Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 3.23-29: Con đường đến với đức tin



Tự do thực – Galati
Con đường đến với đức tin
Galati 3.23-29
Có nhiều con đường chồng chéo trên cảnh quan cuộc sống của chúng ta. Chúng cung ứng đường lối cho công việc làm ăn, khoái lạc và con đường quay trở về nhà. Con đường tôi thích nhất là con đường cách nhà chừng vài dặm sau một chuyến đi thật dài.
Người La mã đã đúc câu phương ngôn: "Mọi con đường đều dẫn đến La mã" trên đồng tiền của họ. Trong thời buổi đế quốc của họ, đây là một câu nói thực sự tuyệt đối. Quí vị có biết toàn bộ chiều dài của những siêu xa lộ nối liền các bang của nước Mỹ là 44.328 dặm không? Hãy so sánh với 49.000 dặm đường mà Đế Quốc La Mã đã xây dựng xem!
Kinh Thánh được ghi ra trong đó với nhiều con đường lắm. Có con đường trong đồng vắng từ đó Đức Chúa Trời đã dẫn dân Israel vào Đất Hứa. Có con đường dẫn từ thành Giê-ri-cô xuống mà các môn đồ đã bước đi trên đó. Có con đường dẫn tới thành Đa-mách, ở đó Saulơ đã gặp Chúa. Tất nhiên, có via dolarosa là "con đường thương khó" từ đó Chúa Jêsus đã đi bộ vác thập tự giá mình.
Phải, chúng ta đã bước đi trên nhiều con đường trong đời sống của mình, con đường học vấn, con đường sự nghiệp, con đường hôn nhân, con đường làm cha mẹ và con đường nghỉ hưu cho một vài người. Tuy nhiên, con đường quan trọng nhất mà bất cứ ai trong chúng ta đã từng bước đi trên đó là CON ĐƯỜNG ĐỨC TIN, vì đó là con đường đức tin dẫn chúng ta về quê hương trong cõi đời đời.
Con đường đức tin bắt đầu với Cựu Ước rồi dẫn chúng ta qua Tân Ước. Nó dẫn chúng ta qua luật pháp đến với lời hứa của đức tin. Một số người trong chúng ta vẫn cứ sống theo Cựu Ước, ở dưới luật pháp của Đức Chúa Trời. Họ cảm thấy bị xét đoán và bị gò bó. Nhiều người khác gắng sức bỏ qua Cựu Ước rồi đến với Đấng Christ. Trong phân đoạn Kinh Thánh, chúng ta thấy cả hai chặng của Con Đường Đức Tin. Chúng ta thấy chúng ta là ai đương ở dưới luật pháp và chúng ta là ai giờ đây đương ở trong Đấng Christ.
I. Chúng ta là ai đương ở dưới luật pháp (các câu 23-24).
A. Chúng ta là hạng tù nhân (câu 23).
Sứ đồ Phaolô cho chúng ta biết rằng "trước khi đức tin chưa đến", trước khi chúng ta được cứu bởi tin theo Chúa Jêsus, "chúng ta bị nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp". Điều nầy rất giống với những gì chúng ta đã nhìn thấy trong tuần qua ở câu 22: "Kinh Thánh nhốt hết thảy mọi sự dưới tội lỗi".
"Nhốt dưới sự canh giữ" có nghĩa là "được bảo hộ bởi lính canh". Chữ "canh giữ" thứ hai trong câu nầy có nghĩa là bị giam hãm, bị vây bọc bốn bên giống như một con cá ở trong lưới vậy. Vì lẽ đó mục đích luật pháp Cựu Ước của Đức Chúa Trời là nhốt tù chúng ta.
Tuần lễ qua khi chúng ta xem xét chữ "nhốt" trong câu 22, tôi đã bắt lấy một thanh niên trẻ tuổi bằng một bộ còng tay. Anh ta đã cố và gắng hết sức bằng sức riêng mình hầu được tự do nhưng không sao thoát ra được. Khi tôi hỏi anh ta có muốn tôi sử dụng chìa khoá để thả anh ta ra hay không, anh ta sốt sắng đáp: “Thưa muốn ạ!”
Hãy tưởng tượng mình đang bị "nhốt dưới sự canh giữ" và bị "nhốt" xem. Hãy hình dung mình đang bị tù xem. Hãy tưởng tượng đang sống hết năm nầy sang năm khác cuộc đời của quí vị trong một xà lim nhỏ bị khoá trái xem. Nếu tôi phải sống giống như thế thì mọi tư tưởng của tôi phải trở thành nỗi khát khao muốn được tự do. Mỗi tối tôi mơ tới những gì tôi sẽ làm một khi tôi thực được tự do.
Một vị Mục sư thuật lại câu chuyện nầy: "Ăn trưa ở một quán cà phê nhỏ, tôi nhìn thấy một con chim sẻ đang nhảy từng bước ngang qua cánh cửa rồi mổ từng miếng bánh vụn ở gần bàn tôi. Khi những mẫu bánh vụn hết rồi, con chim sẻ nhảy qua rìa cửa sổ, giang rộng đôi cánh, và bay đi. Một cú bay ngắn thôi. Nó chạm mạnh vào ô kính cánh cửa sổ rồi ngã xuống sàn nhà. Con chim mau chóng hồi phục rồi thử bay trở lại. Chạm nữa. Và làm lại. Chạm nữa. Tôi đứng dậy và cố gắng suỵt cho con chim bay ra cánh cửa cái, thế nhưng khi tôi càng chịu khó để đuổi nó đi, thì nó cứ ném mình vào rìa khung cửa sổ. Tôi dùng tay khều nó. Rồi đẩy nó từ từ theo bờ rìa cửa, nó va liên hồi vào khung kính. Sau cùng, tôi bước tới và nhẹ nhàng bắt lấy con chim, luồn mấy ngón tay quanh đôi cánh và thân của nó. Nó chẳng nặng bao nhiêu cả. Tôi nghĩ con chim ấy vô quyền và nó cảm biết mình yếu đuối là dường nào. Ra tới cửa cái, tôi thả nó ra, và con chim giang cánh bay đi. Giống như tôi đã làm với con chim sẻ, Đức Chúa Trời bắt lấy chúng ta từ chỗ phu tù để buông tha chúng ta mà thôi".
"Trước khi đức tin chưa đến", trước khi tôi được cứu bởi ân điển nhờ đức tin, tôi đã vật vã dưới luật pháp của Đức Chúa Trời. Tôi đã cố gắng để trở thành một người nhơn đức. Tôi đi nhà thờ mỗi Chúa nhựt. Tôi cố gắng cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Bất luận tôi khó nhọc dường nào, tôi không thể sống nhơn đức được. Tôi không thể cầu nguyện hay hiểu được Kinh Thánh. Tôi thất bại không làm được các việc lành mà tôi muốn làm và luôn luôn làm những việc xấu xa! Tôi khao khát muốn được tự do. Sau cùng tôi nhận biết tôi không thể lường được các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời theo sức riêng mình. Tôi không thể đạt được một mối quan hệ phải lẽ với Đức Chúa Trời, tôi chỉ phải tin thôi để được hoà thuận lại với Ngài.
Tôi là một tù nhân có lòng khao khát muốn được tự do. Nguyện quí vị có thể cảm nhận giống như một tù nhân hôm nay. Nguyện quí vị nhìn biết rằng quí vị càng cố gắng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời thì quí vị sẽ càng thất bại thêm. Quí vị không thích phương thức quí vị đang sinh sống đây. Quí vị không thích hạng người mà quí vị phải trở thành. Đức Chúa Trời vốn hiểu rõ điều đó. Luật pháp của Ngài đã biến quí vị thành một tù nhân và Ngài đã đặt sự khát khao muốn được tự do đó ở trong tấm lòng của quí vị, đó là sự tự do thật. Có những tin tức tốt lành đây. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 8.36: "Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do".
Hãy chú ý dòng thời gian ở đây. Ấy là "trước khi đức tin chưa đến" thì chúng ta là hạng tù nhân. Nhưng chúng ta bị: "nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp mà chờ đức tin phải bày ra". Nếu quí vị đã được cứu, đức tin đã được tỏ ra cho quí vị rồi!
B. Chúng ta là con cái (các câu 24-25).
Trong câu 24, Phaolô cung ứng cho chúng ta một hình ảnh thứ nhì. Ông nói rằng luật pháp cũng là "thầy giáo" hay "người canh giữ" của chúng ta. Bản Kinh Thánh KJV dùng chữ "schoolmaster" (thầy giáo) không đúng ý cho lắm. Từ Hy lạp ở đây có ý nói tới "một người canh giữ bọn trẻ".
Trong xã hội Hy lạp của người thành Galati, hầu hết các trẻ thiếu niên không bị bố mẹ chúng kỷ luật mà bị các thầy giáo hay người có bổn phận canh giữ chúng. Người nầy thường là một nô lệ có ăn học đàng hoàng. Người nầy là một người biết chấp hành kỷ luật. Người nầy là một người giám thị đi đến trường với đứa trẻ và canh chừng cách cư xử của nó. Khi đứa trẻ không vâng lời, “thầy giáo” sẽ đánh đòn nó, thường là nghiêm khắc lắm. Những đứa trẻ niên thiếu thường xem khinh thầy giáo của chúng, nhưng có một số biết yêu thương họ.
Phaolô sử dụng phép loại suy nầy với những người Côrinhtô chưa trưởng thành ở I Côrinhtô 4.15: "Bởi chưng, dẫu anh em có một vạn thầy giáo trong Đấng Christ, nhưng chẳng có nhiều cha". Nói cách khác: "Anh em có nhiều người kỷ luật anh em, còn tôi muốn có một người cha yêu thương anh em". Về sau trong câu 21, ông hỏi: "Anh em muốn điều gì hơn: muốn tôi cầm roi mà đến cùng anh em, hay là lấy tình yêu thương và ý nhu mì?"
Nếu trong các câu 22-23, luật pháp được tiêu biểu bằng một bộ còng tay đang trói buộc chúng ta, luật pháp được tiêu biểu trong câu 24 là một cây roi đánh chúng ta khi chúng ta sống bất tuân.
Trong phương thức nào thì luật pháp giống như một quan cai ngục hay một thầy giáo trông chừng đứa trẻ? Luật pháp tỏ ra ý chỉ của Đức Chúa Trời. Nó cho chúng ta biết điều chi phải làm theo và điều chi không nên làm. Luật pháp cảnh cáo chúng ta về những hình phạt của sự bất tuân. Nó chỉ ra rõ ràng rằng hết thảy chúng ta đều đã bất tuân. Luật pháp đã khiến cho hết thảy chúng ta đều "ở dưới luật pháp" (câu 22). Hết thảy chúng ta đều bị "nhốt dưới sự canh giữ của luật pháp" (câu 23). Bởi bổn tánh và lối sống của chúng ta, hết thảy chúng ta đều ở "dưới sự rủa sả" (câu 10) vì chúng ta không thể tuân giữ luật pháp. Chúng ta không thể thoát ra khỏi sự rủa sả ấy. Nó trói buộc chúng ta và đánh đập chúng ta.
Tại sao chứ? Câu 24 cho thấy câu trả lời là: "dẫn chúng ta đến với Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình". Tôi đã nhìn thấy có nhiều người đang vật vã với Đức Chúa Trời. Họ cố gắng làm đẹp lòng Ngài. Họ đang cố gắng sống nhơn đức. Tuy nhiên, họ luôn luôn thất bại. Sau một thời gian, có người chịu thua và làm bất cứ điều chi họ muốn. Họ nhìn biết họ không thể đạt được tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, thật là khó đạt tới các tiêu chuẩn ấy vì vậy họ đã thôi không cố gắng nữa. Sau cùng, khi họ hiểu rõ sự thực Chúa Jêsus đã chịu chết vì mọi tội lỗi của họ, rằng Đức Chúa Trời muốn tha thứ cho họ và thanh tẩy họ, rằng họ không phải làm chi hết chỉ tin mà thôi, "các tin tức tốt lành" dường như quá tốt không thể là thành thực cho được!
Có thể đó chính là quí vị. Quí vị đã gắng sức làm đẹp lòng Đức Chúa Trời nhưng quí vị đã thất bại. Quí vị đã cố gắng sống tôn giáo nhưng trong tấm lòng của quí vị, quí vị biết rõ mình là kẻ giả hình, một kẻ lừa đảo. Lời của Đức Chúa Trời cho quí vị hôm nay là thôi không gắng sức nữa mà hãy tin cậy. Galati 2.16 chép rằng chúng ta biết rõ "rằng người ta được xưng công bình [làm hoà lại với Đức Chúa Trời], chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu, bèn là cậy đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ".
Tôi thích cách Catherine Booth giải thích vấn đề nầy: "Những gì luật pháp tìm cách làm bởi một lực kềm chế từ bên ngoài, tin lành thực thi bởi một lực cảm thúc từ bên trong".
II. Chúng ta là ai giờ đây trong Đấng Christ (các câu 25-29).
Chúng ta là ai khi ấy rất khác biệt với chúng ta là ai trong lúc bây giờ. Chúng ta là hạng tù nhân trong gông cùm của luật pháp. Chúng ta là con cái ở dưới phần kỷ luật nghiêm ngặt của “thầy giáo” luật pháp. Giờ đây mọi sự đà thay đổi.
Hãy khoanh tròn một chữ quan trọng ở phần đầu của câu 25, hãy khoanh tròn chữ "song". Có bản dịch ghi "Nhưng bây giờ". "Sau khi đức tin đã đến…". Phaolô nói. Bây giờ chúng ta đã được cứu bởi đức tin, sau khi chúng ta được sanh lại, "…chúng ta không còn phục dưới thầy giáo ấy nữa". Chúng ta không còn "ở dưới luật pháp" nhưng chúng ta đang "ở trong Đấng Christ".
Bốn câu sau cùng nầy của chương ba thật là phong phú! Chúng đầy dẫy với Đức Chúa Jêsus Christ và tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta hãy chú ý ba lẽ thật nói về tất cả các tín đồ trong mấy câu nầy.
A. Trong Đấng Christ chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời (các câu 26-27).
Phaolô nói với người thành Galati và với chúng ta: "Vì chưng anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời". Đức Chúa Trời không còn là quan án của chúng ta nữa; Ngài là Cha của chúng ta. Chúng ta không còn là hạng tù nhân đang chờ đợi sự phán quyết sau cùng bản án của chúng ta, cũng không phải là con cái ở dưới án phạt nghiêm khắc của một người chuyên canh chừng nữa. Chúng ta là con trai con gái đang lớn lên của Đức Chúa Trời, là kẻ kế tự ân điển Ngài với hết thảy các đặc ân của hoàng gia.
"Hết thảy" có ý nói tới từng người tín đồ bất kể chủng tộc, phái tính, tuổi tác hay giai cấp. Chúng ta trở thành con trai con gái của Đức Chúa Trời, không phải qua những thành tựu của chúng ta, mà bất chấp chúng. Chúng ta được sanh vào, được làm con nuôi trong gia đình của Đức Chúa Trời chỉ "bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ" mà thôi. Chính mình Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 14.6: "Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống. Không ai được đến cùng Cha mà chẳng bởi ta".
Tuần qua chúng tôi phát hiện một trong những yếu tố có cần trong nhà chúng tôi là lò điện. Tôi đi ra cửa hàng bán thiết bị gia dụng và mua một cái lò mới. Vì tôi không muốn bị sốc, tôi bước tới chỗ có bảng công tắc rồi tắt điện đi. Khi nhà chúng tôi vừa xây xong, người thợ điện không dành thì giờ đánh dấu các mạch nối. Cách duy nhứt tôi có thể biết chắc nguồn điện đã tắt cho bếp điện của chúng tôi là mọi núm vặn đều chỉ vào chữ “off”. Quí vị biết rõ điều chi đã xảy ra, mỗi ổ khoá và thiết bị ở trong nhà đều bị đóng lại hết. Sau đó, tôi đổ một ít cà phê với nước vào bình pha cà phê rồi vặn nút “on” lên. Mười lăm phút sau không còn có chút cà phê nào nữa. Tôi nhận ra mình đã không vặn một trong những núm xay cà phê lên. Chỉ khi có nguồn điện chạy vào máy xay cà phê thì nó mới hoạt động. Không có điện thì cái máy nằm ụ đó vô dụng mà thôi. Cũng một thể ấy, người nào không kết nối với Con Đức Chúa Trời thì không nối kết với Đức Chúa Cha. Chẳng có năng lực thuộc linh nào trong đời sống của người ấy. Đức Chúa Trời không có con trai con gái nào chưa đồng hoá "bởi đức tin" nơi Con của Ngài là "Đức Chúa Jêsus Christ".
Phaolô nói trong câu 27: "Vả, anh em thảy đều chịu phép báp tem trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy". Trước tiên, chúng ta hãy học biết những điều mà câu nầy không nói tới. Câu nầy không có ý nói rằng một người phải chịu phép báptêm bằng nước thì mới được cứu.
John MacArthur viết: "Mặc dù phép báptêm bằng nước là một hành động bề ngoài xưng nhận công khai đức tin của mình nơi Đức Chúa Jêsus Christ, ở đây Phaolô không nói tới phép báptêm đó. Không một chỗ nào Kinh Thánh dạy chịu phép báptêm như thế thì mới được cứu đâu, đặc biệt không phải nơi người thành Galati, ở đây trọng tâm sứ điệp là được cứu bởi chỉ duy đức tin mà thôi, hơn bao nhiêu điều khác”.
Cụm từ "phép báptêm" có nghĩa là "dìm xuống hay nhúng xuống nước". Khi chúng ta được cứu, chúng ta bị nhúng hẳn trong Chúa Jêsus về mặt thuộc linh. Chúng ta bị đặt "trong Đấng Christ". Chúng ta được kết nối đời đời với Ngài.
I Côrinhtô 12.13 chép: "Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-tem chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng tôi đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa" (đối chiếu Rôma 6.3-5). I Côrinhtô 6.17 mang cùng một ý tưởng: "Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài".
MacArthur nói thêm: "Đây là một sự mầu nhiệm lớn lắm, lý trí con người không thể dò được. Nhưng trong một phương thức siêu nhiên thuộc linh nào đó trổi hơn thời gian, không gian, và người nào đang đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chôn, thì được sống lại với Cứu Chúa của người, chịu phép báp têm trong Đấng Christ".
Phép báptêm bằng nước là bước thứ nhứt trong đời sống của một tân tín hữu. Tất cả các tín đồ phải phục theo Chúa trong sự công khai tuyên xưng đức tin của họ nơi Đấng Christ qua phép báptêm của người tin Chúa. Tuy nhiên, phép báptêm bằng nước chỉ là biểu tượng của bản chất phép báptêm thuộc linh thực. Đó là một hình ảnh bên ngoài của những gì đang diễn ra ở bên trong mà thôi.
Không những chúng ta chịu "phép báptêm trong Đấng Christ" mà chúng ta còn "mặc lấy Đấng Christ" nữa. Khi một thiếu niên La mã được 14-17 tuổi, nó "đã đủ tuổi". Khi nó lớn đủ để rời khỏi phần kỷ luật của “thầy giáo”, nó phải trải qua một nghi thức gọi là toga virilis. Nó trở thành một công dân La mã trọn vẹn với mọi quyền hạn và các đặc ân của công dân đó. Người ta trao cho nó một chiếc áo choàng rộng làm biểu tượng cho sự thành nhơn của nó.
Khi chúng ta được cứu, chúng ta đã trải qua một "toga virilis thuộc linh". Chúng ta bỏ lại đàng sau luật pháp của Cựu Ước, những gông xiềng tội lỗi và người canh giữ nghiệt ngã của mình. Chúng ta trở thành những công dân thiên thượng và mặc lấy chiếc áo xống mới công bình của Đấng Christ. Chúng ta đã "mặc lấy Đấng Christ". Chúng ta đã khoác lấy Ngài rồi.
Côlôse 3.9-10 chép: "…Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó, mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn".
B. Trong Đấng Christ chúng ta thảy đều làm một (câu 28).
Đây là lẽ thật thứ hai về tất cả các tín đồ. Ở phần cuối câu 28, Phaolô nói: "vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một". Đúng ra câu nầy đọc như sau: "Anh em hết thảy là một người ở trong Đức Chúa Jêsus Christ". Chúng ta không những thuộc về Đức Chúa Trời là các con trai con gái mà còn thuộc về nhau như anh chị em nữa.
Chúng ta thảy đều làm một trong Đấng Christ. Đây là lẽ đạo thường trực xuyên suốt cả Tân Ước. Đây là sự dạy chủ lực trong sách Êphêsô. Êphêsô 4.4-6 chép: "Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp tem; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người". I Côrinhtô 12.12 chép: "Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy".
Thứ nhứt, Phaolô cho chúng ta biết CHẲNG CÓ SỰ PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC NÀO HẾT. Ông nói: "Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc…". Đức Chúa Trời đã chọn Ápraham và dòng dõi của ông người Do thái làm tuyển dân của Ngài. Tuy nhiên, trong Đấng Christ Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài với Ápraham rằng "các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước" (câu 8). Phước nầy bao gồm cả "các dân", người ta trong từng chủng tộc, màu da và ngôn ngữ. Đức Chúa Trời có con trai con gái bởi đức tin nơi Đấng Christ trong từng nhóm dân tộc trên thế gian.
Một trong những bối cảnh cảm động nhất đối với tôi trong cả Kinh Thánh là hình ảnh thờ phượng quanh ngôi của Đức Chúa Trời trong sách Khải huyền: "Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi-phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là, cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con". (Khải huyền 7.9-10). "Chúng hát một bài ca mới rằng: Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Ngài đã chịu giết lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước, và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị vì trên mặt đất" (Khải huyền 5.9-10).
Những người chủ trương ưu thế của người da trắng và nhiều người khác nữa, họ tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương hay sẽ cứu vớt các giống người nhất định nào đó, họ chưa hề nghiên cứu kỹ Kinh Thánh.
Thứ hai, Phaolô cho chúng ta biết CHẲNG CÓ PHÂN BIỆT GIAI CẤP. "Không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ". Hãy tưởng tượng đang sống trong một xã hội nô lệ xem. Một trong số các ông chủ và một trong số các nô lệ, cả hai đều là Cơ đốc nhân và cả hai đều nhóm chung trong một hội chúng. Khi đến với Đấng Christ, họ đều bình đẳng với nhau. Trong từng hoàn cảnh xã hội của con người khi sanh ra, giàu có, đặc ân và học vấn đã phân biệt con người. Thật không phải như vậy ở trong Đấng Christ. Có người đã nói: "Mặt đất bằng phẳng ở tại chân thập tự giá".
Hội thánh, mọi người đều được hoan nghênh ở tại đây. Có những Hội thánh chỉ phục vụ cho giới giàu có hay tinh hoa của xã hội. Giacơ 2.1-9 nói tới việc đem lại sự bất công cho một người anh em nghèo hèn. Ông hỏi trong câu 5: "Hỡi anh em rất yêu dấu, hãy nghe nầy: Đức Chúa Trời há chẳng lựa kẻ nghèo theo đời nầy đặng làm cho trở nên giàu trong đức tin, và kế tự nước Ngài đã hứa cho kẻ kính mến Ngài hay sao?" Ông nói thêm trong câu 9: "Nhưng nếu anh em tây vị người ta, thì phạm tội, luật pháp bèn định tội anh em như kẻ phạm phép".
Thứ ba, Phaolô cho chúng ta biết CHẲNG CÓ PHÂN BIỆT PHÁI TÍNH. Ông nói: "Không còn đàn ông hoặc đàn bà". Quan niệm bình đẳng về phái tính không bắt đầu trong thế kỷ 20. Quyền hạn của phụ nữ không phải đã được đấu tranh trước tiên bởi những người theo chủ nghĩa tự do mà là bởi Đức Chúa Trời.
Trong các thời kỳ Kinh Thánh, phụ nữ thường bị coi là nhỏ mọn hơn cả của cải. Họ thường bị lợi dụng và ngược đãi bởi những người làm chồng của họ. Cơ đốc giáo nâng cao phụ nữ không những tới một cấp độ mới của sự tôn trọng, mà còn nâng cao tới chỗ bình đẳng với nam giới trong thân của Đấng Christ. Nữ giới và nam giới chia sẻ cùng những quyền hạn, cùng quyền lui tới và cùng mối tương giao giữa vòng dân sự của Đức Chúa Trời. Phierơ nhắc cho chúng ta, những ngươi đờn ông phải nhớ: "Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; VÌ HỌ SẼ CÙNG ANH EM HƯỞNG PHƯỚC SỰ SỐNG…" (I Phierơ 3.7).
Chúng ta cần một lời cảnh tỉnh ở đây. Nói như vầy không có nghĩa là những phân biệt về chủng tộc, xã hội và phái tính đã bị xoá sạch đâu nhé. Cơ đốc nhân không phải "mù quáng về màu da" đâu. Họ vốn ý thức về lai lịch xã hội và văn hoá của một người. Họ không đối xử với nam giới giống như nữ giới và nữ giới như nam giới đâu. Thực ra, Đức Chúa Trời đã đặt nam và nữ giới trong các vai trò rất phân biệt ở cả gia đình và trong Hội thánh. John Stott nói: "Khi chúng ta nói Đấng Christ đã hủy hết các sự phân biệt nầy, chúng ta không có ý nói rằng chúng không còn tồn tại, mà có ý nói rằng chúng không thành vấn đề. Chúng vẫn còn ở đó, nhưng chúng không tạo ra bất kỳ một hàng rào ngăn trở nào đối với mối tương giao nữa".
G.K. Chesterson nói: "Trong Cơ đốc giáo thảy đều bình đẳng, giống như hết thảy các đồng xu đều bằng nhau, vì giá trị duy nhứt nơi bất kỳ ai trong số họ ấy là họ đang mang lấy ảnh tượng của nhà Vua". Chúng ta thực sự "thảy đều làm một trong Đức Chúa Jêsus Christ".
C. Trong Đấng Christ chúng ta là dòng dõi của Ápraham (câu 29).
Cuối cùng Phaolô nói: "Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ…" nếu quí vị được sanh lại bởi đức tin trong Chúa Jêsus, thì "anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa".
Bởi đức tin trong Đấng Christ chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời. Bởi đức tin trong Đấng Christ chúng ta cũng kế tự lời hứa ban cho Ápraham. Chúng ta có được chỗ của mình trong một hàng dài những người nam người nữ có đức tin. Chúng ta đứng chung hàng với các vị anh hùng đức tin trong Hêbơrơ 11. Giống như Abên, Hê-nóc, Nôê, Ápraham, Sara, Ysác, Gia-cốp, Giô-sép, Môise, Raháp, Ghi-đê-ôn, Barác, Samsôn, Giép-thê, David, Samuên và hết thảy các đấng tiên tri. Chúng ta đứng biệt riêng ra với người thế gian, là những người bởi đức tin là “kẻ kế tự” của Đức Chúa Trời.
Có một nhận định rất vô nghĩa trong thế hệ ngày nay. Ngày nay có nhiều người tin cuộc sống chẳng có ý nghĩa gì cả, rằng chúng ta là một đống ngẫu nhiên gồm các tế bào và mô. Với thứ triết lý đó, nhiều người ngày nay cảm thấy họ không thuộc về chỗ nào hết. Họ chẳng thuộc về ai cả. Họ đang bị hư mất.
Các tin tức tốt lành của Tin Lành, ấy là trong Đấng Christ chúng ta tìm được chính mình. Kẻ chẳng thuộc về ai hết đã trở thành kẻ thuộc về. Chúng ta tìm được chỗ của mình trong CÕI ĐỜI ĐỜI là con trai con gái của Đức Chúa Trời. Chúng ta tìm được chỗ của mình trong XÃ HỘI là anh chị em trong gia đình của Đức Chúa Trời. Chúng ta tìm được chỗ của mình trong LỊCH SỬ là chi thể của dân sự Đức Chúa Trời liên tục tải xuống qua các thời đại.
Chúng ta có sự gắn bó 3 chiều kích trong Đấng Christ – chiều cao, chiều rộng và chiều dài. Chúng ta gắn bó trong CHIỀU CAO qua Đấng Christ bởi việc bước vào sự ràng buộc đời đời với Đức Chúa Trời Toàn Năng. Chúng ta gắn bó trong CHIỀU RỘNG nhờ Đấng Christ bởi việc kết hiệp làm một với hết thảy các tín hữu trong thân của Đấng Christ. Chúng ta được gắn bó ở CHIỀU CAO là một phần trong hàng dài các tín đồ qua dòng thời gian.
Khi có người hỏi: "Quí vị là ai?" Quí vị có thể trả lời thật chính xác như sau: "Tôi ở trong Đấng Christ. Tôi là con cái của Đức Chúa Trời Toàn Năng, là kẻ kế tự mọi lời hứa của Ngài. Tôi hiệp một với dân được chuộc của Đức Chúa Trời trong mọi thời đại, quá khứ, hiện tại và tương lai".
Trong Đấng Christ chúng ta tìm thấy chính mình. Trong Đấng Christ chúng ta có một lai lịch đời đời. Trong Đấng Christ chúng ta tìm được con đường của đức tin, con đường ấy dẫn chúng ta về đến quê hương thật hoàn toàn.
Có nhiều con đường chạy qua cuộc sống. Con đường quan trọng nhất mà bất kỳ ai cũng có thể đi được là con đường đức tin. Nhà truyền đạo lỗi lạc Charles Spurgeon từng nói: "Nếu quí vị không dám chắc về con đường nào trong hai con đường phải chọn, hãy chọn con đường nào có bóng thập tự giá ngã dài trên đó ".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét