Thứ Năm, 18 tháng 2, 2010

Gen 49.29-50.26: "Chết: Một khởi đầu mới"



"Chết: Một khởi đầu mới"

(Sáng thế ký 49.29 - 50.26)
Cách đây gần 2.000 năm, Seneca (5 TC - 65 SC), nhà soạn kịch, triết gia, và là nhà chính trị người La mã có nói: “Con đường dẫn tới đỉnh của sự cao trọng quả là một con đường gồ ghề” [David Jeremiah, Grace for the Day. Turning Point Daily Devotional, 4/14/06]. Seneca đã nhìn xa từ thời của mình và sự thực không nhuốm màu thời gian mà ông đã thốt ra phải được ghi nhớ mãi cho đến hôm nay. Đối với những ai trong chúng ta đã được thúc đẩy và mong muốn làm tròn mọi điều mà Đức Chúa Trời đã dành cho chúng ta, chúng ta phải công nhận rằng Đức Chúa Trời sẽ buộc chúng ta bước đi trên một con đường gồ ghề. Tuy nhiên, chính trên con đường gồ ghề đó Đức Chúa Trời sẽ dẫn dắt chúng ta lên những đỉnh cao của sự cao trọng. Trong khi chúng ta không muốn chịu khổ và kinh nghiệm những thử thách, cám dỗ, có những công cụ mà Đức Chúa Trời sử dụng để nắn đúc chúng ta thành hạng người mà Ngài muốn chúng ta phải trở thành”.
Chúng ta đã đến với phần cuối của sách Sáng thế ký — sách nói tới những khởi nguyên. Ở Sáng thế ký 49.29 trở đi, chúng ta sẽ thấy rằng sự chết chưa phải là cuối cùng … đây là một khởi đầu mới cho những người tin vào những lời hứa của Đức Chúa Trời. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta sẽ tiếp thu những nghịch cảnh thường là ơn phước đội lốt trong đó, vì Đức Chúa Trời sử dụng những vận bĩ để đưa chúng ta hướng tới đàng trước.
Phần giới thiệu: Sự chết của Giacốp (49.29-33). Môise viết: “Đoạn, người ra lịnh cho các con trai mà rằng: Cha sẽ về nơi tổ tông [Trong thời xa xưa, cách sử dụng mệnh đề “về với tổ tông mình” là lối nói trại về sự chết của một cá nhân. Tuy nhiên, có khi (thí dụ, trong phân đoạn Kinh Thánh hiện tại), mệnh đề dường như chứa nhiều hơn cái chết của một cá nhân; nó chỉ ra một sự nhóm lại của nhiều linh hồn của người quá cố trong thế giới bên kia. Nói cách khác, cá nhân nào qua đời chưa bị coi là đã thôi không còn tồn tại nữa, mà đã được chuyển sang một chiều kích khác, đến chỗ mà tổ phụ đã quá cố của người còn đang sống. Trong Kinh Thánh, lối nói nầy xảy ra chỉ trong Ngũ Kinh và chỉ có mười cơ hội để nói trước hay mô tả sự ra đi của Ápraham (25.8); Íchmaên (25.17); Ysác (35.29); Giacốp (49.29, 33); Arôn (Dân số ký 20.24, 26); Môise (Dân số ký 27.13; 31.2; Phục truyền luật lệ ký 32.50). Barry C. Davis, Genesis (Portland, OR. Multnomah Biblical Seminary unpublished class Notes, 2003)], các con hãy chôn cha chung cùng tổ phụ, nơi hang đá tại đồng ruộng Ép-rôn, người Hê-tít, tức là hang đá ở trong đồng Mặc-bê-la, ngang Mam-rê, thuộc về xứ Ca-na-an, mà Áp-ra-ham đã mua làm mộ địa luôn với đồng ruộng của Ép-rôn. Ấy nơi đó, người ta đã chôn Áp-ra-ham và Sa-ra, vợ người; Y-sác và Rê-be-ca, vợ người; mà lại nơi đó cha cũng đã chôn Lê-a nữa. Cái đồng ruộng cùng hang đá ở tại đó đã mua của dân họ Hếch [Có người dịch từ Hy bá lai “Hếch” là “Hêtít” ở đây (cũng xem Sáng thế ký 23.3), nhưng điều nầy khiến cho có ấn tượng là sắc dân nầy là người Hêtít cổ thuộc xứ Anatolia. Tuy nhiên, chẳng có một sự nối kết nào biết được giữa các con trai nầy của Hếch, rõ ràng là một bộ tộc người xứ Canaan (xem Sáng thế ký 10.15), và người Hêtít xứ Tiểu Á. See H. A. Hoffner, Jr., “Hittites,” Peoples of the Old Testament World, 152-153. See NET Study Notes] vậy. Khi trối mấy lời nầy cho các con mình xong, thì Gia-cốp để chân vào giường lại, rồi tắt hơi, được về cùng tổ tông mình”. Khi ông gần chết, Giacốp đã làm cho ai nấy đều nhìn biết mọi ước ao của mình. Ông muốn được chôn cất trong xứ Canaan với gia đình mình ở đồng ruộng Mặcbêla. Đây chẳng phải là lần đầu tiên Giacốp truyền đạt mọi ước ao của ông (đối chiếu 47.29-31). Ông đã suy gẫm về sự chết của mình — ông muốn biết chắc mọi sự đều xuông xẻ, đúng chỗ. Chúng ta phải biết chắc để làm theo y như thế. Hãy đưa ra một ý rồi thố lộ mọi ước ao của mình cho rõ ràng. Hãy loại bỏ những thứ vô lý đi khi bạn còn đang sống. Hãy viết ra mọi ao ước của bạn về những sắp đặt cho tang lễ và việc chôn cất của mình đi. Khi đến lúc qua đời, phải biết chắc đấy là mọi sự mà bạn phải lo làm.
Trong năm câu Kinh Thánh nầy, một cụm từ được lặp đi lặp lại đóng vai trò chủ chốt: “về nơi tổ tông” và “về cùng tổ tông mình” (49.29, 33). Lối nói xa xưa nầy mô tả sự Giacốp hội hiệp với những người đi trước ông trong sự chết và đã thực thi đức tin nơi Đức Chúa Trời. Là tín đồ, chúng ta có sự bảo đảm kỳ diệu từ II Côrinhtô 5.8 “muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn”. Bạn sẽ có cùng một sự tin cậy mà Giacốp đã có. Nếu bạn có đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ, giây phút bạn lìa khỏi đời nầy, bạn sẽ bước vào cõi đời đời với Đức Chúa Trời. Chết chưa phải là dấu chấm hết — đấy chỉ là một dấu phẩy mà thôi.
Giôsép là một con người rất nhạy cảm (50.1): “Giô-sép bèn cúi đầu xuống mặt cha mình, hôn người và khóc”. Giôsép có một đáp ứng thật là tuyệt vời. Những giọt nước mắt duy nhứt đã được ghi lại trong đời sống của Giôsép không phải dành cho bản thân ông, mà cho cảnh ngộ của các anh em ông, và giờ đây cho sự mất mát cha của ông [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 565]. Nổi khổ mà Giôsép đã chịu đựng khiến ông trở thành một con người biết yêu thương. Đau khổ có thể đẩy chúng ta vào một trong hai chiều hướng: nó có thể tạo ra cay đắng trong chúng ta hoặc nó có thể làm cho chúng ta dịu lại. Giôsép là một con người của sự dịu dàng và giàu ơn yêu thương đối cùng người khác. Ông rất thương yêu cha và khóc lóc khi cha ông qua đời [Michael Eaton, Preaching Through the Bible. Genesis 24-50 (Kent, England. Sovereign World, 1999), 121]. Khi ai đó chúng ta yêu thương qua đời, Đức Chúa Trời mong chúng ta phải bật khóc. Đấy là lý do tại sao Ngài đã ban cho chúng ta khả năng để đổ nước mắt ra. Những giọt nước mắt bình thường là một phần của tiến trình chữa lành (Thi thiên 30.5), trong khi nổi khổ khác thường chỉ giữ cho các vết thương mở ra và kéo dài sự đau đớn. Trong chức vụ Mục sư của tôi, tôi đã học biết được rằng người nào cầm nén đau khổ đang ở trong sự nguy hiểm của việc phát triển nhiều nan đề về tình cảm hay xác thịt khó mà chữa lành được [Warren W. Wiersbe, Be Authentic. Genesis 25-50 (Colorado Springs. Chariot Victor, 1997), 159]. Đừng sợ phải thổ lộ ra khi bạn đau khổ hay kinh nghiệm sự mất mát.
Khi suy gẫm về sự chết, thật là quan trọng khi biết chắc rằng bạn đang có những mối quan hệ rất hài hòa. Những mối quan hệ đúng đắn trong đời sống làm cho cái nọc đau khổ phải mềm đi trong sự chết. Ngày nay, nếu mọi việc chưa được xuông xẻ giữa bạn và cha, mẹ, anh chị em hay con cái của bạn, hãy làm mọi sự mà bạn có thể để biết chắc là đang có sự hòa thuận (Rôma 12.18).
Giôsép là một con người có đức tin (50.2-7a): “Đoạn, Giô-sép biểu mấy thầy thuốc hầu việc mình, dùng thuốc thơm xông cho xác cha; thầy thuốc bèn xông cho Y-sơ-ra-ên. Bốn mươi ngày xông thuốc hầu qua, vì ấy là hạn ngày dùng xông thuốc; dân Ê-díp-tô khóc người trong bảy mươi ngày (ngắn hơn hai ngày than khóc cho Pharaôn [Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 1988 [2002 ed.]), 715. Waltke cho biết: “Đám tang rất lớn nầy và sự tôn vinh Giacốp như một vị vua bởi người Ai cập làm hình bóng trước cho sự Israel ra khỏi Ai cập và cung ứng một tiên vị về thời điểm khi các nước tôn vinh con trai của Giacốp là Vua”. Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 618]). Khi mãn tang rồi, Giô-sép bèn nói cùng quần thần Pha-ra-ôn [Mặc dù Giôsép đang có địa vị ưu đãi của Pharaôn, ông nghĩ đến gặp thẳng Pharaôn là hay hơn. Có lẽ vì ông vừa mới chạm đến thi thể của cha mình. Hay, đúng ra ông đã ở trong tình trạng râu mới cạo, do khóc tang. Vì vậy Giôsép đã đưa ra lời thỉnh cầu của mình qua các quần thần. Hughes, Genesis, 566] rằng: Nếu tôi được ơn trước mặt các ngươi, xin hãy thuật lại lời nầy cho Pha-ra-ôn nghe: Cha tôi có biểu tôi thề mà rằng: Nầy, cha sẽ chết, con hãy chôn cha nơi mộ địa ta đã mua sẵn rồi trong xứ Ca-na-an. Vậy bây giờ, tôi phải lên đó chôn cha tôi, rồi sẽ trở xuống. Pha-ra-ôn bèn phán rằng: Hãy trở lên chôn cha ngươi, y như lời người đã bắt thề đó”. Giôsép đang thốt ra đức tin của mình và đức tin của cha mình khi ông lo chôn cất Giacốp trong xứ Canaan. Trong khi dân sự của Đức Chúa Trời sinh sống tại Ai cập và được gọi là “người Ai cập” bởi dân xứ Canaan (50.11), Tuy nhiên, quyết tâm của họ đã đặt vào xứ Canaan. Ai cập không phải là quê hương của họ. Mọi lời hứa của Đức Chúa Trời không nhắm vào xứ Ai cập; chúng nhắm vào xứ Canaan. Bạn có thể nhìn qua bên kia đời tạm của bạn ở đây trên đất không? Có phải bạn có đức tin để nhìn thấy mọi sự mà Đức Chúa Trời đang dành cho bạn không?
Giôsép là một con người hiếu kính (50.7b-11). Khi Giôsép lo chôn cất cha mình, hết thảy tôi tớ của Pharaôn cùng những trưởng lão và hết thảy trưởng lão của xứ Ai cập đã cùng đi với ông (50.7b-8). Ở 50.9-11, Môise viết: “Lại cũng có đem ngựa và xe theo lên nữa: thật là một đám xác rất đông thay! Khi đến sân đạp lúa của A-tát, ở bên kia sông Giô-đanh, thì họ làm lễ khóc than rất nên trọng thể tại đó; đoạn, Giô-sép để tang cha trong bảy ngày. Dân Ca-na-an, tức là dân xứ ấy, thấy khóc than nơi sân đạp lúa A-tát [Địa điểm “sân đạp lúa của Atát” không được biết chắc. Cụm từ “ở bên kia sông Giôđanh” có thể đề cập tới bờ phía đông hay sườn phía đông, nương theo nhận thức của một người. Tuy nhiên, cụm từ nầy thường được dùng trong Cựu Ước để chỉ Transjordan. Điều nầy cho thấy rằng đoàn tùy tùng đã đến Trũng Giô đanh và đã băng ngang qua xứ tại Giêricô, giống như dân Israel sẽ băng qua trong thời của Giôsuê. See NET Study Notes], thì nói rằng: Ấy là một đám khóc than trọng thể của dân Ê-díp-tô đó! Bởi cớ ấy người ta gọi cái sân nầy tên là A-bên-Mích-ra-im ở bên kia sông Giô-đanh”. Giôsép đã đạt tới mức hiếu kính cao độ trong con mắt của người Ai cập. Đức Chúa Trời có thể làm như thế cho dân sự của Ngài khi Ngài muốn. Nhưng đấy chưa phải là cuối cùng đâu! Trong chương kế đó của Kinh Thánh, một vị vua mới dấy lên trong xứ Ai cập, vua nầy chẳng biết đến Giôsép (Xuất Êdíptô ký 1.8). Đúng là tầm thường dường bao! Chúng ta không nên quá phấn khích về những vinh quang từ thế gian. Tiếng tăm chỉ mau qua — chưa phải là cuối cùng. Một ngày kia người ta sẽ nói: “Phước thay cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến!” nhưng sau đó không lâu, họ sẽ la lên: “Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự!” (Mathiơ 21.9; 27.23). Tiếng tăm và vinh quang rất là đẹp, nhưng nó chỉ ngắn ngủi mà thôi [See also Eaton, Genesis 24-50, 121]. Vì thế, chúng ta phải nhớ rằng tình bạn rất quan trọng, chúng ta không thể tự thỏa hiệp để kiếm sự được lòng người. Lứa tuổi thanh thiếu niên, tôi dám chắc với các bạn rằng tình bạn trong học đường của các bạn sẽ nhất thời thôi. Vậy nên, đừng tự thỏa hiệp để kiếm bạn bè và đừng tốn nhiều thời gian dốc đổ mình vào các mối quan hệ nhất thời. Đến cuối cùng, bạn sẽ thấy thất vọng cho xem.
Giôsép là một con người bền đỗ trong ơn kêu gọi của mình (50.12-14). Môise viết: “Vậy, các con trai Gia-cốp làm theo lời cha trối lại, dời xác người về xứ Ca-na-an, chôn trong hang đá của đồng Mặc-bê-la ngang Mam-rê, mà Áp-ra-ham đã mua luôn với đồng ruộng Ep-rôn, người Hê-tít, để dùng làm mộ địa. Chôn cha xong rồi, Giô-sép cùng các anh em và các người đi lên theo đưa xác cha, đều trở xuống xứ Ê-díp-tô”. Mọi lời hứa của Đức Chúa Trời hết thảy đều gắn bó với xứ Canaan, nhưng Giôsép không bị cám dỗ mà ở lại đó. Ông biết rõ ơn kêu gọi của mình về xứ Ai cập. Ông lấy một con mắt nhìn về đất hứa, là nơi ông đã không nhìn thấy từ lúc được 17 tuổi, và rồi đã quay trở về nơi chốn mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông. Đây là sự kêu gọi cá nhân sẽ giúp cho bạn tiếp tục bền dỗ trong đời sống và chức vụ của bạn.
Ngày nay, bạn có thể cảm thấy một điều rất vô mục đích. Có thể bạn không cảm thấy mình như có một ý thức thực sự về ơn kêu gọi. Hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn một ơn kêu gọi hay khẳng định ơn kêu gọi trên đời sống của bạn. Tôi có một ơn kêu gọi từ Đức Chúa Trời phải giảng dạy Kinh Thánh. Lori có một ơn kêu gọi dạy dỗ con cái của chúng tôi. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều chi để chu toàn các ơn kêu gọi đặc biệt nầy. Nếu chúng tôi phải chi tiền bạc vào học đường, đào tạo, hay tiếp trợ, chúng tôi sẽ chi số tiền đó. Nếu chúng tôi phải hy sinh trong kế hoạch của mình, chúng tôi sẽ phải hy sinh thôi. Nếu chúng tôi thất vọng và thất bại, chúng tôi sẽ trả giá cho sức lực để “hăng hái lên” vì chúng tôi có những ơn kêu gọi trên đời sống của chúng tôi. Đâu là ơn kêu gọi của bạn vậy? Có phải bạn đang sửa soạn để chu toàn ơn ấy không?
Giôsép là một con người biết tin cậy vào quyền tể trị của Đức Chúa Trời (50.15-21). Ở 50.15-18, Môise viết: “Các anh Giô-sép thấy cha mình chết rồi, thì nói với nhau rằng: Có lẽ Giô-sép sẽ ganh ghét chúng ta, và trả thù việc ác chúng ta đã làm cho người chăng. Các anh bèn sai người đến nói cùng Giô-sép rằng: Trước khi qua đời, cha em có trối rằng: Hãy nói lại cho Giô-sép như vầy: Ôi! xin hãy tha điều ác, tội phạm của các anh con đi, vì chúng nó đã lỗi cùng con đó; nhưng bây giờ cha xin con hãy tha tội kẻ tôi tớ của Đức Chúa Trời cha. Nghe qua mấy lời nầy, Giô-sép bèn khóc. Chính các anh người đến sấp mình xuống dưới chân mà nói rằng: Các anh đây thật là kẻ tôi tớ của em đó”. Trong bốn câu nầy, các anh của Giôsép đã thổ lộ một số đáp ứng rất tiêu cực và tích cực. Lúc đầu, họ đáp ứng tiêu cực thích đáng với tội lỗi, sợ hãi và đa nghi. Họ không thể hiểu được sự tha thứ của Giôsép. Họ tưởng rằng Giôsép chỉ đề ra thời biểu kính trọng dành cho cha của người là Giacốp. Nhưng giờ đây Giacốp đã qua đời rồi, họ bị bám chặt với sự trông mong hãi hùng về án phạt dành cho tội lỗi của họ nơi tay của Giôsép. Vì vậy họ mau nhận rằng Giacốp đã đưa ra lịnh lạc cho Giôsép phải tha thứ các anh mình. Tuy nhiên, Giacốp không hề làm vậy vì ông biết rõ Giôsép đã tha thứ hoàn toàn cho các anh mình. Sợ hãi thường khiến cho chúng ta phải nắm lấy vấn đề trong hai bàn tay của chúng ta. Khi điều nầy xảy ra, chúng ta có thể nói và làm những việc tỏ ra những động lực bất khiết. Trong trường hợp nầy, các anh đang ra sức để “cứu lấy da của họ” khi họ đáng phải tin cậy nơi Đức Giêhôva.
Về mặt tích cực, các anh mang tội chống nghịch lại Giôsép. Họ không gọi tội lỗi của họ là lỗi lầm hay sai sót khi xét nét, như thường xảy có hôm nay. Các anh sử dụng những từ như “việc ác” (50.15, 17), “tội phạm” (50.17), và “lỗi” (50.17). Khi ấy họ nài xin ơn tha thứ, sấp mình xuống trước mặt Giôsép, và tận tụy giống như hàng nô lệ (50.17-18). Những người nầy biết ăn năn!
Nhà xã hội học James Davison Hunter lưu ý quí thầy cô giáo đang đứng lớp không nên nói những câu như: “Làm ơn thôi đi! Các em đang làm rối cả lớp kia!” Giờ đây các câu nói như thế bị coi là lời lẽ phán xét. Thay vì thế, nếu một thanh niên có cánh tay mạnh mẽ đang làm vở các cánh cửa sổ lớp học bằng quả banh quần vợt của mình, thầy giáo sẽ nói đại loại như sau: “Em đang làm gì vậy? Sao em lại làm vậy chứ? Làm thế em cảm thấy như thế nào?” Hunter tiếp tục nói chữ “tội lỗi” tìm thấy chỗ của nó trong các thực đơn ghi món tráng miệng: “Peanut Butter Binge” và “Chocolate Decadence” là tội lỗi, còn nói dối thì không. Xã hội của chúng ta đã tránh né ý nghĩa của tội lỗi. Từ “tội lỗi” không còn là một từ có ý nghĩa cho hầu hết người ta trong xã hội của chúng ta. Đấy là lý do tại sao nhiều người tội lỗi đang tà tà quanh thế giới của chúng ta ngày nay. Chẳng có cách nào gạt bỏ được tội lỗi cho tới chừng nào bạn trước tiên công nhận đã làm sai. Các tổ phụ Cơ đốc của chúng ta vốn hiểu rõ từ “tội lỗi”. Họ sợ từ ấy, gớm ghét nó, đau khổ vì nó, và trốn tránh nó. Đây là lúc tái khám phá lại tội lỗi, để chúng ta có thể đòi hỏi ơn tha thứ và say sưa trong ân điển! [David Jeremiah, Grace for the Day. Turning Point Daily Devotional, 5/4/06]. Nếu bạn đã phạm tội nghịch lại ai đó, vì cớ Đức Chúa Trời và vì chính bạn, hãy gọi nó theo đúng nghĩa của nó! Đừng cho nó là không quan trọng hay cáo lỗi cho bản thân mình. Đức Chúa Trời tôn cao người nam hay người nữ với một tinh thần thống hối, hạ mình (Êsai 57.15; 66.2b; Mathiơ 5.3-4; Luca 18.13-14). Trong nhiều trường hợp, kẻ mà bạn phạm tội nghịch với cũng tìm thấy sự xưng tội chân thành rất hấp dẫn.
Ở 50.19-21, Môise ghi lại đáp ứng rất hay của Giôsép: “Giô-sép đáp rằng: Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao? Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo. Vậy, đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng các anh và con cái các anh. Đoạn, Giô-sép an ủi các anh, và lấy lời êm dịu mà nói cùng họ” [Sailhmaer viết: “Phần mô tả sau cùng nói tới cách xử sự của Giôsép với các anh mình là câu nói ‘Đoạn, Giô sép an ủi các anh [wayenahem 'oth am; NIV, “tái khẳng định”] và lấy lời êm dịu mà nói cùng họ [wayedabber `al-libbam]’ (câu 21). Một lần nữa, thật khó nhìn thấy trong bức tranh nầy về Giôsép và các anh của ông một hình bóng nói trước về cộng đồng trong tương lai các con trai của Israel trong cuộc lưu đày đang trông đợi sự họ trở về lại Đất Hứa. Đối với chính cộng đồng ấy, lời kêu gọi thốt ra bởi tiên tri Êsai là ‘Đức Chúa Trời của các ngươi phán rằng: hãy yên ủi [nahamu], hãy yên ủi [nahamu] dân ta. Hãy nói cho thấu [dabberu `al-leb] lòng Giê-ru-sa-lem, và rao rằng sự tranh chiến của nó đã trọn; tội lỗi nó đã được tha; nó đã chịu gấp hai từ tay Đức Giê-hô-va vì các tội mình’ (Êsai 40.1-2). John H. Sailhamer, Genesis. EBC (Grand Rapids. Zondervan, 1990), Electronic ed]. Đáp ứng của Giôsép trước tình trạng gian ác của các anh mình chẳng thiếu phần thiêng liêng. Nhưng đây cũng là đáp ứng thích đáng của mỗi người nam người nữ Cơ đốc nào đối mặt với đau khổ bất công hay bắt bớ (Luca 6.27-28; Côlôse 3.13). Chúng ta hãy phân tích phần đáp ứng có ba phương diện của Giôsép:
1. Đức Chúa Trời là quan án tối cao của muôn vật. “Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao?” Giôsép hỏi như thế. Mọi sai trái đều được lèo lái bởi Ngài, chớ không phải bởi con người. Có người nghĩ ngay tới câu Kinh Thánh nổi tiếng ở Rôma 12.19: “Hỡi kẻ rất yêu dấu của tôi ơi, chính mình chớ trả thù ai, nhưng hãy nhường cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời; vì có chép lời Chúa phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng” (đối chiếu I Têsalônica 5.15; I Phierơ 4.19).
2. Đức Chúa Trời là quan án tối cao của vũ trụ, Ngài là Đấng đang nắm giữ giềng mối sự tể trị thiêng liêng. Lời lẽ của Giôsép ở đây nhắc cho người ta nhớ tới lời lẽ mà ông đã thốt ra ở 45.5, một câu nói cổ điển về nguyên tắc của sự tể trị: “Bây giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều CÁC ANH ĐÃ BÁN TÔI đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ SAI TÔI đến đây trước các anh”. “Các anh đã bán tôi” tiêu biểu cho phần của con người trong mọi việc, trong khi “Đức Chúa Trời đã sai tôi” tiêu biểu cho phương diện thiêng liêng (đối chiếu Giăng 18.11; Thi thiên 76.10; Công Vụ các Sứ đồ 2.22-24; 4.28; 13.27; Rôma 8.28, 32, 38 -39; Philíp 1.12). Ngay cả những sự cố gian ác đều có nguyên nhân tối hậu của chúng trong ý định của Đấng tể trị thế gian, mặc dù Ngài chẳng phải là tác giả của điều ác. Ngài khiến có điều ác vì mọi ý định tốt lành cao cả hơn cho dân sự của Ngài và thế giới của Ngài hiển nhiên tại thập tự giá, Ngài đã quyết định trước khi lập nền thế gian. Và ai có thể tranh cãi trước thực trạng gian ác của con người trong việc đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá là sự gian ác lớn lao nhất mà thế gian đã từng nhìn thấy hay từng biết rõ? Những câu Kinh Thánh minh chứng Đức Chúa Trời có thể sử dụng điều ác vì điều ích cao cả hơn trong Công Vụ các Sứ đồ 2.22-24, 4.28, và trong phân đoạn Kinh Thánh hiện tại. Sự tể trị thiêng liêng bao gồm sự gìn giữ vũ trụ và các chi thể của nó, cũng như sự vận hành hay cấp chính quyền của nó (đối chiếu 28.15; Hêbơrơ 1.3). Nói cách khác, sự chú ý của Đức Chúa Trời tập trung vào mọi nơi. Sự khôn ngoan của Ngài cũng đã được nói chung chung rồi, trong đó sự khôn ngoan ấy phải làm với mọi đối tượng, mọi việc, cùng với loài thọ tạo trong vũ trụ (đối chiếu Thi thiên 103.19). Và đặc biệt phải nói, sự khôn ngoan ấy cũng phải làm việc với tất cả mọi người nữa (đối chiếu Thi thiên 66.7; Đaniên 2.21; 4.25; Châm ngôn 16.9). Tất cả những điều nầy là cần thiết, nếu Đức Chúa Trời cần phải hoàn thành mọi ý định của Ngài, vì mọi ý định ấy thường nương theo từng giây phút của các sự kiện và những chi tiết [Không may thay, nhiều người trong chúng ta có câu gốc lại không có lẽ thật! Để được ích từ lẽ thật nầy, chúng ta phải biết rõ chúng ta định nghĩa chữ “ích” như thế nào thường khác biệt với cách Đức Chúa Trời định nghĩa chữ “ích”. Đối với chúng ta “ích” là bất cứ điều chi làm cho chúng ta vui sướng, thỏa lòng hoặc làm cho chúng ta vui thích. Chúng ta xem tốt lành là vắng đi bất kỳ một sự đau khổ nào. Còn Đức Chúa Trời định nghĩa “ích” là điều dẫn dắt chúng ta đến với chỗ giống như ảnh tượng Đấng Christ, đưa chúng ta đến chỗ tin cậy Đấng Christ nhiều hơn hay tấn tới trong vương quốc của Ngài. Như tôi đã nói trước đây, nếu các anh của Giôsép không bán ông cho người Mađian, thì Giôsép không qua Ai cập. Nếu Giôsép không qua Ai cập, ông không bị bán cho Phôtipha. Nếu ông không bị bán cho Phôtipha, vợ của Phôtipha không vu cáo ông về tội cưỡng hiếp. Nếu vợ của Phôtipha không vu cáo ông về tội cưỡng hiếp, thì ông không bị bỏ tù. Nếu ông không bị bỏ tù, ông không gặp được quan tửu chánh và quan thượng thiện của Pharaôn. Nếu ông không gặp quan tửu chánh và quan thượng thiện của Pharaôn, ông không giải thích các điềm chiêm bao. Nếu ông không giải thích các điềm chiêm bao, ông không giải được điềm chiêm bao của Pharaôn. Nếu ông không giải được điềm chiêm bao của Pharaôn, ông không được lập làm Thủ Tướng. Nếu ông không được lập làm Thủ Tướng, ông không quản lý khôn khéo nạn đói nặng nề giáng trên khu vực. Nếu ông không quản lý khôn khéo nạn đói nặng nề giáng trên khu vực, thì gia đình ông trở lại xứ Canaan hư mất trong nạn đói. Nếu gia đình ông trở lại xứ Canaan hư mất trong nạn đói, thì Đấng Mêsi không thể đến từ một gia đình chết ấy được. Nếu Đấng Mêsi không thể đến được, thì Chúa Jêsus không hề đến. Nếu Chúa Jêsus không hề đến, thì bạn đã chết trong tội lỗi của mình và chẳng có hy vọng gì trong thế gian nầy!]
Mọi ý định của Đức Chúa Trời dành cho Giôsép và gia đình ông đều là tốt lành cả (đối chiếu Sáng thế ký 1-2). Kết quả là, ông đã xử sự với tình cảm dịu dàng đối cùng các anh mình. Ông đã minh chứng mình là kẻ gìn giữ của các anh (đối chiếu 4.9). Sáng thế ký đã mở ra với một đôi vợ chồng, Ađam và Êva, ráng sức để trở nên giống như Đức Chúa Trời; rồi kết thúc với một con người là Giôsép, ông từ chối ông không thể thay thế Đức Chúa Trời [Dr. Thomas L. Constable, Notes on Genesis ( http.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/genesis.pdfhttp.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/genesis.pdf, 2005), 276]. Với lời đáp nầy, Giôsép đã tóm tắt hoạt động của Đức Chúa Trời xuyên suốt sách Sáng thế ký. Đức Chúa Trời Đấng Tạo Hóa đang tể trị. Mọi ý định của Ngài muốn chúc phước cho nhân loại qua tuyển dân của Ápraham — dòng dõi lời hứa — đã được hoàn tất bất chấp mọi hành động của dân sự Ngài [Paul Wright, ed., Genesis. Shepherd’s Notes (Nashville. Broadman, 1997), 86]. Môise có cả một kệ sách rất là hay. Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải hiểu rõ Ngài là Đức Chúa Trời và chúng ta không phải thế! Ngài muốn chúng ta tin cậy nơi Ngài. Ngài đang tể trị và Ngài có một chương trình cho đời sống của chúng ta. Ngài có thể sử dụng những đảo lộn của cuộc sống để đưa chúng ta hướng tới đàng trước.
Không nghi ngờ chi, có những đêm dài khi Giôsép kêu la: “Chúa ơi, sao lại như vậy chứ?” “Tôi đã làm gì để phải gánh chịu như thế nầy?” Và cũng thực như thế cho bạn đấy. Bạn sẽ thắc mắc: Sao người bạn đời của tôi phải chết? Sao tôi lại mắc chứng ung thư? Sao tôi phải chôn cất con của mình? Tại sao, tại sao, tại sao? Hết thảy chúng ta đều có những thắc mắc y như thế, nhưng chỗ bạn đi tới trong suy tưởng mới là chỗ then chốt đó. Một là bạn để cho mọi nghi ngờ làm cho mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời bị què quặt đi và khiến cho bạn tăng dần trong sợ hãi và tự thương hại, hoặc bạn có thể tin theo Đức Chúa Trời bằng cách đặt lòng tin cậy của mình vào lời hứa của Ngài để “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rôma 8.28).
Khi chúng ta xem xét đời sống đáng trượng của Giôsép, chúng ta phải đối mặt với một trong những thắc mắc quan trọng của cuộc sống:
“Sao những việc tồi tệ lại xảy đến cho hạng người nhơn đức chứ?” Tiền đề của câu hỏi đã bị sai sót, vì “chẳng có một ai nhơn đức hết”. Vấn đề phải lo làm khi tìm hiểu đau khổ nằm ở điểm bắt đầu tham khảo của chúng ta: (1) Nếu chúng ta bắt đầu với tiền đề cho rằng con người và tình trạng hạnh phúc của con người là mục tiêu tối hậu, thì cuộc sống sẽ hiện hữu với chúng ta bằng một chuỗi thách thức và thất vọng không bao giờ đứt đoạn. (2) Còn nếu chúng ta bắt đầu với tiền đề cho rằng Đức Chúa Trời và ơn phước của Ngài là mục tiêu tối hậu trong cuộc sống, thì cuộc sống bắt đầu có ý nghĩa và chiếu theo viễn cảnh đời đời mà Kinh Thánh đang dạy dỗ [Bob Hallman, “God Intended It For Good” (Genesis 49.29-50.26).
http.//kauai.calvarychapel.com/teachings/genesis.html].
Lẽ đạo nói về sự tể trị chẳng được ưa thích lắm ngày nay. Khi những hoàn cảnh khó khăn xảy đến trên đường lối chúng ta, nhiều người đương thời mau chóng nhảy vào với những lời lẽ như sau: “Đức Chúa Trời chẳng có việc gì phải làm với hoàn cảnh ấy!” hay tệ hại hơn: “Đức Chúa Trời không thể làm gì trong cảnh ngộ đó”.
Nhưng có hai vấn đề với những câu nói như thế nầy: Thứ nhứt, trong họ chẳng có một sự yên ủi nào hết. Đâu là sự yên ủi khi nhìn biết Đức Chúa Trời là vô quyền không điều khiển được mọi sự hiện đang xảy ra trong đời sống của bạn chứ? Và thứ hai, trong nổ lực để bảo vệ tiếng tăm của Đức Chúa Trời họ đã làm cho Đức Chúa Trời ra kém hơn Đức Chúa Trời. Mọi lời hứa của Đức Chúa Trời, các chương trình của Ngài, và mục đích của Ngài giờ đây là đối tượng cho ý tưởng tùy hứng của con người. Nếu Ngài là Đức Chúa Trời, tất nhiên, Ngài đã làm một việc gì đó trong cảnh ngộ ấy. Đức Chúa Trời không hề vô quyền đâu! Vì thế mới có thắc mắc. Những gì Đức Chúa Trời sẽ làm không kết thúc những sự cố nhất định đâu! Giôsép dám chắc rằng mọi hành động hay không hành động của Đức Chúa Trời (trong một số trường hợp) luôn phù hợp với sự tể trị khôn ngoan của Ngài [Bruce Goettsche, “The Invisible Hand of Providence” (Genesis 50.15-21). http.//www.unionchurch.com/archive/040900.html].
3. Điều ác cần phải được báo lại bằng sự tha thứ và tình cảm. Giôsép đã công nhận mọi động lực gian ác của các anh mình: “Các anh toan hại tôi” (50.20a). Ông không thu nhỏ lại tội lỗi của họ! Tuy nhiên, Giôsép hứa cùng chính các anh đó: “Vậy, đừng sợ, tôi (nhấn mạnh trong bản Kinh Thánh gốc) sẽ cấp dưỡng các anh và con cái các anh”. Môise nói thêm: “Đoạn, Giô-sép an ủi các anh, và lấy lời êm dịu mà nói cùng họ” (50.21). Phần giúp đỡ cá nhân mà Giôsép hứa và cung cách trong đó ông hứa hẹn nó phù hợp với sự dạy Cơ đốc trong Tân Ước (đối chiếu Luca 6.27-38) [Cũng xem S. Lewis Johnson, Jr., “Lời lẽ sau cùng của Giôsép” (Sáng thế ký 50.1-26) Believers Bible Bulletin Lesson 66 June 29, 1980.
http.//www.beliÊvars-chapel.org/bulletins/genesis/genesis.html]. Từ một nhận định theo con người, Giôsép vốn có “quyền hành” và khả năng để trừng phạt các anh mình. Tuy nhiên, không những ông từ chối không làm như thế, ông còn đi xa hơn những điều mong đợi và báo đáp cho tình trạng gian ác của họ bằng ân điển và sự tử tế nữa (Rôma 12.19).
Giờ đây, tôi biết bạn đang suy tính gì! Làm sao tôi tha thứ giống như vầy cho được? Chúng ta hãy thực tế trong một phút xem. Có phải bạn biết loài thú có thể giữ lấy hận thù và cũng chiến đấu với giận dữ không? Hãy xem con lạc đà kìa. Loài lạc đà có khả năng tạo ra một cái nồi sôi sụt tức tối đối với con người. Và khi cái nắp vung thình lình bật ra, hãy coi chừng. Trong Á châu, khi người cỡi lạc đà ý thức được rắc rối, anh ta đưa chiếc áo choàng của mình cho con thú. Con lạc đà xé toạc chiếc áo ra thành từng mãnh — nó dậm lên chiếc áo, cắn xé nó, làm rách chiếc áo ra thành nhiều mãnh nhỏ. Khi nó cảm thấy đủ rồi, thì họ tiếp tục hài hòa trở lại.
Có chiếc áo choàng của ai mà bạn không tính đạp lên không? Bất luận chúng ta muốn giũ sạch sự báo thù nghiêm trọng như thế nào, sự thực cho thấy việc đó đang đầu độc linh hồn chúng ta. Kinh Thánh nói rất rõ về những hậu quả của sự cay đắng [Xem Êphêsô 4.31; Hêbơrơ 12.15; và Giacơ 3.14]. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra Vua David, một người vừa lòng Đức Chúa Trời, đã có sự tức tối. Ở cuối đời mình, ông vẫn còn quan tâm đến những sai lầm mà người ta đã làm cho ông nhiều năm trước đó. Đừng để cho tổn thương và giận dữ trở thành toàn bộ lối sống của bạn! [David Jeremiah, Grace for the Day. Turning Point Daily Devotional, 5/6/06]. Hãy tìm kiếm một phương thức có tính gây dựng rồi để cho nó chạy xuông xẻ. Tôi dùng một cái bao cát nặng và đôi găng quyền anh. Khi tôi cảm thấy sôi giận, cay đắng, hay tức tối, tôi đấm như điên cuồng vào bao cát ấy. Hãy tìm một sinh hoạt thích ứng (ngoài việc ăn uống) để giải tỏa cơn giận. Có thể bạn cần đến môn quần vợt hay golf. Hai môn thể thao nầy sẽ giúp cho bạn giải tỏa bớt tình trạng bốc hơi của mình. Khi bạn làm theo như thế, hãy suy gẫm lại về ân điển mà Đức Chúa Trời đã ban cho bạn để bạn có thể cung ứng cho nhiều người khác. Hãy tự nhũ lòng sự báo thù không thuộc về bạn — sự báo thù ấy thuộc về Đức Chúa Trời. Hãy cầu nguyện để bạn sẽ kìm giữ sự tức tối theo một phương thức hầu cho mối quan hệ của bạn không phải chịu khổ.
Giôsép là một con người đã kinh nghiệm ơn phước của Đức Chúa Trời (50.22-26). Quả là thích đáng khi sách Sáng thế ký kết thúc bằng một ơn phước kể từ khi “phước” và “chúc phước” là những từ chìa khóa của quyển sách. Trong năm câu sau cùng, Môise viết: “Giô-sép cùng nhà cha mình kiều ngụ tại xứ Ê-díp-tô; người hưởng thọ được một trăm mười tuổi. Người thấy được các con cháu Ép-ra-im đến đời thứ ba, và cũng có được nâng niu trên gối mình các con của Ma-ki, tức con trai của Ma-na-se, nữa. Kế, Giô-sép nói cùng các anh em rằng: Em sẽ chết, nhưng Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em thật; đem các anh em về xứ mà Ngài đã thề hứa cùng Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp. Giô-sép biểu các con trai của Y-sơ-ra-ên thề mà rằng: Quả thật, Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em; xin anh em hãy dời hài cốt tôi khỏi xứ nầy. Đoạn, Giô-sép qua đời, hưởng thọ được một trăm mười tuổi. Người ta xông thuốc thơm cho xác Giô-sép, và liệm trong một cái quan tài tại xứ Ê-díp-tô”. Hơn 50 năm giữa 50.21 và 22. Trong khoảng thời gian nầy, Đức Chúa Trời đã chúc phước dư dật cho Giôsép với ba ơn phước:
1. Đức Chúa Trời đã ban cho Giôsép được sống thọ (50.22). Ông đã sống 110 năm. Một chuyên gia trong lịch sử Ai cập đã tuyển chọn ít nhất 27 tham khảo đến người sống 110 năm. Tuổi nầy được xem là tuổi lý tưởng [Johnson, “The Last Words of Giôsép,”
http.//www.beliÊvars-chapel.org/bulletins/genesis/genesis.html. Victor P. Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50. NICOT (Grand Rapids. Eerdmans, 1995), 709]. Mười bảy năm đầu tiên của Giôsép được sử dụng là một thanh niên trong xứ Canaan, 13 năm kế đó là nô lệ trong xứ Ai cập, và 80 năm sau cùng là quan tể tướng cai trị khắp cả xứ Ai cập.
2. Đức Chúa Trời ban cho Giôsép đặc ân nhìn thấy chắt nội của mình (50.22-23). Trong hơn 20 năm Giôsép đã thiếu vắng gia đình vì cớ mọi điều Đức Chúa Trời đã làm qua ông, nhưng giờ đây những gì ông mất mát đã được đền bù. Ông đã sống để nhìn thấy ơn phước của Đức Chúa Trời giáng trên con cháu của con cái ông (đối chiếu 48.11). Đây là một phần thưởng của Đức Chúa Trời (Thi thiên 128.6). Như Châm ngôn 17.6 chép: “Mão triều thiên của ông già, ấy là con cháu; Còn vinh hiển của con cái, ấy là ông cha”. Hai ơn phước nêu trên chưa phải là bảo đảm cho những ai có lòng trung tín. Như bài hát của cụ Billy Joel ghi: “Có khi người nhơn đức chết trẻ”. Nhưng những nguyên tắc bao quát nầy thường là sự thực.
3. Đức Chúa Trời ban cho Giôsép đức tin đáng nhớ (50.24-26). Giôsép căn dặn các anh mình bốn việc rất quan trọng: Thứ nhứt, Đức Chúa Trời sẽ đến để trợ giúp cho Israel. Hai lần Giôsép nhắc lại câu: “Đức Chúa Trời sẽ đến viếng các anh em” (50.24-25). Đây là câu nói mà bạn và tôi cần phải trao lại cho những người thân của mình. Đừng hứa với họ về sự giàu có về tiền bạc hay sự an ninh. Hãy quyết chắc với họ về sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Ngài là mọi sự mà họ có cần! Thứ hai, Đức Chúa Trời sẽ đưa họ ra khỏi Ai cập. Mặc dù dân sự của Đức Chúa Trời phải mất 400 năm trong vòng nô lệ cho xứ Ai cập, Giôsép nhìn thấy một ngày sáng sủa hơn [Một số lời hứa của Đức Chúa Trời phải mất một thời gian dài mới ứng nghiệm. Nôê mất 100 năm lo đóng chiếc tàu trước khi có mưa xuống đất. Ápraham đã chờ đợi 25 năm mới có đứa con theo lời hứa là Ysác. Giôsép đã chờ đợi 14 năm trước khi các anh sấp mình xuống trước mặt ông. Và thế gian đã chờ đợi gần 4.000 năm Đấng Mêsi mới ngự đến (Hêbơrơ 11.13). Thế mà, chúng ta biết từng lời hứa nầy đã được ứng nghiệm! Giờ đây, chúng ta chờ đợi sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus Christ đã hứa cho. Chúng ta đã trông đợi hơn 2.000 năm qua, nhưng Ngài sẽ ngự đến. Chúng ta có Lời của Ngài về sự đến đó]. Thứ ba, Đức Chúa Trời sẽ đưa họ đến Đất Hứa. Thứ tư, Đức Chúa Trời sẽ làm ứng nghiệm lời thề của Ngài với Ápraham, Ysác, and Giacốp (Hêbơrơ 11.22). Theo ánh sáng đức tin lớn của ông, Giôsép thố lộ mọi ao ước của ông được chôn cất trong Đất Hứa (50.25). Đây là cách biểu lộ đức tin và lòng tin cậy những lời hứa giao ước của Đức Chúa Trời sẽ ứng nghiệm. Ông đã qua đời và được đặt trong một quan tài ở Ai cập (50.26). Không giống như cha của ông là Giacốp, thi thể của Giôsép không được chôn cất liền đâu. Thay vì thế, chiếc quan tài của ông đã được để trên mặt đất trong hơn 400 năm cho tới chừng dân Israel đưa nó trở về xứ Canaan khi họ lìa Ai cập dưới quyền lãnh đạo của Môise. Vì thế, chiếc quan tài ấy đã ở tại Ai cập trong 400 năm như một bằng chứng thầm lặng về lòng tin cậy của Giôsép, rằng dân Israel sẽ trở về lại Đất Hứa, y như Đức Chúa Trời đã phán vậy (Xuất Êdíptô ký 13.19). Sự biểu lộ đức tin của Giôsép như thế nầy nơi mọi lời hứa của Đức Chúa Trời cho các tổ phụ của ông cung ứng một đỉnh cao cho sách Sáng thế ký và thời kỳ hình thành lịch sử của Israel.
Sách Sáng thế ký bắt đầu với sự sáng tạo rồi kết thúc với một quan tài. Sách ấy bắt đầu trong một ngôi vườn rồi kết cuộc trong một ngôi mộ. Sách ấy bắt đầu với Đức Chúa Trời hằng sống rồi kết thúc với một người chết. Tại sao? Đây là cách lý giải sau cùng của Đức Thánh Linh ở phần cuối của quyển sách Sáng thế ký cơ bản nầy, nó tỏ ra tình trạng của con người và hậu quả của tội lỗi. Sứ điệp của Kinh Thánh là đây: Bạn và tôi là tội nhân và Đức Chúa Trời tìm cách phục hồi lại hạng tội nhân. Một khi Ngài không thể nhìn xem tội lỗi, Ngài đã sai Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ (Đấng Mêsi) đến để trả giá án phạt cho tội lỗi của con người.
Những điểm tương đồng giữa Giôsép và Chúa Jêsus [Ron Ritchie, “How God Turns Evil Into Good. Giôsép. Man Of Faith...Image Of Christ” (Genesis 50.1-26).
http.//www.pbc.org/dp/ritchie/4423.html].
Cả hai người đều được cha mình yêu thương (Sáng thế ký 37.3; Mathiơ 3.17).
Cả hai người đều là người chăn bầy chiên cho cha mình (Sáng thế ký 37.2; Giăng 10.11-16).
Cả hai người đều được cha sai phái đến cùng anh em mình, nhưng các anh của Giôsép đã thù ghét và đã tìm cách giết ông, còn anh em huyết thống của Chúa Jêsus đã từ chối Ngài, và các anh em thuộc linh của Ngài đã tìm cách giết Ngài (Sáng thế ký 37.13ff; Giăng 7.3; Luca 20.47).
Cả hai người đều có chiếc áo choàng riêng bị họ lấy đi (Sáng thế ký 37.23-24; Giăng 19.24).
Cả hai người đều qua thời gian ở Ai cập (Sáng thế ký 37.25-28; Mathiơ 2.14-15).
Cả hai người đều bị bán với giá cả của một nô lệ (Sáng thế ký 37.28; Mathiơ 26.15).
Cả hai người đều bị xiềng xích (Thi thiên 105.18; Sáng thế ký 39.20; Mathiơ 27.2).
Cả hai người đều bị cám dỗ (Sáng thế ký 39.7-10; Mathiơ 4.1-11).
Cả hai người đều bị vu cáo (Sáng thế ký 39.16-17; Mathiơ 26.59).
Cả hai người đều bị đặt bên cạnh hai tù phạm khác, một trong số họ đã được cứu và kẻ kia bị hư mất (Sáng thế ký 40.2-22; Luca 23.32-43).
Cả hai người đều bắt đầu chức vụ mình ở tuổi 30 (Sáng thế ký 41.46; Luca 3.23).
Cả hai người đều được Đức Chúa Trời tôn vinh sau một thời kỳ chịu khổ (Sáng thế ký 41.41-43; Philíp 2.9-11).
Cả hai người đều đã tha thứ cho những kẻ làm hại cho họ (Sáng thế ký 45.1-15; Luca 23.34).
Cả hai người đều được Đức Chúa Trời sai phái để cứu nhiều người (Sáng thế ký 45.7; Mathiơ 1.21; Mác 10.45).
Cả hai người đều hiểu rõ rằng Đức Chúa Trời lấy thiện báo ác (Sáng thế ký 50.20; Rôma 8.28).




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét