Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 1.1-5: Tự do vào lúc sau cùng!



Tự do thực – Sách Galati
Tự do vào lúc sau cùng!
Galati 1.1-5
Chẳng ai hiểu thấu sự tự do cho bằng người nô lệ. Henry Bibb là một nô lệ ở một đồn điền tại Kentucky nằm sát dòng sông Ohio. Đối với ông, dòng sông là một hố sâu phân cách khó có thể vượt qua. Ông viết: “Tôi không có một cây gậy nào để dùng đập xuống dòng sông cả, để nhờ đó mà làm phân rẽ nước được. Tôi cũng không có một Môise nào để đi trước mặt tôi rồi dẫn tôi bước vào con đường từ nô lệ đến một vùng đất hứa. Tuy nhiên, tôi đã ở trong một tình trạng còn tệ hại hơn là nô lệ ở Ai cập nữa; vì họ có nhà cửa và đất đai, còn tôi thì chẳng có chi hết; họ có bầy bò và bầy chiên, tôi chẳng có bầy nào hết; họ có đấng tiên kiến khôn ngoan để nói cho họ biết phải làm gì, và phải đi đâu, thậm chí cùng đi với họ nữa, còn tôi chẳng có ai hết. Có khi đứng bên dốc bờ sông Ohio, nhìn qua một vùng đất tự do, mắt tôi có thể nhìn thấy xa xa ở phía Bắc, tôi đã liếc nhìn lên bầu trời xanh lơ tự do ở phương Bắc, có nhiều lúc cái nhìn ấy buộc tôi phải gào thét từ sâu thẳm linh hồn tôi… Ôi, chớ chi tôi có đôi cánh của chim bò câu, để tôi bay tới chỗ không còn có tình trạng nô lệ, không còn có tiếng lách cách của xiềng xích, không có cảnh phu tù, không còn cảnh rách lưng, không còn cảnh chia lìa chồng vợ, và ở đó con người thôi không còn là tài sản của kẻ đồng loại mình. Các tư tưởng nầy đã thoắt hiện trong tâm trí tôi cả ngàn lần. Tôi đã đứng trên bờ cao ngất của sông Ohio, liếc nhìn những chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước… và tôi nghĩ tới các loài cá của con sông, bầy chim trên khoảng không, bầy dã thú ở trong rừng, hết thảy đều sống trong tự do, muốn đi đâu tùy ý, và tôi là một gã nô lệ bất hạnh!" Những người nô lệ đã cất tiếng hát thật tình cảm khi kiếm được sự tự do trong tình trạng thuộc linh của họ qua các bài hát: "Nhất định tôi phải đến Đất Hứa", "Tôi biết tôi đang đi về quê hương", và "Chúa nhớ đến tôi".
Tình trạng nô lệ là con "rắn cuộn mình nằm dưới bàn họp của quốc hội". Vì các tổ phụ sáng lập nước đã thất bại không xử lý với sự rủa sả chết chóc vào thập niên 1770, con cháu của họ đã đổ huyết ra trên hàng trăm bãi chiến trường hầu cất bỏ vết uế của nó trong thập niên 1860. Vào ngày 22 tháng 9 năm 1862, Tổng Thống Abraham Lincoln đã tuyên bố tất cả các nô lệ đều được tự do trong Bản Tuyên Ngôn Giải Phóng nổi tiếng của ông (The Emancipation Proclamation). Bản tuyên ngôn nầy mong mỏi qua việc giải phóng các nô lệ, họ sẽ rời khỏi các đồn điền và trợ giúp cho phương Bắc. Chương trình đã không được thực thi như ý muốn. Không ai có ý kiến gì, phải làm gì với hạng nô lệ một khi họ được tự do. Khi chiến tranh qua đi rồi, đa số trong vòng họ phải rơi vào cảnh sống nghèo khổ giống như những người chuyên sống bằng nghề xâm canh vậy. Vào năm 1876, Fredrick Douglas đã viết: "Quí vị nói quí vị giải phóng chúng tôi. Quí vị đã làm điều đó; và tôi cảm ơn quí vị về điều đó. Nhưng giải phóng là gì chứ? Khi dân Israel được giải phóng, họ được truyền cho phải ra đi và hỏi mượn của người lân cận họ – mượn tiền bạc, mượn nữ trang, chất đầy trên lưng họ với các phương tiện để sống còn; sau đó, họ còn được tự do đi vào xứ mà Giêhôva Đức Chúa Trời đã ban cho họ… Thế nhưng khi quí vị đẩy chúng tôi ra chỗ thoải mái hơn một chút, quí vị chẳng cho chúng tôi mẫu đất nào cả. Quí vị cho chúng tôi thoải mái với bầu trời, với giông bão, với gió lốc và tệ hơn hết, quí vị cho chúng tôi thoải mái trước cơn thạnh nộ của những ông chủ của chúng tôi, họ đang tức điên lên kia kìa". Họ bị đổi từ loại nô lệ nầy sang một loại nô lệ khác.
Mặc dù đã thắng cuộc chiến. Thậm chí các nô lệ đã được phóng thích ra khỏi xiềng xích của họ, cuộc tranh chiến chưa hết đâu. Martin Luther King, Jr. vị lãnh tụ nhân quyền đã phát ra một bài giảng có tính cách tiên tri ở khu phố buôn bán lớn ở Washington D.C. vào năm 1963. Lời lẽ của ông như có acid khắc ghi trong trí nhớ của chúng tôi cũng y như trên tấm mộ bia của ông vậy. Ông đã nói ra lời lẽ của một lời thuộc linh xưa: "Tự do vào lúc sau cùng, tự do vào lúc sau cùng! Cảm tạ Đức Chúa Trời Toàn Năng, tôi đã được tự do vào lúc sau cùng”.
Chúng ta không có mặt ở đây để tiếp thu một bài sử học, mà là để đào sâu quyển sách quan trọng của Tân Ước, đó là sách Galati. Lẽ đạo của loạt bài nghiên cứu trong 18-20 tuần lễ nầy là tự do, tự do ở ngoài luật pháp, tự do ở ngoài tội lỗi. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 8.36: "Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do". Là tín đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta được tự do vào lúc sau cùng và là tự do thực!
Sách Galati được gọi là “Hiến Chương Tự Do Thuộc Linh” (The Magna Carta of Spiritual Liberty), "Tiếng kêu từ bãi chiến trường của công cuộc cải chánh" và "Tuyên Ngôn Độc Lập của Cơ đốc nhân". Martin Luther, nhân vật cải chánh người Đức (ông còn được gọi là nhà lãnh đạo về nhân quyền) đã viết: "Thư tín Galati là bức thư của tôi. Tôi gắn bó với thư tín ấy, cũng như nó đã ở trong tình trạng kết hôn với tôi vậy. Sách Galati là Katherine [tên của vợ ông] của tôi".
Sách Galati là động lực thuộc linh. Đó là một câu nói đầy quyền lực mô tả các lẽ thật trọng tâm của Cơ đốc giáo. Có người nói: "Quí vị không thể đọc sách Galati rồi cứ nghĩ: ‘Được thôi, đây là một mảng rất thú vị trong sự suy gẫm về tôn giáo’ – còn hơn là quí vị có thể xem xét một hòn than sống với hai bàn tay trơ trụi của mình".
Chúng ta sẽ bắt đầu phần nghiên cứu mới mẻ nầy bằng cách xem xét bộ khung – lai lịch tiểu sử của quyển sách và tái khẳng định trong lòng mình hai nền tảng sự tự do thuộc linh của chúng ta.
I. Đặt bộ khung cho quyền tự do của chúng ta.
A. Tác giả – Sách nầy do ai viết!?!
Khi tôi nhận một lá thư, trước tiên là tôi nhìn vào địa chỉ người gửi. Tôi muốn biết bức thư nầy do ai gửi đến. Nếu không có địa chỉ nơi gửi đến, tôi mở bức thư ra rồi nhìn nhanh vào cuối thư để xem coi ai viết ra nó. Trong kỷ nguyên Tân Ước, thư tín luôn luôn có tên tác giả trước hết để quí vị không phải mở cả cuộn giấy ra để truy tìm xem ai đã viết ra cuộn giấy đó. Ở đây chúng ta thấy tác giả là "Phaolô".
Chúng ta biết từ sách Công Vụ các Sứ Đồ rằng Phaolô từng được gọi là Saulơ. Ông đã được nuôi dạy trong một gia đình Do thái rất nghiêm ngặt và đã thấm sâu vào hình thái truyền khẩu của người Do thái. Ông đã được ăn học trong ngôi trường "đại học nổi tiếng" của Gammaliên. Có lẽ ông là chi thể trong giai cấp thống trị của Israel, Toà Công Luận. Ông là một người Pharisi rất sốt sắng.
Ông dấy lên trong sự tôn trọng giữa vòng những người đồng thời với mình lo bắt bớ rất nghiệt ngã Hội thánh đầu tiên. Công Vụ các Sứ Đồ 7.58 chép ông đã đứng bên cạnh người tuận đạo đầu tiên, Êtiên đã bị ném đá chết. Những người chứng kiến "lấy áo xống mình để nơi chơn một người trẻ tuổi kia tên là Sau-lơ". Công Vụ các Sứ Đồ 8.3 chép: "Nhưng Sau-lơ làm tàn hại Hội thánh: sấn vào các nhà, dùng sức mạnh bắt đờn ông đờn bà mà bỏ tù".
Công Vụ các Sứ Đồ 9 tìm gặp Saulơ đang trên đường đi lên thành Đa-mách "chỉ hằng ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa không thôi" (câu 1). Trên đường, một tia sáng chói lọi chiếu xuống từ trời và ông nghe tiếng nói của Chúa Jêsus. Bởi tia sáng ấy, Saulơ đã bị mù và gọi Chúa Jêsus là "Chúa". Ông đi lên thành Đa-mách và đã được một môn đồ có tên là Anania tiếp đón. Chúa phán về Saulơ với Anania: “Hãy đi, vì ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên; ta lại sẽ tỏ ra cho người biết phải chịu đau đớn vì danh ta là bao nả" (các câu 15-16). Saulơ về sau đã trở thành Phaolô. Kẻ bắt bớ đã trở thành người chịu bắt bớ. Ông đã liên tục ít nhất tham dự ba chuyến hành trình truyền giáo đem nhiều người trở lại đạo và thiết lập nhiều Hội thánh. Bởi sự cảm thúc của Đức Thánh Linh, Phaolô đã viết ra 13 sách trong Tân Ước.
B. Người nhận – Ai là người nhận!?!
Việc thứ hai tôi muốn biết khi tôi tiếp nhận một bức thư là thư nầy được viết cho ai!?! Bất cứ một lá thư nào viết cho "người nhận" đều nhập vào "Hồ sơ số 13". Nếu họ không biết tên tôi, hay không thể đề tên tôi, tôi không đọc thư ấy đâu.
Câu 2 của phân đoạn Kinh Thánh gốc cho chúng ta biết thư tín nầy đã được viết cho "các Hội thánh của xứ Galati". Đây không phải là bức thư gửi cho một nhân vật hoặc thậm chí một Hội thánh đặc biệt, mà viết cho các Hội thánh thuộc khu vực xứ "Galati". Mặc dù còn có nhiều hơn thế nữa, Công Vụ các Sứ Đồ 13-14 ghi lại thể nào Phaolô và Banaba trên chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên thiết lập nhiều Hội thánh ở Antiốt Bisiđi, Ycôni, Lít-trơ và Đẹt-bi ở giữa sự bắt bớ lớn lao từ người Do thái.
C. Niên đại – Bức thư đã được viết ra vào lúc nào!?!
Tôi cũng muốn biết bức thư gửi cho tôi đã được viết ra và gửi đi từ lúc nào. Thư tín Tân Ước nầy có lẽ đã được viết ra vào khoảng giữa các năm 48-50SC, khoảng 15 năm sau khi Chúa Jêsus chịu chết, chịu chôn và sống lại.
D. Mục đích – Thư tín viết về cái gì!?!
Khi tôi mở lá thư ra, tôi muốn biết lý do tại sao tôi đã nhận lấy nó. Tôi đang nhận lá thư riêng với lòng trông đợi bạn bè hay những lời khích lệ tôi. Tôi đang nhận lãnh một lá thư nói cho tôi biết tôi mắc nợ tiền bạc. Tôi đang nhận một lá thư yêu cầu tôi dâng hiến tiền bạc vì nhiều lý do khác nhau. Tôi luôn luôn muốn biết mục đích của bức thư là gì!?!
Mục đích của Phaolô khi viết ra thư tín Galati là tỏ ra cho họ biết sự tự do của họ trong Đấng Christ. Có lẽ giáo lý của toàn bộ thư tín nầy đã được tóm tắt hay nhứt trong 5.1: "Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa".
Sau khi Phaolô thiết lập các Hội thánh mới nầy và chỉ định những trưởng lão lãnh đạo họ, sự dạy giả dối đã ăn luồng vào bên trong. Người Do thái đã bắt bớ Phaolô đang khi ông thi hành chức vụ trong khu vực, họ đã xâm nhập vào các Hội thánh. Họ được gọi là những người theo Do thái giáo. Họ đã dạy dân sự rằng muốn thực sự được cứu họ cũng phải chịu phép cắt bì nữa. Để duy trì ơn cứu rỗi, họ phải giữ luật lệ của Cựu Ước. Đây đúng là dị giáo!
Kinh nghiệm của tôi, ấy là các Hội thánh mới thường lôi cuốn dân sự với các chương trình đã được sắp xếp hẳn hoi. Họ có thời gian chịu khó gây ảnh hưởng các Hội thánh mới vừa được thiết lập vì có nhiều cấp lãnh đạo và sự trưởng thành của họ. Trong một Hội thánh mới, dầu một người hay một nhóm nhỏ dân sự, họ thường nắm lấy quyền hành ở nơi có nhiều tín đồ mới và chưa trưởng thành.
Những kẻ Do thái giáo nầy đang nói rằng Phaolô chưa thực sự là một sứ đồ và sứ điệp của ông là "ân huệ rẻ tiền" hay "hình thức tin đạo dễ dàng quá". Họ nói một người đã được cứu bởi đức tin phải thực hiện thêm các nghi thức, luật lệ và việc lành. Phaolô viết thơ Galati nói rằng ơn cứu rỗi là bởi ân điển nhờ đức tin MÀ CHẲNG PHẢI THÊM VÀO MỘT ĐIỀU CHI KHÁC… không cắt bì, không báp-têm, không địa vị thuộc viên, không việc lành, không tương giao, không tuân giữ luật pháp.
Lẽ đạo của thơ Galati không phải là đổi từ một hình thức nô lệ nầy sang một hình thức khác. Sau cuộc nội chiến giai cấp nô lệ đã được buông tha để sống nô dịch nghèo rớt mồng tơi. Chủ nghĩa Cộng sản hứa hẹn sự tự do không còn bị lấn lướt bóc lột bởi người giàu, thế nhưng nó đã đem lại tình trạng nô dịch kinh tế còn tệ hại hơn.
Con người sẽ chuyển từ hình thái nô dịch nầy sang một hình thái nô dịch khác. Một thanh niên tìm kiếm sự tự do trong việc tiệc tùng với bạn bè. Thế rồi rượu chè, ma túy và hoạt động tình dục chỉ là sự tự do nhất thời, chúng trói buộc anh ta trong xiềng xích mà anh ta không thể phá vỡ nổi. Một người trung niên thấy mình chán nản và ao ước được tự do như lứa tuổi thanh niên. Ông ta tìm kiếm sự thoả mãn trong một mối quan hệ tà dâm. Không bao lâu sau đó, ông ta đã đổi từ một hình thái nô lệ nầy để lấy một hình thái nhiều đau khổ hơn trước. Có người cảm thấy bị trói buộc bởi các truyền thống của Hội thánh họ rồi họ tìm kiếm sự tự do trong một kiểu cách say sưa, ngây ngất của Hội thánh mới xuống đường phố hoặc những lời hứa trống rỗng của nhà truyền đạo trên TV hay tệ hại hơn những lời dối trá của một hệ thống thờ lạy hình tượng. Trước đó khá lâu, người nầy đã thôi không suy nghĩ tới bản thân mình và cứ bám lấy từng lời lẽ của vị lãnh đạo mới của mình. Đấy là tình trạng nô lệ.
Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 8.36: "Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do". Đó là mục đích. Chúng ta không cần phải thay đổi từ một hình thái nô lệ nầy để lấy một hình thái khác, mà phải học biết mình đã được "tự do thật" trong sự tự do của Chúa.
II. Thiết lập các nền tảng của sự tự do.
Năm câu đầu tiên nầy là một lời chào thăm hay là lời giới thiệu. Phaolô không bắt đầu bằng cách ngợi khen họ như ông ngợi khen trong các thư tín khác của Tân Ước, mà ông nhắm thẳng vào vấn đề ngay. Có hai nền tảng chính ở đây.
A. Phaolô vốn có uy quyền của sứ đồ (các câu 1-2).
Thứ nhứt, Phaolô là một sứ đồ. Ông mô tả bản thân ông là: "Phaolô, làm sứ đồ". Từ ngữ nầy có ý nói "một người được sai phái". Một sứ đồ ra đi trong thẩm quyền và danh xưng của Chủ mình. Mặc dù từ ngữ "sứ đồ" đôi khi đã được sử dụng theo một ý nghĩa chung chung, chủ yếu nó đề cập tới một nhóm người được chọn đã được ủy thác bởi Chúa Jêsus để đặt nền tảng cho Hội thánh. Êphêsô 2.20 chép Hội thánh đã "được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà". Một sứ đồ là người đã nhìn thấy Đấng Christ phục sinh, đã được Ngài dạy dỗ và ủy thác. Chẳng có một người kế tục nào trong các vị sứ đồ, lời lẽ cảm thúc của họ cũng vậy.
Ông thắc mắc trong I Côrinhtô 9.1: "Tôi chẳng được tự do sao? Tôi chẳng phải là sứ đồ sao? Tôi há chẳng từng thấy Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta sao? Anh em há chẳng phải là công việc tôi trong Chúa sao?" Ông làm chứng trong I Côrinhtô 15.8-9: "Rồi lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy. Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Đức Chúa Trời". Ông nói trong Galati 2.8: "vì Đấng đã cảm động trong Phi-e-rơ để sai người làm sứ đồ cho những kẻ chịu cắt bì, cũng cảm động trong tôi để sai tôi làm sứ đồ cho dân ngoại".
Thứ hai, thẩm quyền của Phaolô không đến từ loài người hay qua con người. Quí vị có để ý trên các bản tin của đài phát thanh địa phương chúng ta trước khi nhân viên chuyên về thời tiết đưa ra tường trình về thời tiết, người luôn luôn được giới thiệu như đang có dấu ấn nhất trí từ Hội Khí Tượng Học Mỹ vậy không? Tại sao họ lại nhất trí như thế chứ? Họ muốn chúng ta phải nhìn biết rằng các anh chàng thời tiết nầy đều có bằng cấp, được chấp thuận, và có thẩm quyền. Họ muốn chúng ta phải nghe theo và tin vào sự họ tiên đoán.
Phaolô trình bày ngắn gọn địa vị sứ đồ của ông "chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào". Ông không trở thành một sứ đồ bởi sự chứng thực của một số Hội thánh hay qua việc đặt tay của một số hội chúng. Các giáo sư giả trong xứ Galati nói ở đó: "Phaolô nầy là ai? Hắn ta là một sứ đồ tự phong. Đừng tin hắn". Chiến lược của họ là nếu người ta nghi ngờ thẩm quyền của Phaolô, họ sẽ nghi ngờ sứ điệp của ông và dễ dàng chao đảo. Phaolô viết lời biện hộ nầy không phải để tự biện hộ mà là biện hộ cho sứ điệp ông đã công bố ra. Tin Lành đang bị đe doạ.
Thứ ba, thẩm quyền của Phaolô đã đến qua Đức Chúa Jêsus Christ và Đức Chúa Cha. Phaolô là một sứ đồ bởi sự chỉ định thiêng liêng. Ông là "cái bình được chọn" của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus đã hiện ra cùng ông trên con đường đi đến thành Đa-mách. Chúa Jêsus đã dạy dỗ và đã uỷ thác sứ mệnh cho ông. Hãy chú ý các câu 16-17. Phaolô đã "lập tức chẳng bàn với thịt và máu" ông cũng không "lên thành Jerusalem" để tiếp thu ý kiến của các vị sứ đồ khác. Thẩm quyền của ông đã đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời.
Thứ tư, thẩm quyền của Phaolô đã được anh em của ông công nhận. Khi ông gửi lời chào thăm, ông nhắc cho người thành Galati nhớ đến "hết thảy anh em ở với tôi". Phaolô không nhận lãnh thẩm quyền từ "anh em" mình, mà họ đã công nhận hay đã khẳng định địa vị sứ đồ của ông.
Quí vị nói: "Thưa Mục sư, tôi biết Phaolô là một sứ đồ? Vậy sao điều nầy có gì quan trọng chứ?" Thẩm quyền sứ đồ của Phaolô là một "nan đề lớn" vì lắng nghe một vị sứ đồ là lắng nghe Chúa Jêsus. Chúa Jêsus đã phán về 12 sứ đồ nguyên thủy trong Mathiơ 10.40: "Ai rước các ngươi, tức là rước ta; ai rước ta, tức là rước Đấng đã sai ta". Lắng nghe Phaolô là lắng nghe Đấng Christ. Ông không viết với thẩm quyền của riêng mình mà với uy quyền của thiên đàng! Khi quí vị đọc sách Galati, quí vị đang đọc Lời của Chúa!
Các nhà thần học tự do nói rằng kinh nghiệm của họ cũng chắc chắn như kinh nghiệm của Phaolô, vì lẽ đó ý kiến của họ cũng mang một gánh nặng giống như ý kiến của Phaolô vậy. Vì thế, họ tự do bất đồng với Kinh Thánh. Giáo lý Công giáo La mã cho rằng Giáo hội của họ đã viết ra Kinh Thánh, vì lẽ ấy Giáo hội có thẩm quyền lớn hơn Kinh Thánh và có thể thêm sự khải thị vào đó. Phaolô không phải là sứ đồ của Hội thánh mà là sứ đồ của Chúa!
Ngày nay, có nhiều người kêu la với Đức Chúa Trời về một số mặc khải. Họ muốn một kinh nghiệm, một chiêm bao, một sự hiện thấy hay một thứ tiếng lạ thật mạnh mẽ. Thế mà họ chẳng thực hiện một nổ lực nào để hiểu chính lời lẽ của Chúa đã được tỏ ra rồi trong quyền Kinh Thánh của họ!
Có ít sự đầu phục đối với Lời của Đức Chúa Trời qua các vị sứ đồ của Ngài trong hầu hết các Hội thánh ngày nay. Người ta đến với quí Mục sư hay tiên kiến xin giúp đỡ để tìm biết lẽ thật trong Kinh Thánh. Nhiều người giữ chặt lấy sự không thể sai lầm của Kinh Thánh, nhưng lại thất bại không áp dụng Kinh Thánh vào đời sống của họ. Nhiều nhà truyền đạo nói Kinh Thánh rất có uy quyền nhưng không bao giờ áp dụng lẽ thật của Kinh Thánh mà chỉ đưa ra những điều khái quát mơ hồ, không rõ ràng.
Khi các Hội thánh thất bại không tìm cách nhận biết và áp dụng Kinh Thánh, họ đã bị bắt làm nô lệ cho mọi truyền thống của họ. Phấn hưng chân chính và sự đổi mới không thể giống nhau được. Tín điều của nhà cải chánh là sola scriptura, "chỉ có Kinh Thánh thôi". Tất cả những cuộc phấn hưng quan trọng trong lịch sử đã đến khi Cơ đốc nhân bắt đầu vật vã với các phân đoạn Kinh Thánh và áp dụng các nguyên tắc đặc biệt vào cách ăn ở của họ.
Trong Hội thánh nầy, chúng ta nắm chặt lấy uy quyền của Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta dạy dỗ Kinh Thánh cách cẩn trọng, trong lớp học và từ toà giảng. Thẩm quyền hiện không còn nằm trong thắc mắc nữa, mà chính là phần áp dụng đấy thôi. Chúng ta có thể gật đầu tôn kính đối với Ngôi Lời mà không sống theo nó. Chính vì vậy, khi có những tín đồ cá biệt, dân sự ngồi trong các hàng ghế bắt đầu học hỏi, ăn vào bụng, phân tích, xác định, và suy gẫm Ngôi Lời cho tới khi thay đổi thực sự xảy đến. Khi chúng ta làm theo điều đó, chúng ta đổi tư tưởng của mình để lấy tư tưởng của Ngài và kiếm được tâm trí của Đấng Christ!
B. Phaolô đã giảng về ân điển của Đức Chúa Trời (các câu 3-5).
Nếu từ ngữ chính đầu tiên là "sứ đồ", thì từ ngữ thứ hai phải là "ân điển". "Sứ đồ" là địa vị của Phaolô, còn "ân điển" là sứ điệp của ông.
Thứ nhứt, Chúa Jêsus đã phó chính mình Ngài trong ân điển để ban bình an cho chúng ta. Phaolô mở đầu từng thư tín của mình trong Tân Ước với các lời chào thăm "ân điển" và "bình an". Đây là lời chào thăm Cơ đốc có tính phân biệt xuất phát từ trong cả xã hội dân Ngoại và người Do thái. Tuy nhiên, lời chào nầy còn hơn một sự phát biểu khá kỳ quặc nữa.
"Ân điển" là NGUỒN của ơn cứu rỗi chúng ta. Êphêsô 2.8 chép: "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu…". Chúng ta chẳng có một phương cách nào khác để kiếm hay đáng nhận được sự ưu ái của Đức Chúa Trời. "Bình an" là KẾT QUẢ của ơn cứu rỗi chúng ta. Vì cớ ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta giờ đây có cả hai: "hoà thuận với Đức Chúa Trời" (Rôma 5.1) và sự "bình an của Đức Chúa Trời" (Philíp 4.6-7). Sự bình an thật là kỳ diệu, nhưng nó tuôn chảy ra từ ân điển của Đức Chúa Trời.
Thật là thú vị khi Phaolô bắt đầu tư tưởng mình với "Nguyền xin anh em được ân điển…" và kết thúc trong câu 5 với "vinh hiển" cho Đức Chúa Cha. Đấy là trái tim và linh hồn của của Tin lành. Nó mang ân điển đến cho con người và sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời!
Thứ hai, Chúa Jêsus giàu ơn phó chính mình Ngài vì cớ tội lỗi của chúng ta. Ân điển cho loài người và vinh hiển cho Đức Chúa Trời khả thi như thế nào? Sở dĩ nó khả thi chỉ vì "Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta là Đấng đã phó mình vì tội lỗi chúng ta". Phaolô cảnh cáo để nhắc nhớ những người Galati nầy, họ đang xây qua một đời sống nhắm vào luật lệ và nghi thức là khả thi để được cứu không nhắm vào sự chết có tính cách hy sinh của Chúa Jêsus nữa. Không một ai được cứu bởi khả năng riêng của mình hòng thắng hơn tội lỗi, trừ phi bởi lời hứa của Đức Chúa Trời Ngài tha tội qua sự chết của Chúa Jêsus trên thập tự giá.
Charles Spurgeon và Joseph Parker cả hai đều làm chủ tọa nhiều Hội thánh lớn ở Luân đôn vào cuối thế kỷ thứ 19. Parker từng đưa ra một lời phê bình tiêu cực về tình trạng trẻ em ở viện mồ côi của Hội thánh mà Spurgeon đang làm chủ toạ. Có người học lại cho Spurgeon biết Parker đã chỉ trích chính viện mồ côi. Tuần sau ông dập Parker ngay tại bục giảng. Cuộc tấn công đã được đăng trên các tờ báo rồi trở thành cuộc trò chuyện của cả thành phố. Người nào đến nhóm ở nhà thờ của Parker ngày Chúa nhựt sau đó đều nghe lời tự sự của ông: "Tôi hiểu đây là ngày Chúa nhựt nhà thờ của Spurgeon thực hiện một của dâng cho viện mồ côi. Tôi đề nghị chúng ta nên có một của dâng yêu thương ở đây nữa". Đám đông lấy làm thích thú. Nhân sự tiếp tân đã đổ những đĩa tiền dâng ra tới 3 lần. Sau tuần đó đã có một cái chạm vào phần tiếp thu của Parker. Đó là Spurgeon. Ông nói: "Parker ơi, ông đã làm ơn cho tôi. Ông đã cho tôi không phải cái tôi đáng được, ông đã cho tôi cái mà tôi có cần". Chúa Jêsus không ban cho chúng ta điều chúng ta đáng được mà ban cho chúng ta những gì chúng ta có cần!
Thứ ba, Chúa Jêsus giàu ơn phó chính mình Ngài để giải cứu chúng ta. Phaolô nói rằng Chúa Jêsus đã chịu chết không những để tha tội cho chúng ta mà Ngài còn “cứu chúng ta ra khỏi đời ác nầy" nữa. Từ ngữ "cứu" có nghĩa là "kéo giật ra hay giải cứu". Từ nầy thường mô tả sự giải cứu Israel ra khỏi Ai cập, sự giải cứu bởi thiên sứ đưa Phierơ ra khỏi tù và sự giải cứu Phaolô ra khỏi đoàn dân đông ở tại thành Jerusalem. "Đời ác nầy" không ám chỉ đến khoảng thời gian mà là ám chỉ đến hệ thống thế gian của Satan sẽ thống trị cho tới chừng Chúa Jêsus tái lâm.
Một số người trong chúng ta ghi nhớ những chuyện đời xưa chiếu trên TV và trong điện ảnh, trong đó kẻ hung ác không có lòng thương xót cột chặt "cô gái đau khổ" vào đường ray xe lửa. Cô gái không thể tự cứu lấy mình được và nàng đã kêu la khủng khiếp lắm. Hy vọng duy nhứt của nàng là được một người hùng đến giải cứu. Chúng ta đã từng bị trói buộc bởi thế gian nầy. Satan đã cột chúng ta vào những đường ray của sự hủy diệt. Hy vọng duy nhứt của chúng ta đặt vào Chúa Jêsus, vị anh hùng của chúng ta.
Giờ đây chúng ta đã được cứu, Đức Chúa Trời không dời chúng ta ra khỏi "đời ác nầy" cho tới chừng chúng ta ngã chết hay được cất lên, mà Ngài đã giải cứu chúng ta ra khỏi quyền lực của nó rồi. Chúng ta đang ở TRONG thế gian nhưng không THUỘC VỀ thế gian. Cái nắm bắt duy nhứt Satan đang có trên người tin Chúa chính là những gì chúng ta dành cho hắn. Chúa Jêsus đã cầu thay cho chúng ta trong Giăng 17.15: "Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác".
Nếu quí vị nhận biết Chúa Jêsus, sự giải cứu ấy không còn là điều phải ao ước mà là điều đã xảy ra rồi. Tôi thích Côlôse 1.13, câu nầy chép như sau: "Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài". Không phải Ngài sẽ mà Ngài đã! Êphêsô 5.8 tương tự nói: "Vả, lúc trước anh em đang còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa". Hãy chú ý chúng ta đã ở trong sự tối tăm, nhưng bây giờ chúng ta đang ở trong chỗ sáng láng!
Vì chúng ta đã được "giải cứu ra khỏi đời ác nầy" chúng ta không còn là nô lệ cho nó nữa. Chúng ta không phải sống trong sự ích kỷ, tội lỗi, cay đắng, tham lam và kiêu ngạo nữa. Hêbơrơ 6.5 chép chúng ta đã "nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau".
Sự giải cứu có ý nói chúng ta đã được thay đổi. Tôi là một "người mới" ở trong Đấng Christ! (II Côrinhtô 5.17). Vì cớ chúng ta đã được thay đổi, chúng ta không còn làm nô lệ cho thế gian. Vì lẽ đó chúng ta không còn lấy thế gian làm sự thoả mãn nữa. Với hai hàng nước mắt, Phaolô đã viết trong II Timôthê 4.10 về Đêma, là người đã "lìa bỏ ta rồi, tại người ham hố đời nầy…". Rôma 12.2 chép: "Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bước sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào".
Đức Chúa Trời không giải cứu chúng ta khỏi "đời ác" nầy, làm vậy không phải để cho chúng ta đẹp lòng mà là để làm đẹp lòng Ngài. Peter Marshall là một trong những nhà truyền đạo xuất sắc của thế kỷ vừa qua. Trong khi phục vụ trong vai trò Mục sư Tuyên úy cho Thượng Viện Mỹ, ông đã cầu nguyện: "Lạy Chúa Jêsus, Ngài là đường đi, lẽ thật và sự sống; xin lắng nghe chúng con khi chúng con cầu nguyện xin lẽ thật buông tha cho mọi người. Xin dạy chúng con biết sự tự do ấy không những được yêu thích mà còn phải sống với nó nữa. Sự tự do là một thứ rất quí giá không nên đem chôn giấu trong sách vỡ. Giá nó lớn đến nỗi không thể tích trữ được nữa. Xin giúp chúng con nhìn thấy sự tự do của chúng con không phải là điều thiện phải lo làm khi chúng con thích, mà là cơ hội muốn làm điều chi là đúng đắn".
Thứ tư, Chúa Jêsus giàu ơn phó chính mình Ngài theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngài phó chính mình Ngài "y theo ý muốn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta". Ở trong vườn Chúa Jêsus đã cầu nguyện: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!..." (Luca 22.42). Chính ý muốn của Đức Chúa Cha dành cho Chúa Jêsus phải gánh lấy trên chính mình Ngài mọi tội của chúng ta rồi chịu chết trong chỗ của chúng ta. Chúng ta đã được cứu bởi ý muốn của Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi có ít việc phải làm với ý muốn của tôi và là mọi sự phải làm với ý muốn của Đức Chúa Trời. Giăng 1.12 chép: "Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài".
Thứ năm, Chúa Jêsus đã giàu ơn phó chính mình Ngài vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Trong khi nói tới Đức Chúa Cha, Phaolô thêm vào lời ngợi khen: "nguyền Ngài được vinh hiển đời đời vô cùng". Tin lành, sự chết, sự chôn và sự sống lại của Chúa Jêsus kết quả trong ân điển ban cho chúng ta và vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Đối với điều nầy Phaolô thêm chữ "amen" của ông vào hay "nguyện sự ấy được nên". Chúng ta có thể không thêm một từ ngữ nào vào công việc của Đấng Christ hơn là nói "amen" vào ân điển của Ngài và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nhờ Ngài chúng ta được buông tha vào lúc sau cùng.
Cho phép tôi kết thúc với một vài dòng rút từ một trong các bài ca thánh mà hạng người nô lệ sáng tác trong những ngày tăm tối nhất của xứ sở chúng ta. Đâu đó ở phương Nam, một nhóm nô lệ đã hát lên những lời lẽ đơn sơ nhưng rất vinh hiển nói về sự tư do, không những khỏi sự xiềng xích thuộc thể mà còn thực được buông tha nữa.
Ôi Chiên Con đã giáng trần để chịu chết ở đây,Chiên Con giáng trần để chịu chết ở đây,Ôi Chiên Con giáng trần để chịu chết ở đây,Tội nhân sẽ không còn chết nữa đâu!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét