Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 2.15-21: Thực chất của sự xưng công bình



Tự do thực – Galati
Thực chất của sự xưng công bình
Galati 2.15-21
Katie 3 tuổi bị đưa đến Bác sĩ Nhi khoa trong đợt cúm mới đây. Khi bác sĩ xem xét hai lỗ tai của nó, ông hỏi: "Thế nào Bác sĩ cũng tìm được Con Chim Lớn ở đây cho xem?" Thật bức rức, Katie bèn đáp: "Không có đâu". Thế rồi, trước khi xem xét cổ họng của nó, ông hỏi: "Thế nào Bác sĩ cũng tìm thấy con quái vật Cookie ở đây cho xem?" Một lần nữa, "Không có đâu". Sau cùng, sau khi nghe tim của nó, ông hỏi: "Tôi sẽ tìm thấy Barney ở đây cho xem?" Với sự tin quyết mình không có gì hết, nó nhìn thẳng vào mắt ông rồi nói: "Không, Chúa Jêsus đang ngự trong trái tim của con. Barney đang ở trên quần lót của con". Tôi không muốn biết cái gì đang có trên đồ lót của quí vị, nhưng tôi hy vọng rằng Chúa Jêsus đang ngự trong trái tim của quí vị!
Khi có Chúa Jêsus ngự trong tấm lòng của quí vị, sau khi làm hoà lại với Đức Chúa Trời, mới là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống. Kinh Thánh gọi điều nầy là XƯNG CÔNG BÌNH. Chúng ta dành một phút để xử lý về thần học. Sự thực cho thấy là nếu tôi làm hoà lại với Đức Chúa Trời, tôi có thể sống phải lẽ với vợ con của tôi. Nếu tôi làm hoà lại với Đức Chúa Trời, tôi có thể sống hài hoà với người ta trong sở làm và trong Hội thánh của tôi. Nếu tôi làm hoà lại với Đức Chúa Trời, tôi có thể sống hiệp nghi với tài chính và của cải của tôi. Tôi làm hoà lại với Đức Chúa Trời, tôi có thể vận dụng bất cứ thứ gì mà cuộc sống trao cho tôi.
Làm hoà lại với Đức Chúa Trời rồi, điều nầy dẫn tới việc có mối giao thông phải lẽ với Con Ngài, là Đức Chúa Jêsus Christ. Sách Galati nói tới SỰ XƯNG CÔNG BÌNH, là con đường đúng đắn để làm hoà lại với Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phaolô đã giúp thiết lập ít nhất bốn Hội thánh trong khu vực Galati. Sau khi ông lìa khỏi họ, các giáo sư giả luồn lách vào trong rồi khởi sự vặn cong, bóp méo Tin lành. Họ dạy rằng muốn hoà thuận lại với Đức Chúa Trời, không những quí vị phải đặt lòng tin cậy nơi Đấng Christ, mà quí vị còn phải chịu phép cắt bì và tuân giữ luật pháp Cựu Ước nữa.
Phaolô đã giải thích rồi, thể nào ông đã đem Tít, một Cơ đốc nhân không chịu phép cắt bì lên thành Jerusalem và bàn bạc với các sứ đồ khác và từ nơi họ Tít "không bị ép phải chịu cắt bì" (câu 3). Nói cách khác, hết thảy các sứ đồ đều đồng ý rằng phép cắt bì không cần thiết để được cứu rỗi.
Tuần qua chúng ta học biết rằng Phierơ đã "đến tại An-ti-ốt", Phaolô và Banaba đã giảng đạo tại đó. Lúc đầu ông còn ngồi "ăn với người Ngoại", nghĩa là ông không theo luật lệ ăn uống của người Do thái trong Cựu Ước. Tuy nhiên, khi có "những người do Giacơ sai đến", là các Cơ đốc nhân người Do thái, Phierơ đã đạo đức giả "lui" khỏi các tín đồ dân Ngoại và thực thi lại các luật ăn uống theo Cựu Ước.
Phaolô lấy làm lạ nơi Phierơ. Ông nói trong câu 11: "Tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm". Tại sao Phaolô lại ngăn can như thế chứ? Vì sự giả hình của Phierơ đã khiến cho các Cơ đốc nhân dân Ngoại nghĩ rằng muốn làm hoà lại với Đức Chúa Trời, họ cần có một đôi điều nữa khác hơn là chỉ có đức tin nơi Chúa Jêsus. Phierơ đã khiến cho họ nghĩ rằng họ cần phải thêm việc tuân giữ luật pháp vào đức tin của họ thì mới được cứu rỗi.
Phaolô đã không gặp Phierơ theo cách riêng. Khi ông nhìn thấy Phierơ không đi "ngay thẳng theo lẽ thật của Tin lành", ông nói với Phierơ "trước mặt mọi người" (câu 14). Ông đã đứng chân đối chân, mắt đối mắt với Phierơ mà ngăn can ông ấy!
Tuần qua chúng ta đã thấy điểm sai lầm mà Phierơ đã phạm phải. Tuần lễ nầy chúng ta sẽ học biết lý do tại sao Phierơ lại sai lầm như vậy. Trong khi Phierơ tin Tin lành theo nguyên tắc, ông đã vi phạm về cách thực hành. Phaolô nói với Phierơ và về sau viết thư cho người thành Galati rằng chúng ta được XƯNG CÔNG BÌNH bởi đức tin nơi Chúa Jêsus, chớ không phải bởi tuân giữ luật pháp.
I. NHU CẦN quan trọng nhất của chúng ta là làm hoà lại với Đức Chúa Trời (các câu 15-16).
A. Hết thảy chúng ta đều là tội nhân.
Có hai sự kiện cơ bản mà chúng ta cần phải hiểu rõ. Thứ nhứt, Đức Chúa Trời là công bình hay thánh khiết. Thứ hai, chúng ta không công bình hay thánh khiết. Nếu Đức Chúa Trời là công bình và chúng ta không công bình, thế thì chúng ta chưa làm hoà lại với Đức Chúa Trời, ngược lại có điều chi đó sai trật giữa chúng ta. Kinh Thánh hỏi: "Bởi vì công bình với gian ác có hòa hiệp nhau được chăng?" (II Côrinhtô 6.14). Gióp 25.4 hỏi: "Làm sao loài người được công bình trước mặt Đức chúa Trời? Kẻ nào bị người nữ sanh ra, sao cho là trong sạch được?"
Phaolô nói với Phierơ trong câu 15: "Về phần chúng tôi, thì sanh ra là người Giu-đa” không phải là “kẻ có tội” như dân ngoại. Ông không có ý nói rằng người Do thái không phạm tội. Ông có ý nói họ biết rõ và giữ luật nghi thức của Cựu Ước và người Ngoại không giữ như vậy. Trong câu 17 ông nói: "Chính chúng tôi bị nhận là kẻ có tội".
Nói cách khác, chỉ vì người Do thái đã giữ luật ăn uống và chỉ ăn các thứ thức ăn chính đáng không có nghĩa là họ không phải là tội nhân. Việc tuân giữ các luật lệ kia không khiến họ làm hoà lại với Đức Chúa Trời.
Trong Êphêsô 2.1-3, ở đây mô tả tình trạng tự nhiên của mọi người, cả người Do thái và người dân Ngoại. Phaolô viết: "Còn anh em [dân Ngoại] đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch.…" Giờ đây hãy chú ý câu 3: "…Chúng ta [người Do thái] hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác [giống như anh em là dân Ngoại]".
Rôma 3.10 chép: "Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không". Dù quí vị là người Do thái chính thống lo tuân giữ luật pháp, hay là người dân Ngoại kia chẳng có hy vọng gì, không một ai trong chúng ta làm hoà lại với Đức Chúa Trời hết. Thực vậy, Rôma 3.23 chép: "Vì MỌI NGƯỜI đều đã phạm tội thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời". "Mọi người" có nghĩa là hết thảy! Người Do thái, người dân Ngoại, người nam, người nữ, con trai, con gái, Báptít, Trưởng Lão, Công giáo, Hồi giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo v.v…MỌI NGƯỜI, những ai sống hay từng sống đều là tội nhân và chưa làm hoà lại với Đức Chúa Trời. Đây là lẽ thật khi Phaolô viết bức thư nầy gần 2000 năm qua và cũng rất thật cho hôm nay. Lẽ thật ấy rất thực về quí vị và tôi!
B. Hết thảy chúng ta cần được xưng công bình.
Hãy nhìn vào câu 16. Quí vị thấy có một cụm từ được lặp đi lặp lại ba lần trong câu nầy không? Cụm từ đó là gì vậy? Cụm từ đó là "được xưng công bình". Tôi biết cụm từ nầy là cụm từ nghe rất chuyên môn, nặng về thần học, và là thuật ngữ trong Hội thánh và quả nhiên là như vậy. Tuy nhiên, đây là một cụm từ quan trọng nhất mà chúng ta đã từng biết và quả đúng là một cụm từ mà chúng ta cần phải tìm hiểu.
"Được xưng công bình" là một cụm từ theo luật pháp được mượn từ toà án. Cụm từ nầy ngược lại với "bị xét đoán". Bị xét đoán là bị tuyên bố phạm tội. Còn “được xưng công bình” là được tuyên bố không phạm tội. Kinh Thánh sử dụng cụm từ nầy để mô tả những gì Đức Chúa Trời đã làm để khiến cho mọi sự ra phải lẽ giữa Ngài và chúng ta. "Được xưng công bình" trước mặt Đức Chúa Trời có nghĩa là Đức Chúa Trời không những đã tha thứ hay tuyên bố chúng ta trắng án, mà Ngài còn tiếp nhận chúng ta là công bình giống như Ngài là công bình vậy. Billy Graham mô tả rất đơn giản như sau: "Được xưng công bình có nghĩa là ngay thẳng giống như thể tôi chưa hề phạm tội vậy".
C. Chúng ta không thể được xưng công bình bởi luật pháp.
Phaolô nói trong câu 16 rằng cả ông và Phierơ đều đang hay đã "biết rằng người ta được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp đâu". Ông nói thêm ở cuối câu rằng: "vì chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp”. Nói cách khác, nếu quí vị nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ tiếp nhận quí vị vì quí vị đọc kinh Cựu Ước và cố gắng giữ các luật lệ đó, quí vị đã sai rồi.
Có một số người đã tìm cách sống theo Cựu Ước. Tuy nhiên, có nhiều người nghĩ rằng Đức Chúa Trời tiếp nhận họ vì họ là “hạng người nhơn đức”. Ngay chính tuần lễ nầy, tôi đã đọc một trích luận từ nghệ sĩ nổi tiếng Sophia Loren: "Tôi không phải là một người chuyên nghiệp", bà nói, bà không phải là thuộc viên của tôn giáo có tổ chức: "nhưng tôi cầu nguyện. Tôi đọc Kinh Thánh. Đây là quyển sách hay nhất đã từng được viết ra. Tôi sẽ lên thiên đàng; còn nếu không thì chẳng hay ho gì hết. Tôi chẳng làm gì sai quấy. Lương tâm tôi trong sáng. Linh hồn tôi trắng như hoa phong lan treo ở đàng kia kìa, và tôi sẽ trực chỉ, trực chỉ đến thiên đàng".
Nói cách khác, bà ta nghĩ Đức Chúa Trời sẽ tiếp nhận bà ta vì bà ta về mặt cơ bản là một người nhơn đức. Bà ta nói đã đọc Kinh Thánh, nhưng bà ta chưa đọc Galati 2 nếu bà ta tin mình không làm điều chi sai quấy. Bà ta, một là thiếu hiểu biết, hoặc bất chấp sự thực Đức Chúa Trời phán nhiều lần trong Kinh Thánh rằng bà ta, giống như mọi người khác, đều là tội nhân và bà ta chưa tốt đủ hay trong sạch đủ để đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta tìm cách đến với Đức Chúa Trời bằng sự nhơn đức riêng của mình thì chúng ta sẽ bị XÉT ĐOÁN chớ không “được xưng công bình” đâu!
John Stott viết về một người đang tìm cách tự xưng công bình: "Đây là tôn giáo của con người bình thường cả trước đây và từ giờ trở đi. Đây là tôn giáo của người sống trên đường phố hôm nay. Thực thế, đây là nguyên tắc cơ bản của từng tôn giáo và hệ thống đạo đức trong thế gian trừ ra Cơ đốc giáo theo Tân Ước. Nó phổ thông vì nó đang gây ra hy vọng hão. Nó nói với một người rằng nếu người ấy kéo đôi vớ cao lên hơn một chút, người ấy sẽ thành công trong việc có được sự cứu rỗi cho chính bản thân mình. Nhưng đấy là một sự lừa bịp đáng phỉ nhổ. Đó là lời dối trá to lớn nhất của kẻ chuyên nói dối chuyên nghiệp nhất mà thế gian từng nhìn biết, là ma quỉ, là kẻ mà Chúa Jêsus gọi là ‘cha của những kẻ nói dối’. Chẳng có ai được xưng công bình bởi các việc luật pháp bao giờ, vì lý do đơn giản, ấy là chẳng có ai giữ trọn được luật pháp cả".
Tôi thích câu chuyện kể về một người cha kia, ông đọc truyện tích Kinh Thánh cho cậu con trai mới có 5 tuổi nghe về Môise và 10 Điều Răn. Ông hỏi: "Con ơi, Đức Chúa Trời ban cho Môise bao nhiêu điều răn?" Cậu bé nhanh nhẩu đáp: "Nhiều lắm!" Cậu bé đáp đúng. Mười điều răn vĩ đại ấy là quá nhiều và quá khó cho bất kỳ ai trong chúng ta phải giữ lấy. Chúng ta không được xưng công bình bởi tuân giữ luật pháp vì chúng ta không thể tuân giữ được luật pháp.
D. Chúng ta chỉ có thể được xưng công bình bởi đức tin mà thôi.
Hãy xem lại chữ đầu tiên trong câu 16: "đã biết". Đây là điều mà Phaolô và Phierơ đã biết. Đây là điều mà chúng ta cần phải biết. Chúng ta cần phải biết rằng "người ta [không có ai] được xưng công bình, chẳng phải bởi các việc luật pháp [hay là một người nhơn đức] đâu, bèn là cậy ĐỨC TIN trong Đức Chúa Jêsus Christ".
Chúng ta không thể sống trọn lành trước mặt Đức Chúa Trời trừ ra Chúa Jêsus có thể. Ngài là Con của Đức Chúa Trời sanh bởi nữ đồng trinh. Ngài đã giữ luật pháp mà chúng ta không thể giữ được. Không những Ngài là người nhơn đức; mà Ngài còn trọn lành nữa. Ngài đã sống một đời sống trọn vẹn và rồi Ngài đã chết một cái chết có tính cách hy sinh. Ngài gánh lấy mọi thất bại, mọi lầm lỗi, mọi sai quấy, và mọi tội của chúng ta trên chính mình Ngài tại cây gỗ. Kinh Thánh chép trong Rôma 5.8: "Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết".
Phaolô nói về bản thân ông và Phierơ: "nên chính chúng tôi đã tin Đức Chúa Jêsus Christ, để được xưng công bình bởi đức tin trong Đấng Christ". Đây không phải là điều dành cho ai khác hay chỉ cho dân Ngoại đâu. Phaolô và Phierơ và nhiều người Do thái khác đã "tin" theo Chúa Jêsus. Họ đã đặt lòng tin cậy của họ nơi Ngài, chớ không đặt nơi tôn giáo để khiến họ làm hoà lại với Đức Chúa Trời.
Những gì là thực đối với Phaolô, Phierơ, người Do thái và dân Ngoại thời buổi ấy là thực đối với quí vị và tôi hôm nay. Nếu tôi muốn làm hoà lại với Đức Chúa Trời, nếu chúng ta muốn được tuyên bố mình không phạm tội hay “được xưng công bình”, thì chúng ta phải nhơn đức tin mà đến với Đức Chúa Trời.
Kevin Miller thuật lại câu chuyện kể về một thiếu nữ 16 tuổi từ vùng ngoại ô Chicago, cô gái lái xe lúc ban đêm với nhiều bạn bè, và cô ta đã cho xe lui đụng vào cây cột đèn. Cây cột bị gãy rồi ngã về đàng trước, đập vào đầu chiếc xe. Một người bạn 12 tuổi ngồi trong xe đã bị thương nặng; thế rồi nó bị chết não bộ khi đến tại bịnh viện. Một vị Mục sư trẻ tuổi tên là Michael đi bộ với gia đình của cô gái 12 tuổi kia đến để tìm biết sự thật và tìm cách cứu cô gái đó. Sáng hôm sau, Michael đến thăm tại phòng bịnh của cô gái lái xe 16 tuổi. Về thể xác, cô nầy đã hồi phục tốt, nhưng về tình cảm, cô ta đã bị quẫn trí khi biết được mọi hành động của mình đã giết chết người bạn kia. Cô nói với Michael: “Tôi sẽ làm con gái cho bố mẹ của bạn ấy. Tôi sẽ đi qua nhà của họ mỗi ngày và trông em hộ cho họ. Tôi sẽ rửa chén đĩa cho họ mỗi tối. Tôi sẽ qua đấy mỗi tuần và cắt cỏ sân cho họ". Michael từ từ giúp cho cô gái ấy nhìn biết sự thực rằng bất luận cô ta có làm gì đi nữa, cô ta sẽ không thể thay thế cho con gái của họ được. Cô ta sẽ không thể làm đủ để bao che cho mọi việc làm của mình. Mọi sự cô ta có thể làm là cầu xin sự tha thứ và hy vọng rằng bố mẹ sẽ thấy được vấn đề để tha thứ cho cô ta. Bố mẹ bị mất con gái kia, ngạc nhiên thay, đã tha thứ cho cô gái lái xe nầy. Cô ta được buông tha không phải trả một món nợ mà cô ta sẽ không bao giờ trả nổi dù cô ta có làm gì đi nữa.
Chúng ta mắc một món nợ mà chúng ta không thể trả nổi. Bất luận có bao nhiêu việc lành mà chúng ta đã làm, chúng ta không bao giờ khoả lấp được cho tội lỗi của mình. Chỉ khi chúng ta nhơn đức tin mà đến với Đức Chúa Trời, cầu xin sự tha thứ cho mọi tội của chúng ta và tin cậy nơi sự hy sinh mà Chúa Jêsus đã làm ra cho chúng ta trên thập tự giá để chúng ta có thể làm hoà lại với Đức Chúa Trời.
II. HÀNG RÀO NGĂN TRỞ thường xuyên của chúng ta là Luật pháp (các câu 17-18).
Hãy chú ý chữ "nhưng" ở phần đầu câu 17. Khi quí vị tranh luận với ai đó, quí vị bước vào bằng chữ “nhưng”. Quí vị nói: "Nhưng về…" Phaolô đang chặn trước sự bàn tán của người Do thái về luật pháp.
Đây là một câu khó, cho phép tôi giấu nó trong ngoặc kép: "Nếu Đức Chúa Trời xưng công bình hạng người xấu xa, thì làm lành để có mục đích gì chớ? Chúng ta không thể làm như chúng ta thích và sống như chúng ta muốn sao?" Nói cách khác: "Nếu chúng ta được xưng công bình hay được làm hoà lại với Đức Chúa Trời mà không cần giữ luật pháp hoặc trở thành hạng người nhơn đức thì chúng ta có thể phạm đủ thứ tội mà chúng ta muốn phạm. Nếu chúng ta không phải làm ra các việc lành mong đẹp lòng Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Jêsus Christ đang khuyến khích tội lỗi của chúng ta".
Phaolô nhấn mạnh rằng: "Chẳng hề như vậy!" hoặc: "Đức Chúa Trời cấm" (theo bản Kinh Thánh KJV), tuyệt đối cấm! Chúa Jêsus không phải là "làm tôi của tội lỗi" đâu. Ngài không khiến chúng ta phải phạm tội, mà tha thứ tội lỗi chúng ta. Nếu tôi tin cậy nơi Chúa Jêsus song quay trở lại với đời sống cũ và phục theo mọi tội lỗi cũ của mình mà tôi thường phạm phải, ấy không phải là lỗi của Ngài mà là lỗi của tôi. Phaolô nói trong câu 17: "chính chúng tôi bị nhận là kẻ có tội".
Hãy suy nghĩ tới luật pháp giống như một cặp đường rầy đưa dân sự của Đức Chúa Trời đến nơi mà họ định đi. Đầu máy là ân điển của Đức Chúa Trời vận hành bởi Đức Thánh Linh. Các chỗ kết nối là đức tin. Những gì người Do thái làm đã hủy phá cặp đường rầy của Đức Chúa Trời (luật pháp). Họ dở các đường ray, đinh đóng đường ray và thanh đổi hướng và sử dụng chúng để làm một cái thang bắt lên tới tận trời. Việc làm nầy chẳng đi tới đâu hết.
Luật pháp chẳng hề cứu được ai. Chúng ta chú ý tới vấn đề nầy từng chi tiết trong vài tuần lễ, nhưng hãy chú ý 3.24: "Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình". Nói cách khác, khi quí vị tìm cách tuân giữ 10 Điều Răn thì quí vị nhìn nhận rằng mình không thể giữ chúng được, quí vị phải nhơn đức tin mà quay về với Chúa Jêsus.
Một vị Mục sư thuật lại về việc đi đó đi đây bằng xe hơi cùng với gia đình vào buổi tối mùa hè kia. Đứa con trai 3 tuổi của ông, ngồi ở băng phía sau xe. Sau nhiều dặm đường lái xe trong bóng tối tăm, họ đến tại ngọn đèn đỏ trong một khu dân cư xa xôi nọ. Ánh sáng của ngọn đèn giao thông. Ánh sáng rực rỡ của ngọn đèn giao thông bày tỏ ra sự dơ bẫn, và các thứ côn trùng trên kính chắn gió. Cậu bé kia nói: "Nào, chúng ta quét sạch nó đi, đồ bẩn thĩu”. Vị Mục sư không suy nghĩ chi về lời nói của nó cho tới chừng một phút sau đó khi họ lái xe đi — cách xa ngọn đèn và trở lại với bóng tối tăm. Khi trở lại với bóng tối, ông ấy không còn nhìn thấy tình trạng dơ bẫn nữa trên kính chắn gió và đứa con ông mau mắn nói: "Bây giờ, tấm kính đã được sạch rồi!" Trước khi luật pháp đến, sự dơ bẫn bên trong chúng ta còn bị giấu dưới bóng tối tăm. Nhưng khi Đức Chúa Trời ban ra luật pháp, ánh sáng của nó chiếu trên tấm kính chắn gió của lòng chúng ta và bày ra sự dơ bẫn của tội lỗi mà chúng ta vướng phải trên chuyến hành trình của mình. Khi ấy, luật pháp là một ngọn đèn tỏ ra cho chúng ta thấy chúng ta thực sự tội lỗi là dường nào. Nó không thể thanh tẩy chúng ta hay làm cho chúng ta được sạch hết được. Nhưng nó làm nổi bật lên tình trạng thực của linh hồn chúng ta và nhơn đó dẫn chúng ta đến với Đấng Christ.
III. HY VỌNG duy nhứt của chúng ta đặt nơi thập tự giá (các câu 19-21).
A. Chúng ta phải chết đối với bản ngã.
Phaolô đưa ra một câu nói rất lạ ở trong câu 19. Ông nói: "Vả, bởi luật pháp, tôi đã chết cho luật pháp…". Một phim hoạt hoạ, có hai người ngồi trong phòng khách đang bận bịu với việc nghiên cứu Kinh Thánh. Một trong hai phụ nữ đó nói: "Tôi chưa thực chết đối với tội lỗi, nhưng tôi cảm thất ngột ngạt sao đó".
Khi vị sứ đồ nói rằng ông "bởi luật pháp chết cho luật pháp", ông có ý nói rằng khi cố tuân giữ luật pháp, ông nhận biết luật pháp chẳng có tác dụng chi hết. Ông đã cố gắng, song không thể tuân giữ được luật pháp. Ông có thể giữ một số điều luật nhưng chẳng giữ được hết luật pháp đâu. Có thể trong mọi sự ông đã làm theo rất đúng, nhưng trong đó ông đã làm sai ba điều. Ông đã viết về sự phấn đấu của mình ở Rôma 7.19: "vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn". Nghe có thuận tai không?
Ông đã thu thập đủ thứ thành tựu về tôn giáo, mọi học vị thần học, các giải thưởng trong khi phục vụ, tất cả những điều lành và rồi xem chúng chỉ là một đống phân (Philíp 3.8). Ông "đã chết" đối với chúng. Nói như vậy giống như ông đang nói: "Trong một thời gian dài tôi đã mang một chiếc mặt nạ, tôi cứ bám vào mọi thành tựu của mình rồi tìm cách gây ấn tượng với Đức Chúa Trời bằng những gì tôi đạt được và tôi nhơn đức như thế nào!?! Sâu lắng trong tôi, tôi biết mình là một tội nhân. Sau cùng, tôi lột bỏ chiếc mặt nạ rồi thành thực với lòng và với Đức Chúa Trời. Chỉ trong một phút thôi, khi tôi chết đối với bản ngã thì tôi mới thực sự sống cho Đức Chúa Trời".
Nhà cải chánh vĩ đại, Martin Luther đã có cùng kinh nghiệm ấy. Có lần ông đã viết: "Nếu từng có một thầy tu được vào thiên đàng do tu hành, tôi sẽ không được vào đó đâu; tất cả các anh em tôi sẽ làm chứng về điều đó. Vì nếu điều nầy cứ kéo dài mãi, tôi sẽ làm cho bản ngã tôi phải chịu chết với lời kinh cầu lúc ban đêm, những lời cầu nguyện, đọc sách cùng mọi việc làm khác nữa". Cảm tạ Chúa, ông đã khám phá ra hy vọng của ông đã đặt nơi Chúa Jêsus.
B. Chúng ta phải chết với Chúa Jêsus
Câu 20 có lẽ là câu hay nhất trong sách Galati. Đây là chiếc vương miện của cả quyển sách. Câu nầy cho biết hy vọng nơi Đức Chúa Jêsus Christ có ý nghĩa như thế nào!?!
Chúng ta đã học biết rồi, chúng ta không thể gây ấn tượng cho Đức Chúa Trời bằng cách sống nhơn đức, làm lành, tuân giữ luật pháp hay sống theo tôn giáo. Hết thảy chúng ta không với tới mục tiêu đó. Như vậy, chúng ta sẽ có hai vấn đề còn lại. Thứ nhứt, chúng ta có thể CHỊU THUA. Có nhiều người làm như thế. Họ hình dung, nếu tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời quá cao như thế, thì mục tiêu là gì? Nếu chúng ta không thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bất luận điều chi chúng ta làm, vậy thì sao lại cố gắng chứ? Chúng ta sẽ làm theo những gì chúng ta mong muốn, ăn uống và sung sướng đi rồi ngày mai chúng ta sẽ chết. Buồn thay, có nhiều người đang sống theo cung cách nầy. Thứ hai, ấy là chúng ta có thể HY VỌNG TRONG ĐẤNG CHRIST. Cho phép tôi giải thích:
Phaolô "đã chết đối với luật pháp" nhưng ông cũng đã chết với Chúa Jêsus nữa. Ông nói trong câu 20: "Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ". Wow! Ông nói gì vậy? Phaolô không bị "đóng đinh vào thập tự giá" về phần xác. Ông không "chết” về mặt thuộc thể. Sự Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá đã xảy ra rất lâu trước khi Phaolô trở thành một Cơ đốc nhân. Điều ông muốn nói, ấy là bởi đức tin ông đã tiếp nhận sự chết của Chúa Jêsus trên thập tự giá vì cớ tội lỗi của ông. Khi ông thôi không tin cậy vào bản thân mình và khởi sự tin cậy Chúa Jêsus, ông đã chết đối với đời sống cũ của ông.
Hãy chú ý mệnh đề thứ hai trong câu 20: "mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi". Phaolô đã "chết" đối với đời sống cũ và giờ đây đang sống một đời sống mới. Khi một người nhơn đức tin đến với Đấng Christ, mọi sự đều thay đổi. II Côrinhtô 5.17 chép: "Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới".
Thật là một câu nói rất kín nhiệm, rất tuyệt vời! Tôi không còn là tôi như trước khi tôi gặp Chúa Jêsus nữa. Cái tôi cũ đã CHẾT C-H-Ế-T! Cái tôi mới hoàn toàn khác biệt. Không phải là tôi đổi tính hay luyện tập quyền phép làm thay đổi đâu. Không đâu, điểm khác biệt, ấy là "Đấng Christ sống trong tôi". Chúa Jêsus đang sống hôm nay, Ngài ngồi bên hữu của Đức Chúa Cha, nhưng Ngài còn sống ở trong tôi nữa. Sống "trong Đấng Christ" có nghĩa là Chúa Jêsus đang thể hiện sự sống của Ngài, những ưu tiên một của Ngài, và tình yêu của Ngài qua đời sống tôi. Cái tôi cũ đã chết và Chúa Jêsus đã cất bỏ nó đi!
C. Chúng ta phải sống bằng đức tin.
Bởi vì "Đấng Christ sống trong tôi" Phaolô nói: "nay tôi còn sống trong xác thịt [đời sống nầy tôi hiện đang sống đây] ấy là tôi sống trong ĐỨC TIN". Quí vị có theo kịp không? Chúng ta được cứu bởi đức tin chớ không phải bởi việc làm. Chúng ta sống bởi đức tin, chớ không phải bởi việc làm. Hiện nay tôi được cứu, phương thức duy nhứt tôi có thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời là bởi đức tin.
Hãy lắng nghe Stott một lần nữa: "Theo một ý nghĩa, chúng ta sống đời mới nầy nhơn đức tin trong Đấng Christ. Theo một ý nghĩa khác, ấy không phải chúng ta đang sống nữa, mà là Đấng Christ đang sống trong chúng ta. Và, khi sống trong chúng ta, Ngài ban cho chúng ta những ao ước mới về sự thánh khiết, về Đức Chúa Trời, về thiên đàng. Nói như thế chẳng phải là chúng ta không thể phạm tội nữa đâu; chúng ta có thể đấy. Nhưng chúng ta không muốn phạm tội. Toàn bộ lề thói hàng ngày trong đời sống chúng ta đều đã thay đổi. Bây giờ, mọi sự đều khác hẳn hết, vì bản thân chúng ta đã ra khác".
Sống bởi đức tin có nghĩa là tin cậy Chúa Jêsus từng giây phút một, sống trong mối tương giao thường trực. Vì "Đấng Christ sống trong tôi" tôi không hề sống một mình bao giờ. Qua sự hiện diện ở bên trong của Đức Thánh Linh, Ngài luôn luôn ở với tôi. Ngài không hề lìa khỏi tôi cũng không quên tôi. Khi tôi phạm tội, Ngài thuyết phục tôi. Khi tôi ngã lòng, Ngài yên ủi tôi. Khi tôi sai trái, Ngài dạy dỗ tôi. Khi tôi có cần, Ngài tiếp trợ cho tôi. Khi tôi yếu đuối, Ngài làm cho tôi được mạnh mẽ. Khi tôi kiêu ngạo, Ngài hạ tôi xuống. Khi tôi ở trong sự nghi ngờ, Ngài bảo đảm cho tôi. Ngài là MỌI SỰ đối với tôi!
Thế nào chứ? Tại sao điều nầy là sự thực? Bởi vì, như Phaolô nói: "Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi". Nếu Ngài chỉ yêu tôi mà không thể cứu giúp tôi, tôi sẽ chẳng có hy vọng gì hết. Nếu Ngài có thể cứu giúp tôi nhưng chẳng yêu thương tôi thì tôi vẫn còn sống trong vô vọng. Nhưng vì Ngài yêu tôi và sẵn lòng phó chính mình Ngài vì tôi, tôi có thể sống đời sống tôi trong sự tin cậy hoàn toàn và tuyệt đối nơi Ngài. Tôi thích lẽ thật đã được tỏ ra ở Rôma 8.32: "Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?"
D. Chúng ta phải nhìn tới trước chớ không ngó lại sau.
Trong câu 21, bây giờ Phaolô nói sau khi đặt lòng tin cậy nơi Đấng Christ, chớ không đặt vào luật pháp hay các việc lành riêng của chúng ta, không quay trở lại và tìm cách gây ấn tượng cho Đức Chúa Trời bằng khả năng giữ luật pháp hay sống nhơn đức, sẽ làm cho "ân điển Đức Chúa Trời ra vô ích". Ông nói: "vì nếu bởi luật pháp mà được sự công bình, thì Đấng Christ chịu chết là vô ích". Nói cách khác, nếu tôi có thể làm đẹp lòng bằng cách sống nhơn đức, thì sự chết của Chúa Jêsus là vô mục đích.
Các Cơ đốc nhân người Do thái đã tin cậy nơi Đấng Christ nhưng giờ đây muốn quay trở lại với việc tuân giữ luật pháp chớ không nhìn biết Đấng Christ đã giữ luật thay cho họ rồi. Ngày nay, có nhiều người đem lòng tin cậy nơi Đấng Christ để được cứu, nhưng thay vì thưởng thức mối tương giao kỳ diệu của họ với Đấng Christ, họ lại quay sang tôn giáo. Họ tìm cách tuân giữ luật pháp, nghi thức và điều lệ do con người lập ra. Các việc nầy đã cướp đi khỏi họ sự vui mừng và đem đau buồn đến cho Chúa Jêsus.
Nếu tôi không thể gây ấn tượng với Đức Chúa Trời bằng các việc lành của tôi trước khi tôi được cứu, tôi sẽ không hề gây ấn tượng với Ngài bằng các việc lành sau khi tôi được cứu. Tôi không cần gây ấn tượng với Ngài. Tôi chỉ cần ân điển của Ngài mà thôi. Không có một việc gì tôi có thể làm sẽ khiến Ngài yêu thương tôi nhiều hơn hay ít hơn. Tôi đã được cứu trong quá khứ bởi ân điển của Ngài, ngày hôm nay tôi đứng vững trong ân điển của Ngài và hy vọng của tôi trong tương lai chính là ân điển của Ngài.
Một người săn vịt đã ở với người bạn của mình trong vùng đất rộng lớn ở miền đông nam Georgia. Xa xa ở đường chân trời, ông để ý thấy một đám mây khói bốc lên. Không lâu sau đó, ông có thể nghe thấy tiếng cơn gió vần vũ đến. Ông nhìn biết sự thực rất khủng khiếp, một ngọn lửa đang tới gần, nhanh đến nỗi họ không thể tránh được nó. Lục lọi trong mấy cái túi áo của mình, sau đó ông ta tìm thấy cái mà ông cần tìm – một quyển sách nói tới cách tránh thoát ngọn lửa. Ông ta đốt lên một ngọn lửa nhỏ ở quanh hai người. Không lâu sau đó, họ đã đứng trong một vòng tròn đen ngòm, chờ đợi ngọn lửa đến. Họ không phải chờ đợi lâu. Họ dùng khăn tay để che mồm mình lại và ôm lấy nhau. Ngọn lửa đến gần và lướt qua họ. Nhưng họ thì hoàn toàn không bị thương tích, không bị một thứ gì động đến. Ngọn lửa sẽ không đi qua ở chỗ mà ngọn lửa đã đi ngang qua rồi.
Luật pháp giống như một ngọn lửa vậy. Tôi không thể tránh né được nó. Còn nếu tôi đứng vững trong nơi đã từng bị thiêu đốt, thì chẳng một sợi tóc nào trên đầu tôi sẽ bị cháy xém. Sự chết của Đấng Christ là một chỗ đã từng bị thiêu đốt hoàn toàn. Tôi nằm rúc mình ở đó, chỉ tin thôi và được bình an. Luật pháp rất có quyền lực, thế mà lại vô quyền. Sự chết của Đấng Christ đã tước hết mọi tác hại của luật pháp.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét