Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 5.19-25: Bước đi theo Thánh Linh - Phần 2



Tự do thực – Galati
Bước đi theo Thánh Linh - Phần 2
Galati 5.19-25
Tôi dự tính đạp thắng và giảm tốc độ lại khi chúng ta đến với chương 5 của sách Galati. Tiểu đoạn Kinh Thánh nầy nói rõ ràng tới chỗ mà phần nhiều người trong chúng ta cần phải bước đi với Đấng Christ. Tôi muốn vắt hết mọi giá trị và hấp thụ từng ứng dụng của mỗi câu mà Đức Thánh Linh đã cung ứng cho chúng ta. Vì có nhiều người không hiện diện ở đây trong tuần qua do sự khắc nghiệt của thời tiết, làm ơn cùng với tôi để ra ít phút hầu ôn lại những gì mà chúng ta đã học qua. Những điều chúng ta sẽ học trong các câu 19-26 đều dựa trên mọi sự chúng ta đã tiếp thu rồi ở các câu 13-18.
Lẽ đạo trong sách Galati là sự tự do, sự tự do thuộc linh trong Đấng Christ. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 8.36: "Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do". Chúa đã buông tha cho chúng ta được tự do đối với tôn giáo, luật lệ và nghi thức. Tuy nhiên, Ngài không buông tha cho chúng ta được tự do làm quấy, mà là làm theo điều phải. Có một mục đích cho sự tự do của chúng ta. Chúng ta không nên sử dụng sự tự do của chúng ta "làm dịp ăn ở theo tánh xác thịt", nghĩa là chúng ta không nên sử dụng sự tự do thuộc linh làm một cớ bào chữa cho những tội lỗi bê tha của mình (câu 13a); thay vì thế, mục đích sự tự do của chúng ta, ấy là chúng ta phải "lấy lòng yêu thương mà làm đầy tớ lẫn nhau" (câu 13b). Thực vậy, khi quí vị "yêu kẻ lân cận như mình" quí vị đang làm trọn "hết thảy luật pháp", là toàn bộ Cựu Ước (câu 14).
Chúng ta làm trọn luật pháp bằng cách nào? Làm sao chúng ta thức dậy vào buổi sáng với cùng mối quan tâm dành cho người khác giống như chúng ta quan tâm đến bản thân mình được? Chúng ta luôn luôn đặt mọi nhu cần của người khác trước mọi nhu cần của mình như thế nào? Làm sao chúng ta thắng hơn tánh ích kỹ vốn sâu lắng ở bên trong mỗi một chúng ta? Có một điều chắc chắn, CHÚNG TA KHÔNG THỂ LÀM ĐIỀU ĐÓ MỘT MIÌNH ĐƯỢC. Chúng ta cần quyền phép của Đức Thánh Linh ở bên trong. Đấy là lý do tại sao vị Sứ đồ nói trong 16: "Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt".
Đây là MẠNG LỊNH của chúng ta, phải "bước đi theo Thánh Linh". Tuần vừa qua, chúng ta để ý thấy rằng bước đi theo Thánh Linh cũng giống như được "Đức Thánh Linh chỉ dẫn" vậy (câu 18). Chúng ta được "Thánh Linh chỉ dẫn" chớ không như một chiếc xe dẫn đường hướng dẫn một đoàn xe đua mà như một đầu máy xe lửa kéo một đoàn tàu vậy. Khi chúng ta "bước đi theo Thánh Linh" chúng ta đang sống trong QUYỀN PHÉP CỦA NGÀI chớ không phải bằng sức riêng của mình. "Bước đi theo Thánh Linh" là cố ý chọn vâng theo Đức Chúa Trời hơn là theo những ham muốn của xác thịt mình. Khi chúng ta "bước đi theo Thánh Linh", chúng ta không "làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt" và ngược lại.
Câu 17 tỏ ra cho chúng ta thấy cuộc TRANH CHIẾN. "Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt". Hai bên "trái nhau dường ấy". Khi quí vị được cứu, Đức Thánh Linh ngự vào đời sống của quí vị và mở ra toàn bộ cuộc tấn công vào xác thịt của quí vị. Mỗi ngày, kể từ khi linh hồn quí vị trở thành một bãi chiến trường thuộc linh. Cuộc tranh chiến như thế ở bên trong là một dấu hiệu cho thấy quí vị đang là một tín đồ.
Trong tiểu đoạn Kinh Thánh hôm nay ở các câu 19-26, chúng ta thấy sự ĐỐI CHIẾU giữa các "việc làm của xác thịt" và "trái của Thánh Linh" cũng y như cuộc CHINH PHỤC vậy, sự dạy thực tế về việc làm cách nào chúng ta phải thắng hơn xác thịt bởi quyền phép của Đức Thánh Linh.
I. Phần đối chiếu của các việc làm theo xác thịt với Trái của Thánh Linh (các câu 19-23).
A. Các việc làm của xác thịt (các câu 18-21).
Ở bên trong mỗi một chúng ta là ham muốn lấy cái tôi làm trọng, bê tha, chỉ quan tâm đến bản thân mình, mong làm thoả mãn những khát khao ở bên trong với mọi giá và loạn nghịch chống lại Đức Chúa Trời. Kinh Thánh gọi phần nầy của con người là "xác thịt" và nó đề cập tới nhiều việc hơn là xương cốt, thịt da, và cơ bắp của chúng ta. Đây là cốt lõi của sự sống chúng ta. Mặc dù tôi có thể nhìn thấy phần thân thể vật lý của quí vị, tôi không thể nhìn thấy chi thể của quí vị mà Kinh Thánh gọi là "xác thịt". Cái mà tôi có thể nhìn thấy, ấy là "các việc làm của xác thịt" vì như Phaolô nói, các việc ấy là "rõ ràng" đối với mọi người.
Vấn đề với con người không phải là môi trường sống, mà là tấm lòng của họ. Vấn đề không phải là những gì trông thấy ở bề ngoài, mà là những gì có ở bên trong. Thế gian nói con người về mặt cơ bản là thiện. Đức Chúa Trời nói con người về bản chất là ác. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải được cứu, chúng ta cần có một tấm lòng mới!
Quay sang Mác 7.20-23. Chúa Jêsus phán: "Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người! Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người".
Nói cách khác, con người làm cho môi trường mình dơ dáy, môi trường không làm dơ dáy con người. Nhà cầm quyền và xã hội đã thêu dệt sự giả dối cho rằng nếu chúng ta có thể làm sạch môi trường ắt điều ác sẽ bị trục xuất. Triết lý tầm thường đời nầy cho rằng nếu con người có một nền giáo dục tốt hơn, công ăn việc làm tốt hơn, nhà cửa tốt hơn, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, v.v…. họ sẽ trở thành hạng người tốt hơn. Đây là một sự dối trá. Mọi sự chỉ tạo ra thêm nhiều tội nhân có học vấn, mạnh giỏi hơn và giàu có hơn mà thôi! Quí vị không thể trộn một vấn đề nội tại với một cách cứu chữa ngoại tại được. Đấy là lý do tại sao tôi đã lấy làm lạ bởi chương trình nghị sự của Tổng Thống chúng ta dành cho các chương trình xã hội “dựa theo đức tin”. Dường như ông ấy hiểu rằng trừ phi một người đến với đức tin, trừ phi Đức Chúa Trời làm sạch tấm lòng của người ấy, chẳng một điều gì khác sẽ giúp đỡ cho người ấy được.
Trở lại với phân đoạn Kinh Thánh gốc, Phaolô cung ứng cho chúng ta một danh sách, thực ra là ba danh sách nói tới "các việc làm của xác thịt". Có những tội lỗi về tình dục, tội lỗi về tôn giáo và tội lỗi trong xã hội. Đây không phải là những bảng danh sách có tính toàn diện đâu. Trong câu 21 Phaolô thêm dấu v.v.…"…cùng các sự khác giống những vậy". Có những cách ứng xử bình thường nơi những người chưa tin Chúa, nhưng chúng lại trở thành bất bình thường nơi những người tin Chúa vì chúng ta cần phải "bước đi theo Thánh Linh". Mỗi người không được dính dáng tới những tội lỗi nầy, mỗi người cũng không nên bày tỏ chúng ra. Tuy nhiên, mỗi người lại mẫn cảm với chúng.
Trước tiên chúng ta hãy xét qua bốn TỘI LỖI VỀ TÌNH DỤC trong câu 19. "Gian dâm" tất nhiên là mối quan hệ về tình dục chối bỏ và làm tan vỡ lời thề hôn ước. "Gian dâm" cũng được dịch là "vô luân" trong các bản dịch hiện đại rút ra từ chữ Hy lạp porneia từ đó chúng ta có từ ngữ tiếng Anh "pornography" và "pornographic" [khiêu dâm]. Đây là một từ ngữ rộng rãi trong Tân Ước đề cập tới đủ loại sinh hoạt bất chính về tình dục, mọi sự từ tà dâm đến đồng tính luyến ái đến hành động thú tính. "Ô uế" có nghĩa là "bất khiết". Nó ra từ một chữ theo sát nghĩa đề cập tới bùn ở cửa biển, những chỗ lở loét của âm hộ. Điều nầy ngược lại với ai đó vốn thanh sạch và thuần khiết về tình dục. "Luông tuồng" đề cập tới việc thiếu đoan trang và dè dặt, thiếu thùy mị. Hết thảy những điều nầy thêm vào tội bê tha về tình dục với bất kỳ nỗi xấu hổ nào hoặc chẳng quan tâm tới ai khác trừ ra cái tôi của mình.
Tình dục không có gì sai trái, xấu xa hay bẩn thỉu cả. Thực vậy, Đức Chúa Trời là Đấng phác thảo tính dục của con người. Được sử dụng như cách thể hiện tình yêu thương trong mối quan hệ hôn nhân, tình dục là một trong những sinh hoạt đẹp đẽ và mỹ mãn nhất của con người. Thực vậy, Hêbơrơ 13.4 chép: "Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn quê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình".
Tình dục là một sức mạnh trong xã hội chúng ta, cho nên phương thức duy nhứt chúng ta giữ được sự trong sạch là phải "bước đi theo Thánh Linh". Từ hoạt động khiêu dâm trên Internet cho đến điều tục tiểu luồn lách vào trong gia đình của chúng ta theo đường cáp truyền hình hay vệ tinh, chúng ta bị dồn dập với nhiều hình ảnh dâm dật. Vợ tôi và tôi đang cố gắng nuôi dạy hai đứa con gái trở nên những phụ nữ mẫu mực, tin kính. Quí vị có biết khó khăn dường nào khi một thiếu nữ Báptít như Brittany Spears chỉ tỏ mình có nửa giờ trong buổi thờ phượng không? Chúng ta sống trong một thời điểm mà vị Tổng Thống chẳng có chút ăn năn gì đối với việc yêu đương lăng nhăng tại văn phòng làm việc và một vị "giáo sĩ" nọ ở cấp lãnh đạo lại có con ngoài giá thú. Những tội lỗi về tình dục không còn là thô tục nữa, người ta còn trông mong chúng nữa là.
Allan Petersen, trong quyển The Myth of the Greener Grass, thuật lại câu chuyện nói về một nhóm phụ nữ đã có gia đình, họ cùng ăn trưa với nhau. Có bà hỏi: "Trong các chị có bao nhiêu người chung thủy với chồng qua cuộc sống hôn nhân?" Chỉ có một trong 12 bà đưa tay lên. Ở tại nhà buổi tối hôm ấy, một trong mấy bà không đưa tay lên đã nói với chồng mình về bữa ăn trưa, câu hỏi và đáp ứng của mình. Bà mau mắn nói thêm: "Nhưng, em có chung thủy". Ông chồng hỏi: "Thế tại sao em không đưa tay lên?" Bà đáp khi nhìn xuống: "Em thấy xấu hổ".
Hết thảy chúng ta đều biết những cuộc hôn nhân, con cái và nhiều nhà thờ đã bị rơi vào chỗ khó khăn do tội lỗi về tình dục. Trong những lúc như thế nầy, chúng ta phải, chúng ta PHẢI "bước đi theo Thánh Linh" hoặc nhiều người trong chúng ta chắc chắn sẽ "làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt".
Kế đó trong câu 20, chúng ta thấy những TỘI LỖI VỀ TÔN GIÁO, "thờ hình tượng" và "phù phép". "Thờ hình tượng" còn hơn cả việc thờ lạy hình ảnh được chạm khắc nữa. Sự thờ lạy nầy đặt bất cứ thứ gì lên trên Đức Chúa Trời. "Phù phép" [ma thuật – theo bản Kinh Thánh KJV] ra từ chữ Hy lạp pharmakeia từ đó chúng ta có chữ "pharmacy" và "pharmaceutical". Chữ nầy được sử dụng chỉ về thuốc men nhưng lại được sử dụng nói tới loại ma túy làm đổi tánh gắn với các tà giáo.
Trong các câu 20b-21a, chúng ta thấy một danh sách TỘI LỖI TRONG XÃ HỘI nhắm vào các mối quan hệ của chúng ta với người khác. Có "thù oán", một thái độ xấu mở đường cho "tranh đấu" hay tranh cạnh. "Ghen ghét" đề cập tới sự tham muốn những gì thuộc về người khác. "Buồn giận" là những điều gây cấn xấu xa, tức tối của điều ác ở bên trong mỗi người. Có phải điều nầy từng diễn ra trong gia đình hay nơi sở làm của quí vị? Khi nó xảy ra, quí vị không bước đi theo Thánh Linh. Thêm nữa, có "cãi lẫy" đặt cái tôi và những thiếu thốn của quí vị trước mặt ai đó. Có "bất bình", những vấn đề dễ kích động và gây ra sự tưởng tượng giữa nhiều người. "Bè đảng" ở đây trong bản Kinh Thánh NKJV được dịch hay hơn là "chia thành từng mãnh nhỏ", một lần nữa ám chỉ tới việc gây ra sự tranh cạnh và chia rẽ. Tít 3.10-11 chép: "Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo một hai lần rồi, thì hãy lánh họ, vì biết rằng người như thế đã bội nghịch mà cứ phạm tội, thì tự đoán phạt lấy mình". "Ganh gỗ" trong Vườn Êđen dẫn tới vụ giết người đầu tiên trong những vụ "giết người".
Phaolô đặc biệt nhắc tới "say sưa" và hai lần với "mê ăn uống" hay ăn uống no say, có thể là nhắc tới cuộc truy hoan say sưa về tình dục chuyển sang thờ lạy các tà thần trong khu vực xứ Galati. Theo một ý nghĩa chung chung, điều nầy có nghĩa là "say sưa và phóng đãng bừa bãi".
Tất nhiên là bảng danh sách nầy và ba danh mục phụ nữa chưa phải là đủ hết đâu. Phaolô nói: "cùng các sự khác giống như vậy" hay "nhiều tội lỗi khác tương tự". Những tội lỗi nầy hết thảy đều là những sự cám dỗ rất thực đối với người thành Galati. Phaolô đã cảnh cáo họ "trước rồi" khi ông còn ở với họ. Ông "đã nói trước với họ rồi" và giờ đây ông nói cho biết một lần nữa rằng "hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời".
Quí vị có thể lên tiếng: "Thưa Mục sư, xin chờ cho một phút! Tôi đã phạm những việc thể ấy. Nếu ông muốn nêu ra thực chất của vấn đề, ít nhất là trong tấm lòng của tôi, tôi đã phạm vào mọi việc đó. Phải chăng ông đang nói là tôi không được cứu?” Không, tôi không nói như vậy. Hết thảy chúng ta đều là tội nhân. Hết thảy chúng ta đều đã thiếu mất tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Hãy khoanh tròn chữ "phạm" đi. Chữ nầy có ý nói tới một "hành động còn đang tiếp diễn". Người nào đang sống một lối sống thường xuyên mắc phải những tội lỗi đó tự đánh dấu mình như chưa được cứu, chưa được chuộc và không được hưởng "nước Đức Chúa Trời". Đôi khi Cơ đốc nhân sa ngã phạm tội, nhưng họ không ở mãi trong tội lỗi.
I Côrinhtô 6.9-11 chép: "Anh em há chẳng biết những kẻ không công bình chẳng bao giờ hưởng được nước Đức Chúa Trời sao? Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ chắt bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu. Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi".
Ben Patterson viết: "Sam Shoemaker kể lại về một vị giáo sư bị cận thị, ông nầy là chuyên gia về lãnh vực côn trùng học. Các bức tường phòng làm việc của ông được đính đầy các loại côn trùng. Ngày kia, mấy học trò của ông tính chơi khăm ông. Họ lấy thân của con bướm nầy, rồi dán dính lại với đầu và các chi khác của nhiều loại bướm khác. Thế rồi họ đưa con bướm ấy đến với vị giáo sư nhờ ông nhận dạng cho. Họ hỏi: ‘Đây là loại bướm gì thế?’ Vị giáo sư quan sát thật kỹ con bướm nầy, sau cùng ông đưa ra kết luận như sau: ‘Các em ơi, đây là con bướm bịp’. Shoemaker rút ra một loại suy nói tới một người có tấm lòng thuộc về Vua Jêsus, còn cái đầu bị thế gian điều khiển và hai bàn tay thì đang bị ma quỉ rung lắc. Đấy không phải là một tạo vật mà Đức Chúa Trời đã dựng nên đâu. Bất cứ ai trông thấy một tạo vật như thế sẽ buộc miệng nói: ‘Đây là con bướm bịp!’"
B. Trái của Thánh Linh (các câu 22-23).
Hãy chú ý từ ngữ "Nhưng" ở đầu câu 22. Chữ nầy đánh dấu sự tương phản giữa "các việc làm của xác thịt" và "trái của Thánh Linh". "Các việc làm" là những điều chúng ta làm với nổ lực tiêng của mình. "Trái" là việc mà Đức Chúa Trời đang tạo ra trong đời sống của chúng ta khi chúng ta đầu phục Ngài.
Quí vị càng chọn giữ sự đồng đi với Đức Thánh Linh, Đức Thánh Linh sẽ càng kết bông trái của Ngài vào trong đời sống của quí vị. Lúc đầu thì quí vị không để ý tới việc nầy đâu, nhưng công việc của Đức Chúa Trời trong quí vị sẽ trở nên "rõ ràng" cho nhiều người khác. Khi quí vị "bước đi theo Thánh Linh", quí vị sẽ không giận dữ cách dễ dàng đâu, quí vị sẽ tìm kiếm điều tốt đẹp nhất nơi những người khác, quí vị sẽ nhịn nhục nhiều hơn, quí vị sẽ thể hiện ra những hành động tử tế, quí vị sẽ có một cái giếng thương xót rất sâu và không bị cám dỗ cách dễ dàng được. Quí vị sẽ tìm được sự vui sướng sâu sắc khi làm ra những điều thiện và thắng hơn sự buồn rầu khi quí vị sa vào tội lỗi. Người nào "bước đi theo Thánh Linh" đang sống rất khác biệt!
Hết thảy các tín đồ đều phải "bước đi theo Thánh Linh". Chìa khoá cho sự trưởng thành và vui mừng trong Chúa là bước đi theo Thánh Linh hơn là quí vị bước đi theo xác thịt. Hãy suy nghĩ về một tín đồ trưởng thành mà quí vị đang hâm mộ xem. Điều chi về người ấy (nam hay nữ) đang hấp dẫn quí vị vậy? Có phải ngôi nhà hay chiếc xe hơi của người ấy chăng? Không. Có phải công việc làm ăn hay tiền bạc của người ấy? Không. Cái điều khiến cho quí vị thấy hấp dẫn nơi một người tín đồ trưởng thành, ấy là người ấy đang mang lấy "trái của Thánh Linh", đời sống của người ấy thể nào đã được đánh dấu bởi công việc của Đức Chúa Trời mà chúng ta đang nhìn thấy ở các câu 22-23. Chúng ta hãy đào sâu vào đó:
Trái đầu tiên là "lòng yêu thương". "Yêu thương" trong câu nầy không có ý nói tới một thứ tình cảm ướt át hay một cảm xúc dịu dàng, mà là sự phục vụ có tính cách tự hy sinh. Tình yêu agape nầy, là tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Đây là thứ tình yêu không có giới hạn. Rôma 5.8 chép: "Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết". 1 Giăng 3.16 chép: "Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy". 1 Giăng 3.14 chép: "Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình". Xác thịt không thể sản sinh ra thứ tình yêu ấy được. Chúng ta không thể gợi ra tình yêu ấy từ bên trong được. Đức Thánh Linh phải ngự đến để sống ở bên trong và ban ra tình yêu của Ngài qua chúng ta. Rôma 5.5 chép: "Vả, sự trông cậy không làm cho hổ thẹn, vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta". Quí vị yêu thương như thế nào? Có phải tình yêu không giới hạn đang nảy nở ở trong đời sống quí vị không? Có phải quí vị đang đồng đi với Đức Thánh Linh?
Trái thứ hai là "vui mừng". Trong Kinh Thánh, "vui mừng" không phải là sự vui sướng nhất thời, mà là một sự tin cậy bắt rễ sâu sắc vào mọi sự tốt đẹp giữa quí vị và Đức Chúa Trời. Quí vị có thể sống vui vẻ dù khi quí vị không thấy hạnh phúc. Khi chúng ta đầu phục Đức Thánh Linh và vâng theo Ngôi Lời, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự "vui mừng" như thế đó. Tôi thích phần làm chứng của Nêhêmi: "vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi" (Nêhêmi 8.10). Chúng ta chỉ có sự vui mừng nầy khi chúng ta xây khỏi thế gian mà đến với Chúa. Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ Ngài trong Giăng 16.24: "Đến bây giờ, các ngươi chưa từng nhân danh ta mà cầu xin điều chi hết. Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được, hầu cho sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn". Phaolô nói với người thành Philíp: "Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi!" (Philíp 4.4). Vui mừng là một trái. Chúng ta không thể chế tạo hay đốc ra trái ấy được, chúng ta phải mang lấy trái ấy. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta lòng vui mừng khi chúng ta đồng đi với Ngài, ngợi khen Ngài và thuận phục Ngài. Rôma 14.17 chép về điều nầy rất rõ ràng: "Vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy".
Trái thứ ba là "bình an". Khi chúng ta đồng đi với Đức Thánh Linh, chúng ta biết cả hai: sự hoà thuận lại với Đức Chúa Trời và sự bình an của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta được cứu, chúng ta đầu phục và cuộc chiến của chúng ta với Đức Chúa Trời kết thúc. Rôma 5.1 chép: "Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta". Chúng ta thôi không chiến đấu nghịch lại Đức Chúa Trời nữa, rồi khởi sự đồng đi với Ngài. Khi chúng ta học biết nương cậy vào sức lực của Ngài và không còn nương vào sức lực riêng của mình nữa, chúng ta kiếm được "Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết" (Philíp 4.7).
Trái thứ tư là "nhịn nhục" hay kiên nhẫn. Trái nầy có ý nói tới sự nhịn nục hay dung chịu đối với người khác, không dễ bị mất lòng. Khi chúng ta "bước đi theo Thánh Linh" chúng ta học biết lặng lẽ với những gì trái ý và quấy rầy của người khác. Êphêsô 4.2 cho chúng ta biết chúng ta cần phải "khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau". Những tín đồ chưa trưởng thành đều có một sự phấn đấu trong lãnh vực nầy. Nếu họ không thích một việc gì đó, họ mau mắn chống đối lại và chống đối thật lớn tiếng. Những tín đồ trưởng thành đều có một tánh thật bình tỉnh trước mọi sự việc. Họ thực thi Rôma 12.10: "Hãy lấy lòng yêu thương mềm mại mà yêu nhau như anh em; hãy lấy lẽ kính nhường nhau".
Trái thứ năm là "nhân từ". Trái nầy có ý nói tới chỗ phải có một tinh thần biết thương xót, dịu dàng đối với tha nhân. Tôi thích bối cảnh trong Mathiơ 19 khi cha mẹ đem con cái mình đến với Chúa Jêsus. Các môn đồ đã "quở trách" cả con trẻ và cha mẹ vì đã quấy rầy Chúa. Tuy nhiên, Chúa Jêsus đã lên tiếng và phán: "Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy" (câu 14). Tôi có thể nom thấy Ngài đang rờ đến chúng, thủ thỉ với chúng rồi chúc phước cho chúng. Chúng ta cần phải có cùng thái độ ấy đối với mọi người, mau mắn nở một nụ cười và thốt ra một câu nói đượm đầy sự khích lệ. II Timôthê 2.24 chép: "Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người".
Trái thứ sáu là "hiền lành". Đây là sự nhân từ trong hành động, không những suy nghĩ điều chi là chánh đáng, mà còn làm ra điều ấy nữa. Galati 6.10 chép: "Vậy, đang lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin". Mới đây tôi có đọc về một nhóm người ngồi taxi trên đường dự Hội nghị có chủ đề Người Giữ Lời Hứa. Một người đề nghị rằng họ sẽ ra khỏi xe rồi đi bộ trên đường phố đến tại hội trường. Người khác nói rằng làm như vậy sẽ khiến cho tài xế mất đi thu nhập và cũng không sao đón được khách khác một cách mau chóng. Ông ta cần tận dụng thời gian cần thiết khi xe chạy tới hội trường để chia sẻ đức tin của mình với viên tài xế và tạo ra được một cái chạm quan trọng.
Trái thứ bảy là "trung tín" có ý nói tới lòng trung thành và đáng tin cậy. Có phải quí vị đáng tin cậy không? Có phải quí vị làm điều quí vị nói quí vị sẽ làm không? Có phải người ta kinh ngạc khi quí vị xuất hiện và làm công việc của mình không? Đức Chúa Trời luôn luôn là thành tín. II Timôthê 2.13 chép: "nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được". Khi chúng ta đặt cái tôi của mình lên trước hết, chúng ta sống bất trung với người khác. Khi chúng ta đặt tha nhân lên trên hết, chúng ta sẽ luôn luôn trung tín.
Trái thứ tám là "mềm mại" hay nhu mì. Nhu mì không có nghĩa là yếu đuối, mà là đặt mình dưới quyền điều khiển. Giống như một con ngựa nòi mạnh sức phải bị khớp hàm, chúng ta cần phải trở thành hạng người chịu chi phối bởi Đức Thánh Linh.
Trái thứ chín là là trái sau cùng là "tiết độ". Trái nầy có ý nói tới khả năng kềm chế mọi cảm xúc và lòng ham muốn của mình, để nói không với xác thịt, để chối bỏ bản ngã. Để vác lấy thập tự giá, để được Đức Thánh Linh dẫn dắt là phải chối bỏ mình. Sau cuộc Nội Chiến, Tướng Robert E. Lee đã được thán phục bởi cả phía Bắc và phía Nam như một người quân tử. Chuyện kể lại rằng một phụ nữ từng giới thiệu con trai nhỏ của mình cho vị Tướng lãnh nầy, bà hỏi: "Thưa Tướng quân, đâu là bài học quan trọng nhất mà tôi có thể dạy dỗ con trai của mình?" Không chút lưỡng lự, nhân vật kính sợ Đức Chúa Trời nầy đáp ngay: "Thưa Bà, hãy dạy cho nó biết chối bỏ mình".
Khi nhìn lại, chúng ta thấy rằng "yêu thương, vui mừng, bình an" có quan hệ tới mối giao thông của chúng ta với Đức Chúa Trời. "Nhịn nhục, nhân từ, hiền lành" có quan hệ tới mối tương giao của chúng ta với tha nhân. "Trung tín, mềm mại, tiết độ" gắn với cách thức chúng ta sống với bản ngã của mình.
Phaolô nói thêm: "không có luật pháp nào cấm các sự đó". Mục đích của luật pháp là kềm chế, đè nén hay ngăn trở và không một sự ngăn trở nào được cần đến, không một luật lệ nào được cần tới khi chúng ta bước đi theo Thánh Linh và Đức Thánh Linh đang tạo ra một trái có giá trị như thế trong chúng ta.
II. Thắng hơn tư dục của xác thịt bởi quyền phép của Đức Thánh Linh (các câu 24-25).
A. Chúng ta phải đóng đinh xác thịt vào thập tự giá (câu 24).
Bước thứ nhứt trong việc chinh phục "tư dục của xác thịt" được thấy trong câu 24: "Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi". Đôi khi câu nầy bị nhầm lẫn với Galati 2.20, câu nầy chép: "Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ" và với Rôma 6.6, câu nầy chép: "vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài…". Cả hai câu nầy đều có quan hệ với sự hội hiệp của chúng ta với Đấng Christ trong sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài. Tuy nhiên, câu 24 không nói tới việc đã được làm ra cho chúng ta mà bởi chúng ta. Galati 5 không nói tới sự chết của đời sống cũ mà chúng ta đã kinh nghiệm khi chúng ta tin cậy Đấng Christ lần đầu tiên, mà nói tới sự chủ động chối bỏ hàng ngày đối với xác thịt ngay lúc bây giờ.
Trong Mác 8.34, Chúa Jêsus phán: "Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta". "Liều" mình đồng nghĩa với việc vác lấy "thập tự giá". Thập tự giá là một công cụ dùng để hành quyết giống như một phòng hơi ngạt, ghế điện hay tiêm chích trong thời buổi hiện đại nầy. Giống như Chúa Jêsus đã vác lấy thập tự giá của Ngài ra đến đồi Gôgôtha, mỗi tín hữu đều phải "vác lấy thập tự giá mình". Chúng ta cần phải đem "tình dục và dâm dục” mình ra đến chỗ hành quyết, đóng đinh chúng rồi bỏ chúng lại đó cho đến chết.
Khi tôi được cứu, tôi đã quyết định bước theo Chúa Jêsus. Tôi không thể theo Chúa Jêsus mà không có sự ăn năn tội và xây khỏi nó. Khi tôi chọn Đấng Christ, tôi đã chối bỏ những ham muốn của xác thịt, tôi "đã đóng đinh xác thịt" mình ngay giờ phút đó. Giờ đây, công việc của tôi là để mọi ham muốn của xác thịt mình lại trên cây thập tự cho tới chết. Từ loại suy ấy về thập tự giá, cho phép tôi đưa ra ba lẽ thật về sự thắng hơn xác thịt.
Thứ nhứt, sự chối bỏ của chúng ta về xác thịt phải là KHÔNG THƯƠNG XÓT. Đóng đinh trên thập tự giá là một án tử hình rất khủng khiếp. Án tử hình như thế nầy đã được dành cho loại tội phạm tồi tệ nhất. Kinh Thánh cũng có nói: "Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ" (Galati 3.13). Khi chúng ta đóng đinh "tình dục và dâm dục" mình trên thập tự giá, chúng ta không cần phải thương xót hay thương hại gì cả. Chúng ta cần phải hung tợn đánh trận chống lại nó. Đây là nguồn điều ác ở trong chúng ta và nó phải bị nghiền nát!
Thứ hai, sự chúng ta chối bỏ xác thịt sẽ rất là ĐAU ĐỚN. Đóng đinh trên thập tự giá là một cái chết từ từ, đau đớn cực độ, trong đó một người bị ngạt thở bởi gánh nặng của chính thân xác mình. Người nào đang phấn đấu chối bỏ "tình dục và dâm dục" tội lỗi của chính mình sẽ thấy khổ sở và đau đớn lắm. Phaolô nói: "Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy?" (Rôma 7.24).
Thứ ba, sự chúng ta chối bỏ xác thịt phải TRƯỚC SAU NHƯ MỘT. Đóng đinh trên thập tự giá là một cái chết từ từ, ghê gớm lắm. Không một ai bị đóng đinh trên thập tự giá mà còn sống. Một người từng bị đóng đinh ở đó, người ấy bị bỏ lại cho tới chết. Mấy tên lính đứng canh chừng kẻ bị kết án, họ ngăn không cho bạn hữu đến lấy xác trước khi người ấy chết hẳn. Khi quí vị được cứu, quí vị đã đóng đinh bổn tánh của của mình trên thập tự giá. Đóng đinh trên thập tự giá xác thịt mỗi ngày là từ chối không để cho "dâm dục" và "tình dục" xuống trở lại. John Brown đã viết: "Cơ đốc nhân thực không thành công trong việc huỷ diệt nó [xác thịt] một cách hoàn toàn trong khi còn sống ở đây; nhưng họ đã dồn nó đến tại thập tự giá, rồi họ quyết định giữ nó ở đó cho tới khi nào nó tắt thở". Nếu chúng ta đóng đinh xác thịt trên thập tự giá, chúng ta phải để nó ở đó đặng chết đi. Mỗi ngày chúng ta phải tự chối bỏ mình và làm mới lại một nhận định không thương xót và bất thoả hiệp đối với tội lỗi. Chúng ta phải từ chối không quay trở lại và không mơn trớn thi hài đời sống cũ của chúng ta nữa.
Stott viết: "Bí quyết đầu tiên rất quan trọng về sự nên thánh nằm ở cấp độ và tính quyết định sự chúng ta ăn năn … Giống như đã đóng đinh bổn tánh cũ của chúng ta vào thập tự giá, chúng ta còn nuối tiếc muốn quay trở lại với bối cảnh hành quyết đó. Chúng ta bắt đầu mơn trớn nó, ấp ủ nó, ao ước nó được buông thả ra, thậm chí còn tìm cách hạ nó xuống khỏi thập tự giá nữa. Chúng ta cần phải học biết để nó lại ở đó. Khi có ai ghen tương, hay kiêu ngạo, hoặc có dã tâm, hay tư tưởng bất khiết đang xâm lấn lý trí của chúng ta, chúng ta phải đá nó ra ngay lập tức. Bắt đầu xem xét nó, rồi xem coi chúng ta có nên nhượng bộ nó hay không, điều nầy quả là tai hại lắm đó. Chúng ta đã tuyên chiến với nó, chúng ta sẽ không đưa ra bất kỳ một sự thương lượng nào hết. Chúng ta đã định liệu hướng về sự tốt lành; chúng ta không nên mở lại sự định liệu ấy nữa mà chi. Chúng ta đã đóng đinh xác thịt vào thập tự giá; chúng ta không bao giờ rút mũi đinh ra".
B. Chúng ta phải bước đi theo Thánh Linh (câu 25).
Trong câu 16 chúng ta thấy mệnh đề "bước đi theo Thánh Linh". Câu 18 nói chúng ta được "Đức Thánh Linh chỉ dẫn". Ở đây trong câu 25, Phaolô nói: "Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy". "Bước theo" ở đây có nghĩa là "Song hành với". Bản Kinh Thánh NIV dịch chữ nầy là: "Giữ sự đồng đi với Đức Thánh Linh". Khi tôi còn thiếu niên, tôi đã đi theo cha tôi dạo chơi khắp vườn, tìm cách bước trên những dấu chân của ông trên cát. Đức Thánh Linh đang đi trước, còn chúng ta cần phải bước theo sau.
Như tôi rao giảng trong tuần qua, đây không những là một sự thuận phục có tính chủ động theo sau quyền điều khiển của Đức Thánh Linh, mà còn là một quyết định có tính chủ động đi theo đường lối của Đức Thánh Linh. Nếu chúng ta "nhờ Thánh Linh mà sống", nghĩa là nếu Đức Thánh Linh quả thực đang ngự trong chúng ta, nếu chúng ta là hạng tín đồ chân chính, thì chúng ta phải "bước đi theo Thánh Linh" hay bước theo Đức Thánh Linh để thắng hơn xác thịt.
Trong sự cứu rỗi, chúng ta thấy quyền tể trị của Đức Chúa Trời trong sự lựa chọn và ý chí tự do của con người trong sự chọn lấy Đấng Christ. Trong sự nên thánh, chúng ta thấy quyền tể trị của Đức Chúa Trời trong chức vụ mạnh mẽ của Đức Thánh Linh nhưng ý chí của con người trong quyết định của chúng ta là cứ giữ sự đóng đinh xác thịt cũ của mình trên thập tự giá và chủ động theo đuổi đường lối của Đức Thánh Linh.
Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thắng hơn xác thịt, thực vậy chúng ta nhờ "Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần". Chúng ta hãy kết thúc sáng hôm nay bằng cách đọc Rôma 8.31-39.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét