Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 5.26 - 6.5: Mang gánh nặng



Tự do thực – Galati
Mang gánh nặng
Galati 5.26 - 6.5
Hai chương cuối của sách Galati dành cho đề tài bước đi hay được dẫn dắt bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Rôma 8.14 chép: "Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời". Êphêsô 4.30 cho chúng ta biết đừng "… làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc". Chúng ta đã học biết rằng bước đi theo Thánh Linh có nghĩa là làm cho chết “xác thịt” của chúng ta, "những điều ưa muốn" ích kỷ tội lỗi bên trong chúng ta và quyết định bước theo sự dẫn dắt của Chúa bằng cách sống vâng phục đối với Lời của Đức Chúa Trời và tiếng gọi êm dịu của Thánh Linh Đức Chúa Trời.
Bước đi theo Thánh Linh tác động cách đột ngột các mối quan hệ của chúng ta với tha nhân, đặc biệt là các tín hữu đồng lao của chúng ta trong Hội thánh. Chúng ta được kêu gọi để "mang lấy gánh nặng cho nhau" chớ không phải để đạp đổ nhau. Đấy là lý do tại sao tôi nghĩ 5.26 rất thích ứng với mấy câu đầu tiên của chương 6. Mặc dù từng câu nói trong Kinh Thánh đều được cảm thúc bởi Đức Chúa Trời, không thể sai lầm, sự phân chia chương và câu không thể sai sót được, chúng đã được thêm vào về sau nầy. Đôi khi, phần cuối của một chương rất phù hợp với phần mở đầu của chương kế đó.
Trước tiên chúng ta hãy nhìn vào câu 26. Vị sứ đồ nói: "Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau". Nói cách khác, Đức Thánh Linh không hề dẫn dắt quí vị để "tìm kiếm danh vọng giả dối" đâu. Quí vị bước đi theo Ngài sẽ không bao giờ dẫn quí vị vào sự "trêu chọc" hay "ghen ghét" đâu. Ngược lại, sự sống của Thánh Linh ấy là "nhờ tình yêu thương" mà chúng ta sẽ "làm đầy tớ lẫn nhau" (5.13) và với "lòng mềm mại" lo "sửa" bất kỳ một anh em nào đã sa vào trong tội lỗi (6.1).
Từ ngữ "tìm kiếm danh vọng giả dối" ở đây có ý nói tới ai đó có ý tự cao tự đại trong mình. Người ấy đang sống một đời sống kiêu ngạo. Trong các câu nói của Phaolô từ 6.3, người "không ra chi hết, mà cũng tưởng mình ra chi" “ấy là mình dối lấy mình". Quí vị thấy đấy, cách ứng xử của chúng ta đối với người khác được quyết định bởi nghĩ suy của chúng ta về chính bản thân mình. Bất cứ lúc nào các mối quan hệ của chúng ta bị căng thẳng, cái tôi gần như luôn luôn là nguyên nhân gốc. Phaolô nói rằng khi chúng ta sống “tìm kiếm danh vọng giả dối” (và hết thảy chúng ta từ lúc nầy sang lúc khác) rõ ràng là do "trêu chọc" hay "ghen ghét" lẫn nhau.
"Trêu chọc" sát nghĩa có ý nói tới thách thức ai đó bước vào cuộc tranh cãi. Giống như kẻ hay bắt nạt trong sân trường, hắn hay thách thức học sinh khác bước ngang qua một lằn ranh hoặc hích vai, con người "tự cao tự đại" đang tìm cách để đánh nhau. Chắc chắn là hắn luôn luôn có lợi thế, hắn đang tìm cách nào đó để chứng tỏ lợi thế ấy với người khác.
Một người "tự cao tự đại" như thế nhắc cho tôi nhớ tới hai cậu bé đang tranh luận với nhau. Một đứa nói: "ba tao có thể đánh gục ba mầy". "Đứa kia đáp: “Chẳng nhằm nhò gì, mẹ tao có thể đánh gục mẹ mầy”. Điều đó minh chứng cho cái gì chứ? Sự thực là điều đó chẳng minh chứng cho điều gì cả. Chúng ta được kêu gọi phải "lấy lòng yêu thương mà làm đầy tớ lẫn nhau" (5.13).
Trong Hội thánh, chúng ta thấy có người hay nghĩ rằng họ cao siêu về mặt thuộc linh hơn người khác. Họ thắc mắc đủ thứ rồi thách thức bất kỳ ai có ý kiến khác biệt. Họ rất sợ phải thôi không tỏ ra tri thức của họ về Kinh Thánh nữa. Tuy nhiên, Kinh Thánh phán rõ ràng trong I Côrinhtô 8.1: "sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt". Mục tiêu của chúng ta không phải là thôi không tỏ ra chúng ta biết bao nhiêu, mà là chúng ta phải biết gây dựng lẫn nhau trong tình yêu thương của Chúa như thế nào!?!
Nếu "trêu chọc" đến từ nhận thức về sự cao siêu, thì "ghen ghét" phát sinh từ những cảm xúc thấp kém hơn. Nó cũng bắt rễ từ sự kiêu ngạo và tự cao tự đại. Thay vì vui mừng nơi các khả năng và thành tựu của tín hữu khác, chúng ta thường mau mắn đánh hạ họ xuống, gạt bỏ họ đi và chỉ ra những tật xấu của họ. Nếu chúng ta không thể dấy cao lên hơn họ, chúng ta sẽ kéo họ xuống bằng cấp độ của chúng ta.
Cả hai hình thức kiêu căng quay trở lại với lẽ đạo trong sách Galati, sự tự do thắng hơn xu hướng quay về với luật pháp. Một người xu hướng quay về với luật pháp tập trung sức lực của mình rồi nhắm vào mọi nỗi yếu đuối của người khác. Một Cơ đốc nhân có thể sẽ rất là "tự cao tự đại". Hắn rất thích "trêu chọc" các tín hữu khác hoặc xả láng trong chỗ "ghen ghét" họ, nhưng khi hắn làm như vậy, chắc chắn hắn đang lạc bước với Đức Thánh Linh.
Khi chúng ta bước vào chương 6, chúng ta sẽ học hỏi đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh tự thể hiện như thế nào trong các quan hệ với những tín hữu khác, đặc biệt trong việc mang lấy gánh nặng của cuộc sống.
I. Một số gánh nặng chúng ta không thể mang lấy một mình (6.1-2).
Từ ngữ "gánh nặng" in câu 2 có ý nói tới một vật nặng nề, nặng đến nỗi khi mang nó người ta không thể bước đi được. Có một số gánh nặng chúng ta có thể mang vác bằng sức riêng của mình, nhưng phần nhiều gánh nặng đòi hỏi phải có sự vùa giúp của nhiều người khác. Tôi có thể tự mình nhấc chiếc ghế lên, nhưng tôi không thể di chuyển chiếc đàn dương cầm mà không có sự giúp đỡ. Khi vợ tôi, là Deb trở về nhà từ cửa hàng rau quả, cả gia đình đều ra lấy những chiếc túi từ xe hơi. Thậm chí đứa con nhỏ nhất của chúng tôi cũng cầm lấy mấy cái túi xốp nhẹ nhất nữa. Cũng một thể ấy đối với gia đình của Đức Chúa Trời. Rôma 12.15-16 chép: "Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau; đừng ước ao sự cao sang, nhưng phải ưa thích sự khiêm nhượng. Chớ cho mình là khôn ngoan".
Gánh nặng đặc biệt mà Phaolô có trong trí ở đây là có ai đó đã "vượt quá giới hạn", ai đó đã vô ý sa vào tội lỗi. Mục tiêu của chúng ta là không bao giờ xét đoán hay xem thường người ấy, mà phải "sửa" người ấy lại rồi giúp đỡ cho người ấy trở lại với sự bước đi theo Thánh Linh. Chúng ta hãy chú ý 6 phần phải tuân giữ về việc giúp đỡ cho các tín hữu khác với “những gánh nặng” như thế.
A. Chúng ta vùa giúp vì chúng ta là gia đình (câu 1a).
Hãy chú ý Phaolô bắt đầu câu 1 với lời chào thăm: "Hỡi anh em". Chúng ta không những là con trai con gái của Đức Chúa Trời, chúng ta là anh chị em. Phaolô bắt đầu câu thứ nhứt trong chương nầy và câu cuối cùng trong chương nầy nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta là "anh em", anh chị em trong Chúa.
Cain đã hỏi Chúa: "Tôi là người giữ em tôi sao?" (Sáng thế ký 4.9). Chương nầy là câu trả lời của Tân ước và đây là một câu nói vang dội: PHẢI, TÔI LÀ NGƯỜI GIỮ EM TÔI!
Khi một đứa con trong gia đình của ai đó đi lạc hay gặp phải rắc rối, chúng ta có khuynh hướng lắc đầu và cảm thấy áy náy cho họ. Tuy nhiên, khi một trong bầy con của chúng ta phạm sai lầm và đột nhiên cả thế giới của chúng ta bị úp ngược xuống. Tại sao chứ? Vì đó là gia đình của chúng ta! Đó là người mà chúng ta yêu thương, là người đang lâm vào cảnh rối rắm!
Hãy đoán xem điều chi đang diễn ra? Nếu quí vị là tín đồ, quí vị là gia đình của tôi và tôi thuộc về gia đình của quí vị. Hết thảy chúng ta đều là chi thể trong gia đình của Đức Chúa Trời và chúng ta gắn bó với nhau. Đặc biệt đây là sự thực trong Hội thánh địa phương. Chúng ta phải từ chối không gỡ mình ra rồi gánh lấy trách nhiệm của mình vì chúng ta được kết với nhau cho đến đời đời!
B. Chúng ta vùa giúp khi một anh em bị tội lỗi dỗ dành (câu 1b).
Bud Sellick viết: "Ba ngàn bàn chân đang lo sợ trên mặt đất, vận động viên nhảy dù thể thao của Liên xô cũ Yuri Belenko nhận ra mình đang ở trong chỗ rối rắm. Chiếc dù chính của anh đã bị trục trặc, và dù dự trữ của anh "xoắn" quanh dù chính, xem ra cả hai đều vô dụng. Khi đá chân để từ từ tháo gỡ vòng xoắn tự nhiên do táng dù ở bên trên, Belenko đã kêu thét lên với bạn nhảy trên mặt đất. Mấy người bạn nhảy dù của anh ngay lập tức nhảy vào hành động, chụp lấy một tấm đệm, rồi chạy hết tốc độ hướng về điểm rơi. Khi rơi như thế Belenko đã kêu thét lên và giật mạnh những sợi dây trong nổ lực tháo gỡ chỗ vướng của hai chiếc dù. Bên dưới, các bạn của anh trải tấm đệm ra…và chờ đợi. Belenko lao thẳng xuống tấm vải bạt với tốc độ có thể làm nát xương, làm cho tấm bạt rách ra làm hai, tuột khỏi tay của những người cứu hộ, rồi chạm mặt đất. Khi bụi tan hết rồi, Belenko nằm thở và than phiền vì bị trặc mắt cá. Thêm vào cái chân bị thương, anh còn chịu một số chỗ bị bầm tím. Mấy người bạn môn nhảy dù của anh đã có mặt ở đó để giúp cho Belenko đúng thời điểm anh ta cần tới họ nhất".
Cũng một thể ấy, có những tín hữu thường bị "dỗ dành" bởi tội lỗi và họ đang lao mình thẳng vào thất bại và sự tàn nát. Giống như Belenko đã thấy mấy cái dù của mình xoắn lại với nhau, kẻ thù của chúng ta là một chuyên gia trong việc vặn cong mọi ham muốn xác thịt của chúng ta với sự cám dỗ làm cho chúng ta không cất cánh bay cao về mặt thuộc linh được. Đây là lý do tại sao chúng ta cần anh chị em của chúng ta để giữ chúng ta lại trong chiếc lưới ân sũng và ơn tha thứ của Đức Chúa Trời.
"Dỗ dành" ở đây mang ý nghĩa của sự tác động lôi cuốn vào một tội lỗi. Từ ngữ Hy lạp có ý nghĩa của sự bị tội lỗi làm cho kinh ngạc. "Tội lỗi" có nghĩa là sa ngã hay vấp chơn. Hình ảnh cho thấy đây không phải là tội cố ý, mà là một tội kết quả từ chỗ làm cho người ta mất cảnh giác mà sa vào hay rơi vào sự cám dỗ.
Phaolô nói với chúng ta phải "sửa họ lại". Chúng ta cần phải trải rộng màn trướng ân điển của Đức Chúa Trời ra rồi hứng lấy người ấy khi người sa ngã. Thú vị thay, "sửa" ra từ một từ Hy lạp mô tả việc vá víu hay tu bổ lại. Cũng một chữ nầy đã được sử dụng ở Mác 1.19: "…Ngài thấy Gia-cơ, con Xê-bê-đê, với em là Giăng, đang VÁ lưới trong thuyền". Chữ nầy cũng được dùng để mô tả việc sắp lại một chiếc xương đã bị gãy hoặc giúp làm hoà hoãn một cuộc tranh luận. "Sửa" một thứ gì đó là khiến cho nó quay trở lại với trạng thái ban đầu của nó.
Chẳng có một gánh nào nặng hơn gánh nặng của tội lỗi. Chiếu theo Kinh Thánh, mạng lịnh của vị sứ đồ, ấy là khi chúng ta thấy một người anh em đang chịu khổ dưới gánh nặng tội lỗi, đang vấp ngã vì một "quá phạm" chúng ta cần phải mau mau chạy tới bên người ấy để giúp đỡ cho người. Chúng ta nhìn thấy một người anh em phạm phải một tội lỗi như thế, chúng ta không nên ngồi ì ở đó mà chẳng làm chi hết. Chúng ta đừng nên nói: "Đây chẳng phải là công việc của tôi" hay "Tôi chẳng muốn dính líu vào". Chúng ta không nên xét đoán người anh em đó với một thái độ như muốn nói: "Đáng đời lắm". Mà ngược lại, chúng ta cần phải "sửa" người lại, đưa người về lại đúng con đường và sắp lại chiếc xương đã bị gãy.
II Côrinhtô 2.7 chép chúng ta cần phải "tha thứ yên ủi, hầu cho người khỏi bị sa ngã vì sự buồn rầu quá lớn". II Têsalônica 3.15 chép: "Tuy vậy, chớ coi người đó như kẻ nghịch thù, nhưng hãy răn bảo người như anh em vậy".
Nếu con trai của quí vị té xe đạp bị gãy chân, chắc quí vị sẽ nói: "đáng đời lắm" rồi bỏ nó lại bên lề đường hay quí vị sẽ mau đưa nó vào bịnh viện cấp cứu? Nếu em gái của quí vị đạp xe qua bờ đê rồi bị kẹt ở đó, chắc quí vị sẽ nói: "Em nên lái xe cho ngay thẳng và vào con đường hẹp kia kìa" hay quí vị ngay lập tức sẽ gọi 911? Nếu cha của quí vị trượt té trong nhà tắm và bị trặc xương hông, liệu quí vị sẽ nói: "Con bận lắm, con sẽ đến trông chừng cho ba khi con có thì giờ rãnh?" hay quí vị sẽ bỏ hết mọi sự lại đó rồi mau mau chạy đến nhà của ông ấy? Chúng ta quá bận tâm tới những đau thương về phần xác, nhưng hướng một con mắt mù và một lỗ tai điếc vào các tác dụng của tội lỗi trong đời sống gia đình thuộc linh của chúng ta, có phải không??
Nhà cải chánh lỗi lạc Martin Luther đưa ra lời khuyên nầy: "Hãy chạy đến với người anh em đó, rồi chìa tay của mình ra, đỡ người ấy dậy, yên ủi người bằng lời lẽ dịu dàng, rồi ôm lấy người bằng đôi vòng tay của một người mẹ".
C. Chúng ta vùa giúp nếu chúng ta có Đức Thánh Linh (câu 1c).
Ai cần phải "sửa" một anh em sa ngã? Phaolô nói: "Anh em là kẻ có Đức Thánh Linh". Ai là "kẻ có Đức Thánh Linh" và làm thế nào chúng ta biết chúng ta có đủ tư cách?
Đức Thánh Linh hiện đang ngự bên trong tất cả các Cơ đốc nhân chơn thật. Tuy nhiên, tín đồ "có Đức Thánh Linh" là người bước đi theo Thánh Linh và được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh. Thực vậy, thường thì hầu hết những Cơ đốc nhân "có Đức Thánh Linh" là những người đã bước đi với Chúa một thời gian lâu dài. Họ đã đạt được một lượng trưởng thành thuộc linh và đang bày tỏ ra "trái của Thánh Linh" trong đời sống của họ. Tuy nhiên, bất kỳ một Cơ đốc nhân nào trẻ hay già đều có thể trở thành một Cơ đốc nhân "có Đức Thánh Linh". Người ấy phải bước đi theo Thánh linh. Thực ra, đôi khi tôi là một Cơ đốc nhân "có Đức Thánh Linh" và đôi lúc tôi không phải như vậy. Tôi đã nhìn thấy những tín đồ "có Đức Thánh Linh" họ mới vừa nhận biết Chúa một vài tháng và một số người đã được cứu trong nhiều thập niên lại là những người không "có Đức Thánh Linh".
Đừng bị cám dỗ khi sử dụng lời cáo lỗi: "Thôi, để tôi ở ngoài lề đi, vì tôi không có Đức Thánh Linh”. Kinh Thánh ban cho quí vị mạng lịnh "hãy bước đi theo Thánh Linh" trong 5.16. Đừng thoả lòng khi là một tín đồ con trẻ. Hãy tấn tới đi! Hãy dự phần vào thân thể của Đấng Christ!
Mục đích là, khi quí vị nhìn thấy một anh chị em sa ngã trong tội lỗi, đừng bước qua lề đường bên kia giống như trong thí dụ người Samari nhơn lành. Hãy giúp đỡ người ấy. Nhưng trước tiên, hãy kiểm tra lại chính tấm lòng của mình. Hãy xưng tội mình. Phải biết chắc quí vị đang "có Đức Thánh Linh", đang song hành với Đức Thánh Linh. Nếu quí vị không thể "sửa" một anh em sa ngã, sở dĩ như thế là vì bản thân quí vị đang cần được sửa lại!
D. Chúng ta vùa giúp với tấm lòng mềm mại (câu 1d).
Khi chúng ta nhìn thấy một anh chị em đang sa ngã trong tội lỗi, chúng ta cần phải bước tới rồi "sửa" người ấy (nam hay nữ), nhưng chúng ta phải “lấy lòng mềm mại” mà làm thế. Phaolô đã nói rồi, "mềm mại" là một "trái Thánh Linh" ở 5.23. Đấy là lý do tại sao chỉ có những tín đồ "có Đức Thánh Linh" mới có thể "sửa" một anh em sa ngã. Một tín đồ "có Đức Thánh Linh" đang thể hiện ra "trái Thánh Linh".
"Mềm mại" có nghĩa là TLC – “tender love and care”, dịu dàng, yêu thương và chăm sóc. Cách đây một thời gian, có một bà cụ đến thăm Hội thánh chúng ta đã té ngã ở chỗ đậu xe sau buổi thờ phượng sáng Chúa nhựt. Một đám đông dân sự của chúng ta đã tập trung lại. Có người đã gọi 911. Một anh em đã trải áo gió của mình ra làm gối kê đầu cho bà cụ. Người khác đến đắp khăn ướt, lạnh lên trán của bà cụ. Vài người khác đã sử dụng thân thể của họ che ánh nắng mặt trời cho bà cụ đó. Trước khi xe cứu thương đến, lương tâm người nầy tỉnh thức. Bà ta DỊU DÀNG phụ giúp và tử tế CHĂM SÓC cho tới khi xe cứu thương đến. Nếu chúng ta lâu nay xử lý với một nan đề về mặt thuộc thể bằng sự "dịu dàng" ấy, chúng ta cần phải DỊU DÀNG hơn nữa khi giúp một tín hữu đang bị sa vào lưới tội lỗi dường bao?
Là Hội thánh, chúng ta cần phải mau mắn bước tới khi có ai đó bị bịnh tật hoặc ngã chết trong gia đình. Chúng ta gửi hoa đến. Chúng ta bảo bọc dân sự bằng thức ăn ngon. Tuy nhiên, chúng ta phải đáp ứng như thế nào với tình trạng bịnh tật của tội lỗi?
E. Chúng ta vùa giúp khi nhận biết rằng chúng ta cũng bị dỗ dành (câu 1e).
"Mềm mại" còn có một nghĩa rộng khác nữa. Nó cũng có ý nói tới KHIÊM NHƯỜNG. "Mềm mại" sanh ra từ một ý thức nhận biết rõ ràng tình trạng yếu đuối và xu hướng nhắm về tội lỗi của chúng ta. Lý do quí vị cần phải đối xử với một anh em sa ngã bằng sự "mềm mại" ấy là "chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng". Tôi phải đối xử với anh em tôi khi họ sa ngã bằng TLC vì tôi biết rõ rằng tôi cũng bị cám dỗ đối với những tội lỗi ấy.
Thường thì người ta nói rằng đạo binh Cơ đốc là đạo binh duy nhứt bắn kẻ bị thương của nó. Chúng ta dễ dàng xét đoán và xét đoán lẫn nhau. Phaolô đã nói trong 5.13: "Nhưng nếu anh em cắn nuốt nhau, thì hãy giữ, kẻo kẻ nầy bị diệt mất bởi kẻ khác". Có người từng nói, chúng ta phải cẩn trọng đừng bao giờ chỉ ngón tay vào người khác vì có hơn ba ngón tay đang chỉ về phía chúng ta.
Có lẽ phần mưu luận hay nhất mà chúng ta nên nắm lấy là từ I Côrinhtô 10.12: "Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã".
Đừng lấy điều nầy làm một lời cáo lỗi để không dấn thân vào. Đừng nói: "Tôi là ai mà dám nói với người khác về tội lỗi của họ, tôi đâu có trọn vẹn đâu". Đây không phải là lời cảnh cáo để rồi không dấn thân vào, mà là một lời khuyên về việc đừng để cho sự kiêu căng ngạo mạn bước vào linh trình.
F. Chúng ta vùa giúp hầu làm tròn luật pháp của Đấng Christ (câu 2).
Ở đây chúng ta thấy nguyên tắc cơ bản của cả phân đoạn: "Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau". Hết thảy chúng ta đều có Đấng Mang Gánh Nặng Vĩ Đại ở bên cạnh chúng ta, là Chúa Jêsus. Hết thảy chúng ta đều nhớ rõ Thi thiên 55.22: "Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công bình bị rúng động". I Phierơ 5.7 dạy cho chúng ta biết phải "trao gánh nặng cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em". Đúng vậy, một trong các phương thức Đức Chúa Trời chăm sóc cho chúng ta là qua sự quan tâm của anh chị em chúng ta trong Đấng Christ. Ngài đặt họ trên linh trình của chúng ta.
"Mang" ở đây có thì hiện tại, có ý nói chúng ta cần phải LIÊN TỤC “mang lấy gánh nặng cho nhau". Chúng ta đừng bao giờ với tới một vị trí trong cách ăn ở thuộc linh của chúng ta mà ở đó chúng ta được miễn trừ trách nhiệm nầy. "Mang" cũng có ý nói vác lấy một thứ gì đó với sự nhịn nhục. Mang lấy gánh nặng của người khác là một phần việc rất khó khăn và chán ngắt. Bất kỳ một vị Mục sư nào cũng có thể bảo quí vị rằng bàn bạc và vùa giúp cho người khác sống qua những khó khăn trong cuộc sống là buồn bã và rất khó chịu. Mục tiêu là, đây không phải CHỈ LÀ CÔNG VIỆC CỦA MỘT MỤC SƯ! Ngược lại, đây là mạng lịnh DÀNH CHO MỖI MỘT TÍN ĐỒ. Quí vị là NGƯỜI GIỮ ANH EM của mình. Quí vị có TRÁCH NHIỆM phải bước tới giúp đỡ cho người ấy, "mang lấy" gánh nặng của người ấy.
Qua câu nầy thường được áp dụng cho bất kỳ một thử thách nào trong cuộc sống, đặc biệt nó có ý nói tới một người đã bị té ngã trong tội lỗi.
Khi chúng ta "mang lấy gánh nặng cho nhau" chúng ta đang "làm tròn luật pháp của Đấng Christ". Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 13.34: "Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy". "Luật pháp của Đấng Christ" là "luật yêu thương", yêu thương đủ để dấn thân vào.
Ngay cả sứ đồ Phaolô cũng đã cần đến một người anh em biết mang gánh nặng nữa kìa. Ở một thời điểm trong chức vụ của ông, ông cảm thấy nặng nề kinh khủng lắm. Tấm lòng của ông đã tan vỡ vì những sự chia rẽ và tội lỗi bên trong Hội thánh Côrinhtô. Ông đã đối diện với những khó khăn rất lớn ở bên ngoài trong chức vụ của mình và lộn xộn ở bên trong. Ông tỏ bày ra điều nầy ở II Côrinhtô 7.5: "Vả, khi chúng tôi đến trong xứ Ma-xê-đoan, xác thịt chẳng được yên nghỉ chút nào. Chúng tôi khốn đốn đủ mọi cách: ngoài thì có sự chiến trận, trong thì có sự lo sợ". Quí vị có cảm thấy giống như thế chưa? Đời sống của quí vị có được mô tả là: "ngoài thì có sự chiến trận, trong thì có sự lo sợ" không? Tuy nhiên, Phaolô không trụ lại ở chỗ nầy. Đức Chúa Trời đã sai phái một người anh em đến đứng bên cạnh ông rồi đỡ ông dậy. Ngay câu kế đó, vị sứ đồ nói: "Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng yên ủi kẻ ngã lòng, đã yên ủi tôi bởi Tít đến nơi" (II Côrinhtô 7.6). Quí vị có nắm bắt được ở chỗ nầy chưa? Khi Tít đến với Phaolô, Đức Chúa Trời đang thực thi sự yên ủi, nhưng Ngài đã thực thi sự yên ủi đó qua Tít. Tít là một ống dẫn phước hạnh của Đức Chúa Trời cho Phaolô. Nếu chúng ta rộng mở, Đức Chúa Trời cũng sẽ đổ dòng sông yêu thương của Ngài qua chúng ta nữa! Hãy để cho dòng sông ấy tuôn chảy!
Hãy đoán xem điều chi xảy ra? Khi chúng ta gánh lấy trách nhiệm mang lấy gánh nặng cho nhau, không những là họ được giúp đỡ, nhưng chúng ta được khích lệ nữa! Karl Menninger, là nhà tâm thần học, người ta đến hỏi ông họ phải làm gì khi đến gần một người bị thần kinh. Lời khuyên của ông là: "Hãy khoá cửa nhà bạn lại, băng qua đường rầy xe lửa, tìm một người đang trong cảnh có cần và làm một việc gì đó giúp người ấy".
Ngày kia có một sinh viên đến hỏi nhà nhân loại học Margaret Mead xem dấu hiệu sớm sủa nhất của nền văn minh trong xã hội. Anh sinh viên nầy mong câu trả lời phải là chiếc bình đất sét hay có lẽ là cái lưỡi câu cá hoặc hòn đá cụi kia. Câu trả lời của bà Margaret là "cái xương đùi đã được chữa lành", một xương ống chân. Mead giải thích rằng không một xương đùi nào được chữa lành đã được tìm thấy ở nơi mà luật rừng ngự trị. Một chiếc xương đùi đã được chữa lành chỉ ra có người đã biết cách cứu chữa. Ai đó đã tìm người thợ săn bị thương và sắp lại cho tới chừng cái chân được lành. Bằng chứng của lòng thương xót là dấu hiệu đầu tiên của nền văn minh.
II. Một số gánh nặng chúng ta phải mang lấy một mình (6.3-5).
Lúc đầu nhìn vào câu 2 và câu 5 dường như có một sự mâu thuẫn. Một đàng bảo chúng ta phải "mang lấy gánh nặng cho nhau" còn một đàng bảo "ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy". Chúng ta cần phải đào sâu mới tìm ra được.
A. Kiêu ngạo là tự dối mình (câu 3).
Phaolô nói: "Vì, nếu có ai, dầu mình không ra chi hết, mà cũng tưởng mình ra chi ấy là mình dối lấy mình". Tôi nhớ mẹ tôi có nói về một người như thế: "Thực sự ông ấy đã tưởng mình ra gì, có phải không?" Tất nhiên là bà đang đề cập tới một người với bầu không khí kiêu căng, ngạo mạn. Chúng ta đã được cảnh tĩnh rồi về việc "tìm kiếm danh vọng giả dối" ở 5.26. Mặc dù quí vị có thể nghĩ mình là "ra gì", tách rời khỏi ân điển của Đức Chúa Trời, quí vị sẽ “chẳng là gì cả”. Khi tưởng mình "ra gì" đang khi thực tế quí vị "chẳng là gì hết", điều nầy là "lừa dối" hoặc dối mình.
Một trong những cái bẫy mà kẻ thù giăng mắc các Cơ đốc nhân biết đầu phục là SỰ KIÊU NGẠO THUỘC LINH. Chúng ta sẽ thốt ra giống như người Pharisi đã cầu nguyện: "Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi" (Luca 18.11-12). Thế mà chúng ta đã thể hiện ra chính những đặc điểm đó. Một là chúng ta không màng tới người anh em bị sa vào trong tội lỗi, hai là bảo trợ cho người ấy hầu cho chúng ta không rơi vào sự cám dỗ theo một cách thức như vậy.
Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 7.3-5: "Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? Hỡi kẻ giả hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được".
Về máy tính, Bill Gates của Microsoft đã sánh công nghệ máy tính với công nghệ xe hơi, ông nói: "Nếu hảng xe General Motors giữ kỹ kỹ thuật giống như công nghệ máy tính giữ, hết thảy chúng ta sẽ lái loại xe chỉ có 25USD chạy một gallon xăng 1.000 dặm". Hảng General Motors đáp lại Gates bằng câu nói: "Đúng thế, nhưng chẳng lẽ ông muốn chiếc xe của ông bị sự cố một ngày hai lần sao?" Lý do chính là những tín đồ "có Đức Thánh Linh" hay “được Thánh Linh dẫn dắt” cần phải "sửa" một người anh em sa ngã là sự kiêu ngạo.
B. Khiêm nhường là tự xét mình (các câu 4-5).
Kế đó Phaolô nói: "Mỗi người phải thử xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác". "Xét" ra từ một chữ Hy lạp có nghĩa là "chấp nhận sau khi thử". Chúng ta cần phải thử bản thân mình để biết chắc mọi động lực và thái độ của chúng ta là trong sạch và được đẹp lòng Chúa. Chúng ta cần phải biết chắc chúng ta đã cất bỏ bất kỳ cây đà nào ra khỏi mắt của mình rồi. Chỉ "khi ấy" chúng ta mới có thể vui mừng được. Sau khi khiêm hạ tự xét mình, mọi sự còn lại là khoe mình trong Chúa và ân điển rời rộng của Ngài. Như Phaolô đã nói trong câu 14: "Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta". Tách ra khỏi Chúa Jêsus tôi chẳng là gì cả. Bất kỳ một điều tốt lành nào được thấy có nơi tôi đều đến từ nơi Ngài.
Một cậu bé từng nói với mẹ nó rằng nó cao được 6 feet. Khi bà nghi ngờ câu nói ấy, nó quyết chắc với bà rằng nó đã tự đo cho mình. Cách tính toán của nó rất đúng, song cây thước thì không đúng; cây thước đo chỉ khoảng 6 inches dài mà thôi. Khi chúng ta xét mình bằng Lời của Đức Chúa Trời, chúng ta thấy mình yếu đuối là dường nào và ân điển của Ngài rời rộng là dường bao!
Trong câu 5, Phaolô nói thêm: "Vì ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy". Chữ dùng cho "gánh nặng" trong câu 2 là baros có ý nói tới một trọng lượng rất nặng, một mình khó mang nổi. Chữ "gánh" ở đây là phortion, chỉ ra vật cần phải được khiêng vác. Một "gánh nặng" trong câu 2 giống như chiếc đàn dương cầm. Một "gánh" trong câu 5 giống như chiếc balô của một người. Chúa Jêsus phán: "Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng" (Mathiơ 11.30).
"Gánh" mà chúng ta phải mang một mình là trách nhiệm của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta. Chúng ta cần phải "mang gánh nặng cho nhau" là thứ quá nặng không mang nổi một mình, nhưng có một gánh nặng mà chúng ta không thể chia sẻ và không cần phải chia sẻ vì nó nhẹ nhàng đủ để mang lấy một mình – là trách nhiệm cá nhân của chúng ta với Đức Chúa Trời. Ngày kia chúng ta sẽ đứng trước bema lớn, là "ngai phán xét của Đấng Christ". II Côrinhtô 5.10 chép: "Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt". Trong ngày đó, tôi không thể mang lấy gánh nặng của quí vị và quí vị không thể mang lấy gánh nặng của tôi.
Để kết thúc, cho phép tôi cung ứng cho quí vị bốn từ ngữ rất thực tế liên quan tới việc mang lấy gánh nặng.
Từ ngữ thứ nhứt là THÌ GIỜ. Quí vị không thể giúp người khác mang lấy gánh nặng của người ấy (nam hay nữ) nếu quí vị quá bận rộn. Thậm chí quí vị cũng chẳng màng tới và dù quí vị có để ý tới đi nữa, sự giúp đỡ của quí vị sẽ rất là hời hợt.
Từ ngữ thứ hai là CẦU NGUYỆN. Có những tín đồ hay nói: "Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn". Quí vị có nói như thế không? Quí vị có thực sự cầu thay cho họ không? Nếu có ai nói như thế với quí vị, hãy biết ơn. Hành động cao cả nhất họ có thể làm nơi phần của quí vị là dâng quí vị cho Chúa. Tôi muốn quí vị thưa với Đức Chúa Trời về tôi hơn là nói với tôi về Đức Chúa Trời.
Từ ngữ thứ ba là TRÁCH NHIỆM. Hết thảy chúng ta đều cần ít nhất một người có trách nhiệm và hỏi chúng ta nhiều câu khó. Nếu quí vị chưa có một người bạn có trách nhiệm như thế và quí vị muốn có một người, làm ơn hãy nói cho tôi biết. Tôi sẽ sung sướng gửi đến cho quí vị một Tít đến để giúp yên ủi quí vị.
Từ ngữ sau cùng là YÊU THƯƠNG. Đây là từ ngữ vĩ đại nhất cho sự tấn tới của Hội thánh. Người ta không trụ lại Hội thánh vì nhạc hay, giảng hay hoặc các chương trình hay. Họ muốn có sự ấm áp hơn là ngọn đèn. Chúng ta hãy trao sự ấm áp ấy cho họ!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét