Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Gen 48.1-22: "Những thông qua bên giường chết"



"Những thông qua bên giường chết"

(Sáng thế ký 48.1-22)
Có bao giờ bạn nghe nói tới John Grisham chưa? Hầu hết người Mỹ đều đã nghe nói tới. John Grisham viết nhiều câu chuyện rất ly kỳ và là một trong những nhà văn được ưa chuộng nhất trong thời của chúng ta. Có điều bạn không biết, ấy là Grisham là một môn đồ của Đấng Christ. Một thời điểm xác định trong hành trình thuộc linh của Grisham đã đến 7 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Bang Mississippi, khi một trong những bạn cùng lớp của ông ở trường luật nói cho John biết anh ta mắc bịnh vô phương cứu chữa. Grisham đã hỏi người bạn ấy: “Anh sẽ làm gì khi biết mình sắp qua đời?” Người bạn ấy đáp: “Chuyện ấy đơn giãn thôi. Bạn nên sửa ngay lại mọi việc với Đức Chúa Trời, và bạn dành nhiều thì giờ với những ai bạn yêu thương khi bạn có thể. Khi ấy bạn nên liệu định lại với những người khác” [Preaching Today Citation. Elim Church, Direction (August 2003); submitted by Owen Bourgaize, Guernsey, UK].
Bạn muốn chết như thế nào? Trong cõi đời đời, loại sự sống nào bạn muốn mình sẽ sống? Hãy khóa kín ý tưởng ấy trong trí rồi bắt đầu sống đời sống mình sau khi qua đời. Bạn sẽ không tiếc việc xem xét đời sống của mình, nhưng bạn có thể sống với nuối tiếc một đời sống không biết xét mình [Chính Socrates đã nói: “Một đời sống không biết xét mình không phải là đời sống có giá trị”. Đúng là một lẽ thật quan trọng!] Là một Mục sư, một trong các phần việc của tôi là thách thức bạn phải suy nghĩ thật sâu sắc và suy gẫm luôn đời sống của bạn. Hôm nay, tôi muốn bạn suy nghĩ đến di sản mà bạn sẽ để lại sau lưng.
Ở Sáng thế ký 48, Giacốp đã đến mức cuối của đời mình. Ông đã mang ngọn đuốc giao ước của Đức Chúa Trời trong 147 năm. Ông đã phạm nhiều tội lỗi, tuy nhiên ông chẳng luôn tôn kính Đức Chúa Trời, Giacốp là tấm gương nói tới một người biết chạy giỏi. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta sẽ thấy trước khi ông qua đời, Giacốp đã quyết định chuyển giao ngọn đuốc cho những người đang theo sau. Đây cũng là mục tiêu của chúng ta nữa.
Cảnh 1: Giacốp sửa soạn qua đời (48.1-2). Môise viết: “Vả, khi các việc đó qua rồi, có người nói cùng Giô-sép rằng: Nầy cha người đau [Đây là tham khảo đầu tiên đến tình trạng đau yếu trong Kinh Thánh. Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 595]; Giô-sép bèn đem Ma-na-se và Ép-ra-im, hai đứa con trai mình, cùng đi đến. Họ cho Gia-cốp hay và nói rằng: Nầy Giô-sép, con trai ông, đến thăm ông đó; Y-sơ-ra-ên cố gượng ngồi dậy trên giường” (48.1-2). Giacốp thường hay nói tới sự chết, và thậm chí đã ước ao nhiều lần rồi, sự chết ấy đang gõ cửa nhà ông. Vì thế, Giôsép đã đem hai con trai đến chào “vĩnh biệt”. Gần như là trong 17 năm Giacốp sinh sống với Giôsép ở Ai cập, ông đã đầu tư vào Manase và Épraim. Cả hai cậu con trai nầy giờ đây khoảng 20 tuổi [Manase (“quên”, 41.51) và Épraim (“thịnh vượng”, 41.52) đều chào đời trong 7 năm dư dật, trước năm đói kém đầu tiên (Sáng thế ký 41.50). Giacốp đi xuống Ai cập khoảng cuối năm đói kém thứ nhì (45.6) và sống 17 năm sau khi ông đến đó (47.28). Khi Giacốp sắp qua đời, hai con trai của Giôsép đã ở vào khoảng 20 tuổi]. Vậy, khi Giôsép và Giacốp phân cách nhau trong 22 năm, giờ đây Giacốp có thể đầu tư vào các cháu nội mình trong 17 năm. Ông đã học biết tầm quan trọng của việc trút đổ sự sống mình vào đời sống các thành viên trong gia đình mình. Bạn đã học biết chính bài học nầy chưa?
Cảnh 2. Giacốp thông qua hai cháu nội mình (48.3-12). Ở 48.3-4, Giacốp nói với Giôsép: “Đức Chúa Trời toàn năng đã hiện ra, và ban phước cho cha tại Lu-xơ [tên trước kia của Bêtên] mà phán rằng: Nầy ta sẽ làm cho ngươi sanh sản và thêm nhiều, làm thành một hội dân; ta sẽ cho dòng dõi ngươi xứ nầy làm cơ nghiệp đời đời” [Yếu tố quan trọng duy nhứt cho thấy Giacốp không lặp đi lặp lại là sự đổi tên từ Giacốp sang Israel. Theo cách thức nầy, Giacốp thu nhỏ lại vai trò của ông và phóng to vai trò của Đức Chúa Trời trong sự cố đó. Victor P. Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50. NICOT (Grand Rapids. Eerdmans, 1995), 628]. Giacốp đã mất hết sức lực, nhưng ông không mất trí nhớ. Trong các câu nầy, Giacốp chia sẻ phần làm chứng của mình. Ông bắt đầu bằng cách nhắc tới Đức Chúa Trời, là “Đức Chúa Trời Toàn Năng” (El Shaddai) [Đức Chúa Trời được nhắc tới 7 lần trong chương nầy (Sáng thế ký 48.3, 9, 11, 15 [hai lần], 20, 21)]. Giacốp không nói tới những khó khăn trong đời sống của mình (đối chiếu 47.9); ông nói về “Đức Chúa Trời Toàn Năng” và những gì Ngài đã làm cho tôi tớ của Ngài [Warren W. Wiersbe, Be Authentic. Genesis 25-50 (Colorado Springs. Chariot Victor, 1997), 141]. Bằng cách sử dụng danh xưng “Đức Chúa Trời Toàn Năng”, Giacốp đang công nhận chỉ có một Đức Chúa Trời toàn năng mới có thể đưa ra những lời hứa sâu xa như vậy với sự bảo đảm chúng sẽ được ứng nghiệm (cũng xem 17.1; 28.3; 35.11; 43.14; 49.25). [Ronald F. Youngblood, The Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1991), 274].
Phần làm chứng của Giacốp căn cứ theo mọi lời hứa của Đức Chúa Trời và kinh nghiệm của ông với Đức Chúa Trời. Chính tại Luxơ mà Giacốp đã mơ thấy chiếc thang bắt lên đến tận trời trước khi ông rời khỏi xứ Canaan để tìm một người vợ tại Charan (28.10-22). Chính tại Luxơ mà Giacốp đã xây một bàn thờ cho Đức Giêhôva sau khi ông trở về xứ Canaan từ cuộc sống chung với Laban (35.6-7). Ở hai lần gặp gỡ, Đức Chúa Trời đã hứa làm cho ông được thịnh vượng và ban đất đai cho ông [Hai lần Đức Chúa Trời đã hiện ra cùng Giacốp tại Luxơ (Sáng thế ký 28.10-17; 35.9-12), và trong hai lần hiện ra Đức Chúa Trời đã chúc phước cho ông, Ngài hứa với ông rằng ông sẽ trở thành một dân lớn và ông sẽ sở hữu xứ Canaan. Trong khi chẳng có một chỗ nào ghi lại Đức Chúa Trời đặc biệt hứa với Giacốp rằng xứ ấy sẽ là “cơ nghiệp đời đời” (48.4), điều nầy đã được hứa với Ápram ở 17.7. Có lẽ lời hứa nầy đã được truyền miệng qua Ysác]. Bất chấp sự bất trung của Giacốp, Đức Chúa Trời đã giữ lòng thành tín (II Timôthê 2.13). Giacốp đã trông cậy vào lời hứa nầy và chúng ta cũng một thể ấy. Trong khi chúng ta có thể phạm tội và hụt mất những ao ước của Đức Chúa Trời dành cho đời sống chúng ta, Ngài giữ sự thành tín vì Ngài không thể chối mình được. Đây là phần làm chứng của Giacốp. Đây là phần làm chứng của tôi. Đức Chúa Trời đã thành tín và giàu ơn đối cùng tôi từ giờ phút được cứu cho đến ngày nay. Và tôi biết Ngài sẽ giữ lòng thành tín đối cùng tôi cho tới khi tôi qua đời hay khi Chúa Jêsus tái lâm. Bạn dám nói như thế không?
Nếu bạn có chứng cớ về sự thành tín và ân sũng của Đức Chúa Trời trong đời sống của bạn, bạn cần phải chuyển giao chứng cớ đó. Một trong những việc tốt nhứt bạn có thể làm là chuyển giao câu chuyện của bạn cho nhiều người khác biết … câu chuyện nói tới cuộc lữ hành thuộc linh của bạn. Phước hạnh cho con cháu của bạn khi biết rõ bạn đến với đức tin như thế nào! Thật là nâng đỡ khi học biết phương thức bạn đã nhìn thấy sự thành tín của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra trong đời sống của bạn. Vì thế, hãy chia sẻ những câu chuyện của bạn. Hãy dành thời gian để xây dựng một ý thức lịch sử trong những người bạn yêu dấu.
Hãy viết ra những ký ức của mình. Chuyến hành trình lịch sử đời sống của bạn. Hãy chia sẻ sự bạn trở lại đạo, sự tấn tới thuộc linh, cùng những ký ức đặc biệt.
Hãy tạo một cuộn băng ghi âm, ghi lại hay thu hình phần tiểu sử cuộc đời của bạn.
Hãy biến nó thành mục tiêu chuyển tải cho con cháu của bạn những kinh nghiệm mà bạn đang chia sẻ.
Thú vị thay, có một trang web được gọi là LastWishes.com quảng cáo những bia mộ được ghi lại qua video, được điều khiển từ xa, có thể tiếp âm một sứ điệp mà người nằm trong mộ bia kia để lại. Những truyện tích có thể được thuật lại và máy vi tính được nối kết với bia mộ đó trên Internet. Kết quả, ấy là những sứ điệp e-mail, băng ghi âm, và hình ảnh (được thực hiện trước khi chết) vẫn có thể được “gửi đi” bởi người quá cố [Preaching Today Citation. Ted De Hass, Bedford, Iowa; sources. Rekha Shetty, “Tomb With a View,” AARP Magazine (Nov/Dec 2004), p. 14; BBC News http.//news]. Nhưng sao phải làm như vậy đang khi bạn có thể chia sẻ mọi ký ức của mình hôm nay? Hãy bắt đầu chuyển giao đức tin của bạn cho những người bạn yêu thương nhất.
Giacốp tiếp tục nói với Giôsép ở 48.5-6. Ông nói: “Bây giờ, hai đứa con trai đã sanh cho con tại xứ Ê-díp-tô trước khi cha đến, là Ép-ra-im và Ma-na-se, cũng sẽ thuộc về cha như Ru-bên và Si-mê-ôn vậy. Còn mấy đứa mà con sanh kế đó, thì sẽ thuộc về con; về phần hưởng cơ nghiệp, chúng nó sẽ đồng một thể cùng anh em mình”. Giacốp đã buộc hai con trai của Giôsép làm con nuôi của ông. Épraim và Manase từ là cháu nội của Giacốp trở thành hai con trai của ông [Hãy in trí rằng hai con trai của Giôsép có phân nửa là người Ai cập. Điều nầy khó cùng chung huyết thống Do thái như Giacốp]. Chúng đã thay chỗ cho Rubên và Simêôn [Tiếng Hy bá lai đọc: “Giống như Rubên và Simêôn, chúng sẽ thuộc về ta” (Sáng thế ký 48.5). John H. Walton, Sáng thế ký . The NIV Application Commentary (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 710]. Vì thế, trong tương lai, các bảng danh sách 12 chi phái Israel, Épraim và Manase thường được kể trong chỗ của Giôsép [Chi phái Lêvi trở thành chi phái tế lễ và vì lẽ đó không kế tự đất đai trong xứ Canaan, đem con số các chi phái được chia đất thành 12 (Dân số ký 26.1-51; Giôsuê 15.1-19.51). Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 162. Dòng Lê vi không được chia sản nghiệp trong Đất Hứa, nhưng sinh sống trong 48 thành rải rác khắp xứ (Dân số ký 18.20; Phục truyền luật lệ ký 18.2; Giôsuê 13.33; 14.4; 21.1…); và Simêôn hiển nhiên bị nhập vào chi phái Giuđa (Giôsuê 19.1-9). Theo phương thức nầy, Đức Chúa Trời đã trừng phạt Lêvi và Simêôn vì cơn giận dữ và bạo hành của họ ở Sichem (Sáng thế ký 34)]. Thường thì con đầu lòng sẽ được trao cho quyền con trưởng. Nhưng Rubên và Simêôn không đủ tư cách nắm lấy địa vị hàng đầu và lãnh đạo trong gia đình của Israel vì cớ tội lỗi của họ. Rubên vì tội lỗi của ông ta khi ăn nằm với Bila, hầu của Giacốp (35.22; 49.4; I Sử ký 5.1-2) và Simêôn phạm tội giết những người nam của thành Sichem (34.25..). Thực vậy, Giacốp đã buộc Épraim và Manase làm con nuôi trong chỗ của Rubên và Simêôn khi quyền con trưởng được chú đến. Nếu bạn nhìn vào tấm bản đồ ở phía sau quyển Kinh Thánh của bạn, bạn sẽ thấy tấm bản đồ chỉ ra những khu vực được ban cho 12 chi phái và bạn sẽ để ý thấy một việc quan trọng. Có 12 chi phái, nhưng bạn không thấy tên của Lêvi (họ là thầy tế lễ và không được ban cho đất đai theo từng chi phái) hay Giôsép, nhưng bạn nhìn thấy tên của Épraim và Manase. Thực thế, Giacốp đang ban cho Giôsép gấp bằng hai ơn phước thực đáng được cho quyền trưởng nam mà thôi (Rubên). Trong tương lai, 48.6 nói rằng con cái khác của Giôsép sẽ được sát nhập trong hai chi phái của Épraim và Manase.
Câu 7 cung ứng lý do cho sự làm nuôi. Giacốp muốn tôn vinh nỗi nhớ đến người vợ mình yêu dấu là Rachên [Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 1988 [2002 ed.]), 693]. Môise viết: “Khi cha ở Pha-đan trở về xứ Ca-na-an, thì Ra-chên chết dọc đường có mặt cha, gần Ê-phơ-rát; cha chôn người ở bên con đường đi về Ê-phơ-rát (tức là Bết-lê-hem)” [Sailhamer viết: “Câu 7 đã làm kinh ngạc nhiều nhà giải kinh. Tại sao sự nhắc nhớ đến Rachên ở điểm nầy trong câu chuyện, và tại sao phải nhắc đến bối cảnh chôn cất bà ấy chứ? Nếu chúng ta xem lại câu đứng trước đó, thì sự nhắc đến Rachên ở đây có thể nói tới sự thực bà đã sanh cho Giacốp ‘hai con trai’ (44.27, Giôsép và Bêngiamin) tác động vào thời điểm ông sắp sửa bước vào (48.7) đất hứa, cũng vậy Giôsép cũng cung ứng cho Giacốp ‘hai con trai’ (48.5) ngay thời điểm khi ông sắp bước vào Ai cập. Tính đối xứng đó cho thấy rằng Épraim và Manase được xem là những thay thế cho Giôsép và Bêngiamin, góp phần vào ý nghĩa chỉ ra sự khôn ngoan thiên thượng đứng ở đàng sau các biến cố của cuộc đời Giacốp. Thêm nữa, hồi ức của Giacốp (48.7) theo đúng từng chữ một với câu chuyện kể lại sự chết của Rachên ở 35.16-19. Trong cả hai phân đoạn, chỗ căng thẳng được đặt vào bối cảnh ‘Éprata’ mà tác giả xác định trong cả hai phân đoạn là Bếtlêhem. Như trong các trường hợp trước khi nhắc tới sự chôn cất các vị tộc trưởng trong Đất Hứa, sự nhắc nhở của Giacốp về sự chôn cất Rachên được gắn với lời hứa rằng đất đai sẽ là ‘cơ nghiệp đời đời’ của dòng dõi Ápraham. Nơi chôn cất Rachên, giống như nơi chôn cất Ápraham và Sara và bối cảnh chôn cất của chính Giacốp (47.29-30), góp phần như một sự nhắc nhở về sự thành tín của Đức Chúa Trời đối với lời hứa giao ước của Ngài”. John H. Sailhamer, Genesis. EBC (Grand Rapids. Zondervan, 1990), Electronic ed]. Giacốp yêu Rachên. Khi bà mất, một phần trong ông đã chết. Ông công nhận rằng Rachên có khả năng có nhiều con hơn nữa, Épraim và Manase đã chiếm lấy chỗ các con trai khác mà Rachên vốn mong sanh ra nếu bà cứ còn sống [Youngblood, The Book of Genesis, 275].
Các câu 8-12 đưa ra các chi tiết của nghi thức nhận con nuôi. Bắt đầu ở 48.8, Môise viết: “Y-sơ-ra-ên thấy các con trai Giô-sép, bèn hỏi rằng: Những đứa nầy là ai?” Câu hỏi nầy không phải là một hàm ý chỉ ra tình trạng mù lòa của Giacốp, nhưng là phần bắt đầu của nghi thức, giống như lễ cưới ngày nay, khi gần bắt đầu lễ, mục sư hỏi: “Ai cho phép người nữ nầy thành hôn với người nam nầy” vậy? Đáp ứng theo nghi thức: “Tôi và mẹ của nó” cũng tương xứng với đáp ứng theo nghi thức của Giôsép: “Ấy là những con trai của con mà Đức Chúa Trời đã cho tại xứ nầy”. Y-sơ-ra-ên lại nói: “Xin hãy đem đến đây, đặng cha chúc phước cho chúng nó” (48.9), bấy nhiêu đủ thỏa tiêu chuẩn của Giacốp khi nhận con nuôi [Walton, Genesis, 634; R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 543; Waltke, Genesis, 597].
Tiến trình nhận con nuôi tiếp tục ở 48.10: “Vả, mắt của Y-sơ-ra-ên già nên làng, chẳng thấy chi nữa, bèn biểu chúng nó lại gần, ôm choàng và hôn”. Đây là bối cảnh rất sống động. Đúng là không thể bỏ qua được. Ở 48.9, Giacốp chúc phước cho hai cháu nội của ông. Thế rồi, ông ôm choàng và hôn chúng [Giống như Giacốp, Chúa Jêsus đã bồng ẳm con trẻ trong vòng tay của Ngài, đặt tay Ngài trên chúng, rồi chúc phước cho chúng (Mác 10.16)]. Có một nhu cần quan trọng trong từng đứa trẻ phải được chạm đến và từng chữ một cha và ông nó khẳng định. Sự chúc phước của một người cha chủ yếu là như thế. Nhiều đứa trẻ không bao giờ nghe một lời nói khích lệ từ cha của chúng. Thay vì thế, chúng được nhắc nhớ đến sự yếu đuối và thất bại của chúng. Chúng bị què quặt bởi lời nói chỉ trích, phê phán và chối bỏ. Hỡi người làm ông, làm cha, chúng ta phải chúc phước cho con và cháu của chúng ta.
Hãy xác định và chia sẻ các thứ ơn của Đức Chúa Trời mà bạn nhìn thấy nơi con cái của mình.
Cung ứng cho chúng một mặc khải về những gì Đức Chúa Trời sẽ làm qua chúng. Từng chữ một, hãy khẳng định với chúng.
Hãy đặt tay của bạn lên đầu chúng rồi chúc phước cho chúng trong danh của Chúa (II Timôthê 1.6) [Cũng xem Bob Hallman, “Passing The Torch” (Genesis 48.1-22).
http.//www3.calvarychapel.com/kauai/teachings/Genesis.html].
Hãy cầu nguyện lớn tiếng. Chẳng có một điều gì giống như một người cha biết chúc phước trong danh của Chúa.
Câu 10 nói rằng Giacốp đã hôn và ôm choàng hai đứa cháu nội 20 tuổi của ông. Dầu khó cho bạn phải dành cho con cái mình tình cảm thuộc thể, tuy nhiên hãy làm như thế. Hỡi người làm ông, làm cha, một cái bắt tay chưa đủ đâu! Nếu bạn là một tín đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ, cần phải thổ lộ thêm về tình cảm nữa. Đừng nói cho tôi biết về sự dạy dỗ hay nhân cách của bạn; mỗi ngày chỉ hãy tưởng tượng đây là ngày cuối cùng trong cuộc đời của bạn. Bạn đối xử với con trai hay đứa cháu nội kia như thế nào vậy?
Ở 48.11, Giacốp nói với Giôsép: “Trước cha tưởng chẳng còn thấy được mặt con, nhưng bây giờ Đức Chúa Trời lại làm cho cha thấy được đến dòng dõi con nữa”. Giacốp làm tăng uy tín của Đức Chúa Trời lên khi ông được phép nhìn thấy hai con trai của Giôsép (48.11). Ông đã đạt tới mức công nhận việc làm và ân điển siêu việt của Đức Chúa Trời trong đời sống ông khi ông nhận ra thể nào Đức Chúa Trời đã thành tín với ông cho dù ông bất trung.
Môise kết thúc tiểu đoạn nầy với lời lẽ rất ấn tượng nầy: “Giô-sép dẫn hai đứa con trai ra khỏi hai đầu gối cha mình, rồi sấp mình xuống đất”. Có thể Giôsép là nhân vật thứ hai quyền lực nhất trong xứ Ai cập, nhưng ông không hề mất đi sự tôn kính đối với cha mình, và ông rất hiếu kính đối với Giacốp (48.12) [Hamilton, The Book of Genesis. Chapters 18-50, 635]. Ở Sáng thế ký 47.9, tôi cho rằng lý do chính mà Giacốp đã có một đời sống khó nhọc như thế là vì ông không hiếu kính cha mình (Phục truyền luật lệ ký 5.16). Giôsép biết chắc rằng ông không phạm vào sai lầm đó. Nguyện chúng ta tiếp thu từ tấm gương của Giôsép mà hiếu kính với cha mẹ mình, bất chấp họ đối xử với chúng ta như thế nào!
Cảnh 3. Giacốp chúc phước cho hai cháu nội mình (48.13-20). Ở 48.13-14, Môise cung ứng cho chúng ta một bài bình luận: “Đoạn, người dẫn hai đứa trẻ lại gần cha; tay hữu thì dẫn Ép-ra-im sang qua phía tả của cha, còn tay tả dắt Ma-na-se sang qua phía hữu. Y-sơ-ra-ên đưa tay mặt ra, để trên đầu Ép-ra-im, là đứa nhỏ, còn tay trái lại để trên đầu Ma-na-se. Người có ý riêng để tay như vậy, vì Ma-na-se là đứa lớn”. Đây là lần đầu tiên trong nhiều trường hợp đặt tay trong Kinh Thánh. Bởi hành động mang tính biểu tượng nầy, một người chuyển quyền phép hay ân tứ thuộc linh sang cho một người khác [Nghi thức nầy là một phần của nghi thức dâng một người hay một nhóm vào một chức vụ (Dân số ký 27.18, 23; Phục truyền luật lệ ký 34.9; Mathiơ 19.13; Công Vụ các Sứ đồ 6.6; 8.17; v.v...), dâng những của lễ, và những lần chữa lành mà Đức Chúa Jêsus Christ cùng các môn đồ đã làm ra]. Trong trường hợp nầy Giacốp về mặt biểu tượng đã chuyển ơn phước từ chính mình ông sang cho hai con trai của Giôsép [Từng người cha đều hiểu rằng ơn phước giáng trên con cái là ơn phước giáng trên người cha. Walton, Genesis, 711]. Từng được thốt ra, các ơn phước không sao đổi lại được (đối chiếu Dân số ký 23.20; Rôma 11.29) [Dr. Thomas L. Constable, Notes on Genesis ( http.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/Genesis.pdfhttp.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/Genesis.pdf, 2005), 266].
Chúng ta không có cách nào nhận biết chính xác tại sao sự đảo ngược như thế nầy đã diễn ra, hay làm thế nào Giacốp biết phải làm như thế [Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50, 636]. Nhưng rõ ràng, hành động đơn sơ nầy đã được làm sáng tỏ trong Hêbơrơ 11.21 là hành động đức tin rất đáng nhớ của Giacốp [Arnold, Encountering the Book of Genesis, 162]. Ơn phước của Giacốp truyền sang cho Épraim và Manase cũng mang ý nghĩa và sức mạnh tiên tri (48.19-20) [Chúng ta có thể thấy ơn phước nầy trong quá trình ứng nghiệm trong thời kỳ Các Quan Xét khi Épraim phát triển đông đúc và có ảnh hưởng lớn lao. Hai chi phái Épraim và Manase kết hợp lại tăng từ 72.700 người ở năm thứ hai sau khi xuất Ai cập (Dân số ký 1.32-35) lên tới 85.200 40 năm sau (Dân số ký 26.28-37). Bằng cách đối chiếu hai chi phái Rubên và Simêôn giảm sút từ 105.800 người xuống còn 65.930 người trong cùng khoảng thời gian đó. Constable, Notes on Genesis, 267]. Dưới sự cảm thúc của Đức Chúa Trời, Giacốp chắc chắn đã cung ứng cho Épraim ơn phước quyền con trưởng đầy đặc ân và nói trước sự nổi bật của Épraim. Đây là thế hệ thứ tư tiếp liền nhau trong dòng dõi của Ápraham, trong đó tư thế quyền trưởng nam được nổi bật nơi người con thứ. Ysác hơn Íchmaên, Giacốp hơn Êsau, Giôsép hơn Rubên, và Épraim hơn Manase.
Một số người trong chúng ta là con trai, con gái thứ có thể rút tỉa được sự khích lệ lớn lao từ câu chuyện nầy. Nhiều lần những người con trưởng được ưu đãi và con cháu về sau không ai chú ý tới. Nhưng Kinh Thánh thì đầy hy vọng cho những người con thứ. Ysác là người con thứ. Giacốp, Giôsép, Môise, Ghiđêôn, David cũng thế. Trong khi chúc phước cho con thứ hơn con trưởng, Giacốp dạy cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đối xử với mọi người đều như nhau. Ngài tôn cao người nào tôn kính Ngài, bất chấp lai lịch hay trình tự chào đời của họ. Thường thì qua dân “bị bỏ sót” trong thế gian mà Đức Chúa Trời làm công việc lớn lao nhất của Ngài [Ray Pritchard, “How a Good Man Dies” (Genesis 48-50).
http//www.calvarymemorial.com/sermons/SMdisplay.asp?id=337]. Bạn có cảm thấy mình bị bỏ sót hay chễnh mãng không? Nếu thực vậy, làm ơn nhìn biết rằng bạn đang ở trong một đội hình tốt lành đấy. Nhiều người nam người nữ quan trọng nhất trong Kinh Thánh đã cảm nhận theo cách nầy, tuy nhiên Đức Chúa Trời đã sử dụng họ trong những đường lối rất mạnh mẽ.
Ở 48.15-16, Giacốp đã chúc phước cho Giôsép, và nói: “Rồi người chúc phước cho Giô-sép rằng: Cầu xin Đức Chúa Trời mà tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác đã thờ phượng; là Đức Chúa Trời đã chăn nuôi tôi từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nay, thiên sứ đã cứu tôi ra ngoài vòng hoạn nạn, hãy ban phước cho hai đứa trẻ nầy; nối danh tôi và tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác, và cho chúng nó thêm lên nhiều vô số trên mặt đất!” Trong lời chức phước của ông, Giacốp đã tái khẳng định đức tin lớn lao của mình nơi Đức Chúa Trời hằng sống. Bất chấp mọi hành động tự lập thời trai tráng của ông, đức tin của Giacốp đã trưởng thành. Giacốp đã sử dụng mạo từ xác định với từ ngữ “Đức Chúa Trời” để nhấn mạnh “Đấng Thần Linh chân thật” (như trong Sáng thế ký 6.2; 22.1; 27.28; 31.11; 46.3) [Earl Radmacher, Ronald B. Allen, H. Wayne House, eds. New Illustrated Bible Commentary (Nashville. Nelson, 1999), 81]. Ông cũng gọi Đức Chúa Trời là “Đấng chăn nuôi tôi” [Đây là lần nhắc đầu tiên trong Kinh Thánh về Đức Chúa Trời là một Đấng chăn dắt đối với dân sự của Ngài. Kinh Thánh thường xuyên đề cập tới Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ chúng ta: “Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi” (Thi thiên 23.1). “Ta là Đấng chăn hiền lành” (Giăng 10.11). Phierơ nói cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là “Đấng chăn chiên và Giám mục của linh hồn mình” (I Phierơ 2.25)]. Giacốp đã đạt tới mức nhìn thấy từng sự cố trong đời sống ông là một phần trong ý chỉ của Đức Chúa Trời dành cho ông và Đức Chúa Trời đang dẫn dắt, nắn đúc ông qua nghịch cảnh.
Cơ đốc nhân chưa trưởng thành cầu xin Đức Chúa Trời sẽ thu lại đau khổ, xin Ngài xem những thứ nầy như điều ác. Dấu hiệu của một Cơ đốc nhân trưởng thành, ấy là người có thể nhìn lại đời sống mình rồi thấy rằng Đức Chúa Trời có thể nắm lấy những nổi khổ ải và áp lực của cuộc sống rồi khiến chúng hiệp lại vì ích cho trong đời sống của người và hoàn toàn kéo người ấy đến gần Ngài qua các điều đó. Người chưa trưởng thành lảng tránh đau khổ. Trong khi người trưởng thành không tìm cách lẫn tránh nó, họ đạt tới mức thưởng thức nó trong ánh sáng Đức Chúa Trời sử dụng nó đẹp đẽ thể nào để đưa chúng ta vào mối quan hệ mật thiết với chính mình Ngài. Khi nhìn biết Đức Chúa Trời là mục tiêu tối hậu, đau khổ không phải là giá quá cao không trả nổi, phải nhận lấy nó [Robert Deffinbaugh, Genesis. From Paradise to Patriarchs. Lesson 48. A View from the Graveyard (Genesis 48.1-22). http:///http://www.bible.org/http://www.bible.org/, 1997, 4]. Có phải Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ bạn không? Có phải bạn hướng về Ngài đặng tìm sự yên ủi không? Có phải bạn nhìn biết rằng Ngài đã ở với bạn trọn những ngày trong đời sống của bạn không?
Giacốp cũng làm chứng về “thiên sứ đã cứu tôi ra ngoài vòng hoạn nạn”. Thiên sứ của Đức Giêhôva hiện ra thường xuyên trong Cựu Ước. Ngài đã hiện ra với Aga khi nàng bỏ trốn khỏi Sara (16.7-13); Ngài đã vật lộn với Giacốp (33.22-32; Ôsê 12.4); và Ngài đã hiện ra với Môise trong bụi gai cháy (Xuất Êdíptô ký 3.2). Thiên sứ nầy là hiện thân của Đức Chúa Jêsus Christ trước khi hóa thân thành xác thịt. Điều nầy được ủng hộ bởi lần sử dụng đầu tiên từ ngữ “cứu chuộc” trong Kinh Thánh. Thật là quan trọng khi từ ngữ ấy xảy ra gắn chặt với công tác của Thiên sứ Đức Giêhôva, cung ứng chứng cớ sâu xa đây chẳng ai khác hơn là chính mình Đức Chúa Jêsus Christ. Bạn đã được “chuộc” hay được “cứu” bởi Đức Chúa Jêsus Christ chưa? Bạn có thể nhìn thấy Ngài đã bảo hộ bạn chưa? Có phải bạn đang tin cậy vào sự bảo hộ và tiếp trợ đời đời của Ngài? Nếu chưa, hôm nay, có phải bạn sẽ tin cậy Đức Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của bạn cách đơn sơ không? Ngài hứa với bạn sự sống đời đời là một sự ban cho nhưng không nếu bạn nương cậy vào Ngài là phương thức duy nhứt của bạn khi đến với Đức Chúa Trời.
Một việc rất thú vị xảy ra ở 48.17-18. Môise viết: “Nhưng Giô-sép thấy cha mình để tay hữu trên đầu Ép-ra-im, thì có ý bất bình [sát nghĩa, trái mắt mình], liền nắm lấy tay cha đã để lên đầu Ép-ra-im mà tráo đổi qua đầu Ma-na-se, rồi thưa rằng: Chẳng phải vậy, cha. Đứa nầy đầu lòng, để tay hữu cha trên đầu nó mới phải chớ”. Sau khi quan sát nghi thức chúc phước nầy mãn rồi, sau cùng Giôsép nhìn biết điều chi sẽ xảy ra và ông đã thất kinh. Cha của ông đã phạm từng truyền thống từ sông Nilơ đến sông Ơphơrát. Giôsép vốn biết hai con trai mình rất mật thiết, và chẳng có một lý do nào hợp lẽ cho Giacốp đặt Épraim cao hơn Manase. Hết thảy những năm của Manase đã sống với đặc ân và sự tôn trọng của quyền con trưởng. Là cha của Manase, Giôsép đã làm việc để gieo trồng phẩm chất con trưởng và một ý thức quan trọng về trách nhiệm nơi đứa con trai trưởng nầy của mình. Tình trạng bẽ mặt nầy là một vết thương không đáng có [Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 544]. Dù thể nào thì sự việc cũng đã xảy ra rồi. Ơn phước từng được thốt ra không thể đổi lại được (đối chiếu 27.34-37).
Tại sao Đức Chúa Trời dường như đã lặp đi lặp lại trong việc chọn con thứ hơn con trưởng chứ?
1. Làm nổi bật sự lựa chọn của Đức Chúa Trời (Rôma 9.11-12). Trong sự tể trị của Ngài, Đức Chúa Trời tuyệt đối tự do lựa chọn người nầy hơn người kia. Là đất sét, chúng ta không có quyền gì để bàn bạc với Đấng Thợ Gốm cả.
2. Làm nổi bật ơn thương xót của Đức Chúa Trời (Rôma 9.15-16). Sự thương xót của Đức Chúa Trời không nương vào việc làm của chúng ta. Đức Chúa Trời chọn người mà Ngài sẽ đổ ơn thương xót cho và với bất cứ cấp độ nào.
3. Làm nổi bật sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (I Côrinhtô 1.27-29). Một trong những lẽ đạo hay tái diễn suốt sách Sáng thế ký là sự Đức Chúa Trời thích làm vinh hiển cho chính mình Ngài. Kết quả là, Ngài làm xấu hổ kẻ khôn và kẻ mạnh “để chẳng ai khoe mình trước mặt Ngài”.
Ở 48.19-20, Giacốp từ chối Giôsép và nói: “Cha biết, con, cha biết. Nó sẽ trở nên một dân; nó cũng sẽ lớn vậy, con; song thể nào em nó cũng sẽ lớn hơn và dòng dõi nó sẽ thành ra vô số nước. Trong ngày đó, người chúc phước cho hai đứa con trai nầy mà nói rằng: Ấy vì ngươi mà dân Y-sơ-ra-ên sẽ chúc phước nhau rằng: Cầu xin Đức Chúa Trời làm cho ngươi được giống như Ép-ra-im và Ma-na-se. Vậy, Gia-cốp đặt Ép-ra-im trước Ma-na-se”. Giacốp cần phải có trọn một đời học biết về kỷ luật thiêng liêng rằng ông chỉ nên nói về Lời của Đức Chúa Trời. Giờ đây ông đã mạnh dạn tin cậy Đức Chúa Trời và tin theo mọi chương trình của Ngài là tốt nhứt. Ông đã mạnh dạn làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời bất chấp những ước muốn của đứa con tin kính, đầy hào quang của ông [Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 545; Ross, Creation & Blessing, 693].
Épraim và Manase đã trở thành hai chi phái lớn. Có lần, Épraim được sử dụng như một từ đồng nghĩa với vương quốc Israel. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đường dài cả hai chi phái sẽ xa cách Đức Chúa Trời. Kết quả, chi phái Giuđa sẽ cầm lấy chiếc áo choàng và quyền lực. Thi thiên 78 mô tả sự thoái vị thê thảm của họ (đối chiếu II Các Vua 17) [Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 545]. Đúng là một bài học cho chúng ta cần phải bền đỗ lo giữ lấy chính đức tin của mình.
Cảnh 4. Giacốp ban cho Giôsép một mãnh đất (48.21-22). Phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta kết thúc ở 48.21-22: “Y-sơ-ra-ên lại nói cùng Giô-sép rằng: Nầy, cha sẽ thác, nhưng Đức Chúa Trời sẽ phù hộ và đem các con trở về xứ tổ phụ. Còn cha sẽ cho con một phần đất trổi hơn các anh em, là phần đất của cha đã dùng cung-kiếm đoạt lấy của dân A-mô-rít đó”. Giacốp đưa ra một lời tuyên bố quan trọng ở 48.21 khi ông nói: “Nầy, cha sẽ thác, nhưng Đức Chúa Trời sẽ ở cùng con”. Nhiều lần bạn không cần tôi trong vai trò Mục sư của bạn. Bạn không cần ai khác. Bạn cần Đức Chúa Trời. Nhiều lần khi bạn nghĩ bạn cần người bạn đời hay bạn thân, thực sự bạn đang khao khát Đức Chúa Trời. Nếu Ngài ở với bạn, bạn có mọi sự mà bạn đang có cần.
Giacốp tin chắc lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ đem dòng dõi của ông về lại trong Đất Hứa (đối chiếu 46.4). Trong lời hứa có tính tiên tri của Giacốp cho Giôsép (48.22) là một câu mang tính chơi chữ. Từ ngữ “một phần” có ý nói tới dãi đất hay bả vai (của xứ) và y như là “Sichem” [Sichem nằm trong lãnh thổ của Manase. Dân Israel về sau đã chôn cất Giôsép tại Sichem (Giôsuê 24.32). Trong thời của Chúa Jêsus, dân chúng nói tới Sichem (gần Sikha) là chỗ Giacốp đã ban cho Giôsép (Giăng 4.5)]. Giacốp đã nói giống như ông đã chiếm Sichem từ dân Amôrít bằng sức mạnh vậy (48.22). Có lẽ Giacốp đã xem cuộc tàn sát của Simêôn và Lê vi đối với người thành Sichem là việc chính ông chiếm lấy thành ấy (34.27-29) [Waltke, Genesis, 601; Walton, Genesis, 712]. Giacốp đã ban Sichem cho Giôsép, là nơi ông xem là phần thưởng nhỏ trong mọi sự mà Đức Chúa Trời sẽ ban cho dòng dõi ông khi họ đánh trận với dân Canaan trong tương lai.
Giống như Giacốp, Giôsép cũng có đức tin rất đáng nhớ. Khi đưa hai con trai mình đến gặp Giacốp, chắc chắn ông đã bằng lòng trước sự họ bị chối bỏ không còn được tôn trọng ở xứ Ai cập trong tương lai. Bằng cách đồng hóa hai con trai mình với dân chuyên nghề chăn chiên hay bị khinh dễ, Giôsép đã đóng ấn cho chúng phải đứng ngoài quyền lực. Điều nầy quả là dại dột đối với nhận thức của người sông Nile. Nhưng giống như cha mình là Giacốp, Giôsép đã tin theo lời hứa — rằng Đức Chúa Trời đang dựng lên một dân lớn, một ngày kia họ sẽ trở lại với đất hứa. Dù Giôsép hiển nhiên đã sống với sự nghiệp của mình là phó vương trong xứ Ai cập, chẳng có một tường trình nào ghi lại con cái ông đạt được đẳng cấp cao trong 400 kế đó tại xứ Ai cập. Vì thế, bởi đức tin Giôsép đã sống không cầu cạnh ân sũng của Ai cập [Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 546-47].
Bạn và tôi cũng được khích lệ khi trở thành dân sự của đức tin. Chúng ta cần phải chuyển giao ngọn đuốc, để lại một di sản. Chúng ta có thể làm được thế qua hai phương tiện rất đơn sơ: nêu gương (I Timôthê 4.12) và môn đồ hóa (II Timôthê 2.1-2). Liệu bạn có quyết định ngày nay rằng bạn sẽ sống đời sống của mình với cứu cánh đó trong trí không?






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét