Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Gen 12.10-13.4: "Từ đức tin đến sợ hãi"


"Từ đức tin đến sợ hãi"
(Sáng thế ký 12.10-13.4)
Điều chi là cao điểm trong đời sống của bạn? Ký ức gia đình chăng? Một giải thưởng đặc biệt? Tốt nghiệp Trung hay Đại học? Bảo đảm công ăn việc làm? Thành hôn? Có đứa con đầu lòng? Được thăng chức? Mua được ngôi nhà mà bạn hằng mơ ước? Trở thành một Cơ đốc nhân? Sau khi kinh nghiệm những giây phút long trọng đó, bạn còn mong mỏi gì nữa không? Nếu bạn giống như hầu hết con người ta, bạn mong mỏi được ca ngợi, thoả lòng, vui mừng, yên nghỉ, và bình an. Không may thay, trong cuộc sống có nhiều thứ không luôn luôn thể hiện ra theo cách đó. Sau một đỉnh cao, bạn phải dè chừng Satan sẽ tấn công bạn hoặc Chúa sẽ thử nghiệm bạn, hoặc cả hai. Đây là cách duy nhứt bạn có thể tấn tới trong đức tin của mình. Đức Chúa Trời sử dụng những cảnh ngộ khó khăn trong cuộc sống để xây dựng những cơ bắp của đức tin bạn và giữ bạn không tin cậy điều chi khác hơn là Lời của Ngài. Trong Sáng thế ký 12.10-13.4, chúng ta thấy Ápram, nhân vật của đức tin (12.1-9), có nhiều lúc cũng là một con người của thất bại (12.10- 20). Trong những câu nầy, chúng ta sẽ học biết rằng bất kỳ người nam hay người nữ nào, dù tình trạng thuộc linh của người ấy như thế nào đi nữa, đều có khả năng chao đảo trong đức tin. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ tìm được hy vọng là Đức Chúa Trời thích phục hồi con người lại cho chính mình Ngài (13.1-4). Khi đức tin của chúng ta nao núng, Đức Chúa Trời không nao núng đâu. Hãy cùng xem với tôi ba nguyên tắc sẽ giúp cho bạn sống một đời sống đức tin thật phi thường.
1. Mong đức tin bạn được thử nghiệm (12.10). Kinh thánh dạy rằng đời sống có rất nhiều ngăn trở. Điều nầy được khẳng định bởi đời sống của Ápram. Trong chuyến hành trình thuộc linh của mình, Ápram đã kinh nghiệm rồi một vài thử thách. Ông được kêu gọi phải ra khỏi quê hương (11.31-32); vợ ông thì son sẻ (11.30); và đã đất đai mà Đức Chúa Trời hứa với ông đã bị người ta chiếm lấy (12.6). Giờ đây, sự thách thức khác lại đến. Câu 10 đọc: “Bấy giờ, trong xứ bị cơn đói kém; sự đói kém [Tiếng Hy bá lai kaved (“rất xấu”) có ý tưởng nặng nề, hay càng ngày càng tăng, kéo dài] ấy lớn, nên Áp-ram xuống xứ Ê-díp-tô [Ross viết: “Người ta không thể bỏ sót hình thức tương xứng giữa hành trình nầy của Ápram tại Ai cập và sự cố sau đó trong sinh hoạt của dân tộc sống nô lệ tại Ai cập. Chủ đề thì giống nhau: nạn đói ở trong xứ (12.10; 47.13), dòng dõi xuống Ai cập tạm trú (12.10; 47.27), nổ lực giết những người nam nhưng cứu những người nữ (12.12; Xuất Êdíptô ký 1.22), dịch lệ tại Ai cập (Sáng thế ký 12.17; Xuất Êdíptô ký 7.14-11.10), chiến lợi phẩm của Ai cập (Sáng thế ký 12.16; Xuất Êdíptô ký 12.35-36), sự giải cứu (Sáng thế ký 12.19; Xuất Êdíptô ký 15), và qua sa mạc Negev (Sáng thế ký 13.1; Dân số ký 13.17, 22). Sự giải cứu vĩ đại ra khỏi vòng nô lệ mà Israel đã kinh nghiệm đã được hoàn tất rồi nơi tổ phụ của họ, và có lẽ là một nguồn an ủi và khích lệ cho họ”. Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 2002 [1988]), 49. Đối chiếu Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 217] mà kiều ngụ [Động từ tiếng Hy bá lai gur đúng ra phải dịch là “tạm trú” có ý nói “ở trong một thời gian ngắn”. “Khách lạ” (“người tạm trú”) là người cư trú tạm thời, là khách tham quan, là kẻ chỉ đi ngang qua. Ápram không có dự tính ngụ lại hoặc sở hữu tài sản trong xứ Ai cập. Ông chỉ có mặt ở đó để đợi hết đói kém. Nếu Ápram dự tính ra đi, ông rất muốn trở lại quê hương mình, xứ U-rơ]”. Không bao lâu sau khi Ápram đến tại xứ Canaan, ông kinh nghiệm phần thử nghiệm gay gắt nhất — nạn đói. Hãy tưởng tượng điều chi trải qua lý trí của Ápram: “Tôi đi suốt cuộc hành trình đến đây để chịu đói sao! Tôi tưởng xứ Canaan là một xứ phước hạnh chứ!” Hãy hình dung sự ta thán của những kẻ gần gũi ông xem: “Ápram ơi, tôi đã nói với ông rồi, ông điên lắm mới đến đây đấy! Vì ông đã vâng theo Đức Chúa Trời của ông! Để làm gì vậy? Mà chi, Ngài có thể đem hết thảy chúng ta đến đây trong đồng vắng để hủy diệt chúng ta!” [Gene A. Getz, Abraham. Trials and Triumphs (Glendale, CA. Regal, 1976), 28]. Giọng nói nầy nghe quen lắm phải không? Có bao nhiêu lần bạn nói: “Lạy Chúa, con đáng được tốt hơn như thế nầy. Con đã nổ lực hầu việc Ngài và sống cho Ngài, còn đây là sự cảm ơn mà con nhận lấy vì mọi nổ lực của mình? Cảm ơn nhiều!”
Ápram bị phủ lút với những hoàn cảnh mà Đức Chúa Trời đối xử với ông. Giờ đây, ông chẳng có gì sai khi suy nghĩ đến nạn đói hoặc việc bảo bọc cho gia đình, nhưng ông đã sai vì thất bại không tin cậy Đức Chúa Trời tiếp trợ cho các nhu cần của ông (Êsai 31.1) [Nạn đói kém trầm trọng khác (Sáng thế ký 12.10) sau đó đã khích lệ Gia-cốp và gia đình ông đến kiều ngụ tại Ai cập (47.4), nhưng Đức Chúa Trời đã cho phép Gia-cốp ra đi (46.2-4)]. Ápram đã hành động cách vội vàng. Trong nỗi lo lắng, ông cảm thấy như mình phải làm một việc gì đó và dường như ông phải đi đến xứ Ai cập, ở đó chắc có nhiều lương thực hơn [Waltke viết: “Tôi tin Ápram đã ùa chạy trước Đức Chúa Trời bằng cách sang Ai cập mà không có một khải thị thiêng liêng nào buộc ông phải làm vậy”. Waltke, Genesis, 213]. Việc Ápram xuống xứ Ai cập [Một số nhà giải kinh xử lý những chữ như “đi xuống” rồi “đi lên”, như từ ngữ đạo đức (đối chiếu Sáng thế ký 12.10; 13.1), nhưng không dễ chứng minh rằng chúng có sức mạnh đạo đức ở đây. Dường như chúng chỉ là phép đo vẽ địa hình mà thôi. Khi Ápram đi từ sa mạc Negev sang Ai cập, ông phải đi xuống. Còn bây giờ, khi khó có thể chứng minh từ ngữ “đi xuống” và “đi lên” có ý nghĩa đạo đức, rõ ràng là Ápram đã thực hiện chuyến đi rời khỏi xứ mà chẳng cầu hỏi Đức Chúa Trời] không phải là một tội có dự tính giống như đấy là một sự xoay trở trong những kế sách riêng của ông vậy [Không một chỗ nào Ápram bị xét đoán trực tiếp vì quyết định của ông khi xuống xứ Ai cập, mà những tiến triễn về sau nói rõ rằng các hành động của ông không phát xuất từ đức tin. Ápram không cầu hỏi Đức Chúa Trời, mà đã hành động cách độc lập]. Ông không chối bỏ Đức Chúa Trời; ông chỉ quên Ngài mà thôi. Ông quên Đức Chúa Trời cả thể là dường nào. Chúng ta sống giống y như Ápram! Những thử thách đến và chúng ta một cách máy móc tìm cách để sống còn. Chúng ta lên kế hoạch, chúng ta tiên đoán, chúng ta khởi động “những cái nếu”, chúng ta sợ mất địa vị của mình, và chúng ta chất nhiều bao cát lên làm công sự. Còn Đức Chúa Trời? Ồ phải, …chúng ta cầu xin Ngài chúc phước cho đường lối của chúng ta [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 190-191].
Chúng ta hãy dừng lại và suy nghĩ về điều nầy trong một phút xem. Ông đã rời khỏi xứ Canaan thật mau y như khi ông bước vào đó [Waltke lưu ý: “Tính cách nhanh chóng của câu chuyện giữa chuyến hành trình của Ápram ở 12.9 và việc ông ra đi ở 12.10 gây một ấn tượng rằng ông đã đi xuyên qua Đất Hứa (nghĩa là, xứ Canaan)” Waltke, Genesis, 213]. Điều nầy há chẳng lạ lùng sao? Ápram đã tin cậy Đức Chúa Trời hơn 1.000 dặm từ U-rơ đến xứ Canaan. Ông đã đi theo. Ông để lại sau lưng xã hội, bạn bè, và của cải mình. Ông đi đến một xứ mà ông chưa từng sống ở đó. Tại sao chứ? Vì ông tin rằng Đức Chúa Trời sẽ khiến ông trở thành một dân lớn. Nhưng khi Ápram đến tại xứ Canaan và nạn đói đánh vào xứ, ông không nghĩ mình sẽ sống sót trong hơn vài tuần lễ. Vậy thì ông nghĩ gì? Ông đi qua xứ Ai cập rồi tìm cách giải quyết mọi nan đề của mình. Người tin cậy Đức Chúa Trời về sự cuối cùng — tương lai của mình — lại không chịu tin Đức Chúa Trời về sự kề cận — đồ ăn. Tin như thế thì chẳng có ý nghĩa chi cả! Ápram đã tin cậy Đức Chúa Trời về những việc lớn trong cuộc sống, nhưng lại chao đảo khi đến với những việc nhỏ hơn. Đức tin có nghĩa là tin cậy Đức Chúa Trời về những việc lớn cũng như tin cậy những việc nhỏ. Đây là chỗ mà chúng ta thường thất bại. Chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời với ơn cứu rỗi đời đời của chúng ta, rồi kế đó chúng ta lại lo lắng về những lần vật vã mà chúng ta sẽ nếm trải cùng những quyết định mà chúng ta phải đưa ra [Xem Ed Dobson, Abraham. The Lord Will Provide (Grand Rapids. Fleming H. Revell, 1993), 26. See also Eaton, Genesis 12-23, 36]. Bạn có liên quan đến sự nầy không? Bạn có tin cậy Chúa về cõi đời đời của mình rồi lại đâm lo về những sự việc tầm thường của bạn hôm nay không? Ápram đã mất niềm tin nơi sự bảo hộ của Đức Chúa Trời rồi nắm lấy mọi vấn đề trong hai bàn tay của mình. Ápram bị sợ hãi tác động về sự sống của ông. Nhưng có những ý kiến rộng rãi về Đức Chúa Trời mà Ápram không thấy [Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 74].
Khi hoàn cảnh trở nên khó khăn và bạn đang ở trong lò thử thách, hãy ở lại nơi mà Đức Chúa Trời đặt để bạn cho tới chừng nào Ngài bảo bạn ra đi. Đức tin chuyển động theo hướng bình an và hy vọng, nhưng sự vô tín chuyển động theo hướng bất an và sợ hãi (Êsai 28.16). Trong thời điểm thử thách, thắc mắc quan trọng không phải là: “Làm sao tôi thoát ra khỏi chỗ nầy?” mà là “Điều chi giúp tôi ra khỏi chỗ nầy?” (Giacơ 1.1-12). Đức Chúa Trời đang hành động để gây dựng đức tin của bạn và một mình Ngài đang nắm quyền tể trị trong mọi hoàn cảnh. Bạn được an ninh trong nạn đói kém, trong ý chỉ của Ngài, hơn là ở trong cung điện, ngoài ý chỉ của Ngài [Nói tới điều nầy bằng một cách khác. Ápram sẽ chịu đựng đói khát trong Đất Hứa hơn là sống giàu có trong xứ Ai cập]. Cần phải nói như vầy: “Ý chỉ của Đức Chúa Trời sẽ không dẫn bạn vào chỗ mà ân điển của Đức Chúa Trời không thể gìn giữ bạn” [Warren W. Wiersbe, Be Obedient (Wheaton, IL. Chariot Victor, 1991), 23].
Nhưng nếu chúng ta cần phải sống loại đời sống nầy, chúng ta phải trở thành con cái bé mọn trong Nước của Đức Chúa Trời (Mathiơ 18.1-4). Nếu Ápram là một con cái bé mọn, ông sẽ không bao giờ lìa khỏi xứ Canaan. Nạn đói sẽ không ngăn trở một con cái bé mọn không lắng nghe theo cha của mình. Nhưng Ápram không đóng vai trò của một đứa con, và kết quả là mọi hành động phức tạp nối theo sau quyết định rời khỏi xứ của ông mà trực chỉ Ai cập. Khi bạn và tôi gặp gỡ những cơn thử thách hay cám dỗ, Đức Chúa Trời muốn chúng ta ngay lập tức phải luyện tập đức tin như con trẻ mà kêu la với Ngài: “Cha ôi, con sợ lắm. Ngài muốn con phải làm chi đây? Xin giúp con biết lắng nghe từ nơi Ngài”.
Nếu bạn sống giống như tôi, bạn thấy điều nầy rất khó khăn. Muốn nắm lấy mọi vấn đề vào trong hai bàn tay của mình, điều nầy rất là tự nhiên. Phần nhiều người trong chúng ta giải quyết những nan đề để được sống còn. Chúng ta hiếm khi ý thức nhu cần phải nương cậy vào Đức Chúa Trời. Chúng ta tự mình giải quyết rất ngoạn mục …cảm ơn! Tuy nhiên, Đức Chúa Trời sẽ thường đưa những thử nghiệm vào đời sống của chúng ta mà chỉ có Ngài mới có thể giải quyết mà thôi. Ngài làm như vậy để chúng ta buộc phải nhìn xem Ngài như Cha. Khi con cái của bạn mắc phải chứng bịnh đe doạ đến mạng sống, bạn không còn có một chọn lựa nào khác hơn là quay sang Đức Chúa Trời. Khi bạn gặp phải khủng hoảng về tài chính, bạn không thể nhắm vào thẻ tài khoản ngân hàng của bạn, bạn phải quay sang Đức Chúa Trời. Khi bạn mất sở làm hay sắp lộn xộn trong cuộc hôn nhân của mình, bạn phải quay sang Đức Chúa Trời. Khi bạn có cơn nghiện mà bạn không đắc thắng được, bạn phải quay sang Đức Chúa Trời. Đây là lúc Đức Chúa Trời dạy chúng ta nhiều nhất về đức tin. Đây là lúc Ngài phá vỡ thói kiêu ngạo ích kỷ của chúng ta. Ápram mất đức tin nơi sự bảo hộ của Đức Chúa Trời và nắm lấy mọi vấn đề vào trong hai bàn tay của mình. Ápram bị sợ hãi tác động về sự sống của ông. Nhưng có những ý kiến rộng rãi về Đức Chúa Trời mà Ápram không nhìn thấy [Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 74].
Đừng lấy làm ngạc nhiên một khi có nạn đói đón đường bạn. Những thử thách là một phần trong đời sống Cơ đốc. Chúng rất cần thiết để gây dựng bạn trong Chúa. Phaolô nói cho chúng ta biết rằng “hoạn nạn sanh sự nhịn nhục, sự nhịn nhục sanh sự rèn tập, sự rèn tập sanh sự trông cậy” (Rôma 5.3-4). Giacơ nói lên quan điểm nầy như sau: “vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào” (Giacơ 1.3-4). Bạn không thể tấn tới trong Đấng Christ nếu không có những thử nghiệm.
[Hãy mong đức tin bạn bị tấn công. Khi ấy hãy học biết phải…]
2. Đem sợ hãi của bạn ra đối mặt với đức tin (12.11-20). Khi bạn và tôi thất bại không đem đức tin ra ứng phó với những thử nghiệm, Đức Chúa Trời đưa chúng ta vào trường tôi luyện một lần nữa rồi buộc chúng ta bước vào kỳ thi vấn đáp. Ở 12.11-13, Ápram phải đối mặt với một thử nghiệm khác. Môise ghi lại: “Khi hầu vào đất Ê-díp-tô, Áp-ram bèn nói cùng Sa-rai, vợ mình, rằng: Nầy, ta biết ngươi là một người đàn bà đẹp. Gặp khi nào dân Ê-díp-tô thấy ngươi, họ sẽ nói rằng: Ấy là vợ hắn đó; họ sẽ giết ta, nhưng để cho ngươi sống. Ta xin hãy xưng ngươi là em gái ta, hầu cho sẽ vì ngươi mà ta được trọng đãi và giữ toàn mạng ta” [Đây là một trong những biểu thị cho thấy rằng Kinh thánh rất thành thực trong phần giới thiệu những người nam người nữ của Kinh thánh. Sự thành thực đáng tin nầy phù hợp với cấp độ cao của sự cảm thúc thiêng liêng mà Kinh thánh tự nhận về mình. Và như với Ápram, tình trạng phục theo tính thiết thực và sự thoả hiệp của ông khiến cho chúng ta phải cả thẹn cho ông, cho tới chừng chúng ta nhớ rằng chúng ta cũng được dựng nên bởi tố chất ấy]. Ngạc nhiên thay! Ngay ở tuổi 65, Sarai là một phụ nữ xinh đẹp như thế, và bị xem là một kinh nghiệm đe doạ mạng sống [Hiếm khi Kinh thánh đề cập tới vẻ bề ngoài của một người (thí dụ, Rê-be-ca, 24.16; Rachên, 29.17; Giô-sép, 39.6; và David, I Samuên 16.12)]. WOW! Bạn sẽ lấy làm thích thú về việc ấy! Ápram vốn biết rõ người Ai cập sẽ không xem trọng quyền tự do cá nhân của ông, vì họ nổi tiếng là độc ác và phi luân. Giữa vòng những dòng dõi của Cham sự lang chạ về tình dục và chế độ đa thê rất phổ thông. Những người nữ xinh đẹp sống ở một đất ngoại bang sẽ được dân bản xứ chiếu cố ngay. Hơn nữa, dây hôn nhân được xem trọng đủ một khi người nữ được coi là vợ, dù phải cần thiết tống khứ chồng của nàng trước khi cướp lấy nàng. Cho nên, để cứu lấy mạng của mình, Ápram đã đưa ra mẹo nhỏ nầy, khi họ đến gần Ai cập. Thú vị thay, lời thỉnh cầu của Ápram thực sự chỉ mới có phân nửa sự thật, vì Sarai là em cùng cha khác mẹ của Ápram (20.12). Tuy nhiên, dự tính của Ápram ở đây rõ ràng là dối gạt, và ông đang tin cậy vào sự lừa dối của mình để bảo hộ ông thay vì tin cậy nơi Đức Giêhôva [Ápram không thể che giấu khác hơn nữa trong dịp nầy, trừ phi là thời điểm ông lặp lại tội lỗi của mình (đối chiếu Sáng thế ký 20.1-18)]. Ápram đã thất bại không kính sợ Đức Chúa Trời. Ông đã sợ người Ai cập hơn là ông sợ Chúa. Sợ hãi con người không thể sánh được với đức tin nơi Đức Chúa Trời (Châm ngôn 29.25) [Waltke viết: “Nỗi sợ hãi của Ápram chứng tỏ ông thiếu tin cậy nơi những lời hứa mới đây của Đức Chúa Trời. Mặc dù Đức Chúa Trời đã hứa khiến cho dòng dõi của Ápram ra nhiều và ruả sả kẻ nào ruả sả Ápram, Ápram sợ hãi về mạng sống của mình” Waltke, Genesis, 213].
Bạn có liên quan tới sự vật vã nầy không? Có phải bạn sợ không dám nói với bạn bè mình về Đấng Christ vì họ sẽ cười nhạo bạn hay thậm chí tệ hại hơn, từ chối bạn? Có phải bạn thường xuyên tìm cách làm đẹp lòng người ta và nhận được sự tán thưởng của họ? Có phải bạn sống trong nỗi sợ chủ của mình sẽ cự nự mình? Mọi suy tưởng nầy đều là tự nhiên cả, ở trong xác thịt của chúng ta, nhưng Đức Chúa Trời không kêu gọi chúng ta đến với một đời sống tự nhiên, mà đến với một đời sống siêu nhiên. Ngài đã ban cho chúng ta quyền phép để sống cao nhơn mọi hoàn cảnh của chúng ta (II Phierơ 1.4).
Tại sao Ápram không chống cự lại cách xử sự tội lỗi như thế? Câu 13 tỏ ra hai động lực của Ápram. Ápram đang tìm cách tự bảo hộ mình (“hầu cho sẽ vì ngươi mà ta được trọng đãi”) và lợi ích cho bản thân ông (“và giữ toàn mạng ta”). Có một vài tước hiệu chọn lọc đến với lý trí hầu mô tả một con người đại loại như thế nầy: phản xạ lo cho bản thân mình, vũ phu vô ý thức, lợn sô-vanh. Còn hơn là một phản xạ, ông cũng là một kẻ tồi tệ theo chủ nghĩa cơ hội nữa. Ông được lợi từ vị thế nguy hiểm về đạo đức và về thuộc linh của vợ mình. Ông đặt những người khác sống quanh ông vào chỗ phải liều mạng. Ông đặt vợ mình vào chỗ nguy hiểm [Tình cờ thôi, trong sự đầu phục của Sarai đối với mưu luận của Ápram, có lẽ người ta sẽ nhìn thấy một minh hoạ của 1 Peter 3.3-6, nhưng đây là một sự đầu phục mà bà không dành cho ông, dường như là cho tôi vậy]. Ông đặt Pharaôn cùng triều thần của người vào chỗ hiểm nguy.
Nhưng trước khi chúng ta nhảy thẳng vào cổ họng của Ápram, chúng ta hãy đặt mình vào đôi giày của ông. Ápram đã lấy vợ trong một sự ràng buộc quá chặt chẽ! Ông được phước của Đức Chúa Trời, cưới vợ, ấy chẳng phải là lỗi của ông. Vì vậy, đây là một vấn đề của sự tự bảo tồn. Các động lực của Ápram không thể là ích kỷ như chúng đang tỏ ra đâu [Những thái độ của đông phương đối với sự tà dâm vốn nhạy cảm nhiều hơn thái độ của chúng ta (Sáng thế ký 20.2-9). Cái điều đáng nghi ngờ là Ápraham đã để cho vợ mình mang lấy tội lỗi ấy trong lương tâm của nàng, chớ không chỉ là kẻ đồng loả với tội lỗi đó]. Giống như Ápram đã yêu cầu Sarai có thái độ màu mè là em gái của ông hầu cho khi người bổn xứ muốn làm quen với nàng, ông sẽ có đủ thì giờ mà lìa khỏi xứ [U. Cassuto, A Commentary on the Book of Genesis II (Jerusalem. The Magnes Press, 1964), 348-352]. Thực sự đây là một chương trình rất khéo léo. Một trong những người dân bổn xứ sẽ đến với Ápram để cầu hôn em gái của ông [Những nhà giải kinh thời Trung cổ cho rằng cái điều Ápraham hy vọng thoát ra khỏi tình trạng làm “anh” của mình là quyền chấp nhận và từ chối mọi lời thỉnh cầu của những kẻ đến cầu hôn đặng trở thành chồng của Sarai. Có một tiền lệ trong Kinh thánh về vấn đề nầy. Xem Laban và Rêbeca trong Sáng thế ký 24.55 và Đi-na cùng các anh nàng ở 34.13-17]. Ápram sẽ ưng thuận nhưng khẳng định một đính ước lâu dài (lâu đủ để gia đình thoát ra được). Trong thời gian nầy Sarai sẽ ở tại nhà của Ápram, là nơi mối hôn nhân của họ sẽ tiếp tục cách kín nhiệm và sự an ninh của Ápram được bảo đảm. Dường như những lợi ích rất là lớn và các nghĩa vụ pháp lý của một kế hoạch như thế được thu nhỏ lại.
Tuy nhiên, một chương trình thể ấy là xấu xa vì một số lý do. Trước tiên, nó có khuynh hướng bất chấp sự hiện diện và quyền phép của Đức Chúa Trời trong đời sống của Ápram. Đức Chúa Trời đã hứa những cứu cánh, nhưng dường như Ngài không thể cung ứng cho phương tiện. Ngài hứa một đất đai, một dòng dõi, và một phước hạnh. Giờ đây, dường như là Ápram bị bỏ lại với những kế sách riêng của mình để tạo ra những điều đó. Thứ hai, chương trình của Ápram là sai lầm vì nó gây nguy hại cho sự thanh sạch của vợ mình và lời hứa của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã hứa khiến cho Ápram thành một dân lớn. Từ Ápram một ơn phước to lớn cho các dân các nước, là Đấng Mêsi, sẽ ngự đến. Bây giờ Ápram lại bằng lòng liều lĩnh để cho một người đàn ông khác lấy Sarai làm vợ. Khi ấy, làm sao bà có thể trở thành tổ mẫu của dòng dõi của Ápram cho được? [Bob Deffinbaugh, Genesis. From Paradise to Patriarchs. Lesson 13. When Faith Fails Genesis 12.10-13.4 ( http://www.bible.org/http://www.bible.org/, 1997), 2].
Có nhiều nan đề với lời nói dối của Ápram, và nhiều bài học mà chúng ta có thể tiếp thu:
1. Sau khi nói dối một lần, thì lần tới nói dối rất là dễ. Ápram sau đó đã nói tương tự vậy với Abimêléc ở 20.12.
2. Nói dối ảnh hưởng nhiều người khác quanh chúng ta. Ở 26.7, chúng ta khám phá ra con trai của Ápraham, là Y-sác, đang đưa ra chính xác một lời nói dối tương tự với vợ mình là Rêbeca và Abimêléc.
3. Nói dối đem lại sự xấu hổ cho danh của Đức Chúa Trời. Buồn thay, một nhà vua theo tà giáo phải quở trách Ápram vì sự nói dối và sự ông thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời (12.18-19).
George Burns nói đùa khi ông nói rằng chìa khoá cho sự thành công của ông trước tiên là học biết sự thành thực; có một lần ông nói dối, ông có thể thâu đoạt được bất cứ thứ gì [Quoted in Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 192]. Chúng ta bật cười khi nghe câu chuyện nầy, nhưng hết thảy chúng ta có thể công nhận sự thực dường như là khách trọ trong câu chuyện nầy. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời phán nói dối không phải là đáp ứng đúng đắn đối với người tin Chúa [Kaiser viết: “Cần phải nói rõ ràng là Ápraham và Y-sác, cả hai đều đã nói dối. Kinh thánh ghi lại họ đã nói dối, không tán thưởng về sự nói dối đó. Đức Chúa Trời bảo tồn sự thanh sạch của Sarai và Rêbeca bất chấp mọi thủ đoạn của chồng họ …Không một ai có thể tạo ra một trường hợp để nói dối khi dựa theo các phân đoạn Kinh thánh nầy. Nói dối luôn luôn là sai trật, một khi Đức Chúa Trời là lẽ thật. Ápraham và Y-sác cần phải bị xét đoán vì sự a tòng của họ trong việc nói dối, bất luận động lực của họ có cao thượng ngần nào, hoặc sự thực có bao nhiêu trong lời nói dối ấy, Đức Chúa Trời không bị ngăn trở trong chương trình của Ngài đem lại sự sống và phước hạnh của các dân các nước qua dòng dõi của Sarai và Rêbeca” Walter C. Kaiser, Hard Sayings of the Bible (Downers Grove, IL. InterVarsity, 1997 [1996]), Electronic ed]. Có phải bạn cẩn thận khi nói ra lẽ chơn thật với khả năng tốt nhứt của mình không?
Giờ đây hãy quay trở lại với câu chuyện. Ở 12.14, Môise viết: “Áp-ram vừa đến xứ Ê-díp-tô, dân Ê-díp-tô nhìn thấy người đàn bà đó đẹp lắm”. Chắc chắn là người Ai cập đã ngã ngữa vì Sarai. Cụm từ “người đàn bà” khi được viết ra ở đây biểu thị họ đối xử với Sarai như một món đồ [Waltke, Genesis, 214]. Những người đàn ông thấy bà “đẹp lắm”. Một trong những thắc mắc được gắn trong các sách chú giải là: “Làm thế nào một người đàn bà 65 tuổi như thế nầy lại có một vóc dáng xinh đẹp thể ấy?” Có một vài điểm lưu ý như sau: Thứ nhứt, có những phụ nữ xinh đẹp đã có tuổi rồi, ở tuổi 60, 7, và 80. Một trường hợp nổi tiếng ngày hôm nay là Sophia Loren.
Thứ hai, chúng ta cũng phải nhớ những điều bóp méo mà xã hội chúng ta đưa đến cho nhận thức của chúng ta. Xã hội của chúng ta đã làm cho chúng ta tin rằng vẻ đẹp được gắn chặt với thú nhục dục, tuổi thanh niên, và chắc chắn với dáng dấp của thân thể cùng gương mặt. Tuy nhiên, không phải mỗi xã hội đều hời hợt trong phần đánh giá của họ về nét đẹp giống như xã hội của chúng ta đâu. Nói theo Kinh thánh, cụm từ được sử dụng ở đây cũng được sử dụng để mô tả tướng tốt của một con bò, ở Sáng thế ký 41.2. Vì lẽ đó, chúng ta không cần phải nói rằng Sarai đã uốn nắn lại cách lạ lùng nét đẹp tuổi thanh xuân của mình. Vẽ trang nghiêm, tác phong, sắc mặt của bà đã góp phần vào ấn tượng chỉ ra bà là một người thật xinh đẹp [John H. Walton, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 397]. Sau cùng, một số học giả cho rằng, khi Sarai sống đến 127 tuổi (23.1), tuổi 60 của bà sẽ tương đương với 30-40 tuổi của chúng ta mà thôi. Tôi nghĩ ít nhất đây là nhận định thích ứng.
Ở 12.15, cơn ác mộng tệ hại nhất của Ápram đã xảy ra: “Các triều thần của Pha-ra-ôn (từ ngữ “Pharaôn” không phải là một tên riêng, đó là một một tước hiệu có nghĩa là: “Nhà Lớn”. Chữ nầy tương đương với chữ “Mão Triều Thiên” cho Vua nước Anh [Waltke, Genesis, 214]) cũng thấy người và trằm trồ trước mặt vua; đoạn người đàn bà bị dẫn vào cung Pha-ra-ôn” [Người Ai cập, những nhà chính trị, và các vì vua đều thích có nhiều phụ nữ trong “hậu cung” — cung điện của các cung phi]. Hay thật! Chương trình của Ápram đem lại kết quả ngược lại với mong đợi vì Pharaôn không có thì giờ để thương lượng. Sarai trở thành một chi thể trong hậu cung của Pharaôn. Điều chi đã diễn ra trong những căn phòng ấy? Có phải giờ đây bà đã nằm trong đôi vòng tay của Pharaôn chăng? Ápram bắt đầu viết kịch bản Pharaôn ơi, Pharaôn hỡi: “Hỡi Pharaôn, hỡi Pharaôn…ôi em yêu ơi, hãy để cho Sarai của ta ra đi! Yeah, yeah!” Nói về vẻ đẹp của bà, Sarai chắc chắn sẽ trở thành một trong những cung phi mà Pharaôn rất ưa thích. Rồi từ đó trở đi, sự sống sẽ bắt lấy dòng chảy tự nhiên của nó. Bà đã sống và đã qua đời tại xứ Ai cập, và đã có chỗ của mình trong một mộ địa vương giả [Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 192-193].
Ở 12.16, chúng ta đọc những lời thê thảm nầy: “Vì cớ người, nên Pha-ra-ôn hậu đãi Áp-ram, và Áp-ram được nhiều chiên, bò, lừa đực, lừa cái, lạc đà, tôi trai và tớ gái”. Tất cả các món quà nầy đều là những khoản giàu có trong thời Ápram. Hai món quà sau cùng, lừa cái và lạc đà, nói lên mọi sự. Lừa cái từ xưa dễ điều khiển và dễ cỡi và vì lẽ ấy, là vật chọn lựa để cỡi của người giàu có (loại Lexus and BMW của sông Nile). Muốn có một con lạc đà đã được thuần hoá trong thời đại của Ápram là tương đương với việc sở hữu một chiếc Ferrari Testarosa [Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 193].
Vì vậy, bạn sẽ nghĩ Ápram sẽ sống rất hạnh phúc, có phải không? Sai rồi! Ông thà chịu đói khát trong Đất Hứa còn hơn là sống giàu có trong xứ Ai cập [Towns, History Makers of the Old Testament, 72]. Mọi sự mà Ápram đã nhận lãnh trong xứ Ai cập sau đó đã khiến cho ông phải bối rối. Vì cớ sự giàu có mà ông có được từ Pharaôn, Ápram và Lót không thể sống chung với nhau và phải chia ra (13.5-6). A-ga, nàng hầu người Ai cập mà Pharaôn đã ban cho Ápram đã mang lại sự phân rẽ và buồn rầu vào trong gia đình (16.1-16). Ápram nổ lực xây dựng một gia đình qua A-ga. Đây không phải là chương trình của Đức Chúa Trời. A-ga trở thành tổ mẫu của các dân Ả rập. Sarai trở thành tổ mẫu của dân Do thái. Ngày nay, chúng ta sống với những căng thẳng quốc tế giữa hai quốc gia nầy, và nguồn gốc của xung đột quay trở lại với Ai cập. Ápram đã thất bại không tin cậy Đức Chúa Trời. Ápram đã thất bại không vâng theo Đức Chúa Trời. Ápram đã thất bại không kính sợ Đức Chúa Trời. Ngày nay chúng ta cảm thấy mọi hậu quả của quyết định khủng khiếp ấy.
Khi chúng ta thất bại không tin cậy, vâng lời, hay kính sợ Đức Chúa Trời, có những hậu quả rất nghiêm trọng. Sự giàu có mà Ápram đã tích lũy được sẽ trở thành một sự nhắc nhớ luôn rằng Sarai không còn ở trong nhà của ông nữa, mà đã ở trong cung điện của Pharaôn [Ross, Creation & Blessing, 276]. Đức Chúa Trời đã chúc phước cho Ápram dầu khi ông không làm theo những gì ông nên làm; và Đức Chúa Trời cứ tiếp tục bảo hộ cho Ápram, dầu khi Ápram là kẻ nói dối. Đức Chúa Trời không rút lại lời hứa của Ngài đối với Ápram, vì lời hứa nương vào Đức Chúa Trời, chớ không nương vào Ápram. Một số Cơ đốc nhân đương thời có ý kiến sai lầm khi cho rằng Đức Chúa Trời luôn luôn ban phước dư dật cho sự vâng lời và xét đoán tội lỗi với những điều khó nhọc. Điều nầy không luôn là thế đâu. Ápram đã sử dụng loại logic không thích ứng để xưng công bình tình trạng thuộc linh của mình trong chỗ sơ sót của đức tin. Thực ra, ông đã kinh nghiệm nạn đói kém — trong ý chỉ của Đức Chúa Trời, và trong sự dư dật của giàu có vật chất — ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời [Elmer Towns, History Makers of the Old Testament (Wheaton, IL. Victor, 1989), 71]. Mọi nan đề mà chúng ta khởi động từ chỗ nầy thường lớn lao hơn ở chỗ kia.
Bạn đáp ứng như thế nào khi áp lực cứ tăng lên? Khi tài chính sút giảm? Bạn xung khắc với người bạn đời hay bạn đồng sự của mình vào lúc nào? Khi nào bạn chẳng có một ý tưởng gì phải làm kế đó? Lúc nào bạn ngã lòng hay nỗi giận dữ lên? Dầu bạn có biết hay không, đời sống, cá tánh, cùng những sự lựa chọn của bạn đang ảnh hưởng nhiều người ở quanh bạn: người bạn đời, con cái, gia đình, và bạn hữu của bạn. Bạn có thể là quyển “Kinh thánh” duy nhứt mà họ từng đọc được!
Ở 12.17-20, câu chuyện của chúng ta lên tới cao điểm. “Song vì Sa-rai, vợ Áp-ram [Deffinbaugh viết: “Không có một chứng cớ nào về mối quan hệ thể xác giữa Pharaôn và Sarai. Trong khi thời gian chuẩn bị thường xảy ra tại nhà của Ápram, trong trường hợp nầy sự chuẩn bị ấy ở trong cung điện. Sarai sẽ trải qua một thời gian dài chuẩn bị cho sự bà bệ kiến Pharaôn. Đấy là thông tục trong thời đó (xem Êxơtê 2.12-14).” Bob Deffinbaugh, Genesis. From Paradise to Patriarchs. Lesson 13. When Faith Fails. Genesis 12.10-13.4 ( http://www.bible.org/http://www.bible.org/, 1997), 4], nên Đức Giê-hô-va hành phạt Pha-ra-ôn cùng nhà người bị tai họa lớn. Pha-ra-ôn bèn đòi Áp-ram hỏi rằng: Ngươi đã làm chi cho ta vậy? Sao không tâu với ta rằng là vợ ngươi? Sao đã nói rằng: người đó là em gái tôi? nên nỗi ta đã lấy nàng làm vợ. Bây giờ, vợ ngươi đây; hãy nhận lấy và đi đi. Đoạn, Pha-ra-ôn hạ lịnh cho quan quân đưa vợ chồng Áp-ram cùng hết thảy tài vật của người đi”. Ở 12.17, chúng ta thấy một trong những từ quan trọng nhất trong Kinh thánh — chữ “song”. Quan trọng thay, Đức Chúa Trời chưa được nhắc tới trong phân đoạn nầy cho tới lúc nầy. Mặc dầu Ápram thiếu đức tin và cư xử không đúng với nguyên tắc xử thế, Đức Chúa Trời xen vào vì ích cho Sarai và mọi lời hứa mà Ngài đã lập với Ápram. Bất luận chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nào, Đức Chúa Trời luôn lớn lao hơn bất cứ một nạn đói kém hay bất kỳ một Pharaôn nào. Đức Giêhôva can thiệp bằng cách sai “tai hoạ lớn” giáng trên Pharaôn cùng nhà người [Đây là trường hợp đầu tiên nói tới sự ruả sả và phước hạnh của lời hứa mà Đức Chúa Trời ban cho Ápram trong Sáng thế ký 12.2-3]. Bất cứ một sự rủi ro nào trong thế giới cổ đều bị xem là một biểu thị thần linh không đẹp lòng. Vì vậy, khi Đức Chúa Trời sai các tai hoạ lớn đến, Pharaôn cùng những quân sư của ông đã tìm cách xác định lúc mọi rối rắm đã khởi sự. Khi họ lần mọi rối rắm ấy ngược trở lại với thời điểm Sarai đến, họ đã hình dung ra những gì có lẽ đã xảy ra. Mặc dù bản chất của các tai hoạ không giải thích được, có thể là Pharaôn đã bị giáng cho với chứng bịnh về tình dục, nó ngăn trở sự phối ngẫu với Sarai [Chữ “tai hoạ” (naga) ở trong hình thức được thấy ở đây đã được sử dụng khi hoành hành với bịnh tật (II Các Vua 15.5; II Sử ký 26.20)]. Đức Chúa Trời đã bảo hộ cho tổ mẫu của Israel tránh khỏi sự xúc phạm thân thể, từ đó mà ra dân thánh (đối chiếu Thi thiên 105.13-15).
Buồn thay! Thay vì mang đến phước hạnh và sự sống (12.3), Ápram đem lại sự rủa sả giáng trên xứ Ai cập [Waltke, Genesis, 214]. Đúng là một sự đổi chiều của các biến cố! Để làm cho các vấn đề ra tệ hại hơn, một bối cảnh kỳ dị khi ấy mở ra trước mặt chúng ta: người của Đức Chúa Trời đang thốt ra một lời nói dối “trắng trợn” với một vị vua theo tà giáo. Rõ ràng, dù có ý kính sợ Đức Chúa Trời hay không, hay từ sự hiểu biết có được từ chính Sarai. Pharaôn đã bị thuyết phục rằng các tai hoạ đã đến từ Đức Chúa Trời vì những dự tính mà ông đã có về Sarai. Khi về sau, Pharaôn đối mặt Ápram với lời nói dối ấy cùng những hàm ý của nó, Ápram đã cảm thấy mình rất nhỏ mọn [Ronald F. Youngblood, The Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1991), 152]. (Không may, Ápram không tiếp thu bài học cần phải có, như chúng ta sẽ thấy ở Sáng thế ký 20).
Thật là thú vị khi thấy rằng cuộc điều tra của Pharaôn về Ápram tương tự với lời phán của Đức Giêhôva về A-đam và Ê-va: “Ngươi có làm điều chi vậy?” (3.13). Kế đó, ông nối theo sau bằng một câu hỏi khác: “Sao không tâu với ta rằng là vợ ngươi?” [Tất nhiên là Pharaôn, trong khi công bình hơn Ápram trong sự việc nầy, lại không hoàn toàn theo lẽ phải. Có lẽ là như thế, nếu Ápram nhìn nhận rằng Sarai là vợ người ngay lúc đầu, ông ta đã giết Ápram rồi]. Ôi chao! Pharaôn có lý do cao cả về đạo đức. Ápram giống như một tội phạm, còn Pharaôn là thánh đồ vậy [Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 193]. Ápram cứ giữ im lặng khi Pharaôn quở trách, không thốt ra một lời nào. Ông có thể nói gì đây? Ápram bị phơi bày ra và thất thế. Ông sắp bị ném ra ngoài! Sau khi Pharaôn ra lịnh hãy dời đi, Ápram làm theo lịnh đó, cùng đi có đoàn tùy tùng mà vua Ai cập cung ứng cho, có lẽ để bảo hộ Ápram và Sarai tránh khỏi sự Sarai bị làm nhục, giống như Ápram đã sợ ngay lúc đầu (12.20). Ápram cùng với đoàn tùy tùng phải len lõi ra khỏi Ai cập với cái đuôi cúp lại giữa hai cái chân của họ.
Ba nguyên tắc rất quan trọng có thể thấy được qua những câu nầy:
1. Cách ứng xử của Cơ đốc nhân có tác động rất lớn vào uy tín của mình. Có bao nhiêu người chưa tin Chúa bị kinh hoảng bởi cách xử sự của một Cơ đốc nhân? Chúa Jêsus phán: “Vì ai được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều” (Luca 12.48). Loại người nào bạn đang cộng tác với hay học tập với? Có phải người ta nhìn biết bạn tin gì và bạn đứng ở đâu không? Hay, có phải bạn là con tắc kè bông Cơ đốc biến màu theo môi trường? Nếu tôi cần phải xuất hiện tại nơi sở làm hay ở trường học của bạn rồi qua ngày với bạn ở đó, liệu bạn có cư xử khác với những gì bạn thường làm không?
2. Đức Chúa Trời thích chúng ta ăn năn hơn, nhưng nếu chúng ta không bằng lòng, Ngài sẽ can thiệp. Ngài làm vậy vì ích cho chúng ta và vì cớ sự vinh hiển của Ngài [Kinh nghiệm của Ápram trong xứ Ai cập minh hoạ cho lẽ thật rằng kẻ tái phạm thường không nắm thế chủ động trong việc ra khỏi “Ai cập” của họ. Đức Chúa Trời phải hành hại Pharaôn, khi ấy ông ta mới để cho Ápram ra khỏi xứ]. Ngài là Cha yêu thương, là Đấng hay kỷ luật con cái của Ngài (Hêbơrơ 12.5-11).
3. Nếu Đức Chúa Trời có quyền biến kẻ hay dối gạt nầy thành một người mà Ngài gọi là “bạn hữu ta” (đối chiếu Êsai 41.8), Ngài có thể làm y như vậy cho bạn và tôi. Mặc dù Ápram thất bại trước những thử nghiệm về đức tin và đạo đức, Đức Chúa Trời minh chứng Ngài thành tín. Mặc dù chúng ta bất trung, Ngài là thành tín (II Timôthê 2.13). Đức Chúa Trời tỏ ra lòng thương xót trên con cái của Ngài (Thi thiên 103.13). Ngài can thiệp thật siêu nhiên để bảo hộ con cái của Ngài, dù điều nầy không luôn luôn có (I Các Vua 18.13; Hêbơrơ 11.35-38).
[Khi bạn không chống cự nổi sự sợ hãi, chỉ có một giải pháp …]
3. Trở lại với đời sống đức tin (13.1-4). Những tin tức quan trọng trong Kinh thánh, ấy là có sự sống sau khi thất bại. Giờ đây, Đức Chúa Trời đã giải cứu Ápram ra khỏi cảnh lộn xộn nầy, ông đáp ứng như thế nào? Ở 13.1-4, Môise cho chúng ta biết: “Áp-ram ở Ê-díp-tô dẫn vợ cùng các tài vật mình và Lót đồng trở lên Nam phương. Vả, Áp-ram rất giàu có súc vật, vàng và bạc. người vừa đi vừa đóng trại, từ Nam phương trở về Bê-tên và A-hi, là nơi đã lập một bàn thờ lúc trước. Ở đó Áp-ram cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va”. Chúng ta chẳng có một manh mối nào cho thấy Ápram đã ở lại trong Ai cập bao lâu. Không có một bàn thờ nào được dựng lên trong xứ Ai cập, đối với trí hiểu của chúng ta, chúng ta cũng không được cho biết Ápram từng kêu cầu danh Chúa ở đó. Nhưng sau cùng, ông làm điều nầy ngay trước mặt Đức Chúa Trời. Ápram trở lại xứ Canaan. Ông trở lại Bêtên, “nhà của Đức Chúa Trời” (đối chiếu 12.8). Ông trở lại với bàn thờ! Ha-lê-lu-gia — có sự sống sau tình trạng lộn xộn. Giống như Ápram, khi chúng ta chao đảo trong đức tin chúng ta phải quay trở lại với điểm chúng ta xa cách Đức Chúa Trời nếu chúng ta một lần nữa muốn phục hồi niềm vui của mối thông công mà chúng ta từng nhận biết. Ngày nay Ápram được ghi nhớ là nhân vật của đức tin — một phần vì ông đã trở lại “nơi đã lập một bàn thờ lúc trước” (13.4). Nếu bạn không vâng lời và Đức Chúa Trời đang kỷ luật bạn, hãy quay trở lại nơi mà bạn đã lìa khỏi Ngài và làm cho mọi sự được ngay thẳng lại. Đời sống Cơ đốc đắc thắng là một loạt những khởi đầu mới. Đây không phải là một miễn trừ cho tội lỗi đâu, mà đây là một sự khích lệ để ăn năn [Wiersbe, Be Obedient, 26].
Nếu Ápram ở lại trong xứ Canaan khi nạn đói xảy đến, đức tin của ông sẽ được tấn tới. Ông sẽ nhìn thấy Đức Giêhôva tiếp trợ cho ông. Khi ông không ở lại trong xứ Canaan, cũng nạn đói ấy sẽ trở thành một phương tiện cho sự tấn tới thuộc linh chắc chắn đưa ông xa khỏi Đức Chúa Trời, dẫn tới tội lỗi, và hiển nhiên dẫn tới sự nhục nhã rất lớn. Đúng là một bước quan trọng nếu chúng ta tiếp thu bài học ấy về sự sống. Thay vì than vãn, chúng ta sẽ tin cậy Đức Chúa Trời. Thay vì nói: “Tại sao Đức Chúa Trời để cho việc nầy xảy ra cho tôi? Bộ Ngài không quan tâm sao? Sao Đức Chúa Trời lìa bỏ tôi?” chúng ta sẽ nói: “Đây là cơ hội khác cho tôi để tin cậy Đức Chúa Trời. Tôi lấy làm ngạc nhiên vì những việc kỳ diệu mà Ngài sẽ làm cho tôi trong lúc nầy”. Luôn luôn là không dễ dàng để nói như vậy đâu. Đôi khi phải nắm lấy ân điển thật nhiều để ở lại trong xứ Canaan hơn là đi đến đó. Nhưng đấy là những gì Đức Chúa Trời mong muốn. Ngài không muốn đường lối của chúng ta được dễ dàng, vì nếu nó dễ dàng chúng ta sẽ không lớn lên. Ngài sắp đặt các bước của đức tin theo một hướng đi lên hầu cho cơ bắp thuộc linh của chúng ta sẽ ngày càng mạnh mẽ và chúng ta có thể hưởng được phước hạnh ở một trình độ thật cao [James Montgomery Boice, Genesis 12-36 Vol. 2 (Grand Rapids. Baker, 1985 [1998]), 477].

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét