Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 4.1-11: Sống như Đức Chúa Con



Tự do thực – Galati
Sống như Đức Chúa Con
Galati 4.1-11
Trẻ con vốn khao khát sự tự do. Khi tôi còn trẻ, tôi cứ đợi mình sẽ lớn lên. Tôi muốn có chiếc xe hơi riêng, một công việc làm tốt có lương khá, có nhà riêng và sự tự do muốn làm điều chi tôi muốn làm bất cứ khi nào tôi muốn làm điều đó. Tôi không muốn ai bảo tôi mấy giờ phải đi ngủ, mấy giờ phải thức dậy, phải ăn cái gì, phải mặc gì và phải làm gì. Tôi ao ước muốn được tự do. Trong suốt các năm tháng thiếu thời, bố mẹ tôi luôn kiểm soát tôi cách chặt chẽ. Họ không để cho tôi phóng túng quá, nhưng cứ dành cho tôi thêm tự do trong các liều lượng nhỏ mà thôi. Khi tôi lên 18 tuổi và tốt nghiệp trung học xong, mối quan hệ của chúng tôi đà thay đổi. Thay vì nói cho tôi biết mấy giờ phải về nhà, họ yêu cầu tôi phải hoạch định giờ nào phải về tới nhà. Thay vì nói cho tôi biết phải làm gì, họ bảo tôi điều chi là khôn ngoan nhất nên làm. Khi tôi lớn lên ở độ tuổi trưởng thành, bố mẹ tôi thôi không còn đối xử với tôi như một đứa trẻ nữa.
Giờ đây, tôi là một người lớn với mọi quyền tự do và trách nhiệm của một người lớn, giờ đây tôi đang có gia đình riêng, thật là dại dột cho tôi khi phải quay trở lại sống như một đứa trẻ. Có một loạt quảng cáo thương mại trên TV cho Holiday Inn trong đó có một thanh niên chưa trưởng thành, anh nầy vẫn sống với bố mẹ mình, cứ luôn đòi họ chu cấp cho mình mọi thứ xa hoa. Họ luôn luôn bật cười và nói: “Con nghĩ Holiday Inn là gì chứ?" Hãy tưởng tượng việc quay trở lại với ngôi nhà của bố mẹ mình xem, yêu cầu họ cho phép mọi sự và mong đợi họ tiếp trợ cho tôi Một người lớn có đủ tầm thước vóc giạc muốn sống giống như một đứa trẻ, họ là hạng người lớn đủ như một nỗi xấu hổ cho bố mẹ của mình.
Nói theo cách thuộc linh, đấy chính xác là những gì các tín hữu thành Galati đang làm. Phaolô nói trong câu 11: "Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em". Ông thấy xấu hổ về cách thức họ đang sinh sống. Họ là những con trai con gái của Đức Chúa Trời đã trưởng thành đủ, nhưng họ đang sống giống như con trẻ thuộc linh bởi cách cố gắng giữ giới luật: "ngày tháng, mùa, năm" (câu 10).
Nói theo cáh thuộc linh, có nhiều Cơ đốc nhân ngày nay mong muốn sống như con trẻ vậy. Thay vì vui hưởng địa vị của mình là “con trai” đã trưởng thành của Đức Chúa Trời, thay vì vui hưởng sự giàu có thuộc linh của mình là “kẻ kế tự”, thay vì theo đuổi mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời đang sẵn có vì sự ban cho của "Đức Thánh Linh" trong tấm lòng của họ, họ lại hài lòng với xu hướng tuân theo lề luật của tôn giáo, vâng giữ các luệt lệ, nghi thức, và điều lệ nhất định nào đó. Buồn thay, họ đang đổi sự sống đầy dẫy Đức Thánh Linh để lấy thứ tôn giáo không có sự sống.
Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta sẽ tóm tắt sự dạy của Phaolô theo cách nầy: "Chúng tôi từng là con trẻ, chẳng khác gì hơn hạng nô lệ. Giờ đây, chúng tôi là con trai con gái đủ trưởng thành và là kẻ kế tự của Đức Chúa Trời. Thế thì làm sao chúng tôi sẽ quay trở lại với cuộc sống như con trẻ cho được?"
Chúng ta hãy chú ý hai lẽ thật về chúng ta là ai và chúng ta hiện là ai trong Đấng Christ và kế đó hãy xem xét lời khuyên dạy của vì sứ đồ.
I. QUÁ KHỨ CỦA CHÚNG TA. Chúng ta là con trẻ và là nô lệ (các câu 1-3).
A. Con trẻ sống trong vòng nô lệ y như hạng nô lệ (các câu 1-2).
Phaolô bắt đầu chương 4 bằng cách nói: "Vả, tôi nói rằng người kế tự dầu là chủ của mọi vật, mà đang còn thơ ấu, thì chẳng khác chi kẻ tôi mọi". Vị sứ đồ đang đưa ra một hình ảnh, đang tô vẽ một bức tranh mang tính ẩn dụ các tín đồ Galati có thể nhận ra dễ dàng.
Hãy tưởng tượng một thiếu niên, cậu ta là kẻ kế tự một địa vị lớn lao giàu có kếch xù. Trên nguyên tắc, mọi sự thuộc về cha nó sẽ thuộc về nó. Trên thực tế, cậu ta vẫn là một "đứa trẻ" và chẳng khác gì một "tôi mọi". Người ta sẽ bảo nó lúc nào thì đi ngủ, giờ nào phải thức dậy, ăn cái gì và phải làm gì. Mặc dầu "người kế tự là chủ của mọi vật" cậu ta vẫn còn bị đối xử giống như một tôi mọi. Cậu ta chỉ là một kẻ kế tự de jure, chớ không phải kẻ kế tự defacto. Cậu ta là kẻ kế tự bởi quyền theo luật pháp chớ thực tế chưa phải là kẻ kế tự.
Phaolô nói thêm rằng kẻ kế tự: "phải ở dưới quyền kẻ bảo hộ và kẻ coi giữ, cho đến kỳ người cha đã định". Như chúng ta đã nghiên cứu ở chương 3, các gia đình giàu có thường giao thác phần dạy dỗ và kỷ luật con cái của họ cho hạng tôi mọi có ăn học, ai cũng biết họ là "kẻ bảo hộ và kẻ coi giữ”. Trẻ con hoàn toàn ở dưới uy quyền của họ và không dám làm một việc gì nếu chẳng có phép của họ và không thể đi đâu nếu chẳng có họ đi kèm. Theo một ý nghĩa thực sự, "người kế tự dầu là chủ của mọi vật, mà đang còn thơ ấu" thì chẳng khác chi "kẻ tôi mọi". Thực vậy, người đã sống dưới quyền của một tôi mọi.
Tuy nhiên, "cho đến kỳ người cha đã định" địa vị của đứa trẻ hoàn toàn thay đổi. Người không còn là kẻ kế tự de jure, một kẻ kế tự trên nguyên tắc, mà là một kẻ kế tự de facto, một kẻ kế tự trên thực tế. Người đã tấn tới từ thời kỳ con trẻ đến thời kỳ trưởng thành. Các thiếu niên Do thái được coi là người lớn vào ngày sabát đầu tiên sau ngày sinh nhựt thứ 12. Đây là điểm đánh dấu sự trưởng thành. Người Hy lạp đã tổ chức kỷ niệm thời kỳ trưởng thành ở tuổi 18. Người La mã nhìn biết rằng không phải hết thảy các đứa trẻ đều trưởng thành ở cùng một cấp độ, cho nên họ chọn tuổi trưởng thành nằm giữa 14 và 17. Người Hy lạp sẽ cắt bỏ mái tóc mọc dài suốt thời thơ ấu. Người La mã sẽ thiêu đốt các thứ đồ chơi thời thơ ấu. Phaolô đề cập tới vấn đề nầy trong I Côrinhtô 13.11: "…khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ". Người La mã cũng dành cho kẻ thành nhơn một chiếc áo choàng mới màu trắng. Nghi thức được gọi là toga virilis.
Vì lẽ đó, là một đứa trẻ, "người kế tự dầu là chủ của mọi vật, mà đang còn thơ ấu, thì chẳng khác chi kẻ tôi mọi”, "cho đến kỳ người cha đã định" người nằm lấy địa vị của mình là kẻ kế tự hợp pháp cơ nghiệp của cha mình và sống phần đời còn lại trong sự tự do vinh hiển và là một người con đã trưởng thành.
B. Là những người chưa tin Chúa, chúng ta sống trong vòng nô lệ cho các lề thói của thế gian (câu 3).
Bây giờ, vì sứ đồ đưa ra phần ứng dụng cho minh hoạ của mình. Ông nói: "Cũng như vậy" hay cũng một thể ấy, "chúng ta… khi còn thơ ấu …phải phục dưới các lề thói của thế gian". Do sự biết trước của Đức Chúa Trời, chúng ta từng là “kẻ kế tự” của Ngài dẫu khi chúng ta là con cái bị hư mất và là nô lệ cho tội lỗi. Chúng ta học biết rằng luật pháp và ao ước muốn sống nhơn đức của chúng ta giống như "kẻ bảo hộ và kẻ coi giữ".
Chúng ta bị trói buộc bởi các "lề thói [những việc cơ bản] của thế gian". Chữ lề thói ra từ chữ Hy lạp có ý nói tới thứ hạng hay đẳng cấp với ý nghĩa thứ bậc trên dưới, trước sau. Chữ nầy được dùng để mô tả các âm trong mẫu tự, ABC…, thứ tự của chữ viết.
Phaolô không nói cho chúng ta biết chính xác "các lề thói của thế gian" là những gì!?! Một số học giả Kinh Thánh cho chỗ nầy có ý nói tới các tà linh. Nhiều người khác cho đây là hệ thống chiêm tinh của tà giáo. Tuy nhiên, tôi đồng ý với những ai nói rằng chữ nầy có ý nói tới “các lề thói” tôn giáo của con người, giáo dục cơ bản của dân sự Đức Chúa Trời. J.B. Phillips dịch lề thói nầy là "các nguyên tắc đạo đức cơ bản".
Phaolô cảnh cáo các tín hữu người thành Côlôse: "Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết học và lời hư không, theo lời truyền khẩu của loài người, sơ học của thế gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng" (Côlôse 2.8).
Trước khi tôi được cứu, tôi đã sống "phục theo các lề thói của thế gian". Tôi đã cố gắng sống thật nhơn đức. Thậm chí tôi đã sống rất tôn giáo nữa. Nhưng bất luận tôi đã cố gắng khó nhọc ngần nào, tôi không hề đạt tới đích. Tôi giáo, nghi thức, và các việc lành là những lề thói cho thấy họ là con người, họ không bao giờ với tới cấp độ của Đức Chúa Trời được.
Câu chuyện kể về John Wesley thường được người ta thuật lại. Ông là một sinh viên tốt nghiệp đại học Oxford và là một Mục sư của Hội thánh Anh quốc. Ông đã dâng đời sống mình phục vụ Đức Chúa Trời và con người. Ông đã lao động với tù phạm và người nghèo. Ông đã phụ giúp cho trẻ con thiếu đói có bánh ăn áo mặc. Ông đã ngihên cứu Kinh Thánh và dự hết các buổi nhóm thờ phượng ở nhiều nhà thờ. Ông đã bố thí thật rời rộng, đã cầu nguyện, kiêng ăn và sống một đời sống gương mẫu. Chẳng có điều gì làm cho ông thấy thoả lòng. Sau cùng, ông đã đến nước Mỹ rồi lao động giữa vòng người da đỏ, là bộ tộc khi ấy và bây giờ đã sống ở bang Georgia. Ông đã xưng nhận trong tạp chí của mình: "Tôi là người đến nước Mỹ để làm cho nhiều người được biến đổi, song bản thân tôi chưa hề được biến đổi". Sau cùng, ông đã gặp một nhóm tín hữu chân chính đã hướng dẫn ông biết tin cậy hoàn toàn nơi một mình Chúa Jêsus để được cứu rỗi. Ông đã trở thành một nhà cải chánh và là một trong những nhà truyền đạo lỗi lạc nhất trong lịch sử. Khi viết về thời kỳ sớm sủa nầy trong đời sống ông, ông nói: "Tôi đã có đức tin của một tôi tớ, không phải đức tin của một con cái".
II. HIỆN TẠI CỦA CHÚNG TA. Chúng ta là con cái và là kẻ kế tự (các câu 4-7).
A. Đức Chúa Trời sai Con của Ngài đến để biến chúng ta thành hạng con cái (các câu 4-5).
Thứ nhứt, hãy chú ý Đức Chúa Trời đã sai phái Con Ngài vào LÚC NÀO. Phaolô nói: "Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài". Khoảng 2.000 năm đã trôi qua kể từ khi Đức Chúa Trời ban ra lời hứa của Ngài cho Ápraham. Trong khoảng 1.300 năm, Israel đã vật vã dưới luật pháp của Đức Chúa Trời. Sau cùng, "khi kỳ hạn đã được trọn" hay đúng thời điểm đã đến cho Đức Chúa Trời bày tỏ ra cho thế gian theo phần xác thể, qua Con của Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ.
Có vài yếu tố đánh dấu "kỳ hạn" thời điểm Đức Chúa Trời sai phái Chúa Jêsus vào trong thế gian. Thứ nhứt, Rôma đã chinh phục vùng đất có dân ở thời bấy giờ và đã tạo ra được pax Romana, sự hoà bình của người La mã cung ứng tình trạng ổn định về mặt xã hội. Người La mã cũng xây dựng một hệ thống giao lộ rất tinh vi đã giúp cho Tin lành được truyền bá cách dễ dàng. Thứ hai, nhờ Alexander Đại Đế, văn hoá và ngôn ngữ Hy lạp đã thống nhất thế giới. Tin lành có thể được truyền bá và Tân Ước đã được viết ra bằng một thứ ngôn ngữ. Thứ ba, qua cuộc phu tù cho người Babylôn, người Do thái đã quên hẳn sự thờ lạy hình tượng một lần đủ cả. Luật pháp đã sửa soạn nhiều người trong số họ biết đến Đấng Mêsi của mình. Họ đa xây dựng một hệ thống nhà hội đóng vai trò khuôn mẫu nền tảng cho các Hội thánh và là điểm khởi đầu cho công cuộc truyền giáo. Thời điểm của Đức Chúa Trời là trọn vẹn!
Thứ hai,hãy chú ý Đức Chúa Trời sai phái Con Ngài đến BẰNG CÁCH NÀO. Chúa Jêsus đã được "sai… bởi một người nữ sanh ra". Ngài là Con của Đức Chúa Trời nhưng cũng là con của mẹ Ngài. Ngài có nhân tính cũng như có thần tính. Ngài là Người-Trời. Không những Chúa Jêsus "bởi một người nữ sanh ra" mà Ngài còn "sanh ra dưới luật pháp" nữa. Ngài chào đời cho một người mẹ Do thái dưới luật pháp của người Do thái.
Nhà truyền đạo lỗi lạc Charles Spurgeon nhìn vào tầm quan trọng của sựhoá thân thành nhục thể của Chúa Jêsus.
Đấng Vô hạn, lại là một con trẻ.Đấng đời đời, lại sanh ra bởi một người nữ.Đấng Toàn Năng, lại bám vào ngực của một người đờn bà.
Nâng đỡ cả vũ trụ, mà lại cần đôi tay của người mẹ ẳm bồng.Vua của các thiên sứ, mà lại được coi là con của Giô-sép.Đấng kế tự muôn vật, mà lại là con trai bị xem khinh của người thợ mộc.
Suốt cuộc đời của Ngài, Ngài đã giữ trọn vẹn luật pháp của Môise. Ngài phán trong Mathiơ 17: "Đừng tưởng ta đến để hủy phá luật pháp hay lời tiên tri. Ta đến không phải để hủy phá mà để làm cho trọn". Chúa Jêsus là Con thật thiêng liêng của Đức Chúa Trời, là Con người có đầy đủ nhân tính, và là Đấng tuân giữ trọn vẹn cả thảy luật pháp của Đức Chúa Trời.
Rôma 8.3-4 chép: "Vì điều chi luật pháp không làm nổi, tại xác thịt làm cho luật pháp ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt, hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh".
Thứ ba, hãy chú ý lý do TẠI SAO Đức Chúa Trời lại sai Con của Ngài đến!?! Phaolô nói trong câu 5, rằng Chúa Jêsus đã đến "để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp". "Chuộc" có nghĩa là "mua lấy" hay "mua lại". Từ ngữ nầy được sử dụng nói tới hạng nô lệ sự tự do của họ đã được mua lấy rồi. Chúa Jêsus đã trả giá cao tội lỗi của chúng ta bằng sự hy sinh đổ huyết ra trên thập tự giá. “Chuộc” chúng ta không những là mục đích của Đức Chúa Trời, mà chúng ta còn được "làm con nuôi Ngài" nữa. "Nhận làm con nuôi" tất nhiên có ý nói tới việc ban cho địa vị con cái cho người nào không phải là con ruột của ai đó. Trong thời của Phaolô, thường thì một người giàu có không có con ruột sẽ buông tha cho một nô lệ trẻ tuổi rồi nhận người đó làm con nuôi như con ruột của mình. Đấy là điều mà Đức Chúa Trời đã làm qua Đấng Christ. Chúng ta là hạng nô lệ cho tội lỗi và luật pháp. Đức Chúa Trời đã trả giá cho sự tự do của chúng ta qua huyết đổ ra của Chúa Jêsus rồi nhận chúng ta làm con nuôi đưa vào trong gia đình của Ngài. Ngài đã biến đổi chúng ta từ hạng nô lệ thành ra hạng con cái.
John Stott viết: "Cho nên thần tính của Đấng Christ, nhân tính của Đấng Christ và sự công bình của Đấng Christ đặc biệt khiến Ngài đủ tư cách làm Đấng cứu chuộc của con người. Nếu Ngài không phải là con người, Ngài không thể chuộc được con người. Nếu Ngài không phải là một người công bình, Ngài không thể chuộc được kẻ không công bình. Và nếu Ngài không phải là Con Đức Chúa Trời, Ngài không thể chuộc được con người cho Đức Chúa Trời hay khiến họ thành ra con cái của Đức Chúa Trời được".
B. Đức Chúa Trời sai Thánh Linh Ngài vì chúng ta là con cái (các câu 6-7).
Hãy chú ý hai lần “sai phái”. Thứ nhứt, Đức Chúa Trời sai Con Ngài vào trong thế gian. Thứ hai, Ngài sai "Thánh Linh của Con Ngài" ngự vào lòng chúng ta. Chúa Jêsus đã khiến cho chúng ta thành ra con trai con gái của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh khẳng định với chúng ta rằng chúng ta quả thực là con trai con gái của Đức Chúa Trời. Phaolô nói "Lại vì anh em là con" nên "Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta". Chúng ta có sự hiểu biết về địa vị làm con nhờ Lời của Đức Chúa Trời, tiếp nhận địa vị con cái qua Con của Đức Chúa Trời và sự khẳng định địa vị con cái nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời.
Nhiều người trong hội chúng của chúng ta đều có con nuôi. Quí vị đã đem những đứa trẻ nhỏ vào trong đời sống của mình và đã cung ứng cho chúng một tình yêu thương, sự tiếp nhận, một ngôi nhà, một gia đình và một tương lai. Quí vị đã cung ứng cho chúng mọi sự mà quí vị có thể cung ứng. Việc duy nhứt quí vị không thể cung ứng cho chúng là một bổn tánh mới. Khi Đức Chúa Trời cho chúng ta làm con nuôi trong gia đình của Ngài, không những Ngài cung cấp cho mỗi nhu cần của chúng ta, mà Ngài còn ban cho chúng ta một bổn tánh mới bằng cách sai Thánh Linh Ngài ngự vào lòng của chúng ta!
Khi Đức Thánh Linh ngự vào lòng chúng ta, Ngài kêu lên: "Aba Cha!" Rôma 8.14-16 tỏ ra cùng một việc như thế: "Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời. Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi; nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha! Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời".
"Aba" là một từ ngữ nhẹ nhàng nói tới "Cha". Đây là một từ ngữ rất quen thuộc. Từ nầy phản ảnh cách nói của một đứa trẻ đang rúc vào hông của người cha. Chữ nầy có ý nói tới "Bố" hay "Ba". J.B. Phillips dịch chữ nầy: "Cha, cha yêu dấu ơi".
Chúng ta là gia đình của Đức Chúa Trời. Bởi đức tin chúng ta là con trai con gái của Đức Chúa Trời. Hãy lật Kinh Thánh Tân Ước sang Êphêsô 1.3-7. Ở đây cho thấy chúng ta là ai, là con cái phước hạnh, được chọn, thánh khiết, đã được định trước, được tiêp nhận, được chuộc, được tha tội của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Vấn đề ấy là đôi lúc chúng ta có khuynh hướng quên mất chúng ta là ai. Đấy là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã sai phái Đức Thánh Linh. Hãy xem qua các câu 13-14.
Đức Chúa Trời đã bảo đảm địa vị làm con của chúng ta bằng cách sai phái Con của Ngài. Đức Chúa Trời bảo đảm địa vị làm con của chúng ta bằng cách sai phái Thánh Linh của Ngài. Con của Ngài mang lấy thân phận địa vị làm con của chúng ta. Thánh Linh của Ngài cung ứng cho chúng ta kinh nghiệm của địa vị làm con đó.
Trong câu 7, Phaolô nhắc cho chúng ta nhớ: "Dường ấy, ngươi không phải là tôi mọi nữa, bèn là con". Trong câu 6 ông nói: "Lại vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh…". Cho phép tôi đưa ra một lẽ thật tuyệt đối rõ ràng: CHÚNG TA CÓ THÁNH LINH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VÌ CHÚNG TA LÀ CON CÁI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI. Chúng ta không nhận lãnh Đức Thánh Linh bằng cách đọc thuộc lòng một công thức nào đó, chu toàn một điều kiện nào đó hay khao khát một kinh nghiệm cao độ nào đó. Đức Chúa Trời không có người con nào mà chẳng có Thánh Linh của Ngài.
Đức Chúa Trời bảo đảm với chúng ta về mối quan hệ của chúng ta với Ngài, không phải bởi một kinh nghiệm đặc biệt đầy cảm xúc nào đó, mà bởi sự làm chứng thầm lặng ở bên trong của Đức Thánh Linh khi chúng ta tìm kiếm mặt Ngài trong sự cầu nguyện và sự thờ phượng.
Trong câu 7, Phaolô nói thêm như sau: "…và nếu [quí vị là] con, thì [quí vị cũng là] kẻ kế tự bởi ơn của Đức Chúa Trời". Vì chúng ta được làm con nuôi, chúng ta là kẻ đồng kế tự với Chúa Jêsus. Rôma 8.17 chép: "Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài".
Trước khi chúng ta tiếp tục, hãy gạch dưới cụm từ chìa khoá trong câu 7: "bởi ơn” (bởi Christ, trong bản Kinh Thánh Anh ngữ). Chúng ta là những con trai con gái nuôi của Đức Chúa Trời, chúng ta là kẻ đồng kế tự sự giàu có vô hạn của Cha chúng ta không phải vì chúng ta sống nhơn đức, không phải vì công trạng nào xứng đáng nơi phần của chúng ta, không phải qua bất kỳ một sự thành tựu nào nơi phần của chúng ta, mà "bởi ơn” (bởi Christ). Ấy là bởi ân điển của Đức Chúa Trời, bởi ơn của Ngài ban cho kẻ không xứng đáng nên Ngài đã sai chính Con Ngài đến chịu chết thay cho chúng ta và Thánh Linh của Ngài đến sống trong chúng ta.
III. NGUYÊN TẮC CỦA CHÚNG TA. Hãy nhớ chúng ta là ai (các câu 8-11).
A. Chúng ta thường hầu việc hình tượng (câu 8).
Kế đó, vị sứ đồ nói: "Xưa kia, anh em chẳng biết Đức Chúa Trời chi hết, thì làm tôi các thần vốn không phải là thần". Có bản dịch Kinh Thánh Anh ngữ ghi như sau: "Anh em là nô lệ cho các thần không có thực".
"Các thần không có thực" đó chính là hình tượng. Người dân Ngoại đã từng thờ lạy các hình tượng bằng đá và bằng cây. Người Do thái đã thờ lạy các truyền thống của riêng họ. Quí vị và tôi đã thờ lạy nơi bàn thờ bản ngã. Trước khi chúng ta được cứu, chúng ta đã "chết trong quá phạm và tội ác mình" và đã sống chỉ để làm thoả mãn bản ngã mình mà thôi (Êphêsô 2.1).
B. Chúng ta không bao giờ xây lại với một đời sống làm tôi mọi nữa (các câu 9-11).
Phaolô nói trong câu 9: "Nhưng hiện nay anh em biết Đức Chúa Trời lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa", hiện nay chúng ta không còn là tôi mọi nữa, bèn là con cái: "sao còn trở hướng về lề thói hèn yếu nghèo nàn đó mà suy phục nữa ư?"
Hãy nhớ "các lề thói" có ý nói tới điều cơ bản, bước đầu ABC của tôn giáo. Người thành Galati đã kinh nghiệm sự tự do thuộc linh trong Đấng Christ, nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi một số giáo sư người Do thái dạy họ phải tuân giữ luật lệ, nội quy, nghi thức của Do thái giáo. Phaolô lưu ý trong câu 10: "Anh em còn giữ ngày, tháng, mùa, năm ư?" Giống như vị sứ đồ đang nói: "Đức tin của anh em đã xuống thấp thành xu hướng thiên về với luật pháp khô khan, chết tiệt. Sự tự do và niềm vui mừng của sự mật thiết mà con cái có với cha của chúng ở đâu? Anh em đã làm cho mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời rút lại thành việc tuân giữ một số điều luật mà thôi".
Tuần lễ nầy, vợ tôi có việc ra khỏi thành phố mấy ngày. Tôi quyết định đề ra một số luật lệ thông thường trong gia đình và có một số cuộc vui đùa với mấy đứa con gái của tôi. Tôi đưa chúng đến trường rồi đến trưa thì đón chúng về. Chúng tôi đi ra ngoài ăn trưa, chất đống mấy cái đĩa trong chậu rồi đi ngũ trưa. Một vị chấp sự đến làm rộn phá giấc ngủ của chúng tôi! Chúng tôi đã vui đùa. Chúng tôi có thì giờ ở tiêng tư với nhau. Chúng tôi cùng nhau tận hưởng một thời gian thật là đặc biệt. Chúng tôi rất vui sướng khi mẹ chúng về tới nhà (và các thứ luật lệ quay trở lại có hiệu lực như cũ), nhưng chúng tôi đã vui hưởng một thời gian bố/con với nhau thật là đặc biệt.
Đấy là cách Đức Chúa Trời muốn chúng ta gắn bó với Ngài. Với sự vùa giúp của Đức Thánh Linh chúng ta cần phải cầu nguyện "Aba, Cha". Chúng ta cần phải cầu nguyện với Ngài luôn luôn, với sự nhìn biết Ngài đang nghe và chăm sóc chúng ta trong từng nhu cần của chúng ta. Đức Chúa Trời mong chúng ta VUI HƯỞNG mối tương giao với Ngài, chớ không phải CHỊU ĐỰNG mối tương giao đó!
Một lý do cho thấy có nhiều Cơ đốc nhân dường như quá kiệt quệ và nhiều Hội thánh dường như quá nguội lạnh, ấy là đức tin của chúng ta không còn sống động nữa. Chúng ta quá bận rộn lo tuân giữ "ngày tháng mùa năm", lo tuân giữ truyền thống, diện mạo bề ngoài của mình, chúng ta đã quên đi niềm vui của cuộc hành trình với Chúa Jêsus.
Một cô bé kia từ lớp trường Chúa nhựt trở về nhà, nó học ở đó câu: "Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời". Nó hỏi mẹ nó, khi lặp lại câu Kinh Thánh ấy, câu Kinh Thánh muốn nói điều gì!?! Mẹ nó đáp: "Câu Kinh Thánh ấy nói rằng khi con sống tử tế, hiền lành, biết suy nghĩ và vâng lời, con đang để cho sự sàng của Đấng Christ chiêu sáng cuộc đời của con trước mặt hết thảy những ai quen biết con". Qua Chúa nhựt tới trong lớp Trường Chúa Nhật, bé gái ấy có một cuộc cão lộn ầm ĩ với một học viên khác rồi tạo ra một sự náo động. Giáo viên đứng lớp phải đi tìm mẹ nó. Mẹ nó có lòng quan tâm, bà chạy tới lớp học rồi nói: "Sweetie, con không nhớ về việc để cho sự sáng của con soi rọi cho Chúa trước mặt loài người sao?" Đứa bé gái ấy thổn thưc: "Mẹ ơi, con đã để lộ cái tôi của mình ra rồi". Nhiều người trong chúng ta đã làm y như thế. Trong mối giao thông của chúng ta với Đấng Christ, sự sáng của chúng ta đã chiếu ra.
Sau cùng, Phaolô nói với người Galati: "Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em". Đúng là một lời phê phán đáng buồn làm sao! Là một Mục sư, tôi hiểu mọi cảm xúc của Phaolô. Ông đã cầu thay cho họ, đã giảng đạo cho họ nghe và đã yêu thương họ với cả mạng sống của mình, nhưng ông lại sợ rằng họ đã quên mất mục tiêu rồi.
Có nhớ câu chuyện nói về Đứa con hoang đàng trong Luca 15 không? Khi nó tỉnh ngộ, nó bèn trở về với cha mình rồi nói: "Con không xứng đáng được gọi là con của cha nữa. Xin kể con là một tôi tớ của cha vậy" hay là hàng nô lệ. Thật là dại dột làm sao khi có ai đó nói với Đức Chúa Trời như vầy: "Dầu Ngài đã kể tôi là con, tôi muốn làm nô lệ của Ngài hơn". Khi nói quí vị không xứng đáng làm con trai con gái của Đức Chúa Trời là một việc, còn nói quí vị không ao ước điều đó là một việc hoàn toàn khác.
Cho phép tôi cung ứng coh quí vị ba chìa khoá giữ quí vị không quay trở lại với tình trạng làm tôi mọi.
Thứ nhứt, hãy để thì giờ ra với Ngôi Lời mỗi ngày. Tôi biết nói thì dễ lắm, nhưng làm mới thực là khó. Lời Chúa là chiếc la bàn sẽ nhắc cho quí vị nhớ mỗi ngày quí vị là ai trong Đấng Christ. Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ sử dụng Lời Đức Chúa Trời để khẳng định với quí vị địa vị của quí vị chính là Con Cái của Đức Chúa Trời.
Thứ hai, hãy cầu nguyện không thôi. I Têsalônica 5.17 chép: "Cầu nguyện không thôi". Hãy đem mọi sự đến gặp Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện. Hãy thưa với Ngài cách liên tục về mọi sự trong đời sống của quí vị.
Thứ ba, hãy tìm kiếm Ngài trong sự thờ phượng. Thờ phượng là xem trọng Đức Chúa Trời. Âm nhạc làm cho buổi thờ phượng được nâng cao thêm lên, nhưng âm nhạc không phải là sự thờ phượng. Thờ phượng là suy gẫm luôn Đức Chúa Trời là ai và Ngài đã làm gì. Sự giàu có của ân điển Ngài thật là lạ lùng. Cần phải ghi nhớ luôn chúng ta sống như thế nào và ngợi khen Đức Chúa Trời vì mọi điều Ngài đang làm cho chúng ta.
John Newton chỉ là một đứa trẻ mất mẹ khi ông chỉ mới có 7 tuổi. Ông đi biển lúc được 11 tuổi và không bao lâu sau đó đã dính dáng vào "những sự tàn nhẫn khôn tả xiết trong việc buôn bán nô lệ người châu Phi". Khi đến tuổi thành nhân, ông đã trở thành một con người bẩn thỉu, đáng khinh. Ở tuổi 23, vào ngày 10 tháng Ba năm 1748, chiếc tàu mà ông làm thuyền trưởng gặp nguy hiểm trong một trận bão rất khủng khiếp. Ông kêu la với Đức Chúa Trời xin được thương xót và đã nhận được sự thương xót đó. Ông thực sự đã được biến đổi. Ông trở về nhà rồi sử dụng phần đời còn lại của mình ngợi khen Đức Chúa Trời vì đã làm cho ông phải thay đổi. Ông không bao giờ quên mình đã sống như thế nào. Ông đã cho dựng một tấm bảng ở trước cửa nhà mình ghi câu Kinh Thánh Phục truyền luật lệ ký 15.15: "Hãy nhớ rằng mình đã làm tôi mọi trong xứ Ê-díp-tô, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chuộc ngươi; bởi cớ ấy, ngày nay ta truyền cho ngươi làm các điều nầy". Có lẽ John Newton là biết rõ nhất về câu Kinh Thánh nầy đã được hàng triệu triệu tín đồ hát lên trải 300 năm qua.
Ân điển cứu rỗi sâu rộng lạ lùng,Chuộc tôi đứa gian ác hung. Trước tôi đui, nay sáng do Chiên Con,Ngày xưa mất, hôm nay còn
(TC 307).
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét