MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Một dân hàng đầu
Mathiơ 28.16-20
Khi bình luận phân đoạn Kinh Thánh nầy, John MacArthur đã viết: "Nếu một Cơ đốc nhân hiểu hết phần còn lại của sách Tin lành Mathiơ nhưng lại không hiểu phân đoạn kết thúc nầy, người ấy đã bỏ sót mục tiêu của toàn bộ quyển sách. Phân đoạn nầy là đỉnh cao và là mục tiêu chính không những của sách Tin lành nầy mà là của cả Tân ước nữa. Nói như thế chẳng phải là cường điệu lắm đâu, bằng một nhận định rộng rãi nhất, đây là tiêu điểm của cả Kinh Thánh, Cựu cũng như Tân ước".
Thường được xem là đề cập tới Sứ Mệnh Cao Cả, phân đoạn nầy là một phân đoạn được biết nhiều nhất trong cả Kinh Thánh. Tôi đã nghe phân đoạn nầy được giảng dạy suốt cả cuộc đời tôi. Những tín đồ Báp-tít đặc biệt vốn ưa thích trưng dẫn mấy câu nầy, nhất là trong phạm trù truyền giáo trên toàn cầu. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không phó thác công việc lớn lao của Ngài cho các giáo sĩ và mục sư. Ngài đã giao công việc ấy cho hết thảy các tín hữu được chọn lọc và cho mỗi cá nhân. Buồn thay, có nhiều Cơ đốc nhân không áp dụng sứ mệnh nầy theo cách riêng. Họ đi theo Đấng Christ chỉ xa xa khi Ngài làm thoả mãn mọi nhu cần thuộc thể của họ mà thôi. Họ phục vụ trong Hội Thánh bao lâu tuỳ theo các lợi ích của họ.
Chúng ta hãy làm một cuộc trưng cầu dân ý. Hãy viết ra đáp ứng của quí vị trước câu hỏi nầy. Mục tiêu của Hội Thánh là gì? Có nhiều câu trả lời khả thi, thờ phượng, dạy Kinh Thánh, thông công, phục vụ, v.v…Tuy nhiên, nếu Chúa chỉ muốn sự thờ lạy từ phía chúng ta, tại sao Ngài không đem chúng ta về trời, là nơi mà sự thờ lạy rất trọn vẹn? Cũng một thể ấy khi nói tới sự dạy Kinh Thánh, thông công và phục vụ. Lý do duy nhứt Đức Chúa Trời đã để chúng ta lại đây trên đất, ấy là chúng ta phải làm vinh hiển cho Ngài khi dự phần vào mục tiêu cứu chuộc hạng tội nhân hư mất về cho chính mình Ngài.
Chúa Jêsus đã phán trong Luca 19.10: "Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất". Trong Giăng 17.18, Ngài cầu nguyện: "Như Cha đã sai Con trong thế gian, thì Con cũng sai họ trong thế gian". Nói cách khác, ưu tiên một trong vai trò dân sự của Đức Chúa Trời nơi chúng ta phải là ưu tiên một mà Chúa Jêsus đã có trong suốt chức vụ của Ngài. Ngài phán trong Giăng 20.21: "Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy".
Thật là dễ dàng cho chúng ta bị sai lạc trong sự bận rộn của Hội Thánh đến nỗi chúng ta lạc mất mục tiêu cho những điều cần phải ưu tiên. Giống như Mathê trong căn bếp của nàng ấy, chúng ta có thể rơi vào chỗ bận rộn trong sự phục vụ Chúa đến nỗi chúng ta bị cuốn ra khỏi những gì cần phải ưu tiên trước hết. Trong phân đoạn kết thúc nầy, tôi muốn xem xét 5 chìa khoá cho việc duy trì công cuộc truyền giáo, vì là một dân hàng đầu.
I. Chúng ta phải trở thành một dân sẵn lòng (câu 16).
A. Các môn đồ đi đến nơi Chúa đã bảo họ.
Mathiơ nói rằng "mười một môn đồ" đi qua xứ "Ga-li-lê, lên hòn núi mà Đức Chúa Jêsus đã chỉ cho".
Trước và sau sự sống lại, Chúa Jêsus đã hoạch định một cuộc gặp gỡ với các môn đồ Ngài tại xứ Galilê. Ngài phán trong Mathiơ 26.32: "Song sau khi ta sống lại rồi, ta sẽ đi đến xứ Ga-li-lê trước các ngươi". Ngài đã phán với mấy người đàn bà tại ngôi mộ rằng Ngài sẽ "đi trước các ngươi qua xứ Galilê" (28.7). Thêm nữa, Ngài phán: "Đừng sợ chi cả; hãy đi bảo cho anh em ta đi qua xứ Ga-li-lê, ở đó sẽ thấy ta" (câu 10). Kinh Thánh không nói khi nào hay ở đâu theo cách đặc biệt họ phải nhóm lại, nhưng Chúa Jêsus đã "chỉ cho" hay đã ấn định một thời điểm đặc biệt trên "núi".
Chúng ta biết Chúa Jêsus đã hiện ra cùng các môn đồ Ngài mấy lần trải qua một thời gian 40 ngày. Công vụ Các Sứ Đồ 1.3 chép Ngài: "lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời". Giăng 20.26 cho chúng ta biết rằng lần hiện ra sau cùng của Ngài tại thành Jerusalem là tám ngày sau sự sống lại. Chuyến đi đến Galilê ít nhất phải diễn ra cả tuần lễ. Ở đó Ngài gặp gỡ mười một môn đồ lúc họ đánh cá bên bờ hồ (Giăng 21). Lần hiện ra đặc biệt nầy trên núi đã diễn ra trong phần sau rốt của 40 ngày.
Mathiơ chỉ nhắc tới "mười một" người đang hiện diện, nhưng ông không nói họ ở riêng một mình đâu. Chúa Jêsus bảo cho mấy người đàn bà biết Ngài sẽ "đi trước các ngươi" dường như gồm có cả họ nữa. Về mặt lịch sử, hầu hết các học giả Kinh Thánh đều dạy rằng nơi gặp gỡ trên đỉnh núi nầy chính là thời điểm mà Phaolô nhắc tới trong I Côrinhtô 15.6, ở đó "cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy".
Khi các môn đồ đến tại xứ Galilê rồi, dường như rõ ràng là họ chẳng có ý niệm gì về điều chi sẽ xảy ra. Họ không biết mình cần phải trông mong điều gì. Họ chỉ bằng lòng nhận lấy Chúa Jêsus theo Lời của Ngài và vâng phục tuân giữ sự kết ước của họ với Ngài. Tôi nghĩ họ đã đến với nhận thức sẵn lòng và bằng lòng giống như nhận thức mà Êsai đã nói: "Có tôi đây! Xin hãy sai tôi" (Êsai 6.8).
B. Tài sản lớn lao nhất chúng ta có đối với Đấng Christ là sự bằng lòng.
Bằng lòng là chìa khoá cho tính hiệu quả. Bất luận một người có năng khiếu hay tài năng như thế nào đi nữa thì chẳng thành vấn đề nếu người ấy không bằng lòng. Tôi biết có nhiều Cơ đốc nhân được ơn và có tài, họ đã vô dụng đối với Đức Chúa Trời chỉ vì họ không tự làm cho mình ra hữu dụng cho Ngài.
Các môn đồ vốn chẳng biết Chúa Jêsus mong muốn gì nơi họ, nhưng họ rất sẵn lòng để được sử dụng, để gặp gỡ Ngài theo ý muốn của Ngài.
Quí vị có để ý thấy rằng Đức Chúa Trời, mặc dù Ngài biết rõ tương lai một cách trọn vẹn, Ngài ít tỏ ra tương lai ấy cho chúng ta biết trước thời điểm, có phải không? Ngày cả lời tiên tri trong Kinh Thánh thường nặng nề với nhiều hình bóng, kiểu cách kín nhiệm. Đức Chúa Cha biết rõ chúng ta cần phải kinh nghiệm tương lai trước một ngày là điều tốt nhứt.
Khi tôi bắt đầu bước đi với Đấng Christ ở tuổi 14, tôi chẳng có ý niệm gì mình sẽ trở thành Mục sư như ngày nay. Khi Deb và tôi lấy nhau, chúng tôi chẳng có ý niệm gì về việc chúng tôi sẽ hầu việc Chúa và dấy lên gia đình của chúng tôi tại Amarillo. Ngay bây giờ, tôi chẳng có ý niệm về Đức Chúa Trời sẽ làm gì trong phần còn lại của đời sống và chức vụ của tôi.
Đức Chúa Trời chưa để lộ ra toàn bộ chương trình cho chúng ta biết. Ngài chỉ kêu gọi chúng ta phải bằng lòng, phải sẳn sàng, phải linh động và dễ nắn đúc. Đấy là thái độ của các môn đồ và trong vòng một vài năm họ "đã gây cho thiên hạ nên loạn lạc" (Công vụ Các Sứ Đồ 17.6).
Ân tứ quan trọng nhất chúng ta có thể dâng cho Đức Chúa Trời là sự bằng lòng của chúng ta. Chẳng có một giới hạn nào cho mọi điều Đức Chúa Trời sẽ làm qua một Hội Thánh biết sẵn lòng.
II. Chúng ta phải trở thành một dân có tấm lòng biết tôn thờ (câu 17).
A. Các môn đồ phủ phục xuống trước Đấng Christ trong sự thờ phượng.
Hãy hình dung ra bối cảnh nầy. Đạo đã được rao giảng ra, hết thảy những ai đi theo Chúa Jêsus, không những 11 môn đồ còn lại, mà nhiều, thêm nhiều môn đồ của Ngài đã đi lên xứ Galilê chiếu theo lời hứa cho biết Chúa Jêsus sẽ hiện ra với hết thảy họ. Tôi tưởng tượng Ba-ti-mê đang đi cùng với La-xa-rơ, Mathê và Mary. Có thể người đờn bà bị bịnh mất huyết, cùng với bà goá phụ ở Nain cũng đến hiệp với họ. Có lẽ Giairu đã có mặt ở đó với con gái của ông ta. Xa-chê chắc chắn đã đến nơi rồi. Cho nên có nhiều, nhiều khoảng 500 người, đã có mặt ở đó chờ đợi Chúa Jêsus xuất hiện.
"Khi môn đồ thấy Ngài" thì họ "thờ lạy Ngài". Họ đã úp mặt xuống đất trước mặt Ngài với sự tôn kính thật trọn vẹn. Hãy tưởng tượng cả đám đông đang quì gối ở trước mặt Ngài. Chúng ta không biết họ đã nói gì nhưng tình cảm của họ rất giống với tình cảm của Thôma khi sau cùng ông trông thấy Chúa phục sinh. Ông nói: "Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!" (Giăng 20.28).
Vì lâu nay, nhiều người trong số họ đã phát triển một ý thức về sự thân quen với Chúa Jêsus. Họ vốn biết rõ giọng nói và nụ cười của Ngài. Ngài là Con của Đức Chúa Trời, phải, nhưng cũng là một trong số họ. Giờ đây tính cách thân quen đó đã được thay thế bằng một ý thức kính sợ! Một ít buổi thờ phượng ở trên đất có thể đem sánh với cái ngày đó!
Thật nghiêm túc, Mathiơ thêm: "nhưng có vài người nghi ngờ". Đúng là một bằng chứng cho tính cách đáng tin của các sách Tin lành! Nếu họ đang ra sức che đậy một lời nói dối, tại sao Mathiơ lại quá thành thực như thế chứ!?! Chúng ta biết Mathiơ không cố ý nói tới "mười một" người vì họ hết thảy đều đã trông thấy Chúa phục sinh. Có lẽ điều nầy đề cập tới một số người đứng ở phía sau đám đông, họ chưa nhìn thấy Ngài và đang lấy làm lạ không biết đây có phải là một vụ chơi khăm hay không!?! Tuy nhiên, giống như Thôma, họ cũng đã xác nhận rằng Ngài thực sự đã sống lại.
Nói chung, hàng trăm người đã quì gối xuống và Đấng Christ là toàn bộ tiêu điểm của họ.
B. Thờ phượng tự bản thân nó không phải là cứu cánh.
Có nhiều Cơ đốc nhân hành động y như buổi thờ phượng mọi điều mà Đấng Christ kêu gọi chúng ta phải lo làm. Nếu đây là trường hợp, hết thảy chúng ta sẽ được ở trong thiên đàng, ở đó chúng ta sẽ thờ lạy một cách xứng hiệp. Tuy nhiên, thờ phượng có ý nói chúng ta nên học biết yêu mến Đấng Christ. Thờ phượng đối với chúng ta là phải ném bỏ hết mọi sự thân quen rồi phủ phục xuống kính sợ nơi bệ chơn của Ngài.
Đừng nói với tôi về chất lượng của âm nhạc hay tài hùng biện của nhà truyền đạo. Nếu quí vị muốn xem xét sự thờ phượng của một Hội Thánh, nếu quí vị muốn biết một hội chúng có yêu mến Chúa Jêsus hay không, hãy nhìn xem họ yêu mến hạng người bị hư mất như thế nào!?! Hãy quan sát xem họ có chú tâm chia sẻ Tin lành hay không!?!
Nếu chúng ta yêu mến Chúa Jêsus, chúng ta sẽ yêu mến tha nhân. Homer Lindsey từng nói: "Thưa Mục sư, nếu ông muốn Hội Thánh ông phát triển, hãy dạy dân sự ông biết yêu mến Chúa Jêsus. Nếu họ yêu mến Chúa Jêsus, họ sẽ yêu mến tha nhân mà Chúa Jêsus yêu thương và họ sẽ đem Tin lành đến cho tha nhân".
III. Chúng ta phải trở thành một dân biết đầu phục (câu 18).
A. Chúa Jêsus công bố thẩm quyền của Ngài.
Sự sống lại của Chúa Jêsus chứng minh thẩm quyền tuyệt đối, vô hạn, tối cao của Ngài. Ngài phán: "Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta". Ngài là Vua các vua, mọi đầu gối sẽ quì xuống trước mặt Ngài! Ngài phán trong Giăng 3.35: "Cha yêu Con, và đã giao hết mọi vật trong tay Con".
Đaniên đã nói tiên tri về thẩm quyền của Ngài. Ông đã nhìn thấy: "có một người giống như con người đến với những đám mây trên trời; người tới đến Đấng Thượng Cổ và bị dẫn đến trước mặt Ngài. Người được ban cho quyền thế, vinh hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu việc người. Quyền thế người là quyền thế đời đời chẳng qua đi, và nước người không bao giờ phải hủy phá…" (Đaniên 7.13-14).
B. Chúng ta cần phải sống trong sự đầu phục quyền Chủ Tể của Ngài.
Nếu chúng ta cần phải trở thành một dân hàng đầu, nếu chúng ta cần phải sống theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải phục theo uy quyền của Ngài. Chúng ta không thể nói: "Tôi biết Kinh Thánh nói gì, nhưng…". Chúng ta không thể làm mọi việc theo đường lối riêng của mình. Chúng ta không thể làm điều chi là đúng theo con mắt của chính mình. Chúng ta phải phục theo uy quyền của Ngài như đã được tỏ ra trong Lời của Ngài.
IV. Chúng ta phải trở thành một dân thận trọng (các câu 19-20a).
Hãy chú ý từ: "Vậy". Chúng ta cần phải "đi dạy dỗ muôn dân” vì “quyền phép” vô hạn của Chúa Jêsus.
Đức Chúa Trời không đặt chúng ta ở đây để nghe âm nhạc hay nhất, sự rao giảng thuyết phục nhất và các chương trình đầy sáng tạo nhất. Hết thảy những việc ấy đều tốt đẹp nhưng chúng là cánh cửa sổ thực sự chỉ thẳng vào điều ưu tiên một. Trừ phi chúng ta đi ra thận trọng dưới "quyền phép" của Chúa Jêsus với điều ưu tiên một tối thượng nhắm vào việc giảng đạo và môn đồ hoá kẻ bị hư mất, chúng ta đã bỏ sót toàn bộ mục tiêu.
A. Chúng ta phải thận trọng môn đồ hoá.
"Môn đồ hoá" thực ra có nghĩa là phát triển thêm nhiều người học việc. Một môn đồ là một kẻ học việc. Một môn đồ là người ngồi nơi chơn của thầy mình nhai nuốt lấy từng lời một. Một môn đồ là người ao ước biến đời sống mình ra giống với đời sống của thầy mình. Vì vậy, "môn đồ hoá" có nghĩa là giúp những kẻ chưa tin Chúa trở thành hạng môn đồ tin kính trọn vẹn của Đức Chúa Jêsus Christ.
Mặc dù điều nầy bao gồm công cuộc truyền giáo, nó còn hơn cả công cuộc truyền giáo nữa. Một số Hội Thánh nhấn mạnh cá nhân chứng đạo, đem linh hồn về với Chúa, thăm viếng từng nhà một, những cơn phấn hưng và công cuộc thập tự chinh cho tới chừng mỗi người đều xưng nhận Đấng Christ, họ tiến tới chỗ trở thành một con người mới.
Mặt khác, có những Hội Thánh dạy, dạy, dạy. Họ cung ứng từng cơ hội cho một người tin Chúa chơn thật kiếm được một nhận thức đầy đủ về lẽ đạo trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, họ hiếm khi dẫn dắt người chưa tin Chúa đến với Đấng Christ. Họ cần phải “chú ý” rằng họ hiếm khi làm chứng cho ai khác lắm.
Ưu tiên một của chúng ta trong vai trò dân sự của Đấng Christ là phải hữu dụng cho Đức Chúa Trời trong công tác môn đồ hoá “muôn dân”. Chúng ta cần phải trở thành "những tay đánh lưới người" (Mathiơ 4.19). Người nào thực sự là môn đồ phải trở thành hạng người chuyên thực thi công tác môn đồ hoá đó.
Những điều ưu tiên một của chúng ta có tính chọn lọc không? Những điều ưu tiên một của chúng ta có tính riêng tư không? Có phải chúng ta thực sự hiểu rõ và có phải chúng ta thực sự thể hiện điều ưu tiên cao nhất trong việc đem lại cho Đức Chúa Trời sự vinh hiển trong công tác chia sẻ sự sáng của Ngài cho thế gian?
Chúng ta cần phải "đi" ra để "môn đồ hoá" muôn dân. Chúng ta không phải chờ đợi hạng môn đồ có khả năng đến tại đây. Chức năng của Hội Thánh không phải được ấn định làm công việc lôi cuốn những kẻ tìm kiếm chưa được cứu, mà Hội Thánh có chức năng trang bị cho những người làm công tác môn đồ hoá đi ra với “muôn dân”.
Đến với Hội Thánh không phải là một việc giống như đi ra với thế gian đâu. Hội Thánh không phải là địa điểm chính cho việc chứng đạo. Công tác chứng đạo cần phải diễn ra tại gia đình, nơi sở làm, vùng lân cận, trường học… Cho tới khi nào chúng ta hiểu rõ điều nầy, chúng ta đã bỏ sót mục tiêu của Tin lành.
B. Chúng ta phải thận trọng làm phép báptêm.
Phép báptêm tất nhiên có nghĩa là "nhúng hay dìm xuống nước". Phép báptêm minh hoạ cho sự chết, sự chôn và sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ. Phép ấy làm biểu tượng cho sự chúng ta hội hiệp với Ngài và với dân sự của Ngài.
Phép báptêm không có quyền giải cứu, mà chỉ là một hình ảnh có tính biểu tượng thôi. Phép báptêm không cứu được ai hay thậm chí đóng ấn sự cứu rỗi của người ấy (nam hay nữ). Trở thành một môn đồ có nghĩa là chúng ta bằng lòng bước theo Chúa Jêsus. Chỗ đầu tiên Ngài hướng dẫn chúng ta là qua làn nước đồng hoá công khai với Ngài.
Chúng ta làm phép báptêm trong "danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh". Chẳng có một quyền phép thiêng liêng nào trong lời lẽ nầy, mặc dù Hội Thánh đã sử dụng chúng trong 2.000 năm qua. Sách Công vụ Các Sứ Đồ không chứa một tham khảo nào đến câu nói nầy đã được sử dụng khi làm phép báptêm. Chúng không phải là một nghi thức hay công thức, mà là một câu nói đặc biệt nói tới sự hội hiệp của chúng ta với Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
Vì chúng ta đã được cứu, chúng ta đang ở trong sự hội hiệp với Ba Ngôi Đức Chúa Trời giống như mỗi Ngôi trong Ba Ngôi ấy đang ở trong sự hiệp một vậy. Chúng ta cần phải chịu phép báptêm trong "danh", nghĩa là, một tên, chớ không phải ba tên.
C. Chúng ta phải thận trọng dạy dỗ.
Một người từng được cứu và đã chịu phép báptêm, quá trình cả đời trong việc dạy và học đang bắt đầu. Chúng ta cần phải dạy "hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi". Như Phaolô nói với các trưởng lão thành Êphêsô trong Công vụ Các Sứ Đồ 20.27: "Vì tôi không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời". Chúng ta cần phải dạy hết thảy ý muốn ấy. Chúng ta cần phải phấn đấu và vật lộn với Lời của Đức Chúa Trời và thể hiện suy tưởng cùng hành động của chúng ta song hành với Lời ấy.
V. Chúng ta phải trở thành một dân đáng tin cậy (câu 20b).
Chúa Jêsus đã hứa ở cùng dân sự Ngài "luôn cho đến tận thế". Chúng ta không cần phải nương vào kế hoạch đầy sáng tạo, khéo léo, có chiến lược của mình, mà phải nương vào quyền phép ở bên trong của Ngài nơi đời sống của chúng ta.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét