Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Luca 1.57-80: "TẠI SAO GIĂNG KHÔNG MANG TÊN “TIỂU XACHARI”"



Phần giới thiệu
Kết cấu của phân đoạn Kinh Thánh
Một sự cân nhắc ngắn gọn về văn mạch
Mối hận gia đình: “Tiểu Xachari” hay Giăng (1.57-66).
Bài ca tụng của Xachari (1.67-69).
Kết luận của Luca (1.80).
Kết luận
BÀI 3
TẠI SAO GIĂNG KHÔNG MANG TÊN “TIỂU XACHARI”
(Luca 1.57-80)
Phần giới thiệu
Vấn đề đặt tên cho con cái cần phải hết sức thận trọng, sở dĩ phải thận trọng là vì tôi không sẵn lòng kể lại bất kỳ một câu chuyện nào về các đứa trẻ được đặt cho những cái tên thật là bất thường. Tên của con cái mang nhiều loại ý nghĩa khác nhau, đều nương vào nền văn hoá cá biệt. Trong nền văn hoá của người “da trắng” mà tôi rất quen thuộc với, thì tên được đặt cho phải thiệt là “kêu”, cho xứng với phái tính của đứa trẻ, và không có một ý nghĩa nào là khó chịu cả. Thí dụ, vợ tôi có thể đề nghị một cái tên thật đặc biệt mà tôi thấy không thể chấp nhận được, chỉ vì tôi đã biết [hay đang biết] một người mang cái tên ấy, là người khiến cho cái tên có một tiếng xấu.
Trong nền văn hoá của người Do thái, tên của một đứa trẻ rất quan trọng. Đôi khi Đức Chúa Trời thay đổi một người, tỉ như việc đổi tên của Ápram thành Ápraham, của Sarai thành Sara, và của Giacốp thành Ysơraên. Ở những thời điểm khác, Đức Chúa Trời đã ban cho cái tên trước khi đứa trẻ ra đời. Tỉ như trường hợp của cả Giăng và Chúa Jêsus. Sự việc đầy kịch tính mà chúng ta cần phải bàn bạc là vấn đề của gia đình về cái tên được đề ra cho đứa con của Xachari và Êlisabét. Khi Gápriên thông báo cho Xachari hay rằng ông và vợ ông sẽ có một đứa con trong lúc tuổi đã già, việc đầu tiên Ngài đã làm là báo cho thầy tế lễ nầy biết tên của đứa trẻ sẽ là:
“Ê-li-sa-bét vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, ngươi khá đặt tên là Giăng” (Luca 1.13).
Sự việc nầy chưa từng xảy ra cho đến lúc nầy, là sự việc xảy ra ngay thời điểm cắt bì của Giăng, điều thiên sứ dặn dò đã gây ra không ít gây go. Đột nhiên, cái tên Giăng đóng vai trò kết thúc một vấn đề thuộc phương diện tình cảm, với Êlisabét đứng đối nghịch lại với một nhóm người dự thính và quan sát vô danh, họ khẳng định rằng tên của đứa con trai phải được đặt theo tên của cha nó.
Chúng ta phải thắc mắc trong trí khi chúng ta tiếp cận nghiên cứu phân đoạn nầy: “Tại sao Luca lại áy náy đưa câu chuyện gia đình bàn bạc về cái tên của đứa trẻ vào đây?” Ấy chỉ vì trong sách Tin Lành Luca mà sự ra đời của Giăng và Chúa Jêsus đã được ghi chép lại. Ấy chỉ vì trong sách Mathiơ và sách Luca mà bất kỳ các sự cố xảy ra trong cuộc sống thơ ấu của hai con trẻ nầy đã được ghi chép lại. Tại sao có quá nhiều việc đã được tường trình lại về đời sống ấu thơ của hai nhân vật nầy được tác giả tuyển chọn trong câu chuyện nầy? Tôi tin thắc mắc nầy cung ứng cho chúng ta với sự tiếp cận sẽ xác minh là chìa khoá cho sự hiểu biết phần giải thích và ứng dụng của phân đoạn Kinh Thánh nầy. Mục đích của chúng ta trong bài nghiên cứu nầy là cố hiểu điều chi đã xảy ra trong phép cắt bì của Giăng, và tại sao Luca nghĩ biến cố nầy là xứng đáng để đưa vào phần lịch sử của ông (và, đã là Kinh Thánh). Tôi tin có một số nguyên tắc quan trọng cần phải được học hỏi ở đây, là những điều rất xứng đáng cho những Cơ đốc nhân đương thời khi họ nghiên cứu về Giăng và bố mẹ của Giăng. Chúng ta hãy nhìn xem Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang dẫn dắt chúng ta vào sự hiểu biết phân đoạn Kinh Thánh nầy theo như Ngài muốn chúng ta phải hiểu.
Kết cấu của phân đoạn Kinh Thánh
Kết cấu của phân đoạn Kinh Thánh chúng ta đang nghiên cứu có thể được tóm tắt như sau:
“Mối hận gia đình” đối với cái tên Giăng – các câu 57-66
a. Êlisabét và những người thân – các câu 57-61
b. Xachari nói được như trước – các câu 62-64
c. Tác động của sự việc – các câu 65-66
2. Thi ca ngợi khen của Xachari – các câu 67-69
a. Tập trung vào Đấng Mêsi và chức vụ của Ngài – các câu 67-75
b. Tập trung vào Giăng và chức vụ của ông – các câu 76-79
3. Kết luận – sự lớn lên và phát triển của Giăng ở nơi vắng vẻ, tĩnh mịch – câu 80
Nói chung, phân đoạn Kinh Thánh mà chúng ta đang nghiên cứu rơi vào hai phần chính. Khúc đầu tiên xử lý với “mối hận gia đình” đối với việc đặt tên Giăng và hậu quả của việc đặt tên đó (các câu 57-66). Khúc thứ hai là ghi lại lời ca tụng của Xachari, khi giọng nói một lần nữa được ban lại cho ông (các câu 67-79), với câu 80 tóm tắt đời sống thơ ấu của Giăng như một câu kết thúc.
Một sự cân nhắc ngắn gọn về văn mạch
Tin lành của Luca đã bắt đầu với lời tựa mang tính cách giới thiệu (các câu 1-4), lời tựa nầy giải thích các lý do mà ông viết ra câu chuyện nầy cho dù đã có mấy người đã làm rồi. Ngay sau phần giới thiệu, Luca khởi sự đưa ra câu chuyện về sự ra đời của cả Giăng và Chúa Jêsus, với một phương thức phản ảnh chính xác thực tại lịch sử mối tương quan trong chức vụ hai nhân vật nầy. Sự ra đời của Giăng, người tiền khu của Đấng Christ được Gápriên công bố lần đầu tiên cho bố mẹ ông là Êlisabét và Xachari. Cả hai đều cao tuổi, cả hai đều là dòng dõi của Arôn, và cả hai đều sống công bình theo sự dạy dỗ của Cựu ước, sống hiệp nghi với luật pháp Môise. Họ sống chung với nhau trong tình trạng son sẻ.
Trong khi Xachari đang lo liệu phần việc rất được ơn trong chức vụ tế lễ là dâng hương trong nơi thánh, Gápriên đã hiện ra cùng ông, tuyên bố sự ra đời của một đứa trẻ ban cho ông cùng với vợ ông, một đứa trẻ phải được đặt tên là Giăng, và đứa trẻ đó sẽ là người tiền khu của Đấng Mêsi đã được hứa cho, như Malachi đã nói tiên tri trong lời tiên tri cuối cùng của sách cuối của kinh Cựu ước.
Nỗi hồ nghi ló dạng, Xachari cầu xin một dấu để biết chắc, có lẽ vì ông muốn xác minh với những người mà ông phải tỏ điều nầy ra cho họ biết. Gápriên đã quở trách ông, và bị đánh cho câm. Bởi sự câm nín của ông, còn hơn cả khi ông nói năng được, Xachari đã trở thành một dấu lạ cho dân sự, khi ông cố gắng truyền đạt với họ bằng cách ra dấu. Dân sự hiểu ra rằng Xachari đã thấy một sự hiện thấy. Không nghi ngờ chi nữa dân sự đã có một sự kinh ngạc và trông đợi như là một hậu quả của sự việc nầy.
Xachari trở về nhà (với thị trấn vô danh nơi ông ở) sau khi thi hành xong các bổn phận tế lễ của mình, và vợ ông có thai, y như Gápriên đã nói. Êlisabét vẫn ở riêng biệt trong vòng năm tháng, và đến tháng thứ sáu Mary đã đến thăm viếng bà, Mary vừa mới tiếp nhận lời công bố từ Gápriên cho biết rằng nàng sẽ mang thai Đấng Mêsi, là Đấng được thai dựng cách lạ lùng trong lòng một trinh nữ. Cả hai bày tỏ ra sự hiểu biết kỳ diệu về Lời của Đức Chúa Trời trong những lời ca tụng của họ, và họ đã tương giao với nhau trong vòng ba tháng, sau đó Mary trở về nhà, với cái thai [hay dường như vậy].
Phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta bắt đầu tại điểm nầy. Êlisabét đang mang “đứa con của phép lạ” đã được hứa cho, và những người láng giềng của bà chia vui với bà phước hạnh nầy. Chính tại lễ cắt bì cho đứa trẻ mà cái tên nầy được đặt cho. Dưới những hoàn cảnh bình thường, tên của đứa trẻ chắc phải là Xachari, nhưng Êlisabét khẳng định tên ấy phải là Giăng. Giải pháp cho sự việc nầy xảy đến qua lời công bố chính thức của Xachari, theo cái tên đã được viết ra trên bảng.
Mối hận gia đình: “Tiểu Xachari” hay Giăng (1.57-66).
“Mối hận gia đình” đã xảy ra ngay thời điểm cắt bì của Giăng. Chúng ta biết nghi thức nầy diễn ra vào ngày thứ tám của đứa trẻ (Luca 1.59). Thường thì người cha nắm lấy vai trò chủ lễ của nghi thức, nhưng từ khi Xachari bị câm, và có lẽ cũng bị điếc luôn nữa, dường như ông chẳng để hết tâm trí vào nghi thức. Trường hợp nầy có thể đã diễn ra tại nhà của Xachari và Êlisabét. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng “họ” đều đến để làm lễ cắt bì cho con trẻ, và “họ” chuẩn bị đặt tên là Xachari (1.59). Giờ đây tôi hiểu dân sự đã được đề cập tới bằng từ “họ”. Một nhóm dân sự đã đến tại nhà của Xachari và Êlisabét để chứng kiến và dự phần vào nghi thức cắt bì (một y sĩ hay một chuyên gia đã đến, ông nầy sẽ thực hiện phép cắt bì?). Cũng nhóm người đó, họ dường như có ý định đặt tên cho đứa trẻ là Xachari. Tôi cũng hiểu là nhóm người nầy gồm có những bạn bè thân hữu, họ vốn có tâm tình với gia đình trong dịp làm phép cắt bì cho Giăng. Lễ nầy là một lễ cũng gần giống với lễ rửa tội ngày nay vậy.
Trong khi hành lễ, lúc tên Xachari được đề nghị, Êlisabét liền ngắt lời, bà khẳng định rằng tên của đứa trẻ phải là Giăng. Khi cái tên nầy không phải là tên của cha nó, cũng không phải là tên của một người thân, đã có một phản ứng khá mạnh mẽ trước yêu cầu của Êlisabét. Xachari vốn ý thức rõ vấn đề, và được trao cho cơ hội để quyết định tên của đứa trẻ. Nếu ông chẳng nghe được một điều gì trong cuộc “cãi lẽ” thì càng lạ lùng hơn cho những người đến chứng kiến khi thấy ông, cũng chọn lấy cái tên Giăng.
Một trong những ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ nhất mà chúng ta có được từ những câu nầy: ấy là sự nổi bật của Êlisabét, và về phần quyết định của bà khi buộc ai nấy phải đặt tên “Giăng” cho con trai mình hơn là “Xachari”. Mọi hành động của bà có thể được coi là chẳng lấy gì ưng ý đối với những người đang đứng ở đó. Vì vậy, khi Êlisabét đã khẳng khái nói thẳng, điều nầy có thể làm cho số người ấy bị sốc vì chẳng có gì là “đúng chỗ” cho một phụ nữ ở đây. Tuy nhiên, Êlisabét đã khẳng khái như vậy, và Luca mạnh mẽ ám chỉ rằng bà đã sống rất ngay thẳng và tin kính trong việc đặt tên nầy.
Vai trò của Xachari thì thụ động và im lặng khác thường. Trong trường hợp điều nầy thích ứng với các hạn chế về mặt thuộc thể mà Chúa buộc ông phải chịu, hoặc điều nầy phản ảnh tính dè dặt và ngần ngại tự nhiên là một điểm mà chúng ta có thể không chấp nhận. Tôi có ý xem Xachari thuộc loại người nhút nhát, thích yên tĩnh, ông chẳng có chút gì là năng nổ cũng không thích nói thẳng. Mặt khác, Êlisabét dường như thẳng thắn hơn, đặc biệt trong các vấn đề mà bà xem là tin kính và ngay thẳng. Khi Xachari nhận ra sự cãi lẫy, rồi khi người ta yêu cầu ông “bỏ thăm quyết định”, ông viết ngay tên Giăng sẽ phải đặt cho con trai mình. Điều nầy quả thực đã gây sốc cho những người có mặt ở đó.
Tại sao việc đặt tên con lại quan trọng như thế, và cũng mang nặng tình cảm nữa? Và tại sao việc đặt tên Giăng cho một đứa con lại là cớ gây tranh cãi như vậy chứ? Việc đặt tên cho con trai theo tên của cha nó ám chỉ rằng đứa con nầy sẽ “noi theo bước chân của cha nó”, nghĩa là khi mang theo tên của người cha, nó sẽ phải lo làm công việc của cha nó nữa. Nếu Giăng mang tên “Tiểu Xachari”, người ta mong Giăng sẽ lớn lên làm một thầy tế lễ, giống y như cha của Giăng vậy. Ông sẽ theo bước cha mình khi ông lo thực hiện các bổn phận của thầy tế lễ, học biết phải làm mọi việc như thế nào, giống như cha mình đã làm vậy.
Được đặt cho một cái tên khác thì có nghĩa là mọi sự đều ngược lại. Giăng sẽ không noi theo các dấu chân của cha mình. Ông sẽ không tiếp thu những gì cha mình đã lo làm. Ông sẽ không trở thành một thầy tế lễ. Dĩ nhiên, đây là một trường hợp rất hiếm, và đó là lý do cho cái tên của Giăng. Ý nghĩa của tên Giăng chẳng có gì là quan trọng cả, nhưng sứ điệp ám chỉ việc mang một tên khác hơn là Xachari lại là một vấn đề của tình cảm. Nếu đa số những người nhóm lại trong dịp làm phép cắt bì đều là những người thân thuộc, sự khẳng định của Êlisabét đứa trẻ phải mang tên Giăng là đoạn tuyệt với gia đình, với công việc của gia đình, và với sự ghi nhớ về gia đình qua thế hệ kế tiếp.
Khi Xachari viết ra câu: “Giăng là tên nó” trên tấm bảng, liền khi đó ông nói năng được trở lại. Ngay khi ấy, lưỡi ông được thong thả, nói và ngợi khen Đức Chúa Trời. Bản tường trình lại bài ca tụng của Xachari phải chậm lại mấy câu sau đó, để Luca có thể mở ngoặc đơn ghi lại phần tác động của những việc nầy trên những người có mặt tại đó, và trên những kẻ nghe số người có mặt tại chỗ tường thuật lại. Hai câu 65-66 ghi lại “tin lành qua sự ngồi lê đôi mách” được lan truyền rộng khắp “miền núi xứ Giuđê” (câu 65). Khi “những sự cố lạ lùng” bắt đầu chất ngất lên, mọi sự có quan hệ tới đứa trẻ nầy là Giăng, sự mong đợi của dân chúng trong khu vực bắt đầu lớn lên. Có nhiều người khi ấy nghĩ rằng Giăng chính là Đấng Mêsi, đây là một tư tưởng mà Giăng khăng khăng chối bỏ (đối chiếu 3.15-17).
Câu: “Vì tay Chúa ở cùng con trẻ ấy” (câu 66), có thể chỉ ra có một số sự cố lạ lùng và bất thường khác kết hiệp với Giăng trong thời thơ ấu xác nhận nguồn gốc và sứ mệnh lạ lùng của ông trong cuộc sống. Luca đã phải chọn lựa, và vì thế ông đã cung ứng cho chúng ta câu nói chung chung nầy, cho thấy còn có nhiều việc nữa chưa viết ra hết. Kết quả của mọi sự nầy là một khả năng trông đợi xuất hiện giữa vòng dân chúng trong khu vực đó.
Hãy lưu ý rằng Đức Chúa Trời không công bố sự đến của Nhà Vua, hay sự đến của người tiền khu của Ngài trong đền thờ (trừ ra cho Simêôn và Anne), cũng không trong thành Giêrusalem (trừ ra lần thăm viếng của Chúa Jêsus tại đền thờ lúc 12 tuổi), mà là trong vùng “đồi núi xứ Giuđê”. Sự công bố ấy không đến với người có quyền thế hay hàng giáo phẩm lúc bấy giờ, mà những lời công bố sự đến gần của Đấng Mêsi đã được đưa đến với người khiêm nhường. Đây là một nguyên mẫu của chức vụ của Giăng và Chúa Jêsus, họ không đến với người “mạnh sức”, mà đến với người có “bệnh”; không đến với người “công bình”, mà đến với hạng tội nhân (đối chiếu Luca 4.16-21; 6.20…; Mác 2.15-17).
Bài ca tụng của Xachari (1.67-69).
Khi ghi lại bài ca tụng của Xachari một cách chính xác như đã được thốt ra, Luca tính luôn những lời bình trong dấu ngoặc ở câu 65-66 để bài thơ nầy đóng vai trò trong dấu ngoặc kết thúc phân đoạn, như phân đoạn tóm tắt tác động chức vụ của Giăng, và của chức vụ Đấng Mêsi, mà Giăng là người tiền khu của Ngài.
Bài thơ của Xachari có hai phần chính: Phần thứ nhất gồm các câu 67-75 là lời khen ngợi hướng thẳng vào Đấng Mêsi trong ánh sáng của chức vụ Ngài. Trong phần nầy, Xachari hướng sự ngợi khen Ngài vào Đức Chúa Trời trong ánh sáng của mọi ơn phước trong chức vụ của Đấng Mêsi cho Ysơraên. Nếu “Bài Ca Tụng” của Mary chuyên về mọi quan hệ xã hội trong sự xuất hiện của Đấng Mêsi, bài ca tụng của Xachari làm nổi bật lên những phước hạnh về mặt chính trị mà dân Ysơraên sẽ kinh nghiệm. Hãy lưu ý phần nhấn mạnh thường trực vào dân Ysơraên trên mấy câu nầy:
“Đức Chúa Trời của Ysơraên”
“Ngài đã đến… và chuộc dân Ngài – câu 68
“cho chúng tôi”
“trong nhà Đavít, tôi tớ Ngài” – câu 69
“như lời Ngài đã dùng miệng các thánh tiên tri phán” –câu 70
“cứu chúng tôi khỏi kẻ thù” – câu 71
“tỏ lòng thương xót đến tổ tông chúng tôi, và nhớ lại lời giao ước thánh của Ngài, theo như Ngài đã thề với Ápraham là tổ phụ chúng tôi” – các câu 72-73
“cứu chúng tôi khỏi tay kẻ nghịch thù” “sẽ ban ơn lành cho chúng tôi” –câu 74
Khi tôi hiểu rõ tin lành của Luca, mọi người trong câu chuyện của ông đều ngợi khen Đức Chúa Trời vì sự đến của Đấng Mêsi thực hiện mọi sự ấy trong ánh sáng của mọi hoàn cảnh của họ, và trong ánh sáng của mọi sự họ trông cậy và nguyện vọng của họ. Chức vụ của Đấng Mêsi là chức vụ có nhiều phương diện, giống như nhiều mặt của một viên kim cương vậy. Mỗi bài thơ ca tụng có khuynh hướng nhắm vào một phương diện, và hết thảy chúng hiệp lại chỉ ra nhiều ơn phước của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra qua Đấng Mêsi của Ngài.
Phần thứ hai gồm các câu 76-79 nhắm vào sứ giả – là Giăng, và vào tác động của chức vụ ông. Khi Gápriên thông báo cho Xachari biết Giăng sẽ trở thành người tiền khu của Đấng Mêsi, phần việc của Giăng sẽ là sửa soạn nhiều người nam người nữ cho sự đến của Ngài, bằng cách rao giảng về tội lỗi và về sự tha tội. Trong cả hai bài ca tụng của Mary và của Xachari, dường như có phần nhấn mạnh vào các kết quả của sự đến lần thứ hai của Đấng Christ, hơn là sự đến lần thứ nhất của Ngài.
Kết luận của Luca (1.80).
Câu 80 đóng vai trò như lời kết cho câu chuyện của Luca thuật lại về sự ra đời, và thời thơ ấu của Giăng Báptít. Theo ý kiến của tôi, đây là chìa khoá cho sự hiểu biết của chúng ta:
“Vả, con trẻ ấy lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở nơi đồng vắng cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Y-sơ-ra-ên” (Luca 1.80).
Ở đây, Luca cung ứng cho chúng ta lý do phải ghi ra câu chuyện kể lại thời thơ ấu của Giăng, mặc dù chức vụ công khai của ông sẽ bắt đầu vào nhiều năm sau đó. Thêm nữa, Luca ở đây thông báo cho chúng ta biết lý do phải nói ra câu chuyện về “mối hận gia đình” khi liên kết với việc đặt tên cho Giăng. Hãy để tôi chỉ ra vài yếu tố quan trọng trong câu nói kết thúc rất tóm tắt nầy.
(1) Câu nói nầy chứa đựng và tóm tắt toàn bộ khoảng thời gian sinh sống của Giăng trước khi thi hành chức vụ công khai. Trong một câu không tới 30 từ, đã ghi lại khoảng thời gian chừng 30 năm cuộc đời của Giăng.
(2) Câu nói nầy nói về đời sống thuộc linh của Giăng, nhưng đặc biệt nói về sự tấn tới về mặt thuộc linh trong những năm tháng đó. Luca thuật lại cho chúng ta biết Giăng có “tâm thần mạnh mẽ”.
(3) Câu nói nầy nói về sự chuẩn bị của Giăng để nắm lấy chức vụ công khai. Trong khi sự tấn tới cả thuộc linh lẫn thuộc thể của Giăng là rất quan trọng cho việc ông đồng đi với Đức Chúa Trời, mục đích của Luca là thông báo cho chúng ta biết rằng ông đã được chuẩn bị cho cái ngày xuất hiện công khai, cho thời điểm thi hành chức vụ công khai là người tiền khu của Đấng Mêsi. Nói cách khác, sự tấn tới về mặt thuộc linh của Giăng là rất quan trọng cho chức vụ thuộc linh của ông.
(4) Sau hết, và quan trọng nhất, Luca thông báo cho chúng ta biết Giăng đã được chuẩn bị cho chức vụ công khai trong một nơi rất vắng vẻ. Sự tấn tới và phát triển về mặt thuộc linh của Giăng, Luca thuật lại cho chúng ta biết đã diễn ra “ở nơi đồng vắng”.
Tôi không nghĩ rằng sự sống của Giăng trong sa mạc là tình cờ cho sự tấn tới và phát triển về mặt thuộc linh của ông, như đó chính là phần nền tảng của quá trình tấn tới của ông. Luca – là một sử gia rất chín chắn và tỉ mỉ, là một người biết suy tưởng theo những giới hạn của quá trình, và là người nhìn xem lịch sử đang bày tỏ ra theo cách liên tục, vì ở đàng sau mọi sự đó Đức Chúa Trời đang bày tỏ ra các mục đích của Ngài và sẽ làm ứng nghiệm mọi lời hứa của Ngài. Thế nên, đối với Luca, các chức vụ của Giăng và Chúa Jêsus đã không bắt đầu ngay lúc họ xuất hiện công khai, mà ở thời điểm công bố sự ra đời của họ. Luca đã quan tâm đến nỗi chúng ta nhìn thấy được các yếu tố đã được trình bày có hệ thống trong chức vụ của họ, là những gì đã diễn ra trong những năm tháng thiếu thời của họ, cũng như các chức vụ đã đạt kết quả. Và trong khi các trước giả của những sách tin lành khác bắt đầu với lời loan báo sứ điệp của Giăng, Luca bắt đầu với lời loan báo của thiên sứ về sự ra đời của Giăng, và với những kinh nghiệm trong cuộc đời của Giăng đã nắn đúc ông về mặt thuộc linh, trong sự chuẩn bị cho chức vụ của ông.
Luca thông báo cho chúng ta biết về vài yếu tố mở đầu trong đời sống của Giăng, ngay trong Chúa Jêsus câu chuyện ngắn nói về sự ra đời và thời thơ ấu của ông. Thứ nhất, Luca nói cho chúng ta biết về sự kêu gọi của Giăng, như đã được tỏ ra qua lời công bố của Gáppriên, trước khi con trẻ được thai dựng. Mục đích của Đức Chúa Trời dành cho Giăng đã được công bố, ngay trước khi ông được thai dựng, để cho bố mẹ ông nuôi dạy ông theo ánh sáng của các mục đích ấy, chúng sẽ phụ giúp sửa soạn ông cho chức vụ nầy. Thứ hai, Giăng đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh, ngay trước khi ông ra đời, để cho sự tấn tới về mặt thuộc linh của ông được nổi bật lên, trong suốt thời ấu thơ của ông, trong phần chuẩn bị cho chức vụ của ông. Sau cùng, Giăng đã được sửa soạn cho chức vụ bằng cách biệt riêng ra khỏi gia đình, khỏi hệ thống văn hoá và tôn giáo.
Sự kêu gọi của Giăng đã đến trước khi ông ra đời.
Sự chuẩn bị sớm sủa của Giăng không có gì mới lạ và khác thường đâu. Chúng ta sẽ thấy từ chương kế tiếp trong sách Luca, Chúa Jêsus cũng được sửa soạn trước và sau khi Ngài giáng sinh, cho chức vụ mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi Ngài phải thi hành. Trong Cựu ước, các câu chuyện nói về những nhân vật như Giôsép, Samuên, Đavít, và Giêrêmi (Giêrêmi 1.5), cho thấy rằng Đức Chúa Trời đang hành động trong khoảng đời thơ ấu của họ để chuẩn bị họ cho chức vụ về sau của họ. Ở những chỗ khác, như Thi thiên 139, cho thấy rằng sự sửa soạn của Đức Chúa Trời bắt đầu trong lòng mẹ. Cũng một thể ấy trong Tân ước, Phaolô đã nói về sự kêu gọi của ông trước khi ông ra đời (Galati 1.11-17). Ông cũng nhắc cho Timôthê nhớ tới sự chuẩn bị mà Đức Chúa Trời đã tác động trong đời sống Timôthê qua bà và mẹ của Timôthê (II Timôthê 1.5-7).
Tuy nhiên, ở đây Luca đưa ra một điểm đặc biệt về sự tấn tới và phát triển của Giăng bao gồm một sự phân rẽ ra khỏi gia đình, khỏi nền văn hoá, và khỏi hệ thống tôn giáo của người Do thái, ra khỏi những hệ thống mà ông đã sống trong đó (thực vậy, đã từng là) một thầy tế lễ, giống như cha của ông vậy.
Hãy để cho tôi chỉ ra rằng tôi tin đã có nhiều sự đóng góp tích cực cho sự tấn tới và phát triển của Giăng đến từ cha mẹ, gia đình, xã hội, và hệ thống tôn giáo của ông. Tôi tin rằng tôi nhìn thấy một sự dạy dỗ quan trọng của Êlisabét (chớ không phải từ Xachari) nơi Giăng. Nhưng đây không phải là phần nhấn mạnh của Luca. Luca chọn nhấn mạnh sự phân rẽ của Giăng ra khỏi “thế gian” của ông, chớ không phải phân rẽ ra khỏi lai lịch mình.
Khi ông được đặt tên là “Giăng” mà không là “Xachari” (Tiểu Xachari), Đức Chúa Trời đang tỏ ra cho mọi người có quan hệ thấy rằng Giăng sẽ không được mang theo tên của cha mình, cũng không được làm chức vụ của ông ấy. Hãy suy nghĩ về những phương thức trong đó Giăng đã trở nên khác biệt với cha mình, mọi điều ấy đã được đánh dấu qua cái tên không dính dáng gì với gia đình cả. Xachari là một thầy tế lễ; Giăng là một vị tiên tri. Giăng là một người Naxirê; còn cha ông thì không phải như vậy. Xachari đã sống giữa vòng dân sự; Giăng đã sống trong đồng vắng không người. Xachari là một chi thể của hệ thống tôn giáo cũ; Giăng không phải như vậy – ông đứng riêng ra đối với hệ thống đó. Xachari đã làm chứng qua bài ca tụng của ông, đã nói như một người Do thái, còn Giăng là người bị dời xa khỏi đời sống mẫu mực của người Ysơraên và hệ thống tôn giáo của thời buổi ấy, mới có thể nhìn thấy những chỗ sai lầm đã phát triển.
“Thế thì, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn; và đừng tự nói rằng: Áp-ra- ham là tổ phụ chúng ta; vì ta nói cùng các ngươi, Đức Chúa Trời có thể khiến từ những đá nầy sanh ra con cái cho Áp-ra-ham được” (Luca 3.8).
Xachari là một chi thể của hệ thống tôn giáo, được nhận dạng với tôn giáo đó, trong khi Giăng có thể đứng ngoài tôn giáo ấy và nhìn thấy nhiều điểm sai lầm của nó (đối chiếu Giăng 1.19, …). Sự dạn dĩ và trong sáng mà với chúng Giăng đã làm chứng nghịch lại mọi điều ác trong thời của mình, lên đến một quy mô lớn, là kết quả của sự Giăng phân rẽ ra khỏi hệ thống và mọi tội lỗi của nó, mà ông đã xét đoán. Khi đối chiếu với Xachari là người dè dặt trong lời nói, Giăng đã nói năng dạn dĩ hơn nhiều.
Vì thế, Luca đã cho độc giả biết rõ sự phân rẽ ra khỏi xã hội, thậm chí ra khỏi cha mẹ Giăng, đã đóng một vai trò chính trong sự chuẩn bị của Giăng để nắm lấy chức vụ.
Kết luận:
Khi chúng ta xem xét phần chuẩn bị của Giăng để nắm lấy chức vụ, tôi tin rằng chúng ta tìm thấy một nguyên tắc rất quan trọng được nhấn mạnh ở đây, rất thích đáng cho chúng ta và cũng quan trọng lắm trong phần sửa soạn của chúng ta để nắm lấy chức vụ giống như Giăng đã từng trải vậy. Nguyên tắc nầy là:
MUỐN LÀM ĐẠI BIỂU CHO ĐẤNG CHRIST, CHÚNG TA PHẢI ĐỨNG CÁCH XA TỘI LỖI VÀ CÁCH XA THẾ GIAN, LÀ NHỮNG ĐIỀU THÙ NGHỊCH VỚI NGÀI.
Nếu có một việc gì đánh dấu đặc biệt Giăng thì là đây: ông là một con người chịu biệt mình riêng ra. Ông đã được biệt riêng ra qua sự kêu gọi trước khi ông ra đời, qua sự ra đời bất thường, qua sự sống ông là người Naxirê, qua cái tên, và qua thời thơ ấu của ông trong đồng vắng, ở đấy ông đã sống biệt riêng ra với “thế gian” của ông, đã mặc thứ quần áo khác biệt, và đã ăn thứ thức ăn cũng khác biệt. Chính sự phân rẽ ra khỏi “thế gian” của ông đã khiến cho ông có khả năng nhìn thấy mọi tội lỗi của nó, mới đứng vững chống nghịch chúng và dạn dĩ làm chứng trong sự xét đoán chúng.
Tôi tin sự phân rẽ ấy lắm quan trọng cho những Cơ đốc nhân ngày nay, nếu chúng ta muốn hầu việc Đức Chúa Trời theo như chúng ta sẽ hầu việc, và sống theo “sự kêu gọi” của chúng ta. Sự phân rẽ rất quan trọng cho dân sự Đức Chúa Trời trong Cựu ước. Thí dụ, chúng ta đọc:
“Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế gian đều thuộc về ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho ta. Bấy nhiêu lời đó ngươi sẽ nói lại cùng dân Y-sơ-ra-ên” (Xuất Êdíptô ký 19.5-6).
“Vì ta là ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô đặng làm Đức Chúa Trời của các ngươi; các ngươi phải nên thánh, vì ta là thánh” (Lê vi ký 11.45).
Đức Chúa Trời đã chọn Ysơraên làm đại biểu cho Ngài, để bày tỏ ra sự thánh khiết của Ngài cho các nước khác. Vì lẽ đó thật cần thiết cho Ysơraên phải biệt riêng ra đối với mọi sự gian ác trong thời của họ. Họ không phải sống như người Canaan hay các dân khác. Cho nên, Đức Chúa Trời đã ban cho họ một sự kêu gọi rất đặc biệt, một giao ước đặc biệt, và những mạng lệnh đặc biệt mà nếu vâng theo, sẽ biệt riêng họ đối với các nước.
Chính sự thánh khiết đó, chính sự phân rẽ nầy cũng đòi hỏi nơi các thánh đồ của Tân ước y như vậy:
“Anh em đã nên như con cái hay vâng lời, thì chớ có làm theo sự dâm dục, là sự cai trị trong anh em ngày trước, về lúc anh em còn mê muội. Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: HÃY NÊN THÁNH, VÌ TA LÀ THÁNH” (I Phierơ 1.14-16).
“Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế… Bởi chưng Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy” (I Têsalônica 4.3, 7).
Sự nên thánh trong đời sống của Cơ đốc nhân nghĩa là sự phân rẽ ra khỏi tội lỗi, là cần thiết vì một số lý do; Sự nên thánh bị đòi hỏi nếu chúng ta làm đại biểu và phản ảnh một Đức Chúa Trời thánh khiết cho nhân loại. Chúng ta không thể giống như Đức Chúa Trời nếu chúng ta cứ sống trong tội lỗi, mà chỉ có thể được khi chúng ta sống xa cách đối với tội lỗi. Chúng ta phải sống thánh khiết, chúng ta phải đứng riêng ra đối với tội lỗi, phải ý thức đối với tội lỗi, nhìn biết nó và phải nhận biết đó là điều ác và làm mất lòng Đức Chúa Trời. Và chúng ta phải đứng riêng ra đối với tội lỗi nếu chúng ta sống để xét đoán nó và để khuyên người khác phải quên đi tội lỗi. Sự phân rẽ của Giăng rất quan trọng cho sự ông đồng đi với Đức Chúa Trời và cho chức vụ của ông. Cũng một thể ấy sự phân rẽ của chúng ta ra khỏi tội lỗi cũng quan trọng lắm.
Tôi tin có một ý nghĩa trong “sự phân rẽ” của Giăng là đặc biệt, và không phải là một hình thức mẫu cho từng Cơ đốc nhân. Sự phân rẽ của Giăng là một điều rất khắc nghiệt, trong đó về phần xác thịt ông phải bị dời xa khỏi gia đình, khỏi xã hội, và khỏi sự nghiệp tôn giáo của mình. Vẫn có nhiều người ngày nay phấn đấu để được phân rẽ ra khỏi thế gian bằng cách ra sức sống trong nơi vắng vẻ, cách xa loài người.
Tôi không nghĩ là Chúa chúng ta đã ra lệnh cho những Cơ đốc nhân phải biệt riêng theo phần xác đối với người khác như một nguyên tắc đâu. Trong bài giảng trên núi, Chúa chúng ta dạy rằng chúng ta phải là “muối” và “sự sáng” (Mathiơ 5.10-16), cả hai thứ nầy đều nói đến sự xâm nhập của chúng ta vào trong thế gian, hơn là sự lẫn tránh của chúng ta ra khỏi thế gian. Bài giảng ấy cũng dạy rằng sự xâm nhập đó với tin lành và đời sống thánh khiết sẽ kết quả trong sự bắt bớ là phần mở rộng hơn trong phân đoạn Kinh Thánh đó (đối chiếu Mathiơ 5.10…). Vì thế, sự phân rẽ của chúng ta, trong khi đáng phải có một tinh thần giống như sự phân rẽ của Giăng sẽ tự nó bày tỏ ra sự khác biệt hơn là sự phân rẽ của Giăng đã có. Bản chất của sự phân rẽ chúng ta có là gì? Chúng ta hãy xem qua cách vắn tắt một số hướng dẫn của Kinh Thánh về sự nên thánh theo Tân ước.
Thứ nhất, chúng ta phải tự biệt riêng đối với sự suy nghĩ gian ác. Có một “tâm thần” tội lỗi, một cách nhìn sai các sự việc và suy nghĩ về chúng. “Vả, chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an” (Rôma 8.6) vì nó không phục theo Đức Chúa Trời (Rôma 8.70. Cho nên, chúng ta phải sống theo “sự đổi mới của tâm thần mình” (Rôma 12.2), đến một cấp độ cao hơn qua sự bày tỏ quyết liệt mạnh mẽ của Lời Đức Chúa Trời.
Thứ hai, chúng ta phải biệt riêng ra khỏi các khuynh hướng tội lỗi của tư dục xác thịt của chúng ta. Chương 7 của sách Rôma xử lý với vấn đề nầy cũng như Galati 5.19-21. Cách duy nhất để đắc thắng các khuynh hướng nầy và sống một cách ngay thẳng là “bước đi theo Thánh Linh”, bước đi theo sự thúc giục và quyền phép của Thánh Linh Đức Chúa Trời (Rôma 8.1…; Galati 5.16).
Thứ ba, chúng ta phải biệt riêng ra khỏi thế gian. Ở đây, không phải là một tách biệt theo phần xác, là điều rất khó thực hiện trừ phi qua sự chết (I Côrinhtô 5.9-10). Chúng ta phải biệt riêng ra khỏi thế gian bằng cách suy nghĩ thật khác biệt, bằng cách công nhận mọi sự xúi giục và khuynh hướng gian ác của thế gian, và bằng cách từ chối dự phần vào bất kỳ một tội lỗi nào của nó. Chúng ta cũng thấy được sự khích lệ và sức mạnh lớn lao từ Hội thánh, từ một thân thể gồm nhiều tín đồ có tư tưởng như nhau, họ khích lệ chúng ta trong việc thực hành và bền đỗ trong sự công bình (đối chiếu Rôma 12.9-21; 13.8-14; 15.14; Hêbơrơ 10.19-25).
Sau cùng, chúng ta phải biệt riêng ra bằng cách công nhận và tự mình tránh xa mọi thứ tội lỗi trong gia đình và thậm chí trong cả tôn giáo của chúng ta, là những gì không giữ theo với lời của Đức Chúa Trời. Tân ước vốn nói nhiều về các đề tài nầy, mà thời gian không cho phép chúng ta theo đuổi từng chi tiết, nhưng hãy để tôi khích lệ quý vị nên nghiên cứu các phần đó, chúng cảnh cáo chúng ta về sự dạy dỗ cùng các giáo sư giả dối (thí dụ I Timôthê 4.1-5). Chúng ta cũng phải lưu ý ngay cả những người tin kính nhất trong gia đình (tỉ như những người giống như Xachari và Êlisabét) vẫn còn có tội lỗi và những kiểu cách của tội lỗi, chúng ta phải công nhận là tội lỗi và dứt bỏ đi, để đời sống chúng ta được phù hợp với Lời của Đức Chúa Trời.
Chúng ta hãy trở thành một dân biết phân rẽ, hầu cho chúng ta có thể làm đại biểu cho một Đức Chúa Trời thánh kiết trong một thế giới bất khiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét