Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 4.21-31: Ích-ma-ên hay Y-sác?



Tự do thực – Galati
Ích-ma-ên hay Y-sác?
Galati 4.21-31
Đây là một trong những phân đoạn kỳ lạ nhất trong Tân Ước và khó tranh cãi nhất trong sách Galati. Tôi đã dành thì giờ sửa soạn cho tuần lễ nầy vì cớ sự khó khăn của nó. Vì tôi muốn dạy cả Kinh Thánh từng câu một và vì tôi tin rằng "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình" (II Timôthê 3.16), chúng ta sẽ không phải bỏ qua phân đoạn nầy. Sự thật cho thấy rằng cái giếng càng sâu, thì nước càng ngọt. Các phân đoạn khó giống như phân đoạn nầy thu hút tâm trí của chúng ta, khiến cho chúng ta phải suy nghĩ và lý luận với nhau. Tôi hy vọng rằng quí vị sẽ không thụ động hay cô đọng đầu óc của mình lại khi chúng ta cùng nhau nghiên cứu. Ngược lại, tôi hy vọng quí vị sẽ cùng với tôi đào cho thật sâu. Tôi muốn quí vị kềm lại những thắc mắc và sau đó hãy đưa chúng ra. Đừng ngần ngại khi đưa ra những thắc mắc. Nguyện Thánh Linh của Đức Chúa Trời đem đến cho chúng ta nước ngọt của Ngôi Lời với một sự kính sợ dành cho ân điển lạ lùng của Đức Chúa Trời.
Phân đoạn nầy được nói với các tín hữu nào đã bị gò bó trong thái độ xu hướng về luật pháp, với những ai "ưa phục dưới luật pháp" (câu 21). Đây là lỗi lầm của người thành Galati. Họ đã được cứu bởi ân điển vô đối của Đức Chúa Trời, nhưng thay vì tận hưởng sự tự do đã được tìm thấy trong Đấng Christ, họ lại bị giục giã quay trở lại, lo tuân giữ các nghi thức, điều lệ và nội quy của luật pháp Cựu Ước.
Mặc dù ngày nay có ít người cố gắng sống theo bộ luật của Môise, hình thái thiên về với luật pháp vẫn còn nhan nhản. Có nhiều người tin con đường đến với Đức Chúa Trời phải bằng cách sống nhơn đức, đạt tới sự cứu rỗi nhờ vào các việc lành. Thậm chí có nhiều Cơ đốc nhân chân chính, họ đổi tin lành thành luật pháp. Họ tin rằng con đường duy nhứt để hoà thuận lại với Đức Chúa Trời là phải trở thành một thuộc viên của nhà thờ và làm mọi việc theo cách của họ tùy vào truyền thống nhuần luật pháp. Chúa Jêsus đã phán với người Pharisi: "Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra" (Mác 7.7).
Về những kẻ "ưa phục dưới luật pháp" nầy, Sứ đồ Phaolô hỏi: "Anh em há không nghe luật pháp sao?" hoặc "Há anh em không biết những điều luật pháp dạy sao?" Trong câu 22, ông đưa ra chính xác cái điều mà Cựu Ước chép. Ông bắt đầu với: "Vì có chép rằng". Nói cách khác: "Nếu anh em không biết những điều mà luật pháp dạy, cho phép tôi nói cho anh em biết". Ông gặp gỡ những người ưa phục dưới luật pháp nầy trên chính vùng đất của họ và buộc họ phải suy nghĩ.
Phân đoạn Kinh Thánh có thể được chia ra làm ba tiểu đoạn. Thứ nhứt, có bối cảnh theo lịch sử, quay ngược lại tới Ápraham, vợ ông là Sara, con đòi ông là Aga, hai con trai ông là Ích-ma-ên và Y-sác. Thứ hai, có biểu tượng về mặt thuộc linh, một ẩn dụ Tân Ước nói tới các biến cố trong Cựu Ước được Thánh Linh cảm thúc. Cuối cùng, có tầm quan trọng của cá nhân, phải ứng dụng phân đoạn khó nầy như thế nào vào đời sống chúng ta hôm nay. Mục đích của cả phân đoạn, ấy là nếu chúng ta là những Cơ đốc nhân xác thực, thì chúng ta không nên sống giống như Ích-ma-ên, như hàng tôi mọi, mà như Y-sác, là một người con của sự tự do. Vì cớ đó, tôi đưa ra câu hỏi đây, quí vị là một Ích-ma-ên hay một Y-sác?
I. Bối cảnh theo lịch sử (các câu 21-23).
A. Một người Cha, hai con trai (câu 22a)
Phaolô nói: "vì có chép rằng" hay "đây là những gì luật pháp nói”. Luật pháp nói "rằng Ápraham có hai con trai". Mặc dù phần nhiều người trong quí vị rất thông thạo lịch sử Hêbơrơ, tôi không muốn mất nhiều thời gian. Chúng ta hãy để ra một vài phút làm quen với gia đình của Ápraham.
Sau sự sáng tạo, sự sa ngã và nước lụt, đúng nhiều thế kỷ trước khi Đức Chúa Trời tỏ chính mình Ngài ra cho con người biết. Khi Ngài làm như thế, Ngài tỏ mình ra cho một người có tên là Ápraham hay Ápram. Trong sách Sáng thế ký, chúng ta học biết rằng Đức Chúa Trời đã phán với Ápraham và đã lập một giao ước với ông, một lời hứa. Đức Chúa Trời đã hứa ban cho ông xứ Canaan trong vùng Trung đông và làm cho ông nên một dân lớn đông vô số giống như sao trên trời và như cát trên bãi biển. Ápraham là một cụ già khi Đức Chúa Trời lập với ông lời hứa nầy. Ông đã được 75 tuổi và vợ ông là Sara đã được 65 tuổi.
Đây là những lời hứa đáng kinh ngạc, tuy nhiên Kinh Thánh nói Ápraham không thắc mắc hay nghi ngờ chi các lời hứa của Đức Chúa Trời. Thực vậy, 3.6 chép: "Ápraham tin Đức Chúa Trời và điều đó được kể là công bình cho ông".
Sara hay Sarai, vợ của Ápraham thì bị son sẻ, không có khả năng có con được. Bà đã tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời nhưng lại quyết định giúp đỡ cho Ngài. Không có một bịnh viện hay thuốc men chuyên gây thụ tinh nào để cho bà sử dụng cả. Vì vậy bà đã làm một việc duy nhứt mà bà có thể nghĩ ra. Bà mang tới cho Ápraham con đòi người Ai cập của mình có tên là Aga. Sáng thế ký 16.2 chép: "Sa-rai nói cùng Áp-ram rằng: Nầy, Đức Giê-hô-va đã làm cho tôi son sẻ, vậy xin ông hãy lại ăn ở cùng con đòi tôi, có lẽ tôi sẽ nhờ nó mà có con chăng. Áp-ram bèn nghe theo lời của Sa-rai".
Bản chất của con người không hề thay đổi. Thế rồi Aga có thai với Ápraham là điều chắc chắn. Nàng đã không nói cho bà chủ của mình biết. Kinh Thánh chép Aga "khinh bỉ bà chủ mình" (Sáng thế ký 16.4). Aga đã hành động với sự miệt khinh đối cùng Sara. Khi Sara than phiền với Ápraham, ông nói với bà: "Nầy, con đòi đó ở trong tay ngươi, phân xử thể nào, mặc ý ngươi cho vừa dạ" (Sáng thế ký 16.6). Sara bèn đuổi Aga ra khỏi trại quân. Một mình trong đồng vắng, "Thiên sứ của Đức Giêhôva" đã đến với Aga. Ngài nói với nàng rằng nàng sẽ có một con trai, nó sẽ trở thành một dân lớn, nàng sẽ đặt tên cho nó là Ích-ma-ên có nghĩa là "Đức Chúa Trời đang lắng nghe", và nàng phải trở lại với Sara. Nàng đã làm theo mọi sự nầy và Ích-ma-ên ra đời cho Aga và Ápraham khi ông được 86 tuổi.
Ápraham đã rất tự hào. Ông yêu thương Ích-ma-ên và cứ tưởng nó là đứa con được hứa cho lâu nay. Đức Chúa Trời phải chỉnh ông lại. Đức Chúa Trời phán với ông theo cách rất đặc biệt về Sara trong Sáng thế ký 17.16: "Ta sẽ ban phước cho nàng, lại do nơi nàng ta sẽ cho ngươi một con trai, Ta sẽ ban phước cho nàng, nàng sẽ làm mẹ các dân tộc; những vua của các dân tộc sẽ do nơi nàng mà ra". Nhiều thời gian đã trôi qua. Ích-ma-ên giờ đây đã được 13 tuổi. Ápraham nghiêng trên mặt nó cười và "… nói thầm rằng: Hồ dễ người đã trăm tuổi rồi, mà sanh con được chăng? Còn Sa-ra, tuổi đã chín mươi, sẽ sanh sản được sao?" Khi ấy Ápraham đã cầu nguyện xin cho Ích-ma-ên sẽ trở thành người con được hứa cho, nhưng Đức Chúa Trời đáp: “không phải”. Ích-ma-ên sẽ trở thành tổ phụ của các nước Ả rập nhưng Chúa nói thêm: "Nhưng ta sẽ lập giao ước ta cùng Y-sác, độ khoảng nầy năm tới Sa-ra phải sanh cho ngươi".
Thực vậy, đúng thời điểm đã định, Sara cho ra đời một đứa con trai mà họ đặt tên là Y-sác hay là "cười". Ápraham đã 100 tuổi và Sara khoảng 90 tuổi vào lúc bấy giờ. Tôi ưa cách thức Hêbơrơ 11.11-12 mô tả phép lạ nầy: "Cũng bởi đức tin mà Sa-ra dẫu có tuổi còn có sức sanh con cái được, vì người tin rằng Đấng hứa cho mình điều đó là thành tín. Cũng vì đó mà chỉ một người, lại là một người già yếu, sanh ra muôn vàn con cháu, đông như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể đếm được".
Thực vậy, "Ápraham có hai con trai" nhưng bấy nhiêu đấy vẫn chưa phải là toàn bộ lịch sử đâu.
B. Hai người mẹ, hai SỰ SANH NỞ (các câu 22b-23)
Hai con trai của Ápraham có hai người mẹ khác nhau. Một là "con của người nữ tôi mọi" và "một là con của người nữ tự chủ". Mẹ của Ích-ma-ên là Aga, một nô lệ, con đòi của Ápraham. Mẹ của Y-sác là Sara, một người nữ tự chủ, là vợ của Ápraham. Ích-ma-ên ra đời trong vòng nô lệ; còn Y-sác chào đời trong sự tự do.
Hai người con trai nầy ra từ hai người mẹ khác nhau, có hai sự sanh nở khác nhau. Ích-ma-ên là "con của người nữ tôi mọi sanh ra theo xác thịt". Còn Y-sác là "con của người nữ tự chủ" sanh ra "theo lời hứa".
Sự ra đời của Ích-ma-ên là "theo xác thịt", điều nầy hoàn toàn thật tự nhiên. Ích-ma-ên đã đến với thế gian nầy theo đúng một phương thức mà quí vị và tôi đã đến.
Qua phần xác thịt, sự ra đời của Y-sác là tự nhiên, theo cách thuộc linh thì sự ra đời nầy rất siêu nhiên. Sự thực cho thấy rằng một cụ già 100 tuổi và một bà cụ 90 tuổi có thể có được một đứa con không thể là không lạ lùng cho được. Quả thật, Y-sác đã sanh ra "theo lời hứa". Y-sác không ra đời "theo xác thịt" mà ngược lại với xác thịt, ngược lại với mọi sự tự nhiên.
Mẹ tôi đã được 35 tuổi khi tôi chào đời và bố tôi khi ấy là 40 tuổi. Bố mẹ tôi luôn luôn cao tuổi hơn bố mẹ của bạn bè tôi. Hãy tưởng tượng xem Y-sác đã cảm nhận như thế nào!?!
II. Biểu tượng về mặt thuộc linh (các câu 24-27).
A. Một ẩn dụ của Kinh Thánh (câu 24a).
Bản Kinh Thánh New King James dịch lời lẽ của Phaolô trong câu 24 như sau: "những việc ấy có tính cách biểu tượng". Bản Kinh Thánh New International Version dịch câu nầy là: "Mọi sự nầy có thể xem là hình bóng". Chữ Hy lạp là allegoreo và nhiều bản dịch dịch chữ nầy chính xác là "hình bóng".
Allegoreo có một ý nghĩa "nói khác hơn điều mà người ta đang nói". Chữ nầy được sử dụng để nói tới một câu chuyện chứa ý nghĩa khác hơn những gì là sát nghĩa. Tự điển Webster xác định từ "hình bóng" là "một sự trình bày có tính cách ẩn ý". Trong phân đoạn nầy, chúng ta có lẽ thật thuộc linh được minh họa bởi một câu chuyện có trong lịch sử.
Có nhiều nguy hiểm vốn có khi sử dụng các hình bóng. Nhiều sự lý giải lệch lạc và những giáo lý giả dối đã phát sinh từ chỗ sử dụng ẩn dụ không thích ứng. MacArthur lưu ý: "Các rabi xưa đều đặn sử dụng một hình thức bóng bẩy để giải thích Kinh Thánh, thường xưng là khám phá các lẽ thật cực kỳ “kỳ lạ”đáng ngạc nhiên, kín giấu nằm ở đàng sau ý nghĩa thông thường của các từ vựng trong một câu Kinh Thánh. …những học giả người Do thái trong xứ Alexandria đã phát triễn một hệ thống nói bóng bẩy về Kinh Thánh gây ảnh hưởng mạnh không những trên Do thái giáo, mà còn trên Công giáo La mã cho tới thời kỳ Cải Chánh Tin Lành. Thí dụ, dòng sông Euphrates được coi là sự tuôn tràn những cung cách tốt lành. Chuyến hành trình của Ápraham từ xứ Urơ cho tới Đất Hứa đã vẽ ra một triết gia theo phái khắc kỹ, triết gia nầy đã bỏ đi các nhận thức có tính gợi cảm rồi bước vào ý thức về mặt thuộc linh. Hai đồng tiền mà người Samari nhơn lành đưa cho chủ quán là biểu tượng cho phép báptêm và tiệc thánh. Giáo Hoàng Gregory xưng rằng bảy người con trai của Gióp tiêu biểu cho 12 sứ đồ, các bạn của ông tiêu biểu cho những người theo dị giáo, 7.000 chiên của ông tiêu biểu cho dân sự trung tín của Đức Chúa Trời, và 3.000 lạc đà của ông tiêu biểu cho số dân Ngoại bị hư mất! Biểu tượng là suy nghĩ của Pandora bất chấp ý nghĩa về mặt lịch sử, văn học của Kinh Thánh và mở ra sự giải thích Kinh Thánh theo từng cấp độ".
Trong khi cấp độ hình bóng là đọc một vấn đề trong một câu nói rõ ràng là không có trong đó, ở một cấp độ khác vấn đề ấy được đọc rất cứng ngắt. Thí dụ, khi Phaolô trưng dẫn lời nói của Chúa Jêsus về tiệc thánh trong I Côrinhtô 11, ông nói về bánh như sau: "Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho" (I Côrinhtô 11.24). Có người cho là câu nầy có ý nói rằng bánh THEO NGHĨA ĐEN trở thành thân thể của Chúa khi rõ ràng Kinh Thánh có ý nói bánh tiêu biểu cho thân thể của Chúa đã hy sinh vì chúng ta.
Ok, nếu hình bóng là một phương pháp nguy hiểm cho sự lý giải Kinh Thánh, thì tại sao nó lại được sử dụng ở đây? Thật là đơn giãn. Phaolô là một vị sứ đồ. Ông được Đức Thánh Linh cảm thúc khi ông đặt bút viết, tỉ như cách nói bóng nầy đã được Đức Thánh Linh cảm thúc vậy, chớ không phải loài người cảm thúc đâu. Nguyên tắc giải thích các ẩn dụ, kiểu cách, hình bóng trong Cựu Ước là nếu nó được khẳng dịnh trong Tân Ước.
B. Hai người đờn bà là biểu tượng cho hai GIAO ƯỚC và hai THÀNH PHỐ (các câu 24b-27).
Phaolô nói "Hai người nữ [hai người mẹ] đó tức là hai lời giao ước". Nói cách khác, Aga tiêu biểu cho sự tôi mọi trong Giao ước Cũ, tức là Cựu Ước. Sara tiêu biểu cho sự tự do của Giao ước Mới, tức là Tân Ước. "Giao ước" có nghĩa là "lời hứa", rất đơn giãn như vậy thôi. Giao ước cũ dựa theo luật pháp; còn giao ước mới dựa theo ân điển của Đức Chúa Trời. Dưới giao ước cũ, Đức Chúa Trời đã đặt gánh nặng luật pháp trên con người: "Ngươi sẽ… ngươi sẽ… ngươi sẽ…" Còn dưới Giao Ước Mới, Đức Chúa Trời giữ hết thảy trách nhiệm trên chính mình Ngài: "Ta sẽ… Ta sẽ… Ta sẽ…".
Phaolô cũng nhắc tới hai thành phố. Aga "khác nào như thành Jerusalem bây giờ" (câu 25). Trong câu 26 ông viết về "thành Jerusalem ở trên cao". Thành Jerusalem tất nhiên là thủ phủ xa xưa của dân Israel. Thành Jerusalem đối với nước Israel và người Do thái theo cùng một cách thức y như Moscow đối với nước Nga, Tokyo đối với Nhật bản, London đối với nước Anh và Washington D.C. đối với Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ. Người Do thái biết tuân giữ luật pháp, Cựu Ước tiêu biểu cho "khác nào như thành Jerusalem bây giờ" vậy.
Chúng ta hãy xét qua hai người nữ nầy theo cách riêng biệt và hãy xem xét cả hai giao ước và hai thành phố mà họ đang tiêu biểu cho.
Aga tiêu biểu cho luật pháp. Nàng "sanh con để làm tôi mọi". Phaolô nói "Aga, ấy là Núi Sinai trong Arabi". "Núi Sinai" tất nhiên là nơi mà Môise đã tiếp nhận luật pháp. Aga tiêu biểu cho Giáo Ước Cũ vì là một tôi mọi, nàng chỉ có thể sanh con ra để làm tôi mọi mà thôi. Câu 25 nói nàng "với con cái mình đều làm tôi mọi". Luật pháp chỉ có thể tạo ra hạng tôi mọi về mặt thuộc linh. Nàng "khác nào như thành Jerusalem bây giờ".
Tuy nhiên, Sara rất khác biệt. Câu 26 chép: "Nhưng thành Giê-ru-sa-lem ở trên cao là tự do, và ấy là mẹ chúng ta". Nếu Aga, mẹ của Ích-ma-ên, là người nữ nô lệ đứng thay cho luật pháp và thành Jerusalem ở trên đất, thì Sara, mẹ của Y-sác, là người nữ tự do đứng thay cho ân điển, Giao Ước Mới và thành Jerusalem ở trên trời, là Hội thánh, là bạn đồng hành của hết thảy những ai được chuộc.
Tân Ước đưa ra một vài luận điểm trước "thành Jerusalem ở trên cao" nầy. Là những tín đồ, được sanh lại bởi ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta là công dân của thành phố ở trên trời ấy. Philíp 3.20 chép: "Nhưng chúng ta là công-dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông đợi Cứu Chúa mình là Đức Chúa Jêsus Christ".
Khi đối chiếu luật pháp với ân điển, Núi Sinai với thành Jerusalem trên trời, Hêbơrơ 12.18-22 chép: "Anh em chẳng tới gần một hòn núi mà người ta có thể rờ đến được, cũng chẳng đến gần lửa hừng, hoặc tối tăm, hoặc âm ế, hoặc gió dữ, hoặc tiếng loa thổi vang, hoặc tiếng nói kinh khiếp đến nỗi ai nghe đều nài xin đừng nói với mình nữa; vì họ không chịu nổi lời phán nầy: Dẫu loài thú vật tới gần núi nầy cũng sẽ bị ném đá. Lại cảnh trạng đó rất kinh khiếp, đến nỗi Môi-se nói rằng: Ta thật sợ sệt và run rẩy cả người. Nhưng anh em đã tới gần núi Si-ôn, gần thành của Đức Chúa Trời hằng sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời, gần muôn vàn thiên sứ nhóm lại".
Giăng tác giả sách Khải huyền viết trong Khải huyền 21.2: "Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình". Tôi không nghĩ câu nầy nói nhiều tới một địa điểm, mà là nói nhiều đến một dân sự!
Cho nên, Sara là "hình bóng" nói tới ân điển của Đức Chúa Trời, thể nào Ngài ban cho chúng ta một sự sanh nở thuộc linh lạ lùng vào trong gia đình đời đời của Ngài, khiến chúng ta thành ra các công dân của thành phố của Ngài, là chi thể của Hội thánh của con trưởng nam Ngài, là cô dâu của Ngài đã trang sức đón chồng mình!
Chúng ta quay trở lại và đọc câu 27. Câu nầy được trưng dẫn từ Êsai 54.1 nguyên thủy đề cập tới sự vinh hiển của thành Jerusalem sau lần làm phu tù cho người Babylôn. Đức Chúa Trời đang phán với Israel qua tiên tri của Ngài rằng thành Jerusalem sau khi làm phu tù sẽ cả thể hơn thành Jerusalem trước cuộc phu tù. Sự ứng nghiệm quan trọng hơn của câu nầy đã được thấy ở đây, rằng sự vinh hiển của thành Jerusalem trước Đấng Christ sẽ bị phủ bóng bởi sự vinh hiển của Hội thánh sau khi Đấng Christ tái lâm. Nói cách khác, số người sống trong ân điển và sự tự do của Đức Chúa Trời một ngày kia sẽ trổi hơn số người đang ở trong vòng tôi mọi cho luật pháp.
Cho nên đây là biểu tượng, là hình bóng. Ápraham có hai người con trai, sanh ra bởi hai người nữ tiêu biểu cho hai giao ước và hai thành phố. Họ tiêu biểu cho hai tôn giáo, một ở trong vòng tôi mọi và luật pháp và một ở trong sự tự do và ân điển. Aga và Ích-ma-ên tiêu biểu cho hết thảy những ai cố gắng đến với Đức Chúa Trời bằng sức riêng của họ, những kẻ tìm cách kiếm ơn cứu rỗi của họ bằng việc làm và tôn giáo. Sara và Y-sác tiêu biểu cho những ai đến với Đức Chúa Trời theo khả năng của Ngài, họ tiếp nhận ơn cứu rỗi của mình bằng ân điển của Đức Chúa Trời qua Con của Ngài.
III. Tầm quan trọng cá nhân (các câu 28-31).
Trong câu 28, Phaolô đưa ra tầm quan trọng của cá nhân nầy. Ông nói: "Về phần chúng ta", chúng ta là những người đã thực sự được cứu, chúng ta "cũng như Y-sác" là "con của lời hứa". Chúng ta không cần phải ở dưới Giao Ước Cũ nữa; chúng ta không cần phải ở dưới luật pháp; chúng ta không cần phải sống trong vòng tôi mọi nữa. Chúng ta giống như Y-sác được sanh ra thật lạ lùng vào trong gia đình của Đức Chúa Trời. Chúng ta là sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời cho Ápraham; chúng ta là dân thánh của Đức Chúa Trời!
Vì chúng ta là "con của lời hứa", vì chúng ta giống như Y-sác, chúng ta không nên sống như Ích-ma-ên. Chúng ta không phải sống dưới vòng tôi mọi đối với hình thức thiên về với luật pháp hay luật pháp. Trong các câu còn lại của chương nầy, Phaolô dạy chúng ta hai lẽ thật có liên quan với chúng ta trong vai trò anh em với Y-sác, là "con của lời hứa".
A. Chúng ta sẽ đối mặt với SỰ BẮT BỚ (câu 29).
Phaolô nói: "Nhưng, như bấy giờ, kẻ sanh ra theo xác thịt bắt bớ kẻ sanh ra theo Thánh Linh, thì hiện nay cũng còn là thể ấy".
Hãy xem lại với tôi Sáng thế ký 21. Lời hứa của Đức Chúa Trời đã thành ra sự thực. Y-sác đã chào đời khi Ápraham được 100 tuổi và Sara khoảng 90 tuổi. Ích-ma-ên đã ở khoảng 14. "Đứa trẻ phép lạ" nầy không nghi ngờ chi nữa là điểm nổi bật cho đời sống của bố mẹ trong lúc tuổi đã già rồi. Tôi dám nói như thế vì tôi đã ra đời cho bố mẹ có tuổi đã cao. Tuy nhiên, đừng quên người anh khác mẹ to lớn kia. Ích-ma-ên biết rõ Y-sác là điểm nổi bật rồi. Ích-ma-ên biết rõ Y-sác được ưu ái hơn mình và Ích-ma-ên sanh lòng ganh ghét cực kỳ.
Theo câu 8, Y-sác "lớn lên thì thôi bú" vào khoảng ba tuổi. Để kỷ niệm thời điểm đặc biệt nầy, "Ápraham bày một tiệc lớn ăn mừng". Không nghi ngờ chi nữa, đã có nhiều thức ăn, âm nhạc, nhảy múa và sự vui mừng lan khắp trại của họ. Trong khi bữa tiệc còn đang tiếp diễn, Ích-ma-ên đã bực tức. Câu 9 chép: "Sa-ra thấy đứa trai của A-ga, người Ê-díp-tô, đã sanh cho Áp-ra-ham, cười cợt". Là thế đấy. Đấy là những gì chúng ta biết chắc. Chữ Hy bá lai nói tới "cười cợt" có ý nói "cười thoải mái, khinh dễ, chế giễu". Đúng vậy, em bé Y-sác là đối tượng cho trò cười của Ích-ma-ên.
Trở lại trong Galati 4.29, Phaolô nói: "nhưng, như bấy giờ". Đây là nói về mặt thuộc thể. Dòng dõi Ả rập theo phần xác của Ích-ma-ên luôn luôn và cứ tiếp tục bắt bớ dòng dõi theo phần xác của Y-sác.
Điều chi thực sự về phần thuộc thể thì càng thực hơn về mặt thuộc linh. Dòng dõi thuộc linh của Ích-ma-ên, những kẻ đang ở dưới vòng tôi mọi cho các việc làm và luật pháp đã luôn luôn bắt bớ dòng dõi thuộc linh của Y-sác, những người đang ở dưới ân điển và sự tự do, là "con của lời hứa".
Chúng ta phải trông mong y như thế. Chúng ta trông đợi sự bắt bớ từ thế gian và chúng ta dễ dàng nhận ra sự bắt bớ đó. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy sự bắt bớ của xu hướng thiên về với luật pháp từ bên trong gia đình của Đức Chúa Trời bởi những kẻ dù là con cái giống như Y-sác lại thích sống dưới luật pháp hơn. Chúa Jêsus đã bị chối bỏ, bị chống đối cách cay đắng, bị bán đứng, bị đánh đòn rồi bị đóng đinh trên thập tự giá bởi người Do thái. Những kẻ thù oan nghiệt của Phaolô là các Cơ đốc nhân người Do thái gọi là những kẻ theo giáo Giu-đa, họ đã tiếp nhận Đấng Christ nhưng lại không chịu lìa bỏ luật pháp. Sự bắt bớ tệ hại nhất các tín đồ trải xuống qua nhiều thế kỷ đã đến từ tôn giáo Cơ đốc có tổ chức. Y-sác luôn luôn bị chế giễu và bị bắt bớ bởi Ích-ma-ên.
Stott nói thêm như sau: "Loại kẻ thù quan trọng nhất của đức tin đã được truyền giảng ngày hôm nay không phải là những người chưa tin Chúa, là hạng người khi họ nghe giảng Tin lành, họ thường vòng tay ôm lấy Tin lành đó, mà là giáo hội, có tổ chức, hàng giáo phẩm". Vấn đề hệ phái, ấy là tổ chức đang tìm cách đối mặt với các Hội thánh địa phương, những vị Mục sư và cá nhân tín đồ trước lối giải thích của họ về Cơ đốc giáo hơn là lối giải thích của Đức Chúa Trời.
B. Chúng ta sẽ nhận lãnh CƠ NGHIỆP (các câu 30-31).
Phaolô thốt ra lời lẽ của Sara nói với Ápraham, vì Kinh Thánh chép: "Hãy đuổi người nữ tôi mọi và con trai nó; vì con trai của người nữ tôi mọi sẽ không được kế tự với con trai của người nữ tự chủ". Mặc dù Y-sác phải gánh chịu sự khinh miệt của Ích-ma-ên, chính Y-sác mới là người nhận lãnh cơ nghiệp.
Một lần nữa, Ápraham đã cầu nguyện xin cho Ích-ma-ên trở thành kẻ kế tự. Ông thưa với Đức Chúa Trời trong Sáng thế ký 17.18: "Chớ chi Ích-ma-ên vẫn được sống trước mặt Ngài!" Đức Chúa Trời phán trong câu 19: "Thật vậy, Sa-ra vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, rồi ngươi đặt tên là Y-sác. Ta sẽ lập giao ước cùng nó, để làm giao ước đời đời cho dòng dõi của nó". Mặc dù Đức Chúa Trời để cho Ích-ma-ên trở thành một dân lớn (dân Ả rập) Ngài phán với Ápraham trong Sáng thế ký 21.12: "Ngươi chớ buồn bực vì con trai và con đòi ngươi. Sa-ra nói thể nào, hãy nghe theo tiếng người nói; vì do nơi Y-sác sẽ sanh ra dòng dõi lưu danh ngươi".
Kẻ kế tự thực của lời hứa Đức Chúa Trời cho Ápraham không phải là con cái theo phần xác của ông trong nước Israel đâu, mà là con cái thuộc linh của ông, những tín đồ đã được lại sanh dù là người Do thái hay dân Ngoại.
Giống như Y-sác, chúng ta có sự đau đớn và sự bắt bớ ở mặt nầy, nhưng có cơ nghiệp và sự vinh hiển ở mặt kia. Ở phía nầy chúng ta bị người ta khinh dễ và chối bỏ, nhưng ở bên kia chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời. Rôma 8.17 chép: "Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài".
Phaolô nhìn thấy vấn đề nầy trong II Côrinhtô 6.8-10: Chúng ta sống "dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt; ngó như kẻ phỉnh dỗ, nhưng là kẻ thật thà; ngó như kẻ xa lạ, nhưng là kẻ quen biết lắm; ngó như gần chết, mà nay vẫn sống; ngó như bị sửa phạt, mà không đến chịu giết; ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có, ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!"
Là những Cơ đốc nhân chân chính, chúng ta là dòng dõi của Ápraham và như Y-sác "con của lời hứa". Chúng ta là công dân của thành Jerusalem mới, ở trên trời, là "thành Jerusalem ở trên cao". Mặc dù chúng ta sẽ bị bắt bớ, hết thảy mọi lời hứa của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài đều thuộc về chúng ta.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét