Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 5.2-12: Giữ lấy sự tự do



Tự do thực – Galati
Giữ lấy sự tự do
Galati 5.2-12
Phaolô giới thiệu phần cuối của sách Galati với một câu nói cao giọng dần ở câu 1. Ông nói. "Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa". Đây là tuyệt điểm, là đỉnh cao của bức thư.
Phần nghiên cứu từng câu một sách Galati đã bị khựng lại cách đây mấy tuần do mùa lễ Giáng sinh và tất nhiên là sự ra đi của mẹ tôi. Tôi rất phấn khởi khi quay trở lại với phần nghiên cứu nầy vì chúng ta cần phải bước vào phần mà tôi ưa thích nhất trong cả sách, ấy là sống đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh! Chúng ta đã nghiên cứu câu 1 thật là chi tiết rồi. Thực vậy, tôi đã giảng dạy câu ấy bằng cả một bài giảng. Để hiểu rõ các câu 2-12, chúng ta cần phải làm cho phần hiểu biết của chúng ta ở câu 1 ra tươi mới hơn, vì vậy, hãy cùng tôi ôn lại cách vắn tắt. Sự dạy dỗ và hiểu biết Kinh Thánh cách đúng đắn không phải là điều chúng ta có thể có được khi thiếu mất sự tập trung, vì thế hãy đào bới trong đầu óc của quí vị và chúng ta hãy xâm nhập vào đấy!
Câu 1 nói cho chúng ta biết bởi đức tin trong Đấng Christ, chúng ta đã ĐƯỢC BUÔNG THA. Các câu 2-12 và phần còn lại của quyển sách cho chúng ta biết làm thế nào để GIỮ LẤY SỰ TỰ DO. Câu 1 thực ra có thể phân thành hai câu. Thứ nhứt, câu nầy chép. "Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do". Như vậy, câu ấy cần phải được gạch dưới trong quyển Kinh Thánh và được chạm khắc trên bảng lòng của chúng ta! Khi quí vị được cứu, Chúa Jêsus buông tha quí vị cho được tự do. Ngài giải phóng quí vị ra khỏi quyền lực của tội lỗi, án phạt của tội lỗi, tình trạng làm tôi mọi cho luật pháp, ra khỏi tội lỗi, tránh khỏi bẫy rập, những sự trông mong nơi người khác và quyền khống chế của Satan. Chúa Jêsus đã phán rõ ràng trong Giăng 8.36: "Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do".
Phần thứ hai ở câu 1 chép: "vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa". Nói cách khác, vì "Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do" giờ đây chúng ta phải sống giống như những người nam người nữ tự do! Chúng ta không nên quay trở lại với cách sống tôi mọi ở dưới những luật lệ, nghi thức, điều lệ và tôn giáo. Chúng ta cần phải sống cao hơn lối sống xu hướng về luật pháp.
Quí vị có thể nhớ lại rằng chúng ta đã minh họa mạng lịnh ấy theo cách nầy. Đức Chúa Trời đã vẽ một vòng tròn quanh chúng ta rồi nói: "Các ngươi đã được tự do. Các ngươi có thể làm bất cứ việc gì hay trở thành hạng người thể nào bao lâu các ngươi ở trong vòng tròn nầy". Tất nhiên vòng tròn đó chính là Lời của Đức Chúa Trời, là Kinh Thánh.
Vì vậy có nhiều người muốn tra các đường ranh giới của họ trên chúng ta. Họ muốn bảo chúng ta phải sinh sống như thế nào, ăn mặc ra sao, tóc tai thể nào, nên đi đâu và phải làm gì. Họ muốn tác động trên chúng ta với tội lỗi và sự phán xét. Vấn đề là, đây là những đường ranh giới của họ chớ không phải của Đức Chúa Trời. Vòng tròn của họ thì nhỏ hơn vòng tròn của Đức Chúa Trời nhiều lắm. Nếu quí vị không nghiên cứu Kinh Thánh, quí vị sẽ để cho người khác định hạn sự tự do của quí vị đấy!
Nếu quí vị thực được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời, quí vị đã được buông tha rồi! "Hãy đứng vững" trong sự tự do của quí vị! Đừng để người nào hớt mất sự tự do đó. Đừng quay trở lại với vòng "tôi mọi" hay tôn giáo xu hướng về với luật pháp. Trong 11 câu kế tiếp, Phaolô cung ứng cho chúng ta hai tiêu chuẩn để giữ lấy sự tự do. Hãy tránh né sự dạy giả dối và hãy trục xuất các giáo sư giả.
I. Muốn giữ lấy sự tự do, chúng ta phải tránh né sự dạy giả dối (các câu 2-6).
Khi quí vị đọc phân đoạn Kinh Thánh gốc, quí vị thấy những cụm từ "chịu làm phép cắt bì" hay "phép cắt bì" trong bốn câu (2, 3, 6, 11). Rõ ràng, "phép cắt bì" là phần quan trọng cho sự hiểu biết tiểu đoạn nầy. "Phép cắt bì", là việc cắt bỏ bao quy đầu của người nam, là biểu tượng chính của Do thái giáo. Đức Chúa Trời đã truyền cho Ápraham và hết thảy dòng dõi của ông đều phải chịu "phép cắt bì" . Việc cắt bỏ bao quy đầu là một biểu tượng và là một sự nhắc nhớ rằng Đức Chúa Trời muốn cắt bỏ tội lỗi ra khỏi tấm lòng của họ bởi đức tin.
Vấn đề là, thay vì là một biểu tượng và là một sự nhắc nhớ tới ân sũng và ơn phước của Đức Chúa Trời giáng trên người Do thái là một dân tộc, đối với họ "phép cắt bì" trở thành một phương thức khiến cho họ được hoà thuận lại với Đức Chúa Trời. Họ bắt đầu tin cậy nơi biểu tượng thay vì tin cậy nơi Đức Chúa Trời.
Hiểu rõ Phaolô không bài bác bản thân phép cắt bì là một việc rất quan trọng. Ông đã chịu phép cắt bì. Timôthê đã chịu phép cắt bì như một người Do thái để mở ra thêm nhiều cánh cửa cho Tin lành. Vấn đề là, họ đã tin cậy vào phép cắt bì để được cứu thay vì tin cậy nơi Chúa Jêsus.
Các giáo sư giả ở xứ Galati được gọi là những kẻ theo giáo Giu-đa đã nói: "Quả là quan trọng khi tin theo Chúa Jêsus, nhưng như thế chưa đủ để được cứu đâu. Bạn cũng phải chịu phép cắt bì và tuân giữ luật pháp Môise nữa". Mục đích của Phaolô, ấy là quí vị không thể tin theo cả hai mặt như thế. Một là quí vị tin vào phép cắt bì hay là quí vị tin cậy nơi Đấng Christ!?!
Phép cắt bì không phải là một vấn đề tranh cãi chủ yếu giữa vòng Cơ đốc nhân ngày nay. Tuy nhiên, con người đang tiếp tục tin tưởng nơi các biểu tượng hơn là tin theo Chúa Jêsus. Có người tin rằng vì họ đã chịu phép báptêm, đương nhiên họ được cứu. Phép báptêm là một biểu tượng tuyệt vời trong Kinh Thánh, song phép ấy chẳng cứu được ai. Nhiều người khác tin rằng vì họ thông công với nhau đều đặn, thuộc về một giáo hội hay hệ phái đặc biệt nào đó, hoặc tuyên xưng tội lỗi với một linh mục, thế thì họ sẽ được cứu. Tiêu điểm của Tân Ước rất là rõ ràng, CHỈ CÓ CHÚA JÊSUS MỚI CÓ QUYỀN CỨU MÀ THÔI!
Trong các câu 2-6, Phaolô chỉ ra bốn hậu quả của việc tin theo một biểu tượng thay vì tin theo Cứu Chúa.
A. Sự dạy giả dối phân rẻ dân sự ra khỏi Đấng Christ (câu 2).
Hãy lưu ý Phaolô sử dụng một lời khuyên theo cách cá nhân. Ông nói: "Tôi là Phaolô nói với anh em…". Ở đây, ông đang nương vào thẩm quyền sứ đồ của ông. Là một sứ đồ, một khâm sai trực tiếp của Đức Chúa Jêsus Christ, ông nói: "Nếu anh em chịu phép cắt bì, thì Đấng Christ không bổ ích chi cho anh em hết". Ông là người Do thái. Ông đã chịu "phép cắt bì". Tại sao ông nói ra điều nầy?
Phaolô có ý nói rằng nếu có ai nhận lãnh "phép cắt bì" với lòng tin rằng "phép cắt bì" sẽ cứu lấy người ấy hay thêm vào sự cứu rỗi của người ấy, người ấy đã chối bỏ Chúa Jêsus. Đấng Christ sẽ chẳng “bổ ích” chi hay có lợi lộc gì cho người ấy hết. Chúa Jêsus cung hiến sự cứu rỗi trọn vẹn và đời đời cho hết thảy những ai chịu tin nơi Ngài. Tuy nhiên, sự cứu rỗi đời đời đó không có hiệu lực gì cho những ai tin cậy vào bất cứ cái gì khác, bất kỳ biểu tượng hay bất kể hành động nào khác của con người.
Thí dụ, có người tìm cách thêm phép báptêm vào việc tin cậy Đấng Christ. Họ nói: "Phải, quí vị phải tin cậy Đấng Christ, nhưng kế đó quí vị phải bị nhúng xuống nước thì mới chắc chắn được cứu". Vấn đề với sự dạy, ấy là người ta tin vào sự kiện họ đã chịu phép báptêm thay vì tin cậy nơi thân vị của Chúa Jêsus! Sự việc hiển nhiên, ấy là phép báptêm, giống như phép cắt bì đã khiến cho Đấng Christ “chẳng bổ ích cho họ hết”.
Hãy nhớ rằng thư tín nầy đã được viết cho "các Hội thánh ở xứ Galati" (1.2). Hầu hết những người mà Phaolô viết cho họ đều là các tín đồ chân chính, nhưng giống như hầu hết các Hội thánh ngày nay, đã có một số người thực sự chưa được biến đổi. Đối với những kẻ chưa được cứu, Phaolô nói rằng họ sẽ chẳng nhận được "bổ ích" hay lợi ích gì từ Đấng Christ nếu họ tin cậy vào "phép cắt bì". Đối với những ai là tín đồ đích thực, Phaolô nói rằng sẽ chẳng có "bổ ích" hay lợi ích gì, không có một sự tấn tới thuộc linh nào trong Chúa nếu họ bắt đầu tin cậy vào "phép cắt bì", khi thêm phép nầy vào với Đấng Christ.
Tôi đã tin cậy một mình Đấng Christ để được cứu khi tôi mới có 14 tuổi. Tôi đã đi nhà thờ suốt đời sống tôi, nhưng tin nơi nhà thờ không cứu được tôi đâu. Khi 7 tuổi, tôi đã chịu phép báptêm, nhưng phép báptêm không cứu được tôi. Tôi là thuộc viên của một nhà thờ địa phương, nhưng địa vị thuộc viên không cứu được tôi. Tôi là một thiếu nhi ngoan ngoản, nhưng ngoan ngoản không cứu được tôi. Lúc tôi được 14 tuổi, Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt tôi khiến cho tôi hiểu được rằng mình chỉ tin cậy nơi một mình Đấng Christ mà thôi. Tôi phải đạt tới chỗ nhận ra mình chẳng thể làm gì được, không một nổ lực nào của con người có thể cứu được tôi. Tôi nhìn nhận rằng mình vô dụng, mình không thể tự cứu lấy mình được và chỉ có Chúa Jêsus mới có quyền cứu mà thôi.
Tin cậy vào bất cứ thứ chi khác trong chỗ của Đấng Christ hoặc thêm vào với Đấng Christ thì không phải là tin cậy nơi Đấng Christ đâu. Tôi thích cách trình bày của John MacArthur: "Một Đấng Christ phụ thuộc là một Đấng Christ bị chiếm chỗ".
B. Sự dạy giả dối buộc người ta phải tuân giữ trọn luật pháp (câu 3).
Phaolô nói: "Tôi lại rao [khẳng định cách cấp bách] cho mọi người chịu cắt bì rằng, họ buộc phải vâng giữ trọn cả luật pháp". Nói cách khác, nếu quí vị thêm "phép cắt bì" vào sự cứu rỗi, quí vị hiện bị buộc phải vâng giữ trọn luật pháp.
Giacơ 2.10 chép: "Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy". Đức Chúa Trời không chiếu theo chỗ cong quẹo. Nếu quí vị muốn tiếp cận Ngài bằng sự nhơn đức của riêng mình, quí vị phải nên trọn vẹn, trọn lành cách hoàn toàn. Quí vị thậm chí không được có một tội lỗi nào cả. Mặc dù quí vị có thể sống cách trọn vẹn suốt cả cuộc đời của mình và có một phút thất bại ngay giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, quí vị sẽ bị hư mất!
C. Sự dạy giả dối khiến cho người ta phải lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển (câu 4).
Kế đó vị Sứ đồ nói: "Anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, mất ân điển rồi". Câu nầy là nguồn của sự hiểu lầm và tường trình sai trái qua nhiều thế kỷ. Nhiều người đã dùng câu nầy để ra sức dạy rằng người nào đã được cứu, người ấy có khả năng mất đi ơn cứu rỗi của mình. Đấy không phải là tất cả mọi trường hợp đâu. Thực vậy, trong nội dung chúng ta thấy rằng Phaolô không xử lý với sự an ninh đời đời mà xử lý với sự pha trộn giữa luật pháp và ân điển.
"Lìa" có nghĩa là "phân cách hay rời ra". Nếu một người bị phân cách ra khỏi vợ của mình, nàng bị coi là “người vợ bị ly thân” đối với chồng. Phaolô đang viết thư cho một số người, họ đã bị phân cách hay "đã lìa khỏi Đấng Christ". Họ là ai? Phaolô nói cho chúng ta biết. Họ là những kẻ "muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình".
Mục tiêu: ấy là quí vị có thể tiếp cận Đức Chúa Trời chỉ từ một trong hai con đường. Quí vị không thể sử dụng cả hai được. Quí vị phải chọn lấy một mà thôi. Quí vị không thể tra một chân trên đường nầy rồi tra chân kia trên con đường kia. Quí vị phải lựa chọn thôi. Quí vị sẽ chọn tiếp cận Đức Chúa Trời qua ngả "luật pháp" hay qua "ân điển"? Hai con đường nầy tuyệt đối không sánh bước cùng nhau được mà chúng riêng rẽ với nhau. Chọn lấy con đường nầy là chối bỏ con đường kia.
Trong xứ Galati đã có một số người đang nổ lực "cậy luật pháp cho được xưng công bình". Họ đang ra sức kiếm cho kỳ được ơn cứu rỗi bằng cách chịu "phép cắt bì" và vâng giữ luật pháp. Tôi nghĩ câu nầy đặc biệt bị các giáo sư giả lèo lái, họ là những giáo sư theo giáo Giu-đa. Phaolô đang nói nếu quí vị đi theo con đường đó, quí vị bị phân cách ra khỏi con đường Jêsus, quí vị đã "lìa khỏi Đấng Christ". Nếu quí vị đi theo con đường luật pháp, quí vị đã "mất ân điển rồi".
Trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên, đã có nhiều người vứt bỏ lẽ thật của tin lành. Họ đã nhìn thấy nhiều dấu kỳ phép lạ do các sứ đồ làm ra. Họ bị cuốn hút với sứ điệp của Chúa Jêsus. Dầu vậy, có nhiều người khi ấy, giống như nhiều người hôm nay, đã xây lưng họ về phía Tin lành. Họ đã xuôi theo với tôn giáo do con người lập ra. Hạng người thể ấy là những kẻ bội đạo. Hêbơrơ 6.4-6 chép: "Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Chúa Trời, nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường". Một người từng ở trên con đường ân điển nhưng lại chối bỏ nó mà sa ngã, trở lại với tôn giáo do con người lập ra, làm sao họ được cứu cho được?
Nói như vầy không có nghĩa là một người thực được cứu hay được xưng công bình và rồi mất đi ơn cứu rỗi của người ấy. Kinh Thánh không hề nói tới việc "không xưng công bình". Ngược lại, Rôma 8.30 chép: "còn những kẻ Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã gọi, những kẻ Ngài đã gọi, thì Ngài cũng đã xưng là công bình, và những kẻ Ngài đã xưng là công bình, thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển".
Đôi khi các tín đồ chân chính bị kéo vào xu hướng thiên về với luật pháp. Khi họ làm cho nhiều người khác rút vào vòng tròn tự do của Đức Chúa Trời vì cớ mạng sống của họ. Họ đi từ chỗ bước đi trong ân điển tới chỗ bị xiềng xích vào luật pháp, đổi cách sống bởi đức tin để lấy cách sống bởi việc làm, đổi cách sống theo Thánh Linh để lấy cách sống theo xác thịt. Chúng ta đã ĐƯỢC BUÔNG THA CHO ĐƯỢC TỰ DO và chúng ta cần phải GIỮ LẤY SỰ TỰ DO đó bằng cách chối bỏ sự dạy và các giáo sư giả dối.
D. Sự dạy giả dối chối bỏ hạng người có đức tin (các câu 5-6).
Hãy lưu ý cách Phaolô đã nâng đại từ nhân xưng từ "anh em" sang "chúng ta". Ông nói trong câu 4 về "anh em thảy đều muốn cậy luật pháp cho được xưng công bình". Trong câu 5, ông nói về phần "chúng ta" là những người "bởi đức tin và nhờ Đức Thánh Linh mà chúng ta được nhận lãnh sự trông cậy của sự công bình". Phần nhấn mạnh trong các câu 5-6 là đức tin, chớ không phải việc làm. Chúng ta hãy để ý hai câu nói về đức tin cung ứng cho chúng ta sự trông cậy.
Thứ nhứt, chúng ta bởi đức tin mà trông đợi. Phaolô nói chính là "bởi đức tin" mà chúng ta "nhờ Đức Thánh Linh mà chúng ta được nhận lãnh sự trông cậy của sự công bình". Mặc dù chúng ta có sự công bình của Đấng Christ gắn trên đời sống chúng ta ngay lúc bây giờ, chúng ta đang trông đợi sự công bình trọn vẹn, sự nên thánh hoàn toàn và sự vinh hiển sau cùng. Chúng ta không phấn đấu để đạt được điều đó; chúng ta trông đợi nó. Chúng ta không làm việc để được nó; chúng ta trông đợi nó. Chúng ta không tìm kiếm nó; chúng ta trông đợi nó. Đó là sự "trông cậy" mà chúng ta đang trông đợi. Trong câu nầy chúng ta học biết rằng chúng ta cần phải sống trong quyền phép của "Đức Thánh Linh" chớ không phải theo xác thịt, trong "sự trông cậy" chớ không phải trong sự bất an, và trong "đức tin" chớ không phải nơi việc làm!
Thứ hai, đức tin đúng là vấn đề nổi cộm hơn hết. Hãy nhìn vào câu 6, vị sứ đồ khẳng định: "Vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, cái điều có giá trị, không phải tại chịu phép cắt bì hoặc không chịu phép cắt bì, nhưng tại đức tin hay làm ra bởi sự yêu thương vậy". Khi quí vị ở "trong Đức Chúa Jêsus Christ" thì chẳng còn cần một điều chi khác nữa. Chịu cắt bì hay không chịu cắt bì cũng chẳng thêm hay bớt được chi nơi quí vị, địa vị thuộc viên trong Hội thánh hay bất cứ địa vị nào khác cũng sẽ chẳng thêm hay bớt được chi nơi chỗ đứng của quí vị trong Đấng Christ. Mọi vấn đề, ấy là đức tin!
Đời sống Cơ đốc là một đời sống đức tin và đức tin ấy tạo ra việc làm của tình yêu thương. Phaolô nói ở cuối câu 6 chính "đức tin làm ra bởi sự yêu thương vậy". Sản phẩm của đức tin chúng ta, bởi quyền phép của Thánh Linh ngự bên trong chính là tình yêu thương. Cách "ăn ở" của chúng ta đối với Đức Chúa Trời là sản phẩm của đức tin chúng ta, là kết quả của tình yêu chúng ta. Chúng ta không làm việc để được xưng công bình, chúng ta làm việc vì cớ sự công bình mà Đấng Christ đã đặt rồi trong đời sống chúng ta.
II. Muốn giữ lấy sự tự do, chúng ta phải trục xuất hạng giáo sư giả (các câu 7-12).
Khi chúng ta bước sang các câu 7-12, vị sứ đồ tô đậm phần nhấn mạnh từ mối nguy hiểm của sự dạy và các giáo sư giả. Điều nầy nhắc cho tôi nhớ tới câu chuyện kể về một người kia có con chim hoàng yến rất đẹp, giọng hót của nó rất là hay. Trong suốt mùa hè, giữ con chim ở trong nhà suốt ngày dường như là một việc không hay cho lắm. Vì vậy, người chủ đã đặt chiếc lồng chim ở một cây gần đó để cho con chim thưởng thức ánh nắng mặt trời và bầu không khí rộng mở. Nhiều con chim sẻ thường đậu trên cây và bị lôi cuốn đến với chiếc lồng đó. Lúc đầu, chim hoàng yến rất đỗi sợ hãi, nhưng không lâu sau đó đã thưởng thức tình bạn của mình. Nhưng dần dần và hầu như không lường trước nó mất đi giọng hót hay thường ngày. Đến cuối mùa hè giọng hót của nó còn ít hơn tiếng tíu tít của bầy chim se sẻ kia. Sau khi qua mùa hè trong một môi trường không đúng khiến cho con chim hoàng yến mất đi bài ca hay nhất của nó. Cũng một thể ấy, các giáo sư giả dẫn chúng ta lạc sai đối với bài hát tự do mà chúng ta đang có trong Đấng Christ. Chúng ta hãy xét qua 5 đặc điểm của các giáo sư giả.
A. Các giáo sư giả che giấu sự thật (câu 7).
Phaolô nói: "Anh em chạy giỏi; ai đã ngăn trở anh em đặng không cho vâng phục lẽ thật?" Khi Phaolô nói: "Anh em chạy giỏi", ông đang so sánh đời sống Cơ đốc với cuộc chạy marathon, một hình bóng ông thường sử dụng xuyên suốt cả Tân Ước. Khi chúng ta được cứu, chúng ta bắt đầu cuộc chạy và chúng ta cứ giữ việc chạy cho tới chừng nào chúng ta gặp Chúa Jêsus mặt đối mặt. Gần cuối đời mình, vị sứ đồ đã viết: "Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin" (II Timôthê 4.7).
Mới đây tôi có đọc về giải vô địch NCAA chạy băng ngang qua xứ tổ chức tại Riverside, California. Trong 128 vận động viên, 123 người trong số họ đã bỏ qua một ngả rẽ và không xứng đáng nhận huy chương. Một vận động viên là Mike Delcavo, đã giữ cuộc chạy 10.000 m rồi bắt đầu vẫy gọi các bạn đồng đội của mình hãy chạy theo. Delcavo có khả năng thuyết phục chỉ có bốn vận động viên khác chạy theo sau mình. Khi được phỏng vấn các vận động viên đã nghĩ gì về quyết định không chạy theo đám đông ở giữa cuộc, Delcavo đáp như sau: "Họ nghĩ là tôi đã chạy đúng tuyến đường".
Các tín đồ thành Galati đã có phần khởi sự tốt trên cuộc chạy của đức tin. Phaolô nói họ: "chạy giỏi" vào lúc ban đầu. Họ đã biết "vâng theo lẽ thật". Muốn chạy cuộc đua cho giỏi không những phải tin theo lẽ thật hay có cách ăn ở đạo đức đúng đắn. Muốn chạy cuộc đua cho giỏi thì phải "vâng theo lẽ thật", phải áp dụng những điều chúng ta tin theo vào cách ăn ở của chúng ta, phải thể hiện đức tin của mình ra. John Stott viết: "Chỉ có người nào vâng theo lẽ thật mới là một Cơ đốc nhân xác thực. Những gì người tin theo và cách cư xử của người là mọi sự của một bức tranh. Tín điều của người được tỏ ra qua cách ăn ở; cách ăn ở của người được rút ra từ tín điều của người".
Mặc dù họ đã "chạy giỏi" vào lúc ban đầu và biết "vâng theo lẽ thật", có ai đó đã "ngăn trở" họ. "Ngăn trở" sát nghĩa là "đánh ngược lại". Phaolô thắc mắc không biết người đó là ai, ai đã trở thành mối ngăn trở, ai là vầng đá vấp chơn trên đường chạy của họ. Tất nhiên, cả Phaolô và độc giả của ông đều biết rõ chính những kẻ theo giáo Giu-đa chuyên dạy giả dối, họ đã làm cho mâu thuẫn sự dạy của quí sứ đồ.
Ngày nay không còn có những kẻ theo giáo Giu-đa nữa, nhưng sự dạy giả dối vẫn còn quanh đây. Chỉ vì ai đó đang mang theo Kinh Thánh không có nghĩa là họ đang nói ra lẽ thật. Chỉ vì một giáo sư đang có mặt trên TV hay trên đài phát thanh không có nghĩa là người ấy có một sứ điệp đúng đắn đâu. Chỉ vì một người đang nắm lấy chức vụ, một nhà thờ hay một lớp học Kinh Thánh không chắc chắn người ấy đang công bố ra tin lành thanh sạch đâu. ĐÂY LÀ LÝ DO TẠI SAO QUÍ VỊ CẦN PHẢI THƯỜNG XUYÊN VỚI LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI… ĐỂ SỰ TỰ DO CỦA QUÍ VỊ THAM DỰ CUỘC CHẠY KHÔNG BỊ MỘT GIỚI HẠN HAY NGĂN TRỞ NÀO!
II Phierơ 2.1 chép: "Dầu vậy, trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình".
B. Các giáo sư giả không đến từ Đức Chúa Trời (câu 8).
Phaolô nói cho chúng ta biết "Sự xui giục đó không phải đến từ Đấng gọi anh em". 1.6 chép Đức Chúa Trời "gọi anh em bởi ơn Đức Chúa Jêsus Christ" thế mà họ lại xây qua một "tín ngưỡng" khác, một "tin lành khác" về nghi thức và tuân giữ luật lệ thay vì ân điển.
Hỡi Hội thánh, phải cẩn thận đấy. Có nhiều giọng khác nhau đang hò hét kêu gọi sự chú ý của quí vị. Có nhiều con sói giữa vòng bầy chiên của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus phán: "Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thi đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi" (Mathiơ 7.21).
C. Các giáo sư giả khiến nhiều người khác phải sai lạc (câu 9).
Phaolô trưng dẫn một câu châm ngôn của người Do thái ở đây: "Một ít men làm dậy cả đống bột". Một ít men ngấm vào cả khối bột. "Men" trong Kinh Thánh là biểu tượng cho tội lỗi và sai lầm. Phaolô sử dụng đúng câu Châm ngôn nầy ở I Côrinhtô 5.6 để chỉ ra thể nào tội lỗi có thể hủy phá mối tương giao của một gia đình tin kính. Ở đây trong thơ Galati "men" tiêu biểu cho cách một ít sự dạy giả dối có thể ngấm vào một bộ phận lớn các tín đồ.
Đây là một trong những lý do mà chúng ta cần phải cảnh giác, coi chừng những gì chúng ta dạy dỗ. Chúa Jêsus phán trong Mathiơ 7.15: "Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé". Phaolô nói với các trưởng lão Êphêsô trong Công Vụ các Sứ Đồ 20.29: "Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu".
D. Các giáo sư giả bắt bớ nhiều người khác (các câu 10-11).
Kế đó Phaolô nói: "Trong Chúa, tôi đối với anh em có lòng tin cậy nầy, là anh em chắc không có ý khác…". Phaolô vốn biết rõ ở trong lòng rằng sự sai lạc ấy sẽ không thắng hơn lẽ thật cho được. Ông dám nói chắc rằng người Galati sẽ đạt tới chỗ ý thức được và nhìn thấy sự dạy giả dối nầy thực sự nó giả dối như thế nào!?! Sự tin tưởng của ông không những đặt nơi họ, mà còn đặt "trong Chúa" nữa, vì Chúa sẽ dẫn họ vào trong mọi lẽ thật. Như ông đã nói với người thành Philíp: "tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ" (Philíp 1.6).
Bất luận một tín đồ chân chính có rơi vào chỗ sai lạc như thế nào đi nữa, số phận đời đời của người đã được đặt để, được Đức Chúa Trời nắm chặt lấy rồi. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 10.28-29: "Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha".
Số phận của các giáo sư giả kia, những kẻ đã dẫn dắt người khác sai lạc là sự phán xét. Trong câu 10, vị sứ đồ nói thêm: "…nhưng kẻ làm rối trí anh em, bất luận người nào, sẽ chịu hình phạt về điều đó".
Câu 11 dường như cho rằng những kẻ theo giáo Giu-đa, các giáo sư giả xưng rằng Phaolô đã nhất trí với sự dạy của họ. Phaolô hỏi: "Hỡi anh em, về phần tôi, nếu tôi còn giảng phép cắt bì, thì sao tôi còn bị bắt bớ nữa?" Nếu ông vẫn rao giảng người ta cần phải chịu phép cắt bì, thì tại sao người Do thái cứ bắt bớ ông hoài vậy? Nếu phép cắt bì cứu rỗi được, thì chẳng ai cần đến sự chết của Đấng Christ và "sự vấp phạm về thập tự giá há chẳng phải bỏ hết rồi sao?"
Stott viết: "Phaolô đưa bản thân mình cùng các giáo sư giả vào sự đối chiếu. Họ đang giảng về phép cắt bì; ông đang giảng về Đấng Christ và thập tự giá. Giảng về phép cắt bì là nói cho hạng tội nhân biết rằng họ có thể tự cứu lấy họ bằng những việc lành của riêng họ; giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá là nói cho họ biết họ không thể tự cứu được và chỉ có Đấng Christ mới có quyền cứu họ nhờ vào thập tự giá … giảng về phép cắt bì là tránh né sự bắt bớ; giảng Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá là mời đón sự bắt bớ đó. Người ta không thích nghe họ sẽ được cứu chỉ tại nơi chơn của thập tự giá, và họ chống đối nhà truyền đạo nào nói với họ điều đó".
E. Các giáo sư giả sẽ bị dứt bỏ (câu 12).
Sau cùng, Phaolô nói: "Nguyền cho kẻ gieo sự rối loạn trong anh em thà họ tự chặt mình là hơn!" Đây là một trong những câu nói khắc nghiệt nhất mà chúng ta có từ vị sứ đồ. Ông chẳng chút thương xót đến tà giáo đã được rao ra bởi những kẻ theo giáo Giu-đa dạy giả dối đến nỗi ông ao ước họ sẽ "tự chặt" hay tự cắt xẻo mình. Bản Kinh Thánh NEB dịch cụm từ nầy như sau: "tự mình làm nên hoạn".
Phaolô vốn yêu thương dân sự của Đức Chúa Trời và lẽ thật của Ngài đến nỗi ông ao ước bất kỳ ai làm hư hoại công việc của Đức Chúa Trời sẽ bị dứt bỏ đi. Ông nói trong 1.8: "Nhưng nếu có ai, hoặc chính chúng tôi, hoặc thiên sứ trên trời, truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành chúng tôi đã truyền cho anh em, thì người ấy đáng bị a-na-them!" Hỡi Hội thánh, chúng ta là những cá nhân tín đồ nên có một tình cảm đó, một sự khao khát muốn có lẽ thật!
Cho phép tôi kết luận với hai tư tưởng sau cùng.
Chúng ta một là chọn Đấng Christ hay chọn phép cắt bì. Tất nhiên là phép cắt bì có ý nói tới bất kỳ một phương thức nào tiếp cận Đức Chúa Trời bởi các việc làm của chúng ta, bằng sự tin tưởng vào một việc gì đó khác hơn Đấng Christ. Quí vị đang tin vào phép báptêm hay tin theo Chúa Jêsus? Quí vị đang tin nơi nhà thờ của mình hay tin theo Chúa Jêsus? Quí vị đang tin vào gia đình mình hay tin theo Chúa Jêsus?
Chúng ta một là chọn tự do hay là chọn nô lệ. "Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do", vì lẽ đó chúng ta phải "đứng vững" trong sự tự do vinh hiển của chúng ta. Chúng ta chớ lại "để mình" dưới bất cứ một hình thái tôn giáo “tôi mọi” nào nữa. Chúng ta cần phải giữ lấy vòng tròn của mình, những đường ranh giới tuy chặt chẽ nhưng rất rộng rãi của chúng ta.
Danny Cox, một cựu phi công phản lực đổi sang làm thầu kinh doanh, ông nói với các độc giả của mình trong tờ Seize the Day rằng khi các máy bay chiến đấu phản lực được sáng chế ra, chúng đã "bay nhanh hơn loại phi cơ có trước chúng. Vì vậy việc viên phi công bị hất tung ra ngoài là một quá trình rất công phu. Tất nhiên là theo lý thuyết, mọi sự mà viên phi công cần phải làm là ấn một cái nút, bay ra khỏi phi cơ, rồi rời khỏi chiếc ghế cho tới khi dù mở ra".
Nhưng có một vấn đề phát sinh trong cuộc thử nghiệm đó. Một số phi công, thay vì bung ra ngoài, sẽ ngồi lì trên chiếc ghế. Chiếc dù sẽ bị kẹt giữa chỗ ngồi và lưng của viên phi công.
Các vị kỹ sư quay trở lại với bảng vẽ rồi đi đến một giải pháp. Cox viết: "Bản thiết kế mới chỉ ra sợi dây đai 2 inches. Một đầu gắn vào gờ trước của chỗ ngồi, dưới mông của viên phi công. Còn đầu kia gắn vào ống đặt phía sau đầu viên phi công có truyền điện. Hai giây sau khi bung ra, ống sắt có truyền điện chỗ dựa đầu phi công ngay lập tức buông lỏng sợi dây đai, rồi đẩy viên phi công ra phía trước rời khỏi chỗ ngồi, rơi tự do một lúc chờ dù mở ra".
Kết luận, ấy là các phi công lái máy bay phản lực chiến đấu cần dụng cụ đẩy họ ra khỏi chiếc ghế ngồi. Thắc mắc, ấy là điều gì sẽ đẩy chúng ta ra khỏi vị trí của mình?
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét