Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 3.15-22: Lời hứa và luật pháp



Tự do thực – Galati
Lời hứa và luật pháp
Galati 3.15-22
Quí vị đã từng gặp ông chủ có tính thất thường chưa? Khi tôi còn đi học, tôi làm công cho một người chủ kia, ông ta thường thay đổi tánh ý lắm. Quí vị không sao biết được ông ta có một lý trí như thế nào đâu! Ở giây phút nầy ông ta sẽ bước tới gần rồi kể cho quí vị nghe một câu chuyện tếu, vỗ lưng quí vị rồi bật cười bỏ đi. Sau đó mấy phút thôi, ông ta sẽ quay trở lại rồi cứ lãi nhãi trước mặt mấy nhân công khác. Không cần phải nói, tính khí của ông ta được dựng nên cho một nơi làm việc đầy căng thẳng.
Một số người đã xem Đức Chúa Trời cùng một cách thức mà tôi đã nhìn xem ông chủ trước đây của tôi. Ở mặt nầy họ biết rõ Ngài là một Đức Chúa Trời yêu thương và giàu ơn, rằng chúng ta là con cái của Ngài, là con ngươi của mắt Ngài. Họ hiểu rõ Ngài là Đấng ban ra từng ân tứ tốt lành và là nguồn của mọi ơn phước chúng ta. Ở mặt kia, họ biết rõ Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời đòi hỏi thế nầy thế kia. Ngài có nhiều pháp chế, nhiều luật lệ cho lối sống của chúng ta. Thuộc về Ngài là sự phán xét nghiêm ngặt đưa đến sự xét đoán, kỹ luật và hình phạt cho sự không vâng lời.
Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta cả hai nhận định về bổn tánh của Đức Chúa Trời. Thuộc về Ngài là sự giàu ơn và đồng thời Ngài hay bó buộc lắm. Chúng ta xem cả hai phương diện của bổn tánh Đức Chúa Trời qua hai nhân vật trong Cựu Ước, Ápraham và Môise. Ápraham đã nhận lãnh lời hứa ân điển của Đức Chúa Trời. Đối với cụ già chưa có con nầy, Đức Chúa Trời phán: "Ngươi hãy ngó lên trời, và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi….Dòng-dõi ngươi cũng sẽ như vậy". Câu kế đó cho biết: "Áp-ram tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công bình cho người" (Sáng thế ký 15.5-6).
Qua Môise, Đức Chúa Trời đã ban luật pháp cho Israel. Ông đã lên Núi Sinai trong "sấm vang chớp nhoáng, một áng mây mịt mịt ở trên núi, và tiếng kèn thổi rất vang động; cả dân sự ở trong trại quân đều run hãi". Chúa truyền cho họ: "Khá giữ mình đừng leo lên núi, hoặc đụng đến chân; hễ kẻ nào đụng đến thì sẽ bị xử tử" (Xuất Êdíptô ký 19.18, 12). Qua Môise, Đức Chúa Trời đã ban ra luật pháp cho dân sự Ngài.
Đức Chúa Trời là Đấng đã ban ra lời hứa cho Ápraham cũng chính là Đức Chúa Trời đã ban luật pháp cho Môise. Đức Chúa Trời là Đấng đã phán theo cách riêng với Ápraham cũng chính là Đức Chúa Trời đã ban ra luật pháp qua sấm vang chớp nhoáng trên Núi Sinai. Lời hứa của Đức Chúa Trời và luật pháp của Đức Chúa Trời cùng song hành với nhau. Đức Chúa Trời không có gì phải lo buồn cả. Ngài không thay đổi ý định của Ngài. Trong bài nghiên cứu hôm nay về sách Galati, chúng ta sẽ xem xét Quyền phép Lời hứa của Đức Chúa Trời cho Ápraham và Mục đích luật pháp của Đức Chúa Trời qua Môise. Sau cùng, chúng ta sẽ xem xét một số Điểm cần phải suy gẫm.
I. Quyền phép Lời hứa của Đức Chúa Trời cho Ápraham (các câu15-18).
A. Lời hứa của Đức Chúa Trời là không thay đổi (câu 15).
Trước hết, Phaolô gọi người thành Galati là "anh em". Cho dù họ đang nghe theo các giáo sư giả, họ vẫn còn là chi thể của gia đình Đức Chúa Trời. Nguyên tắc cho chúng ta là dù khi chúng ta bất đồng với các Cơ đốc nhân khác, họ vẫn còn là anh chị em của chúng ta và chúng ta cần phải yêu thương họ.
Kế đó Phaolô nói: "tôi nói theo thói quen người ta rằng" hay theo "từ ngữ của con người". Nói cách khác, ông bắt đầu tiểu đoạn nầy với một trường hợp thực tế từ đời sống hàng ngày, một minh hoạ thông thường. Ông giới thiệu quan niệm nói về "giao ước của con người". Từ ngữ "giao ước" có ý nói tới "một lời hứa hay giao kèo bắt buộc". Từ ngữ nầy ra từ một chữ Hy lạp thông thường và được dịch là "nguyện vọng" như trong "giao ước và nguyện vọng sau cùng".
Phaolô đang nói: "Giả sử anh em đưa ra một nguyện vọng và khẳng định nó hay ký kết với nó, thế thì chẳng một ai có thể hủy bỏ hay thay đổi nó cho được". Ngày nay các nguyện vọng được đưa ra tranh cãi ở toà án để biết đúng sai. Tuần nầy tôi đọc thấy gia đình của một tỉ phú dầu hoả ở Houston là J. Howard Marshall II đang bàn cãi về nguyện vọng của ông, trong đó ông cắt đứt phần của con cái mình, rồi để tài sản kếch xù lại cho người vợ là ngôi sao đang lên có tên là Anna Nicole Smith.
Mặc dù mọi nguyện vọng thường được đưa ra tranh cãi hôm nay, một nguyện vọng đã được ký kết, được thông qua hay được "khẳng định" trong thế kỷ đầu tiên là một tài liệu không thể tranh cãi được. Đây là một vấn đề đã được định liệu rồi: "Chẳng ai được bớt ra hay thêm vào điều gì". Mục đích minh họa của Phaolô rất là đơn sơ. “Nếu có điều chi đơn sơ như ý chỉ của Con Người không thể sửa đổi được thì lời hứa của Đức Chúa Trời quả chắc chắn là dường nào?”
Các giáo sư giả trong xứ Galati, những người theo giáo Giu-đa đang nói: "Phaolô ơi, chúng ta hiểu rằng Ápraham đã nhận lãnh và tin theo lời hứa của Đức Chúa Trời. Quả thực vậy, về sau qua Môise Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta chương trình trò chơi mới, ấy là luật pháp. Ápraham có thể đã làm hoà lại với Đức Chúa Trời bởi đức tin nhưng khi luật pháp đến, mọi sự đều đã thay đổi. Giờ đây chúng ta đang làm hoà lại với Đức Chúa Trời. Bây giờ chúng ta đang hoà thuận lại với Đức Chúa Trời bằng cách tuân giữ luật pháp Ngài và trở thành một dân nhơn đức”. Phaolô đang nói: "Không có cách nào khác nữa đâu! Nếu anh em không thể thay đổi được lời hứa của một người, anh em không thể làm thay đổi được lời hứa của Đức Chúa Trời! Ngài là Đấng Giữ Lời Hứa long trọng của mình".
Chúng ta hãy lưu ý một lần nữa lời hứa của Đức Chúa Trời với Ápraham từ Sáng thế ký12.2-3: "Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước cho ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước".
Lời hứa ấy đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi Đấng Christ. Qua Chúa Jêsus Đức Chúa Trời khiến cho "các chi tộc nơi thế gian" sẽ "được phước". Không một người nào tự nhiên mà được phước của Đức Chúa Trời cả đâu. Chúng ta là dân Ngoại kế tự ơn phước nầy bởi đức tin nơi Chúa Jêsus. Phaolô đã nói trong câu 7: "vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham". Ông nói trong câu 9: "Ấy vậy, ai tin thì nấy được phước với Áp-ra-ham, là người có lòng tin".
Hãy so sánh lời hứa của Đức Chúa Trời cho Ápraham với luật pháp của Đức Chúa Trời qua Môise. Trong lời hứa, Đức Chúa Trời phán: "Ta sẽ… Ta sẽ… Ta sẽ… Ta sẽ…". Bốn lần! Trong luật pháp Đức Chúa Trời phán: "Ngươi sẽ". Luật pháp nương theo thành tích của chúng ta. Lời hứa thì nương vào lời hứa không thể thay đổi, không biến cải, bất biến của Đức Chúa Trời! Đức Chúa Trời hứa lời hứa đó và Ngài sẽ làm thành nó.
B. Lời hứa của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm nơi Đấng Christ (câu 16).
Kế đó Phaolô nói: "Vả, các lời hứa đã được phán cho Áp-ra-ham và cho dòng dõi người". "Dòng dõi" ra từ chữ sperma có ý nói tới con cháu. Đức Chúa Trời đã lập lời hứa nầy với cả Ápraham và những ai sẽ ra từ Ápraham.
Tiếp theo, vị sứ đồ nói: "không nói: Và cho các dòng dõi người, như chỉ về nhiều người; nhưng nói: Và cho dòng dõi ngươi, như chỉ về một người mà thôi, tức là Đấng Christ". Phaolô đang cung ứng cho chúng ta phần chú giải được Thánh Linh cảm thúc ở Sáng thế ký 22.18. Ông đang lý giải và ứng dụng một câu Kinh Thánh Cựu Ước.
Cụm từ "dòng dõi" trong cả tiếng Hy lạp và Hy bá lai có thể sử dụng theo hình thức số ít lẫn số nhiều. Từ ngữ theo tiếng Anh "cá" (fish) có thể là một con cá hay nhiều con cá. Bởi công tác cảm thúc của Đức Thánh Linh, Phaolô chỉ ra rằng Ápraham thậm chí không hiểu khi ông nhận lãnh lời hứa nầy. Sự ứng nghiệm trọn vẹn không nằm ở chỗ "dòng dõi" hay "nhiều người" có ý nói tới dân Israel, mà nói tới "dòng dõi" "như chỉ về một người mà thôi, tức là Đấng Christ". Sự ứng nghiệm trọn vẹn lời hứa của Đức Chúa Trời cho Ápraham không những là tạo ra một dân lớn trong xứ Palestine, mà còn cung ứng một Cứu Chúa cho thế gian trong Đấng Christ nữa!
Phaolô quay nhìn lại thật xa trong lịch sử Kinh Thánh chỗ Sự Sa Ngã, tội lỗi nguyên thủy ở trong Vườn Êđen. Trong lời rủa sả của Ngài, Đức Chúa Trời phán với con rắn, là Satan: "Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người".
Tất cả những lời hứa của Đức Chúa Trời đều được ứng nghiệm nơi Chúa Jêsus. Cách duy nhứt cho mỗi người chúng ta có thể kế tự lời hứa của Đức Chúa Trời là nếu chúng ta chịu "ở trong Đấng Christ". Các thánh đồ trong Cựu Ước đã vâng theo Đức Chúa Trời và đã nhìn thấy trước bởi đức tin về sự đến của "dòng dõi người nữ", là Đấng Christ, Đấng Mêsi. Họ đã thấy trước Thập tự giá. Chúng ta là hạng thánh đồ trong Tân Ước tin theo thập tự giá và nhận biết Chúa Jêsus đã trả giá cho mọi tội chúng ta một lần đủ cả.
C. Lời hứa của Đức Chúa Trời có trước Luật pháp (câu 17).
Kế đó Phaolô nhắc cho chúng ta nhớ rằng "luật pháp" đã đến "là sự cách sau bốn trăm ba mươi năm mới có" (chắc chắn là lâu hơn vì câu nầy đề cập tới khoảng thời gian làm nô lệ cho người Ai cập, đối chiếu Xuất Êdíptô ký 12.40; Sáng thế ký 15.13; Công Vụ các Sứ Đồ 7.6. Khoảng thời gian nầy phải gần 645 năm). Luật pháp đã đến sau lời hứa lâu, lâu lắm.
Luật pháp, là điều đã đến sau, không thể "huỷ giao ước" hay lời hứa mà Đức Chúa Trời "đã kết lập thành rồi… trong Đấng Christ". Vì nhiều thế kỷ về sau Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự Ngài luật pháp thiêng liêng của Ngài qua Môise, chắc chắn “lời hứa cũng không có thể bị bỏ đi bởi luật pháp”.
Luật pháp của con người chúng ta thay đổi với nền văn hoá và kỹ thuật. Chúng ta tạo ra hàng ngàn điều luật mới mỗi năm, rồi thay đổi hay xoá đi hàng ngàn điều luật cũ. Có nhiều điều bất hợp pháp đối với thế hệ kia giờ đây là hợp pháp với thế hệ nầy. Nhiều điều cách đây mấy năm là hợp pháp, giờ đây lại bị cấm đoán. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời là vô hạn. Ngài không hề thay đổi. Vì lẽ đó không một lượng thời gian nào có thể thay đổi được lời hứa của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không hề thay đổi và lời hứa của Ngài không thể hủy được.
D. Lời hứa của Đức Chúa Trời đặt trên bổn tánh của Ngài (câu 18).
Vị sứ đồ kết thúc tư tưởng nầy bằng câu nói: "Vì, nếu cơ nghiệp [sự cứu rỗi của chúng ta] được ban cho bởi luật pháp, thì không bởi lời hứa nữa". Nếu sự tuân giữ luật pháp có thể cứu chúng ta, thì đâu là mục đích của lời hứa của Đức Chúa Trời chứ?
Hãy hình dung quí vị sở hữu một trại chăn nuôi gia súc lớn thuộc về gia đình của quí vị qua sáu thế hệ rồi. Trại chăn nuôi đó đã được chăm sóc rồi trao tay xuống tới cha của quí vị và các tổ phụ trước ông ấy. Hãy hình dung đi, bây giờ quí vị có một đứa con trai. Ngày kia quí vị đem nó theo bên mình rồi nói: "Con ơi, con biết rõ trại chăn nuôi nầy đã được truyền qua 6 thế hệ gia đình của chúng ta. Đây là cơ ngihệp của chúng ta". Quí vị sẽ nói: "Con ơi, nếu con chịu khó làm lụng và làm cho ta được tự hào mà không phải xấu hổ, một ngày kia tất cả cơ nghiệp nầy sẽ thuộc về con" hoặc quí vị sẽ nói: "Vì con là người kế tự, một ngày kia cơ nghiệp nầy sẽ thuộc về con".
Đâu là mục đích? Quí vị không KIẾM một "cơ nghiệp", quí vị NHẬN LÃNH cơ nghiệp đó. Nếu quí vị phải làm lụng để có "cơ nghiệp", nó sẽ chẳng thực sự là "cơ nghiệp" nữa, mà nó là tiền công.
Con cái thuộc về tôi theo huyết thống. Tôi là cha của chúng. Không một điều gì có thể làm thay đổi mối quan hệ ấy. Bây giờ thì chúng đang lớn lên, chúng có thêm nhiều trách nhiệm. Chúng có thêm nhiều nguyên tắc để làm theo các việc vặt ở trong nhà. Chúng đang học biết để sống với luật pháp. Tuy nhiên, khi chúng nổi loạn và bất tuân, chúng không thôi là con cái của tôi đâu. Mối quan hệ của chúng tôi dựa theo huyết thống chớ không dựa theo sự vâng lời.
Luật pháp nương vào thành tích của con người; còn lời hứa nương vào sự thành tín của Đức Chúa Trời. Phaolô nói: "Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng lời hứa mà ban [từ ngữ rất mạnh mẽ – giàu ơn ban] cơ nghiệp cho Áp-ra-ham". Chúng ta được cứu bởi TIN THEO lời hứa của Đức Chúa Trời, chớ không phải theo SỰ VÂNG PHỤC luật pháp của Đức Chúa Trời đâu!
Hãy hình dung Đức Chúa Trời đã mời chúng ta ngồi chỗ ưu tiên một trên chuyến bay mà Ngài là phi công lèo lái phần còn lại của đời sống chúng ta. Được cứu giống như chấp nhận một vé miễn phí trên chuyến bay huy hoàng nầy. Chúng ta có mặt tại phi cảng với hai chiếc va-li quá cở, một túi quần áo, một cặp da và các thứ mà chúng ta xem là rất quan trọng. Chúng ta vất vả tại cổng, nặng nề với hành trang nầy, còn Đức Chúa Trời, Ngài phán: "Sao ngươi không để ta lo liệu hành trang ấy cho. Ngươi biết đấy, không có một giới hạn nào về hành lý cơ mà". Chúng ta nói: "Không, cảm tạ Chúa, con sẽ mang lấy hành lý của con. Ngài đã làm đủ khi mời con lên chuyến bay nầy". Chúng ta gắng hết sức phấn đấu trên chiếc máy bay để mang lấy hành lý của mình và trở thành hạng hành khách nhơn đức khi Đức Chúa Trời chỉ muốn chúng ta ngồi xuống và thưởng thức chuyến đi mà thôi. Tôi biết có nhiều Cơ đốc nhân đang gắng hết sức để hoàn thành, với luật pháp, mọi điều mà Đức Chúa Trời đã làm thành rồi với lời hứa. Nầy anh em ơi, chúng ta không những đã được cứu bởi ân điển, mà bởi ân điển ấy chúng ta còn được làm nên thánh nữa! Chúng ta không cần phải mang lấy mấy cái túi xách của mình mà chi; chúng ta chỉ cần bước lên chiếc máy bay mà thôi!
II. Mục đích của luật pháp Đức Chúa Trời qua Môise (các câu 19-22).
Tôi biết quí vị đang suy nghĩ: "Nếu chúng ta được cứu bởi lời hứa của Đức Chúa Trời, thì đâu là mục đích của luật pháp? Tại sao Đức Chúa Trời lại ban ra luật pháp chứ?" Phaolô đoán trước câu hỏi ấy.
A. Luật pháp của Đức Chúa Trời bày tỏ ra tội lỗi của chúng ta (câu 19a).
Trong câu 19, Phaolô đưa ra câu đầu tiên trong hai câu hỏi: "Vậy thì làm sao có luật pháp?" Những kẻ theo giáo Giu-đa đã tố cáo Phaolô về sự chối bỏ luật pháp, về việc xé rách những trang đó ra khỏi quyển Kinh Thánh. Họ đã nói trong Công Vụ các Sứ Đồ 21.28: "Kìa, người nầy giảng dạy khắp thiên hạ, nghịch cùng dân, nghịch cùng luật pháp…".
Ngược lại, Phaolô nói: "luật pháp đã đặt thêm, vì cớ những sự phạm phép". "Phạm phép" có nghĩa là "bước lố các đường ranh giới". Lớn lên ở miền Đông Texas, săn bắn là một phần trong đời sống của tôi. Vì tất cả đất đai đều có chủ riêng và phần lớn đều có gắn bảng chỉ dẫn, tôi phải rất cẩn thận khi vượt qua để săn bắn trên tài sản của người khác khi có thông báo sẵn rồi. Tôi làm hết sức mình để không bước qua các lằn ranh giới.
Rôma 3.20 chép: "vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi". Rôma 4.15 chép: "song đâu không có luật pháp, thì đó cũng không có sự phạm luật pháp". Rôma 7.7 chép: "Nhưng tôi chỉ bởi luật pháp mà biết tội lỗi; vì nếu luật pháp không nói: Người chớ tham lam, thì tôi đã không biết sự tham lam".
Chuck Swindoll thường thuật lại khi ông hầu việc Chúa ở miền Nam California. Ông hay lái xe qua các vườn cam trên đường đến nhà thờ. Trong mùa thu hoạch, sẽ có các đống cam to lớn ở quanh các cánh đồng. Ngày kia ông nghe thông báo trên đài phát thanh. Có một vụ mùa trái cây bội thu trong năm đó, có nhiều cam hơn là các nông gia có thể thu hoạch. Tuy nhiên, dù hoàn cảnh nào thì nông dân cũng phải ra đồng để hái cam. Họ không phải lo điều chi cả. Ông nói: "Tôi chưa hề nghĩ tới việc hái cam trước đó, nhưng ý thức của tôi về luật lệ làm sản sinh ra ước muốn phải đưa tay hái các quả cam đó, ước muốn nầy không cưỡng lại được!"
Luật pháp tỏ ra tình trạng tội lỗi của chúng ta. Luật pháp không được ban ra để hiến cho sự cứu rỗi, mà để chỉ ra nhu cần của chúng ta về ơn ấy. Luật pháp không hề được dự trù để chỉ ra ai là thánh, mà chỉ ra ai là tội nhân.
B. Luật pháp của Đức Chúa Trời đã đến cách gián tiếp (các câu 19b-20).
Trong vế thứ hai của câu 19, vị sứ đồ giải thích rằng luật pháp đã "đặt thêm… cho tới chừng nào người dòng dõi [Chúa Jêsus] đến, là người mà lời hứa đã hứa cho; luật pháp được ban ra bởi mấy thiên sứ và truyền ra bởi một người trung bảo".
Đức Chúa Trời đã ban luật pháp cho Israel "bởi một người trung bảo", là Môise, mà cũng "bởi mấy thiên sứ" nữa. Dường như khi Đức Chúa Trời ở trên Núi Sinai trong sấm chớp lúc ban ra luật pháp đã có mấy thiên sứ ở với Ngài. Phục truyền luật lệ ký 33.2 chép: "Đức Giê-hô-va đã đến từ Si-na-i, Ngài từ Sê-i-rơ dấy lên trên dân chúng, chiếu sáng từ núi Pha-ran, đến từ giữa muôn vàn đấng thánh; từ tay hữu Ngài phát ra cho họ lửa của luật pháp Ngài". Êtiên đã nhắc tới điều nầy trong bài giảng của ông ở Công Vụ các Sứ Đồ 7.53: "các ngươi đã nhận luật pháp truyền bởi các thiên sứ…". Hêbơrơ 2.2 chép: "…vì nên lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc…".
Luật pháp đã đến với Israel cách gián tiếp. Luật pháp ra từ miệng của Đức Chúa Trời "bởi các thiên sứ" rồi đến với Môise người "trung bảo" và sau cùng đến với dân sự. Khi Đức Chúa Trời ban ra lời hứa cứu rỗi của Ngài cho Ápraham Ngài đã ban ra cách trực tiếp. Câu 20 chép: "Vả, người trung bảo chẳng phải là người trung bảo về một bề mà thôi, nhưng Đức Chúa Trời chỉ có một".
Tôi ghét nhận thông tin từ người thứ nhì, thứ ba. Tôi có người bạn Mục sư hay gọi điện đến tôi luôn… phải, ông ấy không gọi tôi, ông ấy nhờ viên thư ký gọi điện cho tôi. Cô ấy nói: "Xin ông vui lòng giữ máy…". Mỗi lần ông ấy làm thế, tôi hỏi ông ta có phải ông ta đã quên cách quay số điện thoại rồi không!?!
Luật pháp là gián tiếp. Nó không phải là phương tiện truyền bá ơn cứu rỗi, mà là phương tiện tạo ra trong chúng ta một nhận thức về tội lỗi và một ước ao muốn được cứu, ước ao đó chứa lời hứa riêng tư của Đức Chúa Trời.
C. Luật pháp của Đức Chúa Trời bắt chúng ta làm phu tù (các câu 21-22).
Bây giờ Phaolô đưa ra câu hỏi thứ nhì rất rõ ràng trong câu 21: "Vậy thì luật pháp nghịch [ngược lại với hay đối ngược] cùng lời hứa của Đức Chúa Trời hay sao?" Ông trả lời cho câu hỏi nầy theo cách quả quyết: "Chẳng hề như vậy!" Tiếp đến, ông nói: "vì nếu đã ban cho một luật pháp có thể làm cho sống, thì sự công bình [ơn cứu rỗi] chắc bởi luật pháp mà đến". Nếu luật pháp có thể cứu chúng ta, chúng ta sẽ được cứu bởi luật pháp. Nhưng chẳng có một luật nào như thế được ban ra hết.
John R.W. Stott viết: "…sự thực là chẳng có ai có thể giữ được luật pháp của Đức Chúa Trời. Thay vì thế, chúng ta hạng tội nhân đang phá vỡ luật pháp ấy mỗi ngày. Vì thế luật pháp không thể xưng công bình chúng ta. Vậy thì, làm sao tạo ra một sự hài hoà giữa luật pháp và lời hứa? Chỉ bởi việc nhìn thấy con người kế tự lời hứa vì họ không thể giữ luật pháp, và họ bất khả không thể tuân giữ luật pháp làm cho lời hứa ra đáng ao ước hơn, không thể bỏ qua được".
Hãy quan sát câu 22 cho thật kỹ rồi khoanh tròn chữ "nhốt". Câu nầy chép như sau: "Nhưng Kinh Thánh đã nhốt mọi sự ở dưới tội lỗi". Chữ "nhốt" có nghĩa là: "khóa an toàn, đóng kín các cạnh thùng lại".
Tôi có một bộ còng tay. Tôi sẽ túm lấy một gã to con nhất trong hội chúng của chúng ta, rồi còng hắn lại bằng loại còng nầy. Hắn sẽ bị "nhốt", bị khoá an toàn. Đây là công việc của "Kinh Thánh", luật pháp… bắt nhốt hay bắt chúng ta làm phu tù. Luật pháp giống như một bộ còng tay, một xà lim nhà tù. Bất luận quí vị cố gắng khó nhọc là dường nào, quí vị không thể bẻ khoá được. Quí vị không thể được tự do. Mọi sự quí vị có thể làm là cầu xin sự giúp đỡ. Quí bạn tôi ở đây không thể được tự do cho tới chừng người ấy đến với tôi rồi cầu xin đưa chìa khoá cho.
LỜI HỨA CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ CHÌA KHOÁ!!! Mục đích của luật pháp là nhốt chúng ta và trói buộc chúng ta để chúng ta kêu cầu Đức Chúa Trời cứu giúp! Khi chúng ta kêu la với Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus, Dòng Dõi, Lời Hứa buông tha cho chúng ta được tự do.
Đức Chúa Trời ban lời hứa cho Ápraham và kế đó luật pháp cho Môise. Tại sao vậy? Đức Chúa Trời phải làm cho nhiều việc ra tệ hại hơn trước khi Ngài làm cho chúng ra tốt hơn. Mục đích của luật pháp là tỏ ra chúng ta thực sự tội lỗi và vô dụng là dường nào, hầu cho chúng ta sẽ ước ao lời hứa về ân điển và ơn tha thứ của Đức Chúa Trời!
III. Hai điểm phải suy gẫm.
A. Lời hứa của Đức Chúa Trời đã và sẽ không bao giờ thay đổi.
Đức Chúa Trời hứa với Ápraham rằng Dòng Dõi của ông, trong Chúa Jêsus mọi người trên thế gian sẽ được phước. Thời gian không làm thay đổi lời hứa ấy. Luật pháp đã không làm thay đổi lời hứa ấy. Văn hoá và xã hội không thể làm thay đổi lời hứa ấy. Mọi lầm lỗi, thất bại và tội lỗi của quí vị không làm thay đổi lời hứa ấy. Quí vị chỉ phải kêu van cho có chiếc chìa khoá thôi. Giăng 1.12-13 chép: "Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết [không phải vì họ là người Do thái], hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người [không phải vì họ tuân giữ luật pháp hay là người nhơn đức], nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy".
B. Một tội nhân phải bị từ chối trước khi người được cứu.
Dietrich Bonhoeffer, vị Mục sư lỗi lạc người Đức, ông đã nói nghịch lại quân Phát xít trong Đệ II Thế Chiến đã viết: "Khi người nào phục theo luật pháp, người đó mới có thể nói tới ân điển… Tôi không nghĩ là Cơ đốc nhân muốn lãnh hội Tân Ước theo cách mau mắn và trực tiếp". Stott nói thêm: "Chúng ta không thể phớt lờ luật pháp mà đi thẳng đến với Tin Lành. Làm thế là đi ngược lại với chương trình của Đức Chúa Trời trong lịch sử Kinh Thánh".
Có lẽ người ta không đánh giá đúng Tin lành vì họ chưa đánh giá đúng luật pháp. Chúng ta thường bỏ ngọc trai ở trước miệng heo (Mathiơ 7.6). Chúng không thể thấy được vẽ đẹp của ngọc trai Tin lành vì luật pháp của Đức Chúa Trời không tỏ ra cho chúng thấy sự bẩn thỉu của chuồng heo. Stott nói thêm: "Đừng đợi cho tới khi luật pháp đánh cho bầm tím thì chúng ta mới nhìn nhận nhu cầu của chúng ta về Tin lành băng bó các vết thương của chúng ta. Đừng đợi cho tới khi luật pháp bắt lấy và nhốt tù chúng ta thì chúng ta mới khao khát Đấng Christ đến buông tha cho chúng ta. Đừng đợi cho tới khi luật pháp xét đoán và giết chết chúng ta thì chúng ta mới kêu cầu Đấng Christ để được xưng công bình và sự sống. Đừng đợi cho tới khi luật pháp đưa chúng ta vào chỗ thất vọng thì chúng ta mới chịu tin theo Chúa Jêsus. Đừng đợi cho tới khi luật pháp đánh hạ chúng ta thậm chí xuống tới địa ngục thì chúng ta mới quay trở lại với Tin lành đưa chúng ta lên thiên đàng".
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét