Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 3.1-5: Thiên về với luật pháp & Tấn tới về mặt thuộc linh



Tự do thực – Galati
Thiên về với luật pháp & Tấn tới về mặt thuộc linh
Galati 3.1-5
David Letterman có danh sách ưu tiên Top Ten mỗi buổi tối. Một người bạn Mục sư mới đây đã gửi cho tôi quyển Bảy Dấu Hiệu Mục sư của bạn đang cần một kỳ nghỉ.
7. Lời nói đầu tiên ông dành cho hội chúng là "Được thôi, hãy nghe đây, hỡi những người theo tà giáo..."
6. Ông ngủ gà ngủ gật trong khi rao giảng.
5. Ông mặc short dự buổi thờ phượng Chúa nhựt .
4. Mỗi lần máy nhắn tin của ông hết pin, ông hô lên: "Sao họ không để cho tôi yên?"
3. Tuyên bố buổi thờ phượng có lễ báptêm sẽ tổ chức tại Thác Grand.
2. Quí vị đến tại văn phòng của ông để hỏi thăm rồi dốc đỗ tấm lòng ra với ông, khi ấy ông nói: "Nghe như một vấn đề riêng tư đem đến cho tôi vậy!?!"
VÀ DẤU SỐ 1 MỤC SƯ CỦA BẠN ĐANG CẦN MỘT KỲ NGHỈ. Trong sáu tuần lễ qua, ông đã rao giảng cùng một bài mỗi Chúa nhựt!
Chẳng có gì phải nghi ngại khi tôi sử dụng một kỳ nghỉ, nhưng chỉ khi nào tôi giảng cùng một bài trong sáu tuần vừa qua! Sở dĩ như vậy là vì trong phân đoạn nầy của sách Galati, Phaolô đã nhứt quyết rung lên một tiếng chuông. Ông đã gõ một tiếng trống. Ông đang có một lý thuyết bất biến, không thay đổi. Chúng ta đã được cứu bởi ân điển chớ không phải bởi việc làm. Chúng ta đã được xưng công bình, được hoà thuận lại với Đức Chúa Trời bởi tin chớ không phải bởi thành tựu.
Khi Phaolô thiết lập các Hội thánh trong xứ Galati, ông đã dạy cho họ biết về ân điển của Đức Chúa Trời, là sự ưu ái dành cho kẻ không xứng đáng, là tình yêu vô điều kiện dành cho họ. Ông dạy cho họ biết rằng: "Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết" (Rôma 5.8). Tuy nhiên, về sau có một số giáo sư giả người Do thái đã mời những người theo giáo Giu-đa vào trong các Hội thánh rồi dạy dỗ cho các con trẻ Cơ đốc nầy rằng họ cần phải thêm phép cắt bì và luật pháp Cựu Ước vào đức tin của họ nơi Chúa Jêsus. Sự dạy ấy được gọi là thiên về với luật pháp, cố gắng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng cách tuân giữ các quy tắc và điều lệ.
Đừng hiểu lầm nhé! Chúng ta cần các quy tắc. Không có các quy tắc, xã hội sẽ rơi vào chỗ hỗn loạn. Thậm chí chúng ta còn cần các quy tắc trong Hội thánh hoặc giả chúng ta sẽ giống như Israel, ở đó "ai nấy đều làm theo mắt mình cho là phải". Quy tắc của chúng ta trong Hội thánh nầy là phải vâng phục như có thể được đối với Kinh Thánh, là Lời thành văn của Đức Chúa Trời.
Thiên về với luật pháp không phải là tuân giữ các điều luật; thay vì thế, thiên về với luật pháp là một thái độ sai lầm về việc tuân giữ các quy tắc. Thiên về với luật pháp tôn cao bản ngã, xét đoán tha nhân mọi sự ở bề ngoài. Thiên về với luật pháp tôn cao các quy tắc hơn là sự khôn ngoan và sự phân biện.
Cho phép tôi đưa ra cho quí vị thấy một vài trường hợp dại dột của một số luật lệ trong xứ của chúng ta. "Những cô thiếu nữ không hề được phép đi dây căng ở Wheeler, Mississippi, trừ phi được phép làm chuyện ấy ở một nhà thờ. Tại Blackwater, Kentucky, dùng khăn cọ dưới cằm của một phụ nữ trong khi bà ta ngồi trong nhà thờ dự buổi thờ phượng sẽ lãnh án phạt 10$US và ở một ngày tù. Không ai ăn đậu phộng rang chưa lột vỏ khi đang ngồi trong nhà thờ ở Idanha, Oregon. Tại Honey Creek, Iowa, chẳng có người nào được phép mang súng cao su vào nhà thờ trừ viên cảnh sát. Không một cư dân nào ở Leecreek, Arkansas, được phép dự nhóm ở nhà thờ với bộ y phục màu đỏ. Nhảy múa yo-yo trong nhà thờ hay bất cứ đâu công cộng vào ngày sabát đều bị cấm ở Studley, Virginia. Sắc tộc Turtle không được phép có mặt trong vòng 150 mét ở một nhà thờ địa phương vào bất cứ lúc nào ở Slaughter, Louisiana".
Vị sứ đồ đã dạy dỗ chúng ta nhiều lần rằng chúng ta không thể làm hoà lại với Đức Chúa Trời bằng cách tuân giữ những luật lệ. Chúng ta không được cứu do sống nhơn đức vì chẳng một ai trong chúng ta là nhơn đức cả, chẳng một ai. Kinh Thánh phán rất rõ ràng: "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình" (Êphêsô 2.8-9). Chúng ta không thể được cứu do thiên về với luật pháp.
Tôi nghĩ hầu hết những người thành Galati đều biết rõ họ được cứu là do ân điển chớ chẳng phải bởi thiên về với luật pháp. Tuy nhiên, dường như họ bị lay động bởi sự dạy giả dối cho rằng muốn giữ lấy sự cứu rỗi và lên tới một cấp độ mới với Đức Chúa Trời họ phải tuân giữ hết thảy các quy tắc và điều lệ. Họ không mua ƠN CỨU RỖI bởi thiên về với luật pháp, mà họ bị xiềng xích trong SỰ NÊN THÁNH do thiên về với luật pháp. Câu 3 là lẽ đạo của phân đoạn nầy: "Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?"
Nên thánh là một thuật ngữ của thần học, của Hội thánh với một ý nghĩa rất đơn giãn. Từ nầy có ý nói tới những gì Đức Chúa Trời hiện đang làm trong đời sống của quí vị sau khi được cứu. Từ giây phút quí vị được sanh lại, Đức Chúa Trời đã bắt tay hành động trong đời sống của quí vị, làm cho quí vị được tấn tới về mặt thuộc linh, biến đổi quí vị ra giống theo ảnh tượng của Đấng Christ. Nên thánh là tiến trình của sự trưởng thành thuộc linh.
Tôi e rằng nếu có ai trong quí vị tin mình có thể được cứu bởi việc làm hay bởi thiên về với luật pháp. Tuy nhiên, tôi ngại nhiều người trong chúng ta đang ra sức để được nên thánh hay đạt tới sự tấn tới thuộc linh bằng cách tuân giữ các quy tắc. Nên thánh bởi thiên về với luật pháp không giữ quí vị ở ngoài thiên đàng, nhưng chắc chắn nó sẽ cướp khỏi quí vị niềm vui mừng, bình an và ơn phước mà Đức Chúa Trời đã chất chứa dành cho quí vị.
Các tín hữu thường dễ bị làm mồi sa vào bẫy thiên về với luật pháp. Hôm nay chúng ta sẽ khởi sự bằng cách xác định 5 lý do tại sao có nhiều Cơ đốc nhân đang sinh sống trong chỗ thiên về với luật pháp, rồi từ đó chúng ta sẽ khám phá 5 lý do tại sao chúng ta không sống theo kiểu thiên về với luật pháp và sau cùng chúng ta sẽ tiếp thu làm thế nào để tránh thoát cái bẫy thiên về với luật pháp đó.
I. Tại sao Cơ đốc nhân sống theo kiểu thiên về với luật pháp.
A. LÝ DO #1. Họ có một quan điểm méo mó về Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời của Kinh Thánh là một Đức Chúa Trời giàu ơn và là Cha yêu dấu. Ngài vốn chậm giận, mau tha thứ và dư dật ơn thương xót dành cho con cái Ngài. Ngài thấu suốt mọi thất bại, lỡ lầm và tội lỗi của chúng ta, và chủ ý tiếp nhận chúng ta như thuộc riêng về Ngài. Ngài xem chúng ta giống như hạng nô lệ đã được tự do, là con nuôi, và là nhánh nho của Ngài. Bởi ân điển Ngài mặc cho chúng ta chiếc áo choàng công bình của Con Ngài và đã xử lý tội lỗi của chúng ta một lần đủ cả trên thập tự giá ở đồi Gôgôtha. Ngài di dời mọi tội của chúng ta ra thật xa giống như phương đông xa cách phương tây, rồi chôn chúng trong những chỗ sâu thẳm của đại dương. Ngài chẳng còn nhớ đến chúng nữa. Đức Chúa Trời luôn luôn xử lý với chúng ta bằng ân điển.
Trong khi hầu hết chúng ta sẽ tuyệt đối nhất trí với mấy câu nói nầy, chúng ta có khuynh hướng áp dụng chúng vào SỰ CỨU RỖI chớ không áp dụng vào SỰ NÊN THÁNH. Chúng ta đồng ý rằng Đức Chúa Trời quan phòng chúng ta theo các phương thức nầy, nhưng về mặt thực tế chúng ta phải luôn làm việc để làm đẹp lòng Ngài. Đó là thiên về với luật pháp.
Một số người trong chúng ta xem Đức Chúa Trời giống như VIÊN CẢNH SÁT GIAO THÔNG vậy. Ngài luôn luôn quan phòng chúng ta với khẩu súng radar thánh khiết của Ngài. Bao lâu chúng ta vâng theo các quy tắc, Ngài càng ít chú ý tới chúng ta luôn. Tuy nhiên, hãy tìm cách vượt qua đèn vàng xem, hãy chạy từ 70 dặm/giờ so với 60 dặm/giờ được phép hoặc đậu xe trong một chỗ cấm, Ngài sẽ phạt vạ quí vị từng lúc như thế cho xem. Cơ đốc nhân với quan điểm như thế nầy về Đức Chúa Trời đang sống trong nỗi sợ hãi.
Các tín đồ khác xem Đức Chúa Trời là một NGƯỜI CHA RẤT BẠO NGƯỢC. Ngài luôn luôn quan phòng trên hai bờ vai của chúng ta, chăm chút từng góc cạnh đời sống của chúng ta. Ngài không tin chúng ta biết đưa ra những quyết định đúng đắn hoặc biết tập luyện sự phân biệt và khôn ngoan. Ngài có một quy tắc cho từng trạng huống.
Vẫn còn có nhiều người khác nữa xem Đức Chúa Trời là ĐẤNG GIỮ THÀNH TÍCH. Ngài đang ghi chép từng chút trên mọi sự. Ngày kia Ngài sẽ bày ra hết thảy mọi tội lỗi và sai sót của chúng ta trên một màn hình khỗng lồ cho mọi người đều xem thấy. Ngài giữ các bảng thành tích chi tiết ghi chép từng lỗi một, từng điều dại dột, từng sai lầm một.
Quan điểm như thế nầy về Đức Chúa Trời có thể được thấy rất rõ ràng trong các khúc hát của thiếu nhi: "Ôi hãy cẩn thận về điều đôi mắt nhỏ bé của em đang nhìn thấy, ôi hãy cẩn thận về những gì tai em nghe, ôi hãy cẩn thận về nơi mà bàn chân nhỏ của em đi qua, vì Cha trên trời cao kia đang nhìn xuống với lòng yêu thương, ôi hãy cẩn thận…" Tôi nghi có nhiều em thiếu nhi đã học biết về tình yêu thương của Đức Chúa Trời qua bài hát ngắn nầy, nhưng chúng chắc đã học biết rằng Ngài là một Đấng chuyên giữ thành tích.
Nếu chúng ta làm méo mó quan điểm của Kinh Thánh về Đức Chúa Trời thành quan điểm của một cảnh sát giao thông, của người cha bạo lực hay Đấng chuyên giữ thành tích, thì chẳng có gì là lạ cả, chúng ta đang sống trong nỗi sợ của sự thiên về với luật pháp đến nỗi chúng ta sẽ vi phạm một trong các quy tắc của Ngài rồi đưa thân mình vào sự phán xét. Tuy nhiên, đây là quan điểm không đúng đắn về Đức Chúa Trời.
B. LÝ DO #2. Họ xem ân điển là một thứ áng ngữ đối với sự vâng phục.
Quí vị có bao giờ sử dụng một vật áng ngữ chưa? Một số tín hữu xem ân điển của Đức Chúa Trời chẳng là gì hết, trừ ra một công cụ Đức Chúa Trời sử dụng để áng ngữ không cho họ bước vào sự vâng phục. Họ xem ân điển không phải là một yếu tố không đổi của Đức Chúa Trời mà là một công cụ Ngài sử dụng để nắn đúc chúng ta.
Họ xem Đức Chúa Trời như đang phán: "Hãy nhìn xem mọi sự ta đã làm cho ngươi. Ta đã cứu ngươi. Ta đã tha thứ cho ngươi. Ta đã chịu chết trên thập tự giá vì nhiều tội lỗi của ngươi. Ngươi làm điều chi cho ta? Ngươi là kẻ vô ơn. Há ngươi có biết ơn sao? Ngươi phải biết xấu hổ chứ? Bây giờ hãy đứng dậy mà nhìn biết điều đó!" Mặc dù suy nghĩ tới Đức Chúa Trời theo cách nầy sẽ tác động chúng ta làm theo điều chi là đúng đắn, nó di dời ân điển thật ra khỏi đời sống của chúng ta và làm cho chúng ta co cụm lại thành hạng người tuân giữ quy tắc thiên về với luật pháp.
C. LÝ DO #3. Họ tin Đức Chúa Trời tiếp nhận chúng ta trên cơ sở thành tích.
Có nhiều người được bố mẹ nuôi dạy, họ lập trình cho con cái họ tin rằng sự tiếp nhận dựa trên thành tích, thậm chí trên sự trọn vẹn nữa. Họ được sắp đặt cho phải tin rằng nếu họ đạt được các cấp độ tốt, một mức trung bình khả thi hay ngồi ghế thứ nhứt trong đội, thì bố mẹ sẽ tiếp nhận và yêu thương chúng. Giá trị cái tôi của chúng được ràng buộc với thành tích của chúng.
Không may thay, họ lại nhìn xem Đức Chúa Trời theo cùng một cách đó. Họ phấn đấu để làm tốt nhiều việc không nhắm vào việc đẹp lòng Đức Chúa Trời mà là lo sợ rằng nếu họ không làm được thì Đức Chúa Trời sẽ không tiếp nhận họ. Họ luôn luôn cảm thấy Đức Chúa Trời không đẹp lòng với sự họ thiếu trọn vẹn, vì vậy họ cứ làm nhiều thêm nữa. Đó là trọng tâm của sự thiên về với luật pháp.
D. LÝ DO #4. Họ đã có hình thức thiên về với luật pháp lập nền sẵn trong họ.
Tôi lớn lên trong một Hội thánh chắc chắn là thiên về với luật pháp. Tôi được dạy dỗ rằng được cứu là bởi ân điển, nhưng không lâu sau đó một người khi được cứu họ phải bắt tay vào làm việc cho Đức Chúa Trời. Thực vậy, người ta dạy tôi rằng được cứu bởi ân điển, còn nên thánh (sự trưởng thành thuộc linh) là bởi việc làm.
Tôi là một người lớn trước khi tôi nhận ra rằng Đức Chúa Trời tiếp nhận tôi bằng khoảng thời gian ân điển. Sự cứu rỗi, sự nên thánh, sự vinh hiển… hết thảy đều bởi ân điển chớ không phải bởi việc làm. Tôi đã bước vào chức vụ trọn thời gian trước khi tôi đạt tới mức hiểu biết Đức Chúa Trời yêu thương tôi và tiếp nhận tôi một cách trọn vẹn. Ngài không hề yêu thương tôi nhiều hơn và chẳng hề yêu thương tôi ít hơn. Chẳng việc gì tôi làm hay không làm sẽ làm thay đổi mối giao thông của chúng tôi vì mối giao thông ấy hoàn toàn dựa trên ân điển của Ngài chớ không dựa vào thành tích của tôi.
Tôi phải sống thành thực. Thiên về với luật pháp lập nền trong tôi đến nỗi tôi vẫn phấn đấu để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời trong khi về lý trí tôi biết Ngài đã đẹp lòng rồi với tôi, vì tôi đã khoác chiếc áo công bình của Con Ngài.
E. LÝ DO #5. Thiên về với luật pháp dường như thuộc linh lắm.
Cơ đốc nhân thiên về với luật pháp dường như sống như thế cả. Họ sống kỹ luật và không thoả hiệp. Họ bền đỗ nhóm lại tại nhà thờ, đem Kinh Thánh theo khi đi làm hay đi học. Họ không hút thuốc, uống rượu, chửi thề và không làm hàng tỉ điều khác. Thắc mắc là: tại sao họ không làm những việc nầy? Động lực nằm ở hàng tận cùng.
Có phải quí vị tránh né những cách xử sự nhất định nào đó vì sợ người ta nói hay vì tình cảm quí vị dành cho Đức Chúa Trời? Một số Cơ đốc nhân có thể không hút thuốc hay uống rượu nhưng họ có thèm muốn và tham lam ở trong lòng không? Tội lỗi nào là tệ hại nhất? Người thiên về với luật pháp có thể trông giống như Ông Trưởng Thành ở bề ngoài, song ở bề trong người có thể sống xa cách Đức Chúa Trời lắm. Thiên về với luật pháp là hình thức dối gạt vì người ta sử dụng nó để ngụy trang thực sự họ là ai.
Có thể một hay nhiều hơn các trường hợp nầy rất thích ứng với quí vị. Tôi dám chắc phần nhiều người trong chúng ta vẫn còn đang phấn đấu với các vấn đề nầy khi chúng ta xem nhẹ ân điển của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy tra xét phân đoạn Kinh Thánh và nhìn xem lý do tại sao thiên về với luật pháp là một cuộc phấn đấu vô mục đích, hư không.
II. Tại sao Cơ đốc nhân không sống theo kiểu thiên về với luật pháp.
A. LÝ DO #1. Sống theo kiểu thiên về với luật pháp là lối sống dại dột (câu 1a).
Phaolô bắt đầu tiểu đoạn nầy bằng cách gào lên: "Hỡi người Galati ngu muội kia". "Ngu muội" ra từ một chữ có nghĩa là "không làm chủ được lý trí". J.B. Phillips lấy theo định nghĩa nầy trong bản dịch của ông: "Hỡi người Galati dại dột kia… chắc chắn anh em không thể dại dột như thế được". Từ Hy lạp không nói tới người nào đó thực sự là khờ dại, ngốc nghếch, mà nói tới những kẻ bất chấp lẽ thật. Chúng ta thường dùng từ “dại dột” (idiot) không nói tới kẻ không có khả năng tiếp thu, mà rõ ràng nói tới kẻ không phải là dại dột mà có hành vi giống như kẻ dại dột vậy.
Tại sao Phaolô nói họ đang hành động giống như hạng dại dột chứ? Vì có những kẻ khác “đã bỏ bùa ếm” họ. Họ đã để cho các giáo sư giả "bùa ếm" họ. Các Cơ đốc nhân Hy lạp xuất thân từ một lai lịch tà giáo thuộc linh. Họ quá quen thuộc với các thuật sĩ, họ có thể bỏ bùa mê trên ai đó. Họ đang hành động giống như các thây ma sống lại nhờ vào bùa phép, không có lý trí, những người máy thuộc linh với các kẻ theo giáo Giu-đa đang nắm lấy quyền điều động. Phaolô nói cho họ biết họ đã để cho các giáo sư giả bùa ếm họ, vì vậy giờ đây họ đang chối bỏ mọi điều họ biết rất thực về ân điển của Đức Chúa Trời.
Khi một Cơ đốc nhân tin cậy vào các việc lành thiên về với luật pháp của bản thân mình để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời thay vì tin cậy vào ân điển của Đức Chúa Trời, người ấy đang đóng vai kẻ dại và đang hành động, nói theo từ ngữ của Phaolô, giống như một kẻ dại dột vậy.
B. LÝ DO #2. Sống theo kiểu thiên về với luật pháp là bất chấp thập tự giá (câu 1b).
Phaolô nói họ "không vâng theo lẽ thật" và đã nhắc cho họ nhớ trước khi họ trở thành những người máy như thế họ đã được rõ bày ra: "Đức Chúa Jêsus Christ đã bị đóng đinh trên thập tự giá".
"Rõ bày ra" ra từ chữ prographo, một từ ngữ thường mô tả việc dán các bản yết thị quan trọng ở nơi công cộng. Phaolô đang nói: "Tôi đã nói cho anh em từng chi tiết về sự Chúa Jêsus chịu chết một cái chết rất đau thương trên thập tự giá để trả giá cho tội lỗi của anh em. Giống như tôi đã dán điều đó lên mấy tấm bảng quảng cáo lớn trên các thành phố của anh em vậy". Sự đóng đinh trên thập tự giá là sứ điệp chính của Phaolô. Ông đã nói trong I Côrinhtô: "Vì tôi đã định chẳng biết một việc gì khác ngoài việc Đức Chúa Jêsus Christ và Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá". Nói cách khác, quí vị không phải sống nhơn đức hầu trang điểm cho tội lỗi của quí vị được, Chúa Jêsus đã trả giá cho chúng rồi, cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Quí vị chỉ tin mà thôi. Hãy nhớ 2.21: "vì nếu bởi luật pháp mà được sự công bình, thì Đấng Christ chịu chết là vô ích".
Stott đã viết: "Sức mạnh của thì hoàn thành trong cấu trúc văn phạm của câu nói, ấy là công tác của Đấng Christ đã được hoàn tất trên thập tự giá, và mọi tiện ích của sự Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá mãi mãi tươi mới, có hiệu lực và đang sẵn có. Hạng tội nhân sẽ được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời và bởi Đức Chúa Trời, không phải vì bất cứ việc làm nào của riêng họ, mà vì công tác cứu chuộc của Đấng Christ; không phải vì điều chi họ đã làm hay có thể làm, mà vì mọi điều Đấng Christ đã làm một lần đủ cả, khi Ngài chịu chết. Tin lành không phải là một lời khuyên tốt cho con người đâu, mà là những tin tức tốt lành nói tới Đấng Christ; không phải một lời mời gọi dành cho chúng ta làm theo một điều gì đó, mà là một lời công bố ra mọi điều mà Đức Chúa Trời đã làm; không phải một đòi hỏi, mà là một sự cung hiến".
C. LÝ DO #3. Sống theo kiểu thiên về với luật pháp là đi ngược lại với Đức Thánh Linh (các câu 2-3).
Vị sứ đồ nói: "Tôi muốn học biết từ anh em chỉ có điều nầy" hay "Tôi chỉ có một câu hỏi". Ông nói: "Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh?"
Khi một người được cứu, được sanh lại, họ kinh nghiệm sự Đức Thánh Linh ngự vào lòng. Nếu quí vị chưa "nhận lãnh Đức Thánh Linh" thì quí vị chưa được cứu đâu. Rôma 8.9 chép: "song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài".
Phaolô biết rõ họ đã được cứu. Ông nhắc tới trong câu 5 thể nào Đức Thánh Linh đã làm ra "nhiều phép lạ" giữa vòng họ. Thắc mắc của ông là Họ đã nhận lãnh Đức Thánh Linh nhờ ân điển của Đức Chúa Trời hay họ kiếm được sự hiện diện của Ngài do các việc làm của họ? Tất nhiên câu trả lời là bởi ân điển, bởi "nghe và tin".
Trong câu 3, ông đi từ sự cứu rỗi sang sự nên thánh. Ông hỏi: "Sao anh em ngu muội dường ấy? Sau khi đã khởi sự nhờ Đức Thánh Linh, nay sao lại cậy xác thịt mà làm cho trọn?" Nói cách khác: "Nếu anh em không thể được cứu bởi các việc lành và không nhận lãnh Đức Thánh Linh bởi các việc lành, sao bây giờ anh em có thể tin rằng anh em sẽ được nên trọn vẹn hay được trưởng thành bằng cách nương vào khả năng riêng để sống nhơn đức chứ?" Chúng ta không đạt tới sự trưởng thành thuộc linh bằng cách tuân giữ các bảng danh sách những điều làm hay không làm theo. Chúng ta kiếm được sự trưởng thành thuộc linh bằng cách đầu phục theo Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Đó là ân điển! Galati 5.16 chép: "Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt".
Thí dụ, tôi biết tôi cần đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Có khi tôi đọc Kinh Thánh cách vội vàng, mau mau để còn lo làm việc khác. Khi nào tôi có thái độ ấy, tôi là một kẻ thiên về với luật pháp. Đức Chúa Trời chẳng có ấn tượng gì hết. Tôi chẳng tiếp thu được gì hết. Tôi chỉ mất thì giờ mà thôi. Tuy nhiên, khi tôi nói: "Đức Thánh Linh mở mắt tôi nhìn biết lẽ thật, xin dạy dỗ tôi", khi tôi đọc thật cẩn thận, tôi luôn luôn tìm kiếm cốt lõi của chân lý để tôi có thể áp dụng vào đời sống tôi. Đấy là sự khác biệt giữa thiên về với luật pháp và bước đi theo Thánh Linh.
D. LÝ DO #4. Sống theo kiểu thiên về với luật pháp tạo ra sự bắt bớ vô mục đích (câu 4).
Phaolô nói trong câu 4: "Anh em há luống công mà chịu sự khốn khó dường ấy sao? nếu quả là luống công!" Các Cơ đốc nhân đầu tiên nầy đã chịu khốn khó vì cớ đức tin của họ. Họ đã bị bắt bớ đủ mọi phương diện. Tuy nhiên, sự bắt bớ tệ hại nhất đã đến từ những người Do thái, họ đã xem Cơ đốc giáo là một mối đe doạ đối với tôn giáo cổ xưa của họ. Phaolô đang nói rằng nếu họ bây giờ tìm cách sống giống như người Do thái (phép cắt bì, luật pháp, các nghi thức) thì đâu là mục tiêu cho việc hứng chịu sự bắt bớ, đúng là "luống công".
Có bao giờ quí vị bị bắt bớ vì là một Cơ đốc nhân chưa? Có phải ở trường học hay ở sở làm người ta đã chế giễu quí vị vì cớ đức tin của quí vị chưa? Nếu quí vị đang sống theo kiểu thiên về với luật pháp thì quí vị chưa tấn tới về mặt thuộc linh và mọi điều quí vị chịu khốn khó từ nơi họ quả là "luống công" rồi.
E. LÝ DO #5. Sống theo kiểu thiên về với luật pháp dập tắt Sự tấn tới về mặt thuộc linh (câu 5).
Trong câu 5, Phaolô chỉ ra hai ơn phước đến từ nơi Chúa. Đức Chúa Trời "ban Đức Thánh Linh cho anh em và làm các phép lạ trong anh em".
Câu 2 nói họ "[đã] nhận được Đức Thánh Linh" thì quá khứ. Câu 5 nói Đức Chúa Trời "ban Đức Thánh Linh [mặc lấy, phục vụ] Đức Thánh Linh cho anh em", thì hiện tại. Phaolô đã đi từ chỗ nói về sự Đức Thánh Linh ngự vào lòng một lần đủ cả, đến chỗ sự phục vụ của Đức Thánh Linh hết ngày nầy sang ngày khác trong đời sống của chúng ta.
Nếu quí vị là một người tin Chúa chân chính, quí vị đang ý thức công việc của Đức Thánh Linh, Ngài hướng dẫn, dạy dỗ, yên ủi quí vị, v.v….Có nhiều lần trong đời sống chúng ta Đức Thánh Linh vận hành bằng quyền phép vô đối. Ngài phán dạy với lòng chúng ta. Ngài khiến chúng ta làm theo một số việc mà chúng ta không thể làm bằng sức riêng của mình. Phaolô muốn biết, có phải Đức Thánh Linh đang vận hành trong đời sống của quí vị vì quí vị đang thực thi "công việc của luật pháp" hay bởi "nghe và tin?"
Đức Chúa Trời cũng "làm ra nhiều phép lạ". Có người cho rằng chẳng có phép lạ chi hết hôm nay. Tôi không nhất trí về điều đó. Chúng ta không có dấu kỳ phép lạ hôm nay, nhưng tôi tin đây là một sự sĩ nhục Đức Chúa Trời khi nói Ngài không làm ra các phép lạ. Phép lạ lớn lao nhứt từng diễn ra, ấy là khi có ai đó được cứu, một tội nhân trở thành một thánh nhân.
Tôi nghĩ tới những thời điểm trong Hội thánh chúng tôi khi có người đau bịnh. Chúng tôi đã cầu thay cho họ, cầu xin Đức Chúa Trời thực thi ý chỉ của Ngài trong đời sống của họ. Chúng ta đã cầu xin Chúa chữa lành bằng phép lạ. Có người không được chữa lành. Có người được chữa lành. Phải chăng họ được chữa lành vì đã tin hay thành tựu?
Một số người trong quí vị đã nhìn thấy Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện theo một cách thức đáng kinh ngạc. Quí vị nhìn thấy Đức Chúa Trời làm thay đổi mọi sự. Phải chăng điều nầy xảy ra bởi ân điển hay vì quí vị tuân giữ một bảng danh sách những việc cần làm theo và không làm theo?
Khi chúng ta "bước đi bởi Thánh Linh" chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời và dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời khi Ngài vận hành cách mạnh mẽ trong đời sống của chúng ta. Khi chúng ta ăn ở theo kiểu thiên về với luật pháp, chúng ta nhìn thấy mọi ơn phước của Đức Chúa Trời như một kết quả của sự chúng ta trung tín và tai hoạ như một kết quả của sự chúng ta bất trung. Khi thiên về với luật pháp, mọi sự đều nương vào tôi hết. Khi bước đi theo Thánh Linh, mọi sự đều nương vào Đức Chúa Trời.
III. Làm sao Cơ đốc nhân thắng hơn sự thiên về với luật pháp.
A. Chúng ta cần một hình ảnh đúng đắn về Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời giàu ơn. Ân điển của Ngài đối cùng chúng ta không những ở sự cứu rỗi trong quá khứ hay sự vinh hiển trong tương lai, mà còn ngay bây giờ ở sự nên thánh trong hiện tại. Ngài luôn luôn xử lý với con cái Ngài bằng ân điển. Cơn thạnh nộ của Ngài đã được dành riêng cho những ai từ chối Con của Ngài. Ngài tiếp nhận chúng ta khi chúng ta làm điều chi phải lẽ và khi chúng ta phạm điều chi sai lầm. Ngài không ném ân điển của Ngài vào mặt chúng ta hay tìm cách làm xấu hổ chúng ta khi chúng ta không vâng lời. Ngài yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta cách tuyệt đối.
Tôi không nói rằng Đức Chúa Trời đang dung chịu tội lỗi đâu. Ngài thù ghét tội lỗi nơi kẻ không tin Chúa và nơi người tin Chúa. Tôi thích cách Elisa Morgan thổ lộ điều đó: "Đức Chúa Trời, là Đấng nhìn thấy chúng ta trong những giờ phút tệ hại nhất, nhưng không dùng chúng mà tính toán với chúng ta". Ân điển của Ngài là đủ cho tội lỗi chúng ta. Trong khi Ngài thù ghét tội lỗi trong đời sống chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta.
B. Chúng ta cần một sự hiểu biết chính xác về ân điển.
Tôi dám chắc rằng chẳng có một từ ngữ nào đẹp đẽ trong bất kỳ một thứ ngôn ngữ nào hơn là từ "ân điển". Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta và chúc phước cho chúng ta cho dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu hay ơn phước của Ngài. Ngài lựa chọn chúng ta từ trước khi sáng thế. Ngài kêu gọi chúng ta đến với chính mình Ngài. Ngài xưng công bình chúng ta, tuyên bố chúng ta là ngay thẳng. Ngài đang bắt tay làm nên thánh chúng ta, khiến cho chúng ta được thánh khiết. Ngài sẽ làm cho chúng ta được vinh hiển không bao lâu nữa, một ngày gần đây. Mọi sự đều quy về cho ân điển. Chúng ta không kiếm được một tí gì về ân điển đó.
Kẻ thiên về với luật pháp làm theo bảng danh sách những việc làm theo và không làm theo hầu được Đức Chúa Trời tiếp nhận và tránh được sự phán xét của Ngài. Người tín đồ thuộc linh nào hiểu rõ ân điển làm hay không làm vì người yêu mến Đấng Christ và có lòng quan tâm muốn làm chứng cho Ngài. Người hiểu rõ thậm chí khi người vấp ngã, Đức Chúa Trời luôn luôn đặt người vào trong cái tổ của ân điển.
Tuần lễ nầy, Chúa chỉ cho tôi thấy một phân đoạn Kinh Thánh bày tỏ ra chính lẽ thật nầy. I Têsalônica 5.23-24 chép: "Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến! Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó". Tôi không tự mình làm nên thánh được, Cha thành tín của tôi ở trên trời sẽ làm việc ấy!
Một chiếc tàu bị đắm, và kẻ sống sót duy nhứt bơi đến một hòn đảo nhỏ không có ai ở. Ông ta bị kiệt sức. Ông ta cầu xin Đức Chúa Trời cứu ông ta. Mỗi ngày ông ta nhìn chăm chú vào đường chân trời, tìm kiếm sự cứu giúp. Sau cùng, ông ta dựng lên một túp lều rồi đặt một số đồ vật nhỏ vào đấy. Ngày kia, sau khi đi săn tìm thức ăn rồi trở về nhà, ông ta lấy làm đau đớn khi nhìn thấy túp lều nhỏ đang bốc cháy và một cột khói bốc cao lên. Chuyện tệ hại nhất đã xảy ra. Nhưng qua sáng sớm ngày hôm sau, một nhóm thủy thủ đến và giải cứu ông ta. Ông ta hỏi nhóm thủy thủ đó: "Làm sao các anh biết tôi ở tại hòn đảo đó chứ?" Họ đáp: "Chúng tôi đã nhìn thấy cột khói dấu hiệu". Chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa Trời đốt bỏ các túp lều thiên về với luật pháp của chúng ta hầu cho chúng ta được giải cứu bởi ân điển của Ngài.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét