Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Luca 8.1-3: "CHỨC VỤ, TIỀN BẠC, VÀ NỮ GIỚI"



Phần giới thiệu
Tiếp cận bài học
Những điểm cần lưu ý trong phân đoạn Kinh Thánh
Kết luận
BÀI 24
CHỨC VỤ, TIỀN BẠC, VÀ NỮ GIỚI
(Luca 8.1-3)
Phần giới thiệu
Giả sử vợ chồng bạn sẽ mời Tổng Thống đến dự bữa cơm tối đi. Cũng giả sử rằng ông cùng với phu nhân sẽ chấp thuận lời mời của bạn. Khi thì giờ càng đến gần hơn, vợ của bạn hỏi phải đặt bao nhiêu chỗ ngồi tại bàn ăn. Sẽ có Ông Bà Tổng Thống, chắc chắn có một số nhân viên an ninh, còn báo chí và một số người nữa sẽ đến dự. Bữa ăn thân mật như thế nầy, chắc chắn phải bỏ một số vốn lớn ra mới thết đãi nổi.
Cũng một thể ấy với chức vụ của Chúa Jêsus. Theo ý kiến của tôi, tôi luôn luôn có một bức tranh trong lý trí về Chúa Jêsus sẽ đi từ chỗ nầy sang chỗ kia, có các môn đồ theo sau Ngài. Dĩ nhiên, đi đầu các môn đồ phải là Phierơ, Giacơ và Giăng. Khi chúng ta xem kỹ càng hơn phần mô tả chức vụ của Chúa chúng ta trong các sách tin lành, chúng ta khám phá ra ngay bữa tiệc thết đãi Chúa Jêsus là một bữa tiệc rất lớn. Một trong các phân đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết về nhóm người nầy là phân đoạn Kinh Thánh dành cho hôm nay. Thêm nữa, Luca cho chúng ta biết về vai trò quan trọng mà một số phụ nữ đã đóng trong việc yểm trợ chức vụ của Chúa chúng ta cùng các môn đồ Ngài.
Trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta chỉ có ba câu mà thôi, tuy thế đây là một phân đoạn rất quan trọng. Phân đoạn nầy cung ứng cho chúng ta nhiều chi tiết mà các trước giả tin lành khác đã tránh né, hay chỉ nói sơ qua. Phân đoạn cung ứng cho chúng ta thấy mối quan hệ chức vụ và tiền bạc, và cũng về vai trò của nữ giới trong chức vụ. Chúng ta hãy lắng nghe cho kỹ phân đoạn Kinh Thánh nầy, vì phân đoạn nầy có nhiều điều nói với chúng ta.
Tiếp cận bài học
Phần tiếp cận sứ điệp nầy sẽ phải bắt đầu với một số điểm mà Luca đang tìm cách nói cho chúng ta biết ở đây. Kế đó chúng ta sẽ kết luận bằng cách tập trung vào các nguyên tắc mà chúng ta học được từ phân đoạn Kinh Thánh nầy về chức vụ và tiền bạc, và về chức vụ của nữ giới.
Những điểm cần lưu ý trong phân đoạn Kinh Thánh
(1) Phân đoạn nầy kết phân đoạn đứng trước với chuyến hành trình truyền giáo thứ hai, mới mẻ trong xứ Galilê. Có khả năng phân đoạn Kinh Thánh nầy dường như được đặt trong hai dấu ngoặc dơn, nhưng hãy chú ý câu 1 bắt đầu bằng cách nói cho chúng ta biết có chiến dịch truyền giáo khác của Chúa chúng ta.
“Kế đó, Đức Chúa Jêsus đi thành nầy đến thành kia, làng nầy đến làng khác, giảng dạy và rao truyền tin lành của nước Đức Chúa Trời” (Luca 8.1a).
Từ ngữ “kế đó” cho chúng ta biết rằng các sự cố theo sau có quan hệ với những câu trước đó, đặc biệt, là câu chuyện nói tới người đờn bà đã rửa chơn cho Chúa chúng ta bằng nước mắt của bà ta. Có thể nào bà ta là một người trong nhóm cùng đi với Chúa chúng ta, mà Luca đang mô tả ở đây?
Trong chương 4 của tin lành Luca, Chúa Jêsus được chỉ ra rất sớm trong chức vụ của Ngài, Ngài đã đi từ thành nầy đến thành kia để rao giảng tin lành. Ngài có sự ràng buộc nầy vì Ngài vốn biết rõ đây là phần quan trọng trong sự kêu gọi và sứ mệnh thiêng liêng của Ngài. Khi các môn đồ thúc giục Chúa Jêsus trở lại với dân sự, là những người đang chờ đợi Ngài, Ngài đáp:
“Ta cũng phải rao Tin Lành của nước Đức Chúa Trời nơi các thành khác; vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến” (Luca 4.43)”.
Đã có một vài chiến dịch truyền giáo khác đã được nhắc tới trong sách Luca, nhưng đây rõ ràng là phần mở đầu của một trong các chiến dịch quan trọng của chức vụ Ngài cho dân chúng xứ Galilê. Tôi tin rằng câu 2 và 3 của chương 8 cho chúng ta biết rõ mặt hậu cần trong chức vụ của Chúa chúng ta. Có nhiều người đi cùng với Ngài, và họ đã được yểm trợ do nhiều sự đóng góp của giới phụ nữ. Trong thí dụ nói đến các loại đất theo sau, (câu 4 trở đi), Chúa Jêsus giải thích loại phản ứng khác biệt đối với sự rao giảng Nước Trời của Ngài, cũng như đưa ra lý do cho sự Ngài thay đổi phương pháp giảng dạy khi sử dụng ngụ ngôn của Ngài.
(2) Chúa Jêsus có một nhóm môn đồ rất đông cùng đi với Ngài trong chiến dịch nầy. Trong những ngày đầu sớm sủa của chức vụ Chúa chúng ta, dường như mặc dù Ngài đi chỉ có một mình (thí dụ, khi Ngài vào nhà hội ở thành Naxarét, chẳng có một môn đồ nào được nhắc tới – Luca 4.16-30). Ở các dịp khác, một số môn đồ Ngài đã có mặt với Ngài. Nhưng bây giờ Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng có một nhóm đông các môn đồ cùng đi với Chúa Jêsus trong chiến dịch nầy.
Luca nói cho chúng ta biết có tới 12 sứ đồ. Tôi không dám chắc là họ có đem vợ cùng đi theo hay không, ít nhất đó là cách làm của các sứ đồ sau nầy, nhưng có lẽ một người đã bắt đầu thực hiện ở đây (đối chiếu I Côrinhtô 9.5). Nếu có mấy người đờn bà đi theo Chúa Jêsus và 12 sứ đồ, tại sao không phải là vợ của 12 sứ đồ đó? Thêm nữa, đã có nhiều người khác nữa cùng đi với các vị sứ đồ, mà lát nữa chúng ta sẽ nhìn thấy.
(3) Giữa vòng nhóm đông các môn đồ, khi họ cùng đi theo Chúa Jêsus trên chuyến đi nầy là mấy người đờn bà. Ba người đờn bà đặc biệt được nói tới bằng tên: Mary Mađơlen (7 quỉ dữ đã bị đuổi ra khỏi người), Giannơ – vợ của Chuxa, quan nội vụ của Hêrốt (điều nầy giải thích một trong các nguồn thông tin chính cho Hêrốt biết về Chúa Jêsus và chức vụ của Ngài, đối chiếu 9.7), và Suxannơ, người nầy không còn được nhắc tới nữa trong Kinh Thánh. Thêm vào với ba người nầy, là những người được nói tới bằng tên, là nhiều người phụ nữ khác:
“…nhiều người khác nữa giúp của cải cho Ngài” (Luca 8.3b).
(4) Mấy người phụ nữ đi theo Chúa Jêsus hết thảy đều đã được Ngài cứu giúp rất lạ lùng. Tôi tin rằng việc ghi chép ba người đờn bà nầy bằng tên để chỉ ra mỗi người khác biệt với nhau là dường nào. Nhưng bất chấp sự đa dạng giữa vòng mấy người đờn bà đi theo Chúa Jêsus, hết thảy họ dường như có một điểm nầy chung: Chúa Jêsus đã giải cứu (chữa lành) họ ra khỏi những cảnh ngộ rất lạ lùng, chẳng có một phương thức nào của loài người trong các sự giải cứu đó. Có người, như Mary Mađơlen đã được cứu ra khỏi sự quỷ ám. Mấy người kia đã được chữa lành ra khỏi tình trạng bệnh tật, đau ốm. Nhiều người khác nữa, đã được chữa lành không còn bị tổn thương và những thói tật gớm ghiếc. Nhưng mọi sự chữa lành đó đều vượt quá khả năng giúp đỡ của con người. Hết thảy những người cùng đi với Chúa Jêsus để giúp đỡ cho Ngài đều là những người từng kinh nghiệm ơn cứu giúp của Ngài trong đời sống của họ.
Theo một phương diện, nhóm người cùng đi với Chúa Jêsus là một bằng chứng cho lai lịch của Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng Mêsi. Khi Chúa Jêsus đi từ làng nầy đến làng khác, từ thị trấn nầy đến thành phố kia rao giảng tin lành nói về Nước Trời, những người ấy cùng với Ngài mang bằng chứng cho sự thật Chúa Jêsus đã ban cho họ ánh sáng khi họ bị mù loà, đã giúp cho họ đi được đang khi họ bị tê liệt, đã buông tha cho họ không còn bị quỷ ám nữa khi họ vướng vào còng nô lệ cho ma quỷ. Đoàn dân đông cùng đi với Chúa Jêsus, theo một cách nhìn khác, là câu trả lời cho thách thức của Giăng Báptít buộc Chúa Jêsus minh chứng lai lịch Ngài là Đấng Mêsi.
Muốn hiểu cho biết lý do tại sao những người đã được Chúa chúng ta chữa lành có mặt với Ngài khi Ngài đi đây đi đó thì không khó lắm đâu. Người bị quỷ ám khi được giải cứu rồi không những bày tỏ sự khát khao muốn được ở với Chúa Jêsus, mà có nhiều người khác cũng có nổi khát khao ấy nữa:
“Người đã khỏi những quỉ ám xin phép ở với Ngài, nhưng Đức Chúa Jêsus biểu về, mà rằng: Hãy về nhà ngươi, thuật lại mọi điều Đức Chúa Trời đã làm cho ngươi. Vậy, người ấy đi, đồn khắp cả thành mọi điều Đức Chúa Jêsus đã làm cho mình” (Luca 8.38-39).
Trong cả hai trường hợp, trường hợp của người bị quỷ ám, là người đã trở về nhà với dân sự mình, và trường hợp của nhiều người cùng đi theo Chúa Jêsus, cho thấy tin lành đã được rao giảng bởi những người đã được Đấng Mêsi giải cứu.
(5) Mấy người đờn bà đã được Chúa Jêsus chữa lành và hiện cùng đi theo Ngài, là những người yểm trợ cả nhóm có đủ mọi phương tiện của họ. Luca muốn chúng ta biết rõ mấy người đờn bà nầy không phải là hạng “ăn bám” đâu, họ là những người dự phần rất năng động cho việc rao giảng tin lành nói về Nước Trời. Nói theo con người, chiến dịch nầy không thể tiến hành nếu không có sự giúp đỡ cho họ. Bữa tiệc phải ăn, và đồ ăn đều do mấy người đờn bà nầy chu cấp. Tôi không dám nói chắc là chẳng có một người đờn ông nào đóng góp cho sự yểm trợ sứ mệnh của Chúa chúng ta, nhưng chúng ta biết rõ có nhiều người đờn bà đã đóng một vai trò rất quan trọng trong vấn đề nầy.
Tôi lưu ý ở điểm nầy rằng trong khi mấy người đờn bà đóng góp tiền bạc chu cấp cho nhu cần của cả nhóm người nầy, một người đờn ông (Giuđa, đặc biệt được nhắc tới ở Giăng 12.6; 13.29) đã lo giữ và góp phần vào ngân quỹ.
Tôi càng đọc phân đoạn Kinh Thánh nầy, tôi càng thấy tin chắc rằng việc thoả mãn các nhu cần thuộc thể của đoàn dân đông cùng đi với Chúa chúng ta là một vấn đề phụ, một kết quả tự nhiên của việc ở với Đấng Christ. Tôi tin rằng mấy người đờn bà nầy đã không theo Chúa chúng ta để “có một chức vụ” cho bằng họ đi theo Đấng Christ chỉ để được ở với Ngài mà thôi. Ở với Đấng Christ, mấy người đờn bà nầy, giống như Ngài, đều ý thức rõ mọi nhu cần (thậm chí sự khao khát của những người trong nhóm) và việc làm thoả mãn các nhu cần. Cho nên, mấy người đờn bà nầy đã có mặt cùng với Đấng Christ và cũng hành động như Ngài đã hành động đối với bề mặt của các nhu cần.
(6) Mấy người đờn bà cùng đi với Chúa chúng ta và các môn đồ Ngài đã làm thoã mãn mọi nhu cần mà Chúa chúng ta không làm thoả mãn bằng phép lạ. Về một phương diện, thật là ngạc nhiên khi thấy Chúa chúng ta cùng các môn đồ Ngài đang trong cảnh có cần. Mặt khác, thật là kinh ngạc khi thấy Ngài có chủ ý để cho mấy người đờn bà kia làm thoả mãn mọi nhu cần của họ. Chúa Jêsus đã minh chứng quyền phép và sự đầy dẫy của Ngài trong đời sống của từng người đi theo Ngài. Ngài đã làm những việc mà giới mày râu không thể làm – Ngài đã làm ra một phép lạ trong mỗi đời sống. Thế mà Ngài không cung ứng cho nhu cần về bánh ăn hàng ngày của nhóm bằng phép lạ. Tại sao Chúa Jêsus không tiếp trợ đồ ăn cho nhóm của Ngài bằng phép lạ?
Tiền lệ đã có trong phần thử thách của Chúa chúng ta trong đồng vắng. Ở đấy, Ngài đã từ chối không chịu “hoá đá thành bánh” theo như Satan đã thách thức Ngài phải làm. Ngài không sử dụng quyền phép của mình để chu cấp cho mọi nhu cần riêng của mình. Tương tự vậy, Ngài sẽ không sử dụng quyền phép Ngài ở đây để làm một việc tương tự, chỉ ở một cấp độ lớn hơn mà thôi. Chúa Jêsus sẽ không tạo ra “các bữa ăn bằng phép lạ”, thậm chí các môn đồ Ngài đều đã đói bụng rồi.
Trong hai cơ hội, Chúa Jêsus đã chu cấp bằng phép lạ cho các môn đồ Ngài, một lần “cho 5000 người ăn” và một lần nữa cho “7000 người ăn”. Trong cả hai trường hợp, chẳng có một phương thế nào theo đời nầy để cho họ ăn hết. Chúa Jêsus đã cho đoàn dân đông nầy ăn bằng cách làm ra một phép lạ vì chẳng có một phương thế nào khác để cho họ ăn cả. Khi làm như vậy Ngài cũng đưa ra bằng chứng sâu xa hơn cho thấy sự thật có một đấng cao cả hơn Môise đang hiện diện.
Tôi tin rằng có một vài lý do cho thấy tại sao Chúa Jêsus không tiếp trợ bằng phép lạ cho các môn đồ Ngài, mà phải khiến cho cả nhóm nên nương vào sự rời rộng của các môn đồ trung tín thuộc phái yếu.
Đây là một phần trong sự hạ mình của Chúa chúng ta, trong sự hạ mình của Ngài để đến với đất.
Điều nầy cung ứng cho nhiều người nam và nữ cơ hội và đặc ân có phần trong chức vụ của Ngài.
Đây là một tấm gương dành cho các sứ đồ và các giáo sĩ sau nầy, rằng Đức Chúa Trời nhờ con người chu cấp cho mọi nhu cần của dân sự Ngài. Cách của Chúa khi để cho mấy người đờn bà tiếp trợ cho Ngài cùng các môn đồ Ngài tạo ra sự tán thành việc yểm trợ cho những người lo rao giảng tin lành. Chúa chúng ta đặt ra một tiền lệ là người lo rao giảng tin lành sẽ được tiếp trợ bởi những người được phước từ công cuộc rao giảng đó. Điều nầy được thấy rất rõ rằng nơi các tiên tri trong Cựu ước (đối chiếu I Các vua 17.7…; II Các vua 4.8-10), và đã được sứ đồ Phaolô dạy dỗ như một nguyên tắc vậy (I Côrinhtô 9).
Cách của Chúa chúng ta chịu sự tiếp trợ của mấy người đờn bà đã khẳng định tầm quan trọng của nữ giới trong công tác rao giảng tin lành, và sự cộng tác thực tế đã đạt được qua việc tài trợ cho việc rao giảng tin lành.
(7) Mấy người đờn bà nầy, họ đã đi theo Chúa Jêsus trong chiến dịch giảng đạo cho người xứ Galilê, họ cứ tiếp tục đi theo Ngài cho đến cuối cùng. Luca thích giới thiệu các nhân vật chính cho độc giả trước khi ông nhắm thẳng vào họ. Thí dụ, Phaolô được giới thiệu một cách vắn tắt (Công vụ các sứ đồ 8.1, 3) trước các câu chuyện nói tới sự ông trở lại đạo (Công vụ các sứ đồ 9), và nói tới chức vụ sau nầy của ông (Công vụ các sứ đồ 13.1…).
Các phân đoạn Kinh Thánh sau đây cho chúng ta theo thời gian thấy rõ hơn về mấy người đờn bà nầy:
“Vả, có nhiều người đàn bà đứng coi ở đàng xa, là người đã đi theo Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê để hầu việc Ngài. Trong những đàn bà đó có Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-ri, mẹ của Gia-cơ và Giô-sép, và mẹ hai con trai của Xê-bê-đê” (Mathiơ 27.55-56).
“Lại có những đàn bà đứng xa xa mà xem. Trong số ấy có Ma-ri, Ma-đơ-len, Ma-ri là mẹ Gia-cơ nhỏ, và Giô-sê, cùng Sa-lô-mê, là ba người đã theo hầu việc Ngài khi Ngài ở xứ Ga-li-lê; cũng có nhiều đàn bà khác nữa, là những người đã theo Ngài lên thành Giê-ru-sa-lem” (Mác 15.40-41).
“Các người đàn bà đã từ xứ Ga-li-lê đến với Đức Chúa Jêsus, theo Giô-sép, xem mả và cũng xem xác Ngài đặt thể nào. Khi trở về, họ sắm sửa những thuốc thơm và sáp thơm. Ngày Sa-bát, họ nghỉ ngơi theo luật lệ. Ay là Ma-ri Ma-đơ-len, Gian-nơ, và Ma-ri mẹ của Gia-cơ, cùng các đàn bà khác đi với họ đã rao truyền như vậy cho các sứ đồ. Song các sứ đồ không tin, cho lời ấy như là hư không” (Luca 23.55-56; 24.10-11).
“Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện với các người đàn bà, và Ma-ri là mẹ Đức Chúa Jêsus cùng anh em Ngài” (Công vụ các sứ đồ 1.14).
Kết các phân đoạn Kinh Thánh nầy lại với nhau, chúng ta biết rõ mấy người đờn bà nầy đã được Luca nhắc tới chính là mấy người đờn bà đã được Mathiơ và Mác nhắc tới, họ cứ tiếp tục đi theo Chúa Jêsus, không những trong xứ Galilê, mà cũng tại thành Giêrusalem nữa. Họ là mấy người đờn bà đứng bên cạnh Chúa chúng ta tại thập tự giá, và họ là người đầu tiên chạy đến ngôi mộ trống. Quả là một nhóm phụ nữ tuyệt vời và kỳ diệu! Luca đã dành cho họ một sự kính trọng! Đây là những người nữ có lòng trung tín, trung tín trong việc làm thoả mãn mọi nhu cần của Chúa chúng ta và cho nhóm của Ngài, trung tín trong việc ở lại với Ngài thậm chí trong nguy hiểm, trung tín thậm chí sau khi Ngài đã chết rồi nữa. Quả thật, họ đã có mặt giữa vòng những người đang hiện diện và cầu nguyện trong dịp Lễ Ngũ Tuần.
Kết luận
Phân đoạn Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta một vài nguyên tắc quan trọng, có quan hệ với hai lãnh vực kinh nghiệm và chức vụ Cơ đốc. Nguyên tắc thứ nhất nói tới mối quan hệ giữa chức vụ và tiền bạc. Nguyên tắc thứ hai nói tới vai trò của phụ nữ trong chức vụ.
Mối quan hệ giữa Chức Vụ và Tiền Bạc.
(1) Chức vụ đòi hỏi tiền bạc. Nguyên tắc nầy rất hiển nhiên ai cũng biết, song có nhiều người lại không nhận thấy thực tại nầy, hoặc có người lại chọn bất chấp nguyên tắc ấy. Ngay cả chức vụ của Chúa chúng ta cũng đòi hỏi tiền bạc. Ngài không có nhu cần phải trả giá cho các quảng cáo của vô tuyến truyền hình hay mặt bằng văn phòng gì cả, song Ngài và những kẻ theo Ngài đều cần các khoản tiếp trợ rất giản đơn, nghĩa là đồ ăn. Tổng chi phí của Chúa chúng ta không bao gồm một nơi ẩn dật trên núi hay một chiếc du thuyền, cũng không phải một thu nhập cao về mặt cá nhân, nhưng Ngài cùng các môn đồ Ngài đều có các nhu cần về mặt thuộc thể mà con người có đặc ân dự phần trong việc chu cấp.
(2) Đôi khi có những giới chức quản lý tiền bạc rất tồi. Rõ ràng là có một số Mục sư và một số giới chức quản lý rất tồi số ngân quỹ yểm trợ cho công cuộc truyền giáo. Chúng ta biết rồi, Giuđa đã lạm dụng một phần ngân quỹ đã được cung ứng cho để yểm trợ chức vụ của Chúa chúng ta. Những điều tồi tệ đó không nên đánh giá thấp, nhưng đấy không phải là cớ để bào chữa cho việc thất bại không yểm trợ cho công việc của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy thận trọng ngăn chận và giải quyết việc quản lý tồi; nhưng chúng ta không được tránh né trách nhiệm yểm trợ công việc của Đức Chúa Trời nơi phần của mình.
(3) Người nào chia sẻ giá phải trả cho công cuộc truyền giáo, họ đang đóng góp như những công cụ trong chức vụ đó. Tôi tin rằng Luca đang nói cho chúng ta biết mấy người đờn bà nầy đã cùng đi với Chúa chúng ta và họ đã giúp đỡ tài chính, đây là một phần rất quan trọng của “nhóm” chuyên lo rao giảng tin lành nói về nước Đức Chúa Trời. Chúa chúng ta đưa ra vấn đề như sau:
“Ai rước một đấng tiên tri vì là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên tri; ai rước một người công chính vì là công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu” (Mathiơ 10.41-42).
Vì thế, giúp đỡ một vị tiên tri trong chức vụ của tiên tri là dự phần vào phần thưởng của chức vụ của tiên tri. Giúp đỡ một tiên tri là dự phần vào công việc và vào phần thưởng của tiên tri.
(4) Trong một số trường hợp, phụ giúp yểm trợ công cuộc truyền giáo là làm theo Kinh Thánh. Luca đã nói cho chúng ta biết Chúa Jêsus đã được một nhóm phụ nữ trung tín yểm trợ trong chức vụ của Ngài. Chắc chắn nếu Chúa chúng ta được yểm trợ, thì theo Kinh Thánh “các vị giáo sĩ” (những người lo rao giảng tin lành) cũng đáng được yểm trợ nữa. Phaolô đã nhấn mạnh vấn đề nầy trong I Côrinhtô chương 9. Tôi hiểu tin lành của Luca đang chỉ ra ba hình thức ủng hộ chính của hạng người chuyên phục sự.
Thứ nhất, quí vị sẽ được yểm trợ trong việc rao giảng tin lành bởi những người đã từng hưởng lợi ích trước đó qua chức vụ của họ. Đây là trường hợp trong Luca 8.1-3 theo như tôi hiểu phân đoạn nầy. Mấy người đờn bà nầy về mặt cá nhân họ đã hưởng phước hạnh từ chức vụ của Chúa chúng ta cho họ, và bây giờ họ yểm trợ chức vụ của Ngài cho nhiều người khác. Phaolô đã được người xứ Maxêđoan yểm trợ, trước đấy ông đã lo phục sự cho họ rồi (đối chiếu Philíp 1.3-6; 4.10-13).
Thứ hai, quí vị sẽ được yểm trợ bởi những người mà họ đang phục sự cho. Khi Chúa Jêsus sai 12 môn đồ (Luca 9.1-6) và 70 môn đồ ra đi (Luca 10-1-12), Ngài đã dặn dò họ đừng đem gì theo. Sở dĩ như thế là vì họ sẽ được những người họ gặp gỡ phục sự cho, các môn đồ đã sinh sống và hầu việc Chúa giữa vòng họ; 12 và 70 môn đồ đều đã lo chữa lành và đuổi quỷ. Chắc chắn các thành phố mà họ đặt chân đến sẽ vui sướng yểm trợ cho các nhà truyền đạo cùng những người hay làm ra các phép lạ nầy. Thực thế họ là hạng tôi tớ “xứng đáng với công giá mình”.
Thứ ba có một số phải lo tự túc. Khi có nhiều người trở mặt thù nghịch đối cùng Chúa chúng ta và sứ điệp của Ngài, Chúa Jêsus đã phán với các môn đồ về một phương tiện yểm trợ khác khi họ lo rao giảng tin lành:
“Đoạn, Ngài lại phán rằng: Khi ta đã sai các ngươi đi, không đem túi, bao, giày chi hết, các ngươi có thiếu gì không? Môn đồ thưa rằng: Không thiếu chi hết. Ngài phán rằng: Nhưng bây giờ, ai có túi bạc, hãy lấy đi, ai có bao, cũng vậy; ai không có gươm, hãy bán áo ngoài đi mà mua. Vì ta rao cho các ngươi, có lời chép rằng: Ngài đã bị kể vào hàng kẻ dữ. Lời ấy phải ứng nghiệm về chính mình ta. Thật vậy, sự đã chỉ về ta hầu được trọn” (Luca 22.35-37).
Khi các môn đồ của Chúa ra đi rao giảng và chữa lành, họ đều được tiếp đãi rời rộng. Nhưng sau khi Chúa chúng ta bị chối bỏ và bị đóng đinh trên thập tự giá, mọi sự hoàn toàn khác cho các môn đồ. Giờ đây họ vẫn tiếp tục đi ra, rao giảng tin lành, nhưng lần nầy họ phải tự túc lo cho bản thân mình. Thực tế, họ phải lo tự túc trong thế giới thù nghịch là điều tất phải xảy đến. Vì cớ những điều xấu và lạm dụng rất đa dạng (chủ yếu là hạng giáo sư giả), Phaolô đã từ chối không thực thi quyền nhận mọi thứ yểm trợ nầy từ Hội thánh, và để phục sự với bất cứ giá nào. Thực thế, Phaolô đã cật lực lao động bằng hai bàn tay của mình để có dư dật giúp đỡ cho người khác (đối chiếu Công vụ các sứ đồ 20.34-35).
Phương pháp sau cùng nầy không phải là phương pháp phổ thông ngày hôm nay. Một số ít người bằng lòng lao động với hai bàn tay lem luốt. Có nhiều người rất mong muốn người khác giúp đỡ họ trong chức vụ. Đa số trong số nầy yêu cầu những người mà họ không quen biết, những người mà họ không phục sự cho, phải ủng hộ họ trong chức vụ. Tôi không thấy loại giúp đỡ nầy trong Tân ước.
Vì thế, khi nào thì quí vị mới cần sự yểm trợ, ai yểm trợ và dưới hoàn cảnh nào? Từ cả sách Luca, tôi tin chúng ta phải cho rằng vấn đề nầy sẽ khác biệt đối với những con người không giống nhau, và thậm chí đối với cùng một con người, dưới các hoàn cảnh khác nhau. Tôi tin rằng chúng ta sẽ được yểm trợ bởi những người chúng ta đã phục sự. Và, chúng ta sẽ được yểm trợ chỉ khi công tác rao giảng tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ đang được đẩy mạnh mà thôi. Có nhiều lúc khi Phaolô lẫn tránh việc nhận tiền bạc ủng hộ cho chức vụ của ông vì những cách thức thể hiện mang tính lạm dụng của hàng giáo sư giả. Có nhiều lúc Phaolô tìm cách thể hiện tin lành qua lao động bằng hai bàn tay của mình, để giúp đỡ cho nhiều người khác. Và có nhiều lúc khi Phaolô nhận lãnh sự yểm trợ, ông đã dành hết cho việc rao giảng lẽ thật của tin lành. Dù chúng ta có nhận hay không nhận sự yểm trợ thì tin lành cũng phải được rao giảng, cho dù chúng ta phải lao động cật lực bằng hai bàn tay của mình. Có rất nhiều người đang thi hành chức vụ đã từ chối không màng đến hai ý kiến nầy:
(5) Yểm trợ cho chức vụ tin lành bao gồm sự ủng hộ của nhiều người. Mấy người đờn bà đã yểm trợ cho chức vụ của Chúa chúng ta không phải chỉ yểm trợ cho Chúa Jêsus thôi đâu – họ yểm trợ cho cả đội truyền giáo.
“Gian-nơ vợ Chu-xa, là quan nội vụ của vua Hê-rốt, Su-xan-nơ và nhiều người khác nữa giúp của cải cho Ngài” (Luca 8.3).
Có nhiều Cơ đốc nhân rất muốn yểm trợ cho cấp lãnh đạo của một hội truyền giáo. Rốt lại, người ấy phải có tài ăn nói, năng nổ, sẵn sàng tiếp khách. Nhưng họ lại không sẵn lòng trả công cho thư ký chuyên nhận các cuộc gọi hoặc đánh máy bài giảng của cấp lãnh đạo nầy, đây cũng là các chức năng quan trọng đấy. Khi chức vụ tin lành được yểm trợ thì đội truyền giảng tin lành sẽ được yểm trợ.
(6) Yểm trợ cho chức vụ tin lành bao gồm cả những thứ linh tinh. Tôi dám chắc rằng chẳng có gì say mê về việc mua bó rau muống, hay rau sống, hoặc thịt cá, song đây là những thứ có thể tạo ra một bữa ăn. Ngày nay, Cơ đốc nhân không sốt sắng trả tiền cuộn ru băng mực in. Tuy nhiên, hết thảy những thứ nầy lại rất cần thiết, và mua sắm chúng là một phần trong chức vụ tin lành, mua sắm chúng là yểm trợ cho chức vụ, vô luận chúng được xem là linh tinh như thế nào đi nữa.
(7) Người [nam hay nữ] nào trung tín trong việc nhỏ sẽ trung tín trong việc lớn. Mấy lời nầy của Chúa chúng ta đề cập tới chức vụ với tiền bạc, và rồi hãy lo phục sự theo nhiều cách thức khác nhau:
“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn” (Luca 16.10).
Trong nội dung của câu Kinh Thánh nầy rõ ràng tiền bạc là “việc nhỏ” trong khi các vấn đề khác là những việc lớn lao hơn. Mấy người đờn bà nầy, họ rất trung tín đi theo Chúa chúng ta trong xứ Galilê, và họ làm thoả mãn mọi nhu cần của cả nhóm, họ đã trung tín có mặt tại chân thập tự giá và tại ngôi mộ của Chúa chúng ta. Sự trung tín của họ trong việc nhỏ về tiền bạc quyết chắc với họ sẽ trung tín trong những việc lớn lao hơn sau đó. Ngược lại, Giuđa – người đã không trung tín trong việc nhỏ bé về tiền bạc sẽ không trung tín trong những việc lớn lao hơn. Sự trung tín trong vấn đề tiền bạc rất hay bị chê bai, vì nó cũng dẫn tới sự trung tín trong những việc lớn lao hơn nữa. Khi đầu tư vào chức vụ tin lành, việc làm nầy quyết định tấm lòng của mấy người đờn bà ở đâu:
“Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mathiơ 6.21).
Vai trò của phụ nữ trong chức vụ
(1) Chúa Jêsus nâng cao nữ giới lên trên địa vị mà xã hội đã dành cho họ. Luca là người hay chú ý nhiều về giới nữ trong câu chuyện của ông hơn các trước giả Tân ước khác. Xuyên suốt đời sống và chức vụ của Chúa chúng ta, Chúa Jêsus vốn yêu mến và đánh giá cao giới phụ nữ. Xuyên suốt các sách tin lành, giới nữ đã được mô tả theo một ánh sáng đáng ưa thích.
(2) Chúa Jêsus đã sử dụng và khích lệ giới nữ trong chức vụ. Câu chuyện của Luca nói về mấy người đờn bà nầy, là những người đi theo Chúa Jêsus và yểm trợ cho chiến dịch truyền giảng ở xứ Galilê là để tỏ lòng kính trọng đối với họ và chức vụ của họ. Câu chuyện ấy cũng khen ngợi mấy người đờn bà vì cớ họ trung tín và đầu phục Chúa và câu chuyện ấy đánh giá cao chức vụ của họ như một bạn đồng công trong công tác rao giảng tin lành.
(3) Chúa Jêsus phân biệt chức vụ của nữ giới đối với chức vụ của nam giới. Chúa Jêsus không sử dụng giới nữ trong chức vụ theo cùng một cách thức Ngài đã sử dụng nam giới. Ngài không chọn 6 người nam và 6 người nữ làm sứ đồ; Ngài đã chọn 12 người đờn ông. Ngài không sai 36 người nam và 36 người nữ đi từ thành nầy qua thành khác (10.1…); Ngài đã chọn 72 người đờn ông. Chúa Jêsus không sai phái giới nữ đi giảng đạo cho người ta. Chúa Jêsus đã sử dụng giới nữ trong chức vụ, nhưng theo một cách thức hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và thực hành của sứ đồ Phaolô, các nguyên tắc và thực hành đó đã được xem là “hẹp” bởi một số nhà truyền giáo và hầu hết nhiều người khác. Chúa Jêsus không sử dụng giới nữ trong các chức vụ khiến cho họ phải đứng dạy dỗ hoặc có thẩm quyền trên nam giới.
(4) Chúa Jêsus không để cho nền văn hoá của Ngài tạo ra các phương thức mà giới nữ được sử dụng để nắm lấy chức vụ. Ngày nay, một số Cơ đốc nhân bị cám dỗ suy nghĩ theo cách nầy: Chúa Jêsus tôn cao giới nữ trên cả nền văn hoá trong thời của họ. Vì lẽ đó Cơ đốc nhân cứ tiếp tục buộc quyền hạn và chức vụ của giới nữ không vượt quá các tiêu chuẩn và cấu trúc của xã hội. Nếu Chúa Jêsus là “nhà giải phóng cho phụ nữ” trong thời của Ngài, Hội thánh phải tìm cách giải phóng cho giới nữ trong thời hiện tại nầy.
Họ bỏ sót điểm mà Chúa Jêsus đã thực hiện. Chúa Jêsus đã không để cho nền văn hoá của Ngài tạo ra các phương thức mà giới nữ được sử dụng để nắm lấy chức vụ. Trong thời của Chúa Jêsus, nền văn hoá đã kềm chế giới nữ. Trong thời của chúng ta, nền văn hoá của chúng ta đang giải phóng giới nữ đến một phạm vi không còn có sự phân biệt nào giữa nam và nữ giới trong mọi giới hạn chức vụ và chức năng của họ. Ở trong Hội thánh, chúng ta phải tuân theo các mạng lệnh của Đức Chúa Trời, chớ không phải tuân theo nền văn hoá. Giờ đây, thay vì vượt ra khỏi nền văn hoá bằng cách tôn cao nữ giới (như Chúa Jêsus đã làm), Hội thánh đang tìm cách củng cố thế đứng của mình và từ chối không cung ứng cho giới nữ các chức vụ và chức năng, đây là điều phi Kinh Thánh rõ ràng. Nữ giới bị cấm đoán trong Kinh Thánh không được dạy dỗ hay lãnh đạo nam giới (I Timôthê 2.11-12), và Hội thánh phải tuân theo. Dù nền văn hoá hay nữ giới có hoan nghênh điều nầy là thích ứng hay không. Đi theo Đấng Christ thường có nghĩa là chống cự lại nền văn hoá của chúng ta. Chúa Jêsus không cho phép nền văn hoá của Ngài bức chế sinh hoạt của Ngài, mà đúng hơn bức chế các nguyên tắc thiêng liêng. Chúng ta phải hành động tương tự, dù chúng ta được khen hay bị chê và đã biết vâng phục. Trong phần phân tích sau cùng, chúng ta không tôn cao nữ giới bằng cách đối đãi với họ giống như đối đãi với nam giới. Chúng ta tôn cao họ bằng cách đối xử với họ như một tạo vật đặc biệt của Đức Chúa Trời với một sự ca ngợi, chớ không phải là một vai trò cạnh tranh với sự kính trọng nơi nam giới.
(5) Tình trạng thuộc linh hay tầm vóc quan trọng của một người đối với Đấng Christ không được đánh giá bằng sự nổi bật, uy quyền, hay địa vị của họ, mà bởi tấm lòng của họ dành cho Đức Chúa Trời và sự tin kính Ngài. Lý do tại sao cả nam và nữ giới đều kêu la đòi hỏi “quyền” sở hữu các địa vị quyền lực là vì chúng ta nghĩ tầm quan trọng của chúng ta đối với Đức Chúa Trời được đánh giá bằng địa vị của chúng ta trước mặt loài người. Tôi có một chút nghi ngờ rằng mấy người đờn bà mà Luca nhắc tới trong phân đoạn Kinh Thánh là rất “thuộc linh”, rất mẫn cảm thuộc linh, hơn cả 12 môn đồ. Những người đờn ông đi theo Chúa Jêsus mong muốn xin lửa từ trời xuống thiêu đốt các kẻ thù nghịch Đức Chúa Trời, họ mong muốn kiếm được quyền lực và sự nổi bật cho chính bản thân họ; họ tranh nhau ai sẽ là lớn nhất trong Nước Trời; họ không nắm bắt được mọi hàm ý thuộc linh của những điều Chúa Jêsus nói và làm. Mặt khác, mấy người đờn bà dường như ý thức rõ ràng hơn, đã tin kính thờ lạy Cứu Chúa, và càng ý thức hơn nữa cái chết của Chúa Jêsus sẽ là cái chết rất kỳ diệu (cho nên, việc xức dầu Chúa Jêsus để chôn cất Ngài, do một người nữ thực hiện). Địa vị và quyền lực chẳng có chi phải làm với sự tin kính họ có đối với Chúa và sự thắm thiết trong mối tương giao của họ với Ngài. Vì thế, “có một chức vụ quan trọng” không phải, và không bao giờ là một thế lực chính trong đời sống của mấy người đờn bà tin kính nầy. Họ chỉ muốn được ở với Ngài mà thôi, thậm chí ngay cả việc rửa chơn cho Ngài. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện nầy.
Hãy để tôi đưa ra một lưu ý sau cùng. Phân đoạn Kinh Thánh nầy là bằng chứng thiêng liêng cho sự thật Đức Chúa Trời vốn biết rõ ai là người đi theo Ngài, và Ngài tôn cao cả sự tin kính cùng mọi việc làm của họ trong sự phục vụ. Dù nam giới có ca tụng họ hay không, Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho sự trung tín và sự tôn kính của họ dành cho Ngài. Chúng ta hãy tìm kiếm sự khen ngợi, ân sủng, và câu nói của Ngài: “Được lắm, hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét