Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

Gen 9.18-29: "Phần còn lại của câu chuyện"



"Phần còn lại của câu chuyện"

(Sáng thế ký 9.18-29)
Bạn có thích đọc loại tiểu sử hay tự truyện không? Có nhiều người thích đấy. Bạn có thể học biết nhiều về nhân vật theo cách nầy. Tuy nhiên, có lẽ bạn đã có kinh nghiệm nầy rồi. Bạn đang đọc một tiểu sử thì bất chợt bạn sang trang, rồi khám phá ra một bộ xương đang cười toe toét bị che giấu trong buồng nhỏ của ai đó mà bạn rất khâm phục. Nhà báo phụ trách chuyên mục người Mỹ là Russell Baker, ông đã nói: “Nan đề của người viết tiểu sử, ấy là người không bao giờ biết đủ. Nan đề của người ghi tự truyện, ấy là người biết quá nhiều”. Nhưng khi Đức Chúa Trời viết một câu chuyện, Ngài biết rõ mọi sự về mọi người và luôn luôn nói ra sự thật. Ngài làm như vậy vì ích cho chúng ta (Rôma 15.4) [Warren W. Wiersbe, Be Basic. Genesis 1-11 (Wheaton, IL. Victor, 1998), 123].
Trong Sáng thế ký 9.18-29, lịch sử của Nôê và gia đình ông chuyển từ chiếc cầu vồng (9.12-17) sang bóng tối tăm. Paul Harvey đã nói: “Ở đây, chúng ta học biết ‘phần còn lại của câu chuyện’” Tuy nhiên, một trong nhiều lý do tôi tin quyết nơi Kinh thánh là Lời của Đức Chúa Trời là vì các tác giả của Kinh thánh không hề che đậy tội lỗi của các vị thánh đồ [Michael Eaton, Preaching Through the Bible. Genesis 1-11 (Kent, England. Sovereign World, 1997), 141-142]. Họ từ chối không nương tay; họ đã nói thẳng vấn đề ra! Thực tại nầy sẽ khích lệ bạn và tôi. Nếu những người nam người nữ cao trọng của Đức Chúa Trời phạm tội và Đức Chúa Trời vẫn sử dụng họ, Ngài có thể sử dụng bạn và tôi đấy nhé. Chúng ta cần phải sống thành thực và công nhận rằng có nhiều Cơ đốc nhân chưa đạt tới sự trọn vẹn đâu, nhưng Đức Chúa Trời luôn luôn sử dụng chúng ta bất chấp chúng ta là thể nào. Trong những câu nối theo sau, Đức Chúa Trời cung ứng cho chúng ta ba lời cảnh cáo. Nếu chúng ta để ý đến những lời cảnh cáo nầy, chúng ta sẽ lấy làm biết ơn vì chúng ta đã nghe thấy. Còn nếu chúng ta bất chấp những lời cảnh cáo ấy, chúng ta sẽ sống để tiếc nuối tình trạng lơ đểnh của chúng ta.
[Lời cảnh cáo đầu tiên được thấy trong 9.18-21…]
1. Phải ý thức về thất bại sau chiến thắng to lớn (9.18-21). Ở 9.18a, Môise một lần nữa (đối chiếu 5.32; 6.10; 7.13) liệt kê ra ba con trai của Nôê (“Sem, Cham và Gia-phết”) vì câu chuyện giờ đây đặc biệt quan tâm đến họ. Tiếp đến, chúng ta đến với mệnh đề được đặt trong dấu ngoặc đơn ở 9.18b. Môise viết: “…Vả, Cham là cha của Ca-na-an”. Cụm từ nầy không phải được tung vào đây cách bừa bãi đâu. Ngược lại, cụm từ ấy rất thích đáng vì nó tiên liệu trước phần còn lại của câu chuyện. Câu 19 nói rằng cả đất đã được liệu định từ ba người con trai của Nôê. [Họ cưu mang sứ mệnh của Đức Chúa Trời sao cho phải “sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất” 9.1].
Mọi sự dường như xuôi chèo mát mái thì bất chợt ở 9.20-21, chúng ta đọc thấy những lời lẽ bi thảm nầy: “Vả, Nô-ê khởi cày đất và trồng nho. Người uống rượu say, rồi lõa thể ở giữa trại mình” [Một số nhà giải kinh đã giải thích hành động của Cham (Sáng thế ký 9.22-23) là một hành động đồng tính vì hai lý do. Ở chỗ thứ nhứt, cách nói “thấy sự trần truồng” chỉ ra đây là một cách mô tả hành động đồng tính (đối chiếu Lê vi ký 18.6-19). Và thứ hai, trong 9.24 nói rằng Nôê vốn biết rõ những điều mà người con út “đã làm cho mình”, và động từ dường như ám chỉ một hành động, chớ không chỉ có nhìn mà thôi. Tuy nhiên, 9.22 không nói Cham “không che đậy” sự trần truồng của cha mình. Theo văn mạch, Nôê “tự mình loả thể”; Cham chỉ “thấy” cha mình trần truồng. Thêm nữa, động từ Hy bá lai asah (“làm”) mang ý chung chung dẫn tới kết luận rằng Cham đã làm nhiều hơn là chỉ có thấy sự trần truồng của cha mình rồi đi thuật lại cùng anh em mình. Mục đích của văn mạch, ấy là Cham chẳng có sự kính trọng gì hết đối với cha mình. Thay vì che đậy cho cha mình, Cham đi nói cho anh em mình biết. Khi ấy Nôê mới đưa ra lời thề rằng dòng dõi của Cham, họ sẽ bị rủa sả vì được đánh dấu bởi phóng túng đạo đức]. Một thời gian ngắn sau khi rời khỏi chiếc tàu, Nôê đã khởi cày cấy giống như cha mình là La-méc (5.28-29). Lúc bấy giờ ông đã trồng một vườn nho rồi làm ra một thứ rượu ngon. Giờ đây, như bạn đã biết, phương án nầy không xảy ra chỉ qua đêm đâu. Sau khi trồng vườn nho, Nôê phải chờ đợi cho tới khi những trái nho đã sẵn sàng cho mùa hái nho, thường phải mất 3 đến 5 năm. Khi ấy ông phải thu hoạch mùa màng, tập trung nho lại, rồi chiết lấy nước nho. Sau cùng, ông phải để cho nước nho có đủ thời gian để lên men thành rượu. Điều nầy nhắc cho tôi nhớ tới phần quảng cáo không thề quên được mà tôi thường thấy khi tôi còn là một thiếu niên. Ấy là huyền thoại Orson Welles đang quảng cáo chất lượng rượu. Trong phần quảng cáo đặc biệt nầy, nhất là phần âm thanh nổi, nó sánh thứ rượu ngon với bản giao hưởng của Beethoven. Ở phần cuối, ông phát biểu: “Chúng ta chẳng bán thứ rượu nào mà chưa đúng kỳ của nó”. Bất cứ khi nào tôi nghĩ đến câu chuyện nầy, tôi hình dung ra Nôê là một Orson Welles đang đứng gần lò rượu ngon của mình. Mục đích, ấy là tôi đang cố gắng làm cho rượu nầy ra thật ngon. Có vài bước dẫn tới tình trạng say sưa của Nôê.
Một số học giả đã ra sức bảo vệ cho hành vi của Nôê. Họ cho rằng Nôê không thực sự biết điều chi sẽ xảy ra cho ông qua việc uống thứ rượu ngon nầy. Đây là lời biện hộ rất đặc biệt. Nôê là một con người biết phân biện và rất khôn ngoan. Không nghi ngờ chi nữa, trước nạn lụt, có nhiều người đã say sưa (đối chiếu 6.5). Nôê đã sống ở ngoài lối sống đó. Ngược lại, nhân vật cao trọng nầy của Đức Chúa Trời đã phạm tội với đôi mắt rộng mở của mình.
Điều nầy dẫn tới việc đi lan man ra ngoài đề với đề tài rượu chè. Trước khi tôi bàn bạc đề tài nầy, thật là quan trọng khi công nhận rằng hầu hết mọi người đều có ý kiến rất mạnh mẽ đối với việc sử dụng rượu. Nhưng vấn đề thực sự không phải là bạn nghĩ gì hay tôi nghĩ gì. Vấn đề là Đức Chúa Trời đang nghĩ gì kìa? Ý kiến của Ngài là ý kiến duy nhứt, và mới là vấn đề. Cho nên tôi sẽ giới hạn phần bàn bạc của chúng ta, Kinh thánh nói gì về rượu chè?
Thật là ngạc nhiên, Kinh thánh nói rất nhiều về rượu. Từ ngữ “rượu” xảy ra hơn 200 lần trong các bản dịch Kinh thánh của chúng ta. Còn ngạc nhiên hơn nữa đối với một số người trong các bạn là sự thực: Kinh thánh xem rượu cần phải coi chừng ở một vị thế rất cao. Bảng danh sách sau đây cung ứng nền tảng của Kinh thánh đối với rượu [Xem học giả Tân Ước Daniel B. Wallace, The Bible and Alcohol.
http.//www.bible.org/page.asp?page_id=988. (4/10/05)]:
Rượu được coi là một trong những sự ban hiến của Đức Chúa Trời cho nhân loại (Thi thiên 104.15).
Mỗi thứ của lễ thiêu và của lễ bình an đều có kèm theo sự rảy rượu (Dân số ký 15.5-10).
Môise ám chỉ rằng uống rượu và rượu mạnh dâng cho Đức Giêhôva là một việc tốt lành (Phục truyền luật lệ ký 14.26).
Vui vẻ trong Đức Giêhôva được sánh với việc có nhiều rượu (Thi thiên 4.7).
Tôn kính Đức Giêhôva với sự giàu có của một người được ban thưởng với phước hạnh nhiều vựa lẫm chứa rượu (Châm ngôn 3.9-10).
Tình yêu được sánh với rượu cứ hay lặp đi lặp lại trong sách Nhã ca, khi rượu ngon được xem là ngọt ngào (1.2, 4; 4.10; 7.9).
Một trong các biểu tượng cho Israel là rượu (Êsai 5.1-7; Mác 12.1-11).
Rượu là biểu tượng cho ơn phước cao trọng (Êsai 25.6).
Việc thiếu rượu bị xem là một sự phán xét đến từ Đức Chúa Trời (Giêrêmi 48.33; Ca thương 2.12; Ôsê 2.9; Giôên 1.10; Aghê 2.16); và ngược lại, rượu được xem là một ơn phước đến từ Đức Giêhôva (đối chiếu Sáng thế ký 27.28; Phục truyền luật lệ ký 7.13; 11.14; Giôên 2.19, 24; 3.18; Amốt 9.13-14).
Phép lạ đầu tiên của Chúa Jêsus là hoá nước thành rượu (Giăng 2.9-10).
Jesus đã uống rượu (Mathiơ 11.18-19; 15.11; Luca 7.33-35).
Chúa Jêsus đã sử dụng rượu trong tiệc thánh của Chúa (Mathiơ 26.29; Mác 14.25; Luca 22.18).
Phaolô bảo Timôthê phải dùng một ít rượu vì cớ tì vị của Timôthê (I Timôthê 5.23; đối chiếu Châm ngôn 31.6).
Nhưng Kinh thánh cũng cảnh cáo về những mối nguy hiểm của rượu. Danh sách sau đây chứng tỏ điều nầy:
Người Naxirê phải không được dùng rượu (Dân số ký 6.3-4).
Thầy tế lễ bị cấm không được uống rượu trước khi đảm nhận chức vụ trong nơi thánh, e họ phải chết (Lê vi ký 10.9).
Trong Châm ngôn 20.1, ở đây cho chúng ta biết rằng: “Rượu khiến người ta nhạo báng, đồ uống say làm cho hỗn hào; Phàm ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn ngoan”.
Uống rượu nhiều quá là nguy hiểm cho con người và không được lòng Đức Chúa Trời (Châm ngôn 21.17; 23.20-21, 29-35; Êsai 5.22).
Say sưa đặc biệt đáng bị khiển trách khi nó dẫn tới chỗ loả lồ (Habacúc 2.15; Ca thương 4.21). Biểu hiện ra tình trạng loả lồ của một người không những là làm mất phẩm giá cách công khai, mà còn không thích hợp với sự hiện diện của Đức Chúa Trời hằng sống (Xuất Êdíptô ký 20.26; Phục truyền luật lệ ký 23.12-14).
Kinh thánh không nói khắc nghiệt về việc làm nô lệ cho rượu hoặc để cho rượu điều khiển một người, đặc biệt khi tới đỉnh say sưa (Êphêsô 5.18; đối chiếu Phục truyền luật lệ ký 21.20; Truyền đạo 10.17; Luca 12.45; 21.34; Rôma 13.13; I Côrinhtô 5.11; I Phierơ 4.3).
Chúng ta phải hiểu rằng rượu là một nan đề trong xã hội của chúng ta [Người Mỹ chi tiêu hơn 90 tỉ USD vào rượu mỗi năm. “Alcohol Statistics”.
http.//www.usnodrugs.com/alcohol-statistics.htm (4/7/05)]. Nhưng chúng ta phải hiểu Kinh thánh dạy điều gì. Đức tin Cơ đốc nói về sự căng thẳng. Phần nhiều người trong chúng ta mong muốn thế giới chỉ là đen và trắng. Rõ ràng. Không có màu xám. Nhưng màu xám là màu của Kinh thánh. Cho phép tôi hỏi bạn vài câu. Có phải tiền bạc là xấu không? Có phải thức ăn là xấu chăng? Có phải đi đó đi đây là xấu? Có phải tập tành là xấu? Tất nhiên, câu trả lời cho tất cả những thắc mắc nầy là: “KHÔNG!” Đây là vấn nạn của cách thức những ân tứ nầy được sử dụng một khi chúng đến từ Đức Chúa Trời. Với rượu và mọi sự nầy, Kinh thánh kêu gọi phải điều độ. Như cha tôi thường nói với tôi: “Keith, phải điều độ trong tất cả mọi sự”. Nếu chúng ta không sử dụng sự tiết độ đó, thật là quá dễ cho bất cứ một việc tốt lành nào nắm lấy quyền điều khiển trên chúng ta, nó sẽ gây thiệt hại cho đời sống, gia đình và chức vụ của chúng ta.
Vậy thì đâu là kết luận cho vấn nạn nầy? Ba nguyên tắc quan trọng sẽ là đủ để đáp ứng:
Mọi sự đều là sự ban cho của Đức Chúa Trời (I Timôthê 4.4).
Vâng theo nhà cầm quyền (Rôma 13.1-7).
Chấp nhận các quan điểm khác biệt (Rôma 14.1-23).
Giờ đây, hãy quay trở lại với câu chuyện của chúng ta. Sau khi Nôê uống rượu say ông “loả thể ở giữa trại mình”. Từ ngữ Hy bá lai dịch là “loả thể” (galah) có ý nói tới “phơi bày không hổ thẹn” [Waltke viết: “Câu nầy nên dịch là Nôê đã tự mình loả thể (đối chiếu Habacúc 2.15; Ca thương 4.21). Bruce K. Waltke, Genesis. A Commentary (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 148. See also HALOT, Elelctronic Ed]. Giờ đây, chắc chắn sự việc nầy làm cho vấn đề ra rắc rối. Rõ ràng Nôê cảm thấy ấm áp vì tác dụng của rượu, đã cởi hết áo xống mình ra, rồi bước ra khỏi trại mình. Rượu là thứ thuốc làm giảm đau. Nó “làm cho thư giãn” người ta vì nó làm suy yếu đi sự tự chủ, sự khôn ngoan, sự quân bình, và sự xét nét của họ. Nôê say sưa và sơ suất. Ông đi tới đi lui bình thường khi say xỉn và trong tư thế vứt bỏ áo xống của mình. Vì vậy ông đang nằm trong trại mình sóng xoài với tư thế trần truồng trên sàn nhà hay ở chỗ ngủ của ông.
Môise đang lôi kéo sự chú ý của chúng ta đến với những chương đầu tiên của sách Sáng thế ký. Ở 2.8, Đức Chúa Trời đã trồng một ngôi vườn để cho con người tận hưởng. Ở đây, Nôê trồng một vườn nho (9.20). Môise cũng thiết lập những điểm tương tự giữa sự mất ơn của Nôê (ông hái trái của vườn nho mình rồi bị trần truồng) và sự mất ơn của A-đam và Ê-va (họ hái trái cây trong vườn rồi thấy họ bị trần truồng) [John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative (Grand Rapids. Zondervan, 1992), 120; Kenneth A. Matthews, Genesis 1.1-11.2, Vol. 1 (Nashville. Broadman & Holman, 1996), 418]. Khi chỉ ra những điểm tương ứng của Nôê và A-đam, Môise muốn cho chúng ta thấy rằng ngay cả sau khi được cứu khỏi nạn lụt, sự tận hưởng của con người đối với những ân tứ của Đức Chúa Trời không thể kéo dài được. Nôê, giống như A-đam, đã phạm tội, và các tác dụng của tội lỗi đó đã được truyền qua những thế hệ con trai con gái nối theo sau. Như trong Sáng thế ký 3, tác dụng tội lỗi của Nôê đã được thấy nơi sự “trần truồng” của người (9.22; đối chiếu 2.25; 3.7) [John H. Sailhamer, Genesis. EBC (Grand Rapids. Zondervan), Electronic ed].
Khi Nôê và gia đình ông được giới thiệu lần đầu tiên, Môise viết: “Nô-ê trong đời mình là một người công bình và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng thế ký 6.9). Trong Tân Ước, Nôê được gọi là “thầy giảng đạo công bình” (II Phierơ 2.5). Ông cũng được kể đến trong đại sảnh đức tin ở Hêbơrơ 11. Nôê là một nhân vật cao trọng của Đức Chúa Trời. Nếu Nôê có thể phạm tội, bất kỳ ai cũng có thể phạm tội. Điều nầy gồm cả bạn và tôi. Nhưng mục đích của câu chuyện nầy và toàn bộ sách Sáng thế ký không những là bất kỳ ai cũng có thể sa ngã, mà mọi người đều sa ngã (Rôma 3.10-12) [James Montgomery Boice, Genesis 1-11 Vol. 1 (Grand Rapids. Baker, 1982 [1998]), 396-397].
Thời điểm khi hầu hết các Cơ đốc nhân sa ngã là ngay sau gót của một đắc thắng to lớn. Xu hướng của con người thường dịu đi khi cuộc chiến giảm tốc độ [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 151]. Nếu điều nầy xảy ra cho Nôê, nó có thể xảy ra với bạn đấy. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mọi việc đặc biệt diễn tiến tốt đẹp, hãy coi chừng. Hãy giữ sự khiêm nhường. Sứ đồ Phaolô nói: “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (I Côrinhtô 10.12). Chúng ta là hạng người rất yếu đuối. Mỗi Cơ đốc nhân đều có khả năng phạm tội ngay cả tội trọng nhất trong các thứ tội lỗi. Đây là lý do tại sao chúng ta cần đến trách nhiệm của một Hội thánh địa phương và một nhóm nhỏ các tín đồ.
Câu chuyện nầy cũng đóng vai trò như một sự nhắc nhớ cho hạng thánh đồ thời cơ đều có khả năng vấp ngã trong những năm tháng xế chiều của cuộc đời họ. Môise đã phạm tội muộn màng trong cuộc đời của ông bằng cách gõ vào hòn đá và nhận được một chút vinh hiển của Đức Chúa Trời cho chính mình; kết quả là, ông không được phép bước vào Đất Hứa. David đã phạm tội với Bát-sê-ba khi ông ở vào tuổi 50. Sa-lô-môn đã lìa khỏi ý chỉ của Đức Chúa Trời khi ông tuổi đã già. Những thành công trong quá khứ không cung ứng sức lực cho đắc thắng trong tương lai [Boice, Genesis 1-11, 396]. Kinh thánh dạy rất nhiều lần rằng hạng người tin kính có thể bị vấp ngã ngay trước lằn ranh về đến đích [Erwin W. Lutzer, When A Good Man Falls (Wheaton. Victor, 1985), 36]. Cựu Viện trưởng Viện thần học Multnomah, Tấn sĩ Joe Aldrich, đã nói: “Kẻ thù sẽ đợi 40 năm, nếu cần, để gài một cái bẫy cho bạn”. Tôi e câu nầy gây sợ hãi cho những tháng ngày của tôi!
Điều nầy có ý nói chúng ta phải công nhận rằng người cao trọng nhất trong tất cả các tín đồ đều có những yếu đuối. Cơ đốc nhân không phải là một siêu thánh đồ. Người là một con người bình thường được cứu bằng ân điển. Dân sự của Đức Chúa Trời được giữ vững bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta sống khác biệt, sở dĩ được như thế là vì có sự nâng đỡ bằng quyền phép của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta không được giữ vững, chúng ta có thể vấp ngã bất cứ giờ phút nào. Việc duy nhứt khiến cho chúng ta ra khác biệt, ấy là chúng ta được nâng đỡ bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời buông chúng ta ra, chúng ta sẽ vấp ngã thật tồi tệ. Ai có thể nói được chúng ta sẽ làm gì nếu Đức Chúa Trời buông chúng ta ra? [Eaton, Genesis 1-11, 142].
Tội lỗi của Nôê nhắc cho chúng ta nhớ rằng bất cứ ai cũng có thể vấp ngã vào trong tội lỗi. Nhưng nó cũng minh hoạ rằng khi chúng ta sa ngã, chúng ta thường kéo theo ai đó với chúng ta. Hãy nhớ cuộc đua chạy ba chân ở những lần picnics không? Khi bạn té ngã, người bạn cùng chơi với bạn cũng té ngã luôn — không có việc nào là phạm tội một mình đâu [Lutzer, When A Good Man Falls, 38]. Không ai sống cho mình và không ai chết cho mình — và không ai tự mình phạm tội đâu [Lutzer, When A Good Man Falls, 40].
[Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải ý thức về thất bại sau lần đắc thắng to lớn. Giờ đây Ngài muốn chúng ta phải …]
2. Phải ý thức về việc hả hê trước sự không may của người khác (9.22-23). Ở 9.22, chúng ta đọc thấy rằng “Cham là cha Ca-na-an, thấy sự trần truồng [See Allen P. Ross, “The Curse of Canaan,” Bibliotheca Sacra 137.547 (July-September 1980). 230] của cha, thì ra ngoài thuật lại cùng hai anh em mình”. Rõ ràng là cái nhìn của Cham không phải là một cái nhìn vô hại hay một cái liếc mắt tình cờ. Động từ “thấy” có sức mạnh mà có người cho rằng cái thấy đó có ý nói “ông đã nhìn với sự thoả mãn”. Sau khi nhìn thấy sự trần truồng của cha, Cham đã ra ngoài thuật lại với anh em mình. Từ ngữ “thuật lại” có ý nói “dạn dĩ công bố với sự thích thú”. Cham đã hả hê đối với sự xấu hổ của cha mình. Tấm lòng của Cham có dự tính chế giễu cha mình và xem thường uy quyền của cha là một người của Đức Chúa Trời. Ông đã không làm một điều gì để bảo tồn phẩm giá của cha mình. Mà ngược lại, có lẽ Cham đã khích lệ Sem và Gia-phết nên bước vào trại để tự họ nhìn xem quang cảnh lạ lùng nầy [Một lời cảnh cáo nói tới những gì Cham đã làm. Châm ngôn 30.17: “Con mắt nhạo báng cha mình, khinh sự vâng lời đối với mẹ mình, các con quạ của trũng sẽ móc mắt ấy, và các chim ưng con sẽ ăn nó đi”.
Bạn đáp ứng ra sao đối với những tội lỗi và vấp ngã của người khác? Với sự thích thú chăng? Với một nhận thức siêu đẳng chăng? Bằng cách rao ra câu chuyện chăng (xem Châm ngôn 17.9; Galati 6.1-2)? Buồn thay, hầu hết mọi người đều nhìn xa thấy rộng khi đến với tội lỗi — họ nhìn thấy tội lỗi của người khác, chớ không thấy tội lỗi của chính mình! Phần nhiều người trong chúng ta thích nghe nói về cái chết của người khác. Giờ đây, chúng ta không trâng tráo công nhận điều đó, nhưng đó là sự thật. Người theo xác thịt thích nghe nói về vụ bê bối gây xôn xao dư luận mới đây nhất (thí dụ, một đám cưới trên núi, một áp phe, một Cơ đốc nhân sa ngã). Tuy nhiên, Chúa muốn chúng ta phải buồn rầu khi có những tín đồ khác sa ngã vào trong tội lỗi. Cách thức người ta đáp ứng đối với tội lỗi và sự bối rối của người khác là một sự chỉ ra cá tánh của họ [Wiersbe, Be Basic, 125].
Ở 9.23, chúng ta đọc phần ngược lại: “Nhưng Sem và Gia-phết đều lấy áo choàng vắt trên vai mình, đi thùi lui đến đắp khuất thân cho cha; và bởi họ xây mặt qua phía khác, nên chẳng thấy sự trần truồng của cha chút nào”. Ngược lại với Cham, Sem và Gia-phết đã che đậy sự trần truồng của Nôê. Họ đã đắp “áo choàng” [Thật là thú vị, từ ngữ được dịch là “áo choàng” có mạo từ xác định tiếng Hy bá lai (“the”) cùng với nó. Mạo từ có thể ám chỉ rằng áo choàng là rõ ràng và sinh động trong lý trí của người thuật chuyện, nhưng phải chăng đó là áo choàng của Nôê. Có phải Cham đã lấy áo ấy ra khi ông thuật lại cùng anh em mình? Xem NET Study Bible] vắt trên vai mình. Họ đã đi thùi lui và đắp áo cho Nôê. Họ đã xây mặt lại không nhìn xem sự trần truồng của cha mình. Họ đã tôn kính cha mình và đạt được sự tán thưởng và phước hạnh của Đức Chúa Trời. Ý nghĩa và sự đối ngược giữa các hành động của mấy người con trai được thấy rõ từ câu chuyện của của tác giả nói tới sự sa ngã trong Sáng thế ký 3. Trong sự che đậy tình trạng trần truồng của cha mình, Sem và Gia-phết đã sống như A-đam và Ê-va (3.7) và Đức Chúa Trời (3.21) họ không nhìn vào sự trần truồng của con người nhưng che đậy nó với chiếc áo bằng da thú (đối chiếu 2.25) [Sailhamer, Genesis, Electronic ed]. Họ là minh hoạ sống động về I Phierơ 4.8: “Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi” (đối chiếu Châm ngôn 10.12; 12.16; 17.9).
Nôê đã cảm nhận thế nào khi ông bật tỉnh lại từ cơn say rượu và nhận biết những điều mình đã làm? Có phải ông đang ngồi bên mé giường của mình, hai tay bụm lấy mặt, nôn oẹ với sự kinh tởm và xấu hổ không? Khi lý trí ông lần trở lại vài giờ qua và thể nào ông đã rơi vào tình trạng nây, phải chăng lời lẽ giao ước của Đức Chúa Trời thoắt hiện trở lại trong lý trí ông (9.9)? Ông có thể làm gì khác hơn là chỉ tin cậy vào sự thương xót của một Đức Chúa Trời giàu ơn và hay thương xót? [Anne Graham Lotz, God’s Story (Nashville. Word, 1999 [1997]), 232].
[Đức Chúa Trời cảnh cáo chúng ta phải tỉnh thức về thất bại sau lần đắc thắng to lớn và sự hả hê về sai lầm của người khác. Chúng ta cũng được cảnh cáo về …]
3. Phải tỉnh thức về những hậu quả lâu dài của tội lỗi (9.24-29). Ở 9.24, Môise viết: “Khi Nô-ê tỉnh rượu rồi, hay được điều con thứ hai đã làm cho mình”. Không nghi ngờ chi nữa, Nôê lấy làm xấu hổ về những điều ông đã làm. Ông cũng lấy làm ngạc nhiên khi thấy mình được được đắp áo cho. Thật tự nhiên, ông đã lấy làm lạ không biết điều chi đã xảy ra trong trại khi ông say ngủ. Việc hợp lẽ nhất là trao đổi với Gia-phết, con trưởng nam của ông; và Gia-phết và Sem đã thuật lại cho ông biết những điều Cham đã làm.
Đáp ứng lại những gì mình đã biết, Nôê nói: “Ca-na-an [Kaiser viết: “Một trong những giây phút đáng buồn nhất trong lịch sử của sự giải thích là khi những nhà biện hộ cho tình trạng nô lệ quyết định sử dụng đoạn văn nầy như một sự xưng công bình cho cách đối xử tàn bạo của họ đối với người da đen. Nhất định rằng lời tiên tri thiêng liêng nầy mà Nôê đã thốt ra sau nước lụt đã hợp thức hoá tình trạng nô lệ cho một nhóm người đã bị ruả sả một cách vĩnh viễn. Những kẻ ủng hộ tình trạng nô lệ luận rằng bản dịch Ả rập về Sáng thế ký 9.25 đọc như sau: ‘Đáng rủa sả thay là cha của Canaan’ thay vì ‘Đáng ruả sả thay là Canaan’. Một sự trung thành mãnh liệt đối với việc ứng dụng sai đoạn văn nầy đã xảy có liên tục giữa vòng một số nhóm cho đến thời buổi nầy. Nhưng sự hà hiếp người da đen bởi người da trắng không thể được xưng công bình từ câu chuyện nầy”. Walter C. Kaiser, Hard Sayings of the Bible (Downers Grove, IL. InterVarsity, 1997 [1996]), Electronic ed. Arnold viết: “Một số người đã sử dụng sai lời ruả sả nầy ở 9.25, họ luận rằng các nhóm đạo đức là siêu việt hơn những nhóm khác. Các nhóm như Ku Klux Klan đã dựa theo hệ tư tưởng chủng tộc của họ căn cứ theo phân đoạn nầy, họ luận rằng tình trạng nô lệ là chương trình của Đức Chúa Trời dành cho những chủng tộc hạ cấp. Nhưng điều nầy hoàn toàn sai lầm, và thực thi một sự bất công đối với lẽ thật của Kinh thánh. Lời ruả sả của Nôê không phải là một vấn đề của tính cách sắc tộc, mà là vấn đề của sự công bình nghịch lại dân Canaan, họ sẽ trở thành giống dân độc dữ nhất ở vùng Cận Đông. Dân Canaan và dân Israel cả hai đều là dòng dõi của Sem, và chẳng có một thắc mắc gì khi phân đoạn nầy không xét đoán một chủng dân nào ở một cấp độ thấp kém giữa vòng các dân ở trên đất. Bất kỳ một nổ lực nào sử dụng 9.24-27 theo cách nầy là phi Cơ đốc, và là một sự tái chọn lọc lại những gì Đức Chúa Trời đã phá hủy đi” Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 61-62] đáng rủa sả [Trước lời ruả sả của Nôê về Canaan, chỉ có Đức Chúa Trời mới phán ra một lời ruả sả nghịch lại bất kỳ ai hay nghịch lại bất cứ thứ gì (đối chiếu con rắn dối gạt [Sáng thế ký 3.14]; đất [3.17; 5.29; 8.21]; và Ca-in giết người [4.11]). Vì thế, ở đây, Nôê, đã khoác lấy trên mình đặc quyền của Đức Chúa Trời]. Nó sẽ làm mọi cho các tôi tớ của anh em nó”. Giờ đây, đây là một việc thật kỳ dị. Ai là “Canaan”? Canaan là con của Cham, cháu nội của Nôê (9.18b). Tại sao sự ruả sả lại giáng trên Canaan? Dường như là Nôê đang nói tiên tri rằng Canaan đã bị ruả sả rồi vì người là con trai của Cham [Có thể Canaan đã dự phần vào tội lỗi của cha mình theo một phương thức nào đó, dù đoạn văn không nói ra điều nầy. Đây sẽ là một trường hợp phản ảnh trung thực án phạt (nghĩa là, Khi Cham, con trai út của Nôê, đã phạm tội nghịch lại cha mình, vì vậy Canaan, con trai của Cham, bị phạt)]. Ông đang nói: “Hỡi Canaan, ngươi bị ruả sả vì Cham là cha ngươi”. Đây cũng là một lời cảnh cáo đối với Cham vì con trai của ông sẽ đối xử với ông y như ông đã đối xử với cha mình. Cham không kính trọng Nôê, và địa vị làm cha nói chung, vì vậy Canaan bị ruả sả do có Cham là cha của mình. Câu chuyện của lịch sử đang gây ấn tượng rất mạnh. Một ngày kia, con không kính trọng cha mình; kết quả là, xã hội chúng ta sẽ bị phá hủy với sự loạn nghịch.
Có nhiều người bị ruả sả vì cớ tổ phụ của họ và nhiều người đã xây đi khỏi cha của mình. Tuy nhiên, một cậu thiếu niên muốn hơn nữa, chớ không phải chỉ giống cha mình. Trong thời buổi và kỷ nguyên của chúng ta, sự thể ấy vừa là một việc tốt cũng là một việc xấu xa nữa. Những người làm cha đã yêu thương con cái của họ và đánh giá cao địa vị làm cha. Phải trở thành một tấm gương tin kính để cho chúng có thể nhìn vào đấy.
Giống như người con út đối xử sai trái với cha của mình, cũng một thể ấy sự ruả sả sẽ giáng trên con út của mình, là kẻ kế tự sự suy đồi đạo đức của ông ta (Lê vi ký 18.3; Phục truyền luật lệ ký 9.3). Thêm vào cho dân Canaan, dòng dõi của Cham sẽ là một trong những kẻ thù cay đắng nhất của dân Israel: Ai cập, Philitin, Asiri và Babylôn (xem 10.6-13) [Waltke, Genesis, 150; Gordon J. Wenham, Genesis 1-15. WBC (Waco, TX. Word, 1987), 201]. Sự hớ hênh của Cham đối cùng cha mình rất dễ bị xem là một loại cư xử về sau nầy của người Ai cập và dân Canaan. Lời ruả sả của Nôê trên Canaan vì thế tiêu biểu cho bản án của Đức Chúa Trời giáng trên tội lỗi của dân Canaan, những điều mà tổ phụ họ là Cham đã nêu gương.
Khi Đức Chúa Trời phán rằng Ngài sẽ: “nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời” (Xuất Êdíptô ký 20.5b), Ngài đã thực thi điều ấy! Thí dụ, Ápraham nói dối với Pharaôn về Sara. Y-sác lại rơi vào hoàn cảnh đó và đã nói dối về vợ mình, là Rêbaca; Gia-cốp kết thúc bằng một lời nói dối và đã có 12 con trai, 10 người trong số đó đã dối gạt ông bằng những lời dối trá. Đó là điều bạn sẽ gặp phải: bốn đời đã bị tác động vì cớ tội lỗi của một trong số các tổ phụ họ.
Ở 9.26-27, Nôê nói: “Đáng ngợi khen Giê-hô-va [Waltke ghi lại: “Nôê sử dụng danh riêng của Đức Chúa Trời, ‘Đức Giêhôva’ cho mối quan hệ giao ước của Ngài với Sem, nhưng ông sử dụng ‘Đức Chúa Trời’ cho sự siêu đẳng của Ngài trên dòng dõi của Gia-phết” Waltke, Genesis, 151], là Đức Chúa Trời của Sem thay; Ca-na-an phải làm tôi cho họ! Cầu xin Đức Chúa Trời mở rộng đất cho Gia-phết, cho người ở nơi trại của Sem [Điều nầy không có nghĩa là Gia-phết sẽ sống trong trại của Sem, mà đúng hơn Gia-phết sẽ có “mối quan hệ mật thiết với Sem”. Điều nầy được đối chiếu với những kẻ sẽ “ở trong trại của kẻ dữ” (Thi thiên 84.10)]; còn Ca-na-an phải làm tôi của họ [Kaiser viết: “Vẫn còn có một yếu tố ‘phản ảnh’ án phạt ở đây, đặc biệt nếu Canaan biểu lộ những việc làm thuộc khuynh hướng đã có rồi trong thất bại của Cham không che đậy sự trần truồng của Nôê. Sau cùng, đây là một vấn đề ghi chép lịch sử cho thấy dân Canaan là kẻ lầm đường lạc lối khét tiếng trong hành vi tình dục của họ. Hầu hết ở đâu cũng vậy, cái mai của nhà khảo cổ đã đào sâu trong phần đó của thế giới để có được những dấu hiệu biểu lộ đủ để khiến cho những kẻ buôn bán sách báo khiêu dâm dường như là kẻ khởi sự trong thương mại về tình dục sai trái. Sôđôm để lại tiếng tăm của mình về tội ác mà dân nầy đã phạm. Ngay cả người La mã, họ sa sút trong lối sống thực của họ, đã bị sốc bởi hành vi của người Phênixi tại vùng thuộc địa Carthage (di tích sau cùng của dòng giống Canaan). Tại sao câu chuyện nầy được gắn vào truyện tích Kinh thánh? Nó thuật lại cho độc giả thấy rằng trừ phi có một số thay đổi về đạo đức nơi người Canaan, họ sẽ được đề cử phải bị dời đi ra khỏi xứ. Đức Chúa Trời đã chịu đựng lâu dài và chậm giận chứng thực án phạt nầy không giáng trên nhóm dòng dõi đó cho đến thời Giô-suê chinh phục xứ Canaan. Thật khó để xác định niên đại thời buổi của Nôê, nhưng ai cũng biết rằng Giô-suê đã sống khoảng năm 1400BC. Tối thiểu là sự việc nầy có ý nói rằng ân điển của Đức Chúa Trời được mở rộng ra cho người Canaan trong vài ngàn năm. Chắc chắn Đức Chúa Trời là rời rộng nhất đối với dân nầy, cung ứng thời gian thích đáng cho tội nhân phải ăn năn” Kaiser, Hard Sayings of the Bible, Electronic ed]. Nôê đã rao ra một sự kết án rằng sự cứu rỗi và ơn phước sẽ đến qua dòng dõi của Sem. Đúng kỳ, Chúa Jêsus sẽ trở thành một người Do thái, một người Semite, và một dòng dõi theo gia phổ của Sem qua Ngài, toàn bộ dòng giống con người sẽ được phước [Eaton, Genesis 1-11, 143]. Gia-phết [Danh “Gia-phết” có nghĩa là “mở rộng” hay “làm cho rộng lớn ra”. Cassuto viết:, “Cả xưa và nay đều giải thích từ nầy theo ý nghĩa của ‘làm cho rộng lớn ra’ theo cơ sở ngôn ngữ Ả rập …và điều nầy tỏ ra là sự giải thích chính xác” U. Cassuto, A Commentary on the Book of Genesis (Jerusalem. The Magnes Press, 1964), 168-169] cần phải mở rộng lãnh thổ. Phổ hệ của ông không dẫn tới Đấng Mêsi, nhưng có một ơn phước chất chứa cho ông. Ông đã bảo hộ cho Nôê và sẽ tìm được sự bảo hộ cho bản thân mình. Ngôn ngữ gây ấn tượng rất mạnh. Gia-phết sống trong trại của Sem. Một người được phác hoạ là đang cư trú với một người khác. Trong dòng lịch sử ơn cứu rỗi sẽ đến qua một người Semite — là Chúa Jêsus. Khi ấy vô số dân Ngoại sẽ đến với ơn cứu rỗi qua một Đấng Cứu Thế người Do thái. Dân sự của Gia-phết được mở rộng về dân số và về lãnh thổ của họ, nhưng còn hơn cả việc mở rộng lãnh thổ ở đây nữa. Tin lành sẽ đến qua một Cứu Chúa người Semite, và khi Ngài đến, ơn cứu rỗi sẽ khả thi cho mọi người ở khắp mọi nơi. Nhiều người trong dòng dõi Gia-phết trên khắp vùng Địa Trung Hải sẽ “có nơi cư trú” trong Đấng Cứu Thế người Semite nầy [Eaton, Genesis 1-11, 144]. Dân sự người Semite sẽ là ống dẫn — cái nôi, như thực vậy — là ống dẫn mà toàn bộ nhân loại sẽ nhận được phước hạnh ra từ đó [Francis A. Schaeffer, Genesis in Space and Time (Downers Grove, IL. InterVarsity, 1972), 149].
Sáng thế ký 9 kết thúc với phần tóm tắt đời sống về sau của Nôê. Giống như bậc tiền bối của ông trong chương 5, Nôê đã sống rất thọ (950). Giống như Hê-nóc, ông đã “đồng đi với Đức Chúa Trời” (5.21, 23; 6.9) rất sớm sủa trong đời sống của ông. Nếu Nôê không sa ngã sau nạn lụt, có lẽ Đức Chúa Trời sẽ cất ông đi giống như Ngài đã làm với Hê-nóc (5.24). Nhưng trong trường hợp của Nôê, việc ấy đã không xảy ra. Giống như các tổ phụ khác của ông trong Sáng thế ký 5, Nôê đã qua đời (9.29) [Ronald F. Youngblood, The Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1991), 123]. Và dù tội lỗi không hề được lặp đi lặp lại, ký ức đã trải ra một đám mây cho đến kỳ tận thế [W.H. Griffith Thomas, The Pentateuch (Grand Rapids. Kregel, 1985), 39].
Khi tôi kết thúc, tôi muốn trao đổi với những người nào có cảm nhận giống như Nôê hay Cham. Nếu Satan đã thắng một trận trong đời sống của bạn, đừng để hắn thắng trận thứ nhì. Đừng rơi vào chỗ dối trá cho rằng quá trễ bạn không thể ăn năn được nữa. Satan có ba lời nói dối mà hắn không bảo đảm được cho hạng tín đồ cả tin. Thứ nhứt, ấy là tội lỗi không thực sự là vấn đề. “Chỉ phạm có một lần thôi mà, và Đức Chúa Trời sẽ tha thứ cho ngươi, và ngươi có thể kiểm soát mọi hậu quả”. Tiếp đến, khi chúng ta sa ngã, hắn tới đến với lời dối trá thứ nhì: “Ngươi đã đấm nó tệ đến nỗi không thể đứng dậy được. Thực vậy, nếu ngươi nhận được ơn tha thứ hôm nay, ngươi sẽ phạm lại tội ấy vào ngày mai, vậy sao bối rối mà chi?” Và một lần nữa hắn gặp bạn ở đó, hắn cũng có lời dối trá thứ ba như thế nầy đây: “Bây giờ, hãy nhìn vào những gì ngươi đã làm. Ngươi đã đi quá xa rồi. Ngươi đã phạm quá nhiều tội lỗi và gây tổn thương cho quá nhiều người. Hãy học biết cách đương diện với tội lỗi của ngươi vì Đức Chúa Trời không muốn nghe ngươi nữa đâ; người quá xấu xa đến nỗi không đáng được tha thứ nữa”. Và khi Ma Quỉ đã thuyết phục bạn chẳng còn có đường nào quay trở lại, bạn bị sa lầy với sự ruả sả, và con cái của bạn cũng phải như thế. Nhưng Đức Chúa Trời muốn đưa bạn trở lại hôm nay, vì vậy Ngài sẽ thu nhỏ lại những hậu quả của tội lỗi mà bạn đã phạm phải. Ngài phán với bạn như sau: “Ta muốn choàng vòng tay của Ta ở quanh ngươi một lần nữa. Ta sẽ xoá tội lỗi của ngươi. Ngươi có thể đi trước mặt Ta trong sự thánh sạch và thánh khiết” [Lutzer, When A Good Man Falls, 41].


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét