Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Luca 9.27-36: "SỰ HOÁ HÌNH CỦA ĐẤNG CHRIST"



Phần giới thiệu
Bối cảnh
Sự hoá hình của Đấng Christ
Sự can thiệp và lời phán thiêng liêng
Quan sát
Ý nghĩa của phép lạ
Kết luận
BÀI 31
SỰ HOÁ HÌNH CỦA ĐẤNG CHRIST
(Luca 9.27-36)
Phần giới thiệu
Hết thảy chúng ta đều nói ra điều chi đó rất dại dột, nó đã ra khỏi môi miệng chúng ta, chúng ta ao ước phải chi mình đừng nói ra. Tôi nhớ có lần cùng đi thang máy với bạn tôi là Don Grimm, sau khi dùng bữa trưa. Tôi khởi sự kể cho anh ta nghe câu chuyện mà tôi mới vừa nghe nói về anh em Hunt, họ vừa mất hàng trăm triệu đôla khi đầu tư vào nghề bạc. Tôi mới nói rằng anh em Hunt chưa “mất áo”, song chắc chắn là họ đã “nới lỏng cà vạt” của họ ra mà thôi. Don lịch sự cho rằng tôi nên ngừng kể lại trong một phút, và sau khi chúng tôi ra khỏi thang máy tôi mới biết là tại sao phải như vậy. Một trong hai anh em Hunt đang đứng bên cạnh tôi.
Cách đây nhiều năm, khi tôi còn ngồi ghế đại học, tôi được phân công vào thư viện của trường Seattle hệ công lập. Có một bà tuổi xế chiều rất đẹp và đứng đắn nồi tại bàn giấy hỏi tôi không biết bà ấy có giúp gì được cho tôi không. Tôi đáp: “Ồ, không, cảm ơn, tôi đến để chén một vòng ấy mà”. Tôi có ý nói: “Tôi đến để đọc sách chơi thôi”. Tôi không hiểu từ ngữ có gì sai sót hay không, song thực sự là vậy đó.
Tôi nhớ cách đây nhiều năm có nghe nói về một người được giới thiệu là nhà chú giải Kinh Thánh xuất sắc lắm. Ông ấy đang ra sức gây ấn tượng cho thính giả về địa vị học giả của vị giáo sư đó, là người sắp sửa giảng luận cho họ. Ông kết thúc: “Và bây giờ, tôi xin phép được giới thiệu Tấn sĩ Bruce Waltke, là nhân vật sẽ mang lại cho chúng ta sứ điệp (có tính cách như thuốc đạn nhét hậu môn trị táo bón) [suppository message] của ông”.
Đôi khi những việc dại dột tuôn ra từ môi miệng của chúng ta ngay trước khi chúng ta nhận biết nó. Phierơ là một trong các môn đồ dường như có xu hướng nói ra việc gì đó – thường là việc rất ngớ ngẩn – hơn những người khác. Cho nên khi thấy Phierơ không phải là tác giả của một trong bốn sách tin lành, chẳng có gì làm cho tôi phải bối rối hết. Tôi ngờ rằng khi viết những điều mà ông chưa hề nói ra quả là ngoài sức tưởng tượng. Và vì thế chúng ta rất biết ơn khi có nhiều người khác đã ghi lại mọi lời nói của Phierơ, để chúng ta có thể đồng cảm với ông, và xu hướng của ông là hay nói ra một việc không đúng.
Trên núi hoá hình, Phierơ lặp lại sai lầm khi nói ra quá nhanh và suy nghĩ quá ít. Luca thuật lại cho chúng ta biết rằng Phierơ không biết rõ mình đang nói gì, đây là việc rất rõ ràng. Những lời nói nhanh nhảu và cưu mang bệnh hoạn của Phierơ gây ra một phản ứng thiêng liêng, đến từ chính mình Đức Chúa Cha. Những lời lẽ nầy, nhắm vào các môn đồ, song có lẽ nhắm thẳng vào Phierơ, cũng rất thích đáng cho nhiều người nam và nữ hôm nay khi họ muốn đứng lên nói. Trong bài học của chúng ta, chúng ta sẽ tìm cách học biết điều chi đã xảy ra trên núi hoá hình, Phierơ đã đề xuất vấn đề gì và đâu là đáp ứng của Đức Chúa Trời.
Bối cảnh
Lai lịch của Chúa Jêsus là vấn đề chính cần phải xử lý trong Luca 9. Hêrốt, do Luca thuật lại, vốn rất muốn biết về lai lịch của Chúa Jêsus, vì trong một thời gian ông nghi ngờ Chúa Jêsus chỉ là Êli hay một vị tiên tri nào đó, đã sống lại từ kẻ chết, ông sợ rằng Chúa Jêsus chính là Giăng Báptít, đã sống lại từ kẻ chết, kể từ lúc ông đã kết án tử hình Giăng (9.7-9). Khi Chúa Jêsus hỏi môn đồ dân chúng nghĩ Ngài là ai, họ đã đưa ra cùng những câu trả lời mà Hêrốt đã có nghe biết rồi (9.19). Khi Chúa Jêsus cố tình đặt câu hỏi cho các môn đồ Ngài, Phierơ đã ngắt lời, với câu nói quan trọng nhất mà ông đã đưa ra, ngay thời điểm nầy:
“Đấng Christ của Đức Chúa Trời” (9.20).
Dĩ nhiên, là Phierơ đã nói đúng. Trong câu chuyện của Mathiơ nói về lời xưng nhận long trọng. Chúa chúng ta đặc biệt khen ngợi ông, và nói về sự nổi bật của ông trong việc rao giảng tin lành (Mathiơ 16.17-19). Nhưng, khi Chúa Jêsus tiếp tục phán về sự thương khó, sự chối bỏ, và sự chết của Ngài, lời lẽ của Phierơ về phản ứng và quở trách không phải là do Đức Chúa Trời tỏ ra cho ông đâu, mà chính là suy tưởng của Satan (Mathiơ 16.21-23). Phierơ không suy nghĩ về Nước của Đức Chúa Trời từ nhận định thiêng liêng, mà từ những hiểu biết, các thành kiến, và những định kiến, theo Chúa chúng ta, là nhận định của con người và của Satan (rất hấp dẫn).
Chúa Jêsus tiếp tục nói cho các môn đồ biết rằng sẽ có “thập tự giá” cho họ phải mang lấy, nếu họ chịu theo Ngài. Theo quan điểm của con người: một người phải lo cứu lấy mạng của mình để sống còn, song Chúa Jêsus dạy rằng các môn đồ của Ngài phải từ bỏ mạng sống của họ, vì cớ Ngài, để được sống. Ngài phán, sự sống xuất phát từ sự chết. Mặt khác, người nào tìm cách cứu mạng sống của chính họ thì sẽ mất.
Chúa Jêsus khi ấy mới hứa với các môn đồ Ngài rằng một số người trong số họ sẽ nhìn thấy: “Nước của Đức Chúa Trời” trước khi họ qua đời:
“Quả thật, ta nói cùng các ngươi, một vài người trong các ngươi đang đứng đây sẽ không chết trước khi chưa thấy nước Đức Chúa Trời” (Luca 9.27).
Trong khi có nhiều sự giải thích về lời nói của Chúa Jêsus ở đây có ý nghĩa gì, cách giải thích đơn giản nhất, đặc biệt là theo văn mạch, ấy là Chúa Jêsus đang nói trước về sự hoá hình sẽ xảy đến trong thời gian một tuần lễ nữa.
Một tuần sau, Chúa Jêsus đem ba trong số môn đồ cùng đi với Ngài lên núi để cầu nguyện. Có nhiều lý do khác nhau được đưa ra thắc mắc tại sao chỉ có Phierơ, Giacơ và Giăng được đem đi theo. Chúng ta biết rằng chính ba người nầy thường được đem đi theo, trong khi những người khác bị để lại ở đàng sau. Chỉ có họ mới được đem vào trong nhà của Giairu, nơi Chúa Jêsus đã làm cho con gái ông ta sống lại từ kẻ chết (Luca 8.51). Một nhà chú giải cho chúng ta biết là ba người nầy đã được đem theo vì họ là “ba người thuộc linh nhất”. Tôi thì không dám chắc. Sự thể cho thấy đây không phải là một việc lớn. Khi tôi đến cửa hàng, tôi thích có người cùng đi với mình, và vì thế tôi gọi mấy đứa con gái của tôi: “Bố sẽ đi mua sắm, ai muốn cùng đi với bố?” Thường thì chúng muốn biết cửa hàng nào!?! Nếu đấy là cửa hiệu phụ tùng xe hơi, chỗ mà tôi hay mua phụ tùng xe hơi, chúng chẳng thích đi cùng với tôi đâu. Nếu có dịp chúng tôi sẽ ngừng xe ở tiệm kem, tôi rất thường có một bầy con cùng đi với mình. Đối với tôi, chẳng có gì là kỳ lạ hết khi thấy Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ: “Ta sẽ đi lên núi Hếprôn, có ai trong các ngươi sẽ đi cùng Ta chăng?” Có lẽ một người trong số họ sẽ hỏi: “Để cầu nguyện chăng?” Điều đó sẽ gợi cho chín người kia ở lại đàng sau, trong khi có ba người trung thành (hay thích) đi theo cùng. Dù là lý do nào, chỉ có ba môn đồ đã cùng đi với Chúa Jêsus lên trên núi, để cầu nguyện. Ít có ai trong số họ mơ nhìn thấy và nghe gì trong dịp nầy. Trước khi chúng ta vào thẳng sự việc đã xảy ra trong thì giờ cầu nguyện nầy, chúng ta đừng đi quá nhanh, vì thì giờ cầu nguyện nầy có liên quan mật thiết với các sự cố quan trọng mà Luca đã ghi lại. Điều nầy là sự thật trong cả sách tin lành Luca và sách Công vụ các sứ đồ. Hãy cho phép tôi tóm tắt một vài trường hợp trong đó sự cầu nguyện có trước một sự cố quan trọng.













Trong tin lành của Luca
Phân đoạn
Sự cầu nguyện
Sự cố quan trọng
1.5-20
Lời cầu nguyện của Xachari
Tuyên bố Giăng ra đời
3.21-22
Chúa Jêsus cầu nguyện khi chịu phép Báptêm
Đức Chúa Trời xuất hiện và phán
4.42
Sự cầu nguyện riêng của Chúa Jêsus
Chức vụ trong xứ Galilê (4.43…)
6.12
Chúa Jêsus trong sự cầu nguyện
Chọn 12 môn đồ
9.18
Chúa Jêsus trong sự cầu nguyện
Lời xưng nhận quan trọng
9.28-29
Chúa Jêsus trong sự cầu nguyện
Sự hoá hình


















Trong sách Công vụ các sứ đồ
Phân đoạn
Sự cầu nguyện
Sự cố quan trọng
1.14
Các môn đồ trong sự cầu nguyện
Lễ Ngũ Tuần
4.31
Hội thánh cầu nguyện
Sự làm chứng quyền năng tại thành Giêrusalem
7.9-60
Lời cầu nguyện của Êtiên
Saulơ trở lại đạo
9.11
Saulơ trong sự cầu nguyện
Saulơ sáng mắt và được đầy dẫy Đức Thánh Linh
10.14
Lời cầu nguyện của Phierơ, Cọtnây
Tin lành giảng cho dân Ngoại
12.5
Hội thánh cầu nguyện cho Phierơ
Phierơ được thả ra
13.1-3
Kiêng ăn và cầu nguyện
Hành trình truyền giáo đầu tiên
16.25
Những lời cầu nguyện trong tù
Động đất, được thả ra, sự trở lại đạo của viên cai ngục
Có thể nói chắc rằng Luca đang nhấn mạnh thẳng vào sự cầu nguyện. Ông rất cẩn thận khi kết sự cầu nguyện với những lần tỏ ra quan trọng về ân điển và quyền phép của Đức Chúa Trời. Chúng ta chưa nhấn mạnh nhu cần phải cầu nguyện hôm nay, chúng ta cũng không nói Hội thánh thiếu siêng năng cầu nguyện như đáng phải có. Như sứ đồ Giacơ đã nói:
“anh em chẳng được chi, vì không cầu xin” (Giacơ 4.2).
Nguyện chúng ta trở thành hạng người chuyên cầu nguyện, như Chúa chúng ta đã thể hiện bởi sự cầu nguyện của Ngài.

Sự hoá hình của Đấng Christ
Trong khi lai lịch của Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Ysơraên chưa được đoàn dân đông nhìn nhận, các nhà lãnh đạo chính trị của Ysơraên cũng vậy (thí dụ như Hêrốt chẳng hạn), các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng thế, Phierơ mới vừa xưng nhận rằng Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời. Chính mình Chúa đã khẳng định lời xưng nhận nầy, và rồi đã mau mau bày tỏ ra sự thương khó và sự chết là những điều cần phải có. Giờ đây chính là thời điểm cho Đức Chúa Cha ban ra lời phán sau cùng, như đã phán ra trong sự hoá hình. Ở đây, Chúa Jêsus được ban cho con dấu tán thưởng của Đức Chúa Cha là Vua Ysơraên do Ngài tấn phong.
Chúng ta không biết chính xác thời điểm ấy, cũng không biết Chúa chúng ta đã cầu nguyện bao lần. Chúng ta biết Ngài đang cầu nguyện thì Ngài được biến hoá trước mặt các môn đồ. Thật là thú vị khi nghe được mọi lời lẽ của Chúa chúng ta đang thưa cùng Đức Chúa Cha thì thấy diện mạo Ngài được thay đổi.
Luca thuật lại cho chúng ta biết, ba môn đồ đã ngủ rồi. Thật là dễ cho chúng ta mau mắn kết luận rằng họ đã quá mệt mỏi, và họ, không giống như Chúa, không thể tự thắng để tỉnh thức được. Hãy để tôi khởi sự bằng cách nói rằng Kinh Thánh không thuật lại cho chúng ta biết lý do tại sao họ lại nằm ngủ ngon lành như thế. Dĩ nhiên, mệt mỏi là cách giải thích đơn giản nhất. Nhưng để cho chúng ta không phải nhảy đại vào cách kết luận như thế nầy, cho dù đó là sự lựa chọn của chúng ta, hãy để tôi nhắc tới hai sự kiện khác có thể xảy ra.
Thứ nhất, hãy để tôi nhắc cho quý vị nhớ tình trạng ngủ của các môn đồ ở trong vườn, ngay trước khi Ngài bị bắt, theo cách chẩn đoán của bác sĩ Luca, là kết quả của sự buồn rầu, chớ không phải là do mệt mỏi đâu (Luca 22.45). Họ đã kiệt sức vì buồn rầu. Thứ hai, hãy để cho tôi chỉ ra trạng thái ngủ bất bình thường mà Đaniên đã nếm trải là kết quả của sự mặc khải thiêng liêng, chớ chẳng giống như điều được mô tả ở đây:
“Ta nhướng mắt nhìn xem, nầy, một người mặc vải gai, chung quanh lưng thắt đai bằng vàng ròng U-pha. Mình người như bích ngọc; mặt người như chớp, và mắt như đuốc cháy; tay và chân như đồng đánh bóng, và tiếng nói như tiếng đám đông. Ta, Đa-ni-ên, chỉ có một mình ta xem sự hiện thấy đó, vì những kẻ ở cùng ta không thấy sự hiện thấy đó; nhưng họ run rẩy quá, chạy trốn để ẩn mình. Vậy ta sót lại một mình, và thấy sự hiện thấy lớn đó thì chẳng còn sức nữa. Mặt ta biến sắc cho đến tái đi, và ta không còn sức nữa. Song ta còn nghe tiếng của những lời người, và vừa nghe xong, ta ngủ mê đi, nằm sấp mặt xuống đất” (Đaniên 10.5-9).
Thế rồi, có nhiều lý do cho sự ngủ mê đó. Chúng ta không biết trạng thái ngủ nào là nguyên nhân ngủ mê của các môn đồ, mà chỉ biết rằng họ đã ngủ mê ngay thời điểm Chúa chúng ta hoá hình.
Quý vị có thể hình dung họ ngủ mê như vậy, rồi tỉnh dậy trước bối cảnh đó rồi nghe thấy những âm thanh đang diễn ra trên hòn núi ấy là như thế nào không!?! Nếu là tôi, trước tiên tôi rất ngạc nhiên không biết là mình có thực sự tỉnh giấc hay chưa, hoặc giả tôi đang nằm chiêm bao!?! Rồi tôi lấy làm lạ không biết mình đang ở đâu đây!?! Kế đó tôi phải hãi hùng trước sự sáng láng của ba nhân vật, tất cả họ (Luca thuật lại cho chúng ta biết Êli và Môise đang đứng trong sự chói lói vinh hiển – là sự chói lói của Chúa chúng ta lớn lao hơn ở đây? Chúng ta không dám chắc) đều rực rỡ. Đối với cặp mắt say ngủ, trước sự sáng láng nầy cần phải điều chỉnh lại, đặc biệt nếu sự sáng láng kia xảy có trong cảnh tăm tối của ban đêm. Với lý do không sao giải thích được, các môn đồ biết rõ hai người đang trò chuyện với Chúa kia là ai. Họ là Môise và Êli.
Toàn bộ hình ảnh thu được thật là thú vị. Không những ba môn đồ nhận ra ba nhân vật sáng láng vinh hiển nầy, mà họ còn nghe thấy cuộc trao đổi giữa họ nữa. Chúng ta không biết họ trò chuyện bao lâu, cũng không biết các chi tiết. Nhưng chúng ta biết đề tài của cuộc trò chuyện ấy: sự ra đi sắp tới (sát nghĩa, “Xuất Aicập”) của Chúa chúng ta tại thành Giêrusalem (Luca 9.31).
Vô luận bao lâu sự khải thị nầy hay sự hoá hình đã diễn ra, nó cũng phải đi tới chỗ kết thúc. Phần kết nầy được đánh dấu bằng sự kiện hai nhân vật kia bắt đầu lìa khỏi Chúa Jêsus. Hành động nầy đã giục giã Phierơ lên tiếng:
“Lúc hai đấng ấy lìa khỏi Đức Chúa Jêsus, Phi-e-rơ thưa Ngài rằng: Thưa thầy, chúng ta ở đây tốt lắm, hãy đóng ba trại, một cái cho thầy, một cái cho Môi-se và một cái cho Ê-li. Vì Phi-e-rơ không biết mình nói chi” (Luca 9.33).
Luca nói thêm, trong dấu ngoặc đơn, song ông đã nói ra một việc. Mác cho chúng ta biết chính từ nỗi lo sợ mà Phierơ đã thốt ra mấy lời nầy, cho chúng ta thấy rằng cả ba người nầy đều sợ hãi bởi sự sáng láng của bối cảnh hoá hình (9.6). Lời lẽ của Phierơ dù vô ý thốt ra, song chúng cũng đã đưa ra một việc. Vậy thì Phierơ đã đề nghị việc gì? Ông đang tìm cách làm gì vậy?
Thứ nhất, dường như ông đang ra sức giữ Êli và Môise đừng bỏ đi. Lời lẽ của ông đã được thốt ra khi họ sắp sửa rời đi (Luca 9.33). Họ sắp sửa ra đi, còn Phierơ thì nói về sự ở lại. Bây giờ chẳng cần tới một nhà nghỉ nếu quý vị không chịu ở lại đêm. Do đề xuất đóng ba trại, Phierơ đang tìm cách kéo dài sự ở lại của họ, thậm chí (hoặc, chúng ta có thể nói, đặc biệt vì) họ sắp rời đi. Phierơ nhơn đó muốn kéo dài sự vinh hiển của biến cố nầy. Có thể là ông đã ích kỷ muốn ra sức kéo dài sự phấn khích và thưởng thức cho mình về các vị khách quý đến từ trời nầy. Đừng nghĩ rằng sự ích kỷ nằm ngoài cuộc thắc mắc. Nếu quý vị nghĩ như thế, hãy đọc tiếp tục trong chương nầy.
Lời đề nghị của Phierơ cũng có thể bị tác động bởi ao ước muốn nhìn thấy vương quốc cùng sự vinh hiển của nước ấy vừa được lập nên NGAY BÂY GIỜ. Chúa Jêsus đã phán về sự thương khó, sự chối bỏ, và sự chết của Ngài. Có một vài biến cố xen vào, có ý nói vương quốc sẽ không đến mau chóng theo như người ta (gồm có cả các môn đồ) đều nghĩ. Sự ra đi của Êli và Môise không phải là một dấu hiệu tốt, sâu xa như Phierơ quan tâm, vì sự ra đi ấy cho thấy có sự lần lửa. Giữ họ lại quanh đó, hành động nầy thúc giục sự đến của vương quốc, một việc hãy còn ở trong trí của các môn đồ thậm chí ngay sau khi có sự sống lại (đối chiếu Công vụ các sứ đồ 1.6).

Sự can thiệp và lời phán thiêng liêng
Nếu sự ra đi của Môise và Êli đã thúc giục Phierơ mau mắn nói, lời lẽ thiếu suy nghĩ của Phierơ dường như là lý do cho sự xen vào thiêng liêng nầy, dường như nó khiến cho Phierơ phải dừng lại ở giữa câu nói:
“Khi người còn đang nói, có một đám mây kéo đến, bao phủ lấy; và khi vào trong đám mây, các môn đồ đều sợ hãi. Bấy giờ, nghe có tiếng từ trong đám mây phán ra rằng: Nầy là Con ta, Người được lựa chọn của ta, hãy nghe Người” (Luca 9.34-35).
Một đám mây chói loà bao phủ lấy hết thảy họ dường như muốn che không cho họ nhìn thấy nhau, hoặc ít nhất bao phủ lấy Êli và Môise, vì khi đám mây biến mất, thì hai người nầy không còn ở đó nữa. Sự xuất hiện của đám mây đã khiến cho các môn đồ càng sợ hãi hơn. Đám mây đã làm cho Phierơ phải nín lặng. Kế đó Đức Chúa Trời phán với họ qua đám mây, thêm sự làm chứng của Ngài rằng Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, Vua của Ysơraên.
Lời phán của Đức Chúa Trời là một công thức rất tỉ mỉ, chọn lọc cẩn thận, được sử dụng để bổ nhiệm Vua của Ysơraên. Từ ngữ: “Nầy là Con Ta”, cũng đã được chính Đức Chúa Trời phán ra trước đó lúc Chúa chúng ta chịu phép báptêm (đối chiếu Luca 3.220, được hiểu theo ánh sáng của nguồn gốc và ý nghĩa của Cựu ước. Trong II Samuên 7.14, từ ngữ đã được Đức Chúa Trời sử dụng kèm với tham khảo đến Salômôn, và triều đại Đavít nối theo sau, và Chúa chúng ta là Nhà Vua thuộc dòng dõi sau cùng và đời đời. Salômôn là Vua của Ysơraên, và là con trai của Đavít, và Đức Chúa Trời đã phán về ông như thế đó.
Rõ ràng là khi Đức Chúa Trời hứa một vương quốc đời đời cho Đavít, “con” mà Ngài đang phán chính là Salômôn, con trai của Đavít, và không phải là Đức Chúa Jêsus Christ. “Ngươi là con ta” là một công thức đăng quang, lên ngôi, một cách tôn tặng, câu nói nầy chỉ ra rằng Đức Chúa Trời đã tấn phong con người nầy làm vua, người được gọi là “con” của Ngài. Là “con của Đức Chúa Trời”, theo ý nghĩa nầy thì là Vua của Đức Chúa Trời.
Điều nầy rất rõ ràng theo ýnghĩa của từ ngữ “Ngươi là Con Ta”, từ ngữ nầy thấy có trong Thi thiên 2, chỉ ở đây đặc biệt từ ngữ nầy nói đến Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài là Vua đời đời của Ysơraên:
“Dầu vậy, ta đã lập Vua ta Trên Si-ôn là núi thánh ta. Ta sẽ giảng ra mạng lịnh: Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Ngươi là Con ta; Ngày nay ta đã sanh Ngươi. Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại bang làm cơ nghiệp, và các đầu cùng đất làm của cải. Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; Con sẽ làm vỡ nát chúng nó khác nào bình gốm” (Thi thiên 2.6-9).
Và vì thế, khi chúng ta thấy từ ngữ “Nầy là Con Ta, là kẻ mà ta đã lựa chọn”, từ ngữ đó chính là sự minh chứng dứt khoát. Chúa Jêsus là Đấng Mêsi. Chúa Jêsus là Vua của Ysơraên. Phierơ cũng nói ra như thế. Chúa Jêsus đã phán như thế. Đức Chúa Cha bấy giờ cũng đã phán như thế, theo một phương thức rất dứt khoát và mạnh mẽ nữa. Thế nhưng sự xác minh Chúa Jêsus chỉ mới là phần khởi đầu mà thôi. Câu nói sau cùng của Đức Chúa Cha, phán ra từ giữa nét chói loà của đám mây rực rỡ kia, giải thích ý nghĩa lai lịch của Chúa Jêsus. Sau đây là dòng cuối, phần ứng dụng của lời khẳng định thiêng liêng: “Hãy nghe Người” (Luca 9.35).
Quan sát
Trước khi chúng ta tìm cách khám phá mọi hàm ý và ứng dụng của sự hoá hình, chúng ta hãy dừng lại trong một phút để quan sát ba nhân vật đã chứng kiến biến cố nầy. Có ba nhân chứng cho sự hoá hình: Phierơ, Giăng và Giacơ. Cũng có ba câu chuyện kể về sự hoá hình trong các sách tin lành: Mathiơ, Mác và Luca. Trong khi có ba nhân chứng cho sự hoá hình, chẳng có ai trong số họ là tác giả sách tin lành, điều nầy há không đáng chú ý sao? Mathiơ, là người viết ra một trong các câu chuyện, là một trong chín người ở lại phía sau. Mặt khác, Giăng là người cùng đi với Chúa Jêsus lên núi hoá hình, và là người viết ra câu chuyện tin lành, lại không có ghi lại sự hóa hình trong sách tin lành của ông. Tôi thấy điều nầy thật là thú vị đây. Nếu một sự cố quan trọng như thế sẽ diễn ra hôm nay, chúng ta dám chắc sẽ có một “đoàn quân báo chí” được mời đến ngay. Chúa Jêsus đã không làm như thế, và Ngài vốn biết rõ điều chi sẽ xảy ra rồi (đối chiếu Luca 9.27).
Tôi không dám quả quyết rằng mình có thể giải thích lý do tại sao đây lại là sự thật, tại sao Chúa Jêsus mời ba người nầy cùng đi, thế mà chẳng ai trong số họ cung ứng một câu chuyện nói về sự cố nầy theo cách riêng. Tôi nghĩ mình dám nói chắc rằng Chúa Jêsus không muốn lợi dụng hay nhấn mạnh bối cảnh ngoạn mục đó. Nếu Ngài điều khiển mọi vụ việc giống như các cấp lãnh đạo tôn giáo đang làm, không những Ngài đem theo 12 môn đồ cùng đi, mà Ngài còn đem theo radio, TV, báo chí và một đám đông nhân chứng cùng đi với Ngài nữa. Chúa Jêsus không nâng cao tột đỉnh bối cảnh ngoạn mục ấy, trong khi chúng ta nâng bối cảnh đó lên cao. Có lẽ chúng ta cần phải tiếp thu một bài học từ nơi Chúa chúng ta ở đây.
Thế nhưng tại sao Ngài không nâng cao phép lạ nầy? Thêm nữa, tại sao Chúa Jêsus lại nhất quyết hạ thấp bối cảnh ấy chứ? Tôi nghĩ đến một lý do. Bối cảnh đó thực sự không thuyết phục hay làm biến đổi ai hết. Xuyên suốt chức vụ trên đất của Ngài. Chúa Jêsus thường bị người ta thách thức phải làm ra việc chi thật đặc biệt, hầu minh chứng Ngài là ai. Thậm chí khi ở trên cây thập tự Ngài còn bị thách thức hãy tự mình xuống khỏi cây thập tự giá đó. Nhưng nếu Ngài làm theo như thế, thì chẳng có gì là khác biệt nữa đâu. Chúa Jêsus, trong câu chuyện nói về người nhà giàu và Laxarơ, đã phán rằng nếu có người sống lại từ kẻ chết, thì người đó cũng không tin một khi người đó đã chối bỏ kinh Cựu ước (Luca 16.27-31). Nếu, như Chúa Jêsus đã phán với Phierơ, thịt và huyết không làm cho người ta tin vào lai lịch của Ngài, mà đúng hơn là Đức Chúa Cha, thì chẳng có một phép lạ đặc biệt nào có thể làm cho hạng người hư mất biến đổi được. Cho nên, Chúa chúng ta không nâng cao phép lạ trên núi hoá hình nầy.
Ý nghĩa của phép lạ
Còn phép lạ, nó có ý nghĩa như thế nào? Chúng ta trước tiên hãy xét qua ý nghĩa của phép lạ theo ánh sáng của cuộc tranh luận có trong tin lành của Luca. Sự hoá hình đã được vạch ra, tôi tin, để làm một số việc:
(1) Sự hoá hình khẳng định lai lịch của Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Ysơraên. Khi Đức Chúa Cha phán Chúa Jêsus là Con của Ngài, Ngài đã liệu định vấn đề lai lịch của Ngài cho đến đời đời. Lời tuyên xưng của Phierơ đã được chính Đức Chúa Trời khẳng định, thật dứt khoát, và rốt ráo.
(2) Sự hoá hình cũng được đồng hoá với “vương quốc” mà Chúa chúng ta cùng các môn đồ Ngài đã rao giảng, Cựu ước cũng có nói tới, đây là “Nước” mà người Dothái hằng mong đợi. Hãy chú ý hết thảy các điểm tương tự giữa sự tỏ ra của Giao Ước Môise và “vương quốc” mà Đức Chúa Trời đã thiết lập ở đó sau khi Xuất Aicập, với hiện tượng đã diễn ra trên núi hoá hình. Môise đã có mặt ở đây, y như ông đã có mặt trong lần Xuất Aicập (đối chiếu chương 19 trở đi). Môise đã lên trên đỉnh núi (Xuất Êdíptô ký 19.3), giống như Chúa Jêsus đem ba người cùng lên hòn núi cao kia vậy. Trong Xuất Êdíptô ký 24.16-18 có một đám mây Đức Chúa Trời đã phán ra từ đó, giống y như Đức Chúa Trời đã phán ra từ đám mây chói loà trên núi hoá hình (đối chiếu sự vinh hiển Shekinah, Xuất Êdíptô ký 40.34). Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trông thấy được bằng mắt thường trên núi (Xuất Êdíptô ký 19.11), giống y như sự vinh hiển của Chúa chúng ta trông thấy được bằng mắt thường trên núi hoá hình. Trên đỉnh núi, mặt Chúa Jêsus đã sáng loà lên như mặt trời (đối chiếu Mathiơ 17.2), giống như gương mặt của Môise sáng rực lên khi ông từ trên núi xuống (Xuất Êdíptô ký 34.29-35). Từng chi tiết một, những điểm giống nhau thật là nhiều và thật là rõ ràng, nên cần phải kết luận rằng Nước mà Chúa chúng ta đang làm Vua và Nước mà Cựu ước có nói tới có quan hệ mật thiết với nhau.
(3) Sự hoá hình chỉ ra rằng Chúa Jêsus không phải là Môise cũng không phải là Êli, mà, quả thật là Đấng còn cao trọng hơn nhiều lắm. Chúng ta biết có người nghĩ Chúa Jêsus là Êli, trong khi nhiều người khác nghĩ Ngài là một vị tiên tri đã sống lại từ kẻ chết (Luca 9.8, 19). Môise và Êli không những là hai nhân vật trong Cựu ước có liên quan mật thiết với vương quốc hầu đến, mà lai lịch của họ còn bị nhầm lẫn với Chúa Jêsus. Khi Chúa Jêsus được biệt riêng ra đối với mọi người khác bởi Đức Chúa Cha gọi Ngài là “Con”, Ngài cũng bị phân biệt đối với Môise và Êli nữa.
Sự thể cho thấy rằng mãi cho tới khi Đức Chúa Cha phán ra từ đám mây, Phierơ đã trông thấy Chúa Jêsus, Môise và Êli là những người như đồng thời, ngang hàng với nhau. Nếu thực như vậy, câu nói của Đức Chúa Cha đã làm cho ai nấy nhận biết tính siêu việt của Chúa Jêsus cao cả hơn mọi nhân vật khác, kể cả Môise và Êli, đã sống lại từ kẻ chết hay là không.
(4) Sự hoá hình một lần nữa chứng tỏ rằng mão triều thiên và thập tự giá là mỗi chi tiết dành cho một chương trình. Khi Chúa Jêsus được Phierơ xác định là Vua hầu đến, Phierơ không sẵn lòng chấp nhận sự thật sẽ phải chết trên cây thập tự. Phierơ muốn có một Vua với mão triều thiên, song lại không bằng lòng có một vị Vua với một thập tự giá. Sự hoá hình gắn chặt sự vinh hiển của Nước hầu đến với việc “Xuất Aicập” của Chúa Jêsus tại thành Giêrusalem – thập tự giá. Sự thật cho thấy thập tự giá chính là con đường mà Đức Chúa Cha đã ấn định cho mão triều thiên.
(5) Sau cùng, sự hoá hình là một bằng chứng cho sự thật Đức Chúa Trời có quyền làm cho người ta sống lại từ kẻ chết, để thừa hưởng vương quốc. Lý do tại sao Phierơ từ chối thập tự giá: ấy là thập tự giá không đáng sánh với mão triều thiên. Làm cách nào người chết sống trong Nước của Đức Chúa Trời cho được!?! Chúa Jêsus dạy rằng ai từ bỏ sự sống mình sẽ tìm lại được. Sự hiện diện của các thánh đồ trong Cựu ước, cả hai vị đều bị coi là đã chết từ lâu rồi, họ còn sống động và nói năng với Chúa Jêsus, là bằng chứng cho sự thật là cái chết không ngăn trở được một thánh đồ dự phần vào Nước của Đức Chúa Trời hầu đến.
Sự hoá hình của Chúa chúng ta đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bày tỏ ra chương trình cùng các mục đích của Đức Chúa Trời, là Đấng Christ của Đức Chúa Trời. Sự hoá hình ấy khẳng định theo một phương thức thật dứt khoát, rằng Chúa Jêsus là sự ứng nghiệm mọi điều trông cậy của thánh đồ Cựu ước, rằng Ngài là Đấng Mêsi. Song sự cố nầy còn có những lý do khác nữa đối với Phierơ, Giăng và Giacơ!?! Tôi tin rằng phần ứng dụng đã được chính Đức Chúa Cha đưa ra rất rõ ràng và trọn vẹn nữa: “Hãy nghe người” (Luca 9.35).
Bài học đã được trình bày như một nguyên tắc với những lời nầy: NẾU CHÚA JÊSUS LÀ ĐẤNG MÊSI, ĐẤNG CHRIST CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI, THÌ CON NGƯỜI CẦN PHẢI CẨN THẬN NGHE THEO NGÀI.
Phierơ đã nói ra đủ khi ông xưng nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời. Ông không nói ra điều chi khác sâu sắc và chân thật hơn. Nhưng phần còn lại Phierơ đã nói ra thì không thành thật và không thích ứng. Khi Phierơ kháng cự thập tự giá ở đồi Gôgôtha, là suy tưởng của con người, và ông đã nói như thể ông là Satan vậy. Lời lẽ của Đức Chúa Trời, đã phán ra từ giữa đám mây có ý định hoặc Phierơ phải im lặng đi, khiến cho ông phải chú ý lắng nghe nhiều hơn là phát biểu, sốt sắng học biết từ Đấng Christ hơn là sửa sai Ngài. Nếu Chúa Jêsus là Đấng theo như Phierơ mới phát biểu, và là Đấng mà Đức Chúa Cha đã chỉ ra, thì im lặng là vàng chớ có phải phát biểu là vàng đâu!?! Phierơ phải nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn. Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời phải được người ta lắng nghe và các môn đồ Ngài phải là hạng người biết tiếp thu, biết lắng nghe.
Nguyên tắc nầy không phải là nguyên tắc gì mới mẻ trong Kinh Thánh đâu. Trong Thi thiên 2, dòng ứng dụng cuối hết là: “Nếu Đấng Mêsi là Con của Đức Chúa Trời, người ta phải ở trong mối tương giao phải lẽ với Ngài”. Hãy nhìn xem sứ điệp của Thi thiên nầy:
Thi thiên 2: “Nhân sao các ngoại bang náo loạn? Và những dân tộc toan mưu chước hư không? Các vua thế gian nổi dậy, Các quan trưởng bàn nghị cùng nhau Nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch Đấng chịu xức dầu của Ngài, mà rằng: Chúng ta hãy bẻ lòi tói của hai Người, Và quăng xa ta xiềng xích của họ. Đấng ngự trên trời sẽ cười, Chúa sẽ nhạo báng chúng nó. Bấy giờ Ngài sẽ nổi thạnh nộ phán cùng chúng nó, Dùng cơn giận dữ mình khuấy khỏa chúng nó, mà rằng: Dầu vậy, ta đã lập Vua ta Trên Si-ôn là núi thánh ta. Ta sẽ giảng ra mạng lịnh: Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Ngươi là Con ta; Ngày nay ta đã sanh Ngươi. Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại bang làm cơ nghiệp, Và các đầu cùng đất làm của cải. Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; Con sẽ làm vỡ nát chúng nó khác nào bình gốm. Vì vậy, hỡi các vua, hãy khôn ngoan; Hỡi các quan xét thế gian, hãy chịu sự dạy dỗ. Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách kính sợ, Và mừng rỡ cách run rẩy. Hãy hôn Con, e Người nổi giận, Và các ngươi hư mất trong đường chăng; Vì cơn thạnh nộ Người hòng nổi lên. Phàm kẻ nào nương náu mình nơi Người có phước thay!”
Có nhiều người nhận biết thần tính và quyền phép của Chúa Jêsus, họ càng trở nên hạng người học hỏi và lắng nghe càng thêm. Họ thấy nên im lặng là thích đáng trong sự hiện diện của Ngài. Bài học mà Đức Chúa Trời muốn Phierơ phải tiếp thu cũng chính là bài học mà tác giả thơ Hêbơrơ đang dạy dỗ:
Hêbơrơ 1.1 – 2.5: “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian; Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bản thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật; sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao, vậy được hưởng danh cao hơn danh thiên sứ bao nhiêu, thì trở nên cao trọng hơn thiên sứ bấy nhiêu. Vả, Đức Chúa Trời há có bao giờ phán cùng thiên sứ nào rằng: Ngươi là Con ta, Ngày nay ta đã sanh ngươi? Lại há có khi nào phán: Ta sẽ làm Cha người, Người sẽ làm Con ta? Còn khi Ngài đưa Con đầu lòng mình vào thế gian, thì phán rằng: Mọi thiên sứ của Đức Chúa Trời phải thờ lạy Con. Nói về thiên sứ thì Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời làm cho thiên sứ Ngài như gió, Và tôi tớ Ngài như ngọn lửa. Nhưng nói về Con thì lại phán rằng: Hỡi Đức Chúa Trời, ngôi Chúa còn mãi đời nọ qua đời kia, Quyền bính của nước Chúa là quyền bính ngay thẳng. Chúa ưa điều công bình, ghét điều gian ác; Cho nên, hỡi Chúa, Đức Chúa Trời của Chúa lấy dầu vui mừng xức cho, Khiến Chúa trổi hơn kẻ đồng loại mình Lại có phán: Hỡi Chúa, ban đầu trước hết Chúa đã dựng nền đất, Và các từng trời cũng là công việc của tay Chúa. Trời đất sẽ hư đi, nhưng Chúa hằng có; Trời đất sẽ cũ đi như cái áo; Ngài sẽ cuốn nó lại như cái áo choàng, Rồi trời đất sẽ biến đổi, Nhưng Chúa vẫn y nguyên, Các năm của Chúa không hề cùng. Đức Chúa Trời há có bao giờ phán cùng thiên sứ nào rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, Cho đến chừng nào ta để kẻ thù nghịch làm bệ dưới chân ngươi? Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao? Vậy nên, chúng ta phải càng giữ vững lấy điều mình đã nghe e kẻo bị trôi lạc chăng. Vì nếu lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy, thì làm sao tránh cho khỏi được? -là sự cứu rỗi Chúa truyền ra trước hết, rồi có những kẻ nghe chứng nghiệm nó cho chúng ta, Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó. Vả, thế gian hầu đến mà chúng ta nói đó, Đức Chúa Trời chẳng từng khiến nó phục dưới quyền các thiên sứ”.
Phierơ, ông không viết một câu chuyện tin lành, ông đề cập tới sự hoá hình. Hãy chú ý sứ điệp của Đức Chúa Cha cho ba người (kể cả ông) là một sứ điệp mà Phierơ đã chuyển sang cho độc giả của ông:
II Phierơ 1.12-21: “Bởi vậy cho nên, dầu anh em biết rõ ràng và chắc chắn trong lẽ thật hiện đây, tôi cũng sẽ nhắc lại những điều đó cho anh em chẳng thôi. Nhưng tôi còn ở trong nhà tạm nầy bao lâu, thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em, là bổn phận của tôi vậy; vì tôi biết tôi phải vội lìa nhà tạm nầy, như Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đã bảo cho tôi. Nhưng tôi ân cần rằng sau khi tôi đi, anh em có thể hằng nhớ điều tôi đã nói. Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài. Vì Ngài đã nhận lãnh sự tôn trọng vinh hiển từ nơi Đức Chúa Trời, Cha Ngài, khi Đấng tôn nghiêm rất cao phán cùng Ngài rằng: "Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường." Chính chúng tôi cũng từng nghe tiếng ấy đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên hòn núi thánh. Nhân đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và sao mai mọc trong lòng anh em. Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời”.
Và Giăng, tác giả của sách Khải huyền, đưa ra câu chuyện nói về sự mặc khải của Chúa vinh hiển nầy, dường như ông là người chỉ đứng nhìn xem nhiều hơn khi trông thấy Ngài trên núi hoá hình:
Khải huyền 1.10-20: “Nhằm ngày của Chúa, tôi được Đức Thánh Linh cảm hóa, nghe đằng sau có tiếng kêu vang, như tiếng loa, rằng: Điều ngươi thấy, hãy chép vào một quyển sách mà gởi cho bảy Hội Thánh tại Ê-phê-sô, Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi và Lao-đi-xê. Bấy giờ tôi xây lại đặng xem tiếng nói với tôi đó là gì; vừa xây lại thấy bảy chân đèn bằng vàng, và ở giữa những chân đèn có ai giống như con người, mặc áo dài, thắt đai vàng ngang trên ngực. Đầu và tóc người trắng như lông chiên trắng, như tuyết; mắt như ngọn lửa; chân như đồng sáng đã luyện trong lò lửa, và tiếng như tiếng nước lớn. Tay hữu người cầm bảy ngôi sao; miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức. Vừa thấy người, tôi ngã xuống chân người như chết; nhưng người đặt tay hữu lên trên tôi, mà rằng: Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ. Vậy hãy chép lấy những sự ngươi đã thấy, những việc nay hiện có và những việc sau sẽ đến, tức là sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao mà ngươi thấy trong tay hữu ta, và của bảy chân đèn vàng. Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội thánh, còn bảy chân đèn là bảy Hội thánh vậy”.
Chúa vinh hiển là Đấng đang phán với các Hội thánh, qua lời lẽ đã được ghi lại trong chương 2 và 3. Hãy chú ý vào việc đã được phán cho tất cả các Hội thánh:
“Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán…” (2.7, 11, 29; 3.6, 13, 22).
Những lời sau cùng của sách Khải huyền một lần nữa nhắc cho chúng ta nhớ đến nguyên tắc nầy:
“Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách nầy: nếu ai thêm vào sách tiên tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách nầy. Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên tri nầy, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách nầy” (Khải huyền 22.18-19).
Kết luận
Nếu Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời, là Vua đã được chọn không những chịu chết vì cớ tội lỗi của con người, mà là nhà Vua sẽ đến (như Thi thiên 2 chỉ ra) để bắt phục các kẻ thù của Ngài, thì chúng ta càng phải lắng nghe Ngài nhiều hơn vào lúc bây giờ. Đây chính là sứ điệp mà Phierơ đã rao giảng thật mạnh mẽ cho người đồng hương của ông trong Công vụ các sứ đồ 2: “Vì vua Đa-vít chẳng hề lên trời, nhưng chính người có nói: Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, Cho đến chừng nào ta để kẻ thù nghịch ngươi dưới chân ngươi, đặng làm bệ cho ngươi. Vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Jêsus nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ” (Công vụ các sứ đồ 2.34-36).
Nầy các bạn tôi ơi, nếu quý vị chưa nhìn biết Chúa Jêsus ở Naxarét là Vua của Đức Chúa Trời, thì quý vị đang là kẻ thù của Ngài, và, có một Phierơ nhắc cho chúng ta trong Kinh Thánh, Ngài sẽ tái lâm để trừng phạt các kẻ thù của Ngài. Phần ứng dụng cho quý vị đúng y như phần ứng dụng mà Phierơ đã đưa ra cho thính giả của ông:
“Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh. Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi” (Công vụ các sứ đồ 2.38-39).
Tôi thúc giục quý vị, bạn hữu của tôi, nếu quý vị chưa công nhận tội lỗi mình, sự loạn nghịch của quý vị chống nghịch Đức Chúa Trời, và tin cậy Chúa Jêsus là Đấng đã gánh lấy tội lỗi của quý vị, thì hãy xưng nhận ngay hôm nay đi, vì có một ngày sẽ đến, quý vị phải công nhận Ngài là Vua của Đức Chúa Trời.
Đối với hết thảy chúng ta, giống như Phierơ, là người đã đạt tới chỗ tin cậy Chúa Jêsus làm Cứu Chúa, phần ứng dụng là đây: chúng ta phải nghe theo Ngài. Chắc chắn chẳng một ai trong chúng ta là những người đã tin cậy nơi Ngài sẽ từ chối điều nầy, song thắc mắc là đây: chúng ta có thực sự nghe theo Ngài chưa?
Con người có thể nghe theo Chúa Jêsus ngày nay bằng cách nào? Chỉ có môt câu trả lời duy nhất mà thôi, và đấy là: chúng ta lắng nghe Ngài bằng cách đọc Lời của Ngài. Điều nầy thường được ám chỉ hay nói tới rất thường trong Kinh Thánh. Thật rõ ràng trong Hêbơrơ 1 và 2. Đức Chúa Trời đã phán dạy qua thân vị của Con Ngài. Nếu con người nghe được Đức Chúa Trời phán dạy mọi điều trong thời Cựu ước, chúng ta càng phải nghe theo Ngài càng hơn qua Con của Ngài, là Ngôi Lời hằng sống, và là Lời thành vãn nói về Ngài và vì Ngài.
Có nhiều “Cơ đốc nhân” đang chịu khó làm việc với chúng ta ngày nay, và đáng tiếc họ thường không ghi chép để làm nâng cao phần nghiên cứu về Kinh Thánh, mà làm việc để thay thế cho việc ấy. Tôi rất kinh ngạc khi thấy có nhiều sách báo “mốt” Cơ đốc đang thịnh hành. Đây là các loại sách báo tìm sự thoả mãn nơi sự khôn ngoan của con người, hơn là sự khải thị thiêng liêng. Họ không chỉ cho chúng ta Kinh Thánh, mà tránh né Kinh Thánh. Ôi, những đề tựa vang dội tiếng tăm Cơ đốc, song thần học thì chẳng có gì hết. Các loại sách báo nầy chỉ hiện hữu ở đây trong một lúc, không hề được đọc đi đọc lại hay được thực hành, vì chúng không còn hợp thời nữa.
Có một câu nói rất phổ thông trong giới Cơ đốc ngày hôm nay, do một người tin kính đặt ra (tôi cho là vậy), câu nói ấy như sau: MỌI SỰ THẬT ĐỀU LÀ LẼ THẬT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
Tôi chẳng đồng ý lắm đâu. Nếu câu nói nầy là thực, thì đó là lẽ thật của Đức Chúa Trời. Vấn đề là đây: nếu đấy không phải là lẽ thật của Kinh Thánh – lẽ thật được tỏ ra rõ ràng trong Kinh Thánh – chúng ta chưa biết đó có là sự thật hay là không. Câu nói nầy: “Mọi sự thật đều là lẽ thật của Đức Chúa Trời” đã trở thành biểu ngữ cho hạng người muốn biến công tác nghiên cứu các đề tài thế tục thành phần việc chủ yếu của họ. Tôi e rằng chúng ta sử dụng câu nói ấy như một sự bào chữa mà thôi.
Nếu tôi hiểu các phân đoạn như II Timôthê 3.15-17 và II Phierơ 1.3-4 một cách chính xác. Không có một sự thật nào cần thiết cho cuộc sống hay sự tin kính mà Đức Chúa Trời chưa tỏ ra đầy đủ trong Kinh Thánh. Vì cuộc sống tin kính chẳng cần tới một nguồn mặc khải nào khác. Nếu sách báo và các bài giảng làm nâng cao phần học hỏi và nắm bắt của chúng ta về Kinh Thánh, thì đấy là những gì chúng ta có cần. Nếu chúng ngăn trở sự nâng cao và nắm bắt đó, thì chúng ta không cần tới chúng. Chúng ta hãy nghe theo mọi điều Chúa phán dạy chúng ta trong LỜI của Ngài.
Về mặt nguyên tắc chúng ta hết thảy đều đồng ý là chúng ta sẽ nghe theo Chúa Jêsus bằng cách đọc Lời của Ngài, song trong thực tế chúng ta, giống như Phierơ lại nghe theo điều khác. Nhiều Cơ đốc nhân cho rằng nghe theo một nhà truyền đạo là nghe theo Lời của Đức Chúa Trời. Không phải như vậy đâu! Đức Chúa Trời đã ban ơn cho loài người để giảng dạy Lời của Ngài, nhưng nghe để nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về Ngôi Lời, chớ không phải thay thế phần học hỏi của chúng ta. Rõ ràng là con người có thể sai lầm trong sự hiểu biết của họ về Ngôi Lời, thực tế cho thấy còn có nhiều sự bất đồng. Đức Chúa Trời bắt chúng ta chịu trách nhiệm về những gì chúng ta tin, chớ không phải về những điều người khác dạy dỗ chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe nhiều hơn.
Chúng ta, giống như Phierơ, thường nói về Ngôi Lời hơn là chúng ta lắng nghe Ngôi Lời. Tôi có đến nhóm nhiều buổi học Kinh Thánh, ở đấy người ta hay nói như vậy: “Đúng, đây là những gì phân đoạn nầy muốn nói với tôi…”. Hầu hết chúng ta đều chưa nghiên cứu phân đoạn Kinh Thánh đủ để có bất kỳ một ý kiến nào đối với ý nghĩa của phân đoạn ấy. Chúng ta chất đầy bầu không khí với ý tưởng của chúng ta, hơn là để cho ý tưởng của Đức Chúa Trời chiếm hữu mình. Không biết tới sự kiện nầy, lời lẽ của chúng ta giống như lời lẽ của Phierơ – chúng ta không biết mình đang nói gì. Việc quan trọng là tiếp thu xem phân đoạn Kinh Thánh nói cái gì, và rồi hãy tự hỏi chúng ta sẽ làm gì đối với phân đoạn đó. Chúng ta hãy lắng nghe Lời của Đức Chúa Trời, và nói rất ít về Lời ấy.
Có một thế giới khác biệt giữa cái tôi gọi là “tư hữu hoá” Kinh Thánh và “cá nhân hoá” Kinh Thánh. Tư hữu hoá Kinh Thánh là điều Phierơ đã cảnh cáo chúng ta trong chương thứ nhất của bức thư thứ nhì của ông. Thực ra, ông đã nói: “Đức Chúa Trời không bày tỏ lời tiên tri qua con người nói theo lý trí của mình, họ viết ra điều mà họ ưa thích”. Đức Chúa Trời điều khiển con người viết ra những gì Ngài muốn nói, Ngài cảm thúc các phân đoạn Kinh Thánh tránh theo ý người mà một phải theo ý muốn của Đức Chúa Trời – loại ý tưởng luôn bị bóp méo, không đúng, giống như các quan điểm của Phierơ về Đấng Mêsi là không đúng vậy. Lời lẽ của Phierơ dường như cho rằng Đức Chúa Trời đã canh giữ Lời của Ngài qua quá trình inscripturization (quá trình qua đó các sách trong Kinh Thánh được viết ra và được bảo tồn), vì vậy Đức Chúa Trời đã ban Thánh Linh Ngài cho con người để Ngài có thể soi dẫn chúng ta giải thích Kinh Thánh sao cho chính xác, vì chúng ta có khả năng vặn cong, bóp méo Kinh Thánh trong sự lý giải giống như con người đã bóp méo, vặn cong Kinh Thánh trong quá trình sao chéo và bảo tồn Kinh Thánh (ngoài sự can thiệp và cho phép của Đức Chúa Trời). Chúng ta hãy cẩn thận việc khiến cho Kinh Thánh phải nói ra điều mà chúng ta ưa thích Kinh Thánh phải nói, hơn là để cho Đức Chúa Trời phán với chúng ta qua các phân đoạn Kinh Thánh, thường quở trách chúng ta, hay mở rộng cái nắm bắt của chúng ta đối với sự nhơn từ, ân sủng, quyền phép, sự thánh khiết của Ngài, và sự sa ngã, sự yếu đuối, và nhu cần về sự tha thứ và sự được phép của chúng ta.
Chúng ta thường “lắng nghe” Lời của Đức Chúa Trời theo cùng một cách mà Pheirơ đã lắng nghe. Chúng ta lắng nghe các chi tiết chúng ta ưa thích (nghĩa là “mão triều thiên”) và chúng ta chối bỏ các chi tiết chúng ta chẳng ưa thích (nghĩa là “thập tự giá”). Chúng ta không nên có quan điểm như thế nầy. Đấy là những gì sự hoá hình đang nói ra vói Phierơ. Mão triều thiên và thập tự giá người ta phải tin tưởng và thực hành chung với nhau. Chúng không thể bị phân ra, để chúng ta giữ chặt các chi tiết trong chương trình của Đức Chúa Trời, những điều mà chúng ta thấy rất lôi cuốn và đáng chấp nhận. Khi chúng ta đọc Ngôi Lời, thường thì chúng ta đọc theo kiểu lựa chọn, nắm bắt mọi lời hứa, mọi niềm hy vọng, sự yên ủi trong Kinh Thánh, mà bất chấp hay gạt qua một bên sự trách phạt của Kinh Thánh. Lời phán của Đức Chúa Trời đáng phải rung lên bên tai của chúng ta: khi Chúa Jêsus làm Vua, chúng ta đáng phải nghe theo mọi điều Ngài phán dạy, mọi sự trong những gì Ngài phán dạy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét