Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Gen 11.27-12.9" "Cuộc phiêu lưu vĩ đại"



"Cuộc phiêu lưu vĩ đại"

(Sáng thế ký 11.27-12.9)
Sáng thế ký 11.27 bắt đầu một ngã rẽ mới trong sách Sáng thế ký [“Đây là phân đoạn trọng tâm của sách” Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 2002 [1988]), 25]. Sách Sáng thế ký đã được cấu trúc bằng cách lần theo bốn biến cố quan trọng và bốn nhân vật quan trọng. Bốn biến cố quan trọng đã được đề ra trong các chương 1-11. Sự sáng tạo, Sự sa ngã, Nước Lụt, và Các Nước. Bốn nhân vật quan trọng hoàn tất quyển sách trong các chương 12-50. Ápraham, Y-sác, Gia-cốp, và Giô-sép. Mục đích là: mối quan tâm đầu tiên của Đức Chúa Trời là tất cả các dân trên thế gian (Sáng thế ký 1-11), nhưng tiêu điểm của Sáng thế ký (và phần còn lại của sách Ngũ Kinh) là nhắm vào sự lựa chọn của Đức Chúa Trời và sự quan phòng đến tuyển dân của Ngài, là dân Israel (Sáng thế ký 12-50) [“Trong trường hợp các chương 1-11 phác họa ra sự loạn nghịch của con người, các chương 12-50 nói chi tiết việc Đức Chúa Trời đưa con người vào một nơi phước hạnh” Ross, Creation & Blessing, 47]. Sự chọn lựa tối hậu nầy bắt đầu với sự kêu gọi Ápram [Về mặt thần học, Sáng thế ký 12 là một trong những phân đoạn chính trong Cựu Ước, vì nó chứa những điều được gọi là Giao ước với Ápraham. Sáu phân đoạn trong sách Sáng thế ký có quan hệ tới Giao ước với Ápraham (12.1-3, 7; 13.14-17; 15.1-21; 17.1-21; 22.15-18). Giao ước nầy là chìa khoá, mở ra phần còn lại của Cựu Ước]. Sách Sáng thế ký bao phủ hơn 2.000 năm và hơn 20 thế hệ; tuy nhiên, nó tốn 1/3 sách nói đến đời sống của nhân vật nầy (11.27-25.18). Đúng là một sự nhắc nhớ rằng Đức Chúa Trời thực sự quan tâm đến con người và xem xét giá trị của từng cá nhân. Phân đoạn nầy sẽ thách thức chúng ta phải sống một đời sống đức tin.
1. Đức tin tấn tới cách tiệm tiến (11.27-32). Trong sáu câu nầy, bảng gia phổ trong chương 11 trở nên hoàn toàn đặc biệt và đáng chú ý [Sailhamer lưu ý: “Chức năng của bảng gia phổ nầy không kết nối Ápraham với những biến cố trước đó, như các bảng gia phổ trước đó đã có, mà chỉ cung ứng cho độc giả lai lịch cần thiết để hiểu rõ các biến cố trong đời sống của Ápraham. Bảng danh sách bao gồm 8 cái tên. Tất cả những cá nhân được nêu tên đều thích đáng cho sự hiểu biết các biến cố của câu chuyện nối theo sau ngoại trừ “Dích-ca” (11.29). Khi kể tới tên tuổi khác không quan trọng vào trong danh sách cho thấy rằng tác giả đang tìm cách hoàn tất số lượng đặc biệt về những cái tên. Sâu xa trong sách Sáng thế ký, tác giả đã chạy theo một khuôn mẫu liệt kê mười cái tên giữa những cá nhân quan trọng trong câu chuyện. Trong bảng danh sách ngắn nầy, chỉ có tám cái tên được đưa ra, vì vậy nếu chúng ta đòi hỏi mười cái tên, con số những cá nhân trong danh sách nầy sẽ thiếu mất hai cái tên. Bằng cách liệt kê ra chỉ có tám cái tên, tác giả để cho độc giả không nhận ra được ai là người thứ chín và, quan trọng hơn, sẽ là cái tên thứ mười. Chỉ khi nào câu chuyện mở ra cái tên thứ chín và thứ mười, thì đó sẽ là hai con trai của Ápraham, “Ích-ma-ên” (16.15) và “Y-sác” (21.3)” John H. Sailhamer, Genesis. EBC (Grand Rapids. Zondervan), Electronic ed]. Môise bắt đầu với mệnh đề quen thuộc: “Đây là dòng dõi của…” (11.27a). “Công thức” nầy góp phần như một bố cục xuyên suốt sách Sáng thế ký [Cấu trúc của sách Sáng thế ký được xây dựng quanh 11 đoạn phân biệt, mỗi đoạn được nói đến với cụm từ mệnh đề “dòng dõi” trong mệnh đề “Đây là dòng dõi” hay “Sách nói tới các dòng dõi” (1.1-2.3; 2.4-4.26; 5.1-6.8; 6.9-9.29; 10.1-11.9; 11.10-26; 11.27-25.11; 25.12-18; 25.19-35.29; 36.1-37.1; và 37.2-50.26)]. Lần xảy ra chính của cụm từ nầy là 6.8, khi nói tới Nôê, ở đây Đức Chúa Trời bắt đầu một việc mới nơi Nôê cùng các con trai của ông. Đây là gợi ý cho những gì xảy đến trong 11.27-32 về cuộc đời của Ápram sẽ là một việc mới mẻ trên một cấp độ lớn. Môise tiếp tục nói rằng “Tha-rê sanh Áp-ram [Đức Chúa Trời đã kêu gọi Ápram trong Sáng thế ký 11-16. Từ Sáng thế ký 17.5 trở đi, Kinh thánh sử dụng danh Ápraham để đề cập tới vị tộc trưởng nầy, ngoại trừ I Sử ký 1.27, 32 và Nêhêmi 9.7], Na-cô và Ha-ran” (11.27b). Một lần nữa, dường như câu nầy chẳng có gì quan trọng lắm cho tới khi chúng ta nhận biết rằng việc nhắc tới Tha-rê có ba người con trai có tên tuổi cảnh báo cho chúng ta về một khuôn mẫu trước đây. A-đam và Nôê, cả hai đều có ba người con trai có tên tuổi, và cả hai người rõ ràng đang chỉ ra những dấu hiệu cao độ trong cách xử lý của Đức Chúa Trời với con người. Vì vậy, chúng ta không nên kinh ngạc khi Đức Chúa Trời kêu gọi Ápram và lao vào con đường mới trong sự ứng nghiệm các lời hứa cùng chương trình cứu chuộc của Ngài [Greg Herrick, Contours of Faith ( http.//www.bible.org/page.asp?page_id=35http.//www.bible.org/page.asp?page_id=35), 4/24/05]. Đức Chúa Trời đang chuẩn bị phương thức của Ngài dành cho con người.
Ở 11.27c, Môise cũng thông báo cho chúng ta biết: “Ha-ran sanh Lót”. Lót được giới thiệu mau chóng vì ông là nhân vật chính đóng vai trò như một tương phản với Ápram. Ở 11.28, Môise ghi lại rằng: “Ha-ran qua đời tại quê hương mình, tức là U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê, khi cha người là Tha-rê hãy còn sống” [Có lẽ về sau một tác giả khác đã thêm xứ Canh-đê vào 11.28 khi người Canh–đê chưa bước vào xứ Ba-by-lôn cho đến khoảng năm 1.000TC. Gordon J. Wenham, Genesis 1-15. WBC (Waco, TX. Word, 1987), 272]. Đây là lời bình quan trọng vì nó cho chúng ta biết Ápram, con trai của Tha-rê, đã chào đời tại U-rơ, xứ Canh-đê (11.28) [Nói chung, U-rơ nầy nằm ở phía nam xứ Mê-sô-bô-ta-mi gần Vịnh Ba Tư. Tuy nhiều người khác lại cho rằng U-rơ nầy nằm ở phía Bắc và phía Đông Haran. Có nhiều ủng hộ nhận định nầy, cả trong và ngoài Kinh thánh (đối chiếu Êsai 23.13; Sáng thế ký 22.22; 24.4-7; Giôsuê 24.2-3). Tôi cho rằng nhận định theo truyền khẩu là chính xác, nhưng nhận định khác cung ứng một sự hiểu biết rõ nét về phân đoạn Kinh thánh và có thể là chính xác]. Điều nầy sẽ trở nên quan trọng trong đúng một phút thôi. Câu 29 nói rằng Ápram và Na-cô “cưới vợ” (đối chiếu 6.2). Ápram đã cưới em gái một cha khác mẹ của mình là Sarai làm vợ (xem 20.12), điều nầy không ngược lại với ý muốn của Đức Chúa Trời vào thời buổi nầy trong lịch sử [Đối chiếu Lê vi ký 18.9; 20.17; Phục truyền luật lệ ký 27.22]. Hôn nhân của em Ápram là Na-cô được nhắc tới vì ông trở thành ông nội của Laban và Rê-bê-ca, cả hai người sẽ ảnh hưởng rộng rãi trong tiểu sử của cháu nội Ápram, là Gia-cốp [John Phillips, Exploring Genesis (Neptune, NJ. Loizeaux Brothers, 1992), 106]. Phần lớn những cái tên trong 11.29 ra từ hệ thống thờ lạy mặt trăng [Vài người bà con của Ápram có những cái tên có quan hệ chặt chẽ với sự thờ lạy mặt trăng (đối chiếu Sara, Minh-canh, La-ban), một hệ thống nổi bật ở U-rơ và Cha-ran. Wenham, Genesis 1-15, 252]. Giôsuê 24.2, 14-15, nói rõ rằng Tha-rê (và toàn bộ gia đình ông) đã thờ lạy rất nhiều thần. Ở 11.30, Môise nói rõ rằng vợ của Ápram, là Sarai: “son sẻ, nên người không có con”. Tình trạng son sẻ của Sarai thử nghiệm đức tin của Ápram và lèo lái toàn bộ câu chuyện [Bruce K. Waltke, Genesis. A Commentary (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 200]. Các câu 31-32 thông báo cho chúng ta biết rằng Tha-rê đã dẫn Ápram cùng gia đình mình từ U-rơ xứ Canh-đê “đặng qua xứ Canaan”. Mặc dù gia đình, chỉ đi đến “Cha-ran, thì lập gia cư tại đó”. Đôi khi, sau lúc định cư tại Cha-ran, Tha-rê đã qua đời ở tuổi 205.
Ở cốt lõi câu chuyện nầy là nguyên tắc chọn lựa tối cao của Đức Chúa Trời đối với một cá nhân. Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời đối với Ápram là ân điển thanh sạch [Sự khải thị của Đức Chúa Trời đối với Ápram trong các câu nầy giải thích lý do tại sao gia đình ông rời khỏi U-rơ (11.31). “…bằng cách đặt sự kêu gọi Ápraham sau sự tan rãi các dân tại Ba-by-lôn (11.1-9), tác giả tính phác họa ơn kêu gọi Ápraham làm một ân tứ cứu rỗi của Đức Chúa Trời ở giữa sự phán xét” John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative (Grand Rapids. Zondervan, 1992), 139]. Không có một bằng chứng nào trong phân đoạn Kinh thánh cho thấy Đức Chúa Trời đã chọn Ápram vì cớ ông xứng đáng cả. Mà ngược lại, Đức Chúa Trời đã chọn Ápram từ một gia đình đã ăn sâu vào sự thờ lạy hình tượng. Ngài đã làm vậy để Ngài nhận lãnh mọi sự vinh hiển vì mọi điều có nơi Ápram [Êphêsô 1 thuật lại cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời chọn lấy con người “để ngợi khen sự vinh hiển Ngài” (1.6, 12, 14)]. Việc lớn lao về Đức Chúa Trời, ấy là khi Ngài đang hình thành gia đình của Ngài và đang chọn lấy các tôi tớ, Ngài chọn lấy những con người chẳng có gì sáng sủa cho lắm! Rốt lại, Ngài đã chọn bạn và tôi. Ngài đã làm vậy không phải vì chúng ta sẽ trở thành hạng người nào; Ngài làm vậy vì Ngài chọn yêu thương chúng ta và rồi Ngài khiến chúng ta trở nên giống hạng người mà Ngài muốn chúng ta phải trở thành (Rôma 8.29). Ngày nay, nguyện chúng ta bày tỏ ra thái độ biết ơn đối với Đức Chúa Trời trong việc chọn lấy chúng ta để có mối giao thông với Ngài. Nguyện chúng ta cũng cảm tạ Ngài vì kêu gọi chúng ta bước vào sự phục vụ. Đây là một đặc ân cho cả hai: nhìn biết và phục vụ Đức Chúa Trời.
Trước khi chúng ta bước qua chương 12, thật là quan trọng khi lưu ý một vài manh mối rất thú vị trong tiểu đoạn nầy và phần còn lại của Kinh thánh. Một điểm thú vị quan trọng, ấy là trước tiên Đức Chúa Trời đã kêu gọi Ápram phải rời khỏi quê hương mình khi ông vẫn còn ở tại U-rơ xứ Canh-đê (12.1-3; đối chiếu 15.7; Nêhêmi 9.7; Công vụ các sứ đồ 7.2-4). Rõ ràng, sự khải thị của Đức Chúa Trời về chính mình Ngài cho Ápram có bản chất rất thuyết phục và đầy quyền lực mà cha của ông là Tha-rê không những đã tin theo mới tham gia vào chuyến hành trình, mà còn nắm lấy quyền lèo lái nữa [Phillips, Exploring Genesis, 108] (Ápram, Sarai, và Lót đã đi theo Tha-rê đến Charan). Không may thay, đoàn lữ hành đã dừng lại tại Cha-ran thay vì đi hết đường vào trong xứ Canaan [Có lẽ sự thịnh vượng và tiện nghi của thành phố Cha-ran là quá đủ đối với Tha-rê]. Ở đó đoàn lữ hành đã sa lầy và, dường như, bị trì trệ và thiếu hoạt động trong nhiều năm trời cho đến khi Tha-rê qua đời. Tương tự, có nhiều người ngày nay, họ đáp ứng với ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời để trở thành môn đồ của Đấng Christ, nhưng chỉ vâng theo phần nào thôi. Phải, họ đã rời bỏ sự thờ lạy hình tượng và sự loạn nghịch nặng nề của xứ “U-rơ”, nhưng thay vì theo đuổi sự sống dư dật trong Đất Hứa Canaan, họ đã lập cư vì một thứ gì đó ở chính giữa. Họ đã lập cư tại Cha-ran, có nghĩa là “trơ trọi”. Và giống như Ápram, họ đã phí mất nhiều năm trời trong cuộc sống của họ trong vùng đất tiện nghi và quen thuộc “Cha-ran”, một vùng đất thoả hiệp thuộc linh.
Khi Ápram nhận lãnh sự kêu gọi lần đầu tiên đến từ Đức Chúa Trời, ông chỉ vâng theo phần nào mà thôi. May thay, Đức Chúa Trời rất kiên nhẫn. Ápram hãy còn non nớt trong đức tin. Ông còn phải học hỏi nhiều, và Đức Chúa Trời có thể nhẫn nại chờ đợi [Phillips, Exploring Genesis, 108]. Vì thế, những năm tháng phung phí đã trôi qua và rồi nhơn sự chết của Tha-rê, Ápram bắt đầu tiến hành phương án mà Đức Chúa Trời vốn ao ước. Điều nầy đã khích lệ chúng ta. Ápram, tổ phụ đức tin vĩ đại của chúng ta, đã khởi sự chuyến lữ hành Cơ đốc của mình cách chậm chạp. Ông cũng phí mất một vài năm dọc theo chuyến hành trình. Nếu điều ấy là thực đối với Ápram, và Đức Chúa Trời đã sử dụng ông cách đầy năng quyền, thì càng thực biết bao nhiêu nữa đối với bạn? Nếu bạn đã khởi sự đức tin Cơ đốc của mình cách chậm chạp hoặc nếu bạn đã thấy mình đang đánh mất đi thì giờ quí báu, bạn có thể quay trở lại đường chạy của mình. Đừng đợi thêm một phút nào khác nữa.
[Trong khi đức tin tấn tới cách tiệm tiến, chúng ta học được ở 12.1 rằng …]
2. Bước đi bởi đức tin (12.1). Môise viết: “Vả [Tiểu đoạn nầy bắt đầu với một liên từ phân biệt waw trong tiếng Hy bá lai được dịch là “Vả”. Từ nầy giới thiệu một mệnh đề tùy thuộc vào hoàn cảnh độc lập (đối chiếu 1.2). Có lẽ sự khải thị đã xảy ra tại U-rơ], Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram [Bảng dịch NIV, NKJV, và KJV có chữ “đã”, làm cho câu nầy ra dễ hiểu: “Đức Giêhôva đã phán cùng Ápram”. Các bảng dịch nầy cho rằng 12.1 chiếu ngược lại một việc đã xảy ra tại U-rơ dù 11.31 kết thúc với Ápram đang ở tại Cha-ran] rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi [Đức Chúa Trời kêu gọi Ápram phải tự phân rẽ ra khỏi quê hương của mình mà đi đến một xứ khác. Gia đình của Ápram đã chọn cùng đi với ông không ngụ ý một hành động bất tuân nơi Ápram. Đức Chúa Trời không cấm những người khác không cùng đi với Ápram. Tiêu điểm của mạng lịnh của Đức Chúa Trời, ấy là Ápram phải tự nhổ bỏ gốc rễ của mình và bước theo sự dẫn dắt của Ngài], mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho’” [Ápraham từng vâng theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời ra khỏi xứ, không có một điều kiện nào được đưa ra trong giao ước. Sự ứng nghiệm của giao ước nương vào sự thành tín của Đức Chúa Trời. Sự thực nầy đã được lập ra rõ ràng hơn khi giao ước được phê chuẩn trong Sáng thế ký 15, ở điểm ấy Đức Chúa Trời “cắt” giao ước với Ápraham. Việc “cắt” giao ước đòi hỏi hai bên phải bước qua những con vật làm sinh tế; nhưng khi đến thời điểm đó, Đức Chúa Trời đã tạo ra một giấc ngủ sâu phủ lấy Ápraham và chỉ có Ngài (được tiêu biểu bởi “lò lớn khói lên và ngọn lửa loè ngang”) qua giữa các con thú (15.17). Điều nầy đặt toàn bộ trách nhiệm cho sự ứng nghiệm các điều khoản trong giao ước lên Đức Chúa Trời]. Sự kêu gọi nổi tiếng của Ápram ở 12.1 là một mạng lịnh phải rời khỏi ba việc và đến với một việc. Ba việc mà Đức Chúa Trời kêu gọi Ápram phải quên đi là những nguồn lực an toàn tự nhiên cho dân du cư xa xưa, ở vùng Cận Đông. Đức Chúa Trời liệt kê ra ba điều liên tục nhau, một khoản thu hẹp lại cái nền ủng hộ và an ninh cá nhân: (1) quê hương ông (hay “xứ sở”) là quốc tịch của ông và là nhóm đông nhất mà Ápram phải ra khỏi đó. (2) Dân sự của ông (hay “vòng bà con”) thì nhỏ hơn chi phái của ông, nhưng lớn hơn gia đình ông hiện lúc đó. Những nhóm như vậy trong xã hội bộ tộc đời xưa cung ứng lai lịch và sự an ninh cá nhân. (3) Nhà cha của ông, có lẽ đề cập tới một sự kêu gọi phải từ bỏ quyền thừa kế trong gia đình của ông. Phải lìa bỏ nhà cha mình chắc chắn bao gồm việc từ bỏ sự an ninh về kinh tế của ông nữa. Theo một ý nghĩa, Đức Chúa Trời đang kêu gọi Ápram phải làm “Tây ba-lô”. Đức Chúa Trời đã cất bỏ bất cứ điều chi sẽ đè nặng trên ông hoặc chứng tỏ là thứ không cần thiết cho chuyến lữ hành qua rừng rậm. Điều nầy minh hoạ cho địa vị môn đồ Cơ đốc trong một vài phương thức. Sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời trên đời sống của chúng ta luôn luôn là những cái vẫy tay ra hiệu cho chúng ta phải rời bỏ những việc nhất định lại sau lưng ngay thời điểm chúng ta khoác lấy một chuyến hành trình mới mà bước theo Ngài (Mác 1.18) [Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 72].
Từ “đi” đúng nghĩa là “tự ngươi đi” và có thể nhấn mạnh tình trạng cô độc, trống vắng; ám chỉ những ý tưởng chia tay và xa lánh [Từ “đi” (halak) nầy đã được sử dụng trong Sáng thế ký 22.2 khi Đức Chúa Trời bảo Ápram phải dâng con mình làm của lễ, nghĩa là, thức dậy vào buổi sáng rồi tự ngươi đi và đem con trai mình đến một địa điểm mà Ngài sẽ chỉ cho ông (đối chiếu Sáng thế ký 21.16; 22.2; Xuất Êdíptô ký 18.27; Nhã ca 2.10, 13; 4.6). Xem Gordon J. Wenham, Genesis 1-15, WBC (Waco, TX. Word, 1987), 266 n 32b]. Ápram cần phải tìm chỗ riêng cho mình và lai lịch riêng bằng cách tách ra khỏi người thân và thị tộc [Theo bảng gia phổ các con trai của Nôê, “các dân” đã bị chia ra theo “đất đai” của họ (10.5, 20, 31-32). Bằng cách rời khỏi “đất đai” của mình, Ápraham phải lìa bỏ dân tộc mình. “Vòng bà con” và “nhà cha ngươi” trong câu nầy, khẳng định sâu xa sự hiểu biết nầy. Theo Sáng thế ký 10, tổ tiên là nền tảng cho lai lịch dân tộc. Vì thế, Đức Giêhôva đã kêu gọi Ápraham đoạn tuyệt lai lịch của mình với các dân đã ở trong sự loạn nghịch chống lại Ngài]. Hãy tra chân mình vào đôi giày của Ápram. Tôi dám chắc có Ápraham có phần trong khi lưu lại Cha-ran hay có lẽ quay trở về lại quê nhà mà ông vốn biết rõ trong xứ U-rơ, ở đó ông cưới vợ rồi ở đó cả gia đình sẽ cùng sống chung với nhau. Tại sao ông phải rời khỏi quê hương mình, một nơi tiến bộ tương đương với Seattle hay New York, để hành trình đến một đất mới, theo mạng lịnh của một Đức Chúa Trời là Đấng mà ở địa phương ấy chẳng ai biết đến? Sau cùng, chẳng có một phương hướng nào là nhất định cả. Lời hứa duy nhứt đến từ Đức Chúa Trời, ấy là Ngài sẽ chỉ cho Ápram đường đi. Chẳng có gì nhất định về tương lai của ông. Ápram cần phải bước theo mạng lịnh của Đức Giêhôva phải rời bỏ Cha-ran rồi đi đến một đất mà ông chẳng nhìn thấy trước được. Ông cần phải bước đi trong đức tin mù quáng …một đất mà Đức Chúa Trời sẽ chỉ cho ông [Calvin bình luận rằng Đức Chúa Trời đã phán như sau: “Ta ra lịnh cho ngươi phải bước đi với hai con mắt nhắm lại, và cấm ngươi hỏi han nơi mà ta sắp dẫn ngươi đến, cho tới chừng nào đã đoạn tuyệt với xứ sở ngươi, ngươi phải dâng chính mình ngươi cho ta cách trọn vẹn”. John Calvin, Genesis, trans. and ed. John King (Carlisle, PA. Banner of Truth Trust, 1965), 344].
Bạn có chịu đi không? Có phải bạn sẵn sàng vâng theo tiếng nói của Đức Giêhôva một khi Ngài đi ngược lại với những gì đã biết và cảm xúc? Khi mọi sự đang gào thét lên ở trong bạn nghịch lại với sự ấy, có phải bạn bằng lòng rời bỏ công ăn việc làm vì những thứ bất ổn của một sự kêu gọi cao cả hơn? Đức tin bước đi trong sự vâng phục. Ápraham đã đưa ra sự lựa chọn tin theo Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời đã chúc phước thật dư dật cho ông.
Trong ba câu nầy, chúng ta thấy giao ước của Đức Chúa Trời được mở ra với Ápraham [Keith H. Essex, “The Abramic Covenant,” Master’s Seminary Journal Volume 10, No. 2 Fall 1999.191-212]. Giao ước nầy là giao ước đời đời (13.15; 17.7-8, 13, 19), vô điều kiện (15.9-12; 17-18) [Vì lẽ đó, thật là quan trọng khi thấy mối quan hệ của sự vâng phục đối với chương trình giao ước nầy. Dù muốn hay không, Đức Chúa Trời sẽ thiết lập một chương trình giao ước với Ápram nương vào hành động vâng phục của Ápram trong việc rời bỏ xứ. Tuy nhiên, hành động nầy từng được hoàn thành, và Ápram đã vâng theo Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời đã thiết lập một chương trình không thể hủy bỏ, vô điều kiện …với ý nghĩa đó, là giao ước vô điều kiện với Ápraham (chương 15)? Mục đích ở đây, thường bị hiểu lầm, ấy là trong khi sự ứng nghiệm của bất kỳ thế hệ nào của Israel đều nương vào sự vâng lời đối với Đức Chúa Trời, tài sản tối hậu về đất đai đã được hứa cho Israel vô điều kiện, dù Isarel không xứng đáng được điều đó. Kinh thánh nói tiên tri rằng một dân sót tin kính của Israel sẽ trở thành những người sở hữu tối hậu phần đất đai ở lần đến thứ nhì (Êxêchiên 20.33-38)], và đúng như vậy. Giao ước nầy bao gồm một đất đai (12.7; 13.14-15, 17; 17.8), một dòng dõi (12.2; 13.16; 15.4-5; 15.18; 17.4-6), và một phước hạnh (12.3; 17.2, 6; 18.18) [Những lời hứa mà Đức Chúa Trời vinh hiển nầy đã ban cho Ápram rơi vào ba phạm trù. Thứ nhứt, có những lời hứa riêng được ban cho Ápram. Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi”. Tiếp đến, có những lời hứa về dân tộc đã được ban cho nhân vật chưa có con nầy. “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn”. Rồi sau cùng, có những lời hưá bao quát sẽ đến qua Ápram. “Ngươi sẽ thành một nguồn phước . . . và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”]. Trong các câu nầy, Đức Chúa Trời đã ban cho Ápram một lời hứa có 7 phần. Sự kêu gọi có hai mệnh lệnh, mỗi mệnh lệnh có những lời hứa theo sau. Mệnh lệnh thứ nhứt là phải ra đi (“Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho”), và mệnh lệnh thứ nhì là phải trở thành (“ngươi sẽ thành một nguồn phước”). Sự vâng phục của Ápraham sẽ mang lại ơn phước lớn lao. Cũng hãy lưu ý rằng năm lần trong các câu nầy, bạn sẽ thấy cụm từ:
“Ta sẽ …” Mọi sự đều ra từ chính mình Đức Chúa Trời.
1. “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn” (12.2). Lời hứa nầy được nối kết với lời hứa về “dòng dõi” ở 3.15. Từ khi con người sa ngã, Đức Chúa Trời đã chọn những dòng dõi con người để cưu mang lời hứa mà Ngài sẽ sai một đấng giải cứu đến để chà nát đầu Satan. Dòng dõi ấy giờ đây sẽ qua Ápram mà đến với dân Hêbơrơ (13.16; Giăng 8.37), đến với dòng dõi của Ích-ma-ên (17.18-20), và hiển nhiên đến với tất cả các tín đồ (Giăng 8.39; Rôma 4.16; Galati 3.6-7, 29). Khi Đức Chúa Trời kêu gọi Ápram phân rẽ ra khỏi gia đình và quê hương của ông, Ngài đã làm vậy với mục đích tạo ra từ Ápram một dân lớn. Là nhà sáng lập quốc gia Do thái, Ápram đã được Đức Chúa Trời chỉ định làm một chứng nhân cho phần còn lại của nhân loại về Đức Chúa Trời (Êsai 44.8). Hơn nữa, dòng dõi ấy cần phải trở thành kho chứa sự khải thị thiêng liêng (Rôma 3.2) và là ống dẫn phước hạnh cho thế gian (15.8-12). Mục tiêu tối hậu trong sự Đức Chúa Trời lựa chọn Ápram là sửa soạn thế gian cho sự đến của Đấng Mêsi và là Cứu Chúa của thế gian ấy (Êsai 53). Bạn có thấy thể nào Đức Chúa Trời đã cẩn thận mở ra chương trình của Ngài qua những cá nhân không? Bạn có cầu xin Ngài bày tỏ ra chương trình của Ngài cho đời sống của bạn không?
2. “Ta sẽ ban phước cho ngươi” (12.2) [Davis viết: “Những lời hứa nầy rất mơ hồ. Ápram chẳng có một ý kiến gì về những điều Đức Chúa Trời đang phán, khi Ngài sử dụng nhiều hình thức khác nhau của từ ‘phước’. Từ “ban phước” có thể nói tới nhiều việc khác nhau, nhiều nhân vật khác nhau. Hơn nữa, ngay cả những câu nói mà Ápram sẽ trở thành một dân lớn và có một danh lớn có thể được hiểu bằng nhiều từ quen thuộc. Vì lẽ đó, đức tin của Ápram được thấy không những trong sự vâng phục của ông đối với mạng lịnh của Đức Chúa Trời, mà nó còn được thấy trong sự ông bằng lòng chấp nhận dù gì đi nữa thì đó là chương trình của Đức Chúa Trời dành cho ông. Barry C. Davis, Genesis 12-50 (Portland, OR. Multnomah Biblical Seminary unpublished class Notes, 2003), 1]. Từ “phước” [Ý tưởng phước hạnh đã được sử dụng nhiều trong sách Sáng thế ký hơn bất cứ sách nào khác. 88 lần, được sánh với tổng cộng 310 lần trong phần còn lại của Cựu Ước] đã xảy ra năm lần trong các chương 1-11, giờ đây xảy ra năm lần trong 12.1-3 [Dumbrell viết: “Có người đã đối chiếu cách sử dụng ‘(ban) phước’ trong tiểu đoạn nầy với sự xảy ra 5 lần của từ rủa sả ở các chương 3-11 (3.14, 17; 4.11; 5.29; 9.25).” William J. Dumbrell, The Faith of Israel (Grand Rapids. Baker, 1991 [1988]), 25]. Đức Chúa Trời muốn chúc phước cho dân sự Ngài. Thực vậy, nếu bạn nhớ lại, hãy quay thẳng lại với sự sáng tạo, ở đó Đức Chúa Trời đã chúc phước cho A-đam và Ê-va (1.28) rồi tiếp đến, sau đó, ơn phước nguyên thủy đã được lặp lại ở 5.2. Đức Chúa Trời cũng chúc phước cho Nôê lặp lại sự ủy thác trong sự sáng tạo, nghĩa là, con người phải quản trị (9.1-2). Chương trình của Đức Chúa Trời là chúc phước cho thế gian. Thực vậy, từ ngữ “ban phước” (barak) bao gồm những điều khoản giàu ơn của Đức Chúa Trời về sống khoẻ mạnh, sống thọ, giàu có, bình an, dư dật đồ ăn và mùa màng, con cháu, và sự hiểu biết cá nhân về chính mình Ngài và các đường lối của Ngài. Phải, chương trình của Đức Chúa Trời là ban phước cho thế gian. Khi Đức Chúa Trời chúc phước cho ai, Ngài xen vào trong đời sống của họ để làm ra những việc tốt lành. Ơn phước của Đức Chúa Trời ban cho Ápram đã khiến cho ông được thịnh vượng trong mọi sự ông bắt tay làm. Ông đã được phước cả hai: thuộc thể (13.14-18; 15.18) và thuộc linh (15.6; Giăng 8.56). Bạn có nhìn thấy ơn phước của Đức Chúa Trời trong đời sống của bạn không?
3. “Ta sẽ làm nổi danh ngươi” (12.2) [Cựu Ước thường dành danh tiếng “lớn lao” nầy cho Đức Chúa Trời (Giôsuê 7.9; I Samuên 12.22; Thi thiên 76.2; Malachi 1.11), cùng với các vua (II Samuên 7.9; Thi thiên 72.17). Hamilton, The Book of Genesis. Các chương 1-17; 372–73; Wenham, Genesis 1–15 275–276]. Được ban cho một danh lớn là có danh tiếng tốt đẹp và một lai lịch an toàn. Những người xây dựng tháp Ba-bên đã tìm cách lập một danh cho chính họ (11.4) rồi vì cớ đó kiếm được quyền lực và danh tiếng trước mặt thế gian và trước mặt Đức Chúa Trời [Thay vì giữ được sự ưu ái của Đức Chúa Trời và thực thi quyền bính vì lợi ích của Ngài, con người đã nổi loạn chống lại Đấng Tạo Hoá là Đấng đã chúc phước cho con người (3.1-7; 4.1-24). Thay vì kinh nghiệm tất cả phước hạnh của Đức Chúa Trời, sự “ruả sả” của Đức Chúa Trời đã giáng trên con người (3.17; 4.11; 5.29). Ngay trước khi nước lụt sự loạn nghịch nầy đã tạo ra “hạng người nổi tiếng”, sát nghĩa: “tay anh hùng có danh” (6.4). “Tay anh hùng có danh” nầy là dòng dõi của sự kết hiệp về tình dục của các “con trai Đức Chúa Trời” và “con gái của loài người”. Phân đoạn Kinh thánh mô tả họ là những chiến binh đời xưa đã thiết lập danh tiếng tiếng của họ hay nổi tiếng mà chẳng cần Đức Chúa Trời. Sau sự phán xét bằng nước lụt, con người một lần nữa đã nổi loạn chống nghịch Đức Chúa Trời. Mặc dù Đức Chúa Trời đã buộc con người phải định cư trên khắp đất (9.1; 11.4), con người đã nhóm lại cùng nhau nói: “Ta hãy lo làm cho rạng danh” (11.4). Một lần nữa, “danh” có nghĩa rộng là danh tiếng hay nổi tiếng mà không cần Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời xét đoán nhân loại qua sự lộn xộn của giọng nói, không phải bởi nước lụt như trước đó, vì những điều khoản trong giao ước với Nôê (11.7-8; đối chiếu 9.8-17)]. Mặt khác, quyền lực và danh tiếng của Ápram đã đến trực tiếp từ Đức Chúa Trời. Đồng thời, Đức Chúa Trời đã tạo cho Ápram được nổi danh khi ông được mọi người biết đến là “bạn hữu Chúa” (II Sử ký 20.7; Êsai 41.8; Giacơ 2.23). Có phải bạn nương cậy nơi Đức Chúa Trời để làm nổi danh bạn, hay bạn đang tự tạo cho mình một danh? Bạn đem những chương trình và mục tiêu của mình đầu phục Ngài như thế nào? Ngày nay, Đức Chúa Trời muốn bạn phải tin rằng Ngài đã ấn định cho nhân loại phải khao khát và theo đuổi sự cao trọng.
Nhưng thay vì tìm kiếm sự cao trọng ấy theo đường lối của thế gian, Đấng Christ đã dạy rằng phải tìm kiếm sự cao trọng thật: phải trở thành kẻ kém cõi nhất và là tôi tớ của mọi người (Mathiơ 20.26), chịu mất sự sống mình vì cớ Đấng Christ và tha nhân (Luca 9.24), và là kẻ rốt trong lúc bây giờ để bạn sẽ trở thành đầu trong Nước của Ngài (Mác 9.35).
4. “Ngươi sẽ thành một nguồn phước” (12.2). Bản Hy bá lai chép: “Trở thành một nguồn phước” chớ không phải “ngươi sẽ thành một nguồn phước”. Đây là một mạng lịnh thay vì là một sự loan báo trước. Tuy nhiên, khi Ápram chúc phước cho người khác, ông sẽ trở thành một nguồn phước. Đức Chúa Trời đã chọn gia đình của Ápram qua đó Ngài sẽ tuồn ơn phước của Ngài cho các nước trên thế gian, bởi đó kéo các nước đến với chính mình Ngài (đối chiếu Sáng thế ký 10) [Một trong những ý kiến đến từ Paul Wright, ed., Genesis. Shepherd’s Notes (Nashville. Broadman, 1997), 40-42]. Chúng ta chưa hề kinh nghiệm điều tốt nhứt của Đức Chúa Trời cho chúng ta cho tới chừng nào chúng ta được sử dụng để chạm đến đời sống của người khác. Bạn chúc phước cho ai hôm nay vậy? Hãy nhớ lời lẽ của I Phierơ 3.9: “Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành”.
5. “Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi” (12.3). Giờ đây Đức Chúa Trời chuyển từ ơn phước cá nhân sang ơn phước toàn cầu [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 184]. Người nào tôn vinh Ápram, tôn vinh Đức Chúa Trời của người sẽ được phước.
6. “Ta sẽ rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi” (12.3). Không may thay, chẳng phải ai trong thế gian cũng muốn có ơn phước của Đức Chúa Trời, hay phương thức Ngài đã chọn đặng ban phước ra. Có những người sẽ ruả sả hoặc sĩ nhục và tố giác nghịch lại Ápram và khi làm vậy đem một lời ruả sả từ Đức Chúa Trời giáng trên đầu của họ. Họ sẽ bị dứt bỏ không còn có hy vọng được phước nữa [Từ ngữ Hy bá lai dịch là “ruả sả” rất quan trọng. Chữ qll trong “kẻ nào ruả sả ngươi” thực sự có nghĩa là “khinh bĩ”, nhưng chữ ‘rr trong “Ta sẽ ruả sả” có ý nói “nguyền ruả”. Chính sự khinh bĩ dành cho Ápraham sẽ kích thích sự phán xét của Đức Chúa Trời. Mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời là chúc phước cho tất cả các dân trên đất qua Ápraham và dòng dõi của ông].
7. “và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (12.3). Đây là lời hứa quan trọng về Đấng Mêsi đã ứng nghiệm nơi dòng dõi của Ápram, là Đấng Christ (Giăng 8.56-58; Galati 3.16).
3. Đức tin kinh nghiệm những chống đối (12.4-6). Ápram đã thể hiện ra đức tin thật phi thường theo ánh sáng ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời và đã được phước vì đức tin ấy. Cũng một thể ấy với chúng ta khi chúng ta tin cậy nơi Đấng Christ. Nhưng như thế không có nghĩa là mọi sự trong đời sống của chúng ta sẽ luôn trôi chảy đâu. Hiển nhiên là có sự chống đối hoàn toàn. Môise viết: “Rồi Áp-ram đi, theo như lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy” (12.4a). Lần nầy, Ápram ngay lập tức và hoàn toàn vâng theo Đức Chúa Trời. Phải chăng Ápram biết ông cần phải hướng tới xứ Canaan (12.5)? Hiển nhiên là không rồi. Hêbơrơ 11.8 nói rằng “Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi đâu”. Câu 4 chép: “Lót đồng đi với người”. Khi Lót tình nguyện chọn đồng đi với Ápram, có lẽ ông ta đã tin vào những lời hứa nữa [Đây là lý do tại sao ông được gọi là “công bình” ba lần trong sách II Phierơ (2.7-8)]. Sự kêu gọi của Ápram phải phân rẽ ra khỏi vòng bà con tà giáo của ông, vì vậy ông không phải là bất tuân do cho phép Lót đồng đi với mình. Môise tiếp tục cho chúng ta biết rằng “Khi Áp-ram ra khỏi Cha-ran, tuổi người được bảy mươi lăm”. Mặc dù ông đã sống đến 175 tuổi, Ápram không phải là người thiếu kinh nghiệm khi ông quyết định bước theo Đức Giêhôva đến xứ Canaan. Tuổi tác không phải là mối ngăn trở cho đức tin và cất bước dạn dĩ ra đi vì cớ Chúa. Không bao giờ là quá trễ cả. Bất chấp tuổi tác của Ápram, những trách nhiệm, cùng nhiều sự khác nữa, ông đã bước tới trước trong cuộc mạo hiểm của đức tin, trong sự vâng theo Đức Chúa Trời. May mắn thay, nguyên tắc nầy vẫn còn thực y như vậy cho ngày hôm nay. Nếu bạn sống đến tuổi đó trong thời đại nầy, Đức Chúa Trời vẫn còn muốn đại dụng bạn đấy. Ngài cũng muốn bạn phải hoàn tất cuộc chạy (II Timôthê 4.7-8).
Câu 5 chép rằng “Áp-ram dẫn Sa-rai, vợ mình, Lót, cháu mình, cả gia tài đã thâu góp, và các đầy tớ đã được tại Cha-ran, từ đó ra, để đi đến xứ Ca-na-an; rồi, chúng đều đến xứ Ca-na-an”. Bản văn chép rằng Ápram đã dẫn vợ mình là Sarai cùng đi với ông. Giờ đây, sự phấn đấu đến ngay trước mặt. Ở 11.30, bản văn tiếp tục chỉ ra rằng Sarai son sẻ, bà chẳng có một mụn con nào hết. Tiếp đến, ở 12.2, Đức Chúa Trời phán Ngài sẽ lập Ápram thành một dân lớn. Phải, rõ ràng là điều nầy sẽ không xảy ra qua Sarai — bà bị son sẻ. Vì vậy, việc ấy phải xảy ra qua một người khác. Nhưng ở đây trong 12.5, chúng ta học biết rằng chẳng có “ai khác” cả. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Ápram đã dẫn vợ mình là Sarai theo. Bất chấp những mối căng thẳng hiển nhiên kia, Ápram đã tin theo lời hứa của Đức Chúa Trời [Mặc dù về sau Sarai đã vật vã nhiều với tình trạng son sẻ của mình, và Ápraham đã tìm cách làm ứng nghiệm lời hứa qua A-ga (Sáng thế ký 16.1-16), Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài cho Sarai có một con trai (21.1-8). Nhưng đức tin của họ đã được phát triễn như một kết quả của sự chịu khổ qua tình trạng son sẻ nầy].
Đôi khi chúng ta quên tình trạng son sẻ có ý nghĩa như thế nào ở vùng Cận Đông xưa. Nó bao gồm xấu hổ, xã hội chế nhạo, và hàm ý rằng người nữ/đôi vợ chồng không được sự ưu ái của các thần linh. Tại sao họ phải tin cậy Đức Giêhôva khi Ngài hứa “sáo rỗng” về một dân tộc; họ chẳng có một mụn con nào cả!?! Đôi khi, một số vật vã của chúng ta khi tin theo Đức Chúa Trời và những lời hứa đẹp đẽ của Ngài tập trung vào cách nầy hay cách khác quanh con cái của chúng ta. Cũng một thể ấy với Ápram và Sarai. Chắc chắn họ đã phạm nhiều sai lầm trong cuộc sống, nhưng nói chung, họ đã tin cậy Đức Chúa Trời là Đấng thích làm những việc khó. Đâu là những việc chỉ có Đức Chúa Trời mới làm được, và có phải bạn tin như vậy chăng? Để cho đức tin tấn tới, nó phải nhìn qua bên kia những ngăn trở và đau khổ để thấy được Đức Chúa Trời của mọi hoàn cảnh của chúng ta.
Câu 5 cũng cho chúng ta rằng đoàn tùy tùng của Ápram gồm “các đầy tớ đã được tại Cha-ran”. Trong khi ở đây có thể nói tới hạng nô lệ, nó đề cập tới những kẻ đã trở lại đạo mà Ápram đã đem về trong chuyến hành trình của ông đến tại Cha-ran [Xem U. Cassuto, A Commentary on the Book of Genesis (Jerusalem. The Magnes Press, 1964), 320-321. See also Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 2002 [1988]), 265]. Vì vậy, trong khi Ápram còn ở trong một đất đầy thách thức và vô đạo (Cha-ran), ông đã chia sẻ đức tin của mình với nhiều người. Kết quả là, ông đã làm cho nhiều người quay trở lại đạo. Bởi ân điển của Đức Chúa Trời, bạn và tôi có thể làm y như vậy ở đây tại Olympia. Thành phố chúng ta đang sinh sống chắc chắn chẳng tệ hại hơn Cha-ran. Nếu Đức Chúa Trời có thể sử dụng Ápram để đưa nhiều người trở lại đạo tại Cha-ran, Ngài có thể sử dụng bạn để làm y như vậy tại Olympia (Giăng 14.12).
Ở 12.6, Môise ghi lại rằng: “Áp-ram trải qua xứ nầy, đến cây dẻ bộp của Mô-rê, tại Si-chem. Vả, lúc đó, dân Ca-na-an ở tại xứ”. Nơi định cư đầu tiên của Ápram là tại Si-chem [Si-chem trở thành thánh địa cho dân Israel vì ở đây Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình Ngài ra cho Ápram lần đầu tiên tại Đất Hứa]. Đây là sự tỏ ra lần thứ nhì của Đức Chúa Trời với Ápram. Si-chem ở gần trung tâm xứ Ca-na-an về mặt địa lý (đối chiếu Giôsuê 20.7). Nó nằm ngay trọng tâm vùng đất mà Đức Chúa Trời hiện đã hứa với Ápram [Ở Si-chem Gia-cốp sau đó đã mua đất, dựng nhà, và chôn cất những hình tượng trong sự tái dâng hiến cho Đức Giêhôva sau khi trở về từ chuyến hành trình của mình trong xứ Pha-đan A-ram (Sáng thế ký 33.18-20; 35.4). Cũng ở đây, dân Israel đã tụ hội lại hai lần khi họ chiếm lấy xứ Canaan dưới quyền lãnh đạo của Giôsuê để tưởng niệm sự thành tín của Đức Chúa Trời trong việc ban cho họ đất mà Ngài đã hứa với tổ phụ của họ (Giôsuê 8, 24)]. Từ ngữ Hy bá lai “Mô-rê” có nghĩa là “giáo sư” và có thể chỉ ra một cái đền cổ hay một nơi mà các thầy tế lễ xứ Canaan đã đưa ra những lời thề [Ôsê 4.13 nói về sự sử dụng một cây terebinth cho sự thờ lạy hình tượng]. Cho nên, sống giữa vòng những kẻ thờ lạy hình tượng — những người đã bị đắm chìm trong sự vô tín — sẽ thực sự thử nghiệm đức tin của Ápram. Chính bản thân ông đã bị chìm đắm trong sự thờ lạy hình tượng, và khuynh hướng sa ngã vào tà giáo sẽ còn đọng lại thành mối nguy hiểm rất thực cho ông và gia đình ông [Và, như chúng ta biết từ sách Giôsuê và một vài chỗ khác trong Cựu Ước, dân Canaan sẽ chứng minh là kẻ thù nguy hiểm cho dân Hêbơrơ phải trục xuất ra khỏi xứ]. Nhiều vấn đề thêm phần phức tạp, Ápram không thể có được cơ nghiệp trong Đất Hứa ngay lập tức vì dân Canaan đã chiếm lấy nó. Khoảng 5 thế kỷ trôi qua trước mặt dòng dõi của Ápram, dưới thời Giôsuê, sẽ chinh phục dân Canaan rồi chiếm lấy xứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ. Sự hiện diện của dân Canaan lại là một thử nghiệm khác cho đức tin của Ápram. Đức Chúa Trời đã hứa ban cho dòng dõi ông một đất đã chiếm lấy rồi. Sự hiện diện của dân Canaan chỉ ra sự chống đối sẽ trở thành hiện thực khi Ápram tiếp tục cuộc sống đức tin của mình. Một đời sống tin kính phải luôn luôn thể hiện ra ngay giữa sự hiểu lầm và thậm chí sự bắt bớ [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 186].
Đức tin không những tin theo Đức Chúa Trời về những việc lớn và đáp ứng với mọi lời hứa của Ngài, đức tin cũng bao gồm một sự phó thác để sống theo y như Ngài mong muốn, theo ánh sáng của mọi cảnh ngộ mà Ngài cho phép trong đời sống của chúng ta. Đức tin gây dựng cá tánh; cũng vậy với Ápram. Ông vốn biết rõ rằng Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông phải đi đến vùng đất mới nầy, thậm chí dù ông không biết mình đi đâu. Đức tin ông đã ban cho ông lòng can đảm và quyết định phải sống cho Đức Chúa Trời trong một đất ngoại đạo. Bởi đức tin ông đã đắc thắng những sự vất vả và thử thách khi rời bỏ dòng họ, tình trạng son sẻ của vợ mình, và những sự thù nghịch của một xứ dân ngoại. Bởi đức tin ông đã kiếm được một cá tánh mẫu mực và không ngừng kháng cự lại những kẻ vô tín ở quanh ông …cuộc đời của ông phù hợp với lời nói của ông, vì vậy phải nói thôi (đối chiếu Hêbơrơ 11.8-12). Còn chúng ta thì sao?
4. Đức tin dẫn tới sự tái bảo đảm (12.7a). Ở 12.7, Đức Giêhôva phán cùng Ápram. Ở đây chẳng ai khác hơn là Đức Chúa Jêsus Christ trước khi hoá thân thành nhục thể [Đối chiếu Sáng thế ký 16.7 -14; 18.2, 17, 33; 21.17-18; 22.11-18; 31.11-13; 32.24-30]. Chìa khoá cho đức tin lớn lên mạnh mẽ ở giữa những cơn thử thách là lắng nghe và chú ý đến tiếng phán của Đức Giêhôva, kinh nghiệm sự hiện diện của Đấng đưa ra những lời hứa. Cho nên Đức Chúa Trời, Ngài biết rõ chúng ta chỉ là bụi đất, và đang sống giữa vòng những kẻ cần sự khích lệ, xuất hiện cùng Ápram — ông là một khách lạ ở giữa một xứ lạ, với tiếng nói, phong tục, niềm tin, và phương thức sống rất lạ — và tái khẳng định cho ông lời hứa về dòng dõi và quyền làm chủ mãnh đất ấy. Đang khi Đức Chúa Trời phán với chúng ta chủ yếu qua Kinh thánh, khi Thánh Linh ngự vào lòng kết những lời lẽ vào lòng chúng ta, Đức Chúa Trời hiện ra với Ápram và phán cùng ông [Đúng là điều mà người tin Chúa ngày nay đang trông đợi, một sự khẳng định các lời hứa của Đức Chúa Trời? Mọi sự phân đoạn Kinh thánh nầy nói với chúng ta hôm nay, ấy là Đức Chúa Trời có thể hiện ra với con người; Kinh thánh không nói rằng Ngài sẽ hay chúng ta phải kinh nghiệm một sự xuất hiện như thế để khẳng định. Có lẽ tín đồ Tân Ước sẽ tìm được sự khẳng định đó]. Ở giữa những cơn thử thách, chẳng có gì bảo đảm hơn, không có gì rõ ràng hơn là tiếng phán, phải, chính sự hiện diện, của Cha chúng ta ở trên trời.
Khi chúng ta hành trình qua cuộc sống, những người khác lạ trong một xứ lạ, như đã được chép (I Phierơ 2.11), chúng ta cần phải nhận biết sự hiện diện của Đấng sẽ đưa chúng ta an toàn đến nơi đã được ấn định. Chúng ta cần phải lắng nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời trong Lời của Ngài và qua sự cầu nguyện. Cũng vậy, Đức Chúa Trời đã hiện ra cùng Ápram và đã tái lập lại lời hứa quan trọng với ông: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất nầy”. Chúng ta biết từ Sáng thế ký 15.1 trở đi, đây là thắc mắc luôn ám ảnh lý trí của Ápram. Đức Chúa Trời đến với chúng ta trong lúc chúng ta có cần và khích lệ chúng ta bằng tiếng phán của Ngài. “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi” (Êsai 41.10). Đúng đây là một hơi thở trong bầu không khí tươi mới!
[Một đức tin như bước đi vâng phục của Ápram, hy vọng sự ứng nghiệm mọi lời hứa phước hạnh của Đức Chúa Trời, và tấn tới qua những cơn thử thách. Mà còn …]
5. Đức tin công bố Đức Chúa Trời (12.7b-9). Đáp ứng của Ápram, ở 12.7b trước sự hiện ra của Đức Chúa Trời và với lời phán tái bảo đảm của Ngài ở 12.7a, là thờ lạy. Kinh thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã hiện ra với và phán…“ Rồi tại đó Áp-ram lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, là Đấng đã hiện đến cùng người”. Trước tiên Đức Chúa Trời phán (12.1-3), kế đó Ápram ra đi (12.4-6). Tiếp đến, Đức Chúa Trời hiện ra (12.7a), rồi Ápram thờ lạy (12.7) [Walter A. Elwell, ed., Evangelical Commentary on the Bible (Grand Rapids. Baker, 1989), Electronic Ed]. Mặc dù phân đoạn Kinh thánh không nói rõ ông đã dâng của lễ, chúng ta có thể dám chắc rằng từ tấm gương của Nôê trong chương 9 — cũng như tấm gương của Ápraham ở 22.13 — rằng Ápram đã dâng của lễ cho Đức Giêhôva. Thờ lạy là đáp ứng đầu tiên và cao nhất đối với tiếng phán của Đức Chúa Trời. Vâng phục kèm theo công bố ân sũng và sự cao trọng của Đức Chúa Trời là noi theo không lay chuyển giống như chiếc cầu vồng xuất hiện sau cơn mưa vậy.
Vì vậy, thờ lạy có những hậu quả. Câu 8 chép rằng Ápraham đóng trại mình ở giữa Bê-tên và A-hi, có lẽ cho thấy rằng ông đã ở lại đó trong một thời gian. Ápram “đóng trại”. Ở I Phierơ 2.11, chúng ta được khích lệ phải sống “như người ở trọ, kẻ đi đường trong thế gian”. Chúng ta cần phải sống như những người có nơi cư trú thường trực trên thiên đàng, chớ không phải ở trên đất. Không may thay, có quá nhiều Cơ đốc nhân muốn xây dựng những toà lâu đài của họ trên đất và sống sung sướng với lều trại trên thiên đàng!
Trong lúc ở trên núi, Ápram cứ tiếp tục thờ lạy bằng cách dựng lên một bàn thờ. Nhưng rồi hãy chú ý rằng Kinh thánh cũng nói Ápram đã kêu cầu danh của Đức Giêhôva. Cụm từ nầy “kêu cầu danh của Đức Giêhôva” (đối chiếu 4.26; 13.4; 21.33; 26.25, v.v…) có ý nói nhiều đến sự thờ phượng đơn giãn. Nó mang ý tưởng công bố danh của Đức Giêhôva (đối chiếu Sôphôni 3.9). Há chẳng thú vị sao, Đức Chúa Trời đã hứa với Ápram làm nổi danh ông và ở đây Ápram đang làm nổi danh của Đức Giêhôva trong xứ Canaan? Ở giữa một xứ lạ và theo tà giáo hoàn toàn, Ápram đã dựng lên một bàn thờ rồi ở đó công bố danh của Đức Giêhôva. Đúng là một thứ đức tin đáng kinh ngạc! Thực sự ông đã chiếu sáng giống như một ngôi sao trong vũ trụ bằng cách thể hiện ra Lời của Sự Sống ở giữa một thế hệ lừa đảo và ngoan cố (đối chiếu Philíp 2.16).
Lời cầu nguyện của tôi cho bạn hôm nay, ấy là bạn sẽ trở thành một người nam, người nữ có đức tin làm biến đổi xã hội của bạn. Khi bạn bước đi trong sự vâng phục, đắc thắng những trở ngại, và công bố ra Đức Chúa Trời, bạn sẽ hoàn thành ý chỉ của Ngài cho đời sống của bạn và cho các thế hệ hầu đến.
Tầm quan trọng của Ápraham (Sáng thế ký 11.27-25.18)Những sự kiện:
Ngoài Đức Chúa Jêsus Christ ra, Ápraham có mặt trong nhiều người cao trọng nhất trong Kinh thánh.
Đức Chúa Jêsus Christ, Đấng Mêsi, đã đến từ gia phổ của Ápraham (Sáng thế ký 12.3; Mathiơ 1.1).
Ápraham là tổ phụ của dân Do thái (Êsai 51.2; Êxêchiên 33.24).
Ba lời hứa giao ước Đức Chúa Trời lập cùng Ápraham (nghĩa là, đất đai, dòng dõi, và phước hạnh) và thiết lập chương trình đem sự cứu rỗi của Ngài trên đất.
Những lời hứa cho Ápraham trở thành sự bảo đảm cho các thế hệ trong tương lai (Xuất Êdíptô ký 32.13; 33.1).
Ba tôn giáo lớn trên thế giới, Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do thái giáo, xác định Ápraham với tước hiệu “bạn hữu của Đức Chúa Trời” (II Sử ký 20.7; Êsai 41.8; Giacơ 2.23).
Hồi giáo xem Ápraham đứng hàng thứ nhì trong tầm quan trọng dành cho Mohammed. (Kinh Koran nói tới Ápraham 188 lần).
Một phần tư sách Sáng thế ký được dành cho đời sống của Ápraham (Sáng thế ký 11.27-25.18).
Tên Ápraham xảy ra 234 lần trong Cựu Ước và 74 lần trong Tân Ước.
Ngoài Môise ra, chẳng có một nhân vật nào khác trong Cựu Ước được nhắc tới bằng tên nhiều lần (Hãy in trí, nhiều tham khảo đến Môise được thấy trong những trích dẫn của luật pháp Cựu Ước)
Ápraham được công nhận là tổ phụ của: Israel (Công vụ các sứ đồ 13.26), của thầy tế lễ dòng Lê-vi (Hêbơrơ 7.5), của Đấng Mêsi (Mathiơ 1.1), và của tất cả những tín đồ (Rôma 4.11; Galati 3.16, 29). Đời sống của Ápraham được sử dụng như một minh hoạ trong Cựu Ước (“kiểu cách”) về sự xưng công bình bởi đức tin (Rôma 4.1-3, 16-24), sự xưng công bình bởi việc làm (Giacơ 2.21-23), và sống bởi đức tin (Hêbơrơ 11.8-19). Trong “Đại Sảnh Đường Đức Tin” (Hêbơrơ 11) tác giả đã dành nhiều chỗ cho Ápraham hơn bất kỳ một cá nhân nào khác.
Ápraham là lý do Vương Quốc phía Nam được buông tha (II Các Vua 13.23).
Khi các sứ đồ rao giảng cho người Do thái, họ thường nhắc lại Ápraham (Công vụ các sứ đồ 3.13, 25; 7.2-32; 13.26).
Ápram có nghĩa là “cha được tôn vinh”; Ápraham có nghĩa là: “cha của nhiều dân tộc” (Sáng thế ký 17.5).
Chính mình Đức Chúa Trời thường được biết là “Đức Chúa Trời của Ápraham” (Xuất Êdíptô ký 3.6).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét