Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 2.11-14: Tự do hay thiên về với luật pháp?



Tự do thực – Galati
Tự do hay thiên về với luật pháp?
Galati 2.11-14
Chuck Swindoll thuật lại một câu chuyện nói về thanh niên kia từng phục vụ trong một Hội thánh rất nghiêm ngặt với gốc rễ Scandinavian. Là một nhà lãnh đạo trẻ có óc sáng tạo và biết nhìn tới trước, anh cho nhóm thanh niên của mình xem một cuốn phim về truyền giáo. Chúng ta đang nói về cuốn phim tôn giáo đông phương, không có gì là sai trái hết. Máy chiếu phim đã tắt khoảng một giờ đồng hồ trước khi nhóm lãnh đạo trong nhà thờ gọi anh vào và tra hỏi anh đang làm việc gì thế? Họ hỏi: "Có phải anh cho nhóm thanh niên xem phim không?" Với mọi sự thành thực, anh đáp ngay: "Thưa phải, tôi cho họ xem phim". Họ nói: "Chúng tôi không thích như thế". Không muốn tranh luận, chàng trai trẻ kia đã lý luận như sau: "Phải rồi, tôi nhớ trong kỳ hội đồng vừa qua, Hội thánh chúng ta đã cho chiếu bằng đèn hình mà". Một trong các viên chức của Hội thánh đưa tay lên ra dấu cho anh nầy phải im lặng. Rồi với câu nói nầy, ông giải thích rõ ràng cuộc tranh chấp: "Nếu không có gì thì tốt. Còn nếu có chuyện gì thì là tội lỗi!" Quí vị ơi, quí vị có thể cho chiếu bằng đèn hình, khi họ cho chiếu phim quí vị sẽ rơi vào tội lỗi cho xem!
Có nhiều người chưa tin Chúa đang nhìn xem Cơ đốc nhân là một nhóm người làm điều lành có tâm trí hẹp hòi với các bản danh sách dài những điều nên và không nên làm. Mỉa mai thay, họ có một ấn tượng rất chính xác về nhiều người tự nhận mình yêu mến Đấng Christ. Có người cảm thấy họ đang làm công việc kê ra bảng danh mục các luật lệ cho những người còn lại chúng ta. Họ muốn bảo chúng ta nên ăn mặc như thế nào, phải chải tóc làm sao, phải xem cái gì, phải đọc cái gì, phải nghe loại nhạc nào và phải sống ra sao!?! Vấn đề, ấy là họ đang khuyến khích, thúc đẩy danh mục của họ, chớ không phải của Đức Chúa Trời đâu.
Sứ đồ Phaolô nói ra vấn đề nầy rất nhiều lần trong thơ Galati. Các giáo sư giả đã dạy những tín hữu thành Galati rằng muốn sống đẹp lòng Đức Chúa Trời họ phải chịu phép cắt bì và giữ mọi sự giải thích của họ về các nghi thức, điều răn và điều lệ của Cựu Ước. Phaolô dạy chúng ta rằng chúng ta đã được cứu là do ân điển của Đức Chúa Trời, chớ không phải bởi việc làm của chúng ta, bởi tin, chớ không phải bởi thành tựu.
Tôn giáo cung ứng cho chúng ta HÌNH THỨC THIÊN VỀ VỚI LUẬT PHÁP. Tôn giáo nói: "Hãy giữ giới luật của ta. Hãy làm theo mọi hướng dẫn của ta và nếu như các ngươi tốt đủ, Đức Chúa Trời sẽ tiếp nhận các ngươi". Đức Chúa Trời ban cho chúng ta SỰ TỰ DO. Chúa Jêsus phán: "Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do" (Giăng 8.36).
Dứt bỏ sự tự do thuộc linh của chúng ta rồi bị lôi cuốn vào tôn giáo thiên về với luật pháp thì thật là dễ dàng. Điều nầy xảy ra ở bất cứ thời điểm nào. Thậm chí nó xảy ra với sứ đồ Phierơ, một trong những "cột trụ" của Hội thánh (2.9). Chúng ta hãy xem xét ba lẽ thật về sự tự do thuộc linh của chúng ta.
I. Tự do thuộc linh là sự làm cho vui mừng
A. Phierơ thăm viếng An-ti-ốt.
Phaolô bắt đầu nói: "Nhưng khi Sê-pha đến thành An-ti-ốt". Phaolô và Phierơ đã trở thành bạn đồng sự trong Tin lành. Phần lớn sự dạy nền tảng của Hội thánh đều xuất phát từ hai nhân vật nầy. Sách Công Vụ các Sứ Đồ được họ chia ra làm hai, phân nửa thứ nhứt chủ yếu là nói về Phierơ và phân nửa thứ hai là nói về Phaolô.
Theo Galati 1.18, trước tiên Phaolô đã gặp Phierơ "ba năm" sau khi ông gặp Chúa Jêsus trên con đường đến thành Đa-mách. Sau "ba năm" nghiên cứu trong xứ Arabi và giảng dạy tại thành Đa-mách, Phaolô "lên thành Jerusalem đặng làm quen với Sê-pha". Họ ở bên nhau trong "mười lăm ngày".
Khi Phaolô rời thành Jerusalem, ông không gặp Phierơ hay bất kỳ một sứ đồ nào khác nữa trong "mười bốn năm" (2.1). Lúc bấy giờ, ông "lại lên thành Jerusalem" để gặp gỡ các sứ đồ khác để trình bày sự dạy giả dối của những người theo giáo Giu-đa. Tại thành Jerusalem, Phierơ cùng các sứ đồ khác "đã thấy" hay khẳng định rằng Đức Chúa Trời "cảm động" trong Phaolô là một vị sứ đồ cho dân Ngoại y như Ngài đã "cảm động" trong Phierơ làm sứ đồ cho người Do thái (các câu 7-8). Khi ấy Giacơ, Phierơ và Giăng hết thảy đều là "cột trụ" (các giáo sư lỗi lạc) tại Hội thánh Jerusalem đã “trao tay hữu giao kết” với Phaolô và Banaba. Họ đang khẳng định chức năng cộng sự của họ trong việc rao giảng Tin lành. Thực vậy, Giacơ trong một bức thư gửi cho các Cơ đốc nhân dân Ngoại đã viết về họ là "Banaba và Phaolô yêu dấu của chúng tôi".
Công Vụ các Sứ Đồ 15.30 cho rằng sau giáo hội nghị tại thành Jerusalem, Phaolô và Banaba "đã đến tại thành An-ti-ốt" và đã "trao bức thư". Câu 35 chép: "Nhưng Phao-lô và Ba-na-ba ở lại tại thành An-ti-ốt, giảng Tin Lành và dạy đạo Chúa với nhiều người khác".
Một thời gian trôi qua và phân đoạn Kinh Thánh chúng ta nói: "nhưng Sêpha đến thành An-ti-ốt". Ông muốn gặp Phaolô và Banaba. Ông muốn nhìn thấy ơn và quyền của Hội thánh tại thành phố ấy. Ông đã đến tham gia vào việc giảng dạy và nhìn thấy công việc tốt lành của Chúa.
B. Phierơ đã ăn uống với các tín đồ dân Ngoại.
Câu 12 nói rằng khi lần đầu tiên Phierơ đến với An-ti-ốt "người ăn chung với người ngoại". Câu nói đơn sơ đó có âm vang dường như chẳng nhằm nhò gì với quí vị hết, nhưng đối với Phierơ đây là một bước quan trọng trong sự tự do thuộc linh.
Phierơ là một người Do thái. Ông đã chào đời và lớn lên trong xứ Israel dưới các chế độ luật lệ khe khắc và truyền khẩu của người Do thái. Toàn bộ đời sống của ông, ông đã tuân giữ các luật lệ nầy. Thực vậy, ông nói trong Công Vụ các Sứ Đồ 10.14: "Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch bao giờ". Thậm chí sau khi Phierơ đã được cứu và đi theo Chúa Jêsus, ông vẫn còn theo các thói tục Do thái và cẩn thận không ăn bất cứ thứ chi không sạch.
Chúa Jêsus đã hủy bỏ chế độ luật lệ ấy. Ngài phán với Phierơ cùng các sứ đồ khác trong Mác 7.18-23: "Vậy chớ các ngươi cũng không có trí khôn sao? Chưa hiểu chẳng có sự gì ở ngoài vào trong người mà làm dơ dáy người được sao? Vả, sự đó không vào lòng người, nhưng vào bụng, rồi bị bỏ ra nơi kín đáo, như vậy làm cho mọi đồ ăn được sạch. Vậy, Ngài phán: Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người! Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người".
Phierơ vốn biết rõ Chúa Jêsus đã buông tha cho ông được tự do ở ngoài các luật lệ của Cựu Ước cùng chế độ luật pháp. Thực vậy, Đức Chúa Trời đã làm sự ấy ra rõ ràng cho ông thấy. Chúng ta quay trở lại với Công Vụ các Sứ Đồ 10. Một thầy đội La mã tên là Cọt-nây từ Sê-ra-sê đến, ông ta được một thiên sứ dẫn dắt đến với Phierơ. Phierơ ở tại Giốp-bê, ngụ trong nhà của một thợ thuộc da. Ông ở trên mái nhà đang cầu nguyện lúc giữa trưa rồi rơi vào sự hôn mê. Trong các câu 11-12, chúng ta đọc ông "…Người thấy trời mở ra, và có vật chi giống như một bức khăn lớn níu bốn chéo lên, giáng xuống và sa đến đất: thấy trong đó có những thú bốn cẳng, đủ mọi loài, côn trùng bò trên đất, và chim trên trời". Câu 13 cho chúng ta biết ông đã nghe một giọng nói: "hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn". Phierơ lấy làm kinh khủng. Ông nói: "Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch bao giờ". Đức Chúa Trời phán cùng ông một lần nữa như sau: "Phàm vật chi Đức Chúa Trời đã làm cho sạch, thì chớ cầm bằng dơ dáy". Thực vậy, bối cảnh nầy đã được lặp lại "ba lần" để nhấn mạnh. Nếu quí vị tiếp tục đọc phần còn lại của chương, quí vị sẽ học biết rằng sự khải thị nầy là để sửa soạn cho Phierơ giảng Tin lành cho cả nhà dân Ngoại của Cọt-nây. Ở điểm nầy, Phierơ tưởng Tin lành chỉ dành để cho người Do thái, nhưng Đức Chúa Trời đang tỏ cho ông thấy rằng hễ ai và hễ cái gì Ngài đã làm cho sạch thì là sạch rồi. Về sau trong câu 34, chúng ta thấy Phierơ đã tiếp thu bài học. Ông nói: "Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai".
Mặc dù Phierơ biết rõ mình đã có sự tự do thuộc linh và có thể ăn bất cứ thứ chi, ông đã không hề ăn…cho tới khi ông đến tại thành An-ti-ốt. Ở đó trong một Hội thánh dân Ngoại, với chẳng có một người Do thái tọc mạch nào ở chung quanh, Phierơ bắt đầu dùng thức ăn của người Ngoại và thấy thức ăn đó là ngon lành! Tôi đoán Phierơ đã thưởng thức thịt heo muối và xúc xích trong bữa điểm tâm. Có lẽ ông còn lấy miếng thịt heo quay để ăn trưa nữa. Quí vị biết ông đã dùng thịt sườn heo để ăn tối. Ông để mặt mình vào vĩ nướng thịt heo! Tôi đoán ông đã nướng thịt heo cho bữa ăn tối lúc nửa đêm!
Chắc chắn là các gia đình dân Ngoại sẽ mời Phierơ đến tại nhà họ và cùng ăn với họ. Họ đã ngồi quanh bàn ăn giống như chúng ta ngồi trong lúc bây giờ đây, trao đổi về các ơn phước của Chúa và vui hưởng sự dư dật của Ngài ở trên bàn. Các Hội thánh đầu tiên cũng "ưa thích các bữa tiệc" nhiều giống như những bữa cơm tối hiện đại hay các bữa ăn thân hữu. Mặc dù Phierơ đã dùng bữa bình thường với dân Ngoại, ông cũng dùng Tiệc Thánh với họ nữa.
Đúng là một sự vui mừng cho Phierơ khi gạt qua một bên các thành kiến xưa cũ rồi vui hưởng thức ăn và tình thân hữu của các tín đồ khác, dù họ là những người Ngoại.
C. Trong Đấng Christ, các tín đồ đang có sự tự do thuộc linh.
Trong cách ăn ở với Chúa của tôi lúc đầu, tôi đã nhận thấy Cơ đốc giáo là một danh sách những việc làm theo và không nên làm theo. Có các Cơ đốc nhân thật làm theo điều nầy và có những Cơ đốc nhân thật đừng làm theo điều kia. Tôi nghĩ hết thảy những người nam Cơ đốc đều có mái tóc ngắn, không có mái tóc để dài và phải thắt cà vạt khi họ đến với Hội thánh. Còn những người nữ Cơ đốc phải có mái tóc dài và mặc váy dài (dưới gối) và không bao giờ mặc váy ngắn trên gối.
Quí vị có thể đọc từ các bản dịch Kinh Thánh nhưng phải mang theo quyển KJV. Âm nhạc thích ứng trong Hội thánh phải kèm theo một chiếc dương cầm, một đàn organ, và phải hát các bài hát trong quyển thánh ca. Loại đàn tây ban cầm chỉ dành cho các tiệm nhảy rẻ tiền và các câu lạc bộ ban đêm, chớ không dùng cho sự thờ phượng.
Việc đáng cười, ấy là chẳng có một điều gì như thế ở trong Kinh Thánh! Sự việc thật là kỳ lạ, nhưng sự thực cho thấy rằng dân sự của Đức Chúa Trời thường xem trọng truyền khẩu của họ hơn là Kinh Thánh.
Donald Barnhouse đã viết về một Hội đồng được tổ chức vào năm 1928 ở Pennsylvania. Trong 200 người có mặt, đã số trong vòng họ hãy còn trẻ, có ít người lớn tuổi trong đám đông đó. Ngày kia có hai bà cụ đến gần ông than phiền rằng mấy cô gái trẻ không có mang vớ. Ông nhìn thẳng vào mắt họ rồi nói: "Nữ đồng trinh Mary không hề mang vớ". Họ há hốc miệng ra vì kinh ngạc: "Bà ấy không mang vớ sao?" Ông nói tiếp: "Trong thời của Mary, chẳng ai biết mang vớ cả. Theo như chúng tôi biết, trước tiên vớ được mang là do mấy cô gái điếm ở nước Ý vào thế kỷ thứ 15… Về sau có một phụ nữ quí tộc đã làm cho người ta phải gai mắt do mang vớ đến một sân bóng. Trước đó rất lâu, mọi người thuộc giới thượng lưu đã mang vớ và đến thời Nữ hoàng Victoria mang vớ đã trở thành một dấu hiệu cho thấy sự kịch cợm". Ông nói thêm: "Mấy bà nầy, cứ khư khư giữ theo thời thế của nữ hoàng Victoria, không có gì để nói nữa. Tôi không quở trách mấy cô gái vì không mang vớ. Một hai năm sau, hầu hết các cô gái ở Mỹ đều đi mà chẳng mang vớ vào mùa hè và chẳng có ai suy nghĩ chi về sự ấy nữa".
Mãi cho tới khi tôi bước vào chức vụ trọn thời gian, tôi mới bắt đầu nắm bắt được là mối giao thông của tôi với Đấng Christ không phải ở chỗ các bảng danh sách những việc nên làm và những việc không nên làm. Cho tới khi tôi đã trưởng thành, tôi bắt đầu hiểu ra sự tự do thuộc linh của mình. Sự công bình của Đấng Christ đã được áp dụng vào chính đời sống tôi. Đức Chúa Trời sẽ không yêu thương tôi hay chúc phước cho tôi nhiều hay ít hơn nếu tôi để tóc dài hay để tóc ngắn, nếu tôi hát các bài thánh ca hay hợp xướng, nếu tôi giảng đạo với một chiếc cà vạt hay mặc chiếc áo T-shirt hoặc tôi hát với cây đàn guitar hay với chiếc organ!
Chúa Jêsus buông tha chúng ta để khiến cho chúng ta phải ở ngoài luật pháp, là sự tự do thực. Luật pháp duy nhứt của chúng ta chính là “luật pháp của Thánh Linh". Roma 8.2 chép: "vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết".
Phierơ đã thực thi sự tự do thuộc linh của mình với sự vui vẻ! Cũng một thể ấy mỗi Cơ đốc nhân đều phải bước đi "theo cách mới của Thánh Linh, chớ không theo cách cũ của văn tự" (Roma 7.6).
II. Tự do thuộc linh là đang lo sợ.
A. Một số người Do thái lên từ thành Jerusalem.
Phaolô nói cho chúng ta biết trong câu 12 rằng: "mấy kẻ của Giacơ sai đi chưa đến". Giacơ là "anh em của Chúa" và bây giờ là Mục sư chủ toạ của Hội thánh Jerusalem. Phaolô đã gặp ông theo cách riêng khi ông lên thành Jerusalem lần đầu tiên (1.19). Ở giáo hội nghị thành Jerusalem, Giacơ đã nói: "Vậy, theo ý tôi, thật chẳng nên khuấy rối những người ngoại trở về cùng Đức Chúa Trời" (Công Vụ các Sứ Đồ 15.19). Ông đã giúp tác giả bức thư đã mô tả Phaolô là "rất yêu dấu" (câu 25) và đã "trao tay hữu giao kết" với Phaolô (Galati 2.9). Họ là những Cơ đốc nhân người Do thái, xuất thân từ Hội thánh Jerusalem.
Nếu quí vị cần chuyển qua phần khác trong xứ và đến thăm Hội thánh khác dưới quyền chủ toạ của một người bạn của tôi, quí vị sẽ nói: "Tôi đến từ Hội thánh của Mục sư Coy và ông ấy gửi lời chào thăm quí vị". Tôi nghĩ rằng đấy là những gì Phaolô muốn nói khi ông nói họ do "Giacơ sai đến".
B. Phierơ tự biệt riêng ra đối với dân Ngoại.
Khi số người khách Do thái nầy đến nơi. Có một việc đã xảy ra cho Phierơ. Phaolô nói trong câu 1: "người lui đứng riêng ra" đối với các Cơ đốc nhân dân Ngoại. Khi ông nghe nói có mấy người Do thái đã đến, Phierơ đã cẩn thận tẩy rửa hết mọi thứ nước chấm còn dính nơi râu của mình. Rõ ràng là ông không muốn họ nhìn biết ông đã ngồi ăn với dân Ngoại. Ông không muốn họ nhìn biết ông đã thực thi sự tự do thuộc linh của mình và phớt lờ các chế độ theo luật lệ của người Do thái.
"Lui" ra từ một chữ Hy lạp được sử dụng để nói tới sự triệt thoái có tính chiến lược về mặt quân sự, lui lại tránh kẻ thù để nương náu và được an toàn. Giống như những người lính thủy buộc phải rút lui trong lạnh giá để tránh đụng độ ở Bắc Hàn vào mùa đông năm 1950, Phierơ đã lui ra khỏi bàn của người dân Ngoại. Ông đã từ từ, thận trọng, thôi không giao thông quanh co với các anh em dân Ngoại nữa. Thì động từ chưa hoàn thành cho thấy đây là một sự rút lui tiệm tiến, có chủ ý, lén lút.
Khi người Do thái xuất hiện, Phierơ đã tránh né những người Ngoại. Một anh em dân Ngoại nói: "Ô kìa Phierơ, hãy đến nhà chơi lúc 7 giờ, tôi sẽ đặt thêm mấy miếng sườn heo mà ông thích nướng trên vĩ nhé" . Quí vị có nhìn thấy Phierơ không? Ông đang nhìn quanh, hy vọng chẳng có ai nghe thấy. Ông đang thì thào: "Cảm ơn, nhưng tôi có hẹn rồi". Ở bữa tiệc kia, Phierơ chỉ đặt thức ăn theo chế độ lên trên đĩa của mình. Một chị em dân Ngoại nói: "Anh Phierơ ơi, hãy đến đây ngồi với chúng tôi. Anh dùng thử món cua salad tươi nầy nhé!" Phierơ giả vờ như ông không nghe thấy và ngồi với mấy gã đến từ thành Jerusalem. Trong suốt bữa Tiệc Thánh, ông ngồi bên phía người Do thái và chẳng thèm liếc nhìn qua phía người Hy lạp.
C. Phierơ sợ vì danh tiếng của ông.
Phaolô nói ở cuối câu 12 rằng Phierơ đã "sợ những kẻ chịu phép cắt bì".
Đây là Phierơ xưa, người đã nói rằng Chúa Jêsus là "Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống" nhưng rồi lại "trách Chúa" vì đã nói trước sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài. Đây là Phierơ xưa, là người đã nói mình không bao giờ bỏ Chúa nhưng lại chối Ngài đến ba lần. Đây là Phierơ xưa, là người đã trông thấy Đấng Christ phục sinh, nhưng đã quay trở lại với nghề đánh cá.
Phierơ vốn quan tâm nhiều tới danh tiếng của mình giữa vòng các Cơ đốc nhân người Do thái hơn là ông quan tâm tới sức khoẻ thuộc linh của các Cơ đốc nhân dân Ngoại. Ông rất sợ mất lòng người ta và uy tín tại thành Jerusalem mà ông đã từng có được, ông đã sống giống như một người Ngoại vậy.
D. Phierơ khiến cho nhiều người khác phải vấp ngã.
Trong nổ lực hầu làm đẹp lòng "những kẻ chịu phép cắt bì", là người Do thái, Phierơ đã thôi không thể hiện một chuỗi hành động giả hình nữa. Khi ông từ chối dân Ngoại, nhiều người khác cũng đã làm theo y như thế.
Phaolô nói trong câu 13: "Các người Giu-đa khác cũng dùng một cách giả dối như vậy, đến nỗi chính Ba-na-ba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ". Những người Do thái khác, là thuộc viên tại Hội thánh An-ti-ốt đã bắt đầu noi theo sự lãnh đạo của Phierơ. Từ từ họ tự biệt riêng ra đối với các bạn hữu dân Ngoại. Trước đó lâu lắm, đã có một sự phân chia ngay giữa Hội thánh. Người Do thái ở phía bên nầy và người dân Ngoại ở phía bên kia.
Phaolô đã nói "ngay cả Banaba" cũng bị "sự giả hình" của Phierơ dẫn dụ nữa. Sao thế Banaba? Là người bạn đồng hành thường trực của Phaolô, một đặc phái viên khác từ giáo hội nghị đã đầu hàng người Do thái. Chỉ một mình Phaolô đứng ở giữa Hội thánh đã rơi vào chỗ chia hai.
Hãy tưởng tượng các Cơ đốc nhân dân Ngoại đáng thương kia đã cảm nhận như thế nào!?! Phierơ khi ấy là một nhân vật rất nổi tiếng. Họ rất cảm động khi thấy ông ngồi ăn trong nhà của họ cùng vui hưởng mối giao kết của họ. Còn bây giờ, ông chẳng biết tới và lẫn tránh họ. Các bạn hữu khác với lai lịch Do thái đã bắt đầu hành động theo cùng một cách thức ấy. Các Cơ đốc nhân dân Ngoại đáng thương nầy không nghi ngờ chi nữa đã bị tổn thương và xúc phạm. Có lẽ ai đó đã giận dữ rồi rời khỏi Hội thánh. Có người nghĩ họ sẽ khởi sự giữ theo luật pháp Cựu Ước và chịu phép cắt bì hầu cho họ sẽ được tiếp nhận đối với các Cơ đốc nhân người Do thái.
Đúng là tình trạng đáng buồn khi một Hội thánh bị phân chia bởi các nghi thức, chủng tộc, giai cấp hay phe nhóm! Đúng là một bầu không khí rất kinh khủng khi một Cơ đốc nhân chối bỏ hay lẫn tránh Cơ đốc nhân khác vì người nầy không thuộc vào nhóm của người kia! Ồ, điều nầy đã làm buồn Thánh Linh của Đức Chúa Trời là dường nào! Chẳng có một quyền phép thuộc linh nào trong một Hội thánh như thế. Phục hưng là vô vọng! Truyền giáo là thua trắng luôn! Việc môn đồ hoá là không thể đạt được. Phaolô đã viết trong Êphêsô 4.3 rằng chúng ta cần phải "dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh".
Trước khi được cứu, hết thảy chúng ta đều là tội nhân. Sau khi được cứu, hết thảy chúng ta đều là hạng thánh đồ. Trong con mắt của Đức Chúa Trời chúng ta đều y như nhau. Có một thân thể và một Chúa mà thôi. 3.26 chép: "Vì chưng anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời". Câu 28 chép: "Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; VÌ TRONG ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST, ANH EM THẢY ĐỀU LÀM MỘT"
E. Thực thi sự tự do thuộc linh của quí vị là rất mạo hiểm.
Phierơ đã từng tìm được sự tự do thuộc linh của mình với thái độ rất phấn khởi, giờ đây ông thấy sợ hãi nó. Không nghi ngờ chi nữa, ông đang suy nghĩ: "Nếu họ tìm ra tại thành Jerusalem ta là kẻ thích ăn da heo, ta đã bị hủy hoại rồi!" Khi "sợ những kẻ chịu phép cắt bì" ông đã "lui đứng riêng ra" khỏi mấy cái bàn của người dân Ngoại. Phierơ để cho người khác đề ra các giới hạn trên sự tự do thuộc linh của ông.
Đúng là sợ hãi và mạo hiểm khi dở những bước chân đầu tiên hướng tới sự tự do về mặt thuộc linh. Người ta thường nghĩ gì nếu tôi giơ tay lên trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời? Họ sẽ nói gì nếu tôi hô lên: “Ha-lê-lu-gia”? Họ cảm nhận về tôi ra sao nếu tôi mua một chiếc xe gắn máy rồi để tóc dài? Quí vị để cho người khác giới hạn sự tự do quí vị có trong Đấng Christ theo chiều hướng nào?
Bị gò bó trong các điều lệ và truyền khẩu do con người lập ra được gọi là thiên về với luật pháp. Tôi thích điều mà Max Lucado từng nói: "Thiên về với luật pháp không có lòng thương xót trên bất cứ ai. Thiên về với luật pháp biến quan điểm của tôi thành gánh nặng của bạn, biến ý tưởng của tôi thành lằn ranh của bạn, biến điều tôi suy nghĩ thành bổn phận của bạn".
III. Tự do thuộc linh rất là quí báu.
A. Phaolô mặt đối mặt chống cự Phierơ.
Trở lại với câu 11 và nhìn thấy câu Phaolô nói về Phierơ: "tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm". Phaolô đã chống cự Phierơ. Phaolô đã quở trách Phierơ. Ông đã phản ảnh tận mặt Phierơ vì Phierơ “rõ ràng là phạm sai lầm” (bản dịch NIV).
Mặc dù Phierơ là một sứ đồ, ông chưa được trọn vẹn đâu. Ông phải chịu quở trách khi ông phạm sai lầm. Mặc dù Phierơ là một "cột trụ" trong Hội thánh, ông không tránh khỏi việc tìm kiếm lợi ích riêng và sa vào tội lỗi. Còn tệ hại hơn nữa, ông đang kích thích nhiều người khác làm theo với ông.
Có những người dạy rằng sau khi người ta chịu một “phép báptêm thuộc linh” hay một "ơn phước thứ hai", người ấy đang sống cao hơn tội lỗi. Trong khi sống như vậy, họ quên phứt đi Phierơ. Phierơ vốn có phép báptêm trọn vẹn vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Ông đã chứng kiến nhiều thứ tiếng lạ mà ông chưa hề học qua. Khi ông giảng đạo, 3000 người được cứu và đã chịu phép báptêm. Tuy nhiên, ở đây ông đang làm phân rẻ một Hội thánh và đang vặn cong tin lành ân điển vì ông mãi bận tâm với danh tiếng riêng của ông.
B. Phaolô chiến đấu cho lẽ thật của Tin lành.
Trong câu 14, Phaolô nói: "Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, thì nói với Sê-pha trước mặt mọi người rằng…". Đây không phải là một buổi nhóm riêng tư, mà là một buổi nhóm chung hết. Hãy để ý "trước mặt mọi người" và "trước mặt người" (câu 11).
Phaolô đã từ chối không bị "ép" phải làm phép cắt bì cho Tít "hầu cho lẽ thật của Tin lành được vững bền với anh em" (các câu 3, 5). Bây giờ vì "họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin lành" và vì mọi hành vi của họ "ép" người dân Ngoại phải "theo thói Giu-đa" hay theo chế độ tuân giữ các luật lệ (câu 14), Phaolô đã quở trách Phierơ.
Chẳng một giây phút nào Phaolô chịu đầu hàng trước việc thiên về với luật pháp. Ông không để một giây phút nào cho phép các tín hữu dân Ngoại phải nghĩ rằng họ cần phải thêm điều chi đó vào đức tin của họ nơi Đấng Christ. Sự cứu rỗi khi ấy và ngay bây giờ không phải là do thành tựu mà là do tin mà thôi, ân điển của Đức Chúa Trời chẳng phải thêm vào một thứ gì khác cả!
Nếu Tít phải chịu phép cắt bì tại thành Jerusalem, nếu các Cơ đốc nhân dân Ngoại tại thành An-ti-ốt phải tuân thủ chế độ giữ luật pháp mới hưởng được mối giao thông trọn vẹn trong thân thể của Đấng Christ, thế thì ân điển của Đức Chúa Trời chẳng có hiệu lực chi hết và Đấng Christ đã chịu chết trong hư không. Chúng ta sẽ khảo sát câu 21 trong từng chi tiết vào tuần tới, nhưng hãy cùng tôi đọc lại câu ấy hôm nay: "Tôi không muốn làm cho ân điển Đức Chúa Trời ra vô ích [vô hiệu]; vì nếu bởi luật pháp mà được sự công bình, thì Đấng Christ chịu chết là vô ích".
C. Ba con dã thú muốn cắn nuốt sự tự do thuộc linh của quí vị.
+ Dã thú #1. SỢ HÃI. Sự Phierơ sợ cái điều mà Cơ đốc nhân người Do thái suy nghĩ, nói hay làm đã giữ ông không dám thực thi đầy đủ sự tự do thuộc linh và khiến cho ông dẫn dắt nhiều người khác phải sai lạc. Sợ hãi không nằm trong sự đồng bộ với Tin lành. II Timôthê 1.7 chép: "Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ". Châm ngôn 29.25 chép: "Sự sợ loài người gài bẫy; Nhưng ai nhờ cậy Đức Giê-hô-va được yên ổn vô sự". Nếu quí vị đến đây hôm nay với sợ hãi, lo âu và nãn lòng, quí vị cần phải có cái nhìn khác nơi tin lành. Roma 8.31-34 chép: "Đã vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao? Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta? Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao? Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy. Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa. Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta".
+ Dã thú #2. GIẢ HÌNH. Hai từ "giả dối" và "giả hình" trong câu 13 có ý nói tới một kịch sĩ đang mang chiếc mặt nạ. Ông ta giả vờ đóng vai một người hay một việc mà thực sự ông ta không phải là như vậy. Phierơ đã giả vờ tin theo chế độ tuân giữ luật pháp của người Do thái khi tấm lòng ông không muốn thế. Giả dối luôn luôn dựa vào sự bất an. Bất an khiến cho chúng ta không đứng vững trước những gì chúng ta tin là đúng đắn. Khi quí vị cảm thấy bất an và bị cám dỗ phải thoái thác hay lẫn tránh chỗ đứng trước những gì quí vị đang tin theo, quí vị đang đánh một trận để tin theo tin lành. Tin lành bảo đảm cho chúng ta về tình yêu thương và sự tiếp nhận của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus đã chủ động chịu khổ vì chúng ta. Ngài có thể đương đầu với và cứu lấy mạng sống của Ngài, nhưng Ngài đã không làm thế. Thi thiên 56.11 chép: "Tôi đã để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ chi; Người đời sẽ làm chi tôi?"
+ Dã thú #3. THIÊN VỀ VỚI LUẬT PHÁP. Với tư thế giảng dạy, Phaolô nói với Phierơ: "Hành động nói lớn tiếng hơn cả lời nói. Khi ông là sứ đồ mà thôi không giao thông với các tín hữu dân Ngoại vì cớ chế độ tuân giữ luật pháp, ông còn đem Banaba và những người Do thái khác theo với ông. Giờ đây những người dân Ngoại nghĩ họ chưa phải là Cơ đốc nhân thực sự nếu như họ chưa trở thành người Do thái". Thiên về với luật pháp buộc người ta những việc mà Đức Chúa Trời không buộc. Nếu quí vị đến đây cố gắng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng cách tuân giữ một danh sách những việc nên và không nên làm, quí vị chẳng có đụng chạm gì với Tin lành cả. Đức Chúa Trời tiếp nhận chúng ta bởi ân điển chớ không phải bởi việc làm, bởi tin theo chớ không phải bởi thành tựu.
Thiên về với luật pháp không có hiệu lực chi hết. Hầu hết những ai muốn làm cho bảng danh sách các điều lệ của họ có hiệu lực trên người khác, chính họ lại thường không tuân giữ ngay các điều lệ của họ.
Có một câu chuyện xưa nói về một Hội thánh da đen kia, ở đó có một phụ nữ đứng ở bao lơn, chiếc áo đầm của người nầy bị vướng vào lan can, và khi chị ta gỡ ra, chị bị mất thăng bằng và té ngã, bị rách chiếc váy ấy. Nhà truyền đạo, nhìn thấy ý định của chị kia, bèn la lên: "Hãy nghe đây, thưa quí ông, quí ông đừng nhìn vào cô ấy! NẾU CÓ AI TRONG QUÍ ÔNG NHÌN, QUÍ ÔNG SẼ BỊ MÙ CHO XEM!" Một trong các ông ngồi trong hội chúng thoi vào người bạn của mình rồi nói: "Tôi không biết anh như thế nào, nhưng tôi nghĩ tôi có cơ hội tận dụng con mắt bên trái của tôi!"
***

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn mục sự bài chia sẻ này giúp em hiểu được bối cảnh sự lộn lạo sự pha trộn của nhửng hội thánh đầu tiên.

    Và cảm ơn mục sư phân tích rất kỷ và chi tiết dân chứng kinh thánh rất cụ thể để chúng minh về tin lành thật.

    Trả lờiXóa