "một người tu hành" song lại đâm lo vì nhóm tôn giáo của ông dạy rằng chỉ có Cơ đốc nhân mới được lên thiên đàng mà thôi. Ông nói: "Tôi nghĩ thiên đàng là một nơi trống rỗng, giờ đây tôi tin chỉ có một Đức Chúa Trời là Đấng bày tỏ chính mình Ngài ra bằng nhiều phương thức khác nhau cho nhiều người khác nhau". Dầu quí vị có tin nơi điều Ted nói hay không, Đức Chúa Trời phán Chúa Jêsus là đường đi duy nhứt mà thôi.
Xã hội chúng ta chẳng màng nơi chúng ta là con người tôn giáo đâu. Họ nghĩ rất là hay khi chúng ta giúp cho kẻ có số phận không may và cầu thay cho những người đang có cần. Quí vị có thể nói bất cứ điều chi quí vị muốn về Đức Chúa Trời, nhưng lại không nói về Chúa Jêsus.
Tôi luôn luôn thích đọc trang ý kiến của tờ báo. Chỗ tôi ưa thích nhất là cột xã luận. Tuần nầy tôi đọc một bài viết của Chris Matthews, trong đó ông mô tả sự khác biệt giữa tự do của tôn giáo và tự do từ tôn giáo. Khi mô tả cách xử sự của giới truyền thông đối với các ứng cử viên chính trị, ông viết: "Khi George W. Bush nói rằng Chúa Jêsus là `triết gia chính trị’ được đánh giá cao nhất, ông đã bị người ta xem là một kẻ dại dột. Khi Joe Lieberman trưng dẫn Kinh Thánh và đòi chúng ta phải đưa đức tin vào trong cuộc tranh chấp về chính trị, người ta xem ông là một nhà tiên tri". Đâu là sự khác biệt? Nói chung, tôn giáo không làm mất lòng ai hết. Chúa Jêsus làm cho nhiều người phải khó chịu.
Phaolô nói với người Galati và tôi nói điều đó với quí vị. Chẳng có một tin lành nào khác cả. Chẳng có một tin tức tốt lành nào khác hết. Chúa Jêsus là con đường duy nhứt đến với ơn tha thứ, một mối thông công phải lẽ với Đức Chúa Trời và cõi đời đời trên thiên đàng. Nếu quí vị không nhất trí, quí vị không có vấn đề gì với tôi cả, quí vị đang có vấn đề với Lời của Đức Chúa Trời đấy.
B. Các giáo sư giả đã gây rắc rối cho các Hội thánh.
Phaolô nói "nhưng có mấy kẻ làm rối trí anh em". Từ ngữ "rối" ra từ một chữ Hy lạp có nghĩa là "lắc tới lắc lui, làm rung động, lắc mạnh". Chữ nầy có ý nói tới một tâm trí bị lay động hay bất ổn. Đôi lúc các bảng thực đơn làm cho tôi phải “rối”. Tôi không thể quyết định mình nên ăn món nầy hay món kia. Tôi cứ loay hoay mãi giữa những sự lựa chọn. Khi tiếp viên đến, tôi lại gọi món khác!
Chúng ta đã nghiên cứu tuần vừa qua về một nhóm giáo sư giả được nhận dạng là những tín đồ Do thái giáo, họ đang xâm nhập vào các Hội thánh của người thành Galati. Họ đã thêm vào ơn của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi. Họ nói quí vị phải tin theo Chúa Jêsus nhưng rồi phải chịu phép cắt bì và giữ luật của Cựu Ước.
Người Galati đang lay động. Họ cứ loay hoay giữa những gì Phaolô đã dạy cho họ biết về ân điển và mọi điều những tín đồ Do thái giáo giờ đây đang rao giảng cho họ. Họ đang chạy theo tà giáo trong sự nguy hiểm vì Phaolô đã nói họ đang ở trong quá trình của sự “ruồng bỏ”.
Đây là lý do tại sao không một ai muốn dạy dỗ ở trong Hội thánh của chúng ta. Chúng ta không làm đầy một địa vị với một thân thể ấm áp. Quí vị không thể đứng ở chỗ nầy một tháng rồi được phân công dạy dỗ trong tháng kế tiếp được. Chúng tôi muốn biết quí vị đã được Đức Thánh Linh ban ơn và lập nền trên đức tin hay chưa!?! Chúng ta không muốn người nào khác làm lay động dân sự của mình bằng sự dạy giả dối.
C. Các giáo sư giả muốn đánh đổ Tin lành.
Phaolô nói không những họ làm "rối" anh em, mà họ còn "muốn đánh đổ Tin lành của Đấng Christ” nữa. Từ ngữ "đánh đổ" là một từ rất mạnh. Nó có ý nói "vặn cong, làm biến dạng, bẻ cong". Từ nầy chứa ý niệm đánh đổ một vật gì đó xuống hoặc làm đảo ngược lại.
Những tín đồ Do thái giáo tự xưng mình là Cơ đốc nhân. Họ công nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi. Họ thừa nhận sự chết có tính cách hy sinh của Ngài. Họ xưng mình tin mọi điều mà các Cơ đốc nhân khác tin. Họ không chối bỏ tin lành, nhưng thêm vào Tin lành ấy những đòi hỏi, các nghi thức và luật lệ của Do thái giáo. Họ nói quí vị phải tin theo Chúa Jêsus nhưng rồi phải chịu phép cắt bì và tuân giữ luật pháp, truyền thống của Israel.
Thêm bất cứ điều chi vào tin lành là một sự xuyên tạc, bóp méo và người ta vẫn còn làm như thế hôm nay. Quí vị có thể tìm ra nhiều nhà thờ trong thành phố nầy đang dạy rằng quí vị phải tin theo Chúa Jêsus và rồi phải chịu phép báptêm hoặc quí vị sẽ không được cứu. Nhiều người khác sẽ dạy rằng quí vị phải tin theo Chúa Jêsus rồi tiếp nhận một phép báptêm phước hạnh thứ nhì bởi Đức Thánh Linh. Nhiều người khác nữa sẽ bảo quí vị phải tin theo Chúa Jêsus rồi làm ra những việc lành hay tin Chúa Jêsus rồi tham gia vào nhà thờ của họ. Đây luôn luôn là tà giáo xưa cũ rồi, đức tin nơi Chúa Jêsus thêm vào nhiều việc khác nữa.
Trong tuần lễ nầy, Giáo hội Vatican đã phát ra tập tài liệu 36 trang có đề tựa là Dominus Jesus có sự tán thành đầy đủ của Giáo Hoàng John Paul. Bản tài liệu nầy nói rằng trong khi Chúa Jêsus mở ra con đường cứu rỗi cho toàn thể nhân loại, sự đầy đủ ý nghĩa của ơn cứu rỗi chỉ được thấy có trong Giáo hội Công giáo. Theo tờ Religion Today, tài liệu của Vatican cũng công bố rằng các nhà thờ Cơ đốc khác đều có "những khuyết điểm" vì họ không công nhận uy quyền của Giáo Hoàng.
Tin lành của ân điển, ấy là con người được cứu bởi không tin vào sự thành tựu. Đức tin mà thêm vào bất cứ điều chi khác là một sự xuyên tạc, bóp méo tin lành và là sự phản bội về mặt thuộc linh.
III. SỰ HỦY DIỆT. Cảnh cáo tất cả các giáo sư giả (các câu 8-9).
A. Xác định sự cảnh cáo. Người ấy đáng bị anathem.
Lên tới điểm nầy, Phaolô đã nói với những kẻ nào đang đùa bỡn với việc tiếp nhận "một tin lành khác". Ông đang viết cho những tín đồ Galati nào đã rơi vào mối nguy hiểm của việc phản bội về mặt thuộc linh. Giờ đây ông xây ngòi viết của mình hướng vào các giáo sư giả nào gây "rối" cho họ và "đánh đổ" tin lành.
Hai lần, cả trong câu 8 và câu 9, Phaolô nói nếu có ai dạy bất kỳ tin lành nào khác "người ấy đáng bị anathem". Anathem và một từ ngữ rất nặng nề. Từ ngữ Hy lạp là anathema. Từ nầy được sử dụng trong Bản Kinh Thánh 70, bản Cựu Ước Hy lạp nói tới sự cấm đoán thiêng liêng, bất kỳ ai hay bất cứ điều chi bị định cho sự hủy diệt.
Một hình ảnh xa xưa về ý nghĩa của anathema được thấy có trong câu chuyện nói tới Acan trong Giôsuê 7. Đức Chúa Trời phán rằng tất cả các chiến lợi phẩm ở thành Giê-ri-cô đáng bị "rủa sả". Họ không được lấy một thứ gì sau khi thắng trận. Acan đã bất tuân và đem giấu các thứ chiến lợi phẩm trong trại của mình. Ông ta đã bị ném đá cho tới chết vì cớ tội lỗi ấy.
Khi Phaolô nói "Nhưng nếu có ai truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành chúng tôi đã truyền cho anh em, thì người ấy đáng bị a-na-them!" Ông đang thốt ra ao ước của ông, rằng một người thể ấy phải sa vào sự phán xét của Đức Chúa Trời, nghĩa là người đó đã bị định cho sự hủy diệt. Tư tưởng của Phaolô được đóng trong hai dấu ngoặc kép: "Nếu ngươi nào tìm cách vặn cong hay thêm bất cứ điều chi vào tin lành mà quí vị đã tin theo, người ấy đáng bị thiêu đốt ở trong địa ngục!"
II Têsalônica 1.8-9 chép: "…những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta. Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài".
Mong ước của Phaolô, ấy là người Galati sẽ xem trọng lời dạy của ông và chối bỏ các giáo sư giả. Nếu họ bị Đức Chúa Trời định phải hủy diệt, nếu họ bị "anathem", thì người Galati phải từ chối đừng có quan hệ chi với họ. Sứ đồ Giăng cảnh cáo: "Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà, và đừng chào hỏi họ. Vì người nào chào hỏi họ, tức là dự vào công việc ác của họ" (2 Giăng 10-11).
Tôi có nhiều bạn bè trong các Hội thánh khác nhau tại thành phố nầy và trên khắp thế giới. Tôi không nhất trí với họ trên từng vấn đề thuộc về giáo lý. Tôi đồng ý với họ rằng chúng ta được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời, rằng đức tin nơi sự chết có tính cách hy sinh, sự chôn và sự sống lại của Đấng Christ là phương thức duy nhứt để được cứu. Tôi đồng ý được cứu bởi ân điển mà không thêm một điều chi khác vào. Tôi có mối giao thông với những Cơ đốc nhân nào đang tin theo các giáo lý khác ở một số vấn đề, nhưng tôi không hề có mối tương giao với người nào đáng bị anathem hết!
John Piper viết: "Phaolô không có kẹo cho tin lành đâu. Ông không đưa ra những nụ cười ngọt ngào trong cuộc tranh cãi và nói: "Mỗi người tùy theo sức riêng mình". Đối với Phaolô Tin lành của Đấng Christ là điểm tại đó sự sống của Đức Chúa Trời chạm đến đời sống của kẻ dại dột tội lỗi đang sống trong thế gian nầy. Và khi sự cung ứng ân điển đời đời đó cho một tạo vật hoàn toàn bất xứng giống như chúng ta bị chối bỏ hay bị xuyên tạc, vặn cong hầu làm thoả mãn thái độ kiêu ngạo của chúng ta thì ở một chỗ nào đó, có ai đó sẽ nổi giận vì tính cách ghê gớm của tội ác. Ồ, chúng ta cần phải suy gẫm về sự kinh khiếp của việc chối bỏ tin lành là dường nào. Satan đang làm hết sức mình với vô tuyến truyền hình và radio để tạo trong chúng ta một tâm trí tầm thường, vô vị, nhỏ nhen, và trần tục đến nỗi chúng ta thấy mình không có khả năng cảm xúc lẽ thật đáng kinh khiếp là ngần nào trong từ ngữ anathema nầy. Ồ, chúng ta cần phải canh chừng mình trước đập chắn của bộ môn giải trí chối bỏ cõi đời đời kia. Chúng ta cần phải gieo ra một trí tưởng tượng trong sạch và giống như con trẻ, trí ấy lắng nghe một từ như anathema theo cách một đứa trẻ lắng nghe hồi sấm sét đầu tiên, hay cảm xúc trận động đất đầu tiên, hoặc chịu đựng cơn giông bão đầu tiên ngoài biển cả. Kinh Thánh không tỏ ra cho chúng ta thấy sự rủa sả đời đời của Đức Chúa Trời khi chúng ta vừa ngáp vừa lật đọc Kinh Thánh. Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra để làm cho những người vô tín phải ra khỏi tình trạng kỳ dị của họ và để cất bỏ thái độ kiêu căng ra khỏi sự ăn ở của Cơ đốc nhân và sự vênh váo ra khỏi giọng nói của họ. Đừng đọc lướt qua hai câu 8 và 9. Có sự hạ mình, điều độ, và nên thánh cần phải có ở đây. Hãy suy gẫm những điều nầy trong chỗ tĩnh mịch" (www.soundofgrace.com/piper83/020683.htm).
Câu nói nầy nhắc cho tôi nhớ tới một câu nói đời xưa: "Quí vị có mặt ở đó, khi họ đóng đinh Chúa của tôi trên thập tự giá không? Ồ, đôi khi sự việc ấy làm cho tôi phải run sợ, run rẩy và, run lắm…".
B. Phần ứng dụng chung của lời cảnh cáo. Các vị sứ đồ, những thiên sứ, bất kỳ ai.
Phaolô nói trong câu 9: "Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành anh em đã nhận, thì người ấy đáng bị a-na-them!"
Vị sứ đồ không thể thay đổi Tin lành. Ông nói: "Thậm chí nếu…". Giống như Phaolô đang nói: "Ngay cả tôi là người đem Tin lành đến cho anh em cũng chẳng có quyền làm thay đổi được Tin lành ấy. Tin lành ấy chẳng phải là tài sản của tôi mà là của Đức Chúa Trời. Dầu là thiên sứ cũng không thể thay đổi được Tin lành đó".
Chúng ta không cần tiếp nhận một sự vặn cong, bóp méo nào đối với sứ điệp cho dù sứ điệp ấy đến từ "thiên sứ trên trời". Phần nhiều người trong quí vị đều biết Joseph Smith, nhà sáng lập hệ phái Mormon đã nói rằng một thiên sứ tên là Moroni đã giúp cho ông ta khám phá và đọc được mấy tấm bảng làm bằng vàng mà chẳng thấy thắc mắc về “một tin lành khác” đối với mọi điều mà Phaolô đã rao giảng. Ngày nay một bức tượng Moroni được dựng đứng trên đền thờ của hệ phái Mormon ở thành phố Salt Lake. Thật là kinh khủng khi một sự bóp méo, vặn cong tin lành như thế có thể lớn lên, lớn lên khi Kinh Thánh cảnh cáo rõ ràng về mọi mối nguy hiểm của việc làm đó!
C. Sự lặp đi lặp lại lời cảnh cáo. Tôi lại nói nữa.
Trong câu 9, Phaolô nói: "Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành anh em đã nhận, thì người ấy đáng bị a-na-them!" Trong khi không một sứ đồ nào hay bất kỳ thiên sứ nào trên trời dám rao giảng "một tin lành nào khác" chắc chắn có những kẻ sẽ và vẫn còn làm thế.
Kinh Thánh thường nhắc lại các từ và mệnh đề chính để nhấn mạnh. Điều nầy khiến cho chúng ta phải chú ý cho thật kỹ càng. Nếu một sứ đồ, một thiên sứ vặn cong, hay bóp méo tin lành không cứ cách nào, nhân vật ấy sẽ bị "anathem", bị dành cho sự hủy diệt. Nhân vật đó sẽ bị hoả thiêu trong địa ngục. Nếu có ai xuyên tạc sứ điệp trong sáng nói tới ân điển lạ lùng của Đức Chúa Trời, Phaolô nói: “Nguyện Đức Chúa Trời giáng cơn thạnh nộ công bình của Ngài trên người đó”.
IV. SỰ QUYẾT ĐỊNH. Làm đẹp lòng Đức Chúa Trời là điều ưu tiên một (câu 10).
Phaolô nói trong câu 10: "Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ".
Eugene Peterson đã viết: "Có phải quí vị nghĩ tôi nói mạnh vấn đề nầy để lôi kéo đám đông sao? Hay nịnh bợ để được đẹp lòng Đức Chúa Trời? Hoặc để nhận được sự tán thưởng sao? Nếu mục tiêu của tôi là được lòng người, tôi sẽ không màng tới việc trở thành tôi tớ của Đấng Christ đâu". Nếu quí vị đang ra sức lấy lòng bạn bè và ảnh hưởng trên người khác, quí vị không phải đi lòng vòng nói rằng các vị giáo sư của họ chỉ có thể đi tới địa ngục mà thôi. Ưu tiên một của Phaolô không phải là làm đẹp lòng người ta, mà là làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Cách đây nhiều năm, khi tôi gánh vác chức vụ trọn thời gian của mình lần đầu tiên, vị cố vấn trước đây của tôi là James Kirkland đã mời tôi đến giảng một loạt nhiều buổi thờ phượng trong Hội thánh của ông. Tôi đâm hoảng ngay. Làm sao tôi có thể rao giảng trước mặt ông và một hội chúng thường được rao giảng theo kiểu chú giải cơ chứ!?! Khi tôi đứng giảng ở buổi thờ phượng đầu tiên, Jim đến ngồi ngay hàng ghế đầu. Tôi cứ nhìn thẳng vào ông khi tôi bắt đầu phần giới thiệu và ông đã gật gù với sự tán thưởng. Thỉnh thoảng tôi nhìn về phía cử toạ, ông là mục tiêu chính khi tôi chuyển qua các tiêu đề chính. Ông mĩm cười và thỉnh thoảng thốt ra "amen" thật nhẹ nhàng. Đến phần kết thúc, tôi thấy thật vững lòng và đầy yên ủi. Đối với tôi, người nào tiếp tục ngủ gà ngủ gật hay bỏ ra về thì không thành vấn đề. Nếu vị cố vấn của tôi ban ra cho tôi sự tán thưởng của ông, tôi biết mình đã làm tròn phận sự rồi.
Mong ước của Phaolô là cứ phải giữ mắt nhìn chăm vào Chúa Jêsus. Ông nói trong II Côrinhtô 5.9: "Cho nên chúng ta dầu ở trong thân thể nầy, dầu ra khỏi, cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa". Hêbơrơ 12.2 buộc chúng ta phải "nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin…".
Khi tôi còn là Mục sư chuyên trách thanh niên, nhóm thanh niên của tôi tham gia vào trò chơi chiến tranh có tên là "Flashlight Wars". Ngày nay, nhóm thanh niên của chúng tôi đang chơi paintball. Chúng tôi thường trao cho ai đó đèn pin rồi đi ra ngoài vào ban đêm. Chúng tôi chia thành hai nhóm và nhận lấy hai lá cờ. Quí vị bị thua trò chơi nếu có ai đó chiếu đèn pin vào mặt mình và gọi đích danh quí vị. Có hai chiến thuật. Một là phải canh chừng ngọn cờ của mình rồi tìm cách bấm đèn vào mặt địch thủ khi họ tấn công. Chiến thuật kia là phải tấn công vào vị trí ngọn cờ phe nghịch bằng sức mạnh và hy vọng rằng ai đó sống sót để cướp lấy ngọn cờ của đội kia.
Là những người tin Chúa, chúng ta thường được kêu gọi để giữ lấy đồn lũy, để chiến đấu cho quyền lợi của những người chưa được tái sanh, để làm sạch những con đường khiêu dâm, để giữ sự tự do tôn giáo trong các trường công lập của chúng ta. Tuy nhiên, có những lúc chúng ta phải tấn kích, chúng ta phải đoạt cho kỳ được lá cờ. Khi có sự phản bội về mặt thuộc linh, khi tin lành bị ruồng bỏ và bị bóp méo, vặn cong; giống như Phaolô chúng ta phải tấn công. Nếu có ai rao giảng bất kỳ một tin lành nào khác, nguyện người ấy sẽ bị anathem.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét