Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Gen 40-41: "Không thể dằn lại"



"Không thể dằn lại"

(Sáng thế ký 40-41)
Có một thí dụ nói về một nhà nông kia, con chó già của ông ta bị rớt xuống cái giếng khô. Sau khi đánh giá tình hình, nhà nông cảm thông với con chó nhưng lại quyết rằng con chó cũng như cái giếng đều có rắc rối lớn nếu muốn cứu. Thay vì thế, ông ta tính chôn con chó già ấy trong cái giếng và rút ông ta ra khỏi nổi khổ. Khi nhà nông bắt đầu cầm lấy cái xẻng, con chó già kia bắt đầu hốt hoảng. Nhưng rồi con chó chợt nghĩ ra cứ mỗi lần cái xẻng xúc một ít đất đổ xuống lưng nó, nó sẽ lúc lắc cái mình rồi bước lên đó. Nó cứ làm như thế: “Lắc lư cái mình rồi bước lên, lắc lư cái mình rồi bước lên, lắc lư cái mình rồi bước lên!” nó cứ lặp đi lặp lại để tự khích lệ mình. Cũng không lâu trước khi con chó uể oải và kiệt lực, nó đã đắc thắng bước ra khỏi cái giếng. Những gì nó nghĩ sẽ chôn nó thực sự đã làm ích cho nó — mọi sự vì phương thức nó vận dụng trong nghịch cảnh [Ed Rowell, Go the Distance. 21 Habits for Winning at Life (Nashville. Broadman & Homan, 2002), 51].
Câu chuyện đó luôn nhắc cho tôi nhớ đến Giôsép, là người thường xuyên thấy mình bị chôn trong một cái hố. Tuy nhiên, giống như con chó già can đảm nầy, Giôsép cũng có quyết tâm và can đảm để “lắc lư cái mình rồi bước lên”. Sáng thế ký 40-41 giải thích thể nào Đức Chúa Trời sử dụng nghịch cảnh để làm ích cho các tôi tớ Ngài. Thực vậy, khi chúng ta nghiên cứu tiểu đoạn nầy, chúng ta sẽ học biết có thể sửa soạn cho hạng Cơ đốc nhân tầm thường cho sự phục vụ phi thường.
Cảnh 1 (40.1-8)
Môise bắt đầu câu chuyện với lời lẽ như thế nầy: “Mấy việc nầy qua rồi [đối chiếu 39.20-23], xảy có quan tửu chánh và quan thượng thiện của vua Ê-díp-tô phạm đến [đối chiếu 39.9] [Quan tửu chánh và quan thượng thiện đã “phạm” (chata) đến chúa của họ. Cũng chính từ ngữ Hy bá lai nầy được thấy ở Sáng thế ký 39.9: “Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội (chata) cùng Đức Chúa Trời sao?” Rõ ràng, quan tửu chánh và quan thượng thiện không phải là phạm vào một sự vô ý nhỏ hay phạm sơ xuất nghịch lại Pharaôn, nhưng họ đã phạm vào một tội trọng nghịch lại Pharaôn] chúa mình. Pha-ra-ôn nổi giận cùng hai quan mình, là tửu chánh và thượng thiện, bèn đem họ cầm ngục tại dinh quan thị vệ, là nơi đang cầm Giô-sép” (40.1-3). Ba câu nầy chỉ ra sự tể trị của Đức Chúa Trời. Trong khi Giôsép bị nhốt oan ở trong tù, Đức Chúa Trời đem một số khách có ảnh hưởng đến rất bất ngờ. (Quan tửu chánh và quan thượng thiện chịu trách nhiệm sự ăn uống của Pharaôn). Từ ngữ “in” (ở trong) được lặp đi lặp lại ba lần ở 40.3 [theo bản Kinh Thánh Anh ngữ] để nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời là Đấng đã đưa hai nhân vật nầy vào nhà tù với Giôsép.
Ở 40.4, “Quan thị vệ” (không ai khác hơn là Phôtipha) đã đặt Giôsép coi sóc quan tửu chánh và quan thượng thiện. Môise viết rằng chàng “hầu việc” (sharath) hai người ấy. Từ ngữ nầy có ý nói “chờ đợi luôn, giống như một tôi tớ” (đối chiếu 39.4). Giôsép chẳng nóng lòng với sự bất công trong hoàn cảnh của chàng. Chàng không gây ấn tượng chi hết. Chàng không nung nấu với sự cay đắng. Chàng chẳng tỏ ra mình đang thất vọng. Thay vì thế, chàng chọn hướng sự chú ý của mình vào sự hầu việc những kẻ đang ở chung quanh mình. Phục vụ cho người khác có hai tác dụng đem lại sự ích lợi cho Giôsép. Thứ nhứt, sự phục vụ giữ chàng không đắm mình vào chỗ tự thương hại. Cảm thấy hối tiếc cho bản thân mình khi phục vụ người khác thì thật là khó (Mác 10.45). Thứ hai, phục vụ lót đường cho sự chàng được giải cứu hoàn toàn. Nếu Giôsép không phục vụ quan tửu chánh và quan thượng thiện, chàng sẽ chẳng bao giờ nghe được và giải thích các điềm chiêm bao của họ. Nếu chàng không giải thích các điềm chiêm bao của họ, chàng sẽ không bao giờ giải thích được các chiêm bao của Pharaôn. Và nếu chàng không giải thích các điềm chiêm bao của Pharaôn, chàng sẽ không bao giờ được đặt vào một địa vị làm sự giải cứu cho tuyển dân của Đức Chúa Trời. Và nếu chàng không giải cứu tuyển dân của Đức Chúa Trời, Đấng Mêsi sẽ không bao giờ ngự đến để cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi! Sự cứu rỗi của chúng ta từng phần rất đáng nhớ, đã khiến cho Giôsép phải bằng lòng phục vụ cho hai vị tù phạm nầy khi nhiều người khác rơi vào chỗ ngặt của sự ngã lòng, cứ ngồi đấy mà than: “Lạy Chúa, sao lại là tôi?” [See also Bob Hallman, “Dream On!” (Genesis 40.1-23).
http.//www3.calvarychapel.com/kauai/teachings/genesis.html].
Khi ấy, quan tửu chánh và quan thượng thiện mỗi người đều có một điềm chiêm bao trong cùng một buổi tối (40.5). Các câu 6-8 cho chúng ta biết: “Sáng mai, Giô-sép đến cùng họ, nhìn thấy sắc buồn bực, bèn hỏi rằng: Ngày nay sao hai quan có sắc mặt âu sầu vậy? Đáp rằng: Chúng tôi có thấy một điềm chiêm bao mà không ai bàn giùm. Giô-sép rằng: Sự bàn chiêm bao há chẳng do nơi Đức Chúa Trời ư? Xin hãy thuật lại điềm chiêm bao của hai quan cho tôi nghe đi”. Thật là quan trọng khi thấy rằng Giôsép biết để ý đến tình trạng của hai nhân vật nầy. Chàng có thể dễ dàng đắm mình vào sự tự thương hại. Thay vì thế, chàng lại để ý quan tửu chánh và quan thượng thiện trông quá nãn lòng và ngay lập tức phân biệt được có chuyện gì là sai lầm đây!?! Một trong những chìa khóa cho đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh là phải trở thành một người biết chăm vào người khác (Philíp 2.4).
Hãy hình dung điều nầy…Giôsép là kẻ đáng phải buồn bã hơn hết. Chàng là người đã bị vu cáo rồi bị đem bỏ tù. Tuy nhiên, chàng có mặt ở đây, đang cổ vũ người khác! Mặc dù chúng ta có thể rơi vào những tình huống bất lợi, chúng ta có thể khích lệ kẻ nào đang ở cảnh rối rắm hơn chúng ta. Khi chúng ta trông đợi ai đó đến khích lệ chúng ta, khi ấy chúng ta có thể thực hiện sự khích lệ cho ai đó [R.T. Kendall, God Meant it for Good. A Fresh Look at the Life of Joseph (Charlotte, NC. Morning Star, 1986), 69].
Giờ đây, hãy quay trở lại với câu chuyện. Quan tửu chánh và quan thượng thiện đang rầu rĩ và ngã lòng vì chẳng có ai giải thích được điềm chiêm bao của họ. Chiêm bao đóng một vai trò quan trọng ở Cổ Ai cập, và sự giải thích chúng là một tài năng rất đặc biệt. Là tù phạm, quan tửu chánh và quan thượng thiện chẳng có cách nào để tiếp cận với những chuyên gia giải thích chiêm bao [Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 526]. Giôsép đã công nhận rằng điềm chiêm bao của quan tửu chánh và quan thượng thiện là những mặc khải đến từ Đức Chúa Trời [Thái độ của Giôsép khăng khăng với sự chối bỏ cách thực hành của hệ thống thờ lạy hình tượng của Cựu Ước và sự tin tưởng vào lời tiên tri như một phương tiện khám phá ra ý chỉ của Đức Chúa Trời (xem Phục truyền luật lệ ký 18.10-22)]. Khi nhận biết rằng Đức Chúa Trời đã ban cho chàng khả năng để giải thích những sự khải thị thiêng liêng của họ, Giôsép đã mời hai vị tù nhân nầy cứ tỏ ra điềm chiêm bao của họ cho chàng. Tuy nhiên, chàng rất cẩn thận, dâng cho Đức Chúa Trời [Ở Sáng thế ký 40-41, Yahweh không xuất hiện một lần, trong khi Elohim xuất hiện ở Sáng thế ký 40.8-9; 41.16, 25, 28, 32 [hai lần], 38, 39, 51, 52. Ở Sáng thế ký 39, Elohim xuất hiện một lần (39.7) và Yahweh xuất hiện bảy lần. Victor P. Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50. NICOT (Grand Rapids. Eerdmans, 1995), 477] sự vinh hiển vì ân tứ giải thích chiêm bao của chàng (40.8; đối chiếu 41.16, 25, 28, 39) [Đaniên cũng có khả năng giải điềm chiêm bao và tương tự đã dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời (đối chiếu Đaniên 2.28). Về những điểm tương đồng giữa Giôsép và Đaniên, hãy xem Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 1988 [2002 ed.]), 637].
Cảnh 2 (40.9-19)
Giôsép đã tự sửa soạn mình để nghe điềm chiêm bao của quan tửu chánh, giống như xem cuộn phim trên TV chạy với tốc độ nhanh vậy [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 471]. Môise viết: “Quan tửu chánh thuật điềm chiêm bao mình lại cho Giô-sép mà rằng: Trong chiêm bao, tôi thấy một gốc nho ở trước mặt tôi; gốc nho đó lại có ba nhành. Dường như thấy nhành nảy chồi, trổ bông, chùm có trái chín thì phải. Tay tôi đang cầm cái chén của Pha-ra-ôn; tôi hái nho đó, ép nước nho vào, rồi dâng tửu bôi vào tay Pha-ra-ôn. Giô-sép nói: Ý-nghĩa chiêm bao đó là thể nầy: Ba nhành nho tức là ba ngày. Trong ba ngày nữa, Pha-ra-ôn sẽ tha quan ra khỏi ngục, phục chức lại, quan sẽ dâng cái chén của Pha-ra-ôn vào tay người như cũ, như khi còn làm chức tửu chánh. Song khi quan được hưởng lạc lại rồi, xin nhớ đến tôi, làm ơn tâu cùng Pha-ra-ôn về nỗi tôi, và đem tôi ra khỏi chốn nầy. Vì tôi bị người ta bắt đem ra khỏi xứ của người Hê-bơ-rơ, và tại đây tôi cũng chẳng có làm tội gì mà bị cầm nơi lao lung nầy” (40.9-15). Có người nghĩ rằng Giôsép đã sai khi trình bày điều nầy với viên quan tửu chánh [Kendall tin rằng Giôsép đang ra sức nắn đúc tương lai của mình. Kendall, God meant it for good, 71. Wiersbe luận rằng Giôsép đang biểu lộ ra sự vô tín. Xem Warren W. Wiersbe, Be Authentic. Genesis 25-50 (Colorado Springs. Chariot Victor, 1997), 99]. Nhưng tôi thấy chẳng có cớ gì phải nghĩ như thế. Có lẽ Giôsép nhìn thấy đây là phương tiện của sự Đức Chúa Trời tiếp trợ cho những lời cầu nguyện của chàng. Chàng đã có những hy vọng rất cao. Hy vọng như thế chẳng có gì là sai, khi chúng ta hầu việc một Đức Chúa Trời là Đấng làm mọi việc vì ích cho chúng ta. Chúng ta đáng phải là hạng người của sự trông cậy. Trong khi bằng lòng ở lại trong nhà tù bao lâu theo như Đức Chúa Trời muốn, Giôsép cũng đưa ra từng nổ lực để tìm cách thoát ra qua từng ống dẫn hợp pháp (đối chiếu Châm ngôn 16.9).
Môise tiếp tục viết: “Quan thượng thiện thấy Giô-sép bàn mộng được tốt, bèn nói: Còn trong điềm chiêm bao của tôi đây, tôi đội ba giỏ bánh trắng trên đầu; trong giỏ cao hơn hết, có đủ món thực vật của thợ làm bánh hấp cho Pha-ra-ôn [Phần mô tả của quan thượng thiện về “đủ món thực vật” (Sáng thế ký 40.17) là thực đơn bình thường dành cho hạng vua chúa vì tự điển Ai cập liệt kê ra 38 loại bánh ngọt và 57 loại bánh mì đủ loại. Hiển nhiên là ở Ai cập các thứ bánh ấy rất được ưa chuộng. Xem Gordon J. Wenham, Genesis 16-50, Vol. 2. WBC (Waco, TX. Word, 1994), 324]; chim đáp vào giỏ trên đầu tôi ăn các món đó. Giô-sép đáp rằng: Ý-nghĩa chiêm bao nầy là, ba giỏ, tức là ba ngày. Trong ba ngày nữa, Pha-ra-ôn sẽ xử trảm quan, sai đem treo lên cây cho chim chóc ăn thịt quan vậy” (40.16-19). Nhưng có một lối chơi chữ trong tiểu đoạn nầy. Giôsép sử dụng cụm từ “lift up your head” (nâng đầu ông lên, theo nghĩa đen) [phục chức lại trong câu 13] (40.19; đối chiếu 40.13) để mô tả việc treo cổ quan thượng thiện. Điều nầy đem ý nghĩa mới cho cụm từ “treo cổ!” Quan thượng thiện không những gánh chịu án tử hình, mà thi thể ông ta khi ấy sẽ bị phơi ra cách công khai. Nhiều học giả chỉ ra rằng người Ai cập đã làm như vậy để ngăn ngừa không cho linh hồn ông ta được yên nghĩ sau đời nầy [Wenham, Genesis 16-50, 384].
Cảnh 3 (40.20-23)
Chương nầy kết luận với sự việc như sau: “Đến ngày thứ ba, là ngày sanh-nhựt của Pha-ra-ôn, người bèn bày tiệc đãi cả quần thần, và tha quan tửu chánh cùng quan thượng thiện ra khỏi ngục. Pha-ra-ôn phục chức [“lift up your head”] quan tửu chánh lại như xưa, đặng quan nầy dân tửu bôi vào tay mình; nhưng lại hạ lịnh đem treo quan thượng thiện, y như lời Giô-sép đã bàn ra. Đoạn, quan tửu chánh chẳng còn nhớ đến Giô-sép nữa; quên người đi” (40.20-23).
Những lời tiên đoán của Giôsép đã trở thành sự thực y như Chúa đã phán vậy! Sự giải thích của chàng là đúng 5/5. Không may, quan tửu chánh kia đã “quên” Giôsép. Đây chẳng phải là sai sót về trí khôn, mà là sai sót về đạo đức. Ông ta, kẻ chỉ biết lấy cái tôi làm trọng không làm cho bản thân mình phải bối rối khi “nhớ” đến kẻ đã cùng ở tù với mình trước kia [Waltke, Genesis, 527]. Phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta không nói tới những gì đã diễn ra trong tấm lòng của Giôsép khi chàng chờ đợi hết ngày nầy sang ngày khác trong sự hư không. Và sự ấy kết thúc với một câu nói thật bẽ bàng: “Đoạn, quan tửu chánh chẳng còn nhớ đến Giô-sép nữa; quên người đi” (40.23). Đây là một sự nhắc nhớ khác cho rằng con người sẽ làm cho chúng ta phải thất vọng. Vì thế, sự tin cậy của chúng ta không thể đặt vào con người.
Hãy chú ý khoảng trống trong quyển Kinh Thánh của bạn giữa 40.23 và 41.1. Đây là một khoảng trắng, một chỗ ảm đạm. Nhưng chỗ ảm đạm nhỏ bé ấy tiêu biểu cho hai năm trong cuộc đời của Giôsép, hai năm trong nhà tù, hai năm ngoài tuổi 20 của chàng — thời kỳ sung sức nhất của cuộc đời chàng. Khoảng trắng ấy trong quyển Kinh Thánh của bạn tiêu biểu cho sự trưởng thành của Giôsép, khi chàng phải xử lý với những lần thất vọng và mũi lòng, không ở trong thất vọng, nhưng ở trong sự kỳ vọng nơi một mình Đức Chúa Trời [Có những điểm tương xứng đáng nhớ giữa cuộc đời của Giôsép và cuộc đời của sứ đồ Phaolô:
 Cả hai đều là hạng người được Đức Chúa Trời kêu gọi để nắm lấy chức vụ.
 Cả hai đều là hạng người có phẩm chất đáng trọng và ngay thẳng.
 Cả hai đều bị bỏ tủ rất bất công.
 Cả hai đều kinh nghiệm một loạt những sự chỉ định thiêng liêng trong khi bị tù đến nỗi kết quả trong ơn phước lớn lao cho cả thế giới. Sự Phaolô bị tù đã cung ứng cho Phaolô thời gian để viết các thư tín trong tù gồm: Êphêsô, Philíp, Côlôse, và Philêmôn. Sự Phaolô bị tù góp phần cho sự tiến bộ của Tin Lành (Philíp 1.12). Sự Phaolô bị tù đã ban cho ông đặc ân rao giảng Tin Lành cho cả vệ sĩ hoàng gia La mã (Philíp 1.13). Sự Phaolô bị tù đã khích lệ nhiều tín hữu khác phải giảng Lời của Đức Chúa Trời dạn dĩ và không e dè hơn nữa (Philíp 1.14). Hallman, “Dream On!]. Tôi nói như thế vì sản phẩm chúng ta nhìn thấy sẽ ra ở đầu kia. Chúng ta không nhìn thấy một người giận dữ, yếm thế, mà thay vì thế lại nhìn thấy một con người tin kính, trưởng thành, là người có thể nắm lấy những trách nhiệm nặng nề sẽ được nấy cho chàng. Thi thiên 105.19 chép về khoảng thời gian nầy như sau: “Lời của Đức Giê-hô-va rèn thử người”. Hai năm trời yên lặng ấy trong nhà tù với nỗi thất vọng của chàng về quan tửu chánh là thời gian học biết phải kỳ vọng nơi Đức Chúa Trời [Steven J. Cole, “High Hopes, No Hope—but God” (Genesis 40.1-23). http.//www.fcfonline.org/site/search_methods.asp?search=1&search_method=advanced&sermon_book=Genesis].
Cuộc đời của Giôsép dạy cho chúng ta biết rằng những sự thất vọng là cốt lõi cho sự tấn tới thuộc linh vì chúng đòi hỏi đức tin và đặt mọi kỳ vọng nơi Đức Chúa Trời [Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 473]. Không một chỗ nào trong câu chuyện nầy chúng ta nhìn thấy Giôsép cảm thấy hối tiếc cho bản thân mình hoặc đổ thừa cho người khác. Chàng chỉ biết nắm lấy từng tình huống khi nó đến và làm hết sức mình để thoát ra khỏi tình huống đó. Nan đề lớn lao nhất trong cuộc sống không phải là việc có nhiều nan đề. Nan đề của chúng ta là suy nghĩ rằng có nhiều nan đề là một vấn đề [Rowell, Go the Distance, 55].
Chúa Jêsus đã cảnh cáo chúng ta trong Giăng 16.33b: “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” Mỗi dòng nước ngược là một cơ hội để tấn tới trong sự nương cậy nơi Chúa. Thử thách có thể được nhìn xem từ hai quan điểm, và cái nhìn ấy sẽ tạo ra mọi sự khác biệt cho đời sống thuộc linh và sự bình an của chúng ta, là những điều chúng ta sẽ nắm lấy từ hai nhận định nầy. Từ phương diện con người, sự Giôsép chịu khổ phù hợp với nổi bất công nơi phần của Phôtipha, và thái độ vô ơn nơi phần của quan tửu chánh. Từ phương diện thiêng liêng, hai năm nầy đã được phép vì mục đích đào tạo và sửa soạn Giôsép cho công việc lớn lao đang đặt trước mặt chàng. Nếu chúng ta chỉ quan sát ở phương diện con người về những thử thách chúng ta sẽ đâm nãn lòng, tức tối và giận dữ, song khi chúng ta quay sang nhìn xem nó từ phương diện thiêng liêng, chúng ta sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời trong mọi sự và mọi sự hiệp lại để làm ích cho chúng ta (Rôma 8.28). Ngày nay, Đức Chúa Trời muốn sử dụng nghịch cảnh để làm ích cho bạn. Ngài muốn sử dụng sự bạn chịu khổ để sửa soạn bạn cho sự phục vụ phi thường .
Cảnh 4 (41.1-8)
Ở 41.1-7, Pharaôn có hai điềm chiêm bao rất gớm ghiếc. Trong chiêm bao thứ nhứt, bảy con bò mập bị bảy con bò xấu dạng, gầy guộc nuốt mất (41.1-4). Trong chiêm bao thứ hai, bảy gié lúa chắc bị bảy gié lúa lép nuốt mất (41.5-7). Ở 41.8, Môise viết: “Sáng mai, tâm thần người bất định, truyền đòi các pháp-sư và các tay bác sĩ xứ Ê-díp-tô đến, thuật lại điềm chiêm bao mình cho họ nghe; nhưng chẳng có ai bàn được điềm chiêm bao đó cho vua hết”. Các “pháp sư” mà Pharaôn đòi đến chúng ta không nên nhầm lẫn với các nhà ảo thuật trong thời của chúng ta. Họ không mặc áo đuôi tôm rồi rút mấy con thỏ ra từ cái nón đâu. Họ là hạng người khôn ngoan, có giao dục nhất trong vương quốc của Pharaôn. Họ được đào tạo về bộ môn nghệ thuật thiêng liêng và các thứ khoa học của người ai cập. Tuy nhiên, các pháp sư của Pharaôn và những người khôn ngoan thạo biết đều hoàn toàn thất bại vì hai điềm chiêm bao là một sự khải thị đến từ Đức Chúa Trời. Và những vụ việc của Đức Chúa Trời chỉ có thể nắm bắt được nhờ Thánh Linh của Ngài.
Giôsép còn ở trong tù để chờ đợi một sự chỉ định thiêng liêng. Giờ đây, những mãnh rời của trò chơi lắp ráp bắt đầu kết lại với nhau [Bill Crowder, Giôsép. Overcoming Life’s Challenges (Grand Rapids. Radio Bible Class, 1998), 17]. Nếu Giôsép được phóng thích ra khỏi tù hai năm trước thì chẳng có một sự bảo đảm nào cho biết chàng sẽ ở đâu vào thời điểm đó, khi Pharaôn cần tới sự phục vụ của chàng. Có lẽ Giôsép chắc chắn sẽ không trở lại với nhà của Phôtipha. Có lẽ Giôsép sẽ bị bán cho một người Ai cập khác hay thậm chí bán cho một tốp lái buôn nô lệ, họ sẽ bán Giôsép cho chủ khác trong một xứ khác [Barry C. Davis, Genesis (Portland, OR. Multnomah Biblical Seminary unpublished class Notes, 2003)].
Cảnh 5 (41.9-24)
Một vị vua cứ ở mãi trong tình trạng như thế là không tốt, và chắc chắn cũng không tốt cho bất cứ ai đang ở gần vua, như quan tửu chánh chẳng hạn. Vì vậy, khi thời điểm của cơ hội đến, quan tửu chánh đã tế nhị tình nguyện đến cho vua hay rằng ông biết người nào có thể giải điềm chiêm bao của vua (41.9-13) [Quan tửu chánh đã đưa ra một câu chuyện thật chính xác. Tuy nhiên, là một con sinh chính trị như ông ta, ông ta đã đưa ra một sự lựa chọn kỹ càng. Ông ta đã lần lựa không nhắc tới chàng trai trẻ Hêbơrơ đã xưng mình không có quyền giải chiêm bao mà nói rằng quyền giải chiêm bao đã đến từ Đức Chúa Trời Hêbơrơ của chàng ta. Quan tửu chánh cũng đưa ra ấn tượng giả dối rằng ông ta đưa ra sáng kiến đưa Giôsép đến giải thích điềm chiêm bao của vua. Và tất nhiên, ông ta đã thất bại không thể hiện lời hứa nhắc đến Giôsép cho Pharaôn biết. Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 477]. “Pha-ra-ôn bèn sai đi đòi Giô-sép; họ lập tức tha người ra khỏi ngục, cạo mặt mày cho, biểu thay đổi áo xống, rồi vào chầu Pha-ra-ôn” (41.14). Người Ai cập vốn ghét để tóc và sẽ cạo hết tóc râu rồi cho đội tóc giả.
Ở 41.15-16, chúng ta đến với một sự đổi thay rất quan trọng: “Pha-ra-ôn phán cùng Giô-sép rằng: Trẫm có thấy một điềm chiêm bao mà chẳng ai bàn ra. Vậy, trẫm nghe rằng khi người ta thuật điềm chiêm bao lại cho, thì ngươi bàn được. Giô-sép tâu rằng: Đó chẳng phải tôi, nhưng ấy là Đức Chúa Trời đem sự bình an đáp cho bệ hạ vậy”. Đúng là một cơ hội cho Giôsép phải tận dụng! Chàng có thể tận dụng cơ hội để đưa ra mặc cả với nhà vua — sự tự do của chàng để đổi lấy sự giải thích các điềm chiêm bao của Pharaôn. Nhưng tôi dám chắc Giôsép rất ước ao được phóng thích ra khỏi nhà tù, chàng không hề đưa vấn đề ấy ra. Mối quan tâm thứ nhứt của chàng không phải là sự yên ủi cho riêng mình, mà với sự hầu việc Đức Chúa Trời cách trung tín ở giữa sự chỉ định thiêng liêng của Đức Chúa Trời.
Giôsép từ chối cách nói của Pharaôn, và với một câu nói ngắn ngủn: (“Đó chẳng phải tôi” là một câu nói trong tiếng Hy bá lai) [Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 152]. Khi ấy Giôsép mau chóng gán khả năng của chàng cho Đức Chúa Trời. Chàng không giới thiệu mình là nhà “giải điềm chiêm bao” hay “Tấn sĩ chuyên gia về chiêm bao”. Thay vì thế, chàng dõng dạc nhìn nhận mình chẳng có gì hết và chẳng là gì hết. Những sự giải thích đến từ một mình Đức Chúa Trời [Hallman, “Rags To Riches” (Genesis 41.1-57).
http.//www3.calvarychapel.com/kauai/teachings/genesis.html].
Khi có ai đó khen tặng bạn về khả năng hoặc về việc gì bạn đã làm, thật lấy làm tốt chấp nhận lời khen tặng đó bằng câu nói đơn giãn: “Cám ơn”. Người đang ra sức khích lệ bạn, và có thể việc ấy đến như sự khiêm nhường giả dối nếu bạn luôn đáp với: “Ấy chẳng phải tôi; mà đó là Chúa”. Nhưng, ngay cả khi bạn nói: “cám ơn”, bạn phải suy nghĩ ở trong lòng: “Cảm tạ Chúa, vì ân điển của Ngài khi sử dụng con làm việc ấy”. Nếu bạn ý thức được rằng người kia đang gán một việc gì đó cho bạn khi chỉ một mình Đức Chúa Trời mới đáng nhận việc ấy, thì bạn cần phải dạn dĩ tôn cao Đức Chúa Trời y như Giôsép đang làm (đối chiếu I Côrinhtô 4.7).
Giôsép là một con người thép. Chàng nói cho Pharaôn biết, chính mình Đấng được coi là thần linh hóa thân thành xác thịt là “Đức Chúa Trời” (ha Elohim) mới lý giải được điềm chiêm bao nầy! Vì thế, ở trước mặt Pharaôn, Giôsép quả quyết rằng Đức Chúa Trời của chàng là siêu việt và có quyền bính trên cả Pharaôn và các “thần” của xứ Ai cập. Độc giả của sách Sáng thế ký có thể nhìn thấy Đức Chúa Trời đang vận hành, vì đây là cặp thứ ba trong những điềm chiêm bao mà Đức Chúa Trời ban cho để Giôsép đưa ra phần giải thích. Nhưng Pharaôn vốn chẳng biết như vậy. Thực ra, ông ta không tin nơi Đức Chúa Trời của Israel. Và hơn nữa, ông ta nghĩ rằng chính ông ta là một vị thần [Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 479, 476].
Ở 41.17-24a, Pharaôn đã giải thích các điềm chiêm bao của mình cho Giôsép biết. Ông ta cũng nói cho biết rằng ông ta đã thuật các điềm chiêm bao của mình cho các pháp sư, song chẳng có người nào có thể giải thích chiêm bao ấy cho ông ta rõ hết (41.24b).
Cảnh 6 (41.25-36)
Giôsép nói cho Pharaôn biết rằng các điềm chiêm bao của ông ta có “đồng một nghĩa” (41.25). Bảy con bò tốt và bảy gié lúa tốt là bảy năm dư dật. Bảy con bó xấu dạng và bảy gié lúa lép sẽ là bảy năm đói kém (41.25-31). Giải pháp của Giôsép là như sau: “Bây giờ bệ hạ khá chọn một người thông minh trí-huệ, lập người lên làm đầu trong xứ Ê-díp-tô, cùng lập các ủy viên trong xứ, để góp một phần năm của số thâu vào trong bảy năm được mùa dư dật đó. Họ hãy thâu góp hết thảy mùa màng trong bảy năm được mùa dư dật sẽ đến sau nầy, cùng thâu nhập lúa mì sẵn dành cho Pha-ra-ôn, dùng làm lương để dành trong các thành, và họ hãy giữ gìn lấy. Các lương thực nầy phải để dành cho bảy năm đói kém sẽ đến trong xứ Ê-díp-tô, hầu cho xứ nầy khỏi bị diệt bởi sự đói kém đó” (41.33-36).
Ba lần trong tiểu đoạn nầy, Giôsép gán hậu quả những điềm chiêm bao kia của Pharaôn cho Đức Chúa Trời:
“Đức Chúa Trời mách cho bệ hạ biết trước những việc Ngài sẽ làm” (41.25).
“Đức Chúa Trời có cho bệ hạ thấy những việc Ngài sẽ làm” (41.28).
“Đức Chúa Trời đã quyết định điều đó rồi, và Ngài mau mau lo làm cho thành vậy” (41.32).
Cảnh 7 (41.37-45)
Ở 41.37-45, chúng ta đọc thấy đáp ứng của Pharaôn trước những lời giải thích của Giôsép: “Các lời nầy đẹp ý Pha-ra-ôn và quần thần. Pha-ra-ôn phán cùng quần thần rằng: Chúng ta há dễ tìm một người như người nầy, có thần minh của Đức Chúa Trời được sao? Pha-ra-ôn phán cùng Giô-sép rằng: Vì Đức Chúa Trời xui cho ngươi biết mọi việc nầy, thì chẳng còn ai được thông minh trí-huệ như ngươi nữa. Vậy, ngươi sẽ lên cai trị nhà trẫm; hết thảy dân sự của trẫm đều sẽ vâng theo lời ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngự ngôi vua mà thôi. Pha-ra-ôn lại phán cùng Giô-sép rằng: Hãy xem! trẫm lập ngươi cầm quyền trên cả xứ Ê-díp-tô. Vua liền cổi chiếc nhẫn trong tay mình, đeo vào tay Giô-sép, truyền mặc áo vải gai mịn, và đeo vòng vàng vào cổ người; rồi, truyền cho lên ngồi xe sau xe vua, có người đi trước hô rằng: Hãy quì xuống! Ấy, Giô-sép được lập lên cầm quyền cả xứ Ê-díp-tô là vậy. Pha-ra-ôn lại phán cùng Giô-sép: Ta là Pha-ra-ôn, nhưng nếu chẳng có ngươi, thì trong cả xứ Ê-díp-tô không có ai giơ tay đưa chân lên được. Pha-ra-ôn đặt tên Giô-sép là Xa-phơ-nát-Pha-nê-ách, đưa nàng Ách-nát, con gái Phô-ti-phê-ra, thầy cả thành Ôn, cho người làm vợ. Người thường tuần hành trong xứ Ê-díp-tô”.
Khi Giôsép xuất hiện trước mặt Pharaôn, đó là lối thoát duy nhứt của chàng. Pharaôn là một vị thần, một nhà cai trị về mặt chính trị. Người Ai cập tin rằng ông ta giáng trần từ các thần linh. Tuy nhiên, Giôsép kết thúc bằng câu nói: “Hỡi Pharaôn, ông không phải là Đức Chúa Trời!” Giôsép đã bị thử thách phải nói cho Pharaôn biết những gì ông ta muốn nghe. Có thể chàng suy nghĩ ở trong lòng: “Tôi sẽ làm một bất kỳ việc gì. Tôi sẽ nói bất kỳ điều chi để thoát ra khỏi cái lỗ địa ngục nầy”. Nhưng đến cuối cùng, chàng nói: “Ta không thể làm như vậy”. Chàng nhìn thẳng vào mắt của Pharaôn rồi chỉ nói Đức Chúa Trời mà tôi hầu việc là Đức Chúa Trời chơn thật. Hiển nhiên, Pharaôn là người có quyền hành giống như nhiều người Mỹ vì ông ta bình tỉnh đáp: “Okay. Ngươi có cần việc làm không?” Giôsép đã nghĩ ở trong lòng: “Cho phép tôi kiểm tra lại lịch của mình. Tôi đã làm sạch các nhà xí. Okay, tôi đã sẵn sàng rồi đây”.
Giôsép đã đi từ đáy giếng lên đến đỉnh cao, từ chỗ bùn lầy lên đến vinh hiển … rồi mọi sự trong một ngày! Thậm chí Giôsép không thể nhìn xuống để thấy chàng tốt lành như thế nào để nhận được sự ấy. Để khiến Giôsép nhập quốc tịch, Pharaôn đã ban cho chàng một cái tên thật Ai cập (41.45; đối chiếu Đaniên 1.7) và một người vợ Ai cập, từ một đẳng cấp thích ứng trong xã hội. Cuộc hôn nhân của Giôsép với một người Ai cập dường như theo lịnh lạc của Pharaôn, và Đức Chúa Trời đã cho phép cuộc hôn nhân ấy. Các vị tộc trưởng nói chung đều tránh né hôn nhân với dân xứ Canaan, nhưng hôn nhân với dân Ngoại không phải là dân Canaan là chẳng có gì quan trọng lắm. Vợ của Giôsép và bên vợ của chàng không khiến chàng phải xây khỏi đức tin đặt nơi Đức Giêhôva hay mối quan tâm của chàng đối với mọi lời hứa của Đức Chúa Trời cho các tổ phụ của chàng (đối chiếu Môise) [Dr. Thomas L. Constable, Notes on Genesis ( http.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/genesis.pdfhttp.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/genesis.pdf, 2005), 244-245]. Tôi muốn tin rằng Giôsép đã dạy cho nàng về Đức Chúa Trời hằng sống và chơn thật để nàng lìa bỏ các thần tượng giả dối của mình rồi đến phục “dưới bóng cánh” của Đức Giêhôva, là Đức Chúa Trời của Israel [Có người thấy bối rối bởi sự thực Giôsép đã lấy một người vợ Ai cập. Có lẽ chàng sai lầm, mặc dù dưới những hoàn cảnh, chàng không có nhiều sự lựa chọn. Pharaôn đã tôn trọng chàng bằng cách ban cho chàng một cô dâu từ một gia đình có đẳng cấp cao ở Ai cập. Cũng rất rõ ràng từ mấy cái tên đặt cho hai con trai của họ cho thấy Giôsép không để cho lai lịch tà giáo của vợ mình ảnh hưởng đến chàng, thay vì thế chàng đã ảnh hưởng nàng về Đức Chúa Trời chơn thật. Hơn nữa, xuyên suốt câu chuyện nầy Giôsép là một kiểu cách của Đấng Christ. Có nhiều điểm tương xứng rất quan trọng. Đấng Christ bị chối bỏ bởi dân tộc Ngài, chịu khổ và chịu chết, rồi được tôn cao làm Cứu Chúa của thế gian, khi ấy Ngài nhận được danh cao hơn hết mọi danh và cô dâu dân Ngoại (Hội Thánh). Thực vậy, Giôsép, bị các anh mình chối bỏ, rồi bị bỏ hòng chết, sau đó được tôn cao làm đấng cứu tinh của thế giới tránh khỏi nạn đói (41.55, 57). Chàng cũng nhận được một tên mới và một cô dâu dân Ngoại thích ứng.
Yếu tố khác nữa, ấy là tấm lòng của Đức Chúa Trời luôn luôn rộng mở hơn là chỉ có Israel. Giao ước của Ngài với Ápraham, ấy là qua dòng dõi của ông, tất cả các nước sẽ được phước. Nhưng Israel thường hay quên mục tiêu truyền giáo và không nắm lấy các ơn phước giao ước của nó. Qua sự thực hai chi phái, Épraim và Manase, là phân nửa A cập, Đức Chúa Trời đã phán với dân sự Ngài: “Đừng tự hào về việc làm dân Hêbơrơ. Ta đã chọn ngươi để làm ống dẫn phước hạnh cho các nước”. Người vợ Ai cập của Giôsép đã giữ cho Israel phải khiêm nhường về chủng tộc của họ và nhắc cho họ nhớ tới sự kêu gọi truyền giáo của họ. Trong bất cứ trường hợp nào, việc Giôsép lấy một người vợ Ai cập trong hoàn cảnh nầy không cung ứng một sự miễn trừ cho một Cơ đốc nhân bước vào hôn nhân với kẻ không tin Chúa, là điều rõ ràng bị cấm đoán trong Kinh Thánh].
Cảnh 8 (41.46-57)
Câu chuyện của chúng ta kết thúc với chàng trai trẻ Giôsép sửa soạn Ai cập cho 7 năm đói kém (41.46-49). Khi ấy, ở 41.50-52, Đức Chúa Trời ban phước cho Giôsép với hai con trai trước khi Ngài đánh Ai cập bằng một nạn đói. Giôsép đặt tên cho trưởng nam mình là “Manase”, có nghĩa là: “Đức Chúa Trời đã làm cho ta quên [Giôsép đã đạt tới mức tin cậy Đức Chúa Trời trong chỗ của cha mình. Theo ý nghĩa nầy, chàng đã quên nhà của cha mình. “Quên” ở đây không có ý nói “không nhớ” nhưng thay vì thế, có việc gì đó không còn có nữa (đối chiếu Gióp 39.17; 11.16)] điều cực nhọc, và cả nhà cha ta”. Chàng đặt tên đứa con thứ nhì là “Épraim”, có nghĩa là: “Đức Chúa Trời làm cho ta được hưng vượng trong xứ mà ta bị khốn khổ”. Nếu tên của con trưởng nam của Giôsép (Manase) tập trung vào một Đức Chúa Trời là Đấng gìn giữ, tên của con trai thứ nhì của Giôsép (Épraim) tập trung vào một Đức Chúa Trời là Đấng ban phước cho [Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50, 512]. Giôsép đã đặt cho các con mình tên Hêbơrơ chứng tỏ sự thành tín của Đức Chúa Trời. Không nghi ngờ chi nữa, mấy cái tên Hêbơrơ nầy sẽ làm cho nhiều cặp chân mày ở Ai cập phải nhướng lên. Dân chúng sẽ thắc mắc: “Tại sao ông lại đặt cho con của mình những cái tên ấy?” Không nghi ngờ chi nữa, Giôsép đã nói cho họ biết. Chàng đã tôn cao Đức Chúa Trời với đời sống gia đình của mình, thậm chí trong xã hội tà giáo, ngoại bang. Tất nhiên, chú thích sự ra đời của các con Giôsép rất là quan trọng theo quan điểm các mục đích của Đức Chúa Trời dành cho gia đình của Ápraham. Một hình bóng đến phương diện phước hạnh trong các lời hứa dành cho vị tộc trưởng xảy ra ở 41.49 (đối chiếu 12.2-3).
Ở 41.53-57, Môise gói gọn câu chuyện của chúng ta: “Bảy năm được mùa dư dật trong xứ Ê-díp-tô bèn qua, thì bảy năm đói kém khởi đến, y như lời Giô-sép đã bàn trước. Khắp các xứ khác cũng đều bị đói, nhưng trong cả xứ Ê-díp-tô lại có bánh. Đoạn, cả xứ Ê-díp-tô đều bị đói, dân chúng đến kêu cầu Pha-ra-ôn xin lương. Pha-ra-ôn phán cùng bản dân rằng: Hãy đi đến Giô-sép, rồi làm theo lời người sẽ chỉ bảo cho. Khi khắp xứ bị đói kém, thì Giô-sép mở mọi kho lúa mà bán cho dân Ê-díp-tô. Xứ càng đói nhiều nữa; vả, vì khắp thế gian đều bị đói quá, nên đâu đâu cũng đổ đến Ê-díp-tô mua lúa nơi Giô-sép bán”. Đúng là một câu chuyện! Có năm bài học ở đây phải ghi nhớ:
(1) Đức Chúa Trời luôn tể trị, thậm chí khi dường như Ngài đã quên bạn. Rõ ràng là Đức Chúa Trời đã tể trị trong tất cả các sự cố nầy. Ngài đã đặt hai nhân vật nầy vào cùng một nhà tù với Giôsép. Ngài đã ban cho họ điềm chiêm bao. Và thậm chí dường như là thời điểm không đúng lắm, trong đó Ngài đã “tẩy” hai năm trong cuộc đời của Giôsép, Đức Chúa Trời đã ban cho Pharaôn điềm chiêm bao vào đúng lúc đúng thì. Là thợ dệt bậc thầy, Đức Chúa Trời đã kết mọi điều nầy lại với nhau hầu cho mọi sự đều tác động theo kế hoạch của Ngài. Không một điều gì nằm ở ngoài quyền tể trị của Ngài, thậm chí dường như thích đáng cho chúng ta phải ngồi trong tù trong hơn hai năm. Đừng bao giờ nghi ngờ sự tể trị của Đức Chúa Trời.
(2) Đức Chúa Trời không hề bất trung hay nghiệt ngã, thậm chí khi mọi hoàn cảnh dường ra khác. Dân sự của Đức Chúa Trời trải qua lịch sử đã nếm biết nhiều thử thách kinh khiếp. Một kẻ hay chỉ trích sẽ nói rằng Đức Chúa Trời rất nghiệt ngã khi để cho mọi điều nầy xảy ra. Một một kẻ hay phê phán không có chương trình đời đời của Đức Chúa Trời trong nhận định. Một kẻ hay chỉ trích không hiểu cách thức Đức Chúa Trời yêu thương sử dụng những cơn thử thách trong đời sống của con cái Ngài. Khi kẻ thù chế nhạo chúng ta bằng cách nói: “Hãy nhìn vào các hoàn cảnh của ngươi, và ngươi sẽ thấy Đức Chúa Trời ngươi là bất trung và nghiệt ngã”, chúng ta cần phải nói với linh hồn mình: “Hãy hy vọng nơi Đức Chúa Trời”. Không một người nào đã hy vọng nơi Ngài mà từng bị thất vọng bao giờ. Đừng hồ nghi sự nhơn từ của Ngài khi Ngài yêu thương luyện lọc đức tin của bạn qua những cơn thử thách.
(3) Những lời hứa của Đức Chúa Trời là thực theo thời điểm của Ngài, chớ không theo thời điểm của chúng ta. Nếu Giôsép được phóng thích ra khỏi tù hai năm trước, chàng sẽ không bao giờ được chỉ định là nhân vật hạng nhì cho Pharaôn trong xứ. Thời điểm của Đức Chúa Trời rõ ràng là tốt nhứt, mặc dù Giôsép bởi đức tin nắm lấy sự ấy cho tới nhiều năm sau khi ông nhìn lại để thấy thể nào Đức Chúa Trời đã hiệp mọi sự lại để làm ích cho. Thích điều nầy hay không, có nhiều bài học nhất định, như sự nhịn nhục và chịu đựng, những điều chúng ta không thể tiếp thu trừ phi qua sự trông đợi nơi Đức Chúa Trời. Trong thời điểm của Đức Chúa Trời, các chương trình của Ngài thực sự có ý nghĩa. Nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng đôi khi chúng ta không có khả năng phân biệt thời điểm của Đức Chúa Trời cho tới khi bước vào cõi đời đời.
(4) Chúng ta không chịu trách nhiệm về cách ăn ở của người khác, nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm về cách ăn ở và mọi thái độ của chúng ta. Giôsép có thể giận dữ đối với quan tửu chánh và để cho sự bực tức của mình đổi thành cay đắng và thù hận. Chúng ta hãy đối diện với nó; chàng đã có lý do đúng đắn để nổi giận. Quan tửu chánh không bằng lòng liều mình đủ để thưa với Pharaôn về Giôsép cho tới khi ông ta có thể đắc lợi khi nói về chàng. Nhưng bất chấp tính ba phải của quan tửu chánh, Giôsép phải xử lý với thái độ của bản thân mình. Về sau, khi chàng trở thành nhân vật số hai dưới quyền Pharaôn, chàng không hề tìm cách trả thù người ta, cũng không nghịch lại các anh mình. Người ta có thể ngược đãi bạn và làm cho bạn phải thất vọng vì họ sống ích kỷ và bất cần. Bạn có một sự lựa chọn. Bạn có thể càng cay đắng và giận dữ, đổ thừa cho họ vì những rối rắm của mình, hoặc bạn có thể tin cậy nơi Đức Chúa Trời đang tể trị và vui mừng trong ân điển của Ngài đối cùng bạn. Họ sẽ phải trình sổ cho Đức Chúa Trời về cách thức họ phạm tội nghịch lại bạn. Nhưng bạn sẽ trình sổ về thái độ và cách ăn ở của bạn khi đáp ứng lại tội lỗi mà họ nghịch lại bạn.
(5) Ân điển của Đức Chúa Trời luôn luôn đủ nếu chúng ta chịu tiếp lấy ân ấy. Giôsép đã vượt qua những thử thách nầy mạnh mẽ hơn, chớ không yếu đuối hơn, nhu mì, chớ không cay đắng, vì chàng kỳ vọng nơi Đức Chúa Trời. Mặc dù chàng còn ở trong tù, Chúa đã ở với chàng. Mặc dù quan tửu chánh quên chàng, Đức Chúa Trời không bao giờ quên. Giôsép đã kinh nghiệm những gì Phaolô và từng tín hữu khác nếm trải những thử thách đã kinh nghiệm — rằng ân điển của Đức Chúa Trời là đủ cho nhu cần của chúng ta, nếu chúng ta chịu tiếp lấy ân ấy [Adapted and revised from Cole, “High Hopes, No Hope—but God”].
Một trong những nhân vật Disney ưa thích trong gia đình chúng tôi là Tigger từ phim “Winnie the Pooh”. Tigger là một con cọp rất dễ thương, biết quan tâm đến môi trường chung quanh. Tigger lúc lắc cái tai mình bất cứ đâu nó đến. Cách thức động tác của nó cũng mô tả thái độ của nó. Nó không hề dằn lại lâu; bổn tánh của nó là nhảy dựng lên ngược lại với nghịch cảnh. Tigger thích hát một bài ca nói từng phần về bản thân nó. Việc lạ lùng về bầy Tigger, ấy là bầy Tigger là những việc lạ lùng. Đầu của chúng làm bằng nhựa, mông của chúng làm bằng lò xo.
Có thể nếu chúng ta có đầu bằng nhựa và mông bằng lò xo chúng ta sẽ biết bật nảy lên [Minh họa quan trọng nầy rút từ Rowell, Go the Distance, 58-59]. Dù sao thì Đức Chúa Trời đang kêu gọi bạn và tôi phải sống một đời sống biết bật lên vì Đức Chúa Trời sử dụng nghịch cảnh để làm vinh hiển chính mình Ngài và có ích cho bạn và tôi. Ai biết được … có thể Đức Chúa Trời sử dụng sự bạn chịu khổ để sửa soạn bạn cho sự phục vụ phi thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét