Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

Gen 4.1-26: "Ca-in xông đến"



"Ca-in xông đến"

(Sáng thế ký 4.1-26)
Bạn có nhớ chương trình TV The Incredible Hulk không? Nhân vật chính là nhà khoa học có tên là Tấn sĩ David Banner. Về mặt cơ bản, Banner là một người rất dễ thương. Nhưng bất cứ lúc nào ông nổi giận, cặp mắt của ông sẽ đổi thành màu xanh lá cây và ông sẽ đổi thành con quái thú to lớn, màu xanh lá cây (do Lou Ferrigno, lực sĩ thể hình đóng). Nếu bạn là một người đang lâm vào cảnh ngộ cần thiết, ông ta sẽ giải cứu bạn. Nhưng, nguyện Đức Chúa Trời giúp đỡ cho bạn, nếu bạn là người mà Ngài lấy làm bực bội vì Ngài ném bạn sang phía bên kia phòng giống như bạn là một con búp bên rách nát vậy. Tấn sĩ Banner không thích những điều mà cơn giận đã làm cho ông. Thực ra, toàn bộ vỡ kịch được gây dựng quanh ao ước của Tấn sĩ Banner muốn tìm phương chữa lành để điều nầy đừng xảy ra cho ông nữa.
Bài học mà tôi đã tiếp thu được từ chương trình The Incredible Hulk là: Nếu bạn không học biết cách xử lý với tánh khí của mình, nó sẽ biến bạn thành một con quái vật từ một con người. Nó có thể biến bạn thành một thứ mà bạn không muốn trở thành. Đây là những gì đã xảy ra cho Ca-in trong Sáng thế ký 4. Ông ta đã có một tánh xấu để khởi sự với, nhưng ông ta không xử lý với tánh ấy. Hiển nhiên, nó đã biến ông ta thành một người khác...một con người gian ác [Dealing with Anger. Sáng thế ký 4.1-16.
http.//www.sermoncentral.com/sermon.asp?SermonID=62735&ContributorID=9610]. Tuy nhiên, vấn đề của Ca-in không phải là vấn đề giận; vấn đề của ông ta là vấn đề thờ phượng! Cách thể hiện cơn giận không thích ứng là tội lỗi, là triệu chứng của một nan đề lớn lao hơn. Trong Sáng thế ký 4.1-26, chúng ta sẽ học biết từ câu chuyện nói tới Ca-in thờ lạy Đức Chúa Trời như thế nào theo những giới hạn của ông.
1. Hai con trai ra đời (4.1-2). Câu chuyện của chúng ta bắt đầu với câu nầy: “A-đam ăn ở với Ê-va, là vợ mình; người thọ thai sanh Ca-in” (4.1a). Sau sự sa ngã, A-đam và Ê-va đã khởi sự một gia đình [Mệnh đề được dịch là (ăn ở) “đã có những quan hệ” là động từ Hy bá lai “biết” (yada), nói tới sự quen biết mật thiết theo kinh nghiệm. Đây là lý do tại sao “biết” thường được dùng để nói tới “giao cấu về tình dục”, kinh nghiệm mật thiết nhất mà người chồng và người vợ có thể dự phần vào]. Ê-va sanh “Ca-in” tên nầy có nghĩa là: “giành, thu lấy, hay sở hữu”. Tên Hy bá lai của ông là Ca-in; tên theo Anh ngữ là: “Lấy” [Sự Ca-in ra đời được gắn với Ê-va bằng động từ đã “sanh”. Theo tiếng Hy bá lai, động từ nầy nghe giống như “Ca-in” lắm]. Ê-va đáp ứng với sự ra đời của Ca-in bằng câu nói: “Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi mới sanh được một người” (4.1b). Diễn dịch câu nói của Ê-va là: “Đức Giêhôva ơi, con đã có được một đứa trai”. Một số học viên Kinh thánh giải thích câu nầy có ý nói rằng Ê-va tin bà đã sanh được Cứu Chúa (đối chiếu 3.15). Tất nhiên, điều nầy là khả thi. Có lẽ còn hơn thế nữa, Ê-va vốn hiểu từ lời tiên tri 3.15 rằng một trong những dòng dõi của bà sẽ đem lại sự cứu chuộc cho bà [Một số tin rằng Ê-va đang khoe khoang rằng bà đã tạo ra một người (Ca-in) giống như Đức Chúa Trời đã dựng nên một người (A-đam) vậy. John H. Sailhamer, The Pentateuch as Narrative (Grand Rapids. Zondervan, 1992), 111-112; Bruce K. Waltke, Sáng thế ký . A Commentary (Grand Rapids. Zondervan, 2001), 96]. Dù vậy, trong câu nầy có một sự công bố ngấm ngầm về đức tin và thái độ biết ơn (đối chiếu 3.20) [Kenneth A. Matthews, Genesis 1.1-11.26, Vol. 1 (Nashville. Broadman & Holman, 1996), 265; Gordon Wenham, Genesis 1-15. WBC (Waco, TX. Word, 1987), 101-102]. Ê-va công nhận rằng Đức Chúa Trời đã trợ giúp cho bà thọ thai, sanh một con trai, qua con trẻ đó sự giải cứu dành cho bà không bao lâu nữa sẽ đến. Trong 4.2a, Môi-se chép: “Ê-va lại sanh em Ca-in, là A-bên” (4.2a). Không giống với tên của Ca-in, tên của A-bên không được Ê-va giải thích. Tuy nhiên, từ ngữ Hy bá lai “A-bên” là chữ “hư không” hay “gió thổi”, xuất hiện khắp sách Truyền đạo. Hiểu theo nghĩa truyền thống, tên của ông ta phản ảnh bổn tánh nhất thời sự tồn tại của ông. Thật là quan trọng khi lưu ý các từ “em” và “A-bên” mỗi chữ xuất hiện 7 lần, nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai người [Cũng hãy lấy làm thú vị nơi Ca-in, nhân vật hàng đầu của câu chuyện, được nhắc 14 lần trong 17 câu]. Trong các câu mở đầu nầy, Môi-se đang cố gắng chuẩn bị chúng ta cho những gì sắp xảy tới.
[Sau khi đưa ra một câu chuyện ngắn nói tới sự ra đời của hai người con trai, câu chuyện nhắm vào sự thờ phượng của hai anh em nầy [Hãy chú ý, chương nầy bắt đầu rồi kết thúc với để tài nói về sự thờ phượng (4.3, 26)]. Mục đích chính của câu chuyện nầy là tỏ ra loại thờ phượng nào Đức Chúa Trời lấy làm đẹp lòng].
2. Sự thờ phượng của hai anh em (4.2b-5). Trong 4.2b, Môi-se viết:“A-bên làm nghề chăn chiên, còn Ca-in thì nghề làm ruộng”. A-bên là một người chăn chiên và Ca-in là người làm ruộng. Cả hai nghề nầy đều rất là quí giá; nghề nầy không tốt hơn nghề kia. Điều nầy dẫn tới một sự luyện tập về sự thờ phượng trong 4.3-5a: “Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người; nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người; cho nên Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt”. Cả hai anh em đều đem lễ vật đến dâng cho Đức Giêhôva xứng đáng với nghề sinh sống của họ (4.3). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời chuộng A-bên cùng lễ vật của người mà chẳng đoái hoài gì đến của lễ của Ca-in (4.4b) [Hauser bình luận như sau: “Danh từ ‘thổ sản’ cung ứng một sự gắn bó khác với Sáng thế ký 2-3. Trong 3.1-6 con rắn dụ dỗ người nữ, nó dụ bà phải ăn ‘trái’ của cây đặt ở giữa vườn. ‘Trái’ được sử dụng ba lần trong các câu ấy và làm biểu tượng cho cả sự cám dỗ đặt nơi người nữ cùng dòng giống từ nơi bà mà ra. Cách sử dụng ‘thổ sản’ trong 4.3 ngay lập tức nhắc cho quí độc giả nhớ tới vai trò trước kia của ‘trái’. Trong 4.1-16 ‘thổ sản’ một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong sự xúc phạm mà họ đã phạm phải. Đức Giêhôva chẳng quan tâm chi hết đến của lễ của Ca-in, ông dâng hiến mọi thổ sản cung ứng từ dưới đất lên, rồi cơn giận của Cain chiếu vào điều nầy, trước tiên nhắm ít nhiều vào việc giết chết em A-bên. Độc giả nhơn đó bị dẫn tới chỗ mất lòng của Ca-in với sự mất lòng của A-đam và Ê-va” Alan J. Hauser, “Linguistic And Thematic Links Between Genesis 4.1-16 And Genesis 2-3”, Journal of the Evangelical Theological Society 23.4 (December 1980), 300]. Có người cho rằng lý do cho sự việc nầy là A-bên đã dâng một con sinh có huyết đang khi Ca-in thì không phải như vậy. Tuy nhiên, chẳng có gì sai khi thổ sản như đối lập với của lễ bằng con sinh.
Về sau trong lịch sử của dân Israel, những của lễ bằng ngũ cốc và mùa gặt đều là những thể hiện hợp pháp về sự thờ phượng mà Đức Chúa Trời chấp nhận và thậm chí còn ra lịnh nữa [Lewis viết: “Tách ra khỏi phân đoạn nầy (Sáng thế ký 4.3–5) minhah (“dâng”) xảy ra trong Sáng thế ký nói tới các thứ ơn giống như những món mà Giacốp đã dâng cho Ê-sau vậy (32.14, 19, 21–22; 33.10) và những kẻ mà các con trai Giacốp đã đưa sang Ai cập (43.11, 15, 25–26) nhưng không xuất hiện lần nào nữa trong bối cảnh thờ lạy. Từ ngữ, không có phân biệt chi hết mô tả cả hai: Ca-in và của lễ của A-bên, dường như có ý nói: “tiến cống” (I Các Vua 4.21 [5. 1]; 10.25). Nó thường được sử dụng để nói tới các thứ của dâng bằng ngũ cốc (đối chiếu Lê vi ký 2.1–3; v.v…), Khi bước vào bối cảnh thờ thờ lạy, nó cũng đề cập tới một của dâng bằng con thú (đối chiếu I Samuên 2.17; 26.19; Malachi 1.10, 13; 2.13). Lewis, “The Offering of A-bên…” 482]. Cho nên đem dâng một của lễ có huyết không phải là một thất bại, thì tại sao Đức Chúa Trời từ chối Ca-in cùng của lễ của người?
[Thật là quan trọng khi công nhận rằng chữ “cũng” không có ý nói rằng A-bên đã làm theo gương của Ca-in và “cũng” đem đến hoa quả đầu mùa. Người thuật chuyện rất cẩn thận ở đây khi đối chiếu hai hình thức của lễ. Chữ “thổ sản” (pri) có ý nói đến của lễ của Ca-in và “hoa quả đầu mùa” (bkorah) có ý nói tới A-bên. Điều nầy được ghi ra không phải là tình cờ để tỏ ra rằng Ca-in đã đem đến một của lễ “tàm tạm” và A-bên đã mang tới dâng mọi thứ tốt nhứt của mình có cho Đức Chúa Trời. Trạng từ “cũng” bổ nghĩa cho động từ “dâng” và có ý nói rằng A-bên đã tạo ra chính hành động đó (A-bên đã “dâng”). Nói cách khác, “cũng” không có ý nói tới thứ ông đã dâng mà nói tới mức mà ông đã dâng. Ý nghĩa của câu nầy là chất lượng của của dâng. A-bên trước tiên đã dâng chính mình ông rồi kế đó mới dâng phần tốt nhứt và có giá trị nhứt cho Đức Chúa Trời, Ca-in thì không như thế].
Các trước giả Tân Ước cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã chiếu cố đến A-bên vì ông đã có đức tin (Hêbơrơ 11.4) trong khi Ca-in không có (Giu-đe 11-13 và I Giăng 3.11-12). Vì thế, dường như rõ ràng A-bên đã ở trong mối tương giao với Đức Chúa Trời và Ca-in đã tẻ tách ra khỏi Đức Chúa Trời. Một nguyên tắc rất quan trọng là đây: “Đức Chúa Trời luôn luôn xem xét kẻ bố thí và người đến thờ phượng trước khi Ngài xem xét ân tứ, sự phục vụ, hay sự thờ phượng” [Xem Jack P. Lewis, “Của lễ của A-bên (Sáng thế ký 4.4). A History of Interpretation,” Journal of the Evangelical Theological Society 37.4 (December 1994).481-96]. Như vậy, vấn đề then chốt, ấy là bạn cần phải ở trong mối tương giao với Đức Chúa Trời trước khi bạn tìm cách thờ lạy hay hầu việc Ngài. Nói cách khác, sự thờ phượng của bạn không thể chấp nhận được [Walter C. Kaiser, Jr., More Hard Sayings of the Old Testament (Downers Grove, IL. Intervarsity, 1992), 20].
Cũng có một manh mối rất thú vị trong câu chuyện Sáng thế ký cho chúng ta biết về Ca-in và A-bên cùng những của lễ của họ. Trong 4.4, Môi-se ghi lại rằng A-bên dâng “chiên đầu lòng trong bầy mình” (đối chiếu Xuất Êdíptô ký 34.19; Phục truyền luật lệ ký 12.6; 14.23) và “mỡ nó” (đối chiếu Dân số ký 18.17) [Đối chiếu Xuất Êdíptô ký 23.19; 32.26; Lê vi ký 2.12; 23.10]. Từ ngữ được dịch là “mỡ” có ý nói tới “phần ngon nhất, lựa lọc nhất, hay ngon ê hề” [Victor P. Hamilton, The Book of Genesis Chapters 1-17. NICOT (Grand Rapids. Eerdmans, 1990), 223]. A-bên đã dâng những gì đáng giá nhất đối với ông — chiên đầu lòng! Mặt khác, Ca-in chỉ dâng “thổ sản”, không phải là hoa quả đầu mùa, của đất (4.3). A-bên đã dâng những phần tốt nhứt trong bầy của mình và Ca-in không dâng cách đặc biệt như thế. A-bên đã thờ lạy Đức Chúa Trời bằng những thứ tốt nhứt của mình. Ca-in chỉ thực hiện với một bổn phận. Một trong những lẽ đạo chính trong Kinh thánh, ấy là Đức Chúa Trời tìm kiếm sự thờ phượng nào trọn vẹn và có giá trị (Lê vi ký 22.20-22; II Samuên 24.24). Ngài sẽ không thoả lòng với thứ hạng nhì (Malachi 1.6-14; Rôma 12.1).
Công ty Butterball mở ra một chương trình Cảm Tạ giải đáp những thắc mắc về việc nấu món gà tây. Một phụ nữ hỏi không biết công ty có thể sử dụng một con gà tây đã ở vào tình trạng đông lạnh trong 23 năm hay không!?! Chuyên gia của công ty Butterball — khó khăn lắm mới có được tước hiệu ấy — cho rằng có lẽ sẽ không sao nếu máy đông lạnh kia phải chỉ dưới Oo trong suốt cả quá trình đông lạnh. Nhưng vị chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả nếu món gà tây ấy ăn được trong tình trạng an toàn, mùi vị sẽ bị giảm đi và sẽ không ngon miệng được. Phụ nữ kia đáp: “Đấy là điều mà tôi đã suy nghĩ. Chúng ta sẽ dâng con gà tây đó cho Hội thánh của chúng ta” [Why Serious Preachers Use Humor, LeadershipJournal.net. Monday, January 10, 2005]. Trong khi đây là một câu chuyện vui thôi, nó có thể khả thi đối với một số Cơ đốc nhân. Tội lỗi trước tiên tự bày tỏ trong những gì bạn đem dâng cho Đức Chúa Trời.
Động lực là vấn đề đối với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không có ấn tượng với những ai làm điều phải vì lý do sai quấy. Sự thực nầy đã được dạy dỗ khắp cả Kinh thánh. Trong Mathiơ 15.8, Chúa Jêsus nhìn thẳng vào những người Pharisi rồi trưng dẫn Êsai: “Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm” (cũng xem Michê 6.7-8). Đôi khi người ta có thể có những động lực rất xấu cho những việc làm tốt. Có một câu chuyện kể về một người kia đang ngồi xe taxi trong thành phố Nữu Ước. Ông ta để ý thấy viên tài xế chạy chậm để tránh đụng phải người đi bộ. Khi tìm cách hỏi thăm cho biết hành động của viên tài xế, ông nói: “Tôi để ý thấy ông chạy chậm vì sợ đụng gã kia”. Viên tài xế đáp: “Dạ phải, nếu ông đụng phải họ, ông phải điền vào một tờ báo cáo”. Tôi sẽ tránh không đi vào lối của taxi một khi tôi đi bộ trong thành phố Nữu Ước.
Đâu là những động lực của chúng ta trong khi hầu việc Chúa? Chúng ta nên thường tự hỏi mình: Tại sao tôi phải tử tế với người khác? Tại sao tôi đặt số tiền nầy vào giỏ dâng hiến? Tại sao tôi hầu việc Chúa ở Awana vào tối thứ Tư?
[Bất luận nguyên nhân nào khiến Đức Chúa Trời phải chối bỏ của lễ của Ca-in; bản thân câu chuyện hướng sự chú ý của chúng ta vào phần đáp ứng của Ca-in. Chính ở đó mà câu chuyện tìm cách bày ra mục đích của nó] [Sailhamer, The Pentateuch as Narrative, 112].
3. Đáp ứng của người anh (4.5b-8). Khi Ca-in học biết rằng Đức Chúa Trời chẳng “đoái đến” của lễ của mình: “cho nên Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt” (4.5b). Ca-in đã nổi giận với Đức Chúa Trời! Thay vì quan tâm đến việc cứu chữa tình trạng và lo làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, ông đã nổi giận dữ. Chúng ta phải dừng lại ở đây và đưa ra những thắc mắc nầy cho chính mình. Chúng ta phản ứng ra sao khi Đức Chúa Trời đáp “không”?
Khi Đức Chúa Trời thuyết phục và xử lý với tội lỗi trong đời sống chúng ta, chúng ta phản ứng như thế nào? Có phải chúng ta tìm cách làm ngay lại mọi việc không? Có phải chúng ta đến trước mặt Chúa trong sự thờ phượng rồi xưng tội với một tấm lòng hạ mình và thống hối không?
Hay có phải chúng ta trề môi lắc đầu rồi la lối? Tiên tri Êsai trong Cựu Ước, đã nói như sau: “Nầy là kẻ mà ta đoái đến: tức là kẻ nghèo khó, có lòng ăn năn đau đớn, nghe lời nói ta mà run” (Êsai 66.2b).
Có phải bạn có nan đề với tánh khí của mình? Một phụ nữ nói: “Thỉnh thoảng tôi không kềm được tánh của mình, nhưng việc ấy mau qua thôi”. Vị Mục sư của bà ấy đáp: “Một trái bom nguyên tử nổ cũng mau như thế đấy, nhưng hãy suy nghĩ về thiệt hại mà nó gây ra xem. Một cơn lốc xoáy cũng mau như thế, nhưng hãy suy nghĩ về sự tàn phá mà nó để lại xem. Một viên đạn ra khỏi nòng súng cũng rất là mau, nhưng hãy suy nghĩ đến sự chết mà nó có thể gây ra xem”. Chúng ta không được cho rằng cơn giận không đúng được xưng công bình hay xứng đáng đâu.
Với tư thế thường nhật, trong 4.6, Đức Giêhôva theo đuổi Ca-in với ba câu hỏi liên tiếp nhau: “Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao?” Đức Chúa Trời vốn đã không đẹp lòng với Ca-in hay với của lễ của người rồi. Hai câu hỏi đầu tiên cho thấy rằng Ngài đã không đẹp lòng bởi cách đáp ứng của Ca-in. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta đã được những Cơ đốc nhân khác nói cho biết rằng giận với Đức Chúa Trời là đáng phải có. Chúng ta thích xưng công bình cơn giận của mình bằng cách nói: “Ngài là một Đức Chúa Trời lớn. Ngài có hai bờ vai rộng rãi. Ngài có thể điều khiển sự nguyền rủa và ta thán của tôi”. Phải, chắc chắn là Ngài có thể làm như thế, nhưng có phải đây là phần đáp ứng thích đáng đối với Đấng Tạo Hoá toàn năng của trời và đất không? Tôi không nghĩ như thế [Một số Cơ đốc nhân khẳng định rằng được phép giận dữ với Đức Chúa Trời bằng cách chỉ ra những Thi thiên khác nhau, ở đó David tỏ ra nghi ngờ và giận dữ. Tuy nhiên, đây không phải là đơn thuốc, chúng có tính cách mô tả mà thôi]. Ngài là một Đức Chúa Trời tối cao đáng phải kính sợ. Ngài muốn chúng ta tin cậy Ngài, thậm chí khi mọi việc đi tới chỗ tồi tệ. Không may, nhiều Cơ đốc nhân có một nhận định nhỏ nhoi về Đức Chúa Trời cho phép họ có những cơn giận đối với Ngài.
Trong 4.7, Đức Giêhôva phán: “Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó” [Phần cuối của Sáng thế ký 4.7 có thể đọc như một mạng lịnh (“nhưng ngươi phải quản trị nó”); một lời mời (“ngươi phải quản trị nó”); hay một lời hứa (“ngươi sẽ quản trị nó”)]. Điều nầy rõ ràng ám chỉ rằng Ca-in vốn biết rõ điều chi là phải. Ông biết rõ chất lượng của của lễ phải mang theo và đã chọn không mang theo. Ông biết rõ tấm lòng mình là không phải, nhưng ông chọn không bộc lộ nó ra. Tuy nhiên, câu nầy cũng tỏ ra ân điển của Đức Chúa Trời, vì Ca-in vẫn được mời gọi đem dâng của lễ đúng đắn. Đức Chúa Trời đã cảnh cáo Ca-in và Ngài muốn Ca-in phải “làm cho đúng đắn” nhưng Ca-in đã làm cứng lòng mình. Tội lỗi giống như một con thú hoang sẵn sàng vồ chụp và ăn nuốt nạn nhân của nó [Waltke cho rằng hình ảnh nầy có thể là cách nói bóng gió về con rắn đang chờ đợi cắn gót chân (Sáng thế ký 3.15; đối chiếu I Phierơ 5.8). Waltke, Genesis , 98]. Đúng là một bức tranh mà Chúa đang tô vẽ! Đúng là một sự nhắc nhớ chúng ta có một sự lựa chọn có nên phạm tội hay không!?! Flip Wilson đã sai khi ông nói: “Ma Quỉ khiến tôi phạm tội ấy”. Ngược lại, khi chúng ta phạm tội, chúng ta phạm tội vì chúng ta từ chối không chịu nương cậy vào quyền phép của Đức Chúa Trời để “quản trị nó” [Sứ đồ Phierơ minh hoạ lẽ thật nầy trong Tân Ước là: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được” (I Phierơ 5.8). Hai câu tương đương nầy cho chúng ta biết cách xử lý đối với tội lỗi].
Không may, thay vì chú ý vào lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời, Ca-in đã bất chấp lời lẽ của Đức Chúa Trời và đã tự cho phép mình bị tội lỗi quản trị. Điều nầy đã kết quả trong vụ giết người đầu tiên. Môi-se viết về sự cố nầy trong 4.8: “Ca-in thuật lại cùng A-bên là em mình [Eaton giải thích sự thiếu mất lời bình: “Sách Ngũ Kinh của người Samari đọc: ‘Chúng ta hãy đi ra đồng’. Các bản dịch xưa và bản gốc ủng hộ điều nầy”. Michael Eaton, Preaching Through the Bible. Genesis 1-11 (Kent, England. Sovereign World, 1997), 109]. Vả, khi hai người đang ở ngoài đồng, thì Ca-in xông đến A-bên là em mình, và giết đi”. Trong cơn giận, Ca-in đã lấy đi mạng sống của người khác...và nạn nhân của ông là chính em ruột của mình [Sự kình địch giữa anh em ruột với nhau đã hành hại từng gia đình tin kính trong sách Sáng thế ký]. Cách sử dụng “xông đến” là rất thích đáng, khi sự “xông đến” của Ca-in giết chết em mình là một hậu quả trực tiếp của việc “gằm” nét mặt xuống, khi của lễ của A-bên được chấp nhận, còn của lễ của ông thì không [Cách sử dụng “xông đến” (qum) đặc biệt rất quan trọng khi nó là một trong hai động từ duy nhứt được sử dụng để mô tả hành động giết người. Hành động ấy giúp phát triển động thái xa lánh, cũng có thể đọc là: “Ca-in xông đến nghịch lại A-bên là em mình”. Hauser, “Linguistic And Thematic Links Between Genesis 4.1-16 And Genesis 2-3,” 301]. Dưới luật pháp Môise, sự thực cho thấy rằng một vụ giết người xảy ra ở ngoài đồng, ngoài tầm trợ giúp, là minh chứng cho hành động có chủ tâm (đối chiếu Phục truyền luật lệ ký 22.25-27) [Dr. Thomas L. Constable, Notes on Genesis (http.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/Genesis.pdfhttp.//www.soniclight.com/constable/notes/pdf/Sáng thế ký .pdf, 2004), 61]. Chúng ta nên thu mình lại trước một hành động khủng khiếp như thế và suy nghĩ: “Tôi không nên phạm vào một việc như thế”. Nhưng nếu chúng ta thành thực, nhiều người trong chúng ta sẽ phải xưng ra bảng danh sách nhiều người mà chúng ta đã giết họ với những lời lẽ và thái độ của chúng ta [Câu chuyện kể về Ca-in và A-bên, được biết rõ trong tư tưởng và văn hoá Tây phương, đặt ra bối cảnh cho sự tấn tới của tội lỗi. Nhà soạn kịch lỗi lạc Arthur Miller nói: “Nếu anh có thể giết em, thì chẳng một ai được an ninh, không thể nói gì được nữa, và không có một tương lai nào nữa hết”. Nhưng Đức Chúa Trời thì giàu ơn cung ứng cho một tương lai, thậm chí trong bóng tối tăm của Sáng thế ký 4. Paul Wright, ed., Genesis. Shepherd’s Notes (Nashville. Broadman, 1997), 22].
Một bài học chúng ta học được từ vụ giết A-bên, ấy là cơn giận và ganh tỵ mang tính hủy diệt rất nặng. Chắc chắn không phải lỗi của A-bên, mà là của lễ của Ca-in không được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nhưng khi Đức Chúa Trời chấp nhận của lễ của A-bên và từ chối của lễ của Ca-in, Ca-in hướng cơn giận, sự ganh tỵ, và thù hận vào em ruột mình. Lịch sử tội ác cho thấy rằng khi được trao cơ hội, thù hận thường dẫn tới giết người. Đấy là điều mà Chúa Jêsus đã chỉ ra trong Mathiơ 5, ở đây Ngài phán giận anh em mình thực sự giống y như giết người.
Hôm nay, có thể bạn sẽ nổi giận. Giận là một việc đáng kể, là thứ sẽ xảy ra sáng nay. Có thể bạn giận bố mẹ mình vì họ không cho phép bạn đến nhà người bạn sau giờ thờ phượng. Hoặc giả một việc gì đó đã xảy ra cách đây nhiều năm. Có lẽ người hàng xóm hay ai đó trong Hội thánh gạt bạn lấy một số tiền hay lợi dụng bạn không cứ cách nào đó, và bạn sẽ có một thái độ cay đắng. Bất luận là giận như thế nào, bạn cần phải kềm chế nó rồi lìa bỏ nó. Êphêsô 4.27 chép nếu bạn không kềm chế cơn giận của mình, bạn đang nhường một bước cho ma quỉ (sát nghĩa, “một chỗ”) trong đời sống của bạn. Đấy là những gì Ca-in đã làm. Cơn giận và ganh tỵ không kềm chế được đã kết quả bằng cái chết của A-bên và cũng đã hủy diệt cuộc đời của Ca-in nữa. Đừng để cơn giận ấy xảy ra trong đời sống của bạn. Hãy công nhận thái độ ấy là sai lầm, hãy xưng nó ra với Chúa, và cầu xin Ngài giúp đỡ hầu đắc thắng được thái độ có tính hủy diệt nầy.
4. Sự theo đuổi của Đức Chúa Trời giàu ơn (4.9-16). Trong 4.9, Ca-in đã dại dột tưởng mình có thể che giấu tội lỗi đối với Đức Chúa Trời. Ông đã bước theo dấu chơn của cha mình (3.8). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời tìm kiếm Ca-in giống như Ngài đã tìm kiếm A-đam và Ê-va. Đức Chúa Trời là một Đấng chuyên tìm kiếm. Sau khi Ca-in phạm vào tội lỗi ghê gớm kia, Đức Giêhôva thực hiện việc không thể tưởng được — Ngài tranh luận với Ca-in. Ngài nói với ân điển, chớ không phải với cơn thạnh nộ. Đức Giêhôva phán với Ca-in: “A-bên, em ngươi, ở đâu?” Ca-in đáp lại bằng cách nói: “Tôi không biết”. Ca-in bắt đầu dấu vết tội lỗi bằng cách nói dối với Đức Chúa Trời. Ca-in đáng thương kia nói với một Đức Chúa Trời toàn tri rằng ông không biết A-bên em ông đang ở đâu!?! Từ từ nào! Sự thực cho thấy rằng Ca-in có thể thản nhiên chối phăng những việc mình đã làm và tỏ ra thái độ thiếu quan tâm đến em mình tương xứng với việc thiếu quan tâm của người nam đối với người nữ trong 3.12, ở đây người nam lãnh đạm nói tới người bạn đời của mình là “người nữ” rồi đặt mọi sự đổ thừa lên trên nàng, vì thế tỏ ra một sự thiếu đi hoàn toàn sự mật thiết và tình bạn trước đó đã đánh dấu mối quan hệ của họ.
Để làm cho vấn đề ra tệ hại hơn, Ca-in tiếp tục thốt ra câu nói chẳng hay ho gì: “Tôi là người giữ em tôi sao?” Đây là lầm lỗi kinh khủng lắm nơi phần của Ca-in. Giờ đây, nếu tôi là Đức Chúa Trời, tôi sẽ làm cho Ca-in bốc khói ngay nơi chỗ ông ta đứng! Còn Đức Giêhôva thì không như vậy! Thay vì làm thế, Ngài đã hỏi Ca-in một câu, và đây cũng chính là câu mà Ngài đã hỏi Ê-va (3.13): “Ngươi đã làm điều chi vậy?” Ngay trong lúc nầy, lẽ nào bạn không thù ghét Ca-in? Khi đó Đức Giêhôva thôi không hỏi nữa, mà phán: “Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta” (4.10). Đây là câu chìa khoá. Cụm từ “kêu đến ta” chứng tỏ Đức Chúa Trời muốn bắt lấy kẻ giết người nầy rồi. Khi có ai đó giết một đứa trẻ, một em thiếu nhi, hay một người lớn được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời (1.26; 9.6), huyết của nạn nhân kêu la cùng Đức Chúa Trời! Tội lỗi không thể giấu đâu được đối với Đức Chúa Trời. Nó có thể giấu với người ta, nhưng không thể giấu Đức Chúa Trời được. Tội lỗi kín nhiệm ở trên đất được mở ra ở trên trời!
Là một hậu quả của hành động tội lỗi có tính toán của Ca-in, Đức Chúa Trời rủa sả ông (4.11-12), giống như Ngài đã rủa sả con rắn (3.14) và đất (3.17-19). Ôi! Môi-se ghi lại những lời thảm thương nầy: “Bây giờ, ngươi sẽ bị đất rủa sả, là đất đã hả miệng chịu hút máu của em ngươi bởi chính tay ngươi làm đổ ra. Khi ngươi trồng tỉa, đất chẳng sanh hoa lợi cho ngươi nữa; ngươi sẽ lưu lạc và trốn tránh, trên mặt đất” [Quan hệ song song giữa A-đam và Ca-in tiếp tục với lẽ đạo của tác giả nói tới sự ghét bỏ của Ca-in đối với đất. Mối quan hệ ban đầu của A-đam với đất rất mật thiết. Ông đã được dựng nên “từ bụi đất” (2.7), và chức năng của ông là “cày cấy” đất (2.5, 15; cũng đối chiếu 3.23). Ca-in cũng bắt đầu với một mối quan hệ mật thiết với đất. Ông là một người có “nghề làm ruộng” (4.2) và đã đem đến dâng cho Chúa một của lễ bằng “thổ sản” (4.3). Phù hợp với sai phạm của A-đam, đất đã bị rủa sả, phải sanh chông gai và tật lê cùng với thổ sản và buộc ông phải khó nhọc mới có vật để ăn (3.17-19). Án phạt của Ca-in là ngày càng khắc nghiệt hơn. Khi ông cày cấy đất, nó sẽ không còn sản sinh cho ông thứ ông cần (4.12), và ông sẽ bị đuổi khỏi mặt đất (4.14)]. Đây là trường hợp đầu tiên trong Kinh thánh, là chỗ một con người đã bị “rủa sả”. Án phạt tối hậu cho một người Hêbơrơ không phải là cái chết, mà là lưu đày, một sự mất mát gốc rễ.
Trong 4.13-14: “Ca-in thưa cùng Đức Giê-hô-va rằng: Sự hình phạt [Chữ được dịch “hình phạt” (avon) ở chỗ khác luôn luôn được dịch là “tội ác” (đối chiếu I Samuên 20.1; I Các Vua 17.18; Gióp 7.21; 14.17; 31.33; Thi thiên 38.19). Điều nầy khiến cho một số người cho rằng Ca-in đang tỏ ra hối tiếc và ăn năn] tôi nặng quá mang không nổi. Nầy, ngày nay, Chúa đã đuổi tôi ra khỏi đất nầy, tôi sẽ lánh mặt Chúa, sẽ đi lưu lạc trốn tránh trên đất; rồi, xảy có ai gặp tôi, họ sẽ giết đi”. Lời than phiền của Ca-in được đưa ra với cách sử dụng 7 nhân xưng đại danh từ. Mọi sự Ca-in quan tâm là bản thân mình. Chẳng có chút kính sợ hay tôn kính gì đối với Đức Chúa Trời, không chút hối tiếc vì mất mát đi đời sống vô tội, chẳng buồn rầu chi về tội lỗi, và không nghĩ ngợi gì đến bố mẹ mình khi họ mất đi một người con cách thê thảm qua việc giết người và mất đi người con khác qua sự loạn nghịch. Chỉ có một sự bận tâm duy nhứt cho bản thân mình mà thôi [Anne Graham Lotz, God’s Story (Nashville. Word, 1999 [1997]), 111-112]. Kẻ giết người lo sợ mình bị giết. Người nào chọc giận một trong những người bà con của mình giờ đây phải coi chừng bất kỳ ai trong số bà con của mình [Hamilton, The Book of Genesis, 233].
Trong 4.15, Đức Giêhôva phán với Ca-in: “‘Bởi cớ ấy, nếu ai giết Ca-in, thì sẽ bị báo thù bảy lần. Đức Giê-hô-va bèn đánh dấu [Những nhà giải kinh đã giải thích “dấu” của Ca-in hay “hiệu” bằng nhiều cách thức khác nhau. (1) Bị liệt. Nhận định nầy nhắm vào ý nghĩa của chữ được sử dụng để dịch “dấu” trong bản Kinh thánh 70. (2) Chữ “Đức Giêhôva” “Yahweh”. Nhận định nầy bắt nguồn từ cách lý giải của nhà giải kinh Do thái thời xưa. (3) Một cái sừng dài mọc giữa trán của Ca-in. Cách giải thích nầy do một nhà giải kinh Do thái khác, và nhiều bức tranh thời trung cổ biểu hiện cho nhận định nầy. (4) Một số nhận định khác đánh dấu nhân vật nầy, có lẽ là cái tên của ông. Quan điểm nầy nhìn thấy một sự tương ứng với các dấu hiệu khác nhận dạng và bảo hộ cho người mang chúng, mà Kinh thánh có đề cập tới (đối chiếu Êxêchiên 9.4; Khải huyền 7.3; 13.16-18; 14.1). (5) Một sự xác minh lời hứa của Đức Chúa Trời với Ca-in. Câu Kinh thánh không chỉ ra dấu hiệu, nhưng đó là dấu cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã ban cho Ca-in ngay khi ấy để bảo đảm với ông rằng ông sẽ chẳng chết (đối chiếu 21.13, 18; 27.37; 45.7, 9; 46.3 với 21.14; 44.21). Quan điểm nầy nhắm vào ý thông thường nói tới “dấu” trong Cựu Ước (đối chiếu Các Quan Xét 6.36-40; II Các Vua 2.9-12). Xem Constable, Notes on Genesis, 63-64] trên mình Ca-in, hầu cho ai gặp Ca-in thì chẳng giết”. Đức Chúa Trời tiếp tục chứng tỏ ân sũng và lòng thương xót của Ngài — thậm chí với Ca-in! Đức Giêhôva đã ban cho Ca-in một dấu trước khi sự phán xét được đưa ra. Điều nầy há không giống như Chúa sao?
Chương trình của Chúa dường như là tỏ lòng thương xót trước khi phán xét. May mắn dường bao khi chúng ta nằm trong trường hợp nầy. Nếu không có trường hợp nầy, chúng ta sẽ bị tiêu mất từ lâu! Bất luận bạn đã làm gì, Đức Chúa Trời muốn một mối tương giao với bạn. Chẳng có một tội lỗi nào mà bạn đã phạm là quá lớn đối với Đức Chúa Trời. Ngài sẽ tiếp nhận bạn NẾU bạn chịu tiếp nhận sự hy sinh của Con Ngài vì cớ tội lỗi của bạn. Chúng ta không biết “dấu” ấy là gì. Có người cho đấy là một dấu gì đó khắc trên mình Ca-in (thí dụ, một hình xăm), nhiều người khác nói đó là một kiểu tóc thật đặc biệt. Một trong những rabi đời xưa cho rằng dấu ấy là một con chó đi cùng với Ca-in trên những chuyến lang thang của ông. Con chó đã bảo đảm cho Ca-in về sự bảo hộ của Đức Chúa Trời và gây sợ hãi cho những ai muốn tấn công ông [R. Kent Hughes, Genesis. Beginning & Blessing (Wheaton, IL. Crossway, 2004), 107]. Nhiều người khác nghĩ, đó là một dấu trong thế giới bên ngoài, giống như một nỗi sợ hãi ngày càng tăng về việc giết một người khác [Chữ “dấu” (oth) ở chỗ khác chủ yếu đề cập tới một biến cố bên ngoài (thí dụ, Xuất Êdíptô ký 10.2). Eaton, Genesis 1-11, 108]. Với quyết định đó, Đức Chúa Trời đặt một dấu trên Ca-in trước khi đuổi ông đi. Điều nầy sẽ bảo hộ Ca-in tránh được sự tố cáo trả lại. Ở đây, một lần nữa sự thương xót đi trước sự phán xét.
Trong 4.16, chúng ta đọc thấy những lời buồn rầu nầy: “Ca-in bèn lui ra khỏi mặt Đức Giê-hô-va, và ở tại xứ Nốt [Ca-in định cư trong đất của Nốt, có nghĩa là “lưu lạc” (đối chiếu Sáng thế ký 4.12b)], về phía đông của Ê-đen”. Một câu hỏi cần phải đưa ra là: Có phải Ca-in ăn năn không? Có lẽ không. Kinh thánh Tân Ước nói về Ca-in bằng tính tiêu cực với những cụm từ như “đường của Ca-in” (Giuđe 11) và là kẻ “thuộc về ma quỉ, đã giết em mình” (I Giăng 3.12). Cuộc đời của ông được đối chiếu với “A-bên công bình” (Mathiơ 23.35). Tuy nhiên, chúng ta không biết rồi đây điều chi sẽ xảy ra cho ông [Mặc dầu dòng dõi của Ca-in bị ảnh hưởng bởi những gì ông đã làm (Sáng thế ký 4.17-24), thật là thích thú khi lưu ý rằng tên của con trai đầu tiên của Ca-in, Hê-nóc, có nghĩa là “dâng hiến”, hay “thánh hoá” hoặc “khai tâm”. Tên nầy nói tới một sự khởi đầu mới. Điều nầy cho thấy rằng Ca-in ao ước muốn khởi sự lại một lần nữa và đã xây dựng một đời mới cho chính mình]. Có thể ông đã đáp ứng lại với Đức Chúa Trời. Ca-in không vượt quá tầm ân điển của Đức Chúa Trời [Hughes, Genesis. Beginning & Blessing, 107] và bạn cũng thế.
Thật là quan trọng khi thấy rằng tội lỗi của A-đam (3.6-7) dẫn tới chỗ giết người giữa anh và em (4.1-16), và rồi dẫn tới sự đồi bại trong xã hội (4.17-26).
5. Câu chuyện kể về hai người (4.17-26). Trong 4.17, chúng ta có một minh chứng rất hay mà những nhà phê bình đã sử dụng. Câu nầy đọc như sau: “Đoạn, Ca-in ăn ở cùng vợ mình, nàng thọ thai và sanh được Hê-nóc; Ca-in xây một cái thành đặt tên là Hê-nóc, tùy theo tên con trai mình”. Tất nhiên, thắc mắc rõ ràng là: Ca-in đã lấy vợ ở đâu? Câu trả lời rất đơn giãn. Ca-in đã lấy em gái mình (hay có lẽ là cháu gái). Kinh thánh nói A-đam “sanh con trai con gái” (5.4). Thực vậy, khi A-đam sống 930 năm (5.5), ông có nhiều thời gian để có nhiều con cái! Ca-in đã lấy một trong các em gái của mình, hoặc thậm chí là cháu gái, nếu ông thành hôn sau các em mình đã có con gái. Một trong các em ông đã lấy một người em gái. Hôn nhân giữa những người bà con gần là không thể tránh được nếu toàn bộ dòng giống con người đã ra từ chỉ một đôi vợ chồng. Hôn nhân giữa anh em ruột và những người bà con gần chưa bị cấm cho tới khi có luật pháp Môise, đã được thiết lập sau hàng ngàn năm (Lê vi ký 18.6-18). Không có một sự bất toàn nào về di truyền vào lúc khởi đầu dòng giống con người. Đức Chúa Trời đã dựng nên A-đam trọn vẹn về di truyền (1.27). Những khiếm khuyết về di truyền đã kết quả từ sự sa ngã và chỉ xảy ra dần dần, trải qua nhiều thời kỳ lâu dài.
Ở 4.18-19, chúng ta đọc về một người có tên là “Lê-méc” là người đầu tiên có hai vợ. Có hai vợ rất phổ thông trong vùng cận Đông xưa, nhưng đây chẳng bao giờ là ước muốn của Đức Chúa Trời (đối chiếu 2.24; Mathiơ 19.4-5). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã cho phép điều đó, như Ngài đã cho phép nhiều thói tục mà Ngài không tán thành (thí dụ, ly dị, lấy nàng hầu, đa thê, v.v…) [ Hamilton lưu ý: “Để cho chắc chắn, không một lời quở trách nào đến từ Đức Chúa Trời nhắm vào Lê-méc khi ông vi phạm sự sắp đặt hôn nhân. Điều nầy đã được ghi lại. Song đấy là trường hợp với hầu hết những minh hoạ trong Cựu Ước về tục đa thê. Ápraham không bị xét đoán trong việc ăn ở với Sa-ra và A-ga, Gia-cốp cũng không bị xét đoán vì lấy hai chị em Lê-a và Ra-chên. Thực vậy, một gia đình đa thê [sic] trong Cựu Ước đều gánh chịu những kinh nghiệm không dễ chịu và chẳng vui vẻ gì vì mối quan hệ như thế nầy. Những trăn trở trong gia đình sau đó là hủy diệt”. Hamilton, Sách Sáng thế ký Các chương 1-17, 238. Đối chiếu Phục truyền luật lệ ký 21.15-17]; nhưng Ngài không đẹp lòng với sự vi phạm giao ước hôn nhân.
Trong 4.20-24, chúng ta thấy rằng Ca-in đã rất thịnh vượng dầu ông loạn nghịch chống lại Đức Chúa Trời. Sự thịnh vượng của Ca-in dẫn tới chỗ tạo ra nhiều thành phố, âm nhạc, vũ khí, và công cụ nông nghiệp — nói ngắn gọn, văn minh [Allen P. Ross, Creation & Blessing (Grand Rapids. Baker, 2002 [1988]), 164]. Giữa vòng hạng người bất kỉnh Đức Chúa Trời đã cho phép sự phát triển và tiến bộ. Đây là phần tử tế của Ngài đối với toàn bộ dòng giống con người. Đây là biểu hiện khác của ân điển Đức Chúa Trời. Dòng dõi của Ca-in nắm lấy quyền xây dựng các thành phố, phát triển âm nhạc, tiến bộ về nông nghiệp, chế tạo vũ khí, và mở mang nền văn minh.
Trong 4.23-24, Lê-méc nói với hai vợ mình: ‘“Hỡi A-đa và Si-la! hãy nghe tiếng ta; Nầy, vợ Lê-méc hãy lắng tai nghe lời ta: Ừ! Ta đã giết một người, vì làm thương ta, và một người trẻ, vì đánh sưng bầm ta. Nếu Ca-in được bảy lần báo thù, Lê-méc sẽ được bảy mươi bảy lần báo oán’” [Dòng dõi thứ bảy tính từ A-đam xuống Ca-in và Sết, Lê-méc bất kỉnh (4.19-24) và Hê-nóc tin kính (5.24), đứng đối diện với nhau. Người đi trước gây ra sự chết, còn kẻ tới sau không chết]. Lê-méc, là chít của Ca-in, viết một bài thơ, nhưng đấy là một bài thơ tồi! Đó là một bài ca.
Ai cũng có thể nhìn thấy những dòng thơ nầy. Lê-méc đang hát một bài ca. Nhưng ông ta đang hát cái gì thế? Ông ta đang hát về tục đa thê, giết người, và báo thù. Đây là một “bài ca nói về chiến tranh” trong đó Lê-méc mặc lấy bạo lực như một huân chương danh dự. Đức Chúa Trời cho phép những người thợ chế tạo ra những nhạc cụ để vui sống, nhưng họ lạm dụng chính văn hoá của họ để khuyến khích bạo lực. Đây là cách những người nam người nữ sử dụng văn hoá của họ. Đức Chúa Trời cho phép cuộc sống gia đình, âm nhạc, và kỹ thuật, nhưng con người đang sử dụng những ơn phước của Ngài như thế nào? Con người đã sử dụng sai chúng! Âm nhạc thật là tuyệt vời. Tuy nhiên, âm nhạc có thể cũng được sử dụng vì những mục đích gian ác nữa [Eaton, Genesis 1-11, 115].
Có phải bạn đang nhìn biết ảnh hưởng của truyền thông trên bạn và con cái của bạn không? Hãy suy nghĩ về nhiều bài hát đang được nhiều người nghe hôm nay xem. Chúng đầy dẫy bạo lực, tình dục, và cái tôi. Vô tuyến truyền hình có cái chạm như thế nào? Có phải bạn biết rõ gia đình trung bình của người Mỹ xem truyền hình 6 tiếng rưỡi mỗi ngày không? Hãy tính đi, đứa trẻ trung bình bỏ ra 900 giờ đồng hồ mỗi năm ở trường học, nhưng 1.500 giờ đồng hồ để xem TV trong một năm [Stats courtesy of “Faith Highway” (http.//outreach.faithhighway.com.)].
[Khi mọi việc dường như không còn có hy vọng nữa, Chúa đang xoè bàn tay tể trị và hứa hẹn của Ngài ra].
Trong 4.25-26, Môi-se viết: “A-đam còn ăn ở với vợ mình; người sanh được một con trai đặt tên là Sết; vì vợ rằng: Đức Chúa Trời đã cho tôi một con trai khác thế cho A-bên mà đã bị Ca-in giết rồi. Sết cũng sanh được một con trai, đặt tên là Ê-nót. Từ đây, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va”. Rõ ràng, 4.25-26 không nên được hiểu là một hậu quả của 4.17-24. Bảng gia phổ của Ca-in không kéo dài đến 6 thế hệ trước khi A-đam làm cha một đứa con nữa. Các con trai của Ca-in đã thịnh vượng và đã sáng lập thế giới mới sau sự sa ngã. Tuy nhiên, họ không được kể vào gia phổ của “dòng dõi” Đấng Mêsi (đối chiếu 3.15). Tác giả qua trang khác với sự ra đời của “con trai khác thế cho A-bên” (4.25). Sự ra đời có tính chiến lược nầy cho thấy rằng “dòng dõi” sẽ tiếp tục qua phổ hệ của Sết. Tên của Sết, từ động từ Hy bá lai được dịch là “được công nhận” và có ý nghĩa “đặt để” bày tỏ ra đức tin của Ê-va rằng Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục cung ứng dòng dõi mặc dù có sự chết [Waltke, Genesis, 101].
Sau sự ra đời của Ê-nót (con trai của Sét), cần phải lưu ý là: “Từ đây, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va”. Mệnh đề “cầu khẩn danh Đức Giêhôva” thường đề cập tới sự công bố thay vì cầu nguyện trong sách Ngũ Kinh [Cách sử dụng từ ngữ nầy trong sách Ngũ Kinh ủng hộ ý niệm công bố hơn là cầu nguyện (đối chiếu Sáng thế ký 12.8; Xuất Êdíptô ký 34.6; Lê vi ký 1.1). Ý nghĩa của sem, “danh”, cũng đòi hỏi sự giải thích. Chữ “danh” cũng đề cập tới những đặc điểm hay thuộc tánh (xem Êsai 9.6). Ý ở đây là con người bắt đầu thực hiện sự công bố về bổn tánh của Đức Giêhôva (“Bắt đầu thực hiện sự công bố Chúa ra bằng tên”). Ross, Creation & Blessing, 169]. Ở đây có lẽ đề cập tới phần bắt đầu sự thờ phượng công khai Đức Giêhôva. Đây là phần khai mào sự thờ phượng thật (đối chiếu 12.8; 13.4; 16.13; 21.33; 26.25) [Trong một chương ghi lại rất nhiều tên tuổi như thế, thật là thích đáng dường bao khi đọc thấy lúc nầy người ta bắt đầu cầu khẩn danh Đức Giêhôva (Yahweh). Từ lâu lắm trước khi Đức Chúa Trời tự bày tỏ chính mình Ngài ra cách đầy đủ là Đức Giêhôva cho một dân được gọi là Israel (Xuất Êdíptô ký 3.6), hay thậm chí cho các tộc trưởng, có ít nhất một nhóm nhỏ một số người nắm rõ lai lịch của Đức Chúa Trời chơn thật. See Walter A. Elwell, ed., Evangelical Commentary on the Bible (Grand Rapids. Baker, 1989), Electronic Ed]. “Ê-nót” có nghĩa là “yếu đuối” và trong nỗi yếu đuối ấy, ông quay sang Đức Chúa Trời với lời thỉnh cầu và ngợi khen (Thi thiên 149.6) [Waltke, Genesis, 101]. Con người sẽ không cầu nguyện cho tới chừng nào họ công nhận nỗi yếu đuối và bất khả năng về mặt con người và biết nương cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời. Vì vậy con trưởng nam của Ca-in và những kẻ kế tiếp đã mở ra nền văn minh, trong khi con trưởng nam cùng những kẻ nối sau của Sết đi tiền phong trong sự thờ phượng [Matthews, Genesis 1.1-11.26, 291].
Nguyện bạn biết hạ mình xuống, công nhận tình trạng yếu đuối của mình, rồi quay sang Chúa để tìm được sức lực của Ngài. Như Phaolô viết trong Tân Ước: “…sự dồ dại của Đức Chúa Trời là khôn sáng hơn người ta, và sự yếu đuối của Đức Chúa Trời là mạnh hơn người ta” (I Côrinhtô 1.25).
Những tin xấu:
 Tội lỗi đang rình đợi chúng ta luôn (“núp nơi cửa”). Ảnh hưởng của thế gian, xác thịt, và Ma quỉ luôn luôn làm cho chúng ta phải sa ngã. Nếu sai lầm nầy không làm cho chúng ta vấp ngã, thì sai lầm khác sẽ làm điều đó. Mọi sự có cần là “một cơ hội” (sát nghĩa, “một chỗ” Êphêsô 4.27).
 Tội lỗi thèm khát chúng ta (“sự thèm khát của nó đang nhắm vào bạn đấy”). Hầu hết chúng ta đều đã kinh nghiệm sự thèm khát hay say mê một người khác phái, có phải không? Phải, tội lỗi có một sự thèm khát và say mê bất khiết đối với chúng ta. Ma quỉ muốn giết chúng ta, nhưng một khi hắn không thể, hắn sẽ làm mọi sự mà hắn có thể để hủy diệt và làm cho chúng ta ra không hiệu quả.

Những tin tức tốt lành:
 Chúng ta có thể quản trị tội lỗi (“nhưng ngươi phải quản trị nó”). Chúng ta có quyền thắng hơn tội lỗi. Khi sự cám dỗ gõ cửa, chúng ta có thể mời Chúa Jêsus ra mở cửa. Chúng ta đã được ban cho mọi sự chúng ta có cần để nói “không” với tội lỗi.
 Chúng ta phải tan vỡ và hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời (“phải có tâm thần dịu dàng”). Đây là điều cốt yếu. Nếu chúng ta muốn có cơ hội chống lại quyền lực của tội lỗi, chúng ta phải công nhận tình trạng yếu đuối của mình. Chúng ta phải thành thực tin rằng, nếu không có sự vùa giúp và mặc lấy quyền phép của Đức Thánh Linh, chúng ta đang ở trong sự thương xót của tội lỗi. Chúng ta phải hiểu rõ tình trạng yếu đuối của xác thịt chúng ta. Điều nầy sẽ đòi hỏi Chúa làm cho tan vỡ thái độ kiêu ngạo và tự tín của chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn dè chừng (“phải tỉnh thức”). Tội lỗi rất quỉ quái và không thể đoán trước được. Đôi khi, tội lỗi theo đuổi chúng ta khi chúng ta đang ở đỉnh cao của mình, khi chúng ta cảm thấy không thể đụng đến và bất khả năng phạm tội. Những thời điểm khác, tội lỗi đánh bẩn và sẽ tấn công khi chúng ta ngã lòng, sa sút, và thất bại. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách thức tội lỗi tác động, chúng ta sẽ sửa soạn và biết chắc chúng ta đang ở trong tình trạng tỉnh thức luôn.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét