Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Gen 32.1-32: "Việc chưa hoàn tất"



"Việc chưa hoàn tất"

(Sáng thế ký 32.1-32)
Bạn sẽ nói đâu là chiến thắng lớn nhất trong thế gian? Bạn có nghĩ đến một chiến thắng quân sự nào đó với vài vị Tướng lãnh nổi tiếng, hay bạn sẽ nghĩ đến Ngày D, hoặc nước Đức sau cùng đã đầu hàng các Lực Lượng Đồng Minh? Bạn sẽ nghĩ tới Cuộc chiến vùng Vịnh chăng? Bạn sẽ nghĩ tới một chiến thắng về chính trị hay thành tựu thể thao như đội Seahawks đoạt giải Super Bowl? Có thể bạn đang nghĩ đến một sự thành công về tài chính hoặc một sự chọc thủng phòng tuyến ở mặt tình cảm? Bạn nghĩ tới sự thành tựu cá nhân sẽ là chiến thắng lớn lao? [See R.T. Kendall, All’s Well that End’s Well. The Life of Jacob (Carlisle, UK. Paternoster, 1998), 138].
Mọi người đều tận hưởng chiến thắng lớn vì ai nấy đều muốn trở thành kẻ chiến thắng. Nhưng rất ít người muốn bị buộc phải chịu đựng sự kỷ luật và phấn đấu. Ở Sáng thế ký 32, Gia-cốp đang kinh nghiệm chiến thắng lớn lao nhất trong cuộc đời của mình. Nhưng việc nầy xảy ra trong một tư thế bất thường nhất. Kẻ hay lên kế hoạch rất lỗi lạc kia đã đạt tới mức nhìn biết rằng để thực sự chiến thắng, bạn phải chịu thua.
Câu chuyện của chúng ta bắt đầu ở 32.1-2: “Gia-cốp cứ đi đường, có thiên sứ Đức Chúa Trời gặp người [Sailhamer viết: “Các biến cố trong chương nầy đã được diễn đạt giữa hai câu chuyện nói về sự Gia-cốp gặp gỡ các thiên sứ (các câu 1, 25). Tác dụng của hai bức tranh ngắn gọn nầy về sự Gia-cốp gặp gỡ các thiên sứ trên đường trở về xứ là để sắp câu chuyện hiện hữu song hành với bức tranh tương tự nói về Đất Hứa trong các chương đầu của sách Sáng thế ký. Đất đã được các thiên sứ canh chừng trên những đường biên giới của nó. Chính bức tranh nầy đã được đưa ra rất sớm trong sách Sáng thế ký khi Ađam và Êva bị đuổi ra khỏi Vườn Ê-đen và ‘chêrubin’ phải đứng ở phía đông ngôi vườn để canh chừng lối vào cây sự sống. Cho nên không thể là tình cờ mà Gia-cốp đã trở về từ hướng đông, các thiên sứ đã gặp ông tại biên giới của Đất Hứa. Sự lưu ý ngắn ngủi nầy cũng có ý báo động cho độc giả về ý nghĩa của cuộc vật lộn sau đó với ‘con người’…tại Phê-ni-ên (các câu 25-30). Sự thực mà Gia-cốp đã gặp gỡ với các thiên sứ ở đây cho thấy rằng con người ở cuối chương cũng là một thiên sứ”. John H. Sailhamer, Genesis. EBC (Grand Rapids. Zondervan, 1990), Electronic ed]. Khi Gia-cốp thấy các vị nầy, nói rằng: Ấy là trại quân của Đức Chúa Trời! Nên người đặt tên chỗ đó là Ma-ha-na-im”. Gia-cốp rời khỏi Laban đi thẳng về xứ Canaan. Ông đã làm điều nầy trong sự vâng theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời (xem 31.3). Khi đi đường, “có thiên sứ Đức Chúa Trời gặp người”. Các thiên sứ nầy phải giống với các thiên sứ mà Gia-cốp đã gặp rồi ở Bêtên (28.12) vì ông đã công nhận họ là thiên sứ [Các thiên sứ nào Gia-cốp gặp không được nói tới. Có lẽ họ cũng chính là hai thiên sứ cùng đi với Đức Giêhôva đến nhà của Ápraham trước đó để hủy diệt thành Sôđôm và thành Gômôrơ (Sáng thế ký 18). Hơn nữa, họ là các thiên sứ mà Gia-cốp gặp trước đây khi ông ở tại nhà của Laban trong 20 năm trời (28.12). Sau lần gặp gỡ trước đây, trong đó Đức Giêhôva tái khẳng định Giao ước Ápraham với Gia-cốp, Gia-cốp gọi nơi gặp gỡ đó là “nhà của Đức Chúa Trời” và “cổng trời”. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, Gia-cốp gọi nơi gặp ấy là “trại quân của Đức Chúa Trời” – cho thấy rằng cuộc gặp gỡ đó gợi lên trong Gia-cốp những tình cảm tương tự với những cảm xúc mà ông đã kinh nghiệm trong lần gặp trước đó. Hai lần Gia-cốp gặp gỡ với các thiên sứ (hai lần duy nhứt ông gặp gỡ với các thiên sứ) – một lần trước đây khi bước chân vào lãnh thổ của Laban và một lần ngay sau khi rời khỏi lãnh thổ đó – hình thành một giao thoa quanh các kinh nghiệm của Gia-cốp với Laban, có lẽ tỏ ra rằng thời kỳ cuộc sống của Gia-cốp đã hoàn tất rồi. Barry C. Davis, Genesis (Portland, OR. Multnomah Biblical Seminary unpublished class Notes, 2003)]. Họ hiệp với đoàn lữ hành của Gia-cốp để làm sự bảo hộ cho ông (đối chiếu Thi thiên 34.7). Đây là lý do cho danh xưng “Mahanaim” (nghĩa là, “hai trại quân”). Các thiên sứ nầy rõ ràng có dự tính tái bảo đảm với Gia-cốp về sự hiện diện có tính bảo hộ của Đức Chúa Trời [Có vài mối liên kết cố ý giữa sự hiện thấy Bêtên và Mahanaim. See Gordon J. Wenham, Genesis 16-50, Vol. 2. WBC (Waco, TX. Word, 1994), 281].
Như một kết quả của cuộc gặp gỡ với thiên sứ nầy, Gia-cốp càng tỉnh thức về nhu cần của mình trong việc làm cho mọi sự ra ngay thẳng đối với Ê-sau. Trong 20 năm, ông đã sống với ký ức đã lừa đảo anh mình là thể nào — không phải một lần, mà hai lần. Trong 20 năm, ông đã lấy làm không biết Ê-sau có còn tính giết ông nữa hay không (đối chiếu 27.41)!?! Trong 20 năm, ông đã mơ được về nhà, nhưng mỗi lần giấc mơ của ông đều trở thành ác mộng khi ông nghĩ đến Ê-sau [Ray Pritchard, The Breaking Point. Genesis 32.22-32
http.//www.calvarymemorial.com/sermons/SMdisplay.asp?id=334]. Nhưng giờ đây lương tâm của Gia-cốp đã thức tỉnh và sai lầm ông đã phạm đã được nhìn thấy rõ ràng. Đây là lúc phải vá lại mối quan hệ đã bị rách nát qua sự dối gạt của ông.
Qua các hoàn cảnh khác nhau, các môn đồ của Đấng Christ đã được Thánh Linh Đức Chúa Trời dắt dẫn phải làm cho ngay thẳng lại các mối quan hệ nào sai trái. Có thể là một lời xin lỗi, một hành động bồi thường, hay một cú điện thoại đơn giãn thôi. Có một cái tên nào đó thình lình bật ra trong đầu bạn nhiều lần không? Có phải bạn có mối quan hệ rạn nứt với người nầy không? Nếu thực vậy, tôi đề nghị rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho bạn một nhiệm vụ … Ngài đang kêu gọi bạn phải nổ lực làm hoà lại với người ấy.
Trong Mathiơ 5.23-24, Chúa Jêsus bảo các môn đồ Ngài: “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ”. Chúa Jêsus đang đề nghị rằng mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời không hề được trọn vẹn cho tới chừng nào chúng ta đã làm những gì chúng ta có thể để làm hoà lại với người mà chúng ta đã phạm sai lầm [See also Ronald F. Youngblood, The Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1991), 232].
Phaolô khơi lại nguyên tắc nầy thêm phần sâu xa ở Rôma 12.18, ở đây ông viết: “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người”. Mọi nổ lực của chúng ta trong sự làm hoà thường là thành công khi cả hai bên đều đang tìm cách để đứng chung hàng trong Đấng Christ. Thế nhưng không phải mọi người mà chúng ta làm mất lòng họ đều là tín đồ đâu. Đôi khi có những người sẽ không thấy thoả lòng cho tới khi nào họ buộc chúng ta phải “trả giá”. Họ không muốn có một mối quan hệ đã được làm mới lại … họ muốn phục thù. Trong các trường hợp nầy, chúng ta chỉ có thể làm những gì Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta phải làm theo. Chúng ta có thể tìm cách làm hoà lại, chúng ta có thể nhìn nhận việc mình sai trái, và chúng ta có thể tìm cách làm sự bồi thường ở chỗ thích đáng, và nếu như thế chưa đủ, chúng ta phải tiếp tục và giao thác người ấy cho Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ được tự do nếu người kia cứ ở trong vòng nô lệ [Rev. Bruce Goettsche, Making Peace With Your Past (Genesis 32.1-21).
http.//www.unionchurch.com/archive/092599.html].
Ở 32.3-21, Gia-cốp lo sửa soạn để gặp Ê-sau. Trong 32.3-8, Gia-cốp đang lo về phần thuộc thể. Môise viết: “Gia-cốp sai sứ giả đến trước cùng Ê-sau, anh mình, ở trong xứ Sê-i-rơ thuộc về địa-phận Ê-đôm; người bèn dặn rằng: Các ngươi hãy thưa cùng Ê-sau, chúa ta như vầy: Gia-cốp, kẻ tôi tớ chúa, có nói như vầy rằng: Tôi đã ngụ tại nhà La-ban đến ngày nay; có bò, lừa, chiên, tôi trai, tớ gái; vậy, xin sai đi nói cho chúa hay trước, hầu cho nhờ được ơn trước mặt chúa tôi”. Khi tìm cách tự mình làm hoà lại với anh mình, trước tiên Gia-cốp tự hạ mình xuống bằng cách nhận mình là “tôi tớ” của Ê-sau. Ông cũng gọi Ê-sau là “chúa”. Gia-cốp cũng hy vọng gây ấn tượng cho Ê-sau với sự cả thể của mình. Ông muốn làm cho ai nấy đều biết rằng ông đang giàu có và không đang trở về để chiếm lấy cơ nghiệp đâu.
Ở 32.6-8: “Các sứ giả trở về nói cùng Gia-cốp rằng: Chúng tôi đã đi đến Ê-sau, anh của chủ; nầy người đang đem bốn trăm người [Có thể Ê-sau đã có một đội quân lớn vì ông đã phải chinh phục dân Hô-rít ở Sê-i-rơ (32.6). Các binh lính của ông có lẽ đã gồm hết những tôi tớ của riêng mình thêm vào với dân Canaan và những người bà con Íchmaên của mấy người vợ của ông nữa. Có thể Ê-sau đã có một đội quân lớn vì ông đã phải chinh phục dân Hô-rít ở Sê-i-rơ (32.6). Các binh lính của ông có lẽ đã gồm hết những tôi tớ của riêng mình thêm vào với dân Canaan và những người bà con Íchmaên của mấy người vợ của ông nữa] đến để rước chủ. Gia-cốp rất sợ hãi và sầu não, bèn chia các dân đi theo, cùng các bầy chiên, bò, lạc đà ra làm hai đội, mà rằng: Nếu Ê-sau đến hãm đánh một trong hai đội, thì đội còn lại sẽ thoát được”. Mặc dù các thiên sứ của Đức Chúa Trời cùng đi với Gia-cốp và đang đóng vai trò vệ sĩ của ông, Gia-cốp lại rơi vào chỗ sợ hãi. Vì thế, ông chia dân sự mình ra thành hai nhóm như một sự dè chừng khi ông nghe Ê-sau đang đến đón ông với 400 người. Phản ứng của Gia-cốp trước sự thù nghịch rõ ràng của Ê-sau chống lại ông là tìm cách lo bảo hộ bản thân mình. Đây là phản ứng chuẩn của Gia-cốp trước rối rắm. Mãi cho tới bây giờ, Gia-cốp đã vận dụng lèo lái mọi nan đề của mình bằng trăm phương ngàn kế. Nhưng giờ đây, Đức Chúa Trời đã đưa ông tới chỗ tận cùng mọi tài nguyên thiên nhiên của ông. Gia-cốp công nhận rằng lần nầy các phương thức kế hoạch của ông chắc sẽ không đủ vào đâu hết. Vì thế, ông kêu cầu Đức Chúa Trời giúp đỡ.
Ở 32.9-12, chúng ta chuyển từ mối quan tâm thuộc thể của Gia-cốp sang mối quan tâm thuộc linh của ông. Trong bốn câu nầy, Gia-cốp dâng lên một trong những lời cầu nguyện quan trọng nhất trong Kinh Thánh [Lời cầu nguyện của Gia-cốp (lời cầu nguyện đầu tiên của ông đã được ghi lại và là lời cầu nguyện duy nhứt kéo dài trong Sáng thế ký) phản ảnh nhu cần sâu sắc mà ông đã cảm thấy về sự vùa giúp của Đức Chúa Trời và sự hạ mình của chính ông (32.9-12). Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 443. Waltke đã ví hình thức lời cầu nguyện nầy giống như loại “Thi thiên ăn năn” vậy]: “Đoạn, Gia-cốp cầu rằng: Hỡi Đức Chúa Trời của tổ phụ Áp-ra-ham tôi! Đức Chúa Trời của cha Y-sác tôi, tức là Đức Giê-hô-va! Ngài có phán dạy tôi rằng: Hãy trở về xứ ngươi và nơi bà con ngươi, rồi ta sẽ làm ơn cho ngươi! Tôi lấy làm hèn mọn không đáng chịu các ân huệ và các điều thành thực mà Ngài đã làm cho kẻ tôi tớ Ngài; vì lúc trước khi qua sông Giô-đanh chỉ có cây gậy tôi, mà ngày nay tôi lại trở nên hai đội quân nầy. Vậy, cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu tôi khỏi tay Ê-sau, anh tôi, vì e người đến đánh tôi và đánh luôn mẹ với con nữa. Vả, Ngài có nói rằng: Quả thật vậy, ta sẽ làm ơn cho ngươi, và làm cho dòng dõi ngươi đông như cát bãi biển, người ta sẽ không biết sao đếm được, vì đông đúc quá” [Một số nhà giải kinh nghĩ câu sau cùng nầy của lời cầu nguyện là rườm rà, nhưng hiển nhiên là nó đang theo hình thức nổi bật của một lời ta thán trong đó Đức Chúa Trời được tác động phải hành động. Động lực chính Gia-cốp có thể dâng lên cho Đức Chúa Trời là lời hứa của Đức Chúa Trời, và vì thế ông chuyển điều đó ở phần cuối của lời cầu nguyện. Xem NET Study Bible Notes]. Sau khi suy gẫm về lời cầu nguyện của Gia-cốp, tôi thấy bốn yếu tố cho chúng ta phải bổ sung vào đời sống cầu nguyện của chúng ta.
1. Công nhận Đức Chúa Trời. Gia-cốp đã nói Đức Giêhôva là Đức Chúa Trời của “tổ phụ Ápaham” và “cha Y-sác tôi” (32.9a). Điều nầy quan trọng đây! Gia-cốp đang bắt đầu hiểu đầy trọn hơn chỗ đứng của ông trong chương trình thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện của ông là khuôn mẫu thiêng liêng cho nhiều lời cầu nguyện trong Kinh Thánh — phải công nhận Đức Chúa Trời thực sự là ai! Khi Nêhêmi cầu nguyện về tình trạng đáng buồn của dân tộc ông tại thành Jerusalem, ông đã cất cao giọng mình với Đức Chúa Trời mà nói như sau: “Ôi! Giê-hô-va Đức Chúa của các từng trời, tức Đức Chúa Trời cực đại và đáng kinh” (Nêhêmi 1.5a). Khi Chúa Jêsus dạy cho các môn đồ Ngài cầu nguyện, Ngài phán: “Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh” (Mathiơ 6.9) [Gene A. Getz, Jacob . Following God Without Looking Back (Nashville. Broadman & Holman, 1996), 130]. Bất cứ khi nào chúng ta cầu nguyện, chúng ta phải công nhận Đức Chúa Trời vì Ngài là ai! Bước bào sự hiện diện của Đức Chúa Trời cách liến thoắng chứng tỏ rằng chúng ta thiếu hiểu biết về sự cả thể của Ngài. Ngài là một Vì Vua cần được tôn kính. Vì lẽ đó, chúng ta phải công nhận Ngài y như vậy.
2. Cầu nguyện bằng Lời của Đức Chúa Trời. Gia-cốp cầu nguyện trên cơ sở hai sự việc: 1) Đức Chúa Trời bảo ông về lại quê hương mình, và 2) Đức Chúa Trời đã hứa chúc phước cho ông (32.9b). Ông không nài xin Đức Chúa Trời trên cơ sở bề ngoài của chính ông, mà chỉ nài xin trên cơ sở các lời hứa của Đức Chúa Trời (đối chiếu Rôma 4.20-21). Gia-cốp đang đứng trên các lời hứa của Đức Chúa Trời vì ông biết rõ Đức Chúa Trời luôn giữ Lời của Ngài. Phần nhiều những lời cầu nguyện của chúng ta đều thiếu sót vì chẳng có Lời của Đức Chúa Trời ở trong đó. Sở dĩ như vậy là vì có ít Lời của Đức Chúa Trời trong chúng ta. Tuy nhiên, cả hai: lời cầu nguyện và Lời của Đức Chúa Trời đều rất quan trọng. Bạn có bao giờ bay trên chiếc phi cơ có một cánh chưa? Tất nhiên là không rồi! Hai cánh của đời sống Cơ đốc là cầu nguyện và Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán với tôi qua Kinh Thánh; tôi trò chuyện với Ngài qua sự cầu nguyện. Hôm nay, liệu bạn có đưa ra sự đầu phục phải cầu nguyện qua những câu Kinh Thánh mà bạn đã đọc chúng rồi chăng? Có thể bạn đã đọc ít thôi, nhưng đời sống cầu nguyện của bạn sẽ lớn lên. Bạn sẽ trở thành một thứ vũ khí thích đáng trong lãnh vực thuộc linh.
3. Nhìn nhận tình trạng không xứng đáng của mình và sự nhơn từ của Đức Chúa Trời. Thái độ tự tín ngạo mạn của Gia-cốp không còn nữa và sau cùng ông công nhận rằng ông chẳng xứng đáng hoàn toàn với sự tử tế và thành tín của Đức Chúa Trời (32.10). Đây là một bước quan trọng đối với Gia-cốp. Ông đã đạt tới mức công nhận rằng ông đứng vững là chỉ do lòng thương xót của Đức Chúa Trời mà thôi. Đôi khi chúng ta phải đụng tới đáy trước khi chúng ta có thể nhìn thấy tình trạng thật của mình. Chỉ khi chúng ta công nhận rằng chúng ta đứng vững là do lòng thương xót, chúng ta sẽ lo sửa soạn để hành động đối cùng người khác với sự thương xót đó. Khi bạn cầu nguyện với Chúa, cái điều then chốt, ấy là bạn xưng tội mình, trình sổ ngắn gọn với Ngài, và công nhận rằng bạn không xứng đáng và không ra gì nếu chẳng có Ngài.
4. Cầu nguyện cách đặc biệt. Gia-cốp xin Đức Chúa Trời cứu ông khỏi tay của anh mình (32.11). Ông không uốn éo lời lẽ … ông nói rõ ràng và mạch lạc. Không giống với những hành động trước khi đến sống với Laban, khi ông nắm mọi vấn đề trong hai bàn tay mình để rút lấy ơn phước của Y-sác khỏi Ê-sau (27.1-29), giờ đây Gia-cốp nhìn biết rằng ông phải nương cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời để bảo toàn chính sự sống của mình. Thật là hay khi để ý thấy Gia-cốp cầu xin sự bảo hộ của Đức Chúa Trời cho bản thân và gia đình ông. Ông đang tỏ ra mối quan tâm ở ngoài mặt đối với ai đó khác hơn chính mình ông. Chúng ta phải noi theo gương của Gia-cốp và học biết đưa ra những lời nài xin thật đặc biệt. Khi chúng ta làm theo như thế, Đức Chúa Trời có khuynh hướng đáp trả với những câu trả lời thật đặc biệt.
Trước khi tiếp tục, chúng ta phải lưu ý thêm hai việc: Thứ nhứt, Gia-cốp cầu nguyện với Đức Chúa Trời ở giữa cuộc xung đột giữa cá nhân với nhau. Thường thì các mối quan hệ căng thẳng có thể đưa chúng ta đến với hai đầu gối trong sự cầu nguyện. Khi điều nầy xảy ra, chúng ta được thay đổi và thường cá nhân mà chúng ta gặp gỡ trong sự xung đột với cũng được thay đổi nữa. Sự cầu nguyện làm cho tấm lòng được mềm mại đi và có thể làm cho tấm lòng của người khác cũng được mềm mại nữa. Sự cầu nguyện có thể làm thay đổi các thái độ gắt gỏng và làm tan chảy sự kháng cự. Sự cầu nguyện được gọi là dầu làm cho cổ máy phục hoà phải khởi động. Sự cầu nguyện đem quyền phép của Đức Chúa Trời vào trong đời sống của chúng ta và đời sống của những kẻ ở chung quanh chúng ta nữa. Thứ hai, Gia-cốp đã xây sang cầu nguyện rất sớm trong quá trình nầy. Dường như là Gia-cốp đã cầu nguyện như là liệu pháp sau cùng. Vì vậy, Gia-cốp lo sợ Ê-sau (32.11) và “rất sợ hãi và sầu não” (32.7). Không nên như vậy! Sự cầu nguyện cất đi nổi sợ hãi. Nhiều người trong chúng ta lo lắng vì chúng ta có những nan đề về mọi mặt, nhưng hầu hết chúng ta lo lắng vì chúng ta không cầu nguyện. Hôm nay, liệu bạn sẽ đưa ra sự đầu phục cầu nguyện cho bản thân mình và cho người mà bạn đang đối mặt xung đột với không? Liệu bạn cũng cầu nguyện trước tiên, thay vì là liệu pháp sau cùng chăng? Khi bạn cầu nguyện, thì chắc sự bình an sẽ đi cùng với bạn đấy.
Ở 32.13-21, Gia-cốp gửi các món quà đi trước đón Ê-sau [Davis chia sẻ điều nầy như sau: “Tiểu đoạn nầy bắt đầu (32.13a) và kết thúc (32.21b) với câu nói Gia-cốp ‘ở ban đêm’ tại trại của mình. Tiểu đoạn cũng bắt đầu (32.13b) và kết thúc (32.21a) với tham khảo đến món quà mà Gia-cốp đang dâng cho Ê-sau. Thế là hai lời công bố nầy hình thành một giao thoa qua những lời căn dặn của Gia-cốp cho các tôi tớ ông về cách thức họ cần phải giao các tặng phẩm nầy cho Ê-sau. Trình bày câu chuyện nầy bằng cách sử dụng giao thoa, có tác dụng làm chậm lại các sự cố của câu chuyện và dựng lên mối căng thẳng có ở chung quanh, không cần biết nhưng muốn thấy được cuộc gặp gỡ giữa Gia-cốp và Ê-sau sẽ diễn ra như thế nào!?! Hơn nữa, phần kỷ xảo văn chương nầy, tác động thật tuyệt vời ở đây phản ảnh sự chần chừ của Gia-cốp không muốn đi tới và ao ước của ông là cắt đứt cuộc gặp càng lâu càng tốt”. Davis, Genesis]. Môise ghi lại những lời nầy: “Người ở ban đêm tại đó, lấy các vật có hiện trong tay để làm một của lễ dâng cho Ê-sau, anh mình, là hai trăm dê cái và hai chục dê đực; hai trăm chiên cái và hai chục chiên đực; ba chục lạc đà cái có con đang bú, bốn chục bò cái và mười bò đực; hai chục con lừa cái và mười lừa con” [Tổng cộng là 550 con thú]. Ông giao chúng vào trong tay của các tôi tớ mình, từng loại một, rồi nói với các tôi tớ như sau: ‘Các ngươi hãy đi trước ta và dẫn bầy nầy cách một khoảng đến bầy kia’. Ông truyền cho tôi tớ đi ở trước mặt: ‘Khi Ê-sau, anh ta, gặp và hỏi ngươi rằng: Ngươi ở với ai, đi đâu, và bầy súc vật trước mặt ngươi đó thuộc về ai?’ thì ngươi sẽ đáp: “Của Gia-cốp, kẻ tôi tớ chúa; ấy là một lễ gởi dâng cho Ê-sau, chúa tôi; và nầy, chính mình người đang theo sau. Gia-cốp cũng dặn y lời cho tên dẫn bầy thứ nhì, thứ ba và hết thảy người theo coi chừng các bầy, và lại nói: Khi gặp Ê-sau, các ngươi hãy nhớ lời đó, và nói như vầy: Nầy, Gia-cốp, kẻ tôi tớ chúa, đang theo sau chúng tôi. Vì người thầm nghĩ rằng: Mình đem lễ nầy dâng trước cho Ê-sau nguôi giận đã, rồi mình sẽ giáp mặt sau; có lẽ người tiếp rước mình một cách thuận hiệp đó. Vậy, lễ nầy đem đi trước, còn người, đêm đó ở lại trại”.
Gia-cốp đã phân công mỗi bầy cho một tên đầy tớ. Đây là một tặng phẩm rất rời rộng! Ông không keo kiệt trong nổ lực của mình để làm hoà lại với Ê-sau. Thực sự ông muốn làm cho mọi việc đều được ngay thẳng với anh mình. Ông đã dặn họ phải làm gì và phải nói gì. Sau khi đưa ra lời cầu nguyện tin kính, mẫu mực cách đấy chỉ trong một thời gian ngắn, Gia-cốp trở lại với những phương thức nhút nhát và tự bảo hộ của mình. Ông đã sai các tôi tớ, con cái, và mấy người vợ của mình đi trước. Ông muốn họ bảo hộ ông khi ông đáng phải là người đi đầu đoàn lữ hành để bảo hộ họ và đặt lòng tin cậy của mình nơi Đức Chúa Trời.
Tại sao Gia-cốp gửi đi một món quà ấn tượng như thế cho Ê-sau? Giống như một món hối lộ hay thứ bù trừ cho tội lỗi lừa gạt hay cướp đoạt của ông (Châm ngôn 21.14), nhưng đây cũng là một hành động bồi thường hay làm hoà (Êxêchiên 33.14-16). Bồi thường là cơ sở cho sự phục hoà. Đây là bằng chứng chắc chắn nhất của một tấm lòng thực sự thay đổi. Người nào muốn làm hoà nhưng không muốn thực hiện sự bồi thường về tội lỗi thì chưa thực sự ăn năn. Trong Luca 19, chúng ta đọc câu chuyện nói tới Xa-chê. Một trong những bằng chứng chỉ ra sự thành thực của ông ta là khi ông ta nói: “Song Xa-chê đứng trước mặt Chúa, thưa rằng: Lạy Chúa, nầy, tôi lấy nửa gia tài mình mà cho kẻ nghèo, và nếu có làm thiệt hại ai, bất kỳ việc gì, tôi sẽ đền gấp tư. Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hôm nay sự cứu đã vào nhà nầy, vì người nầy cũng là con cháu Áp-ra-ham” (Luca 19.8-9a).
Trở thành một tín đồ không phải là buộc bạn phải “cúp máy” để làm sự bồi thường. Giống như Xa-chê, bồi thường là bằng chứng chỉ ra sự ăn năn của ông ấy là thành thật. Người nào không muốn sửa ngay lại quá khứ thì chẳng phải là một tín đồ trưởng thành đâu. Bạn có cần thực hiện một loại bồi thường nào đó không? Xin lỗi người từng là bạn đời trước kia ư? Trả giá hay trả lại thứ chi đã bị đánh cắp? Những câu nói chết người mà bạn đã thốt ra? Công nhận sai lầm mà bạn đã phạm chăng? Hãy xin sự tha thứ từ con cái của mình những gì bạn đã đối xử quá nghèo nàn? Bồi thường chỉ ra rằng chúng ta xem trọng lời xin lỗi của mình. Nó cho thấy chúng ta công nhận việc sai trái đã làm cho người khác. Bồi thường thường là nền tảng trên đó chiếc cầu phục hoà đã được bắt lên.
Thật là hay khi để ý thấy chữ “nguôi giận” (kaphar) minh hoạ cho một lẽ đạo trong Kinh Thánh. Kinh Thánh chép rằng Đức Chúa Jêsus Christ “đã làm nguôi” (nghĩa là, “làm dịu”) cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời nghịch lại tội lỗi của chúng ta (xem Đaniên 9.24; Rôma 3.25; Hêbơrơ 2.17; I Giăng 2.2; 4.10). [Câu nói Hêbơrơ: “Ta sẽ làm cho mặt người dịu đi”. Đây là cách giải quyết của Gia-cốp. Trong sách Lê vi ký động từ Hy bá lai được dịch là ‘làm nguôi’ có ý dời đi cơn giận phù hợp với tội lỗi, một sắc thái thích ứng với phân đoạn Kinh Thánh nầy. Gia-cốp muốn mua đứt Ê-sau bằng một món quà nhiều hơn 550 con thú” Xem NET Study Bible Notes]. Trong văn mạch nầy, Ê-sau rất giận đối với Gia-cốp. Gia-cốp sai đem quà đắt giá đi trước, hy vọng gạt qua một bên cơn giận của Ê-sau. Dĩ nhiên, minh hoạ nầy chưa được trọn vẹn. Cơn giận của Ê-sau là một vấn đề của tính xấu và sự tức tối. Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời là vấn đề của công bình và ngay thẳng. Đây là một quyết định quét sạch tội lỗi. Quà tặng của Gia-cốp là một trong những thứ cung ứng của chính ông. Huyết của Đức Chúa Jêsus Christ do Đức Chúa Trời cung ứng cho. Nhưng ý tưởng quan trọng về sự làm dịu đã được minh hoạ cho chúng ta ở đây. Đức Chúa Trời đang giận dữ đối với tội lỗi. Chúng ta không được Ngài tiếp nhận như chúng ta hiện có đây. Chỉ có một phương thức duy nhứt trong đó cơn giận của Đức Chúa Trời có thể được làm nguôi đi. Chúng ta phải để cho huyết của Đức Chúa Jêsus Christ đi trước chúng ta. Đức Chúa Trời chấp nhận của lễ và rồi, qua huyết của Con Ngài, tiếp nhận chúng ta và chúng ta nhìn xem Ngài mặt đối mặt. Trong trường hợp của Gia-cốp, đây là sự làm hoà với anh mình mà ông mong muốn [Michael Eaton, Preaching Through the Bible. Genesis 24-50 (Kent, England. Sovereign World, 1999), 54-55].
Ở 32.22-32, chúng ta chuyển sang một bối cảnh mới. Môise viết: “Ban đêm, người thức dậy, dẫn hai vợ, hai tên đòi và mười một đứa con mình đi qua rạch Gia-bốc. Người đem họ qua rạch, và hết thảy của cải mình qua nữa”(32.22-23) [Phong cách truyện kể Hêbơrơ thường bao gồm một câu nói tóm tắt toàn bộ phân đoạn nối theo sau là tường trình chi tiết về sự cố. Trong trường hợp nầy, câu 22 cung cấp một câu nói tóm tắt trong khi câu 23 bắt đầu câu chuyện chi tiết. Xem NET Study Bible Notes]. Sự thực, Gia-cốp “thức dậy” chỉ ra rằng ông đã đi ngủ rồi. Những thắc mắc đã tuôn tràn ra trong lý trí của ông. Liệu Ê-sau có nhậm lấy của lễ của ông không? Sẽ ra sao nếu anh mình không nhận? Ông phải làm gì kế đó? Không nghi ngờ chi nữa, không thể ngủ được, ông đã đánh thức các thành viên trong gia đình dậy rồi dẫn họ cùng của cải qua rạch [Getz, Jacob, 141].
Ở 32.24-26, Môise ghi lại những câu nói hay nhất mà ông từng viết ra: “Vả, một mình Gia-cốp ở lại; thì có một người vật lộn [“Động từ được dịch là ‘vật lộn’ (abaq) nghe theo tiếng Hy bá lai giống như tên ‘Gia-cốp’ (Yaaqob) và ‘Gia-bốc’ (Yabboq). Theo cách nầy, người kể chuyện đang kết bối cảnh, hành động chính, và người tham dự lại với nhau trong lý trí của độc giả hay người nghe”. Xem NET Study Bible Notes] với mình đến rạng đông” (32.24). Chính khi Gia-cốp còn ở lại có một mình, sau khi đã làm mọi sự mà ông có thể để bảo đảm cho sự an toàn của chính mình, thì Đức Chúa Trời đã đến với ông [“Sự gặp gỡ quan trọng với Đức Chúa Trời đã đến khi Gia-cốp biết rõ mình đang ở trong một cảnh ngộ quá sức chịu đựng của mình” Derek Kidner, Genesis. Tyndale OT Commentaries (Downers Grove, IL. Intervarsity, 1967), 168]. Đức Chúa Trời đã sắp đặt các hoàn cảnh để Ngài có thể gặp Gia-cốp một mình vào thời điểm mà ông cảm thấy bất lực hoàn toàn [Kendall viết: “Gia-cốp cần phải học biết đôi điều về Đức Chúa Trời chơn thật … và sẽ là khó khăn lắm đấy. Đức Chúa Trời không chuyển chúng ta ra khỏi thế giới thực nầy. Đời sống Cơ đốc phải được sống trong một thế giới khó khăn. Thí dụ, lấy chim phượng hoàng đang giỡn ổ của nó. Đức Chúa Trời cũng đang làm như thế và Gia-cốp, là người nghĩ mình biết rõ Đức Chúa Trời, thình lình khám phá ra một việc về Đức Chúa Trời mà mình chưa từng gặp trước đây bao giờ. Đức Chúa Trời rất khó chịu và ông chưa sẵn sàng để thực hiện điều đó. Mỗi Cơ đốc nhân chẳng sớm thì muộn sẽ thấy Đức Chúa Trời dường như bỏ mặc họ rồi xuất hiện trong một phương thức mà họ không nhận ra. Khi mọi việc đi vào chỗ sai lầm, chúng ta nghĩ: ‘Ồ, mình không làm đẹp lòng Chúa. Nếu mình làm đẹp lòng Chúa, những việc nầy sẽ không xảy ra cho mình đâu. Đức Chúa Trời đang giận dữ với mình’. Đây là Gia-cốp, vào lúc nửa đêm, đang vật lộn với một người đã hiện ra mạnh sức hơn ông. Chính Đức Chúa Trời nầy đã hành động cùng với Gia-cốp, nhưng sự thể cho thấy Gia-cốp đã bị bỏ mặc một mình. Những Cơ đốc nhân cũng như những ai không phải là Cơ đốc nhân hết thảy đều có thắc mắc nầy: Sao Đức Chúa Trời lại để cho những việc không hay nầy xảy đến cùng tôi? Được thôi, đây là một sự khó khăn thiêng liêng, và đây là những gì Gia-cốp cần phải học biết. Ông cần phải hiểu ông có thể tin cậy Đức Chúa Trời khi ông không hiểu điều chi sẽ xảy ra. Có phải đức tin của bạn yếu đuối đến nỗi bạn chỉ có thể tin cậy Đức Chúa Trời khi bạn nhìn thấy bạn có cái nắm bắt các sự cố và mọi sự đang diễn ra chỉ là cho bạn thôi không? Có thể bạn nói trong những lúc thuận tiện: “Ồ, há Đức Chúa Trời không diệu kỳ sao?” Tuy nhiên, bạn sẽ không biết Đức Chúa Trời chơn thật cho tới chừng nào bạn bị bỏ mặc, khi mọi sự sai trái rồi, và bạn vẫn kính mến Ngài. Đây là điều mà Đức Chúa Trời đang muốn dạy dỗ cho bạn và tôi” Kendall, All’s Well that End’s Well, 128-129]. Thế rồi Đức Chúa Trời đến với Gia-cốp như một tay đấu vật để dạy cho ông biết phải chiến đấu với con người như thế nào!?! Điều nầy chỉ thích hợp khi Gia-cốp đã sử dụng gần hết cuộc đời trưởng thành của mình đấu vật với con người — Ê-sau, Y-sác, Laban, và thậm chí với mấy người vợ của mình [Warren W. Wiersbe, Be Authentic. Genesis 25-50 (Colorado Springs. Chariot Victor, 1997), 58].
Gia-cốp đang đứng giữa sự vật vã trong quá khứ của mình với Laban và sự vật vã sắp tới đây với Ê-sau. Đức Chúa Trời đến vào lúc nầy vì Ngài muốn Gia-cốp nhận ra rằng sự vật vã thực sự của ông lâu nay là vật vã với Đức Chúa Trời. Hãy chú ý, chúng ta không được thuật cho biết Gia-cốp đã vật lộn với một con người … con người đã vật lộn với Gia-cốp. Điều nầy có quan trọng không? Tôi nghĩ là quan trọng đấy. Sự thể cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời là nhân vật khởi xướng cuộc vật lộn nầy. Đức Chúa Trời đã đưa Gia-cốp đến mức cuối của bản thân ông. Ngài đang dẫn dắt ông đến chỗ phải định liệu rằng Đức Chúa Trời là siêu việt đối với ông và ông phải phục theo quyền lãnh đạo của Đức Chúa Trời trong đời sống của ông (đối chiếu Rôma 12.1-2).
Không may thay, nan đề quan trọng nhất mà Đức Chúa Trời có với hầu hết chúng ta là dẫn đưa chúng ta cách từ tốn lâu đủ để nghe được tiếng của Ngài. Chúng ta luôn luôn di động, luôn luôn nói năng, không hề ngừng lại để lắng nghe. Vậy, Đức Chúa Trời sẽ làm gì chứ? Nếu chúng ta không đi từ tốn với sức riêng của mình, Ngài sẽ bước vào và làm cho chúng ta đi chậm lại. Với lần trượt chơn. Hay cú điện thoại lúc nửa đêm. Hoặc một sự thăm viếng qua phòng cấp cứu. Hay một cơn khủng hoảng trong gia đình. Hoặc tai vạ về tiền bạc. Hay một chứng bịnh trầm trọng. Hoặc khủng hoảng nào bất kỳ trong cả ngàn cơn khủng hoảng nổ ra trên đường lối nhỏ bé của chúng ta và buộc chúng ta phải dừng lại những gì chúng ta đang làm rồi bắt đầu lắng nghe Đức Chúa Trời [Pritchard, The Breaking Point].
“Khi người đó thấy mình không thắng nổi, bèn đánh vào xương hông Gia-cốp; xương hông liền trặt trong khi vật lộn” (32.25). Sau khi vật lộn với Gia-cốp suốt đêm, người ấy chỉ “đánh vào” xương hông của Gia-cốp và làm trặt chân của ông. Nhưng tại sao Ngài lại đánh vào xương hông của Gia-cốp? Vì hông là bắp thịt lớn nhất và mạnh nhất của cơ thể. Bởi đánh vào xương hông của ông, người kia đã làm cho Gia-cốp phải què quặt ở điểm có sức mạnh nhất của ông. Đây là một bài học mà Gia-cốp không sao quên được. Khi bạn vật lộn với Đức Chúa Trời, bạn luôn luôn thua cuộc. Theo một ý nghĩa, đây là cuộc vật lộn “bất công” vì đến mức cuối Đức Chúa Trời lại gian lận. Ngài gian lận! Đánh vào xương hông của Gia-cốp là “bất công”. Ít nhất, đây là cách nhìn theo quan điểm của con người. Theo luật đấu vật, đánh như thế chẳng phải là “công bằng”. Làm ơn hiểu cho. Đức Chúa Trời là công bình và đúng đắn trong mọi sự Ngài làm. Ngài không hề gian lận. Nhưng đôi khi phải thấy rằng Đức Chúa Trời là bất công trong cách thức Ngài đối xử với chúng ta. Có bao nhiêu người trong chúng ta đã nếm trải một thời gian khó nhọc và nhìn thấy cuộc sống như vụn nát ở chung quanh chúng ta, và chúng ta kêu la: “Đức Chúa Trời ơi! Như vậy là không công bằng”. Và câu trả lời giáng xuống từ Đấng Toàn Năng: “Con ơi, ta không chơi theo luật của con đâu”. Đấy là một bài học quan trọng cần phải tiếp thu. Đức Chúa Trời không chơi theo luật của bạn đâu đấy! Đấy là lý do tại sao có nhiều việc xảy ra trong cuộc sống của bạn mà, ở ngoài mặt, dường như là bất công. Đức Chúa Trời không hề bất công theo ý nghĩa tuyệt đối đâu. Nhưng để hoàn tất mọi mục đích cao trọng hơn của Ngài, Ngài bằng lòng làm ra những điều trong đời sống của bạn dường như đối với bạn là bất công lắm. Câu trả lời của Đức Chúa Trời luôn luôn là: “Con ơi, ta yêu con nhiều hơn là con nhìn biết nữa, nhưng ta không chơi theo luật của con đâu” [Pritchard, The Breaking Point].
“Người đó bèn nói: Trời đã rạng đông rồi; thôi để cho ta đi; nhưng Gia-cốp đáp rằng: Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi” (32.26). Đây là một quyết định mới. Mãi cho tới điểm nầy trong đời sống của Gia-cốp, ông sử dụng mọi sức lực và khả năng của mình để đạt được các cứu cánh của ông. Lần đầu tiên, ông đến mức cuối của mọi năng lực mình. Trước buổi tối nầy, Gia-cốp đang điều khiển buổi trình diễn. Giờ đây, ông nhìn biết rằng không có Đức Chúa Trời, ông sẽ chẳng là gì cả. Tất cả những sự bực bội của ông đã đưa ông chỗ nhìn biết ông vô dụng thể nào khi đem sánh với sức lực của Đức Chúa Trời. Trong trường hợp trước kia ông sử dụng trí thông minh của mình để lừa gạt Ê-sau và mưu mẹo với Y-sác, giờ đây ông đang tiếp thu bài học quan trọng ở Xachari 4.6: “Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy”.
Người kia yêu cầu được buông ra, nhưng Gia-cốp lại từ chối không để cho Ngài đi. Gia-cốp đã rút lại ở vị trí mà ở đó mọi sự ông có thể làm là ôm chặt lấy Chúa với mọi sự mà ông đang có. Gia-cốp không thể vật lộn được nữa, nhưng ông có thể ôm chặt, đấy chẳng phải là một chỗ xấu xa đâu. Ông đã yêu cầu người kia chúc phước cho ông. Gia-cốp, nhà kế hoạch, sau cùng đã đạt tới mức nhìn biết rằng ơn phước của Đức Chúa Trời phải được tiếp nhận từ chính mình Đức Chúa Trời, và điều nầy sẽ được thực hiện bằng cách bám lấy Ngài với sự phụ thuộc vào, chớ không phải bằng cách vận động Ngài. Sau khi vật lộn suốt đêm, Gia-cốp đã trở thành một bậc trượng phu. Ông đã kiếm được mái tóc thuộc linh dài tới ngực. Gia-cốp đang chứng tỏ sức lực và sự bền đỗ. Gia-cốp đã thắng, theo ý nghĩa của việc nhận được sự mình yêu cầu, bằng cách công nhận sự nương cậy và bám vào Đức Chúa Trời là đấng cứu tinh của ông. Thực vậy ông đang ở trong nhu cần đến sự vùa giúp của Đức Chúa Trời (32.26; đối chiếu Giăng 15.5).
Ở 32.27, Chúa Jêsus phán với Gia-cốp, “Tên ngươi là chi? Đáp rằng: Tên tôi là Gia-cốp”. Giờ đây, câu hỏi nầy dường như là kỳ lạ ra từ Chúa! Há Ngài không biết Gia-cốp là ai sao? Tất nhiên là Ngài đã biết chứ! Thắc mắc là: “Gia-cốp, ngươi thực sự không biết ngươi là ai sao?” Lần cuối cùng Gia-cốp bị hỏi tên của mình, câu hỏi đã đến từ Y-sác, cha đời nầy của ông. Gia-cốp đã nói dối trong dịp đó, ông nói: “Con là Ê-sau đây”, rồi cướp lấy sự chúc phước. Còn bây giờ, 20 năm sau, ông đang tìm kiếm phước hạnh của Cha thiên thượng của mình. Lần nầy ông đã đáp rất thành thực: “Tên tôi là Gia-cốp” (nghĩa là, “kẻ nắm gót”, “kẻ lừa đảo”, “kẻ dối gạt”, và “kẻ chiếm chỗ”). Đây là thực tại cơ bản của đời sống Gia-cốp. Ông là một người đã kiếm được đủ thứ cho cái tên của mình. Đây là lời xưng tội thực sự ông là ai. Chính cách xưng nhận về sự thực bản thân ông ở trước mặt Đức Chúa Trời mới có thể biến ông thành một người mới. Gia-cốp đã thú nhận đối với cái tên của mình. Đàn bà sanh ra những người nam; còn Đức Chúa Trời tạo nên người đàn ông.
Tên của bạn là gì? Cho tới khi nào bạn có thể nói: “Tên của tôi là cay đắng”, bạn không thể được chữa lành. Cho tới khi nào bạn có thể nói: “Tên của tôi là tham lam”, bạn không thể được chữa lành. Cho tới khi nào bạn có thể nói: “Tên của tôi là lừa đảo”, bạn không thể được chữa lành. Cho tới khi nào bạn có thể nói: “Tên của tôi là bất trung”, bạn không thể được chữa lành. Tên của bạn là gì vậy? Bất cứ khi nào bạn đã sẵn sàng để được thanh tẩy, Đức Chúa Trời có thể khiến cho bạn được sạch. Nhưng cho tới khi nào bạn ở đúng vị trí mà bạn phải ở như hiện có đây. Sự tự tín, tự lực và tự nương cậy của mỗi tín đồ phải được Đức Chúa Trời thắng hơn nếu chúng ta cần phải làm phu phỉ mọi mục đích của Ngài trong đời sống của chúng ta. Đức Chúa Trời sẽ vật lộn với bạn trong chính ngày nầy đấy. Ngài sẽ phán cùng bạn (bạn là kẻ khéo léo, tinh khôn, có khả năng): “Ngươi đã tin theo Ta, nhưng ngươi luôn luôn vận dụng sự sống của riêng mình và thực thi mọi sự sắp đặt của riêng ngươi. Con ơi, tên của ngươi là gì vậy?” [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 402].
Cho tới khi nào chúng ta bị Đức Chúa Trời làm cho “tan vỡ”, chúng ta không thể được Đức Chúa Trời đại dụng đâu. Đức Chúa Trời nhiều lần đưa chúng ta đến những chỗ phải tan vỡ. Tại sao vậy? Vì Đức Chúa Trời thực sự không thể sử dụng một con người tự tín bao giờ. Nhưng một tấm lòng đau thương và tan vỡ, Ngài sẽ không khinh dễ đâu. Khi bạn tan vỡ, bạn sẽ sẵn sàng lắng nghe và sẵn sàng vâng lời. Khi ấy — và chỉ khi ấy — Đức Chúa Trời mới có thể đại dụng bạn. Có phải bạn tan vỡ hôm nay không? Mục sư A.W. Tozer từng nói: “Chúa không thể chúc phước đầy trọn cho một người cho tới khi nào Ngài đã trước hết chinh phục người ấy” [A.W. Tozer, The Divine Conquest (Harrisburg. PA. Christian Publications, 1950), 53]. Đức Chúa Trời không hề sử dụng bất cứ thứ chi cùng chạy đến với Ngài [Crawford Loritts, “Preaching That Raises Our Sights,” PreachingTodaySermons.Com http.//store.yahoo.com/pttranscripts/prthraoursi.html]. Liệu bạn có chịu tự mình phục theo Ngài không?
Chúa Jêsus đáp: “Tên ngươi sẽ chẳng làm Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng” [Hamilton viết: “Qua sự vật lộn với Đức Chúa Trời, Gia-cốp đã bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc sống của mình (câu 28); ông là một con người mới vì ông giờ đây đã gắn bó với Đức Chúa Trời theo một phương thức mới đối với ông. Là một dấu hiệu của điều nầy, Đức Chúa Trời đã ban cho ông một cái tên mới chỉ ra mối quan hệ mới của ông với Đức Chúa Trời. Israel có nghĩa là ‘chiến binh của Đức Chúa Trời’. Sự công nhận cái tên cũ, và sự thích ứng không hay của nó [Gia-cốp, câu 27], lót đường cho cái tên mới [Israel, câu 28]”. Victor P. Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50. NICOT (Grand Rapids. Eerdmans, 1995), 333]. Gia-cốp đã được ban cho một cái tên mới là Israel [“Sự thay đổi có quan hệ tới phương thức trong đó Gia-cốp đang đắc thắng. Trước đấy, ông đã thắng hơn niều người bằng mưu mẹo. Giờ đây, ông thắng hơn đối với Đức Chúa Trời, và cũng một thể ấy với con người, bằng lời lẽ của ông, chớ không phải bằng những ơn thuộc thể đã được ban cho ông lúc ra đời hay qua nổ lực của con người”. Waltke, Genesis, 446]. Israel có nghĩa là “Đức Chúa Trời đấu vật” hay “người vật lộn với Đức Chúa Trời”. Nếu cách dịch sau là cách dịch được dự trù bởi người vật lộn chúc phước cho Gia-cốp, thì cái tên thích hợp đúng với bản tính của Gia-cốp là người, suốt cuộc sống của ông, đã vật vã với Đức Chúa Trời. Gia-cốp đã trở thành con người của một người … người của Đức Chúa Trời! Khi mặt trời lặn đi, tên của ông là Gia-cốp. Khi mặt trời mọc lên lại, tên của ông là Israel. Vào lúc 8 giờ tối, ông là “kẻ lừa đảo”; lúc 6 giờ sáng, ông là “người đã vật lộn với Đức Chúa Trời”. Trước đêm hôm ấy, Gia-cốp ở trong tình trạng thuộc thể rất nổi bật; sau đó thì ông đã đi giẹo một bên [Pritchard, The Breaking Point].
Một phần của đời mới trong Đấng Christ, ấy là chúng ta được phước với một lai lịch mới! Là tín đồ, chúng ta không còn là hạng tội nhân nữa, mà là hạng thánh đồ! Chúng ta không còn là kẻ thù của Đức Chúa Trời nữa, mà là bạn hữu của Đức Chúa Trời. Chúng ta không còn là trẻ mồ côi nữa, nhưng là con trai con gái nuôi của Đức Chúa Trời. Chúng ta không còn bị chối bỏ nữa, mà là “là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (I Phierơ 2.9). Và Đức Chúa Trời chưa làm xong việc! Trong Khải huyền 2.17, Ngài hứa ban cho một tên mới viết trên hòn đá trắng cho các tín đồ nào đắc thắng. Một cái tên kỳ diệu đến nỗi nó dường như trái với lẽ thường cho bạn trong lúc bấy giờ nếu bạn nghe thấy tên ấy, nhưng Đức Chúa Trời Toàn Năng của chúng ta sẽ làm cho bạn thấy thích nghi với cái tên đó.
Ở 32.29, Môise viết: “Gia-cốp hỏi: Xin cho tôi biết tên người. Đáp rằng: Làm sao ngươi hỏi tên ta? Rồi người nầy ban phước cho Gia-cốp tại đó”. Có điều lạ là nếu: “Làm sao ngươi hỏi tên ta?” là cách hỏi khác: “Gia-cốp ơi, bộ ngươi không biết Ta là ai sao?” [Hamilton, The Book of Genesis, 336]. Động từ “ban phước” ở đây có ý nói rằng Chúa đã mặc lấy cho Gia-cốp với sự thành công; ông sẽ thành công trong mọi sự ông làm, kể cả việc gặp gỡ Ê-sau [See NET Study Bible Notes].
Ai đã thắng cuộc vật lộn trong đêm đó? Đức Chúa Trời. Còn ai thua? Gia-cốp. Nhưng ai đã thực sự thắng? Gia-cốp! Đấy là nghịch lý của cuộc sống. Khi chúng ta vật lộn với Đức Chúa Trời, chúng ta luôn luôn thua. Còn khi chúng ta thua, chúng ta đang thắng! Há Chúa Jêsus không phán tương tự thế sao?
“Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất” (Mác 8.35).
“Đó, những kẻ rốt sẽ nên đầu và kẻ đầu sẽ nên rốt là như vậy” (Mathiơ 20.16).
“Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi” (Mathiơ 20.26).
“Còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi” (Mathiơ 20.27).
Trong nền kinh tế của Đức Chúa Trời, các giá trị của trần gian hoàn toàn bị đảo lộn. Con đường tiến là con đường thoái, còn con đường cứu lấy mạng sống của bạn là phải mất nó. Thật là kỳ lạ, khi bạn vật lộn với Đức Chúa Trời, thất bại dẫn đến đắc thắng và con đường dẫn đến Nước Trời sẽ phải đi bằng con đường thập tự giá.
Câu chuyện của chúng ta kết thúc với sự thể nầy: “Gia-cốp đặt tên chỗ đó là Phê-ni-ên, và nói rằng: Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu”. “Phê-ni-ên” có nghĩa là “mặt của Đức Chúa Trời”. Mặt của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Jêsus Christ. Chúa Jêsus đã giáng xuống từ trời để hạ mình xuống và vật lộn với một người trăm tuổi. Điều nầy thường được hiểu là chẳng có ai nhìn thấy Đức Chúa Trời mà còn sống (48.16; Xuất Êdíptô ký 19.21; 24.10; Các Quan Xét 6.11, 22).
“Khi qua nơi Phê-ni-ên, thấy mặt trời mọc rồi; và người đi giẹo cẳng. Bởi cớ đó, cho đến ngày nay dân Y-sơ-ra-ên chẳng bao giờ ăn gân bắp vế của lối xương hông; vì người đó có đánh vào xương hông Gia-cốp, nơi gân của bắp vế” [Hamilton chỉ ra ý nghĩa biểu tượng về xương hông của Gia-cốp trong lịch sử của Israel. Ông nói: “Sau khi có các tham khảo khác về ‘hông’ trong truyền khẩu về các tộc trưởng, thật là kỳ lạ là sau đó bất kỳ một người Israel nào cũng nhớ tới câu nói nầy [32.25]. Gia-cốp, tổ phụ của dân Israel, đã bị đánh nơi hông, và chính từ cái hông ấy mà mới có dân Israel (Xuất Êdíptô ký 1.5)”. Hamilton, The Book of Genesis, 331]. Gia-cốp đã thường trực đi khập khiễng. Đức Chúa Trời đã làm cho ông què quặt và khiến cho ông ra yếu đuối để Ngài trở thành sức lực của Gia-cốp và quyền phép của Đức Chúa Trời sẽ được nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của Gia-cốp. Đây là một bài học mà Gia-cốp sẽ ghi nhớ với từng bước đi trong phần còn lại của cuộc đời ông (đối chiếu II Côrinhtô 12.7-10). Kết quả của cơn khủng hoảng thuộc linh trong đời sống của Gia-cốp là rõ ràng cho hết thảy những ai đã theo dõi ông từ hồi ấy trở đi (32.31). Nó đã kết quả trong một sự thay đổi trong cách ăn ở của ông. Khi Đức Chúa Trời chạm đến cơ bắp mạnh nhất của Gia-cốp, nhà đấu vật, nó sẽ thắt lại, và với nó sự tự tín khăng khăng của Gia-cốp cũng thắt lại nữa [Davis bình luận như sau: Xuất Êdíptô ký 1.5 chép: ‘Hết thảy những người bởi Gia-cốp sanh ra, được bảy mươi người; Giô-sép đã ở tại xứ Ê-díp-tô’. Từ ngữ Hy bá lai dịch là ‘thắt lưng’ trong bản Kinh Thánh NASB ở Xuất Êdíptô ký 1.5 là cùng một chữ (yarek) với bản dịch NASB dịch là ‘hông’ trong Sáng thế ký 32.25, 31. Hơn nữa, chính biểu tượng nầy đã được sử dụng trong Xuất Êdíptô ký 1.5 cũng có thể được thấy trong Sáng thế ký 46.26 (‘Các người đi đến xứ Ê-díp-tô với Gia-cốp, tức là các người do nơi Gia-cốp sanh, nếu không kể các nàng dâu, thì hết thảy là sáu mươi sáu người’) ở đây bản Kinh Thánh NASB dịch từ Hy bá lai yarek…(hông) là ‘dòng dõi’” Davis, Genesis].
Có thể bạn là một mẫu người giống như Gia-cốp. Có thể bạn cần hàn gắn lại mối quan hệ đã tan vỡ từ quá khứ. Hãy hạ mình xuống đi. Hãy sửa soạn để thực hiện sự bồi thường nếu thấy cần thiết. Hãy đến gặp người ấy, rồi công nhận tội lỗi của bạn và tìm kiếm sự tha thứ. Hãy để việc ấy lại dưới huyết của Đức Chúa Jêsus Christ.
Có thể bạn cần phải làm hoà lại với Đức Chúa Trời. Có lẽ bạn đã kiệt lực khi cố gắng vận dụng sức riêng mình để lấy làm tốt đủ khi trang điểm cho các tội lỗi trong quá khứ của mình — không cứ cách nào đó để hiệp lẽ với Đức Chúa Trời. Hãy công nhận Ngài, hãy nhìn nhận nhu cần của mình, và hãy ôm chặt lấy Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của bạn.


33 Allen P. Ross, “Gia-cốp at the Jabbok, Israel at Peniel,” Bibliotheca Sacra 142.568 (October-December 1985). 350.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét