Thứ Tư, 17 tháng 2, 2010

Gen 19.1-38: "Tội lỗi và thành phố"



"Tội lỗi và thành phố"

(Sáng thế ký 19.1-38)
Có bao nhiêu người trong các bạn muốn có làn da sạm nắng vào mùa hè nầy? Trong xã hội của chúng ta, thực là hấp dẫn khi có một làn da hơi đen, sạm nắng. Nhưng đây là một thực tại đáng buồn. Vị bác sĩ nổi tiếng về da liểu cảnh cáo: “Những nét đẹp về làn da sạm nắng hôm nay là màu đỏ tím nhăn nheo ở ngày mai” (Giờ đây, tôi dám chắc ông muốn nói ra điều đó với mọi sự tôn trọng). Nếu chúng ta nhìn biết sự nghiên cứu đã được thực thi về tia sáng mặt trời và sự nhạy cảm của làn da, chúng ta biết rõ một ngày kia chúng ta sẽ trả giá cho cái dễ nhìn nầy.
Tội lỗi giống như có được một làn da sạm nắng. Trông nó hay hay, dễ nhìn hôm nay, nhưng ngày mai nó sẽ đem lại nhiều hậu quả. Trong Sáng thế ký 19, chúng ta sẽ bị cháy sém với sự điên rồ của tội lỗi! Trong chương nầy, chúng ta sẽ học biết về sự đồi bại của con người, sự phán xét của Đức Chúa Trời, và sự thất bại của hàng tín đồ.
Câu chuyện của chúng ta bắt đầu ở 19.1-3: “Lối chiều, hai thiên sứ đến Sô-đôm; lúc đó, Lót đang ngồi tại cửa thành. Khi Lót thấy hai thiên sứ đến, đứng dậy mà đón rước và sấp mình xuống đất. Người thưa rằng: Nầy, lạy hai chúa, xin hãy đến ở nhà của kẻ tôi tớ, và hãy nghỉ đêm tại đó. Hai chúa hãy rửa chân, rồi sáng mai thức dậy lên đường. Hai thiên sứ phán rằng: Không, đêm nầy ta sẽ ở ngoài đường. Nhưng Lót cố mời cho đến đỗi hai thiên sứ phải đi lại vào nhà mình. Người dâng một bữa tiệc, làm bánh không men [Ở đây gọi là “bữa tiệc” nhưng chẳng phải là bữa ăn hậu hỉ giống như Ápraham đã dọn (Sáng thế ký 18.6-8)], và hai thiên sứ bèn dùng tiệc”. Câu 1 cho chúng ta biết rằng hai thiên sứ đã đến tại thành Sôđôm “vào lối chiều”. Bối cảnh lúc ban chiều tương phản với bối cảnh lúc giữa trưa khi Ápraham gặp gỡ với chính các thiên sứ nầy (đối chiếu 18.1) [Derek Kidner, Genesis. Tyndale OT Commentaries (Downers Grove, IL. Intervarsity, 1967), 131]. Các vị thiên sứ nầy đã đến gần Lót tại “cửa thành Sôđôm”. Cổng thành là nơi mà ở đó các nhà lãnh đạo dân sự gặp gỡ để đưa ra luật lệ tối hậu và những cuộc trao đổi buôn bán [Xem cách sử dụng thành ngữ “ngồi tại cửa thành” ở II Samuên 19.8; Giêrêmi 26.10; 38.7; 39.3]. Đây là chỗ của người có chức quyền và có ảnh hưởng. Hàm ý ở đây là, không những Lót đã đạt được những mục tiêu của mình về mặt vật chất, mà ông còn đạt được những tham vọng về chính trị và về mặt xã hội nữa. Ông đã tới mức đến! Tuy nhiên, trong giờ phút nầy ông chưa tỉnh thức về mọi sự thành công đời nầy rồi đây chắc chắn nó sẽ bắt ông phải trả giá như thế nào!?!
Lót đã khởi sự rất thành công, hãy nhớ như vậy. Trong Sáng thế ký 12.4, ông là một thành viên rất trung thành trong đoàn tùy tùng của Ápraham và đã đi rất vất vả toàn bộ 800 dặm từ U-rơ đến xứ Cannan. Không may, Ápraham rất vô tư khi giới thiệu cho Lót với một sự lựa chọn về đất đai, ông đã ích kỷ chọn lấy chỗ đất tốt tươi. Vì thế, ông đã ngước mắt lên ngó về hướng Sôđôm (13.10), cắm trại mình hướng về Sôđôm (13.12), đến sống trong thành Sôđôm (14.12), rồi hiển nhiên trở thành một cấp lãnh đạo quan trọng trong thành Sôđôm. Lót có thể là một gã thiếu niên trong bức hình quảng cáo cho sự thoả hiệp thuộc linh [Những tội lỗi nguy hiểm nhất không chụp đại vào chúng ta đâu; chúng ăn luồn vào chúng ta]. Sự kiện Lót đã phấn đấu theo cách của mình để trở thành một trong những cư dân hàng đầu của thành Sôđôm cho thấy rằng ông không còn là mối đe doạ cho lối sống vô đạo đức của họ nữa. Dân chúng thành Sôđôm đã nói: “Lót ơi, chúng tôi thích ông lắm. Ông rất lanh lẹ khi bỏ lối sống du mục vì ông có những ân tứ lãnh đạo mà chúng tôi cần có ở đây. Và vì ông là một người rất thông minh, chúng tôi bằng lòng nhường cho ông một chỗ rất vinh dự tại cửa thành”.
Hãy chú ý đấy! Bạn không có được vinh dự tại thành Sôđôm trừ phi bạn đã quyết định phải câm nín về đức tin của mình. Nếu thế gian nghĩ tốt về bạn thì bạn đang thoả hiệp với sự làm chứng, bạn đã trả giá quá đắt cho sự thành công của mình. Nếu ai nấy đều ưa thích bạn, có lẽ bạn là một Cơ đốc nhân thầm lặng. Có thể bạn đang sống giống như dòng sông Artic, đóng băng tại cửa sông. Còn nếu bạn nói về Đức Chúa Jêsus Christ và bằng lòng gọi tội lỗi là “TỘI LỖI”, tôi có thể dám chắc với bạn là bạn sẽ chẳng được lòng người đâu. Phải luôn nhìn biết một nhà chính trị rất được lòng người và được ưa thích — thường thì sự việc nầy có ý nói rằng người ấy (nam hay nữ) chẳng tranh đấu cho một điều gì cả. Cũng thực sự một thể ấy với một Cơ đốc nhân.
Ở 19.2-3, Lót đã mời hai vị khách nầy đến tại nhà của mình [Không may, Lót đã không biết hai vị khách nầy là thiên sứ giống như Ápraham đã nhìn biết (Sáng thế ký 18.1-3). Sự nhạy bén thuộc linh của ông đã bị mù mờ rồi]. Khi họ từ chối lời mời nầy, Lót đã “cố mời” họ vào nhà của mình [Cụm từ “cố mời” là cách dịch động từ Hy bá lai patsar có nghĩa là “ép; khăng khăng”. Mỉa mai thay, từ ngữ nầy làm hình bóng cho các hành vi thù nghịch của những người Sôđôm trong Sáng thế ký 19.9, ở đây họ đã lấn ép nghịch lại Lót rồi đến gần đặng phá cửa]. Lót không chấp nhận câu trả lời “thôi” [Wenham dịch câu nầy: “Ông đã ‘vác’ họ vào”. Gordon J. Wenham, Genesis 16-50, Vol. 2. WBC (Waco, TX. Word, 1994), 54]. Ông đã kéo tay họ cho đến chừng họ nói “được rồi” [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 270]. Lót vốn biết rõ những điểm yếu của thành phố nầy (đối chiếu Các Quan Xét 19.18-20). Không nghi ngờ chi nữa, ông đã chứng kiến cách xử sự ngược đãi của những người sống cùng thành Sôđôm đối với những vị khách cả tin kia.
Vì vậy, ông khẳng định rằng hai vị thiên sứ nầy chỉ giả vờ qua đêm trong nhà của ông. Không may thay, nếu Lót hy vọng mấy người khách của mình bước vào nhà mà không lưu ý, ông đã phạm sai lầm trầm trọng.
Ở 19.4-7: “Hai thiên sứ chưa đi nằm, mà các người nam ở Sô-đôm, từ trẻ đến già, tức cả dân, đều chạy đến bao chung quanh nhà; Bọn đó gọi Lót mà hỏi rằng: Những khách đã vào nhà ngươi buổi chiều tối nay ở đâu? Hãy dẫn họ ra đây, hầu cho chúng ta được biết [Sát nghĩa, “để chúng ta có thể biết rõ họ”. Động từ “biết” (yada) đã được dùng nói tới sự giao hợp về tình dục, vì vậy dịch “hầu cho chúng ta được biết với họ” (bản Kinh Thánh NASB) và “làm tình với họ” (bản Kinh Thánh NIV). Gay, nhà thần học luận rằng yada chỉ được dùng 15 lần để mô tả sự hiểu biết về tình dục, nhưng nó xuất hiện hơn 900 lần chỉ ra sự hiểu biết theo trí khôn. Tuy nhiên, cách dùng chữ không quan trọng bằng nội dung. Trong cách giải thích của Kinh Thánh: “nội dung là vua”. Tuy nhiên, chữ nầy cũng có thể nói được rằng trong 10 lần sử dụng từ ngữ yada trong sách Sáng thế ký đề cập tới quan hệ về tình dục (thí dụ, 4.1, 25)], Lót bèn ra đến cùng dân chúng ở ngoài cửa, rồi đóng cửa lại, và nói cùng họ rằng: Nầy, tôi xin anh em [Người nào không kháng cự lại điều ác là đang thực sự cộng tác với nó] đừng làm điều ác đó!” [Văn chương phổ theo Kinh Thánh như các tác phẩm của Philo và Josephus kể cách xử sự đồng tính là cách xử sự chính mà người ta biết đến thành Sôđôm. Thomas E. Schmidt, Straight and Narrow? Comparison and Clarity in the Homosexual Debate (Downers Grove, IL. InterVarsity, 1995), 88-89]. Ở 19.4, Môise nổ lực nhấn mạnh rằng từng người lớn và thiếu niên sống tại thành Sôđôm là rất nguy hiểm và gian ác. Điều nầy dường vượt quá đỉnh điểm rồi [Deffinbaugh viết: “Đây không phải là sự dung chịu với “đầu óc rộng rãi” về một thành phố mà luật lệ của nó cho phép xử sự như thế giữa những người lớn nói riêng. Thậm chí đây không phải là sự gạ gẫm trơ tráo để cho người ta phạm tội đâu. Thay vì thế, đây là sự cưỡng hiếp, và đấy là hình thức tồi tệ nhất. Hãy tưởng tượng xem, cả thành phố, cả trẻ và già. Chắc chắn sự phán xét là thích ứng thôi”. Robert Deffinbaugh, Genesis. From Paradise to Patriarchs. Lesson 20. From a City Councilman to a Caveman Genesis 19.1-38 ( http://www.bible.org/, 1997), 2]. Rốt lại, hầu hết những thiếu niên còn nhỏ không thực hành việc cưỡng bức về tình dục. Làm thế nào sự trụy lạc nầy lại lan rộng như thế chứ? Có thể chúng ta không thích câu trả lời. Rõ ràng, những người lớn tuổi đã dạy dỗ con cái vào sự lầm lạc về tình dục. Không nghi ngờ chi nữa, đã có sự lạm dụng tình dục trong gia đình đã khiến cho những thiếu niên còn nhỏ tuổi phải đáp ứng giống như họ đã chịu. Câu chuyện đồi bại nầy còn tiếp diễn cho tới ngày nay. Tại nước Mỹ, một trong ba thiếu nữ và một trong bốn thiếu niên đã bị lạm dụng về tình dục trước khi họ đến tuổi 18! Hậu quả, chúng ta đang sống trong một xã hội bị lạm dụng về tình dục. Hỡi quí ông, quí vị có thể nêu gương và kỷ luật những đứa con của mình bằng sự thanh sạch hay sự trụy lạc!?! Sự chọn lựa là thuộc về quí ông đấy! Tuy nhiên, nếu quí vị chọn sự trụy lạc, những đứa con của quí vị sẽ trở thành người lớn với đủ thứ nghiện ngập làm thay đổi đời sống của chúng cho đến đời đời. Ngày nay, hãy cố ý chọn nêu gương và dạy dỗ con cái (trai và gái) của quí vị theo sự thanh sạch.
Sôđôm và Gômôrơ đã trở thành một dấu bằng bia miệng về sự gian ác, sự trụy lạc, và suy đồi về đạo đức [Có 27 tham khảo trong sách Sáng thế ký, ở đó Sôđôm được nhắc đến. Nó là biểu tượng cho tình trạng vô đạo đức, sự đồi bại, và sự phán xét tối hậu. Hành vi giao hợp tình dục đồng tính có ý nghĩa của nó từ Sôđôm (nghĩa là, Sođomy)]. Ở 18.16-33, tôi nhắc tới một vài tội lỗi kỳ cục mà Sôđôm đã phạm phải: kiêu căng, đồ ăn dư dật, và thái độ chẳng quan tâm đã kết quả trong việc chẳng ngó ngàng gì đến kẻ nghèo và người khốn khó (Êsai 1.10, 17; Êxêchiên 16.49-50). Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng nhắc tới chỗ họ đã phạm tội chối bỏ Lời của Đức Chúa Trời (Luca 10.8-12), tà dâm, dối trá, và xúi giục phạm tội (Giêrêmi 23.14), còn ở đây là quan hệ đồng tính [Tình trạng đồng tính đã được dung chịu trong xã hội của chúng ta, nhưng những kẻ đề xướng nó vốn có một chương trình rất năng động muốn bình thường hoá tình trạng đồng tính như một lối sống có thể chấp nhận được. Những người nào chống đối họ bị mắng mỏ, nhiếc móc như lạc điệu. Và nếu bạn nghi ngờ sức mạnh ảnh hưởng xã hội của họ, hãy nhớ rằng cách đây 10 năm, thật là khó nghĩ khi có những nhân vật trên vô tuyến truyền hình đều là hạng người đồng tính. Giờ đây, đã có hàng tá rồi! Sứ đồ Phaolô lần theo nguồn thuộc linh của tình trạng đồng tính đến với thất bại của con người phải công nhận Đức Chúa Trời với thái độ biết ơn (Rôma 1.21-27)] (Êxêchiên 16.44-59; Giuđe 6-7; II Phierơ 2.6-7) [Câu châm ngôn trong Êxêchiên 16 bắt đầu ở 16.44 và chạy dài đến 16.59. Sôđôm được nhắc tới không phải một lần, mà những 5 lần trong tiểu đoạn Kinh Thánh nầy. Những tội lỗi mà họ đã phạm là sự gớm ghiếc, xấu hổ, gian ác, và dâm dục. Rõ ràng, những điều nầy là tư dục trong tự nhiên]. Cho nên, tiểu đoạn Kinh Thánh nầy cùng một số tiểu đoạn khác rõ ràng xác nhận cách thực hành đồng tính là tội lỗi (thí dụ, Lê vi ký 18.22; 20.13; Rôma 1.21-27; I Côrinhtô 6.9-10; I Timôthê 1.8-10). Dự tính nguyên thủy của Đức Chúa Trời đã không thay đổi. Từ lúc sáng thế, Đức Chúa Trời đã ấn định hôn nhân giữa một người nam và một người nữ (Sáng thế ký 1.27; 2.24). Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận đừng cho rằng tình trạng đồng tính là tội lỗi xấu xa nhất. Theo quan điểm của Đức Chúa Trời, tội lỗi là tội lỗi. Nói như thế có nghĩa là kẻ tà dâm, kẻ viết sách báo khiêu dâm, kẻ ngồi lê đôi mách, và kẻ vu khống đều là tội lỗi.
Ở 19.8, Lót phản ứng với người thành Sôđôm với một đề nghị thật đáng giật mình: “Đây, tôi sẵn có hai con gái chưa chồng, tôi sẽ đưa chúng nó cho anh em, rồi mặc tình anh em tính làm sao tùy ý; miễn đừng làm chi hại cho hai người kia; vì cớ đó, nên họ đến núp bóng mái nhà tôi”. Lời đề nghị nầy thật là khủng khiếp và không thể xưng công bình được. Chúng ta hiểu lời đề nghị nầy ít hơn khi chúng ta xem xét địa vị thấp kém của nữ giới trong thế giới tiền-Cơ đốc và địa vị rất cao của bất kỳ người khách nào bước vào ngôi nhà của chúng ta. Cần phải hiểu rằng một vị khách cần được bảo hộ nhiều hơn chính gia đình của mình. Tuy nhiên, phản ứng của Lót là bịnh hoạn và sai lầm. Tôi không có hai con gái, tôi có một đứa con gái và tôi không thể chấp nhận những gì Lót đang nói ở đây. Làm thế nào một người cha dám đưa ra một câu nói như thế chứ? Nói như thế thì chống lại lý trí, chống lại tự nhiên, và chống lại tình yêu thương. Nói như thế là chống lại mọi sự mà một người cha tin tưởng. Làm sao mà một người cha dám đưa ra lời đề nghị như thế chứ? [Có thể là Lót đang hy vọng những hôn phu của con gái mình sẽ đến giải cứu họ hoặc những kẻ đồng tính đang tấn công sẽ không lấy làm thích thú nơi hai con gái của ông. Bill T. Arnold, Encountering the Book of Genesis (Grand Rapids. Baker, 1998), 103]. Câu trả lời duy nhứt tôi tìm ra có thể chấp nhận được, ấy là tội lỗi là điên cuồng. Mặc dầu Lót đã tin theo Đức Chúa Trời, ông đã bị xã hội mà ông đang sống trong đó lây nhiễm. Ông đã làm một việc mà ông nghĩ ông sẽ không bao giờ làm vì tội lỗi là điên cuồng.
Hết thảy chúng ta đều có những kinh nghiệm tương tự. Có bao giờ bạn nói: “Được rồi, lạy Chúa, con muốn Ngài tha thứ cho con về tội lỗi nầy. Con thực sự phấn đấu trong lãnh vực nầy của cuộc sống. Con hứa với Ngài rằng con sẽ chẳng bao giờ phạm tội ấy nữa”. Hết thảy chúng ta đều đưa ra những sự cam kết như thế. Hãy đoán xem chúng ta đã làm gì? Chúng ta bước thẳng ra cửa rồi sa ngã vào lãnh vực tội lỗi ấy một lần nữa. Tội lỗi làm cho mất ý thức — tội lỗi là điên cuồng! Nó không tác động căn cứ theo những nguyên tắc hợp lý, theo lý trí.
Trong nội dung nầy, Lót (một tín đồ) nói: “Các ngươi, những kẻ đồng tính, (không phải là tín đồ) là gian ác; đây nầy, hãy cưỡng hiếp mấy đứa con gái của ta đi!” Chúng ta thường quanh quẹo giống như những kẻ không tin Chúa. Thế gian chế giễu chúng ta vì tất cả thái độ giả hình họ nhìn thấy trong Hội Thánh …và thậm chí trong đời sống của chúng ta. Phản ứng của họ đối cùng chúng ta là: “Các linh mục Công giáo đều là pedophilias. Các Mục sư của Hội Thánh lớn đều dính dáng vào sự nầy hay điều kia. Có nhiều scandals ở khắp mọi nơi. Chúng ta không dám tự xưng mình là Cơ đốc nhân. Tuy nhiên, bạn đang xưng nhận như thế và bạn là kẻ giả hình”.
Câu nầy sẽ nhắc cho chúng ta nhớ chúng ta đặc biệt phải hạ mình xuống và giàu ơn khi chúng ta tương tác với những người không tin Chúa. Phierơ đã nói rằng sự phán xét khởi đầu từ nhà của Đức Chúa Trời trước tiên (I Phierơ 4.17). Chúng ta cần phải lấy cây đà ra khỏi mắt của mình (Mathiơ 7.3).
May thay, những người Sôđôm bịnh hoạn kia không chìu theo lời đề nghị của Lót. Thay vì thế, họ nói với ông: “Ngươi hãy tránh chỗ khác”. Lại tiếp rằng: ‘Người nầy đến đây như kẻ kiều ngụ, lại muốn đoán xét nữa sao! Vậy, thôi! chúng ta sẽ đãi ngươi bạc-tệ hơn hai khách kia’. Đoạn, họ lấn ép Lót mạnh quá, và tràn đến đặng phá cửa. Nhưng hai thiên sứ giơ tay ra, đem Lót vào nhà, và đóng cửa lại. đoạn, hành phạt bọn dân chúng ở ngoài cửa, từ trẻ đến già, đều quáng lòa mắt, cho đến đỗi tìm cửa mệt mà không được” [Bản Hêbơrơ mô tả nhiều hơn một chút. Những người nầy cứ khăng khăng bất chấp tình trạng mù loà về phần xác thể, họ cứ khăng khăng cho đến khi kiệt sức trong nổ lực của họ muốn làm thoả mãn lòng ham muốn về tình dục của họ] (19.9-11). Lót đã có một cấp độ quyền lực về chính trị, nhưng ảnh hưởng thuộc linh của ông quả là thảm hại. Những người của thành Sôđôm đã nhận ra ông là “kẻ kiều ngụ” [Các cấp lãnh đạo thuộc linh trong thời Chúa Jêsus đã làm cùng một việc ấy. Trong Giăng 9.34: “Chúng trả lời rằng: Cả mình ngươi sanh ra trong tội lỗi, lại muốn dạy dỗ chúng ta sao! Đoạn, họ đuổi người ra ngoài”. Là tín đồ, chúng ta cũng sẽ bị thù ghét. Trong Giăng 15.18-19 Chúa Jêsus phán: “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi. Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi”]. Thay vì là muối của đất, Lót đã trở thành vô vị và chẳng có gì tốt đẹp hết, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta dày đạp dưới chơn. Mỉa mai thay, hai thiên sứ đã ngăn không cho lời lẽ của Chúa Jêsus trong Mathiơ 5.13 phải ứng nghiệm. Khi những người thành Sôđôm đang ra sức phá cửa, hai thiên sứ đã nắm lấy Lót, đóng cửa lại, họ quờ quạng với sự mù loà [Thiên sứ sử dụng sự giải cứu siêu nhiên cho Lót bằng cách kéo ông vào trong nhà, đóng cửa lại, và đánh cho những kẻ ở ngoài phải bị “quáng loà mắt”, một từ ngữ chỉ ra tình trạng “quáng loà” hay một sự kết hợp mù từng phần và hoang mang trong lý trí. Kidner, Genesis, 134. Từ nầy xảy ra ở chỗ khác chỉ trong II Các Vua 6.18].
Ở 19.12-14, Môise viết: “Hai thiên sứ bèn hỏi Lót rằng: Ngươi còn có ai tại đây nữa chăng? Rể, con trai, con gái và ai trong thành thuộc về ngươi, hãy đem ra khỏi hết đi! Chúng ta sẽ hủy diệt chỗ nầy, vì tiếng kêu oan về dân thành nầy đã thấu lên đến Đức Giê-hô-va, nên Ngài sai chúng ta xuống mà hủy diệt. Lót bèn đi ra và nói cùng rể đã cưới con gái mình rằng: Hãy chổi dậy, đi ra khỏi chốn nầy, vì Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt thành [Từ được dịch là “hủy diệt” (shachath) cũng chính là từ được sử dụng hai lần trong Sáng thế ký 6.13 nói tới sự phán xét bằng nước lụt]. Nhưng các chàng rể tưởng người nói chơi”. Trong những giây phút chạng vạng trước khi mặt trời mọc, chúng ta có thể hình dung nổ lực thảm hại của Lót muốn thuyết phục cho gia đình mình biết về sự phán xét của Đức Chúa Trời sắp xảy đến. Nhưng vì sự thoả hiệp về mặt thuộc linh của ông, chỉ có vợ ông và hai người con gái có khả năng rời khỏi thành phố. Thoả hiệp đã huỷ diệt sự làm chứng của ông. Thực vậy, Lót đã đánh mất sự đáng tin cậy nơi hai người con rễ đến nỗi họ đã xem sứ điệp của ông chỉ là một trò đùa [Mỉa mai thay, từ ngữ Hy bá lai kematzehak đúng nghĩa phải được dịch là: “giống như kẻ đang giễu cợt” (bên lề bảng Kinh Thánh NASB) là cùng gốc rễ mà từ đó tên Y-sác đã có, nghĩa là “cười”]. Hãy chú ý là Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết họ từ chối không tin Lót nhiều giống như họ không xem trọng ông. Dường như chỉ có một cách giải thích khả thi mà thôi. Lót không hề nhắc tới đức tin của ông trước đó. Lời lẽ của ông không phải là sự lặp đi lặp lại những lời cảnh cáo về tội lỗi và sự phán xét — chúng hoàn toàn là điều mới mẻ và tiểu thuyết. Đúng là một sự quở trách cho sự làm chứng của Lót. Cảnh cáo người ta rồi bị họ từ chối sứ điệp là một việc. Còn khi họ không xem trọng lời nói của chúng ta thì là một việc còn tệ hại hơn [Deffinbaugh, Genesis, 3]. Giây phút nghiêm trọng hơn trong đời sống của Lót là bị con cái ông chế nhạo, thực vậy chúng đã nói: “Bố ơi, bố không thể nói thật được sao! Bố đang đùa đấy à!” [Giống như nướu răng bị nhiễm chất Novocain, ý thức của họ đã chết dần mòn. Charles R. Swindoll, Ápraham. The Friend of God (Fullerton, CA. Insight for Living, 1988), 79]. Mặc dù điều nầy là hợp lý. Khi bạn có một sự làm chứng vô vị, gia đình của bạn luôn luôn là những người đầu tiên thấy nhạt nhẽo với sự làm chứng đó! Có phải bạn có ý khẫn cấp khi đến với những vụ việc thuộc linh không? Có phải con cái của bạn cùng những người thân đều biết rằng bạn đã chết về việc tránh thoát cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời? Có phải họ biết rõ bạn đang trông mong mọi sự về thân vị và công tác của Đấng Christ không
Ở 19.15-16, Môise viết: “Đến sáng, [Sailhamer lưu ý: “Khi đối chiếu câu chuyện nói tới sự gian ác của thành Sôđôm, những gì đã được đặt trong bóng tối của ban đêm (các câu 2, 4-5), bối cảnh giải cứu Lót diễn ra vào lúc chạng vạng của ban ngày (câu 15). Khi chuyển đổi sự chú ý của độc giả vào các chi tiết như thế, tác giả vẽ ra một bức tranh theo Kinh Thánh phác họa ơn cứu rỗi khi mặt trời xua đi bóng tăm tối gian ác (xem lời bình ở 1.2) và cung ứng một nội dung khá lớn cho việc xem xét các sự cố trong chương nầy”. John H. Sailhamer, Genesis. EBC (Grand Rapids. Zondervan, 1990), Electronic ed] hai thiên sứ hối Lót và phán rằng: Hãy thức dậy, dẫn vợ và hai con gái ngươi đang ở đây ra, e khi ngươi cũng chết lây về việc hình phạt của thành nữa chăng. Nhưng Lót lần lữa; vì cớ Đức Giê-hô-va thương xót Lót, nên hai thiên sứ nắm lấy tai kéo người, vợ cùng hai con gái người, và dẫn ra khỏi thành”. Câu 15 làm cho tôi vui lên vì hai thiên sứ truyền cho Lót bằng cụm từ “hãy thức dậy”. Đây là câu nói ưa thích của đứa con gái 4 tuổi của tôi. Bất cứ lúc nào nó gặp tôi, nó ra lịnh cho tôi bằng cách nói, “dậy…dậy…dậy đi”, cho tới khi tôi ẳm nó vào trong đôi tay, bồng nó lên, và giữ lấy nó. Đối với Jena, đây là một lịnh khẫn. Đối với các thiên sứ thì cũng thế. Hai thiên sứ cảnh cáo Lót. Họ bảo ông có những hậu quả rất lớn vì cớ tội lỗi, nhưng ông lần lửa không đáp ứng với Đức Chúa Trời. Có người nghĩ rằng Lót sẽ sống đắc thắng với thái độ biết ơn khi ông vâng theo tức khắc mạng lịnh phải trốn lên núi; nhưng lối sống thành thị có những ngón tay lạnh lẽo đang bóp chặt quanh cổ họng của ông [Kenneth O. Gangel, Genesis. Holman Old Testament Commentary (Nashville. Broadman & Holman, 2003), 168]. Lót bị cuốn hút với đời tạm nầy, gia đình, bạn bè, quyền lực, và các thứ vật chất mà ông không thể chịu nổi tư tưởng phải ra đi bỏ hết lại sau lưng (xem I Giăng 2.15-17). Ông đã cảm thấy an ninh ở bên trong một thành gian ác hơn là ở ngoài thành ấy với Đức Chúa Trời [Bruce K. Waltke, Genesis (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 278].
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời vẫn thực thi “lòng thương xót” của Ngài và giải cứu Lót. Đúng là một sự nhắc nhớ cho bạn và tôi, rằng sự giải cứu hay ơn cứu rỗi và sự tấn tới Cơ đốc đều nương vào sự thương xót của Đức Chúa Trời (Tít 3.5).
Trong 19.17-23 câu chuyện tiếp tục: “Vả, khi hai thiên sứ dẫn họ ra khỏi rồi, một trong hai vì nói rằng: Hãy chạy trốn cứu lấy mạng, đừng ngó lại sau và cũng đừng dừng bước lại nơi nào ngoài đồng bằng; hãy chạy trốn lên núi, kẻo phải bỏ mình chăng [Xem Luca 9.62]. Lót đáp lại rằng: Lạy Chúa, không được! Nầy, tôi tớ đã được ơn trước mặt Chúa; Chúa đã tỏ lòng nhân từ rất lớn cùng tôi mà cứu tròn sự sống tôi. Nhưng tôi chạy trốn lên núi không kịp trước khi tai nạn đến, thì tôi phải chết. Kìa, thành kia đã nhỏ, lại cũng gần đặng tôi có thế ẩn mình. Ôi! chớ chi Chúa cho tôi ẩn đó đặng cứu tròn sự sống tôi. Thành nầy há chẳng phải nhỏ sao? Thiên sứ phán rằng: Đây, ta ban ơn nầy cho ngươi nữa, sẽ không hủy diệt thành của ngươi đã nói đó đâu. Mau mau hãy lại ẩn đó, vì ta không làm chi được khi ngươi chưa vào đến nơi. Bởi cớ ấy, nên người ta gọi tên thành nầy là Xoa. Khi mặt trời mọc lên khỏi đất, thì Lót vào đến thành Xoa”. Lót đang nói: “Tôi sẽ chạy ra khỏi Vegas, nhưng tôi sẽ chạy tới Reno”. Ông không thể từ bỏ lối sống thành thị. Lót trốn khỏi sự cám dỗ mà rồi để lại địa chỉ. Ngạc nhiên thay, hai thiên sứ để cho Lót kết thúc lối sống tội lỗi của mình (Rôma 1.24, 26, 28). Đây là một trường hợp khác cho thấy ân điển thiêng liêng, chớ không phải sự công bình của con người thể nào là cơ sở cho sự giải cứu của Đức Chúa Trời.
Ở 19.24-25: “Đoạn, Đức Giê-hô-va giáng mưa diêm sanh và lửa từ nơi Ngài trên trời sa xuống Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy diệt hai thành [Một cách ngẫu nhiên, dù chỉ có Sôđôm và Gômôrơ được nhắc tới ở đây, chúng ta biết từ Phục truyền luật lệ ký 29.23 (đối chiếu Ôsê 11.8) rằng Át-ma và Sê-bô-im cũng bị hủy diệt] nầy, cả đồng bằng, hết thảy dân sự cùng các cây cỏ ở nơi đất đó” [Ngày nay, các nhà khảo cổ tin rằng hai thành nầy đã bị chôn vùi dưới Biển Chết] . [Mặt trời là hình ảnh nói tới ơn cứu rỗi trong Cựu Ước]. Ở giữa sự giải cứu của Đức Chúa Trời, chúng ta nhìn thấy sự phán xét. Ba lần trong hai câu nầy, Môise ghi ra hành động tối thượng và sự phán xét của Đức Chúa Trời khi xoá sạch hai thành phố nầy [Đây là những gì đã xảy ra giống như tại Hiroshima và Nagasaki khi các quả bom nguyên tử được thả xuống trong Đệ II Thế Chiến. Họ chẳng có thì giờ để sửa soạn. Sự hủy diệt là thình lình và trọn vẹn. Sau Đệ II Thế Chiến, chúng ta biết (ít nhất là trong phút chốc) cuộc sống là ngắn ngủi dường nào. Chúng ta biết rằng với một lịnh lạc, một cái ấn nút, chúng ta sẽ bị hủy diệt ngay tức khắc]. Ông đã viết ra điều nầy…đây là công việc của tay Ngài. Tuy nhiên, có nhiều Cơ đốc nhân lại thích nói: “Tôi là một Cơ đốc nhân, nhưng tôi không phải loại “diêm sinh và lửa”. Vấn đề với câu nói nầy là Kinh Thánh đầy dẫy sự phán xét của Đức Chúa Trời. Vì thế, dù chúng ta có thích hay không, chúng ta phải trở thành hạng Cơ đốc nhân “diêm sinh và lửa”. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của sự phán xét.
Ở 19.26, chúng ta đến với câu nói hấp dẫn nầy: “Nhưng vợ của Lót quay ngó lại đằng sau mình, nên hóa ra một tượng muối”. Động từ Hy bá lai dịch “ngó lại đằng sau” chỉ ra một cái nhìn chằm chằm, chớ không phải liếc ngang đâu (đối chiếu 19.17) [Tiếng Hy bá lai nabat = “nhìn chăm chú với khoái lạc hay tình cảm”]. Hơn nữa, trong Luca 17.28-32, Chúa Jêsus ám chỉ rằng vợ của Lót đã quay trở lại thành Sôđôm: “Việc đã xảy ra trong đời Lót cũng vậy, người ta ăn, uống, mua, bán, trồng tỉa, cất dựng; đến này Lót ra khỏi thành Sô-đôm, thì trời mưa lửa và diêm sinh, giết hết dân thành ấy. Ngày Con người hiện ra cũng một thể nầy. Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà, có của để trong nhà, đừng xuống mà chuyên đi; ai ở ngoài đồng, cũng đừng trở về nữa. Hãy nhớ lại vợ của Lót”. Bà phải mất mạng vì sự lưỡng lự không chịu cùng đi với người nhà mình. Bà là một người vợ vừa lòng Lót. Nỗi buồn của bà đối với của cải khiến cho bà phải lưu luyến đến nỗi bà không thể hay không cử động được nữa. Có lẽ bà quyết định thà là chết đi còn hơn là bị tách ra khỏi những của cải của mình [John H. Walton, Genesis. The NIV Application Commentary (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 480]. Thiết bị trang trí nội thất của Ethan Allen và Nordstrom đã nung nấu bà. Hỡi quí bà, có phải đây là một sự phấn đấu cho bất cứ ai trong quí vị không? Nếu thực vậy, hãy nhớ rằng mọi thứ mà Lót cùng với vợ ông đã kiếm được khi sống trong thành Sôđôm đã bị thiêu cháy như gỗ, cỏ khô và rơm rạ (đối chiếu I Côrinhtô 3.10-15).
Bởi đó, gia đình của Bà Lót không bao giờ còn nhìn thấy bà ấy nữa. Họ đã vâng theo lời cảnh cáo chớ ngó lại đàng sau mình. Họ đã không ngó lại cho tới mãi về sau họ mới biết điều gì đã xảy ra. Có một bài học quyết định ở đây về việc tránh khỏi điều sai lầm. Cho dù nhiều người khác sống bất tuân, bạn phải sống vâng lời! [Swindoll, Ápraham. 84].
Ở 19.27-29, Môise cung ứng một lời bình cho chúng ta, những người làm cha làm mẹ: “Áp-ra-ham dậy sớm, đi đến nơi mà người đã đứng chầu Đức Giê-hô-va, ngó về hướng Sô-đôm và Gô-mô-rơ, cùng khắp xứ ở đồng bằng, thì thấy từ dưới đất bay lên một luồng khói, như khói của một lò lửa lớn [Hình ảnh của Ápraham trong Sáng thế ký 19.27-28 tương tự với hình ảnh của Môise đang cầu thay cho Israel trong trận chiến với quân Amaléc (Xuất Êdíptô ký 17.11-12)]. Vả, khi Đức Chúa Trời hủy diệt các thành nơi đồng bằng, tức là thành Lót ở, thì nhớ đến Áp-ra-ham, cứu Lót ra khỏi chốn phá tan đó”.
Sự thay thế Ápraham thay vì Lót trong cụm từ “Đức Chúa Trời nhớ đến Ápraham” (19.29; đối chiếu 8.1) tạo thành một luận điểm thần học rất quan trọng. Lót không được cứu căn cứ theo những công trạng của chính ông, mà qua sự cầu thay của Ápraham [Wenham, Genesis 16-50, 59. Ápraham đã cứu Lót hai lần: khỏi các vua Mêsôbôtami (Sáng thế ký 14.10-16) và khỏi vua Sôđôm]. Đây là lần thứ hai Lót mắc nợ người bác ruột về sự sống của mình (đối chiếu 14.12-14). Trước đó, ông đã được giải phóng khỏi cảnh phu tù và giờ đây khỏi chết. Ápraham cầu nguyện và rồi tin cậy Đức Giêhôva với những kết quả. Đức Chúa Trời lắng nghe và đáp trả những lời cầu nguyện.
Chúng ta cần phải giải cứu những kẻ đã bị bán cho thành Sôđôm. Chúng ta cần phải giải cứu những kẻ bị bao vây bởi tội lỗi của họ. Có hai cách chúng ta phải làm điều nầy: cầu nguyện và hành động. Lót không bị hủy diệt với thành Sôđôm và Gômôrơ vì Ápraham đã cầu nguyện (18.16-33; 19.27-29). Chính Giacơ đã nói rằng lời cầu nguyện hiệu quả của một người công bình có thể đạt được nhiều điều (Giacơ 5.16). Với tư thế đáng ngạc nhiên, Đức Chúa Trời đã sử dụng Ápraham để hoàn tất mục đích của Ngài trong việc giải cứu Lót. Đức Chúa Trời thích làm việc qua những lời cầu nguyện của dân sự Ngài. Vì vậy, bạn đang cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu ai vậy?
Ở 19.30-38, Môise ghi lại phần kết thảm hại nầy: “Lót ở Xoa thì sợ hãi, nên cùng hai con gái mình bỏ đó mà lên núi, ở trong một hang đá kia. Cô lớn nói cùng em mình rằng: Cha ta đã già, mà không còn ai trên mặt đất đến sánh duyên cùng ta theo như thế thường thiên hạ. Hè! chúng ta hãy phục rượu cho cha, và lại nằm cùng người, để lưu truyền dòng giống cha lại. Đêm đó, hai nàng phục rượu cho cha mình; nàng lớn đến nằm cùng cha; nhưng người chẳng hay [Trong hai cơ hội, phân đoạn Kinh Thánh nói rõ rằng Lót “không hay” (Sáng thế ký 19.33, 35) điều chi đang diễn ra, tuy nhiên, tội lỗi đã được cưu mang và kết quả của tội lỗi ấy rất trọng] lúc nào nàng nằm, lúc nào nàng dậy hết. Qua ngày mai, chị nói cùng em rằng: Nầy, đêm hôm qua ta đã nằm cùng cha rồi; hôm nay chúng ta hãy phục rượu cho cha nữa, rồi em hãy lại nằm cùng người, để lưu truyền dòng giống cha lại. Đêm đó, hai nàng lại phục rượu cho cha mình nữa, rồi nàng nhỏ thức dậy lại nằm cùng cha; nhưng người chẳng hay lúc nào nàng nằm, lúc nào nàng dậy hết. Vậy, hai con gái của Lót do nơi cha mình mà thọ thai [Câu chuyện tương tự với câu chuyện của những sau cùng của Nôê sau khi ông được cứu ra khỏi nước lụt (9.20-27). Ở đó, cũng như ở đây, vị tộc trưởng đã say rượu và trần truồng trước sự hiện diện của con cái ông. Trong cả hai câu chuyện, hành động đã có những hậu quả rất ghê khiếp. Như ở phần cuối của hai câu chuyện quan trọng nói tới sự phán xét thiêng liêng, nước lụt và sự hủy diệt thành Sôđôm, những người nào đã được cứu ra khỏi sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời lại sa vào một hình thức tội lỗi hồi tưởng lại những kẻ đã ngã chết trong sự phán xét. Đây là lẽ đạo phổ thông trong sách tiên tri (thí dụ, Êsai 56-66; Malachi 1)] [Có một sự mỉa mai trong tiểu đoạn Kinh Thánh nầy. Ở 19.8, Lót đã hiến hai đứa con gái của ông còn đồng trinh chịu làm nạn nhân cho những kẻ gian ác thành Sôđôm. Giờ đây, cũng trong chính câu chuyện đó, chính hai cô con gái nầy buộc Lót phải trở thành nạn nhân say xỉn bày tỏ ra chính hành động mà bản thân ông đã đề nghị với những người sống trong thành Sôđôm — ông ăn nằm với hai con gái của mình]. [Sau khi đọc Sáng thế ký 19, chúng ta sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi thấy những tham khảo đến sự sai trái về tình dục trong Luật pháp Môise như sau đây: (Lê vi ký 18.22-24; 20.13; Phục truyền luật lệ ký 23.17-18)]. Nàng lớn sanh được một con trai, đặt tên là Mô-áp; ấy là tổ phụ của dân Mô-áp đến bây giờ. Người em cũng sanh đặng một con trai, đặt tên là Bên-Am-mi [Hãy chú ý rằng hai cô con gái của Lót đã đặt tên cho các con trai của họ — người cha không có quyền. Gangel, Genesis, 170]; ấy là tổ phụ của dân Am-môn đến bây giờ”. Chín tháng sau, Lót trở thành cha, thành ông ngoại cùng một lúc. Hai nước đã được sanh ra trong mối quan hệ loạn luân nầy. Trong khi Đức Chúa Trời đối xử tử tế với các dân nầy vì mối quan hệ của họ với Ápraham (Phục truyền luật lệ ký 2.19), họ là một nguồn đau buồn và tranh chiến liên tục với Ápraham và dòng dõi của ông. Sôphôni 2.9 cho chúng ta biết các dân nầy chắc chắn sẽ gánh chịu cùng một sự phán xét giống như Sôđôm và Gômôrơ .
Câu chuyện nầy là một trong những biểu tượng kinh tởm nhất trong Kinh Thánh. Tại sao Môise lại lồng nó vào trong sách Sáng thế ký? Vì hai lý do:
Thứ nhứt, để tỏ ra những hậu quả của tội lỗi. Mô-áp và Ammôn cung ứng sự cám dỗ về nhục dục tồi tệ nhất trong lịch sử của Israel (nghĩa là, Baal-Peor, Dân số ký 25) và sự đồi bại tôn giáo xấu xa nhất (nghĩa là, Molech, Lê vi ký 18.21).
Thứ hai, để chứng tỏ rằng sự thấp kém về mặt thuộc linh của bậc cha mẹ thường được nhân đôi lên và mở rộng thêm nơi con cái của họ [Gangel, Genesis, 170]. Rõ ràng, sự tin cậy nơi Đức Chúa Trời chẳng có nơi họ. Đây là bản cáo trạng khác nghịch lại chức năng lãnh đạo về mặt thuộc linh mà Lót đã thất bại. Hai con gái của ông chỉ nêu gương thoả hiệp thuộc linh của cha họ. Lót có đủ khả năng đưa hai con gái của mình ra khỏi Sôđôm, nhưng ông không có khả năng đem Sôđôm ra khỏi hai con gái của ông.
Về sau trong lịch sử Israel, hai chi tộc Mô-áp và Am-môn gây ra vô số nan đề cho dân sự của Đức Chúa Trời, thậm chí đã trở thành kẻ thù của dân sự Đức Chúa Trời nữa (đối chiếu Phục truyền luật lệ ký 23.3). Dân Mô-áp và dân Am-môn cũng trở thành những kẻ thờ lạy hình tượng và thậm chí dẫn dân Israel đi lạc sai vào sự thờ lạy hình tượng (đối chiếu I Các Vua 11.33). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thật lạ lùng nhiều lần bảo hộ các lợi ích của dân Mô-áp và dân Am-môn (đối chiếu Phục truyền luật lệ ký 2.9, 19, 37), có lẽ vì Ngài quan tâm đến Lót, là tổ phụ của hai dân ấy — và Đức Chúa Trời cho phép huyết người Mô-áp trở nên một phần trong phổ hệ của Đấng Mêsi (đối chiếu Rutơ 1.4-5; 4.13, 17) [Barry C. Davis, Genesis (Portland, OR. Multnomah Biblical Seminary unpublished class Notes, 2003)]. Nhưng đồng thời, Đức Chúa Trời có quyền đổi ác thành thiện (50.20). Từ gia phổ của dân Mô-áp vô thần ra một người nữ tên là Ru-tơ, và sau cùng là Đức Chúa Jêsus Christ (Rutơ 4.18-22; Mathiơ 1.5).
Thất vọng và sợ hãi có thể khiến cho chúng ta phạm phải những việc tội lỗi [Trong thời gian ngắn khoảng một ngày, Lót đi từ chỗ một nhà lãnh đạo dân sự giàu có, ảnh hưởng lớn trong thành phố Sôđôm đến chỗ cơ cực, vô gia cư, và sống trong một cái hang. Một thắc mắc rất tự nhiên là lý do tại sao Lót không quay trở lại với Ápraham? Có hai lý do: Thứ nhứt, Lót rất kiêu ngạo và không bằng lòng nhìn nhận mình sai lầm về Sôđôm (Châm ngôn 28.13). Thứ hai, Lót có một tấm lòng chai cứng đối cùng Đức Chúa Trời. Những Cơ đốc nhân xác thịt không muốn ở gần với hạng Cơ đốc nhân biết đầu phục, đầy sức sống]. Tuy nhiên, chúng ta sống không khác nhiều với hai con gái của Lót. Có bao giờ bạn nói với Đức Chúa Trời: “Tôi phải có chồng (hay vợ) cho đời sống tôi có ý nghĩa” — hay “Tôi phải có con cái”, hay “Tôi phải có một sự nghiệp”, hoặc “Tôi phải có sức khoẻ tốt”, hoặc bất cứ thứ chi? Nếu có điều chi trong đời sống mà bạn phải có, ngoài Đức Chúa Trời, thì đó là thần tượng của bạn. Khi lúc cấp bách đùa đến và bạn phải chọn giữa sự hầu việc thần tượng và hầu việc Đức Chúa Trời, khi ấy bạn sẽ thấy chỗ ký thác thực của mình đang đặt ở đâu [Ian M. Duguid, Living in the Gap Between Promise and Reality (Phillipsburg. P & R, 1999), 105].
Ở điểm nầy, thắc mắc là điều rất tự nhiên: Có phải Lót là thánh đồ hay không phải là thánh đồ? (Tôi biết hỏi như vầy là không xứng hiệp rồi). Câu trả lời: ông ấy là một “thánh đồ bại hoại”. Ở II Phierơ 2.7-8, sứ đồ Phierơ gọi Lót là “công bình” ba lần trong hai câu nói. Nếu ông không nhấn mạnh sự kiện nầy, chẳng một ai chịu tin Lót đã được cứu. Đang khi Lót sống công bình, có rất ít hay chẳng có bằng chứng nào kết quả trong đời sống của ông. Đây là một tấm gương nói tới một tín đồ sẽ được cứu dường như qua lửa vậy (I Côrinhtô 3.15) — ông đã được cứu. Đời sống của Lót cho chúng ta thấy rằng có linh hồn được cứu và một đời sống bị phung phí là điều rất khả thi.
Có bao nhiêu người trong chúng ta sống giống như Lót? Chúng ta là Cơ đốc nhân, phải. Nhưng chúng ta cũng muốn có phần của mình trong thế gian. Chúng ta phải có phần hành của mình. Chúng ta cảm thấy rằng chúng ta không thể từ bỏ cách hoàn toàn được; như thế sẽ là một giá quá lớn không mang nổi. Cho nên, giống như Lót, chúng ta tìm cách làm hết sức mình trong một tình huống vô vọng, thoả hiệp, tìm cách duy trì quyền công dân thích ứng trong thế gian và trên thiên đàng [Ian M. Duguid, Living in the Gap Between Promise and Reality, 99].
Cách đây 10 năm, Lori và tôi đi nghỉ hè một chuyến quanh nửa phần phía Tây của nước Mỹ. Một trong chặng dừng chân của chúng tôi là ở vùng Arizona, chúng tôi đến thăm viếng ông bà của nàng. Trong khi chúng tôi có mặt ở đó, trời rất nóng, hơi nóng khô hắt nên chúng tôi quyết định nằm phơi nắng. Sau khi chọn bối cảnh, chúng tôi định rằng nơi tốt nhứt sẽ là mái nhà. Vì vậy, chúng tôi trèo lên cầu thang trên gác, mở cửa sập ra, rồi trèo lên chỗ mặt bằng. Chúng tôi có âm nhạc, kính che nắng mặt trời, và các thức uống. Chúng tôi nằm ở đó phơi nắng! Sau một lúc, Lori quyết định vào trong rồi để ít thì giờ trò chuyện với ông bà. Nàng cũng thúc tôi vào trong nữa. Nàng cảnh cáo tôi là tôi sẽ bị đen hết nếu cứ ở lì ngoài đó, dưới ánh mặt trời của vùng Arizona. Tôi bảo nàng là chẳng sao đâu. Tôi bảo đảm với nàng rằng tôi là một người đủ sức chịu đựng tia nắng mặt trời. Tôi đã chọn ở lại bên ngoài.
Một tiếng rưỡi đồng hồ sau đó khi tôi chổi dậy…tôi đứng trên chân của mình, nhướng mắt lên, rồi mĩm cười ngắm nghía mình. Tôi thắy mình đen bóng hẳn lên. Vì vậy, tôi bước xuống cầu thang cảm thấy mình sạm nắng đủ đẹp chỉ để được chào đón bằng những cái nhìn khủng khiếp! Lori và ông bà của nàng muốn biết điều chi ở trên đất đã xảy ra cho tôi. Tôi nhìn lại làn da của mình một lần nữa và dám chắc đủ rằng tôi đã đi dạo một vòng. Bạn thấy đấy, khi tôi chổi dậy và trước tiên nhìn vào làn da của mình, tôi đang đứng trên cao, trên mái nhà dưới ánh mặt trời vùng Arizona. Tôi không thể thấy được mình bị cháy sém như thế nào!?! Nhưng khi tôi đi xuống cầu thang và không còn bị loà bởi những tia sáng dối gạt của ánh mặt trời, tôi có thể nhìn thấy điều tôi đã làm cho bản thân mình. Trong mấy ngày liền, tôi thấy khó ngủ và cử động. Lori phải lấy loại dầu gội trích từ lá Aloe Vera xức cho thân thể của tôi bị ánh mặt trời cháy sém. Thật là tội nghiệp cho tôi. May thay, những hậu quả của việc không nghe lời cảnh báo của Lori chỉ là nhất thời mà thôi. Điều nầy không giống với những lời cảnh cáo từ phía Đức Chúa Trời. Có hai nhánh tạm thời và đời đời cho mọi hành vi của bạn.
Hỡi người tin Chúa, tội lỗi là điên cuồng! Nó dối gạt, rồi làm ô uế, sau đó là hủy diệt. Nếu Đức Chúa Trời kêu gọi bạn phải lìa bỏ tội lỗi ngay hôm nay, hãy đáp ứng với Ngài trước khi thiệt hại không thể tránh được xảy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét