Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Xuất 1-2:10: "Hoàng Tử Của Đức Chúa Trời"


Môise – Hoàng Tử của Israel
Xuất Êdíptô ký 1-2.10
1. Cách đây mấy tuần, một cuốn phim đầy sức sống mới đã được trình chiếu trên các màn ảnh trong xứ sở chúng ta. Tên cuốn phim là Hoàng Tử xứ Ai cập và các chi tiết của nó, 2/3 phần đầu là nói tới đời sống của Môise. Tôi đã đưa mấy đứa con gái của tôi đến xem phim và chúng tôi đã thưởng thức cuộn phim đó. Mặc dù cuộn phim không xác thực lắm ở từng chi tiết, lẽ thật về sự giải cứu lạ lùng của Đức Chúa Trời đối với dân sự Ngài và sự họ xuất Ai cập là rất rõ ràng.

2. Môise quả thực là Hoàng Tử xứ Ai cập. Ông đã được nuôi dạy, lớn lên trong nét huy hoàng rực rỡ của hoàng gia Ai cập. Tuy nhiên, ông còn tiếp thu nhiều hơn thế nữa. Đức Chúa Trời đã giải cứu ông để trở thành "Hoàng Tử xứ Israel" là đấng ban ra luật pháp, là cứu tinh của dân tộc ông.
3. Môise, giống như chúng ta, là một nỗi trớ trêu. Ở mặt nầy ông là một nhân vật mạnh sức của Đức Chúa Trời và ở mặt kia, ông là một con người thường hấp tấp, thiếu suy nghĩ và bốc đồng. Kinh Thánh chia đời sống ông thành ba phần, mỗi phần là bốn mươi năm. Nhà truyền đạo lỗi lạc D.L. Moody đã nói về ông như sau: "Môise để ra bốn mươi năm suy nghĩ mình là một nhân vật quan trọng, bốn mươi năm ông là một người chẳng ra gì, và bốn mươi năm học biết mọi điều Đức Chúa Trời có thể làm với một kẻ chẳng ra gì".
4. Để hiểu rõ ngọn ngành đời sống của Môise, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ tính tàn bạo mà Israel gặp phải trong xứ Ai cập và các bối cảnh kỳ lạ vây quanh sự ra đời của ông. Sau đó, chúng ta sẽ áp dụng ba lẽ thật có tính cách biến đổi cho hôm nay.
I. Tính tàn bạo của xứ Ai cập (1.1-22).
A. Di sản của Giôsép (các câu 1-7).
1. Xuất Ai cập có nghĩa là "thoát ra" hay "ra khỏi". Các câu 1-7 nói cho chúng ta biết thể nào Israel đã vào sống trong xứ Ai cập. Phần còn lại của quyển sách nói cho chúng ta biết phương thức họ ra khỏi xứ ấy.
2. Israel bắt đầu với Ápraham và người con có lời hứa của ông là Ysác. Ysác có người con trai tên là Giacốp, ông nầy có 12 con trai. Một trong 12 người là Giôsép. Các anh người đều rất ganh ghét ông rồi vì thế họ đã bán ông đi làm nô lệ trong xứ Ai cập. Đức Chúa Trời đã ở cùng Giôsép và sau nhiều thử thách đã tôn cao ông lên tới địa vị Thủ Tướng. Vì cớ nạn đói rất nghiệt ngã trong vùng Trung đông, các anh của Giôsép đã vào xứ Ai cập đặng mua lương thực. Hiển nhiên là Giôsép đã bày tỏ chính mình ông ra và Pharaôn đã ban cho họ vùng đất trù phú ở Ai cập có tên là Gôsen.
3. Tại xứ Gôsen, gia đình người Hêbơrơ đã được hanh thông (đối chiếu Sáng thế ký 47.27). Trải qua 400 năm kế đó, họ đã sống trong sự thịnh vượng rất lớn và số lượng ngày càng đông thêm. Hãy chú ý sự thêm nhiều lạ lùng ở trong câu 7: "con cháu Israel thêm nhiều lạ lùng". Câu nầy nói họ "thêm nhiều lạ lùng". Họ đã "thêm nhiều" và "nẩy nở ra" (sát nghĩa, trở nên ngày càng đông). Sau cùng, "cả xứ đều đầy dẫy".
B. Nan đề của người Hêbơrơ (các câu 8-10).
1. Sống trong xứ Ai cập – Về văn hoá. Chúng ta hãy suy nghĩ trong một phút về “sống trong xứ Ai cập là như thế nào” đối với dân Hêbơrơ trong suốt khoảng thời gian nầy.
a. Ai cập là vùng đất trù phú. Sông Nile đã được sử dụng cho việc tưới tiêu. Mỗi năm nước tràn lên hai bên bờ đem lại nhiều phù sa cho đồng ruộng. Khí hậu rất ôn hoà và gần như mọi thứ đều mọc lên được ở đó.
b. Ai cập rất giàu có về các tài nguyên thiên nhiên. Có nhiều loại cá và vô số loài chim nước. Nhiều đồng ruộng phì nhiêu cung ứng đồng cỏ phong phú cho các bầy gia súc. Nhiều cây cối cung cấp nguyên liệu cho nghề làm giấy, đan rỗ, giày dép, v.v…Có một nguồn cung cấp đất sét làm gạch không hề cạn. Bờ vực sát mé sông cung cấp sa thạch, đá vôi, đá granite và các khoáng sản khác. Đồng đỏ ra từ hoang mạc và vàng ra từ các vùng cao.
c. Ai cập là một xã hội rất tinh vi. Ai cập là một xứ sở thuộc về văn học. Công vụ Các Sứ Đồ 7.22 chép: "Môi-se được học cả sự khôn ngoan của người Ê-díp-tô; lời nói và việc làm đều có tài năng". Ngày nay có nhiều di tích các bản văn tượng hình của họ. Một số bản văn đó có niên đại hơn 1500 năm trước thời của Môise. Họ rất xuất sắc về nghệ thuật, kể cả hội họa, điêu khắc và làm nữ trang đẹp. Người Ai cập hầu hết được ghi nhớ về khoa học và về nghề kiến trúc của họ. Kim Tự Tháp tại Gizsa có nền vuông vức 775 feet mỗi cạnh, cao 481 feet và do 2,5 triệu khối đá hình thành, mỗi khối đá cân nặng 2,5 tấn. Đến thời của Môise, Đền Thờ Karnak đã được xây dựng và Tượng Nhân Sư đã được chạm khắc rồi.
d. Ai cập có một nền văn hoá thờ lạy hình tượng. Trong mọi sự học hỏi của họ, họ chẳng có chút tri thức gì về Đức Chúa Trời Đấng Tạo Hoá cả. Họ đã thờ thần sông, các loài thú đồng và tin vua của họ là một vì thần.
2. Sống dưới thời Tân Pharaôn – Hoàn toàn đa nghi.
a. Câu 8 chép: "Nhưng bấy giờ tại nước Ê-díp-tô, có một vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô-sép". Trong 400 năm, người Ai cập đã làm ơn cho người Hêbơrơ. Bây giờ mọi sự sắp sửa phải đổi thay.
b. Tân Pharaôn chỉ ra rằng "dân Israel đông và mạnh hơn chúng ta". Ông ta e rằng họ sẽ tiếp tục "đông thêm" và nếu có chiến tranh, họ sẽ "hiệp cùng quân nghịch đánh bại ta". Hãy chú ý, ông ta e sợ họ sẽ "ra khỏi xứ chăng!?!" Không những ông ta e sợ họ, mà còn muốn lấn lướt trên họ nữa.
c. Nhiều học giả đặt niên đại cho cuộc Xuất Ai cập vào triều đại thứ 18 của người Ai cập. Nếu thực vậy, điều nầy tạo ra một sự song hành rất thú vị về mặt lịch sử. Các Pharaôn mới vừa cởi bỏ triều đại bị người ngoại quốc cai trị bởi nhà Hyksos (hick’-sos), "các vì vua chăn chiên" rồi đưa xứ sở trở lại với những nhà cai trị bản xứ. Sự họ không tin tưởng vào các người ngoại là rất dễ hiểu.
C. Các chiến lược của Pharaôn (các câu 11-22). Ở câu 10, Pharaôn nói: "Hè, ta hãy dùng chước khôn ngoan đối với họ". Khi ấy ông ta bắt đầu thực thi chiến lược đầu tiên trong ba chiến lược không đội trời chung.
1. Chiến lược 1 – Bắt buộc làm nô lệ (các câu 11-14).
a. Trong các thời kỳ xa xưa, vấn đề phải đưa ra cho phân nửa dân cư nầy là bắt phân nửa số dân kia làm nô lệ. Có điều quan trọng ở đây tạo ra vấn đề có một không hai, ấy là cả dân Israel đều bị bắt làm nô lệ.
b. Họ đã đặt những "kẻ đầu xâu" hay "cai nô lệ" cai quản họ. Thay vì một đời sống thịnh vượng và bình an, toàn bộ dân Israel đã trở thành hạng nô lệ rồi bị sử dụng để xây cất "thành Phithom và Ramse" ở sườn phía Đông xứ Ai cập.
c. Sinh mạng của nô lệ rất rẻ rúng. Đức Chúa Trời biết rõ có hàng ngàn người đã ngã chết khi xây dựng các đền đài ở Ai cập cổ xưa. Pharaôn nghĩ tình trạng nô lệ sẽ giết thật nhiều người và làm sụp đổ tinh thần của họ. Câu 12 chép: "Nhưng người Ê-díp-tô càng bắt làm khó nhọc chừng nào, dân Y-sơ-ra-ên càng thêm nhiều lên, và tràn ra chừng nấy". Gần tới thời kỳ ra khỏi xứ Ai cập, đã có hơn 600.000 người nam trên độ tuổi 20 cùng nhiều phụ nữ và trẻ em (12.37; 38.26).
d. Cũng hãy chú ý, "Người Ê-díp-tô bèn đem lòng ghen ghét dân Israel". "Ghen ghét" ra từ chữ Hy bá lai, chữ nầy mô tả một sự ghen ghét rất mạnh, nó gây ra một chứng bịnh rất tự nhiên. Họ, người Ai cập, đã xem dân Hêbơrơ như chứng ung thư đang tràn ngập xứ sở của họ và họ rất đỗi sợ hãi dân nầy, họ đang mắc một chứng đau bịnh rất tự nhiên đó.
e. Người Ai cập bắt dân Israel "làm khó nhọc" hay rất khắc nghiệt. Người Ai cập khiến cho đời sống dân Israel "nên cay đắng". Lạ lùng thay, dân Hêbơrơ vẫn tràn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tình trạng nô lệ chẳng có hiệu lực chi cả.
2. Chiến lược 2 – Nạo thai (các câu 15-21).
a. Nạo thai không những là một sự tàn bạo rất hiện đại. Nó còn là sách lược thứ nhì trong cái túi mưu mẹo gian ác của Pharaôn kia.
b. Chẳng có ai dám chắc về "các bà mụ Hêbơrơ" có ý nghĩa gì. Có thể đây là những người Hêbơrơ hay họ phục vụ cho người Hêbơrơ. Ý thứ hai dường như thích ứng vì người Hêbơrơ không muốn giết chóc dân tộc của họ và vì cớ câu 16, 19.
c. "Siếp-ra" và "Phu-a" hai bà mụ bị đòi tới gặp Pharaôn cũng được truyền cho giống như các bà mụ khác. Pharaôn buộc họ phải giết bất kỳ một trẻ nam sơ sinh nào đang khi bà mẹ đương ở trên "bàn sinh". Một đứa gái sẽ được phép để cho sống.
d. Trong xứ sở của chúng ta ngày nay, phá thai là hợp pháp. Nhân viên phá thai đỡ đẻ rồi giết nó khi nó mới vừa lọt lòng. Pharaôn buộc các bà mụ phải làm như thế đối với các trẻ nam sơ sinh.
e. Pharaôn cho rằng với một thế hệ nam giới không còn nữa, nữ giới sẽ lấy người Ai cập làm chồng và trong vài năm dân Hêbơrơ sẽ biến thành chủng dân Ai cập.
f. Câu 17 chép: "nhưng các bà mụ kính sợ Đức Chúa Trời". Không nghi ngờ chi nữa, mấy bà mụ giữ trọn luật pháp rõ ràng đã e sợ Pharaôn. Tuy nhiên, họ "kính sợ Đức Chúa Trời" hơn vì họ "để cho các con trai sống hết".
g. Pharaôn đã nổi giận khi nhìn thấy các trẻ nam sơ sinh Hêbơrơ. Ông ta đã hỏi: "Sao các ngươi làm như vậy?" Mấy bà mụ đã đưa ra một nửa sự thực. Họ nói cho ông ta biết rằng mấy người đờn bà Hêbơrơ "mạnh khoẻ hơn", rằng họ "đã sanh nở trước khi mụ đến". Sự thực, có lẽ mấy bà mụ đã cố tình đến muộn.
h. Một lần nữa chúng ta thấy trong câu 20 rằng: "dân sự gia thêm và trở nên đông đúc". Đức Chúa Trời cũng ban thưởng cho các bà mụ vì họ biết kính sợ Ngài. Ngài "làm cho nhà họ được thạnh vượng", nghĩa là, Ngài đã ban cho họ được thêm nhiều gia đình.
3. Chiến lược 3 – Diệt chủng (câu 22).
a. Đã quyết định không cho số dân Hêbơrơ lạ lùng nầy tràn ra thêm, Pharaôn truyền lịnh cho "cả dân mình". Ông ta bảo họ: "Phàm con trai của dân Hê-bơ-rơ mới sanh, hãy liệng xuống sông; còn con gái, thì để cho sống".
b. Không nghi ngờ chi nữa, có lẽ hàng trăm hàng ngàn con trẻ nam Hêbơrơ đã chết mất dưới dòng sông Nile. Tuy nhiên, đã có một đứa trẻ mà ngay cả Pharaôn mạnh sức kia không thể giết chết được.
II. Sự ra đời của đấng cứu tinh (2.1-10).
A. Nỗi sợ của một người mẹ trong tâm trạng thất vọng (các câu 1-2).
1. Câu 1 mô tả bố mẹ của Môise là "một người trong họ Lêvi" và "con gái Lêvi". Ở các chỗ khác trong Kinh Thánh, chúng ta biết được tên của họ là Amram và Giôkêbết.
2. Amram có nghĩa là "người được tôn cao". Tên của ông nhắc tới ở các bản gia phổ khác trong Cựu ước. 6.20 chép ông đã sống tới 137 tuổi.
3. Giôkêbết có nghĩa là "tôn cao Đức Giêhôva". Bà được nhắc tới bằng tên chỉ ở 6.20 và Dân số ký 26.59.
4. Môise cũng có hai anh chị ruột. Miriam có lẽ được 8-10 tuổi khi ông ra đời. Arôn đã được ba tuổi (Xuất Êdíptô ký 7.7).
5. Họ là một gia đình tin kính. Tên tuổi của họ phản ảnh tính cách của họ trong một thời kỳ khi có nhiều người Hêbơrơ thờ lạy các thần giả dối của xứ Ai cập, bố mẹ họ rất trung tín với Đức Giêhôva. Ở giữa một xã hội thờ lạy hình tượng, đức tin được bền giữ trong một gia đình. Hỡi các bậc bố mẹ, đức tin phải được gây dựng từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.
6. Hãy tưởng tượng nỗi sợ và mối lo của họ sau khi nhìn biết lịnh lạc của nhà vua, khi họ nhận biết Giôkêbết có lòng trông mong. Hãy tưởng tượng niềm vui mừng cùng nỗi kinh hãi của họ khi câu hỏi "Cái gì vậy?" được trả lời: "Ấy là một đứa trai!" Hỡi các bà mẹ, hãy suy nghĩ về việc cưu mang một đứa trẻ trong 9 tháng với sự nhìn biết nhà vua đã ra lịnh tất cả trẻ nam sơ sinh đều sẽ bị giết.
7. Câu 2 và Hêbơrơ 11.23 nói Môise là "một đứa trẻ ngộ". Công vụ Các Sứ Đồ 7.20 chép ông "người xinh tốt khác thường". Ý tưởng ở đàng sau mấy câu nầy, ấy là ông là một đứa trẻ rất khác thường hay phi thường. Hết thảy chúng ta đều biết rằng "chẳng có bà mẹ nào có một đứa con xấu xí cả". Nhưng Môise rất khác biệt và gia đình ông đều biết rõ sự khác biệt ấy.
8. Họ đem ông "giấu đi trong ba tháng". Hêbơrơ 11.23 chép: "Họ không sợ chiếu mạng vua".
9. Không nghi ngờ chi nữa, họ đã sống trong khu xóm nô lệ, ở đó các ngôi nhà làm gạch bằng bùn đâu mái vào nhau. Hãy tưởng tượng họ đang rên siết qua bóng đêm tăm tối. Hãy tưởng tượng có bao nhiêu lần chú ý buộc ông phải câm nín. Khi ông ngày càng lớn lên thêm, Giôkêbết vốn biết rõ khó mà che giấu ông được nữa.
B. Đức tin của bà mẹ có tánh thận trọng (các câu 3-4).
1. "Nhưng giấu lâu hơn nữa không được", bà mới đan một "cái rương mây". Thú vị thay, từ Hêbơrơ [ark] nầy đã được dùng ở chỗ khác khi nói tới chiếc tàu của Nôê. Hãy suy nghĩ về những điểm tương ứng với nhau!
2. Sau khi sử dụng nhiều cói hay "mây" với "chai và nhựa thông", bà làm cho nó nổi và không thấm nước. Kế đó bà lấy chiếc rương quí báu đó rồi "để đứa trẻ vào, đem thả trong đám sậy dựa mé sông". Hãy tưởng tượng xem công việc nầy thật khó nhọc là dường nào!
3. Giôkêbết sai Miriam, chị của Môise "đứng xa" nơi đó. Miriam phải đứng trông chừng chiếc rương. Điều nầy cho chúng ta biết đôi điều về đức tin của Giôkêbết. Bà tin Đức Chúa Trời sẽ can thiệp. Quí vị không sai một cô gái mới có 10 tuổi ra mé sông để coi chừng đứa em sơ sinh của nó sẽ bị cá sấu ăn thịt bao giờ.
4. Giôkêbết đã lập ra các chương trình của mình và bà đã thốt ra những lời cầu nguyện. Bà phó thác đứa con quí báu của mình cho Đức Giêhôva.
Hỡi các bậc phụ huynh, chúng ta phải làm theo y như thế. F.B. Meyer đã viết: "Có nhiều biện minh mà câu chuyện nầy đưa ra, cho bậc phụ huynh Cơ đốc phó thác con cái của họ cho Đức Chúa Trời. Người mẹ có đứa con gái đi kiếm sống giữa vòng những người lạ; người cha có đứa con trai phải rời bỏ vùng quê an bình vào sống trong thành thị náo nhiệt; bậc phụ huynh nào, là giáo sĩ, không thể nuôi dưỡng con cái mình trong công trường truyền giáo …, hay những ai trên giường hấp hối phải trao con trẻ của mình cho người lạ chăm sóc, hết thảy sẽ học được một bài học từ đức tin phó thác con cái mình vào sự tể trị của Đức Chúa Trời, một cách tuyệt đối hơn cả sông Nile làm cho chiếc rương nổi lên nữa. Đức Chúa Trời hằng sống, yêu thương và đang chăm sóc. Mau mắn và dịu dàng hơn cả sự mau lẹ và dịu dàng của Miriam, Ngài không hề nhắp mắt cũng không buồn ngủ" (Devotional Commentary on Exodus, pp.26-27).
C. Phần thưởng của một người cha có lòng trung tín (các câu 5-10).
1. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy đức tin của Giôkêbết, Ngài lắng nghe những lời cầu nguyện của họ và đã ban thưởng cho bà thật rời rộng.
2. Nhiều học giả tin "con gái của Pharaôn" là Hatshepsut, con gái của Vua Thutmose I và về sau trở thành mẹ của Vua Thutmose III, là vì vua trong thời kỳ dân Israel Xuất Ai cập.
3. Có người cho rằng vào thời điểm nầy, nàng son sẻ và dành thì giờ ra bờ sông để cầu nguyện với thần sông Nile, là thần Hapi để được hanh thông. Dù là lý do nào, Đức Chúa Trời của sự khôn ngoan đã dẫn dắt các bước chân nàng đến gần chiếc rương mây quí báu kia.
4. Nàng nói ngay lập tức: "Ấy là một đứa con của người Hêbơrơ". Thực vậy, nàng đã "động lòng thương xót".
5. Miriam tự mình khẳng định và đề nghị tìm "một người vú trong bọn đờn bà Hêbơrơ" đặng cho "đứa trẻ bú". Công Chúa đồng ý và Miriam chạy về mẹ mình với các tin tức thật tốt lành. Công Chúa bảo đem đứa trẻ về nhà và hứa trả "tiền công" cho công việc của bà. Bà ẳm lấy con mình và món tiền công đó!
6. Giôkêbết có lẽ đã giữ đứa trẻ trong 2-3 năm trời, thời gian bình thường mà mấy người nữ Hêbơrơ lo liệu cho con cái của họ. Hãy tưởng tượng xem nỗi khó khăn của bà khi "bà dẫn nó vào cho Công Chúa".
7. Công Chúa đặt tên cho ông là "Môise" có nghĩa là "vớt ra khỏi nước". Nàng nói: "Ta đã vớt nó khỏi nước".
III. Ba lẽ thật làm biến đổi cho ngày hôm nay.
A. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của sự giải cứu. Mặc dù người Hêbơrơ sống rất "nhọc nhằn" và "đời sống họ bị sự nô dịch làm cho cay đắng", dù con trẻ sơ sinh của họ bị quăng cho bầy cá sấu ăn, Đức Chúa Trời đã ở với họ. Ngài đã giữ cả thảy các lời hứa mà Ngài đã lập với họ (xem Sáng thế ký 15.13-14). Sau cùng, Ngài đã giải cứu họ. Chính Đức Chúa Trời Toàn Năng nầy, elohim của chúng ta cũng sẽ giải cứu chúng ta ra khỏi lò thử thách.
B. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của sự trớ trêu. Cho phép tôi trình cho quí vị thấy ba điểm trớ trêu có quan hệ đến phân đoạn Kinh Thánh gốc của chúng ta hôm nay.
1. Pharaôn tưởng những người nam Do thái là kẻ thù của mình, song lại là những người nữ, là những người đã bảo tồn sinh mạng của Môise. Trước tiên là mấy bà mụ, kế đó là Giôkêbết, rồi Miriam và cô Công Chúa.
2. Sông Nile bị định là chốn chết của Môise, thế nhưng dòng sông ấy đã trở thành nơi giải cứu.
3. Môise được "vớt ra khỏi" dòng sông để ông "cứu vớt" dân Israel ra khỏi Ai cập.
4. Giôsép đã nói với các anh em mình ở Sáng thế ký 50.20: "Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi". Điều chi dường như là xấu xa trong đời sống của quí vị, Đức Chúa Trời sẽ sử dụng để làm ích cho. Hãy tin cậy Ngài!
C. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời hay ban thưởng.
1. Giôkêbết không những đã cầu nguyện. Không những bà đã lập một chương trình dựa theo sự khôn khéo của con người. Bà đã lập một chương trình rất hợp lý và đã tin cậy Đức Chúa Trời vùa giúp mình. Ngài đã ban thưởng cho đức tin của bà một cách rời rộng!
2. Hãy thốt ra những lời cầu nguyện của quí vị, hãy lập chương trình của mình đi: "Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu" (Hêbơrơ 13.5).

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

Suy Gẫm: Ngày 357

Buổi sáng

Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, Ánh sáng cho đường lối tôi.

Tôi nhờ lời môi Chúa phán mà giữ lấy mình khỏi các con đường của kẻ hung bạo. Bước tôi vững chắc trong các lối của Chúa, Chân tôi không xiêu tó. --Khi con đi, các lời đó sẽ dẫn dắt con; Lúc con ngủ, nó gìn giữ con; Và khi con thức dậy, thì nó sẽ trò chuyện với con. Vì điều răn là một cái đèn, luật pháp là ánh sáng. --Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo! Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống. --Nhân đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em. --Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy. --và chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ soi sáng cho; và chúng sẽ trị vì đời đời.

Thi thiên 119:105; 17:4-5; Châm ngôn 6:22-23; Êsai 30:21; Giăng 8:12; II Phierơ 1:19; I Côrinhtô 13:12; Khải huyền 22:5

Buổi chiều

Hỡi người ngủ kia, làm sao vậy? Khá chờ dậy!

Vì đây không phải là nơi an nghỉ của các ngươi, vì cớ sự ô uế làm bại hoại, tức là sự bại hoại nặng lắm. --Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất. --Nếu của cải thêm nhiều lên, Chớ đem lòng vào đó. -Vậy bây giờ, hãy hết lòng hết ý tìm cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; hãy chổi dậy. Sao các ngươi ngủ? Hãy đứng dậy cầu nguyện, để cho khỏi sa vào sự cám dỗ. --Vậy, hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình lình trên các ngươi như lưới bủa. Vì chàng rể đến trễ, nên các nàng thảy đều buồn ngủ và ngủ gục. --Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, Thì Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm trễ đâu. --Hãy ăn ở như vậy, vì biết thời kỳ đang lúc chúng ta đây: giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến, bởi sự cứu hiện nay đã gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin. --Vậy, các ngươi hãy thức canh, vì không biết chủ nhà về lúc nào, hoặc chiều tối, nửa đêm, lúc gà gáy, hay là sớm mai, e cho người về thình lình, gặp các ngươi ngủ chăng.

Giôna 1:6; Michê 2:10; Côlôse 3:2; Thi thiên 62:10; I Sử ký 22:19; Luca 22:46; 21:34; Mathiơ 25:5; Hêbơrơ 10:37; Rôma 13:11; Mác 13:35-36

Suy Gẫm: Ngày 356

Buổi sáng

Ngươi cũng hãy làm một cái thẻ bằng vàng ròng, trên đó khắc như người ta khắc con dấu, rằng: THÁNH CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA.

Vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời. --Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy. --Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp. --Ta sẽ nhờ những kẻ lại gần ta mà được tôn thánh và được vinh hiển trước mặt cả dân sự. Nầy là luật của nhà: Cả châu vi nó ở trên chót núi, là nơi rất thánh. -Sự thánh khiết là xứng đáng cho nhà Ngài đến đời đời.Con vì họ tự làm nên thánh, hầu cho họ cũng nhờ lẽ thật mà được nên thánh vậy. --Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Jêsus, Con Đức Chúa Trời, thì hãy . . . vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.

Xuất Êdíptô ký 28:36; Hêbơrơ 12:14; Giăng 4:24; Êsai 64:6; Lêvi ký 10:3; Êxêchiên 43:12; Thi thiên 93:5; Giăng 17:19; Hêbơrơ 4:14, 16

Buổi chiều

Chén tôi đầy tràn.

Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao! Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài! Hỡi các thánh của Đức Giê-hô-va, hãy kính sợ Ngài; Vì kẻ nào kính sợ Ngài chẳng thiếu thốn gì hết. Sư tử tơ bị thiếu kém, và đói; Nhưng người nào tìm cầu Đức Giê-hô-va sẽ chẳng thiếu của tốt gì. --Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt. Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm. Đức Giê-hô-va là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi: Ngài gìn giữ phần sản tôi. Tôi may được phần cơ nghiệp ở trong nơi tốt lành; Phải, tôi có được cơ nghiệp đẹp đẽ. --hoặc … thế gian, hoặc sự sống, hoặc sự chết, hoặc những sự bây giờ, hoặc những sự hầu đến. Hết thảy mọi sự đều thuộc về anh em. --Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời. Vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. --Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. --Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Thi thiên 23:5; 34:8-10; Ca thương 3:22-23; Thi thiên 16:5-6; I Côrinhtô 3:22; Êphêsô 1:3; Philíp 4:11; I Timôthê 6:6; Philíp 4:19

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Suy Gẫm: Ngày 355

Buổi sáng
Khá nhìn xem vầng đá mà các ngươi đã được đục ra, và cái lỗ của hang mà các ngươi đã được đào lên!
Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác. --Chẳng có mắt nào thương mầy, … song mầy đã bị quăng giữa đồng trống trong ngày mầy sanh ra, vì người ta gớm mầy. Khi ta qua gần mầy, thấy mầy tắm trong máu mình, ta phán cùng mầy rằng: Dầu ở giữa máu mầy, hãy sống! Thật, ta phán cùng mầy rằng: … hãy sống!
Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, Khỏi vũng bùn lấm; Ngài đặt chân tôi trên hòn đá, Và làm cho bước tôi vững bền. Ngài để nơi miệng tôi một bài hát mới, Tức là sự ngợi khen Đức Chúa Trời chúng tôi.
Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. --Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ.
Êsai 51:1; Thi thiên 51:5; Êxêchiên 16:5-6; Thi thiên 40:2-3; Rôma 5:6-8; Êphêsô 2:4-5
Buổi chiều
Ta sẽ rất vui vẻ trong Đức Giê-hô-va, linh hồn ta mừng rỡ trong Đức Chúa Trời ta.
Tôi sẽ chúc tụng Đức Giê-hô-va luôn luôn, Sự khen ngợi Ngài hằng ở nơi miệng tôi. Linh hồn tôi sẽ khoe mình về Đức Giê-hô-va, Những người hiền từ sẽ nghe, và vui mừng. Hãy cùng tôi tôn trọng Đức Giê-hô-va, Chúng ta hãy cùng nhau tôn cao danh của Ngài. --Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là mặt trời và là cái khiên; Đức Giê-hô-va sẽ ban ơn-điển và vinh hiển; Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành gì cho ai ăn ở ngay thẳng. Hỡi Đức Giê-hô-va vạn quân, Phước cho người nào nhờ cậy nơi Ngài! --Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài! Có ai vui mừng chăng? hãy hát ngợi khen. --Phải đầy dẫy Đức Thánh Linh. Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn. --vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời.
Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe. --Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi.
Êsai 61:10; Thi thiên 34:1-3; 84:11-12; 103:1; Giacơ 5:13; Êphêsô 5:18-20; Côlôse 3:16; Công Vụ các Sứ Đồ 16:25; Philíp 4:4

Suy Gẫm: Ngày 354

Buổi sáng
Ta biết được nỗi đau đớn của nó.
Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm. --cảm thương sự yếu đuối chúng ta.
Chính Ngài đã lấy tật nguyền của chúng ta, và gánh bịnh hoạn của chúng ta. --Nhân đi đường mỏi mệt, Đức Chúa Jêsus ngồi gần bên giếng.
Đức Chúa Jêsus thấy người khóc, và những người Giu-đa đi với người cũng khóc, bèn đau lòng cảm động … Đức Chúa Jêsus khóc. --Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy.
Vì từ nơi thánh cao Ngài đã ngó xuống, Từ trên trời Ngài xem xét thế gian, Đặng nghe tiếng rên siếc của kẻ bị tù, Và giải phóng cho người bị định phải chết. --Nhưng Chúa biết con đường tôi đi; Khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng. --Khi tâm hồn nao sờn trong mình tôi, Thì Chúa đã biết nẻo đàng tôi.
Vì ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt Ngài. --Hễ khi dân Ngài bị khốn khổ, chính Ngài cũng khốn khổ, và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi. Chính Ngài đã lấy lòng yêu đang thương xót mà chuộc họ. Ngài đã ẵm bồng, và mang họ trong các ngày thuở xưa.
Xuất Êdíptô ký 3:7; Êsai 53:3; Hêbơrơ 4:15; Mathiơ 8:17; Giăng 4:6; 11:33-35; Hêbơrơ 2:18; Thi thiên 102:19-20; Gióp 23:10; Thi thiên 142.3; Xachari 2:8; Êsai 63:9
Buổi chiều
Trong khi còn ban ngày, ta phải làm trọn những việc của Đấng đã sai ta đến.
Lòng kẻ biếng nhác mong ước, mà chẳng có chi hết; Còn lòng người siêng năng sẽ được no nê. --Còn ai nhuần gội, chính người sẽ được nhuần gội.
Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài. Các ngươi há chẳng nói rằng còn bốn tháng nữa thì tới mùa gặt sao? Song ta nói với các ngươi: Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt. Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời, hầu cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui vẻ. --Vả, nước thiên đàng, giống như người chủ nhà kia, tảng sáng đi ra, để mướn người làm công cho vườn nho mình. Khi người chủ đã định giá với người làm công, mỗi ngày một đơ-ni-ê, thì sai họ vào vườn nho mình.
Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời. --Hãy dùng bạc nầy sanh lợi cho đến khi ta trở về.
Tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi.
Giăng 9:4; Châm ngôn 13:4; 11:25; Giăng 4:34-36; Mathiơ 20:1-2; II Timôthê 4:2; Luca 19:13; I Côrinhtô 15:10

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Kinh Thánh Chép...

Kinh thánh chép…
Vua của tôi là Vua của người Do thái

Ngài là Vua xứ Israel
Ngài là Vua của sự công bình
Ngài là Vua của mọi thời đại
Ngài là Vua của Thiên đàng
Ngài là Vua Vinh Hiển
Ngài là Vua các vua
Và Ngài là Chúa của các chúa.
Đấy là Vua của tôi

Tôi ngạc nhiên lắm, bạn có nhận biết Ngài chưa?

Vua của tôi là Vua Chí Cao
Không một phương tiện đo lường nào có thể xác định được tình yêu vô hạn của Ngài
Ngài mạnh mẽ cho đến muôn đời
Ngài rất chơn thật
Ngài bền đỗ cho đến đời đời
Ngài giàu ơn cho đến vô cùng
Ngài oai nghi đường bệ
Ngài thương xót không thiên vị

Bạn nhận biết Ngài chưa?

Ngài là hiện tượng vĩ đại nhất từng lướt ngang qua đường chân trời của thế gian nầy
Ngài là Con của Đức Chúa Trời
Ngài là Cứu Chúa của hạng tội nhân
Ngài là tiêu điểm của nền văn minh
Chẳng ai sánh được với Ngài
Không một tiền lệ nào đối với Ngài
Ngài là ý tưởng cao quý nhất trong nền văn chương
Ngài là nhân cách cao trọng nhất trong triết lý
Ngài là lẽ đạo cơ bản của nền thần học thực
Ngài là đấng duy nhứt đủ tư cách để trở thành Cứu Chúa toàn năng

Tôi ngạc nhiên lắm, bạn có nhận biết Ngài chưa?

Ngài cung ứng sức lực cho kẻ yếu
Ngài sẵn sàng cho kẻ bị khó khăn và người mệt nhọc
Ngài thông cảm và Ngài giải cứu
Ngài thêm sức và nâng đỡ
Ngài canh chừng và dẫn dắt
Ngài chữa lành kẻ đau
Ngài làm cho người phung được sạch
Ngài tha thứ cho hạng tội nhân
Ngài buông tha cho kẻ mắc nợ
Ngài giải phóng kẻ bị tù
Ngài bảo hộ kẻ yếu đuối
Ngài chúc phước cho người trẻ tuổi
Ngài phục vụ cho người không may
Ngài chăm sóc cho người già cả
Ngài ban thưởng cho người siêng năng
Và Ngài ban ơn cho kẻ nhu mì

Tôi lấy làm lạ một khi bạn nhận biết Ngài?

Ngài là chìa khóa cho sự hiểu biết
Ngài là dòng suối của sự khôn ngoan
Ngài là cánh cửa của sự giải cứu
Ngài là con đường bình an
Ngài là con đường của sự công bình
Ngài là con đường của sự thánh khiết
Ngài là cánh cửa của sự vinh hiển

Bạn nhận biết Ngài chưa?

Đời sống Ngài là vô đối
Sự nhơn từ Ngài là không có giới hạn
Sự thương xót của Ngài là đời đời
Tình yêu của Ngài không hề thay đổi
Đạo của Ngài là đầy trọn
Ân điển của Ngài là đủ đầy
Sự trị vì của Ngài là công bình
Và ách của Ngài là dễ chịu
Và gánh của Ngài là nhẹ nhàng

Tôi ước có thể mô tả Ngài cho bạn biết…

Ngài không thể tả được
Ngài không thể hiểu tới được
Ngài là vô địch
Ngài thật hấp dẫn

Bạn không thể loại Ngài ra khỏi tâm trí mình
Bạn không nên buông lỏng Ngài
Bạn không thể sống thọ hơn Ngài
Và bạn không thể sống mà không có Ngài

Phải, người Pharisi không thể dung được Ngài
Nhưng họ thấy họ không thể chặn được Ngài
Philát chẳng thể tìm được lỗi nào nơi Ngài
Hêrốt không thể giết được Ngài
Sự chết không thể giữ được Ngài
Và mồ mả không thể cầm được Ngài!

Đấy là Vua của tôi

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Suy Gẫm: Ngày 353


Buổi sáng
Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến.
Hỡi anh em yêu dấu của Chúa, còn như chúng tôi, phải vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi, vì vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em. Ấy cũng là vì đó mà Ngài đã dùng Tin Lành chúng tôi gọi anh em, đặng anh em hưởng được sự vinh hiển của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta. --Ấy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn là theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng. -- Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; Số các ngày định cho tôi, Đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy.
Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.
Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta.
Giêrêmi 31:3; II Têsalônica 2:13-14; II Timôthê 1:9; Thi thiên 139:16; Giăng 3:16; I Giăng 4:10
Buổi chiều
Ta đã làm ra, thì sẽ còn gánh vác các ngươi nữa.
Bây giờ, hỡi Gia-cốp! Đức Giê-hô-va là Đấng đã dựng nên ngươi, hỡi Y-sơ-ra-ên! Ngài là Đấng đã tạo thành ngươi, phán như vầy: Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta. Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi. --Cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu tóc bạc, ta cũng sẽ bồng-ẵm các ngươi.
Như phụng hoàng phấp phới giỡn ổ mình, Bay chung quanh con nhỏ mình, Sè cánh ra xớt nó, Và cõng nó trên chéo cánh mình thể nào, Thì một mình Đức Giê-hô-va đã dẫn dắt người thể ấy, Không có thần nào khác ở cùng người. --Ngài đã ẵm bồng, và mang họ trong các ngày thuở xưa.
Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi. --Vì tôi chắc rằng bất kỳ … bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta.
Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi.
Êsai 46:4; 43:1-2; 46:4; Phục truyền luật lệ ký 32:11-12; Êsai 63:9; Hêbơrơ 13:8; Rôma 8:38-39; Êsai 49:15