Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

Gen 6.1-8: "Sự can thiệp thiêng liêng"



"Sự can thiệp thiêng liêng"

(Sáng thế ký 6.1-8)
Bạn có thấy chúng ta đã trở thành hạng chuyên gia hay né tránh trách nhiệm và đổ thừa cho người khác về những hành động của chúng ta không? Nếu tự tôi lạm dụng về mặt tài chính, ấy không phải là lỗi của tôi; mà đó là lỗi của tín dụng quá dễ dàng. Nếu tôi bị ung thư phổi, ấy không phải là lỗi của tôi khi tôi chọn bắt đầu hút thuốc; mà đó là lỗi của công ty thuốc lá. Nếu một người trong lúc nóng giận đấm đá và giết chết người hàng xóm của mình, ấy không phải là lỗi của người ấy; mà đó là lỗi của xí nghiệp chế tạo súng đạn. Nếu viên tài xế say xỉn đi lạc đường trên xa lộ, đụng phải xe bus rồi một số người ngã chết, Công ty xe hơi Ford bị kiện vì đã chế tạo xe bus không an toàn. Chúng ta không bị “một lỗi gì” khi ly dị trong lúc nầy, cho dù cuộc hôn nhân không trọn vẹn, chẳng một ai phải bị đổ thừa. Và người ta không phạm vào bất cứ cách ăn ở sai lầm nào; sai lầm nằm ở chỗ genes của họ. Chúng ta đổ thừa cho di truyền, môi trường, thiếu cân đối về hoá chất, mất quân bình tạm thời, các áp lực của việc làm, tình trạng nghèo khổ, thành kiến, và ngược đãi. Giờ đây những việc ấy chắc chắn sẽ góp phần vào việc chúng ta là ai và có thể gây ra nhiều nan đề cho chúng ta, nhưng chúng ta đẩy việc ấy đến chỗ cực đoan, chỗ ấy nói rằng không một ai phải khai trình về cách xử sự của họ.
Sứ điệp của Kinh thánh đi ngược lại với mọi quan điểm của xã hội chúng ta. Kinh thánh dạy rằng con người là tội lỗi. Kết quả là, Đức Chúa Trời phải phán xét tội lỗi của con người. Tuy nhiên, mặc dù Đức Chúa Trời phải xét đoán tội lỗi, Kinh thánh cũng dạy rằng Ngài yêu thương nhân loại và mời gọi con người hãy bước vào mối tương giao với Ngài. Sáng thế ký 6.1-8 chia sẻ mối căng thẳng nầy.
1. Sửa soạn cho sự phán xét của Đức Chúa Trời (6.1-4). Ở 6.1-2, Môise viết: “Vả, khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ”. Hai câu nầy dạy rằng có một sự bùng nổ về dân số (đối chiếu 1.28) và nhiều người nam đã cưới những người nữ làm vợ [Mệnh đề “bèn cưới người nào vừa lòng mình làm vợ” gồm có một động từ theo thuật ngữ nói tới hôn nhân có chọn lựa, hành động bước vào một mối quan hệ hợp pháp và trói buộc giữa một người nam và một người nữ (Sáng thế ký 4.19; 11.29; 12.19; 20.2, 3)]. Trong một phút ngắn ngủi, chúng ta nhìn thấy bức ảnh chụp nhanh về đời sống hàng ngày [John H. Sailhamer, Genesis. EBC (Grand Rapids. Zondervan), Electronic ed]. Chúng ta gọi đây là “việc bình thường”. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy đây là sự yên tĩnh trước khi giông tố đến (Mathiơ 24.38-39; Luca 17.26-27).
Một vài bài viết trong lịch sử giải kinh đã gợi lên sự tò mò và bất đồng ý kiến rất nhiều về Sáng thế ký 6.1 - 4. Ngay lập tức điều nầy câu nhử và làm cho nhiều người phải bối rối hết sức. Ba vị thế thông thường nhất đã dán nhãn cho “thuyết dòng giống pha trộn trong vũ trụ” (thiên sứ và con người) [Kaiser viết: “Dù vậy, có người sẽ viện dẫn các phân đoạn Tân Ước I Phierơ 3.18-20, II Phierơ 2.4 và Giu-đe 6-7 để ủng hộ thuyết nói về thiên sứ. Nhưng các phân đoạn nầy không nói gì về các cuộc hôn nhân của thiên sứ. Bàn bạc về cụm từ ‘lại như’ trong Giuđe 7 cho rằng tội lỗi của Sô-đôm và Gô-mô-rơ là y như tội lỗi trong 6.1-4 là quá nhiều, vì tội lỗi của sự giao hợp giữa đàn ông với nhau không phải cùng một việc như cưới một người vợ từ một phái khác trong vũ trụ! Thực vậy, ‘lại như’ không ví sánh tội lỗi của hàng thiên sứ với tội lỗi của những con người trong thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ; thay vì thế, nó ví sánh tội lỗi của Sô-đôm và Gô-mô-rơ với tội lỗi của ‘các thành chung quanh chúng’ (nghĩa là, Át-ma và Sê-bô-im; xem Phục truyền luật lệ ký 29.23 và Ôsê 11.8). Cho nên tội lỗi của các thiên sứ trong sách Giuđe (Giuđe 6) và tội lỗi của 5 thành trong đồng bằng (Giuđe 7) đã lãnh lấy những lời cảnh báo về sự phán xét sẽ giáng cho những người khác. Sự sa ngã của các thiên sứ mà Giuđe nhắc tới đã diễn ra khi Lucifer sa ngã. Kết nối sự sa ngã nầy với thời điểm nước lụt vì cớ những tham khảo trong Giuđe 4-7 đòi hỏi chúng ta phải nối kết nước lụt với sự sụp đổ của 5 thành trong đồng bằng. Nhưng các biến cố đã được liệt kê ra trong sách Giuđe là liên tục với nhau, chớ không phải đồng thời. (1) sự sa ngã trong cõi đời đời của Satan (Giuđe 4), (2) sự giảng đạo của Nôê trước nước lụt (Giuđe 5) và (3) sự sụp đổ của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ (Giuđe 6).” Kaiser, Hard Sayings of the Bible, Electronic ed], “thuyết dòng giống pha trộn về tôn giáo” (dòng Sết tin kính và dòng Ca-in theo thế gian), và “thuyết dòng giống pha trộn về mặt xã hội” (những quí tộc nam chuyên chế và những người nữ bình dân xinh đẹp). Mỗi thuyết nầy đều có những nan đề đặc biệt của nó. Chìa khoá cho sự phân biệt cách giải thích nào là tốt nhứt quyết định nó có những nan đề ít rắc rối nhất, và phản ảnh chính xác nội dung của phân đoạn nầy và cả Kinh thánh.
Sáng thế ký 6 bắt đầu bằng cách đặt tên cho hai nhóm đối lập: “con trai của Đức Chúa Trời” và “con gái loài người”. Cho nên chẳng phải là tình cờ khi Sáng thế ký 4-5 cũng mô tả hai nhóm, dòng dõi của Ca-in and Sết. Ở 4.1-24, chúng ta thấy rằng dòng dõi của Ca-in thiếu mất những thuộc tính tích cực về mặt thuộc linh. Họ đã sống theo đời nầy, ích kỷ, tham dục, và uy quyền cho bản thân họ. Tuy nhiên, dòng dõi Sết, lại có những thuộc tính nên thánh, tin kính, tương giao, phục vụ, và sự công bình đối với Đức Chúa Trời (4.25). Khi nhận biết nội dung nầy, chúng ta có thể nhận ra dòng dõi Sết là “con trai của Đức Chúa Trời” [Trong khi cụm từ có tính thuật ngữ “con trai của Đức Chúa Trời” không được dùng trong Cựu Ước nói tới con người, có vài phân đoạn sử dụng cách nói tương đương. Youngblood lưu ý: “Trong Phục truyền luật lệ ký 14.1 Môise nói với dân Israel: ‘Các ngươi là con cái (sát nghĩa, “các con trai”) Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi’. Phù hợp với tội lỗi của họ câu Kinh thánh nói rằng họ ‘chẳng phải con trai của Ngài nữa’ (Phục truyền luật lệ ký 32.5). Ở chỗ khác tác giả Thi thiên nói với Đức Chúa Trời dưới những cảnh ngộ nhất định nào đó ông ‘sẽ phạm tội bất trung cùng dòng dõi con cái Chúa (sát nghĩa, “các con trai”)’ (Thi thiên 73.15). Êsai 43.6 trưng dẫn Đức Chúa Trời phán: ‘Hãy đem các con trai ta về’. Rồi trong Ôsê 1.10 dân Israel được gọi là ‘con trai của Đức Chúa Trời hằng sống’. Bằng chứng trong Tân Ước luôn mạnh mẽ hơn. Trong Luca 3.38 A-đam được gọi là ‘con Đức Chúa Trời’. Cơ đốc nhân được đề cập tới là ‘con cái Đức Chúa Trời’ (I Giăng 3.1, 2, 10). Nhưng phân đoạn ấn tượng nhất là tiểu đoạn Luca 20 mà chúng ta đã trưng dẫn trước đây. Ở đó chúng ta đọc thấy người nào được kể ‘đáng dự phần về đời sau và đáng từ kẻ chết sống lại, thì không lấy vợ gã chồng, bởi họ sẽ không chết được nữa; vì giống như các thiên sứ’. Họ là con cái của Đức Chúa Trời (sát nghĩa, “con trai của Đức Chúa Trời”) (Luca 20.34-36). Bản văn tự nó cho chúng ta thấy rằng con người, dù không phải là thiên sứ, chính là ‘con trai của Đức Chúa Trời’”. Xem Ronald F. Youngblood, The Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1991), 82. Hãy xem Mathiơ 5.9; Rôma 8.14, 19; Galati 3.26]. Họ là tuyển dân của Ngài trong kỷ nguyên tiền-Nước Lụt. Tuy nhiên, dòng dõi Ca-in, đã tự mình tẻ tách ra khỏi Đức Chúa Trời. Buồn thay, phân đoạn Kinh thánh nầy dạy rằng các dòng dõi của Sết đã kết hôn với dòng dõi của Ca-in. Qua những cuộc hôn nhân pha trộn về mặt thuộc linh như thế nầy, dòng dõi Sết đã thất bại không còn giữ được sự trong sạch và thành thực đối với sứ mệnh của họ nữa. Họ đã hủy hoại chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời (3.15), chỉ còn Nôê là người công bình duy nhứt đang sống giữa vòng họ (6.9). Đức Chúa Trời đã bảo tồn phổ hệ của Đấng Mêsi bằng cách sai Nước Lụt đến để giải cứu Nôê cùng gia đình của ông, và để xét đoán những linh hồn không chịu ăn năn (I Phierơ 3.20).
Cho phép tôi được nói rõ hơn. Thế gian đã trở nên gian ác đến nỗi có nhiều người nam tin kính đã bắt đầu lấy những người nữ bất kỉnh làm vợ [Đây không phải là tội lỗi đã gây ra Nước Lụt đâu, nó góp phần như một minh hoạ cho cách ứng xử bất kỉnh của con người đấy thôi]. Theo tiếng Hy bá lai thì đọc là: “thấy…đẹp…cưới”. Tội lỗi của họ cứ lặp đi lặp lại khuôn mẫu (“thấy…đẹp…cưới”) của nguyên tội ở 3.6. Họ đã bị tư dục lèo lái, chớ không phải sự phân biện thuộc linh [Bruce K. Waltke, Genesis. A Commentary (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 117].
Mối lo cưới hỏi là lẽ đạo quan trọng đã được lặp đi lặp lại xuyên suốt sách Sáng thế ký (24.1-4; 28.1; đối chiếu 19.14; 26.34-35; 27.46) [Paul Wright, ed., Genesis. Shepherd’s Notes (Nashville. Broadman, 1997), 27]. Khi bạn nhìn vào 5 sách đầu tiên của Kinh thánh, là Ngũ Kinh, có nhiều lời cảnh cáo mà Môise đưa ra nghịch lại với việc hôn phối giữa người tin Chúa và kẻ không tin (xem Sáng thế ký 26 và 34). Đúng là mạng lịnh liên tục của Đức Chúa Trời về hôn nhân, xuyên suốt Kinh thánh, cho những ai được kêu gọi bằng danh của Ngài? Cưới hỏi chỉ trong đức tin mà thôi. Môise đã cảnh cáo dân Israel đừng cưới những dân trong xứ chuyên thờ lạy hình tượng làm vợ, vì, Xuất Êdíptô ký 34.16 chép: “Lại đừng cưới con gái chúng nó cho con trai ngươi, e khi con gái chúng nó hành dâm với các tà thần chúng nó, quyến dụ con trai ngươi cũng hành dâm cùng các tà thần của chúng nó nữa chăng”. Trong Exơra 9, Exơra đã bầm gan giận dữ khi ông hay rằng dân Israel đã ăn ở với những người nữ ngoại đạo. Ông viết: “Vì chúng có lấy những con gái họ làm vợ của mình, và làm vợ con trai mình. Dòng dõi thánh đã pha lộn như vậy với dân tộc của các xứ nầy” (Exơra 9.2a). Phaolô đã cảnh cáo những người đàn bà goá ở thành Côrinhtô, I Côrinhtô 7.39, chỉ cưới hỏi ở trong Chúa. Ông nói, đừng mang ách chung với kẻ chẳng tin. Tại sao? Vì, II Côrinhtô 6.14 chép: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?”
Tại sao thành hôn với một Cơ đốc nhân là quan trọng? Vì cớ những gì đã xảy ra với Sa-lô-môn, Vua Israel, khi ông lấy những người nữ dân Ngoại làm vợ. Câu chuyện buồn rầu của Sa-lô-môn đã được ghi lại trong I Các Vua 11.1-4: “Ngoài con gái của Pha-ra-ôn, vua Sa-lô-môn lại còn thương mến nhiều người nữ của dân ngoại: tức là người nữ Ê-đôm, Si-đôn, và Hê-tít. Chúng nó thuộc về các dân tộc mà Đức Giê-hô-va có phán với dân Y-sơ-ra-ên rằng: Các ngươi và chúng nó giao thông với nhau; vì chúng nó hẳn sẽ quyến dụ lòng các ngươi hướng theo các thần chúng nó. Sa-lô-môn tríu mến những người nữ ấy. Người có bảy trăm hoàng hậu, và ba trăm cung nữ; chúng nó bèn làm cho người trở lòng. Trong buổi già yếu, các hoàng hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác: Đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, lòng người chẳng trọn lành như thể lòng của Đa-vít, là cha người”.
Làm ơn đừng nghĩ bạn là khôn ngoan hơn con người bậc nhất kia đã từng sống. Bạn sẽ không là ngoại lệ đâu. Không bao giờ, đừng bao giờ cưới một người không tin Chúa làm vợ! Không một điều gì làm cho bạn trôi đi nhanh hơn; không một điều gì sẽ hủy diệt gia đình bạn nhanh hơn một người vợ hay một người chồng thường xuyên lôi kéo bạn và con cái của bạn tẻ tách ra khỏi Chúa. Và không một điều gì sẽ khiến cho bạn ra cô đơn hơn. Và hết thảy chúng ta đều biết rõ điều nầy, và hết thảy chúng ta đều gật đầu đồng ý, thế mà điều nầy lại xảy ra cho lớp người trẻ của chúng ta hết lần nầy đến lần khác! Tại sao? Kinh thánh nói gì? Họ đã nhìn thấy, và rồi họ đã cưới! Hỡi những người trẻ tuổi, hãy lập một giao ước với mắt mình không đem lòng yêu đương với một hình ảnh nào đẹp đẽ hết. Hãy lập một lời hứa với lòng và với Đức Chúa Trời, hãy nhìn qua bên kia ánh mắt đã trang điểm, bên kia bờ môi son, bên kia tất cả những vẽ bề ngoài giả tạo kia, và thay vì thế hãy đem lòng yêu đương với người có tâm thần dịu dàng, bình lặng, với vẽ đẹp bề trong sẽ còn mãi, với một người nữ nào biết kính sợ và hầu việc Chúa cách trung tín cùng với bạn. Hỡi những người nữ trẻ tuổi, đừng nói rằng người bạn trai chưa tin Chúa kia đối xử với bạn tốt hơn những người bạn trai Cơ đốc đối xử. Đấy không phải là vấn đề đâu! Đức Chúa Trời vốn quan tâm sâu sắc với sự thánh khiết của bạn hơn là hạnh phúc của bạn đấy.
Trong 6.3, Môise tiếp tục câu chuyện nầy với những lời lẽ như sau: “Đức Giê-hô-va phán rằng: Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn; trong điều lầm lạc, loài người chỉ là xác thịt; đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi”. Có hai sự giải thích về cụm từ: “đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi”. Một sự khả thi, ấy là 120 năm có thể ám chỉ đến giới hạn tuổi tác mới dành cho con người [Walton chỉ ra: “Gần hàng trăm câu chuyện nói tới ‘thọ’ số nhiều với một đại từ tiếp vĩ ngữ, gần như là nói tới chiều dài của đời sống. Ở Phục truyền luật lệ ký 12.19 là một ngoại lệ, ở đây gắn liền với sự chiếm lấy đất của Israel. Giống như phần điệp khúc của chương 5: ‘X hay Y hưởng thọ được …, rồi qua đời’, độc giả mới nhìn thấy rõ công thức hưởng thọ nầy” John H. Walton, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 296]. Cần phải bàn bạc khi đem 6.3 đối chiếu với 3.22, ở đây việc ăn Cây Sự Sống sẽ tạo ra sự bất tử. Đây là chứng cớ cho thấy, sau Nướt Lụt tuổi tác đã được ghi lại có phần sút giảm. Trong khi Giô-sép sống chưa tới 120 năm trong Sáng thế ký (50.26), ở phần cuối sách Ngũ Kinh, Môise qua đời lúc 120 tuổi (Phục truyền luật lệ ký 34.7) [Sailhamer lưu ý: “Thật là thú vị khi thấy rằng đây là lần đầu tiên Đức Giêhôva đã phán dạy kể từ 5.2, là chỗ, sau khi dựng nên người nam và người nữ, Ngài ‘gọi họ là người nam [A-đam].’ Trong câu nói ấy từ ngữ ‘người nam’ (Ađam) rõ ràng đã có một phạm vi rộng rãi (‘nhân loại’) hơn là cá nhân (‘Ađam’) trong chương 4. Trong phần còn lại của chương 5, tiêu điểm của tác giả là nhắm vào đời sống của những cá nhân một lần nữa, vì thế trong 5.3 ông đã ngay lập tức hướng thẳng vào gia phổ của Ađam, cá nhân. Vì vậy, chỉ trong câu 3, khi Đức Chúa Trời phán dạy lần thứ nhì, tiêu điểm của từ ngữ ‘người nam’ (Ađam) một lần nữa nhắm vào ‘nhân loại’ như một tổng thể. Mục đích, ấy là giữa hai câu nói nầy của Đức Chúa Trời về nhân loại, tác giả đã đưa ra bảng danh sách của 10 cá nhân quan trọng, những người mà tuổi thọ của họ đứng nghịch lại với ‘một trăm hai mươi năm’ tuổi thọ của “nhân loại”. Phần kết của sự sắp đặt câu chuyện, ấy là Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự vào (yadon) với những người nầy, Ngài ban cho họ số năm tuổi thọ chớ không phải ‘xác thịt’ của chính họ. Tuy nhiên, thực tại đáng buồn của câu chuyện, ấy là tuổi thọ như thế không thuộc về con người như một tổng thể mà thuộc về một kỷ nguyên khác. Tuổi thọ của 10 nhân vật quan trọng trong chương 5 đã được tỏ ra như thế làm thành ngoại lệ thay vì là luật. Vì vậy, đời sống của con người sẽ là ‘một trăm hai mươi năm’ thôi. Một đời sống ngắn ngủi như vậy, khi sánh với tuổi thọ của chương trước, đánh dấu sự sa ngã của con người và sự họ tẻ tách ra khỏi Đấng Tạo Hoá của họ” Sailhamer, Genesis, Electronic ed]. Quan điểm khác, ấy là 120 năm có ý nói tới thời gian còn lại giữa lời công bố nầy về sự phán xét và sự đến của Nước Lụt. Tham khảo đến sự kiên nhẫn của Đức Giêhôva trong I Phierơ 3.20 dường như khẳng định quan điểm nầy. Câu nầy nhắc cho chúng ta nhớ tới lẽ thật trong Xuất Êdíptô ký 34.6: “Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực”. Tuy nhiên, có thể là con người đã với tới điểm không quay trở lại được như thế nầy và sự phán xét không thể tránh khỏi được [Youngblood, The Book of Genesis, 83].
Một vấn đề khác cần phải giải quyết là: Ai là “Nephilim” (Người cao lớn trên mặt đất?) Trong 6.4, Môise viết: “Đời đó và đời sau, có người cao lớn trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn ở cùng con gái loài người mà sanh con cái; ấy những người mạnh dạn ngày xưa là tay anh hùng có danh”. Trước khi trả lời cho câu hỏi nầy, cần phải hiểu rằng 6.4 là câu nói nằm trong dấu ngoặc đơn. Câu nầy không nói người cao lớn trên mặt đất là dòng dõi của các con trai Đức Chúa Trời và con gái của loài người. Thay vì thế, họ là những người đồng thời của các con trai Đức Chúa Trời và con gái của loài người đã sống trên đất khi các con trai của Đức Chúa Trời phạm tội [Walter A. Elwell, ed., Evangelical Commentary on the Bible (Grand Rapids. Baker, 1989), Electronic Ed]. Môise rất cẩn thận khi chép lại rằng: “Đời đó và đời sau, có người cao lớn trên mặt đất”. Với câu nói ấy, từ ngữ Nephilim (người cao lớn trên mặt đất) chỉ xảy ra ở đây và trong Dân số ký 13.33, ở đây đề cập tới các con trai của A-nác, họ là người có vóc dáng giềnh giàng [Bản Kinh thánh KJV, NKJV, và NLT dịch từ ngữ Hy bá lai nephilim, là “giềnh giàng”. Tuy nhiên, nó cũng được dịch là nephilim. Từ ngữ bình thường nói tới người khỗng lồ là rapha. Cho nên, những người như Óc và Gô-li-át đã được mô tả bởi từ ngữ rapha (xem Phục truyền luật lệ ký 3.11; I Sử ký 20.6)]. Tuy nhiên, trong Sáng thế ký 6.4, một từ ngữ xác định người Nephilim. Từ ngữ Hy bá lai là Gibborim. Từ ngữ gibborim ra từ chữ gibbor, có nghĩa là “người có sức mạnh, dũng cảm, giàu có hay quyền thế” [“Hạng người có danh tiếng” nói tới “những người nổi tiếng” và mô tả một người với một thuộc tính rất đặc biệt (I Sử ký 12.30), và cũng là những cá nhân sử dụng ảnh hưởng của họ cho các mục đích xấu (Dân số ký 16.2, 3; I Sử ký 5.24, 25)]. Trong Sáng thế ký 10.8, Nim-rốt là một gibbor đó. Ông cũng là một vị vua trong vùng đất Si-nê-a. Vì vậy, ý nghĩa của Nephilim-Gibborim không phải là “giềnh giàng” mà có ý nghĩa là “hoàng tử” “nhà quí tộc” hay “hạng người đánh kính” hơn (nghĩa là, những chiến binh dũng cảm, các anh hùng, hay những con người có sức mạnh) [Kaiser, Hard Sayings of the Bible, Electronic ed]. Những nhân vật nầy là hạng người nổi tiếng ở trên đất. Trong xã hội chúng ta ngày nay, điều nầy sẽ bao gồm cả những nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên và vận động viên.
[Mục đích chính của các câu nầy, cùng những nhân vật được chỉ ra ở đây cho thấy rằng con người đang giảm sút về mặt đạo đức và về mặt thuộc linh [Michael Eaton, Preaching Through the Bible. Genesis 1-11 (Kent, England. Sovereign World, 1997), 124]. Vì thế, điều nầy lãnh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải sửa soạn đối với sự phán xét của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng phải …]
2. Lĩnh hội các đường lối của Đức Chúa Trời (6.5-8). Đức Chúa Trời phản ứng ra sao trước tình trạng tội lỗi của loài người? Trong 6.5-8, Môise chia sẻ bốn phương thức [Bốn mục đích nầy được rút ra rừ Eaton, Genesis 1-11, 124]. Thứ nhứt, Đức Chúa Trời chú ý đến tội lỗi. Ở 6.5, Môise viết: “Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”. Sáng thế ký 6.5 có lẽ là câu nói mạnh mẽ nhất trong toàn bộ Kinh thánh! [Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 58]. Nửa câu đầu tỏ ra tội ác của con người theo diện rộng đã rãi khắp thế gian. “Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều”(6.5a). Nửa câu sau nhấn mạnh rằng tội lỗi đã ngấm vào rất sâu, sâu trong tấm lòng của từng người một. “…và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” (6.5b) [Arnold, Encountering the Book of Genesis, 58]. Phân đoạn nầy nói rằng tội lỗi lan khắp từng lỗ chân lông của con người [Paul R. House, Old Testament Theology (Downers Grove, IL. InterVarsity, 1998), 68]. Từ chìa khoá trong câu nầy là chữ “ý tưởng” (yeser). Hình thức danh từ của chữ nầy đã được sử dụng ở 2.7 khi dựng nên loài người— Đức Chúa Trời đã dựng nên con người theo ý định (yasar), nhưng họ đã lấy các khả năng Đức Chúa Trời ban cho rồi mưu ác liên tục [Allen P. Ross, Creation &Blessing (Grand Rapids. Baker, 2002 [1988]), 184]. Từ ngữ nầy ra từ động đừ mô tả người thợ gốm đang tạo hình và nắn đúc cái bình (Êsai 29.16). Có phần nhấn mạnh trên tình trạng gian ác của con người. Các chữ “rất nhiều”, “luôn” chỉ ra tình trạng hư hoại đang thiêu đốt con người. Về sau, trong 8.21, Môise trưng dẫn một tiểu đoạn của 6.5 và lưu ý rằng cụm từ “chỉ xấu luôn” hay “lúc nào cũng vậy” (bản Kinh thánh NIV) có ý nói tới “từ thuở nhỏ” trở đi. Nguyên tội giữa vòng con người đã bắt đầu với A-đam và Ê-va, nhưng mỗi một người chúng ta đang dự phần vào nguyên tội theo cách suy nghĩ khác khi chúng ta bắt đầu bày tỏ ra những dấu vết tội lỗi sau khi chúng ta vào đời. David đã xưng nhận sự thực ấy sau khi ông phạm tội tà dâm với Bát-sê-ba: “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác, mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi” (Thi thiên 51.5; cũng xem 58.3) [Youngblood, The Book of Genesis, 84].
Bạn có thể hình dung được một thế giới mà ở đó từng thành viên trong gia đình sẽ đánh nhau vì miếng bánh bao lớn nhất. Ở đó không một ai để cho người khác nổi bật trong dòng lưu thông ngoài đường phố? Ở đó phá thai sẽ được chấp nhận như một công cụ của sự thích thú? Ở đó, việc thủ tiêu những người già cả và ốm yếu sẽ được tôn cao như một hành động thương xót? Ở đó, những việc kiện tụng sẽ xảy ra rất thông thường giống như mua vé xe vậy? [Anne Graham Lotz, God’s Story (Nashville. Word, 1999 [1997]), 158]. Tất nhiên, là bạn có thể hình dung được một thế giới như vậy đó … bạn sẽ sống trong đó! Thế giới của chúng ta đã loại trừ Đức Chúa Trời và chỉ nhắm vào cái tôi của mình mà thôi [Một trong những mô tả mạnh mẽ khác về tội ác của con người trong Kinh thánh được thấy ở Êsai 59. Chương nầy bắt đầu với sự khẳng định ai cũng biết rõ, rằng tội lỗi đang phân rẽ chúng ta ra khỏi Đức Chúa Trời. Suốt phần còn lại của chương, có những định nghĩa rất đặc biệt về tội lỗi: bất lương, bạo lực, chống đối, và nổi loạn. Nhưng ở giữa chương nầy, có câu nói nầy ở 59.7: “Tư tưởng họ là tư tưởng gian tà”. Tội lỗi họ đang phạm, tìm được năng lực gốc trong tội lỗi mà họ đang tư tưởng đến. Lý trí không được lẽ thật của Đức Chúa Trời cai quản, mà đầy dẫy với những tư tưởng gian tà – gây ra một trận lụt khủng khiếp là hậu quả. Chúa Jêsus phán “từ bên trong” mà ra những ác tưởng trong cách xử sự của con người (Mác 7.20-23). Để tránh điều nầy: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra” (Châm ngôn 4.23). Chính trách nhiệm của tôi là phải bảo vệ tâm trí của mình, bằng cách sử dụng lẽ thật của Đức Chúa Trời để tự bảo vệ mình chống lại những đòn tấn công của Ma quỉ].
Thứ hai, Đức Chúa Trời buồn rầu về tội lỗi. Ở 6.6, Môise viết: “thì tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng”. Hãy chú ý sự đối ngược giữa tấm lòng của kẻ ác và tấm lòng của Đức Chúa Trời [Ross, Creation & Blessing, 184]. Điều nầy chẳng có gì phải hối tiếc cả, trừ ra phản ứng của những người biết yêu thương sâu sắc [Arnold, Encountering the Book of Genesis, 58]. Thuật ngữ nầy là cách nói yêu thương; cách nói đó cho thấy rằng Đức Chúa Trời không thay đổi (Malachi 3.6).
Từ ngữ được dịch là “buồn rầu” có ý nói “giận phẫn nộ”. Từ ngữ được sử dụng để bày tỏ hình thái cảm xúc mãnh liệt nhất của con người, một sự pha trộn của thạnh nộ và cay đắng giận dữ. Các anh của Đi-na đã cảm nhận theo cách nầy khi nàng bị hãm hiếp; Giô-na-than cũng thế khi chàng nghe thấy Sau-lơ hoạch định giết David, và David đã phản ứng tương tự khi chàng hay tin Áp-sa-lôm ngã chết (34.7; I Samuên 20.34; II Samuên 19.3). Một người vợ bị để sẽ cảm nhận theo cách nầy (Êsai 54.6). Từ ngữ được sử dụng để nói tới sự buồn rầu của Đức Chúa Trời (63.10). Chỉ ở đây động từ được bổ sung bằng mệnh đề “trong lòng”, nhấn mạnh năng lực trong phản ứng của Đức Chúa Trời đối với tình trạng tội lỗi của loài người [Wenham, Genesis 1-15, 144-145]. May thay, sự hy sinh của Đấng Christ sẽ làm cho cơn phẫn nộ cay đắng của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi phải bình lại (xem 8.21) [Waltke, Genesis, 119].
Nhiều người đã giật mình khi họ đọc thấy rằng Đức Giêhôva “buồn rầu” hay “ăn năn” vì Ngài đã dựng nên người nam và người nữ ở trên đất. Tình trạng không dời đổi hay không thay đổi của Đức Chúa Trời sẽ được dạy dỗ như thế nào trong phân đoạn Kinh thánh nầy? Kinh thánh thường xuyên sử dụng cụm từ “Đức Chúa Trời ăn năn” [Thí dụ, Xuất Êdíptô ký 32.14; I Samuên 15.11; Giêrêmi 26.3, 13, 19; Giôna 3.10]. Gốc rễ Hy bá lai (nacham) nằm ở đàng sau những từ ngữ được dịch khác nhau như: “mủi lòng”, “ăn năn”, “cảm thấy nao lòng”, và “buồn rầu”. Trong nguồn gốc của nó, từ ngữ đã phản ảnh được ý tưởng hà hơi cách sâu sắc. Chữ đó chỉ ra cách bày tỏ hữu hình về những cảm xúc của một người — buồn bã, thương xót, hay yên ủi. Khi Kinh thánh nói rằng Đức Chúa Trời ăn năn, ý tưởng ở đây là các cảm xúc của Ngài đối cùng ai đó hay nhóm người nào đó đã thay đổi, khi đáp ứng lại một số thay đổi nào đó nơi đối tượng của hành động Ngài hay bực trung bảo xen vào (thường bởi chiều hướng và chương trình của Ngài). Thường thì trong chính những phân đoạn tuyên bố sự ăn năn của Đức Chúa Trời có một sự chối bỏ chắc chắn đối với chương trình, mục đích, hay nhân vật thuộc về Đức Chúa Trời [Như Kaiser lưu ý: “I Samuên 15.29 nhắc cho chúng ta nhớ rằng “Vả lại, Đấng phù hộ Y-sơ-ra-ên chẳng nói dối, và không ăn năn; vì Đấng ấy chẳng phải loài người mà ăn năn!” Tuy nhiên Samuên đưa ra câu nói đúng vào ngày Đức Giêhôva phán cùng ông rằng Ngài rất buồn rầu vì Ngài đã lập Sau-lơ làm vua (I Samuên 15.11, chữ nghiêng là của tác giả)”. Kaiser, Hard Sayings of the Bible, Electronic ed]. Từ nhận định của con người, cho thấy cách sử dụng từ ngữ nầy chỉ ra rằng Đức Chúa Trời đã thay đổi mục đích của Ngài, nhưng sử dụng cách nói “ăn năn”, khi dùng nói tới Đức Chúa Trời, là anthropopathic (nghĩa là, một cách mô tả Chúa chúng ta theo những giới hạn của con người).
Hết thảy những điều nầy là nói: sự buồn rầu của Đức Chúa Trời là phải đưa ra hành động [Gordon Wenham, Genesis 1-15. WBC (Waco, TX. Word, 1987), 144]. Đức Chúa Trời là một Thân Vị sống động, và vì thế, Ngài có thể là thực thi sự thay đổi khi tình huống đòi hỏi điều đó. Ngài không thay đổi trong phẩm tính, thân vị hay chương trình của Ngài. Nhưng Ngài có thể và đang đáp ứng lại với những đổi thay của chúng ta [Kaiser, Hard Sayings of the Bible, Electronic ed]. Tấm lòng của Cha chúng ta ở trên trời tan vỡ khi chúng ta sống bất tuân đối với Ngài. Khiến cho Ngài buồn rầu như thế theo ánh sáng của những gì mà Ngài đã làm cho chúng ta trong Đấng Christ chính là đỉnh cao của sự vô ơn (xem Êphêsô 4.30) [Youngblood, The Book of Genesis, 84].
Thứ ba, Đức Chúa Trời xét đoán tội lỗi. Ở 6.7, Môise viết: “Đức Giê-hô-va phán rằng: Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà ta đã dựng nên, từ loài người cho đến loài súc vật, loài côn trùng, loài chim trời; vì ta tự trách đã dựng nên các loài đó”. Giống như đất phải gánh chịu mọi hậu quả tội lỗi của kẻ quản trị nó, các loài vật cũng phải chịu lây (xem 3.17). Sự phán xét của Đức Chúa Trời sẽ bao gồm một sự xoá bỏ hoàn toàn con người cùng mọi tạo vật đang tồn tại lúc bấy giờ. Sự hủy diệt mọi sự từ con người cho đến các loài thú vật phải thực thi với quyền quản trị đã được giao cho con người trên đất, vì các loài thọ tạo bất hợp lý đã được dựng nên cho Ngài và vì thế dính dáng trong sự sa ngã. Sẽ không có một đánh giá nửa vời nào trong việc xử lý với tội lỗi [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 128]. Đồi bại đòi hỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời. Sự đau buồn của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi, đặc biệt các hoạt động thờ lạy hình tượng, đang giục giã Ngài phải xoá sổ kẻ ác. Kinh thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời quan sát thế giới của chúng ta với sự nhịn nhục “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (II Phierơ 3.9b). Nhưng đừng nhầm sự nhịn nhục của Ngài để mà dung chịu đâu; hay tình yêu thương của Ngài để mà chấp nhận; hoặc sự buồn rầu của Ngài vì cớ sự yếu đuối. Có một giới hạn cho sự nhịn nhục của Ngài với thế gian, nhưng Ngài không hề chơi trò ú tim đâu, và phát ra sự phán xét của Ngài trong sự kinh ngạc của họ đâu [Lotz, God’s Story, 160].
Nếu thế giới của chúng ta, giống như thời của Nôê, cứ chọc tức sự phán xét của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ cảnh cáo chúng ta như thế nào hôm nay? Trong Cựu Ước, khi một nước tẻ tách khỏi Đức Chúa Trời, dân của nước ấy không còn đọc Lời của Ngài nữa hay không còn chú ý tới các vị tiên tri, Ngài cảnh cáo họ về sự phán xét sắp xảy đến qua những tai hoạ trên khắp xứ sở hay trong thiên nhiên, tỉ như một đạo quân đến bao vây hoặc một trận dịch cào cào. Ngày nay, Ngài cảnh cáo chúng ta cũng bằng những phương thức đó. Khi chúng ta nghe nói nước nầy vây nước kia hay một xứ tự hủy diệt thành cuộc nội chiến hay núi lửa phun hoặc sóng thần quét sạch nhiều ngôi làng hay một trận động đất xoá bỏ hoàn toàn nhiều thành phố hay một vụ cháy rừng nuốt hết hàng trăm ngàn mẫu rừng hoặc một cơn hạn hán làm cho hàng triệu mẫu đất nông trại phải co lại hoặc một bịnh dịch đe doạ quét sạch toàn bộ cư dân của một nước, có phải chúng ta nghe lời cảnh cáo của Đấng Tạo Hoá đòi hỏi: “Hãy ăn năn! Sự phán xét đang đến! Ta buộc các ngươi phải khai trình vì những đường lối gian ác, cố ý của các ngươi?” [Lotz, God’s Story, 160-161].
Sau cùng, Đức Chúa Trời ưng ban ân điển. Câu chuyện kết thúc ở 6.8 với câu nói đầy quyền lực nầy: “Nhưng Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va”. Thường thì trong các phân đoạn Kinh thánh, câu sau cùng là một câu nói tràn đầy hy vọng [Xem II Các Vua 25.27-30; II Sử ký 36.22-23; Amốt 9.13-15. Wright, Genesis. 27]. Trường hợp ở đây cũng như vậy. Từ ngữ được dịch là “ơn” (chen) cũng là chữ được dịch là “ân điển” [Tiếng Hy bá lai chen đã được dùng trong Sáng thế ký 18.3; 19.19; 30.27; 32.6; 33.8, 10, 15; 34.11; 39.4, 21; 47.25, 29; 50.4]. Thật là thú vị khi thấy từ ngữ Hy bá lai ra từ một gốc rễ có ý nói tới “khuất phục hay hạ thấp”; cho nên, sự chiếu cố hay ơn dành cho kẻ không đáng được của một nhân vật siêu đẳng cho một kẻ thấp kém được ám chỉ đến [Earl Radmacher, Ronald B. Allen, H. Wayne House, eds. New Illustrated Bible Commentary (Nashville. Nelson, 1999), 18]. Cho nên, ân điển có nghĩa là “ơn của Đức Chúa Trời ban cho kẻ không đáng được”. Ân điển ban cho chúng ta những gì chúng ta không đáng được và nâng đỡ chúng ta qua cả đời nầy.
Đây là lần nhắc nhở đầu tiên về một trong những từ ngữ tuyệt vời nhất trong Kinh thánh — ân điển, mặc dù chúng ta đã nhìn thấy nhiều trường hợp nói rất sâu xa về ân điển của Đức Chúa Trời. Từ ngữ nầy đã được dùng ở đây lần đầu tiên vì Môise muốn chúng ta hiểu rằng sự công bình của Nôê không phải là điều của riêng ông mà là một ơn của ân điển Đức Chúa Trời [Có một từ ngữ trong bản tiếng Hy bá lai (phép đảo ngữ). Chính những phụ âm trong danh của Nôê (nh) khi được đảo ngữ thì nó có nghĩa là, “ân điển” (hn). John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative (Grand Rapids. Zondervan, 1992), 122]. Chính ân điển của Đức Chúa Trời đã cứu ông. Cũng vậy, chỉ bởi ân điển của Đức Chúa Trời mà chúng ta có thể tránh thoát sự phán xét của Ngài giáng trên kẻ ác.
Tại sao chúng ta được cứu? Phaolô nói cho chúng ta biết ở Tít 3.5: “không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh”.
Con người vẫn còn ngày càng xấu hơn. Xã hội vẫn trên đà tuột dốc trừ phi Đức Chúa Trời can thiệp. Sẽ có một dấu chấm hết cho thế giới của chúng ta như đã có trong thời của Nôê. Một vị cứu tinh khi ấy đã được chọn; một Cứu Chúa hiện đang sẵn sàng lúc bây giờ. Đức Chúa Jêsus Christ. Chúa Jêsus đã cung ứng một con đường cứu rỗi, giống như Nôê đã cung cấp một con tàu vậy. Nhiều người nam người nữ đã được mời bước vào trong. Chúa Jêsus đã chịu chết trên thập tự giá, và đã trả giá vì tội lỗi chúng ta. Họ phải tin cậy chiếc tàu của Nôê. Chúng ta phải tin cậy thập tự giá của Chúa Jêsus. Họ phải bước vào bên trong chiếc tàu. Chúng ta phải bước vào bên trong thập tự giá của Chúa Jêsus. Chúa Jêsus sẽ ở cùng chúng ta giống như Nôê đã ở với những kẻ kia trong thế giới cổ. Khi chúng ta bước vào trong Chúa Jêsus, Ngài sẽ giữ cho chúng ta được an ninh (I Phierơ 3.18-22) [Eaton, Sáng thế ký 1-11, 124-125]. Nếu bạn đang tìm kiếm sự an ninh tránh mọi hậu quả của tội lỗi mình, hãy cầu xin Chúa Jêsus giải cứu bạn ngay hôm nay. Khi bạn tin cậy Chúa Jêsus làm Đấng Giải Cứu cho mình, bạn sẽ được cứu ra khỏi án phạt tội lỗi của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét