Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 4.12-20: Về Mục sư và dân sự



Tự do thật – Galati
Về Mục sư và dân sự
Galati 4.12-20
Lên tới điểm nầy trong thư tín Galati, chúng ta đã nhìn thấy sứ đồ Phaolô là nhà thần học, nhà tranh luận và là vị sứ đồ, nhà biện hộ cho đức tin. Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta thấy ông không giống như một nhà truyền đạo lo công bố các lẽ thật đời đời, mà là một vị Mục sư dịu dàng lo chăm sóc dân sự của mình.
Trong câu 11, ông hơi bực bội và có lòng lo cho các tín hữu Galati: "Tôi lo cho anh em, e tôi đã làm việc luống công giữa anh em". Trong câu 12, ông gọi họ là: "anh em". Trong câu 19, ông gọi họ là: "hỡi các con". Ông vất vả đối với họ giống như một người mẹ đang "làm việc".
Vai trò của một vị Mục sư rất là đặc biệt. Ông phải thật mạnh mẽ và can đảm, lo bảo hộ bầy chiên tránh khỏi bầy muông sói hay cắn nuốt và cái giá kinh khủng của tội lỗi. Tuy nhiên, cùng lúc ấy ông phải dịu dàng và tử tế nữa, lo băng bó các vết thương và thể hiện sự yên ủi của Đấng Christ. Phaolô tỏ ra có sự cân nhắc các quan điểm ấy. Tôi từng đọc thấy có người mô tả ông như đang có "một bàn tay bằng thép trong đôi găng bằng nhung". Có người cho rằng một vị Mục sư phải có "ý chí của một học giả, tấm lòng của một đứa trẻ, và lớp da của một con tê giác".
Vì tính cách riêng tư của phân đoạn Kinh Thánh nầy, có nhiều điều chúng ta sẽ tiếp thu về mối quan hệ giữa bất kỳ một vị Mục sư nào và dân sự mà Đức Chúa Trời đã giao cho ông chăn dắt. Sau khi xem xét ba yếu tố chính của phân đoạn gốc, chúng ta sẽ đưa ra hai phần ứng dụng thực tế cho mối quan hệ giữa vị Mục sư và dân sự.
I. LỜI KÊU GỌI đầy thách thức của Phaolô đối với dân sự (câu 12a).
A. Hãy giống như TÔI.
Trước tiên, vị sứ đồ nói: "Hỡi anh em, tôi xin anh em hãy giống như tôi; vì tôi cũng như anh em". "Anh em" cho thấy sự thân mật của Phaolô, còn "xin" chỉ ra cảm xúc mãnh liệt của ông. "Xin" có ý "van xin, nài nĩ hay khẫn khoản". Ông đang nài nĩ họ nên xây khỏi xu hướng tôn giáo thiên về với luật pháp không có sự sống và thưởng thức sự tự do, quyền phép, và niềm vui mừng mà ông đã tìm thấy trong Đấng Christ.
Trong Công vụ Các Sứ Đồ 26, Phaolô đưa ra lời biện hộ sáng chói về Cơ đốc giáo trước mặt vua Ạt-ríp-ba của Rôma. Sau khi Phaolô trình bày xong, Ạt-ríp-ba nói: "Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ!" (câu 28). Phaolô đáp lại: "Cầu xin Đức Chúa Trời, chẳng kíp thì chầy, không những một mình vua, nhưng hết thảy mọi người nghe tôi hôm nay đều trở nên như tôi, chỉ trừ bỏ xiềng nầy thôi!". Nói cách khác, ông đang tâu rằng: "Tôi không muốn vua bị trói buộc trong xiềng xích giống như tôi, nhưng tôi muốn vua nhìn biết sự tự do mà tôi đang có trong Đấng Christ là sự tự do trổi cao hơn xiềng xích nhiều".
Chúng ta có dám nói với người khác, đặc biệt là những người chưa tin Chúa: "Tôi xin anh em hãy trở thành một Cơ đốc nhân giống như tôi" không? Chúng ta có dám nói: "Tôi đã tìm được ân điển, vui mừng, sự cứu rỗi, sự thoả lòng trong Đấng Christ đến nỗi tôi muốn anh em hãy trở nên giống như tôi" không? Hoặc chúng ta than phiền và rên rỉ về những gì chúng ta chưa có? Chúng ta có dám nói với Vua David: "Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu tốn gì" (Thi thiên 23.1) hay chúng ta đang nói: "Tôi thiếu thốn, tôi thiếu thốn, tôi thiếu thốn?" Phaolô đã nói trong Philíp 4.11: "Không phải tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy". Ông đã tìm được sự thoả lòng trọn vẹn nơi Chúa Jêsus. Nếu chúng ta tuyệt đối thoả lòng nơi Chúa Jêsus chúng ta có thể nói với bất kỳ ai, hãy giống như tôi!
B. Vì tôi cũng như ANH EM.
Phaolô đã xin họ trở nên giống như ông vì ông nói: "Vì tôi cũng như anh em". Khi ông đến với Đấng Christ ông đã ném bỏ từng mãnh vụn của luật pháp. Ông đã thôi không cố gắng làm đẹp lòng người Do thái với các nội quy, nghi thức và điều lệ và đã sống đời sống mình chỉ để nhận biết Đấng Christ thôi. Vì ông không còn bị trói buộc bởi những truyền khẩu do con người lập ra, ông có thể dấn thân vào bất kỳ nhóm nào mà ông gần gũi với.
Ông đã viết trong I Cô-rinh-tô 9.20-22: "Với người Giu-đa, tôi ở như một người Giu-đa, hầu được những người Giu-đa; với những người dưới quyền luật pháp, (dầu chính tôi chẳng ở dưới quyền luật pháp), tôi cũng ở như kẻ dưới quyền luật pháp, hầu được những người dưới quyền luật pháp; với những người không luật pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), song tôi cũng ở như người không luật pháp. Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào”.
Khi Phaolô lần đầu tiên đến với xứ Galati, mặc dù ông là một người Do thái, ông quyết định sống giống như một người Ngoại. Ông đã gạt qua một bên những truyền thống của mình và đồng hoá với họ.
Đây là một nguyên tắc quan trọng cho chức vụ ở bất kỳ một phạm trù nào. Để khiến cho người ta trở nên giống như chúng ta, chúng ta phải trở nên giống như họ. Nếu cứu cánh đáng ước ao là muốn thấy họ trở nên giống như chúng ta, là những tín đồ biết đầu phục trọn vẹn, phương tiện cho cứu cánh đó là phải biến mình ra giống như họ. Chúa Jêsus đã làm như thế. Ngài đã lìa bỏ sự vinh hiển của thiên đàng để trở nên giống như chúng ta để Ngài có thể đưa chúng ta về thiên đàng cùng với Ngài.
Khi các vị giáo sĩ đến với các xã hội ngoại quốc như Nga sô, châu Phi hay Nhật bản, họ phải hoà vào xã hội ở chung quanh họ. Họ phải học biết để sống giống như hạng người mà họ đang tìm cách tiếp cận.
Hỡi Hội thánh, chúng ta đang sống trong một xã hội đang nhanh chóng thay đổi. Con người ngày nay rất khác biệt với con người đã sống cách đây 50 năm hay thậm chí cách nay 10 năm. Họ ăn mặc rất khác, nghe nhạc cũng khác, nói năng khác biệt và có những giá trị khác với người ta cách đây một thế hệ. Nếu chúng ta muốn họ trở nên giống như chúng ta, chúng ta phải bằng lòng trở nên giống như họ… ít nhất ở một chừng mực nào đó. Chúng ta không thể điều hành Hội thánh theo cách Hội thánh sinh hoạt cách đây 50 năm, hoặc thậm chí cách đây 10 năm và mong mỏi thu được hiệu quả, hoặc muốn đạt được thành công. Bao lâu chúng ta không vi phạm các nguyên tắc cụ thể của Kinh Thánh, chúng ta phải trở nên giống như hạng người mà chúng ta muốn tiếp cận để khiến cho họ trở nên giống như chúng ta!
II. THÁI ĐỘ hay thay đổi của dân sự đối với Phaolô (các câu 12b-16).
A. Lúc đầu, họ đã xem Phaolô giống như một THIÊN SỨ (các câu 12b-15).
Trước tiên, Phaolô nói ở phần cuối của câu 12: "Anh em không làm hại gì cho tôi" hay "Anh em chẳng phạm gì sai đối với tôi". Khi Phaolô lần đầu tiên đến với xứ Galati, họ chẳng làm hại ông, mà họ còn tiếp nhận ông cách yêu thương nữa. Họ đã tiếp nhận ông giống như người đồng hương của họ vậy.
Thứ hai, ông nói cho chúng ta biết trong câu 13 rằng sở dĩ như vậy là vì "đang lúc xác thịt yếu đuối mà tôi truyền Tin Lành cho anh em lần thứ nhất". Trên chuyến hành trình truyền giáo lần đầu tiên, Phaolô mắc bịnh nặng khi ở trong xứ Galati hay đi đến đó để chữa trị căn bịnh nặng ấy. Nhiều học giả cho rằng ông bị nhiễm sốt rét trong các khu vực lầy lội xứ Bam-phi-ly rồi đi qua vùng cao nguyên xứ Galati để chữa trị. Dù sao, trong khi ở xứ Galati, Phaolô đã gánh chịu "xác thịt yếu đuối", nhưng không hạn chế khả năng rao giảng và dạy dỗ cho dân sự.
Rõ ràng là căn bịnh của Phaolô đã tồi tệ đủ để tạo ra một mức xa cách. Trong câu 14, ông nói: "vì xác thịt tôi yếu đuối sanh ra sự rèn thử cho anh em mặc dầu, anh em cũng chẳng khinh tôi, chẳng chối tôi". Nhiều bản dịch Kinh Thánh cung ứng phần đọc giống như trong bản dịch NIV: "tình trạng đau ốm của tôi là một sự thử thách cho anh em". Ý ở đây cho là tình trạng bịnh tật của Phaolô đã tạo cho ông một vẽ bề ngoài khó coi lắm và đấy chính là một sự "thử thách" cho người thành Galati khi nhìn thấy ông. Dầu vậy, họ đã chẳng "khinh, chẳng chối" ông. "Khinh" có ý nói tới "chẳng kể là gì hay không có giá trị chi hết". "Chối" có nghĩa là "kinh tởm, ghét" hoặc sát nghĩa hơn là "khạc nhổ, xem thường".
Hãy tưởng tượng đang sống trong một thời điểm với ít sự hiểu biết về y khoa, ít thuốc men tốt và không có bông băng vệ sinh xem. Nhiều chứng bịnh đã làm biến dạng con người. Những chỗ bị sưng loét và mùi hôi thối thường không thể chịu nổi. Dường như từ câu 15 “sự xác thịt yếu đuối” của Phaolô đã có việc phải làm với mắt và mặt của ông. Ngay cả vẽ bề ngoài của ông là rất khó coi, họ đã "chẳng khinh, chẳng chối" ông, mà còn cẩn thận lắng nghe mọi sự mà ông đã dạy dỗ họ nữa.
Ông nói: "mà lại tiếp rước tôi như một vị thiên sứ của Đức Chúa Trời, thật như chính mình Đức Chúa Jêsus Christ". "Thiên sứ" là một từ ngữ khác nói tới "sứ giả". Thay vì khinh dễ ông, họ đã công nhận ông là một vị sứ đồ, một sứ giả của Chúa nữa. Họ đã tiếp nhận ông với cùng một sự tiếp đón mà họ đã dành cho "Đức Chúa Jêsus Christ".
Người thành Galati không thắc mắc Phaolô trông như thế nào hay ông đã nói gì!?! Họ đã tiếp nhận ông trong vai trò sứ giả sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ và họ rất biết ơn vì các ơn phước của sự sống thuộc linh và sự tự do mà họ đã có được từ sự dạy của ông.
Trong câu 15, giờ đây Phaolô hỏi họ: "Vậy thì sự vui mừng [sự thoả lòng, thiện ý, sát nghĩa là vẽ đẹp đẽ] của anh em đã trở nên thể nào?" Bản dịch NCV đưa ra câu hỏi như thế nầy: "Anh em đã sống rất phước hạnh rồi, nhưng sự vui mừng ấy bây giờ ở đâu?"
Hãy hình dung thời buổi phước hạnh ấy trong xứ Galati xem. Hãy tưởng tượng những ngày tháng mà Phaolô đã ở với họ xem. Đã có sự vui mừng khôn tả xiết và sự vinh hiển đã giáng trên họ. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã vận hành giữa vòng họ kêu la: "Aba Cha!" Sự thờ phượng của họ tự phát sinh và rất cảm động. Những buổi thờ phượng cầu nguyện kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ liền và để lại cho họ nhiều giọt lệ vui mừng. Sự dạy dỗ, ah, sự dạy dỗ… họ đã ngồi bên mép ghế và dầm thấm từng lời lẽ mà Phaolô đã nói ra, cho dù vẽ bề ngoài của ông rất khó coi. Nhiều đời sống chung quanh họ đang được thay đổi. Bạn hữu, người thân, lánh giềng, bạn cùng làm việc đều được cứu rỗi. Người Do thái, người dân Ngoại, hạng nô lệ và người tự chủ, đờn ông đờn bà hết thảy đều tin cậy Đấng Christ và là "một thân" ở trong Ngài. Nhiều đời sống đã được thay đổi. Rượu chè không còn nữa. Tội lỗi bị đoạn tuyệt. Các mối ràng buộc thuộc linh sâu sắc đã phát triển. Nhiều mối quan hệ hôn nhân được phục hồi. Trẻ bụi đời đã trở về lại gia đình của chúng. Đức Chúa Trời đã làm việc lớn trong xứ Galati. Trên hết mọi sự, đã có một nhận thức rất mãnh liệt về "phước hạnh" hay sự thoả lòng.
Trong thời kỳ phước hạnh đó, họ yêu mến Phaolô nhiều lắm, đến nỗi ông nói: "Vì tôi làm chứng cho anh em rằng, lúc bấy giờ, nếu có thể được thì anh em cũng móc con mắt mà cho tôi". Dường như rõ ràng là ít nhất nơi phần “xác thịt yếu đuối” của Phaolô, ấy là nơi đôi mắt của ông. Có lẽ đây là "cái dằm trong xác thịt" mà ông đã đề cập tới ở II Cô-rinh-tô12.7-9.
Có người cho rằng "bịnh sốt rét đôi khi tấn công hệ thần kinh thị giác tạo ra sự mất đi tính xác định về màu sắc, hao mòn đi và thậm chí còn bị mù nữa". Bất kỳ lý do nào, chúng ta gần như dám chắc rằng Phaolô đã chịu đau đớn từ thị giác mắt rất kinh khủng. Trong 6.11, ông nói: "Hãy xem chính tay tôi viết thơ nầy cho anh em, chữ lớn là dường nào". Phaolô thường ghi trong các thư tín của ông và thêm vào một vài lời nói riêng tư ở phần cuối bức thư. Ở đây, ông nói tới "chữ lớn" cho thấy rằng ông phải thường viết bằng chữ lớn để giúp cho người ta xem chúng. Hãy tưởng tượng phần thị lực nặng nề trong thời điểm chẳng có một bác sĩ nhãn khoa, chẳng có máy đo thị lực, các cuộc giải phẩu bằng laser hoặc thấu kính chính xác nào hết. Phaolô đã sống phần đời còn lại của mình trong một tình trạng đời sống mình thật là mập mờ.
Tuy nhiên, người thành Galati vốn yêu mến ông nhiều lắm, đến nỗi họ đã "móc con mắt" của chính họ rồi đổi chúng với Phaolô nếu một sự cấy ghép là khả thi. Họ yêu mến ông nhiều đến nỗi họ sẽ đưa ra một sự hy sinh thay cho ông.
B. Sau đó, họ đã đối xử với Phaolô giống như một KẺ THÙ vậy (câu 16).
Hãy chú ý câu 16. Dường như Phaolô đang nói: "Anh em thường yêu mến tôi nhiều đến nỗi anh em sẽ hy sinh bất cứ thứ chi đối với tôi. Anh em đã đối đãi với tôi như một thiên sứ bất kể diện mạo xấu xí của tôi". Bây giờ ông nói: "Tôi lấy lẽ thật bảo anh em, lại trở nên thù nghịch của anh em sao?"
Điều chi đã xảy ra cho “phước hạnh” hay sự thoả lòng của họ vậy? Tại sao họ đối xử với kẻ họ yêu thương nhiều giống như “thù nghịch” của họ vậy? Người thành Galati đã có một sự trở mặt hoàn toàn. Tại sao chứ? Phaolô trả lời cho câu hỏi của chính ông: "…vì TÔI LẤY LẼ THẬT BẢO ANH EM!"
Tôi đồng ý với John Stott trong loạt bài nghiên cứu thư tín Galati nầy, nhưng hãy lắng nghe điều ông nói: "Có một bài học quan trọng ở đây. Khi người thành Galati công nhận thẩm quyền sứ đồ của của Phaolô, họ đã đối đãi với ông giống như một thiên sứ, thật như chính Đức Chúa Jêsus Christ. Thế nhưng khi họ không thích sứ điệp của ông, ông đã trở thành kẻ thù của họ. Họ thay đổi luôn luôn, và dại dột nữa! Thẩm quyền của một sứ đồ không chấm dứt khi ông bắt đầu giảng dạy các lẽ thật không được lòng người ta. Chúng ta không lựa chọn trong việc đọc lẽ đạo của các sứ đồ trong Tân Ước. Chúng ta không thể, khi chúng ta ưa thích những gì vị sứ đồ dạy dỗ, đối xử với sứ đồ ấy giống như một thiên sứ, và khi chúng ta không thích những gì sứ đồ dạy dỗ, lại thù ghét và chối bỏ ông ấy giống như một kẻ thù. Không, các sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ đều có thẩm quyền trong mọi sự họ dạy dỗ, dù chúng ta có tỏ ra thích hay không".
Đối với các mục tiêu của chúng ta, có một sự khác biệt giữa Phaolô và vị Mục sư của quí vị. Phaolô là một vị sứ đồ, tôi không phải là sứ đồ. Phaolô đã rao giảng với thẩm quyền trực tiếp từ Đấng Christ. Hội thánh được xây dựng trên cái nền của các vị sứ đồ và tiên tri (Êphêsô 2.20). Chúa Jêsus đã phán với các sứ đồ ở Giăng 20.21: "…Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy". Tôi không rao giảng cách trực tiếp cho Đấng Christ giống như các vị sứ đồ đã rao giảng. Tuy nhiên, khi tôi hay bất kỳ một vị Mục sư hay giáo sư nào phân phát Ngôi Lời, lẽ đạo của các sứ đồ cách đúng đắn, chúng ta đang rao giảng với thẩm quyền của các vị sứ đồ và nhơn đó với thẩm quyền của Đấng Christ.
Có người yêu mến vị Mục sư của họ bao lâu họ đồng ý với vị Mục sư ấy, nhưng đối xử với vị Mục sư ấy như kẻ thù nghịch khi họ thấy có bất đồng. Thật đáng buồn làm sao! Thật đáng tiếc dường bao! Thế là có ly gián! Nhiều thiệt hại đã xảy ra cho công việc của Nước Trời bởi hạng người nhỏ nhen, họ từ chối không chịu ở dưới thẩm quyền của Ngôi Lời!
Điều chi đã gây ra thái độ trở mặt nầy nơi người thành Galati? Có hai việc. Thứ nhứt, họ không còn tiếp tục bước theo lẽ đạo của các vị sứ đồ nữa (Công vụ Các Sứ Đồ 2.42). Thứ hai, họ đang nhắm vào truyền thống, chớ không nhìn về Chúa Jêsus. Hỡi Hội thánh, bất cứ lúc nào tiêu điểm của chúng ta đang nhắm vào "cách thức chúng ta làm mọi việc" hay các chương trình của chúng ta, chúng ta sẽ mất đi tầm nhìn về Chúa Jêsus. Khi chúng ta không còn nhìn xem Ngài nữa, chúng ta đang mất đi ý thức "phước hạnh" hay sự thoả lòng đến cùng với sự hiện diện của Ngài.
III. TÌNH CẢM Phaolô có đối với dân sự (các câu 17-20).
A. Tình cảm của Phaolô rất CHÂN THẬT (các câu 17-18).
Phaolô nói cho người thành Galati biết rằng các giáo sư giả, những kẻ theo giáo Giu-đa "vì anh em mà sốt sắng". Họ đã tôn người thành Galati lên theo cách không thành thật. Họ đã tạo ra một cơn rối rắm trên các tín hữu xứ Galati. Tiểu đoạn nầy đã được sử dụng để mô tả một người đờn ông gây rối cho một phụ nữ. Người đờn ông nầy nói cho nàng biết nàng đẹp đẽ như thế nào, nàng có mùi thơm ngọt ngào ra sao và nàng có một thể cách đáng yêu là ngần nào.
Những kẻ theo giáo Giuđa đã không thành thật trong lời tâng bốc của họ. Họ đã tâng bốc như thế "không phải là ý tốt" vì họ muốn "anh em lìa bỏ chúng tôi, hầu cho anh em sốt sắng vì họ". Họ muốn phong toả người thành Galati hay "trục xuất” họ ra khỏi sự tự do của ân điển Đức Chúa Trời để họ thao túng người thành Galati.
Phaolô nói trong câu 18: "Có lòng sốt sắng vì điều thiện thì tốt lắm". Nói cách khác, sốt sắng hay nhiệt thành thể hiện mọi niềm tin của một người là rất chơn thật. Tuy nhiên, luôn luôn có nhiều vị giáo sư và Mục sư có tánh muốn thao túng, họ có sức thu hút rất lớn, nhưng lại sử dụng nó để xây dựng vương quốc của mình, chớ không phải vương quốc của Đức Chúa Trời đâu.
Phaolô đã nói với Timôthê, II Ti-mô-thê 4.2-4: "hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi. Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn".
Ở mặt khác, Phaolô rất sốt sắng thành thực đối với họ. Ông muốn họ cứ tấn tới và trở nên giống như Chúa Jêsus, chớ không phải xu hướng theo một loạt dạy dỗ đặc biệt nào đó.
Phần hành mà Đức Chúa Trời đã ban cho các vị Mục sư, giáo sư là canh giữ, tỉnh thức những linh hồn trong hội chúng. Hêbơrơ 13.17 chép: "Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em".
Vào một buổi trưa ấm áp tháng 10 năm 1999, Anna Flores 36 tuổi đang đi dạo với đứa con gái 3 tuổi của mình trên phố Chicago. Bất ngờ có một goá phụ từ trên tầng 29 của toà nhà CNA rơi xuống đất và trúng nhằm đầu của Flores, khiến cho bà ngã chết tức khắc. Tai vạ đã lên tới cao điểm một tuần sau đó, khi các quan chức CNA nhìn nhận họ biết rõ người goá phụ kia đã tan vỡ từ tháng Sáu. Họ nói họ không thay thế người goá phụ nát lòng kia vì các dự án xây dựng khác được xem là ưu tiên hơn. Trong một toà nhà công cộng, sự sơ suất có những hậu quả rất nghiêm trọng. Sơ xuất thuộc linh cũng có những hậu quả nghiêm trọng nữa. Trong nhiều chiều hướng khác nhau, chúng ta chịu trách nhiệm về mặt thuộc linh đối với hạnh phúc của nhiều người khác.
B. Tình cảm của Phaolô rất DỊU DÀNG (các câu 19-20).
Ông gọi họ là "hỡi các con". Ông là một người cha thuộc linh đang nuôi nấng họ theo trình tự lớn lên của họ.
Ngay bây giờ ông nói: "Ta lại chịu đau đớn của sự sanh nở". Đây là một ẩn dụ rất khó. Ông đã chịu đau chịu khó với họ trước đây cho tới chừng họ đã được sanh lại trong gia đình của Đức Chúa Trời. Giờ đây ông cảm thấy ông phải quay trở lại phòng sanh thêm một lần nữa.
Tấm lòng của bất cứ một vị Mục sư chân chính nào cũng luôn luôn chịu đau chịu khó vì sự tấn triển của dân sự mình. Chúng tôi chịu khổ vì quí vị trong sự cầu nguyện, dâng quí vị lên cho Chúa. Chúng tôi phấn đấu với quí vị khi quí vị tái phạm và lấy làm lạ khi quí vị chịu nắm bắt bài học mà Đức Chúa Trời đang dạy dỗ quí vị.
Phaolô "chịu đau đớn" là vì cái gì chứ? Ông nói: "cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con". Tôi ưa thích mệnh đề đó. Phaolô không thấy thoả lòng khi Đấng Christ ngự trong họ. Ông ao ước Đấng Christ được thành hình ở trong họ. Ông muốn họ phải được nắn theo khuôn đúc hay hình thái của Đấng Christ! Ông muốn họ phải nhìn thấy họ đang đạt tới mức trưởng thành thuộc linh thật đầy trọn!
Mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta, mặc khải của Ngài dành cho chúng ta, ấy là Đấng Christ được thành hình trong chúng ta. Ngài mong muốn chúng ta phải trở nên giống như Chúa Jêsus. Chính vì lý do nầy mà Ngài đã chọn chúng ta. Rôma 8.29 chép: "Vì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài…".
Trong câu 20, chúng ta thấy lòng ước ao dịu dàng của Phaolô là muốn "được ở cùng các con". Ông nói nếu ông lại đến với họ, ông sẽ thay đổi "cách nói" của mình. Ông vốn biết rõ điều chi phải nói với họ vì ông đã cảm thấy bối rối và đã có một số điều "khó xử" về họ. Ông không còn cách nào khác hơn nữa.
IV. Hai ỨNG DỤNG cụ thể dành cho quí Mục sư và dân sự.
A. Dân sự phải nghe theo vì Đấng Christ đã được RAO GIẢNG qua Vị Mục sư.
Ngày nay không có vị Mục sư nào có địa vị của sứ đồ hết. Không có một sự kế tục ở hàng sứ đồ. Một vị Mục sư có thể không gạt bỏ luật pháp giống như một vị sứ đồ được. Hội thánh sẽ không ngăn trở ông mặc dù lời nói của ông là Lời của Đức Chúa Trời. Mỗi vị Mục sư vẫn được kêu gọi để rao giảng liên tục lẽ đạo của các sứ đồ trong Tân Ước. Bao lâu ông còn chơn thật với Ngôi Lời, dân sự sẽ dành cho sự dạy của ông lòng kính trọng mà họ đã dành cho một vị sứ đồ, thậm chí như cho chính mình Đấng Christ vậy.
Hội thánh không quan tâm quá mức đối với diện mạo bề ngoài của Vị Mục sư. Có thể ông xấu xí giống như tội lỗi hay giống như một nhân vật hàng đầu xuất thân từ Hollywood. Có thể là ông có điều kiện thể chất tốt hoặc đau ốm thường xuyên như Phaolô trong xứ Galati. Có thể ông sắp thôi việc hoặc sống thu mình, nội tâm. Có thể ông có nhiều ân tứ rất quan trọng hay đúng là một con người trung tín không phô trương lắm ở bề ngoài. Có thể ông có rất nhiều bằng cấp hay là một vị giáo sư tự học.
Quí vị không nên xét đoán vị Mục sư của mình và khiến ông thành "thù nghịch" dựa theo các tín điều thần học riêng tư. Chúng ta phải nhất trí trên các lẽ đạo chủ chốt nói về đức tin, nhưng có nhiều vấn đề quan trọng mà chúng ta có thể có sự bất đồng.
Có người đã nói như sau: "Chức năng thật của một nhà truyền đạo là quấy rối kẻ có đủ tiện nghi và yên ủi cho người bị rối rắm". Tiêu chuẩn duy nhứt theo Kinh Thánh mà một Hội thánh có nơi sự xét nét vị Mục sư của mình là lòng trung thành của ông ấy đối với Kinh Thánh. Nếu ông đang trung tín nghiên cứu và dạy dỗ Ngôi Lời giống như đã được đề ra bởi các sứ đồ qua sự cảm thúc của Đức Thánh Linh, thì đừng "xem khinh hay chối bỏ" ông ấy, mà hãy tiếp nhận ông giống như "một thiên sứ của Đức Chúa Trời, thật như chính mình Đức Chúa Jêsus Christ vậy". Tại sao chứ? Vì sứ điệp của ông thực sự không phải là sứ điệp CỦA ÔNG, mà là sứ điệp của Đức Chúa Jêsus Christ.
Đây là lý do tại sao Phaolô đã viết trong I Timôthê 5.17: "Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ".
Có bao giờ quí vị gặp “nhà truyền đạo khô khan” vào buổi ăn trưa Chúa nhựt chưa? Có bao giờ quí vị chỉ trích thói cầu kỳ, kiểu cách, những minh họa, kỹ thuật, giọng nói hay chiều dài sứ điệp của ông ấy chưa? Lý do duy nhứt bất kỳ Hội thánh nào đang có cho bất kỳ một hình thức chỉ trích nào đối với vị Mục sư chủ toạ của mình là trong trường hợp ông ấy không có lòng trung thành với sứ điệp trong Kinh Thánh.
Tôi thích lời lẽ của một học giả Kinh Thánh có tên là Merrill Tenney, khi người ta hỏi ông làm sao Hội thánh có được một vị Mục sư tốt hơn. Ông nói: "Nếu một Hội thánh muốn có một vị Mục sư tốt hơn, thì Hội thánh phải nhận lấy một người bởi sự cầu nguyện cho người mà mình muốn có".
B. Mục sư phải tìm cách để Đấng Christ được THÀNH HÌNH trong dân sự.
Nếu ưu tiên một của vị Mục sư là rao giảng sứ điệp của Đấng Christ, ưu tiên một của dân sự để Đấng Christ được thành hình ở trong họ là phải trở nên giống như Ngài. John Calvin đã viết: "Nếu các vị Mục sư mong muốn làm bất kỳ việc tốt lành nào, hãy để cho họ chịu sự đau đớn để hình thành Đấng Christ ở trong số người đang lắng nghe họ rao giảng, chớ không phải để hình thành cho bản thân họ".
Tôi muốn phát triển một Hội thánh lớn ở đây, nhưng đấy không phải là ưu tiên tối hậu của tôi đâu. Cái điều tôi muốn nhìn thấy nhất là quí vị đang được "biến đổi ra giống theo ảnh tượng của Đấng Christ". Điều long trọng nhất trong mọi lời cầu nguyện của tôi là sự tấn tới về mặt thuộc linh của quí vị. Mục tiêu của tôi là để cho quí vị được tự do ở trong Đấng Christ, chớ không phải bắt quí vị làm phu tù, nô lệ cho thật nhiều chương trình.
Trải qua thời gian, hết thảy chúng ta đều nếm trải nhiều lúc căng thẳng và khó khăn ghê gớm. Những thời kỳ nầy phô diễn sắc màu thật của chúng ta. Chúng tỏ ra rất rõ ràng chúng ta đang ở đâu về mặt thuộc linh. Tôi đã nhìn thấy một số người trong quí vị đang nếm trải những thời kỳ khó nhọc và vui mừng khi tôi nhìn thấy cách thức quí vị đáp ứng. Quí vị làm cho tôi phải ngạc nhiên với thái độ thuộc linh của quí vị và tôi nhìn thấy công tác của ân điển Đức Chúa Trời ở trong đời sống của quí vị. Tôi nhìn thấy một số khác trong quí vị đang trải qua những cơn thử thách và tôi rất đỗi kinh ngạc bởi quí vị chẳng có chút thuộc linh nào cả. Ở những thời điểm đó, tôi cảm nhận y như Phaolô và lấy làm lạ không biết tôi có "làm việc luống công giữa anh em" hay không nữa!?!
Tôi có thể làm việc qua hội chúng nầy sáng nay và xác định rõ ràng có nhiều, nhiều người mà tôi đã gặp gỡ đang tấn tới trong vai trò của hàng tín đồ. Tôi rất tự hào vì cớ quí vị đấy. Đấng Christ đang thành hình ở trong quí vị. Quí vị được nắn đúc theo đúng khuôn mẫu của Chúa Jêsus. Tôi còn có thể nhận ra dễ dàng một vài người còn đang tấn tới hơn thế nữa.
Cho phép tôi kết thúc với đôi điều mà Stott đã nói: "Hội thánh đang cần những người nào chịu nghe theo vị Mục sư của họ, nghe theo sứ điệp của Đấng Christ, và các vị Mục sư nào, khi đang làm việc giữa vòng dân sự, biết tìm kiếm ảnh tượng của Đấng Christ. Chỉ khi ấy Mục sư và dân sự đều hướng mắt mình nhìn xem Đấng Christ, mối quan hệ của họ sẽ giữ được lành mạnh, thích ứng và đang làm đẹp lòng Đức Chúa Trời Toàn Năng".
Nguyện chúng ta cùng nhau, cả Mục sư và dân sự, đều biết hướng mắt mình nhìn xem Chúa Jêsus và nhận ra ý thức “phước hạnh” hay sự thoả lòng kỳ diệu đang đến qua Ngài thay vì là truyền thống và các chương trình.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét