Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2010

I Giăng 2.7-11: "Ánh sáng của tình yêu"



SỐNG TRONG SỰ SÁNG
Ánh sáng của tình yêu
I Giăng 2.7-11
1. Mỗi ngày ở các phi trường trên khắp thế giới, một bối cảnh quen thuộc đang bày ra. Một hành khách với thái độ mệt mõi vừa bước xuống từ chuyến bay và đang trên đường ra cổng. Trong nhiều giờ liền ông ta lọt giữa những lối đi và một cánh cửa sổ với toàn là khách lạ. Ông ta đọc báo, ăn đậu phộng rồi uống một lon Côca. Chuyến bay không có gì kinh khủng lắm, song ông ta muốn có mặt ở nhà thôi. Khi ông ta bước tới khu vực cổng, ông ta nhìn thấy hàng tá gương mặt nhưng chẳng chút chú ý gì tới họ. Ông ta muốn gặp những người mà ông ta yêu mến. Khi ấy, ông ta nhìn thấy vợ mình. Nụ cười khả ái của nàng là hình ảnh đẹp nhất ông ta đã nhìn thấy trọn ngày đó. Mấy đứa con của ông ta thì nhảy nhót mừng rỡ, chúng vẹt đám đông ra để nhìn thấy mặt của bố chúng. Khi chúng nhìn thấy mặt của ông ta, chúng kêu lên với thích thú. Tôi biết rõ bối cảnh đó vì tôi là người hành khách ấy. Ông ta tìm những người mà ông ta yêu mến. Ao ước lớn lao nhất của ông ta là mối giao thông của gia đình mình. Mối giao thông làm cho cuộc sống thêm phần giá trị.
2. Thư tín I Giăng đã được ban cho Cơ đốc nhân để chúng ta sẽ biết phải trau dồi mối giao thông với Đức Chúa Trời là thể nào, phải sống trổi hơn mối quan hệ với Đức Chúa Trời để có sự mật thiết đầy trọn với Ngài, đừng bước đi theo xác thịt, một phải bước theo sự đầy dẫy và quyền phép của Đức Thánh Linh.
3. Khi chúng ta được sanh lại, chúng ta bắt đầu một mối quan hệ đời đời với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chẳng có gì phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu thương của Ngài (Rôma 8.37-39) và không một người nào hay một điều gì có thể cướp chúng ta ra khỏi bàn tay của Đức Chúa Trời (Giăng 10.27-29). Tuy nhiên, tôi có thể có mối quan hệ với Đức Chúa Trời song chẳng có mối giao thông hay mật thiết nào với Ngài cả. Tôi có mối quan hệ với vợ tôi nhưng tôi có thể hoặc không thể ở trong mối giao thông với nàng. Đức Chúa Trời thiết lập và duy trì mối quan hệ của tôi với Ngài. Mối quan hệ nương vào Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, mối giao thông nương vào tôi. Tôi tin chắc rằng có những cấp độ mật thiết với Đức Chúa Trời, có ít người trong chúng ta đạt tới các cấp độ đó. Bất cứ bạn ở đâu trong sự bạn đồng đi với Chúa, Ngài buộc bạn phải đến gần hơn.
4. Giăng nói cho chúng ta biết trong câu 3: "chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài". Nói cách khác, một người thực được cứu sẽ có lòng khát khao muốn vâng theo Đức Chúa Trời. Câu 4 nhắc cho chúng ta nhớ rằng người nào nói: "Tôi biết Ngài" nhưng "không giữ các điều răn của Ngài" là "người nói dối", một Cơ đốc nhân giả hiệu. Hạng tín đồ xác thực khao khát muốn vâng theo "các điều răn của Ngài".
5. Trong câu 5, chúng ta học biết rằng chúng ta phải sống trổi hơn việc tuân giữ "các điều răn" đến việc giữ "Lời của Ngài". Người nào bị thương trong các tai nạn thường phải tập đi đứng lại. Theo bài bản, họ phải đặt chân nầy ở trước chân kia. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, họ học bước đi mà chẳng còn phải suy nghĩ về việc bước đi ấy nữa. Chúng ta bắt đầu bước đi với Chúa bằng cách giữ "các điều răn của Ngài" nhưng sau đó chúng ta học tuân giữ "Lời phán của Ngài". Khi chúng ta tấn tới trong Chúa, theo bản năng chúng ta học đòi những gì Ngài muốn chúng ta phải làm theo.
6. Giăng nói cho chúng ta biết tại điểm nầy "lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy". Rôma 5.5 cho chúng ta biết "vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta". Đức Chúa Trời rải tình yêu thương của Ngài trong chúng ta khi chúng ta được cứu. Khi chúng ta bắt đầu sống trong sự vâng phục và "giữ Lời phán của Ngài" tình yêu thương của Đức Chúa Trời tuôn tràn trên từng người ở chung quanh chúng ta. Chúa Jêsus phán trong Giăng 7.38: "Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy".
7. Câu 7 cho chúng ta biết chúng ta cần phải "ở trong Ngài". Câu nầy nói về mối giao thông. "Ở" có nghĩa là "trụ, ngụ, ở lại". Chúng ta không phục vụ Ngài trong một thời gian ngắn và rồi lạc sai. Chúng ta cần phải "ở trong". Trong Giăng 15.5, Chúa Jêsus hứa rằng người nào "ở trong Ngài" sẽ "kết nhiều quả".
8. Khi chúng ta không những có mối quan hệ mà còn có mối giao thông đầy trọn với Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ "làm theo những Ngài đã làm". Chúng ta sẽ sống từng phút một trong đời sống của chúng ta trong sự nương cậy không ngừng nghỉ vào Đức Chúa Cha. Chúng ta sẽ suy nghĩ những gì Ngài muốn chúng ta phải suy nghĩ, đi đến nơi mà Ngài muốn chúng ta phải đi đến, nói năng những gì mà Ngài muốn chúng ta phải nói và làm theo những điều mà Ngài muốn chúng ta phải lo làm.
9. Hôm nay, khi chúng ta tiếp tục ở các câu 7-11, chúng ta sẽ học biết rằng mối giao thông với Đức Chúa Trời cũng tự tỏ ra qua việc chúng ta tuân giữ điều răn lớn lao của Ngài và yêu mến đại gia đình của Ngài.
I. Giao thông với Đức Chúa Trời nghĩa là tuân giữ điều răn lớn lao của Ngài (các câu 7-8).
A. Điều răn cũ. Yêu mến anh em mình như chính mình (câu 7).
1. Hãy chú ý, Giăng đang nói với chúng ta là "anh em" hoặc người yêu dấu. Ở câu 1, ông gọi chúng ta là "con cái bé mọn". Ông đang dạy chúng ta về tình yêu anh em, vì vậy ông nhắc cho chúng ta nhớ chúng ta hết thảy đều ở trong gia đình của Đức Chúa Trời.
2. Ở cái nhìn đầu tiên, các câu 7-8 dường như chẳng có ý nghĩa chi cả. Trong câu 7, Giăng nói: "ấy chẳng phải là điều răn mới mà ta viết cho anh em, bèn là điều răn cũ". Ở câu 8, ông nói: "Song le, ta cũng viết cho anh em điều răn mới…". Điều răn mới gì vậy hở Giăng?
3. "Điều răn cũ" Giăng nói là điều răn mà chúng ta đã có "từ lúc ban đầu". Điều răn ấy, chúng ta "đã nghe từ lúc ban đầu".
4. "Từ lúc ban đầu" có ý nói phần bắt đầu mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Còn "điều răn" nào chúng ta luôn luôn nhìn biết từ thời điểm chúng ta được cứu?
5. Các câu 3-4 nới tới "các điều răn" của Đức Chúa Trời ở số nhiều, ý chỉ của Đức Chúa Trời theo ý nghĩa chung chung. Câu 7 nói tới một "điều răn" theo số ít, một mạng lịnh đặc biệt ra từ Chúa. Chúng ta cần phải yêu nhau.
6. Phaolô đã viết ở I Têsalônica 4.9: "Còn như sự anh em yêu thương nhau, về điều đó, không cần viết cho anh em, vì chính anh em đã học nơi Đức Chúa Trời, phải yêu thương nhau".
7. Là Cơ đốc nhân, chúng ta đã "học nơi Đức Chúa Trời, phải yêu thương nhau". Tình yêu anh em là tình yêu không thể chuyển đổi được. Đó là kết quả chính yếu của niềm tin Cơ đốc. Chúa Jêsus phán trong Giăng 13.35: "Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta". Yêu thương nhau là một lẽ đạo thường trực ở trong Kinh Thánh. Chúng ta hãy quay sang Mathiơ 22.36-40. Một "thầy dạy luật" hay thầy thông giáo đã hỏi Chúa Jêsus một câu: "Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?" Khi chúng ta nói "luật pháp" có nhiều người nghĩ ngay đến 10 Điều Răn. Tuy nhiên, có hơn 600 điều luật trong luật pháp Môise. Đây là một câu hỏi mà các rabi và văn sĩ thường tranh luận. Không chần chừ chi hết, Chúa Jêsus nói cho họ biết ấy là "hãy kính sợ Chúa là Đức Chúa Trời ngươi…" đó là "điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết". Chúa Jêsus không dừng lại ở đó mà nhân rộng nó với điều răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình". Kế đó Ngài nói thêm: "Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra". Cho phép tôi đóng ngoặc kép: "Nếu ngươi kính sợ Đức Chúa Trời không có giới hạn và yêu kẻ lân cận mình như mình, mọi điều khác trong Cựu Ước chỉ là những chi tiết mà thôi".
8. Vậy thì "điều răn cũ" mà Giăng viết trong câu 7 là điều răn nào? Ấy là phải "yêu kẻ lân cận như mình".
B. Điều răn mới. Hãy yêu anh em ngươi giống như Chúa Jêsus yêu ngươi vậy (câu 8a).
1. Trong Giăng 13-16, Kinh Thánh ghi lại những gì chúng ta biết là Bài Giảng Trên Phòng Cao. Đây là một cuộc trao đổi mật thiết với Chúa Jêsus, trong đó Ngài sửa soạn trước cho Giăng cùng các môn đồ khác về sự ra đi của Ngài.
2. Họ đã kỷ niệm Lễ Vượt Qua cũ xưa với rượu mới tương giao với Chúa Jêsus. Trong bối cảnh đáng yêu nầy, với Giăng đang tựa người nơi ngực Chúa Jêsus, Ngài phán: "Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy" (Giăng 13.34). Chúa Jêsus đã ban cho điều răn cũ một ý nghĩa sâu sắc, phong phú, mới mẻ hơn.
3. Chúa Jêsus đã minh hoạ cho quan niệm nầy trong Thí dụ nói về người Samari nhơn lành ở Luca 10.
4. Yêu thương nhau là điều răn cũ, nhưng hãy yêu thương nhau giống như Chúa Jêsus yêu thương chúng ta là điều răn mới.
5. Chúa Jêsus đã yêu thương họ như thế nào? Ngài đã yêu thương Phierơ khoe khoang tự phụ không chịu được mặc dầu ông đã chối Chúa. Ngài yêu thương Giacơ và Giăng tự kiêu "con trai của sấm sét". Ngài yêu thương Thô-ma, kẻ hoài nghi cứng lòng. Ngài yêu thương Philíp sống theo nội tâm và Anh-rê thực tế, cứng đầu cứng cổ kia.
6. Các môn đồ không phải là một nhóm người dễ thương đâu! Họ kiêu căng, đầy tham vọng, ích kỷ và lấy cái tôi làm trọng. Chúa Jêsus đã hỏi hơn một lần: "Ta sẽ còn chịu đựng các ngươi bao lâu nữa?" Họ sống chẳng đẹp lòng Ngài, làm cho Ngài bực bội, làm cho Ngài ngã lòng, chọc tức Ngài … tuy nhiên, Ngài đã yêu thương họ. Cũng một thể ấy, Ngài yêu thương chúng ta ngày nay. Không một điều gì sẽ phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu thương của Ngài.
7. Chúa Jêsus đã yêu thương họ và chúng ta nhiều dường nào? Cho đến chết. Rôma 5.8 chép: "Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết".
8. Giăng nói tình yêu nầy là "chân thật trong Chúa và trong anh em". Vì Chúa Jêsus có tình yêu nầy và vì Ngài ở trong chúng ta và tình yêu Ngài đã "rải khắp" trong chúng ta, chúng ta có thể yêu thương theo cùng một cách ấy. Chúng ta có thể yêu thương người nào đang ở trong cảnh khó khăn, hay cáu kỉnh và khó chịu.
C. Ứng dụng thực tế. Hãy sống theo Điều răn cũ được làm ra mới mỗi ngày (câu 8b)
1. "Điều răn" phải yêu nhau vừa là cũ vừa là mới. Nhà truyền đạo nổi tiếng R.G. Lee đã nói: "Tình yêu của Đức Chúa Trời là cũ khi những kim tự tháp là mới". Tình yêu ấy là mới cho ngày nay.
2. Mặc dù mạng lịnh phải yêu thương là cũ, chúng ta cần phải biến nó ra mới qua sự hiểu biết và ứng dụng tươi mới. Có người nói: "Dù giáo lý Cơ đốc luôn luôn là cũ, Cơ đốc giáo thực nghiệm luôn luôn là mới". Cơ đốc giáo ấy luôn luôn mới mẻ! Mặt trời vẫn cũ kỹ y như sự sáng tạo. Đức Chúa Trời đã dựng nên nó vào lúc sáng thế. Tuy nhiên, mỗi buổi sáng khi chúng ta nhìn thấy nó mọc lên ở đường chân trời, chúng ta nói đó là một ngày mới. Cũng vậy, mạng lịnh phải yêu thương tuy là cũ, nhưng khi chúng ta áp dụng nó vào các mối quan hệ của chúng ta với các tín hữu khác, nó luôn luôn mới mỗi ngày.
3. Ở phần cuối của câu 8, Giăng chép: "vì sự tối tăm đã tan rồi, và sự sáng thật đã soi sáng". Là tín đồ, chúng ta phải thoát ra khỏi sự tối tăm của thời đại. Êphêsô 5.8 chép: "Vả, lúc trước anh em đang còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng". Dù chúng ta vẫn sòn sống trong một thế giới tăm tối, tình yêu thương của Đức Chúa Trời, "sự sáng thật của Ngài" đang soi rọi rồi trong chúng ta.
4. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 8.12: "Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống".
II. Giao thông với Đức Chúa Trời có nghĩa là yêu thương đại gia đình của Đức Chúa Trời (các câu 7-8).
Nếu tôi cảm thấy mệt mõi và nghĩ … tôi đã bị cảm sốt, tôi sử dụng thước đo nhiệt để kiểm tra nhiệt độ cơ thể của mình. Thước đo nhiệt cho tôi biết nhiều về sức khoẻ của tôi. Cũng một thể ấy, mối giao thông của chúng ta với các tín hữu khác cho chúng ta biết nhiều về mối giao thông của chúng ta với Đức Chúa Trời.
A. Thiếu tình yêu thương là một dấu hiệu chắc chắn về sự tối tăm (câu 9).
1. Giăng nói: "Kẻ nào nói mình ở trong sự sáng, mà ghét anh em mình thì còn ở trong sự tối tăm". Tình yêu và sự sáng cùng song hành với nhau. Thù hận và tối tăm là hai đồng chí. Chúng ta không thể xưng mình có mối giao thông mật thiết với Đức Chúa Trời mà vẫn thù ghét một anh em nào đó.
2. Có thể bạn nói: "Thưa Mục sư, tôi không ưa một số người. Thực ra có mấy người tôi không thể đứng gần, nhưng tôi không ghét một ai cả".
3. Webster nói thù ghét được biểu lộ bằng thù nghịch, oán hận. Từ ngữ Hy lạp có ý nói: "ghê tởm, ngược đãi". Thù ghét có thể là TÍCH CỰC hay TIÊU CỰC. Thù ghét tích cực biểu lộ ra bằng lời lẽ hoặc việc làm hằn học, cố tình làm hại giống như đốt cây thập tự trong sân của ai đó. Thù ghét tiêu cực rất hay có. Nó được biểu lộ ra trong sự lạnh lùng, chẳng quan tâm và dửng dưng về ai đó. Chúa không bị tổn thương khi những kẻ thù công khai vu cáo Ngài mà chính sự dửng dưng của những kẻ theo Ngài mà lại đứng ỳ ra đó khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá.
4. Giăng nói cho chúng ta biết người nào xưng mình là Cơ đốc nhân sống trong mối giao thông với Đức Chúa Trời nhưng thực sự thù ghét Cơ đốc nhân khác thì chưa hẳn được cứu đâu. Người ấy là một kẻ giả mạo. Người ấy đang ở "trong tối tăm cho đến bây giờ". "Sự sáng thật" chưa hề chiếu sáng qua đời sống của người ấy.
5. Khi nói rằng bạn đang sống trong sự sáng thế mà ghét anh em mình thì chỉ là mâu thuẫn và tệ hại hơn, như thế là chối bỏ đức tin.
6. I Giăng 3.14 chép: "Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết".
B. Dư dật tình yêu thương là một dấu hiệu chắc chắn của sự sáng (câu 10a).
1. Hãy chú ý sự khác biệt giữa hai hạng người được mô tả trong các câu 9 - 10. Một người "nói mình ở trong sự sáng". Người ấy chỉ nói mà thôi. Người kia nói mình "ở trong sự sáng". Người ấy không nói về sự sáng. Người ấy đang ở trong sự sáng đó!
2. Yêu anh em mình có ý nghĩa như thế nào? Nó có nghĩa là chúng ta yêu một người nào đó mà chúng ta không thích! Giống như Chúa Jêsus yêu thương các môn đồ, người ta phải vận dụng thần kinh của mình. Họ chọc tức chúng ta, làm cho chúng ta phải nãn lòng và làm cho chúng ta phải bực tức! Chúng ta không luôn luôn cảm thấy tình yêu dành cho anh em mình trong đại gia đình của Đức Chúa Trời.
3. Đây là bí quyết. YÊU THƯƠNG KHÔNG PHẢI LÀ CẢM XÚC. YÊU THƯƠNG LÀ MỘT QUYẾT ĐỊNH. Nếu tôi yêu bạn, như vậy có ý nói khi tôi đưa ra một quyết định về sự hiện hữu của bạn, tôi sẽ đưa ra một quyết định yêu thương. Tôi quyết sẽ không gây tổn thương cho bạn, nói xấu về bạn hoặc làm cho bạn phải đau đớn. Tôi sẽ đặt mọi tiện ích của bạn và cảm xúc của bạn lên trên tiện ích và cảm xúc của tôi.
C. Những đặc điểm của một đời sống không có tình yêu thương (các câu 10b-11).
1. Giăng nói người tín đồ nào yêu thương, trong "người đó chẳng có điều chi gây cho vấp phạm". Bằng cách đối chiếu với đời sống không có tình yêu thương, đời sống đầy ắp với "thù ghét" và xem khinh là một đời sống "gây vấp phạm… còn ở trong tối tăm". Giăng nói một người thể ấy còn "đi trong tối tăm".
2. Giăng nói chúng ta một là "ở trong sự sáng" hoặc là "ở trong sự tối tăm". Chẳng có chỗ tranh tối tranh sáng ở đây. Nếu bạn là một tín đồ chân chính, bạn phải yêu anh em mình. Nếu bạn không yêu anh em mình, bạn chưa phải là một tín đồ chân chính đâu.
3. Giăng cũng nói người nầy "không biết mình đi đâu, vì bóng tối tăm đã làm mù mắt người". Người ấy thù ghét mọi người khác vì người ấy không thể nhìn thấy họ rõ ràng. Người ấy nhìn thấy màu da của họ, tình hình kinh tế của họ, lối sống của họ hay ý thức hệ của họ thay vì nhìn thấy con người thật mà Đức Chúa Trời đã dựng nên.
4. Mặc dầu Giăng đang mô tả Cơ đốc nhân giả hiệu, nhiều tín đồ chân chính lại vấp ngã trong tối tăm vì thời điểm họ xây khỏi ánh sáng yêu thương của Đức Chúa Trời, khi họ thất bại không tha thứ. Không một điều gì làm ngăn trở mối giao thông của bạn với Đức Chúa Trời giống như một sự thù ghét nghịch lại anh em nào đó.
D. Yêu thương gia đình của Đức Chúa Trời là phần thử nghiệm của chúng ta.
1. Phần thử nghiệm tình yêu anh em mình được thấy xuyên suốt thơ I Giăng. Mối giao thông với Đức Chúa Trời không nên thấy có trong những cảm xúc hâm hẩm.
2. Đức Chúa Trời là Thần. Làm sao chúng ta biết chúng ta yêu mến một Thần Linh như thế nào? Chúng ta biết vì chúng ta yêu mến gia đình của Ngài (4.20). Tình yêu anh em mình theo phần thuộc thể là phần thử nghiệm đời sống thuộc linh của bạn đấy.
3. Người anh theo phần xác của tôi đến tại Việt nam khi tôi mới được 6 tuổi. Tôi lớn lên chỉ là một đứa trẻ. Bạn không thể biết nếu bạn yêu anh em mình mà bạn không ở gần bên họ. Đấy là lý do tại sao chúng ta có Hội Thánh! Hội Thánh là khu vực thử nghiệm về tình yêu thương, một thử nghiệm về mối giao thông của chúng ta với Đức Chúa Trời.
4. Tôi sống trong một ngôi nhà với vợ và hai đứa con gái. Nếu bạn nghĩ ngôi nhà của mục sư luôn luôn là một chốn an bình, hãy thức tỉnh với thực tại đi! Hai đứa con gái của tôi có thể đánh nhau suốt! Chúng phải sống chung đấy vì chúng tôi là gia đình. Các mối quan hệ gia đình phải cần đến sự dung chịu luôn. Đức Chúa Trời dung chịu chúng ta vì chúng ta là gia đình của Ngài. Chúng ta biết chúng ta có quan hệ với Đức Chúa Trời qua cách chúng ta xử sự với các con cái kia của Ngài. Chúng ta có thể yêu kẻ mà chúng ta không ưa thích!
5. Tình yêu thương theo Kinh Thánh đang quyết định chúc phước cho ai đó dầu họ không đáng được. Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta dù chúng ta không đáng được yêu.
6. Yêu thương kích thích trách nhiệm. Vì tôi yêu con cái của tôi, có khi tôi phải đánh đòn chúng nó. Vì tôi yêu thương các thuộc viên trong Hội Thánh của chúng ta, có khi tôi phải quở trách họ. Yêu thương phải làm những gì tôi đáng phải làm, không làm những gì tôi cảm thấy muốn làm.
7. Giacơ 2.8 gọi tình yêu thương là "luật pháp tôn trọng". Luật tiểu bang của chúng ta nói chúng ta phải nuôi dưỡng con cái của mình. Chúng ta không nuôi dưỡng con cái mình vì đấy là luật pháp, mà vì chúng ta yêu thương chúng!
8. Máy đo gas của tôi cho tôi biết còn bao nhiêu gas ở trong bình. Tình yêu của tôi dành cho gia đình của Đức Chúa Trời cho tôi biết tôi có bao nhiêu tình cảm dành cho Đức Chúa Trời .
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét