Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Luca 9.57-62: "LOẠI PHÓ THÁC MÂU THUẪN"



Phần giới thiệu
Diễn tiến
Ba người tình nguyện
Sự phó thác không giới hạn (9.57-58)
Sự phó thác chần chừ (9.59-62)
Loại phó thác xứng đáng
Kết luận
BÀI 33
LOẠI PHÓ THÁC MÂU THUẪN
(Luca 9.57-62)
“Đang khi đi đường, có kẻ thưa Ngài rằng: Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu. Ngài phán cùng kẻ khác rằng: Ngươi hãy theo ta. Kẻ ấy thưa rằng: Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã. Nhưng Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; còn ngươi, hãy đi rao giảng nước Đức Chúa Trời. Có kẻ khác nữa thưa rằng: Lạy Chúa, tôi sẽ theo Chúa, song xin cho phép tôi trước về từ giã người trong nhà tôi. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời”.
Phần giới thiệu
Tôi từng nuôi một con bò có tên là Star. Gia đình tôi quyết định Star không còn cho sữa được nữa, và vì thế họ định đem nó làm thịt hamburger. Tôi tính chở nó phía sau chiếc xe tải loại nhỏ của tôi rồi chạy cho xa khỏi nhà. Nhưng tôi còn quá nhỏ chưa có bằng lái xe lúc bấy giờ. Tôi động lòng thương xót nó, dù rất thích ăn thịt bò hamburger, nhưng tôi không muốn mất con Star.
Có ai đó đã viết một quyển sách có đề tựa là: “Bắt bò thiêng đem làm thịt hamburger”. Tôi chưa hề đọc quyển sách ấy, nhưng tôi thích cái dề tựa. Bò thiêng đem làm thịt hamburger chắc ngon lắm, nhưng làm thịt hamburger bằng bò thiêng không phải là việc nên làm. Trong từng nền văn hoá, thậm chí là nền văn hoá Cơ đốc của chúng ta, đều có loại “bò thiêng” của nó. Và trong khi giống bò ấy thường bị đem làm thịt hamburger, người nào ra sức làm hamburger bằng thịt của chúng lại thường “bị giết” vì cớ đã làm thịt chúng. Khi tôi đọc qua Cựu ước, tôi thấy các vị tiên tri luôn luôn ra sức làm thịt hamburger bằng loại bò thiêng của dân Ysơraên, và họ thường bị giết (ít nhất là bị bắt bớ) vì dám làm thịt loại bò đó.
Bò thiêng rất khó giết, đặc biệt vì chúng rất thiêng liêng. Một chuyến đi sang Ấn độ sẽ đưa sự kiện nầy ra hiện thực. Có niềm tin hoặc có cách thức hành đạo mà chúng ta cho là sai là một việc. Song một số người trong chúng ta rất khéo làm điều xấu, và được khen ngợi vì làm được điều đó, vì chúng ta có khả năng thuyết phục người khác tin điều xấu nầy chắc chắn là một thói quen tốt. Do đó chúng ta cứ bám riết lấy rồi sốt sắng làm theo thói quen ấy, vì khi làm như vậy (chúng ta nghĩ) chúng ta đang làm ra điều thiện hảo. Bò thiêng của chúng ta có thể là xấu, song nếu chúng ta có thể thuyết phục lòng mình rằng chúng thực sự rất thiêng liêng, chúng ta có thể bám riết lấy chúng. Còn hay hơn thế nữa, nếu chúng ta làm cho nhiều người khác tin chúng là thiêng liêng, chúng ta sẽ được ngợi khen vì cứ khăng khăng cho như vậy.
Tôi tin chắc rằng một trong những con bò thiêng trong nền văn hoá Cơ đốc của chúng ta vào thời buổi nầy chính là “gia đình”. Chịu khó làm việc để “làm giàu” có lẽ là không đáng chấp nhận, song chịu khó làm việc để “chu cấp cho gia đình của một người” trở thành một đức tính tốt, người ta được khen ngợi vì đức tính đó. Bê tha bị xem là một tật xấu, nhưng nếu tôi dành cho gia đình tôi một “kỳ nghỉ hè có cần” hay tôi sắm một “chỗ trên bờ hồ” hoặc một “condo ở Colorado” thì tôi trở thành một anh hùng Cơ đốc ngay, nhiều người sẽ lấy tôi làm gương mà bắt chước.
Làm ơn đừng cho là tôi nói sai nhé. Gia đình là một cấu trúc rất kỳ diệu. Đức Chúa Trời đã dựng nên gia đình, và đấy là một phước hạnh rất lớn. Chúng ta cần phải chu cấp cho gia đình mình. Và chúng ta đang sống trong một nền văn hoá có tính huỷ diệt đối với gia đình. Sỡ dĩ như vậy là vì gia đình đang chịu thiệt thòi trong nền văn hoá của chúng ta đến nỗi có lúc chúng ta đã phản ứng khá gay gắt, chúng ta lập gia đình mình thành chỗ ưu tiên một, và khi làm như thế, chúng ta đã biến gia đình thành một con bò thiêng rồi.
Khi Chúa Jêsus đến với trần gian, Ngài đã cưu giận nhiều người bằng cách chỉ ra một số “bò thiêng” trong thời của Ngài. Chúa Jêsus đã nói rõ rằng loại “bò thiêng” này phải đem đi giết nếu ai đó muốn trở thành môn đồ của Đấng Christ. Trong những câu cuối của Luca chương 9 Chúa chúng ta đã đưa ra những lời nói khá xáo trộn cho những ai muốn biến gia đình mình trở thành một con bò thiêng. Chúng ta hãy lắng nghe cho kỹ mấy lời nầy của Chúa chúng ta. Chúng ta đừng nghĩ quá điều chi Ngài đã dự trù. Nhưng chúng ta cũng đừng quá xem trọng chúng, vì chúng đang tấn công một trong các con “bò thiêng” của Cơ đốc giáo đương thời.
Diễn tiến
Trong sứ điệp vừa qua, chúng ta đã xử lý chủ yếu với sự dạy của Chúa chúng ta dành cho 12 môn đồ của Ngài. Ở đó, chúng ta đã xác định một số nan đề đang hành hại họ. Chúng ta nói họ đã:
Thiếu quyền năng – các môn đồ không thể đuổi quỷ ra khỏi cậu bé kia
Thiếu sự hiệp một – các môn đồ không có đồng một tâm tình vì họ mỗi người tranh cãi với nhau xem ai là lớn nhất trong Nước Trời.
Thiếu lòng thương xót – họ muốn sử dụng quyền phép của Đức Chúa Trời để thiêu đốt một thị trấn của người Samari hơn là giải cứu thị trấn ấy.
Mấy nan đề nầy chỉ ra một sự thất bại nơi phần của 12 môn đồ vốn chưa thực sự hiểu rõ địa vị môn đồ mà Chúa chúng ta đang ra sức dạy dỗ. Mấy câu kết của chương 9 cũng bao gồm luôn địa vị môn đồ, song với một nhóm “môn đồ” đông hơn. Ở đây, tiêu điểm của Chúa chúng ta không những nhắm vào 12 môn đồ, mà còn nhắm vào nhóm môn đồ đông hơn, là những kẻ đang đi theo Ngài.
Khi chúng ta xem xét câu 1 chương 10, chúng ta thấy rằng Chúa sai phái 70 môn đồ (hay 72, nương theo cách đọc trong bản gốc) đi rao giảng tin lành. Mathiơ 8.19-22 là câu chuyện tin lành tương ứng. Ở đây, rõ ràng là người đưa ra lời nói muốn đi theo Chúa Jêsus là một trong các môn đồ của Ngài, người nầy không phải là một trong 12 môn đồ. Và vì thế chúng ta hiểu rằng trong phân đoạn nầy Chúa Jêsus đang giảng giải cho một nhóm môn đồ đông hơn số 12 môn đồ kia. Một người (Mathiơ nói cho chúng ta biết đây là một “thầy thông giáo” – 8.19) thưa với Chúa Jêsus rằng ông ta sẽ đi theo Ngài, nhưng trước hết ông ta cần phải chôn cất cha mình đã. Nếu chúng ta đã xác nhận các nan đề trước đây của 12 môn đồ là thiếu quyền năng, thiếu hiệp một, và thiếu lòng thương xót, nan đề ở đây sẽ là thiếu đầu phục, vì thật vậy, người nầy có tấm lòng trung thành bị phân tán. Nguyên tắc nằm trong sự dạy của Chúa chúng ta trong phân đoạn Kinh Thánh nầy là:
Bất cứ điều chi tranh cạnh với Đấng Christ về lòng trung thành đáng phải bị quên đi như quên một hình tượng vậy.
Tôi phải nhìn nhận rằng tôi càng cảm thấy khó chịu khi tôi bắt đầu nắm được Chúa chúng ta muốn nói gì qua sự dạy nầy. Tôi nghĩ rằng quý vị cũng cảm thấy khó chịu y như vậy, khi chúng ta nghiên cứu vấn đề nầy sâu xa hơn.
Trong phần mô tả của Chúa chúng ta về ba người nầy, họ sắp sửa trở thành môn đồ trong phân đoạn Kinh Thánh, sự ký thác của mỗi người là một sai trật, vì sự phó thác ấy hàm chứa những giới hạn. Chúa chúng ta chỉ ra những giới hạn mà mỗi người đã đặt để trong sự phó thác của mình; Ngài kêu gọi chúng ta chú ý vào các mệnh đề có tính cách ngoại lệ – được in đậm – trong mỗi lời hứa đi theo Ngài của từng người. Hãy chú ý, Kinh Thánh cho chúng ta biết chẳng có trường hợp nào trong ba trường hợp nầy ta có theo Chúa hay là không!?! Đây là mục đích mà Luca muốn chỉ ra cho chúng ta thấy. Đúng hơn, ông muốn chúng ta nhìn thấy một vài sự việc đang có tư thế cạnh tranh và vì cớ đó đang ngăn trở sự phó thác của chúng ta đối với Đấng Christ. Chúa Jêsus đang phác hoạ ra những việc chúng ta đem lòng yêu mến hơn là yêu mến Đấng Christ, những việc đã hạ thấp địa vị môn đồ thật. Đây là một phân đoạn có tính cách phê phán, một phân đoạn Kinh Thánh mà chúng ta cần phải lắng nghe cho thật kỹ. Những việc mà Chúa Jêsus nhìn nhận là các ngăn trở cho sự phó thác của chúng ta, đúng như tôi đã gọi, đó là “bò thiêng”.
Ba người tình nguyện
Phân đoạn sau cùng của Luca chương 9 tập trung vào ba “môn đồ tình nguyện”. Mỗi một người trong ba người nầy đều đưa ra lời hứa đi theo Chúa Jêsus. Luca ghi lại mỗi người đưa ra một câu nói về sự phó thác của mình. Kế đó ông ghi lại những điều Chúa chúng ta đã phán với mỗi người khi đáp ứng lại với họ. Có cái gì đó sai lầm trong sự phó thác của mỗi người trong ba người nầy. Người thứ nhất trong ba người tỏ ra là người tình nguyện vô điều kiện. Người thứ hai cho thấy có một sự khẩn cấp, điều nầy làm cho sự phó thác của ông ta phải chậm lại, nhưng chỉ trong một lúc thôi. Người thứ ba dường như sẵn sàng đi theo Chúa Jêsus ngay lập tức, song chỉ muốn chào từ giã gia đình mình trước khi ông ta ra đi. Trong mỗi trường hợp, sự phó thác để theo Chúa Jêsus dường như có thể chấp nhận được so với hàng độc giả. Tôi e rằng tôi sẽ tán thưởng phần “ứng dụng” của mỗi người trong ba người nầy.
Chúa Jêsus không nghĩ theo như tôi nghĩ đâu! Lời phán của Ngài khi đáp ứng lại với mỗi người tình nguyện gây cho chúng ta phải kinh ngạc, lạ lùng. Đối với chúng ta giống như thể Chúa Jêsus không muốn nhận mấy người tình nguyện nầy, dường như Ngài đang ra sức để tống khứ người ta đi, hơn là “lôi cuốn” các môn đồ. Tại sao Chúa Jêsus lại làm cho mấy người tình nguyện nầy phải ngã lòng như vậy chứ? Chúa Jêsus đòi hỏi loại môn đồ nào? Trong mỗi trường hợp, phần đáp ứng của Chúa chúng ta đều có tính cách dạy dỗ. Nói tóm lại, các sự phó thác của ba nhà tình nguyện nầy và sự chỉnh đốn của Chúa chúng ta đều có tính cách dạy dỗ về địa vị môn đồ Cơ đốc. Phần tiếp cận của tôi sẽ nhìn thẳng vào từng nhà tình nguyện nầy, và đặc biệt là sự phó thác mà mỗi một người đã bằng lòng đưa ra trong sự vai trò môn đồ của Chúa Jêsus. Kế đó tôi sẽ hướng vào phần đáp ứng của Chúa chúng ta đối với mỗi người, và tìm cách khai thác điều chi là sai trong mỗi lời hứa nguyện của từng nhà tình nguyện đó. Chúng ta sẽ tìm cách tóm gọn lại, hầu cho chúng ta có thể nhìn thấy địa vị môn đồ trong thời của Chúa chúng ta đều chưa tốt đủ đối với Ngài. Sau cùng, chúng ta sẽ xem xét lời lẽ của Chúa chúng ta về địa vị môn đồ có quan hệ thể nào với Cơ đốc nhân và người chưa tin Chúa ngày hôm nay.
Sự phó thác không giới hạn? (9.57-58)
Người thứ nhất sắp làm môn đồ đến gần Chúa Jêsus với thái độ dường như là một sự phó thác rất đơn sơ và không giới hạn: “Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó” (câu 57). Có gì rõ ràng hơn thế không? Chúa mong mỏi điều chi sâu sắc hơn nơi người tình nguyện, nơi “môn đồ” nầy? Chúa chúng ta rõ ràng chưa thoả mãn, như chúng ta thấy rõ từ phần đáp ứng của Ngài: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu” (câu 58). Chúng ta cần phải nhớ rằng chúng ta chỉ nhìn thấy “bề ngoài”, trong khi Chúa chúng ta nhìn thấy “trong lòng” (xem I Samuên 16.7). Chúa Jêsus biết rõ người nầy không thể trở thành một môn đồ chân thật được.
Chúa chúng ta đã chỉnh đốn người nầy trong những chỗ mà người chưa nói ra. Ông ta nói với Chúa Jêsus rằng ông ta sẽ đi theo Ngài bất cứ đâu Ngài đi đến. Chúa Jêsus đã quở trách ông ta vì chưa chịu phó thác hơn thế. Sự ký thác của người nầy là chỉ về mặt địa lý thôi, nghĩa là ông ta sẵn lòng theo Chúa Jêsus bất cứ đâu... bờ biển Hawaii, đỉnh Aspen, Colorado, bất cứ đâu... hay ông ta nói như vậy đó. Song không biết ông ta có chịu theo Chúa Jêsus lên thành Giêrusalem, với lòng nhìn biết rằng sự chết của Chúa chúng ta đã sẵn sàng rồi không? Tôi nghĩ là không rồi.
Thậm chí nếu sự phó thác của người nầy đối với Đấng Christ sẽ khiến cho ông ta đi tới chỗ nào Chúa Jêsus đến, liệu theo Chúa Jêsus chỉ là một vấn đề thuộc về mặt địa lý thôi sao? Người tình nguyện thứ nhất nầy có đôi chút giống với một người đang sửa soạn nhập ngũ. Ông ta nói với viên Trung sĩ cán bộ rằng ông ta sẽ đi bất cứ đâu quân đội sai phái ông ta. Nhưng liệu nói như vậy lại có nghĩa là người nầy bằng lòng bỏ đi mọi ham muốn tầm thường của mình để đổi lấy bộ đồng phục lính tráng sao? Liệu ông ta có bằng lòng đánh đổi mái tóc dài để lấy cái đầu hớt cua chăng? Liệu ông ta có tùng phục kỷ luật của trại quân không? Liệu ông ta có chấp hành kỷ luật không? Ông ta có dám liều mạng sống của mình trong chiến trận không? Liệu ông ta có kích hoả mấy cái hoả tiễn hay đánh những trái bom cướp đi nhiều sinh mạng không?
Chúa Jêsus đem lời đề nghị của người nầy đặt lên cán cân ngay. Có phải người nầy nói rằng ông ta sẽ theo Chúa Jêsus bất cứ đâu Ngài đến không? Chúa Jêsus khi ấy mới đưa sự phó thác của người nầy vào vòng thử nghiệm. Chúa Jêsus phán với ông ta: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu. Ngươi nói ngươi sẽ theo Ta bất cứ đâu. Ta không có nhà cửa chi hết. Ta chẳng có một nơi nào gọi là ‘nhà’ cả. Thậm chí Ta cũng chẳng có giường ngủ nào riêng nữa là. Ngươi có chịu theo Ta dưới những điều kiện như thế chăng?”
Một trưởng lão trong Hội thánh chúng tôi thường nói khi ông ra ngoài “cắm trại” thì ít nhất phải là Nhà Nghỉ Holiday. Có phải người sắp sửa trở thành môn đồ nầy nghĩ rằng Chúa Jêsus cùng các môn đồ Ngài đang trú ngụ trong dãy phòng tiện nghi của khách sạn Hilton không? Rõ ràng sự phó thác của người nầy sẽ đi theo Chúa Jêsus “bất cứ đâu Ngài đến” đã có một số giới hạn. Sự phó thác của ông ta không phải là không có giới hạn đâu, mà là rất hạn chế đấy. Ông ta hứa “đi theo Chúa Jêsus” tới từng phương diện, song chỉ theo Ngài ở những giới hạn về mặt địa lý mà thôi. Rốt lại, ông ta không có ý nói sẽ theo Chúa Jêsus bất cứ đâu, nghĩa là chỉ theo Ngài đến những nơi có tiêu chuẩn tiện nghi ăn ở cao mà thôi. Lời hứa đưa ra bấy giờ dường như là một sự phó thác vô điều kiện, theo phần khảo sát kỹ lưỡng của Chúa chúng ta, lời hứa ấy như có điều kiện và rất khó chịu vậy.
Tiêu điểm của người nầy đặt ở chỗ ông ta sẽ bằng lòng ra đi; tiêu điểm của Chúa Jêsus thì đặt ở chỗ những gì người ta bằng lòng bỏ lại sau lưng để ra đi. Việc theo Chúa Jêsus đòi hỏi sự lìa bỏ; đặc biệt, việc ấy đòi hỏi phải rời bỏ gia đình. Con cáo có hang; đó là nơi chúng sinh sống. Đó là nơi chúng có một con cáo cái và một bầy cáo nhỏ. Há đấy không phải là mọi thứ dành cho một con cáo sao? Chim trời có tổ, và trong tổ có những gì? Chim mẹ, trứng, rồi chắc chắn là bầy chim non – đó là gia đình. Chúa Jêsus đang phán với người nầy: “Ngươi chưa thực sự hiểu mình đang nói gì. Muốn theo Ta ngươi phải bằng lòng lìa bỏ mọi sự lại sau lưng, thậm chí cả cái mà ngươi đang gọi là ‘gia đình’ nữa”.
Khi người nầy nói về việc đi theo Chúa Jêsus, ông ta đang nghĩ về việc cùng đi với Ngài đến thị trấn nầy hay thị trấn kia. Chúa Jêsus phán: “Không, đi theo Ta đòi hỏi ngươi phải bắt chước Ta trong từng góc cạnh của cuộc sống và chức vụ của Ta. Cuộc sống của ngươi phải rập khuôn đúng theo cuộc sống của Ta, và nói như thế thì còn hơn cả việc bằng lòng đi từ chỗ nầy sang chỗ khác nữa”. Chúng ta không biết người nầy đang ứng đáp thể nào với phản ứng đáng ngạc nhiên của Chúa chúng ta. Chắc chắn ông ta sẽ thối lui. Rốt lại, cấp lãnh đạo tôn giáo đã viện cớ chi mà đuổi xô các môn đồ? Chúng ta không biết người nầy có trở thành môn đồ thật của Chúa chúng ta hay không!?! Kinh Thánh để lại cho chúng ta ấn tượng là ông ta đã bỏ đi, lắc đầu, đúng y một tư thế của người trẻ tuổi, lại giàu có và có quyền chức kia. Có một việc mà người nầy đã tiếp thu được: ấy là quan niệm về địa vị môn đồ của ông ta khác biệt rất nhiều so với quan niệm của Chúa.
“Sự phó thác chần chừ” (9.59-62)
Hai người tình nguyện sau cùng đã minh hoạ cho điều mà tôi gọi là “sự phó thác chần chừ”. Hãy chú ý, trong cả 2 trường hợp từ chìa khoá mà mỗi người sử dụng là “trước hết xin cho phép tôi... trước” (câu 59), và “Xin cho phép tôi trước...” (câu 61). Cũng hãy chú ý rằng trong 2 trường hợp nầy không một người nào nói gì về việc không đi theo Đấng Christ hết. Vấn đề mà họ đương nói là đi theo Đấng Christ “khi nào”, đi theo Đấng Christ “nếu”, và đi theo Đấng Christ “sau khi”. Hai người nầy đều có ý trở thành môn đồ của Chúa chúng ta lúc nào đó và bằng cách nào đó, nhưng không ngay tức khắc đâu, thế là chúng ta có hai sự phó thác theo kiểu chần chừ nầy đây.
Kiểu chần chừ thứ nhất trong giống như một lời xin lỗi đường hoàng về sự vắng mặt của một người, có phải không? Hãy nhớ lại về thời buổi còn cặp sách đến trường, khi vị giáo sư của bạn có lẽ đã nói một câu đại khái như vầy: “Chỉ có một lời cáo lỗi duy nhất cho việc không có mặt tại lớp để làm bài thi, đó là sự chết”. Rồi dừng lại trong một phút, ông nói thêm: “và tôi đang nói tới sự chết của các em đấy”. Hết thảy chúng ta đều biết rõ cái chết trong gia đình, đặc biệt là cái chết của người cha, là lý do chính đáng để gạt bỏ hết mọi công việc trong một thời gian. Nếu quý vị hay tin cha mình qua đời, quý vị sẽ bỏ ngay công việc rồi đến lo liệu mọi nhu cần của gia đình, và đặc biệt lo liệu mọi thứ cho đám tang, có phải không? Quý vị sẽ mau chóng có mặt tại chỗ chứ? Tất nhiên là như thế rồi. Cái chết của người cha được coi là một lời cáo lỗi đáng chấp nhận để gạt qua một bên mọi bổn phận quan trọng trong một thời gian ngắn.
Một số học viên Kinh Thánh cho chúng ta hay rằng người “cha” nầy chưa thực sự qua đời đâu. Vì cớ đó, điều mà người môn đồ nầy đang nói tới: ấy là ông ta phải ở lại nhà với bố mẹ cho tới chừng cha mình qua đời, có thể là một vài năm nữa. Phân đoạn Kinh Thánh thực sự không nói cho chúng ta biết rõ thời gian. Chúng ta nên dành cho người sắp sửa trở thành môn đồ nầy ích lợi của sự nghi ngờ rồi giả định rằng cha ông ta sẽ qua đời vào buổi sáng, và ông ta sẽ được đem chôn vào buổi tối hôm ấy. Còn bây giờ, giả sử người mà Chúa Jêsus phán bằng câu nầy: “Hãy theo Ta” là người con trai trưởng. Là con trưởng nam, ông ta phải chấm dứt việc chi mình đang làm để bắt tay vào lo liệu mọi sự chuẩn bị cho tang lễ. Điều nầy được coi là bổn phận của ông ta. Mặc dù vậy, Chúa Jêsus vẫn phán với người tình nguyện nầy: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; còn ngươi, hãy đi rao giảng nước Đức Chúa Trời” (Luca 9.60).
Chúa Jêsus có đòi hỏi quá mức không? Há Chúa Jêsus không có phán với ông ta: “Ta đã dặn ngươi điều chi, được mà, cứ lo cho xong đi. Tại sao ngươi không lo liệu cho xong đám tang cho cha ngươi rồi hãy đến đây cùng đi với chúng ta lên thành Giêrusalem. Chúng ta hiểu việc nầy rất khó cho ngươi, vì vậy hãy lo làm mọi chuyện ngươi phải lo làm. Rốt lại, chỉ có 24 giờ đồng hồ mà thôi, hãy lo chôn cất cha ngươi đi, rồi hãy đến mà hiệp với chúng ta”. Chúa Jêsus nói như thế. Điều mà Chúa Jêsus phán dạy đã gây sốc, và lời dạy đó bay là là trên bề mặt của mọi điều mà ai nấy đều mong đợi. Lời thỉnh cầu của người nầy xin hoãn lại dường như hợp lý cho tới chừng quý vị nhìn thấy mọi điều Chúa Jêsus phán khi ứng đáp lại. Đáp ứng của Chúa Jêsus đã tỏ ra sự sáng suốt thiêng liêng cho vấn đề. Nếu người nầy đang phục vụ trong quân đội, chúng ta phải đưa ông ta về nhà ngay. Nếu cha của quý vị đau bệnh hay hấp hối thậm chí nếu quý vị đang ở trong tù, họ sẽ đưa quý vị ra khỏi tù để thăm viếng người cha của quý vị đang trong cảnh hấp hối. Khi có cái chết trong gia đình, người ta thường bằng lòng gạt qua một bên mọi công việc thường nhật hầu chu toàn mọi bổn phận trong gia đình. Chúa Jêsus đang thách thức chúng ta ở điểm nầy: “Không, bây giờ ngươi phải theo Ta, phải lẽ hơn là dành thì giờ lo chôn cất cha ngươi”. Bấy giờ Ngài sẽ nói cho chúng ta biết lý do tại sao! Và chúng ta sẽ biết điều chi là quan trọng nhất.
Tôi muốn biết rõ vấn đề nầy, nhưng tôi cũng muốn lo liệu những điều thực tế trong cuộc sống nữa. Các chi ciết trong việc chôn cất cha của người nầy là gì? Việc nầy bao gồm lo liệu cho thi thể, lo chỗ chôn cất, đặt thi hài vào nơi ấy, rồi lấp đất lại (hay đóng ấn nơi ấy). Chôn cất là lo tẩm liệm thi hài của người chết. Có lý do nào cho thấy tại sao người con cả lo liệu việc nầy thì hay hơn người con khác không? Khi Chúa chúng ta phán: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết”, Ngài đang phán rằng đó là công việc mà bất kỳ ai cũng làm được. Hay hơn nữa, một người chưa tin Chúa (kẻ chết) có thể lo liệu việc chôn cất cũng y như người tin Chúa vậy thôi. Thực ra, Chúa chúng ta cho thấy rằng: lẽ ra để cho người chưa tin Chúa lo chôn cất người chết, thì hay hơn là một trong số các môn đồ Ngài đứng lo. Làm ơn đừng hiểu lầm tôi; tôi không có ý nói rằng lời lẽ của Chúa chúng ta ở đây đang đề ra một điều luật khó ngăn cấm Cơ đốc nhân không dính dáng vào các đám tang. Tôi muốn nói rằng nếu tôi bị buộc phải chọn giữa việc đi theo Chúa Jêsus và lo chôn cất cha tôi, tôi sẽ chọn theo Chúa Jêsus để trở nên một môn đồ thật. Hãy tra xét giá trị đời đời của hai lãnh vực nầy: (1) về việc chôn người chết; hay (2) về việc giảng tin lành, nhờ đó nhiều người có thể bước vào sự sống đời đời. Chôn người chết thì kẻ chết về mặt thuộc linh cũng có thể làm được; nhưng giảng tin lành thì lo rao giảng sứ điệp bởi đó nhiều người sẽ tránh thoát được xiềng xích của sự chết và lãnh nhận được ân ban sự sống đời đời. Há đấy không phải là điều mà tin lành đang nói tới sao? Từ Ápraham, ông lý luận rằng Đức Chúa Trời có quyền làm cho kẻ chết sống lại, và xuyên suốt Cựu ước, đây là điều mà tin lành đang nói tới. Hãy xét qua mấy lời nầy của Gióp: “Còn tôi, tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống, đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất” (Gióp 19.25).
Tin lành là ân ban sự sống đời đời, là sự sống kéo dài qua phía bên kia mồ mả. Nếu một người phải chọn giữa hai chuyện: (1) đào huyệt mả, hay (2) rao giảng tin lành, thì chuyện nào quan trọng nhất? Nhận định theo quan điểm nầy, lời lẽ dịu dàng của Chúa chúng ta buộc người ta phải suy nghĩ, có phải không? Không đi theo Chúa Jêsus ngay lúc bây giờ dường như là quan trọng hơn việc ở lại đặng chôn cất cha mình, nếu quý vị phải chọn một trong hai? Rõ ràng là đối với hầu hết chúng ta, chúng ta không phải đưa ra sự lựa chọn đó. Là một phần trách nhiệm Cơ đốc đối với gia đình của chúng ta, chúng ta phải bày tỏ ra các bổn phận, tỉ như chôn người chết. Song nếu chúng ta phải đưa ra sự chọn lựa, như một số người kia, giữa việc đi theo Đấng Christ và chu toàn các bổn phận trong gia đình của mình, chúng ta sẽ chọn việc nào? Chúa Jêsus đề nghị câu trả lời cho thắc mắc nầy cần phải quyết định theo việc nào quan trọng hơn về sự đời đời.
Người thứ ba (tin lành Mathiơ không nhắc tới người nầy) nói: “Lạy Chúa, tôi sẽ theo Chúa, song xin cho phép tôi trước về từ giã người trong nhà tôi” (Luca 9.61).
Sự lần lửa nầy, khi đem đối chiếu với sự lần lửa ở trên, dường như quá tầm thường, có phải không? Chắc chúng ta sẽ đáp ứng như sau: “Được thôi, sao lại không chứ, chừng 30 phút chứ gì? Không sao đâu”. Trong trường hợp của người tình nguyện thứ hai, dường như có một số lý do bắt buộc cho mọi người sắp sửa trở thành môn đồ phải chờ đợi trước khi theo Chúa Jêsus, cho tới chừng đã chôn cất xong người chết. Trong trường hợp của người tình nguyện thứ ba, sự nấn ná dường như đã được thu nhỏ lại không thể xây trở theo chiều nào được nữa. Thực ra, chúng ta thấy Êlisê cũng làm y như thế, ông không bị xét đoán chỉ khi làm như vậy:
“Từ đó, Ê-li đi, gặp Ê-li-sê, con trai của Sa-phát đang cày có mười hai đôi bò trước mặt mình, chính người cầm đôi thứ mười hai. Ê-li đi ngang qua người, ném áo choàng mình trên người. Ê-li-sê bèn bỏ bò mình, chạy theo Ê-li mà nói rằng: Xin cho phép tôi hôn cha và mẹ tôi đã, đoạn tôi sẽ theo ông. Ê-li đáp: Hãy đi và trở lại; vì ta nào có làm gì cho ngươi đâu. Ê-li-sê bèn lìa khỏi Ê-li trở về, bắt một đôi bò giết đi, và lấy cày làm củi mà nấu thịt nó, rồi cho các tôi tớ mình ăn. Đoạn, người đứng dậy, đi theo Ê-li, và hầu việc người” (I Các vua 19.19-21).
Chúa Jêsus không nhìn vấn đề theo cách ấy. Ngài phán: “Ai đã tra tay cầm cày, còn ngó lại đằng sau, thì không xứng đáng với nước Đức Chúa Trời” (Luca 9.62).
Tại sao Ngài phán như vậy khi người nầy chỉ muốn đi về nhà rồi chào từ giã gia đình mình thôi? Chúa Jêsus đưa ra một nguyên tắc mà mỗi người làm nông đều hiểu rất rõ: Ngươi không thể cày thẳng hàng được khi ngó lại đàng sau.
Nếu quý vị muốn cày một đường cho thật thẳng, quý vị phải hướng cây cày vào một đối tượng nào đó ở trước mặt, rồi nhắm thẳng vào đó mà đi tới. Bất cứ ai muốn thử cày mà ngó lại đàng sau thì gặp rắc rối ngay. Sự việc giống hệt nhau như ra sức lái xe trong khi cứ nhìn chăm chăm vào kính chiếu hậu vậy.
Sự thể cho thấy mặc dù Chúa Jêsus biết rõ rằng nếu người nầy quay trở lại với gia đình để nói lời từ giã, ông ta sẽ đề cập tới chuyện đi theo Ngài. Bố của ông ta sẽ đem ông ta riêng ra rồi nhắc cho ông ta nhớ tới các bổn phận của ông ta đối với gia đình. Vợ của ông ta sẽ nhắc cho ông ta nhớ nàng đang có thai, và lúc bấy giờ không phải là lúc để đưa ra những quyết định chẳng có chút tình cảm nào hết. Mẹ của ông ta bắt đầu sụt sùi, không còn kềm chế được về mặt tình cảm. Ông ta trở về nhà để nói lời chào từ giã chẳng có gì là sai hết: chính việc làm đó sẽ giữ ông ta lại không thể đi theo Đấng Christ được. Sau khi dân Ysơraên được giải phóng ra khỏi tình trạng nô lệ cho người Aicập, lúc có nhiều việc khó khăn, một số người đã bắt đầu “quay ngó lại” xứ Aicập, tưởng chừng như trở về xứ Aicập là tốt đẹp hơn là vào đất Hứa. Và rồi họ đã đi xa hơn thế, họ đã nói về việc giết chết Môise, và về sự chỉ định nhà lãnh đạo khác, để dẫn họ quay trở về xứ Aicập. Khi họ quay nhìn lại, tấm lòng của họ chưa phó thác trọn vẹn để ra đi hẳn hoi. Chúa Jêsus dường như nói rằng bất cứ việc chi xây tấm lòng chúng ta ra khỏi sự phó thác trọn vẹn để theo Đấng Christ cần phải tránh đi, thậm chí là việc chẳng có ý nghĩa gì hết, ngay cả việc dường như là việc đáng phải làm. Nếu quay trở lại để chào từ giã gia đình của mình khiến cho quý vị không còn đầu phục Đấng Christ được đó là việc cần phải lẫn tránh như một nạn dịch vậy.
Tôi tin Chúa chúng ta vốn biết rõ người nầy vẫn có lòng khao khát muốn ở lại nhà, hơn là đi theo Ngài. Tôi nhìn thấy nhiều việc tương tự đã xảy ra khá nhiều lần hôm nay. Tôi có trao đổi với một số người có dính dáng với những mối quan hệ xấu xa, như thông dâm chẳng hạn. Khi đối diện với tội lỗi, họ nhìn nhận nó, và rồi họ có khuynh hướng nói như sau: “Hãy nghe đây, chỉ để tôi trở lại gặp người yêu mình, giải thích cho cô ấy hiểu lý do tại sao tôi không còn giữ như trước nữa?” Quý vị có biết tôi nói với người nầy như thế nào không? “Không, hãy đốt mấy cây cầu của ông ta đi! Đừng quay về nữa, thậm chí là để nói lời từ giã”. Khi tìm cách quay trở lại, chúng ta thường muốn thưởng thức tội lỗi của mình thêm một chút nữa, chỉ thêm một lần thôi. Đừng nên làm như vậy, và cũng đừng cho phép người khác làm như thế! Đừng đến gần tủ lạnh và mở cánh cửa ra nếu quý vị đang cầm lòng kiêng ăn.
Tôi tin rằng điều nầy cũng áp dụng cho người nghiện ngập. Có người bị nghiện nặng, họ muốn quay trở lại với nhóm bạn bè cũ, cũng là dân nghiện, ngay tại nơi thất bại trước đó. Họ trở lại với môi trường cũ ấy, chính tại nơi cám dỗ và thất bại trước kia. Mọi chuyện họ thực sự muốn làm là tìm cách nhóm lên mấy ngọn lửa cũ. Quý vị đừng nên quay trở lại với những tội lỗi đã từng bắt quý vị làm nô lệ, đừng, nếu quý vị đã chịu phó thác đi theo một ông chủ khác (xem Rôma 6). Quý vị phải đốt đi mấy cây cầu cũ của quý vị. Điều nầy áp dụng cho từng người chúng ta, trong từng lãnh vực của đời sống chúng ta. Chúng ta bị cám dỗ quay trở lại với những đường lối cũ, tội lỗi cũ, nhưng Kinh Thánh vẫn cứ phán với chúng ta: “Đừng quay trở lại”.
Loại phó thác xứng đáng
Những ngăn trở đối với việc đi theo Đấng Christ.
Đây là trường hợp phó thác rất mâu thuẫn. Mỗi trường hợp phó thác đối với Đấng Christ của ba người nầy đều bị vô hiệu hay bị thu nhỏ lại bởi một sự phó thác khác. Từng người xưng ra một sự phó thác: “Đi theo Đấng Christ”, nhưng chỉ một phần mà thôi.
Hãy cho phép tôi chỉ ra từng lời cáo lỗi cho việc không trọn vẹn đi theo Đấng Christ trong phân đoạn Kinh Thánh có quan hệ với nhà cửa hay với gia đình. Cho phép tôi nhắc lại điều nầy một lần nữa. Từng lời cáo lỗi cho việc không đi theo Đấng Christ trong phân đoạn Kinh Thánh này phù hợp với một cấp độ xu hướng cao cả thiên về nhà cửa hay gia đình. Tôi nghĩ điều nầy rất quan trọng. Người thứ nhất nói: “Chúa đi đâu tôi sẽ theo đó”, và Chúa Jêsus phán: “Đi theo Ta có nghĩa là không có một nơi nào gọi là nhà hết”. Người thứ nhất dường như muốn đáp lại như vầy: “Ồ, chuyện nầy cũng là lạ đấy”. Người thứ hai nói: “Tôi sẽ theo Ngài, nhưng trước hết tôi có một bổn phận tại nhà. Trước hết tôi phải lo chôn cha tôi rồi tôi mới đi theo Ngài được”. Chúa Jêsus phán: “Không, trước hết phải là Ta, và việc rao giảng tin lành phải được đặt vào hàng ưu tiên một so với việc chôn kẻ chết”. Và người kia dường như đáp: “Ồ, chuyện nầy cũng là lạ đây”. Người thứ ba nói: “Lạy Chúa Jêsus, tôi chắc chắn sẽ đi theo Ngài, song chuyện nhỏ nhất tôi có thể làm cho gia đình tôi là về chào từ giã họ”. Chúa chúng ta dường như đáp: “Một là họ, hai là Ta”. Chúa Jêsus phán khi đáp lại cả ba người: “Các ngươi phải chọn Ta, hay chọn họ, nhưng Ta không muốn hạng người nửa vời đi theo Ta đâu”.
Trong tất cả ba trường hợp nầy chúng ta thấy về thực chất chẳng có gì là sai với lời đề nghị của mấy người ấy. Chẳng có gì là sai khi có một sự phó thác cho gia đình của một người; chẳng có gì là sai trong việc có gia đình, chẳng có gì là sai khi tỏ bày ra những trách nhiệm đối với cha của mình; chẳng có gì là sai khi nói lời từ giã – trừ phi đây là những điều quý vị không hết lòng đi theo Đấng Christ. Thực ra Chúa Jêsus không nói về một người nên có gia đình hay không! Ngài không nói người kia cần phải lo mọi sự cho tang lễ của cha mình hay không! Ngài không nói người kia cần phải trở lại chào từ giã gia đình mình hay không!?!
Chúa Jêsus đang nói về việc nên có những điều đáng phải ưu tiên một. Chúa Jêsus đang nói người nào sắp sửa trở thành môn đồ của Ngài – người nào sẽ đi theo Ngài – phải là hạng người biết đặt Ngài ở trước hết, trên cả mọi sự, kể cả gia đình của họ. Chúng ta bày tỏ lòng kính mến của mình đối với Đức Chúa Trời, thường bằng cách yêu thương đồng loại mình. Nhưng chúng ta cũng đừng yêu con người hơn cả Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng bày tỏ lòng kính mến của mình đối với Đức Chúa Trời, thường thì chúng ta yêu thương gia đình mình hơn. Nhưng chúng ta đừng bao giờ đặt gia đình lên trên Đức Chúa Trời. Chúa chúng ta phán điều nầy trong những giới hạn có thể nhìn thấy được bằng mắt thường rõ ràng nhất, không phải chỉ trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, mà còn ở những chỗ khác nữa:
“Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo. Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình. Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta; ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta” (Mathiơ 10.34-38).
“Có đoàn dân đông cùng đi với Đức Chúa Jêsus; Ngài xây lại cùng họ mà phán rằng: Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta” (Luca 14.25-27).
Chúa chúng ta đang nói ở đây về ưu tiên một của tình cảm và sự phó thác đối với Ngài phải cao hơn tình cảm mà chúng ta dành cho gia đình mình. Ngài đang nói về AI phải ở chỗ cao nhất bất cứ lúc nào hai thứ tình yêu nầy (tình yêu dành cho Đức Chúa Trời, tình yêu dành cho gia đình) được đem ra so sánh. Tình yêu của chúng ta dành cho Đức Chúa Trời phải luôn luôn chiếm vị thế cao hơn so với tình cảm chúng ta dành cho gia đình.
Quý vị có thấy thú vị không? Những gì chúng ta tin tưởng trong lý thuyết, chúng ta thường không đem ra thực hành. Chúa chúng ta đang nói cho chúng ta biết điều chi gây đau buồn cách tuyệt đối vì trong nền văn hoá Cơ đốc của chúng ta, chúng ta thường nói đi nói lại và nhấn mạnh: “Quý vị hầu việc Đấng Christ qua cách phục vụ gia đình mình, qua cách lo liệu cho gia đình mình”. Tôi cũng chẳng muốn dùng câu nầy để thách thức đâu. Dù sao câu nói ấy cũng rất thực. Nhưng lời lẽ của Chúa chúng ta trong Luca chương 9 sẽ tỉnh cảnh chúng ta rằng: “tình yêu dành cho gia đình”, dù là tốt đấy, nó có thể trở thành một điều xấu nếu thu nhỏ lại tình cảm chúng ta dành cho Đức Chúa Trời, và sự phó thác của chúng ta để đi theo Ngài.
Nhiều Cơ đốc nhân đã đánh mất nhận định theo Kinh Thánh về mối quan hệ giữa việc đi theo Đấng Christ và việc chu toàn mọi bổn phận trong gia đình. Thật là đáng tiếc, tôi có thể hiểu lý do tại sao. Nền văn hoá của chúng ta đã xây nghịch lại với gia đình. Chính những cuộc hôn nhân đồng phái tính giờ đây lại được xã hội chấp nhận, trong khi cứ thắc mắc về tính đạo đức của các mối quan hệ như thế là sai về phương diện chính trị. Ly dị thì cực kỳ phát triển, là phi luân về mặt phái tính. Hôn nhân bị xem là không cần thiết và họ bất cần. Trẻ sơ sinh chưa ra đời đã bị giết đến hàng ngàn. Gia đình truyền thống đang bị đặt trong tình trạng báo động. Và nhiều Cơ đốc nhân trung tín và có lòng quan tâm thì đáp ứng. Phước thay cho họ! Nhưng chúng ta không điều chỉnh gì ở đây. Chúng ta không muốn nhấn mạnh gia đình nhiều đến độ nó quá đắt giá cho địa vị môn đồ. Chúng ta không bỏ quên hay gạt qua một bên những lời lẽ dịu dàng của Chúa chúng ta, đã được kể ra ở trên.
Quý vị có thể bước vào một cửa hàng sách Cơ đốc để tìm một quyển sách nói về đề tài đức tin, và không thấy một quyển nào mới đây nói về một đề tài thiên về các góc cạnh quan trọng nhất trong đời sống thuộc linh của Cơ đốc nhân. Nhưng có vô số sách báo nói về gia đình, và những quyển sách mới xuất bản từng tuần lễ. Quý vị có biết đa phần những sách báo nầy hàm ý điều chi không? “Đức Chúa Trời có thể làm cho cuộc sống gia đình quý vị ra tốt đẹp hơn”. Giờ đây Đức Chúa Trời đã trở thành một phương tiện, và gia đình là cứu cánh. “Điều nầy tuyệt đối, nhất quyết là sai. Đức Chúa Trời là cứu cánh, và chúng ta cùng gia đình chúng ta chính là phương tiện”. Gia đình là phương tiện bởi đó chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời. Gia đình không phải là phương tiện duy nhất đâu. Gia đình là một phương tiện bởi đó chúng ta có thể phục sự Chúa. Đây là lý do tại sao người đờn bà độc thân trong I Côrinhtô 7 được khích lệ nên suy nghĩ về việc giữ độc thân. Người đờn bà độc thân không lập gia đình để được hạnh phúc, nhưng chúng ta thường ám chỉ rằng một người phải lập gia đình mới sống hạnh phúc. Phaolô đề nghị rằng bởi việc giữ độc thân một phụ nữ có khả năng phục vụ Chúa và tha nhân tốt hơn, mà chẳng gặp mọi rối rắm của đời sống gia đình.
Chúng ta đã đạt tới mức mà ở đó chúng ta có những triển vọng không thực tế hay méo mó về hôn nhân và gia đình, những triển vọng mà Kinh Thánh không dạy dỗ hay ủng hộ. Hãy đọc truyện tích nói về Ápraham và Sara để nhìn thấy mối hôn nhân của họ. Chúng ta thấy Ápraham đã giới thiệu Sara là em gái, để cứu lấy mạng sống của mình, thậm chí đã đưa nàng vào hậu cung của các vua dân Ngoại. Và nàng là một người nữ qua đó Đấng Mêsi sẽ ra đời!
Tại sao có nhiều Cơ đốc nhân đã rút ra khỏi cuộc hôn nhân của họ? Vì cớ cuộc hôn nhân của họ không cung ứng cho họ những gì họ mong đợi. Điều rắc rối thường nằm ở chỗ chúng ta mong mỏi quá nhiều vào cuộc hôn nhân hơn là vào lý do để mong đợi. Thật ra, quý vị có biết Phaolô đã nói hôn nhân sẽ cung ứng gì cho quý vị chưa? Ông nói hôn nhân sẽ đem lại cho quý vị sự khó khăn (hãy đọc lại I Côrinhtô 7 một lần nữa đi). Chúng ta mong mỏi hôn nhân cung ứng cho chúng ta hạnh phúc, khoái lạc và ý nghĩa. Tôi yêu vợ tôi và tôi yêu gia đình tôi, thế nhưng nếu mọi hy vọng của tôi đều gói ghém vào họ, tôi đang ở trong sự rối rắm rồi. Tôi gặp rắc rối vì không có một gia đình nào có thể cung ứng mọi điều mà tôi chỉ có thể tìm gặp nơi Đấng Christ.
Quý vị hãy nhớ lại truyện tích nói về Giôsép, ông đã bị các anh mình bội bạc và đem ông bán làm nô lệ ở xứ Aicập (Sáng thế ký chương 37 trở đi). Khi các anh của Giôsép sang Aicập để mua lúa lần thứ hai, họ vẫn không biết Giôsép là em của họ. Khi Giôsép giấu cái chén bạc vào trong bao lúa của Bêngiamin, thì Bêngiamin chắc phải làm nô lệ suốt phần đời còn lại ở Aicập rồi. Quý vị có nhớ Giuđa đã nói gì với Giôsép khi ông thỉnh cầu Giôsép cho Bêngiamin trở về với cha của ông (bằng cách giữ Giuđa ở lại làm nô lệ) không? Ông nói: “Cha thương em út tôi lắm đến đỗi hai linh hồn khắng khít nhau” (Sáng thế ký 44.30). Đó mới là vấn đề. Cuộc đời của Giacốp khắng khít với cuộc đời của con trai mình, đấy là lý do tại sao ông không muốn Giôsép rời khỏi cuộc sống của ông trước đây, và Bêngiamin sau khi anh ruột của nó không còn nữa. Việc ấy không thể xảy ra cho tới chừng Giacốp bằng lòng lìa khỏi Bêngiamin (và Giôsép) để ông có thể phục sự Chúa khi ông có thể. Cũng một thể ấy với Ápraham và Ysác, và mới có câu chuyện đau thương về Ysác làm của lễ (xem Sáng thế ký 22). Chúng ta có thể yêu thương gia đình mình hơn Đức Chúa Trời, và điều nầy chẳng kém gì hơn sự thờ lạy hình tượng.
Kết luận
Một số trường hợp như thế xảy ra khi môi trường Cơ đốc của chúng ta đặt gia đình vào một vị thế cao, nó chiếm chỗ ưu tiên một trên cả việc đi theo và phục sự Chúa chúng ta, có phải không? Thứ nhất, nó biến cuộc sống không có gia đình dường như ra vô nghĩa và chẳng có chút gì thi vị nữa. Quý vị có để ý thấy một số người goá bụa, hay người nào bị mất con cái, họ tin rằng cuộc sống không còn có ý nghĩa nữa chăng? Sở dĩ như vậy là vì họ đã đầu tư quá nhiều vào gia đình. Điều nầy cần phải điều chỉnh lại khi chúng ta tái sắp xếp các thứ ưu tiên của mình sao cho phù hợp với sự dạy dỗ của Chúa chúng ta. Quý vị có thấy những người Cơ đốc có cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly dị hay sự chết không? Cả cuộc đời của họ dường như là bị hạ thấp xuống. Song qua sự chịu khổ, họ sẽ nhận ra rằng cuộc sống sẽ tiếp diễn mà chẳng cần tới người bạn đời, đặc biệt khi họ bước theo Ngài. Quý vị có thấy người ta đang tranh đấu với cái gọi là cơn khủng hoảng giữa đời không? Sở dĩ như vậy là vì ở giữa đời đó họ mới khám phá ra nơi con cái mà họ đã đầu tư cho cuộc đời của chúng, không đem lại sự thoả mãn và ý nghĩa mà họ đã trông mong. Ngã lòng và thối lui thường là kết quả của việc đặt quá nhiều kỳ vọng vào gia đình, cũng như mong mỏi quá nhiều vào đó. Thứ hai, nó buộc người ta phải chú trọng vào hôn nhân. Người nào cảm thấy họ phải lập gia đình mới thấy thoả mãn, ý nghĩa, và hạnh phúc dường như chẳng muốn nhanh chân bước tới gần bàn thờ hôn nhân đâu. Có lẽ có nhiều người mau chóng lập gia đình là vì họ nghĩ hôn nhân là câu trả lời cho nan đề của họ. Rồi họ khám phá ra thật nhiều lần, không phải đúng như thế đâu.
Kinh Thánh dạy chúng ta rằng cốt lõi của cuộc sống chỉ thấy có từ mối tương giao với Đức Chúa Jêsus Christ mà thôi. Tôi lấy làm vui thích trong mối thông công của tôi với Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jêsus Christ, khi chưa lấy vợ, và khi chưa lập gia đình nữa kìa. Nhờ vậy Đức Chúa Trời có thể đại dụng quý vị hầu việc Ngài tốt hơn qua hôn nhân và qua một gia đình mà lo phục sự chỉ một mình Ngài. Nhưng vấn đề tối hậu ở đây: ấy là chúng ta biết chọn bước theo Ngài.
Cái điều thực sự làm cho tôi sợ hãi: ấy là gia đình thực sự là một sự kéo dài cho chính bản thân tôi. Những thú vui trong gia đình thường là những sự ham thích riêng tư khi quý vị xu hướng vào đó. Chúng ta thấy nơi con cái của chúng ta những kỳ vọng, những ao ước, những khát khao của chúng ta. Bản thân chúng ta muốn nhìn thấy nơi con cái chúng ta, và đấy là lý do tại sao chúng ta bị cám dỗ mà đặt chúng vào hàng ưu tiên cao nhất. Chúng ta thực sự mong đợi cho chính bản thân mình, và chúng ta thấy chúng ta có thể thánh hoá việc phục vụ của mình nếu chúng ta chỉ nói Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải phục vụ gia đình mình. Nói như thế nghe thật là hay, nhưng nếu chúng ta đặt gia đình lên trên Đức Chúa Jêsus Christ, thì thật là sai lầm.
Tôi biết tôi đang nói mặc dù tôi chỉ nói với quý vị thôi, nhưng phân đoạn Kinh Thánh nầy dấy lên một số thắc mắc rất quan trọng. Nó dấy lên những câu hỏi cho những người nào trong chúng ta có con cái không đi học ở trường học Cơ đốc. Có phải chúng ta đang gửi con cái vào một trường Cơ đốc chỉ vì chúng ta muốn chi xài tiền bạc theo ý mình, hơn là đầu tư vào việc giáo dục cho con cái không? Đấy là một vấn đề. Đừng nghĩ rằng tôi đang biện hộ ai nấy đều cần phải vào trường học Cơ đốc đâu, vì tôi đâu có vào trường ấy. Hiển nhiên là tôi muốn khuyến khích nhiều người đấy thôi.
Con cái tôi đã nhập học các trường Cơ đốc. Vì có những người trong chúng ta đã gửi con cái vào một trường học Cơ đốc, tôi phải đưa ra một số câu hỏi rất đau lòng. Có ai trong chúng ta gửi con vào một trường Cơ đốc để tránh một trường học có nhiều phức tạp không? Nếu quả thật vậy, đây có phải là một Cơ đốc nhân chăng? Tôi có gửi con cái của tôi vào một trường Cơ đốc nhân để tách chúng ra khỏi thế giới, và trong quá trình ấy đã không cho chúng có cơ hội để đi theo Chúa Jêsus bằng cách rao giảng tin lành ở một ngôi trường phi Cơ đốc.
Những em học sinh tại gia cũng có một số thắc mắc phải suy nghĩ. Có phải chúng ta dạy dỗ con cái chúng ta tại gia vì chúng ta sợ Đức Chúa Trời không thể giữ gìn con cái chúng ta khi ở ngoài gia đình, không nằm trong sự bảo hộ và giáo dục mà chúng ta có thể cung ứng? Bằng cách xây lên các bức tường đồn luỹ giữa xã hội và con cái của chúng ta, có phải chúng ta thực sự nói chúng ta không thể hay không tin cậy Đức Chúa Trời giải cứu và làm nên thánh con cái của chúng ta?
Vấn đề mà tôi đang ra sức trình bày cho hết thảy chúng ta là phân đoạn này chất chứa nhiều câu hỏi rất đau lòng, rất đáng phải ngạc nhiên, nhưng nguyên tắc tối hậu là đây: “Không có một điều chi được đặt cao hơn sự phó thác của chúng ta đối với Đức Chúa Jêsus Christ. Không một điều chi hết!”
Satan luôn luôn ra sức đưa ra những việc thật tốt thật hay tỉ như gia đình, rồi hình tượng hoá nó, biến nó thành đối tượng cho tình cảm của chúng ta, và biến nó thành điều ưu tiên tột cùng của mình. Nếu điều đó xảy ra, Satan đã đạt được chiến thắng rồi. Hắn biến kẻ thù thành ra điều tốt lành nhất. Chỉ một mình Đức Chúa Jêsus Christ là sự sống, chứ không phải gia đình của chúng ta đâu. Chúng ta phải theo Ngài bằng mọi giá.
Tôi muốn kết thúc bằng cách đọc cho quý vị nghe mấy câu từ I Côrinhtô 7, những lời nghe không êm tai mấy, những lời mà chúng ta cần phải đổ nước mắt ra rồi nói: “Được thôi, dĩ nhiên là theo văn mạch, điều nầy áp dụngcho giới nữ độc thân chớ không phải cho chúng tôi”, song không phải như vậy đâu. Nó áp dụng cho hết thảy chúng ta đấy:
“Vả, tôi muốn anh em được thong thả chẳng phải lo lắng gì. Ai không cưới vợ thì chăm lo việc Chúa, tìm phương cho Chúa đẹp lòng. Song ai cưới vợ rồi thì chăm lo việc đời nầy, tìm cách cho vợ mình thỏa dạ. Người nữ có chồng và đồng trinh cũng khác nhau như vậy: ai không chồng thì chăm lo việc Chúa, đặng cho thân thể và tinh thần đều được thánh; nhưng ai có chồng thì chăm lo các việc đời nầy, tìm cách cho đẹp lòng chồng mình. Tôi nói điều đó vì sự ích lợi cho anh em, chớ chẳng phải để gài bẫy, song để dắt anh em theo lẽ phải, hầu cho không phân tâm mà hầu việc Chúa” (I Côrinhtô 7.32-35).
Có một nguyên tắc quan trọng trong cả Kinh Thánh, và nguyên tắc ấy có thể được tóm gọn bằng câu nầy:
Những việc có tính cách tạm bợ thì không có giá trị bao nhiêu so với những việc có tính cách đời đời.
Hôn nhân và gia đình đều có tính cách tạm thời. Khi chúng ta vào thiên đàng, chúng ta sẽ không sống như vợ chồng, như chúng ta đang sống hiện nay. Nếu gia đình có tính cách tạm thời, gia đình vẫn là quan trọng, song gia đình không quan trọng bằng những việc có tính cách đời đời. Gia đình không quan trọng bằng việc đi theo Đấng Christ đâu. Vì lẽ đó, đi theo Đấng Christ phải luôn luôn được đặt vào chỗ ưu tiên một, và gia đình phải luôn luôn là hàng thứ yếu.
Đi theo Đấng Christ có nghĩa là đặt mọi sự – mọi sự – qua một bên, những việc nào ngăn trở chúng ta không phó thác mà đi theo Ngài.
Nói như thể không phải là gạt bỏ hôn nhân và con cái của chúng ta một bên đâu. Xin làm ơn, nếu quý vị là người hay chểnh mãng gia đình của mình, đừng để cho sự việc nầy trở thành món hợp lý hoá tội lỗi của quý vị. Đừng nên như vậy! Tôi không nói: “Chúng ta hãy đi ra mà hầu việc Chúa trong khi chúng ta cứ bỏ bê gia đình mình” đâu nhé! Hãy cho chúng tôi biết chủ đích của người bằng lòng hy sinh bằng mọi giá. Tôi tin rằng những người theo tà giáo thường dâng con trẻ của họ cho thần Molốc đều yêu thương con cái của họ. Tôi nghĩ họ đã dâng con cái của họ trong hai hàng nước mắt, nhưng có một điều quan trọng cho họ hơn là gia đình họ. Mỉa mai thay, đấy không phải là Đức Chúa Trời.
Hết thảy chúng ta đều phải tự hỏi mình: “Chúng ta đang dâng của lễ cho ai, và chúng ta đang dâng cái gì và chúng ta dâng để làm gì?” Có người dâng gia đình họ trong danh nghĩa đi theo Đức Chúa Trời, và tôi e rằng một số người trong họ đã sai lầm. Người ta không nên nghĩ chức vụ là đồng nghĩa với địa vị môn đồ hoặc đi theo Đấng Christ. Có người tìm kiếm tầm quan trọng, địa vị, và sự thoả mãn của họ, nơi những gì họ gọi là chức vụ, và vì vậy họ hy sinh mọi thứ trong tay, kể cả gia đình của họ. Chức vụ tự phục sự hy sinh gia đình để đạt tới thành công và địa vị hầu như là tội lỗi. Phaolô nói trong I Timôthê 5 rằng người nào không chu cấp cho gia đình, họ còn tệ lậu hơn người chưa tin nữa. Các thầy thông giáo và người dòng Pharisi trong Mác 7 sử dụng sự phó thác cho tôn giáo như một cớ thoái thác không làm thoả mãn các nhu cần của cha mẹ già của họ. “Dạ, con xin lỗi. Bố mẹ ạ, con muốn giúp bố mẹ trả các thứ hoá đơn, và con biết họ sẽ cúp điện và điện thoại trong tuần nầy, và con biết bàn ăn bố mẹ trống trơn, nhưng con đã dâng tiền bạc của mình cho Chúa rồi; đó là Corban”. Chúa Jêsus gọi đây là đạo đức giả và xét đoán đó là tội lỗi. Có người đang sử dụng “sự đầu phục tôn giáo” như một cớ thoái thác để không biết đến và chểnh mãng gia đình họ. Làm ơn hiểu cho rằng tôi chẳng có biện hộ cho vấn đề nầy đâu. Tôi muốn nói rằng trong nền văn hoá của chúng ta, sự việc có khác đi, và đôi khi sự đầu phục gia đình thường ngăn trở sự chúng ta phó thác cho Đấng Christ, và chúng ta thường mau mau quay lui lại với gia đình.
Đây là một phân đoạn Kinh Thánh rất khó, và tôi nhận rằng tôi không hiểu phân đoạn ấy cách trọn vẹn đâu. Tôi không dám chắc rằng tôi biết rõ phân đoạn nầy tại thời điểm nầy đâu. Nhưng tôi hiểu rõ một việc rất rõ ràng: “Tôi không dám cho phép bất cứ điều chi, vô luận điều đó có tốt đẹp đến ngần nào, đứng trước sự tôi phó thác để đi theo Đấng Christ”. Nguyện Đức Chúa Trời đặt vào lòng và trí chúng ta những việc có ý nghĩa để chúng ta đừng bao giờ thốt ra bằng môi miệng mình, bằng đời sống mình, là chúng ta sẽ chọn chúng cao hơn sự hầu việc Đấng Christ.
Tôi muốn đưa ra một lưu ý sau cùng, cho Cơ đốc nhân và người chưa tin Chúa như nhau. Quý vị có thấy rằng Chúa Jêsus không kíp lôi cuốn hay chấp nhận hạng môn đồ như chúng ta đây sao? Có nhiều người thành thật định đi theo Chúa Jêsus, họ đã giã từ vì Chúa Jêsus không sốt sắng chấp nhận họ. Chúa Jêsus mong muốn người ta hết lòng theo Ngài. Ngài không xem thường hay giấu giếm cái giá cao của địa vị làm môn đồ. Nhiều lần Ngài đã phán về giá cao của địa vị mà môn đồ, rồi thúc giục người ta đừng theo Ngài nếu họ chưa tính được giá ấy. Không phải Chúa Jêsus muốn làm cho nhiều người nản lòng đừng theo Ngài đâu. Sở dĩ như vậy là vì Ngài muốn những ai đi theo Ngài phải hiểu cho rõ địa vị làm môn đồ là phải như thế nào đấy thôi. Theo Chúa Jêsus bắt đầu với lòng tin cậy Ngài là Đấng Mêsi đã được Đức Chúa Trời hứa cho, là phương tiện cứu rỗi duy nhất của Đức Chúa Trời. Chính bởi đức tin nơi Ngài, nơi đời sống của Ngài, nơi sự chết có tính cách thay thế của Ngài cho tội lỗi của chúng ta, nơi sự chôn và sự sống lại của Ngài, mà tội lỗi của nhiều người được tha và bước vào sự sống đời đời. Tôi khuyên quý vị hãy “theo Ngài”, là Đấng duy nhất có quyền cứu rỗi. Theo Ngài là đặc ân cao cả nhất từng được ban hiến cho chúng ta. Nhưng đấy không phải là con đường dễ dàng đâu. Chúng ta hãy theo Ngài, đã lượng tính được cái giá, và chúng ta hãy rao giảng những tin tức tốt lành nói về tin lành, thúc giục người khác cũng đi theo Ngài nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét