Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2010

Êtiên 1



Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu một loạt bài giảng cho tháng 6 và tháng 7 với đề tựa “Một người có tài bắt chước”, dựa theo đời sống của Êtiên, câu chuyện của ông được kể lại ở Công vụ Các Sứ Đồ 6, 7, và 8. Mọi sự chúng ta biết về Êtiên đều được chứa trong ba chương nầy, vì thế đây là một nghiên cứu rất súc tích, nhưng tôi luôn luôn tách ra khỏi mấy chương nầy với lòng mong muốn rằng tôi sẽ nhìn biết Êtiên theo cách cá nhân, và muốn trở nên giống như ông hơn nữa. Ông là một con người có tài bắt chước, tranh đua.
Nhưng trước khi chúng ta nhìn kỹ vào đời sống và sứ điệp của Êtiên, chúng ta cần phải hiểu vấn đề đã đưa ông lên hàng đầu của Kinh Thánh. Thế thì hãy cùng tôi mở Kinh Thánh ra ở Công vụ Các Sứ Đồ 6, và chúng ta hãy xem điều chi đã xảy ra với những Cơ đốc nhân đầu tiên, đã gây xáo trộn và tăng tiến trong thành Jerusalem, trong những ngày đầu sớm sủa của sự tồn sinh của Hội Thánh.
“Trong lúc đó, bởi số môn đồ càng thêm lên, nên người Hê-lê-nít phàn nàn nghịch cùng người Hê-bơ-rơ, vì những người góa bụa của họ đã bị bỏ bê trong sự cấp phát hằng ngày. Mười hai sứ đồ bèn gọi hết thảy môn đồ nhóm lại, mà nói rằng: Bỏ sự dạy đạo Đức Chúa Trời mà giúp việc bàn tiệc thật chẳng xứng hợp. Vậy, anh em hãy chọn trong bọn mình bảy người có danh tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và trí khôn, rồi chúng ta sẽ giao việc nầy cho. Còn chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo. Cả hội đều lấy lời đó làm đẹp lòng, bèn cử Ê-tiên, là người đầy đức tin và Đức Thánh Linh, Phi-líp, Bô-cô-rơ, Ni-ca-no, Ti-môn, Ba-mê-na và Ni-cô-la, là người An-ti-ốt mới theo đạo Giu-đa; và trình bảy người đó cho các sứ đồ; các sứ đồ cầu nguyện rồi, thì đặt tay lên. Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa” (Công vụ Các Sứ Đồ 6.1-7).
Ở đây chúng ta có một mô hình về Hội Thánh lành mạnh. Khi tôi du hành khắp nơi và thăm viếng nhiều Hội Thánh khác nhau, tôi nhận thấy chỉ sau một vài phút thì biết Hội Thánh nào là lành mạnh và Hội Thánh nào là không lành mạnh ngay. Những Hội Thánh ấy giống như người ta đang đi dạo trên con đường kia vậy. Bạn có thể nhận ra ngay khi nhìn xem họ thì biết họ có thể ở trong tình trạng tốt hay trong tình trạng yếu kém sức khoẻ. Ở đây trong Công vụ Các Sứ Đồ 6, chúng ta đang có một Hội Thánh rất lành mạnh. Làm sao chúng ta biết được chứ? Đây là những dấu hiệu của một hội chúng mạnh mẽ?
TẤN TỚI
Trước tiên, đây là một Hội Thánh đang phát triển. Câu một ghi như sau: “Trong lúc đó, bởi số môn đồ càng thêm lên….”. Những việc lành mạnh luôn luôn có khuynh hướng gia tăng, và Hội Thánh chẳng có điều chi đáng trách hết. Một trong những phẩm chất của Hội Thánh trong sách Công vụ Các Sứ Đồ là sự tấn tới của Hội Thánh, từ 12 môn đồ lên tới 70, rồi 3000, tới 5000 cho đến nhiều vô số các môn đồ, và nhiều Hội Thánh được mở ra. Toàn bộ sách Công vụ Các Sứ Đồ nói về sự mở mang nhanh chóng Cơ đốc giáo và sự tăng trưởng của Hội Thánh.
Ở đây, trên nước Mỹ, sự tấn tới của Hội Thánh đang chựng lại, và chúng ta cần phải cầu nguyện xin được phấn hưng. Nhóm nghiên cứu Barna mới vừa cho phát hành những điều họ tìm thấy về sự phát triển của Hội Thánh ngay điểm khởi đầu của thế kỷ thứ 21, và sau đây là một vài điều mà họ đã cho đăng tải.
Ngay lúc khởi đầu năm 2000, 40% người Mỹ trưởng thành trên cả nước nhóm lại ở nhà thờ vào ngày cuối tuần, và điều nầy tiêu biểu cho một sự suy giảm liên tục. Vào năm 1991, con số đó là 49%, có ý ám chỉ sự sa sút 9% trong 9 năm. Số người nhóm lại trong bình trong một nhà thờ ở Mỹ là 90 người.
Barna cũng tìm thấy trong một tuần lễ, 60% những người tự xem mình là Cơ đốc nhân đã được sanh lại, họ nhóm lại ở nhà thờ, và 40% nhóm lại vì những lý do khác.
Những nhà nghiên cứu của Barna cũng tách ra 10 lý do hàng đầu cho người ta đến nhóm thờ phượng ở nhà thờ, và quí vị sẽ lấy làm thích thú khi nhìn biết các lý do đó.
#1 – Các tín điều và giáo lý thần học của Hội Thánh. Người ta muốn nhóm lại ở các nhà thờ nào đang nắm giữ chặt chẽ những điều tin quyết chắc chắn và có những tín điều vững chãi.
#2 – Tín đồ chăm sóc nhau khả quan như thế nào!?!
#3 – Chất lượng của các bài giảng
#4 – Dân sự trong Hội Thánh có sự thân thiện như thế nào đối với khách tham quan.
#5 – Hội Thánh lo giùm giúp người nghèo và người ngã lòng ra sao!?!
#6 – Chất lượng ban ngành lo cho các em thiếu nhi.
#7 – Dân sự giống với vị Mục sư như thế nào!?!
#8 – Hội Thánh thuộc hệ phái nào!?!
#9 – Chất lượng các lớp Trường Chúa Nhật của lứa tuổi Trung niên.
#10 – Thì giờ thờ phượng có thích nghi hay không!?!
Nhưng sự thật cho thấy rằng hầu hết các nhà thờ của người Mỹ không phát triển. Hội Thánh của chính chúng tôi là một ngoại lệ, nhưng chúng tôi chưa phát triển nhanh như tôi và chúng ta mong muốn.
Tại sao chúng ta chưa chinh phục được và chưa môn đồ hoá được nhiều người? Phải, lý do duy nhất: ấy là chúng ta quá thoải mái, chúng ta chưa đối diện với nhiều sự bắt bớ. Hãy nhìn xem phân đoạn đứng trước Công vụ Các Sứ Đồ 6 xem, bắt đầu với chương 5.40: “thì đòi các sứ đồ trở vào, sai đánh đòn, rồi cấm không được lấy danh Đức Chúa Jêsus mà giảng dạy; đoạn, tha ra. Vậy, các sứ đồ từ tòa công luận ra, đều hớn hở về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Jêsus. Ngày nào cũng vậy, tại trong đền thờ hoặc từng nhà, sứ đồ cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Tin Lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ”. Trong lúc đó, bởi số môn đồ càng thêm lên…”.
Tôi có đọc một bài báo trong tuần nầy nói về tình trạng nô lệ ở phía Nam trong thời gian trước cuộc Nội Chiến. Trong một vài đồn điền, các nô lệ bị cấm không được nhóm lại cầu nguyện hay thờ phượng. Hình phạt dành cho sự tham gia thờ phượng với các Cơ đốc nhân khác trong ngày Chúa nhựt, nếu họ bị bắt, là 200 roi. Nhưng các nô lệ vẫn trốn ra để dự các buổi thờ phượng Chúa.
Thiệt là kỳ quặc, khi Hội Thánh lại tấn tới dưới những tình trạng như thế đó, và các tình trạng ấy thường bày ra môi trường tốt nhứt cho sự phát triển của Hội Thánh. Môi trường ấy gạt bỏ những người nào chưa thực sự nghiêm túc, và môi trường ấy giúp cho những ai quyết lòng cách ly với đời nầy và đầu phục Đức Chúa Giêxu Christ một cách trọn vẹn.
Tôi có đọc trong tuần lễ nầy về Cơ đốc nhân nổi tiếng người Trung hoa có tên là Watchman Nee. Có một câu chuyện cho biết ông nầy đã hoạch định phát biểu trong một buổi nhóm các cấp lãnh đạo Hội Thánh vào một thời điểm mà Trung Hoa đã lâm vào cảnh lộn xộn. Nhiều Hội Thánh bị đóng cửa và các vị Mục sư bị bắt bỏ tù. Vì Watchman Nee là một nhân vật lãnh đạo rất mạnh mẽ và khôn khéo, nhiều vị Mục sư và Cơ đốc nhân đều hướng về ông để xin ý kiến.
Nhưng ông đã đối mặt với một tình thế chẳng đặng đừng. Nếu ông phát biểu trong buổi nhóm nầy, chắc chắn ông sẽ bị mật vụ của nhà cầm quyền bắt tại hội chúng. Có lẽ ông sẽ không hoàn tất được phần việc của mình. Còn nếu ông không phát biểu, ông sẽ làm thất vọng những kẻ đang cần tới lòng can đảm và sự khôn ngoan của ông.
Ông bèn sử dụng một giải pháp, là đến với từng người “Trung hoa” và từng người khôn ngoan. Ông đã diễn đạt bài giảng của mình bằng điệu bộ. Khi đứng trên toà giảng, ông ngó nhìn bao quát cả giảng đường đầy ắp người. Nơi nhóm im lặng như tờ. Ông cầm lấy một ly nước rồi đổ nước ra trên sàn nhà, đập vỡ cái ly đó. Tiếp đến, ông đã nhìn những mãnh vỡ của cái ly với một tư thế rất kỳ cục, một cách diễn đạt vẻ ngạo mạn, rồi sử dụng 5 phút đi vòng quanh cái ly vỡ đó, chà nát cái ly dưới chơn mình.
Thế rồi cách diễn đạt của ông đổi thành tư thế khiếp sợ. Cúi mình xuống, ông bắt đầu tìm cách nhặt lấy từng mãnh vỡ của cái ly. Ông đặt các mãnh vỡ đó lên toà giảng và tìm cách ghép chúng lại thành một cái ly uống nước, nhưng không thể ghép được. Sau cùng, ông ném các mãnh vỡ lên không. Chúng tan rãi khắp nơi, và Watchman Nee bước xuống khỏi đó, thế là xong bài giảng của ông.
Những tên mật vụ không biết sự thể ấy là gì, nhưng các vị Mục sư đều hiểu rõ và họ rời buổi nhóm được phước rất lớn. Bốn mươi năm sau đó, một vị Mục sư ở Thượng Hải đã lý giải thí dụ ấy. Ông nói: "Mục sư Nee, chính bản thân ông tiêu biểu cho nhà nước, và cái ly tiêu biểu cho Hội Thánh. Ông đã nói cho chúng tôi biết rằng nhà nước sẽ tìm cách phá tán Hội Thánh, trong một thời gian ngắn dường như họ đã thành công lắm lắm vậy. Nhưng không bao lâu sau đó, nhà nước mới nhận ra làm như vậy là một sai lầm khủng khiếp, vì sự phá tán Hội Thánh không thể huỷ diệt được Hội Thánh, mà còn gieo rãi Hội Thánh ra nhiều nữa".
Thí dụ xác minh cho lời tiên tri. Khi các vị giáo sĩ bị buộc phải rời khỏi Trung hoa vào năm 1949, đã có chưa đầy 1 triệu Cơ đốc nhân, và người Cộng sản đã quyết định quét sạch họ. Thế nhưng từ năm ấy trở đi, đất nước Trung hoa đã nhìn thấy cơn phấn hưng vĩ đại và lớn lao nhất, nói theo số lượng, trong lịch sử thế giới. Năm mươi năm sau đó tại Trung hoa đã giống như sách Công vụ Các Sứ Đồ được lặp đi lặp lại, và ngày nay đã có hơn 50 triệu Cơ đốc nhân truyền giáo ở Trung hoa với hàng ngàn người được thêm vào Hội Thánh mỗi ngày.
Vì thế, một Hội Thánh khoẻ mạnh là một Hội Thánh mà, dù ở trong thuận cảnh hay trong sự bắt bớ, vẫn luôn xem trọng sứ mệnh của nó và tìm cách môn đồ hoá muôn dân. Hội Thánh ấy lo chia sẻ đức tin, Hội Thánh ấy tấn tới, Hội Thánh ấy thêm lên nhiều.
TÍNH ĐA DẠNG
Việc thứ hai cần phải lưu ý là tính đa dạng của Hội Thánh. Hãy xem Công vụ Các Sứ Đồ 6.1 một lần nữa: “Trong lúc đó, bởi số môn đồ càng thêm lên, nên người Hê-lê-nít phàn nàn nghịch cùng người Hê-bơ-rơ….”.
Đã có hai nhóm phân biệt trong Hội Thánh nầy. Người Do thái Hêbơrơ là những người đã ở lại trong xứ Israel thay vì định cư ở các nước khác, và họ là người Do thái chính thống. Họ không quen với các việc làm theo đời nầy của những dân khác. Họ không đi tập thể dục hay vào các nhà tắm hơi giống như người La mã. Họ không tham gia thi đấu điền kinh, trong các bộ môn mà vận động viên của họ phải mặc ít quần áo và làm quen với những kẻ theo tà giáo. Họ không đặt tên cho con cái của họ bằng những cái tên nghe kêu lắm theo kiểu Hy lạp. Họ không chạy theo cách ăn mặc hay các xu hướng văn hoá của thế giới bên ngoài. Họ đã ứng xử, ăn mặc, nói năng, và suy nghĩ giống như người Do thái và không giống một ai khác trừ ra người Do thái.
Còn người Do thái Hy lạp là những người đã bị tản lạc giữa vòng các nước và họ đã có một cái nhìn rộng rãi hơn trước nhiều sự việc. Họ thường đi tập thể dục và vào các nhà tắm hơi. Họ tham dự vào các cuộc thi đấu điền kinh. Họ đặt tên con cái của mình bằng những cái tên nghe theo kiểu của người Hy lạp. Họ nói tiếng Hy lạp, ăn mặc, hành xử, và nói năng y như người Hy lạp.
Một số người từ giữa hai nhóm nầy đã trở lại đạo và đã tìm cách tấn tới trong ân sũng và trong sự thông biết Đức Chúa Giêxu Christ. Vì thế quí vị có hai nhóm văn hoá khác nhau trong Hội Thánh.
Thế thì, chúng ta có hai yếu tố ở đây về một Hội Thánh lành mạnh – phát triển và đa dạng. Sự phát triển dẫn đến nhiều phức tạp và thay đổi, và tính đa dạng tạo ra sự căng thẳng. Khi quí vị ghép cả hai lại với nhau, quí vị gặp phải nhiều nan đề.
NAN ĐỀ
Thật là kỳ lạ, mọi sự ấy dẫn chúng ta đến với yếu tố thứ ba của một Hội Thánh lành mạnh. Một Hội Thánh lành mạnh có nhiều nan đề, các nan đề được tạo ra do sự phát triển và tính đa dạng của Hội Thánh. Câu 1 chép: “Trong lúc đó, bởi số môn đồ càng thêm lên, nên người Hê-lê-nít phàn nàn nghịch cùng người Hê-bơ-rơ, vì những người góa bụa của họ đã bị bỏ bê trong sự cấp phát hằng ngày”.
Trong Tân ước, những người nữ có chồng con đã qua đời đều ở trong tình trạng rất khó khăn. Không có mục An Sinh Xã Hội trong thời buổi đó. Không có một chương trình hưu hạ nào hết. Không có một khoản tiết kiệm tín dụng. Nếu quí vị có tuổi tác cao và không có năng lực mà chẳng có chồng con ở sau lưng, quí vị sẽ sinh sống mỗi ngày của đời mình không chắc có bánh ăn. Hội Thánh đầu tiên vốn hiểu rõ Hội Thánh có bổn phận giúp đỡ chu cấp thực phẩm cho những goá bụa Cơ đốc thiếu thốn nầy, họ chẳng có ai khác để trông chừng, chăm sóc cho họ. Nhưng các Cơ đốc nhân người Hêbơrơ cảm thấy tiếp trợ thoải mái cho những goá phụ Cơ đốc người Hêbơrơ, và trong quá trình đó họ đã xem thường mấy bà goá người Hêlênít hay người Hy lạp. Điều nầy dẫn tới nhiều lời than phiền và tình trạng chia rẽ.
UỐN NẮN
Sự việc ấy dẫn chúng ta tới yếu tố kế tiếp của một Hội Thánh lành mạnh. Uốn nắn. Khả năng thích nghi. Tính sáng tạo. Hội Thánh và các cấp lãnh đạo chịu uốn nắn đủ để nghĩ ra những thay đổi và các giải pháp cho mọi nan đề của họ, và họ đã tự mình sắp xếp để sự hầu việc Chúa được liên tục.
“Mười hai sứ đồ bèn gọi hết thảy môn đồ nhóm lại, mà nói rằng: Bỏ sự dạy đạo Đức Chúa Trời mà giúp việc bàn tiệc thật chẳng xứng hợp. Vậy, anh em hãy chọn trong bọn mình bảy người có danh tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và trí khôn, rồi chúng ta sẽ giao việc nầy cho. Còn Chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo. Cả hội đều lấy lời đó làm đẹp lòng, bèn cử Ê-tiên, là người đầy đức tin và Đức Thánh Linh, Phi-líp, Bô-cô-rơ, Ni-ca-no, Ti-môn, Ba-mê-na và Ni-cô-la, là người An-ti-ốt mới theo đạo Giu-đa; và trình bảy người đó cho các sứ đồ; các sứ đồ cầu nguyện rồi, thì đặt tay lên”.
Có người cho rằng đây là những chấp sự đầu tiên trong lịch sử của Hội Thánh, và họ đã đúng. Ở đây từ ngữ được dùng để chỉ “giúp việc bàn tiệc” hay phục vụ là từ Hy lạp diakoneo, từ chữ nầy chúng ta mới có chữ deacon (chấp sự) theo Anh ngữ. Và khi Kinh Thánh chép các sứ đồ đặt tay họ lên 7 người nầy, hành động ấy ám chỉ sự tấn phong. Khi tôi đọc Tân ước, tôi thấy có hai tư thế tấn phong trong Hội Thánh. Có chức trưởng lão, đôi khi được gọi là giám sát viên hay Mục sư hoặc người chăn – các từ ngữ có thể hoán đổi lẫn nhau. Và có chức chấp sự nữa.
Mấy người nầy không được xem là giám sát viên hay trưởng lão hoặc Mục sư, và vì thế tôi giả định rằng họ được chỉ định vào địa vị mà về sau ai cũng biết đó là chức chấp sự.
Nhưng dù trong trường hợp nào, việc quan trọng là nhìn thấy phương thức một Hội Thánh lành mạnh xử lý với các nan đề dấy lên từ sự phát triển và đa dạng. Hội Thánh nghiên cứu sự khó khăn và nghĩ ra một giải pháp cần có sự trợ giúp và nhất trí của các tín đồ.
ĐỘNG VIÊN
Điều nầy đưa tôi đến với nhân tố kế tiếp của một Hội Thánh lành mạnh – ấy là động viên, tổ chức tốt. Tôi ao ước chúng ta sẽ đến viếng qua Hội Thánh nầy và nhìn thấy chương trình nầy đang được vận dụng ở đây. Tôi dám chắc là có hơn 7 người liên quan tới công tác phân phối đồ ăn giữa vòng hàng ngàn tân tín hữu nầy. Có người lo lựa chọn thực phẩm. Có người phân chia ra. Có người lo mở rộng lối đi. Có người phải lo thăm viếng để biết được ai là người đang có cần. Và cứ thế. Nhưng 7 người nầy đều có phần hành trong chức vụ nầy.
Đôi khi tôi phải đến với hạng người nghĩ Đức Chúa Trời không thích sự tổ chức. Họ nghĩ rằng chính kẻ được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh sẽ trở nên tự phát và không hề có kế hoạch. Nhưng mọi sự mà Đức Chúa Trời đã từng thực thi đều được dự trù tốt đẹp và được tổ chức rất chu đáo. Hãy nhìn xem cách Môise tổ chức các chi phái của Isarel. Hãy nhìn xem cách Nêhêmi lo tổ chức việc xây sửa lại các bức tường thành Jerusalem. Hãy xem xét cách xếp đặt và tổ chức của các hành tinh và ngôi sao trong vũ trụ. Hãy nhìn xem đẳng cấp và cách tổ chức của các thiên sứ ở trên trời. Thậm chí chính Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã ra lịnh và sắp xếp lại trật tự của Hội Thánh.
Hết thảy chúng ta là những người dính dáng vào chiến dịch của Billy Graham đều rất ngạc nhiên nơi sự tỉ mỉ, và dự tính cẩn thận kia đã bước vào từng góc cạnh của chiến dịch. Và đấy là lý do duy nhất tại sao chúng ta tìm cách lo tổ chức lại cho sắc nét hệ thống chức vụ của chúng ta hiện nay ở đây, đặc biệt trong lớp Trường Chúa Nhật của chúng ta. Lớp Trường Chúa Nhật là một tổ chức duy nhất trong Hội Thánh chúng ta đã phân chia Hội chúng thành một nhóm từng ngàn người rồi phân tán thành các nhóm nhỏ cho mọi người từ lúc mới sinh cho tới lúc thành người lớn. Không có một hệ thống khả thi nào khác cho chúng ta để qua đó truyền đạt những lẽ đạo cơ bản của chúng ta. Chiến dịch của chúng ta, sự chăm sóc, sự dạy dỗ Kinh Thánh, mối tương giao, lời cầu nguyện của chúng ta cho các giáo sĩ phải trở thành ống dẫn qua các lớp Trường Chúa Nhật của chúng ta ở đây. Và mỗi tín đồ đều cần được động viên như thế nầy.
NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO BIẾT DÂNG MÌNH CHO SỰ CẦU NGUYỆN VÀ CHO NGÔI LỜI
Điều nầy dẫn tôi bước qua đặc điểm thứ sáu của các Hội Thánh lành mạnh. Các Hội Thánh ấy có cấp lãnh đạo biết dâng mình cho chức vụ cầu nguyện và cho Ngôi Lời. Hãy xem câu 2: “Mười hai sứ đồ bèn gọi hết thảy môn đồ nhóm lại, mà nói rằng: Bỏ sự dạy đạo Đức Chúa Trời mà giúp việc bàn tiệc thật chẳng xứng hợp”.
Và một lần nữa ở câu 4: “Còn chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo”.
Một trong những việc khó khăn nhất mà tôi phải đối mặt với trong suốt 20 năm trời tại Donelson là sự thay đổi vai trò của tôi. Khi nhà thờ nhỏ hơn, tôi có thể thăm viếng nhiều hơn. Tôi có thể để một mắt vào việc tu bổ toà nhà. Tôi có thể theo dõi mọi chương trình và thăm viếng mọi người trong các nhà thương mà vẫn cầu nguyện và sửa soạn bài giảng và lo rao giảng. Thế nhưng khi nhà thờ lớn rộng hơn, vai trò của tôi bị thu hẹp lại. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự khôn ngoan để biết rõ một người không thể làm mọi sự cho được, vì vậy chúng ta đã phát triển một ban trị sự và một số thuộc viên lo quản lý các chức vụ trong Hội Thánh nầy theo một phương thức có thể cho phép tôi nghiên cứu, cầu nguyện và giảng dạy.
Giờ đây vai trò của tôi là Mục sư, chắc chắn tôi chỉ phải làm có ba việc. Tôi phục vụ trong vai trò Mục sư Chủ Toạ, tôi lo cung ứng chức năng lãnh đạo bao quát và khải tượng cho Hội Thánh, và tôi thực thi một vài cuộc tiếp xúc trong chức năng chủ toạ và truyền giáo.
Tôi không thích làm chỉ có từng ấy việc, vì có nhiều việc tôi thường làm, tôi không thể làm nữa. Đôi khi tôi mới tới thăm bịnh viện và có khả năng thành công. Tôi ít làm phép giao và phép báptêm lúc bây giờ. Tôi mong muốn mình sẽ làm được mọi sự, nhưng Đức Chúa Trời đã dấy người khác lên và tôi học biết rằng từng người trong nhà thờ nầy có thể làm ít nhất một việc tốt hơn là tôi có thể làm. Tôi cũng nhận biết từ Công vụ Các Sứ Đồ 6 rằng một Hội Thánh lành mạnh là một Hội Thánh trong đó các thuộc viên đều năng động trong sự hầu việc Chúa đến một tầm cỡ để cho vị Mục sư Chủ Toạ có thể dâng mình vào sự cầu nguyện và vào sự rao giảng Lời Chúa.
LÀM CHỨNG DẪN ĐƯA LINH HỒN ĐẾN VỚI ĐẤNG CHRIST.
Rồi khi mọi sự nầy kết lại với nhau, chúng ta sẽ có gì nào? Chúng ta có đặc điểm thứ bảy của một Hội Thánh lành mạnh – ấy là một Hội Thánh chứng đạo. Hãy xem kết quả sau cùng của Hội Thánh đó trong câu 7: “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa”.
Một Hội Thánh lành mạnh có một phạm trù tối ưu cho công cuộc truyền giáo, và các tín đồ của Hội Thánh ấy đi ra làm chứng cho Tin lành khi Cứu Chúa mở lòng và sự nhiều người trở lại đạo diễn ra.
Bất cứ lúc nào tôi lái xe qua Memphis, tôi luôn luôn liếc nhìn bên phía trái của con đường và cảm tạ Chúa vì các chức vụ lớn lao của Hội Thánh Báptít Belview. Đây là một trong những Hội Thánh lớn nhất trên nước Mỹ, và vị Mục sư Chủ Toạ, Tấn sĩ Adrian Rogers, đã dẫn đưa hàng trăm người đến với đức tin nơi Đấng Christ.
Nhưng tuần lễ nầy, trong tạp chí Gideon tôi có đọc thấy thể nào Adrian Rogers đã học biết làm thế nào để trở thành một người chinh phục linh hồn. Ông nói rằng ông là một thanh thiếu niên ở Bắc Carolina, nhóm lại thờ phượng vào buổi tối. Vị truyền đạo diễn giả buổi tối đó đã chia sẻ Đấng Christ với nhiều người khác, và ông đã hỏi khán thính giả: "Có bao nhiêu người ở đây hứa sẽ trở thành một người chinh phục linh hồn? Ai sẽ hứa dẫn một linh hồn về với Đức Chúa Trời?" Adrian sốt sắng giơ tay lên. Anh là một tân tín hữu vốn tiếp thu rất ít về Kinh Thánh, nhưng anh thành thực muốn trở thành một chứng nhân cho Đấng Christ.
Một thời gian sau, Adrian trở về lại vùng bờ biển West Palm, anh đã lớn lên ở đây. Ngày nọ, anh đang đi ra cửa hàng, chỉ mặc duy nhất chiếc quần Levi's, vì trời hôm ấy rất nóng bức. Một cụ già với bộ râu màu trắng đến gần anh, hỏi xin tiền. Ông cụ nhìn nhận: "Ta là một kẻ già mà dại. Ta sống bằng tiền trợ cấp hưu trí. Khi ta nhận chi phiếu trợ cấp lần nầy, ta đi lãnh tiền mặt, rồi có người bạn rủ ta đi uống rượu. Ta đã trả hết số tiền vào rượu whiskey. Ta là một kẻ già mà dại, và bây giờ ta chẳng còn một đồng nào”.
Adrian đáp: "Thưa cụ, nếu cháu có chút đỉnh tiền, cháu sẽ bố thí cho ông ngay, nhưng cháu không có tiền". Thế nhưng khi anh sắp sửa bỏ đi, Chúa phán với lòng anh: "Adrian, hãy nói với ông cụ ấy về linh hồn của ông ta". Adrian đáp: "Lạy Chúa, con không thể nói với ông cụ đó về linh hồn của ông ta được; thậm chí con không có mặc áo đàng hoàng!"
Dường như Chúa phán: "Nhưng nầy Adrian, ngươi đã hứa rồi".
"Lạy Chúa, ông ấy là người lớn, còn con chỉ là một thiếu niên mà thôi!"
"Adrian, người đã hứa rồi".
Khi Adrian xây lưng lại với ông cụ, trái tim anh đập thình thịch. Nhưng sau khi lấy hết can đảm, anh nói: "Thưa cụ, cháu không có đồng nào để bố thí cho ông, nhưng cháu tin cháu có đôi điều còn tốt hơn cả tiền bạc nữa. Thưa cụ, có phải cụ là một Cơ đốc nhân không? "
Những giọt nước mắt thình lình chảy dài nơi khoé mắt của ông cụ kia, và cằm của ông cụ khởi sự run lên. Ông cụ nói: "Không, con ơi, ta không phải là một Cơ đốc nhân".
Adrian nói: "Thưa cụ, cụ có muốn trở thành một Cơ đốc nhân không?" Ông cụ đáp: "Muốn còn hơn bất cứ điều chi khác trên thế gian nầy. Nếu ta biết cách thức để trở thành Cơ đốc nhân".
Adrian nói: "Ước gì cháu có quyển Kinh Thánh ở đây".
Ông cụ đáp: "Ta có một quyển đây", và ông thò tay vào chiếc áo choàng cũ rích của mình rồi rút ra một quyển Tân ước kiểu nhỏ. Adrian tìm gặp Giăng 3.16 rồi đọc câu ấy lớn tiếng và giải thích câu ấy rõ ràng như anh có thể.
Ông cụ hỏi tiếp sau khi Adrian nói xong: “Ta còn phải làm chi nữa?”
"Được, con sẽ cầu thay cho ông". Rồi khi Adrian bắt đầu cầu thay, ông cụ cũng bắt đầu kêu lên. Khi Adrian cầu nguyện xong, anh nói: "Thưa cụ, bây giờ cụ cầu nguyện và xin Ngài cứu lấy cụ". Thế rồi ông cụ khởi sự cầu nguyện qua hai hàng nước mắt và cụ cầu xin Chúa Giêxu ngự vào lòng cụ, tha thứ tội lỗi cho cụ, và giải cứu linh hồn của cụ. Khi cụ nói xong lời cầu nguyện của mình, Adrian hỏi: "Đúng thế, Ngài có làm như thế chưa?"
Ông cụ đáp: "Ta nghĩ Ngài đã làm rồi". Không nhận biết điều chi đã diễn ra, Adrian cảm tạ ông cụ, chúc ông được mạnh giỏi, rồi xây người bước đi. Nhưng ông cụ kia gọi anh quay trở lại, ông nói: "Anh bạn trẻ kia ơi, trở lại đây đi. Ta là một cụ già, và ta đã từng trải qua gần như từng tiểu bang trên xứ sở nầy, và cháu là người đầu tiên dám nói cho ta biết về linh hồn của ta. Cảm ơn cháu, anh bạn trẻ kia ơi, cảm ơn anh". Và ngày ấy, Adrian Rogers trở bước về nhà khấp khởi vui mừng, nhảy múa và ngợi khen Đức Chúa Trời. Anh đã học biết được niềm vui của việc dẫn đưa linh hồn về với Đấng Christ.
Làm thế nào quí vị nhận biết một Hội Thánh lành mạnh? Một Hội Thánh lành mạnh là một nhóm Cơ đốc nhân vững vàng, mềm mại, biết sửa đổi, có tổ chức, năng động, được trưởng dưỡng đầy đủ, được hướng dẫn đúng mức, và có lòng chia sẻ về Đức Chúa Giêxu Christ luôn với người thế gian sống xung quanh họ.
Chúng ta hãy dọn tâm trí mình đúng với những gì mà chúng ta sẽ phải trở thành.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét