Êphêsô – Những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra
Gây dựng thân thể
Êphêsô 4.12-16
1. Giờ đây và một lần nữa, tôi thấy có sự giục giã lo tới việc gây dựng thân thể. Như quí vị thấy đấy, phải tốn một thời gian dài cho tới khi tôi có được sự thúc giục ấy! Ít nhất hết thảy chúng ta đều có một sự khát khao muốn được mạnh giỏi và có sức khoẻ tốt về phần xác. Thực vậy, Kinh thánh dạy rằng chúng ta là tín đồ, thân thể của chúng ta phải khoẻ mạnh bởi vì chúng là đền thờ của Đức Chúa Trời. I Cô-rinh-tô 6.19-20 chép: "Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời". Vấn đề là, trong sự mong muốn người khác nhìn thấy sự tốt đẹp nơi mình; chúng ta cảm thấy thích thú và dành nhiều thời gian cho thân thể chúng ta thay vì cho tâm linh của chúng ta. I Ti-mô-thê 4.8 chép: "Vì sự tập tành thân thể ích lợi chẳng bao lăm, còn như sự tin kính là ích cho mọi việc, vì có lời hứa về đời nầy và về đời sau nữa". Chúa phán với những người nữ có lòng tin trong I Phierơ 3.3-4: "Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòa loẹt; nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời". Nói cách khác, thân thể của quí vị rất quan trọng, hãy giữ cho nó luôn được khoẻ mạnh. Tuy nhiên, tâm linh của quí vị, là người bề trong của quí vị còn có giá trị nhiều hơn đối với Đức Chúa Trời.
2. Tôi muốn nói với quí vị hôm nay về việc gây dựng thân thể… nhưng không phải thân thể mà có lẽ quí vị đang nghĩ đến đâu. Tôi không nói về thân thể vật lý của quí vị hay của tôi; tôi đang nói về thân thể của Chúa Jêsus, là Hội thánh.
3. Mỗi tuần tôi đều nhận thư mời đến dự một hội nghị, sắp đặt một loạt phim video hay đọc một quyển sách về sự lớn lên của Hội thánh. Trên khắp xứ sở của chúng ta đang có những tổ chức nhắm vào việc giúp đỡ cho các Hội thánh lớn lên và trở nên hiệu quả hơn. Một số tổ chức rất là năng động. Một số tổ chức đang đeo đuổi việc chia sẻ ngân sách của họ. Tuy nhiên, tôi trình bày một nguyên tắc quan trọng về sự lớn lên của Hội thánh. Chúa Jêsus đã phán ở Mathiơ 16.18: "Ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó". Tôi rất thích câu nói ấy! Tôi không chịu trách nhiệm về việc gây dựng Hội thánh, Chúa Jêsus chịu trách nhiệm đó! Chúng ta không thể gây dựng một Hội thánh lớn bằng các phương tiện của con người. Chúa Jêsus sẽ gây dựng Hội thánh của Ngài. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta cùng dự phần với Ngài trong tiến trình ấy.
4. Quí vị nghĩ gì khi quí vị nghe tới từ ngữ "Hội thánh"? Hội thánh nầy còn hơn cả một nơi để ca hát những bài hát vào sáng Chúa nhựt và lắng nghe một sứ điệp vào sáng Chúa nhựt nữa. Đây là một cộng đồng những tín hữu đã được lại sanh, sống động trong sự phục theo Đức Thánh Linh, yêu mến việc chia sẻ mọi lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời khi Lời ấy thực hiện sự môn đồ hoá.
5. Khi một Hội thánh thôi không thực hiện chức năng môn đồ hoá nữa, nó thôi không còn là một Hội thánh nữa. Nếu một nhà in thôi không còn in ấn sách báo nữa, nếu một nhà báo thôi không ra báo nữa, nếu một nhà làm đồ chơi thôi không làm đồ chơi nữa… họ đã bước ra khỏi công việc làm ăn rồi. Nếu một Hội thánh thôi không thực thi chức năng môn đồ hoá, nó thôi không còn là một Hội thánh nữa, bất chấp toà nhà bao lớn, những buổi thờ phượng hay vị Mục sư có như thế nào đi nữa. Một Hội thánh phải sản sinh ra nhiều môn đồ!
6. Trong tiểu đoạn đi trước, chúng ta đã học biết Đức Chúa Trời ban ơn cho Hội thánh Ngài để gây dựng nó. Ngài ban ơn cho mỗi tín đồ với các ân tứ thuộc linh để sử dụng trong sự thờ phượng Ngài. Ngài ban ơn cho Hội thánh như một tổng thể với các cấp lãnh đạo đặc biệt. Hai loại lãnh đạo là "sứ đồ" và "các tiên tri" đã đảm nhiệm các vai trò đặc biệt trong khi dựng nền của Hội thánh. Hai loại lãnh đạo khác, "thầy giảng Tin lành" và "Mục sư/giáo sư" lo đảm nhiệm các vai trò đặc biệt trong công tác liên tục của Hội thánh.
7. Hôm nay, khi chúng ta sắp sửa học biết cách thức Đức Chúa Trời muốn gây dựng thân thể của Ngài, là Hội thánh của Ngài. Chúng ta sẽ xem xét CHƯƠNG TRÌNH, MỤC ĐÍCH và QUYỀN PHÉP của Ngài trong việc gây dựng thân thể của Ngài.
I. Chương trình của Đức Chúa Trời trong việc gây dựng Thân Thể (câu 12).
A. Chương trình của Đức Chúa Trời là trang bị cho các tín đồ.
Năm nay, tôi đến dự Học Viện Cảnh Sát Nhân Dân. Lớp của tôi đã học biết nhiều chi tiết quan trọng và một tổng đánh giá mới về cơ quan cảnh sát của thành phố chúng ta. Một điều rất thú vị, ấy là mọi trang thiết bị chuyên biệt hoá đều được các sĩ quan sử dụng. Khi tham dự một ca tuần tra với nhân viên cảnh sát, tôi học biết nhiều về thiết bị chuyên biệt trong các buổi thực tập đó. Công việc của sĩ quan cảnh sát rất là khó nhọc, công việc ấy càng khó nhọc hơn, nếu không có trang thiết bị đặc biệt sẽ là bất khả thi ngay. Không một sức mạnh nào một viên sĩ quan sẽ có được nếu không được trang bị. Cũng một thể ấy, Đức Chúa Trời không muốn sai phái dân sự Ngài vào trong thế gian mà chẳng được trang bị. Đấy là lý do tại sao Ngài ban cho Hội thánh "mục sư và giáo sư… để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch".
1. Mỗi tín đồ là một "thánh đồ" (sát nghĩa: "người được biệt riêng ra, người thánh") và mỗi tín đồ cần phải được trang bị để hầu việc Đức Chúa Trời. Những người được ơn trong công tác truyền giáo là những bác sĩ đở đẻ, giúp cho người ta sanh vào trong gia đình của Đức Chúa Trời. Những người được ơn trong sự dạy dỗ là các vú nuôi giúp cho những con trẻ thuộc linh lớn lên cách khoẻ mạnh.
2. Từ ngữ "trang bị" ra từ chữ Hy lạp có ý nói "làm cho vừa vặn, phục hồi lại tình trạng nguyên thủy hay làm cho trọn vẹn". Từ ngữ nầy được sử dụng để mô tả việc sắp lại một chiếc xương gãy. Cách sử dụng thông thường trong Tân Ước là làm cho trọn vẹn hay làm cho lành lặn.
a. Phao-lô đã nói trong II Cô-rinh-tô 13.11: "Rốt lại, hỡi anh em, … khá theo đến sự trọn lành".
b. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ đã cầu nguyện ở 13.21 rằng Đức Chúa Trời sẽ "khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài, và làm ra sự đẹp ý Ngài trong chúng ta …"
c. Phao-lô đã nài xin người thành Côrinhtô rằng họ sẽ "đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng (được làm cho trọn lành giống như một chiếc xương gãy) cùng nhau".
3. John MacArthur đề nghị bốn công cụ cơ bản mà Đức Chúa Trời sử dụng để trang bị cho chúng ta.
a. Thứ nhứt, Đức Chúa Trời sử dụng NGÔI LỜI. II Ti-mô-thê 3.16-17 chép: "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành". Đức Chúa Trời ban ơn cho Hội thánh với mục sư/giáo sư kiên nhẫn nuôi dân sự bằng Ngôi Lời hầu cho họ được trang bị đầy đủ.
b. Thứ hai, Đức Chúa Trời sử dụng SỰ CẦU NGUYỆN. Trong Công vụ các Sứ đồ 6.4, chúng ta học biết rằng các vị Sứ đồ "sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo”. Chúng ta đã được trang bị bằng sự cầu nguyện cho chính mình và cho các tín hữu khác. Trong Cô-lô-se 4.12, Phao-lô nói về Ê-pháp-ra là người "vì anh em chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện, để anh em trở nên toàn vẹn và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời". Quí vị có thể hiệp với Đức Chúa Trời trong quá trình "trang bị" bằng cách cầu thay cho các tín hữu khác!
c. Thứ ba, Đức Chúa Trời sử dụng những THỬ THÁCH. Hết thảy chúng ta đều đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn, đau đớn hết lúc nầy tới lúc khác. Chúng ta không thể xây qua ai khác trừ ra Chúa. Qua những thử thách nầy chúng ta học biết sự nên thánh và sự đầu phục đối với Đức Chúa Trời. Gia-cơ 1.2 - 4 nói cho chúng ta biết phải "coi" chúng như là điều "vui mừng" vì qua những thử thách chúng ta được làm cho "trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào".
d. Thứ tư, Đức Chúa Trời sử dụng SỰ CHỊU KHỔ. Đức Chúa Trời sử dụng đau khổ mà chúng ta gặp gỡ trong đời nầy để nắn đúc chúng ta sao cho thích hợp với sự sống đời đời hầu đến. Phierơ nói cho chúng ta biết trong I Phierơ 5.10 rằng "sau khi anh em tạm chịu khổ" Đức Chúa Trời sẽ "làm cho anh em trọn vẹn (đồng một từ ngữ như “trang bị”), vững vàng, và thêm sức cho". Tôi đi một dặm với hạnh phúc mà nàng rãi ra dọc đường; nhưng tôi chẳng học được khôn ngoan với mọi điều mà nàng đã nói. Tôi đi một dặm với đau khổ, nàng chẳng thốt ra một lời nào; mà kìa, có nhiều việc tôi tiếp thu được khi đau khổ cùng đi với tôi.
4. Vậy thì qua sự dạy của Ngôi Lời, chuyên lo về sự cầu nguyện, chịu đựng những thử thách và nếm trải đau khổ, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự trang bị mà chúng ta có cần. Ngài khiến chúng ta nên trọn vẹn cho sự phục vụ Ngài.
5. Đâu là nhu cần quan trọng nhất của Hội thánh nầy? Phải chăng là những chương trình và hội họp? Không. Phải chăng những buổi thờ phượng có tính cách giải trí đưa đến cho dân sự? Không. Phải chăng những toà nhà cao lớn hơn? Không. Nhu cần quan trọng nhất của Hội thánh nầy, ấy là mỗi tín đồ đều phải được trang bị. Chúng ta càng được trang bị, cả thân thể càng mạnh mẽ thêm, Hội thánh sẽ vững vàng.
B. Chương trình của Đức Chúa Trời dành cho tín đồ là phải làm việc.
Khi một sĩ quan cảnh sát tốt nghiệp từ Học Viện, anh ta nhận lấy huy hiệu, súng và nhiều thiết bị khác nữa. Anh ta được phân công làm cảnh sát tuần tra đã được trang bị tối đa. Khi ấy anh ta dự định làm gì? Ngồi ở một cửa hiệu bán bánh cam chăng? Đi vòng vòng trong đồn? Ngồi ở bãi đậu xe? Không! Anh ta phải có mặt trên các đường phố lo làm "chức dịch" của một sĩ quan cảnh sát. Cũng một thể ấy, khi Đức Chúa Trời trang bị cho các tín đồ, Ngài trang bị cho họ để "được trọn vẹn về công việc của chức dịch".
1. Có nhiều Cơ đốc nhân và có lẽ phần nhiều người trong quí vị đều có một sự hiểu chưa đúng lắm về "công việc của chức dịch". Nhiều người tin rằng "chức dịch" chỉ dành cho quí Mục sư…, những người mà Đức Chúa Trời kêu gọi riêng biệt. Nhiều người tin rằng Hội thánh trả lương cho Mục sư để thực hiện "công việc của chức dịch". Đấy là quan niệm mà con người lập ra, chớ không phải quan niệm theo Kinh thánh.
2. Công việc của Mục sư là hiệp với Đức Chúa Trời trong "việc trang bị cho…" ai? "Các thánh đồ!" Tại sao? Để làm "công việc của chức dịch". Nghe như thế có được chưa? Quí Mục sư trang bị cho quí vị. Quí vị sử dụng các ân tứ của mình để lo làm "công việc của chức dịch".
3. Chương trình của Đức Chúa Trời trong việc gây dựng thân thể của Ngài KHÔNG PHẢI dành cho quí Mục sư để lo làm "công việc" để quí vị có thể đến và tận hưởng một buổi sáng thờ phượng vào ngày Chúa nhựt đẹp trời! Chương trình của Đức Chúa Trời dành cho QUÍ VỊ là phải dự phần trong sự thờ phượng, tương giao và rao giảng Ngôi Lời mà QUÍ VỊ đã được trang bị để lo làm chức dịch CỦA QUÍ VỊ mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi QUÍ VỊ phải lo làm. Mỗi tín đồ là một vị Mục sư!
4. Vậy thì, đâu là "công việc của chức dịch" của quí vị? Ấy là sử dụng (các) ân tứ thuộc linh của mình để làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Có thể ân tứ ấy là giảng đạo, cầu nguyện, dâng hiến, phục vụ cho người nghèo, giúp đỡ cho người cao tuổi, v.v…Hãy làm công việc vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
5. Có người đã nói: "Đi nhóm là một sự thay thế nghèo nàn cho sự dự phần vào chức dịch". Đức Chúa Trời không cứu quí vị để đặt quí vị ngồi vào hàng ghế kia; Ngài cứu quí vị để lo hầu việc. Đừng lấy làm thoả mãn với hàng ghế đó! Quí vị sẽ không bao giờ thoả lòng hay phu phỉ khi chỉ ngồi ở đó.
John Maxwell kể lại câu chuyện về một người kia trong Hội thánh của ông, người nầy không thể hình dung chức dịch của mình là gì hết. Ông ta đã cầu nguyện và suy nghĩ về chức dịch ấy trong một thời gian dài. Sau cùng, ông ta suy nghĩ, nếu không phải là điều chi khác, ông ta sẽ chạy công việc vặt cho Mục sư chủ toạ. Ông ta đã tình nguyện mỗi tuần một buổi trưa để làm công việc ấy. Maxwell đã bật khóc khi người đó nói cho ông biết về chức dịch của ông ta.
6. Tôi không biết"công việc của chức dịch" nào đã được dành cho quí vị. Tôi chỉ được kêu gọi để lo trang bị cho quí vị. Tôi không biết quí vị có tìm kiếm Đức Chúa Trời hay chưa, Ngài sẽ dẫn quí vị vào một chức dịch đang chờ đợi dành cho quí vị. Quí vị sẽ không được trọn vẹn cho tới khi nào quí vị bắt tay vào chức dịch ấy.
C. Chương trình của Đức Chúa Trời dành cho các tín đồ là phải được gây dựng.
1. Khi dân sự của Đức Chúa Trời đã được trang bị thích ứng rồi và bắt tay vào "công việc của chức dịch", khi ấy họ sẽ lo gây dựng thân thể của Đấng Christ.
2. Như vậy “gây dựng” có nghĩa gì? Từ ngữ nầy sát nghĩa được dịch là "xây cao lên". Từ ngữ nầy phác họa ra việc xây cao lên một ngôi nhà hay một toà nhà.
3. Chắc chắn có một ý nghĩa trong đó Hội thánh được xây cao lên qua công tác chứng đạo. Khi có người được cứu, họ bước vào mối tương giao của Hội thánh địa phương. Đó là dựng lên theo cách bề ngoài. Ở đây Phaolô đang nói tới Hội thánh được gây dựng theo cách từ bên trong.
4. Ông nói với các trưởng lão thành Êphêsô trong Công vụ các Sứ đồ 20.32: "Bây giờ tôi giao phó anh em cho Đức Chúa Trời và cho đạo của ơn Ngài, là giao phó cho Đấng có thể gây dựng, và ban gia tài cho anh em chung với hết thảy những người được nên thánh". Ngôi Lời đang gây dựng chúng ta.
5. Nếu chúng ta nghĩ Hội thánh giống như một toà nhà, chúng ta biết rõ Chúa Jêsus là "đá đầu góc nhà" và "cái nền" là sự dạy của "các sứ đồ và các tiên tri" (2.20). Giờ đây, chúng ta sẽ xây dựng Hội thánh bằng cách "gây dựng" khích lệ lẫn nhau.
6. Khi nào là lần mới nhất quí vị khích lệ hay gây dựng một anh chị em trong Chúa? Khi nào là lần mới nhất quí vị làm ra một hành động vô kỷ trong sự phục vụ? Quí vị mới vòng tay cầu nguyện với hay cầu thay cho một tín hữu khác vào lúc nào?
II. Mục đích của Đức Chúa Trời trong việc gây dựng Thân Thể (các câu 13-15).
A. MỤC ĐÍCH #1. Hiệp một trong đức tin.
1. Lời cầu nguyện của Phaolô, ấy là "cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin". Hãy chú ý phần mạo từ xác định [theo bản Kinh Thánh Anh ngữ]. Không những đây là đức tin mà còn là "đạo đức tin" nữa. Đây là phần thần học của lẽ thật Cơ đốc chân chính. Như Giu-đe nói trong Giuđe 3: "vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi".
2. Hãy chỉ cho tôi thấy một Hội thánh đang trong chỗ không hiệp một và tôi sẽ chỉ cho quí vị thấy một Hội thánh đầy dẫy với sự dốt nát về giáo lý. Hãy chỉ cho tôi thấy một Hội thánh trong chỗ không hiệp một và tôi sẽ chỉ cho quí vị thấy một Hội thánh không dấn thân vào trong chức dịch và họ không lo gây dựng lẫn nhau.
3. Chúng ta bảo vệ sự hiệp một trong Hội thánh bằng cách nào? Chúng ta dạy Kinh thánh. Chúng ta khích lệ các tín đồ bắt tay vào phục sự. Chúng ta nhất trí với điều chi là quan trọng nhất.
4. Đôi khi chúng ta sẽ bất đồng với những tiểu tiết: thời điểm của sự cất lên, thời điểm của sự sáng tạo, v.v…Tuy nhiên, chúng ta phải có "sự hiệp một trong đức tin".
B. MỤC ĐÍCH #2. Sự hiểu biết Chúa Jêsus.
1. Mục đích của Đức Chúa Trời không những là chúng ta có "sự hiệp một trong đức tin" mà chúng ta còn phải có một "sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời" thật sâu sắc ở bên trong nữa.
2. Điều nầy không có ý nói tới ơn cứu rỗi, mà nói tới sự hiểu biết sâu sắc một tín đồ kiếm được qua nhiều năm tháng cầu nguyện, nghiên cứu Kinh thánh và vâng phục trong sự trung tín. Đây là sự hiểu biết mà Phaolô đã cầu xin trong 3.17-19.
3. Phaolô đã xem xét sự hiểu biết nầy trong mục tiêu tối hậu của ông. Ông nói trong Phi-líp 3.8: "Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ".
4. Sư hiểu biết cá nhân về Chúa Jêsus dựa theo và được củng cố bởi tri thức về giáo lý. Quí vị càng nắm bắt các sự dạy của Kinh thánh, mối tương giao của quí vị với Đức Chúa Trời càng sâu sắc hơn.
5. Quí vị có tấn tới trong "sự hiểu biết [cá nhân] Con Đức Chúa Trời" không? Quí vị có tấn tới trong mối tương giao được đào sâu với Ngài không? Hay, quí vị chỉ có đi nhà thờ?
C. MỤC ĐÍCH #3. Trưởng thành về mặt thuộc linh.
1. Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải "nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ". Nói như thế có nghĩa gì? Nói như thế có nghĩa là bỏ đi đức tin như con trẻ, ích kỷ rồi tiến tới luôn với đức tin trưởng thành, để được trọn vẹn.
2. Mục tiêu tối hậu của Đức Chúa Trời dành cho đời sống của quí vị ở trên đất được thấy có trong Rôma 8.29. Đức Chúa Trời đã lựa chọn, kêu gọi, định sẵn và giải cứu quí vị để quí vị "nên giống như hình ảnh của Con Ngài", để quí vị sẽ trở nên "bậc thành nhơn" để quí vị sẽ "được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ". Phaolô đã cầu nguyện cùng một việc ấy ở 3.19.
3. Chúng ta không thể giống Chúa Jêsus trọn vẹn được trong đời nầy vì xác thịt tội lỗi mà chúng ta đang sống trong đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể đạt tới một cấp độ trưởng thành làm đẹp lòng Chúa.
4. Phaolô nói trong Cô-lô-se 1.28 rằng mục tiêu của ông là: "bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn [trưởng thành] trong Đấng Christ ra trước mặt Đức Chúa Trời". Đó là mục tiêu của tôi trong vai trò Mục sư của quí vị, để bày tỏ quí vị ra với Chúa là một tín đồ trưởng thành. Có phải quí vị đang tấn tới trong sự thành nhân không?
D. MỤC ĐÍCH #4. Đạo thật.
1. Phaolô nhắc cho chúng ta nhớ rằng chúng ta "không như trẻ con nữa". Từ ngữ nói tới "trẻ con" ở đây có ý nói tới một đứa trẻ không thể tự nói được/BỊNH HOẠN – ra lịnh cho một đứa trẻ trong một nhà hàng.
2. Khi Phaolô sử dụng từ "trẻ con" ở đây, ông đang đề cập tới các tín đồ nào từ chối không chịu lớn lên. Người nào thấy thoả lòng khi ngồi trên các băng ghế. Cơ đốc nhân nào thấy vui thoả khi được cứu nhưng không khao khát được trưởng thành. Các tín đồ đó không muốn cầu nguyện. Họ nghĩ nghiên cứu Kinh thánh là nhạt nhẽo lắm. Họ có thể đến dự hoặc không đến dự buổi thờ phượng. Hiếm khi họ suy nghĩ về Chúa Jêsus suốt cả tuần lễ.
3. Hạng người thể ấy "bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc”. Họ dễ bị "người ta lừa đảo".
4. Trẻ con rất cả tin. Chúng sẽ vấp ngã trước bất kỳ sự gì. Cũng một thể ấy đối với con trẻ thuộc linh. Tuần nầy tôi có để ý một thanh niên trên TV đang đứng bán các cuộn băng nói về chuyến hành trình của anh ta lên thiên đàng! Những người như thế làm sao thành công được trong linh trình thuộc linh.
5. Mục đích của Đức Chúa Trời dành cho đời sống của quí vị không phải để quí vị làm mồi cho "mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc". Ngài không muốn ma quỉ gài bẫy quí vị. Đấy là lý do tại sao hết thảy chúng ta đều cần tới đạo thật.
Một vị Mục sư kể lại câu chuyện nói về một người kia muốn xin một số tiền từ nhà thờ. Ông xưng mình là giáo sĩ. "Ông thuộc về nhóm nào?" "Tôi là thuộc viên của Hội thánh mà mắt thường không sao thấy được". "Ai là Mục sư chủ toạ, ông gặp ở đâu?" "Chúng tôi dự phần chức thầy tế lễ cho các tín đồ mà chúng tôi gặp gỡ bất cứ đâu!" "Ông gọi mình là gì?" Vị giáo sĩ tự nhận kia đáp: "Hội thánh của chúng tôi là Hội thánh thật, Hội thánh của quí vị là Hội thánh giả dối". Vị Mục sư chủ toạ đáp liền: "Đây là một số ngân khoản không thấy được để giúp cho Hội thánh không thấy được của ông!"
E. MỤC ĐÍCH #5. Thái độ yêu thương chân thật.
1. Muốn tránh những sự "lừa đảo" và "mưu chước dỗ dành" chúng ta cần phải "lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật". Câu nầy được dịch "nói lẽ thật trong sự chân thật". Chúng ta phải có cả hai: "lẽ thật" và "tình yêu thương".
2. "Lẽ thật" mà không có "tình yêu thương" có thể là hợp lý, khó nghe, có tính xét đoán và không hề biết tha thứ. Nó khuyến khích kiểu cách tự xưng công bình giống như người Pharisi. Những tín đồ chưa trưởng thành có thể nói ra lẽ thật, nhưng chỉ có những tín đồ trưởng thành mới lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật.
3. "Yêu thương" mà không có "lẽ thật" dung chịu tội lỗi, là nhạt nhẽo và mất cân đối. Có người gọi điều nầy là "yêu thương uỷ mị". Yêu thương không dựa theo lẽ thật không thực sự là yêu thương mà chỉ là tình cảm giả hình mà thôi.
III. Quyền phép của Đức Chúa Trời trong việc gây dựng Thân Thể (câu 16).
Quyền phép trong Thân của Đức Chúa Trời không đến từ các tín đồ hay từ cấp lãnh đạo. Quyền phép ấy đến từ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi chúng ta trang bị cho bản thân mình, công việc của chức dịch và sự gây dựng. Khi chúng ta nhắm tới sự trưởng thành, quyền phép của Đức Chúa Trời đến ngự trong chúng ta, các câu 15b-16. Không có một giới hạn nào cho những gì Đức Chúa Trời sẽ làm với Hội thánh nầy khi chúng ta hiệp với Ngài trong tiến trình gây dựng Thân Thể.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét