Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Galati 5.1: Được buông tha!



Tự do thực – Galati
Được buông tha!
Galati 5.1
Trong 11 năm, một người có tên là Merhan Karimi Nasseri đã sống trong phi trường Paris. Ông là một người không có tổ quốc. Ông không có một giấy thông hành nào hết. Ông chẳng có quyền công dân. Ông chẳng có một giấy tờ nào có thể giúp ông rời khỏi phi trường hay bay tới một quốc gia nào khác. Ông đã bị trục xuất ra khỏi bản quốc của ông là Iran. Người Pháp đã đưa ông tới nước Anh, nhưng ông đã từ chối không chịu vào và được gửi trả về lại Paris. Khi ông được gửi về lại phi trường Paris vào năm 1988, giới chức ở phi trường đã cho phép ông ngụ ở Terminal 1, và ông đã ở đó ngót 11 năm, khi viết trong một quyển nhật ký, sống nhờ vào của bố thí từ các nhân công làm việc tại phi trường, làm vệ sinh lau chùi các phòng tắm ở phi cảng. Thế rồi vào tháng 9 năm 1999, nhà cầm quyền Pháp đã cấp cho Nasseri một thẻ du lịch quốc tế và giấy phép cư trú ở Pháp. Đột nhiên ông có quyền tự do đi bất cứ đâu ông muốn. Khi các quan chức ở phi cảng trao cho ông các giấy tờ có quyền đi lại nầy, trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông chỉ mĩm cười, xếp các tờ giấy lại, rồi mở nhật ký ra viết tiếp. Ông rất sợ phải rời khỏi băng ghế và chiếc bàn đã trở thành quê hương của ông trong 11 năm trời. Khi thời gian trôi qua và Nasseri từ chối không chịu ra đi, các quan chức ở phi trường nói họ sẽ không ném ông ta ra khỏi phi cảng, mà họ sẽ dịu dàng và kiên nhẫn giúp cho ông ta tìm được một mái ấm gia đình mới.
Ông Nasseri là biểu tượng cho nhiều Cơ đốc nhân. Câu gốc chép: "Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do". Chúa Jêsus phán: "Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do" (Giăng 8.36). Khi chúng ta dâng đời sống của mình cho Đấng Christ, quả thực Ngài buông tha cho chúng ta được tự do. Tuy nhiên, giống như người kia trong phi cảng, chúng ta sợ hãi không dám bước ra với sự tự do đó. Nhiều người tín đồ chọn ở lì trong hình thái xu hướng về với luật pháp hơn là kinh nghiệm sự tự do đáng mừng thuộc về họ trong Đấng Christ.
Galati 5.1 là câu trọng tâm của cả quyển sách. Đây là đỉnh cao, là tâm điểm và là linh hồn của bức thư. Nó bộc bạch xúc tích sứ điệp mà sứ đồ đã trình bày rất chi tiết. Câu nầy chép như sau: "Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa".
Thành thực mà nói, tôi tính gộp cả các câu 1-12 cho hôm nay. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu nghiên cứu phân đoạn vào đầu tuần nầy, tôi không thể bỏ qua câu 1 được. Tôi càng xem xét câu nầy, thì càng đào bới lẽ thật nhiều từ nó. Tôi đã cố gắng chuyển qua những câu kế tiếp, song Đức Thánh Linh cứ giữ tôi lại tập trung vào câu thứ nhứt nầy. Trong câu nói nầy, Đức Thánh Linh cung ứng cho chúng ta các chìa khoá để sinh sống trong sự tự do.
Không may, cả hai bản Kinh Thánh NKJV và KJV không cung ứng phần giải thích sát nghĩa bản gốc Hy lạp trong câu nầy. Bản Kinh Thánh NKJV chú thích như sau: "Vì sự tự do mà Đấng Christ đã lập cho chúng ta; hãy đứng vững". Bản Kinh Thánh NRSV đọc như sau: "Vì sự tự do mà Đấng Christ đã cung ứng cho chúng ta. Vậy, hãy đứng vững…" Bản Kinh Thánh NEB chép: "Đấng Christ đã cung ứng sự tự do để chúng ta trở thành hạng người tự do". Bản Kinh Thánh NCV nói như sau: "Chúng ta có sự tự do trong lúc bây giờ, vì Đấng Christ đã khiến cho chúng ta được tự do".
Còn trong bản Kinh Thánh Hy lạp, câu nầy được chia ra thành hai câu phân biệt. Chúng ta sẽ xem xét riêng từng câu đó. Thứ nhứt, có NỀN TẢNG cho sự tự do của chúng ta: "Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do". Kế đó là cách BẢO HỘ cho quyền tự do của chúng ta, "Vậy hãy đứng vững" và "Chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa". Sau cùng, bằng cách ứng dụng cá nhân, chúng ta sẽ xem xét CÁC GIỚI HẠN của quyền tự do của chúng ta.
I. Nền tảng cho quyền tự do của chúng ta.
A. Chúng ta được buông tha từ đâu?
Đúng là một câu nói thật vang dội: "Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do". Quí vị nên gạch dưới hay tô bóng câu nầy trong quyển Kinh Thánh của mình và ghim nó thật chặt trong tấm lòng của quí vị. Cả quyển sách Galati được tóm tắt lại trong câu nói đó. Chúng ta không còn là tôi mọi nữa. Chúng ta không còn ở dưới vòng "nô lệ" nữa. Chúng ta được tự do, "tự do thực". Vậy thì, nói theo cách thuộc linh, thì có nghĩa gì?
Tôi bắt đầu loạt bài học về thư tín Galati bằng cách so sánh tình trạng tôi mọi thuộc linh của chúng ta với tình trạng nô lệ của người châu Phi trong lịch sử nước Mỹ. Abraham Lincoln được gọi là "Nhà Giải Phóng Nô Lệ Vĩ Đại" vì ông đã nghĩ ra Bản Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ dẫn tới chỗ phóng thích tất cả các nô lệ. Theo một ý nghĩa rộng rãi hơn nhiều, Chúa Jêsus là Đấng Giải Phóng Nô Lệ Vĩ Đại vì Ngài đã ban cho chúng ta sự tự do thực và là sự tự do sau cùng. Chúa Jêsus buông tha chúng ta cho được tự do để sống trong sự tự do. Chúng ta hãy xét qua chỗ mà "Đấng Christ buông tha chúng ta cho được tự do".
Chúng ta đã được giải phóng ra khỏi QUYỀN LỰC CỦA TỘI LỖI. Là những người tin Chúa đã được sanh lại trong Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta không phải phạm tội nữa. Quyền lực của tội lỗi thắng hơn chúng ta đã bị bẻ gãy rồi. Rôma 6.6-7 chép: "vì biết rõ rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài, hầu cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không phục dưới tội lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi". Chúng ta đã được sanh lại. Chúng ta có một bổn tánh mới. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta phạm tội bởi sự chọn lựa.
Chúng ta đã được giải phóng ra khỏi ÁN PHẠT CỦA TỘI LỖI. Giăng 3.36 chép: "Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó". Chúa Jêsus đã gánh lấy "cơn thạnh nộ" hay cơn giận dữ của Đức Chúa Trời thay cho chúng ta. Ngài đã trả giá cho án phạt vì cớ tội lỗi của chúng ta, vì vậy chúng ta không phải gánh lấy nữa. Bởi đức tin nơi Ngài chúng ta có sự sống đời đời, chớ không phải sự chết đời đời đâu!
Chúng ta đã được giải phóng ra khỏi TÌNH TRẠNG LÀM TÔI MỌI CHO LUẬT PHÁP. Đây là mục tiêu chính của Phaolô trong phân đoạn nầy. Như chúng ta đã thấy qua nhiều lần rồi, luật pháp, tôn giáo, và tình trạng nô lệ. Vô luận chúng ta cố gắng sống tốt đẹp như thế nào đi nữa, theo đúng luật lệ, thực hành đạo pháp, chúng ta luôn luôn rơi vào chỗ thiếu mất. Thậm chí nếu chúng ta có thấy mình đang làm lành cho nhiều người khác, trong tấm lòng chúng ta biết rõ chúng ta chưa được thay đổi. Hình thức xu hướng về luật pháp đang bắt lấy dân sự vì họ không thể nới lỏng được mọi xích xiềng của họ.
Chúng ta đã được giải phóng ra khỏi TỘI LỖI CỦA CHÍNH MÌNH. Hết thảy chúng ta đều phạm tội. Hết thảy chúng ta đều có những tật xấu chứa ở trong phòng riêng mình, những điều kín nhiệm đáng xấu hổ mà chúng ta đang che giấu rất cẩn thận. Satan, kẻ thù của chúng ta đang hạ thấp chúng ta với tội lỗi nầy. Tuy nhiên, Chúa Jêsus đã giải phóng chúng ta ra khỏi nó. Kinh Thánh chép trong Rôma 8.1: "Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ". Chúng ta không xét đoán bản thân mình vì Chúa Jêsus không xét đoán chúng ta. Ngài biết rõ mọi sự về chúng ta, nhưng Ngài theo một phương thức nào đó đã tha thứ cho chúng ta. Thi thiên 103.12 chép: "Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu".
Chúng ta đã được giải phóng ra khỏi CHIẾC LƯỚI THÀNH TÍCH. Nếu quí vị đã được cứu, Đức Chúa Trời đang yêu thương quí vị dù quí vị có như thế nào đi nữa. Ngài không hề yêu quí vị kém hơn và Ngài không hề yêu quí vị nhiều hơn. Tuân giữ một chuỗi luật lệ hay những điều răn cấm đã có sẵn kia sẽ không làm tăng sự ưu ái của Ngài đối với quí vị hoặc mọi thất bại và thiếu sót của quí vị không thục xuất được ân điển của Ngài trên đời sống của quí vị đâu. Tình yêu thương vô điều kiện của Đức Chúa Trời rất khó cho chúng ta nắm bắt lấy, song đấy là sự thực. Quí vị không phải đóng trò để được đẹp lòng Đức Chúa Trời đâu.
Chúng ta đã được giải phóng ra khỏi SỰ TRÔNG MONG NƠI NGƯỜI KHÁC. Rôma 14.4 chép: "Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng". Tôi không có ý nói rằng người khác không phải buộc lòng trông mong của họ phải đặt nơi quí vị và xét đoán quí vị; nhưng họ không phải là quan án tối hậu của quí vị đâu. Chúa Jêsus đã giải phóng chúng ta ra khỏi tình trạng lo toan thường trực trước những điều mà người khác có thể suy nghĩ về chúng ta.
Chúng ta đã được giải phóng ra khỏi QUYỀN KHỐNG CHẾ CỦA SATAN. Trước khi quí vị gặp gỡ Chúa Jêsus, Satan đã có quí vị trong nắm tay của hắn rồi. Hắn đã đùa giỡn với quí vị giống như một cây đàn vĩ cầm vậy. Mặc dù quí vị không biết được sự ấy, kẻ gian ác đang nắm lấy quyền chỉ huy trong đời sống của quí vị. Khi quí vị được sanh lại, Chúa Jêsus đã phá vỡ thế nắm bắt của Satan trên quí vị rồi. Quí vị không còn phải khiêu vũ trong giai điệu của hắn nữa. I Giăng 4.4 chép: "Hỡi các con cái bé mọn, phần các con, là thuộc về Đức Chúa Trời, đã thắng được họ rồi, vì Đấng ở trong các con là lớn hơn kẻ ở trong thế gian".
Chúa Jêsus đã chịu chết để giải phóng chúng ta ra khỏi những vất vả nầy. Ngài muốn chúng ta sống đời sống của Đức Thánh Linh, mà Phaolô đang giới thiệu ra trong chương nầy. Ông muốn biết sự bình an, vui mừng và tình yêu thiết thực, chớ không phải là tình trạng tôi mọi. "Đấng Christ buông tha chúng ta cho được tự do". Ngài đã ban cho chúng ta một thứ còn quí hơn cả thứ tôn giáo cũ rích, khô khan. Nếu chúng ta đặt tâm trí mình vào đấy, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ tới nhiều việc khác nữa mà Chúa Jêsus đã giải phóng chúng ta cho ra khỏi. Tuy nhiên, chúng ta hãy xét mặt kia của động tiền. Chúa Jêsus đã buông tha chúng ta để làm gì?
B. Chúng ta được buông tha để làm gì?
Chúng ta được buông tha để KHÔNG SỐNG DƯỚI ÁCH TÔI MỌI nữa. Quí vị thấy cụm từ "ách tôi mọi" ở phần cuối của câu gốc. Chúng ta sẽ xét thêm trong một phút. Ngay lúc nầy, nhận biết rằng là một tín đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ, quí vị không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Bởi quyền phép của Ngài chúng ta chắc có sự thắng hơn bất kỳ một tội lỗi, thói hư tật xấu, cơn nghiện ngập nào đang trói buộc chúng ta. I Côrinhtô 15.57 chép: "Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta". Mặc dù chúng ta thường lựa chọn nó, chúng ta không phải sống trong sự thất bại.
Chúng ta được buông tha để NƯƠNG CẬY VÀO ĐỨC THÁNH LINH. Là tín đồ, chúng ta không sống một mình đâu. Thánh Linh của Đức Chúa Trời thường trực ở bên trong chúng ta. Chúng ta không nương cậy vào sự khôn ngoan hay sự tri thức của mình vì Ngài đang dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật (Giăng 16.13). Không những Đức Thánh Linh mang lại sự tự do, quí vị không thể có sự tự do thuộc linh mà không có sự hiện diện của Đức Thánh Linh. II Côrinhtô 3.17 chép: "Vả, Chúa tức là Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó".
Hãy lắng nghe điều mà Oswald Chambers đã viết: "Thánh Linh của Đức Chúa Trời luôn luôn là linh của sự tự do; linh không thuộc về Đức Chúa Trời chính là tinh thần nô lệ, linh của sự bắt bớ và phiền muộn. Thánh Linh của Đức Chúa Trời thuyết phục rất căng và rất sống động, nhưng Ngài luôn luôn là Linh củs sự tự do. Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên loài chim không bao giờ làm ra những cái chuồng chim; chính con người là kẻ đã làm ra những cái chuồng chim ấy, và sau một thời gian chúng ta đã bị tù túng mà chẳng làm chi được trừ ra kêu chiêm chíp và đứng trên một chân. Khi chúng ta được giải cứu, bước vào đời sống tự do thoải mái của Đức Chúa Trời, chúng ta mới khám phá ra rằng chính Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải sống theo sự tự do vinh hiển của sự làm con cái Đức Chúa Trời”.
Chúng ta được buông tha để có SỰ TIẾP CẬN RỘNG MỞ VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI. Trong kỹ nguyên Cựu Ước, không một ai dám bước vào Nơi Chí Thánh trong Đền Thờ trừ ra Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm, và ông ta chỉ có thể bước vào đấy mỗi năm một lần mà thôi. Chúa Jêsus đã buông tha chúng ta để chúng ta có thể dạn dĩ đến với Chúa như con cái đến với cha mình vậy. Hêbơrơ 4.16 chép: "Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng". Hêbơrơ 10.22 chép: "nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa".
Chúng ta được buông tha để YÊN NGHỈ TRONG ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI. Chúng ta không luôn luôn phải phấn đấu mà chi. Chúng ta không luôn luôn ra vẻ cố gắng gây ấn tượng với Đức Chúa Trời mà chi. Chúa Jêsus phán: "Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ" (Mathiơ 11.28).
Chúng ta được buông tha để TRỞ THÀNH HẠNG NGƯỜI MÀ NGÀI DỰNG NÊN CHÚNG TA PHẢI TRỞ THÀNH. Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta như những cá nhân. Ngài đã dựng nên chúng ta rất đặc biệt và khác biệt. Khi chúng ta được cứu, Ngài ban cho mỗi một người chúng ta một hỗn hợp các ân tứ thuộc linh. Hình thái hướng theo luật pháp tạo ra hệ vô tính. Còn sự tự do tạo ra tính sáng tạo. Cơ đốc nhân không nhất thiết hết thảy đều giống nhau hay có chung sở thích. Nếu họ giống nhau hết, có gì đó đã sai lầm!
C. Đấng Christ đã khiến cho chúng ta được tự do như thế nào?
Mặc dù sự tự do rất là vinh hiển, sự tự do ấy không phải là rẽ rúng đâu. Sự tự do mà chúng ta thưởng thức trong vai trò là người Mỹ không đến với sự rẽ rúng đâu! Từ Đồi Bunker đến Gettysburg, từ bãi biển Omaha đến Chosin Reservoir, từ Saigon đến Vịnh Ba tư, chúng ta mắc nợ sự tự do của chúng ta đối với những con người dũng cảm, họ đã dâng mạng sống của họ cho xứ sở của chúng ta.
Theo một ý nghĩa lớn lao hơn, "Đấng Christ đã buông tha cho chúng ta được tự do". Sự tự do của Ngài trỗi cao hơn bất kỳ một sự tự do nào về mặt chính trị. Sự tự do của Ngài cũng rất là đắt giá. Ngài đã đánh trận tội lỗi và đã chết trên thập tự giá và đã sống lại đắc thắng ra khỏi mồ mả. Chúng ta được buông tha vì Chúa Jêsus đã chịu chết vì tội chúng ta trên thập tự giá!
Hãy biết rằng không phải ai cũng có sự tự do mà Chúa Jêsus ban cho đâu! Trừ phi quí vị đã được cứu, được sanh lại, quí vị vẫn còn bị cầm trong quyền lực của tội lỗi và quí vị vẫn còn đối mặt với án phạt của tội lỗi. Ngài hiến cho quí vị sự tự do của Ngài như một tặng phẩm và mọi sự quí vị phải lo làm là nhận lãnh sự tự do đó. Giăng 1.12 chép: "Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài". Đấng Christ bởi ân điển mà buông tha chúng ta cho được tự to. Bởi đức tin chúng ta tán thưởng sự tự do nầy.
II. Sự bảo hộ quyền tự do của chúng ta.
Kế đó Phaolô nói cho chúng ta biết chúng ta cần phải "đứng vững" trong "sự tự do" nầy hay/và "chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa". Chúng ta có hai tư tưởng riêng biệt.
A. Chúng ta bảo hộ sự tự do của mình bằng cách đứng vững.
"Đứng vững" có nghĩa là CHIẾM LẤY MỘT VỊ TRÍ! Đừng để ai đẩy quí vị rơi vào chỗ xiêu về với luật pháp. Từ Hy lạp cho thấy rằng chúng ta cần phải "cứ đứng vững mãi".
I Côrinhtô 16.13 chép: "Anh em hãy tỉnh thức, hãy vững vàng trong đức tin, hãy dốc chí trượng phu và mạnh mẽ". Philíp 1.27 chép: "…Duy anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin Lành của Đấng Christ, để hoặc khi đến thăm anh em, hoặc khi vắng mặt, tôi cũng biết rằng anh em một lòng đứng vững, đồng tâm chống cự vì đức tin của đạo Tin Lành, phàm sự chẳng để cho kẻ thù nghịch ngăm dọa mình". Phaolô viết trong Philíp 4.1: "Vậy thì, hỡi anh em rất yêu rất thiết, là sự vui mừng và mão triều thiên cho tôi, kẻ rất yêu dấu ơi, hãy đứng vững trong Chúa".
"Hãy đứng vững" cũng có ý nghĩa giữ lấy hàng ngũ trong chiến trận. Chúng ta cần phải sốt sắng cho sự tự do thuộc linh của chúng ta và cẩn thận giữ lấy nó.
Trong quyển sách của ông có đề tựa là Ý Chỉ cần phải sống theo, Hermon Wouk thuật lại một buổi gặp gỡ mà ông đã có với David Ben-Gurion, vị Tổng Thống đầu tiên của Do thái, trở lại vào thập niên 1950. Khi họ đi kinh lý trên một quốc gia mới thành hình, Ben-Gurion đã nói với Wouk: "Ông phải về sống ở đây. Đây là nơi duy nhứt dành cho người Do thái giống như ông. Ở đây, ông sẽ sống thật tự do". "Tự do ư?" Wouk đã hỏi. "Tự do ư? Với nhiều quân thù đang bao lấy ông, các cấp lãnh đạo của họ đang công khai đe doạ quét sạch ‘thực thể phục quốc Do thái’, với những con đường của ông rất khó vượt qua sau khi mặt trời lặn – tự do ư?" Ben Gurion đã nói vặn lại: "Tôi không nói an ninh, mà tôi nói tự do".
Cũng một thể ấy với sự tự do của chúng ta về mặt thuộc linh. Chúng ta được buông tha nhưng đang sống trong sự tự do không phải luôn luôn là dễ dàng đâu.
Eugene Peterson viết: "Tự do…không thể cho là nắm bắt được đâu; nó phải được canh giữ thật kỹ lưỡng kia. Tự do không phải là thứ có thể đem đặt trong một chiếc hàng rào trống và giữ cho an toàn. Tự do không phải là một đặc ân được ban ra đâu, giống như một học vị được chứng thực là có nhiều đặc lợi và vinh dự vậy đâu. Mỗi ngày chúng ta phải chiếm lấy chỗ đứng của sự tự do một lần nữa. Nếu chúng ta thất bại không đứng cẩn thận và tỉnh táo, sự tự do sẽ bị mất đi".
B. Chúng ta bảo hộ sự tự do của mình bằng cách chối bỏ sự làm tôi mọi đi.
Hãy chú ý cụm từ "chớ lại để mình". Cụm từ nầy có ý nói tới việc bị gài trong một cái bẫy, bị kẹt trong một cái gì đó.
Bố tôi là một người hâm mộ môn đấu bò. Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi biến mọi thứ thành khu vực đấu bò. Một trong những khéo léo của những tay đấu bò cự phách nhất là bện dây thừng cột bò. Khi cỡi một con ngựa đã thuần thục rồi, người ấy phải ném một sợi dây quấn quanh cổ con bò rồi bắt lấy nó trong một lượng thời gian ngắn nhất. Thỉnh thoảng, một con bò mạnh sức sẽ bỏ chạy đi khi thòng lọng bị tuộc. Phaolô nói rằng xu hướng thiên về với luật pháp giống như cái thòng lọng đang tìm cách bắt lấy chúng ta. Chúng ta phải cẩn thận coi chừng và tránh né nó!
Cơ đốc nhân “chớ lại dể mình” vào cái gì? Họ bị gài vào "ách tôi mọi" lại. Trước kỹ nguyên máy móc, bò được sử dụng để kéo những toa xe và kéo cày. Một cặp bò được gắn vào cái ách bằng cây thật nặng cùng với nhau. Xu hướng quay về với luật pháp, những điều luật và truyền khẩu do con người dựng nên có thể trở thành một cái ách nặng nề. Chúa Jêsus đã buông tha chúng ta cho được tự do không phải chịu mọi sự ấy. Ngài phán trong Mathiơ 11.28-30: "Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng".
Mạng lịnh cơ bản, ấy là từ khi Đấng Christ buông tha quí vị cho được tự do, hãy cứ ở trong sự tự do. Xu hướng quay về với luật pháp đang hiện hữu ở quanh chúng ta. Có hình thức thiên về với luật pháp trong việc thêm vào ân điển của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi. Có người nói quí vị tin cậy theo Chúa Jêsus phải thêm vào phép báptêm, thuộc viên Hội thánh, địa vị thuộc viên của Hội thánh, các việc lành… Có xu hướng thiên về với luật pháp theo cách phô mình. Có người tin rằng ngay sau khi quí vị được cứu, quí vị đã làm lành tốt hơn hoặc Đức Chúa Trời sẽ đánh hạ quí vị. Có xu hướng thiên về với luật pháp theo truyền khẩu. Nhiều người đã sa vào bẫy phục vụ theo cách "vì chúng tôi luôn luôn làm thế" theo lý trí. Họ nghĩ họ đang dạy giáo lý, nhưng cái điều mà họ thực sự đứng dạy dỗ là những điều truyền khẩu đặc biệt theo Kinh Thánh. Thật là ngạc nhiên khi chúng ta thực sự nghiên cứu Kinh Thánh cho bản thân mình, chúng ta thấy rất nhiều việc chúng ta tưởng có ở trong Kinh Thánh mà chẳng thực sự có ở đây. Rồi có xu hướng thiên về với luật pháp theo cách tạm thời nữa. Một số tín đồ còn non nớt nhìn vào truyền khẩu như chẳng chạm tới được và như lỗi thời rồi vậy. Họ cố bám vào thế hệ của họ. Họ đã thất bại không nhìn biết rằng họ chỉ là thiên về với luật pháp, họ có một hình thái thiên về với luật pháp rất khác biệt.
Hãy lắng nghe điều mà nhà ngôn ngữ học Kenneth Wuest đã viết: "Sự tự do được nói tới ở đây không đề cập tới loại sự sống mà một người đang sống, nó cũng không có ý gì với lời nói và hành động của người ấy, nhưng nó có việc phải làm với phương pháp bởi đó người nầy sống đời sống ấy. Người Do thái đã sống đời sống của họ bằng cách nương vào nổ lực riêng của mình trong một nổ lực vâng theo luật pháp. Các Cơ đốc nhân người thành Galati đã sống đời sống của họ với trong sự nương cậy nơi Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Tấm lòng của họ đã bị Chúa Jêsus chiếm hữu, mọi chi tiết trong đời sống của họ được dẫn đắt bởi các nguyên tắc xử thế nổi bật lên từ sự dạy của các sứ đồ, cả lý thuyết và thực hành. Bây giờ, khi nhảy qua luật pháp, họ đang đánh mất sự tự do hành động đó và tính linh động của sự tự quyết định mà một người có khi làm theo điều chi là phải, khi một ngươi làm phải, không phải vì luật pháp ngăn cấm điều quấy và truyền ra điều phải, mà vì đó là điều phải, vì điều đó làm đẹp lòng Chúa Jêsus, và vì sự kính sợ dành cho Ngài. Phaolô khuyên chúng ta phải giữ lấy chỗ đứng ấy thật nhanh trong sự tự do ấy…"
III. Các giới hạn trong sự tự do của chúng ta.
Khi Kinh Thánh nói tới sự tự do thuộc linh của chúng ta, thì không có nghĩa là chúng ta được buông tha để làm bất cứ điều chi đâu. Giả sử hết thảy chúng ta quyết định tham dự cuộc nhảy dù. Chúng ta bật dậy trong máy bay ở độ cao 10.000 feet và sắp nhảy ra ngoài cửa máy bay. Tôi nhìn thẳng vào quí vị rồi nói: "Quí vị biết không, nhảy dù từ trên không là một kinh nghiệm rơi tự do. Nhưng tôi muốn hơn cả rơi tự do kìa. Lần nầy tôi sẽ nhảy mà không mang dù". Tự do không có nghĩa là chẳng có một sự bó buộc nào. Sự bắt buộc phải có dù nhảy giúp cho vận động viên nhảy dù thưởng thức sự tự do của việc nhảy ra khỏi chiếc máy bay. Không có sự bó buộc đó, nó sẽ không còn là rơi tự do nữa. Nó sẽ trở thành tự tử. Cũng một thể ấy, có một số bó buộc hay giới hạn cho sự tự do của chúng ta.
A. Sự tự do của chúng ta bị hạn chế bởi Lời của Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời đã vạch một vòng tròn quanh chúng ta rồi phán: "Ta đã làm cho ngươi được tự do. Ngươi có thể làm bất cứ điều gì hay trở thành bất cứ điều gì ngươi muốn bao lâu ngươi còn ở lại trong giới hạn nầy". Vòng tròn lằn ranh ấy là Lời của Ngài, là Kinh Thánh.
Nhiều người muốn đặt các lằn ranh của họ xung quanh chúng ta. Họ muốn nói cho chúng ta biết một Cơ đốc nhân thực sự phải làm gì và không làm gì. Họ muốn nói cho chúng ta biết chúng ta là một Hội thánh địa phương thì nên làm gì và không nên làm gì. Vấn đề, đây là những lằn ranh của họ, chớ không phải của Đức Chúa Trời.
Đây là lý do tại sao thật là quan trọng cho một Hội thánh phải tựu trung vào Kinh Thánh. Mục tiêu của tôi, ao ước của tôi dành cho Hội thánh nầy trên cả mọi điều khác là phải sống gần gũi thật là khả thi với Kinh Thánh. Tôi muốn chúng ta phải giống với các Hội thánh thời Tân Ước. Tôi dạy Kinh Thánh mỗi tuần từng câu một để chúng ta hiểu rõ ràng những điều mà Đức Chúa Trời mong mỏi nơi chúng ta. Đối với tôi, các hệ phái nói một Hội thánh phải ra như thế nào thì chẳng có ảnh hưởng gì bao nhiêu. Các vị Mục sư nói sao, thì cũng vậy thôi. Tôi không muốn các giới hạn của họ. Tôi muốn các giới hạn của Đức Chúa Trời kìa.
Đây cũng là lý do tại sao thật là quan trọng cho mỗi một chúng ta phải trở thành học viên của Kinh Thánh. Đây là lý do tại sao tôi thường bảo quí vị rằng quí vị cần phải ở trong Ngôi Lời. Nếu quí vị không biết Kinh Thánh, quí vị sẽ để cho người khác đặt ra các giới hạn cho quí vị.
Tôi nhớ khi quí phụ nữ được phép mặc sọt đi nhà thờ. Các nhà truyền đạo đã mắng nhiếc người nào mặc sọt. Tôi tìm ra một câu Kinh Thánh nói phụ nữ không nên mặc sọt đi nhà thờ. Có nguyên tắc tổng quát về tính giản dị, nhưng chẳng có nguyên tắc nào đặc biệt về quần sọt cả. Nếu quí vị không biết Ngôi Lời, người khác sẽ đặt ra những giới hạn trên quyền tự do của quí vị.
Có người nói chúng ta chỉ nên hát các bài thánh ca. Chẳng có gì ai với việc hát những bài thánh ca cả. Đôi khi tôi thích hát những bài thánh ca. Tuy nhiên, chẳng có một phân đoạn nào trong Kinh Thánh nói chúng ta chỉ nên hát những bài thánh ca mà thôi. Mỉa mai thay, Kinh Thánh nói có ít nhất ba loại bài hát mà chúng ta nên hát. Êphêsô 5.19 và Côlôse 3.16 cả hai đều nhắc tới "ca vịnh, thơ thánh và bài hát thiêng liêng".
Hãy nghiên cứu Ngôi Lời cho bản thân mình. Hãy bằng lòng với giới hạn của mình. Quí vị sẽ ngạc nhiên với những gì quí vị tìm thấy trong Kinh Thánh… và ngạc nhiên với những gì quí vị không tìm thấy. Quí vị có thể khám phá ra con bò thiêng liêng của mình đã bị nghiền nát ra thành thịt hamburger!
B. Sự tự do của chúng ta bị hạn chế bởi sự chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời.
Ra khỏi sự tự do thuộc linh thường là sự sợ hãi. Chúng ta sợ những điều người khác sẽ nghĩ hay nói về chúng ta. Nhiều lần chúng ta không làm theo những gì Đức Chúa Trời hướng dẫn chúng ta làm vì cớ sợ hãi. Châm ngôn 29.25 chép: "Sự sợ loài người gài bẫy; Nhưng ai nhờ cậy Đức Giê-hô-va được yên ổn vô sự".
Phierơ rơi vào nan đề ấy ở chương 2. Ông đang tận hưởng sự tự do thuộc linh khi ăn uống với các tín hữu dân Ngoại cho tới khi mấy người Giu-đa có khuynh hướng quay về với luật pháp xuất hiện. Ông sợ những điều họ nghĩ suy về sự tự do của ông rồi kết thúc bằng sự thoả hiệp với Tin lành. Phaolô phải công khai quở trách ông. Ngay cả vị sứ đồ cao cả Phierơ đã e sợ con người thay vì tin cậy nơi Đức Chúa Trời.
Nếu quí vị cảm thấy Đức Chúa Trời đang dẫn dắt quí vị làm theo điều chi đó, quí vị phải kiểm tra điều ấy theo Ngôi Lời và quí vị biết mình đang ở trong các giới hạn của Đức Chúa Trời, đừng sợ mọi điều người khác suy nghĩ.
C. Sự tự do của chúng ta bị hạn chế bởi tình yêu của chúng ta dành cho dân sự của Đức Chúa Trời.
Có một điều kiện duy nhứt trong đó chúng ta cho phép người khác giới hạn sự tự do của chúng ta, ấy là khi chúng ta gây cho một anh em yếu đuối hơn phải vấp ngã. Một số Cơ đốc nhân trong kỹ nguyên Tân Ước đã có một nan đề với việc ăn thịt đã được đem cúng cho hình tượng. Sứ đồ Phaolô vốn biết rõ Ngôi Lời. Ông không e sợ con người. Ông vốn biết rõ rằng chẳng có gì sai với thịt ấy và ông vốn có sự tự do thuộc linh để ăn nó. Tuy nhiên, ông chủ ý giới hạn sự tự do của mình nếu ông ở với kẻ sẽ vấp ngã vì cớ thịt đó. Ông nói trong I Côrinhtô 8.13: "Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi".
I Phierơ 2.16 chép: "Hãy ăn ở như người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác, song phải coi mình là tôi mọi Đức Chúa Trời". I Côrinhtô 8.9 chép: "Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm". Sau đó trong Galati 5.13, Phaolô nói với chúng ta: "Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau".
Chúng ta không nhất thiết phải lên mình về sự tự do của chúng ta, nhưng phải giữ kẽ trước các tín hữu chưa trưởng thành.
Cách đây một tháng, tôi có đưa đứa con gái của tôi là Ashlea 10 tuổi đi săn chim bồ câu. Bầy chim bồ câu không bay nữa, vì vậy một người bạn đề nghị chúng tôi đi thăm dò các khu đất lạ của người da đỏ. Dọc đường, ông ta chỉ ra vài vật cứng có màu sắc rất lạ từng được sử dụng làm đầu mũi tên. Ashlea bắt đầu chọn lấy chúng để trong chiếc túi bằng da của nó. Khi ấy chúng tôi đã đi bộ cả dặm đường, nó đi chậm lại ở đàng sau nhóm nhỏ của chúng tôi. Sau cùng, nó ngồi bệt xuống đất rồi bắt đầu kêu khóc. Tôi bước tới trao đổi ngắn với nó, bảo nó phải cẩn thận hơn. Chỉ khi đó tôi mới nhận ra lý do tại sao nó đi lùi lại phía sau. Nó mang cái túi đựng khoảng 30 cân vật cứng kia trong cái túi bằng da của nó. Không nghi ngờ chi nữa, nó đã kiệt sức! Chúng tôi đã vứt bỏ phần vật cứng được tuyển lựa kia và nó cảm thấy khá hơn 100%!
Nhiều người trong chúng ta đã lặn lội qua cuộc sống để nhặt lấy những mãnh xu hướng về luật pháp, những bản danh mục những việc nên và không nên làm. Chúng ta đã chất trên lưng của mình gánh nặng nhiều năm tháng truyền khẩu, sợ hãi và thành kiến do con người lập nên. Đôi khi gánh nặng ấy đã khiến cho chúng ta muốn bỏ cuộc. Mọi sự mà Chúa Jêsus muốn chúng ta là phải "lột bỏ mọi gánh nặng" rồi chạy với niềm vui mừng trong sự tự do mà Ngài đã mang đến cho chúng ta.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét