Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Gen 13.5-18: "Câu chuyện nói tới hai người"



"Câu chuyện nói tới hai người"

(Sáng thế ký 13.5-18)
Cách đây gần 200 năm, có hai anh em người Tô cách Lan tên là John và David Livingstone. John đã hướng tâm trí mình vào việc tìm kiếm tiền bạc rồi trở nên giàu có, và ông đã giàu có. Nhưng ở dưới cái tên của ông là một ấn bản xưa quyển Tự Điển Bách Khoa Britannica, John Livingstone được liệt kê ra là “anh của David Livingstone” (1813-1873). Trong khi John đã dâng mình vào việc kiếm tiền, David đã đầu tư đời sống mình trong vai trò một giáo sĩ ở châu Phi. Ông quyết tâm: “Tôi sẽ không đặt một giá trị nào vào việc gì tôi đang có hay sở hữu, trừ phi đó là mối quan hệ với Nước Đức Chúa Trời”. Bia đề tặng trên mộ của ông ở Westminster Abbey ghi như sau: “Trong ba mươi năm cuộc đời của ông đã tiêu pha trong một nổ lực truyền giáo không mệt mỏi” [Preaching Today Citation. Billy Graham in Breakfast with Billy Graham. Christianity Today, Vol. 41, no. 6]. Hai người…hai anh em, tuy nhiên, cả hai đã sống loại đời sống rất khác biệt.
Trong Sáng thế ký 13.5-18, chúng ta sẽ nhìn vào đời sống của hai nhân vật, Ápram và Lót, hai thành viên trong gia đình đã sống loại đời sống rất khác biệt. Mười ba chương trong sách Sáng thế ký đã được dành để nói tới đời sống và thời thế của Ápram; trong những chương nầy, có năm chương thuật lại câu chuyện nói tới Lót, cháu của Ápram. Không giống như câu chuyện của Ápram, câu chuyện Lót mô tả sự thất bại hoàn toàn. Tại sao có nhiều chỗ được dùng để nói cho chúng ta biết về thảm hoạ của Lót như thế chứ? Đời sống của ông đã là một đối ngược lại với đời sống của Ápram. Lót tiêu biểu cho cách ăn ở theo kiểu mắt thấy, đang khi đời sống của Ápram tiêu biểu cho cách ăn ở theo đức tin. Lót tìm kiếm một thành xây bằng hai bàn tay của con người; Ápram tìm kiếm một thành mà thợ xây dựng chính là Đức Chúa Trời (Hêbơrơ 11.10). Lót thất bại. Ápram thành công. Trong cả hai đời sống, chúng ta thấy những bài học cụ thể có quan hệ tới những vật vã của chúng ta ngày hôm nay [Ed Dobson, Abraham. The Lord Will Provide (Grand Rapids. Fleming H. Revell, 1993), 33]. Tiểu đoạn Kinh thánh nầy bày ra ba nguyên tắc sẽ giúp cho chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ không phải bởi mắt thấy (II Côrinhtô 5.7). Nguyên tắc thứ nhứt là …
1. Liệu định những cuộc xung đột cách khôn khéo và giàu ơn (13.5-9). Ở 13.5-7, Môise viết: “Vả, Lót cùng đi với Áp-ram, cũng có chiên, bò, và trại. Xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung, vì tài vật rất nhiều cho đến đỗi không ở chung nhau được. Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, xảy có chuyện tranh giành của bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót”. Giống như Ápram, đã trở nên giàu có trong xứ Ai cập (đối chiếu 13.2, 5). Không nghi ngờ chi nữa, Bác Ápram đã chúc phước Lót với một số quà tặng mà ông đã nhận được từ tay Pharaôn (đối chiếu 12.16). Có thể hành động rời rộng nầy đã xoa dịu một số tội lỗi của ông ta trong việc cách ly vợ của Ápram là Sarai (12.10-15). Dù sao đi nữa thì cả Ápram và Lót đều “ăn ở rộng rãi”. Thực vậy, “của cải” của họ đã trở nên rất nhiều đến nỗi họ không còn ở chung với nhau được nữa [Sailhamer bình luận: “Câu chuyện nầy được lèo lái bởi lẽ đạo nói tới sự ‘tranh giành’ và được nắn đúc quanh sự ‘phân rẽ’ (parad các câu 9, 11, 14) là kết quả từ sự tranh giành ấy. Ở phần kết của câu chuyện là câu nói thứ hai về ‘lời hứa’ (các câu 14-17). Giống như câu nói đầu tiên về ‘lời hứa’ có trước đó bởi sự Ápraham phân rẽ ra khỏi các dân (parad 10.32) và nhà cha mình (12.1), cũng vậy, câu nói thứ hai về ‘lời hứa’ được đặt trong nội dung sự Ápraham phân rẽ (parad) khỏi người thân cận nhất của mình, là Lót (13.14). Không phải là không có mục đích mà câu nói về ‘lời hứa’ đến ngay tức khắc sau khi ông bày tỏ sự bằng lòng chịu phân rẽ ra khỏi con trai duy nhứt và là kẻ kế tự của mình, là Y-sác” (22.15-18). John H. Sailhamer, Genesis. EBC (Grand Rapids. Zondervan), Electronic ed]. Quan điểm nầy đã được lặp đi lặp lại hai lần ở 13.6-7 để chỉ ra tầm quan trọng. Sự giàu có của Ápram và Lót bao gồm các bầy chiên và bầy gia súc. Là bộ tộc du mục, họ phải đi đây đi đó liên tục tìm kiếm đồng cỏ cho bầy chiên và bầy gia súc của họ. Khi đất đai có người chiếm ở rồi, không còn có nhiều đồng cỏ để chọn lựa nữa. Kết quả là, bọn chăn chiên của mỗi người đã tìm kiếm nước cùng đồng cỏ tốt nhứt cho bầy súc vật của chủ họ. Cuộc tranh giành nầy dẫn tới xung đột không thể tránh được (đối chiếu Giacơ 4.1-3). Kết quả là, chiến tranh — loại bối cảnh phim về miền tây hoang dã mà chúng ta rất quen thuộc với. Việc duy nhứt không có là nền nhạc của Gene Autry — “Ôi, hãy cung ứng cho tôi một chỗ để bọn chăn bầy của chúng tôi có thể đi dông dài” [R. Kent Hughes, Gensis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 199].
Trong ba câu nầy, hai lẽ thật của Kinh thánh rất rõ ràng: Thứ nhứt, chúng ta sẽ sở hữu nhiều sự giàu có nếu những sự giàu có không sở hữu chúng ta. [See W.H. Griffith Thomas, The Pentateuch (Grand Rapids. Kregel, 1985), 42]. Tôi biết có nhiều Cơ đốc nhân giàu có sống thấp hơn những gì họ có và sử dụng sự giàu có của họ để giúp đỡ cho tha nhân và phục vụ Nước của Đức Chúa Trời. Chẳng có gì sai với việc làm giàu, bao lâu bạn không lệ thuộc vào những gì Đức Chúa Trời ban cho bạn. Thứ hai, sự giàu có sẽ là một phước hạnh và là một sự rủa sả nơi đời sống của một người. Chúng ta có thể hiểu rõ và thưởng thức phước hạnh của sự giàu có, nhưng chúng ta thường quên rằng có nhiều tiền bạc tương đương với nhiều nan đề. Một trong nhiều lý do là tiền bạc có thể làm phân tán gia đình.
Ở 13.7a, có một cụm từ rất quan trọng nằm trong dấu ngoặc đơn: “Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ”. Phần nầy cho thấy rằng cuộc xung đột giữa Ápram và Lót nằm trong sự thể hiện đầy đủ trước mặt dân Canaan và dân Phê-rê-sít [Sau khi phần làm chứng của Ápram bị vấp ngã trong xứ Ai cập (Sáng thế ký 12.10-20), ông mới quyết định rằng ông sẽ không để cho trò hề nầy xảy ra một lần nữa. Ông quay trở lại với việc “giải cứu nhiều linh hồn” (Xem bài giảng về Sáng thế ký 12.5)]. Dầu bạn có biết rõ việc nầy hay không, những người chưa tin Chúa đang quan sát lối sống của bạn, bạn đang đối xử với người bạn đời cùng con cái của bạn như thế nào, bạn xử sự ra sao — nơi sở làm, trên đường phố, khi bạn bị căng thẳng, khi bạn nghĩ chẳng có ai nom thấy. Và những gì họ trông thấy sẽ kéo họ đến với Đức Chúa Jêsus Christ hoặc làm cho họ phải khó chịu. Buồn thay, có nhiều người không bao giờ nghe điều bất cứ tín đồ nào nói vì những gì một số tín đồ đang sinh sống (xem I Phierơ 2.12; Philíp 2.14-16).
Hai phụ nữ Cơ đốc đã tham gia vào cùng một chức vụ. Họ đã xử sự giống như chó và mèo vậy. Người nầy luôn luôn muốn cánh cửa sổ mở; người kia thì muốn cánh cửa phải đóng lại. Người nầy nói: “Tôi cảm thấy mình như sắp nghẹt thở ở đây vậy!”. Người kia thì nói: “Tôi sắp chết vì lạnh đấy!” Sau cùng, một người đồng sự bước đến với một lời đề nghị: “Sao không giữ cánh cửa cứ đóng lại cho đến khi một trong hai người sẽ chết vì ngạt thở, rồi cứ mở cửa ra cho tới chừng nào người kia chết vì cúm lạnh. Khi ấy chúng tôi ở quanh đây sẽ thấy được sự bình an!” [John Phillips, Exploring Genesis (Neptune, NJ. Loizeaux Brothers, 1992), 122].
Chúng ta bật cười khi nghe câu chuyện nầy, nhưng nó rất thực trong cuộc sống. Khi Cơ đốc nhân có những sự tranh cãi, sự tranh cãi ấy gây tổn thương cho phần làm chứng nói về Chúa. Ngay đêm trước sự chết của Ngài, Chúa Jêsus đã cầu nguyện rằng dân sự của Ngài sẽ là một để thế gian sẽ chịu tin theo (Giăng 17.20-23). Khi chúng ta bày tỏ ra sự hiệp một trong thân của Đấng Christ, thế gian buộc phải nhìn vào Đấng Christ và Hội thánh (Giăng 13.34-35). Khi chúng ta không tỏ ra được sự hiệp một ấy, thế gian sẽ khước từ.
Khi đối mặt với mối hận gia đình nầy, Ápram nói với Lót ở 13.8-9: “Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa [Constable viết: “Lót có thể đóng vai trò kẻ kế tự của Ápram một khi Sarai còn son sẻ. Ông là một chi thể trong gia đình của Ápram và là người thân thuộc (cháu ruột). Có lẽ Ápram đã xem Lót lúc bấy giờ là kẻ kế tự qua ông Đức Chúa Trời sẽ làm ứng nghiệm mọi lời hứa của Ngài” Dr. Thomas L. Constable, Notes on Genesis http.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/Genesis.pdfhttp.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/Genesis.pdf, 2004), 126]. Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên tả, ta sẽ qua bên hữu; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả”.Trong hai câu nầy, chúng ta học biết cách xử sự rất hay về lối giải quyết thích ứng sự xung đột.
Thứ nhứt, người tin Chúa phải tìm cách giải quyết cuộc xung đột (xem Mathiơ 5.23-24). Ápram đã đưa ra sáng kiến để giải quyết cuộc xung đột với Lót. Ápram có thể nói: “Hỡi Lót, bây giờ hãy nhìn đây, đất nầy thuộc về ta. Đức Chúa Trời đã hứa ban nó cho ta, chớ không hứa cho ngươi đâu. Ngươi sẽ phải cút đi thôi”. Thay vì thế, ông đã nhượng quyền của mình và hy sinh mọi lợi ích của mình (Philíp 2.1-11). Tương tự vậy, nhượng bộ quyền hạn cá nhân của mình là trách nhiệm của chúng ta. Phương thức vô tín, biếng nhác là để cho cuộc xung đột cứ nổi lên và ngày càng tệ hại hơn [Michael Eaton, Preaching Through the Bible. Genesis 12-23 (Kent, England. Sovereign World, 1999), 39]. Tuy nhiên, Kinh thánh nói rất rõ ràng; khi có một sự xung đột với một anh chị em nào, chúng ta phải đưa ra sáng kiến. Đời sống đức tin gồm có việc học cách sống với các anh chị em.
Với sự dạy ấy, có những lúc khi các anh chị em phải phân rẽ vì cớ sự bình an (xem Công vụ các sứ đồ 15.39) [Bruce K. Waltke, Genesis. A Commentary (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 221]. Ở mặt nầy của thiên đàng, những người tin Chúa sẽ không luôn luôn nghinh đố nhau đâu. Vì vậy, có những cơ hội mà ở đó chia tay là điều rất thích hợp. Thí dụ, trong một Hội thánh địa phương, nếu có những cách xử sự hay ý kiến không thể giải quyết được, thì rất thích nghi cho một thuộc viên phải ra đi vì cớ sự hoà thuận. Chúng ta phải “dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh” (Êphêsô 4.3) [Leupold nói: “Tình trạng có một không có hai sẽ được áp dụng hay nhất là bằng cách chia ra, để cho người nào không thể đồng ý đi theo một con đường khác. Tất nhiên, lối hành động nầy cần phải được áp dụng sau một thời gian bỏ ra trong sự nghiên cứu các vấn đề trong bàn bạc theo ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời, và chỉ trong tình yêu thương Cơ đốc mà thôi. Tuy nhiên, những nguyên tắc khác, đang dẫn tới những lối hành động khác, và người nào giữ theo các nguyên tắc khác, nếu họ cần phải trung thành với ánh sáng mà họ đang tin là họ có, phải đi theo con đường khác trong sự phục vụ Chúa (đối chiếu Mác 9.40; Mathiơ 12.30).” Quoted by S. Lewis Johnson].
Thứ hai, những người tin Chúa nên tỏ ra thái độ dịu dàng. Lời lẽ của Ápram nói với Lót rõ ràng là rất dịu dàng. Hai lần Ápram nói: “Xin” (sát nghĩa: “Ta nài ngươi”). Khi ấy ông nhắc tới tình bà con cốt nhục của họ — “vì chúng ta là cốt nhục”. Không giống như Cain, Ápram đã tin mình là người giữ em mình (đối chiếu 4.9). Ông không có thái độ giận dữ hay bảo thủ nào như Lót đã có và ông đã từ chối không cãi cọ. Giờ đây bạn không thể có một cuộc tranh chấp nếu một người từ chối không tham gia vào đó. Cuộc cãi cọ đưa hai người tới chỗ lộn xộn. Tôi luôn luôn thích môn quyền anh và phim hành động. Rồi khi tôi lớn lên, tôi luôn luôn muốn đánh bốc hay đấu vật với em của tôi là Tim. Rủi thay cho tôi …và may thay cho Tim, nó luôn luôn từ chối. Tôi ghét như vậy lắm! Không có việc gì rầu rỉ hơn là khi muốn có một cuộc đánh đấm, chỉ khám phá ra người kia không chịu đánh. Nguyện chúng ta noi theo những dấu chơn của Ápram và Tim rồi từ chối không đánh đấm hay tranh luận. Thay vì thế, nguyện chúng ta biết bày tỏ ra thái độ dịu dàng với mục tiêu hiệp một [Đối chiếu Thi thiên 133; Mathiơ 5.5, 9; Rôma 12.10; Philíp 2.1-15; Hêbơrơ 12.14].
Thứ ba, người tin Chúa nên chờ đợi nơi Đức Chúa Trời. Khi đối diện với những hoàn cảnh đầy lo toan dường như đang kêu gào cần có một hành động ngay lập tức, phản ứng đầu tiên của Ápram là không làm gì hết. Ông chỉ chờ đợi. Ông tin tưởng rằng Đức Chúa Trời không bao lâu nữa sẽ làm cho đường lối Ngài ra rõ ràng [Phillips, Exploring Genesis, 121]. Nhơn cơ hội nầy, Ápram đã từ chối không ra tay nắm lấy mọi vấn đề (đối chiếu 12.10-20). Thay vì thế, ông đã trao mọi hoàn cảnh của mình vào trong hai bàn tay đầy khả năng của Đức Chúa Trời.
Tôi thấy rằng Ápram vốn có một lòng tin rất lớn vì ông biết rõ, bởi đức tin, bất chấp Lót chọn điều gì, Đức Chúa Trời sẽ làm ứng nghiệm những lời hứa giao ước của Ngài trong chính đời sống của ông. Tôi thích như thế quá! Ápram không nhắm vào cuộc sống bằng cách trở thành người số một. Không! Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã tôn cao ông vì ông biết đặt lợi ích của người khác trên lợi ích của mình (xem Philíp 2.3-11) [Sailhamer viết: “Ngay cả mọi chương trình của các nước đều tỏ ra là thích ứng với ý chỉ của Đức Chúa Trời dành cho dân sự Ngài. Không một điều gì có thể đứng ngăn trở trên con đường hứa hẹn của Đức Chúa Trời với Ápraham. Cũng chính quan điểm nầy được phản ảnh trong câu chuyện lại thấy có trong sách tiên tri sau nầy. Trong Êsai 45, vị tiên tri mô tả sự chổi dậy của Vua xứ Ba tư là công việc của chính tay Đức Chúa Trời. Mọi chương trình và chiến dịch quân sự của Cyrus chỉ có một mục đích, theo Êsai. Mục đích, ấy là dân sự của Đức Chúa Trời, là Israel phải quay trở lại và cư ngụ an toàn trong Đất Hứa. ‘Người sẽ lập lại thành ta, và thả kẻ bị đày của ta’ (Êsai 45.13).” Sailhamer, Genesis. EBC, Electronic ed]. Hướng nhắm duy nhứt của thế gian là tìm cách trở thành người số một. Còn đường lối của Đức Chúa Trời là tìm kiếm người số một và trở làm nguồn phước cho nhiều người khác.
Người nào thực sự tin theo những lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ sống rộng lượng với của cải của họ. Bạn không phải lo lắng về sự “mất mát” nếu nhiều người khác được phước. Vì vậy, hãy sống thật rộng lượng! Hãy giúp cho nhiều người khác được thành công! Đức Chúa Trời sẽ nhìn thấy loại đức tin giống như Đấng Christ và bạn sẽ được ban thưởng! Khi bạn đối diện với những hoàn cảnh đầy rối rắm giống như Ápram, đừng làm việc gì hấp tấp cả. Chỉ chờ đợi thôi. Đừng làm gì hết. Hãy gạt việc cãi cọ ấy qua một bên đi. Đúng kỳ, Đức Chúa Trời sẽ tỏ đường lối ra cho bạn thấy.
[Bạn và tôi cần phải biết vận dụng những xung đột của chúng ta cách khôn khéo và giàu ơn. Chúng ta cũng phải …]
2. Nhận định cuộc sống từ một quan điểm đời đời (13.10-13). Trong bốn câu kế đó, chúng ta có một sự đối chiếu cụ thể giữa Ápram và Lót. Môise viết: “Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Đức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa [Sailhamer viết: “Khi câu chuyện tiếp tục, Xoa là thành phố mà Lót phải trốn chạy vào đó để được an toàn tránh sự hủy diệt của Sôđôm và Gômôrơ (19.22). Trong sự Lót lựa chọn một đất ‘ở hướng đông’ ‘giống như vườn của Đức Giêhôva’, chúng ta có thể nhìn thấy trước khi tham khảo đến kết quả cuối cùng của Xoa trong sự lựa chọn đó”. Sailhamer, Genesis EBC, Electronic ed]; đồng cỏ cũng như vườn của Đức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy. [Phần mô tả của Môise về đồng bằng Giôđanh tương tự như xứ Ai cập (Sáng thế ký 13.10) đã cảnh cáo các độc giả Israel trong Sáng thế ký chống lại sự ước ao muốn quay trở lại xứ Ai cập (đối chiếu Xuất Êdíptô ký 16.3; Dân số ký 11.5; 14.2-3). See Constable, Notes on Genesis, 127]. Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh và đi qua phía Đông [Đây là bước đầu tiên trong bảy bước đi xuống của Lót (Sáng thế ký 13.11, 12; 14.12; 19.1, 8, 14, 33) — những bước dẫn tới sự hủy diệt thuộc linh. Ronald F. Youngblood, The Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1991), 154]. Vậy, hai người chia rẽ nhau. Áp-ram ở trong xứ Ca-na-an, còn Lót ở trong thành của đồng bằng và dời trại mình đến Sô-đôm. Vả, dân Sô-đôm là độc ác và kẻ phạm tội trọng cùng Đức Giê-hô-va”. [Mỗi phút cách xa khỏi Đức Chúa Trời trong Sáng thế ký được chỉ rõ khi hướng về phía Đông, 3.24; 4.16; 11.2]. Thế là họ đã chia tay nhau. Ápram đến định cư trong xứ Canaan, trong khi Lót định cư tại các thành trong đồng bằng, rồi cứ dời trại mình đi xa đến Sôđôm. Lúc bấy giờ dân Sôđôm sống rất độc ác [Cách sử dụng từ “độc ác” theo thể số nhiều cung ứng mối quan hệ tới câu chuyện nước lụt trước kia (6.5 và 8.21). Cách sử dụng số nhiều khẳng định mục tiêu cho cả hai phân đoạn — toàn bộ thế hệ đều hư hoại. Hơn nữa, ở cả hai nơi sự đồi bại đều bị quét sạch (6.12-13 và 13.10) bởi một tai hoạ (các chương 7 và 19), và ở cả hai nơi, một người và gia đình của người đã được cứu. See Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 2002 [1988]), 287] và là hạng tội nhân chống nghịch ĐỨC GIÊHÔVA. Là cha của ba đứa con nhỏ, tôi có thể tán thành những gì nằm trong tầm mắt của Lót khi ông khảo sát đất. Mấy đứa con của tôi đều làm việc cho Phòng tiêu chuẩn đo lường. Hôm qua, vợ tôi đang làm bánh chuối khi một trong mấy đứa con tôi nói: “Con muốn phần lớn nhất”. Tất nhiên, đứa con khác cũng phát lên cùng một câu nói đó. Bất luận những dị biệt có khác đến đâu đi nữa, con cái của tôi biết ngay là cái ly, mẫu bánh nào là to nhất [Tôi thường cho con cái tôi 1USD khi tôi dùng chúng làm một minh hoạ, thích ứng với tánh tham của chúng, chúng sẽ chẳng phải trả giá gì về hành động của chúng]. Cũng cái nhìn ấy, nó rõ ràng trong hai con mắt của Lót [Ý tưởng cơ bản cho minh họa nầy là từ Bob Deffinbaugh, Genesis. From Paradise to Patriarchs. “Bài 14. Lót đang tìm cách trở thành nhân vật số một. Sáng thế ký 13.5-18” ( http://www.bible.org/, 1997), 2]. Ông nhìn thấy đồng bằng Giô-đanh là tươi tốt, xanh mượt, rộng lớn, và có nước tưới …giống y như vườn của Đức Giêhôva và xứ Ai cập. Đây là giấc mơ của một tay thiết kế điền trang hiện đại! Đây là một nơi mà Lót có thể thêm vào sự giàu có và uy thế của mình.
Khi Lót đi đường mình rồi, tôi tin ông tự vỗ về lưng của mình khi xây khỏi người bác già của ông. Ông bác ấy đã nhũng não khi nhường cho Lót một cơ hội như vậy, và Lót đã mau mắn đủ để nắm lấy nó. Có lẽ Lót suy nghĩ: “Bác Ápram đã có nhiều hơn mình, đây chỉ là sự cân đối mọi sự mà thôi”. Hay, “Bác Ápram già rồi — bác ấy thực sự chẳng quan tâm mà. Rốt lại, bác ấy đã trao cho mình quyền lựa chọn”. Hoặc, về Sôđôm, Lót đã tự nhũ thầm: “Thứ thành phố độc ác nầy thực sự cần một chứng nhân mạnh mẽ cho Đức Giêhôva. Rốt lại, ai sẽ nói cho họ biết về Đức Chúa Trời chứ?” Hay có lẽ ông cảm thấy gia đình mình cần “soi sáng rộng rãi” một chút cho thế gian. Rốt lại, Bác Ápram chỉ lo về tôn giáo, lo xây những bàn thờ rồi kêu cầu danh Đức Giêhôva mà thôi. Bất luận sự miễn thứ hay hợp lý hoá của Lót như thế nào đi nữa, quyết định của Lót đã dựa vào những ham muốn ích kỷ của mình [Gene A. Getz, Abraham. Trials and Triumphs (Glendale, CA. Regal, 1976), 54-55].
Lót đã nhìn thấy, ông đã lựa chọn, và ông đã hành động. Điều nầy cho thấy con đường xoắn ốc dần đi xuống của tội lỗi (Giacơ 1.14-15). Chúng ta có thể thấy rõ điều nầy trong ba sự lựa chọn của Lót [Dobson, Abraham. The Lord Will Provide, 37-40]. Thứ nhứt, Lót đã tự nhận mình làm đầu kẻ khác. Kinh thánh ghi lại như sau: “Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh” (13.11a). Đúng là một câu nói để lộ ra điều bí mật! Mối quan tâm chính của Lót không phải là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, lợi ích của gia đình mình hay gia đình của Ápram, hoặc ngay cả lợi ích thuộc linh cho bản thân ông. Mối quan tâm chính của ông là: “Có cái gì trong đó cho tôi không?” Sự phân rẽ đơn giản nhất và tốt đẹp nhất đã diễn ra biến Sông Giôđanh thành đường biên giới giữa hai người. Còn gì tốt đẹp hơn phải chọn lựa một bên sông để sống và để bên kia cho Ápram? Nhưng Lót đã chọn hết phần đất ấy cho chính mình. Châm ngôn 14.12 chép: “Có một con đường coi dường chành đáng cho loài người, nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết”.
Lót “ở trong thành của đồng bằng và dời trại mình đến Sô-đôm”. Lúc đầu, Lót chỉ đóng trại mình gần Sôđôm thôi. Nhưng trong 14.12, chúng ta thấy rằng ông đã dời trại mình đến một khu đô thị trong Sôđôm. Rồi ở 19.1, chúng ta thấy ông đang ngồi nơi cổng thành như một nhà lãnh đạo của giống dân độc ác và bất kỉnh nầy! Tôi dám chắc Lót không có dự định đến sống trong các thành của đồng bằng đâu. Lúc đầu, ông chỉ đề ra một hướng chung chung mà thôi (đối chiếu 13.11). Nhưng khi hướng ấy đã được đặt ra, số phận của chúng ta đã được quyết định, vì quyết định ấy chỉ còn là vấn đề của thời gian mà thôi. Trong khi Lót sống trong trại mình lúc ban đầu (13.2), trước đó ông đã buôn bán trong trại để có một khu nhà đô thị trong Sôđôm (19.2, 4, 6). Ông đã tạm sống ở khu ngoại ô, nhưng sau cùng ông đã sống trong thành phố (19.1…) [Kinh thánh cảnh cáo chúng ta theo cách lặp đi lặp lại phải tỉnh thức về mối thoả hiệp tuột dốc như thế nầy. Phaolô viết: “Anh em chớ mắc lừa: bạn bè xấu làm hư thói nết tốt” (I Côrinhtô 15.33)]. Một số quyết định nào đó dường như rất quan trọng, nhưng chúng đề ra một con đường đặc biệt cho đời sống của chúng ta. Quyết định dường như chẳng có gì quan trọng, nhưng hậu quả sau cùng của nó có thể rất khủng khiếp và ghê gớm. Của cải vật chất sẽ không nên tìm kiếm với cái giá hư mất thuộc linh [Deffinbaugh, “Lot Looks Out for Number One,” 3].
Thứ hai, Lót đã chọn việc làm hơn gia đình của mình. Lót đã có “nhiều chiên, bò và trại” (13.5) nhưng ông không có một bàn thờ (đối chiếu 13.4). Kết quả là, ông không hỏi: “Đây có phải là một nơi xứng đáng để nuôi dạy con cái không?”Ông đã hỏi: “Đây có phải là một nơi rất rốt để nuôi trâu bò?” Ông không hỏi Đức Chúa Trời đã chọn điều chi cho ông. Ông không xem xét cái chạm mà cuộc sống trong thành phố tội lỗi sẽ có trên vợ con và trên bản thân ông. Sự chọn lựa của ông hoàn toàn được quyết định bởi sự ham muốn của xác thịt, tư dục của mắt, và sự kiêu ngạo của đời (I Giăng 2.16). Khi bạn có dự tính di dời, một trong những thắc mắc đầu tiên bạn phải đưa ra là: Liệu cuộc di dời nầy sẽ kéo tôi và gia đình tôi đến gần Đấng Christ hơn không? Trừ phi Đức Chúa Trời kêu gọi cách rõ ràng, đừng di dời cho tới chừng nào bạn tin chắc rằng có một Hội thánh tin theo Kinh thánh ở nơi bạn và gia đình bạn sẽ đến thờ lạy và thông công [Tôi giới thiệu quyển sách sau đây: Joshua Harris, Stop Dating the Church! Fall in Love with the Family of God (Sisters, OR. Multnomah, 2004)]. Bạn và con cái bạn phải tự lo liệu, phải ưu tiên một cho mối tương giao của bạn với Chúa.
Thứ ba, Lót đã chọn cái có liền hơn là tương lai. Đôi mắt của Lót đã trở thành hai cánh cửa sổ của linh hồn ông. Ông đã chọn con đường có ít đề kháng nhất. Chọn lựa như thế không có nghĩa Lót xấu xa đâu; dường như ông đã bị trôi giạt mà chẳng có cái neo nào cả. Ông đã sống cuộc sống trên mép núi, và giống như nhiều người trong chúng ta, chắc chắn là ông đã lạc đường. Khi đối diện với một quyết định khó, ông đã hành động theo cách ích kỷ [Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 75]. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy trong chương 19, đây sẽ là minh chứng lầm lỗi lớn lao nhất trong cuộc đời của Lót. Kết quả của sự lựa chọn vô ý nầy, vợ ông đã trở thành một tượng muối, hai con gái của ông đã phạm tội loạn luân với ông, và Lót, một con người công bình (II Phierơ 2.7-8), đã sống một đời sống không công bình.
Có hai thắc mắc đến với linh hồn của một người. Thắc mắc thứ nhất là: “Thiên đàng hay địa ngục?” Lót đã trả lời cho thắc mắc nầy khi ông rời xứ Mêsôbôtami mà đi theo Ápram đến xứ Canaan (đối chiếu 12.4). Thắc mắc thứ hai là: “Trời hay đất?” Lót đã trả lời cho thắc mắc thứ hai nầy khi ông chọn Sôđôm [Phillips, Exploring Genesis, 123]. Còn bạn thì sao? nếu bạn đã tin theo Đấng Christ, bạn đang có thiên đàng thay vì địa ngục, nhưng thắc mắc cho bạn hôm nay sẽ là: Bạn đang có trời hay đất (Mathiơ 6.19-20)?
[Bạn và tôi cần phải liệu định những cuộc xung đột cách khéo léo và giàu ơn và nhận định cuộc sống theo một quan điểm đời đời. Sau cùng, chúng ta cần phải …]
3. Tỏ ra lòng tin cậy nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời (13.14-18). Ở 13.14-16, Môise viết: “Sau khi Lót lìa khỏi Áp-ram rồi, Đức Giê-hô-va phán cùng Áp-ram rằng: Hãy nhướng mắt lên, nhìn từ chỗ ngươi ở cho đến phương bắc, phương nam, phương đông và phương tây: Vì cả xứ nào ngươi thấy, ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi đời đời. Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi như bụi trên đất; thế thì, nếu kẻ nào đếm đặng bụi trên đất, thì cũng sẽ đếm đặng dòng dõi ngươi vậy”.
Thật là thú vị khi thấy rằng Đức Chúa Trời không phán với Ápram cho tới sau khi Ápram đã đưa ra quyết định của mình vâng theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời phân rẽ ra khỏi nhà cha của ông (đối chiếu 12.1). Nói theo con người, việc duy nhứt đứng chặn trên con đường phước hạnh thiêng liêng là sự bất tuân của con người. Đức Chúa Trời chắc chắn dời đi hàng rào ngăn trở bằng cách bắt buộc phải phân rẽ Ápram và Lót. Ở điểm nầy, một lần nữa Đức Chúa Trời phán với Ápram và tái khẳng định mọi lời hứa của Ngài. Tôi tin rằng phần nhiều người trong chúng ta đã bỏ qua nhiều ơn phước trong cuộc sống và cơ hội để được Chúa đại dụng chỉ vì chúng ta từ chối không chịu vâng theo Lời của Ngài. Trong phần lớn các trường hợp, chúng ta bỏ qua sự dư dật của Đức Chúa Trời vì những miếng bã của thế gian.
Trước đó, Lót đã “ngước mắt lên” (13.10) và đã nhìn thấy vùng đất ở trước mặt mình bằng cặp mắt mang đầy hứa hẹn về tài chính. Ở đây, Ápram cũng đã “nhướng mắt lên” (đối chiếu Phục truyền luật lệ ký 34.1-4) và ông đã xem thấy toàn bộ vùng đất thật là xa tùy theo mọi chiều hướng. Ápram lại chẳng có kẻ kế tự. Tuy nhiên, Đức Giêhôva đã hiện ra cùng Ápram vào thời điểm nầy và tái khẳng định lời hứa về đất đai mà Ngài đã phán Ngài sẽ ban cho dòng dõi của Ápram (13.15). Đức Chúa Trời đã nhắc lại lời hứa của Ngài ban cho ông cùng dòng dõi ông tất cả vùng đất mà ông đã nhìn thấy. Lời hứa nầy còn đặc biệt hơn mọi lời hứa trước đây của Đức Chúa Trời về dòng dõi và đất đai (12.2, 7). Đây là sự khải thị lần thứ ba của Đức Chúa Trời cho Ápram. Nó chứa ba điểm rất đặc biệt.
Thứ nhứt, Đức Chúa Trời sẽ ban vùng đất ấy cho Ápram và cho dòng dõi của ông cho đến đời đời (13.15). Thứ hai, kẻ kế tự của Ápram sẽ là dòng dõi ruột của ông (dòng dõi; 13.15-16). Thứ ba, dòng dõi của Ápram sẽ đông vô số (13.16). Con số “bụi đất” chỉ ra dòng dõi theo phần xác (13.16; đối chiếu 2.7) [Những “ngôi sao” về sau được ban cho (Sáng thế ký 15.5) chỉ ra dòng dõi thuộc linh hay trên thiên đàng, thêm vào với dòng dõi theo phần xác]. Phần tham khảo đến bụi của đất là một cách nói bóng bẩy về một con số quá lớn không thể đếm đời đời, một khi nó bất khả thi đối với dân cư trên đất là không đếm được giống như những hạt bụi ở trên đất vậy.
Những ơn phước nầy đều là những tin tức tốt lành cho Ápram, nhưng rất sâu xa khi ông nhìn thấy qua thực tại. Đất đai đang chịu dưới quyền điều khiển của dân Canaan và dân Phê-rê-sít (đối chiếu 13.7). Vùng đất chăn nuôi ấy đã thuộc về Lót (đối chiếu 13.11). Ông không có một mụn con nào, Sarai vợ ông, đã luống tuổi không thể sanh con cái được nữa. Nếu tôi là Ápram, tôi sẽ thương lượng với lời hứa: “Lạy Chúa, con biết Ngài sẽ ban cho con hết cả vùng đất, nhưng Ngài có nghĩ là con sẽ nói cho dân Canaan và dân Phêrêsít biết không? Thực vậy, con sẽ rất vui với đôi ba mẫu đất. Dòng dõi giống như bụi của đất? Lạy Chúa, chỉ có một con trẻ sẽ kế tự mà thôi”. Song, không giống như con, Ápram đã tỏ ra thái độ tin cậy nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời. Thậm chí dù ông không thể nhìn thấy điều chi với hai con mắt tự nhiên, ông đã chọn bước đi bởi đức tin chớ không chọn bước đi bởi mắt thấy (II Côrinhtô 5.7).
Sau khi tái khẳng định các lời hứa lớn lao nầy, Đức Chúa Trời đã phán với Ápram: “Hãy đứng dậy đi khắp trong xứ, bề dài và bề ngang; vì ta sẽ ban cho ngươi xứ nầy” (13.17). Việc đi ngang qua xứ cho thấy đấy chỉ là một biểu tượng, một việc làm hợp pháp gắn với ý niệm đòi hỏi một mảng đất thực sự (đối chiếu Giôsuê 1.3; 24.3) [Trong vùng Cận Đông xưa kia, các đoàn quân chiến thắng đều đòi vùng lãnh
thổ bị đánh bại bằng cách đi qua đó bằng nhịp quân hành]. Ápram sẽ không chiếm lấy của cải trong xứ (Hêbơrơ 11.13-16); dòng dõi ông sẽ chiếm lấy (12.7; 15.17-21). Vì trong lúc nầy ông chưa sở hữu nó, mà chỉ nhìn xem nó với con mắt của đức tin (xem Rôma 4.20-22). Bạn có đi qua xứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho bạn chưa? Hết thảy chúng ta sống ở đâu, dù là nhà riêng hay một chung cư. Bạn đã đi qua ngôi nhà của mình rồi cầu nguyện chưa? Đây là cách mà bạn có thể nói: “Lạy Chúa, mọi sự mà Ngài đã ban cho con, đều thuộc về Ngài”.
Sáng thế ký 13 kết thúc với những câu nói nầy: “Đoạn Áp-ram dời trại mình đến ở nơi lùm cây dẻ bộp tại Mam-rê, thuộc về Hếp-rôn, và lập tại đó một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va” (13.18). Mặc dù thỉnh thoảng có thất bại, Ápram là một con người của đức tin. Ở bề mặt của những bất hoà không thể tin được, ông xây dựng một bàn thờ cho Đức Giêhôva. Bạn có biết ông nói gì khi xây dựng bàn thờ đó không? “Lạy Chúa, con không biết làm sao việc ấy đã xảy ra. Con không biết Ngài thực hiện việc ấy như thế nào. Việc ấy thật khó nghe quá. Nhưng nếu Ngài phán như thế, con sẽ xây một bàn thờ và tin cậy Ngài vì một việc khó” [Dobson, Abraham. The Lord Will Provide, 36-37]. Thú vị thay, đây là bàn thờ thứ ba mà Ápram đã xây lên, một cái ở phía Bắc (Sichem, 12.7-8), một cái ở miền trung (13.4), và giờ đây một cái ở phía nam, Hếp-rôn. Ápram đang đòi cả phần đất xứ Canaan cho Đức Chúa Trời [Eaton, Genesis 12-23, 43]. Chữ “Hếp-rôn” có nghĩa là “tương giao”. Đây là khi vực Hếp-rôn mà Ápram đã xây nền nhà cho mình (18.1) và hiển nhiên được chôn ở đó (25.9). Thích ứng dường bao, vì đời sống của Ápraham được đánh dấu bằng mối “tương giao” và thiết hữu với Đức Chúa Trời (II Sử ký 20.7; Êsai 41.8; Giacơ 2.23).
Đến cuối cùng, Lót là kẻ tìm kiếm thế gian nầy đã bị mất nó, còn Ápram là người bằng lòng nhượng bộ vì vinh hiển của Đức Chúa Trời đã lại được nó. May mắn thay, Ápram không mất một điều gì cả. Cánh đồng cỏ chạy dài kia đã bị Lót chiếm lấy theo cách tham lam vẫn phải thuộc về Ápram, từng ngọn cỏ cho đến ngọn cây. Những lời hứa của Đức Chúa Trời không bị ngăn trở bởi thái độ vô kỷ của Ápram và hình thái thiên về vật chất của Lót. Sự tính toán của Đức Chúa Trời không giống như sự tính toán của chúng ta. Theo chúng ta, nếu chúng ta trừ 1 cho 1, chúng ta chẳng còn lại gì hết. Nhưng, theo Đức Chúa Trời, nếu chúng ta trừ 1 cho 1, chúng ta vẫn có mọi sự. Chúa Jêsusphán: “Hễ ai vì danh ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, nhà cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời” (Mathiơ 19.29). Đấy là cách tính toán của Đức Chúa Trời [Phillips, Exploring Genesis, 124]. Hãy có đức tin nơi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ thành tín với từng lời hứa trong mọi lời hứa của Ngài. Đồng thời, hãy tìm kiếm từng cơ hội để hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời và nhiều người khác, và đúng kỳ chính Đức Chúa Trời sẽ nhấc bạn lên (Giacơ 4.6; I Phierơ 5.5b-6)!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét