Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Đã ký, đã ấn chứng và đã giải cứu (Eph 1.13-14)



Êphêsô – Những lẽ mầu nhiệm của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra
Đã ký, đã ấn chứng và đã giải cứu
Êphêsô 1.13-14
1. Cách đây mấy năm, khi Deb và tôi vẫn còn trong thời kỳ mới kết hôn, chúng tôi quyết định đã đến lúc thôi không trả tiền thuê mướn nữa mà mua lấy căn hộ riêng. Chúng tôi có người lo về bất động sản trong nhà thờ nơi chúng tôi hầu việc Chúa, ông nầy chỉ cho chúng tôi hết căn nhà nầy đến căn nhà khác. Sau cùng, chúng tôi tìm đúng căn nhà mà mình muốn tìm. Địa điểm thoáng rộng và giá cả phải chăng. Chúng tôi thấy tâm đắc lắm! Không bao lâu sau đó, chúng tôi đã trở thành chủ của ngôi nhà! Mọi sự diễn tiến tốt đẹp cho tới thời điểm ký hợp đồng. Kèm theo với tờ hợp đồng, chúng tôi phải ký một tờ ngân phiếu nữa. Tờ ngân phiếu ấy tiêu biểu cho số tiền có được, số tiền mà chúng tôi đã chịu khó làm việc để tiết kiệm sau khi chúng tôi tốt nghiệp. Khi ký tờ ngân phiếu ấy có nghĩa là chúng tôi rất nghiêm túc. Như vậy, khi mua ngôi nhà ấy, chúng tôi đã dời từ trạng thái phụ thuộc sang trạng thái chủ động. Sự ấy đã trở thành hiện thực.
2. Phần nhiều người trong quí vị đã có cùng kinh nghiệm “ký ngay chỗ chấm xuống hàng đó”. Ở một điểm nào đó, quả bóng phải chạm mặt sân. Cũng một thể ấy, hãy nghĩ tới Êphêsô 1. Trong chương nầy Đức Chúa Trời đã ban cho các tín đồ rất nhiều lời hứa. Ở câu 1, ông nói chúng ta là "thánh đồ". Trong câu 3, ông nói chúng ta đang có "đủ mọi thứ phước thiêng liêng". Trong câu 4, ông nói chúng ta được "chọn trong Đấng Christ, trước khi sáng thế". Ở câu 5, ông nói Ngài đã "định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi Ngài". Trong câu 7, ông nói chúng ta được "cứu chuộc" và được "tha tội". Ở câu 11 ông nói chúng ta đã nên kẻ dự phần "kế nghiệp". Cùng với mọi sự nầy, Kinh Thánh mô tả hàng trăm lời hứa và phước hạnh khác đến từ Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta biết chúng là sự thật cho được? Dường như mọi thứ đều có tính cách tưởng tượng hết đấy thôi. Làm sao chúng ta biết Đức Chúa Trời là nghiêm chỉnh chứ?
3. Sự thực là, chúng ta cần phải biết rõ. Nếu Đức Chúa Trời thực sự nói ra hết thảy các phước hạnh nầy, khi ấy có những sự phân tán đáng kinh ngạc. Chúng ta cần phải biết chắc. Chúng ta cần nhiều sự hiểu biết hơn. Chúng ta cần sự thực mà chính mình kinh nghiệm dựa theo thực tế, không những vấn đề nằm trong lý trí của chúng ta, mà còn là vấn đề ở trong tấm lòng của chúng ta nữa.
4. Chúng ta biết các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là thực vì Ngài đã ký ngay chỗ chấm xuống hàng kia kìa. Chúng ta biết các lời hứa của Ngài đều là thực vì Ngài đã ban cho chúng ta Thánh Linh của Ngài làm "của cầm về cơ nghiệp chúng ta". Trong hai câu nầy, chúng ta hãy xét qua sự hiện diện, sự ấn chứng, là của cầm và sự xem trước của Đức Thánh Linh.
I. Chúng ta đang có SỰ HIỆN DIỆN của Đức Thánh Linh (câu 13a).
A. Có nhiều sự hiểu sai về Đức Thánh Linh.
1. Trong Công Vụ các Sứ Đồ 19.1-2, chúng ta đọc câu chuyện nói tới lần thăm viếng thành Êphêsô của Phaolô. Ở đó ông tìm gặp một số môn đồ và hỏi họ: "Từ khi anh em tin, có lãnh được Đức Thánh Linh chăng!" Họ đáp: "Chúng ta cũng chưa nghe có Đức Thánh Linh nào".
2. Câu trả lời kỳ lạ của họ có thể là sự thực đối với những ai xưng mình là Cơ đốc nhân hôm nay: "Chúng ta cũng chưa nghe có Đức Thánh Linh nào".
3. Nhiều Cơ đốc nhân đang sinh sống giống như thể Đức Thánh Linh không tồn tại vậy. Một phần của lối lý luận nầy thực sự chính là sự thiếu hiểu biết. Nhiều người chưa được dạy dỗ hay chưa từng học biết về chức vụ của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Như một kết quả, họ hoàn toàn chẳng biết gì về sự hiện diện của Ngài.
4. Vẫn còn có nhiều người e sợ Đức Thánh Linh. Bản Kinh Thánh KJV mô tả Ngài là "the Holy Ghost". Từ ngữ đó làm cho tôi phải run sợ khi tôi còn là một thiếu niên. Tôi không muốn biết một linh [ghost] nào hết, có thánh khiết hay là không! Thực ra, nhiều Cơ đốc nhân e sợ Đức Thánh Linh vì họ hội hiệp với Ngài bằng những cách làm quá đáng đã được thấy có trong một số nhà thờ. Họ quá mê say hoặc nhảy qua mấy hàng ghế.
5. Hết thảy những điều nầy rất thảm thương. Đối với một người tin Chúa cứ ở lại trong sự thiếu hiểu biết hay sợ hãi Đức Thánh Linh có nghĩa là thiếu mất các ơn phước lớn lao của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh rất quan trọng trong đời sống của từng người tin nhận Chúa.
B. Có nhiều người muốn biết rõ về Đức Thánh Linh. Chúng ta không có thì giờ để thực hiện một cuộc nghiên cứu tỉ mỉ thân vị và chức vụ thiêng liêng của Ngài, song đây là phần mô tả vắn tắt.
1. Thứ nhứt, Đức Thánh Linh là một thân vị, chớ không phải là đại từ ở "ngôi thứ ba số ít". Ngài là Đức Chúa Trời, chớ không phải một hồn ma. Ngài là ngôi thứ ba trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Có Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh. Họ là một trong thân vị và trong bản chất. Họ đồng đẳng với nhau. Đức Thánh Linh cũng y như Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Một nhà truyền đạo xưa từng nói về chương trình cứu rỗi: "Đức Chúa Cha suy nghĩ, Đức Chúa Con đem đến và Đức Thánh Linh tô điểm chương trình ấy".
2. Thứ hai, Đức Thánh Linh có một chức vụ rất quan trọng. Kinh Thánh dạy rằng Ngài thuyết phục chúng ta về tội lỗi, kéo chúng ta đến với Chúa Jêsus, làm phép báptêm chúng ta đưa vào trong thân của Đấng Christ, ngự trong chúng ta, mặc lấy quyền phép cho chúng ta, ban cho chúng ta nhiều ân tứ thuộc linh đa dạng, đầy dẫy chúng ta và biến đổi chúng ta ra giống theo ảnh tượng của Đấng Christ. Ở đây, phân đoạn Kinh Thánh gốc cho chúng ta biết rằng Ngài ấn chứng cho chúng ta và làm của cầm cho cơ nghiệp của chúng ta.
C. Đức Thánh Linh đang hiện diện trong đời sống của từng người tin Chúa.
1. Trong câu 13, ở đây cho chúng ta biết: "trong Ngài [Chúa Jêsus] mà anh em sau khi đã nghe đạo chơn thật, là đạo tin lành về sự cứu rỗi anh em". Toàn bộ phương án cứu rỗi được tóm tắt lại trong câu nầy.
2. Trước khi quí vị được cứu, Đức Thánh Linh đã vận hành tác động thuyết phục quí vị về tội lỗi của mình và nhu cần của quí vị về Đấng Christ. Ngài kéo quí vị đến với Chúa Jêsus. Rôma 3.11 chép: "Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời". Không có công tác của Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ không có chút ao ước nào muốn được cứu cả. Tuy nhiên, Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 6.44: "Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta, và ta sẽ làm cho người đó sống lại nơi ngày sau rốt".
3. Qua công tác của Đức Thánh Linh, Đức Chúa Trời kéo mỗi một người chúng ta đến với đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta "đã nghe đạo chơn thật, là đạo Tin lành về sự cứu rỗi [của chúng ta]" rồi kế đó "đã tin" hay "tin theo".
4. Giây phút quí vị xin Đấng Christ ngự vào đời sống của quí vị, Đức Thánh Linh đã sang số rồi bắt đầu một vai trò mới. Ngài đã bước vào đời sống của quí vị. Chúng ta gọi điều nầy là "sự ngự vào lòng của Đức Thánh Linh". Ngài đã "ấn chứng" ở bên trong quí vị. Giờ đây Ngài là Đấng chăn dắt, là Giáo Sư, và là Đấng Yên Ủi của quí vị. I Côrinhtô 6.19 chép: "thân thể mình là đền thờ [nhà của Đức Chúa Trời] của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em".
II. Chúng ta đang có ẤN CHỨNG của Đức Thánh Linh (câu 13b).
A. Chúng ta có ấn chứng của Đức Thánh Linh.
1. Câu 13 cũng chép rằng ngay lúc chúng ta được cứu, chúng ta được "ấn chứng bằng Đức Thánh Linh, là Đấng Chúa đã hứa". Đức Thánh Linh đã đến sống ở trong chúng ta.
a. Rôma 8.9 chép: "Về phần anh em, nếu thật quả Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong mình, thì không sống theo xác thịt đâu, nhưng theo Thánh Linh; song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài".
b. I Côrinhtô 6.19 chép: "Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời…?"
c. Rôma 8.16 chép: "Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời".
2. Trong thời buổi xa xưa, một con dấu là một biểu tượng cho quyền uy. Đó là dấu ấn của một người có quyền cao chức trọng. Có khi con dấu nằm trên chiếc nhẫn để ký thay chữ ký. Để đóng ấn một bản văn, chất sáp phải được nấu chảy ra và con dấu được ấn vào trong sáp.
3. Trong Cựu Ước, khi Đaniên bị ném vào trong hang sư tử, Vua Đa-ri-út đã đặt dấu ấn của mình trên hòn đá chặng ngay cửa hang. Bất kỳ người nào phá vỡ con dấu ấy sẽ có vấn đề với Đa-ri-út.
4. Cũng trong Cựu Ước, Nữ Hoàng gian ác Giêsabên đã lấy ấn của chồng mình là Vua Aháp, rồi dùng nó để gửi đi các bức thư, kết quả là cái chết của Nabốt. Mặc dù nhà vua về mặt cá nhân đã không gửi các bức thư nầy, vì chúng đã được đóng ấn bằng con dấu của ông, chúng được coi là có quyền lực.
5. Khi mấy tên lính La mã đóng cửa ngôi mộ của Chúa Jêsus, họ đặt dấu ấn Rôma trên ngôi mộ hầu cho bất kỳ người nào muốn đột nhập vào và cướp lấy thi thể sẽ biết rõ là họ đang chống nghịch lại đế quốc.
6. Cũng một thể ấy, khi quí vị được cứu. Đức Chúa Trời đặt dấu ấn của Ngài trên quí vị và trong quí vị. Dấu ấn của Ngài chính là Đức Thánh Linh. Những dấu ấn của thế giới cổ đại chỉ là bên ngoài, tạm thời mà thôi. Còn dấu ấn của Đức Chúa Trời trên đời sống của từng tín đồ là nội tại và đời đời!
B. Năm hàm ý của việc được ấn chứng bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời.
1. Thứ nhứt, con dấu là dấu ấn bảo hộ.
Cần phải nói rằng Đại đế Alexander từng sai sứ thần đem dấu ấn của ông đến Ai cập. Người lãnh sứ mạng ấy không mang theo vũ khí hay đoàn tùy tùng về mặt quân sự. Sự bảo hộ duy nhứt của sứ thần nầy là con dấu của nhà vua chinh phạt vĩ đại kia. Khi ông ta gặp nhà vua Ai cập, nhà vua nầy đứng với vẽ huy hoàng của hoàng gia kèm theo quân đội Ai cập ở sau lưng ông ta. Vị sứ thần ra lịnh cho nhà vua: "Hãy đình chỉ mọi sự thù nghịch chống lại lợi ích của Đại đế Alexander". Với lòng mong mỏi muốn giải quyết tình hình, nhà vua đáp ông ta sẽ xem xét vấn đề nầy rồi thông báo cho Đại đế biết. Sứ thần của Alexander vẽ một vòng tròn quanh hai chân của Vua Ai cập rồi nói: "Đừng ra khỏi vòng tròn nầy khi chưa báo cho tôi biết phần đáp ứng của ngươi". Nhà vua vốn có cả quân đội ở sau lưng mình. Vị sứ thần chỉ có một mình và chẳng có trang bị vũ khí chi hết. Thế mà, người Ai cập không dám chạm tới người ông ta vì ông ta đang mang lấy dấu ấn của Đại đế Alexander. Chạm đến ông ta là đụng đến Đại đế Alexander. Chọc giận ông ta là chọc tiết Đại đế Alexander. Sau khi nhận rõ sự việc rồi, ông ta nói: "Hãy báo cho Đại đế Alexander biết, ông ấy có yêu cầu của mình rồi" (Anders. P.42).
2. Thứ hai, con dấu là dấu ấn của quyền làm chủ. Tôi có một con dấu đóng trên các quyển sách trong thư viện của tôi vì tôi không muốn ai hiểu lầm hay quên chúng thuộc về ai. Trong các trại chăn nuôi gia súc, bầy bò được đóng dấu bằng sắt nung để cho biết chủ nhân của chúng. Sự hiện diện bên trong của Đức Thánh Linh minh chứng chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời. Rôma 8.8 chép: "song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài".
3. Thứ ba, con dấu là dấu ấn của một lời hứa đã được ứng nghiệm. Trong câu 13, Ngài được gọi là "Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa". Chúa Jêsus đã hứa rằng Đức Thánh Linh sẽ đến (Giăng 14.16-17). Lời hứa nầy đã được ứng nghiệm. Chúng ta đang có Đức Thánh Linh hôm nay. Điều nầy minh chứng tính cách đáng tin của những lời hứa sẽ ứng nghiệm cả thảy!
4. Thứ tư, con dấu là dấu ấn của sự thanh toán trọn vẹn. Khi quí vị thanh toán thế chấp ngôi nhà hay chiếc xe hơi, quí vị nhận được một tờ giấy với con dấu ghi rằng quí vị không còn là sở hữu chủ nữa. Con dấu Đức Thánh Linh nhắc cho chúng ta nhớ rằng món nợ tội lỗi của chúng ta đã được trả đủ rồi, chúng ta không còn mắc nợ nữa!
5. Thứ năm, con dấu là dấu ấn của sự ký thác. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Đức Thánh Linh để chỉ rõ tương lai của chúng ta. Êphêsô 4.30 chép chúng ta được "ấn chứng đến ngày cứu chuộc". Điều nầy cung ứng một nhận thức về sự an ninh! Ngài không hề lìa khỏi!
III. Chúng ta có CỦA CẦM Đức Thánh Linh (câu 14a).
A. Đức Thánh Linh là “của cầm “ hay thế chấp về cơ nghiệp của chúng ta.
1. Câu 14 chép Ngài là "của cầm về cơ nghiệp của chúng ta". Từ ngữ "của cầm", "thế chấp" ra từ một chữ Hy lạp có ý nói tới một số tiền đặt cọc hay đặt trước. Cách đây mấy phút, tôi có nói tới việc đặt cọc cho ngôi nhà đầu tiên của chúng tôi.
Cách đây nhiều năm, tôi đã quyết định người mà tôi muốn khi tìm một người vợ. Tôi đã đề nghị với vợ tôi trong 5 năm trời trước khi tôi cưới nàng. Tôi là người muốn cái gì cũng phải chắc chắn! Tuy nhiên, khi đến lúc đề nghị cưới xin, tôi đã ra cửa hàng nữ trang và mua cho vợ tôi một chiếc nhẫn đính hôn. Tôi mua sắm với khả năng của mình. Tôi đã mua một chiếc nhẫn mà tôi biết rõ nàng sẽ thích. Khi tôi trao chiếc nhẫn ấy cho nàng, tôi đã nói rất thực lòng: "Anh trao cho em chiếc nhẫn kim cương có giá trị nầy để làm dấu cho tình yêu của anh dành cho em. Đây là một của cầm, một vật thế chấp thực sự trong cuộc đời mà anh muốn trao cho em như người vợ của anh trong phần đời còn lại của chúng ta. Nếu em nhận lấy nó, em đang nhận lãnh một món đặt cọc cho những gì anh sẽ làm cho em từ bây giờ trở đi, anh sẽ không trao nó cho em nếu anh không yêu em".
2. Cũng một thể ấy, khi tôi được cứu, Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh Ngài đến sống trong tấm lòng của tôi. Đức Thánh Linh là cách Đức Chúa Cha phán với tôi: "Ta ban Thánh Linh của Ta cho ngươi như một dấu ấn của mọi lời hứa của Ta. Ta sẽ không sai Ngài đến với ngươi nếu Ta không yêu ngươi".
3. Một chiếc nhẫn đính hôn làm biểu tượng cho lời hứa hôn nhân. Nó không làm biểu tượng cho hôn nhân. Chiếc nhẫn cưới mới làm biểu tượng cho hôn nhân đó. Nhẫn đính hôn là một lời hứa của chiếc nhẫn cưới hầu đến. Sự hiện diện và quyền phép của Đức Thánh Linh trong đời sống tôi chưa phải là mọi sự mà Đức Chúa Trời sẽ ban cho tôi. Sự kiều ngụ của Ngài ở trong tôi là một sự thế chấp rất xác thực cho phần “cơ nghiệp” sẽ thuộc về tôi một ngày kia.
4. Đức Thánh Linh chưa phải là "cơ nghiệp" của tôi. Tuy nhiên, vì tôi biết chắc về sự hiện diện của Ngài trong đời sống tôi, tôi dám chắc về "cơ nghiệp" hầu đến!
B. Đức Thánh Linh là "của cầm" hay thế chấp cho sự an ninh của chúng ta.
1. Tôi có hai bằng chứng minh xác với tôi rằng tôi đã được cứu. Thứ nhứt, tôi có Lời của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép: "ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu". Khi tôi được 14 tuổi, tôi đã kêu cầu danh của Chúa. Thứ hai, tôi có Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Tôi cảm nhận sự hiện diện của Ngài, tôi lắng nghe giọng nói của Ngài, tôi ý thức được sự dẫn dắt của Ngài, và tôi thoải mái trong sự yên ủi của Ngài. Kinh Thánh phán với lý trí của tôi, còn Đức Thánh Linh phán với tấm lòng của tôi.
2. Đức Thánh Linh không những là "của cầm về cơ nghiệp của chúng ta" mà Ngài còn là sự bảo đảm, sự chắc chắn cho sự tôi được cứu nữa. Tôi biết tôi đã được cứu vì Ngài đang sống trong tôi.
3. Mỉa mai thay, có nhiều tín đồ đang tin rằng họ sẽ mất đi ơn cứu rỗi đó. Họ tin họ đã được cứu, rồi bị hư mất, rồi được cứu, rồi bị hư mất, rồi được cứu nữa! Nếu đấy là sự thực, nó sẽ có nghĩa là Đức Thánh Linh sẽ nhập vào đời sống họ, rồi ra khỏi, vào rồi ra, vào rồi ra, vào rồi ra. Tôi chưa đọc một chỗ nào trong Kinh Thánh dạy dỗ một điều gì giống như thế cả.
4. Ngược lại. Chúng ta được "ấn chứng bằng Đức Thánh Linh". Ngài là "của cầm" hay món đặc cọc của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. Mọi sự ấy đều ở trong tình trạng thường trực. Ngài sẽ ở với chúng ta "cho đến kỳ chuộc lấy". Cho tới chừng chúng ta sống trong sự hiện diện vinh hiển đầy trọn của Đức Chúa Trời.
Có một câu chuyện kể về một người có tên là Fredrick Nolan, một tín đồ sống ở vùng Bắc Phi. Kẻ thù đã săn đuổi ông trong thời kỳ bắt bớ ghê gớm lắm. Chạy qua vùng lân cận, ông rất kiệt sức phải chạy vào cái hang đá nhỏ kia. Khi ngồi chờ chết, ông để ý thấy một con nhện đang chạy tới chạy lui dệt một mạng lưới. Trong nhiều phút đồng hồ, con côn trùng ấy đã dệt một mạng lưới bắc ngang qua miệng hang. Khi kẻ thù đến nơi, họ nhìn thấy màng nhện đó rồi cho rằng ông không thể bước vào trong hang ấy. Họ bỏ đi và Nolan được cứu. Về sau, ông viết lại kinh nghiệm của mình: "Nơi Đức Chúa Trời hiện diện, mạng lưới của một con nhện giống như một bức tường, nơi nào Đức Chúa Trời không có mặt, một bức tường giống như mạng lưới của một con nhện". Khi Đức Thánh Linh có một nơi ngự trong một người, dường như Ngài rất yên tĩnh, dịu dàng, nhưng Ngài là quyền phép của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Cha đã đặt Ngài trên con đường sống của chúng ta và chúng ta được an ninh (Anders p.44).
IV. Chúng ta có sự XEM TRƯỚC của Đức Thánh Linh (câu 14b).
A. Đức Thánh Linh cung ứng cho chúng ta một tiên vị về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
1. Câu 14 chép rằng Đức Thánh Linh là "của cầm" của chúng ta cho đến chừng nào? "… cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài".
2. Của thế chấp hay "của cầm" của chúng ta là món đặt cọc cho tài sản trọn vẹn "đã được mua lấy" rồi. Vì trong lúc bây giờ, cho dù chúng ta đang có Đức Thánh Linh, dù chúng ta đã được chọn rồi, được làm con nuôi, được chuộc và được tha tội, chúng ta vẫn còn đang sống trong xác thịt tội lỗi. Chúng ta vẫn đang phấn đấu với những ham muốn của xác thịt. Chúng ta vẫn còn nhượng bộ trước sự cám dỗ. Hãy nhận thức vấn đề nầy đi, nó sẽ không như vậy mãi mãi đâu! Đức Chúa Trời sẽ chuộc lấy từng phần nơi chúng ta.
3. Vì lẽ đó, những gì chúng ta đang có với Đức Thánh Linh ở đây và bây giờ là một sự xem trước, một tiên vị, một sự hưởng trước, một cái nhìn trước "ngợi khen sự vinh hiển Ngài".
Tôi thích đi xem xi nê. Tôi nhìn nhận, không có nhiều phim hay cho Cơ đốc nhân trong thời buổi nầy, nhưng tôi thích đi đến nhà hát. Tôi cứ đi như thế từ thuở nhỏ vào mỗi chương trình nhạc kịch trưa thứ Bảy. Một trong những việc tôi thích nhất khi đi xem phim là gói bắp rang. Tôi cũng thích ăn bắp rang ở nhà nữa, nhưng nó không thể sánh với mùi thơm ở hành lang nhà hát. Hầu như luôn luôn tôi phải trả giá cao để ngồi chỗ tốt, dễ nhìn lên sâu khấu! Tôi đã đạt tới chỗ tán thưởng loại bắp rang với bơ đó! Tuy nhiên, sau 2 cân bắp rang đầu tiên, tôi thấy ngán và chẳng còn thấy ngon lành gì nữa cả. Tôi không có ý nói thế để tầm thường hoá Đức Thánh Linh đâu, nhưng Ngài là tiên vị của sự vinh hiển mà chúng ta sẽ không hề biết chán ngán bao giờ.
4. Hãy suy nghĩ tới những kinh nghiệm mà quí vị đã có với Thánh Linh của Đức Chúa Trời, khuây khoả trong ơn cứu rỗi khi biết tội lỗi mình đã được tha, nhiều cảm xúc phủ lút quí vị khi quí vị cất tiếng hát tôn vinh Chúa trong sự thờ phượng, sự yên ủi khó tả mà Ngài đã ban cho quí vị qua một cuộc chạy, sự phấn khởi khi bước theo sự dẫn dắt của Ngài và đổi lại đang dẫn dắt ai đó đến với Đấng Christ. Hết thảy những kinh nghiệm nầy và nhiều kinh nghiệm khác nữa chỉ là một tiên vị cho sự vinh hiển hầu đến mà thôi!
5. Fanny Crosby đã nói ra tiên vị ấy trong bài thánh ca xưa nầy: "Chúa thuộc về tôi, tôi nguyền tin sắt son. Tôi từng vui nếm trước phước vĩnh sanh bùi ngon!"
6. Nếu quí vị không khao khát muốn được dời đi, muốn được đại dụng và dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh, quí vị sẽ không thích thiên đàng, vì Đức Thánh Linh xem trước sự vinh hiển thay cho chúng ta!
B. Vì Đức Thánh Linh xem trước sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải phục theo Ngài hôm nay.
1. Thi thiên 34.8 chép: "Khá nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt lành dường bao! Phước cho người nào nương náu mình nơi Ngài!" Một sự nếm trải chức vụ của Ngài khiến cho chúng ta càng ưa thích hơn.
2. Tôi muốn thách quí vị nên ý thức rõ ràng vai trò của Đức Thánh Linh trong đời sống của quí vị. Hãy lắng nghe giọng nói êm dịu nhỏ nhẹ khi quí vị thờ phượng, nghiên cứu Ngôi Lời, và cầu nguyện. Khi quí vị gặp gỡ tha nhân, hãy lắng nghe Ngài đang thúc giục phải làm chứng đạo.
3. Trong 5.18, Kinh Thánh truyền cho chúng ta "phải đầy dẫy Đức Thánh Linh". Câu nầy có nghĩa là phải phục theo hay chịu cai quản bởi Đức Thánh Linh. Câu nầy có ý nói phải chú tâm vào Ngài. Đức Chúa Trời đóng ấn chúng ta bằng Đức Thánh Linh, nhưng chúng ta cần phải đầy dẫy với Ngài. Không những thế, mà một phải tới lui với Ngài luôn luôn. Đấy là những gì Galati 5.16 nói tới khi chép như sau: "Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt". Câu 25 thêm: "Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy".
D.L. Moody, nhà truyền đạo lỗi lạc từng hỏi một đám đông: "Làm sao tôi lấy không khí ra khỏi cái ly?" Có người đáp: "Dùng bơm để lấy không khí ra". Moody đáp: "Nếu tôi hút không khí ra, thì sẽ có một khoảng chân không khiến cho cái ly bị vỡ đi". Sau vài đề nghị khác khó thực hiện, Moody mĩm cười và lấy một cái ly cùng một xô nước. Khi ông đổ nước vào cái ly xong, ông nói: "Đấy nhé. Hết thảy không khí đã bị dời đi. Đắc thắng trong Đức Thánh Linh không phải bằng cách rút tội lỗi ra nhiều như có thể được, mà phải bằng cách đầy dẫy với Đức Thánh Linh".
PHẦN KẾT LUẬN: Tôi có một cụm từ ứng dụng dành cho quí vị đây. HÃY ĐẦU PHỤC. Hãy đầu phục trước sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong đời sống của quí vị. Hãy lắng nghe giọng nói nhỏ nhẹ, êm dịu của Ngài. Hãy vâng theo những sự giục giã của Ngài. Hãy phó mình vào quyền cai quản của Ngài và Ngài sẽ đầy dẫy quí vị với sự hiện diện xác thực của Đức Chúa Trời hằng sống. Nếu quí vị chưa nhìn biết Đấng Christ, quí vị không có Thánh Linh Ngài trong đời sống của quí vị. Quí vị có thể nhận lãnh Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh ngay hôm nay, nhưng quí vị phải mời Ngài ngự vào đời sống của quí vị.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét