Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

Gen 2.4-25: "Yến tiệc trong Vườn"



"Yến tiệc trong Vườn"

(Sáng thế ký 2.4-25)
Bạn đã từng nhìn thấy cảnh đẹp nhất chưa? Điều chi làm cho cảnh ấy được đẹp như thế? Có một số cảnh rất đẹp trong thế giới nầy, mặc dù có sự ô nhiễm trong môi trường của chúng ta. Nhưng thường thì một tai vạ được gọi là tai vạ thiên nhiên, như động đất, cuồng phong, hay bão táp, sẽ đổi một địa đàng thành một khu vực thảm hoạ.
Trước khi động đất, cuồng phong, bão táp, và sự mạo phạm của con người sửa soạn bắt đầu, đã có một cảnh rất đẹp trên hành tinh quả đất, không giống như cảnh tượng nào mà mắt thường của chúng ta có thể nhìn thấy. Quả thực đây là một địa đàng. Nó được gọi là “một ngôi vườn” và được đặt ở một địa điểm có tên là “Ê-đen”. Sáng thế ký 2.4-25 mô tả bối cảnh xinh đẹp nầy, ngôi nhà nguyên thủy của loài người trên hành tinh địa cầu. Đây là chỗ mà mọi sự đã bắt đầu [David Hocking, The Rise and Fall of Civilization (Portland, OR. Multnomah, 1989), 69].
Nhiều người cho rằng Sáng thế ký 1 và Sáng thế ký 2 mâu thuẫn với nhau [Thí dụ, lý do tại sao con người được nhắc tới được dựng nên trong 1.27 và rồi một lần nữa trong 2.7?]. Nhưng đây không phải là trường hợp. Sáng thế ký 1.1 - 2.3 cung ứng câu chuyện có tính niên đại về những gì Đức Chúa Trời đã dựng nên trong mỗi ngày, với con người được dựng nên vào ngày thứ sáu. Sáng thế ký 2.4-25 cung ứng một câu chuyện có tính miêu tả, với con người là lẽ đạo trọng tâm, và không có ý nói tới niên đại [Thường trong cách viết miêu tả, những sự kiện được đưa ra không nằm trong thứ tự trước sau. Khi phần niên đại đã được giải thích rồi trong 1.1 - 2.3, khi ấy tiêu điểm được nhấn mạnh đặc biệt đến sự sáng tạo ra con người, cung ứng nhiều chi tiết về con người đã được dựng nên như thế nào. Sáng thế ký 2.7 chỉ là một ghi chép tỉ mỉ của 1.27 mà thôi]. Hai câu chuyện đều nhìn vào một loạt các sự kiện tương tự từ hai nhận định phân biệt [Sáng thế ký 1 nói rất ít về cách Đức Chúa Trời dựng nên con người. Nó chỉ lưu ý rằng Đức Chúa Trời dựng nên người nam cùng người nữ, thêm thắt vài điểm về mối quan hệ của họ với phần thọ tạo còn lại. Sáng thế ký 1 nhấn mạnh con người là một loài thọ tạo được dựng nên với uy quyền; Sáng thế ký 2 nhấn mạnh con người là loài thọ tạo đang ở dưới uy quyền]. Cái nầy gắn bó với cả bức tranh lớn, cái kia với một vài chi tiết; cái nầy nhìn thấy toàn bộ khu rừng, cái kia chỉ thấy một ít cây cối [Ronald F. Youngblood, The Book of Sáng thế ký (Grand Rapids. Baker, 1991), 34]. Cách giải thích khác nữa là đây: Sáng thế ký 1 là loại thấu kính khuếch đại; Sáng thế ký 2 là kiểu phóng to thu nhỏ, nhìn gần. Vì vậy, chúng ta hãy thu nhỏ lại rồi nghiên cứu câu chuyện của Môise.
Ở 2.4, Môise viết: “Ấy là gốc tích trời và đất khi đã dựng nên, trong lúc Giê-hô-va Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất”. Đây là mục đầu tiên trong 10 mục mà Sáng thế ký đã giới thiệu với “gốc tích của” [Xem Sáng thế ký 2.4; 5.1; 6.9; 10.1; 11.10, 11.27; 25.12, 25.19; 36.1; 37.2. Con người được nhắc tới sau cụm từ “gốc tích của” (toledot) thường không phải là hình ảnh chính trong tiểu đoạn, mà là con người theo sau những gì đã được dựng nên]. Như chúng ta đã học biết ở 1.1, cụm từ “trời và đất” (2.4a) là cách nói bóng (merism) đề cập tới toàn bộ vũ trụ. Trong 2.4b, đảo lộn trình tự của cụm từ nầy mà nói tới “đất và trời” (theo bản Kinh thánh Anh ngữ). Khi điều nầy xảy ra, chúng ta không còn có merism nữa. Từ ngữ được dịch là “đất” đề cập tới đất đai và từ ngữ “trời” đề cập tới bầu trời. Đây là đề tài cho thảo luận trong 1.2 trở đi. Đức Chúa Trời đang lấy cận cảnh về đất đai, đặc biệt là ngôi vườn trong đất Ê-đen.
Từ 1.1…, Môise xác định Đức Chúa Trời là Elohim, là tước hiệu chung nói tới Đấng Tối Cao. Giờ đây, trong Sáng thế ký 2.4…, ông gắn từ ngữ “Lord” (Giêhôva) với từ “God” (Đức Chúa Trời) [Thật là thú vị khi thấy danh xưng nầy chỉ xảy ra ở một chỗ khác trong Ngũ Kinh (Xuất Êdíptô ký 9.30)]. Điều nầy nhấn mạnh mối quan hệ có tính giao ước với dân sự của Ngài [Waltke viết: “Trong Sáng thế ký 1 'elohim (God) đề cập tới tính siêu việt của Đức Chúa Trời đối với thế gian, trong khi ở Sáng thế ký 2-3 yhwh (Đức Giêhôva) nói tới tính nội tại, có mặt khắp mọi nơi của Đức Chúa Trời với tuyển dân của Ngài. Khi người kể chuyện kết hợp hai danh xưng lại, ông đưa ra sự khẳng định, quyết chắc rằng Đức Chúa Trời Đấng Tạo Hoá là Chúa của lịch sử dân Israel. Giống như Đức Chúa Trời đã ra lịnh trong sự sáng tạo, Ngài ra lịnh cho lịch sử. Mọi sự đều ở dưới quyền tễ trị khôn ngoan của Đức Chúa Trời, bảo đảm rằng lịch sử dân Israel sẽ kết thúc trong đắc thắng, chớ không trong thảm hoạ” Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 34]. Điều nầy chỉ ra rằng Môise muốn tỏ ra Đấng Tạo Hoá oai nghi chính là Đức Chúa Trời yêu thương, là Đấng phán trực tiếp với A-đam và Ê-va và tìm cách có một mối quan hệ mật thiết với họ [Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 32].
Ở 2.5-6: “Vả, lúc đó, chưa có một cây nhỏ nào mọc ngoài đồng, và cũng chưa có một ngọn cỏ nào mọc ngoài ruộng, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chưa có cho mưa xuống trên đất, và cũng chẳng có một người nào cày cấy đất nữa. Song có hơi nước dưới đất bay lên tưới khắp cùng mặt đất”. Câu 5 cho thấy rằng đất đặc biệt được sửa soạn cho con người ở. Đất đai chưa tích ứng cho dòng giống con người vì chưa có một cây nhỏ, một ngọn cỏ nào, chẳng có mưa xuống và không có cày cấy chi hết. Câu 6 chỉ ra cách Đức Chúa Trời sửa soạn đất cho người nam người nữ ở. Những câu nầy là một cảnh hồi tưởng lại tình trạng trước 1.26. Trong hai câu nầy, Môise vẽ ra một bảng so sánh giữa đời sống trước và sau sự sa ngã [Sailhamer, Genesis EBC (Grand Rapids. Zondervan), Electronic ed]. Chưa có một cây nhỏ hay một ngọn cỏ nào mọc vì những điều nầy sẽ đến như một kết quả của sự A-đam và Ê-va không vâng lời. Đây là “gai chông và tật lê” và “cây cối ngoài đồng” mà A-đam được truyền cho phải lao động để cày cấy ở 3.18-19. Đất đai chưa hưởng được một cây mưa nào nhưng nó đã được nước tưới (1.8…). Chưa có một người nào cày cấy đất, nhưng điều nầy cũng sẽ đến như một kết quả của sự sa ngã (3.23). Cho nên tiểu đoạn nầy sửa soạn chúng ta cho mọi kết quả của sự con người bất tuân, ngay cả ngôi vườn cũng đã được dựng nên. Đây là bối cảnh của sân khấu. Đất đai đã được dựng nên và đã ở vào tư thế sẵn sàng cho con người bước vào bối cảnh đó.
Ở 2.7, con người đang xuất hiện trên bối cảnh. Môise viết: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh”. Từ ngữ “nắn” (yasar) mô tả sinh hoạt của một thợ gốm (Êsai 45.9; Giêrêmi l8.2-4) [Yasar cũng có thể mô tả công việc của một hoạ sĩ (đối chiếu Gióp 10.8-9)]. Đức Chúa Trời được phác hoạ như một thợ gốm đang nắn đúc con người từ bụi đất [Ý tưởng Đức Chúa Trời đang dựng nên con người từ đất được nhắc tới ở nhiều chỗ khác trong Cựu Ước (thí dụ, Gióp 4.19; 10.8; Thi thiên 90.3; 103.14; 104.29; 146.4)]. Từ ngữ nầy ám chỉ rằng Đức Chúa Trời đã thận trọng làm điều nầy với thái độ quan tâm dịu dàng và chú ý từng chi tiết.
Khi sử dụng ngôn ngữ mà con người có thể hiểu được [“thuyết hình người”(anthropomorphic)], câu nầy nói rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta với hai bàn tay của Ngài, chớ không phải chỉ bằng Lời nói của Ngài. Chính tay Đức Chúa Trời nắn nên từng người mà Ngài đã dựng nên (Thi thiên 139). Con người là một công việc của nghệ thuật! Chúng ta không xuất thân từ kỹ thuật. Chúng ta đã được nắn nên. Đức Chúa Trời có quan hệ mật thiết với sự dựng nên đời sống của con người. Đây chỉ là một trong nhiều lý do mà bạn có giá trị, xứng đáng và nét oai nghi.
Sự thực cho thấy rằng Đức Chúa Trời nắn nên con người từ “bụi đất” (aphar) phản ảnh nguồn gốc của con người (đối chiếu 3.19) [Về sau trong sách Sáng thế ký, Ápraham công nhận rằng ông vốn là “tro bụi” (18.27)]. Mặc dầu con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời, con người là một tạo vật giống như bao tạo vật khác mà Đức Chúa Trời đã dựng nên. Từ quan điểm cứng ngắc về tài chính và không có quyền phép của Đức Chúa Trời, những thứ hoá chất trong bộ phận con người trung bình chỉ đáng giá không tới 10USD [Youngblood, The Book of Genesis, 36]. John Calvin đã viết: “Kẻ rất dại dột mới không học ở đây sự khiêm nhường” [John Calvin, Genesis, trans. and ed. John King (Carlisle, PA. Banner of Truth Trust, 1965), 111]. Tuy nhiên, trong khi chúng ta chỉ là “tro bụi” (Thi thiên 103.14) chúng ta rất vô giá đối với Đức Chúa Trời!
Không những Đức Chúa Trời là thợ gốm, Ngài còn là một nhân vật rất sinh động nữa. Câu 7 chép rằng Đức Chúa Trời hà hơi sống vào con người [Sự Đức Chúa Trời hà hơi có thể là đồng nghĩa với Lời của Ngài (đối chiếu Thi thiên 33.6)]. “Hà hơi” là sự thân mật rất tư riêng, với sự thân mật của một cái hôn mặt đối mặt [Derek Kidner, Sáng thế ký, Tyndale OT Commentaries (Downers Grove, IL. Intervarsity, 1967), 60]. Sự “hà sanh khí” (nesama) là hơi sống của Đức Chúa Trời cung ứng sự sống cho A-đam, tri thức thuộc linh (Gióp 32.8), và một lương tâm (Châm ngôn 20.27) [Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 2002 [1988]), 123]. Khi sự sống của A-đam đến từ sanh khí của Đức Chúa Trời, con người, vì lẽ đó, là một sự kết hợp của bụi đất và thần linh [Cụm từ “sanh linh” chính là từ ngữ được sử dụng nói tới đời sống thú vật trong Sáng thế ký 1.24. Trong tiểu đoạn nầy, chúng ta thấy thể nào con người và thú đồng tương tự nhau, nhưng sanh khí khiến cho con người ra phân biệt đối với các tạo vật khác]. Đối với Chúa, và chỉ một mình Ngài thôi, chúng ta mắc nợ sự sống và hơi sống, vì trong Ngài chúng ta “sống, động và có” (Công vụ các sứ đồ 17.25-26).
Ở 2.8-9: “Đoạn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hướng Đông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó. Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác”. Trong hai câu nầy, sự quan phòng của Đức Chúa Trời rất là rõ ràng bởi sự tiếp trợ của Ngài cho một “địa đàng”. Hai cây đặc biệt được nhắc tới về sau trong câu chuyện của chúng ta: “cây sự sống” [ Chỉ có một vài tham khảo đến Cây Sự Sống trong Cựu Ước (Châm ngôn 3.18; 11.30; 13.12; 15.4) và một ít trong Tân Ước (Khải huyền 2.7; 22.2, 14, 19)] và “cây biết điều thiện và điều ác”. Cây Sự Sống đang ở trên thiên đàng. Khi Chúa Jêsus phán cùng tên cướp trên thập tự giá: “Hôm nay, ngươi sẽ ờ cùng Ta trong nơi Ba-ra-đi” (Luca 23.43) chúng ta có thể suy ra rằng Ba-ra-đi không còn ở trên đất nữa. Điều nầy đã được khẳng định sâu xa hơn trong Khải huyền 22, ở đây chúng ta học biết rằng Cây Sự Sống sẽ từ trời mà xuống với đất mới (Khải huyền 22.2).
Ở 2.10-14, Môise dành thì giờ nói tới việc đặt ra các đường ranh giới của ngôi vườn nầy trong đất Ê-đen: “Một con sông từ Ê-đen chảy ra đặng tưới vườn; rồi từ đó chia ra làm bốn ngả. Tên ngả thứ nhất là Bi-sôn; ngả đó chảy quanh xứ Ha-vi-la, là nơi có vàng. Vàng xứ nầy rất cao; đó lại có nhũ hương và bích ngọc. Tên sông thứ nhì là Ghi-hôn, chảy quanh xứ Cu-sơ. Tên sông thứ ba là Hi-đê-ke, chảy về phía đông bờ cõi A-si-ri. Còn sông thứ tư là sông Ơ-phơ-rát”. Ngày nay sông Bi-sôn không ai biết chắc [Nhiều nhà giải kinh cho rằng đây là Sông Ganges ở Ấn độ, một con sông xứ Arabia, hay con sông xứ Mesopotamia. Đất Ha-vi-la dường như nằm ở phía Tây Nam Arabia (đối chiếu Sáng thế ký 25.18)]. Sông Ghi-hôn có thể là sông Nile trước nước lụt khi Cu-sơ, trong Cựu Ước, thường mô tả xứ Ê-thi-ô-pi ngày nay [Đối chiếu Sáng thế ký 10.6-8; Dân số ký 12.1; II Samuên 18.19-33; II Các Vua 19.9; II Sử ký 14.9-15; Êsai 37.9; Giêrêmi 13.23; 38-39]. Sông Tigris và Euphrates giờ đây nằm trong xứ Ba-by-lôn. Ê-đen (có nghĩa là vui thú, khoái lạc, hay có lẽ là nơi có nhiều nước) vì lẽ đó dường như nằm ở khu vực của Đất Hứa [Sailhamer viết: “Về sau nầy các tiên tri trong Kinh thánh cũng thực hiện một sự phối hợp giữa Vườn Ê-đen và đất hứa với các tổ phụ (đối chiếu Êxêchiên 36.35: ‘Chúng nó sẽ nói rằng: Đất hoang vu nầy đã trở nên như vườn Ê-đen’; Giôên 2.3: ‘Trước mặt nó, có lửa thiêu nuốt, sau lưng nó, có ngọn lửa cháy tiêu. Lúc trước nó, đất nầy như vườn Ê-đen’; Êsai 51.3: ‘Vì Đức Giê-hô-va đã yên ủi Si-ôn; Ngài đã yên ủi mọi nơi đổ nát của nó. Ngài đã khiến đồng vắng nên như vườn Ê-đen, nơi sa mạc nên như vườn Đức Giê-hô-va’; Xachari 14.8: ‘Xảy ra trong ngày đó, nước sống sẽ ra từ Giê-ru-sa-lem’; Khải huyền 22.1-2: ‘Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân’”. Sailhamer, Genesis]. Ngôi vườn trong đất Ê-đen dường như nằm ở phần phía Đông của Ê-đen. Phần mô tả nầy đề ra bối cảnh cho sự A-đam và Ê-va bị trục xuất ra khỏi vườn ở 3.24. Có lẽ đây cũng là sự khích lệ dân Israel phải tán thưởng Đất Hứa [Chi tiết quan trọng khác trong phần mô tả ngôi vườn trong đất Ê-đen ở chương 2 là phần tương tự giữa sự xuất hiện và vai trò của ngôi vườn và sự xuất hiện cùng vai trò của đền tạm trong Xuất Êdíptô ký 25-27. Trong phần mô tả ngôi vườn, sở thích chính của tác giả đặt vào việc nhấn mạnh vẽ đẹp của vàng cùng các thứ đá quí trên khắp đất có khu vườn bao quanh. Nếu mục đích của các phần mô tả đó mà văn chương sau nầy xem là một kim chỉ nam, mục đích của phần mô tả ngôi vườn là tỏ ra sự vinh hiển của sự hiện diện của Đức Chúa Trời qua vẽ đẹp của bối cảnh vật lý vây quanh]. Đây khó có thể là một trường hợp ngẫu nhiên cho rằng hai con sông nầy chính xác là hai con sông mà Đức Chúa Trời sử dụng để giải thích cho Ápraham biết Đất Hứa sẽ nằm ở đâu (15.18) [Sailhamer, Genesis].
Hãy suy nghĩ về những điểm tương đồng. Trong cùng một phương thức Đức Chúa Trời sửa soạn một nơi đặc biệt cho A-đam và Ê-va, một nơi mà họ sẽ bị trục xuất ra khỏi đó nếu họ cũng sống bất tuân, thì cũng vậy, Ngài hứa lần đầu tiên với Ápraham, rồi kế đó với cả dân tộc Israel, một nơi đặc biệt mà họ sẽ bị trục xuất ra khỏi đó nếu họ sống bất tuân. Thực vậy, cả hai đều bị đưa ra cùng một hướng, hướng Đông, khi họ bất tuân. Rồi kế đó, Đấng Mêsi sẽ đến tại đâu? Chính xác đúng khu vực mà A-đam đầu tiên đã sống! Và Jerusalem Mới trong Khải huyền 21 nói tới nằm ở chỗ nào? Đúng ngay chỗ Đức Chúa Trời đã đặt Jerusalem thứ nhứt, chính là chỗ mà Ngài đã dựng nên cho A-đam và Ê-va sinh sống. Ê-đen! [Sailhamer, Genesis].
Ở 2.15: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn”. Sau khi Đức Chúa Trời dựng nên ngôi vườn xinh đẹp, chất chứa đầy đủ với rau cỏ, Ngài đã đặt A-đam vào đó. Từ ngữ Hy bá lai dịch là “đặt” trong 2.15, không phải là từ nói tới “đặt” ở 2.8. Từ ngữ sau là từ thông thường nói tới việc đặt một vật gì vào một nơi nào đó. Tuy nhiên, từ ngữ trước có ý nói tới sự yên nghỉ và an ninh [Đối chiếu Sáng thế ký 19.16; Phục truyền luật lệ ký 3.20; 12.10; 25.19] cũng như sự cung hiến cho trong sự hiện diện của Ngài [Đối chiếu Xuất Êdíptô ký 16.33-34; Lê vi ký 16.23; Dân số ký 17.4; Phục truyền luật lệ ký 26.4, 10]. Đức Chúa Trời đặt con người vào trong vườn, ở đó người sẽ được an ninh, nghỉ ngơi, và ở đó con người có sự giao thông với Đức Chúa Trời (đối chiếu 3.8). Khi ấy Ngài mới giao cho A-đam ba việc. Hai việc đầu tiên là giao thác phần trách nhiệm và việc thứ ba là tiếp cận với những đặc ân có trong vườn. Lãnh vực trách nhiệm thứ nhứt được chỉ ra bởi từ ngữ “trồng” (abhad), có ý nói tới “phục vụ”. Vậy thì, nó có nghĩa là làm bất cứ điều chi là cần thiết để giữ cho ngôi vườn được hấp dẫn, xinh đẹp luôn. Mọi chi tiết của sự phục vụ nầy không được cung ứng cho nhưng chúng ta đều biết rõ rằng: trước khi A-đam được dựng nên, chưa có một người nào làm như thế (2.5). Chúng ta cũng biết rõ bản chất phục vụ không dính dáng gì đến loại sinh hoạt mà A-đam đã thực thi sau sự sa ngã, khi ông bị đá ra khỏi vườn Ê-đen (3.23). Ở đó, ông phải hầu việc đất đai, từ đó mà có chúng ta, bị rủa sả với “gai chông và cây tật lê” không phù hợp với nghề nông (3.17-19). Đức Chúa Trời đã đặt con người vào trong Ba-ra-đi vì mục đích phục sự Ngài. Thú vị thay, từ ngữ nầy cũng được dịch là “thờ phượng” ở chỗ khác trong Cựu Ước. Điều nầy cho thấy rằng A-đam đã phục vụ rồi vì cớ đó đã thờ lạy Đức Chúa Trời bằng cách chăm sóc ngôi vườn.
Đức Chúa Trời đã ấn định công việc. Mọi loại công việc — trả công và không trả công — đều cần thiết trong thế giới dành cho chúng ta vì chúng ta phải “làm cho đất phục tùng” theo ý chỉ của Đức Chúa Trời (1.28). Ngay cả nếu các trách nhiệm dường như trì trệ và không quan trọng, hay khiến cho bạn phải hiệp với và nâng đỡ theo đời nầy, hạng người có lòng thù oán, hãy nhớ: “Ngài lấy sự cứu rỗi trang sức cho người khiêm nhường” (Thi thiên 149.4). Rồi Ngài thấy khoái lạc nơi chúng ta không những tại nhà thờ, mà cũng ở nơi làm việc nữa [Trong 132 lần xuất hiện công khai của Chúa Jêsus trong Tân Ước, 122 lần tại khu chợ búa. Trong 52 thí dụ mà Chúa Jêsus đã kể, 45 có nội dung tại nơi làm việc. Trong 40 sự can thiệp của Chúa đã được ghi lại trong sách Công vụ các sứ đồ, 39 lần tại khu chợ búa, Chúa Jêsus đã sử dụng cuộc sống trưởng thành của mình trong vai trò một người thợ mộc, cho tới 30 tuổi khi Ngài bước vào chức vụ ở nơi công cộng. Chúa Jêsus đã kêu gọi 12 cá nhân tại nơi làm việc, chớ không kêu gọi hàng giáo phẩm, để xây dựng Hội thánh của Ngài. Làm việc là thờ phượng — từ ngữ Hy bá lai avodah là gốc rễ cho từ ngữ từ đó chúng ta có những từ như work (làm việc) và worship (thờ phượng). Làm việc trong hình thức khác của nó đã được nhắc tới hơn 800 lần trong Kinh thánh, hơn tất cả những từ thường mô tả sự thờ phượng, âm nhạc, ngợi khen, và ca hát kết hợp lại. 54% chức vụ dạy dỗ của Chúa Jêsus đã được ghi lại phát sinh từ những vấn đề mà nhiều người hỏi han nằm trong phạm vi cuộc sống hàng ngày. Preaching Today Citation. Lewis and Lewis, London Institute of Contemporary Christianity; submitted by David Bartlett, Rochester, Minnesota]. Ngài lưu tâm đến chúng ta trong trong công việc hàng ngày của chúng ta y như Ngài đã lưu tâm đến Giôsép trong sự phục vụ của chàng trong vai trò nô lệ của Phô-ti-pha, đối với Chúa Jêsus trong phân xưởng mộc, và đối với sứ đồ Phaolô khi ông còn may trại [Lao động không phải là một mối ngăn trở cho tình trạng thuộc linh; mà lao động là một phần trong đó. Thậm chí những nô lệ được dạy dỗ bởi Phaolô không còn e sợ địa vị của họ trong bất kỳ cách thức nào đó thu nhỏ lại thế đứng thuộc linh của họ với Đức Chúa Trời (xem I Côrinhtô 7.22). Tình trạng thuộc linh của chúng ta nương vào việc chúng ta là ai trong Đấng Christ, chớ không phải nương vào các hoàn cảnh của nơi làm việc của chúng ta. Những người cùng làm việc hay nghề nghiệp không giới hạn được sự hiện diện và đặc ân của Đức Chúa Trời]. Hãy mở rộng tầm nhìn của bạn về đời sống thuộc linh của mình kể cả công việc hàng ngày của bạn nữa. “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa”. (Côlôse 3.23-24). Hãy trình công việc của bạn cho Đức Chúa Trời. Bạn đang làm việc cho Ngài.
Trong 2.16-17: “Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết”. Thật là thú vị khi thấy dường như Đức Chúa Trời nói cho một mình Ađam biết rằng trái của cây biết điều thiện và điều ác không được ăn đến. Một người chỉ có thể ước đoán rằng mạng lịnh của Đức Chúa Trời thể nào đã có hiệu quả với Ađam đã được truyền cho Ê-va. Điều nầy có thể giải thích sự đánh giá không chính xác của Ê-va ở 3.2-3 không? [Robert Deffinbaugh, Sáng thế ký, Lesson 3. The Meaning of Man. His Duty and Delight (Sáng thế ký 1.26-31; 2.4-25),
http://www.bible.org/].
Thật là quan trọng khi thấy rằng có một khía cạnh tích cực trong mạng lịnh nầy: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn”. Đức Chúa Trời đã ban cho con người sự thưởng thức tất cả các thứ cây ngon lành mọc trong vườn. Đây là món tự dọn bạn có thể ăn tất cả. Ngài phán: “Hãy vào đấy! Hãy tận hưởng sự sáng tạo của Ta!” Đức Giêhôva phán cùng một việc ấy hôm nay. Bạn được tự do làm bất cứ điều chi trừ ra tội lỗi. Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời vui thích; Ngài là một Đức Chúa Trời nhơn từ. Chúng ta có sự tự do trong Đấng Christ. Sự cấm đoán chỉ đặt vào có một cây mà thôi. Mỉa mai thay, cây nầy trở thành sự cám dỗ lớn lao nhất đối với nhân loại. Là con người, dường như chúng ta tự nhiên ao ước và hướng vào những gì Đức Chúa Trời cấm đoán. Chúng ta dường như không biết điều Đức Chúa Trời cấm đoán là vì ích cho chúng ta. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời nhơn từ và tiếp trợ cho mọi nhu cần của chúng ta ở nơi Ngài đặt để chúng ta, nếu chúng ta chỉ tin cậy Ngài. Chúng ta phải nương vào sự tiếp trợ đầy đủ của Ngài.
Thật là quan trọng khi thấy rằng “cây biết điều thiện và điều ác” không phải là một cây ác. Mọi sự trong công cuộc sáng tạo của Đức Chúa Trời đã được công bố là “tốt lành”. Danh xưng “thiện và ác” không gắn cái nhãn cho cây kia là ác đâu. Như trong Anh ngữ khi chúng ta nói, chúng ta “tìm khắp nơi” [search high and low], hai hướng ngược nhau đã được chọn kể cả các thứ nằm ở giữa (đối chiếu Sáng thế ký 1.1; Thi thiên 139.2). Sự hiểu biết điều thiện và điều ác khi ấy gồm cả mặt đạo đức, giống như Cây Sự Sống có quan hệ tới sự sống đời đời [Albert H. Baylis, From Creation to the Cross (Grand Rapids. Zondervan, 1996), 43]. Cây đặc biệt nầy có khả năng và quyền phép quyết định điều chi là thiện và điều chi là ác. Tất nhiên, đây là đặc quyền của một mình Đức Chúa Trời. Ngài không hề giao thác quyền tự do về mặt đạo đức cho bất kỳ ai trong các loài thọ tạo của Ngài.
Cho nên, sự cám dỗ ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác là tìm kiếm sự khôn ngoan mà chẳng cần tới Lời của Đức Chúa Trời. Đây là một hành động tự trị về mặt đạo đức — quyết định điều chi là đúng không cần biết tới ý chỉ của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra [Điều nầy được khẳng định bởi Êxêchiên 28 (phần tương ứng gần gũi nhất với Sáng thế ký 2-3), ở đây cho biết thể nào Vua Tyrơ bị trục xuất ra khỏi Ê-đen vì sự kiêu ngạo và vì xưng tấm lòng mình “tự cao lên bằng lòng Đức Chúa Trời” (đối chiếu 28.6, 15-17). Gordon Wenham, Sáng thế ký 1-15. WBC (Waco, TX. Word, 1987), 64]. A-đam và Ê-va đã ao ước sự khôn ngoan, nhưng họ đã tìm kiếm sự khôn ngoan ấy ở ngoài Ngôi Lời và ngoài ý chỉ của Đức Chúa Trời. Họ chiếm lấy vai trò của Đức Chúa Trời trong việc quyết định điều chi là đúng và điều chi là sai. Vì vậy, ở đây chúng ta tiếp lấy chính tấm lòng của nguyên tội. Đây là bước tránh né Lời của Đức Chúa Trời để được khôn ngoan. Tự trị về mặt đạo đức đem lại sự chết [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 55].
Tại sao A-đam và Ê-va không chết ngay lập tức? [A-đam đã sống đến 930 tuổi (Sáng thế ký 5.5)]. Mặc dù câu nói có thể nhắm đến sự chết theo phần xác [Về sự chết theo phần xác, hãy xem Walton viết: “Mệnh đề ‘một mai’ trong tiếng Hy bá lai là một thành ngữ có nghĩa là ‘chắc chắn’ (đối chiếu Xuất Êdíptô ký 10.28; I Các Vua 2.37, 42). Bảng Kinh thánh NIV phản ảnh chính xác ý nghĩa nầy bằng cách dịch cụm từ Hy bá lai là ‘khi nào’. Môise đang nói rằng hình phạt được thi hành khi họ bị đuổi ra khỏi vườn và bị ngăn cản không cho tiếp cận cây sự sống. Không có sự tiếp cận ấy, họ bị định cho phải chết. Khi họ ăn trái của cây ấy, bạn bị kết án phải chết và vì lẽ đó bị định cho phải chết. Kết quả là, sự chết sẽ là một điều chắc chắn” John H. Walton, Sáng thế ký (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 175], quan điểm chính là nhắm vào sự chết thuộc linh, là điều dẫn đến một sự mất đi mối tương giao với Đức Chúa Trời và với nhau. Khi người nam và người nữ ăn trái của cây nầy, họ ngay lập tức thay đổi mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời và với nhau (xem 3.7-13). Sự chết theo phần xác, một sự phán xét, là một phước hạnh gián tiếp, kết thúc nỗi đau khổ của cuộc sống rồi mở ra triển vọng cho cuộc sống tách ra khỏi tội lỗi và sự chết [Waltke, Genesis, 87-88].
Ở 2.18-25, Môise bước vào đỉnh điểm của hai chương đầu tiên. Trong 2.18, ông ghi như sau: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó”. Trước khi chúng ta xem câu nầy, thật là quan trọng phải gạch dưới hay khoanh tròn chữ “không”. Thú vị thay, chính Đức Chúa Trời là Đấng quyết định loài người ở một mình thì không tốt (xem Châm ngôn 18.22). Mọi sự lên tới điểm nầy được gọi là “tốt lành” nhưng giờ đây Đức Giêhôva phán: “không tốt”. Không có một điều gì chỉ ra rằng bản thân A-đam không thấy thoả lòng với mọi hoàn cảnh của mình. Rõ ràng là ông không biết gì tới nhu cần của mình. Sau khi đưa ra sự đánh giá của Ngài (2.18a), Đức Chúa Trời đưa ra một giải pháp (2.18b). Đức Chúa Trời sẽ cung ứng một người giúp đỡ cho A-đam. Đức Chúa Trời là Đấng Giúp Đỡ cho A-đam rồi (nhưng là một Đấng Giúp Đỡ siêu nhiên). Các loài thú đồng cũng là những kẻ trợ giúp cho A-đam (nhưng là những kẻ giúp đỡ ở hàng cấp dưới). Vậy thì, người giúp đỡ nầy phải là người tương xứng với A-đam. Từ ngữ “kẻ giúp đỡ” (ezer) không có ý nói tới một tôi tớ [Đây là từ ngữ mà Môise ưa thích, vì trong Xuất Êdíptô ký 18.4 chúng ta được thuật cho biết rằng đây là danh mà ông đặt cho một trong mấy người con trai của ông]. Đức Chúa Jêsus Christ sử dụng chính từ ngữ nầy (tương đương với tiếng Hy lạp) để mô tả Đức Thánh Linh là Đấng sẽ giúp đỡ cho các tín đồ, theo sau sự thăng thiên của Chúa (Giăng 14.16, 26; 15.26; 16.7). Từ nầy có nghĩa là một Đấng giúp đỡ chúng ta trong phần việc chúng ta làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời [Đối chiếu Phục truyền luật lệ ký 33.7; Thi thiên 33.20; 115.9-11; 146.5; Ôsê 13.9]. Đây không phải là từ vô nghĩa khi Kinh thánh thường sử dụng nó để mô tả chính mình Đức Chúa Trời (thí dụ, Thi thiên 33.20; 70.5; 115.9) [Từ “kẻ giúp đỡ” sử dụng nói đến Đức Chúa Trời 16 trong 19 lần nó xuất hiện trong Cựu Ước, ám chỉ sự đóng góp quan trọng của nữ giới].
Hỡi người làm chồng, vợ của ngươi là kẻ giúp đỡ ngươi. Và chúng ta hãy đối diện với nó …chúng ta cần sự giúp đỡ. Không những với giặt ủi, nấu ăn, mà còn trong từng lãnh vực của cuộc sống nữa (thí dụ, đầu tư, mau sắm, các quyết định trong gia đình, v.v…). Bất kỳ người chồng nào không hỏi han vợ của mình là một kẻ rất dại dột. Mọi công việc tôi được xuông xẻ là nhờ vợ tôi. Nàng nhận thức rõ và khôn khéo. Nàng rất chín chắn. Hãy suy nghĩ về điều nầy xem. Khi giờ đến cho sự quyết định trong chức vụ của Chúa Jêsus, Ngài đã đưa ra một sự lựa chọn rất hay. Ngài nhóm 70 người lại, giống như các đại biểu từng khu vực vậy, rồi sai họ đến với các thị trấn khác nhau để sửa soạn dân sự cho các lần viếng thăm của Ngài (xem Luca 10.1). Ngài đã sai từng môn đồ đến với nhiều thị trấn. Thay vì thế, Ngài đã chọn 35 cặp. Một chuyên gia có hiệu quả sẽ chỉ trích quyết định ấy vì nhân đôi kết quả và cắt nửa hiệu quả, nhưng Chúa Jêsus vốn biết rõ một số chức vụ được thực thi tốt nhất bởi hai người chớ không phải một. Khi hai người cùng làm việc với nhau, người nầy có thể bảo hộ cho người kia. Người nầy có thể khích lệ cho người kia. Hai người có thể phân chia công việc, bù đắp khiếm khuyết của nhau, và rút tỉa năng lực của nhau. Tình đồng đội làm cho hai người được hiệu quả hơn, chớ không kém hơn một người.
Có bao giờ bạn cầu hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Ngài muốn đời sống của chúng con hoàn thành điều chi cho Ngài?” Hầu hết từng tổ chức hay công ty hoặc Hội thánh đều có một câu nói chỉ ra mục đích của sứ mệnh. Sao một đôi vợ chồng lại không thể? Ngày nay, nếu bạn lập gia đình, đó sẽ là một việc quan trọng cho bạn phải nói với người bạn đời của mình về sứ mệnh của bạn là một đôi. Đức Chúa Trời đưa các bạn đến với nhau là vợ chồng để nhân rộng cái chạm của Vương quốc Ngài.
Hơn nữa, vợ của A-đam cần phải phù hợp với ông. Từ ngữ Hy bá lai nói tới “giống như” (suitable) chỉ ra một việc hoàn toàn là một sự thu hút, như Bắc Cực “giống như” Nam cực vậy. Người nầy không có người kia là bất toàn [Elwell, Evangelical Commentary on the Bible, Electronic Ed]. Hãy tìm một người nữ nào thích hợp để bổ sung cho bạn. Không những điều nầy có ý nói một người nữ biết chia sẻ với những sở thích của bạn, mà còn là một người nữ khác biệt nữa. Nếu cả hai bạn giống như nhau, một trong hai bạn là không cần thiết.
Đức Chúa Trời dựng nên hết thảy chúng ta là những cá nhân. Thế rồi Ngài dựng nên phân nửa chúng ta là nam giới và phân nửa kia là nữ giới. Rồi Ngài dựng nên hôn nhân. Trừ phi bạn nghĩ đây là một trò đùa thực tế trong vũ trụ, Ngài phải có một lý do. Một cách giải thích, ấy là Đức Chúa Trời muốn thách thức chúng ta phải thay đổi và lớn lên với vóc dạc đầy đủ nhất trong vai trò con người.
Và không có một phòng thí nghiệm nào tốt hơn hôn nhân để giúp nhau thực hiện điều đó [Preaching Today Citation. Jay Kesler, Marriage Partnership, Vol. 7, no. 3]. Hôn nhân dạy cho bạn lòng trung thành, kiên nhẫn, tự kềm chế, dịu dàng, và nhiều việc khác nữa mà bạn không cần tới nếu bạn sống độc thân [Preaching Today Citation. Jimmy Townsend, Marriage Partnership, Vol. 5, no. 1]. Tính xung khắc là một trong những mục đích của hôn nhân! Socrates đã nói điều nầy rất rõ: “Kết hôn bằng bất cứ phương tiện nào; nếu bạn có một người vợ đảm đang, bạn sẽ sống hạnh phúc. Nếu bạn có một người vợ tệ bạc, bạn sẽ trở thành một triết gia” [Preaching Today Citation. Socrates. Leadership, Vol. 17, no. 4].
Trong 2.19-20, Môise viết: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời, rồi dẫn đến trước mặt A-đam đặng thử xem người đặt tên chúng nó làm sao, hầu cho tên nào A-đam đặt cho mỗi vật sống, đều thành tên riêng cho nó. A-đam đặt tên các loài súc vật, các loài chim trời cùng các loài thú đồng; nhưng về phần A-đam, thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết”. Trong 2.19, Đức Chúa Trời mời A-đam nghiên cứu các loài thú đồng. A-đam đặt tên cho những con thú có ý nói rằng ông đã nghiên cứu bổn tánh của chúng. Tên trong thế giới thời xa xưa là những phần mô tả. Sự việc cho thấy giống như A-đam đang tìm cách xem coi có con thú nào khả dĩ có thể làm bạn với ông hay không vậy [Michael Eaton, Genesis 1-11 (Kent, England. Sovereign World, 1997), 56]. Phân đoạn Kinh thánh gốc không nói rằng A-đam đặt tên cho từng con thú. Rõ ràng là ông đã đặt tên cho nhiều loại khác nhau mà Đức Chúa Trời đã đưa tới trước mặt ông. Phần hành nầy chứng tỏ uy quyền của A-đam đối với các loài thú đồng và tính khác biệt giữa con người và thú vật. Ông biết rõ nhu cần của bản thân mình cần một người bạn khi ông đặt tên các tạo vật nầy.
Ở 2.21-22, Đức Giêhôva làm thoả mãn nhu cần của A-đam: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam”. Phân đoạn nầy như nói: “Đức Chúa Trời đã dựng nên người nam rồi phán: ‘Ta có thể làm tốt hơn thế nữa’ rồi kế đó đã dựng nên người nữ”. Điều nầy đem ý nghĩa mới cho cụm từ “phân nửa tốt hơn của chúng tôi”. Thực vậy, khi Đức Chúa Trời bắt đầu một quan hệ mới với ai đó, trước tiên Ngài khiến cho người đó phải ngủ mê (đối chiếu 15.12; 28.11). Hiển nhiên là Ngài làm vậy để bảo đảm cho người nhận rằng việc riêng của người chẳng có phần gì khi nhận lãnh nó. Đây hoàn toàn là tặng phẩm của ân điển Đức Chúa Trời. Quả thực, đây là một sự nhắc nhớ rất quan trọng rằng Đức Chúa Trời có thể hoàn tất công việc tốt đẹp nhất của Ngài khi chúng ta ngủ mê.
Đức Chúa Trời “làm nên” (sát nghĩa, “dựng nên”) người nữ từ xương sườn của người nam [Ở chỗ khác từ nầy khi xuất hiện trong Cựu Ước được dịch là “sườn”]. Tôi thích câu Matthew Henry (1662-1714) đã nói: “…người nữ được dựng nên từ chiếc xương sườn lấy ra từ hông của A-đam; chớ không phải lấy ra từ đầu để cai trị trên ông, cũng không lấy từ chân ông để bị ông chà đạp, nhưng lấy ra từ sườn để tương xứng với ông, dưới cánh tay ông để được bảo hộ, và gần trái tim ông để được yêu thương” [Matthew Henry, Commentary on the Whole Bible (London. Marshall Brother, n.d.)]. Câu nói nầy đem lại một ý nghĩa mới cho từ ngữ “xương sườn chính”.
A-đam đáp ứng với mọi sự nầy như thế nào? “A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có. Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt” (2.22-23). Tôi thích cách bản dịch RSV chỉ ra phần đáp ứng lúc đầu của Adam: “Rốt cuộc”. Trong cách diễn đạt nầy, có một sự pha trộn các thứ khuây khoả, xuất thần, và ngạc nhiên thích thú. Khi A-đam khám phá ra Đức Chúa Trời đã tiếp trợ cho ông với một người bạn giống như ông, chớ không giống như một trong các loài thú khác, ông vui mừng khôn xiết. A-đam giờ đây so với bản thân mình! (Xin lỗi vì chơi chữ). Ông đã nhận lấy người bạn đời của mình như tặng phẩm tốt lành của Đức Chúa Trời ban cho ông vì ông tin cậy vào sự khôn ngoan, sự nhơn từ và sự ngay thẳng của Đức Chúa Trời.
Tương tự thế, thật là quan trọng cho từng người chồng người vợ phải cảm tạ khi nhận lãnh người bạn đời mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta như là sự tiếp trợ tốt đẹp nhất của Ngài cho chúng ta. Khi làm vậy, chúng ta phải nhận biết và tin cậy vào sự nhơn từ của Đức Chúa Trời. Những khác biệt của người bạn đời của chúng ta là những việc tốt lành mà Đức Chúa Trời mang lại cho chúng ta hầu cho Ngài sẽ sử dụng như những công cụ để nắn đúc chúng ta thành hạng người mà Ngài muốn chúng ta phải trở thành. Thất bại không chấp nhận người bạn đời của một người là một tặng phẩm tốt đẹp đến từ Đức Chúa Trời yêu thương dẫn tới nhiều nan đề trong hôn nhân và không làm tròn mục đích và chương trình của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân. Thất bại ấy chỉ ra sự chối bỏ Đức Chúa Trời và sự tiếp trợ của Ngài cho đời sống của một người. Nó cũng chỉ ra sự vô tín, sự bất tuân, và không đẹp lòng với bổn tánh của Đức Chúa Trời. Người bạn đời của bạn cần sự tiếp nhận vô điều kiện của bạn.
Những lời nói đầu tiên về lịch sử của con người không phải là tiếng cằn nhằn của người Neanderthal mà là thơ văn [Baylis, From Creation to the Cross, 42]. Khi A-đam nói rằng người nữ là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (2.23) ông đang đưa ra sự tương xứng về “sự yếu đuối và sức lực” của chúng ta. Một trong những ý nghĩa của động từ nằm ở đàng sau danh từ “xương” là phải “mạnh lên”. Mặt khác, “thịt” tiêu biểu cho sự yếu đuối nơi một con người.
Người nam phải lìa cha mẹ (là điều mà A-đam không có!) rồi dính díu với vợ mình. Người nam chịu trách nhiệm về việc trung thành ấy. Điều nầy ám chỉ sự trung tín, thường trực, và lòng trung thành là trách nhiệm nơi phần của người nam. Ở chỗ khác trong Cựu Ước đây là những giới hạn trong giao ước. Khi Israel quên giao ước của Đức Chúa Trời, Israel đang “lìa khỏi” Ngài. Và khi Israel sống vâng phục đối với giao ước của Đức Chúa Trời, Isarel đang “dính díu” với Ngài. 2.24 nói rồi, hôn nhân là một giao ước phải được sử dụng theo kỷ thuật của giao ước.
Lìa khỏi và dính díu có lẽ có ý nói tới cả hai sự phân rẽ và kết hiệp về tâm lý và về phần xác dưới những điều kiện thông thường. Một đôi vợ chồng mới cưới là khôn ngoan khi thiết lập sự độc lập tương đối với cả hai bên bố mẹ — về tình cảm, về thuộc thể, về tài chính, và trong các phương thức khác nữa. Hai vợ chồng cũng cần phải thiết lập sự ký thác với nhau. Dính díu giống với việc đan hai sợi chỉ vào một mãnh vải mới. Từ ngữ chỉ ra ý tưởng về tình cảm và sự thường trực. Trong hôn nhân, những ưu tiên một của người chồng đang thay đổi. Trước kia, họ sống chủ yếu với cha mẹ mình, còn giờ đây họ sống chủ yếu với vợ của mình [Dr. Thomas L. Constable, Notes on Genesis (http.//www.soniclight.com)]. Hỡi những người làm chồng, sự thành công về mặt thuộc linh của các ông sẽ nương vào khả năng trưởng dưỡng mối hôn nhân của mình đấy.
Chương 2 kết thúc với câu sau đây: “Vả, A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng, mà chẳng hổ thẹn” (2.25). Đỉnh cao của sự sáng tạo là điều nầy: người nam và vợ mình cả hai đều trần truồng. Thật là thích hợp dường bao!
Tình trạng trần truồng của A-đam và Ê-va không những mô tả bề ngoài phần xác thịt không có quần áo của họ. Tình trạng ấy cũng ám chỉ sự hoà hợp theo phần xác và phần tâm lý và sự trong sáng đã tồn tại trong mối quan hệ của họ. Về phần xác, họ trần truồng; họ đã chia sẻ công khai với nhau phần thân thể của họ. Về mặt tâm lý, họ không thấy xấu hổ; họ chẳng giấu gì với nhau cả. Họ hoàn toàn ở trong tình trạng thoải mái với nhau mà chẳng chút sợ hãi gì về sự khai thác của điều ác. Sự trong sáng sẽ tăng lên với lòng tin cậy, phó thác, và tình bạn. Nó gồm cả việc truyền đạt những gì chúng ta biết, suy nghĩ, cảm nhận, rồi sống với người mà ta chọn lựa. Tuy nhiên, chúng ta không còn trong sáng với ai đó khác, chỉ với người biết phó thác với chúng ta. Một người trong sáng là một người cởi mở và dễ bị xâm hại [Constable, Notes on Genesis, 43]. Các câu 18-25 dạy chúng ta rất nhiều về hôn nhân.
1. Đức Chúa Trời đã thiết lập hôn nhân. Mọi cuộc hôn nhân đều rất quan trọng: cuộc hôn nhân của tôi, của bạn, và của bạn bè, người lân cận, và các thuộc viên trong Hội thánh.
2. Đức Chúa Trời đã dự trù hôn nhân phải là một vợ một chồng (chớ không phải đơn diệu, buồn tẻ). Một người nữ đã bổ sung cho A-đam (đối chiếu Mathiơ 19.8).
3. Đức Chúa Trời đã dự trù hôn nhân phải có sự giao hợp giữa hai người khác giới. Hôn nhân là một người nam và một người nữ!
4. Hôn nhân gồm cả sự kết hợp về phần xác (đối chiếu Mathiơ 19.4-5). Trong phạm trù của hôn nhân, tình dục phải được thưởng thức cho đủ sự đầy trọn nhất của nó. Ngày nay người thế gian muốn tin rằng họ đã phát minh ra tình dục và Đức Chúa Trời chỉ tìm cách ngăn trở tình dục mà thôi. Nhưng tình dục, tách ra khỏi Đức Chúa Trời, thì chẳng còn có ý nghĩa gì nữa cả. May mắn thay, chúng ta không nói về tình dục nhiều trong Hội thánh, nhưng mọi chỗ khác đều nói. Lý do tốt nhất cho Hội thánh phải nói về tình dục là vì Kinh thánh nói như thế.
5. Người chồng phải là đầu của người vợ. Đức Chúa Trời đã dựng nên A-đam trước Ê-va, và Ngài dựng nên Ê-va cho A-đam (đối chiếu I Côrinhtô 11.8-9; I Timôthê 2.13). Đức Chúa Trời dự trù người chồng phải là đầu của gia đình.
6. Một người nữ có thể là người trọn vẹn mà chẳng có con cái. Chức năng cơ bản của nàng trong hôn nhân là phụ giúp và bổ sung cho chồng của mình, chớ không phải để sanh con cái.
Nếu có một việc chúng ta tiếp thu từ Sáng thế ký 1-2 thì đó là điều nầy: Đức Chúa Trời đã dựng nên và đã sửa soạn thế gian vì ích cho chúng ta. Đức Chúa Trời ao ước và trông mong chúng ta biết tận hưởng mọi sự mà Ngài đã dựng nên cho chúng ta. Ngày nay, bạn sẽ tỏ ra thái độ biết ơn đối với Đức Chúa Trời vì những sự ban cho tốt lành mà Ngài đã ban phước cho bạn không? (Giacơ 1.17)
A-đam đã sử dụng “top ten” sau đây:
10. “Em biết không, em là người duy nhứt dành cho anh đấy!”
9. “Em có thường đến đây không?”
8. “Hãy tin anh, sống là như thế đấy!”
7. “Em ơi, hãy nhìn quanh xem. Tất cả những gã khác ở quanh đây đều là thú vật cả đấy thôi!”
6. “Anh cảm thấy em là một phần của anh!”
5. “Em yêu, em được dựng nên từ anh đấy!”
4. “Tại sao em không đến chỗ của anh và chúng ta sẽ đặt tên cho một vài con thú?”
3. “Em là cô gái trong giấc mộng của anh!” (Sáng thế ký 2.21)
2. “Anh thích một cô gái nào không phiền mình là chiếc xương sườn!”
1. “Em là con ngươi của mắt anh!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét