Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Chiến trường cầu nguyện (Eph 6.18-20)



Êphêsô – Những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra
Chiến trường cầu nguyện
Êphêsô 6.18-20
1. Có bao giờ quí vị tham quan một bãi chiến trường chưa? Từ cuộc bao vây Nội Chiến ở Vicksburg, Mississippi đến trận đánh sau cùng của quân Đức tại Leningrad trong Đệ II Thế Chiến, tôi đã đến tham quan nhiều nơi. Có điểm gì đó đặc biệt về một nơi mà ở đó người ta đánh nhau rồi gục chết…một điều gì đó gần như thánh khiết.
2. Nếu quí vị đang sống cho Đức Chúa Trời, quí vị đang có mặt trong một trận chiến. Đời sống của quí vị là một bãi chiến trường thuộc linh. Satan đang tấn công quí vị. Nếu quí vị không có một trận đánh nơi hai bàn tay của mình, thiệt là xấu hổ cho quí vị. Chúa Jêsus phán: "đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình" (Giăng 13.16; 15.20). Nếu Satan tấn công Chúa thì hắn sẽ tấn công quí vị đấy. Người nào đứng sát bên với vị chỉ huy, người ấy sẽ thấy trận đánh ở chỗ nóng nhất.
3. Mỗi tín đồ cần phải mặc lấy "mọi khí giới của Đức Chúa Trời". Hãy tưởng tượng một chiến binh đang chuẩn bị cho chiến trận xem. Chúng ta cần sợi DÂY NỊT LẼ THẬT, lẽ thật không sai sót của Đức Chúa Trời là tiêu chuẩn của chúng ta. Chúng ta cần ÁP GIÁP CÔNG BÌNH, sự công bình thực tế của một đời sống thánh khiết, thanh sạch. Chúng ta cần GIÀY BÌNH AN, sự bình an của Đức Chúa Trời thắng hơn sự ngã lòng. Chúng ta cần THUẪN ĐỨC TIN chống đỡ những tên lửa nói dối của Satan. Chúng ta cần MÃO CỨU RỖI, lòng tin cậy sự đắc thắng tối hậu thuộc về chúng ta. Chúng ta cần GƯƠM CỦA THÁNH LINH, Lời hằng sống, đầy quyền phép của Đức Chúa Trời.
4. Mặc lấy "mọi khí giới của Đức Chúa Trời" không phải là trận chiến, đây là sự chuẩn bị cho trận chiến. Trận chiến được thấy trong câu 18. Trận chiến là sự cầu nguyện. Chúng ta không "đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy". Chúng ta đánh trận như thế nào với họ? Bằng sự cầu nguyện. Đạo binh của Đấng Christ cứ tiến bước trên hai đầu gối của họ. Một số người trong chúng ta sở dĩ bị đánh bại là vì chúng ta chưa ở trong trận chiến. Chúng ta đã mặc lấy vũ khí nhưng chưa bắt đầu đánh trận. Hai phân đoạn Kinh thánh Cựu Ước minh hoạ rất đẹp cho chỗ cầu nguyện trong trận chiến thuộc linh.
* Trước tiên chúng ta đến với Xuất Êdíptô ký 17.8-16. Khi Israel vào trong Đất Hứa, một kẻ thù có tên là Amaléc ra mặt chống nghịch họ. Môise bảo Giô-suê đem quân đánh hắn trong trũng, còn ông sẽ "đứng nơi đầu nỗng" với "gậy của Đức Chúa Trời trong tay". Bao lâu Môise "giơ tay lên… dân Israel thắng hơn". Khi ông mỏi tay, họ đặt ông ngồi trên một tảng đá. Arôn và Hurơ đỡ lấy hai cánh tay ông. Một số chiến binh đã nói: "Môise ơi, sao ông không xuống đây mà đánh trận". Môise sẽ đáp: "Ta đang chiến đấu đây". Trận chiến đã thắng ở chỗ nào? Trong trũng hay trên núi? Satan không lo chúng ta hát bao nhiêu bài, chúng ta giảng bao nhiêu bài, chúng ta dâng bao nhiêu tiền hay nhà thờ mới có xinh đẹp hay rộng lớn chừng nào. Hắn chế giễu mọi nổ lực của chúng ta. Hắn khinh dễ mọi sự cam kết của chúng ta … thế nhưng hắn sợ lời cầu nguyện của chúng ta. Nếu hắn giữ chúng ta không "giơ hai bàn tay lên" hắn sẽ đánh bại chúng ta.
* Thứ hai, chúng ta hãy mở ra ở Đaniên 10.10-15. Đây là một tiểu đoạn rất kín nhiệm. Đaniên đã cầu nguyện, khóc lóc và kiêng ăn trải "ba tuần lễ trọn" (câu 2). Ông không nhận được một câu trả lời nào. Trong câu 9, chúng ta học biết lý do tại sao! Một thiên sứ đến bảo ông rằng khi ông bắt đầu cầu nguyện lần đầu tiên "những lời ngươi đã được nghe" và Ngài đã đến "vì cớ lời nói của ngươi [của ông]". Tuy nhiên, "vua nước Phe-rơ-sơ" đã ngăn trở thiên sứ trong "hai mươi mốt ngày". Khi ấy "Mi-ca-ên" một trong các thiên sứ trưởng đã đến để "giúp đỡ" ông. Êphêsô 6.12 chép chúng ta: "đánh trận…cùng chủ quyền, cùng thế lực". Chúa Jêsus đã phán với Satan khi Ngài phán với Phierơ: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau ta!" (Mathiơ 16.23). Khi tôi cầu nguyện về nhiều việc, Đức Chúa Trời sai các thiên sứ Ngài đến giúp đỡ tôi! Khi tôi cầu nguyện, cuộc chiến đã được định liệu trên các từng trời! Kinh thánh dạy rằng chúng ta có "những thiên sứ phục vụ". Có nhớ khi Hội thánh cầu nguyện cho Phierơ được thả ra khỏi tù không? (Công vụ các Sứ đồ 12.5-8, 17).
5. Cầu nguyện là vũ khí của chúng ta trong chiến trường thuộc linh. Chúng ta sẽ xem xét sáu đòi hỏi cho sự cầu nguyện trong trận chiến thuộc linh được tóm tắt trong phân đoạn Kinh thánh hôm nay.
I. Chiến trận thuộc linh đòi hỏi sự cầu nguyện liên tục (câu 18a).
A. "Cầu nguyện luôn" không có ý nói "luôn luôn thốt ra những lời cầu nguyện". Chúa Jêsus phán chúng ta đừng "đừng dùng những lời lặp vô ích như người ngoại" (Mathiơ 6.7). Thay vì thế, chúng ta cần phải sống trong mối tương giao thường trực với Đức Chúa Trời. Cho nên cầu nguyện luôn không phải là phát ra nhiều lời, mà là thái độ của tấm lòng. Warren Wiersbe nói cầu nguyện luôn có nghĩa là "không cho người nhận máy điện thoại gác ống nghe". Thomas Kelley đã viết trong quyển Testimonies of Devotion [Những bằng chứng về sự tin kính]:
"Có một cách sắp đặt đời sống lý trí của chúng ta hơn là cứ dặm chân ở một cấp độ. Trên một cấp độ, chúng ta có thể suy nghĩ, bàn bạc, xem xét, tính toán và làm thoả mọi đòi hỏi của công việc bề ngoài. Nhưng sâu lắng ở bên trong, ở đàng sau bối cảnh, ở một cấp độ sâu sắc hơn, chúng ta cũng có thể ở trong sự cầu nguyện và tôn kính, ca hát và thờ phượng, và tiếp nhận dịu dàng những sự hà hơi thiêng liêng " (Hughes, trang 251).
B. Trong thời của Phao-lô, người Do thái đã cầu nguyện rất đặc biệt, được phân chia thành nhiều lần mỗi ngày. Với sự đến của Cơ đốc giáo, các tín đồ đầu tiên thường nhấn mạnh tinh thần "cầu nguyện luôn" chớ không chỉ vào các thời điểm nào đó thôi. Thực vậy, có một số phân đoạn Kinh thánh Tân Ước nói tới vấn đề nầy:
1. Công vụ các Sứ đồ 2.42 chép: "Vả, những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện".
2. Rôma 12.12 chép chúng ta cần phải "vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện".
3. Phi-líp 4.6 chép: "Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời".
4. Cô-lô-se 4.2 chép: "Phải bền đổ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào".
5. I Têsalônica 5.17 chép: "cầu nguyện không thôi".
C. "Cầu nguyện luôn" có ý nói đem mọi sự đến với Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện. Khi chúng ta kinh nghiệm một ơn phước, chúng ta dừng lại để cảm tạ Ngài. Trong sự cám dỗ/sự giải cứu, gặp gỡ một người bị hư mất/được cứu-dạn dĩ, gặp rắc rối/ sự bảo hộ, trong bịnh tật/chữa lành. Quan niệm về "cầu nguyện luôn" được trình bày rất rõ ràng ở Cô-lô-se 3.2: "Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất".
D. "Cầu nguyện luôn" là sống trong lúc bây giờ với một sự tỉnh thức sáng suốt về cõi đời đời. II Cô-rinh-tô 10.5 mô tả cầu nguyện như: "đánh đổ các lý luận, mọi sự cao tự nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ".
E. "Cầu nguyện luôn" không phải là một việc dành cho các tín hữu tin kính nhất hay thuộc linh nhất. Nó được dành cho tất cả chúng ta. Không một miễn trừ nào cả.
II. Chiến trận thuộc linh đòi hỏi lời cầu nguyện đa dạng (câu 18b).
A. Chúng ta cần phải cầu nguyện với "đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin". Bản Kinh thánh NIV dịch chỗ nầy là: "đủ mọi loại cầu nguyện và mong muốn". Bản Kinh thánh NCV đề cập điều nầy như sau: "đủ loại cầu nguyện, cầu xin mọi điều bạn đang cần". Nếu chúng ta "cầu nguyện luôn" chúng ta sẽ gặp gỡ nhiều tình huống khác nhau cần có đủ thứ cầu nguyện khác nhau: tội lỗi/xưng tội, được phước/cảm tạ, quan tâm/cầu thay, thờ phượng/tôn kính.
B. Từ Hy lạp dùng cho "cầu nguyện" ở đây đề cập tới những lời thỉnh cầu, mong muốn chung. Từ ngữ dùng cho "nài xin" đề cập tới những thỉnh cầu đặc biệt. Chúng ta cần phải cầu nguyện "luôn" với "đủ" thứ cầu nguyện. Chúng ta cần phải cầu nguyện riêng và chung. Chúng ta cần phải cầu nguyện bằng cách nói ra lời và yên lặng. Chúng ta cần phải cầu nguyện bằng kêu la lớn tiếng và những tiếng thì thầm êm dịu. Chúng ta cần phải cầu nguyện với hai bàn tay giơ lên cao và với hai bàn tay nắm lại. Chúng ta cần phải cầu nguyện với tư thế đứng, ngồi, quì gối và nằm xuống đất. Chúng ta cần phải cầu nguyện với sự cân nhắc, kiên quyết và không bị kềm chế gò bó. Chúng ta cần phải cầu nguyện mặt hướng về thiên đàng và phủ phục dưới sàn nhà. Phao-lô đã nói trong I Ti-mô-thê 2.8: "Vậy, ta muốn những người đàn ông đều giơ tay thánh sạch lên trời, mà cầu nguyện khắp mọi nơi, chớ có giận dữ và cãi cọ".
C. "Cầu nguyện luôn với đủ thứ cầu nguyện và nài xin" có ý nói rằng từng phần trong đời sống của chúng ta phải dầm thấm trong sự cầu nguyện.
III. Chiến trận thuộc linh đòi hỏi lời cầu nguyện được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh (câu 18c).
A. Chúng ta cần phải "nhờ Đức Thánh Linh" mà cầu nguyện. Có bao giờ quí vị có một sự khao khát muốn cầu nguyện và chẳng khởi sự được không? Có bao giờ quí vị bắt đầu cầu nguyện nhưng lại kết thúc sau đó vài phút vì quí vị không nhớ những việc phải nói? Hết thảy chúng ta đều rơi vào trường hợp đó. Thật là không đủ lời để cầu nguyện, chúng ta phải "nhờ Đức Thánh Linh" mà cầu nguyện.
B. Cầu nguyện "trong Thánh Linh" có nghĩa gì? Đơn giãn thôi, ấy là để cho Đức Thánh Linh dẫn dắt quí vị khi quí vị cầu nguyện. Chúng ta hãy mở ra ở Rôma 8.26-27. Điều nầy cho chúng ta biết rằng Đức Thánh Linh biết rõ "những sự yếu đuối" của chúng ta. Ngài biết rõ "chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng". Chúng ta không làm phiền Đức Chúa Trời đâu! Ngài vốn biết rõ chúng ta chẳng biết phải cầu nguyện như thế nào cho xứng đáng, vì vậy Ngài sai Đức Thánh Linh đến dẫn dắt chúng ta!
C. Đức Thánh Linh "cầu thay" cho chúng ta khi chúng ta không biết phải cầu xin điều gì!?! Ngài cầu thay cho chúng ta "với sự thở than không thể nói ra được". Tôi nghĩ đây là ý niệm nói tới sự yên lặng hoàn toàn trước mặt Đức Chúa Trời. Thi thiên 46.10 chép: "Hãy yên lặng, và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời". Không phải là: "Lạy Chúa, xin lắng nghe tôi tớ Ngài đang nói" mà là "Lạy Chúa, xin hãy phán, tôi tớ Ngài đang lắng nghe".
D. Đức Thánh Linh là một thế lực mạnh mẽ trong sự cầu nguyện. Giu-đe 20 chứa ý niệm đó: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, về phần anh em, hãy tự lập lấy trên nền đức tin rất thánh của mình, và nhân Đức Thánh Linh mà cầu nguyện". Tôi đã nghe Adrian Rogers định nghĩa cầu nguyện trong Thánh Linh giống như điều nầy: "Đức Thánh Linh tìm kiếm một sự khao khát trong tấm lòng của Đức Chúa Cha rồi phán dạy điều đó cho tấm lòng chúng ta. Khi ấy chúng ta cầu nguyện trở lại và Đức Thánh Linh chuyển lời cầu nguyện đó cho Đức Chúa Cha trong quyền phép của thập tự giá".
E. Có hai sự cố siêu nhiên đã diễn ra khi chúng ta “nhờ Đức Thánh Linh” mà cầu nguyện.
1. Thứ nhứt, Đức Thánh Linh cho chúng ta biết phải cầu nguyện điều gì. Tách rời khỏi Đức Thánh Linh, những lời cầu nguyện của chúng ta bị hạn chế trong cách lý luận của chính chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta tìm cách để cho Ngài dẫn dắt, Ngài sẽ định liệu các vấn đề cần có trong tấm lòng của chúng ta. Khi quí vị không biết phải cầu nguyện điều gì, hãy yên lặng.
2. Thứ hai, Đức Thánh Linh ban năng lực cho những lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài ban sức lực, quyền phép, và sự tin quyết khi chúng ta mệt mõi và yếu đuối.
IV. Chiến trận thuộc linh đòi hỏi lời cầu nguyện tỉnh thức (câu 18d).
A. Hãy gạch dưới cụm từ "tỉnh thức" hay "phải cảnh giác" trong quyển Kinh thánh của quí vị. Nó có ý nói chúng ta cần phải cầu nguyện với hai con mắt mở ra. Chúng ta cần phải cảnh giác khi chúng ta cầu nguyện vì những cuộc tấn công của kẻ thù chúng ta. Chúng ta hãy chú ý ba hình ảnh trong Kinh thánh.
1. Khi Nêhêmi trở về thành Jerusalem để tái thiết lại các bức tường, ông đã bị tấn công cả bên trong lẫn bên ngoài. Ông đã đạt được chiến thắng bằng cách cầu nguyện và tỉnh thức. Ông đã nói trong Nêhêmi 4.9: "Nhưng chúng tôi cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời chúng tôi, và lập kẻ ngày và đêm canh giữ họ".
2. Khi Chúa Jêsus phán về thời điểm Ngài tái lâm, Ngài bảo các môn đồ trong Mác 13.33: "Hãy giữ mình, tỉnh thức; vì các ngươi chẳng biết kỳ đó đến khi nào". Chúng ta cần phải tỉnh thức đối với sự tái lâm của Ngài.
3. Khi bước vào vườn trong đêm Ngài bị nộp, Ngài phán cùng các môn đồ: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ; tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối" (Mác 14.38). Chúng ta biết Phierơ đã đi ngủ khi lẽ ra ông phải cầu nguyện.
B. Chúng ta cần phải “tỉnh thức” khi cầu nguyện vì kẻ thù sẽ tìm cách lôi cuốn chúng ta. Cầu nguyện là tranh chiến. Đây là một chiến trận. Satan sử dụng những chiến lược đánh lạc hướng. Huấn luyện viên của tôi thường nói: "hãy chăm chú vào trận đấu". Đúng là một ý niệm hay!
V. Chiến trận thuộc linh đòi hỏi sự cầu nguyện bền đỗ (câu 18e).
A. Chúng ta cần phải cầu nguyện "với sự bền đỗ trọn vẹn". Không những chúng ta cầu nguyện trong một thời gian dài, nhưng chúng ta nhớ "nài xin" về những nhu cần đặc biệt. Chúng ta cần phải giữ sự cầu nguyện về những vấn đề đặc biệt. Nhiều lần chúng ta bỏ cầu nguyện trước khi chúng ta nhận được câu trả lời.
B. Cầu nguyện "với sự bền đỗ trọn vẹn" có nghĩa là "bám sát, không từ bỏ". Hội thánh đầu tiên đã cầu nguyện và đã nhìn thấy Phierơ được phóng thích ra khỏi nhà tù. Rom.12.12 chép chúng ta cần phải "bền lòng mà cầu nguyện". Cô-lô-se 4.2 chép: "Phải bền đổ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện…"
C. Cầu nguyện "với sự bền đỗ trọn vẹn" không có nghĩa là chúng ta đang tìm cách buộc Đức Chúa Trời phải làm một việc gì đó. Thay vì thế, cầu nguyện như thế có nghĩa là chúng ta cần phải đương lấy đến nỗi chúng ta không thể yên nghỉ cho tới chừng nào chúng ta nhận được câu trả lời của Đức Chúa Trời. Robert Law đã viết: "Cầu nguyện không phải là đưa ý muốn của con người lên trời; mà cầu nguyện là làm cho ý muốn của Đức Chúa Trời được thực thi ở trên đất". Cầu nguyện không làm thay đổi tâm ý của Đức Chúa Trời, mà là nhận biết tâm ý của Đức Chúa Trời.
D. Cầu nguyện "với sự bền đỗ trọn vẹn" có nghĩa là cứ giữ sự cầu nguyện cho tới khi chúng ta có câu trả lời hay cho tới chừng chúng ta cảm thấy Đức Thánh Linh thốt ra.
VI. Chiến trận thuộc linh đòi hỏi sự cầu thay (câu 18-20).
A. Chúng ta cần phải cầu thay cho tất cả tín đồ (câu 18e).
1. Phao-lô nói chúng ta cần phải cầu nguyện "cho hết thảy các thánh đồ". Bài Cầu nguyện mẫu không bắt đầu "Lạy Cha của tôi" mà là "Lạy Cha chúng tôi". Giống như Kinh thánh kêu gọi chúng ta phải cầu nguyện nhiều về các nhu cần thuộc linh hơn là các nhu cần thuộc thể, Kinh thánh kêu gọi chúng ta phải cầu thay cho nhiều người khác hơn là cho chính mình.
2. Trong nhiều lời cầu nguyện của Phao-lô đã được ghi lại trong Tân Ước, ông hiếm khi nhắc tới bản thân ông hay các nhu cần của ông. Ông rất thường cầu thay cho nhiều người khác. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy trong câu kế tiếp, ông đã chẳng phiền yêu cầu nhiều người khác cầu thay cho ông.
3. Một tín đồ mạnh khoẻ về mặt thuộc linh luôn trước tiên nhắm tới lợi ích của nhiều người khác. Ưu tiên một của ông trong sự cầu nguyện là sự sống thuộc linh mạnh khoẻ của anh chị em trong Chúa. Mặt khác, một tín đồ chưa trưởng thành, chưa đủ mạnh cầu nguyện chủ yếu là về các nhu cần của mình.
4. Samuên nói với dân Israel: "Còn ta đây, cũng chẳng phạm tội cùng Đức Giê-hô-va mà thôi cầu nguyện cho các ngươi" (I Samuên 12.23).
5. Trong Rôma 15.30 Phao-lô nói: "Vậy, hỡi anh em, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, và nhờ sự yêu thương sanh bởi Đức Thánh Linh, tôi khuyên anh em phải cùng tôi chiến đấu trong những lời cầu nguyện mà anh em vì tôi trình cùng Đức Chúa Trời".
B. Chúng ta cần phải cầu thay cho quí Mục sư và các cấp lãnh đạo (câu 19a).
1. Ở đây Phao-lô nói "cũng hãy vì tôi", "xin đặc biệt cầu thay cho tôi".
2. Ông yêu cầu họ cầu nguyện để khi ông "mở miệng ra" – khả năng nói y như Đức Chúa Trời nhờ ông nói vậy. Nếu Phao-lô còn cần những lời cầu nguyện của dân sự, quí Mục sư và các cấp lãnh đạo của Hội thánh ngày nay còn cần nhiều hơn là dường nào.
3. Quí Mục sư đặc biệt cần những lời cầu nguyện của quí vị. Tôi muốn nhơn cơ hội nầy yêu cầu quí vị cầu nguyện đặc biệt mỗi ngày cho tôi. Cũng hãy cầu nguyện cho ban trị sự, các cấp lãnh đạo, những vị giáo viên cùng những giáo sĩ của chúng ta.
Tôi đã đọc một câu chuyện có thực tuần nầy về một vị Mục sư mới đây đã đi du lịch bằng máy bay. Ông để ý thấy người ngồi hai ghế đang lần mở từng tấm thẻ nhỏ và đôi môi ông ta mấp máy. Người ấy trông rất sành sõi với hàm râu dê và mái tóc màu nâu xám. Tưởng chừng như ông ta là một tín hữu, vị Mục sư nghiêng người qua nói: "Tôi thấy hình như ông đang học thuộc câu gì đó", ông ta đáp: "Không, tôi đang cầu nguyện". Vị Mục sư tự giới thiệu: "Tôi cũng tin sự cầu nguyện nữa". Người kia nói với hàm râu dê: "Ồ phải đấy, tôi có một sự phân công rất đặc biệt". Mục sư hỏi: "Việc gì thế?" "Tôi đang cầu thay cho sự suy sụp của các vị Mục sư Cơ đốc". Mục sư nói: "Chắc chắn tôi có ở trong mấy cái thẻ kia, có tên tôi trong danh sách đó không?" Người kia đáp: "Không có trong danh sách của tôi" (Common Ground, Vol. 10 No. 7).
C. Chúng ta cần phải cầu thay để có sự dạn dĩ (các câu 19b-20).
1. Phao-lô đã yêu cầu Hội thánh cầu xin điều chi vậy? Ông không yêu cầu họ cầu xin sự chữa lành, yên ủi hay ủng hộ về tài chính, ông yêu cầu họ cầu nguyện "để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ mầu nhiệm của đạo Tin Lành".
2. Niềm hy vọng của ông, ấy là những lời cầu nguyện của họ sẽ giúp cho ông được dạn dĩ khi Satan thử thách ông phải im lặng về Chúa Jêsus. Ông cần những sự tiếp trợ trong trận đánh riêng tư của ông chống lại Satan.
3. Khi viên sĩ quan cảnh sát thực hiện một cú gọi trong khu vực đang bị đe doa, ông cần có sự yễm trợ. Đấy là điều mà sự cầu nguyện cho nhau đang làm. Chúng ta cần có sự yễm trợ để được sự dạn dĩ.
4. Một trong những lời cầu nguyện ưu tiên của Hội thánh đầu tiên là xin cho được sự dạn dĩ. Công vụ các Sứ đồ 4.29,31 chép: "Nầy, xin Chúa xem xét sự họ ngăm dọa, và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ … Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ".
5. Lời cầu nguyện đầu tiên xin cho Hội thánh của chúng ta và cho chúng tôi như những cá nhân phải là chúng tôi sẽ được nói năng "cách dạn dĩ" giống như Chúa vậy. II Cô-rinh-tô 3.12 chép: "Vậy, chúng ta có sự trông cậy dường ấy, nên được rất tự do".
6. Giảng dạy và làm chứng không phải là đánh trận. Đánh trận là sự cầu nguyện. Giảng dạy và làm chứng đang tuyển lựa các chiến lợi phẩm đã đoạt được trong trận đánh ở ngoài mặt của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời.
Loài nai hấp dẫn tôi. Mỗi năm những con nai to lớn đấu với con đực đồng thời với chúng để dành quyền sinh con. Thường thì con nai với cặp gạc lớn thắng trận. Những con nai cái nhận được gì từ những con nai đực to lớn kia? Tính di truyền, chắc chắn là thế. Những nhà nghiên cứu đời sống hoang dã cho chúng ta biết, mặc dù chủ yếu chúng đến chỉ để ăn thứ thức ăn ngon nhất. Cũng vậy trong chiến trường thuộc linh. Khi chúng ta trưởng dưỡng bằng Lời của Đức Chúa Trời và cầu nguyện, chúng ta đã sẵn sàng cho trận đánh khi nó đến.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét