Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Luca 9.37-56: "HẠNG THÁNH ĐỒ THẾ LỰC"



Phần giới thiệu
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Sự thất bại của các môn đồ (9.37-43a)
Các môn đồ mất tinh thần (9.43b-45)
Các môn đồ biện luận (9.46-48)
Tình trạng khó xử của các môn đồ (9.49-50)
Ao ước của các môn đồ: Thiêu người Samari (9.51-56)
Phần kết luận
BÀI 32
HẠNG THÁNH ĐỒ THẾ LỰC
(Luca 9.37-56)
Phần giới thiệu
Jame mới 17 tuổi, lên sinh viên ở trường Veterinary của xứ Tô Cách Lan mới có ba ngày. Hôm nay anh đến dự lớp lần đầu tiên về công tác quản lý động vật và trông anh rất phởn phơ. Giáo sư của anh là một trong những người tài giỏi đã đưa đề tài nầy vào cuộc sống. Tuy nhiên, James lại không thấy thích học về loài ngựa cho lắm, anh cảm thấy mình đã đạt tới mức nhận biết mọi sự cần phải biết về loài thọ tạo rất cừ nầy. Để bước vào vai trò bác sĩ thú y trọn vẹn hơn, James đã mua sắm một yên cưỡi ngựa kèm với các thứ chi tiết, mà theo anh cho biết, để vừa vặn với hai chân của anh khi anh tập cỡi ngựa.
Bước ra đường ở trước cửa trường, mắt anh đập ngay vào một con ngựa thật to đứng trước chiếc xe kéo than, đây là phần việc mà nó phải đem phân phối dọc theo các đường phố của xứ Tô Cách Lan. Nó không phải là thứ để xét nghiệm, vì nó quá già và lưng nó quằn xuống, song nó rất to và đó là một con ngựa. James bước tới gần con vật, xem xét nó với cặp mắt của một vị bác sĩ thú y có tay nghề cao. Anh nhận ra các chi tiết khác nhau nơi bộ xương của con thú, là thứ anh đã tìm hiểu được sau mấy giờ học trước đó. Đám đông người đi ngang qua, không cần biết tới phần giám định của anh. Sau khi làm xong phần việc của mình, James sắp sửa bước đi, thế rồi lại quay trở lại, định nói cho con ngựa biết cảm nghĩ của mình với một động tác bày tỏ sự chia tay.
James đến gần, định vỗ nhẹ trên ngực của con thú, nhưng con ngựa đã hành động với một tốc độ bất ngờ, hai hàm răng của nó cắn chặt miếng nẹp mới của James rồi nhấc bỗng anh lên khỏi đất. James bị đu đưa giữa khoảng không giống như một con rối mất cân bằng vậy. Những người qua đường, từng vô tư và chẳng có chút ấn tượng gì đối với bầu không khí tin cậy của anh, giờ đây chen đến để nhìn cho rõ quang cảnh nầy. Có mấy người lớn tuổi hơn, tỏ lòng thương xót James và nài xin ai đó đến giúp cho anh. Trước sự thất vọng của James, mấy cô thiếu nữ thì cứ đứng cười rúc rích, James bị mất thể diện. Không những anh tìm cách thắng hơn sự xấu hổ, hơi thở anh bị chiếc áo choàng mới kia làm cho ngột ngạt, và nước bọt từ miệng của con ngựa đang chảy dài trên mặt anh.
Thế rồi có một người vẹt đám đông bước tới. Đó là người bán than, chủ của con ngựa, ông ta mau chóng nắm lấy tình hình và ra lệnh cho con ngựa phải nhả James ra ngay. Khi con ngựa ngần ngừ, người bán than chọt ngón tay cái thật mạnh vào bụng nó. Con ngựa mau mau nhả James xuống đất. Không bao lâu sau đó anh ta đã có thể đứng được trên chân của mình, James tìm cách lẫn mất ra khỏi đám đông, anh chẳng có thể làm gì được, chỉ có nghe lời khuyên của người bán than vang vọng ở sau lưng mình: “Đừng có xen vào việc gì mà anh chưa biết tới nhé!”
James không chịu để thất bại đầu tiên nầy ngăn trở không cho anh theo đuổi tham vọng trở thành một bác sĩ thú y của mình. Điều nầy rất hay cho chúng ta cũng như cho James Herriot không những cứ tiếp tục trở thành một bác sĩ thú y, mà anh ấy còn trở thành một nhà văn rất được ưa chuộng, anh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của mình trong các tác phẩm, tỉ như quyển “Mọi tạo vật lớn và nhỏ” [All Creatures Great and Small], trong đó anh thuật lại câu chuyện về chính mình và con ngựa của người bán than.
Câu chuyện của James Herriot nhắc cho tôi nhớ cách xử sự của các môn đồ của Chúa chúng ta trong các sự cố ở Luca 9. Ngay ở đầu chương, các môn đồ đã được sai đi giảng tin lành nói về Nước Đức Chúa Trời (Luca 9.1-6). Đây là chuyến đi đầu đời của các môn đồ, mà đúng như vậy, trên đại dương truyền giáo công khai, chức vụ mà họ đã thi hành không có sự hiện diện theo phần đời nầy của Chúa Jêsus. Trong chuyến hành trình truyền giáo huấn luyện ngắn ngủi nầy, các môn đồ đã rao giảng và chữa lành rất thành công, bao gồm cả việc đuổi quỷ nữa (9.1).
Còn bây giờ, ở cuối chương 9, họ cảm thấy cần phải được trang bị cho thêm nữa. Họ đã dự phần vào việc cho 5.000 người ăn, và họ là một phần của lời tuyên xưng long trọng, trong các thời điểm đó lai lịch của Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Ysơraên đã được công khai ra. Trong khi ba môn đồ đang ở trên núi hoá hình, quan sát sự hoá hình của Chúa chúng ta, cùng với Môise và Êli, và lắng nghe lời làm chứng của Đức Chúa Cha, chín môn đồ còn lại ở phía dưới, đau khổ thất bại trong chức vụ.
Tôi có thể hình dung ra các môn đồ đang cảm xúc với lòng tin giống như James Herriot trong ngày đó khi Chúa còn ở trên núi và họ tự mình ở lại phía sau vậy. Đúng là một cơ hội bằng vàng. Đúng là một cơ hội để “tỏ ra sự huyênh hoang của họ”. Khi người cha tới đến, nài xin họ đuổi quỷ ra khỏi con trai của ông ta, họ cảm thấy mình có khả năng, mình đã được trang bị để làm chủ tình thế. Rốt lại, há họ chẳng có đuổi quỷ khi họ đã được sai đi chăng!?! “Được mà, Không sao đâu”, tôi có thể nghe chín môn đồ ấy nói: “Hãy đem con trai của ngươi lại đây. Chúng ta sẽ giúp cho”. Có gì đó đã sai trật chăng?
Nhiều lắm, như chúng ta có thể nhìn thấy. Tôi có thể thấy một trong chín môn đồ nói với mấy người còn lại: “Hãy đứng qua một bên, hãy để tôi lo chuyện nầy cho”. Ai cũng có thể đem lòng tin cậy trước tiên khi có một lời nói phát ra thì đứa trẻ sẽ không còn bị quỷ ám nữa. Tuy nhiên, sự thể đã không được như thế. Con quỷ không chịu nghe. Tôi có thể tưởng tượng cái nhìn ngơ ngác trên gương mặt của môn đồ đó. Ai đó đã suy nghĩ: “Tôi đã làm chi sai chăng?”, một môn đồ trong chín người khác nói: “Nào, hãy để tôi giúp cho”. Tôi rất kinh ngạc nếu từng môn đồ đã cố gắng đưa tay họ vào việc đuổi quỷ nơi đứa trẻ.
Ho càng ra sức, đoàn dân đông càng nhóm lại đông thêm. Và, dường như, họ càng bực tức thêm khi thấy các môn đồ bất lực không làm chi được. Người cha dường như đang tỏ ra các dấu hiệu cho thấy sự bực bội. Từ câu chuyện của Mác, rõ ràng là các nhà lãnh đạo tôn giáo, “mấy thầy thông giáo” (Mác 9.14), đã nắm lấy cơ hội nầy để quấy rối chín môn đồ nầy. Chắc chắn họ đã có cơ hội, vì các môn đồ không hề tạo ra được một kết quả nào. Các môn đồ đã làm cho người ta biện bác, Mác đã cho chúng ta biết như vậy. Và để thêm vào với sự thất bại của họ, trong khi các môn đồ không có quyền đuổi quỷ ra khỏi cậu bé, họ đã đến gặp một người đuổi quỷ rất thành công, và người ấy không thuộc trong nhóm của họ (đối chiếu Luca 9.49). Và đây là lời lẽ của Chúa chúng ta:
“Hỡi dòng dõi không tin và bội nghịch kia, ta ở với các ngươi và nhịn các ngươi cho đến chừng nào?” (Luca 9.41).
Dứt khoát phải có điều chi đó là sai lầm. Khám phá ra điều chi đó là sai chính là mục đích của bài học nầy. Tôi tin chắc rằng chính những điều ác đã hành hại các môn đồ của Chúa chúng ta đã tiếp tục hành hại các thánh đồ và nhiều Hội thánh của Chúa chúng ta xuyên suốt cõi lịch sử của Hội thánh. Chúng ta hãy xét xem đâu là các điều ác nầy.
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Những phân chia chủ yếu của phần còn lại của chương 9 có thể được tóm tắt như sau:
9.37-43a – Sự thất bại của các môn đồ: Đứa con trai bị quỷ ám
9.43b-45 – Các môn đồ bị mất tinh thần: Sự chết hầu đến của Chúa Jêsus
9.46-48 – Tranh cãi của các môn đồ: Ai lớn nhất?
9.49-50 – Tình trạng khó xử của các môn đồ: Tranh cạnh
9.51-56 – Ao ước của các môn đồ: “Lửa” thiêu người Samari
Sự thất bại của các môn đồ (9.37-43a)
“Bữa sau, khi Chúa cùng môn đồ từ núi xuống, có đoàn dân đông đến đón rước Ngài. Một người trong đám đông kêu lên rằng: Lạy thầy, xin thầy đoái đến con trai tôi, vì là con một tôi. Một quỉ ám nó, thình lình kêu la; quỉ vật vã nó dữ tợn, làm cho sôi bọt miếng, mình mẩy nát hết, rồi mới ra khỏi. Tôi đã xin môn đồ thầy đuổi quỉ đó, nhưng họ đuổi không được. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi dòng dõi không tin và bội nghịch kia, ta ở với các ngươi và nhịn các ngươi cho đến chừng nào? Hãy đem con của ngươi lại đây. Đứa con trai vừa lại gần, quỉ xô nó nhào xuống đất, và vật vã dữ tợn. Song Đức Chúa Jêsus quở nặng tà ma, chữa lành con trẻ ấy, và giao lại cho cha nó. Ai nấy đều lấy làm lạ về quyền phép cao trọng của Đức Chúa Trời. Khi mọi người đang khen lạ các việc Đức Chúa Jêsus làm” (Luca 9.37-43).
Khi Chúa Jêsus vắng mặt rồi, chín môn đồ vẫn cứ dạn dĩ trước yêu cầu của người cha là phải đuổi quỷ dữ ra khỏi con trai của ông ta. Con quỷ đã gây ra những triệu chứng như chứng động kinh, giữa vòng các triệu chứng khác. Đứa con trai đó kêu thét, bị chấn động, sôi bọt miếng (Luca 9.39). Con quỷ cũng ra sức huỷ diệt đứa con trai bằng cách khiến cho nó té ngã vào lửa hay vào nước (Mathiơ 17.15). Nhưng như thế vẫn chưa phải là hết đâu. Nó cũng bị một tà linh ám, tà linh nầy Chúa Jêsus gọi là “quỷ câm và điếc” (Mác 9.25). Rốt lại, đời sống của đứa con trai nầy đang ở trong tầm nguy hiểm và đời sống nó là một trong những sự hành hạ đau đớn lắm, chúng ta chưa nhắc tới chỗ đau thương mà điều nầy đã gây ra cho bố mẹ nó nữa. Người cha hoàn toàn tuyệt vọng, song các môn đồ đã thất bại trong mọi nổ lực của họ để đuổi con quỷ ra.
Một đoàn dân đông đã tụ tập lại quanh chín môn đồ, dường như không phải là một đám đông thân thiện đâu, vì giữa vòng họ là “các thầy thông giáo”, họ đang cãi lẽ với các môn đồ (đối chiếu Mác 9.14). Đám đông rất vui khi nhìn thấy Chúa Jêsus trở lại và họ lấn ép Ngài. Người cha với đứa con bị quỷ ám đã nài xin Chúa Jêsus giải thoát đứa trẻ khỏi cảnh bị quỷ ám. Ông ta mau mắn nói rằng mình đã nài xin các môn đồ đuổi quỷ, song họ chẳng có quyền chi hết.
Phần đáp ứng của Chúa khiến cho chúng ta phải lưu ý:
“Hỡi dòng dõi không tin và bội nghịch kia, ta ở với các ngươi và nhịn các ngươi cho đến chừng nào?” (Luca 9.41).
Chúa chúng ta đang phán với ai, khi Ngài thốt ra câu nói nầy? Có phải Ngài đang phán với người cha, phán với đoàn dân đông, hay phán với các môn đồ? Sự hiểu biết của tôi, dựa theo sự lựa chọn của Chúa chúng ta ở từ ngữ “dòng dõi”, ấy là Chúa Jêsus đã nói với mọi người: Người cha, các môn đồ, thầy thông giáo, và đoàn dân đông.
“Người cha không có lòng tin”, như câu chuyện của Mác chỉ ra rõ ràng hơn:
“Quỉ đã lắm phen quăng nó trong lửa và dưới nước, để giết nó đi; nhưng nếu thầy làm được việc gì, xin thương xót chúng tôi và giúp cho! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Sao ngươi nói: Nếu thầy làm được? Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả. Tức thì cha đứa trẻ la lên rằng: Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi!” (Mác 9.22-24).
Tuy nhiên, chẳng phải chỉ có người cha không tin, vì các môn đồ cũng không tin, theo câu chuyện của Mathiơ:
“Môn đồ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus, mà hỏi riêng rằng: Vì cớ gì chúng tôi không đuổi quỉ ấy được? Ngài đáp rằng: Ấy là tại các ngươi ít đức tin: vì ta nói thật cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được. Nhưng thứ quỉ nầy nếu không cầu nguyện và không kiêng ăn thì chẳng trừ nó được” (Mathiơ 17.19-21).
Nếu lời lẽ bực tức của Chúa tỏ ra cho chúng ta thấy một việc gì đó, thì rõ ràng chính sự vô tín đã làm phiền lòng Ngài biết bao. Lời lẽ của Ngài còn tỏ ra nổi buồn khổ mà sự hoá thân thành nhục thể của Ngài đã gây ra cho Ngài. Thật là dễ dàng cho Chúa chúng ta ở lại trên thiên đàng hơn là đến với trần gian, để ngự giữa vòng những con người tội lỗi, vô tín.
Hãy suy nghĩ điều nầy trong một phút, Đức Chúa Trời không cần phải ngự đến giữa vòng loài người, giống như Đấng Christ đã làm trong sự Ngài hoá thân thành nhục thể. Đức Chúa Trời không cần phải ngự đến để giải cứu loài người, là điều mà sự hoá thân thành nhục thể của Ngài có mục đích phải hoàn thành. Đức Chúa Trời cũng không cần phải sử dụng con người để đem tin lành đến với nhiều người khác.
Có lẽ chúng ta cần phải hiểu rõ hơn sự thất vọng của Chúa chúng ta đối với con người, kể cả mọi hạng người (có lẽ đặc biệt là tại điểm nầy) trong đó có các môn đồ, bằng cách tra xét phương thức mà Đức Chúa Trời thường chọn để “làm mọi việc”. Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời thường dùng các thiên sứ để làm thành các mục đích của Ngài. Quý vị có nghĩ tới một trường hợp có thiên sứ đã bàn bạc với Đức Chúa Trời về việc Ngài sẽ làm, hay Ngài sẽ thực hiện công việc đó bằng cách nào chăng? Còn bây giờ hãy suy nghĩ về các môn đồ. Họ thường khác biệt với Chúa. Phierơ hay đề ra cho Chúa Jêsus một số việc (đối chiếu Mathiơ 16.22-23). Quý vị có bao giờ nghĩ tới thời điểm mà thiên sứ không làm được việc của mình không? Nhưng ở đây, cũng như ở chỗ khác, các môn đồ đã thất bại. Không có gì phải lấy làm lạ khi thấy Chúa Jêsus đã xem thời điểm Ngài ở lại với loài người theo các giới hạn của sự chịu khổ. Đức Chúa Trời đang chịu khổ do sự cứng lòng, do sự vô tín của chúng ta. Đó là một lý do mà Ngài phải buồn rầu. Dù vậy, Ngài đang mang lấy gánh nặng nầy vì ích cho chúng ta. Ngài chịu đựng tội lỗi của chúng ta, đặng giải cứu chúng ta, và thậm chí sử dụng chúng ta để đạt được mọi mục đích của Ngài ở trên đất. Đây là một trong những điều kỳ diệu của mọi thời đại – ấy là Đức Chúa Trời ở cùng một phía với con người.
Những gì các môn đồ không làm được Chúa Jêsus đã làm được, bằng cách phán ra một lời mà thôi. Ma quỷ loạn nghịch ám vào đứa con trai đã bật ra vẻ ngang ngạnh sau cùng, rồi xuất ra khỏi cậu bé trai kia. Mọi người đều kinh ngạc nơi quyền phép của Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra qua Chúa Jêsus.
Các môn đồ đều bối rối. Họ không hiểu nổi trong quá khứ họ có thể đuổi quỷ được, còn bây giờ thì không. Cả Mathiơ và Mác đều ghi lại thắc mắc của từng môn đồ: không biết tại sao họ không thể đuổi con quỷ nầy được:
“Khi Đức Chúa Jêsus vào nhà rồi, môn đồ hỏi riêng Ngài rằng: Sao chúng tôi đuổi quỉ ấy không được? Ngài đáp rằng: Nếu không cầu nguyện, thì chẳng ai đuổi thứ quỉ ấy ra được” (Mác 9.28-29).
“Môn đồ bèn đến gần Đức Chúa Jêsus, mà hỏi riêng rằng: Vì cớ gì chúng tôi không đuổi quỉ ấy được? Ngài đáp rằng: Ấy là tại các ngươi ít đức tin: vì ta nói thật cùng các ngươi, nếu các ngươi có đức tin bằng một hột cải, sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua, và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được. [Nhưng thứ quỉ nầy nếu không cầu nguyện và không kiêng ăn thì chẳng trừ nó được]” (Mathiơ 17.19-21).
Tôi lấy làm lạ không biết tại sao Luca không đề cập đến phần nầy. Tại sao ông không nói cho chúng ta biết nan đề và cung ứng cho chúng ta manh mối cho giải pháp của nan đề đó? Sau khi suy nghĩ tìm tòi, tôi thấy rằng chỉ có câu chuyện của Luca nói về sự cố nầy được một sách khác nối theo sau – là sách Công vụ các sứ đồ. Sách Công vụ các sứ đồ mô tả sự đảo ngược các nan đề đã được tỏ ra trong đời sống của các môn đồ tại thời điểm nầy. Các môn đồ đang chịu khổ, giống như Chúa Jêsus đã chịu, do sự vô tín, do thiếu đức tin. Lý do cho sự chịu khổ nầy là vì họ thiếu cầu nguyện. Rồi kết quả là thiếu thiếu quyền năng. Trong sách Công vụ các sứ đồ chúng ta thấy đức tin, sự cầu nguyện và quyền năng. Luca đang lưu lại các tin tức tốt lành, giải pháp, trong sách thứ hai của ông. Mathiơ và Mác cung ứng cho chúng ta giải pháp ngay tức thì, vì họ không có viết sách nào khác nữa. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn về sự kiện nầy về sau.
Các môn đồ mất tinh thần (9.43b-45)
Khi các môn đồ còn ở với Chúa trong xứ Galilê (Mathiơ 17.22; Mác 9.30), Chúa Jêsus một lần nữa thông báo cho họ biết về sự chết và sự sống lại hầu đến của Ngài:
“Ai nấy đều lấy làm lạ về quyền phép cao trọng của Đức Chúa Trời. Khi mọi người đang khen lạ các việc Đức Chúa Jêsus làm, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Về phần các ngươi, hãy nghe kỹ điều ta sẽ nói cùng: Con người sẽ bị nộp trong tay người ta. Nhưng các môn đồ không hiểu lời ấy, vì đã che khuất cho mình để chẳng rõ nghĩa làm sao; và sợ không dám hỏi Ngài về lời ấy” (Luca 9.43b-45).
Chúa Jêsus bắt đầu bằng cách bảo các môn đồ “hãy nghe kỹ”. Một từ ngữ đặc biệt có ý nghĩa cho ba người, họ đã nghe lời dạy của Đức Chúa Cha phải “nghe” theo Chúa Jêsus, là Đấng Mêsi (Luca 9.35). Một lần nữa, Ngài tiếp tục nói về sự chết và sự sống lại hầu đến của Ngài. Các môn đồ không hiểu Ngài muốn nói gì, mặc dù họ rất buồn khi nghe lời lẽ của Ngài (Mathiơ 9.23). Họ sợ không dám hỏi Ngài về Lời ấy (Luca 9.45).
Các môn đồ biện luận (9.46-48)
“Các môn đồ biện luận cùng nhau cho biết ai là lớn hơn hết trong hàng mình. Nhưng Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng trong lòng môn đồ, thì lấy một đứa con trẻ để gần mình, mà phán rằng: Hễ ai vì danh ta mà tiếp con trẻ nầy, tức là tiếp ta; còn ai tiếp ta, tức là tiếp Đấng đã sai ta. Vì kẻ nào hèn mọn hơn hết trong vòng các ngươi, ấy chính người đó là kẻ cao trọng” (Luca 9.46-48).
Các môn đồ đã sợ không dám hỏi Chúa Jêsus về sự chết của Ngài, nhưng họ lại thẳng thừng hoặc chẳng thấy xấu hổ khi hỏi Ngài về địa vị của họ trong vương quốc. Luca cho chúng ta biết rằng các môn đồ đã biện luận giữa vòng họ về việc ai là người cao trọng nhất. Chúa Jêsus, vốn biết rõ mọi động lực của họ, đã đưa vấn đề ra cho họ. Mathiơ nói cho chúng ta biết khi các môn đồ đến với Chúa Jêsus, họ không hỏi thẳng Ngài về địa vị hay sự cao trọng của họ, song họ lại vén lên lòng tham vọng của họ.
“Trong lúc đó, môn đồ lại gần Đức Chúa Jêsus, mà hỏi rằng: Ai là lớn hơn hết trong nước thiên đàng? Đức Chúa Jêsus gọi một đứa trẻ đến, để ở giữa môn đồ, mà phán rằng: quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu. Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng. Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta” (Mathiơ 18.1-5).
Cuộc biện luận của các môn đồ về sự cao trọng của họ có lẽ bị ngưng lại bởi tai vạ mà chín người kia đã kinh nghiệm với đứa con trai bị quỷ ám. Khi mười hai người có đủ mặt rồi, ba người vừa ở trên núi xuống đều có kinh nghiệm riêng thật vinh hiển về sự hoá hình, trong khi chín người kia thì thất bại trong việc đuổi quỷ ra khỏi đứa bé trai kia. Tôi có thể hình dung được rất dễ dàng cuộc biện luận đã nổ ra như thế nào. “Nầy, các ông nói là các ông không thể đuổi quỷ ra khỏi đứa bé trai nầy à? Đúng rồi, khi Giăng và tôi đi ra, chúng tôi đã thực sự đổi quỷ chạy dài, có phải không Giăng? Mấy ông chắc phải cần tới một chuyên gia quá”. Thật là dễ dàng cho ba người này đánh giá thấp tình trạng thuộc linh của chín người kia là dường nào.
Bài học mà Chúa Jêsus đã dạy cho các môn đồ của Ngài là một bài học rất thú vị. Ngài ẳm lấy đứa trẻ rồi phán rằng ai phục vụ cho đứa trẻ đó trong danh của Ngài chắc chắn là đang phục vụ Ngài. Tôi nghĩ tôi biết lý do tại sao Chúa Jêsus thấy sử dụng bài học nầy là điều cần thiết. Nếu quý vị có lòng quan tâm về thân thế của mình trong việc truyền giáo, quý vị đánh giá tầm quan trọng chức vụ của mình bằng tầm quan trọng của khán thính giả. Phục vụ cho một “nhân vật quan trọng” thực ra là trở thành một nhân vật quan trọng. Phục vụ cho người không quan trọng – một đứa trẻ – là có một chức vụ không quan trọng, và vì thế tương đương với việc mình chẳng có gì là quan trọng hết. Đây là quan điểm của người ngoại, song dường như đây cũng là quan điểm của các môn đồ ở đây. Và, đó là khuôn mẫu suy tưởng của Cơ đốc nhân xuyên suốt các thời đại. Giữa vòng các vị Mục sư, quý vị nghĩ ai có Hội thánh lớn, Hội thánh giàu có nhất, Hội thánh phát triển nhanh nhất, hội chúng tăng trưởng nhất là tầm thường sao? Quý vị có đánh cuộc không, và động lực ở đàng sau hệ thống giá trị đã hình thành các môn đồ của Chúa chúng ta. Chúa Jêsus dạy rằng quý vị phục vụ ai thì không phải là vấn đề vì mọi chức vụ đều phục vụ cho Đấng Christ và vì Đấng Christ cả thảy thôi. Tiếp đón một đứa trẻ là tiếp đón Ngài. Phục vụ một đứa trẻ là hầu việc Ngài.
Đây là bài học mà nhiều người trong chúng ta cần phải tiếp thu. Nhiều lần tôi có nghe ai đó nói (hay ám chỉ) khi xung phong vào một chức vụ dường như chẳng “xứng đáng gì cho lắm”, thực sự họ đã có trong trí đấy là chức vụ “quan trọng hơn” rồi. Thường thì điều nầy cũng lý giải cho người nhận chức vụ thấy mình to lớn, quan trọng hơn và địa vị chức vụ có ra gì rồi. Chúa Chúng ta dạy rằng mọi sự suy tưởng như thế là phi Cơ đốc. Đấy chỉ là tranh cạnh và tham vọng được chiếc áo choàng mộ đạo che phủ mà thôi.
Tình trạng khó xử của các môn đồ (9.49-50)
Tranh cạnh (vì tranh cạnh thực sự là do tham vọng tạo ra) không những được thấy rõ qua các hình thái có thật nhiều mặt, mà nó còn được thấy rõ qua nhiều thủ thuật đa dạng nữa. Vì thế, chúng ta bước qua sự cố kế tiếp trong tin lành của Luca, trường hợp người đuổi quỷ không được ưa chuộng, Không được phong chức, không được xem là có tư cách để đuổi quỷ.
“Giăng cất tiếng nói rằng: Thưa thầy, chúng tôi từng thấy có kẻ nhân danh thầy mà trừ quỉ; chúng tôi đã cấm họ, vì không cùng chúng tôi theo thầy. Nhưng Đức Chúa Jêsus phán rằng: Đừng cấm họ, vì ai không nghịch cùng các ngươi, là thuận với các ngươi” (Luca 9.49-50).
Rõ ràng là các môn đồ đã không thành công trong việc ngăn chận thầy phù thuỷ nầy, vì họ thưa với Chúa rằng họ đã cố sức cấm họ. Há chẳng thú vị sao, khi nhóm người nầy từng đấu đá với nhau về địa vị cũng quay ra chống cự với người có một chức vụ thật thành công. Nếu họ không thể đuổi quỷ được, tại sao họ đã để cho “người ngoài” làm công việc đó? Chúa Jêsus đáp ứng bằng cách quở trách các môn đồ, Ngài nhắc cho họ nhớ hễ ai không chống nghịch họ, người ấy đang làm lành trong danh của Ngài, chớ không phải là kẻ thù.
Ao ước của các môn đồ: Thiêu đốt người Samari (9.51-56)
“Khi gần đến kỳ Đức Chúa Jêsus được đem lên khỏi thế gian, Ngài quyết định đi thành Giê-ru-sa-lem. Ngài sai kẻ đem tin đi trước mình. Họ ra đi, vào một làng của người Sa- ma-ri, để sửa soạn nhà trọ cho Ngài; song người Sa-ma-ri không tiếp rước Ngài, vì Ngài đi thẳng lên thành Giê- ru-sa-lem. Gia-cơ và Giăng là môn đồ Ngài, thấy vậy, nói rằng: Thưa Chúa, Chúa có muốn chúng tôi khiến lửa từ trên trời xuống thiêu họ chăng? Nhưng Đức Chúa Jêsus xây lại quở hai người, mà rằng: Các ngươi không biết tâm thần nào xui giục mình. Rồi Ngài cùng môn đồ đi qua làng khác” (Luca 9.51-56).
Thực sự đây là một việc rất mỉa mai. Chúa thường hay lặp đi lặp lại, Ngài dạy các môn đồ rằng Ngài sẽ bị người Do thái chối bỏ và đặc biệt là các cấp lãnh đạo tôn giáo của người Do thái. Giờ đây Ngài tuyệt đối hướng thẳng về thành Giêrusalem, sự chối bỏ và sự chết của Ngài không bao lâu nữa sẽ diễn ra ở đây. Trên đường đi đến thành phố nầy, là thành phố đã chối bỏ Vua của nó. Chúa đi ngang qua thành Samari. Quyết tâm của Chúa chúng ta được phản ảnh trong Giăng chương 4, ở đây Giăng nói cho các độc giả của mình biết Chúa Jêsus: “phải đi ngang qua xứ Samari” (Giăng 4.4). Ở thành phố đặc biệt nầy, Chúa cùng các môn đồ của Ngài đã bị chối bỏ, không phải vì họ là người Do thái đâu, mà vì họ đã hướng về thành Giêrusalem.
Hai trong số ba môn đồ cùng đi với Chúa Jêsus trên núi hoá hình, Giacơ và Giăng đã lên mình. Sự căm phẫn lộ ra nơi họ. Họ đã xin phép Chúa “thiêu người Samari” bằng cách gọi lửa từ trời xuống giáng trên người Samari, giống như Êli (là Đấng mà họ mới vừa nhìn thấy trên ngọn núi hoá hình) đã làm cho các binh lính Ysơraên được sai đi nghịch cùng ông trong II Các Vua chương 1, mấy tên lính nầy đã hành động giống như người Samari ở đây. Giacơ và Giăng, giống như Giôna, chỉ nghĩ kẻ thù của họ đáng phải lãnh chịu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời hơn là nếm trải ân điển của Ngài. Các môn đồ vô cùng thích thú muốn gọi lửa từ trời giáng xuống để tiêu diệt kẻ thù của mình.
Chúa Jêsus đã quở trách họ. Đây là bức màn mỏng thành kiến về chủng tộc và văn hoá đã tác động vào các môn đồ, không phù hợp với tâm tình hay mục đích của sự Chúa Jêsus đến với trần gian. Ngài đã đến để giải cứu, chớ không phải để huỷ diệt. Và cái điều thú vị nhất: ấy là động lực của các môn đồ trong việc muốn “thiêu người Samari” cũng giống như động lực của người Samari không muốn tiếp đón họ vì họ đang trên đuờng tới thành Giêrusalem – chủ nghĩa chủng tộc. Các môn đồ thấy người Samari chỉ đáng chết vì thành kiến của họ, song không công nhận chính điều ác ấy nơi bản thân họ.
Phần kết luận
Phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta tỏ ra một vài nan đề nghiêm trọng mà các môn đồ cần phải xử lý với. Không những đây là các nan đề đã hành hại và làm cho các môn đồ của Chúa phải bị tê liệt, chúng còn là những nan đề làm ngăn trở các thánh đồ và Hội thánh xuyên suốt lịch sử của Hội thánh. Trước tiên chúng ta hãy tóm tắt các thất bại của các môn đồ, như đã được thấy trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay:
Nan đề 1: Các môn đồ đã chịu khổ do thiếu quyền năng.
Khi người cha tuyệt vọng đến nài xin đuổi quỷ ra khỏi con mình, chín môn đồ không thể làm được chuyện đó. Tình trạng bất lực của các môn đồ được làm cho nổi bật lên do một người khác không thuộc nhóm của họ, người nầy đã thành công trong việc đuổi quỷ (đối chiếu Luca 4.49). Ấy không phải là các môn đồ chưa làm việc nầy trước đó (Luca 9.1-6), mà vì họ không thể làm được.
Tình trạng bất khả của các môn đồ không chữa lành được cho đứa trẻ bị quỷ ám không phải là thiếu quyền năng, vì lời lẽ của Chúa chúng ta nói rất rõ ràng là họ có thể đuổi quỷ ra khỏi đứa trẻ nếu họ đã cầu nguyện và kiêng ăn. Họ không kinh nghiệm được quyền phép của Đức Chúa Trời vì hai lý do chính:
+ Họ không thấy mình phải nương cậy nơi Chúa để nhận lấy quyền phép.
+ Họ đã lạm lụng quyền phép nầy, thậm chí cả địa vị của họ nữa, hoặc để phán xét kẻ thù của mình (thí dụ, người Samari).
Nan đề 2: Các môn đồ đã chịu khổ do thiếu sự hiệp một.
Các môn đồ bị đánh dấu bằng sự chia rẻ ở thời điểm nầy. Họ đang ranh cãi với “các thầy thông giáo” (Mác 9.14). Họ đang biện luận với nhau (Luca 9.46; Mác 9.33). Thậm chí họ đang tìm cách ngăn trở chức vụ của một người đã đuổi quỷ trong danh của Chúa Jêsus, song đây không phải là người trong nhóm của họ (Luca 9.49).
Nan đề 3: Các môn đồ đã chịu khổ do thiếu lòng thương xót.
Khi các môn đồ xin phép Chúa Jêsus để “thiêu” thành phố Samari, lời cầu xin của họ để lộ ra nét yếu đuối quan trọng khác. Lời cầu xin ấy để lộ ra thành kiến từng ăn sâu trong lòng họ, loại thành kiến đã ngăn trở Hội thánh và là một sự sỉ nhục trực tiếp tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ (đối chiếu Công vụ các sứ đồ 15; Galati 2.11-21). Trong khi dấu hiệu bên ngoài cho thấy đó là sự tàn nhẫn và khắc nghiệt, vấn đề gốc rễ còn gây chết người nhiều hơn – đó là sự tự xưng công bình. Các môn đồ, giống như người Do thái trong thời buổi của họ, họ cảm thấy họ siêu việt hơn người Samari. Họ xem khinh người Samari “hạ cấp” kia, y như các thầy thông giáo và người Pharisi có thái độ khinh khỉnh đối với hạng “tội nhân”, bây giờ họ nhìn biết rằng bản thân họ chính là tội nhân.
Các môn đồ đã bày tỏ ra chính tâm tình mà chúng ta đã nhìn thấy nơi tiên tri Giôna – thái độ tự xưng công bình đó kháng cự lại việc rao giảng tin lành cho những người thuộc chủng tộc khác, thay vì thế họ ưa thấy sự tiêu diệt chủng tộc đó hơn. Đây chính là thái độ rất thịnh hành của Do thái giáo trong thời của Chúa Jêsus. Đây là lý do tại sao khán thính giả một thời say mê trong nhà hội của thành Naxrét (đối chiếu Luca 4.1…) thình lình chuyển hướng đối với Chúa Jêsus, khi Ngài đưa ra vấn đề ơn phước cho dân Ngoại trong quá khứ.
Phần ứng dụng của phân đoạn Kinh Thánh nầy dựa trên một nguyên tắc rất đơn giản, song rất quan trọng: KHÔNG CÓ MỘT THỬ THÁCH NÀO KHÔNG PHẢI LÀ TẦM THƯỜNG ĐỐI VỚI CON NGƯỜI, CŨNG VẬY, CHẲNG CÓ MỘT TỘI LỖI NÀO KHÔNG PHẢI LÀ TẦM THƯỜNG ĐỐI VỚI CON NGƯỜI.
Mọi tội lỗi của các môn đồ không phải là khác thường, song lại rất tầm thường giống như sự lạnh lẽo vậy. Khi chúng ta tìm cách học cho biết phân đoạn Kinh Thánh nầy ứng dụng thể nào cho chúng ta, chúng ta phải công nhận rằng các nan đề của hàng môn đồ đều là những nan đề hiển nhiên trong Hội thánh xuyên suốt lịch sử Hội thánh, và chúng đang ngăn trở Hội thánh cho tới ngày hôm nay. Chúng ta phải thấy việc thiếu quyền phép, thiếu hiệp một, và thiếu hiệp một là tệ nạn của mọi người, chớ không phải chỉ có nơi các môn đồ thôi đâu.
Vệc thiếu quyền phép không chỉ là triệu chứng của một nan đề trong đời sống của chín môn đồ kia; nó còn là triệu chứng của một Hội thánh xanh xao vì thiếu máu nữa. Phaolô đã viết về các Hội thánh đó trong những ngày sau rốt, họ sẽ “giữ đều nhơn đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhơn đức đó” (II Timôthê 3.5). Hội thánh Sạtđe dường như chịu khổ do thờ ơ, có tiếng là sống, mà là chết (Khải huyền 3.1-6). Theo ý của tôi thì Hội thánh ngày hôm nay đang chịu khổ do thiếu quyền phép, bắt rễ từ việc chẳng cầu nguyện, nguồn gốc của việc ấy là do thiếu đức tin. Nếu chúng ta thực sự tin rằng Đức Chúa Trời có quyền làm: “trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Êphêsô 3.20), chúng ta càng phải cầu nguyện nhiều hơn, và quyền phép của Đức Chúa Trời sẽ ngày càng hiện hữu giữa vòng chúng ta. Các môn đồ chẳng có gì khác biệt lắm với chúng ta đâu, có phải không?
Tình trạng không đoàn kết và chia rẻ đã và đang tiếp tục hành hại Hội thánh của Đức Chúa Jêsus Christ, cũng một thể ấy với các môn đồ. Hội thánh tại thành Côrinhtô rõ ràng là một Hội thánh chia rẻ. Họ phân chia tuỳ theo cấp lãnh đạo (I Côrinhtô 1.10-12), tuỳ theo người làm phép báptêm cho họ (đối chiếu I Côrinhtô 1.13-17), tuỳ theo quyền lợi cá nhân (I Côrinhtô 6.6-13), và tuỳ theo các ân tứ thuộc linh của họ (đối chiếu I Côrinhtô 12.1…). Tranh cạnh và phân rẻ thường thấy có trong các Hội thánh thời Tân ước (đối chiếu Galati 5.15; Philíp 4.2; Giacơ 4.1-2). Ở nước Mỹ, thành công là tiêu chuẩn giá trị của một người. Tranh cạnh là danh xưng của một trò chơi, chớ không phải là danh xưng của sự cộng tác. Hội thánh chia rẻ, các sự phân chia theo hệ phái, cùng các hình thái tranh cạnh khác đều là các sự cố rũ rích. Nỗi khó của các môn đồ cũng chính là nỗi khó của chúng ta.
Thiếu lòng thương xót cũng là một nan đề rất phổ thông. Các tiên tri thời Cựu ước thường kêu nài dân Ysơraên phải bày tỏ ra lòng thương xót. Tiên tri Giôna là mẫu người Ysơraên với sự tàn nhẫn và thiếu lòng thương xót khi nhìn về kẻ thù, là người Ninive. Chúng ta cũng thiếu lòng thương xót nữa. Khi chúng ta nghe nói về người đồng tình luyến ái, ngã chết vì SIDA, hết thảy chúng ta thường thấy thoả lòng ở trường hợp nầy – “Đáng đời” chúng ta nói nhỏ ở trong lòng. Và dân Ysơraên cũng vậy. nhưng chúng ta cũng đáng phải gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Tội lỗi của chúng ta cũng như tội lỗi của họ rất gớm ghiếc đối với Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta thấy thích cho kẻ thù của chúng ta phải gánh chịu cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời hơn là lãnh lấy ân điển Ngài. Chúng ta thường khó chịu và chai lì trước sự đau khổ của nhiều người nam và người nữ sống quanh chúng ta. Chúng ta xưng công bình tính khắc nghiệt của chúng ta bằng cách nghĩ rằng tội lỗi là lý do cho sự khổ sở của nhiều người khác, và sự công bình ấy là nền tảng phước hạnh của chúng ta.
Hiện chúng ta đang cần phải công nhận một nguyên tắc khác, điều nầy rất cần thiết nếu chúng ta hiểu rõ phân đoạn nầy trong tin lành của Luca: TỘI LỖI THƯỜNG CÓ MỘT CÁI MẠNG CHE RẤT ĐẠO ĐỨC, MỘT LỚP ĐƯỜNG TÔN GIÁO PHỦ NGOÀI, LÀM CHO TỘI LỖI CÓ BỀ NGOÀI THẬT ĐÁNH KÍNH NỂ.
Không một tội nào trong ba tội của các môn đồ được họ nhìn nhận là tội lỗi cả. Thật vậy, dường như họ nghĩ là mọi thái độ, hành vi của họ đều rất xứng đáng. Tội lỗi cũng giống như vậy. Có người bị tội lỗi cám dỗ bằng cách nhìn biết đó là sai (“nước ăn cắp lấy làm ngọt ngào, Châm ngôn 9.17), nhưng tội lỗi đặc biệt quyến rũ đối với con người tôn giáo khi họ nghĩ đó là xứng đáng. Các môn đồ đã tưởng sự căm phẫn và dự tính của họ khi muốn đốt thành Samari là công bình. Không nghi ngờ chi nữa, họ đã xem việc “trước tiên tìm kiếm nước thiên đàng” là một mục tiêu tối thượng. Và họ đang bênh vực Chúa Jêsus bằng cách ra sức ngăn cấm một người không chính đáng đừng đuổi quỷ nữa. Chúng ta xưng công bình mọi tội lỗi mình khi cảm thấy rằng mình có quyền làm điều đó. Phải tỉnh thức đối với tội lỗi với vẻ bề ngoài thật kỉnh kiền!
Có một nguyên tắc khác cũng rất quan trọng cho sự giải thích và ứng dụng phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, và nguyên tắc đó là: MỘT SỐ TỘI LỖI CÓ TÍNH CHẤT TRIỆU CHỨNG, BẮT RỄ TỪ CÁC TỘI LỖI KHÁC, PHẢI ĐƯỢC NHẬN DẠNG VÀ XỬ LÝ NẾU CHÚNG TA ĐÃ ĐƯỢC BUÔNG THA ĐỐI VỚI TỘI LỖI.
Tội nói dối của Ápraham (về lai lịch của vợ mình, là Sara – đối chiếu Sáng thế ký 12.10-20; 20.1-18) đã bắt rễ từ một tội lỗi rất sâu kín – thiếu đức tin. Mãi cho tới khi đức tin của Ápraham lớn lên thì tội nói dối của ông mới được cứu chữa. Cũng vậy, với loại “tội lỗi mang tính chất triệu chứng” của các môn đồ. Từng tội lỗi của các môn đồ đã bắt rễ từ một tội lỗi rất sâu kín:
TỘI LỖI GỐC RỄ
SINH RA TỘI LỖI CÓ TÍNH CHẤT TRIỆU CHỨNG
TỰ MÃN
THIẾU CẦU NGUYỆN VÀ THIẾU QUYỀN PHÉP
TƯ LỢI
TRANH CẠNH VÀ THIẾU HIỆP MỘT
TỰ XƯNG CÔNG BÌNH
THIẾU LÒNG THƯƠNG XÓT

Việc công nhận mọi nan đề của các môn đồ và việc nhìn biết chúng ta chia sẻ chúng không giải thích cho chúng ta biết các nan đề nầy sẽ được giải quyết như thế nào. Có người chỉ ra sách Công vụ các sứ đồ để tìm giải pháp. Khi chúng ta đến với sách Công vụ các sứ đồ, chúng ta khám phá ra một sự thay đổi quan trọng trong đời sống của các môn đồ ngay những lãnh vực mà chúng ta đang bàn bạc. Hãy chú ý mấy câu nầy:
“Khi chúng đã tha ra, hai người đến cùng anh em mình, thuật lại mọi điều các thầy tế lễ cả và các trưởng lão đã nói. Mọi người nghe đoạn, thì một lòng cất tiếng lên cầu Đức Chúa Trời rằng: Lạy Chúa, là Đấng dựng nên trời, đất, biển, cùng muôn vật trong đó, và đã dùng Đức Thánh Linh, phán bởi miệng tổ phụ chúng tôi, tức là đầy tớ Ngài, là vua Đa-vít, rằng: Vì sao các dân nổi giận, Lại vì sao các nước lập mưu vô ích? Các vua trên mặt đất dấy lên, Các quan hiệp lại, Mà nghịch cùng Chúa và Đấng chịu xức dầu của Ngài… Vả, Hê-rốt và Bôn-xơ Phi-lát, với các dân ngoại, cùng dân Y-sơ-ra-ên thật đã nhóm họp tại thành nầy đặng nghịch cùng Đầy tớ thánh Ngài là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã xức dầu cho, để làm mọi việc tay Ngài và ý Ngài đã định trước. Nầy, xin Chúa xem xét sự họ ngăm dọa, và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ, giơ tay Ngài ra, để nhờ danh Đầy tớ thánh của Ngài là Đức Chúa Jêsus, mà làm những phép chữa lành bịnh, phép lạ và dấu kỳ. Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ. Vả, người tin theo đông lắm, cứ một lòng một ý cùng nhau. Chẳng ai kể của mình là của riêng; nhưng kể mọi vật là của chung cho nhau. Các sứ đồ lại lấy quyền phép rất lớn mà làm chứng về sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ; và hết thảy đều được phước lớn. Vì trong tín đồ không ai thiếu thốn cả, bởi những người có ruộng hay nhà, đều bán đi, bán được bao nhiêu tiền cũng đem đến đặt dưới chân các sứ đồ; rồi tùy theo sự cần dùng của mỗi người mà phát cho” (Công vụ các sứ đồ 4.23-35).
“Bấy giờ, có nhiều phép lạ dấu kỳ được làm ra trong dân bởi tay các sứ đồ; và các môn đồ đều hiệp một lòng nhóm nhau dưới hiên cửa Sa-lô-môn. Dầu vậy, chẳng một kẻ nào khác dám nhập bọn với môn đồ, nhưng dân chúng thì cả tiếng ngợi khen. Số những người tin Chúa cùng ngày càng thêm lên, nam nữ đều đông lắm, đến nỗi người ta đem kẻ bịnh để ngoài đường, cho nằm trên giường nhỏ hoặc trên chõng, để khi Phi-e-rơ đi ngang qua, bóng của người ít nữa cũng che được một vài người. Dân sự ở các thành lân cận cũng lũ lượt kéo tới thành Giê-ru-sa-lem, đem đến những người đau ốm và kẻ bị tà ma khuấy hại, thì hết thảy đều được chữa lành” (Công vụ các sứ đồ 5.12-16).
Trong chỗ tự mãn và thiếu quyền năng, chúng ta thấy đức tin, sự cầu nguyện, và quyền phép của Đức Chúa Trời tỏ ra trong đời sống của các môn đồ. Trong chỗ tự lo cho mình trước, tranh cạnh, và bất hoà, chúng ta thấy sự hiệp một trong tâm trí. Trong chỗ tự xưng công bình và thiếu lòng thương xót, chúng ta thấy lòng thương xót lớn lao tỏ ra cho người có cần. Nhưng trong khi sách Công vụ các sứ đồ ghi lại có một sự thay đổi đáng kể đã xảy ra có nơi các môn đồ, thì chỗ nào ghi lại sự chữa lành đó. Điều chi đã làm thay đổi các môn đồ?
Tôi biết có một số người muốn đưa ra cho chúng ta thấy giải pháp cho sự thiếu quyền năng trên đời sống của các môn đồ là sự giáng lâm của Đức Thánh Linh ở Lễ Ngũ Tuần. Sự giáng lâm của Đức Thánh Linh đã tạo ra cái chạm đáng kể trên các môn đồ, song cái nhìn đơn sơ nhất cho thấy rằng ai đó chỉ cần có kinh nghiệm với Đức Thánh Linh thì cũng chưa tương ứng đủ với Kinh Thánh. Hội thánh đầu tiên, như đã được thấy trong các chương đầu của sách Công vụ các sứ đồ, là một Hội thánh năng động và đầy quyền năng, song khi thời gian trôi qua, tình trạng xác thịt đã len vào trong Hội thánh. Thậm chí các tín hữu nào đã nhận lãnh Đức Thánh Linh và người có ân tứ nói tiếng lạ đã bày tỏ ra cùng những triệu chứng mà chúng ta đang nhìn thấy trong đời sống của các môn đồ ở Luca chương 9.
Giải pháp cho nan đề tự mãn, tư lợi, và sự xưng công bình phải thể hiện ra trong việc nhìn biết các thực trạng tội lỗi, và rồi, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, vác lấy thập tự giá mà theo Ngài. Nói như thế có nghĩa là, theo lẽ đạo trong Tân ước, kết án chết cho bổn tánh cũ, dứt bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới. Nghĩa là phải bước đi theo Thánh Linh, không nên làm trọn các tư dục của xác thịt. Nghĩa là phải sống bởi đức tin, chớ không phải bởi mắt thấy.
Khi chúng ta đi tới phần kết luận, chúng ta hãy xét qua các thơ tín trong Tân ước để thấy rằng chính thập tự giá của Đấng Christ mới là chìa khoá cho từng nan đề đã hành hại các môn đồ và hiện còn tiếp tục hành hại chúng ta.
(1) Nan đề tự mãn và thiếu quyền năng sẽ được giải quyết bằng thập tự giá của Đấng Christ, đấy mới là quyền phép của tin lành.
“Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc” (Rôma 1.16).
“Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời. Cũng có lời chép rằng: Ta sẽ hủy phá sự khôn ngoan của người khôn ngoan, Tiêu trừ sự thạo biết của người thạo biết” (I Côrinhtô 1.18-19).
“Vì tôi đã đoán định rằng ở giữa anh em, tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự. Chính tôi đã ở giữa anh em, bộ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy lắm. Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời” (I Côrinhtô 2.2-5).
(2) Các nan đề tư lợi và bất hoà được giải quyết bằng việc bắt chước Đấng Christ trong việc vác lấy thập tự giá. Phaolô bảo Hội thánh thành Philíp rằng việc bắt chước Đấng Christ là phương tiện đổi việc kiếm lợi cho riêng mình thành tự hy sinh và hài hoà với sự hiệp một.
“Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Philíp 2.1-11).
(3) Các nan đề tự xưng công bình và hậu quả thiếu mất lòng thương xót một lần nữa được giải quyết bằng thập tự giá của Đấng Christ. Sứ đồ Phaolô xưng nhận rằng ông đã từng là một người Do thái tin kính “xưng công bình”, song khi đến với thập tự giá của Đấng Christ, giờ đây ông kể mọi việc mà ông từng tự hào là rác rưởi:
“Hỡi anh em, sau hết, anh em hãy vui mừng trong Chúa! Tôi chẳng hề sợ phiền mà lại viết những điều nầy cho anh em nữa, vì ấy là có ích cho anh em. Hãy coi chừng loài chó; hãy coi chừng kẻ làm công gian ác; hãy coi chừng phép cắt bì giả. Vì, ấy chính chúng ta là kẻ chịu phép cắt bì thật, là kẻ cậy Thánh Linh Đức Chúa Trời mà hầu việc Đức Chúa Trời, khoe mình trong Đấng Christ, và không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ. Ấy chẳng phải tôi không có thể cậy mình trong xác thịt đâu. Ví bằng kẻ khác tưởng rằng có thể cậy mình trong xác thịt, thì tôi lại có thể bội phần nữa, tôi chịu phép cắt bì ngày thứ tám, về dòng Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ; về luật pháp, thì thuộc phe Pha-ri-si; về lòng sốt sắng, thì là kẻ bắt bớ hội thánh; còn như về sự công bình của luật pháp, thì không chỗ trách được. Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin; cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài” (Philíp 3.1-10).
Nan đề của các môn đồ cùng giải pháp của nó chẳng có ở đâu khác hơn trong thơ Giacơ. Chúng ta hãy kết luận bằng cách suy gẫm lời lẽ kích động của ông và phần ứng dụng lời ấy đối với tội lỗi của các môn đồ cũng như của chúng ta:
“Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao? Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu xin. Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình” (Giacơ 4.1-3).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét