Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Luca 7.36-50: "SỰ THỜ LẠY KHÔNG NÓI THÀNH LỜICỦA NGƯỜI ĐỜN BÀ VÔ DANH"



Phần giới thiệu
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Tính cách độc nhất vô nhị của việc Rửa Chơn trong các sách tin lành
Bối cảnh (7.36-39)
Những tư tưởng của Simôn và sự dạy của Chúa Jêsus (7.39-43)
Lời phán của Chúa Jêsus với người đờn bà (7.48-50)
Kết luận
BÀI 23
SỰ THỜ LẠY KHÔNG NÓI THÀNH LỜI CỦA NGƯỜI ĐỜN BÀ VÔ DANH
(Luca 7.36-50)
Phần giới thiệu
Theo ý kiến của tôi, trong hầu hết các chuyên gia theo đời nầy, Michael Landon là một trong những người hiệu quả nhất ở khâu dựng kịch trên màn ảnh vô tuyến truyền hình. Tôi còn nhớ một số cảnh từ vở “Bonaza” và “Little House on the Prairie” [Ngôi nhà nhỏ trên vùng thảo nguyên], đã làm cho đôi mắt tôi, dù là đờn ông cứng rắn lắm cũng phải đẫm nước mắt. Luca về kịch tính còn hay hơn cả Michael Landon nữa. Câu chuyện nói về người đờn bà đã chùi chân Chúa Jêsus bằng nước mắt và tóc của mình là một trong những câu chuyện cảm động nhất trong Tân ước. Cái lo của tôi khi dạy phân đoạn nầy: ấy là tôi (chúng ta) sẽ phân tích lố nó, và trong quá trình ấy sẽ làm giảm thiểu đi nhiều nét đột phá của phân đoạn Kinh Thánh quan trọng nầy. Giống như nói ra một câu nói đùa, người ta sẽ không hiểu ngay tức thì đâu. Chúng ta càng tìm cách làm sáng tỏ những chi tiết, chúng ta càng làm cho cái chạm của câu nói đùa ấy giảm đi ảnh hưởng của nó.
Trong phòng thí nghiệm, người ta thường giết đối tượng cần nghiên cứu để xem xét các chi thể của nó. Thí dụ, loài ếch, không vào hay ra khỏi phòng thí nghiệm mà còn sống và nhảy nhót đâu. Cũng một thể ấy, tôi e rằng khi chúng ta xem xét các chi tiết của câu chuyện rất cảm động nầy, chúng ta phải bỏ qua nét đột phá của nó để xem xét các chi tiết có trong đó. Theo ngôn từ của Kinh Thánh, tôi e rằng chúng ta sẽ “lọc con muỗi”, mà “nuốt trọng con lạc đà” của phân đoạn nầy đấy. Chúng ta hãy mở lòng cũng như mở trí của chúng ta ra trước sứ điệp của phân đoạn Kinh Thánh nầy đang dành cho chúng ta.
Có ba nhân vật chính trong câu chuyện nầy, hết thảy đều rất quan trọng đối với chúng ta. Dĩ nhiên, Chúa Jêsus là ngôi sao của câu chuyện. Ngài, không giống như những người khác, đối xử với người đờn bà nầy bằng tình yêu thương và sự tha thứ. Người đờn bà, không thấy nói tới tên tuổi, là người nhận lãnh ơn tha thứ của Chúa chúng ta. Bà nầy đại diện cho “hạng tội nhân”, là những người đang bị Chúa Jêsus hấp dẫn một cách kỳ lạ. Người chủ nhà, Simôn, là một người Pharisi, và nhơn đó ông ta ít nhất đang tiêu biểu cho hạng người hiểu biết mà “hạng tội nhân” trong Hội thánh và những Cơ đốc nhân đều nghiệm thấy. Chính từ những nhân vật nầy và mối quan hệ của họ với nhau mà sứ điệp của câu chuyện sẽ được tìm thấy.
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh có thể được tóm tắt như sau:
Bối cảnh – các câu 36-38
Những tư tưởng của Simôn và đáp ứng của Chúa Jêsus – các câu 49-47
Đáp ứng của Chúa Jêsus đối với người đờn bà – các câu 48-50
Tính cách độc nhất vô nhị của việc Rửa Chơn trong các sách tin lành
Mỗi sách tin lành đều có một câu chuyện nói tới việc một người đờn bà rửa chơn cho Chúa Jêsus. Chúng ta hãy xem xét ngắn gọn các câu chuyện nầy:
Mathiơ 26.6-13: “Khi Đức Chúa Jêsus ở làng Bê-tha-ni, tại nhà Si-môn là người phung, có một người đàn bà cầm cái chai bằng ngọc trắng đựng dầu thơm quí giá lắm, đến gần mà đổ trên đầu Ngài đang khi ngồi ăn. Môn đồ thấy vậy, giận mà trách rằng: Sao phí của như vậy? Dầu nầy có thể bán được nhiều tiền và lấy mà thí cho kẻ nghèo nàn. Đức Chúa Jêsus biết điều đó, bèn phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi làm khó cho người đàn bà đó? Người đã làm việc tốt cho ta; vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở cùng mình, song sẽ không có ta ở cùng luôn luôn. Người đổ dầu thơm trên mình ta là để sửa soạn chôn xác ta đó. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin Lành nầy được giảng ra, thì cũng thuật lại việc người ấy đã làm để nhớ đến người”.
Mác 14.3-9: “Đức Chúa Jêsus ở tại làng Bê-tha-ni, trong nhà Si-môn là kẻ phung. Ngài đang ngồi bàn ăn, có một người đàn bà vào, đem một cái bình bằng ngọc, đựng đầy dầu cam tòng thật rất quí giá, đập bể ra mà đổ dầu thơm trên đầu Đức Chúa Jêsus. Có vài người nổi giận nói cùng nhau rằng: Sao xài phí dầu thơm ấy như vậy? Vì có thể bán dầu đó được hơn ba trăm đơ-ni-ê, mà bố thí cho kẻ khó khăn. Vậy, họ oán trách người. Nhưng Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy để mặc người; sao các ngươi làm rầy người mà chi? Người đã làm một việc tốt cho ta. Vì các ngươi hằng có kẻ khó khăn ở cùng mình, khi nào muốn làm phước cho họ cũng được; nhưng các ngươi chẳng có ta ở luôn với đâu. Người đã làm điều mình có thể làm được, đã xức xác cho ta trước để chôn. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin Lành nầy được giảng ra, việc người đã làm cũng sẽ được nhắc lại để nhớ đến người”.
Giăng 12.1-8: “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jêsus đến thành Bê-tha-ni, nơi La-xa-rơ ở, là người Ngài đã khiến sống lại từ kẻ chết. Người ta đãi tiệc Ngài tại đó, và Ma-thê hầu hạ; La-xa-rơ là một người trong đám ngồi đồng bàn với Ngài. Bấy giờ, Ma-ri lấy một cân dầu cam tùng hương thật, rất quí giá, xức chân Đức Chúa Jêsus, và lấy tóc mình mà lau; cả nhà thơm nức mùi dầu đó. Nhưng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là một môn đồ về sau phản Ngài, nói rằng: Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đơ-ni-ê đặng bố thí cho kẻ nghèo? Người nói vậy, chẳng phải lo cho kẻ nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy để mặc người, người đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn xác ta. Vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình, còn ta, các ngươi không có ta luôn luôn”.
Theo ý kiến riêng của tôi thì các câu chuyện của Mathiơ, Mác, và Giăng tất cả đều nói tới cùng một việc rửa chơn, nhưng câu chuyện của Luca lại là một sự kiện có một không hai, đã được ghi lại duy nhất trong tin lành của ông. Câu chuyện của Giăng lúc đầu xem rất khác biệt với câu chuyện của Mathiơ và Mác, chủ yếu ở chỗ bữa ăn dường như dọn ra ở nhà của Mary, Mathê, và Laxarơ. Trong khi câu chuyện của Giăng thuật lại cho chúng ta biết rằng Mathê lo phục sự, không có nghĩa là bữa ăn đã được dọn ở nhà của nàng. Nếu nhà của Mary và Mathê quá nhỏ không thể đãi cả nhóm đông người được, thì Simôn người phung (trước đó là người phung, được Chúa Jêsus chữa lành, tôi cho là vậy) đã tự động sử dụng ngôi nhà của mình, Mathê đã cố nài để cho nàng hầu hạ.
Những điều tương tự giữa ba câu chuyện tin lành và câu chuyện của Luca không sâu sắc lắm. Tên Simôn rất phổ thông trong thế giới thời bấy giờ giống như tên “Smith” có trong quyển điện thoại niên giám của chúng ta vậy. “Simôn người phung” khó mà đồng nghĩa với “Simôn người Pharisi” được. Thực vậy, khó có thể nghĩ hai người nầy chỉ là một người Pharisi được. Tình tiết của Luca cho thấy sự việc đã diễn ra rất sớm trong chức vụ của Chúa Jêsus hơn là tình tiết của mấy người kia, câu chuyện xảy ra trước khi Chúa chúng ta chịu chết (góp phần như một chuẩn bị cho sự chôn Ngài). Trong câu chuyện của Luca, “Simôn” phản kháng trong im lặng; trong câu chuyện của mấy người kia, các môn đồ phản kháng (Giăng thu hẹp phần phản kháng nơi phần của Giuđa). Simôn người Pharisi không thể nắm bắt được làm sao Chúa Jêsus lại để cho một người đờn bà tội lỗi như thế chạm đến Ngài, trong khi các môn đồ lại bối rối về sự phung phí bình dầu, có thể đem nó bán để lấy tiền giúp cho người nghèo.
Mọi việc đã được xem xét, tôi tin rằng sự việc đã được Luca mô tả trong sách tin lành của ông rất khác biệt với sự việc được Mathiơ, Mác và Giăng mô tả. Chúng ta hãy tìm cách học hỏi từ sách Luca xem sự cố nầy nói gì để khiến nó xứng đáng cho sự chú ý của chúng ta như thế.
Bối cảnh (7.36-39)
Chúng ta không được thuật một cách chính xác khi nào sự cố xảy ra, tên của thành phố cũng vậy. Các nhân vật chính là Chúa Jêsus, Simôn người Pharisi, và người đờn bà với một tai tiếng nhơ bẩn. Có điều thú vị là Luca cung ứng cho chúng ta tên của người chủ nhà, nhưng không đưa ra tên của người đờn bà. Theo ý kiến của tôi, bỏ sót tên của bà ta là một hành động rất giàu ơn, được thực hiện có chủ đích.
Lúc đầu dường như chỉ có hai người có nhiệt tâm muốn gặp gỡ Chúa Jêsus: Simôn người Pharisi và người đờn bà tội lỗi. Simôn dễ dàng hàn huyên với Chúa Jêsus trong sự ấm cúng của nhà mình, quanh một bữa ăn. Còn người đờn bà, đến gần Chúa Jêsus không phải là một chuyện dễ dàng đâu. Đời sống tội lỗi của bà ta, ai sống trong thành phố đó cũng biết rõ, khiến cho bà ta, một đờn bà, khó mà gặp được Chúa Jêsus, là một người đờn ông. Nếu bà ta có một mái nhà, bà ta sẽ không mời Chúa Jêsus đến đó, vì điều nầy không thích nghi, đặc biệt nếu bà ta là một kỵ nữ, vì đây sẽ là chỗ làm ăn của bà ta.
Những tường trình về chức vụ và sự dạy của Chúa Jêsus không cứ cách nào đó đã đến tai người đờn bà nầy, và bà ta sốt sắng muốn gặp Cứu Chúa cho kỳ được. Khi bà hay được Chúa Jêsus sẽ ăn tiệc tại nhà của Simôn, người đờn bà vốn biết rõ đây là cơ hội để gặp gỡ Chúa Jêsus. Từ lời lẽ của Chúa chúng ta, dường như bà ta đã đến tại nhà của Simôn trước cả Chúa Jêsus nữa: “Ngươi không hôn ta; nhưng người từ khi vào nhà ngươi, thì hôn chân ta hoài” (Luca 7.45).
Nếu bữa ăn bắt đầu từ 7 giờ tối, người đờn bà dường như đã đến lúc 6 giờ 45. Bà ta đã có mặt ở đó, sẵn sàng và chờ đợi. Bà ta đem theo với mình chiếc bình dầu. Theo ý của tôi thì người đờn bà nầy đã đến đấy sửa soạn xức dầu nơi chơn Chúa Jêsus, phần việc khiêm nhường nầy được giao cho người đầy tớ thấp kém nhất. Có lẽ bà ta đã xin phép để được làm công việc đó.
Việc rửa chơn Chúa Jêsus có thể được hiểu tốt nhất theo ánh sáng lời Chúa chúng ta quở trách Simôn, và khi đem sánh việc Chúa rửa chơn cho các môn đồ Ngài như đã được ghi lại ở Giăng chương 13. Khi Chúa bước vào nhà Simôn, mà sự tiếp đãi khách thông thường và theo thông lệ sẽ có sự rửa chơn và Chúa Jêsus sẽ được chào đón với một nụ hôn, chân Ngài sẽ được rửa, và đầu Ngài sẽ được xức dầu.
Không nghi ngờ chi nữa người đờn bà đã đứng đợi bên cửa chờ Chúa Jêsus đến. Có lẽ bà ta mong rằng chơn của Chúa Jêsus sẽ được một tôi tớ của Simôn rửa. Sau khi chơn Ngài đã được rửa, người đờn bà khi ấy mới định xức chơn Ngài bằng bình dầu mình đã mang theo. Hãy tưởng tượng xem cái nhìn trên gương mặt bà ta khi bà ta nhận ra chơn Chúa Jêsus chưa được rửa. Bà ta không để cho chơn dính bụi đất của Chúa chúng ta trì kéo bà ta lại không để cho bà ta thực hiện những điều bà dự định. Bà ta không dám hôn Chúa Jêsus nơi mặt, như Simôn đã làm, nhưng bà ta có thể hôn Ngài nơi chơn, hai bàn chân dính đầy bụi đất của Ngài. Bà ta đã đến không có chậu rửa, không có nước, và không có khăn lau. Tuy nhiên, khi bà ta bắt đầu hôn chơn Ngài, những giọt nước mắt bắt đầu chảy ra, một việc khác thường dành cho một người nữ thuộc giới của bà. Khi những giọt nước mắt bắt đầu chảy, người đờn bà phải để ý những dòng nước mắt nhỏ ấy dính theo lớp bụi đất của con đường. Bà ta đã sử dụng nước của nước mắt mình để rửa chơn Chúa Jêsus, một thứ mà bà ta khó mà kiếm được nhiều như thế. Khi chẳng có một cái khăn lau nào hết, bà ta đã sử dụng mái tóc khô ráo của mình để lau khô chơn Chúa Jêsus. Hãy tưởng tượng điều nầy xem, người đờn bà đã dùng mái tóc của mình, phần vinh hiển nhất trong thân thể của bà ta (đối chiếu I Côrinhtô 11.15), để lau khô hai bàn chơn của Chúa Jêsus, phần ti tiện nhất trong thân thể của con người! Bà ta không làm bổn phận mình cách nhanh chóng, như làm xong một phần việc khó chịu. Bà ta cứ nhì nhằng ôm hôn chơn Chúa Jêsus (đối chiếu câu 45).
Sự thờ lạy của người đờn bà nầy dành cho Chúa Jêsus là một giá rất lớn đối với bà ta. Sự thờ lạy ấy khiến cho bà ta phải trả giá một bình dầu thơm đắt tiền, và sự hạ mình để hôn, để rửa, và lau khô hai bàn chân dính đầy bụi đất của Chúa Jêsus. Nhưng có một giá cao hơn giá mà người đờn bà đã trả. Theo ý kiến của tôi, giá cao nhất mà bà ta đã trả là đối phó với sự xem khinh và chối bỏ của người Pharisi tự xưng công bình kia và các thực khách có mặt tại bữa ăn. Chúa Jêsus không ban cho bà ta một “tia nhìn xấu”, nhưng những người khác thì chắc đã có cái nhìn về bà ta như vậy. Thái độ khinh người của Simôn, đã được các tư tưởng bề trong của ông ta tỏ ra, và cũng một thể ấy cho các thực khách khác. “Mày làm gì ở đây trên thế giới nầy?” đã được khắc ghi trên gương mặt của những thực khách. Đối với một người Pharisi thì chẳng có gì khác đâu, sự thánh khiết của người nằm ở chỗ phân rẽ ra khỏi tội lỗi và tránh xa “hạng tội nhân”. Mong muốn của người đờn bà là gặp gỡ Chúa Jêsus và thờ lạy Chúa Jêsus lớn lao hơn nỗi sợ hãi các thực khách ở đấy. Sự khinh khi của họ là một giá cao phải trả, nhưng đối với người đờn bà thì rất xứng đáng.
Những tư tưởng của Simôn và sự dạy của Chúa Jêsus (7.39-43)
Không nghi ngờ chi nữa vai trò của Simôn ở đây là “kiểm tra” Chúa Jêsus. Có thực người nầy là một đấng tiên tri chăng? Sứ điệp của ông ta có đáng tin không? Và sứ điệp của ông ta so sánh thể nào với sứ điệp của người dòng Pharisi? Có phải ông ta là mối đe dọa, hay một đồng minh? Chúa Jêsus xưng mình là ai và phải làm chi với ông ta? Ông ta sẽ bị chống đối, bị phản kháng, bị kết án tử hình hay không cần biết đến? Liệu ông ta có được tuyển ở bên cạnh họ không? Có một số thắc mắc trong lý trí Simôn, cho thấy một số lực tác động để mời Chúa Jêsus đến dự bữa ăn tối đó.
Việc lý luận của Simôn làm sáng tỏ thêm. Nó giống như các việc nầy đây:
Những sự kiện:
Nếu Chúa Jêsus là một đấng tiên tri, Ngài phải biết rõ mọi đặc điểm của dân sự Ngài.
Nếu Chúa Jêsus biết rõ người đờn bà nầy là một tội nhân, Ngài không làm một việc chi với bà ta.
Các kết luận:
Khi Chúa Jêsus tiếp nhận người đờn bà nầy, Ngài không biết gì về mọi đặc điểm của bà ta.
Khi Chúa Jêsus không biết người đờn bà nầy là tội nhân, Ngài không thể là một đấng tiên tri.
Khi Chúa Jêsus không phải là đấng tiên tri, tôi / chúng ta có thể chối bỏ Ngài, sứ điệp và chức vụ của Ngài.
Simôn, giống như nhiều người trong chúng ta, rất logic về suy tưởng và phản ứng của ông ta đối với Chúa Jêsus. Vấn đề với logic giống nhau cũng như nan đề với máy vi tính vậy: đầu ra đáng tin cậy giống như đầu vào. Chẳng có gì sai với logic của Simôn, ông đã đặt mọi kết luận của mình trên một dữ kiện không chính xác. Dữ kiện đầu tiên của ông – nếu Chúa Jêsus là một đấng tiên tri, Ngài sẽ phân biệt được đặc điểm của những người có mặt xung quanh Ngài – là đúng. Thực ra, Chúa Jêsus còn vượt trỗi hơn mọi điều Simôn suy tưởng. Chúa Jêsus không những có thể chỉ ra đặc điểm của người đờn bà (“…tội lỗi của bà ta, thật là nhiều”, câu 47), Ngài còn có thể nhận biết các suy tưởng của chủ nhà Simôn nữa (câu 39). Bằng cách nói cho Simôn biết rằng Ngài vốn biết rõ mọi suy tưởng của ông, Chúa Jêsus chứng mình rằng ít nhất Ngài đã là một vị tiên tri.
Dữ kiện thứ hai của Simôn hoàn toàn sai lầm, một phản ảnh về suy tưởng không đúng của ông trong vai trò một người Pharisi. Simôn, giống như các người Pharisi đồng sự của ông ta (hãy nhớ rằng từ Pharisi có nghĩa là “phân rẽ”), cho rằng sự thánh khiết chủ yếu chỉ là vấn đề của sự phân rẽ mà thôi. Sự thánh khiết đạt được bằng cách giữ mình phân rẽ ra khỏi tội lỗi và khỏi hàng tội nhân. Theo nhận định nầy, Chúa Jêsus phải tránh xa người đờn bà tội lỗi nầy hầu giữ sự thánh khiết. Simôn kết luận rằng (1) Chúa Jêsus không biết đặc điểm của người đờn bà nầy, hoặc (2) dù biết rõ đời sống tội lỗi của bà ta hay không, Ngài đã bị bà ta làm ô uế, và vì thế không thể thánh khiết được.
Chúa chúng ta vốn biết chính xác mọi điều Simôn đang suy nghĩ, cũng như tại sao suy nghĩ của ông ta là sai. Lời lẽ Chúa Jêsus nói tới Simôn trong các câu 40-47 chỉ ra chỗ sai lầm trong suy tưởng của người Pharisi, và giải thích lý do tại sao “Đấng Thánh của Ysơraên” phải đến gần hạng tội nhân, thậm chí phải chạm đến họ và được họ rờ đến nữa.
Một câu chuyện dành cho Simôn (40-42)
Thắc mắc bày tỏ ra lý do khiến cho người Pharisi phải lui lại tránh Chúa Jêsus được thấy rõ trong các câu chuyện tin lành:
“Các người Pha-ri-si và các thầy thông giáo họ lằm bằm, nói cùng môn đồ Ngài rằng: Sao các ngươi ăn uống với người thâu thuế và kẻ phạm tội?” (Luca 5.30; đối chiếu Mathiơ 9.11; Mác 2.16).
Simôn không thể hiểu nổi Chúa Jêsus vốn biết rõ như vậy mà còn cho phép người đờn bà chạm đến Ngài bằng cách rửa chơn cho Ngài. Tại sao Chúa Jêsus có thể gần gũi với hàng tội nhân như thế? Chúa Jêsus đã đưa ra câu trả lời bằng cách thuật một câu chuyện và rồi bật ra một nguyên tắc.
Câu chuyện rất đơn giản. Một người chuyên cho vay cho hai người kia mượn tiền, không ai trong số họ có thể trả nổi số tiền ấy. Người nầy mượn số tiền gấp mười người kia. Người chủ nợ mới tha nợ cho cả hai. Chúa Jêsus hỏi Simôn: “Trong hai người đó, ai yêu chủ nợ hơn?” Câu trả lời dè chừng của Simôn: ấy là người mà chủ nợ tha nhiều nợ hơn. Chúa Jêsus khẳng định lẽ thật có trong lời đáp của ông ta.
Dưới lẽ thật đó là nguyên tắc: NGƯỜI NÀO ĐƯỢC THA THỨ NHIỀU THÌ YÊU MẾN NHIỀU.
Bấy giờ Chúa Jêsus chỉ ra nguyên tắc và ứng dụng nó cho Simôn cùng người đờn bà tội lỗi kia. Simôn tránh né người đờn bà vì bà ta là một tội nhân, và mong mỏi Chúa Jêsus cũng làm như vậy. Chúa Jêsus quở trách Simôn bằng các chỉ ra từng phương diện mà người đờn bà đã trỗi hơn Simôn trong mọi hành động yêu thương và tôn kính của bà ta. Simôn chẳng bày tỏ ra thậm chí cả đều lịch sự tối thiểu trong việc rửa chơn cho Ngài. Người đờn bà nầy không những rửa chơn cho Ngài, bà ta đã rửa với nước mắt và tóc của mình. Simôn không bày tỏ một nụ hôn trên gương mặt Chúa Jêsus; còn người đờn bà thì hôn chơn Chúa Jêsus hoài, dù hai chơn Ngài còn lấm bụi đất. Simôn không xức dầu cho đầu Chúa Jêsus; người đờn bà đã xức cho chơn Ngài với loại dầu hảo hạng. Người đờn bà đã trỗi hơn Simôn trong việc bày tỏ tình yêu với Chúa. Ít nhất trong lý trí của Simôn, người đờn bà là một người có tội nhiều lắm. Như Chúa Jêsus đã chỉ ra, người đờn bà mới là người yêu mến nhiều hơn. Từ câu chuyện mà Chúa Jêsus đã kể ra và từ bàn tiệc do Simôn tổ chức, người nào được tha nhiều sẽ yêu mến nhiều hơn.
Có một vấn đề ở đây, vấn đề nầy đã gây rắc rối cho các nhà thần học và các học viên Kinh Thánh trải qua nhiều năm tháng. Trong câu 47 cho thấy rằng Chúa Jêsus đang thuật lại người đờn bà, người đã được tha vì đã yêu mến nhiều. Thật không khó chấp nhận câu nói cho rằng người nào được tha nhiều, là kết quả của việc yêu mến nhiều. Chấp nhận câu nói cho rằng người nào yêu mến nhiều vì đã được tha nhiều mới là khó. Yêu thương vì quý vị đã được tha là một phản ứng tự nhiên đối với ân điển. Được tha vì quý vị yêu thương thể hiện qua những việc làm. Có một số người dạy rằng trên cơ sở câu Kinh Thánh nầy chúng ta phải yêu thương để được tha thứ. Điều nầy khiến cho tha thứ trở thành sản phẩm của mọi việc làm của chúng ta, hơn là một ơn của ân điển Đức Chúa Trời.
Câu chuyện có thể quá đơn giản, nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề sẽ được giải quyết bằng cách lưu ý Chúa Jêsus đang phán với ai, và vấn đề mà Ngài đang nói tới. Trong câu 47, Chúa Jêsus đang phán với Simôn người Pharisi. Ngài đang trả lời cho thắc mắc: “Tại sao Chúa Jêsus cứ tìm kiếm và gần gũi với hạng tội nhân?” Câu trả lời của Chúa được thấy rõ trong phản ứng của Ngài đối với Simôn:
“Hỡi Simôn, Ta tìm kiếm hạng tội nhân và gần gũi với họ vì họ yêu mến Ta nhiều hơn hạng ‘thánh đồ’ giống như người Pharisi”.
Hãy suy nghĩ điều nầy trong một phút. Nếu mục đích của Đức Chúa Trời về sự hoá thân thành nhục thể là để cho con người yêu mến, quý vị mong Chúa Jêsus gần gũi với ai nếu sự thật là: “người nào được tha nhiều thì yêu mến nhiều”? Nếu nguyên tắc là thật, thì chúng ta sẽ mong Chúa chúng ta tìm kiếm những ai là người có tội nhiều nhất (và trong lý trí của người Pharisi, người đờn bà nầy xứng đáng là một trong những người có tội nhiều nhất của thành phố).
Vì lẽ đó Chúa Jêsus nhắm vào thắc mắc: “Tại sao Chúa Jêsus chỉ tìm kiếm hạng tội nhân?” hơn là: “Làm thế nào để được cứu?” Mối quan hệ giữa sự tha thứ và yêu thương là nền tảng cho mọi hành động của Chúa chúng ta trong việc tìm và tiếp nhận hạng tội nhân.
Cách nói của Chúa chúng ta trong các câu 44-47 rất là quan trọng. Trong suốt bữa tiệc, sau lưng của Chúa Jêsus là người đờn bà, bà ta đang xức dầu và hôn chơn của Ngài. Đồng thời, Ngài đang đối diện với người chủ tiệc, là Simôn. Bây giờ, sự chối bỏ Chúa Jêsus của Simôn đã được tỏ ra, ngược lại với sự thờ lạy của người đờn bà. Chúa Jêsus xây lưng về phía Simôn và đối diện với người đờn bà, mặc dù Ngài hãy còn nói chuyện với Simôn (đối chiếu câu 44). Bởi các hành động của Ngài, Chúa Jêsus đang từ chối Simôn và tiếp nhận người đờn bà tội lỗi. Một câu nói lạ thường đã được thốt ra tại chỗ nầy!
Lời phán của Chúa Jêsus với người đờn bà (7.48-50)
Khi Chúa Jêsus phán với người đờn bà ở mấy câu sau cùng của phân đoạn Kinh Thánh nầy, Ngài tỏ ra rõ ràng nền tảng cho sự bà ta được tha thứ: “Đức tin của ngươi đã cứu ngươi; hãy đi cho bình an” (Luca 7.50).
Vậy chẳng có gì phải hồ nghi về nền tảng cần cho sự tha thứ của một người. Đấy không phải là những việc làm. Đấy không phải là việc yêu thương tha nhân, thậm chí là Con Đức Chúa Trời. Tha thứ là ơn của Đức Chúa Trời, được chuẩn y cho người nào có đức tin.
Thắc mắc là đây: “Bởi đức tin, người đờn bà tin cái gì mới được chứ?”. Nếu đức tin của người đờn bà đã cứu bà ta, bản chất đức tin của bà ta là gì? Người đờn bà đã tin điều chi đã cứu lấy bà ta? Tôi tin rằng phân đoạn Kinh Thánh ám chỉ câu trả lời rất mạnh mẽ: NGƯỜI ĐỜN BÀ TIN RẰNG NẾU BÀ TA ĐẾN VỚI CHÚA JÊSUS NHƯ MỘT TỘI NHÂN BIẾT ĂN NĂN, CHÚA JÊSUS SẼ KHÔNG BỎ BÀ TA RA NGOÀI ĐÂU.
“Những tin tức xấu” đối với người Pharisi – “Chúa Jêsus gần gũi với hạng tội nhân” – là những tin tức tốt lành cho người đờn bà nầy, vì bà ta công nhận rằng mình là một tội nhân. Hạng người duy nhất sẽ nổi giận khi nghĩ rằng Chúa Jêsus đã đến tìm và cứu tội nhân là hạng người tự xưng công bình, đấy là những người nghĩ họ chẳng cần sự cứu rỗi. Người đờn bà nầy chẳng cãi chi trước sự thật mình là tội nhân. Bà ta vui mừng khi nghe biết Chúa Jêsus tiếp nhận hạng tội nhân. Bà ta đã đến với Ngài như một tội nhân, bà ta tin bởi đức tin rằng Ngài sẽ không xua đuổi bà ta – bà ta đã đúng. Trong hết thảy những người đến dự tiệc, chỉ có người đờn bà nầy được tha thứ, phân đoạn Kinh Thánh cho biết như thế. Ôi, ân điển kỳ diệu của Đức Chúa Trời hướng vào chúng ta, hạng tội nhân!
Kết luận
Bài học đầu tiên trong câu chuyện nầy: ấy là Đấng Christ đã đến tìm và cứu hạng tội nhân. Một người đờn bà đã bị người đồng thời với mình xem là kẻ có tội nhiều lắm đã được Chúa chúng ta tha thứ, trong khi có những người nghĩ là công bình, họ đã ra về mà chẳng có ơn tha thứ. Có một sự cuốn hút kỳ lạ đến với Đấng Christ cho những ai nhìn nhận họ là tội nhân, và những ai ao ước xây khỏi tội lỗi của họ. Hạng tội nhân có thể tiếp cận Ngài. Trong sách tin lành Giăng chúng ta đọc thấy những lời nầy, thật rất khích lệ cho hạng tội nhân:
“Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu” (Giăng 6.37).
Trong khi sự thật cho thấy rằng Chúa Jêsus là Con vô tội của Đức Chúa Trời, Ngài rất ghét tội lỗi và Ngài sẽ xét đoán hạng tội nhân, sứ điệp của tin lành cho họ biết lần đến đầu tiên của Ngài, Đấng Christ đã đến để cứu, chớ không phải để xét đoán. Chúa Jêsus phán với người đờn bà đã bị bắt quả tang về tội tà dâm: “Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8.11).
Sở dĩ như vậy là vì ở lần đến đầu tiên của Ngài, Chúa Jêsus đến để gánh lấy hình phạt tội lỗi của con người trên chính mình Ngài, và để cứu con người ra khỏi án phạt đời đời. Hết thảy những ai đến với Ngài để được tha tội và được cứu rỗi đều sẽ được cứu. Không một người nào bị bỏ ra ngoài đâu. Nhưng có lần đến khác nữa của Đấng Christ, khi ấy Ngài đến để xét đoán. Lúc bấy giờ, thì đã quá muộn rồi. Người nào đến với Ngài họ sẽ sợ hãi run rẩy trước mặt Ngài, và thật như vậy.
Lời khuyên của tôi dành cho quý vị, là những người chưa hề đến với Đấng Christ giống như người đờn bà nầy, hãy đến ngay bây giờ đi. Hãy đến, với lòng tin chắc rằng Ngài sẽ tiếp nhận quý vị, rằng Ngài sẽ tha thứ cho quý vị, rằng Ngài sẽ cứu rỗi. Không một ai có thể tiếp cận với hạng tội nhân cho bằng Đấng Christ. Không một ai khinh ghét kẻ nào tự xưng công bình cho bằng Đấng Christ. Nguyện mỗi một người chúng ta trở nên giống như đờn bà nầy, chớ đừng giống như Simôn người Pharisi.
Bài học thứ hai mà chúng ta học được từ phân đoạn Kinh Thánh nầy là phải xác định các đặc điểm của kẻ tự xưng công bình rất hiển nhiên trong đời sống của Simôn người Pharisi. Tôi không thể chăm chú vào các tội ác của người dòng Pharisi ở đây, vì vậy phải nhắc tới đôi điều về Simôn rất rõ ràng trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, cũng rất thật về chúng ta nữa. Simôn rất thích thú trong việc đứng xem Đức Chúa Trời phán xét hơn là ông ta đang ở trong sự phán xét của Đức Chúa Trời. Simôn cảm thấy ngôi nhà của ông sẽ công bình khi xua đuổi hạng tội nhân, giống như người đờn bà nầy, hơn là mời hạng tội nhân vào. Nhiều Hội thánh đều có cùng cảm nhận ấy. Simôn có khuynh hướng nhìn xem một số tội lỗi nầy là lớn lao hơn những tội lỗi khác trong ánh mắt của Đức Chúa Trời. Tội phạm về tình dục, là không thể tha thứ được, nhưng kiêu ngạo có thể chấp nhận được.
Simôn nghĩ rằng tôn giáo là thứ có thể được bảo quản; Chúa Jêsus nghĩ tới tôn giáo thật trong các giới hạn của sự dầm thấm. Simôn muốn xua đuổi tội nhân đi, còn Chúa Jêsus thì gần gũi với tội nhân. Một sai lầm của Simôn là thất bại không nắm được sự thay đổi từ giao ước cũ sang giao ước mới. Giao ước cũ xử lý tội lỗi như không chạy chữa được, và vì thế sự phòng thủ chủ yếu là tránh tiếp xúc với tội lỗi và hạng tội nhân. Giao ước mới đã đến với giải pháp dành cho tội lỗi. Giao ước mới có thể thay đổi tấm lòng chai cứng thành những tấm lòng mềm mại. Vì thế, Chúa Jêsus không cảm thấy buộc phải xử lý với tội nhân theo cách dạy dỗ của giao ước cũ – tìm cách tiêu diệt hay tránh né họ.
Người Pharisi đã nhìn xem tội lỗi theo cách chúng ta nhìn xem bệnh AIDS vậy. Bệnh nầy không có phương cứu chữa, và vì thế chuỗi hành động tốt nhất là tránh né bất kỳ và mọi cuộc tiếp xúc. Nhưng, quý vị thấy đấy, tin lành dạy rằng Chúa Jêsus là phương cứu chữa cho tội lỗi. Vì vậy, Chúa Jêsus không cần phải tránh né tội nhân, Ngài có thể tìm kiếm họ, cũng như chúng ta có thể tấn công bệnh AIDS một cách xông xáo nếu có một phương cứu chữa hữu hiệu.
Simôn và những người Pharisi khác trong Tân ước thấy khó để bị “chạm” đến bởi hạng người mà họ không dám chạm tới. Trong cả Tân ước tôi không thấy một trường hợp nào trong đó người Pharisi bị hạng người đau khổ, tội lỗi, xấu hổ, buồn thảm nào chạm đến. Cho nên chẳng ngạc nhiên bao nhiêu khi thấy các tiên tri thời Cựu ước phải giảng thường xuyên về lòng thương xót. Tôi chẳng thấy lòng thương xót nơi người dòng Pharisi trong các câu chuyện tin lành. Muốn có lòng thương xót, một người buộc phải phục vụ cho người khác. Thiếu lòng thương xót cho phép một người sử dụng người khác làm lợi riêng cho mình, với bất cứ giá nào. Chúa Jêsus, Ngài không ngần ngại chạm tới hay được chạm tới bởi tội nhân, bị “chạm tới” thường xuyên (về mặt tình cảm) của họ. Nguyện chúng ta cũng trở nên giống như Ngài.
Sự thật rất đau đớn cho thấy rằng các Hội thánh của chúng ta thường phản ảnh kiểu thức ngôi nhà của Simôn hơn là họ phản ảnh về chính mình Chúa Jêsus. Chúng ta phải hoan nghênh tiếp đón hạng tội nhân, nếu họ dám nhìn nhận mình là tội nhân, và nếu họ tìm cách để được cứu ra khỏi tội lỗi của họ. Thường thì hạng tội nhân bị Hội thánh tránh xa, hơn là được từ Chúa chúng ta để ngày càng trở nên giống như Ngài và ít giống Simôn hơn.
Cuối cùng, chúng ta học được cách xử sự tốt đẹp về sự thờ lạy từ người đờn bà nầy, bà ta đã rửa chơn Chúa Jêsus bằng nước mắt của mình. Sự thật là chúng ta không có cơ hội để rửa chơn cho Chúa Jêsus, như người đờn bà trong phân đoạn Kinh Thánh đã làm, nhưng chúng ta có thể học được một số nguyên tắc về sự thờ lạy từ mọi hành động của bà ta. Hãy xem xét các nguyên tắc nầy cùng với tôi khi chúng ta kết luận:
(1) SỰ THỜ LẠY DÀNH CHO HẠNG TỘI NHÂN. Người đờn bà nầy đã thờ lạy Chúa Jêsus, bà ta là một tội nhân. Chúa chúng ta không từ chối sự thờ lạy nầy, cũng không thu nhỏ sự thờ lạy đó. Thật là quan trọng khi công nhận hạng tội nhân có thể thờ lạy Đức Chúa Trời. Khi quý vị suy nghĩ qua các luật lệ phức tạp của luật pháp Cựu ước, rõ ràng là Đức Chúa Trời đã thiết lập sự thờ phượng dành cho hạng tội nhân. Nói cách khác, chẳng còn cần thiết phải có đủ các thứ luật, nghi thức, và con sinh nữa. Sự thờ phượng, trong Cựu ước, là dành cho hạng tội nhân.
Cũng một thể ấy trong Tân ước. Như Chúa chúng ta đã phán, chính sự tỉnh thức về tình trạng tội lỗi của chúng ta, kết hợp với sự hiểu biết về trạng thái trọn lành của Chúa chúng ta, các điều nầy kích thích sự thờ phượng. Ai trong vòng chúng ta ý thức được mức độ quan trọng của tội lỗi, cũng phải công nhận tầm quan trọng của ơn tha thứ của Đức Chúa Trời, kích thích sự thờ lạy của chúng ta.
Đôi khi tôi có ấn tượng rằng khi chúng ta dự Tiệc Thánh của Chúa, chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải đạt tới chỗ không phạm tội trong tư tưởng trước khi chúng ta có thể thờ phượng. Thật dại dột làm sao! Không phạm tội trong tư tưởng là điều rất khó. Khi Phaolô cảnh cáo chống lại việc dự Tiệc Thánh của Chúa: “cách không xứng đáng” (I Côrinhtô 11.27), ông đang đề cập tới tình trạng bất xứng say sưa quá độ khi người Côrinhtô nhóm lại. Có một thế giới khác biệt giữa: “cách không xứng đáng” [unworthy manner], trạng từ “không xứng đáng” [unworthy], và “tình trạng không xứng đáng” [unworthy state] [là một tội nhân]. Trong khi chúng ta sẽ là vô tội khi chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời trên thiên đàng, còn ở dưới đất chúng ta thờ lạy như những tội nhân.
(2) SỰ THỜ LẠY DIỄN RA TẠI CHƠN CỦA CHÚA JÊSUS. Địa điểm thích ứng cho sự thờ lạy của chúng ta là nơi bệ chơn Chúa Jêsus. Sự thờ lạy đột nhiên xảy đến với tôi: ấy là bệ chơn của Chúa chúng ta thường được nhắc tới trong phân đoạn Kinh Thánh nầy. Trong khi Simôn không làm sự công bình cho đầu của Chúa chúng ta, người đờn bà đã có mặt duy nhất tại chơn của Chúa Jêsus. Bà ta đã hôn, bà ta đã rửa rồi lau khô hai bàn chân ấy bằng mái tóc của mình. Bà ta không cảm thấy xứng đáng để làm việc gì khác. Đặc biệt trong sách Đaniên và sách Khải huyền, con người thấy họ phủ phục xuống dưới bệ chơn của Chúa Jêsus, khi họ nhìn nhận Ngài chính là Đức Chúa Trời. Sự thờ lạy nơi bệ chơn Chúa Jêsus công nhận sự cao trọng của Ngài và sự không xứng đáng nơi chúng ta; sự trọn lành của Ngài, và tình trạng tội lỗi của chúng ta. Sự thờ lạy tôn cao con người không phải là sự thờ phượng thật.
(3) SỰ THỜ LẠY LÀ VIỆC PHẢI LÀM VỚI THÂN VỊ CỦA ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST. Người đờn bà thờ lạy nơi bệ chơn Chúa Jêsus đã làm một việc phải làm đối với Ngài, chỉ một mình Ngài mà thôi. Sự thật cho thấy rằng có một số người hiện diện ở đó, họ rất xem khinh bà ta, vì bà ta chỉ lo nghĩ về điều mà Chúa của bà ta suy nghĩ về bà ta mà thôi. Sự thật cho thấy rằng số người hiện diện ở đó đều là hạng người giả hình không ngăn cản bà ta thờ lạy, vì sự thờ lạy của bà ta đã nhắm vào Đấng Cứu Thế.
(4) SỰ THỜ LẠY KHÔNG NGHĨ TỚI VIỆC SẼ NHẬN LẠI ĐIỀU CHI TỪ CHÚA CHÚNG TA KHI DÂNG ĐIỀU CHI ĐÓ CHO NGÀI. Chúa Jêsus được rất nhiều người đến gần, đa số trong vòng họ, đều muốn nhận lấy thứ chi đó từ nơi Ngài. Tôi không muốn đánh giá thấp vấn đề nầy hay xét đoán nó. Nếu tôi sống trong thời của Chúa Jêsus và bị mù loà, tôi sẽ muốn đến với Chúa Jêsus để Ngài phục hồi lại ánh sáng. Nhưng sự thờ lạy của người đờn bà nầy thể hiện ra bằng cách bà ta dâng hiến cho Chúa Jêsus, chớ không nhận được gì từ nơi Ngài. Thường thì những lời cầu nguyện của chúng ta giống như một danh sách trình lên cho ông già Noel vậy, trong dịp lễ Giáng Sinh. Đôi khi, những lời cầu nguyện của chúng ta là ngợi khen và tán dương mà thôi, chẳng có chút gì nài xin, trong khi giao ước duy nhất của chúng ta là muốn được ở trong sự hiện diện của Ngài, cho đến đời đời.
(5) SỰ THỜ LẠY BAO GỒM MỌI TÌNH CẢM. Những giọt nước mắt của người đờn bà đã thờ lạy Ngài bằng cách rửa chơn Ngài là rất quan trọng. Sự thờ lạy của người đờn bà nầy, tôi dám nói, là về mặt cảm xúc. Ai trong chúng ta theo tập tục của mình đều có khuynh hướng dùng lý trí mà thờ phượng. Chúng ta có thể sử dụng cách giải quyết tình cảm hơn. Hãy nhớ rằng chúng ta cần phải hết lòng, hết linh hồn, hết ý và hết sức mà kính mến Giêhôva Đức Chúa Trời của chúng ta. Sự thờ lạy bao gồm cả lý trí và tình cảm.
(6) SỰ THỜ LẠY CỦA NGƯỜI ĐỜN BÀ NẦY CHẲNG CÓ MỘT LỜI NÓI NÀO. Tôi phải mất một ít thì giờ để nhận ra rằng trong khi Chúa chúng ta phán với người đờn bà nầy, Luca không ghi lại một lời nào từ phía người đờn bà hết. Bà ta dễ dàng thổ lộ với Ngài, nhưng Luca không thấy cần thiết phải ghi lại sự kiện cho dù bà ta có nói gì đó. Tôi chọn điểm im lặng của sự bà ta thờ lạy vì một số phụ nữ dường như bực bội trước sự kiện chức năng lãnh đạo của họ trong sự thờ phượng chung nếu bị cấm đoán trong Kinh Thánh Tân ước. Tôi cũng cần chỉ ra điểm nầy vì lợi ích của những người đờn ông kia, họ nghĩ rằng họ chỉ có thể thờ phượng Ngài khi họ nói năng công khai. Sự thờ phượng tốt nhất có thể là sự thờ phượng không nói nên lời.
(7) SAU CÙNG, SỰ THỜ LẠY KHÔNG BỊ NGĂN TRỞ. Có nhiều lý do tại sao người đờn bà nầy có thể bị ngăn chận không cho tới gần Chúa Jêsus, và không thờ lạy Ngài. Bà ta đâu có được mời đến. Đâu có ai cần đến bà ta. Bà ta có thể bị đuổi ra. Bà ta bị xem khinh. Có nhiều nhân vật đạo đức giả ở đó. Nhưng mặc dù có nhiều khó khăn, người đờn bà đã làm được những điều tưởng chừng như không làm được – bà ta đã thờ lạy Chúa Jêsus. Tại sao chỉ có mấy giọt nước mưa vào tối thứ bảy, và chúng ta thấy quá khó không đến nhà thờ thờ phượng được?
Nguyện Đức Chúa Trời giúp đỡ chúng ta thờ phượng như người đờn bà đã thờ lạy, vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và vì chúng ta ham thích được dự phần thờ phượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét