Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 3.6-14: Cha nào con nấy



Tự do thực – Galati
Cha nào con nấy
Galati 3.6-14
Lâu, lâu lắm rồi ở một nơi xa xôi kia, Đức Chúa Trời đã phán với một người có tên là Ápram. Ápram đã sống trong một thành phố gọi là Urơ xứ Canhđê gần thành phố Bagdad hiện đại hôm nay. Ông không còn là một thanh niên nữa. Thực vậy, ông đã được 75 tuổi rồi. Chúng ta không biết Đức Chúa Trời đã phán với ông trong một giấc chiêm bao trong ban đêm hay một sự hiện thấy trong ban ngày. Ngài phán: "cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước cho ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước" (Sáng thế ký 12.1-3). Ápraham đã tin theo Đức Chúa Trời. Ngay lập tức ông bỏ hết mọi sự lại ở sau lưng, cuộc sống mà ông đã gầy dựng trong 75 năm để đi theo Đức Chúa Trời. Thêm nữa, ông còn không biết mình sẽ đi đâu nữa là.
Khi Ápraham băng ngang qua đồng vắng đi theo tiếng nói của Đức Chúa Trời, Đức Giêhôva cứ tiếp tục trao đổi với ông về phương thức dòng dõi ông sẽ kế tự cả đất nầy. Có một vấn đề ở đây. Ápraham chưa có một mụn con nào hết. Sau cùng, Ápraham đã trình với Đức Chúa Trời rằng làm thế nào ông có được dòng dõi khi ông là một cụ già mà chưa có con cái. Đức Chúa Trời "dẫn ông ra ngoài" túp lều rồi bảo ông ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy sao lúc nửa đêm. Ngài phán: "Ngươi hãy ngó lên trời, và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi". Đức Chúa Trời hứa: "Dòng-dõi ngươi cũng sẽ như vậy" (Sáng thế ký 15.5). Về sau Đức Chúa Trời tái khẳng định lại lời hứa. Ngài phán: "sẽ ban phước cho ngươi, thêm dòng dõi ngươi nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển, và dòng dõi đó sẽ chiếm được cửa thành quân nghịch. Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước" (Sáng thế ký 22.17-18). Kinh Thánh phán: "Ápraham tin theo Đức Giêhôva và Ngài kể ông là công bình".
Khi chúng ta mở Kinh Thánh Tân Ước ra ở Luca 3, khoảng 2.000 năm sau đó, chúng ta thấy Giăng Báptít đang nói với người Pharisi, các cấp lãnh đạo tôn giáo của dân Israel. Họ đã đến gặp Giăng muốn chịu ông làm phép báptêm cho. Giăng nói khi quở trách họ: "Thế thì, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn; và đừng tự nói rằng: Áp-ra-ham là tổ phụ chúng ta; vì ta nói cùng các ngươi, Đức Chúa Trời có thể khiến từ những đá nầy sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được".
Con cái ra từ hòn đá, một nước mạnh mẽ ra từ dòng dõi của một cụ già, Đức Chúa Trời của chúng ta là một Đức Chúa Trời Toàn Năng hay làm phép lạ, hay giữ lời hứa. Đúng vậy, Đức Chúa Trời vẫn còn giữ những lời hứa ấy. Ngài vẫn còn gây dựng một nước lớn từ gia phổ của Ápraham và vẫn còn dấy lên con cái của Ápraham từ những tấm lòng bằng đá.
Khi tôi dự kỳ trại của Hội thánh lúc còn là một thiếu niên, chúng tôi đã hát một bài ca có tên là "Cha Ápraham". Bài ca ấy có lời như sau: "Cha Ápraham có nhiều con cháu. Nhiều con cái có Cha Ápraham. Và tôi là một trong số đó và bạn cũng thế, vì vậy chúng ta hãy cùng ngợi khen Chúa". Bài ca ấy có đủ thứ động lực đã được sắp xếp để vực chúng ta dậy và khiến cho chúng ta sẵn sàng với thời thế. Tuy nhiên, bài ca ấy thốt ra một lẽ thật thuộc linh, bởi đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta là con cái của Ápraham, chúng ta là những người Do thái chơn thật.
Các tổ phụ của tôi là tín đồ hệ phái Trưởng Lão Tô cách Lan và là những người Anh Báptít. Đối với sự hiểu biết của tôi, tôi chẳng có một dấu vết gì về huyết thống Do thái cả. Thế mà tôi vẫn là một người Do thái, một con cháu của Ápraham… không phải bởi huyết thống mà là bởi đức tin.
Trong phân đoạn Kinh Thánh gốc, sứ đồ Phaolô tiếp tục dạy rằng ơn cứu rỗi là bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chớ chẳng phải bởi việc làm đâu. Thực thế, ơn cứu rỗi luôn luôn có bởi ân điển nhờ đức tin và chẳng bao giờ bởi việc làm cả. Ngay cả Ápraham, tổ phụ của dân Do thái đã được cứu bởi ân điển nhờ đức tin. Chúng ta đã trở thành con trai con gái thuộc linh của Ápraham, là người Do thái thực bởi đức tin. Chúng ta hãy xem xét ba lẽ thật từ phân đoạn Kinh Thánh gốc nầy.
I. Đức tin đem lại sự công bình (các câu 6-9).
A. Đức tin của Ápraham đã được kể là công bình cho ông (câu 6).
Các Hội thánh xứ Galati đã được thiết lập chủ yếu gồm các dân Ngoại, là những người đã tin theo Chúa Jêsus dưới chức vụ của Phaolô. Sau khi Phaolô rời khỏi họ, một số các giáo sư giả người Giu-đa ai cũng biết là những người Do thái theo giáo Giu-đa đã luồn lách vào trong Hội thánh. Họ dạy các Cơ đốc nhân dân Ngoại nầy là muốn được cứu, họ phải giữ theo luật pháp Môise và phải chịu phép cắt bì. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, Phaolô dường muốn nói: "Vậy thì anh em muốn nói về ơn cứu rỗi sao? Anh em muốn nói tới luật pháp chăng? Chúng ta không ngừng nghỉ ở đó với Môise, chúng ta hãy đi suốt con đường trở ngược lại với người Do thái đầu tiên. Chúng ta hãy nói tới Ápraham, là tổ phụ của dân Do thái".
Những người theo giáo Giu-đa đều biết rõ lời hứa, giao ước mà Đức Chúa Trời đã thiết lập với Ápraham. Họ biết rõ nơi ông "mọi chi tộc trên thế gian đều sẽ được phước". Tuy nhiên, họ lý luận rằng nếu các dân Ngoại đều sẽ được phước trong Ápraham, họ sẽ phải trở nên giống như Ápraham và chịu phép cắt bì.
Trong thời của chúng ta, hầu hết các trẻ sơ sinh đều chịu phép cắt bì vì lý do sức khoẻ. Trong các thời kỳ Kinh Thánh thì chẳng phải như vậy đâu. Đức Chúa Trời đã ra lịnh cho Ápraham phải chịu phép cắt bì và phải làm phép cắt bì cho con cái của ông. Ngài phán trong Sáng thế ký17.10: "Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi". Phép cắt bì, là sự cắt bao quy đầu, là một dấu hiệu chỉ ra nhu cần cắt đứt tội lỗi ra khỏi tấm lòng. Là một chi tiết trong bộ phận sinh dục, nó cũng làm biểu tượng chỉ ra bản chất tội lỗi mà chúng ta sẽ thừa hưởng.
Phaolô chỉ ra điều các giáo sư giả nầy dạy còn thiếu sót, ấy là Ápraham đã được cứu từ lâu trước khi Đức Chúa Trời truyền cho ông phải chịu phép cắt bì. Sau khi trưng dẫn Sáng thế ký 15.6, Phaolô nhắc cho họ nhớ Kinh Thánh dạy: "Ápraham tin Đức Chúa Trời thì đã kể là công bình cho người".
Đức Chúa Trời bảo Ápraham phải theo Ngài phải tin nơi lời thật khó tin của Ngài. Ápraham đã tin theo và Đức Chúa Trời đã "kể" hay xem ông là công bình. Ápraham đã được cứu bởi tin chớ không phải bởi thành tựu. Ápraham đã được cứu ít nhất 14 năm trước khi ông được truyền cho phải chịu phép cắt bì. Ông đã sống mấy trăm năm trước khi Đức Chúa Trời ban luật pháp cho Môise.
Phép cắt bì là một dấu hiệu, chớ không phải là phương tiện của sự cứu rỗi. Cũng một thể ấy, phép báptêm là một biểu tượng, chớ không phải là thực thể của sự cứu rỗi đâu. Luôn luôn có một phương thức để được cứu, để làm hoà lại với Đức Chúa Trời và đó là đức tin.
B. Chúng ta trở nên con trai con gái của Ápraham bởi Đức tin (các câu 7-9).
Kế đó, Phaolô nói: "vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham".
Ngày nay có một thắc mắc chính giữa vòng dân Do thái, ấy là “ai mới là người Do thái thực?” Nói chung, một người Do thái được xác định là một người có mẹ là người Do thái. Điều nầy có những sự phân nhánh quan trọng trong Israel giống như nó gắn liền với luật nhập cư và là người có thể giữ chức vụ trong xã hội.
Trong câu nầy, Phaolô đang nói tới hai hàm ý rất quan trọng. Thứ nhứt, người nào sanh ra là người Do thái chưa thực sự là người Do thái. Thứ hai, người nào sanh ra không phải là người Do thái có thực sự là người Do thái không? Có nhầm lẫn không? Còn tùy!
Thứ nhứt, người nào sanh ra là người Do thái chưa thực sự là người Do thái. Có những người với huyết thống Do thái nhưng chưa phải là chi thể trong gia đình của Đức Chúa Trời. Phaolô nói: "chỉ những kẻ có đức tin mới là con cháu thật của Ápraham". Một người sanh ra có thể là người Do thái, chịu phép cắt bì rồi tuân giữ mọi quy tắc, nghi thức, và điều lệ của Do thái giáo, thế mà vẫn chưa dám xưng mình là hợp pháp với Ápraham. Tại sao vậy? Vì mối quan hệ họ hàng với Ápraham đến qua đức tin, chớ không phải do di truyền hay do luật pháp.
Trong một ý nghĩa tương tự, tôi biết có nhiều người tin họ là Cơ đốc nhân rất đơn giãn chỉ vì bố mẹ họ là Cơ đốc nhân hoặc vì họ đã lớn lên trong nhà thờ và trong một gia đình Cơ đốc. Bố mẹ của quí vị không thể cứu quí vị được đâu. Nhà thờ của quí vị không thể cứu quí vị được đâu. Phương thức duy nhứt bất kỳ ai sẽ được cứu, thậm chí ngay cả cụ Ápraham đều phải nhờ đức tin mà thôi!
Thứ hai, Phaolô gợi ý cho thấy rằng người nào sanh ra không phải là người Do thái, lại thực sự là người Do thái. Một lần nữa trong câu 7, chúng ta đọc thấy rằng chính "những kẻ có đức tin" mới là con cháu của Ápraham. Quí vị không phải sanh ra là người Do thái mới là con cháu của Ápraham nhưng quí vị còn phải được sanh lại nữa!
Chúng ta không phải trở thành người Do thái. Chúng ta không nhất thiết phải cải đạo. Chúng ta không phải chịu phép cắt bì. Chúng ta không phải giữ luật lệ cùng các nghi thức Cựu Ước. Chúng ta phải đến nhơn "đức tin".
Từ lâu lắm trước khi Chúa Jêsus giáng sinh tại thành Bếtlêhem, từ lâu lắm trước khi Ngài chịu chết trên thập tự giá của người Lamã và đã sống lại ra khỏi ngôi mộ mượn kia, Đức Chúa Trời đã "rao giảng Tin lành [các tin tức tốt lành] cho Ápraham" rằng nơi ông "hết thảy các chi tộc trên thế gian sẽ được phước". Chúng ta được "phước" nhờ có Ápraham. Qua gia đình của Ápraham, Cứu Chúa, Đức Chúa Jêsus Christ đã đến. Nơi Ápraham chúng ta có đức tin để chúng ta phải tin theo Chúa Jêsus.
Phaolô nói: "vậy, anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin (dù họ là người Do thái hay là dân Ngoại, nam hay nữ, đen hay trắng] đều là con cháu của Ápraham". Hết thảy những ai tin Chúa đều là con cháu của Ápraham bởi đức tin chớ không phải bởi huyết thống.
Ápraham biết rất ít về Chúa nhưng khi ông nghe tiếng của Ngài, ông đã vâng theo. Chúng ta biết rất nhiều về Chúa. Chúng ta biết rõ đầy đủ Tin lành nói rằng Chúa Jêsus đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, bị chôn và đã sống lại. Khi chúng ta luyện tập đức tin nơi các tin tức tốt lành đó, chúng ta cũng đã được cứu, đức tin của chúng ta được "kể là công bình".
II. Luật pháp đem lại sự rủa sả (các câu 10-12).
Các giáo sư giả nói rằng tin theo Chúa Jêsus chưa phải là đủ cho một người, người ấy cũng phải chịu phép cắt bì. Thêm nữa, họ còn nói thêm rằng người ấy cũng phải tuân giữ luật pháp và truyền khẩu của Cựu Ước nữa. Phaolô đã chỉ ra rằng Ápraham đã được cứu bởi đức tin từ lâu trước khi luật pháp được ban ra. Giờ đây, ông chỉ ra sự hư không của việc tuân giữ luật pháp. Người nào ra sức tuân giữ luật pháp đang "bị rủa sả".
A. Những điều luật pháp đòi hỏi.
Thứ nhứt, luật pháp đòi hỏi sự làm theo. Phục truyền luật lệ ký 27.26 chép: "Đáng rủa sả thay kẻ nào không giữ các lời của luật pháp nầy để làm theo!" Có lẽ đây là một câu Kinh Thánh rất ưa thích đối với những kẻ theo giáo Giu-đa. Hãy khoanh tròn chữ "làm theo". Biết rõ luật pháp hay nhất trí với luật pháp cũng chưa phải là đủ, một người còn phải "làm theo" luật pháp nữa. Quí vị có luôn luôn "làm theo" luật lệ của con người, ít nhiều gì cũng là luật pháp của Đức Chúa Trời không?
Thứ hai, luật pháp đòi hỏi phải làm theo thật trọn vẹn. Hãy khoanh tròn cụm từ "mọi sự". Nếu quí vị đang ra sức tuân giữ luật pháp, quí vị phải tuân giữ "mọi sự" trong luật pháp. Một là giữ mọi sự, hai là chẳng giữ gì hết. Quí vị không phải lọc lựa rồi chọn đâu! Khi chàng trai trẻ giàu có bị chất vấn về việc tuân giữ luật pháp, chàng ta đáp: "Còn điều nào nữa không?" Hết thảy các luật lệ ấy! Giacơ 2.10 chép: "Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy".
Đức Chúa Trời xét đoán bằng nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Trong quyển Chúng ta sống bằng lời, Brian Burrell thuật lại về tên cướp có vũ trang tên là Dennis Lee Curtis, hắn đã bị bắt vào năm 1992 tại thành phố Rapid, South Dakota. Curtis chắc chắn đã có những cân nhắc, thận trọng về thói ăn cướp của mình. Trong túi đồ của hắn, cảnh sát tìm thấy một tập giấy, có ghi hàng chữ trên đó như sau: "1. Ta không giết ai trừ phi ta phải giết. 2. Ta sẽ lấy tiền mặt và thực phẩm có dám tem hẳn hòi — không lấy ngân phiếu. 3. Ta sẽ cướp vào ban đêm. 4. Ta sẽ không mang mặt nạ. 5. Ta sẽ không đánh cướp tiểu siêu thị hay 7- Mười một cửa hàng. 6. Nếu ta bị cảnh sát rượt đuổi, ta sẽ bỏ chạy. Nếu bị rượt bằng xe hơi, ta sẽ không xem trọng sinh mạng của cư dân vô tội. 7. Ta sẽ cướp chỉ 7 tháng trong năm mà thôi. 8. Ta sẽ thích cướp bóc từ nhà giàu rồi bố thí cho người nghèo". Tên cướp nầy đã có một nhận thức về đạo đức, nhưng nhận thức ấy không hoàn hảo lắm. Khi anh ta ra trước toà, anh ta không bị xét đoán theo các tiêu chuẩn mà anh ta đề ra cho bản thân mình mà bị xét đoán theo luật pháp cao hơn của tiểu bang. Tương tự thế, khi chúng ta đứng trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không bị xét đoán bởi bộ luật đạo đức mà chúng ta đề ra cho chính bản thân mình, mà một phải theo luật pháp trọn vẹn của Đức Chúa Trời.
Thứ ba, luật pháp đòi hỏi sự làm theo trọn vẹn cách liên tục. Hãy khoanh tròn chữ "bền đỗ". Quí vị phải làm theo luật pháp. Quí vị phải làm theo hết thảy các luật lệ. Quí vị phải giữ luôn việc làm theo tất cả luật lệ mỗi ngày trong đời sống của quí vị. Nếu quí vị có thể làm theo hết thảy luật lệ và quí vị làm theo nó mỗi ngày trong đời sống của mình cho tới ngày quí vị qua đời và quí vị phạm phải một điều, chỉ một điều luật nhỏ nhoi thôi. Quí vị sẽ bị nguyền rủa cho đến đời đời.
B. Những gì luật pháp không thể làm.
Chắc chắn là không một người nào có thể tuân giữ luật pháp. Thực vậy, "Vì mọi kẻ cậy các việc luật pháp, thì bị rủa sả". Tại sao những kẻ cậy các việc luật pháp bị "rủa sả"? Vì như câu 11 chép: "chẳng hề có ai cậy luật pháp mà được xưng công bình [hoà thuận lại với Đức Chúa Trời] trước mặt Đức Chúa Trời, điều đó là rõ ràng lắm". Không một ai có thể thoả mãn mọi đòi hỏi của luật pháp và vì cớ đó bất cứ ai cố gắng sẽ bị rủa sả.
Quí vị là ai thì không thành vấn đề, dù quí vị là người Do thái hay dân Ngoại, dù quí vị sống trong nhà thờ cả đời hay hôm nay là ngay thứ nhứt của mình. Nếu quí vị đang cố gắng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng cách nhơn đức thể nào đi nữa quí vị chỉ có thể là quí vị thôi, quí vị sẽ chẳng bao giờ được khá hơn đâu. Quí vị đã bị "rủa sả".
Luật pháp không thể cứu, nó chỉ đem lại sự rủa sả mà thôi. Tuy nhiên, các tin tức tốt lành chỉ ra cho chúng ta thấy chúng ta được cứu bởi đức tin. Phaolô nói thêm ở phần cuối câu 11: "vì người công bình sẽ sống bởi đức tin". Ông nói thêm trong câu 12: "Vả, luật pháp vốn không phải đồng một thứ với đức tin".
III. Chúa Jêsus đem lại nhiều ơn phước (các câu 13-14).
Luật pháp đặt chúng ta "dưới sự rủa sả", còn Chúa Jêsus đã gánh sự rủa sả của chúng ta trên chính mình Ngài. Theo cách thức nầy Ngài "đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp".
"Chuộc" có ý nói Chúa Jêsus đã trả giá cho tội lỗi của chúng ta, vì chúng ta thất bại không giữ được luật pháp của Đức Chúa Trời. Ngài đã làm cho chúng ta những gì chúng ta không thể làm được. Nghệ sĩ Kevin Bacon thuật lại đứa con trai 6 tuổi của ông đã xem phim Footloose lần đầu tiên. Nó nói: "Bố ơi, bố biết câu chuyện trong phim chỗ bố đu từ cây xà của toà nhà kia đó? Chỗ ấy lạnh lắm, làm sao bố chịu được hả bố?" Bacon đáp: "Ừ, bố không làm phần đó – mà là diễn viên đóng thế làm đấy". "Diễn viên đóng thế là sao hả bố?" cậu bé cứ hỏi tới. "Đó là người ăn mặc y như bố và làm những việc mà bố không phải làm". "Ồ" nó đáp rồi bước ra khỏi phòng ngẩn ngơ nhìn. Một lát sau nó nói: "Nào, bố ơi, bố biết chuyện trong phim, chỗ bố xoay tròn thanh xà rồi đáp xuống đất? Làm sao bố làm được vậy?" Bacon đáp: "Đúng rồi, bố không làm việc ấy. Đó là một vận động viên thể dục làm đấy". "Vận động viên thể dục là sao ạ?" nó hỏi. "Đó là một người mặc y phục của bố và làm những việc mà bố không thể làm". Có sự im lặng từ phía con trai tôi, kế đó nó hỏi với một giọng rất quan tâm: "Bố ơi, thế bố đã làm việc gì?" "Bố nhận hết mọi sự vinh quang", ông đáp cách ngượng ngùng. Đó là ân điển của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Chúa Jêsus đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta trên chính mình Ngài và đã chịu lấy mọi điều mà chúng ta không thể chịu nổi. Chúng ta đứng vững, được tha thứ và hưởng lấy sự đắc thắng trong vinh quang của Chúa Jêsus.
Chúa Jêsus đã "chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp" như thế nào? Ngài đã trở nên "sự rủa sả vì chúng ta". Phaolô kế đó trưng dẫn từ Phục truyền luật lệ ký 21.23: "Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ". Trong Israel chỉ có tội phạm tệ hại nhất mới bị treo trên cây gỗ hay bị đóng đinh trên thập tự giá. Đó là cách chết tệ hại nhất. Không có gì phải ngạc nhiên, chính Chúa Jêsus đã kêu la bằng lời lẽ của Thi thiên 22: "Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?"
Chính sự kiện Chúa Jêsus đã chịu chết bằng một phương thức khủng khiếp như thế làm thành mối ngăn trở khó vượt qua đối với nhiều người Do thái. Nếu Chúa Jêsus thực sự là Con của Đức Chúa Trời, tại sao Đức Chúa Trời lại để cho Con độc sanh của Ngài, là người thực sự công bình duy nhứt phải chết một cái chết đáng rủa sả khủng khiếp như thế trên thập tự giá?
Đức Chúa Trời là thánh. Ngài không thể miễn trừ hay bỏ quên tội lỗi của chúng ta được đâu! Chúng ta bị rủa sả bởi chúng ta bất khả không thể tuân giữ luật pháp và sự rủa sả ấy phải được trả giá đầy đủ. Chúa Jêsus đã bằng lòng gánh lấy tội lỗi chúng ta trên chính mình Ngài. Ngài gánh lấy sự sủa sả của chúng ta trên thân thể Ngài rồi chịu chết trên thập tự giá trong chỗ của chúng ta.
Hãy tưởng tượng một kẻ giết người bị kết án phải chịu chết xem. Mọi lời kêu nài của hắn đều bị bác bỏ hết. Giờ của hắn đã đến. Án tử hình của hắn đã được ký rồi. Giống như họ sắp sửa dùng dây da cột hắn lại rồi tiêm cho hắn một loại hoá chất sẽ kết liễu cuộc đời của hắn, có một người ngồi trong phòng quan sát kêu lên: "Hãy dừng tay lại! Anh ta không phải chết! Tôi sẽ ngồi ở chỗ của anh ta. Hãy cột tôi vào ghế đi. Hãy tiêm tôi bằng thứ thuốc ấy. Tôi sẽ ngồi chỗ của anh ta". Trong khi sự việc nầy có lẽ không bao giờ xảy ra trong hệ thống luật pháp của chúng ta, nó đã xảy ra cho mỗi một chúng ta. Chúa Jêsus đã gánh lấy chỗ của chúng ta.
Trong khi sự chết của Chúa Jêsus là đủ để trả giá cho tội lỗi của từng người, sự chết ấy không trả giá cách máy móc cho tội lỗi của từng người đâu. Mỗi người phải luyện tập đức tin nơi Chúa Jêsus giống như Ápraham đã tin theo Đức Chúa Trời vậy.
Phaolô nói kết quả sẽ như sau: "phước lành ban cho Áp-ra-ham nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà được rải khắp trên dân ngoại, lại hầu cho chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh Đức Thánh Linh đã hứa cho".
Năm 1961 sau khi bức màn sắt chia hai Bá linh và Nước Đức giữa Đông và Tây, Tổng thống John F. Kennedy đã thân hành đến Bá linh và phát ra một thông điệp nổi tiếng trước hàng triệu người Đức. Ông nói: "Ich bin ein Berliner" [Tôi là một người Bá linh]. Kennedy không có một tiểu cầu máu người Đức nào hết. Ông hoàn toàn là người Ái nhĩ Lan. Tuy nhiên khi ông đưa ra câu nói đó, đám dân đông kia đã vỗ tay reo hò tán thưởng. Tại sao chứ? Vì Kennedy đã tỏ ra một sự hiệp một về tinh thần với người Đức nào chịu sống vượt cao hơn chủ nghĩa Cộng sản.
Tôi là một con cái của Ápraham. Tôi chẳng có một giọt máu nào là người Do thái hết. Tôi không giữ luật pháp hay thói tục. Tuy vậy, tôi là người Do thái còn hơn cả hầu hết những ai đến thờ lạy trong Đền thờ ngày hôm qua. Tôi là dòng dõi của Ápraham và dự phần vào ơn phước của Ápraham bởi đức tin.
Tuần nầy tôi có đọc Kinh Thánh khi Đức Thánh Linh soi sáng một phân đoạn Kinh Thánh tuyệt vời ở Thi thiên 87.1-6. Cho phép tôi đọc phân đoạn ấy: "Cái nền Ngài đã đặt trên các núi thánh. Đức Giê-hô-va chuộng các cửa Si-ôn hơn những nơi ở của Gia-cốp. Ớ thành của Đức Chúa Trời, đã được nói những sự vinh hiển về ngươi. Ta sẽ nói đến Ra-háp và Ba-by-lôn, là những người trong bọn quen biết ta; Kìa là Phi-li-tin, và Ty-rơ, với Ê-thi-ô-bi: Kẻ nầy đã sanh ra tại Si-ôn. Phải, người ta sẽ nói về Si-ôn rằng: Kẻ nầy và kẻ kia đã sanh ra tại đó; Chính Đấng Chí cao sẽ vững lập Si-ôn. Khi Đức Giê-hô-va biên các dân vào sổ, thì Ngài sẽ kể rằng: Kẻ nầy đã sanh tại Si-ôn”. Thực vậy, dù tôi sanh đẻ tại Texas, tôi thực sự đã "sanh tại Siôn". Tôi là một chi thể của dân sự đời đời của Đức Chúa Trời, một đoàn đông kẻ được chuộc bởi đức tin nơi Chúa Jêsus!
Tuần nầy có người gửi cho tôi một bài viết cắt ra từ cột hướng dẫn tin kính Daily Bread. Bài viết yêu cầu độc giả tưởng tượng du lịch sang Paris rồi đứng trước bức họa Mona Lisa nổi tiếng của Leonardo da Vinci. "Quí vị có nghĩ tới việc cầm lấy màu và cọ vẽ chạm tới bức tranh không? Có thể tô một chút màu lên hai gò má của nàng không? Có lẽ nên thay đổi một ít nơi sóng mũi của nàng?" Quí vị nói: "Làm thế lố bịch quá!" "Trong gần 500 năm bức tranh Mona Lisa đã được xem là một trong những công tác nghệ thuật lỗi lạc nhất của mọi thời đại. Quả là lố bịch dường bao khi nghĩ chúng ta có thể thêm một điều gì đó vào kiệt tác nầy". Tuy nhiên, đấy là những gì chúng ta làm khi chúng ta cố gắng thêm vào kiệt tác của Đức Chúa Trời, là sự cứu rỗi bởi thập tự giá của Đấng Christ. Họ nghĩ họ phải cải thiện luôn với loại cọ màu sức riêng của chính họ. Quí vị không thể kiếm được ơn cứu rỗi ấy. Quí vị không thể thêm gì vào ơn ấy. Quí vị chỉ phải tiếp nhận ơn ấy mà thôi.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét