Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 2.1-10: Không có một chỗ nứt nào trong cái nền của chúng ta



Tự do thực – Galati
Không có một chỗ nứt nào trong cái nền của chúng ta
Galati 2.1-10
Trước khi gia đình tôi chuyển sang Amarillo cách đây gần 9 năm, chúng tôi sống ở trung tâm Dallas-Ft. Worth Metroplex. Dallas County nằm ở giữa một khu vực ai cũng biết là "Vùng thảo nguyên Blackland". Vùng nầy có nhiều đất sét đen trồng lúa rất trúng mùa nhưng hay gây hại cho các nền toà nhà cao tầng. Vào các mùa ẩm ướt, đất rất lầy lội, hay dính và nhớp nhúa. Vào các mùa khô, đất cứng ngắc giống như xi măng và nứt nẻ đủ để nuốt mấy quả banh golf. Hai thái cực nầy của đất khi co lại và khi nở ra thường gây cho loại nền nhà bằng bê tông phải nứt ra. Khi nền nhà bị nứt, bức tường cũng nứt. Nếu những đánh giá sửa chửa không đúng, cả ngôi nhà sẽ sụp xuống. Kết quả là, người chủ nhà cẩn thận kiểm tra nền nhà của họ, sử dụng nhiều ống rút nước để giữ cho cấp độ ẩm ướt sao cho đừng gây hại nền nhà.
Khi Chúa Jêsus phán với Phierơ ở Mathiơ 16.18: "Ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy", tôi tin Ngài đang phán về Tin lành, lời xưng nhận của Phierơ nói Ngài là Đấng Mêsi. Tương tự, Kinh Thánh phán trong Êphêsô 2.20 rằng Hội thánh được "dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà". Chúng ta là ai và chúng ta tin điều gì khi một Hội thánh ngày nay được dựng trên hòn "đá" Tin lành, là sự dạy của các vị sứ đồ. Nếu có những đường nứt trong giáo lý của các sứ đồ, thế thì Hội thánh không thể đứng vững vàng cho được.
Trong phần nghiên cứu thơ Galati của chúng ta, chúng ta học biết rằng sứ đồ Phaolô đã sáng lập ít nhất là bốn Hội thánh trong khu vực xứ Galati. Sau khi ông rời khỏi họ, các giáo sư giả đã mò vào trong rồi khởi sự dạy "một tin lành khác" (1.6). Họ dạy người Galati rằng người nào được cứu bởi tin theo Chúa Jêsus phải THÊM phép cắt bì vào, thêm tất cả luật lệ vào, thêm những nghi thức và quy tắc của Cựu Ước vào nữa. Các giáo sư giả, được gọi là tín đồ Do thái giáo cứ nhất mực dạy rằng người ta được cứu là do hoàn thành. Phaolô luận rằng chúng ta được cứu cho do tin mà thôi. Còn nhiều nữa, các tín đồ Do thái giáo bảo những Cơ đốc nhân thành Galati rằng 12 vị sứ đồ nguyên thủy ở thành Jerusalem đã nhất trí với họ, rằng Phaolô là kẻ đến muộn, là một con buôn không có môn bài, là kẻ đã vặn cong sự dạy của 12 sứ đồ nguyên thủy.
Hãy đặt mình vào chỗ của người thành Galati xem. Phaolô đã đưa ra trường hợp phải lẽ về địa vị sứ đồ của ông cùng lẽ thật tin lành mà ông đang rao giảng. Nhưng thắc mắc phát sinh không thể tránh được: “Phải chăng có mâu thuẫn giữa vòng các sứ đồ?” Phải chăng họ chia rẽ, rao giảng hai sứ điệp khác nhau? Nếu sứ đồ nầy rao giảng tin lành nầy. Còn sứ đồ kia rao giảng một tin lành khác, thế thì cái nền của Hội thánh đã bị nứt nẻ và cả cấu trúc sẽ bị sụp đổ mất.
Mặc dù đây là một phân đoạn Kinh Thánh rất khó (Lightfoot gọi phân đoạn nầy là "văn từ bị phá sản"), khi chúng ta khảo sát, chúng ta sẽ biết được các vị sứ đồ đã nhất trí về tin lành, cái nền của Hội thánh không bị nứt nẻ và bởi ân điển của Đức Chúa Trời địa ngục sẽ không thể thắng hơn chúng ta được.
I. Phần thử nghiệm của Tít. Được chấp nhận (các câu 1-5).
A. Phaolô qua thành Jerusalem (câu 1).
Phaolô nói với chúng ta trong 1.18 rằng đúng "ba năm" sau khi ông trở thành Cơ đốc nhân, ông đã "lên thành Jerusalem đặng làm quen với Sê-pha". Ông đã ở lại với Phierơ trong "mười lăm ngày". Ông cũng gặp "Giacơ, anh em của Chúa".
Giờ đây Phaolô cho chúng ta biết rằng "mười lăm năm" đã trôi qua trước khi ông "lại lên thành Jerusalem". Trong khoảng thời gian 17 năm, Phaolô vốn chẳng có một cuộc tiếp xúc nào với các vị sứ đồ khác. Công Vụ các Sứ Đồ 11.27-30 cho thấy rằng Phaolô và Banaba đã thực hiện một chuyến hành trình nhanh qua thành Jerusalem, trước là để giao một tặng phẩm về ủng hộ tài chính cho các tín đồ ở đó vì cớ nạn đói lớn lắm. Ngay thời điểm đó cũng chẳng thấy nhắc gì tới việc ông gặp gỡ các vị sứ đồ khác. Trong thời gian 17 năm nầy, Phaolô đã đi khắp nơi lo rao giảng Tin lành, làm ra nhiều dấu lạ và gây dựng nhiều Hội thánh.
Vấn đề, ấy là Phaolô đã rao giảng Tin lành suốt cả khoảng thời gian nầy mà không có sự đồng ý hay giám sát của 12 sứ đồ nguyên thủy tại thành Jerusalem. Ông nói trong 1.12: "vì tôi không nhận và cũng không học Tin Lành đó với một người nào, nhưng đã nhận lấy bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Jêsus Christ". Những người theo giáo Giu-đa tuyệt đối sai khi nói Phaolô đã sao chép tin lành từ các vị sứ đồ khác, vì ông đã không dành thì giờ chi hết với họ trong 17 năm trời.
Mặc dù có một số khác biệt về dư luận giữa vòng các giáo sư dạy Kinh Thánh, sự việc cho thấy sự cố Phaolô mô tả ở đây trong Galati 2 tương xứng trực tiếp với phần bàn bạc ở thành Jerusalem như đã được mô tả trong Công Vụ các Sứ Đồ 15. Thực vậy, chúng ta hãy quay sang chỗ nầy và đọc Công Vụ các Sứ Đồ 15.1-5.
Trở lại phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta trong Galati 2.1, Phaolô cho chúng ta biết rằng khi ông "lại lên thành Jerusalem", ông đã đem "Banaba và Tít cùng đi nữa". Banaba, "con trai của sự yên ủi" là bạn thiết của Phaolô và là người trợ giúp trong việc rao giảng Tin lành. Ông đã cùng đi với Phaolô trên chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên và giúp đỡ ông thiết lập các Hội thánh trong xứ Galati.
"Tít" cũng cùng đi với Phaolô. Phaolô gọi Tít là "bạn bè tôi, và là người cùng làm việc với tôi" ở trong II Côrinhtô 8.23. Trong thư ông gửi cho Tít, ông gọi Tít là "con thật ta trong đức tin chung" (Tít 1.4). Không giống với nhiều Cơ đốc nhân đầu tiên, Tít chẳng có một lai lịch nào trong Do thái giáo cả. Vì ông không phải là người Do thái, ông chưa hề chịu phép cắt bì. Theo Công Vụ các Sứ Đồ 15.2, các giáo sư giả nói: "Nếu các ngươi chẳng chịu phép cắt bì theo lễ Môi-se, thì không thể được cứu rỗi". Vì lẽ đó Tít sẽ là ca thử nghiệm trước mặt các sứ đồ ở tại thành Jerusalem. Tít đã đến với Đấng Christ là do tin chớ không phải do thành tựu.
B. Phaolô gặp gỡ các vị sứ đồ khác (câu 2).
Phaolô nói ông "vâng theo lời tỏ ra mà lên đó". Ông không đến với các vị sứ đồ khác vì ông có vấn đề phải minh chứng, mà vì Đức Chúa Trời buộc ông phải lên đó. Tôi tin rằng khi Phaolô và Banaba cầu nguyện với các cấp lãnh đạo của Hội thánh An-ti-ốt về vấn đề nầy, Đức Thánh Linh đã tỏ ra chương trình nầy cho họ y như Ngài đã tỏ ra trong chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên của họ (Công Vụ các Sứ Đồ 15.2; 13.2). Đây là trường hợp cho thấy phương thức Hội thánh sẽ hoạt động. Khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện, Đức Thánh Linh khẳng định trong tấm lòng của chúng ta mọi điều chúng ta cần phải lo làm.
Phaolô nói rằng khi ông lên thành Jerusalem, ông "phô bày Tin Lành mà tôi đã giảng trong người ngoại đạo ra cho anh em". "Phô bày" có nghĩa là "đề ra, đặt trước mặt". J.B. Phillips dịch cụm từ nầy: "Tôi đã trình ra phần chú giải đầy đủ về tin lành mà tôi đã giảng giữa vòng dân Ngoại". Nói cách khác, Phaolô đã đưa ra một giáo trình trọn vẹn về mọi điều mà Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho ông biết về ơn cứu rỗi, nghĩa là người ta được cứu bởi ân điển nhờ đức tin mà chẳng phải thêm bất kỳ một công việc nào của con người, kể cả chịu phép cắt bì.
Phaolô cho chúng ta biết rằng trước khi có sự nghe giảng vấn đề nầy trong nhà thờ, ông đã "phô bày riêng cho những kẻ có danh vọng hơn hết". Nghĩa là, trước tiên ông đã giảng cho các cấp lãnh đạo, những vị sứ đồ và các trưởng lão Hội thánh nghe trong một cuộc gặp gỡ riêng.
Lý lẽ của ông chắc chắn đến nỗi "kẻo sự chạy của tôi trước kia và bây giờ hóa ra vô ích chăng". Phaolô không ở trong chỗ không chắc về tin lành mà ông đã rao giảng. Ông không "nhận tin lành ấy từ con người", chẳng có ai "dạy" tin lành đó cho ông cả. Mà đúng hơn, tin lành ấy đã đến trực tiếp với ông "bởi sự tỏ ra của Đức Chúa Jêsus Christ". Ông không gặp gỡ các vị sứ đồ để làm cho sự giảng đạo của mình ra chính đáng. Ông muốn biết chắc rằng các giáo sư giả không làm cho họ phải lạc sai. Ông muốn biết chắc rằng ông và họ đều nhất trí trên cùng một tin lành. Nếu họ ở trong mối giao thông với những tín đồ Do thái giáo, ông sợ rằng phần nhiều người mới trở lại đạo sẽ dễ dàng tẻ tách ra khỏi tin lành thực. Sử dụng phép loại suy nói tới một vận động viên chạy đua, ông sợ công việc của ông nơi họ sẽ rơi vào chỗ "luống nhưng".
C. Phaolô biện hộ cho Tít trước mặt các giáo sư giả (các câu 3-4).
Một lần nữa, đây là lối nói rất khó khăn cho việc dịch thuật và giải thích. Có lẽ trong khi viết, Phaolô đã cảm động đến nỗi ông sử dụng văn phạm rất phức tạp và viết ra nhiều câu hãy còn dang dở.
Bất chấp về cách hành văn, ý nghĩa của Phaolô rất rõ ràng. Trong cuộc gặp gỡ nầy, Phaolô đã giới thiệu Tít như trường hợp thử nghiệm của ông. Ông đặt Tít trước mặt các vị sứ đồ cùng những trưởng lão như một trường hợp bông trái của chức vụ ông. Tít là một Cơ đốc nhân chơn thật, là người chưa chịu phép cắt bì. Tít là một minh chứng sống cho thấy một người được cứu bởi đức tin mà không cần có các nghi thức, luật lệ và giáo điều của Cựu Ước. Trong cuộc gặp gỡ nầy với những vị sứ đồ cùng các cấp lãnh đạo, Phaolô nói: "Dầu Tít, kẻ cùng đi với tôi, là người Gờ-réc, cũng không bị ép phải cắt bì". Chẳng một ai trong số họ dám khẳng định rằng Tít cần phải chịu cắt bì mới được cứu rỗi.
Kế đó, Phaolô nói trong câu 4: "Chúng tôi đã làm như vậy, vì cớ mấy người anh em giả…". "Anh em giả" ra từ cụm từ cũng được dịch là "các tín đồ giả", "những Cơ đốc nhân giả hiệu" và "các Cơ đốc nhân không thành thật". Tôi thích bản dịch Phillips: "Nhưng chẳng có ai dám khẳng định rằng Tít, bạn tôi, dù anh ấy là người Hy lạp, cần phải chịu phép cắt bì. Thực vậy, chẳng có ai nói gì trừ ra một số Cơ đốc nhân không thành thật có mặt, họ đã tìm cách len lỏi vào buổi nhóm của chúng tôi hầu dò xét sự tự do mà chúng tôi có trong Đức Chúa Jêsus Christ, rồi kế đó tìm cách buộc chúng tôi chặt vào các luật lệ và nghi thức".
Luca ghi lại phần ngắt quảng nầy ở Công Vụ các Sứ Đồ 15.5: "Nhưng có mấy kẻ về đảng Pha-ra-si đã tin đạo, đứng dậy nói rằng phải làm phép cắt bì cho những người ngoại, và truyền họ phải tuân theo luật pháp Môi-se".
Phaolô nói họ đã "lẻn vào trong". Một số học giả tin người Pharisi có những đại biểu bí mật, len lỏi vào trong các Hội thánh đầu tiên để làm cho họ phải sai lạc rồi đưa họ về lại với Do thái giáo. Phaolô nói họ "rình xem sự tự do mà chúng tôi được trong Đức Chúa Jêsus Christ, đặng bắt chúng tôi làm tôi mọi".
"Tôi mọi" là một từ ngữ rất mạnh mẽ có ý nói tới tình trạng nô lệ. Trong "Đức Chúa Jêsus Christ" các tín đồ đều có "sự tự do". Chúng ta đã được giải phóng ra khỏi việc tuân giữ luật pháp Cựu Ước, khỏi những truyền thống do con người lập ra, khỏi các nghi thức và điều lệ. Luật pháp duy nhứt của chúng ta là luật pháp của Thánh Linh. Roma 8.2 chép: "vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết". Roma 7.6 chép: "Nhưng bây giờ chúng ta đã chết về luật pháp, là điều bắt buộc mình, thì được buông tha khỏi luật pháp đặng hầu việc Đức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chớ không theo cách cũ của văn tự". II Côrinhtô 3.17 chép: "Vả, Chúa tức là Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó". Giăng 8.36 chép: "Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do".
Phaolô đã chiến đấu cho sự tự do nhiều lắm, giống y như những người lính trên bất kỳ chiến trường nào. Ông phải nắm bắt cho kỳ được sự tự do. Ông nói với người thành Galati ở câu 5 trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta: "Chúng tôi không nhường họ một giây phút nào". Dường như đã có một sự tranh cãi lâu dài, mở rộng. Phaolô đã không chịu nhượng bộ một giây phút nào trước những đòi hỏi thiên về với luật pháp của những người theo giáo Giu-đa.
Tại sao không chịu nhượng bộ chứ? Tại sao không bắt Tít phải chịu phép cắt bì? Há Timôthê về sau đã chịu phép cắt bì đó sao? Phải, nhưng đã có một tình huống hoàn toàn khác nhau. Phaolô không chịu nhượng bộ hầu cho "lẽ thật của Tin Lành được vững bền trong anh em". Ông đã nhượng bộ về những vấn đề nhỏ và các phương pháp truyền giáo, nhưng về tin lành thì không đâu!
II. Sự giảng đạo của Phaolô. Được tán thưởng (các câu 6-10).
A. Các sứ đồ ở tại thành Jerusalem chẳng thêm một điều gì vào sứ điệp của Phaolô (câu 6).
Trong câu 2 Phaolô đề cập tới các vị sứ đồ nguyên thủy là "những kẻ có danh vọng hơn hết". Ở đây trong câu 6, ông gọi họ là "những kẻ mà người ta tôn trọng lắm". Ở cái nhìn đầu tiên, dường như Phaolô đang đánh giá thấp họ, đang hạ thấp họ xuống. Ngược lại, Phaolô đã tôn trọng những người nầy và chức vụ của họ hoặc ông sẽ không đến với họ để định liệu thắc mắc nầy.
Mặc dù 12 người nầy về mặt cá nhân họ đã được Chúa Jêsus biệt riêng ra để làm sứ đồ, Phaolô cũng đã được Đấng Christ lựa chọn để thi hành cùng một chức vụ đó. Ông vốn không cần sự tán thưởng hay khẳng định của họ, và trong ý nghĩa ấy "trước kia là kẻ thể nào, thì chẳng can dự gì" với ông.
Những tín đồ Do thái giáo, các vị giáo sư giả thường hạ Phaolô xuống thấp vì ông không phải là một trong 12 sứ đồ nguyên thủy. Phaolô nói: "Đức Chúa Trời không tây vị ai hết". Chỉ vì họ từng ăn ở với Chúa Jêsus, điều nầy cũng chẳng làm cho họ được lỗi lạc hơn Phaolô đâu.
Phaolô không kiêu căng, mà còn chơn thật, khiêm nhường nữa. Ông nói trong I Timôthê 1.15: "Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu". Ông nói trong I Côrinhtô 15.9: "Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Đức Chúa Trời".
Phaolô nói dứt khoát rằng các vị sứ đồ nguyên thủy nầy, họ được xem trọng trong ánh mắt của những tín đồ Do thái giáo, "những kẻ đó dầu tôn trọng lắm" họ "chẳng thêm gì" vào sứ điệp của Phaolô. Họ chẳng thêm gì vào tri thức về Tin lành của Phaolô hay thẩm quyền giảng đạo của ông. Ông đã giảng cùng một tin lành đó trong 17 năm trời mà chẳng cần tới họ. Sau cùng, khi ông "truyền đạt" mọi điều mà ông đã giảng cho họ biết, không có thêm hay chỉnh đốn điều gì hết.
Hãy đóng ngoặc đơn điều Phaolô nói: "Tin lành mà tôi rao giảng cho quí vị nghe chẳng có gì thay đổi cả. Tôi không nhận tin lành ấy từ bất kỳ người nào, mà nhận lãnh trực tiếp từ Đức Chúa Jêsus Christ. Sau 17 năm, khi tôi chia sẻ các tín điều của mình với các vị sứ đồ nguyên thủy, họ chẳng thấy có gì cần kíp để thêm vào hay thay đổi bất cứ một điều nào. Họ đã nhất trí với tôi là sự cứu rỗi không phải do thành tựu mà là do tin đấy thôi".
B. Các sứ đồ ở tại thành Jerusalem đã công nhận chức vụ sứ đồ của Phaolô (các câu 7-8).
Phaolô nói: "Trái lại…" thay vì thêm vào hay chỉnh đốn sự dạy của ông, không những họ "chẳng thêm gì" cho ông, mà họ còn công nhận thẩm quyền của ông là một vị sứ đồ nữa.
Ông cho chúng ta biết rằng họ đã "thấy" hay đã công nhận "sự giảng Tin Lành cho kẻ không chịu phép cắt bì đã giao cho tôi, cũng như sự giảng Tin Lành cho người chịu phép cắt bì đã giao cho Phi-e-rơ vậy". Cũng một phương thức ấy, Phierơ là sứ giả đặc biệt của Đức Chúa Trời chuyên rao giảng tin lành giữa vòng người Do thái, họ đã công nhận Phaolô là sứ giả đặc biệt của Đức Chúa Trời chuyên rao giảng Tin lành giữa vòng dân Ngoại.
Chúng ta hãy quay trở lại với câu chuyện tương tự trong Công Vụ các Sứ Đồ 15.6-29. Lần đầu tiên Phierơ đứng trước mặt "các sứ đồ cùng những trưởng lão" rồi phân phát một sứ điệp đầy quyền năng trong sự nhất trí với Phaolô. Hãy đọc lại câu 12: "Cả hội đồng đều lẳng lặng, nghe Ba-na-ba và Phao-lô thuật lại những phép lạ dấu kỳ mà Đức Chúa Trời đã cậy mình làm ra giữa người ngoại". Không một người nào đứng về phía các giáo sư giả hết! Giacơ, vị Mục sư trưởng của Hội thánh Jerusalem khi ấy đứng dậy trưng dẫn lời tiên tri trong Cựu Ước. Phần tóm tắt của ông được ghi lại ở câu 19: "Vậy, theo ý tôi, thật chẳng nên khuấy rối những người ngoại trở về cùng Đức Chúa Trời". Câu 22 chép: "Kế đó, các sứ đồ và trưởng lão cùng cả Hội thánh bèn quyết định…". Ai nấy đều ở trong sự nhất trí.
Còn nữa, một bức thư đã được viết gửi cho các Hội thánh cho biết các tín đồ giáo Giu-đa đang rao truyền sự dạy giả dối của họ. Hãy chú ý một lần nữa các câu 24-26: "Bởi từng nghe có một vài người trong vòng chúng ta, chẳng lãnh mạng lịnh nào nơi chúng ta, tự lấy lời mình khuấy rối (họ bảo: `các ngươi phải chịu phép cắt bì và giữ luật pháp’, và biến loạn lòng các ngươi nữa, nên chúng ta đồng lòng quyết ý chọn những người thay mặt sai đi cũng kẻ rất yêu dấu của chúng ta là Ba-na-ba và Phao-lô, mà đến nơi các ngươi; hai người nầy vốn đã liều thân vì danh Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa chúng ta".
Các vị sứ đồ và cả Hội thánh Jerusalem đều đồng ý với Phaolô. Sự cứu rỗi là do tin chớ không phải do thành tựu. Phaolô và chức vụ của ông được họ xem là “rất yêu dấu”. Họ đã đồng ý và định liệu một lần đủ cả, họ đã rao giảng cùng một sứ điệp, và không có một chỗ nứt nào trong cái nền của Hội thánh.
C. Các sứ đồ ở tại thành Jerusalem trao tay hữu giao kết với Phaolô (câu 9).
Trở lại với phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, ở câu 9, Phaolô nói: "Gia-cơ, Sê-pha [Phierơ], Giăng là những người được tôn như cột trụ [một cụm từ của người Do thái có ý nói “các vị giáo sư lỗi lạc”] trao tay hữu giao kết với chúng tôi, tức là Ba-na-ba và tôi, hầu cho chúng tôi đi đến cùng dân ngoại, còn các người ấy thì đến cùng những kẻ chịu phép cắt bì [những người Do thái] ".
Khi tôi trưởng thành, Hội thánh chúng tôi đã trao "tay hữu giao kết" với từng tân tín hữu. Khi có người tham gia vào Hội thánh, cả hội chúng sẽ đưa từng người một ra khỏi hàng ghế của họ đến tại bàn thờ để bắt tay với người mới đến và hoan nghênh họ (nam hay nữ) bước vào mối giao thông của Hội thánh.
Có một ý nghĩa quan trọng hơn ở đây. Phaolô không những đã ở trong sự hài hoà về giáo lý, mà còn hài hoà cá nhân với 12 sứ đồ nguyên thủy nữa, đặc biệt với Giacơ, Phierơ và Giăng. Giữa Phaolô, Phierơ, Giacơ và Giăng, họ đã được Đức Chúa Trời đại dụng để viết ra 21 trong 27 sách trong Tân Ước! Họ không sử dụng cái bắt tay truyền thống của tây phương, mà sử dụng vòng tay ôm siết chặt theo cung cách đông phương làm biểu tượng cho tình bạn, cho sự cộng tác và tin cậy.
Những tín đồ Do thái giáo dạy giả dối không có được một chân để đứng vững được. Phaolô đã ở trong sự hiệp một, trong mối giao kết với các sứ đồ ở tại thành Jerusalem. Họ hiệp nhau công bố cùng một Tin lành cho rằng chúng ta được cứu không phải bởi việc làm mà bởi đức tin, không phải bởi thành tựu mà là do tin mà thôi. Chúng ta không thể thêm một điều chi vào ân điển của Đức Chúa Trời.
D. Các sứ đồ ở tại thành Jerusalem không dành cho Phaolô một sự chỉnh đốn nào, mà họ chỉ dặn dò ông thôi (câu 10).
Thay vì chỉnh đốn sự giảng dạy của Phaolô, họ chỉ đưa ra một lời dặn dò cho ông. Phaolô nói: "Các người ấy chỉ dặn dò tôi phải nhớ đến kẻ nghèo nàn, là điều tôi cũng đã ân cần làm lắm". Hãy chú ý có 3 hàm ý trong lời dặn dò nầy. Thứ nhứt, lời dặn dò rất thực tế, chớ không phải chỉ là giáo lý xuông. Thứ hai, lời dặn dò không phải là một mạng lịnh. Thứ ba, lời dặn dò của họ không phải là cái gì mới mẻ. Họ "chẳng thêm một điều gì" về giáo lý hay về điều thực tế. Phaolô đã thực hiện rồi một chuyến đi lên thành Jerusalem để cứu trợ cho các Cơ đốc nhân nghèo ở đó (Công Vụ các Sứ Đồ 11.27-30).
Thật là quan trọng khi lưu ý là chúng ta vẫn phải "ân cần" "nhớ tới người nghèo", đặc biệt là các Cơ đốc nhân tín hữu của chúng ta. Hết thảy chúng ta đều có trách nhiệm phải chịu khó làm việc. II Têsalônica 3.10 chép: "nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa". Tuy nhiên, có người chịu khó làm việc hay không có khả năng làm việc, họ thực sự cần sự giúp đỡ của chúng ta. I Giăng 3.17 chép: "Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!"
III. Ba lẽ thật vô hạn dành cho việc bảo quản một cái nền vững chắc.
Quí vị có thể suy nghĩ: "Mục sư ơi, chuyện nầy thì chẳng có gì đâu, nhưng tại sao phải đi sâu vào một bài học lịch sử như vậy chứ? Chuyện Phaolô thăm viếng thành Jerusalem cách đây 1900 năm có tác dụng gì vào đời sống của tôi hôm nay chứ? Việc nầy thực tế có ý nghĩa gì với tôi chứ?" Tôi rất vui khi quí vị hỏi han như thế! Chúng ta luôn luôn đưa ra những thắc mắc đó khi chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh. Hãy chú ý ba lẽ thật vô hạn từ phân đoạn nầy.
A. Thứ nhứt, chỉ có một tin lành duy nhứt và tin lành đó không thay đổi.
Tất cả các sứ đồ, hết thảy Tân Ước đều nhất trí trên một Tin lành. Phaolô dạy trong 1.6-10 rằng không có tin lành nào "khác" trừ ra những sự xuyên tạc, bóp méo tin lành chơn thật. Có lẽ câu nói súc tích nhất về các tin tức tốt lành là Êphêsô 2.8-9: "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình". Chúng ta được cứu bởi ân điển, chớ không phải bởi việc làm. Chúng ta được cứu bởi tin chớ không phải bởi sự thành tựu. Chúng ta được cứu bởi ân điển mà chẳng thêm vào một điều gì khác, không phải thêm phép cắt bì, không phải tuân giữ luật pháp, không phải bởi việc chịu phép báptêm, không phải bởi việc trở thành một thuộc viên trong Hội thánh, không phải bởi việc nhận lãnh một ơn phước hay một ân tứ thuộc linh nào đó. Sự cứu rỗi chỉ có do ân điển của Đức Chúa Trời mà thôi.
Không có một chỗ nứt nào trong cái nền của Hội thánh. Mỗi sứ đồ đều có phong cách và nhân cách riêng của mình. Mỗi người đều có tầm quan trọng riêng, vì họ phải lo liệu với các phạm vi khác nhau và nhiều hạng người khác nhau nữa. Dầu vậy, chỉ có một tin lành, một đức tin mà thôi: "là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi" (Giu-đe 3), một bộ giáo lý đã được công nhận rồi. Phaolô nói trong I Côrinhtô 15.11: "Ấy vậy, dầu tôi, dầu các người khác, đó là điều chúng tôi giảng dạy, và là điều anh em đã tin". Có nhiều người khác nhau. Chỉ có một Tin lành. Kết quả y như nhau.
Tin lành ấy chính là tin lành của ngày hôm nay. John R.W. Stott viết: "Nếu chỉ có một tin lành trong Tân Ước, chỉ có một tin lành cho Hội thánh mà thôi. Tin lành đã không thay đổi với nhiều thế kỷ đã thay đổi. Trong trường hợp tin lành đó được giảng cho người trẻ hay người già, cho đông phương hay cho tây phương, cho người Do thái hay cho người dân Ngoại, cho người có học hay cho người vô học, cho khoa học gia hay cho người không biết tới khoa học, dù phần trình bày tin lành có khác, nội dung của nó vẫn như nhau".
B. Thứ hai, chúng ta có trách nhiệm bảo quản Tin lành.
Không những chúng ta có một tin lành; chúng ta đang có cùng một thách thức. Những tín đồ Do thái giáo đã xuất hiện và qua đi trên bối cảnh lâu rồi, nhưng vẫn còn có những kẻ muốn vặn cong, bóp méo sứ điệp của Tin lành. Hãy nhớ tới lời quở trách của Phaolô trong 1.8: "Nhưng nếu có ai, hoặc chính chúng tôi, hoặc thiên sứ trên trời, truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành chúng tôi đã truyền cho anh em, thì người ấy đáng bị a-na-them!"
Xung quanh chúng ta là những người cứ tiếp tục phạm theo sai lầm của những kẻ theo giáo Giu-đa. Họ tiếp tục thêm vào ân điển của Đức Chúa Trời. Họ muốn thêm phép báptêm, địa vị thuộc viên trong nhà thờ hay trong nhóm của họ (thậm chí tôi biết có một số tín đồ báptít, họ tin quí vị không thể nhận lãnh Đức Thánh Linh cho tới chừng nào quí vị lún sâu vào một trong các nhà thờ của họ) hoặc tuân giữ luật lệ, nội quy hầu giữ được cứu rỗi.
Chúng ta có bổn phận không những với người nào đã có mặt trước, mà còn có bổn phận với những ai sẽ tới sau nữa. Chúng ta nhìn biết lẽ thật hôm nay vì cớ những người như Phaolô và Phierơ, mà còn vì những người như Martin Luther, John Calvin, John Wesley, Jonathan Edwards và nhiều người khác nữa, họ không đứng theo cách biếng nhác rồi để cho tin lành bị phai nhạt đi quyền phép của nó.
I Timôthê 3.15 chép: "Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống" là "trụ và nền của lẽ thật vậy". Chúng ta là những người canh giữ, lưu trữ của đạo thật. Trong kỹ nguyên nầy của thuyết tương đối, chúng ta phải cẩn trọng bảo quản sự sáng của Tin lành cho các thế hệ trong tương lai.
C. Thứ ba, hiệp một là vấn đề của lẽ thật, chớ không phải của truyền thống.
Các tín đồ Do thái giáo đã chối bỏ Phaolô vì ông không noi theo truyền thống của họ. Các vị sứ đồ đã tiếp nhận ông vì ông đã đứng cho lẽ thật của Tin lành.
Vấn đề, ấy là khó khăn luôn luôn cho Cơ đốc nhân phải tiếp nhận các Cơ đốc nhân khác, là những người xuất thân từ các truyền thống khác nhau. Chúng ta lấy làm lạ về ơn cứu của ai đó nếu chúng ta không dự phần vào đấy. Các vị sứ đồ là hạng người lớn lao hơn, họ đã tin theo một Đức Chúa Trời lớn lao hơn. Họ nhìn biết rằng chính Ngài là Đấng tìm và cứu kẻ bị hư mất. Họ sẵn lòng tiếp nhận người khác (như Tít chẳng hạn) Đức Chúa Trời đã cứu Tít mà họ chẳng có dự phần gì vào. Cái nền chung của họ với Phaolô không phải là truyền thống mà là lẽ thật của Tin lành.
Mấy tháng gần đây, có vài lần tôi bị hỏi về sự ủng hộ đối với Đại hội Franklin Graham. Có người đã nói: "Nhưng còn về các Hội thánh kia, họ có người tin theo một tin lành khác thì sao? Chúng ta sẽ giao thông với họ như thế nào đây?" Câu trả lời của tôi, ấy là mối giao thông của chúng ta không phải với người nào có mặt, mà là với sứ điệp của tin lành. Franklin Graham chỉ rao giảng rõ ràng chính tin lành mà chúng ta đang rao giảng, chính tin lành mà Phaolô đã rao giảng. Nói thẳng ra, tôi rất vui sướng vì những người đó đã có mặt. Tôi ước ao nhiều người thể ấy có mặt ở đó để nghe lẽ thật nói về ơn cứu rỗi bởi ân điển nhờ đức tin.
Ở đây là một tia sáng vừa loé lên, không phải ai trong thiên đàng đều là người báptít đâu. Còn cái khác biệt nữa là đây, không phải hễ là người báptít đều được lên thiên đàng cả đâu. Mối giao thông của chúng ta với các tín hữu khác không đặt trên những truyền thống và tín điều của hệ phái, mà đặt trên sứ điệp quan trọng của Tin Lành.
Nền tảng của chúng ta không đặt trên các truyền thống hay hệ phái tôn giáo, mà đặt trên công tác đã hoàn tất của Đức Chúa Jêsus Christ. Không có một chỗ nứt nào trong cái nền ấy. Bài thánh ca xưa nói rất rõ:
Đền là chúng ta lập nguyên đá sống
Làm nơi trú cư Ngài trên dương trần
Ngài chuộc chúng ta bằng huyết bi thống
Làm con kế nghiệp thừa hưởng linh phần
Nếu hai người chung nhân danh Jêsus
Ngài tất giáng lâm với ơn Thiên Phụ
Lấy ái tâm làm chiếc khiên hộ phù
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét