Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Bay như chim ưng (Eph 1.1-6)



Êphêsô – Những lẽ mầu nhiệm của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra
Bay như chim ưng

Êphêsô 1.1-6
1. Một truyền thuyết của người Mỹ gốc da đỏ thuật lại về một người kia đã tìm thấy quả trứng của chim ưng rồi đem đặt nó vào tổ của con gà tây. Chim ưng con nở ra với ổ gà tây rồi cùng lớn lên với chúng. Suốt cuộc sống của nó, con chim ưng bị đổi tính, cứ nghĩ mình là một con gà tây, nó làm những gì bầy gà tây làm. Nó bới trong đất để tìm những hột giống và côn trùng để ăn. Nó cục tác và kêu lộp bộp như gà tây. Và nó bay một khoảng ngắn rồi xốc bộ lông cách mặt đất khoảng chừng vài feet cách mặt đất. Sau cùng, đấy là cách thức mà loài gà tây đang muốn bay. Thời gian trôi qua và con chim ưng con lớn lên rất mau. Một ngày kia, nó nhìn thấy một con chim oai vệ ở trên bầu trời cao không gợn một đám mây kia. Lơ lửng thật bình an trên những luồng gió vần vũ, nó xoè rộng đôi cánh mạnh mẽ vàng rực của mình ra. "Đúng là một com chim thật tuyệt vời!" con chim ưng bị đổi tính nầy nói với kẻ hàng xóm của mình. Kẻ hàng xóm nọ gật gù. "Con gì vậy?" "Đó là con chim ưng – vua của loài chim đó". "Nhưng đừng nghĩ ngợi gì thêm cả. Chú mầy không thể giống được như loài chim ấy đâu". Vì vậy con chim ưng bị đổi tính kia không hề nghĩ ngợi gì thêm nữa hết. Và nó chết với suy nghĩ mình chỉ là một con gà tây.
2. Có nhiều người đã tin họ là một hạng người gì đó khác hơn họ thực sự hiện là ai. Trong mấy trăm năm qua đã có 53 trường hợp đã được ghi chép lại về "những đứa trẻ hoang dã", những đứa trẻ bị thất lạc trong chỗ hoang dã rồi được nuôi nấng, trưỡng dưỡng, bảo hộ bởi các loài thú đồng. Vào năm 1987, người ta tìm gặp một đứa nhỏ đang sinh sống với một bầy khỉ ở Uganda. Khi được đưa tới một viện mồ côi, nó càu nhàu, kêu ré lên và nhảy trên hai bàn tay của mình, ăn cỏ và rất sợ hãi đối với con người. Một thiếu niên người ta đã gặp sinh sống với một bầy Antelope [linh dương] hơn mười năm trời. Một vài nổ lực để bắt lấy cậu ta đã rơi vào chỗ hư không. Các nhà khoa học gọi lối sống kỳ quái nầy là "quá trình sống với loài vật và tưởng mình là đồng loại của loài vật đó". Tôi gọi đây là một sự khủng hoảng về lai lịch.
3. Có nhiều Cơ đốc nhân cũng đang gặp phải sự khủng hoảng về lai lịch ấy. Họ đã rơi vào chỗ "bị sống với thế gian và suy tưởng nhiều về thế gian" đến nỗi họ không biết mình thực sự là ai trong Đấng Christ nữa. Họ xem chính mình là loài gà tây trong khi Đức Chúa Trời xem họ là loài chim ưng! Họ bị đặt vào chỗ phải suy tưởng, ăn nói và hành động giống như loài gà tây. Êphêsô là một quyển sách thật kỳ diệu vì sách ấy được viết ra để tỏ cho chúng ta thấy lai lịch thực của chúng ta, để đưa chúng ta ra khỏi bầy gà tây rồi giúp cho chúng ta cất cánh bay cao … như chim ưng. Êsai 40.31 chép. "Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi".
4. Quyển sách quan trọng Êphêsô đã được chia ra làm hai phần. Các chương 1-3 cho chúng ta biết chúng ta là ai. Các chương 4-6 dạy chúng ta phải sống như thế nào!?! Tôi hứa với quí vị, nếu quí vị hiệp với tôi trong phần nghiên cứu tỉ mỉ về thư tín nầy qua nhiều tuần lễ và nhiều tháng tới đây, bức thư ấy sẽ làm cho đời sống của quí vị phải thay đổi. Tôi muốn thách quí vị nên đọc quyển sách nầy mỗi tuần trong vài tuần lễ tới đây. Vào ngày thứ hai, hãy đọc chương 1. Qua thứ ba, hãy đọc chương 2, v.v.…Khi đến lúc chúng ta đọc xong quyển sách, quí vị sẽ thuộc lòng cả bức thư ấy. Những lẽ thật của thư tín nầy sẽ dầm thấm trong linh hồn quí vị và quí vị sẽ “được ấn chứng” bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Thực vậy, nếu quí vị đọc quyển sách nầy cùng với tôi mỗi tuần và tới cuối cùng nếu quí vị chưa cảm thấy quí vị đã được phước, tôi sẽ đến tận nhà của quí vị và trao cho quí vị nửa gallon kem Blue Bell mà quí vị ưa thích. Dĩ nhiên, ở mặt kia….
5. Trong tiểu đoạn mở đầu nầy, chúng ta mau chóng tiếp thu bốn lẽ thật quan trọng về từng người tin Chúa.
I. Chúng ta là hạng thánh đồ (các câu 1-2).
A. Sự khác biệt giữa Sứ đồ và Thánh đồ (các câu 1-2a).
1. Phaolô là một vị "sứ đồ". Cụm từ nầy có nghĩa là "một người được sai đi". Các vị sứ đồ đều là những con người đặc biệt được Đức Chúa Trời chọn để làm những phần việc thật đặc biệt. 2.20 chép: Hội thánh đã được "dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri". Một vị sứ đồ lo rao giảng Tin lành, làm ra những dấu kỳ phép lạ, gây dựng cho nhiều nhà lãnh đạo khác và viết ra lời Kinh Thánh.
2. Ông là một sứ đồ "theo ý muốn Đức Chúa Trời". Phaolô không trở thành sứ đồ vì cớ học vấn, nhân cách, tình trạng thuộc linh hay ông dễ nhìn đâu! Đức Chúa Trời đã chọn ông. Thực vậy, ông đã nói trong I Côrinhtô 15.9: "Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Đức Chúa Trời".
3. Phaolô viết cho "các thánh đồ" đặc biệt "các thánh đồ ở thành Êphêsô". "Thánh đồ" có nghĩa gì? Họ không phải là một vài người tin kính đâu! Họ không phải là những bức tượng đâu! Họ không nhất thiết là một đội bóng đến từ Louisiana! "Thánh đồ" là hạng người mà đời sống của họ đã được thay đổi bởi Đức Chúa Jêsus Christ. Người nào đã được sanh lại, người ấy là thánh đồ.
4. Từ ngữ ấy có nghĩa là "thánh" hoặc "biệt riêng ra". Khi quí vị được cứu, Đức Chúa Trời đã biệt riêng quí vị ra để hầu việc Ngài và công bố Đấng Christ là thánh vì cớ sự hy sinh của Chúa Jêsus vì ích cho quí vị. Thật là thú vị khi thấy một người đã từng được cứu, Kinh Thánh không còn gọi người ấy là tội nhân nữa, mà luôn luôn gọi người ấy là thánh đồ. Phaolô chỉ đề cập đến đời sống cũ của ông khi ông nói ông là đầu của hạng tội nhân.
5. Phaolô đang mô tả các "thánh đồ" là những kẻ "trung tín". Những tín đồ thật, "các thánh đồ" là hạng người có đặc điểm là "trung tín". Chúng ta không được cứu vì chúng ta là người có đức tính "trung tín", mà đúng hơn, chúng ta "trung tín" vì chúng ta đã thực sự được cứu!
B. Khác biệt giữa sự ở trong Đấng Christ và trong thế gian (câu 2b).
1. Chúng ta cần phải để ý một cụm từ rất đặc biệt ở phần cuối của câu 2: "từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ". Cụm từ nầy đã được sử dụng 15 lần trong sách nầy.
2. Là Cơ đốc nhân, chúng ta đang "ở trong Đấng Christ" chớ không phải ở trong thế gian. Chúng ta có một địa vị công dân thích ứng. Chúng ta có thể sống ở đây trong lúc bây giờ, nhưng chúng ta là công dân của thiên quốc.
C. Sự khác biệt giữa ân điển và bình an (câu 3).
1. Phaolô đưa ra lời chào "ân điển". Điều nầy nhắc cho chúng ta nhớ tới sự nhơn từ của Đức Chúa Trời dành cho kẻ bất xứng như chúng ta. Chúng ta chẳng xứng đáng chi hết, đặc biệt là đặc ân được ở "trong Đấng Christ". Đây là lời chào giữa vòng Cơ đốc nhân dân Ngoại.
2. Ông cũng đưa ra lời chào "bình an" nữa. Nếu "ân điển" là nguồn suối, thì "bình an" là dòng chảy. Chúng ta được "hoà thuận" lại với Đức Chúa Trời và được “sự bình an” từ Đức Chúa Trời. Từ nầy ra từ chữ Hy bá lai shalom. Phaolô chào thăm bạn hữu mình bằng lời chào theo cung cách dân Ngoại và dân Hêbơrơ chỉ ra địa vị của chúng ta trong Chúa Jêsus.
II. Chúng ta được phước (câu 3).
A. Đấng ban ơn phước cho chúng ta – Đức Chúa Trời.
1. "Ngợi khen" ra từ cùng một chữ mà từ đó chúng ta có chữ "eulogy" [ca ngợi]. Chữ nầy có nghĩa là một sứ điệp ngợi ca, tuyên bố sự nhơn đức của một người.
2. Thật là hay khi Phaolô bắt đầu một danh sách các ơn phước của chúng ta bằng cách nói: "Ngợi khen [sát nghĩa, "kỳ diệu thay là"] Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta". Đây là khổ mở đầu trong một bài thánh ca ngợi khen!
3. Chúa Jêsus phán trong Mathiơ 19.17: "Chỉ có một Đấng lành mà thôi”, nghĩa là Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời rất nhơn từ đối với chúng ta, chúng ta nên ngợi khen danh thánh của Ngài. Đây là lý do tại sao chúng ta hát lên những bài hát ngợi khen và các bài thánh ca… tại sao chúng ta cầu nguyện, để ngợi khen Ngài.
B. Tầm cỡ ơn phước của chúng ta – Từng phước hạnh thuộc linh.
1. Đức Chúa Trời luôn luôn làm thoả mãn mọi nhu cần của dân sự Ngài. Có thể chúng ta không giàu có, nhưng mọi nhu cần của chúng ta đã được làm cho thoả mãn. Thi thiên 37.25 chép: "Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ, hay là dòng dõi người đi ăn-mày". Có người nói: "Ngài cung ứng thiên đàng cho chúng ta, thì chắc chắn Ngài sẽ cung ứng cho chúng ta mọi sự cần thiết trên đường đi tới đó".
2. Trong câu nầy, Đức Chúa Trời hứa không những về các ơn phước vật chất, mà còn hứa "đủ mọi thứ phước thiêng liêng" nữa. Trong mấy câu kế đó, chúng ta sẽ xem xét chi tiết một số "các thứ phước thiêng liêng" ấy. Những ân tứ kỳ diệu nầy không phải là một cơ nghiệp đang trông đợi chúng ta đâu, mà là thuộc về chúng ta trong lúc bây giờ. Chúng ta một ngày kia sẽ không đổi từ gà tây sang chim ưng đâu. Mà đúng hơn, Đức Chúa Trời đã khiến cho chúng ta ra chim ưng ngay lúc bây giờ!
3. Chúng ta thường cầu xin Đức Chúa Trời những điều mà Ngài đã ban cho chúng ta rồi. Chúng ta thường cầu xin Đức Chúa Trời ban cho tình yêu thương, còn Rôma 5.5 chép: "vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta". Chúng ta cầu xin sự bình an, còn Chúa Jêsus đã phán ở Giăng 14.27: "Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi". Chúng ta cầu xin vui mừng và hạnh phúc, còn Chúa Jêsus phán trong Giăng 15.11: "Ta nói cùng các ngươi những điều đó, hầu cho sự vui mừng của ta trong các ngươi, và sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn".
4. II Phierơ 1.3 chép: "Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính". Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi sự chúng ta cần để sống như loài chim ưng. Chúng ta cần phải thôi đừng kêu gộp gộp như loài gà tây nữa và Ngài sẽ tái ấn chứng với thực tại chúng ta là ai ở trong Đấng Christ.
C. Địa điểm các ơn phước của chúng ta – ở các nơi trên trời.
1. Phaolô nói chúng ta hết thảy đều được phước "ở các nơi trên trời". Chỉ ở tại "các nơi trên trời" mà thôi. Tôi không thể tìm gặp chúng ở một chỗ nào khác trên tấm bản đồ địa lý!
2. Có một cách để hiểu rõ câu nầy là hãy hỏi: "Đức Chúa Trời ở đâu?" vì bất cứ nơi nào Đức Chúa Trời hiện diện thì ở đó là thiên đàng. Vì lẽ đó bất cứ đâu chúng ta đi tới, bất cứ việc gì chúng ta làm, chúng ta đang ở một nơi ở trên trời vì Đức Chúa Trời luôn luôn ở cùng chúng ta.
3. Tuy nhiên, có thêm một việc nữa ở đây. Vì chúng ta đang "ở trong Đấng Christ" chúng ta không thuộc về thế gian nầy. Chúng ta thuộc về một nơi khác, ở trên trời nơi Đấng Christ đang ngự. Chúng ta là những con người thiêng liêng đang sống trên mặt đất.
4. 2.6 chép rằng Đức Chúa Trời đã "làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Chúng ta rất thích ứng để sống trong thiên đàng rồi. Đấng Christ đã cho phép chúng ta sinh sống tại nơi ấy. Chúng ta không còn sống như người khách lạ trong một đất xa lạ nữa. Trong lý trí của Đức Chúa Trời mọi sự đã được trọn rồi.
III. Chúng ta đã được chọn (câu 4).
A. Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta trong Đấng Christ.
1. Phaolô nói rằng Đức Chúa Trời “đã chọn chúng ta”. Câu nầy và nhiều câu khác đã làm nổ ra cuộc tranh cãi về mặt thần học trải qua nhiều thế kỷ. Người ta không chấp nhận sự thực Đức Chúa Trời “đã chọn chúng ta” vì muốn được cứu, chúng ta phải chọn lấy Ngài. Chúng ta hãy xem qua một số lẽ thật.
2. Kinh Thánh dạy rõ ràng rằng con người phải chọn Đức Chúa Trời để được cứu. Chúa Jêsus cùng nhiều người khác đã ra lịnh cho dân sự ăn năn và tin cậy nơi Đức Giêhôva. Roma 10.13 chép: "Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu". Mác 16.15 truyền bảo chúng ta "giảng tin lành cho mọi người". Truyền giáo, mọi sự đều nhằm giúp cho người ta biết chọn lấy Đấng Christ.
3. Đồng thời, Kinh Thánh dạy rõ ràng rằng Đức Chúa Trời trước hết đã chọn lấy chúng ta. Chúa Jêsus phán trong Giăng 6.44: "Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta". Quí vị có bao giờ nhìn thấy những cục nam châm điện thật lớn trong mấy cái sân được tận dụng để chứa đồ phế thải chưa? Họ sử dụng chúng để nhặt lấy và sắp xếp các thứ kim loại. Đức Chúa Trời đang chọn lựa dân sự, tuyển nhận dân sự, đang kéo người ta đến theo cùng một kiểu cách ấy. Thực ra, chúng ta đang nhìn thấy sự chọn lựa đó xuyên suốt cả Kinh Thánh.
a. Đức Chúa Trời đã chọn dân Israel trên cả các giống dân khác. Êsai 45.4 chép: “Vì cớ Gia-cốp, tôi tớ ta, và Y-sơ-ra-ên, kẻ lựa chọn của ta, nên ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi, dầu ngươi không biết ta". Phục truyền luật lệ ký 7.7-8 chép: "Đức Giê-hô-va tríu mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy vì Đức Giê-hô-va thương yêu các ngươi".
b. Thiên sứ của Đức Chúa Trời đã được chọn. I Timôthê 5.21 gọi họ là "các thiên sứ được chọn". I Phierơ 2.6 chép rằng Chúa Jêsus đã được "chọn lựa". Giăng 15.16 chỉ ra rằng các sứ đồ đã không chọn Chúa Jêsus, mà Ngài đã chọn họ.
c. Dân sự của Đức Chúa Trời ngày nay, thân thể của Đấng Christ đã được chọn, họ được Đức Chúa Trời chọn lựa. II Timôthê 1.9 chép Ngài đã "đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn là theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng".
d. Công Vụ các Sứ Đồ 13.48 chép: "phàm những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo".
e. Phaolô viết trong II Timôthê 2.10: "Vậy nên, ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus Christ, với sự vinh hiển đời đời".
f. Phaolô dâng lời cảm tạ vì sự lựa chọn trong II Têsalônica 2.13: "Hỡi anh em yêu dấu của Chúa, còn như chúng tôi, phải vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi, vì vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em".
4. Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời đã lựa chọn trong sự khôn ngoan thông sáng những kẻ nào sẽ được cứu và Kinh Thánh dạy rằng con người phải chọn Đức Chúa Trời để được cứu rỗi. Đây là lẽ mầu nhiệm quan trọng mà chúng ta phải tiếp nhận bởi đức tin.
B. Đức Chúa Trời lựa chọn chúng ta từ cõi quá khứ đời đời.
1. Hãy chú ý rằng "Ngài đã chọn chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng". Nói như thế có nghĩa là trước cả Sáng thế ký 1.1, trước khi có muôn vật chỉ có Đức Chúa Trời, Ngài biết rõ quí vị và tôi theo cách riêng. Ngài nhìn thấy cả thời điểm mà chúng ta sẽ chào đời nữa kia. Ngài biết rõ chúng ta sẽ lại sanh vào trong vương quốc của Ngài. Ngài biết rõ chúng ta sẽ đồng trị với Ngài cho đến đời đời vô cùng!
2. Quí vị sẽ thắc mắc: "Thưa Mục sư, sẽ ra sao nếu tôi không được chọn?" Cho phép tôi hỏi lại quí vị nhé: "Quí vị có muốn mình được cứu không? Quí vị có muốn một đời sống làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không? Nếu muốn, đừng lo lắng mà chi. Quí vị đã được chọn. Nói khác đi, quí vị sẽ không có những ao ước như thế nầy”.
3. 1 Giăng 4.19 chép: "Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước".
C. Đức Chúa Trời chọn chúng ta để làm cho nên thánh.
1. Tại sao Đức Chúa Trời chọn chúng ta? Đâu là mục đích? "… đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời". Rõ ràng câu nầy không có ý nói tới cách sống đạo của chúng ta, mà nói tới địa vị của chúng ta.
2. Có người xem lẽ đạo nói tới sự lựa chọn như một miễn trừ không làm theo những gì chúng ta muốn làm. Sự thực cho thấy Đức Chúa Trời không chọn chúng ta để giữ mãi chúng ta trong tội lỗi. Ngài chọn chúng ta để theo đuổi một cung cách sống thánh khiết, không chỗ trách được. Mặc dù chúng ta không luôn luôn đạt tới cung cách sống ấy, một Cơ đốc nhân thật mong muốn một đời sống nên thánh và không chỗ trách được. Kent Hughes đã viết:
“Nếu đời sống quí vị được đánh dấu bằng một thứ tội lỗi nào đó nhìn biết được, trông quí vị chẳng giống với một Cơ đốc nhân chút nào. Nếu có ấp ủ tư tưởng nào như thù hận, nếu quí vị quyết không tha thứ, quí vị không thể là một tín đồ thật được đâu. Nếu quí vị là một kẻ chuộng theo vật chất đời nầy, là kẻ thấy rằng những vui thú quan trọng nhất của mình là bê tha – khoác lấy trên thân thể quí vị với loại y phục đắt tiền, tư tưởng của quí vị xu hướng về nhà cửa, xe cộ, ăn mặc và tiện nghi – quí vị chưa phải là một Cơ đốc nhân đâu. Nếu quí vị là một con người thích trác táng, là kẻ ưa thích chuyện khiêu dâm, nếu lý trí quí vị là nhà thổ 24 giờ – và quí vị tưởng là không sao – chắc chắn quí vị chưa phải là một Cơ đốc nhân, cho dù có nhiều lần quí vị đã "chạy giỏi" và môi miệng đầy những lời lẽ truyền đạo. Sự lựa chọn kết quả trong sự nên thánh, còn quá trình ấy bắt đầu từ lúc bây giờ (Hughes, pp.25-26).
IV. Chúng ta được trở nên con nuôi Ngài (các câu 4d-5).
A. Chúng ta được trở nên con nuôi vì cớ tình yêu thương của Ngài (câu 4d).
1. Không những Ngài đã chọn chúng ta, Ngài còn "định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi Ngài". Xuyên suốt cả Cựu Ước, trải qua 39 sách của nó, Đức Chúa Trời chỉ được gọi là "Cha" có 14 lần và mỗi lần từ nầy được sử dụng khi nhắc tới cả dân tộc, chớ không phải mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong các sách Tin lành, Chúa Jêsus gọi Ngài là “Cha" khoảng 60 lần, ngoại lệ duy nhứt, ấy là lời lẽ của Ngài từ thập tự giá trưng dẫn Thi thiên 22.
2. Khi Chúa Jêsus hiện đến, Ngài sử dụng một từ ngữ duy nhứt nói tới "Cha", một từ ngữ rất quen thuộc. Đây là một chữ Aram Abba. Chữ nầy có nghĩa là "Bố" hay "Ba".
3. Giờ đây hãy chú ý cụm từ sau cùng [theo bảng Kinh Thánh Anh ngữ] trong câu 4, "bởi sự thương yêu". Cụm từ nầy nằm ở phần đầu của câu 5 theo bảng Kinh Thánh Việt ngữ. Chính "bởi sự thương yêu" nên Ngài mới cho chúng ta trở nên con nuôi Ngài.
4. Chính bởi hành động yêu thương nên Đức Chúa Trời "trước khi sáng thế" đã nhìn xuống qua thời gian và đã "chọn chúng ta" làm dân sự đặc biệt của Ngài. Chính bởi tình yêu thương mà Ngài mới quyết định khiến chúng ta trở nên con nuôi Ngài, đưa vào trong gia đình đời đời của Ngài và mời chúng ta gọi Ngài là Abba, "Cha" (2.4-5).
B. Chúng ta được trở nên con nuôi Ngài qua chương trình đã định trước của Ngài (câu 5a).
1. Đức Chúa Trời "đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài". Không những Ngài chọn chúng ta từ cõi quá khứ đời đời, mà Ngài còn định trước vị trí của chúng ta trong gia đình của Ngài.
Một bà mẹ trẻ đã viết: Tôi còn nán lại với bố mẹ tôi trong mấy ngày sau khi tôi sinh đứa con đầu lòng. Trưa hôm đó, tôi trao đổi với mẹ tôi rằng thật là đáng ngạc nhiên nếu đứa con của tôi có tóc màu sậm khi cả bố và mẹ nó đều có tóc màu vàng hoe. Bà nói: "Ừ, bố của con có mái tóc màu đen đấy". "Nhưng, Mẹ ơi, không được đâu vì con là con nuôi mà". Với nụ cười hơi gượng gạo, bà thốt ra câu nói kỳ diệu nhất mà tôi đã từng được nghe: "Mẹ hay quên quá".
2. Bố mẹ nuôi thường đạt tới mức yêu thương con cái của mình như con trai hay con gái ruột ở một mức độ nào đó thôi. Họ có thể cung ứng cho một đứa con nuôi từng góc cạnh của đời sống gia đình, các nguồn tài lực, giúp đỡ và cơ nghiệp. Tuy nhiên, họ không thể cung ứng cho một đứa con nuôi bổn tánh đặc biệt của họ được.
3. Dầu vậy, khi Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta trở nên con nuôi Ngài theo ý định trước của Ngài, Ngài ban cho chúng ta không những các ơn phước thiêng liêng, Ngài còn ban cho chúng ta bổn tánh riêng của Ngài nữa.
C. Chúng ta được trở nên con nuôi Ngài theo ý tốt Ngài (câu 5b).
1. Đâu là mục tiêu của Đức Chúa Trời khi cho phép chúng ta trở nên con nuôi Ngài? Câu 5 nói, ấy là "theo ý tốt của Ngài". Đưa chúng ta vào trong gia đình của Ngài, điều nầy làm đẹp lòng Ngài.
Tôi có hai đứa con còn nhỏ, chúng chẳng có ý niệm gì về mọi sự mà tôi và mẹ chúng đang làm cho chúng. Chúng không hiểu được sự cực nhọc của những đêm không ngủ, các lần thay tả lót, làm vệ sinh sạch sẽ cho chúng, lái xe đưa chúng đi vòng vòng chơi hay bất kỳ chức năng nào khác nữa của sự làm cha mẹ. Tại sao chúng ta làm những việc nầy? Vì con cái chúng ta rất quí báu. Chúng mang lấy hình ảnh của chúng ta. Máu của chúng ta đang chảy trong các huyết mạch của chúng. Chúng ta yêu thương con cái mình và chúng đem lại sự vui vẻ cho chúng ta. Cũng một thể ấy, chúng ta không thể hiểu được hết mọi sự mà Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta đâu. Tuy nhiên, khi chúng ta nắm bắt được một số tình yêu thương và khoái lạc của Ngài nơi chúng ta, chúng ta sẽ biết ơn cho đến đời đời.
2. Đức Chúa Trời cho phép chúng ta làm con nuôi, Ngài đưa chúng ta vào trong gia đình của Ngài vì chúng ta dâng sự khoái lạc cho lòng Ngài. Có phải đời sống quí vị đang làm đẹp lòng Đức Chúa Trời không? Dấu hiệu của một Cơ đốc nhân trưởng thành là sự hiểu biết bổn tánh làm Cha của Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta.
D. Chúng ta được làm con nuôi để khen ngợi Ngài (câu 6). Sự chúng ta làm con nuôi để "khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài". Sự thực cho thấy rằng chúng ta chẳng đáng được gì cả, nhưng Đức Chúa Trời đã gia ơn cho chúng ta với "đủ mọi thứ phước thiêng liêng" đem lại sự khen ngợi cho danh của Ngài.
Hết thảy mọi sự nầy là thực, dù chúng ta biết hay không. Giống như địa cầu có hình tròn cho dù trông nó như bằng phẳng vậy, Đức Chúa Trời đã biến từng tín đồ thành chim ưng, dù người ấy đang sống giống như gà tây.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét