Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Luca 12.49-59: "NHỮNG HẬU QUẢ TRONG SỰ ĐẾN CỦA ĐẤNG cHRIST"



Phần giới thiệu
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Sự đến của Đấng Christ và mọi hậu quả (12.49-53).
Lửa trong Kinh Thánh
Sự thách thức trong sự đến của Đấng Christ (12.54-59).
BÀI 45
NHỮNG HẬU QUẢ TRONG SỰ ĐẾN CỦA ĐẤNG CHRIST
(Luca 12.49-59)

Luca 12.49-59: “Ta đã đến quăng lửa xuống đất; nếu cháy lên rồi, ta còn ước ao chi nữa! Có một phép báp-tem mà ta phải chịu, ta đau đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành! Các ngươi tưởng ta đến đem sự bình an cho thế gian sao? Ta nói cùng các ngươi, không, nhưng thà đem sự phân rẽ. Vì từ nay về sau, nếu năm người ở chung một nhà, thì sẽ phân li nhau, ba người nghịch cùng hai, hai người nghịch cùng ba; cha nghịch cùng con trai, con trai nghịch cùng cha; mẹ nghịch cùng con gái, con gái nghịch cùng mẹ; bà gia nghịch cùng dâu, dâu nghịch cùng bà gia. Ngài lại phán cùng đoàn dân rằng: Khi các ngươi thấy đám mây nổi lên phương tây, liền nói rằng: Sẽ có mưa; thì quả có vậy. Lại khi gió nam thổi, các ngươi nói rằng: Sẽ nóng nực; thì quả có vậy. Hỡi kẻ giả hình! các ngươi biết phân biệt khí sắc của trời đất; vậy sao không biết phân biệt thời nầy? Lại sao các ngươi cũng không tự mình xét đoán điều gì là công bình? Vậy, khi ngươi đi với kẻ kiện mình đến trước mặt quan tòa, dọc đường hãy gắng sức giải hòa cùng họ, e họ kéo ngươi đến trước mặt quan án, quan án giao cho thầy đội, rồi bỏ tù ngươi chăng. Ta nói cùng ngươi, ngươi trả còn thiếu một đồng tiền, thì không ra khỏi tù được”.
Phần giới thiệu
Từ ngữ “LỬA” có thể làm phát sinh nhiều đáp ứng khác nhau. Nếu có ai la lớn: “LỬA!” với sự căng phồng hết ga của hai buồng phổi trong lúc nầy, có lẽ tiếng la ấy sẽ tạo ra sợ hãi, và một rối loạn lớn lắm. Mặt khác, vào giữa mùa đông, lời đề nghị “nhóm ngọn lửa trong lò sưởi” làm dậy lên mọi cảm xúc ấm áp. Có một câu trong bài hát Giáng sinh nói tới “mấy cái hạt dẻ nướng trong ngọn lửa”. Ngọn lửa tạo ra cảm xúc ấm áp, tình cảm.
Khi Giăng Báptít bắt đầu giới thiệu Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Israel, ông đã nói tới “phép báptêm bằng lửa” mà chính Chúa Jêsus sẽ làm. Có những nhận định khác nhau về phép “báptêm” nầy. Giờ đây, trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, Chúa Jêsus đang nói tới LỬA. Ngài phán rằng Ngài đã đến để “quăng LỬA xuống đất” (Luca 12.49). Việc nhen lên ngọn lửa nầy là điều mà Chúa Jêsus đã phán Ngài sẽ sốt sắng lo làm. Để hiểu biết sứ điệp của Ngài, trước tiên chúng ta phải học biết ý nghĩa của “LỬA” theo như Ngài đã phán trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta.
Chúng ta sẽ cố gắng xác định từ ngữ “LỬA” có trong phân đoạn Kinh Thánh bằng cách nghiên cứu các phương thức mà “LỬA” đã được sử dụng trong Cựu Ước và bởi Giăng Báptít. Chúng ta sẽ tìm cách chỉ ra lý do tại sao Chúa chúng ta lại sốt sắng nhóm ngọn “LỬA” nầy lên. Sau cùng, chúng ta sẽ cố gắng chỉ ra ngọn LỬA nầy tác động lên mọi người như thế nào.
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh
Trong các câu 49-53, Chúa Jêsus giải thích cách đến của Ngài khi “quăng LỬA xuống đất”. Ngài cũng tỏ ra thái độ sốt sắng bắt tay vào việc đem LỬA xuống đất. “LỬA” nầy có nhiều hàm ý cho gia đình, nhưng không phải những người chúng ta ưa thích. Sự đến của Đấng Christ sẽ gây ra phân rẽ trong gia đình, làm tẻ tách giữa các thành viên trong gia đình mà chúng ta thấy giữa họ có một mối ràng buộc rất là chặt chẽ.
Trong các câu 54-57, Chúa Jêsus đặc biệt phán với đoàn dân đông, chỉ ra một thái độ giả hình rất trầm trọng. Ngài nhắc cho họ nhớ rằng trong khi họ có thể đoán được thời tiết của ngày mai bằng cách nhìn vào mấy chiếc đồng hồ hiện đại, họ không thể nhìn thấy sự đến của Nước Đức Chúa Trời qua sự đến lần đầu tiên của Đấng Christ làm hình bóng cho.
Các câu 58 và 59 kết luận chương bằng cách đưa ra phần ứng dụng cá nhân và thực tế. Sự làm hoà với kẻ thù của họ cần phải diễn ra trước khi đứng trước quan xử kiện.
Cấu trúc của phân đoạn Kinh Thánh có thể được tóm tắt như sau:
Những hậu quả của sự đến của Đấng Christ – các câu 49-53
Những kết cuộc do sự đến của Đấng Christ – các câu 54-57
Phần ứng dụng của sự đến của Đấng Christ – các câu 58-59
Sự đến của Đấng Christ và mọi hậu quả (12.49-53)
“Ta đã đến quăng lửa xuống đất; nếu cháy lên rồi, ta còn ước ao chi nữa! Có một phép báp-tem mà ta phải chịu, ta đau đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành! Các ngươi tưởng ta đến đem sự bình an cho thế gian sao? Ta nói cùng các ngươi, không, nhưng thà đem sự phân rẽ. Vì từ nay về sau, nếu năm người ở chung một nhà, thì sẽ phân li nhau, ba người nghịch cùng hai, hai người nghịch cùng ba; cha nghịch cùng con trai, con trai nghịch cùng cha; mẹ nghịch cùng con gái, con gái nghịch cùng mẹ; bà gia nghịch cùng dâu, dâu nghịch cùng bà gia”.
Chúa Jêsus phán rằng Ngài đến đặng quăng LỬA xuống đất, Ngài sốt sắng mong lửa ấy được cháy lên. Sự việc cho thấy trước tiên Ngài phải phép chịu một phép báptêm trước khi ngọn lửa ấy được nhen lên. Nhưng ngọn LỬA mà Ngài sẽ nhóm lên là ngọn lửa nào? Câu trả lời cho thắc mắc nầy đến từ Kinh Thánh. Trước tiên chúng ta hãy nghiên cứu Kinh Thánh để xem coi LỬA mà họ nói đó có quan hệ gì với sự đến của Đấng Mêsi hay không!?! Những phân đoạn Kinh Thánh sau đây là những câu Kinh Thánh mà tôi truy tìm hầu hiểu biết ngọn “LỬA” có quan hệ như thế nào với sự đến của Đấng Christ, là Đấng Mêsi của Israel.
Lửa trong Kinh Thánh
Sáng thế ký 19.24: “Đoạn, Đức Giê-hô-va giáng mưa diêm sanh và LỬA từ nơi Ngài trên trời sa xuống Sô-đôm và Gô-mô-rơ”.
I Các Vua 18.24, 38: “Đoạn, hãy kêu cầu danh của thần các ngươi, còn ta, ta sẽ kêu cầu danh của Đức Giê-hô-va. Thần đáp lời bằng LỬA, ấy quả là Đức Chúa Trời. Cả dân sự đều đáp rằng: Lời nói rất phải. LỬA của Đức Giê-hô-va bèn giáng xuống, thiêu đốt của lễ thiêu, củi, đá, bụi, và rút nước trong mương”.
II Các Vua 1.12: “Nhưng Ê-li đáp với người rằng: Nếu ta là người của Đức Chúa Trời, nguyện LỬA từ trên trời giáng xuống thiêu đốt ngươi với năm mươi lính của ngươi đi. LỬA của Đức Chúa Trời liền từ trời giáng xuống thiêu đốt quan cai với năm mươi lính của người”.
I Sử ký 21.26: “Tại đó Đa-vít cất một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, dâng những của lễ thiêu, của lễ bình an, và cầu khẩn Đức Giê-hô-va; Ngài đáp lời người bằng LỬA từ trời giáng xuống trên bàn thờ về của lễ thiêu”.
Thi thiên 21.9: “Trong lúc Chúa nổi giận, Chúa sẽ làm cho chúng nó như lò LỬA hừng; Đức Giê-hô-va sẽ nuốt chúng nó trong khi nổi thạnh nộ, Và LỬA sẽ thiêu đốt họ đi”.
Thi thiên 78.21-22: “Vì vậy Đức Giê-hô-va có nghe bèn nổi giận; Có LỬA cháy nghịch cùng Gia-cốp, Sự giận nổi lên cùng Y-sơ-ra-ên; Bởi vì chúng nó không tin Đức Chúa Trời, Cũng chẳng nhờ cậy sự cứu rỗi của Ngài”.
Êsai 10.16-19: “Vậy nên, Chúa, là Đức Giê-hô-va vạn quân, sẽ làm cho những người mập mạnh của nó trở nên gầy mòn, và dưới sự vinh hiển nó sẽ đốt cháy lên như LỬA thiêu đốt. Sự sáng của Y-sơ-ra-ên sẽ trở nên LỬA, Đấng Thánh nó sẽ trở nên ngọn đèn, chỉ trong một ngày, đốt tiêu gai gốc và chà chuôm nó; lại thiêu hủy vinh hoa của rừng cây và ruộng màu mỡ nó, cả linh hồn và thân thể; như kẻ cầm cờ xí ngất đi vậy. Bấy giờ những cây trên rừng nó còn sót lại chẳng là bao, một đứa bé con có thể chép lấy được”.
Êsai 30.27-33: “Nầy, danh Đức Giê-hô-va từ xa mà đến; cơn giận phừng phừng, như khói đậm bay lên, môi đầy thạnh nộ, lưỡi giống như LỬA nuốt. Hơi thở Ngài khác nào sông vỡ lở, nước lên ngập đến cổ. Ngài lấy cái sàng hủy diệt mà sàng các nước, và dùng cái khớp dẫn đi lạc đường mà khớp hàm các dân. Bấy giờ các ngươi sẽ xướng ca như trong đêm giữ lễ thánh. Các ngươi sẽ có sự vui trong lòng, như kẻ thổi sáo mà lên núi Đức Giê-hô-va, đến cùng vầng Đá của Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va sẽ làm cho nghe tiếng oai nghiêm Ngài. Ngài sẽ tỏ cánh tay hăm dọa của mình ra, giữa cơn giận Ngài, những ngọn lửa nuốt, gió táp, bão, và mưa đá. Vì, A-si-ri sẽ nghe tiếng Đức Giê-hô-va mà run sợ. Ngài sẽ lấy roi đánh A-si-ri; và mỗi khi Đức Giê-hô-va lấy roi định đánh nó, thì người ta sẽ nghe tiếng trống và đàn cầm; vả, trong những trận mạc Đức Giê-hô-va sẽ vung cánh tay mà tranh chiến cùng nó. Vì Tô-phết đã sửa soạn từ xưa; sắm sẵn cho vua. Nó sâu và rộng, trên có LỬA và củi thật nhiều; hơi thở của Đức Giê-hô-va như suối lưu hoàng nhúm nó”.
Êsai 31.9: “Vầng đá nó sẽ qua đi vì sự kinh hãi, các quan trưởng nó sẽ kính sợ vì cờ xí, Đức Giê-hô-va phán như vậy, tức là Đấng có LỬA tại Si-ôn, có lò tại Giê-ru-sa-lem”.
Êsai 66.16-19: “Đức Giê-hô-va sẽ lấy LỬA và gươm làm sự xét đoán Ngài trên mọi xác thịt, và số những kẻ phải chết bởi Đức Giê-hô-va là nhiều lắm. Những kẻ biệt mình riêng ra và tự làm sạch mình để đến các vườn, ở đằng sau một cái cây giữa đó, ăn thịt heo, thịt chuột, và những đồ ăn gớm ghiếc, thì sẽ chết với nhau, Đức Giê-hô-va phán vậy. Về phần ta, ta biết việc làm và ý tưởng chúng nó; kỳ đến mà ta sẽ nhóm các nước và các thứ tiếng; chúng nó sẽ đến và thấy sự vinh hiển ta. Ta sẽ đặt một dấu hiệu giữa họ; những kẻ trong vòng họ đã tránh khỏi nạn, thì ta sẽ sai đến khắp các nước, tức là đến Ta-rê-si, Phun, Lút là dân có tài bắn cung, Tu-banh và Gia-van, cho đến trong các cù lao xa, là nơi chưa hề nghe danh tiếng ta, và chưa từng thấy sự vinh hiển ta. Bấy giờ chúng sẽ rao truyền sự vinh hiển ta ra trong các nước”.
Giêrêmi 15.14: “Ta sẽ làm cho những đồ ấy đi với kẻ thù ngươi qua một đất mà ngươi không biết, vì LỬA giận của ta đã cháy lên, đặng thiêu hủy các ngươi”.
Giêrêmi 21.12-14: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Hỡi nhà Đa-vít, vừa lúc ban mai hãy làm sự công bình, hãy cứu kẻ bị cướp ra khỏi tay người ức hiếp, e rằng vì các ngươi làm điều ác, mà ta phát giận ra như LỬA, cháy không ai tắt được chăng. Đức Giê-hô-va phán: Nầy, hỡi kẻ ở trong nơi trũng, trên vầng đá nơi đồng bằng kia, ta nghịch cùng các ngươi, là những người nói rằng: Ai sẽ xuống nghịch cùng chúng ta? ai sẽ sấn vào nơi chúng ta ở? Đức Giê-hô-va phán: Ta sẽ phạt các ngươi theo quả của việc làm các ngươi; ta sẽ đốt LỬA trong rừng nó, LỬA sẽ nuốt hết mọi vật ở chung quanh nó”.
Ca thương 4.11-13: “Đức Giê-hô-va đã làm trọn sự giận của Ngài, đổ cơn thạnh nộ Ngài ra; Ngài đã đốt LỬA tại Si-ôn, thiêu nuốt nền nó. Các vua trên đất, cả dân cư thế gian, vốn chẳng ngờ Kẻ thù quân nghịch sẽ tràn vào các cửa thành Giê-ru-sa-lem. Ay là vì cớ tội lỗi của các tiên tri nó, và sự gian ác của các thầy tế lễ nó. Họ đã đổ giữa nó huyết của người công bình”.
Êxêchiên 21.3-5: “Khá nói cùng rừng phương nam rằng: Hãy nghe lời của Đức Giê-hô-va! Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, ta sẽ nhen LỬA trong ngươi, LỬA sẽ thiêu nuốt hết cả cây xanh và cả cây khô nơi ngươi. Ngọn Lửa hừng sẽ không tắt, mọi mặt sẽ bị cháy bởi nó từ phương nam chí phương bắc. Mọi xác thịt sẽ thấy rằng ấy là ta, Đức Giê-hô-va, đã nhen LỬA; LỬA sẽ không hề tắt. Bấy giờ ta nói rằng: Ôi! Hỡi Chúa Giê-hô-va, họ nói về tôi rằng: Nó chẳng phải là kẻ nói thí dụ sao?”
Giôên 2.1-3: “Hãy thổi kèn trong Si-ôn; hãy thổi vang ra trên núi thánh ta! Hết thảy dân cư trong đất khá đều run rẩy! Vì ngày của Đức Giê-hô-va đến, ngày ấy đã gần: tức là ngày mờ mịt và tối tăm, ngày của mây và sương mù. Có một dân lớn và mạnh đến như ánh sáng sớm mai giãi ra trên núi, đến nỗi từ trước chưa hề có, mà về sau nầy, về muôn đời sau nầy cũng sẽ không có như vậy nữa. Trước mặt nó, có LỬA thiêu nuốt, sau lưng nó, có ngọn LỬA cháy tiêu. Lúc trước nó, đất nầy như vườn Ê-đen; khi sau nó, ấy là một đồng vắng hoang vu, và không có chi trốn khỏi nó hết”.
Amốt 2.4-5: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Bởi cớ tội ác của Giu-đa đến gấp ba gấp bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì chúng nó đã bỏ luật pháp của Đức Giê-hô-va và không vâng theo lệ luật Ngài, những sự giả dối mà tổ phụ chúng nó đã theo, làm lầm lạc chúng nó. Ta sẽ sai LỬA đến trên Giu-đa, nó sẽ thiêu nuốt những đền đài của Giê-ru-sa-lem”.
Malachi 4.1: “Vì nầy, ngày đến, cháy như lò LỬA. Mọi kẻ kiêu ngạo, mọi kẻ làm sự gian ác sẽ như rơm cỏ; Đức Giê-hô-va vạn quân phán: Ngày ấy đến, thiêu đốt chúng nó, chẳng để lại cho chúng nó hoặc rễ hoặc nhành”.
Luca 3.9, 15-17: “Cái búa đã để kề gốc cây; hễ cây nào không sanh trái tốt thì sẽ bị đốn và chụm… Bởi dân chúng vẫn trông đợi, và ai nấy đều tự hỏi trong lòng nếu Giăng phải là Đấng Christ chăng, nên Giăng cất tiếng nói cùng mọi người rằng: Phần ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; song có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài. Chính Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng LỬA. Tay Ngài sẽ cầm nia mà giê thật sạch sân lúa mình, và thâu lúa mì vào kho; nhưng đốt trấu trong LỬA chẳng hề tắt”.
Luca 9.54: “Gia-cơ và Giăng là môn đồ Ngài, thấy vậy, nói rằng: Thưa Chúa, Chúa có muốn chúng tôi khiến LỬA từ trên trời xuống thiêu họ chăng?”
Khải huyền 13.13: “Nó làm những phép lạ lớn, đến nỗi khiến LỬA từ trên trời rơi xuống đất trước mặt người ta”.
Khải huyền 20.9: “Chúng nó lên khắp các vùng rộng trên mặt đất, vây dinh thánh đồ và thành yêu dấu. Nhưng có LỬA từ trên trời rơi xuống thiêu diệt chúng nó”.
Từ tất cả những câu Kinh Thánh nầy, tôi tin rằng chúng ta có thể suy rộng về “LỬA” khi chữ nầy đã được sử dụng trong Kinh Thánh.
LỬA có mối quan hệ mật thiết với sự hiện diện và quyền phép của Đức Chúa Trời.
LỬA thường được sử dụng vừa theo nghĩa đen vừa làm biểu tượng, như một công cụ cho cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, được giáng xuống để nghịch lại hạng tội nhân, cả dân Israel và dân Ngoại.
Lời tiên tri torng Kinh Thánh nói tới “LỬA” hầu đến, do Đức Chúa Trời giáng ra nghịch lại hạng tội nhân, cả người dân Ngoại lẫn người Do thái.
(4) LỬA phán xét trong tương lai của Đức Chúa Trời có quan hệ mật thiết với sự đến của Đấng Mêsi.
(5) Ngày lúc bắt đầu chức vụ của Chúa Jêsus, Giăng Báptít đã nói về sự đến của Đấng Mêsi là đem theo LỬA.
Trên cơ sở của những lời hứa nầy, người ta có thể kết luận rằng “LỬA” mà Chúa Jêsus nói tới chính là LỬA mà các tiên tri, kể cả Giăng Báptít có nói tới – LỬA thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Khi Chúa Jêsus phán Ngài đã đến để “quăng LỬA”, Ngài muốn nói rằng Ngài đã đến để tỏ ra cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đổ ra trên Israel tội lỗi.
Cơn thạnh nộ nầy đã đổ ra như thế nào? Ở chỗ khác Chúa Jêsus đã nói rõ rằng Ngài chẳng đến để phán xét đâu, mà Ngài đến để cứu rỗi (đối chiếu Giăng 3.16; 8.11). Câu trả lời, ấy là Chúa Jêsus đã đến lần đầu tiên để cứu con người, thế nhưng đối với hết thảy những ai chối bỏ Ngài sẽ chẳng còn có một phương tiện nào khác để cho họ được cứu nữa. Khi Ngài tái lâm, Ngài sẽ đến đặng phán xét, đặc biệt cho những ai đã chối bỏ ơn cứu rỗi của Ngài.
Chúa sốt sắng muốn “LỬA” nầy được cháy lên, như Lời Ngài nói ra như thế nào? Nếu Ngài sắp sửa đem lại sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên hạng tội nhân, và nếu đây không phải là việc làm mà Ngài ưa thích, thì tại sao Ngài lại sốt sắng muốn nhóm lên ngọn “LỬA” đó? Tôi nghĩ câu trả lời rất đơn giản – (tôi tin cả Đức Chúa Trời và loài người) sự đổ ra cơn thạnh nộ thật khó chịu và đau đớn nầy là điều kiện tiên quyết cho sự thiết lập nước của Đức Chúa Trời. Muốn cho nước của Đức Chúa Trời được thiết lập, tội nhân phải bị hình phạt và tội lỗi phải bị tiêu diệt.
Có một số điều dường như mâu thuẫn trong lời lẽ của Chúa chúng ta, ở đây và ở các chỗ khác trong các sách Tin Lành. Ngài là Chúa Bình An, nhưng Ngài sẽ đem lại sự phân rẽ. Ngài hứa sự sống cho con người, nhưng Ngài lại kêu gọi họ nên bỏ sự sống đi. Ngài bảo họ phải chất chứa của cải ở trên trời, nhưng họ phải thôi đừng theo đuổi sự giàu có trong đời nầy, và phải bố thí cho người nghèo. Mặt khác, điểm khác biệt: ấy là giữa chỗ “khi ấy” (thiên đàng, nước của Đức Chúa Trời) và “bây giờ”. Có điểm khác biệt nữa: ấy là giữa “cứu cánh” và “phương tiện” bởi đó họ đạt tới cứu cánh. “Bình an” là cứu cánh, nhưng gươm giáo và sự phân rẽ là phương tiện. “Sự sống” là cứu cánh, nhưng sự chết – sự chết của Chúa chúng ta, và sự các môn đồ “vác lấy thập tự giá của Ngài” là phương tiện. “Phước hạnh và sự giàu có” là cứu cánh, nhưng thôi đừng theo đuổi chúng là phương tiện. Khi phương tiện như là mâu thuẫn với cứu cánh, chúng ta phải nếm trải các phương tiện nầy bởi đức tin, chớ không phải bởi mắt thấy.
Các phương tiện bởi đó Đức Chúa Trời quyết định đưa tới Nước của Ngài (“LỬA” – sự phán xét tội nhân). Nó còn gây đau đớn cực độ cho Đức Chúa Trời nữa, không những vì loài người phải gánh chịu tội lỗi của họ, mà vì Đức Chúa Jêsus Christ, Con Đức Chúa Trời phải gánh chịu cơn thạnh nộ của Ngài như một giá phải trả cho tội lỗi của con người. Chúa Jêsus phán rằng trước khi Ngài quăng LỬA xuống đất, Ngài đã có một phép báptêm mà Ngài cần phải chịu lấy. Phép báptêm nầy rõ ràng là sự chết mà Ngài sẽ chịu trên thập tự giá ở đồi Gôgôtha. Sự chết của Ngài trên thập tự giá sẽ đưa vào vận hành một loạt các biến cố, sẽ dẫn tới kết quả sự đổ ra cơn thạnh nộ thiêng liêng của Đức Chúa Trời giáng trên tội nhân. Thực tế đáng buồn đó quả là điều không thực sự cần thiết, vì Chúa Jêsus đã kinh nghiệm đầy đủ chừng mực của cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trên thập tự giá rồi. Đối với những ai tin cậy nơi Ngài, đó là giá phải trả cho mọi tội lỗi của họ, còn đối với những ai chối bỏ Ngài, sự đổ ra cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trong ngày phán xét sắp xảy đến.
Chúa Jêsus đã lường trước phép báptêm của Ngài và “LỬA” cần phải được nhóm lên cùng một cách như người đờn bà đau đẻ trông đợi “công việc nặng nhọc” của mình vậy. Bà mong cho sự ấy được mau thành, không phải vì nỗi đau ấy dễ chịu và đáng vui hưởng đâu, mà vì kết quả của nỗi đau đó. “LỬA” thạnh nộ của Đức Chúa Trời, trước tiên giáng trên Đấng Christ ở thập tự giá, rồi giáng trên những kẻ chối bỏ Ngài, điều đó sẽ đem lại sự đến của nước Đức Chúa Trời.
Dân Israel đã quên mất điều nầy. Họ đã lần lữa hoặc chẳng chú ý tới chuỗi các biến cố sẽ đem lại nước của Đức Chúa Trời. Họ trông đợi “ngày của Đức Giêhôva” như ngày cứu rỗi, vui mừng và phước hạnh, thế nhưng họ lại quên rằng ngày của Chúa bắt đầu với sự phán xét. Đây là những gì tiên tri Amốt đã nhắc cho họ nhớ:
“Khốn thay cho các ngươi là kẻ trông mong ngày của Đức Giê-hô-va! Các ngươi trông mong ngày của Đức Giê-hô-va làm gì? Ay là ngày tối tăm, không phải là ngày ánh sáng. Ví như một người tránh khỏi sư tử, lại gặp con gấu; hay là như kẻ vào trong nhà, dựa tay trên vách, bị rắn cắn nhằm. Ngày của Đức Giê-hô-va há chẳng phải tối tăm, không sáng láng, và mù mịt, không chói lói hay sao?” (Amốt 5.18-20).
Nếu sự đến của Chúa có ý nói tới “LỬA” phán xét giáng cho Ngài, và cũng giáng cho những kẻ chối bỏ Ngài, đó là giá dành cho những ai chịu tin theo Ngài. Trong khi Ngài là Chúa Bình An (Êsai 9.6), Ngài cũng là nguồn của sự phân rẽ nữa. Ngài sẽ gây ra sự phân rẽ lớn lao giữa vòng loài người, thậm chí trong các gia đình, nơi dây ràng buộc hiệp một là bản chất sâu sắc nhất:
“Các ngươi tưởng ta đến đem sự bình an cho thế gian sao? Ta nói cùng các ngươi, không, nhưng thà đem sự phân rẽ. Vì từ nay về sau, nếu năm người ở chung một nhà, thì sẽ phân li nhau, ba người nghịch cùng hai, hai người nghịch cùng ba; cha nghịch cùng con trai, con trai nghịch cùng cha; mẹ nghịch cùng con gái, con gái nghịch cùng mẹ; bà gia nghịch cùng dâu, dâu nghịch cùng bà gia” (Luca 12.51-53).
Sự phân rẽ mà Chúa Jêsus nói tới ở đây có vài đặc điểm rất thú vị. Thứ nhất, có sự phân rẽ xảy ra trong gia đình, mọi ràng buộc thân mật nhất của con người được thấy có trong đó (“máu đậm hơn nước”). Lịch sử đã đưa ra bằng chứng cho sự thật Tin Lành đang phân rẽ những người nam người nữ, chồng và vợ, cha mẹ và con cái, vì cớ đức tin nơi Đấng Christ đòi hỏi một sự kết hiệp, gắn bó với Ngài thật chặt chẽ. Thứ hai, có một sự phân biệt rõ rệt như đã được mô tả, song không phải là “một nghịch với một” đâu, hoặc đi theo hình tượng do Chúa chúng ta thiết lập ra, “một nghịch với bốn”, mà là “hai nghịch với ba” và “ba nghịch với hai”. Người nào đã đến với đức tin nơi Đức Chúa Trời sẽ hiệp với nhau, trong khi những người chối bỏ Đấng Christ sẽ tìm một vòng nô dịch mới, một cơ sở hiệp một mới, trong sự chống đối với Đấng Christ. Đây là cách mà người Pharisi (những người bảo thủ cánh hữu trong thời đó) và người Sađusê (những người tự do) sẽ hiệp lại với nhau trong sự chối bỏ Đấng Christ và trong sự chống đối Ngài, và trong sự sắp đặt (nói theo con người) cái chết của Ngài.
Thứ ba, tôi tin là có vài sự ám chỉ nào đó cho vai trò của “uy quyền” trong sự phân rẽ nầy. Sự phân rẽ đã được mô tả trong những câu Kinh Thánh nầy tất cả đều xảy ra trong vòng gia đình, mà nó còn băng qua lằn ranh của uy quyền nữa. Những người làm cha có uy quyền trên con trai, cũng như những người làm mẹ có uy quyền trên con gái. Sự gắn bó với Đấng Christ đang chiếm lấy quyền ưu tiên một trên tất cả các quyền khác. Thường thì chúng ta mong rằng đức tin của Cơ đốc nhân nâng cao sự vâng phục của người (nam hay nữ) đối với người có thẩm quyền, như chúng ta thấy trong sự dạy của Kinh Thánh (đối chiếu Êphêsô 5.21 – 6.10), song cũng có những lúc chúng ta phải vâng theo Đức Chúa Trời hơn con người, và trong các trường hợp nầy, sự phân rẽ sẽ xảy ra, cũng như trong các trường hợp khác. Một người cha không tin Chúa sẽ thấy khó mà chấp nhận con trai mình giờ đây cảm thấy trách nhiệm tối hậu của nó là vâng theo Đức Chúa Trời và làm đẹp lòng Ngài, trong khi đặt mọi sự gắn bó và bổn phận của đời nầy ở một cấp độ thấp hơn.
Chúa Jêsus từ chối không phác họa ra một bức tranh vinh hiển nói về nỗi vui sướng và khoái lạc không dứt dành cho những ai chịu bước theo Ngài. Trong khi con người có thể mong đợi sự tha tội và niềm vui mừng trong sự vâng phục Ngài trong đời nầy, đức tin nơi Ngài sẽ tạo ra sự bắt bớ (II Timôthê 3.12). Sẽ có sự mừng vui và khoái lạc không thể lường được trên thiên đàng, nhưng cũng sẽ có đau khổ và bắt bớ đối với những Cơ đốc nhân ở trên đất. Đây là một trong những lẽ đạo chính trong thư tín thứ nhất của Phierơ. Viễn cảnh của Cơ đốc nhân sẽ giống như viễn cảnh của sứ đồ Phaolô, ông đã nhìn thấy đau khổ và thử thách trong đời nầy là chẳng đáng gì khi so sánh với các niềm vui trên thiên đàng (II Côrinhtô 4.16-18). Chúa Jêsus không thu nhỏ cái giá của địa vị môn đồ, vì cớ tầm quan trọng của cái giá làm môn đồ.
Chẳng có phương thế nào để chúng ta lẫn tránh sự đau khổ. Người nào đi theo Đấng Christ sẽ chịu khổ ngay lúc bây giờ, và sẽ từ bỏ các khoái lạc hiện tại của cuộc sống, nhưng sẽ kinh nghiệm những niềm vui không giới hạn của thiên đàng sau nầy (đối chiếu Hêbơrơ 11.24-26). Người nào chối bỏ Đấng Christ và sống chỉ cho các khoái lạc hiện tại sẽ gánh chịu đau khổ dày vò đời đời trong hoả ngục.
Cần phải nói thêm một việc ở đây về “gia đình”. Gia đình đã trở thành quen thuộc đối với Cơ đốc nhân và nhiều người khác. Bây giờ người ta hay nói về Hội Thánh giống như một Hội Thánh gia đình vậy. Tuần lễ nầy, tôi có nghe nói một nhà thờ “thương mại” phát trên đài phát thanh, đài nầy cung ứng cho thính giả ấn tượng Đấng Christ đã đến để “đem gia đình lại với nhau”. Có một nhận định cho điều nầy là thật, nhưng chúng ta đừng thu nhỏ hay bất chấp lời dạy của Chúa chúng ta, trong những giới hạn rõ ràng nhất Lời Chúa cho chúng ta biết rằng sự đến của Ngài sẽ phân chia nhiều gia đình.
Sự thách thức trong sự đến của Đấng Christ (12.54-59)
Trong các câu 49-53 chỉ ra các hậu quả tiêu cực trong sự đến của Đấng Christ, các câu 54-59 là một thách thức cho con người phải đáp ứng lại với sự đến của Ngài. Các câu 54-57 kêu gọi con người phải suy nghĩ cặn kẽ và tự chủ, rồi phải hành động với tính quyết định. Trong các câu 89 và 59 Chúa chúng ta kết luận bằng cách thách thức khán thính giả của Ngài phải hành động mau mắn căn cứ theo những gì Ngài đã phán dạy:
Ngài lại phán cùng đoàn dân đông: “Ngài lại phán cùng đoàn dân rằng: Khi các ngươi thấy đám mây nổi lên phương tây, liền nói rằng: Sẽ có mưa; thì quả có vậy. Lại khi gió nam thổi, các ngươi nói rằng: Sẽ nóng nực; thì quả có vậy. Hỡi kẻ giả hình! các ngươi biết phân biệt khí sắc của trời đất; vậy sao không biết phân biệt thời nầy? Lại sao các ngươi cũng không tự mình xét đoán điều gì là công bình?”
“Vậy, khi ngươi đi với kẻ kiện mình đến trước mặt quan tòa, dọc đường hãy gắng sức giải hòa cùng họ, e họ kéo ngươi đến trước mặt quan án, quan án giao cho thầy đội, rồi bỏ tù ngươi chăng. Ta nói cùng ngươi, ngươi trả còn thiếu một đồng tiền, thì không ra khỏi tù được” (Luca 12.58-59).
Ngay phần đầu của chương 12, Chúa Jêsus đã phán về sự giả hình của các cấp lãnh đạo Israel (đối chiếu câu 1). Còn bây giờ, Chúa Jêsus nhắm vào sự giả hình của đoàn dân đông. Những lời nầy đã được nói ra đặc biệt là cho đoàn dân đông (câu 54). Chúa Jêsus gợi ra sự giả hình của họ. Tại sao phải làm vậy? Họ đã sống giả hình như thế nào?
Một kẻ giả hình là kẻ hành động trước sau không như một, là kẻ hành động không giống như một người tin Chúa. Tất cả mọi người đều biết cách để xét đoán tương lai theo ánh sáng của hiện tại. Chúa Jêsus đã phác họa ra điều nầy bằng cách chỉ ra rằng họ vốn biết tiên đoán thời tiết. Khi một đám mây hiện ra ở phía Tây, họ mau mắn kết luận rằng trời sẽ mưa. Ấy là chỉ có một đám mây mà thôi, chớ không phải cả bầu trời đều đầy mây đâu. Và đám mây nầy là đủ lý do cho họ kết luận ngay tức thì rằng sẽ có mưa. Việc nầy chẳng cần gì phải suy nghĩ lâu dài. Phần kết luận rất rõ ràng rồi. Chứng cớ cũng rõ ràng, cho dù chỉ có một đám mây thôi.
Cũng một thể ấy với gió Nam. Một ngọn gió ở hướng Nam là đủ chứng cớ cho người Do thái kết luận rằng trời sẽ nóng nực. Trong cả hai trường hợp, những lời tiên đoán đều có hiệu quả. Đám mây từ hướng Tây đã tạo ra cơn mưa, cũng như ngọn gió hướng Nam sẽ tạo ra nóng nực.
Khả năng phán đoán chứng cớ và nhìn thấy mọi hàm ý của nó là không có giới hạn đối với các chuyên gia nầy. Ai nấy cùng đạt tới một kết luận từ chứng cớ mà họ đã nhận được. Vậy thì tại sao hạng người nầy, đã khéo léo khi đến cùng một kết luận về thời tiết, lại không đến với kết luận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, dựa theo cả núi chứng cớ đã chất đầy ở đó rồi, tất cả các chứng cớ nầy rất phù hợp với mọi lời tiên đoán của các vị tiên tri?
Phải chăng các cấp lãnh đạo của dân Do thái đã sai lầm? Chắc chắn họ đã sai lầm rồi, song sai lầm nầy không đáng để cho đoàn dân đông phải sa bẫy. Họ đã nhìn thấy sự thật rất hiển nhiên và đã đến với kết luận dúng đắn về Chúa Jêsus, thậm chí trong trường hợp các cấp lãnh đạo của họ sai lầm. Lời quở trách của Chúa Jêsus đối với đoàn dân đông dường như cho thấy rằng họ không suy nghĩ rõ ràng, họ cũng không làm chủ trong suy nghĩ đối với các cấp lãnh đạo của mình. Họ phạm phải lỗi để cho cấp lãnh đạo của họ suy nghĩ thay cho họ. Hãy lắng nghe lời lẽ của Chúa chúng ta một lần nữa:
“Lại sao các ngươi cũng không tự mình xét đoán điều gì là công bình?” (Luca 12.57).
Họ phải tự mình suy nghĩ lấy, Chúa Jêsus bảo thế. Các cấp lãnh đạo của họ sai lầm, nhưng những kẻ theo họ là môn đồ của họ. Hãy để cho đoàn dân đông nhìn xem chứng cớ và phán đoán cho đúng đắn.
Các bạn ơi, mỉa mai thay, người ta quá dễ dàng lạc lối do sự suy tưởng của “bậc chuyên gia”. Chúng ta mong muốn người ta phải làm theo suy tưởng của chúng ta. Chúng ta muốn người khác phải chịu trách nhiệm vì đạt tới những câu trả lời đúng đắn. Nhưng Chúa Jêsus thì rất rõ ràng ở đây. Những lời thật quan trọng, những gì thực sự là vấn đề, là hiển nhiên cho bất kỳ người nào sẽ tìm xem chứng cớ. Đức Chúa Trời đã tỏ ra lẽ thật Ngài cho hàng con trẻ, chớ không cho hàng học giả (Luca 10.21). Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm phải “dò xem Kinh Thánh” và phải nhìn thấy những gì được rao giảng là sự thật, cho dù khi Phaolô là giảng sư đi nữa (Công vụ Các Sứ đồ 17.11). Chúng ta hãy nghiên cứu Ngôi Lời cho bản thân mình và chúng ta hãy tin các lẽ thật hiển nhiên có trong đó, và mọi điều đã được tỏ ra cho mọi người nào nhờ Đức Thánh Linh mà tìm kiếm (I Côrinhtô 2.14-16). Chính trong ánh sáng nầy mà tôi tin Giăng đã viết ra những lời nầy:
“Ta đã viết cho các con những điều nầy, chỉ về những kẻ lừa dối các con. Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình, thì không cần ai dạy cho hết; song vì sự xức dầu của Ngài dạy các con đủ mọi việc, mà sự ấy là thật, không phải dối, thì hãy ở trong Ngài, theo như sự dạy dỗ mà các con đã nhận” (I Giăng 2.26-27).
Bởi lời dạy nầy, chúng ta không nên giống như Lone Rangers, chễnh mãng ân tứ dạy dỗ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Hội Thánh, chúng ta cũng không nên nương vào sự dạy của những người khác để rồi chúng ta đem lòng tin theo mọi điều chúng ta nghe. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Đức Thánh Linh để dạy dỗ chúng ta, và vì lẽ ấy Ngài quy trách nhiệm cho mọi kết luận của chúng ta. Đoàn dân đông, họ đã nghe Chúa Jêsus dạy dỗ, họ phải có gánh nặng trách nhiệm cho các hành động mà họ đưa ra.
Hai câu cuối của phân đoạn Kinh Thánh nầy dường như nằm ở trong dấu ngoặc đơn vậy. Chúng đã khiến cho một số nhà giải kinh lấy làm lạ tại sao chúng lại có mặt ở đây, được sử dụng theo một phương thức hoàn toàn khác biệt với cách dùng chúng trong Mathiơ chương 5:
“Các ngươi có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ giết ai; và rằng: Hễ ai giết người thì đáng bị tòa án xử đoán. Song ta phán cho các ngươi: Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán; ai mắng anh em mình rằng: Ra-ca, thì đáng bị tòa công luận xử đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa địa ngục hành phạt. Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ. Khi ngươi đi đường với kẻ nghịch mình, phải lập tức hòa với họ, kẻo họ nộp ngươi cho quan án, quan án giao ngươi cho thầy đội, mà ngươi phải ở tù. Quả thật, ta nói cùng ngươi, ngươi trả còn thiếu một đồng tiền, thì không ra khỏi tù được” (Mathiơ 5.21-26).
Trước khi chúng ta xem xét sự khác biệt trong phương thức Chúa Jêsus sử dụng hình ảnh minh hoạ nầy, chúng ta hãy lưu ý tới điểm tương đồng. Trong cả hai phân đoạn Kinh Thánh, động lực là “LỬA” phán xét của Đức Chúa Trời. Trong ánh sáng của “LỬA địa ngục” (Mathiơ 5.22), người ta phải lo làm hoà lại với anh em của mình, với ý thức rằng giận dữ đối với anh em mình là đáng bị phán xét đời đời. Cũng vậy, trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, “LỬA” là thứ Chúa chúng ta mang theo khi Ngài đến là một động cơ thúc đẩy rất mạnh mẽ.
Trong phân đoạn Kinh Thánh ở Mathiơ, có thể là kẻ nghịch lại với chúng ta, kẻ thù chúng ta, chúng ta phải mau mắn làm hoà lại với họ, sẽ trở thành anh em của chúng ta. Nhưng ai là kẻ thù trong phân đoạn Kinh Thánh ở Tin Lành Luca? Các câu 51-53 nói tới sự phân rẽ giữa các thành viên trong gia đình, song đây là kết quả của loại đáp ứng khác biệt đối với Tin Lành. Trong trường hợp nầy, sự làm hoà là bất khả thi, không có nơi hạng người có đức tin nơi Đấng Christ.
Một tín hữu cao tuổi đã đề nghị với tôi điều nầy lần đầu tiên, và rồi một bài giảng cũng đề nghị y như thế – rằng kẻ thù ở đây không phải là ai khác hơn chính mình Chúa chúng ta. Nếu Chúa Jêsus đến với trần gian để đem LỬA theo, là LỬA thạnh nộ thiêng liêng (câu 49), và nếu con người phải chịu trách nhiệm về mọi quyết định của họ có liên quan tới Ngài (các câu 54-56), thì con người phải lo tìm cách làm hoà với Ngài trước khi ngày phán xét sau cùng đến, khi đó sẽ là quá trễ đấy!
Tất cả mọi người đều phải đến với Đấng Christ. Có người đến với Ngài ngay lúc bây giờ, tiếp nhận Ngài làm Chúa và Cứu Chúa của họ. Họ sẽ tiếp nhận phép báptêm của Ngài làm phép báptêm của họ. Họ sẽ tiếp nhận sự chết của Ngài vì ích giống như sự chết của họ. Họ sẽ tìm kiếm Ngài là Đấng sẽ đem lại sự tha tội và hoà thuận lại với Đức Chúa Trời (và cũng là Đấng đem lại sự phân rẽ). Những người khác sẽ chối bỏ Ngài ngay bây giờ, và sẽ đối diện với Ngài khi Ngài tái lâm, để giáng LỬA xuống đất.
Nguyện không một ai trong quý vị sẽ là một phần tử của nhóm thứ hai nầy. Chúa Jêsus trong lần đến thứ nhất của Ngài đã gánh chịu rồi “LỬA” thạnh nộ của của Đức Chúa Trời. Ngài đã chịu chết rồi vì cớ tội lỗi của con người. Hãy tin cậy nơi Ngài và quý vị sẽ không hề cần tới sợ hãi sự tái lâm của Ngài. Hãy nhớ đến Đấng Christ mà làm hoà lại với Đức Chúa Trời (II Côrinhtô 5.20-210, và hãy thực thi điều đó trước khi quý vị đối mặt với Ngài là Quan Án của quý vị, và trước khi quý vị đối mặt với LỬA thạnh nộ của Ngài. Hãy thực thi điều đó với tính quyết định. Hãy mau làm đi. Hãy làm điều ấy ngay bây giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét