Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Gen 28.10-22: "Kẻ trốn chạy"



"Kẻ trốn chạy"

(Sáng thế ký 28.10-22)
Vào năm 1995, tạp chí Chuyên mục về gia đình (Focus on the Family) đăng một câu chuyện đáng kinh ngạc về Frank W. Abagnale. Ở tuổi 16, bố mẹ của Abagnale đã ly dị. Cuộc ly dị nầy đã phá tán anh đến nỗi anh đã bỏ đi rồi trở thành một kẻ chẳng ra gì chuyên lạm dụng lòng tin của người khác, sống đó đây với một cuộc sống cao cấp và mất kiểm soát. Một trong những việc làm mà anh ưa thích là thủ vai những viên phi công để chuyển những tờ ngân phiếu giả cũng như “ngồi ghế phụ” miễn phí, đến bất cứ đâu trên thế giới. Từ 16 đến 19 tuổi, Abagnale cũng thủ vai một bác sĩ y khoa, một giáo sư xã hội học, và một luật sư. Câu chuyện của anh được gọi là “câu chuyện thực nói về một tay giả mạo có thực”. Cuộc đời của anh hấp dẫn đến nỗi Steven Spielberg đã chuyển nó thành một cuộn phim [Catch Me If You Can [Hãy bắt tôi nếu có thể] (DreamWorks, 2002), kịch bản của Jeff Nathanson, Steven Spielberg làm đạo diễn]. Cuối cùng, một đặc vụ FBI đã bắt được Abagnale. Giờ đây, anh ta phục vụ trong vai trò cố vấn và thuyết trình viên nổi tiếng khắp thế giới ở Bộ Phận Tội Ác về Tài chính của cơ quan FBI.
Trong Sáng thế ký 28, Gia-cốp đã bỏ trốn ra khỏi nhà. Âm mưu nhận lấy phước hạnh từ Y-sác là một sự thành công…theo một ý nghĩa. Tuy nhiên, ở một ý nghĩa khác đây là một sự thất bại kinh khủng lắm. Gia-cốp bị buộc phải rời khỏi nhà để tránh không bị giết bởi người anh đang giận dữ lồng lộn kia. Cho nên, tuy Gia-cốp nhận lãnh phước hạnh nhưng ông phải để cơ nghiệp lại cho Ê-sau. Ông phải trốn đi. May cho Gia-cốp, và cho chúng ta, Đức Chúa Trời thích đuổi theo những kẻ bỏ trốn. Đây là nét đặc trưng rõ nhất của Đức Chúa Trời — Ngài đến với hạng người loạn nghịch để ở với họ rồi để cứu lấy họ [Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 125]. Thực vậy, khi sau cùng Đức Chúa Trời chọn trở thành một con người [Chúa Jêsus], Ngài đã đến để “tìm và cứu kẻ bị mất” (Luca 19.10). Câu chuyện nầy, ở 28.10-22, cung ứng cho chúng ta một bức tranh nói đến phương thức mà thiên đàng đang hạ xuống tới đất.
Câu chuyện của chúng ta bắt đầu ở 28.10: “Gia-cốp từ Bê-e-Sê-ba đi đến Cha-ran”. Đây là chuyến hành trình ngược dòng thời gian dành cho Gia-cốp; ngược dòng là vì ông đã lần theo những dấu chơn của ông nội mình là Ápraham, là người đã từ Charan đến Đất Hứa cách đấy nhiều năm trời. Thế nhưng Ápraham đã để lại sau lưng ông một sự ổn định của những người từng lớn lên và thịnh vượng trải qua nhiều năm tháng. Cho nên cái điều rất tự nhiên là mẹ ông Rêbeca, sẽ nghĩ đến Charan khi bà tưởng đến một nơi ẩn náu an toàn cho đứa con út hoang đàng của mình. Chuyến đi vất vả từ Bê-e-Sê-ba đến Charan đủ xa đến nỗi Ê-sau sẽ không đuổi theo Gia-cốp đến đó. Tuy nhiên, có một gia đình ở tại Charan, vì vậy Gia-cốp không sống cô độc đâu. Mọi sự trong mọi sự, Charan là lời đề nghị khả thi. Kế hoạch của Rêbeca rất đơn giãn. Do việc sai Gia-cốp đến Charan, bà đã đặt ông vào một chỗ an toàn trong một vài tháng cho tới chừng nào cơn giận của Ê-sau nguôi đi. Khi đó bà sẽ thông báo cho Gia-cốp biết mà trở về nhà. Đồng thời, bà hy vọng rằng con trai bà sẽ cưới một trong những người bà con ở tại Charan rồi mới quay trở về nhà, có cô dâu ở trong tay. Đây là một kế hoạch rất hay, và thực vậy kế hoạch đã diễn ra, tuy không chính xác giống như Rêbeca nghĩ.
Trong 28.11: “tới một chỗ kia, mặt trời đã khuất [Mặt trời mọc và mặt trời lặn là những hình ảnh bình thường nói tới cảnh khốn cùng và sự giải cứu (đối chiếu Sáng thế ký 15.12, 17; 19.1; Giăng 13.30). Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 389], thì qua đêm tại đó. Người [Gia-cốp] lấy một hòn đá làm gối đầu, và nằm ngủ tại đó”. Chuyến đi từ Bê-e-Sê-ba đến Charan là một chuyến đi rất dài (khoảng 550 dặm) [John H. Walton, Genesis. The NIV Application Commentary (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 570]. Khi ở cách nhà chừng 70 dặm, ông đã đến thị trấn Luxơ (đối chiếu 28.19). Thật là ngạc nhiên khi chúng ta thấy Gia-cốp lại ở ngoài thành đó, rõ ràng là đang nằm ngủ ở ngoài đồng vắng. Lữ khách ngày xưa thường hay trú qua đêm ở ngoài, đây là một thói tục xưa (19.1-3; Các Quan Xét 19.11-21) [Arnold, Encountering the Book of Genesis, 124]. Vì vậy, một là Gia-cốp đến nơi sau khi hai cánh cổng đã đóng lại, hoặc ông mệt mõi đến nỗi ông không muốn hoà mình vào đó [Bruce Goettsche, Never Alone (Genesis 28.10-22).
http.//www.unionchurch.com/archive/090599.html]. Dầu ông đang suy nghĩ gì đi nữa, tôi tin Gia-cốp sau cùng đã ở vào chỗ tận cùng của mình rồi. Tôi tin là ông đã đạt tới chỗ nhìn biết ông sẽ không bao giờ thịnh vượng trên cơ sở của mọi kế sách và phấn đấu của ông. Sự tự tin của ông có lẽ đã bị hạ thấp xuống tột cùng. Đây là thời điểm lý tưởng cho Đức Chúa Trời xâm nhập vào đời sống của ông; vì lúc bấy giờ Gia-cốp biết rõ ông cần đến Đức Chúa Trời rất nhiều trong thứ tự để được phước giống như cha ông đã cần vậy.
Bối cảnh cuộc gặp gỡ của Đức Chúa Trời với Gia-cốp thách thức tình trạng tâm lý của Gia-cốp. Sự an ninh của chàng trai kia đã bị các mối nguy hiểm của đêm tối thế chỗ. Bóng yên ủi trong túp lều của bố mẹ lại được một hòn đá thay thế. Sau lưng ông là Bê-e-Sê-ba, ở đó Ê-sau đang chờ để giết ông; trước mặt ông là Charan, ở đây Laban đang đợi để bóc lột ông. Ông đang lừng chừng giữa một trại chết chóc và một trại lao động. Trở về lại Bê-e-Sê-ba, Ê-sau đang nằm đợi giống như một con sư tử thịnh nộ. Charan ở trước mặt, Laban đang chờ với mạng nhện để gài bẫy hầu rút lấy sự sống từ các nạn nhân của mình [Waltke, Genesis, 388-389].
Tôi hình dung ông đã khó mà ngủ được trong đêm đó … và không những vì ông đang nằm ngủ trên đất với một hòn đá gối đầu. Khi ông hồi tưởng lại trong lý trí, tôi lấy làm lạ không biết ông suy nghĩ gì về gia đình mình. Có phải ông lo lắng về người cha già của mình không? Có phải một giọt lệ câm nín đang chảy dài trên gò má khi ông nhớ lại lời từ biệt với mẹ của mình không? Có phải mặt ông chuyển sang màu đỏ ửng trong bóng tối khi ông tưởng lại sự lừa dối đáng xấu hổ của mình không? Phải chăng viên đạn sợ hãi đã ghim trúng tim ông khi ông nghĩ đến lời mà Ê-sau thề sẽ giết ông? [Ray Pritchard, Jacob’s Ladder (Genesis 28).
http.//www.calvarymemorial.com/sermons/SMdisplay.asp?id=331]
Ở 28.12, Môise đang trau chuốt bối cảnh. Gia-cốp “bèn chiêm bao thấy một cái thang bắc từ dưới đất, đầu đến tận trời, các thiên sứ của Đức Chúa Trời đi lên xuống trên thang đó”. Thật là hay khi thấy Gia-cốp, toàn bộ đời sống của ông có thể được tóm tắt là một cuộc sống đầy phấn đấu và chụp giựt, sau cùng lại có một cuộc gặp gỡ với Đức Chúa Trời, trong giấc ngủ của mình. Gia-cốp đã nhận được sự khải thị nầy vào lúc nào vậy? Khi ông đang lao động chăng? Khi ông đang lên kế hoạch ư? Không, khi ông đang nằm ngủ (xem Êsai 30.15-16). Hai biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời của Gia-cốp là những lần thăm viếng từ Đức Chúa Trời, cả hai lần trong khi ông đang nằm ngủ. Lần thứ nhứt là giấc chiêm bao nầy tại Bê-tên khi ông đang trốn chạy ra khỏi xứ Canaan, mỉa mai thay là vì phước của ông. Lần kia là lần phấn đấu ở tại Phêniên khi ông đang ra sức trở về xứ (32.24-32). Mỗi cuộc gặp gỡ thiêng liêng là một biến cố làm thay đổi đời sống [Allen P. Ross, “Jacob’s Visions. The Founding of Bethel,” Bibliotheca Sacra 142.567 (July-September 1985), 226. Bêtên nhận được nhiều lần nhắc tới trong Cựu Ước hơn bất cứ một thành nào khác, trừ ra thành Jerusalem. Điều nầy chỉ ra tầm quan trọng của nó trong lịch sử Kinh Thánh].
Phần quan sát khác rất đáng phải để ý đến. Gia-cốp đã ở đâu khi ông nhận được sự khải thị nầy?
Về thuộc thể. Ông đang ở trong vùng đất trơ trụi, hoang vu, chỉ toàn đá, giữa chốn vô định.
Về xã hội. Ông bị phân rẽ ra khỏi gia đình và đang trốn chạy vì mạng sống mình.
Về vật chất. Ông chẳng có gì hết trừ ra cái áo xống dính da.
Về thuộc linh. Ông đang ở cách xa Đức Chúa Trời, cô độc và không có sự trông cậy [Bob Hallman, “Nowhere To Look But Up”(Genesis 28.1-22). http.//calvarychapel.com/kauai/teachings/Genesis_pdf/gen_28_notes.pdfhttp.//calvarychapel.com/kauai/teachings/Genesis_pdf/gen_28_notes.pdf, 9].
Đức Chúa Trời thích can thiệp và gặp gỡ chúng ta khi chúng ta đang trong cảnh trống không, cô độc, và xa khỏi Ngài. Thiên đàng hạ xuống đến đất khi chúng ta đang có cần Đức Chúa Trời nhứt. Đấy là câu chuyện Giáng sinh! Nếu bạn đặt đức tin mình nơi Đấng Christ, đây cũng là câu chuyện nói tới đời sống bạn nữa đấy.
Mỉa mai thay, ngày nay có nhiều người lại bằng lòng buộc chúng ta phải dừng lại với câu nầy. Tại sao vậy? “Các Thiên sứ!” Thiên sứ là vấn đề lớn và nhiều người bị kích động về họ. Thiên sứ có mặt trên bìa của từng tạp chí tin tức; họ đã làm say mê công chúng Mỹ. Cần phải nói rằng sở thích của chúng ta về các thiên sứ là tốt lắm. Thế nhưng Kinh Thánh dạy cho chúng ta biết rằng chúng ta phải thử các linh (I Giăng 4.1-3): “Nào có lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng” (II Côrinhtô 11.14). Mọi sự gì là “thuộc linh” chưa hẳn là tốt đâu!
Mặc dù vậy, tôi sẽ nói về điều nầy. Không có nhiều người trong Kinh Thánh từng nhìn thấy thiên sứ đâu [Những cá nhân sau đây đã nhìn thấy thiên sứ. Tôi tớ của Êlisê tại Đôthan, Đaniên, Xachari, Mary, Giôsép, những người đờn bà tại mộ của Đấng Christ, Phaolô, và sứ đồ Giăng]. Phần lớn nhiều người đã sống toàn bộ đời sống của họ mà chẳng nhìn thấy được một thiên sứ. Nhưng ở đây và ở kia, ở nhiều thời điểm trong lịch sử, Đức Chúa Trời đã cho phép một ít người có được đặc ân nầy. Điều nầy giống như Đức Chúa Trời đã kéo các bức màn lên ở một thời điểm cụ thể nào đó để cho ai đó nhìn thấy các thiên sứ của Đức Chúa Trời đang làm việc ở đàng sau bối cảnh. Gia-cốp là một trong một ít người ấy.
Các thiên sứ đang làm gì vậy? Họ đang đi lên đi xuống các bậc thang. Họ đang chuyển các sứ điệp từ đất lên trời và các sứ điệp từ trời xuống đất. Họ là những nhân vật đưa tin thiên thượng, họ báo cáo cho Đức Chúa Trời biết về tình trạng của thế gian (Hêbơrơ 1.14). Họ cũng bày ra ý chỉ của Đức Chúa Trời — đáp trả cho những lời cầu nguyện, cung cấp sự hướng dẫn, tiếp trợ sự bảo hộ, chiến đấu cho dân sự của Đức Chúa Trời, và ngăn trở những cuộc công kích của Satan.
May thay, 28.13-15 nói cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là ai. Tại sao cứ mãi mê với hàng tôi tớ của Đức Chúa Trời đang khi bạn có Chủ là chính mình Ngài? Môise viết: “ Nầy, Đức Giê-hô-va ngự trên đầu thang [hay “đứng bên cạnh ông”, theo bản Kinh Thánh NRSV] [Victor P. Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50. NICOT (Grand Rapids. Eerdmans, 1995), 240-241] mà phán rằng: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, tổ phụ ngươi, cùng là Đức Chúa Trời của Y-sác. Ta sẽ cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi đang nằm ngủ đây. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát bụi trên mặt đất, tràn ra đến đông tây nam bắc, và các chi họ thế gian sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước. Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa [Đây là phần khải thị đầu tiên trong tám khải thị mà Gia-cốp sẽ nhận trong cả cuộc đời của ông (Sáng thế ký 31.3, 11-13; 32.1-2, 24-30; 35.1, 9-13; 46.1-4)] cùng ngươi”.
Cái “thang” [Từ ngữ Hy bá lai sullam chỉ được sử dụng ở đây trong Cựu Ước] rõ ràng giống với cầu thang với những bước đi lên đến tận trời [Arnold, Encountering the Book of Genesis, 124; Walton, Genesis, 570; Ronald F. Youngblood, The Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1991), 218]. Gia-cốp ở dưới chân, còn Đức Chúa Trời ở trên đỉnh thang, một chiếc thang đầy các thiên sứ ở giữa. Điều nầy có nghĩa gì? Cái thang nầy, với “đỉnh” của nó đến tận trời, đã được “đặt hướng xuống đất”. Có nhớ đến tháp Babên trong đó con người loạn nghịch đã ra sức xây một cái tháp với “đỉnh” lên đến “tận trời” không (11.4)? Cái thang trong chiêm bao của Gia-cốp, bằng cách đối chiếu, đang đem trời xuống đất. Mục tiêu là: mọi nổ lực của con người để lên trời không bao giờ có hiệu quả. Led Zeppelin đã nhận định sai trong bài ca của họ có đề tựa Stairway to Heaven [Chiếc thang bắc lên trời]. Nhiều người nam người nữ có thể tiếp cận thiên đàng chỉ khi nào thiên đàng đến với trần gian hoặc khi Đức Chúa Trời đưa họ lên thiên đàng mà thôi.
Kinh Thánh dạy cho chúng ta biết rằng cái thang là Chúa Jêsus. Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 1.51: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống trên Con người”. Chúa Jêsus là chiếc thang bắc lên trời của chúng ta. Ngài làm cho điều nầy ra rõ ràng, trong Giăng 1.51, rằng Ngài là con đường đi đến thiên đàng. Ngài là phương tiện bởi đó thiên đàng xuống cùng chúng ta và bởi đó chúng ta có thể đi lên thiên đàng. Ngài là chiếc “thang”. Ngài không chỉ cho chúng ta thấy một con đường nào hết, Ngài là đường đi. Ở Giăng 14.6, chính Chúa Jêsus có phán: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống; không bởi ta thì chẳng ai sẽ đến được cùng Cha”. Trong I Timôthê 2.5, Phaolô viết: “Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người”. Hiển nhiên, chính Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng bắt nhịp cầu giữa trời và đất. Chính là nhờ Ngài mà Đức Chúa Trời đã ngự xuống cùng loài người. Chính là nhờ Ngài mà con người sẽ lên đến cùng Đức Chúa Trời. Các tôn giáo của con người dạy rằng chúng ta phải dấy lên cùng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sứ điệp của Kinh Thánh, ấy là Đức Chúa Trời ngự xuống cùng loài người. Vì thế, nếu bạn muốn có một mối quan hệ với Đức Chúa Trời, bạn phải đến với Ngài theo qui định của Ngài … nói như thế có nghĩa là phải qua Chúa Jêsus! Bạn có thể làm điều nầy ngay hôm nay. Hãy công nhận tội lỗi của bạn trước mặt Đức Chúa Trời, hãy thôi đừng tin cậy vào các việc lành riêng của mình, địa vị thuộc viên trong Hội Thánh, phép báptêm, hay nhận định kiểu thế gian, mà hãy tin cậy một mình Đấng Christ.
Trong tất cả những năm sống của Gia-cốp, Đức Chúa Trời chưa hề trao đổi trực tiếp với ông. Đối với Ápraham là ông nội của Gia-cốp — thì có đấy. Đối với Y-sác là cha của Gia-cốp — thì có đấy. Nhưng với Gia-cốp — thì không. Trong cả cuộc đời ông, ông đã sống với đức tin mượn của cha ông mình. Ông được trưởng dưỡng bằng đức tin của họ, được dạy dỗ bằng đức tin của họ, ông vốn biết rõ đức tin của họ, và đã tin theo niềm tin của họ, nhưng ông chưa hề có một kinh nghiệm riêng nào với Đức Chúa Trời của cha ông mình. Đối với Gia-cốp đây là một thực tại phụ thuộc, không thuộc về mình.
Thú vị thay, Đức Chúa Trời không quở trách Gia-cốp vì cách thức đáng xấu hổ mà ông đã đối xử với anh hay với cha của ông. Đúng là một Đức Chúa Trời giàu ơn. Chúng ta thường nghĩ Đức Chúa Trời hay bất bình đối với chúng ta, tuy nhiên sự thực cho thấy Ngài yêu thương chúng ta và muốn thốt ra những lời lẽ khích lệ và giàu ơn đối cùng chúng ta. Hãy suy nghĩ trong một phút về cách bạn yêu con hay cháu mình nhiều dường bao. Có phải bạn nghĩ một Đức Chúa Trời yêu thương và trọn lành lại yêu bạn kém hơn sao? Tất nhiên là không rồi!
Ở 28.13-15, Đức Chúa Trời đang ban cho Gia-cốp một vài lời hứa rất quí báu. Trong khi các lời hứa của Gia-cốp không ứng dụng một cách trực tiếp, trên toàn lãnh vực cho chúng ta, thật là đáng kinh ngạc khi chúng ta tiếp thu được nhiều điều về bổn tánh của Đức Chúa Trời qua các lời hứa nầy. Hãy suy nghĩ về tất cả các nhu cần mà mọi lời nầy đang tỏ ra:
Xấu hổ. “Ta là Đức Chúa Trời của Ápraham tổ phụ ngươi”. Gia-cốp ơi, thậm chí dù ngươi có quên đi sự việc đó (và ngươi đã quên), ta có thể cất bỏ hết tình trạng rối rắm của ngươi mà sử dụng ngươi.
Phản bội. “Ta là Đức Chúa Trời của Y-sác”. Gia-cốp ơi, ta biết ngươi đang cảm thấy ngươi phản bội cha mình (và ngươi đã phản bội). Tuy nhiên, ta là Đức Chúa Trời của cha ngươi và ta đã không làm cho ông ấy phải lo buồn, dù ngươi làm việc đó. Ta là một Đức Chúa Trời lớn và ta rất đáng tin cậy. .
Mất quê hương. “Ta sẽ ban cho ngươi đất nầy”. Gia-cốp ơi, ta biết ngươi là một kẻ trốn chạy, nhưng một ngày kia ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi Đất Hứa.
Mất gia đình. “Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát bụi trên mặt đất”. Gia-cốp ơi, ta biết các mối quan hệ trong gia đình ngươi rất căng thẳng, nhưng ta sẽ ban cho ngươi nhiều dòng dõi khác.
Vô nghĩa. “Các chi họ thế gian sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước”. Gia-cốp ơi, ngay bây giờ có thể ngươi cảm thấy rất nhỏ nhoi và vô nghĩa, nhưng cuộc đời ngươi sẽ rất đáng kể cho ta. Dường như việc ấy chưa thấy có trong lúc bây giờ, nhưng ta sẽ sử dụng ngươi.
Sợ hãi về tương lai. “Ta ở cùng ngươi…bất cứ ngươi đi đâu” [Sailhamer viết: “Đức Giêhôva phán: ‘Nầy, ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ nầy’ (câu 15). Trong vòng câu chuyện đã được cấu trúc cẩn thận nầy, lời lẽ đó trở thành động lực và nguyên tắc hướng dẫn gắn với toàn bộ các biến cố được thuật lại. Vì vậy khi Gia-cốp trở về từ nhà của Laban sau nhiều năm tháng, ông đã trở về chính địa điểm ấy, Bêtên, nơi Đức Chúa Trời một lần nữa chúc phước cho ông và đã hứa ban cho ông xứ mà Ngài đã từng hứa với Ápraham (35.12); và Đức Chúa Trời đã tái khẳng định lời hứa của Ngài khiến dòng dõi ông thành ra một dân lớn (35.11). Giống như Gia-cốp đã dựng lên một cây ‘trụ’ (massebah) khi bắt đầu cuộc hành trình và rồi đặt tên cho địa điểm ấy là ‘Bêtên’ (28.18-19), cũng một thể ấy khi ông trở về, ông đã dựng một câu ‘trụ’ khác (massebah) và đặt tên cho địa điểm đó là ‘Bêtên’ (35.14-15). Ở cuối câu chuyện của Gia-cốp, khi ấy, tác giả đã đặt ra một sự nhắc nhớ rằng Đức Chúa Trời đã ở với Gia-cốp trong mọi sự mà ông đã làm và Đức Chúa Trời là thành tín với mọi lời hứa của Ngài. John H. Sailhamer, Genesis. EBC (Grand Rapids. Zondervan, 1990), Electronic ed].
Gia-cốp là người đầu tiên trong Kinh Thánh nghe được lời bảo đảm: “Ta ở với ngươi” (28.15). Đây là một lời hứa mà Đức Chúa Trời về sau được lặp lại với Môise (Xuất Êdíptô ký 3.12; Giôsuê (Giôsuê 1.5), Ghi-đê-ôn (Các Quan Xét 6.16), về Emmanuên (Êsai 7.14; Mathiơ 1.23), và với các môn đồ (Mathiơ 28.20; Hêbơrơ 13.5) [ Dr. Thomas L. Constable, Notes on Genesis ( http.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/Genesis.pdfhttp.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/Genesis.pdfhttp.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/Genesis.pdf, 2005), 197]. Khi chúng ta nhìn vào kinh nghiệm của Gia-cốp, tôi muốn bạn phải nhìn thấy Đức Chúa Trời cũng đang ở với bạn nữa đấy. Có thể bạn đang ở bên bờ suy sụp của lý trí; song dù bạn chưa nhận ra như thế, Đức Chúa Trời đang ở với bạn trong lúc bây giờ. Có thể bạn đang bịnh hoạn hoàn toàn. Có thể bạn bè hiểu lầm bạn. Có thể bạn bị chồng, vợ hay con cái bỏ rơi. Có thể bạn bị mất việc làm. Có thể bạn ngã lòng. Có thể bạn cảm thấy rằng mình chẳng đáng giá chi, chẳng ai thèm kể đến. Tôi muốn bạn lắng nghe tiếng phán của Đức Chúa Trời [James Montgomery Boice, Genesis 12-36 Vol. 2 (Grand Rapids. Baker, 1985 [1998]), 766]. Ngài phán khi bạn cần đến Ngài nhất.
Sợ thất bại. “Ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi” [Pritchard, Jacob’s Ladder.
http.//www.calvarymemorial.com/sermons/SMdisplay.asp?id=331]. Gia-cốp ơi, Ta biết dường như cuộc sống là khó tả được (và quả thật vậy) nhưng ta đang nắm quyền tể trị. Và ta rất thành tín dầu khi người bất trung. Sự sống ta dành cho ngươi là đời đời và ta sẽ hết lòng với mọi lời hứa của ta.
Đức Chúa Trời phán tất cả những lời hứa nầy cho Gia-cốp, về mọi dân đều biết. Tại sao phải là Gia-cốp? Ông chiếm đoạt rất giỏi; ông dối gạt cha già mù loà; ông không hề thực sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Ông là gã cuối cùng mà bạn và tôi sẽ lựa chọn. Tại sao Đức Chúa Trời lại chọn Gia-cốp chứ? Đức Chúa Trời thích sử dụng kẻ yếu đuối và hạng người dại dột trong thế gian nầy (I Côrinhtô 1.27-29). Ngài làm vậy để cho kẻ mạnh và người khôn ngoan phải xấu hổ.
Mục đích đáng kinh ngạc, ấy là Đức Chúa Trời hiện phán với Gia-cốp trong lúc ông đã ngã lòng. Mọi sự vừa xảy ra chỉ là phần dạo đầu. Ngay cả sự lừa gạt và mưu mẹo của ông đã được Đức Chúa Trời sử dụng để đưa ông đến giây phút quí giá nầy trong cuộc sống. Giờ đây, ông đang trốn chạy vì cớ mạng sống mình, giờ đây ông đã rời bỏ Đất Hứa, giờ đây bản thân ông đã phải mất ơn, sau cùng hiện đã lọt xuống tận đáy, đúng giây phút ấy, Đức Chúa Trời phán cùng Gia-cốp. C.S. Lewis nói rằng Đức Chúa Trời thì thầm với chúng ta trong nỗi khoái lạc của chúng ta và Ngài hô lên lớn tiếng với chúng ta trong nỗi đau khổ của chúng ta. Đau khổ, ông nói, là ống loa đánh thức một thế giới đang say ngủ. Giờ đây Đức Chúa Trời bước tới đánh thức Gia-cốp, ngay cả khi ông đang nằm ngủ.
Ở 28.16-17: “…Gia-cốp thức giấc, nói rằng: Thật Đức Giê-hô-va hiện có trong nơi đây mà tôi không biết! Người bắt sợ và nói rằng: Chốn nầy đáng kinh khủng thay! Đây thật là đền Đức Chúa Trời, thật là cửa của trời!” Bạn có thể hình dung phải tỉnh giấc như thế nào sau khi nằm chiêm bao rất quan trọng như thế nầy không? Hãy suy nghĩ lại giấc chiêm bao không thực mà bạn đã có xem. Nếu bạn sống giống như tôi, khi bạn tỉnh giấc và dụi mắt nhớ lại sự chiêm bao kia, ngay lập tức bạn thắc mắc về thực tại mà mình đã chiêm bao. Tôi đã có một số chiêm bao rất thực đến nỗi khi tôi tỉnh dậy tôi phải tự nhắc nhớ chúng chỉ là chiêm bao mà thôi. Gia-cốp có lẽ đang ở trong cùng trạng thái lý trí đó. Một cách mau chóng, ông công nhận rằng ông vừa có một cuộc gặp gỡ riêng với Đức Chúa Trời hằng sống…ông rất là phấn khích. Giống như các anh em người Mỹ gốc Phi châu của chúng ta hay nói: “Ông ấy đã có mấy cái “nhà thờ”! Ông ấy bị phủ lút với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Trong trạng thái phấn khích ấy [Từ “sợ” được sử dụng trong Kinh Thánh để mô tả tâm trạng hỗn hợp giữa kinh khủng và kính sợ, một nỗi sợ của sự thờ phượng (đối chiếu Xuất Êdíptô ký 19.16). Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 1988 [2002 ed.]), 491], Gia-cốp thốt ra một lý thuyết không đúng lắn. Sự thực là: Bất cứ đâu Đức Chúa Trời hiện diện đều là thánh cả. Giờ đây thắc mắc là: “Đức Chúa Trời đang ở đâu?” Ngài có mặt ở khắp mọi nơi! Ngài đang tể trị trên muôn loài vạn vật.
Vào ngày thứ Sáu, tôi nói cho người lân cận tôi biết về chuyến lữ hành thuộc linh của tôi. Trong cuộc trò chuyện, tôi nói cho ông ấy biết về một kinh nghiệm mà tôi đã có vào tháng Sáu năm 1993. Sau khi tốt nghiệp trường Kinh Thánh với chứng chỉ thần học, Đức Chúa Trời đã gặp gỡ tôi trong phòng bơi tại Neptune Swimming Pool Company ở Clackamas, OR. Một tháng trước khi tôi kết hôn, Đức Chúa Trời đã giàu ơn thuyết phục tôi, một lần đủ cả, rằng Ngài có thật, Kinh Thánh là thật, thiên đàng và địa ngục là thật, và tôi sẽ đưa ra một câu chuyện về đời sống của tôi. Tại sao điều nầy là cần thiết và tại sao điều nầy đánh dấu tôi? Tôi đã lớn lên trong Hội Thánh, tuy nhiên tôi luôn luôn có những thắc mắc và nghi ngờ. Thỉnh thoảng, những tư tưởng sau đây thoắt hiện trong lý trí tôi: “Sẽ ra sao nếu mọi sự nầy chỉ là trò đùa?” “Sẽ ra sao nếu tôi đem lòng tin nơi một Đức Chúa Trời sai lầm?” “Sẽ ra sao nếu Kinh Thánh không chơn thật?” Tôi công nhận rằng những tư tưởng nầy có thể thuộc vào loại điển hình có thể chấp nhận được. Đức Chúa Trời vốn hiểu rõ chúng ta chỉ là bụi đất và lý trí của chúng ta có thể chỉ là một đống bột. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời trực tiếp gặp gỡ tôi và thuuyết phục tôi về lẽ thật của Ngài. Đấy là cơ hội trong giây phút. Nó nắn đúc tôi thành như tôi ngày nay. Tuy nhiên, tôi không cần phải trở lại với phòng bơi lội ở Neptune nữa và thăm viếng nó giống như đi thăm một ngôi chùa. Đức Chúa Trời có thể gặp tôi bất cứ đâu và bày tỏ chính mình Ngài ra cho tôi. Vì lẽ đó, tôi cần phải thờ lạy Đức Chúa Trời, chớ không phải thờ lạy chỗ mà Đức Chúa Trời đã gặp gỡ tôi.
Đây là phần lưu ý của tôi, chỉ có một ít người đã gặp gỡ Đức Chúa Trời vào buổi sáng Chúa nhựt. Có thể bạn đã gặp gỡ Đức Chúa Trời ngay trên giường hoạn nạn, hay khi bạn mất việc làm, hoặc khi con cái bạn đau ốm, hay khi bạn bè phản lại bạn, hoặc khi mối hôn nhân của bạn bị sụp đổ. Bạn cần phải gặp gỡ Ngài sau một sự cố hơn trong giờ uống cà phê vào buổi sáng Chúa nhựt. Bạn cần phải gặp gỡ Ngài trong bịnh viện hơn là trong nhà thờ. Không phải vì Đức Chúa Trời không có mặt ở đây; Ngài đang hiện diện ở đây chớ không phải chỉ có trong ngày Chúa nhựt. Nan đề của chúng ta là, Đức Chúa Trời phán nhưng chúng ta lại không lắng nghe. Điều nầy dẫn tới tai vạ, dẫn tới thất bại, dẫn tới suy sụp về tài chính, dẫn tới chứng đau đầu, dẫn tới bịnh tật, dẫn tới sự sụp đổ trong các giấc chiêm bao của bạn — sau cùng chúng ta phải nhìn lên trời rồi nói: “Thật Đức Giê-hô-va hiện có trong nơi đây mà tôi không biết!” (Sáng thế ký 28.16).
Câu chuyện của chúng ta kết thúc ở 28.18-22: “Người dậy sớm, lấy hòn đá của mình dùng gối đầu, dựng đứng lên làm cây trụ, đổ dầu lên trên chót trụ đó. rồi đặt tên chốn nầy là Bê-tên [nhà của Đức Chúa Trời]; còn nguyên khi trước tên thành là Lu-xơ. Gia-cốp bèn khấn vái rằng: Nếu Đức Chúa Trời ở cùng tôi, gìn giữ tôi trong lúc đi đường, cho bánh ăn, áo mặc, và nếu tôi trở về bình an đến nhà cha tôi, thì Đức Giê-hô-va sẽ là Đức Chúa Trời tôi. Hòn đá đã dựng làm trụ đây sẽ là đền Đức Chúa Trời, Và tôi sẽ nộp lại cho Ngài một phần mười mọi của cải mà Ngài sẽ cho tôi”. Gia-cốp dựng hòn đá làm bia kỷ niệm cho sự khải thị và các lời hứa của Đức Chúa Trời (28.18). Cái gối của ông trở thành cây trụ. Tại sao Gia-cốp dựng lên cây trụ mà không xây bàn thờ giống như tổ phụ của ông là Ápraham? Cả hai: cây trụ và cái thang đều có “đầu” chỉ hướng lên trời [Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50, 246]. Gia-cốp đang công nhận Đức Chúa Trời. Việc đổ dầu ra trên cây trụ đã thiết lập một hành động cung hiến. Dầu được sử dụng khắp cả Cựu Ước là một biểu tượng (kiểu mẫu) chỉ về Đức Thánh Linh.
Cây trụ nầy trở thành bia kỷ niệm dùng để ghi nhớ. Gia-cốp muốn ghi nhớ biến cố đó. Nhiều người trong quí vị rất quen thuộc với bài thánh ca xưa Come Thou Fount of Every Blessing. Câu thứ hai của bài ca nầy bắt đầu với lời lẽ nầy: “Tôi dựng Ê-bên-ê-xe của tôi lên tại đây”. Phải, có thể là bạn nhớ lại cách đây hai ba tháng, lúc chúng ta hát bài thánh ca nầy và Paco đã giới thiệu một cuộn video với nhiều người từ Hội Thánh của chúng ta đang ra sức hình dung xem Ê-bên-ê-xe có nghĩa gì!?! Chúng ta vừa nhắc cho một ông cụ nhớ lại. Ở phần cuối phim, Andy Schwartz sau cùng giải cứu cho chúng ta rồi giải thích rằng Ê-bên-ê-xe chỉ là một bia kỷ niệm, một sự tưởng nhớ. Đây là phương tiện nhắc nhớ Đức Chúa Trời là ai. Những trường hợp về sự nhắc nhớ nầy là nhật ký, quyển Kinh Thánh đầu tiên, một ngày đặc biệt, một tấm ảnh có ý nghĩa. Chúng ta cần phải được nhắc nhớ luôn về ân điển của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải có điều chi để chuyển giao cho con cháu của chúng ta. Chúng ta cần phải xây dựng một di sản đức tin qua những câu chuyện mang tính gia phổ.
Ở 28.20-22, Gia-cốp lập một lời thề cũng bao gồm phần tài chính của ông. Một phần mười không phải là món nợ phải trả cho Đức Chúa Trời đâu. Mà đúng hơn, đây là sự công nhận rõ ràng mọi sự chúng ta có đều thuộc về Ngài. Trong Cựu Ước, phần mười là một nghĩa vụ ở trước mặt Đức Chúa Trời. Trong Tân Ước, sự đòi hỏi dâng phần mười đã bị nuốt mất trong đặc ân và vui mừng khi trở thành quản gia trung tín mọi tài nguyên của Đức Chúa Trời. Sự trông mong của Đức Chúa Trời dành cho mỗi một chúng ta là phải dâng theo cách rời rộng, đều đặn và hy sinh. Gia-cốp đã thề rằng Đức Giêhôva sẽ là Đức Chúa Trời của ông, nếu Đức Chúa Trời mình chứng là thành tín đối cùng ông [Những lời thề thường được lập trong lúc đau khổ. Giép-thê (Các Quan Xét 11.30-39), An-ne (I Samuên 1.10-28), và Giôna cùng các thủy thủ (Giôna 1.16-2.10)]. Lời thề của Gia-cốp (28.20-21; đối chiếu 31.13; 35.1-3, 7) có thể được dịch “Kể từ khi …” thay vì là “Nếu…”. Gia-cốp chẳng thắc mắc gì nhiều về sự ứng nghiệm của những nghĩa vụ tự bày tỏ của Đức Chúa Trời đã phát ra trong giấc chiêm bao [ Kenneth A. Matthews, Genesis 11.27-50.26, Vol. 2 (Nashville. Broadman & Holman, 2005), 454]. Tuy nhiên, nhiều vị Mục sư và những nhà giải kinh lại hiểu lời thề của Gia-cốp là một điển hình về tính xác thịt hay tính toán của ông. Một cái nhìn tự nhiên vào các lời phê bình mang tính cách đề tặng của ông có thể cho thấy rằng đáp ứng của ông là có điều kiện vì từ ngữ “nếu” (28.20-21). Nói cách khác, “Nếu Đức Chúa Trời ban phước cho tôi, thì tôi sẽ hầu việc Ngài”. Khi giải thích đáp ứng của Gia-cốp theo cách nầy là hiểu sai lời lẽ và tấm lòng của ông. Thay vì thế, Gia-cốp nói rất đơn giãn: “Nếu Đức Chúa Trời vùa giúp tôi, tôi sẽ làm phu phỉ mọi sự ký thác của tôi”. Nói cách khác, Gia-cốp đang công nhận sự thực là ông không thể làm được một mình. Ông cần sự vùa giúp của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời để cho ông thể hiện sự đầu phục của mình [Gene A. Getz, Jacob. Following God Without Looking Back (Nashville. Broadman & Holman, 1996), 65; cf. Ross, Creation & Blessing, 492; Hamilton, The Book of Genesis Chapters 18-50, 246; Gordon J. Wenham, Genesis 16-50, Vol. 2. WBC (Waco, TX. Word, 1994), 226]. Gia-cốp không đưa ra một sự mặc cả với Đức Chúa Trời; ông đang khẳng định đức tin ông có nơi Đức Chúa Trời. Ông đang hứa hẹn cuộc đời, sự thờ phượng và của cải của ông [Youngblood, The Book of Genesis, 221..]. Đây cũng là sự mà Đức Chúa Trời đang trông đợi nơi chúng ta nữa đấy.
Theo thời gian, ở một thời điểm nào đó, tất cả chúng ta phải đòi hỏi các lời hứa lớn lao của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta và bước đi trong đức tin, thể hiện ra sự đầu phục đối với Ngài. Đức Chúa Trời không có cháu nào cả! [ Arnold, Encountering the Book of Genesis, 125]. Bạn có thể có quan hệ với Gia-cốp. Giống như Gia-cốp, có thể bạn đã lớn lên trong một gia đình Cơ đốc; tuy nhiên, bạn đang dành thì giờ để trốn chạy khỏi mặt Đức Chúa Trời. Giống như Gia-cốp, bạn phải tìm cho ra chính đức tin của mình. Phần lớn những kẻ rời khỏi Hội Thánh và rồi quay trở lại khi họ có con cái, với hy vọng rằng con cái của họ sẽ có một tôn giáo.
Phần bảo đảm về sự hiện diện của Đức Chúa Trời sẽ dẫn tới, nơi từng tín đồ, cùng một sự đáp ứng về sự thờ phượng và thái độ tin cậy giống như đã có nơi Gia-cốp. Đây là sứ điệp từ lúc ban đầu. Đức Chúa Trời, bởi ân điển, thăm viếng dân sự Ngài rồi hứa với họ sự bảo hộ và tiếp trợ hầu cho họ sẽ trở thành nguồn phước cho nhiều người khác. Đổi lại, họ cần phải đáp ứng trong đức tin, kính sợ Ngài, thờ phượng Ngài, dâng hiến cho Ngài, lập lời thề với Ngài, và lập những bia kỷ niệm cho những kẻ đến thờ phượng trong tương lai tại những địa điểm đó.
Một nhà vô thần và một Cơ đốc nhân gặp nhau trong một cuộc tranh luận công khai. Trên tấm bảng đen ở phía sau bục giảng nhà vô thần kia ghi vội mấy chữ: “CHẲNG CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI Ở ĐÂU HẾT” [“GOD IS NOWHERE”]. Khi Cơ đốc nhân kia đứng dậy để nói lên quan điểm của mình, ông tách chữ W rời khỏi chữ H. Thế là câu nói kia đọc là: “ĐỨC CHÚA TRỜI HIỆN CÓ MẶT Ở ĐÂY” [GOD IS NOW HERE] [Preaching Today Citation. Vernon Grounds, Radical Commitment. Christianity Today, Vol. 30, no. 7].





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét