Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Luca 20.41-21.4: "CON VUA DAVID"



Phần giới thiệu
Xuất xứ
Làm sao Con của David lại trở làm Chúa của người cho được (20.41-44).
Các kẻ thù của Đấng Mêsi (20.45-47).
Sự dâng hiến của kẻ yếu đuối và người bất lực (21.1-4)
Phần kết luận
Bài 64:

Con vua David

(Luca 20.41–21:4)
Mathiơ 22.41-46: “Khi người Pharisi nhóm nhau lại, thì Đức Chúa Jêsus hỏi họ rằng: Về Đấng Christ, các ngươi nghĩ thể nào? Ngài là con ai? Họ đáp rằng: Con vua Đavít. Ngài đáp rằng: Vậy, vì cớ nào vua Đavít được Đức Thánh Linh cảm động, gọi Đấng Christ là Chúa, mà rằng: Chúa phán cùng Chúa tôi: Hãy ngồi bên hữu ta, Cho đến khi nào ta để kẻ thù nghịch ngươi dưới chơn ngươi? Vậy, nếu vua Đavít xưng Ngài là Chúa, thì Ngài làm con vua ấy là thể nào? Không ai thưa lại được một lời, và từ ngày đó, chẳng ai dám hỏi Ngài nữa”.
Luca 20.41–21.4: “Đức Chúa Jêsus hỏi họ rằng: Làm sao người ta nói được rằng Đấng Christ là con vua Đavít? vì chính vua Đavít đã nói trong sách Thi thiên rằng: Chúa phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến khi ta bắt kẻ nghịch ngươi làm bệ chơn ngươi. Vậy, vua Đavít gọi Ngài bằng Chúa; có lẽ nào Ngài là con vua ấy được? Khi dân chúng đương nghe, thì Ngài phán cùng môn đồ rằng: Hãy giữ mình về các thầy thông giáo, là người ưa mặc áo dài đi dạo, và thích những sự chào hỏi giữa chợ, muốn ngôi cao trong nhà hội, ngồi đầu trong tiệc lớn, làm bộ đọc lời cầu nguyện dài, mà nuốt gia tài của đờn bà góa. Họ sẽ bị đoán phạt nặng hơn. Đức Chúa Jêsus vừa ngó lên, thấy những kẻ giàu bỏ tiền lễ vào rương, lại thấy một mụ góa nghèo bỏ vào hai đồng tiền. Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác. Vì mọi người kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng; nhưng mụ nầy thiếu thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình”.
PHẦN GIỚI THIỆU:
Một người bạn cũ đến thuật cho tôi nghe câu chuyện về chú của anh ta, ông nầy mới vừa mua một chiếc xe hơi đời mới, và đã lái lên dãy núi Ozark (theo như tôi nhớ câu chuyện). Ông ta từ núi cho xe chạy xuống và mở radio ra. Ông ta chẳng chú ý gì đến người ở đàng sau xe mình, người nầy muốn qua mặt, và càng lúc càng thấy bực tức thêm. Ông ta chẳng nghe thấy tiếng kèn cứ rú lên inh ỏi ở phía sau. Sau cùng, người chạy ở phía sau đã tìm cách chạy ngang với xe của người chú, nhưng thay vì qua mặt, ông ta đã ép cho xe dừng lại bên lề đường, nhảy ra khỏi xe rồi bước tới với một tư thế thật giận dữ.
Người chú kia mau chóng xin lỗi. Ông ta nói ông ta rất tiếc. Ông ta đã lái xe quá chậm và đã không lưu ý nên không nhìn thấy người kia ở phía sau muốn qua mặt mình. Ông ta đã nói ra những gì người ta có thể nói để xin lỗi, nhưng tên tài xế giận dữ kia chưa vừa lòng. Hắn nói với ông chú nầy rằng hắn sẽ lôi ông ta ra khỏi xe rồi đấm vào mặt ông ta. Chỉ khi ấy mới làm nguôi được cơn giận của hắn. Người chú kia mới nhận ra rằng lời nói không cũng chưa đủ, và vì vậy ông ta mới cúi xuống chỗ băng ghế ngồi rồi rút ra khẩu súng 45, rồi chỉa nó vào tên tài xế hung hăng đó. Tấm lòng hắn liền thay đổi, không chút chần chừ, hắn nói: “Tôi chấp nhận lời xin lỗi”, rồi quay trở lại, lái xe đi mất.
Khẩu 45 đó đã làm thay đổi nhiều việc thật đáng kể. Nó không làm thay đổi thái độ thù nghịch của tên tài xế kia, nhưng nó chấm dứt cuộc tranh chấp. Chúa Jêsus không rút ra một khẩu 45 nhắm vào những kẻ thù nghịch Ngài, nhưng khi Chúa chúng ta kéo sự chú ý của đối thủ Ngài đến với Thi thiên 110, Thi thiên ấy chấm dứt cuộc tranh cãi ngay. Mathiơ cho chúng ta biết từ thời điểm nầy trở đi không một ai dám hỏi Chúa Jêsus một câu nào nữa hết (Mathiơ 22.46). Cuộc tranh cãi đã qua.
Lời lẽ sau cùng của chương 20 là phần tranh luận đầy quyền lực đã dấy lên trong sự đáp ứng với các thách thức của “cơn bão tố trong đền thờ” nầy. Không những là lời lẽ của Chúa Jêsus, mà còn lời lẽ của David trong Thi thiên 110 đã tạo ra một sức mạnh đáng kinh ngạc. Tôi càng đọc Thi thiên nầy, tôi càng lấy làm ngạc nhiên nơi sứ điệp của nó. Và, tôi càng lấy làm lạ nơi sự kềm chế mà Chúa chúng ta đã sử dụng, bất chấp có chuyện gì xảy ra ở đó. Thí dụ, Chúa Jêsus chú ý tới sự kiện David nhắc tới “con của ông”, Đấng Mêsi, là “Chúa của ông” nhưng Ngài không hỏi các thầy thông giáo (Mác 12.35), người dòng Pharisi (Mathiơ 22.41), kẻ thù của Chúa là ai. Đúng là một sứ điệp đầy quyền năng! Đúng là một sự dè dặt đáng nhớ! Chúng ta hãy quan sát cẩn thận hơn để xem coi những gì Chúa Jêsus tính hoàn tất bằng cách đưa sự ấy vào chỗ chú ý của những người đến nhóm lại tại đền thờ.
XUẤT XỨ:
Chúa Jêsus đã vào thành Jerusalem như “Vua của Israel”, nhưng cách vào thành của Ngài không hẳn là đắc thắng đâu. Dân chúng trong thành Jerusalem cùng các cấp lãnh đạo chẳng chút nhiệt thành như đám dân đông, là những người đã tạm thời có mặt ở thành phố đó. Một số người trong đám đông đứng chào đón kia, là những người đã đi theo Chúa Jêsus đến đó, trong khi nhiều người khác dường như là khách hành hương vào thành phố để dự lễ Vượt Qua. Các cấp lãnh đạo của xứ sở đã dự định rồi, họ muốn kết án tử hình Chúa Jêsus (đối chiếu Giăng 11.47-51; Luca 19.47). Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là vấn đề của cá nhân đâu! Mọi sự nầy đã thay đổi khi Chúa Jêsus tiến vào trong đền thờ, đạp đổ những kẻ vi phạm mục đích của đền thờ, và Ngài xuất hiện ở đó mỗi ngày để dạy dỗ (Luca 19.45-48). Chính sự Chúa chiếm hữu nơi thanh sạch trong đền thờ và sự dạy dỗ của Ngài sau đó mới là cái phông, là bối cảnh cho mọi sự sẽ xảy ra trong chương 20 và 21 trong tin lành của Luca.
Chính khi Chúa Jêsus dạy dỗ trong đền thờ thì Ngài mới đối mặt với các cấp lãnh đạo của dân chúng. Cấp lãnh đạo Do thái nầy đã đến với nhiều quan điểm về giáo lý và về phần ứng dụng, với người Pharisi ở bên hữu và người Sađusê ở bên tả. Trước hết, hết thảy họ đã đối diện trực tiếp với Chúa Jêsus về vấn đề uy quyền của Ngài. “Ông nghĩ ông là ai, và ai đã sai phái ông?” là cốt lõi của hai câu mà họ đã hỏi. Trước tiên Chúa Jêsus đã từ chối không đưa ra câu trả lời trực tiếp, căn cứ theo sự họ chối bỏ, bản thân họ không phục theo vấn đề uy quyền của Giăng Báptít. Nếu họ chịu xem Giăng đến từ Đức Chúa Trời, thì họ phải chấp nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, vì Giăng đã giới thiệu Ngài đúng là vậy. Nếu họ từ chối uy quyền của Giăng — là điều mà họ có khuynh hướng không chấp nhận, nhưng không bằng lòng làm cho căng thẳng thêm — họ sẽ vướng phải cơn thạnh nộ của đoàn dân đông, là những người chịu tin Giăng là một vị tiên tri, được Đức Chúa Trời sai phái và ông đã nói thay cho Ngài.
Trong thí dụ nói tới vườn nho và những người trồng nho (Luca 20.9-18), Chúa Jêsus đã trả lời thắc mắc của cấp lãnh đạo, nhưng theo một cách gián tiếp, và với những người chịu tin Ngài đến từ Đức Chúa Trời. Từ thí dụ, Ngài có ý nói rằng không những Ngài là một vị tiên tri, giống như Giăng, mà hiển nhiên còn là Con Đức Chúa Trời nữa. Nói như thế, thì Ngài đã có thẩm quyền của chính mình Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đức Chúa Trời, và Ngài cũng có uy quyền của Đức Chúa Cha, là Đấng đã sai phái Ngài. Nhưng còn hơn thế nữa. Ngài tiếp tục chỉ ra rằng việc các cấp lãnh đạo dân Israel chối bỏ Ngài sẽ dẫn tới sự họ bị hủy diệt và bị loại bỏ, và, đáng sợ thay, vai trò lãnh đạo của họ sẽ được giao thác cho dân Ngoại.
Giờ đây thái độ chối bỏ Chúa Jêsus đã bị sự thù ghét cá nhân nung nấu mãnh liệt. Đây là một vấn đề rất cá nhân nơi phần cấp lãnh đạo dân Israel. Nếu họ dự tính tiêu diệt nguội Chúa Jêsus, giờ đây họ không thể chờ đợi nên phải tra tay trên Ngài ngay lập tức. Họ đã cố gắng, nhưng không thành công, rồi vì thế họ phải dùng tới một sự tiếp cận gián tiếp và xấu xa (Luca 20.19-20). Họ đã đi đến quyết định là họ không thể bắt giữ được Chúa Jêsus, đặc biệt trong ánh sáng sự ủng hộ rộng rãi mà Chúa Jêsus vẫn có giữa vòng dân chúng. Vì lẽ ấy họ đã hoạch định một phương thức hành động để giết Chúa Jêsus một cách hợp pháp, bất chấp sự ủng hộ của đám dân đông. Họ mưu tính bắt bẻ lời nói của Chúa Jêsus, họ gài bẫy Ngài nơi vài câu nói nghịch lại với Rôma, hầu cho giới cầm quyền về mặt chính trị — quan Tổng đốc (Luca 20.20) — sẽ bắt Ngài và kết án tử hình Ngài về tội phản bội.
Câu hỏi đầu tiên tưởng như nó không thể kết tội được Chúa Jêsus. Họ đã hỏi Chúa Jêsus, là Đấng tự xưng nhận mình là Đấng Mêsi, là họ, hay dân Israel có nên nộp thuế cho Caesar hay không? (Luca 20.21-22). Phải chăng Vua Israel, là Đấng đã được nói trước Ngài sẽ đến để dẹp bỏ xiềng xích của các nhà cai trị dân Ngoại, bào chữa cho việc nộp thuế cho một kẻ tà giáo như thế sao? Họ, người Do thái, không thể cưu mang một việc như thế. Câu trả lời của Chúa Jêsus đã làm cho họ phải bối rối. Do câu hỏi ấy thất bại không đạt được mục tiêu mà họ đã dự trù, vì sự giả hình của họ đã bị phơi bày, và vì Chúa Jêsus dạy quyết rằng thuế má nên nộp cho các vua ngoại giáo.
Người Sađusê nhìn thấy nổi im lặng nối theo sau chính là cơ hội bằng vàng của họ. Họ tìm cách chứng minh quan điểm của họ, là không có sự sống lại, và họ sẽ “sử dụng” Chúa Jêsus, vị giáo sư lỗi lạc nhất trong thời ấy, chứng minh cho quan điểm của họ. Ít nhất là họ đã nghĩ như vậy. Thế nhưng câu trả lời của Chúa Jêsus cho thấy rằng họ đã không suy nghĩ cẩn thận về thần học của họ. Họ đã tranh luận căn cứ theo một phân đoạn Kinh thánh trích từ luật pháp của Môise, từ một giao ước tạm thời, thay vì chiếu theo nền tảng của giao ước mới cùng mọi lời hứa đã lập với Ápraham. Họ đã sai lầm khi cho rằng sự sống trong Vương quốc sẽ giống như sự sống ở trên đất, rồi vì thế họ suy tưởng rằng hôn nhân sẽ tiếp tục trong kỷ nguyên tương lai. Chúa Jêsus đã chỉnh đốn chỗ sai lầm nầy. Ngài cũng chứng tỏ rằng Môise không có chối bỏ lẽ thật nói về sự sống lại từ kẻ chết, Ngài chỉ ra từ các sách ông viết rằng ông đã xem Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của những người đã chết, nhưng ông đã xem họ vẫn đang sống. Môise không những không phù hợp với kế hoạch thần học của họ, mà ông còn bài bác kế hoạch ấy nữa.
Người dòng Pharisi và đảng Hêrốt đã đề ra câu hỏi đầu tiên nầy, về việc nộp thuế cho Caesar (Mathiơ 22.15-16); người Sađusê đã dấy lên vấn đề sống lại của kẻ chết. Các thầy thông giáo, tôi cứ nghĩ họ là người dòng Pharisi, không thể làm chi khác hơn là ngợi khen Chúa vì câu trả lời của Ngài (Luca 20.39). Nhưng giờ đây, Chúa Jêsus đã có một câu hỏi dành cho họ. Đây là một câu hỏi về Kinh thánh, một phần Kinh thánh tôi tin là ai cũng hiểu là phần Kinh thánh nói về Đấng Mêsi — nói tới Đấng Mêsi. Đây là phần Kinh thánh mà người dòng Pharisi dường như rất quen thuộc, và hay dạy dỗ luôn. Chúa Jêsus sắp sửa chỉ ra cho người Pharisi (Mathiơ 22.41), các thầy thông giáo (Mác 12.35), thấy thể nào thần học của họ đã thất bại không hướng thẳng vào Kinh thánh. Chúa Jêsus chuyển sự chú ý của khán thính giả của Ngài sang Thi thiên 110, một Thi thiên do David viết, Thi thiên nầy nói về Đấng Mêsi hầu đến. Đây cũng chính là Thi thiên mà Phierơ buộc phải sử dụng để kết luận bài giảng của mình vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Công vụ các sứ đồ 2.34-36).
LÀM SAO CON CỦA DAVID LẠI TRỞ LÀM CHÚA CỦA NGƯỜI CHO ĐƯỢC? (20.41-44)
“Đức Chúa Jêsus hỏi họ rằng: Làm sao người ta nói được rằng Đấng Christ là con vua Đavít? vì chính vua Đavít đã nói trong sách Thi thiên rằng: Chúa phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến khi ta bắt kẻ nghịch ngươi làm bệ chơn ngươi. Vậy, vua Đavít gọi Ngài bằng Chúa; có lẽ nào Ngài là con vua ấy được?”
Người dòng Pharisi rất thích thú khi thấy Chúa Jêsus làm cho đối thủ của họ câm miệng, và người Sađusê, khi họ tìm cách gài bẫy Chúa Jêsus trong một phương thức như thế lại bày ra sự họ chối không chịu tin vào sự sống lại của kẻ chết. Vì thế họ đã không tự kềm chế nên phải buộc miệng khen ngợi Chúa Jêsus vì lời đáp của Ngài, thậm chí khi họ đang bày ra một phương thức để bắt bẻ Chúa Jêsus nơi lời nói. Còn người dòng Pharisi thì chẳng nắm vững được Kinh thánh, như Chúa Jêsus vừa mới chỉ ra. Họ đã thất bại không xem trọng đủ đối với Kinh thánh, như có thể thấy được qua sự nắm bắt của họ trước Thi thiên 110, một Thi thiên mà Do thái giáo biết chắc là Thi thiên nói tới Đấng Mêsi. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào Thi thiên nầy:
“Đức Giêhôva phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chơn cho ngươi. Đức Giêhôva từ Siôn sẽ sai đến cây phủ việt về sự năng lực ngươi; Hãy cai trị giữa các thù nghịch ngươi. Trong ngày quyền thế Chúa, dân Chúa tình nguyện lại đến; những kẻ trẻ tuổi ngươi mặc trang sức thánh cũng đến cùng ngươi như giọt sương bởi lòng rạng đông mà ra. Đức Giêhôva đã thề, không hề đổi ý, rằng: Ngươi là thầy tế lễ đời đời, Tùy theo ban Mênchixêđéc. Chúa ở bên hữu ngươi sẽ chà nát các vua trong ngày Ngài nổi giận. Ngài sẽ đoán xét các nước, làm khắp nơi đầy xác chết; cũng sẽ chà nát kẻ làm đầu của nước lớn. Ngài sẽ uống nước khe trong đường, và nhơn đó ngước đầu lên” (Thi thiên 110).
Trong câu chuyện của Mathiơ, ông tường trình Chúa Jêsus đã hỏi trực tiếp người Pharisi về Đấng Christ là con của ai? (22.41-42). Trong Mác và Luca, dường như Chúa Jêsus đang nói cho người khác biết về sự dạy của người dòng Pharisi. Tôi không thấy có một sự mâu thuẫn nào. Mỗi ngày Chúa Jêsus đều có mặt trong đền thờ, dạy dỗ dân chúng. Cũng chính ở đây, Chúa chúng ta đã đối mặt và bị cấp lãnh đạo xứ sở thách thức. Tôi tin rằng Chúa Jêsus đã hỏi trực tiếp người dòng Pharisi, ngay thời điểm đối mặt nhau, rồi nhắc tới việc ấy trong sự dạy dỗ sau đó của Ngài. Hết thảy họ đều đã nghe câu hỏi Chúa Jêsus đưa ra cho người Pharisi, và câu trả lời cũng đã được đưa ra. Giờ đây, Chúa Jêsus thách thức đám dân đông phải suy nghĩ về điều họ đã nghe, rồi đi đến phần kết luận của riêng họ.
Khi người Pharisi bị hỏi: “Đấng Mêsi, Đấng Christ là con ai?”, Trong phần đối đáp của họ, không có chút lưỡng lự nào hết. Người nào trông mong sự đến của Đấng Mêsi đều tin Ngài phải là “Con Vua David”. Các vị tiên tri đã chỉ ra điều nầy, họ nói rằng Đấng Mêsi sẽ đến qua dòng dõi của Vua David, và Ngài sẽ trị vì trên ngôi của David (đối chiếu II Samuên 7.8-29; Êsai 9.5-7; Michê 5.1). Nơi sự giáng sinh của Chúa chúng ta, Chúa Jêsus là dòng dõi vua David đã được nhấn mạnh, và Ngài đến để trị vì trên ngôi của Cha Ngài (Mathiơ 1.1; Luca 1.27, 32, 69; 2.4). Trong Luca 18.38, người mù đã gọi Chúa Jêsus là “Con Vua David”. Đấng Mêsi phải là con của David. Dường như điều nầy có ý nói tới hai việc cho dân Israel. (1) Đấng Mêsi sẽ là dòng dõi của nhà David; và (2) Đấng Mêsi phải là một con người — là con người. Điều nầy dường như không có sự nhất quán với sự mặc khải khác — là Đấng Mêsi cũng rất thiêng liêng, rằng Đấng Mêsi vừa là Người vừa là Trời:
“Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đavít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giêhôva vạn quân sẽ làm nên sự ấy!” (Êsai 9.6-7).
Chúa Jêsus không kêu nài chứng minh quan điểm của Ngài trong sách Êsai, mà là với Thi thiên 110, một Thi thiên của David. Thi thiên nầy không nhấn mạnh nhân tính của Đấng Mêsi. David không nhắc tới Đấng Mêsi là “con của ông”, mà đúng hơn ông đang tỏ ra những lời lẽ của chính Đức Chúa Cha (“Đức Giêhôva” câu 1), Ngài phán với Đấng Mêsi, Con của Ngài và là Chúa của David (“Chúa tôi”, câu 1). Điều được dạy dỗ trong Kinh thánh rằng Đấng Mêsi sẽ là “con vua David” và chính David nhắc tới Đấng Mêsi là “Chúa tôi”. Làm sao có thể như thế được? Đã có một câu trả lời rất đơn giản, rõ ràng nhưng rất lạ lùng — sự hoá thân thành nhục thể. Đức Chúa Jêsus Christ, như kinh Cựu ước đã nói trước, và như các trước giả Tân ước xác minh và khẳng định, vừa là Đức Chúa Trời vừa là người, vừa nhân tính vừa thần tính, do phép lạ giáng sinh qua nữ đồng trinh. Trước khi Chúa chúng ta giáng sinh, hai khía cạnh cá tánh và bổn tánh của Ngài — thần tính và nhân tính của Ngài — dường như ở trong sự xung khắc, nhưng không còn xung khắc nữa sau khi Ngài giáng sinh. Sự hoá thân thành nhục thể là một phép lạ, nhưng chính Đức Chúa Trời toàn năng mới là Đấng hứa điều đó, và là Đấng làm cho điều đó ra hiện thực.
Tôi tin rằng Chúa Jêsus đã chọn Thi thiên 110 cao hơn các phần Kinh thánh khác vì một vài lý do:
(1) Khi Đấng Mêsi được ai nấy hiểu là “con vua David”, Ngài sẽ phán dạy với nhiều uy quyền hơn.
(2) Thi thiên 110 còn sâu xa hơn vấn đề nhân tính và thần tính của Đấng Mêsi nữa, Thi thiên nhắc tới việc Ngài đến trong quyền phép để đánh dẹp các kẻ thù nghịch Ngài. Thêm vào với việc nói Chúa Jêsus là Vua của Israel, Thi thiên nầy còn cho rằng Ngài sẽ là thầy tế lễ của Israel, thuộc một dòng tế lễ khác hơn dòng tế lễ của ban Arôn. Điều nầy sẽ là một tư tưởng gây rắc rối cho dòng thầy tế lễ.
(3) Thi thiên 110 tỏ ra thái độ của David, là cấp lãnh đạo của Israel, đối với tính siêu việt của Con ông. Trong thời xa xưa, một số vua chúa đã giết chết dòng dõi của họ, để chúng không đoạt lấy ngai vàng của họ. Các vì vua khác sẽ có niềm tự hào to lớn về con cái của mình, cứ nhắc đi nhắc lại, là: “Đó là con trai ta!” David rất vui lòng muốn thưởng thức ngày đăng quang của Con mình, và ông đã viết ra một Thi thiên dùng cho sự thờ phượng với lòng muốn đáp ứng lại sự Đức Chúa Trời mặc khải cho ông. David đã hoan nghênh sự cao trọng của Con ông, ông tung hô tính siêu việt của Con ông.
(4) Thi thiên 110 đương diện với dân Israel một vấn đề khá phức tạp, một vấn đề tựu trung, nhắm vào sự chối bỏ của các cấp lãnh đạo dân Israel không nhận Chúa Jêsus là Đấng Christ. Thi thiên rõ ràng dạy cả hai: nhân tính của Đấng Mêsi (con vua David) và thần tính của Ngài (Chúa của David). Đây là một vấn đề cơ bản mà các cấp lãnh đạo của Israel đã có với Chúa Jêsus. Nếu quí vị tóm tắt lại sự bất bình của cấp lãnh đạo người Do thái với Chúa Jêsus, tôi tin đấy sẽ là như vầy: MẶC DÙ CHÚA JÊSUS LÀ MỘT CON NGƯỜI BÌNH THƯỜNG (trong con mắt của người Do thái nào chối bỏ Ngài), NGÀI CẢ GAN HÀNH ĐỘNG GIỐNG NHƯ ĐỨC CHÚA TRỜI.
Từ các phần đầu của sách tin lành Luca, vấn đề nhân tính của Chúa chúng ta và thần tính của Ngài đã được nhấn mạnh. Trong truyện tích giáng sinh, sự ra đời của Chúa Jêsus là một sự ra đời rất lạ lùng, hầu cho dòng dõi của Mary và của Đức Thánh Linh — sự giáng sinh bởi nữ đồng trinh của Đấng Christ — là một thân vị hoàn toàn độc nhất vô nhị, Người-Trời, Jêsus Đấng Christ, Ngài là Đức Chúa Trời trọn vẹn và là con người trọn vẹn, một lần đủ cả. Trong chương 5 của tin lành Luca, Chúa Jêsus đã thuật lại người kia nằm liệt giường được dòng xuống từ ngả mái nhà, rằng tội lỗi ông ta đã được tha. Người Pharisi ngay lập tức phản đối, trên cơ sở là chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền tha tội (Luca 5.21). Họ lý luận: “Làm sao một người có được quyền bính thiêng liêng như thế chứ?” Câu trả lời rất đơn giản: “Chúa Jêsus xưng mình có quyền tha tội, vì Ngài vừa là Người vừa là Đức Chúa Trời”.
Vấn đề nầy đã được khẳng định xuyên suốt đời sống và chức vụ của Chúa chúng ta, và đã lên tới cao điểm của nó trong tuần lễ cuối cùng của đời sống và chức vụ trên đất của Ngài, bắt đầu với sự vào thành đắc thắng, trầm trọng thêm với sự Chúa dọn sạch đền thờ, và bởi sự dạy dỗ của Ngài ở đó. Thắc mắc về uy quyền của Chúa Jêsus, nhưng Luca đã ghi lại trong chương 20 (các câu 1 & 2) là một tiến triển quá nhanh sự chối bỏ của cấp lãnh đạo Do thái đối với sự Chúa chúng ta xưng nhận phần thần tánh của Ngài.
Khi đưa ra phân đoạn nầy từ Thi thiên 110, Chúa Jêsus nói rõ rằng không những họ có một sự bất bình với Chúa Jêsus, Ngài tự xưng mình vừa là Trời vừa là người, mà còn hơn thế nữa, họ đã mâu thuẫn với Kinh Cựu ước, thậm chí với những gì đã do Vua David viết ra, những gì nói tới Đấng Mêsi vừa là người vừa là Đức Chúa Trời. Việc đưa ra Thi thiên 110 bởi Chúa chúng ta đã đẩy vấn đề chính vào tiêu điểm, và tỏ ra vấn đề ấy như là một lẽ thật đã được Kinh thánh dạy dỗ rõ ràng rồi.
Sau cùng, đáp ứng của David trước sự kiện Con của ông vốn siêu việt hơn ông đang cung ứng một sự đối chiếu với thái độ của các cấp lãnh đạo trong thời của Chúa Jêsus, họ bực tức tính siêu việt của Chúa Jêsus, và thái độ ganh ghét của họ mạnh mẽ đến nỗi họ dự định kết án tử hình Ngài. Sự đối chiếu ấy càng rõ nét khi chúng ta bước sang tiểu đoạn kế đó, ở đây động lực chính của người dòng Pharisi đã được Chúa chúng ta vạch trần ra.
CÁC KẺ THÙ CỦA ĐẤNG MÊSI (20.45-47)
“Khi dân chúng đương nghe, thì Ngài phán cùng môn đồ rằng: Hãy giữ mình về các thầy thông giáo, là người ưa mặc áo dài đi dạo, và thích những sự chào hỏi giữa chợ, muốn ngôi cao trong nhà hội, ngồi đầu trong tiệc lớn, làm bộ đọc lời cầu nguyện dài, mà nuốt gia tài của đờn bà góa. Họ sẽ bị đoán phạt nặng hơn”.
Các nan đề của kẻ thù Chúa Jêsus là, trong chỗ thứ nhứt, các nan đề về mặt thần học. Đối với người Sađusê, đó là vấn đề sự sống lại. Đối với người Pharisi, đó là vấn đề thần tính của Chúa Jêsus là nguyên nhân bất đồng chính. Giờ đây Chúa Jêsus nói tới cả hai vấn đề nầy trong những câu đi trước. Hiện Ngài đang bước sang nan đề thực tế của người dòng Pharisi, họ là tiêu điểm chính của Ngài. Vấn đề nầy chính là uy quyền bị lạm dụng, về sự ham muốn những thứ thuộc về Đức Chúa Trời, thuộc về Đấng Christ của Ngài, Ngài chính là Đức Chúa Trời. Họ ham mến địa vị, sự nổi bật, quyền lực và uy thế của chức năng lãnh đạo. Họ đã bực tức Chúa Jêsus vì “đã làm cao hơn họ” và vì Ngài đã trở thành đối tượng hợp pháp cho sự thờ lạy và khen ngợi của con người.
Nan đề khác của người dòng Pharisi: ấy là sự giả hình. Họ muốn tỏ ra sự công bình, thể hiện ra loại “công bình” đó để cho người ta trông thấy và tán thưởng (Luca 16.15). Nhưng tánh tham lam của người dòng Pharisi đã khiến họ lạm dụng quyền hành theo một hướng khác: họ đã sử dụng quyền thế và địa vị để lấn lướt kẻ yếu và kẻ vô quyền. Theo lời lẽ của Chúa Jêsus, họ “nuốt gia tài của đờn bà goá”. Để che đậy điều nầy, họ đã thực thi một kiểu trình diễn rất sắc nét về sự “công bình” của họ bằng cách cầu nguyện những lời cầu nguyện thật là dài. Ngược lại, khi đem đối chiếu, thật là thú vị khi thấy những lời cầu nguyện của Chúa chúng ta được ghi chép lại rất ngắn ngủi.
Về sự gian ác và sự giả hình của họ, người dòng Pharisi sẽ bị hình phạt rất nặng, vì họ đã lạm dụng quyền quản lý trong chức năng lãnh đạo của họ. Những mối nối kết hợp lý giữa những gì Chúa Jêsus mới hỏi, về con vua David cũng là Chúa của ông, và điều nầy là gì? Có một mối nối rất rõ ràng, tôi nghĩ thế! Hãy xem xét điều đó với tôi trong một phút.
Một lần nữa hãy nhìn lại phân đoạn của Thi thiên 110 mà chúng ta vừa mới đưa ra: “Đức Giêhôva phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chơn cho ngươi”. Không những David đã gọi con của ông là Chúa của ông, mà ông còn thuật lại lời của Đức Chúa Cha nói với Đức Chúa Con, nói tới một thời gian phải chờ đợi, và khi ấy đắc thắng mọi kẻ thù của Ngài, lót đường cho sự thiết lập ngôi đời đời của Ngài.
Thắc mắc của Chúa Jêsus là một thắc mắc rất rõ ràng và rất hiệu nghiệm, nhưng có một câu hỏi chưa nói ra ở đây, một câu hỏi mà kẻ thù của Chúa chúng ta khó mà quên được: “Ai là kẻ thù của Đấng Mêsi?” Nếu Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, như Ngài đã xưng nhận, và như Giăng đã làm chứng cho, thì họ chính là kẻ thù của Ngài. Họ là những kẻ mà Đức Chúa Trời sẽ quăng đi. Và đây là những gì mà Chúa Jêsus đã đề nghị trong thí dụ nói về vườn nho và những người trồng nho ở đầu chương nầy (các câu 9-18).
Những lời lên án nầy, đã được Luca nói tóm tắt, đã được cung ứng nhiều chi tiết hơn trong Mathiơ 23. Những sự kết án trong cả hai trường hợp đến ngay sau thắc mắc về Chúa của David. Các kẻ thù của Đấng Mêsi đều là kẻ thù của Chúa Jêsus, và những kẻ thù nầy không phải là dân Ngoại, mà là người Do thái, thực vậy, họ là cấp lãnh đạo của xứ sở, họ đã sử dụng sai quyền thế và địa vị của họ vì lợi lộc riêng của họ, với sự hao tốn của kẻ yếu thế nhất. Kết quả cho thấy hạng người goá bụa, là hạng người mà luật pháp Israel dạy phải lo bảo hộ, lại là nạn nhân của cấp lãnh đạo Israel. Không có gì ngạc nhiên họ đã chống cự Chúa Jêsus, và không có gì là lạ hết về sự Đức Chúa Trời sắp hủy diệt họ.
Giờ đây, phần đối chiếu giữa đáp ứng của David trước khải thị Con của ông sẽ là lớn hơn ông, và thái độ của cấp lãnh đạo xứ sở Israel đối với Chúa Jêsus có thể nhìn thấy được. David, khi nghe thấy con mình sẽ là lớn hơn mình, ông đã vui mừng. Đó là cái ngày mà David rất khao khát muốn xem thấy. Đây là sự khác biệt giữa cấp lãnh đạo của Israel và Chúa Jêsus. Lời lẽ của Chúa cho thấy rằng họ đã đến để hưởng lấy địa vị, sự nổi bật, quyền thế, và thậm chí những người giàu có đã đến với địa vị của họ. Họ không muốn từ bỏ các thứ ấy cho bất kỳ ai, thậm chí là “không” đối với Đấng Mêsi. Cho nên, trong khi David vui mừng khi hiểu biết Đấng Mêsi, Con của ông, sẽ vừa là Trời vừa là Người. Các cấp lãnh đạo trong thời Chúa Jêsus đã chối bỏ thần tính của Đấng Mêsi thẳng thừng, đặc biệt về Thân Vị của Đấng Christ. Sự trưng dẫn của Chúa Jêsus về Thi thiên 110 buộc họ phải từ chối lẽ đạo nầy — lẽ đạo nói tới thần tính của Đấng Mêsi — từ chính Kinh thánh của họ.
Hãy lưu ý thêm một việc nữa từ Thi thiên 110. Khổ thứ hai (không được trưng dẫn) của Thi thiên nói tới Đấng Mêsi, không phải như Vua của Israel, mà như Thầy Tế Lễ của Israel. Quí vị cảm thấy thế nào, nếu quí vị là một trong các thầy tế lễ của thời ấy, khi được Thi thiên nầy nhắc nhớ về ban thầy tế lễ mới, một ban thầy tế lễ mà quí vị không phải là chi thể trong đó? Như Chúa Jêsus đã cảnh cáo trong thí dụ nói về những người trồng nho, địa vị của cấp lãnh đạo sẽ bị cất đi. Chức năng tế lễ của một ít người sẽ trở thành chức năng tế lễ của hết thảy các tín đồ, đặc biệt (vào kỷ nguyên nầy) của dân Ngoại. Và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm sẽ là chính mình Đấng Christ, Ngài là một thầy tế lễ theo ban Mênchixêđéc. Đây là những lời lẽ dịu dàng cho những ai tìm cách bảo tồn địa vị của mình, và đồng thời tìm cách huỷ diệt Đấng Mêsi.
SỰ DÂNG HIẾN CỦA KẺ YẾU ĐUỐI VÀ NGƯỜI BẤT LỰC (21.1-4)
“Đức Chúa Jêsus vừa ngó lên, thấy những kẻ giàu bỏ tiền lễ vào rương, lại thấy một mụ góa nghèo bỏ vào hai đồng tiền. Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác. Vì mọi người kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng; nhưng mụ nầy thiếu thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình”.
Lý do tại sao bốn câu đầu tiên của chương 21 bị cắt đi rất khó hiểu, vì vậy có sự đề nghị là chúng có quan hệ với lời bình của môn đồ về sự vinh hiển của đền thờ (21.5...) hơn là sự giả hình của người dòng Pharisi, nằm ở cuối chương 20. Bản dịch NASB dường như ghi chúng liền với chương 20, trong khi bản NIV thì không ghi như vậy. Tuy nhiên, trong câu chuyện của Mác, “món lạc hiến của mụ goá” được giữ ở cuối chương 12, với chương 13 bắt đầu bằng lời lẽ của các môn đồ nói về đền thờ.
Đối với tôi dường như rằng bốn câu nầy được Luca đặt ở đây để đối chiếu với người dòng Pharisi, để tỏ ra đường lối của Đức Chúa Trời khác biệt với đường lối của con người là dường nào. Người Pharisi vốn yêu mến sự giàu có, và họ xem sự giàu có là một bằng chứng cho sự kỉnh kiền. Đức Chúa Trời, trong lý trí của họ, rất có ấn tượng với sự giàu có, và đặc biệt rất đẹp lòng bởi tầm cỡ sự dâng hiến của họ. Trong mấy câu cuối nầy của Chúa Jêsus đã xét đoán “kẻ giàu” và Ngài khen ngợi số tiền dâng vô nghĩa của mụ goá kia. Trong khi người Pharisi “nuốt gia tài của đờn bà goá”, đây là món lạc hiến của một mụ goá được lấy làm tiêu điểm cho sự khen ngợi và dạy dỗ của Chúa chúng ta. Một số tiền vô nghĩa đã làm đẹp lòng Chúa Jêsus, vì số tiền ấy có giá trị đối với mụ goá đó. Đó là sự sống, là sinh kế của bà ta, là mọi sự bà ta có để sống còn. Khi dâng hiến số tiền nầy, bà ta đã có lòng tin cậy Đức Chúa Trời tiếp trợ cho mọi nhu cần, và nâng đỡ cuộc sống của bà ta. Sự tin cậy của bà ta nằm ở Đức Chúa Trời, chớ không phải ở tiền bạc của bà ta. Nghèo không có một lý do gì để thôi không dâng hiến cho Đức Chúa Trời. Mặt khác, có bao nhiêu người trong chúng ta, trước tiên dám chắc mọi nhu cần của mình sẽ được làm cho thoả mãn, và rồi dâng cho Đức Chúa Trời phần còn lại?
Đúng là một sự quở trách cho chúng ta, là những kẻ tự bào chữa không vâng phục Đức Chúa Trời vì chúng ta có ít quá nên không dâng hiến. Quí vị sẽ nhớ lại viên quản gia “đã ém tiền bạc của chủ mình” là kẻ đã nghĩ mình có ít quá, trong khi những kẻ có số lượng lớn hơn đã dâng nhiều hơn. Ấy không phải tầm cỡ của của lễ, mà là sự hy sinh và đức tin đã giục giã dâng hiến, là điều mà Chúa Jêsus đã khen ngợi. Chúa chúng ta khác biệt với những kẻ đang nắm quyền lãnh đạo và đang nắm các chức vụ lớn lao ngày hôm nay là dường nào!
Sau cùng, có một sự đối chiếu ngầm giữa món lạc hiến của mụ goá trong các câu 1-4 và lời bình của các môn đồ về đền thờ ở câu 5 và những câu theo sau đó. Chúa Jêsus có ấn tượng với điều chi đang diễn ra trong đền thờ — với món lạc hiến của mụ goá; các môn đồ thì có ấn tượng với chính đền thờ — với vẻ đẹp và nét huy hoàng của nó. Con người thực sự đang nhìn vào vẻ bề ngoài, còn Đức Chúa Trời thì xem ở trong lòng, ở đây, và luôn luôn.
PHẦN KẾT LUẬN:
Giờ đây chúng ta đến “tận đáy” của sự chống đối liên tục nơi cấp lãnh đạo Do thái đối với Chúa Jêsus. Họ có sự bất đồng với uy quyền tự nhận của Chúa Jêsus. Uy quyền nầy rất khác biệt với và cao cả hơn bất cứ quyền nào mà họ đã có, uy quyền nầy được đám dân đông rất dễ nhận ra:
Kết quả là khi Chúa Jêsus nói xong mấy câu nầy, đoàn dân đông lấy làm lạ nơi sự dạy của Ngài; vì Ngài dạy dỗ họ như một Đấng có uy quyền, và không giống như các thầy thông giáo (Mathiơ 7.28-29).
Quyền tha tội của Chúa Jêsus bị thách thức trong Luca 5. Uy quyền của Ngài khi bước vào thành Jerusalem giống như Vua của thành ấy, rồi việc chiếm lấy đền thờ cũng bị thách thức nữa. Và nền tảng cho uy quyền của Ngài có gốc rễ nơi lai lịch của Ngài. Vì thế, thắc mắc của cấp lãnh đạo tôn giáo và chính trị, như chúng ta đã nói ở trên: “Ông nghĩ ông là ai chứ, khi xưng mình có quyền tha tội, tiếp nhận sự ngợi khen của người ta, và chiếm lấy đền thờ?” Nếu Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, Ngài vốn có quyền làm bất cứ điều chi Ngài muốn. Và nếu Ngài là Đấng Mêsi, thì theo Kinh thánh, Ngài vừa là Người vừa là Trời. Các phần đoạn Kinh thánh dạy về nhân tính của Đấng Mêsi — Ngài phải là “con vua David”. Thi thiên mà David đã viết, và với Thi thiên ấy Chúa Jêsus đã đề cập tới, cũng dạy về thần tính của Đấng Mêsi, vì con vua David chỉ có thể làm Chúa của David nếu Ngài là Chúa, nếu Ngài là Đức Chúa Trời.
Vấn đề với các cấp lãnh đạo đã có với Chúa Jêsus là uy quyền của Ngài, quyền nầy đã bắt rễ từ nơi lai lịch của Ngài. Chúa Jêsus là một con người đã hành động giống như Đức Chúa Trời vì Ngài chính là Người-Trời, là Đức Chúa Trời hoá thân thành nhục thể. Nếu cấp lãnh đạo Do thái không ưa thích điều nầy, họ phải trình vấn đề lên cho Đức Chúa Trời và với Ngôi Lời đã tỏ ra của Ngài, vì đây không phải là điều Chúa Jêsus tự xưng tự nhận, mà đó là những gì Kinh thánh đã dạy. Thậm chí David, con của ông sẽ trở thành Đấng Mêsi, đã xưng Ngài là Chúa của ông. Nếu thần tính của Đức Chúa Jêsus Christ được chấp nhận, mọi sự mà Ngài đã nói và làm sẽ được giải thích và sẽ được xác minh là đúng. Sự hoá thân thành nhục thể của Chúa chúng ta là vầng đá tảng của mọi sự mà Ngài đã nói và làm. Chối bỏ lẽ thật nầy thì uy quyền của Chúa Jêsus sẽ chẳng có tác dụng gì nữa hết. Hãy tiếp nhận uy quyền đó, và chúng ta phải đầu phục Ngài là Chúa.
Trong quyển sách có đề tựa “Nhận biết Đức Chúa Trời” (Knowing God), J. I. Packer viết về vai trò chính mà Chúa chúng ta đã đóng sau khi hoá thân thành nhục thể, và thần tính Ngài pha trộn với nhân tính của Ngài, ông giải thích mọi sự mà Chúa Jêsus đã nói và làm như sau:
Đó là cái khó khăn thực sự, vì lẽ mầu nhiệm tối thượng mà tin lành cho chúng ta thấy, không có chút gì dối trá ở đây. Lẽ mầu nhiệm nầy không nằm trong sứ điệp thương khó của Thứ Sáu Tốt Lành, cũng không nằm trong sứ điệp sống lại của Lễ Phục Sinh, mà nằm trong sứ điệp Giáng Sinh nói tới sự hoá thân thành nhục thể.… Đây là vầng đá vấp chơn trong Cơ đốc giáo. Chính tại đây mà người Do thái, người Hồi giáo, Chứng Nhân Giêhôva, và nhiều người khác nữa, họ cảm thấy nhiều nổi khó khăn được nhắc tới ở trên (về sự ra đời bởi nữ đồng trinh, các phép lạ, sự chuộc tội, và sự sống lại), đã dẫn tới chỗ buồn rầu. Chính từ chỗ tin sai, hay ít nhất tin chưa tới, về sự hoá thân thành nhục thể mà xảy có nhiều cái khó khăn trong các truyện tích tin lành. Nhưng khi nắm bắt được sự hoá thân thành nhục thể như một thực tại, những cái khó khăn khác sẽ được giải quyết ngay.
Nếu Chúa Jêsus không có gì khác hơn là một nhân vật tin kính, đáng trọng, những cái khó khăn trong việc tin theo những điều Tân ước dạy dỗ chúng ta về đời sống cùng việc làm của Ngài sẽ chất chồng như những ngọn núi vậy. Còn nếu Chúa Jêsus chính là nhân vật được xem là Ngôi Lời đời đời, là đại biểu của Đức Chúa Cha trong sự sáng tạo: ‘lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian’ (Hêbơrơ 1.2), thì chẳng có gì phải ngạc nhiên nếu các hành động có quyền năng sáng tạo đánh dấu sự nhập thể của Ngài vào trong thế gian, và sự sống của Ngài trong đó, và sự thoát ra khỏi đó của Ngài. Cho nên không gì là lạ lùng hết khi Ngài, là tác giả của sự sống, sẽ làm cho kẻ chết được sống lại. Nếu Ngài là Đức Chúa Con thực sự, điều đáng phải giật mình là sao Ngài phải chịu chết hơn là Ngài sẽ sống lại. Wesley viết: `Tất cả mọi sự nầy đều rất mầu nhiệm! Đấng bất tử đã chết’; nhưng chẳng có một lẽ mầu nhiệm nào đáng đem sánh với sự sống lại của Đấng bất tử cả. Và nếu Con bất tử Đức Chúa Trời thực sự thuận phục để nếm lấy cái chết, thì chẳng có gì là lạ lùng hết khi cái chết đó sẽ có ý nghĩa nhiều cho một dòng dõi đã bị định cho một số phận trớ trêu. Một khi chúng ta chấp nhận Chúa Jêsus là thiêng liêng, thì chẳng có gì là khó khăn nữa hết. Sự hoá thân thành nhục thể tự nó là một lẽ mầu nhiệm không thể dò lường được, nhưng nó hoá giải mọi điều khác mà Tân ước đang có.
Các cấp lãnh đạo của xứ sở đã không chối bỏ thần tính của Chúa Jêsus vì họ thất bại không hiểu nổi lời Ngài tự xưng nhận mình chính là Đức Chúa Trời, họ cũng không hiểu vì Cựu ước không chỉ ra Đấng Mêsi vừa có cả thần tính vừa có cả nhân tính, nhưng vì hiểu được như thế sẽ buộc họ phải thần phục uy quyền của Ngài, phải vâng theo và phải thờ lạy Ngài, phải ăn năn tội lỗi của họ, họ phải thôi không tiếp nhận sự vinh hiển, sự ngợi khen, và sự nổi bật mà vai trò lãnh đạo của họ đã đạt tới mức cung ứng cho họ. Họ, không giống như mụ goá khiêm nhường kia, và không giống như David, sẽ không chịu đặt lòng tin cậy của mình vào Chúa Jêsus, cũng không dâng cho Ngài sự thờ lạy và sự tôn kính mà Ngài đáng được. Giống như Satan, họ sẽ tôn cao địa vị và quyền lực của họ, và không vui thoả với những gì Đức Chúa Trời đã ban cho họ, họ sẽ tìm cách chiếm đoạt những gì thuộc về Đức Chúa Trời. Thái độ thù ghét của họ đối với Chúa Jêsus lớn lao đến nỗi họ muốn có một kẻ theo tà giáo — là Caesar — để làm vua của họ, hơn là Đấng Mêsi.
Trong ánh sáng của cá tánh và cách xử sự của cấp lãnh đạo Do thái, hãy chú ý phương thức mà họ vận dụng Kinh thánh trong đó. Cả người Pharisi và người Sađusê đều giới hạn Kinh thánh ở chỗ nào họ nắm bắt được và bằng lòng chấp nhận. Người Sađusê không muốn nghĩ tới đời sau và họ không thể biết được đời sau đó sẽ như thế nào (hôn nhân và mọi sự), và vì thế họ đã chối bỏ việc đó, cho dù một số chỗ trong Kinh thánh đã dạy dỗ rất rõ về sự ấy. Tương tự, người Pharisi đã tin vào một Đức Chúa Trời, rồi vì thế họ chối bỏ những lời xưng nhận của Chúa Jêsus (thí dụ, câu: “Tội lỗi ngươi đã được tha, …” Luca 5.20-23) Ngài là Đức Chúa Trời. Họ cũng tin rằng khi Đấng Mêsi là con người, Ngài không thể là Đức Chúa Trời, tuy nhiên Ngài đích thực là như thế.
Thêm vào với việc giới hạn mặc khải thiêng liêng để cho con người hiểu biết và nắm bắt, người Pharisi và người Sađusê đã tự giới hạn bản thân mình và nhiều người khác ở chỗ “một là/hay” trong lý trí. Một là quí vị vâng theo Đức Chúa Trời, hay quí vị vâng theo nhà cầm quyền, nhưng chắc chắn quí vị không thể vâng theo cả hai. Vì thế, thắc mắc về việc nộp thuế, Chúa Jêsus đã phân ra bằng cách cho rằng cả Đức Chúa Trời và nhà cầm quyền đều đáng phải vâng theo hết. Một là Đấng Mêsi chính là con người hay Ngài là Đức Chúa Trời, nhưng trong lý trí của họ không có việc Ngài vừa là Đức Chúa Trời vừa là Người.
Hai điểm sai lầm nầy — (1) giới hạn sự mặc khải thiêng liêng để cho con người có thể hiểu được, và (2) giới hạn một trong hai ý kiến — khi kết lại sẽ dẫn tới một nhược điểm không thể tránh được khi xử lý với sự mặc khải thiêng liêng. Các nan đề được Kinh thánh vạch ra dẫn tới sự chối bỏ lẽ thật, chỉ vì nan đề ấy không được hiểu biết tới chỗ trọn vẹn, mà không phải vì nó chưa được tỏ ra rõ ràng đâu!
Cuộc đối mặt giữa cấp lãnh đạo Do thái và Chúa Jêsus trong phân đoạn Kinh thánh của chúng ta chỉ ra sự thật: ấy là có hai yếu tố chính nằm trong sự họ chối bỏ Chúa Jêsus, và đặc biệt về uy quyền của Ngài (bắt rễ từ thần tính của Ngài). Yếu tố đầu tiên là cách hành đạo của họ, cung cách sống của họ. Sự gian ác của người dòng Pharisi, như đã được Chúa Jêsus tóm tắt trong các câu 45-47, giải thích từ một quan điểm tại sao họ không muốn phục theo uy quyền của Chúa Jêsus là Đấng Mêsi. Chúa Jêsus sẽ “thanh tẩy” đời sống họ, cũng như Ngài đã thanh tẩy đền thờ, và họ chẳng muốn điều nào hết. Chính sự thánh khiết của Chúa Jêsus là điều mà họ đã không thích. Lời bào chữa của họ trong sự chối bỏ Chúa Jêsus là lời bào chữa giả hình, là lời bào chữa theo thần học. Họ tìm kiếm những lý do trong Kinh thánh cho sự chối bỏ của họ, nhưng hết thảy họ đều bị vạch trần ra là đã bóp méo lẽ thật.
Một sự công nhận rằng lý thuyết của người Pharisi và người Sađusê là nền tảng (lời bào chữa) cho sự họ chối bỏ Chúa Jêsus là Đấng Christ buộc tôi phải tái đánh giá lại vai trò của thần học. Cho phép tôi bắt đầu bằng cách nói rằng thần học — học biết có hệ thống về Đức Chúa Trời và về sự mặc khải của Kinh thánh — là một vấn đề tối quan trọng. Hầu hết chúng ta gần như không phải là sinh viên thần học mà chúng ta đáng phải trở thành.
Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng thần học đã bị bóp méo bởi tội lỗi và những giới hạn con người chúng ta. Thần học, là tổng kết mọi lẽ thật Kinh thánh theo như chúng ta hiểu. Thần học khác với sự mặc khải theo Kinh thánh là lẽ thật từ cách lý giải của chúng ta đối với mặc khải đó. Khi Chúa Jêsus đến với trần gian và không đối mặt với thần học của người dòng Pharisi, hoặc của những người khác, thì con người phải đem thần học của họ đối mặt với Đấng Christ, hơn là khẳng định Đấng Christ đối mặt với thần học của họ. Tôi e rằng, vì một số người trong chúng ta đã quên thể nào thần học của chúng ta đã bị bóp méo, rồi chúng ta cứ xem nó như tương đương với chính Lời của Đức Chúa Trời. Thần học, qua tánh chất của nó, bị hạn chế theo cấp độ hiểu biết của chúng ta, nhưng Lời Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết của chúng ta, thường thì chúng ta không hiểu tới cho tới chừng có sự ứng nghiệm của Lời ấy, và hoàn toàn không hiểu nổi cho tới khi bước vào cõi đời đời, vì giờ đây chúng ta “xem như trong một cái gương, cách mập mờ” (I Côrinhtô 13.12). Vì cớ đó, chúng ta đang nắm bắt thần học của mình một cách buông thả, chập chờn, đặc biệt trong những lãnh vực có sự bất đồng ở đó. Những điều cơ bản chúng ta phải nắm chắc, nhưng chúng ta phải cẩn thận dè chừng “lọc con muỗi mà nuốt con lạc đà”.
Chúng ta thường giống như người Pharisi và người Sađusê, hay mắc phải việc thu hẹp lại tính khả thi của một trong hai ý, nếm trải cuộc sống với tư duy “một là/hay”. Người Pharisi nghĩ rằng Đấng Mêsi một là Đức Chúa Trời hay là người; Chúa Jêsus tuyên bố từ Kinh thánh rằng Ngài là cả hai. Có người nghĩ người ta một là vâng theo bậc cầm quyền con người hay là vâng theo Đức Chúa Trời; Chúa Jêsus dạy ra chúng ta phải vâng theo cả hai. Chúng ta thường tranh chiến về quyền tể trị của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người, chúng ta hay suy nghĩ một là cái nầy hay là cái kia sẽ là thực, nhưng cả hai đều thực hết.
Khi tôi suy gẫm phân đoạn Kinh thánh nầy và các thắc mắc mà kẻ thù của Chúa chúng ta đặt ra cho Ngài, tôi thấy rằng Đấng mà mọi thắc mắc đang nhắm vào thì chính mình Ngài là câu trả lời. Tôi dám chắc rằng quí vị đã nhìn thấy hay đã có nghe câu nói: “Đấng Christ là câu trả lời” nhưng tôi chưa hề thấy câu nói ấy được thốt ra hoặc có thể ứng dụng như tôi đang có trong bối cảnh của phân đoạn Kinh thánh nầy. Đấng Christ đã bị oanh tạc bằng những câu hỏi, tất cả những câu hỏi đó Ngài đã hoá giải hết, thế nhưng tai vạ và điều mỉa mai của những việc nầy ấy là Chúa Jêsus, Đấng bị dồn dập với những thắc mắc đó, chính Ngài là câu trả lời. Lý do tại sao họ cứ khăng khăng với những thắc mắc ấy là vì họ đã từ chối không công nhận giải đáp của Đức Chúa Trời cho mọi nan đề của họ.
Hãy dừng lại để suy gẫm về điều nầy trong một phút. Người Do thái bị choáng váng khi nghe Chúa Jêsus dạy rằng người Do thái phải tỏ ra sự vâng phục với cả Đức Chúa Trời và nhà cầm quyền ngoại giáo. Làm sao điều nầy có thể thực thi được? Đấng Christ là câu trả lời. Ngài đã phục theo ý muốn của Đức Chúa Cha, và đã phó chính mình Ngài vào trong tay của Rôma, để chịu đóng đinh trên thập tự giá ở đồi Gôgôtha. Chúa Jêsus đã chỉ ra giải đáp cho nan đề của người Do thái. Làm sao Đấng Mêsi vừa là Đức Chúa Trời vừa là Người cho được? Đấng Christ là câu trả lời. Đấng Christ vừa là Đức Chúa Trời vừa là Người; Ngài là Đức Chúa Trời hoá thân thành nhục thể, hay, như tiên tri Cựu ước đã nói trước, Ngài là “Emmanuên” — Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta (Êsai 7.14; đối chiếu Mathiơ 1.23). Tuy nhiên, đã có nhiều câu hỏi khác nữa. Thí dụ, câu hỏi mà Phierơ đã dấy lên về sau trong thư tín thứ nhứt của ông (I Phierơ 1.11). Nan đề mà với nó các vị tiên tri đã vật vã là đây: “Làm sao Đấng Christ trở thành Đấng chịu thương khó, lại là Đấng đắc thắng cho được? Làm sao Ngài là một người chịu khổ và cũng là người cai trị đắc thắng cho được? Làm sao một người có cả sự thương khó và sự đắc thắng trong cùng một Cứu Chúa cho được?” Đấng Christ, tôi nhắc lại, là câu trả lời. Giờ đây chúng ta có thể thấy rõ, trước tiên Ngài đã hiện đến chịu khổ để cứu rỗi, và Ngài sẽ tái lâm để trị vì trong sự công bình và quyền phép, bắt phục mọi kẻ thù của Ngài.
Tôi càng sống lâu chừng nào, và quan sát cuộc sống, cùng nghiên cứu Kinh thánh, tôi càng tin chắc rằng giải pháp duy nhất cho mọi nan đề của cuộc sống, cho mọi thắc mắc trong cuộc sống, là Đấng Christ. Tôi không tin rằng có một thắc mắc nào mà với nó Ngài không phải là câu trả lời tối hậu và sau cùng. Đấng Christ không những là giải pháp, mà Ngài còn là cách giải quyết cho mọi thắc mắc và nan đề của cuộc sống. Chúa chúng ta giúp dàn xếp hết mọi khía cạnh khó hiểu và dường như xung khắc trong cuộc sống lại với nhau. Thí dụ, Ngài dàn xếp đưa một Đức Chúa Trời công bình và con người tội lỗi lại với nhau. Ngài làm cho người Do thái và dân Ngoại phục hoà với nhau, họ là những kẻ thù khó hoà giải nhất (Êphêsô 2). Ngài hiệp nhân tính và thần tính lại, quyền tể trị của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người. Ngài là Đấng Phục Hoà Vĩ Đại của những vụ việc dường như khó hoà giải nhất. Đến với Ngài trong sự ăn năn và đức tin đơn sơ thì tìm gặp cách giải quyết cho mọi nan đề của cuộc sống. Xây khỏi Ngài thì đối mặt với những điều khó hoà giải nhất bằng nổ lực yếu ớt nhất trong giải pháp của con người.
Phân đoạn Kinh thánh nầy làm cho chúng ta có được một khả năng nhìn vào mọi nan đề của cuộc sống, và nhìn vào các nan đề mà chúng ta tìm gặp trong Kinh thánh (tôi muốn nói thêm, là các nan đề đã được đặt ra ở đó). Điều nầy giống như một nguyên tắc: MỘT LÀ NAN ĐỂ CỦA CHÚNG TA SẼ KÉO CHÚNG TA ĐẾN VỚI ĐẤNG CHRIST, HAY CHÚNG SẼ DẪN CHÚNG TA XA KHỎI NGÀI.
Đó là một lẽ thật rất đơn giản, nhưng là một lẽ thật rất quan trọng. Đối với người Pharisi và người Sađusê, các nan đề là cái cớ để kéo người ta đến với các kết luận của họ, nhằm chối bỏ trực tiếp Lời của Đức Chúa Trời. Đối với Chúa Jêsus, mọi nan đề đã được dự trù để kéo người ta đến với Đức Chúa Trời. Đó là những kẻ với nan đề to lớn chịu chạy đến với Đấng Christ để cầu cứu và được chữa lành. Các nan đề dường như không giải quyết được mà Kinh thánh đưa ra đã khiến cho người có đức tin phải hướng về Đức Chúa Trời và phải chờ đợi giải pháp của Ngài cho những điều dường như mâu thuẫn trong các lời hứa có tính cách tiên tri, có quan hệ tới hai lần đến của Chúa Jêsus, chớ không phải một. Đó là các nan đề của lời tiên tri chỉ ra Đấng Christ là giải pháp kỳ diệu đến bởi Đức Chúa Trời, theo một phương thức mà loài người không thể đoán định được, không thể hiểu được, và thậm chí ngần ngừ không muốn tiếp nhận khi Ngài đến đứng ở chính giữa họ. Mọi nan đề đã được Đức Chúa Trời ấn định để kéo người ta đến với chính mình Ngài. Nếu chúng ta từ chối các mục đích của Đức Chúa Trời dành cho nan đề, họ sẽ xây khỏi Ngài ngay, thay vì hướng vào Ngài, phù hợp với sự cố ý và tội lỗi của chúng ta.
Lời cầu nguyện của tôi dành cho quí vị, bạn tôi ơi, cũng như cho bản thân tôi, ấy là chúng ta sẽ tìm thấy Đấng Christ là một câu trả lời đầy đủ cho mọi thắc mắc của chúng ta. Những thắc mắc nào có tính cách đời đời và quan trọng đều có một câu trả lời rõ ràng ngay bây giờ, trong Đấng Christ. Nhưng thắc mắc nào chưa giải đáp được, đều có một câu trả lời nhất định và tương lai, trong Đấng Christ. Đấng Christ là câu trả lời. Tôi cầu nguyện, mong quí vị tìm gặp Ngài như thế, và quí vị cứ tiếp tục gặp Ngài như thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét